intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Thuận lợi và khó khăn trong đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập trong điều kiện tự chủ: Nghiên cứu trường hợp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đào tạo cử nhân kế toán

Chia sẻ: Lệ Minh Vũ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Thuận lợi và khó khăn trong đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập trong điều kiện tự chủ: Nghiên cứu trường hợp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đào tạo cử nhân kế toán" tập trung phản ánh thực trạng đó, với trường hợp điển hình là chương trình đào tạo cử nhân kế toán của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy bên cạnh tự chủ về chuyên môn, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng hợp tác, tình trạng bị động trong đầu tư, thu nhập thấp của giảng viên và khả năng thích ứng của sinh viên vẫn đang là những rào cản lớn chưa được giải quyết. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Thuận lợi và khó khăn trong đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập trong điều kiện tự chủ: Nghiên cứu trường hợp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đào tạo cử nhân kế toán

  1. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG ĐÀO TẠO ĐÁP ỨNG NHU CẦU HỘI NHẬP TRONG ĐIỀU KIỆN TỰ CHỦ: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP CỦA HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM, ĐÀO TẠO CỬ NHÂN KẾ TOÁN ADVANTAGES AND DISADVANTAGES OF TRAINING FOLLOWING INTEGRATION REQUIREMENTS UNDER UNIVERSITY AUTONOMY CASE STUDY ON VIETNAM NATIONAL UNIVERSITY OF AGRICULTURE, ACCOUNTING BACHELOR PROGRAM PGS.TS. Đỗ Quang Giám, TS. Phí Thị Diễm Hồng, TS. Lại Phương Thảo Học viện Nông Nghiệp Việt Nam Ngày nhận bài: 25/9/2021 Ngày nhận kết quả phản biện: 15/10/2021 Ngày chấp nhận đăng: 15/11/2021 TÓM TẮT Đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập đã và đang đựợc thực hiện ở nhiều trường đại học tại Việt Nam và có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên trong bối cảnh tự chủ đại học, nhiều cơ sở giáo dục đã và đang phải đối mặt những khó khăn khi thực hiện. Bài viết này tập trung phản ánh thực trạng đó, với trường hợp điển hình là chương trình đào tạo cử nhân kế toán của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy bên cạnh tự chủ về chuyên môn, nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng hợp tác, tình trạng bị động trong đầu tư, thu nhập thấp của giảng viên và khả năng thích ứng của sinh viên vẫn đang là những rào cản lớn chưa được giải quyết. Để giải quyết những tồn tại này, cần sự kết hợp đồng bộ của các bên: người học cần sự chủ động học, giảng viên không ngừng nâng cao trình độ, tìm tòi sáng tạo; cơ sở đào tạo tăng cường liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo quốc tế; cơ quan quản lý cần trao quyền tự chủ “thực” nhiều hơn cho cơ sở đào tạo. Từ khóa: Tự chủ; cử nhân kế toán: Đào tạo đáp ứng nhu cầu; Học viện nông nghiệp, đào tạo kế toán ABSTRACT Training to meet the needs of integration has been implemented in many universities in Vietnam, even tends to increase. However, in the context of university autonomy, many universities have been facing the difficulties. This article focuses on reflecting the status of this training, with the typical case of the accounting bachelor program of the Vietnam National University of Agriculture. Research results show that besides advantages of improving training quality, expanding cooperation, the passive status in investment, low income of lecturers and adaptability of students are still available as major unresolved points. In order to find solutions for these shortcomings, it is necessary to have an inclusive cooperation of the parties: learners need to actively learn, lecturers constantly improve their qualifications, explore and innovate; univiverities strengthen linkages with international enterprises and training institutions; the governing body needs to give more “real” autonomy to the universities. Key words: Autonomy; Accounting bachelor: Training following intergration, VNUA, training for accounting 636
  2. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 1. Đặt vấn đề Hội nhập quốc tế đã và đang tạo ra nhiều cơ hội phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho các quốc gia, trong đó có thị trường lao động. Hội nhập tạo điều kiện cho Việt Nam cải cách theo hướng an ninh-linh hoạt, kết nối quốc tế và thúc đẩy dịch chuyển lao động kỹ năng (Nguyễn Bá Ngọc và cộng sự, 2017). Khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đã có 8 nhóm nghề của Việt Nam cho phép lao động được tự do di chuyển trong khu vực gồm: kỹ sư, kiến trúc sư, kế toán, khảo sát, bác sỹ, nha sỹ, điều dưỡng, du lịch. Điều này đã giúp người lao động có được nhiều cơ hội việc làm tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho phát triển đất nước, nhưng cũng đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần phải đáp ứng nhu cầu hội nhập, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng theo chuẩn quốc tế. Đó cũng là lý do, trong thời gian gần đây (từ 2009 -2021) ngày càng nhiều cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thực hiện tự đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Thống kê sơ bộ của Cục Quản lý Chất lượng, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021 cho thấy, tính đến 31/1/2021, đã có 150 cơ sở giáo dục đại học đạt chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và 7 cơ sở giáo dục đại học đạt chứng nhật kiểm định chất lượng quốc tế như AUN-QA (Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN), HCERES (Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp). Tính đến hết tháng 3/2016, chỉ tính riêng chứng nhận kiểm định chất lượng theo AUN-QA, Việt Nam đã có hơn 49 chương trình được cấp chứng nhận đảm bảo chất lượng theo bộ tiêu chuẩn này (Đinh Ái Linh và Trần Trí Trinh, 2016). Kinh nghiệm thành công của các chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo đạt chứng nhận quốc tế cho thấy kết quả đánh giá kiểm định phụ thuộc nhiều vào cách thức đáp ứng các yêu cầu nội hàm của tiêu chuẩn, tiêu chí mà bộ tiêu chí đánh giá đưa ra, trong đó đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội (trong và ngoài nước) luôn là một chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kiểm định. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kế toán, nghiên cứu của Vũ Thị Diệp (2020) phản ánh, việc đào tạo kế toán đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có đủ khả năng đáp ứng tiêu chuẩn làm việc trong môi trường cạnh tranh vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại ở Việt Nam. Số người làm kế toán của Việt Nam hiện nay sẵn sàng cho hội nhập không chỉ ít về số lượng, còn yếu về chuyên môn. Thực tế, thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề (giai đoạn 2018-2019) cho thấy có tới 2/3 sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán, Kiểm toán chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng xét trên nhiều khía cạnh. Nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (giai đoạn 2015-2018), người lao động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã qua đào tạo của Việt Nam mặc dù được đánh giá là nhanh nhẹn, sáng tạo và có thể đáp ứng được nhu cầu… nhưng lại thiếu và yếu kỹ năng mềm (như: làm việc theo nhóm, ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ…), tính tuân thủ kỷ luật chưa nghiêm. Một thực tế nữa, từ năm 2018, nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán của Việt Nam luôn nằm trong tình trạng báo động đỏ về dư thừa nhân lực và được dự báo sẽ còn dư thừa trong nhiều năm tiếp theo (Mai Thanh Hằng, 2020). Mỗi năm Việt Nam có hàng chục nghìn sinh viên được đào tạo về kế toán, kiểm toán tốt nghiệp nhưng chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu của doanh nghiệp. Giải thích cho hiện trạng này, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một phần nguyên nhân đến từ phía cơ sở đào tào: trong đó, 80% người học cho rằng chương trình đào tạo ngành Kế toán của các cơ sở giáo dục đại học còn nặng về tính hàn lâm; 50% cho rằng, kiến thức chuyên ngành mà họ tiếp thu được ít; 70% trả lời, chưa thể nắm bắt được công việc kế toán, kiểm toán ngay mà phải hướng dẫn lại; 2/3 ý kiến khảo sát sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo, các trường đại học đào tạo ngành nghề kế toán, kiểm toán lớn và có uy tín của Việt Nam cho thấy chưa thể nắm bắt được công việc ngay khi được giao mà phải hướng dẫn và đào tạo lại; Gần như 100% sinh viên 637
  3. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 tốt nghiệp tự nhận thấy chưa thể cung ứng ngay dịch vụ kế toán, kiểm toán cho doanh nghiệp trong và ngoài nước (Lương Thị Yến, 2019). Để giải quyết tình trạng trên, cơ chế tự chủ giáo dục đại học đã được thực hiện ở nhiều trường đại học, đặc biệt từ khi Luật Giáo dục đại học (2012) được ban hành. Với quan điểm: trao quyền tự chủ cho các đơn vị đào tạo đại học, hướng đến sự chủ động trong chuyên môn, tài chính và tổ chức hoạt động, quản lý để các trường thực hiện mục tiêu sứ mạng đã đề ra, hướng đến một nền kinh tế với nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Song do những đặc trưng nhất định trong cơ chế tự chủ nói chung và tự chủ đại học nói riêng, nhất là đối với các cơ sở đào tạo công lập, việc thực hiện đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập đã và đang có những khó khăn nhất định. Nghiên cứu của Trần Đức Viên (2020) đã chỉ ra: về mặt lý thuyết, một trường đại học tự chủ (muốn khách quan tồn tại) không phải có bộ chủ quản hay không có bộ chủ quản mà vấn đề nằm ở chỗ trường đại học đó hoạt động và quản trị như thế nào, nhưng tại Việt Nam, cơ chế chủ quản đóng vao trò rất quan trọng trong việc để cho “trường ĐH hoạt động và quản trị như thế nào”. Chính vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp để giải quyết nhu cầu đào tạo tự chủ hướng đến hội nhập quốc tế nói chung và đối với ngành kế toán nói riêng là rất cần thiết. Bài viết này, tập trung vào phân tích những điểm thuận lợi và khó khăn của các cơ sở giáo dục đại học công lập trong đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập khi thực hiện cơ chế tự chủ theo định hướng của Luật giáo dục đại học (2012) và Nghị quyết 117/NQ-CP ngày 09/11/2017, với trường hợp điển hình của Học Viện Nông nghiệp Việt Nam và ngành đào tạo kế toán. Mục đích của bài viết là làm rõ tình huống điển hình, từ đó đề xuất nhóm giải pháp phù hợp cho điểm nghiên cứu và các cơ sở đào tạo đại học công lập có cùng tình huống (cơ chế tự chủ, đa ngành, ngành học kế toán không phải ngành mũi nhọn) làm căn cứ xác định hướng phát triển trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu hội nhập. 2. Tổng quan tài liệu 2.1. Đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập Đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập đã được bàn luận từ nhiều năm nay, không còn là vấn đề mới tại Việt Nam. Tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nội dung này đã được đề cập. Trong đó, ở nhiệm vụ số 9 của Nghị Quyết, nội dung đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập được định hướng là: Chủ động hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo và mở rộng liên kết đào tạo với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, chủ yếu trong giáo dục đại học. Gần đây, tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nó đã trở thành một chủ trương, một nhiệm vụ lớn trong phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo. Theo đó, nội dung nhiệm vụ là đào tạo phải đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Mà ở đó, hội nhập quốc tế được hiểu nhự một quá trình Việt Nam tiến hành các hoạt động gia tăng, gắn kết với các quốc gia khác về hoạt động giáo dục và đào tạo dựa trên sự chia sẻ về lợi ích, mục đích, trị giá, nguồn lực, quyền lực (thẩm quyền định đoạt chính sách) và tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế hoặc đơn vị quốc tế. Các luật chơi này thường biểu hiện cụ thể là các tiêu chuẩn về chất lượng nội dung, chương trình và tổ chức hoạt động đào tạo của từng cơ sở đào tạo và của cả hệ thống giáo dục giữa các quốc gia với nhau. Liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn, tại Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 1/1/2007 và Thông tư số 37/2012/TT-BGDĐT ngày 30/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo 638
  4. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 (GD&ĐT), Việt Nam đã thống nhất các tiêu chuẩn về chất lượng đào tạo đại học trong toàn bộ hệ thống giáo dục cả nước. Nội dung của các tiêu chuẩn này đã bám sát các quy định tiêu chuẩn chung của khu vực và quốc tế về giáo dục đào tạo đại học. Tính hết tháng 12/2016, cả nước đã có 212 trường đại học hoàn thành báo cáo tự đánh giá và 30 trường đã được đánh giá ngoài, trong đó có 12 trường đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng (Nguyễn Hữu Cương, 2017). Sau 10 năm thực hiện, với những đòi hỏi mới trong điều kiện phát triển quan hệ hội nhập nói chung và lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói riêng, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 12/2017/TT-BGDÐT ngày 19/5/2017 về Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục mới thay thế Bộ tiêu chuẩn năm 2007 và có hiệu lực từ đó đến nay. Đặc trưng của bộ tiêu chí mới là mức độ hội nhập với quốc tế đã được thực hiện ở mức cao hơn, theo Nguyễn Hữu Cương (2017), bộ tiêu chuẩn mới này giống như phiên bản Tiếng Việt của bộ tiêu chuẩn AUN-QA gồm 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí với nội dung chính đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học, được chia thành 4 nhóm: (i) Đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược (08 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí); (ii) Đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống (04 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); (iii) Đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng (09 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); và (iv) Kết quả hoạt động (04 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí). Bên cạnh việc hoàn thiện về tiêu chuẩn chất lượng, đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập của Việt Nam còn được triển khai ở nhiều khía cạnh khác như các hợp tác, thỏa thuận liên kết trong đào tạo giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, các hiệp định về trao đổi chuyên môn. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2013-2016, Bộ đã có 68 thỏa thuận quốc tế và 23 điều ước quốc tế được ký kết. Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ đã chủ trì đàm phán, ký kết 75 thỏa thuận và điều ước quốc tế cấp Chính phủ và cấp Bộ, riêng năm học 2019-2020, ký kết được 21 văn bản hợp tác quốc tế (gồm 6 văn bản cấp Chính phủ, 15 văn bản cấp Bộ) và ký kết thỏa thuận về công nhận văn bằng để thúc đẩy việc dịch chuyển sinh viên với các nước trong khu vực và trên thế giới như: Hiệp định về trường đại học Việt-Đức, Hiệp định về việc giảng dạy tiếng Anh theo chương trình hòa bình; Công hàm trao đổi về Dự án học bổng phát triển nguồn nhân lực với Nhật Bản; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Armenia về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và khoa học; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Latvia về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục; Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp về việc phát triển Trung tâm Pháp-Việt Đào tạo về quản lý (CFVG) giai đoạn 2019-2023 (Lê Hà, 2021) Về phía các cơ sở giáo dục đào tạo đại học, hầu hết các cơ sở đã chủ động và tích cực mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học, tăng số lượng các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, công nhận tín chỉ, liên thông chương trình với các trường đại học nước ngoài có uy tín, và xây dựng chính sách thu hút sinh viên, nhà khoa học nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Tính đến ngày 15/4/2018, đã có 248 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá theo bộ tiêu chí của Bộ giáo dục và đào tạo, 04 trường đại học đã được hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học của Pháp (HCERES) công nhận đạt chuẩn kiểm định trường đại học, 02 trường được đánh giá theo tiêu chuẩn của mạng lưới các trường đại học khu vực Đông Nam Á, và 05 trường có tên trong danh sách những trường tốp đầu của châu Á, 03 trường được gắn 3 sao bởi QS-Stars (Nguyễn Ngọc Ánh và Nguyễn Kiều Lan Thương, 2018). Đến cuối 2020, cả nước đã đã có hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế của 70 cơ sở giáo dục đại học, 86.000 sinh viên, học viên được tuyển sinh theo chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài (Lê Hà, 2021). Xu hướng chung của các cơ sở đào tạo đại học hiện nay là phát triển liên kết đào tạo với nước ngoài, tăng cường hiệu quả đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập và nâng cao vị thế các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam trên thế giới. 639
  5. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 2.2. Tự chủ trong giáo dục đại học Cùng với vấn đề hội nhập trong giáo dục và đào tạo, tự chủ đại học là một khái niệm cũng không còn xa lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, tùy vào bối cảnh cụ thể tự chủ đại học được hiểu theo các cách khác nhau. Ở phương diện của pháp luật, tự chủ đại học được quy định bằng các văn bản quy phạm pháp luật về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học đối với hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy và huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục. Ở phương diện thực tiễn triển khai, tự chủ đại học là sự chủ động thực hiện các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Tại Việt Nam, các quy định pháp luật về tự chủ đại học có từ rất sớm, bắt đầu từ Luật Giáo dục năm 1998 (tại điều 55), quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về hoạt động chuyên môn như xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, hợp tác quốc tế đã được ban hành. Các nội dung này tiếp tục được hoàn thiện tại Luật sửa đổi giáo dục 2005 (điều 52 và 60) và gần đây là Luật Giáo dục 2012 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học Luật số 34/2018/QH14. Luật này đã quy định tự chủ trên các mặt: (i) về chuyên môn, học thuật; (ii) về tổ chức, nhân sự và tài chính; (iii) về xác định trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt vai trò của Hội đồng trường trong tổ chức quản trị hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, vấn đề tự chủ đại học ngày càng được cụ thể hóa và mở rộng từ tự chủ một phần đến tự chủ hoàn toàn. Thực tiễn việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học thời gian qua tại Việt Nam cho thấy đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện, góp phần mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nói chung. Đặc biệt vấn đề về cạnh tranh, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên được quan tâm theo hướng tích cực, có sự sáng tạo và hiệu quả. Nhiều trường đại học đã chủ động loại bỏ các ngành nghề đào tạo không phù hợp với nhu cầu thị trường, người học, đồng thời mở thêm ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Điều này kéo theo sự chủ động thay đổi nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy theo hướng tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác đảm bảo chất lượng và thực hiện hoặc đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục. Nhưng bên cạnh những ưu điểm của tự chủ đem lại, vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế trong triển khai thực hiện đối với cơ sở giáo dục đại học công lập. Về quy phạm pháp luật, do nội hàm khái niệm tự chủ cũng như cơ chế thực hiện theo quy định của Luật còn chưa được chi tiết hóa, các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến nội dung tự chủ còn chưa được đồng bộ, thống nhất nên đã tạo thành những rào cản đối với việc triển khai, nhất là vấn đề về tự chủ tài chính. Mặc dù được đề cập từ rất sớm, tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006, nhưng phải đến Nghị quyết số 77/NQ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-vấn đề tự chủ tài chính đại học mới được quy định rõ theo hướng đề cao thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm (Trần Quang Trung và cộng sự, 2020). Hơn nữa, các văn bản hướng dẫn và căn cứ để xây dựng khung học phí, bao gồm định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với từng nhóm ngành, chuyên ngành đào tạo còn chưa được tính toán một cách đầy đủ, khoa học, phù hợp với thực tiễn. Vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của các trường công lập còn vướng mắc do phải thực hiện theo trình tự, thủ tục và định mức quy định của pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước. Về chuyên môn học thuật, mặc dù theo quy định của Luật, việc tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo và cấp bằng là thuộc trách nhiệm của cơ sở đào tạo song các quy định trong các văn bản 640
  6. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 hướng dẫn thi hành (như quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo…) còn áp đặt nhiều quy định của cơ quan quản lý. Một số chính sách liên quan đến các hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời theo tinh thần đổi mới của Luật khiến cho việc triển khai thực hiện tự chủ đại học gặp nhiều lúng túng. Về công tác tổ chức và nhân sự, việc tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức ở các trường công lập phải thực hiện theo thủ tục, quy trình quy định của pháp luật về viên chức và về lao động, thậm chí là những quy định nội bộ của cơ quan chủ quản. Do đó quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục trên thực tiễn vẫn có những hạn chế nhất định. 3. Phương pháp nghiên cứu 3.1. Phương pháp tiếp cận Nghiên cứu lựa chọn cách tiếp cận cụ thể để thu thập các bằng chứng thuyết phục cho nội dung nghiên cứu. Tính cụ thể được thể hiện trong nghiên cứu là xem xét trong phạm vi của một chuyên ngành, một chương trình đào tạo và của một cơ sở đào tạo giáo dục đại học. Với cách tiếp cận này, nội dung “tự chủ” được xem xét dưới góc độ của chủ thể thực hiện hơn là chủ thể quy định, tập trung trên các khía cạnh về chuyên môn, về tài chính và về tổ chức thực hiện, quản lý. Trong khi đó, nội dung “đáp ứng nhu cầu hội nhập” được xem xét chủ yếu từ phía cơ sở đào tạo (vi mô), chưa xét đến phạm vi của giáo dục quốc gia (vĩ mô) hay vùng hoặc liên kết khu vực. Đồng thời hội nhập đề cập chủ yếu đến chất lượng nội dung đào tạo thông qua kiểm định chất lượng bao gồm tiêu chuẩn, nội dung và phương pháp đào tạo. 3.2. Thu thập tài liệu Trên cơ sở tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật và nghiên cứu trước về tự chủ đại học và hội nhập quốc tế trong đào tạo đại học, nghiên cứu tiến hành đối chiếu, so sánh để thu thập các khoảng trống trong vấn đề đào tạo đại học đáp ứng nhu cầu hội nhập trong điều kiện tự chủ. Từ đó, tiến hành khảo sát cụ thể tại điểm đã lựa chọn và chương trình đào tạo kế toán như thiết kế ban đầu. Thông qua phỏng vấn sâu các đối tượng tại điểm nghiên cứu, gồm: cán bộ cơ quan quản lý, cán bộ lãnh đạo các bộ phận liên quan, giảng viên, sinh viên và đơn vị sử dụng lao động,…Nghiên cứu tập trung phân tích, đánh giá để làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong thiết kế nội dung, xây dựng chương trình, phương pháp thực hiện, hoạt động tự chủ và vấn đề triển khai thực hiện. Đồng thời làm nổi bật tính đại diện của điểm nghiên cứu. 3.3. Chọn điểm nghiên cứu Nghiên cứu thiết kế điểm khảo sát là Học viện nông nghiệp với tính đại diện trên các khía cạnh sau: (i) Là cơ sở tự chủ đại học (đã và đang tự chủ); (ii) Lĩnh vực đào tạo đa ngành, đa nghề nhưng ngành kế toán không phải là ngành mũi nhọn/thế mạnh; (iii) Từng tham gia đánh giá tiêu chuẩn kiểm định quốc tế cho các chương trình và ngành học đào tạo; (iv) Có mục tiêu hội nhập quốc tế rõ ràng (đến năm 2030 là cơ sở đào tạo…); (iv) Tạo điều kiện phối hợp cho triển khai và phối hợp thực hiện khảo sát. Chương trình đào tạo kế toán được lựa chọn làm điển hình để đánh giá mục tiêu đáp ứng nhu cầu hội nhập, do tính chất đặc thù của ngành là 1 trong 8 khối ngành được tạo điều kiện tự do trao đổi nguồn nhân lực trong khu vực, và là ngành học đang hút được nhiều người học, nhưng chất lượng đào tạo đạt chuẩn đang được báo động “đỏ” bởi tỷ lệ thất nghiệp. 4. Kết quả nghiên cứu 4.1. Thực trạng tự chủ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam 641
  7. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày nay tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm được thành lập ngày 12/10/1956 theo Nghị định số 53/NĐ-NL của Bộ Nông Lâm, là 1 trong 3 trường đại học đầu tiên của Việt Nam sau giải phóng miền Bắc Việt Nam. Trải qua quá trình phát triển dài, đến nay, Học viện là đơn vị giáo dục đại học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Quyết định 441/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Về quy mô, hiện Học viện có 14 khoa chuyên môn, 16 đơn vị chức năng, 20 đơn vị là các viện, trung tâm, công ty nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. Hiện nay, Học viện có 1.345 cán bộ viên chức, trong đó có 683 giảng viên, hơn 100 giáo sư, phó giáo sư, hơn 200 tiến sĩ, hơn 100 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú. Đặc biệt, trên 80% giảng viên của Học viện được đào tạo ở các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Hà Lan, Bỉ…6 Học viện là một trong 22 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 – 2017. Tại quyết định số 873/QĐ-TTg ngày 17/6/2015 của Thủ tướng Chính Phủ, Học viện chính thức được Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 – 2017. Kết quả thực hiện tự chủ giai đoạn này cho thấy, các hoạt động của Học viện được chủ động hơn trong triển khai, giảm bớt các thủ tục hành chính. Đội ngũ cán bộ viên chức năng động hơn, chủ động hơn trong việc khai thác các nguồn lực. Đồng thời, thủ trưởng đơn vị chủ động phân phối thu nhập dựa trên hiệu quả công việc, phát huy tính sáng tạo, nâng cao trách nhiệm của các cá nhân (Khánh Linh, 2018). Công tác nhân sự giai đoạn này có sự thay đổi rõ rệt, cụ thể Học viện đã thực hiện đề án tinh giảm biên chế với chỉ tiêu đặt ra giai đoạn 2015 - 2021 là 31 người, đã thực hiện điều động, thay đổi vị trí việc làm trong nội bộ đối với 156 lượt người. Bên cạnh đó, Học viện tổ chức giao khoán 25% quỹ tiền lương thu nhập tăng thêm. Khoán toàn bộ quỹ tiền lương, khoán công việc, thí điểm giao khoán một phần thu nhập tăng thêm cho khoa... Về tài chính, Học viện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, còn chi đầu tư thì từ năm 2016 chi đầu tư xây dựng cơ bản, ngân sách nhà nước cấp cho các dự án đang triển khai, học viện bố trí 60 - 70 tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất. Sau tổng kết ba 3 năm thực hiện thí điểm, Học viện tiếp tục thực hiện tự chủ đại học theo Nghị quyết 117/NQ-CP ngày 9/11/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục tự chủ. Học viện đặt mục tiêu, giai đoạn năm 2018-2020 tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Chuyển đổi một trung tâm sang hoạt động theo mô hình công ty và tiến tới công ty cổ phần. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hoá dịch vụ sự nghiệp công. Đồng thời xác định, việc hoàn thiện cơ chế tài chính là vấn đề ưu tiên và tiến hành tăng nguồn thu thông qua thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo trong tự chủ nghiên cứu khoa học và dịch vụ khác. Đến hiện tại, Học viện tiếp tục thực hiện đào tạo đa ngành, đa bậc học với 55 ngành đào tạo đại học, 22 ngành đào tạo thạc sỹ, 18 ngành đào tạo tiến sỹ. Học viện không chỉ đào tạo các ngành nông nghiệp, thủy sản, thú y mà còn đào tạo các ngành kinh doanh, kinh tế, quản lý, kế toán, công nghệ kỹ thuật và khoa học xã hội. Đặc biệt, Học viện có 5 chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh. Trong hội nhập, hợp tác quốc tế, Học viện đã kí kết biên bản ghi nhớ với gần 120 trường, viện nghiên cứu của 25 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế khác. Thường xuyên và chủ động tạo cơ hội giao lưu quốc tế cho hàng ngàn cán bộ, viên chức và sinh viên. Hàng năm, Học viện cử hàng ngàn cán bộ, viên chức và sinh viên sang giao lưu/thực tập sinh 6 https://tuyensinh.vnua.edu.vn/gioi-thieu-hvn/ 642
  8. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 tại các trường đại học/các doanh nghiệp uy tín trên thế giới, đồng thời tiếp đón các đoàn cán bộ, sinh viên quốc tế sang giao lưu tại Học viện. 4.2. Thực trạng đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập của chuyên ngành kế toán tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam Chương trình đào tạo ngành kế toán của Học viện Nông nghiệp Việt Nam bắt đầu triển khai từ năm 1996 với gần 100 sinh viên, đến nay chương trình này do Khoa Kế toán và QTKD trực tiếp quản lý và thực hiện, với hàng ngàn sinh viên theo học hệ cử nhân mỗi năm. Theo thời gian, cùng với những thay đổi chung của hệ thống giáo dục Việt Nam, và đặc thù của ngành đào tạo, các chương trình của Học viện không ngừng được cải tiến. Mặc dù không phải là ngành chủ lực của Học viện, nhưng ngay từ khi bắt đầu, Học viên đã chủ trương đào tạo dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển của thị trường hướng đến hội nhập. Đặc biệt từ năm 2015 khi thực hiện tự chủ đại học (giai đoạn thí điểm), Học viện đã chủ động thay đổi: (1) Tạo sự linh hoạt trong chọn môn học, thời gian học theo nhu cầu người học. Trên cơ sở lộ trình học tập chuẩn (đáp ứng yêu cầu quy định khung của Bộ GD&ĐT), Học viện chủ động sử dụng phần mềm Edusoft trong quản lý và hỗ trợ sinh viên trong quá trình đào tạo. Mỗi sinh viên có một tài khoản cá nhân phục vụ cho việc đăng ký học phần, lên lộ trình học tập dưới sự cố vấn của giáo viên chủ nhiệm (cố vấn học tập). Từ đó sinh viên sẽ chủ động lên kế hoạch học tập phù hợp với định hướng của mỗi người. Sinh viên có thể lựa chọn việc học tối đa số tín chỉ cho phép và đăng ký kỳ học thứ 5 nếu muốn hoàn thành chương trình học sớm (3,5 năm). Trường hợp sinh viên muốn vừa học lý thuyết, vừa kết hợp trải nghiệm thực tiễn thông qua các chương trình trao đổi du học sinh với các trường, doanh nghiệp trong và ngoài nước thì có thể đăng ký số tín chỉ phù hợp hoặc bảo lưu một kỳ học nào đó. Như vậy chương trình đào tạo hiện tại của Học viện đã được thiết kế một cách linh hoạt theo nhu cầu của người học, thay vì lựa chọn, sắp xếp sẵn lộ trình học tập cho sinh viên. (2) Áp dụng mô hình cải tiến giáo dục liên tục (PDCA) để có những cải tiến liên tục kịp thời thích ứng với yêu cầu hội nhập Là một cơ sở đào tạo đa ngành, định hướng nghiên cứu nên Học viện nói chung và khoa Kế toán và QTKD nói riêng luôn nghiên cứu tìm hiểu các mô hình giáo dục tiên tiến để có những cải tiến phù hợp với thực tế nhu cầu của xã hội trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng. Bảng 1: Sự thay đổi trong mô hình đào tạo ngành kế toán của Học viện Mô hình Mô hình cũ Mô hình mới Mục tiêu Tập trung kiến thức, nội dung Phát triển kỹ năng và cách học Lộ trình học Lựa chọn, sắp xếp sẵn cho sinh viên Sinh viên tự lên lộ trình dưới sự tư vấn của giáo viên chủ nhiệm (cố vấn học tập) Kiểu lớp học Ngồi nghe giảng, ghi chép Phát triển năng lực Đánh giá Dựa trên điểm số cuối kỳ Đánh giá theo quá trình Trải nghiệm Trải nghiệm chủ yếu trong khuôn Thực tập, trao đổi ở các doanh nghiệp, viên trường hiệp hội nghề nghiệp Nguồn: Kết quả khảo sát (2021) Bảng 1 cho thấy mục tiêu đào tạo cử nhân ngành kế toán của Học viện đã không chỉ đề ra mục tiêu “nhồi nhét” kiến thức cho sinh viên mà hướng tới mục tiêu phát triển kỹ năng và phương 643
  9. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 pháp học để người học nâng cao khả năng tự học và dần hình thành kỹ năng học tập suốt đời. Lộ trình học tập, kiểu thiết kế lớp học, phương pháp đánh giá và các hoạt động trải nghiệm trong quá trình đào tạo cũng thay đổi theo hướng tiếp cận mô hình đạo tạo hiện đại. Để có được sự đánh giá khách quan về chương trình đào tạo cử nhân ngành kế toán Học viện đã không chỉ tiến hành kiểm định chương trình theo tiểu chuẩn của Bộ GD&ĐT trong nước, mà còn đăng ký kiểm định chương trình theo tiêu chuẩn AUN vào năm 2022. Ngoài ra, hàng năm Học viện tiến hành khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, đồng thời lấy ý kiến của sinh viên sau khi đã đi làm và đơn vị sử dụng lao động về chương trình đào tạo kế toán của Học viện. Bảng 2. Sự hài lòng của các bên liên quan về chương trình đào tạo của Học viện năm 2020 Sự hài lòng của Sự hài lòng của Sự hài lòng của nhà sinh viên (thang cựu sinh viên tuyển dụng về chất Nội dung khảo sát điểm 5) (thang điểm 5) lượng sinh viên tốt Về Về Về nghiệp Về CĐR CTĐT CTĐT CĐR (thang điểm 5) Chương trình Kế toán 92% NTD hài lòng 4.22 3.9-4.5 4.35 3.8-4.3 và rất hài lòng Chương trình Chăn nuôi 3.85- 91.5% NTD hài lòng 4.13 3.8-4.3 4.2 - 4.9 4.27 và rất hài lòng Chương trình Môi 3.92 4.46-4.56 4.0 - 4.8 4.2-4.2 n/a trường Chương trình Công 3.91- 3.90 3.96-4.27 3.9 - 4.7 n/a nghệ sinh học 4.12 Chương trình Công 3.55- 96.2% NTD hài lòng 3.83 3.6 – 4.7 3.9 - 4.6 nghệ thực phẩm 4.67 và rất hài lòng Ghi chú: Rất hài lòng: 4.21 – 5.00; Hài lòng: 3.41 – 4.20; Tạm hài lòng: 2.61 – 3.40; Không hài lòng: 1.81 – 2.60; Rất không hài lòng: 1.00 – 1.80 Nguồn: Báo cáo khảo sát lấy ý kiến năm 2020 của Khoa và Học viện Thực tiễn khảo sát sự hài lòng của sinh viên và nhà tuyển dụng đối với ngành kế toán luôn ở mức hài lòng và rất hài lòng, đặc biệt về chương trình đào tạo được đánh giá cao hơn nhiều chương trình khác trong Học viện (bảng 2). Hàng năm, kết quả phản hồi từ sinh viên tốt nghiệp của ngành kế toán có việc làm trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm cũng luôn ở ngưỡng cao giao động từ 95-98%7 (giai đoạn 2015-2020), cho thấy khả năng của sinh viên đáp ứng tốt yêu cầu của các cơ sở sử dụng lao động. (3) Đặt mục phát triển năng lực toàn diện cho người học đối với nội dung chương trình đào tạo ngành kế toán của Học viện. Trên cơ sở chủ động tiếp cập chương trình kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (AUN-QA) từ nhiều năm trước, hầu hết các chương trình đào tạo tại Học viện nói chung và chương trình đào tạo ngành kế toán nói riêng đều hướng đến kết quả chuẩn đầu ra gồm kiến thức, kỹ năng 7 Báo cáo khảo sát việc làm sinh viên hàng năm khoa Kế toán và QTKD, Học viện Nông nghiệp Việt Nam 644
  10. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 và thái độ. So với nhiều cơ sở giáo dục đại học khác, thời lượng môn học rèn kỹ năng trong chương trình đào tạo ngành kế toán của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được chú trọng với thời lượng nhiều hơn và đa dạng hơn. Hiện chương trình đào tạo kế toán tại Học viện Nông nghiệp các môn học rèn kỹ năng nghề chiếm từ 13,0-17,7% tổng số tín chỉ (tương ứng từ 17-23 tín chỉ), trong khi các cơ sở giáo dục khác chỉ từ 10-15%. Đặc biệt từ năm học 2019-2020, sinh viên trong ngành kế toán sẽ có 3 kỳ thực tập (kỳ 1 năm thứ 3 với 6 tín chỉ, kỳ 2 năm học thứ 3 với 7 tín chỉ, và kỳ 2 năm học thứ 4 với 10 tín chỉ) và có ít nhất 2 môn học cơ sở ngành và 2 môn học chuyên ngành học theo hình thức dự án. Nghĩa là sinh viên được chủ động thực hành kỹ năng trong các môn chuyên ngành, dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Cuối học phần sinh viên sẽ trình bày kết quả thông quả sản phẩm là mô hình dự án hoặc ý tưởng chuyên sâu về học phần thực hiện. Với cách làm này, cả hai phía, giảng viên và người học đều có sự linh hoạt và thời gian tìm hiểu thực tiễn chuyên môn nhiều hơn. Đặc biệt trong một số tiết học chuyên sâu, sinh viên được trực tiếp trao đổi với kế toán và nhà quản lý của doanh nghiệp. (4) Duy trì và phát triển liên kết bền vững với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp rèn kỹ năng và hoàn thiện kiến thức cho người học Là một trường đại học có thế mạnh trong việc tiếp cận, tổ chức, triển khai các chương trình nghiên cứu, dự án hợp tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện các dự án trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có kinh tế nông nghiệp. Hiện Học viện và Khoa kế toán đã có biên bản hợp tác với nhiều đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài ngành nông nghiệp. Hàng năm, Khoa tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kết hợp với các đơn vị này để có thể đưa các nhóm sinh viên xuống các đơn vị thực tập và rèn nghề. Từ phía cơ sở doanh nghiệp, hợp tác xã cũng có cơ hội tuyển chọn, đào tạo nhân viên phù hợp với đặc điểm đơn vị mình. Từ phía người học, sinh viên có cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp và định hướng công việc từ rất sớm. Thực tiễn đã có nhiều sinh viên được nhận ngay sau tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp từ những khóa học kết hợp như vậy. Ngoài ra, đối với các sinh viên có đam mê với lĩnh vực kiểm toán, kế toán chuyên nghiệp, tại các khóa thực tập nghề nghiệp, khoa đã chủ động phối hợp cũng Hội kiểm toán viên hành nghệ Việt Nam (VACPA) và các công ty kiểm toán chuyên nghiệp để sinh viên tham dự các khóa đào đào chương trình kiểm toán mẫu tại VACPA hoặc thực tập tại các công ty kiểm toán. Mô hình thực tập này đã được Khoa Kế toán và QTKD triển khai trong nhiều năm qua và luôn lấy ý kiến phản hồi của các đơn vị thực tập về nội dung, phương thức tổ chức cũng như năng lực của sinh viên để có những cải tiến, hoàn thiện chương trình đào tạo. (5) Hội nhập bắt đầu từ người dạy Ngay từ những năm đầu của thập niên 2000, khi nhiều cơ sở giáo dục đại học còn chưa chú trọng đến đào tạo giảng viên tại nước ngoài, thì Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra quy định để khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ ngoại ngữ (đạt chuẩn từ 5.0 IELTS hoặc tương đương trở lên). Có thời điểm mặc dù không/chưa bắt buộc nhưng đã tạo ra “tiền lệ”, giảng viên của Học viện nông nghiệp nói chung và khoa Kế toán và QTKD nói riêng phải có ít nhất 1 bằng tốt nghiệp (bậc sau đại học) là bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, hay trong 5 năm giảng viên phải có sự tiến bộ về chuyên môn (mà phổ biến là tiến bộ thông qua hoàn thiện kiến thức ở các bậc cao hơn hoặc trình độ ngoại ngữ). Chính quan điểm này, đã đem đến kết quả hiện tại, đội ngũ giảng viên Khoa Kế toán và QTKD, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện có trên 90% giảng viên được đào tạo ít nhất một văn bằng ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Đức, Pháp, Bỉ, Nhật, 645
  11. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 Úc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, … Với nền tảng kiến thức và khả năng tiếp cận các nguồn thông tin trong và ngoài nước, giảng viên của Khoa không chỉ tham gia các hoạt động giảng dạy, mà còn chủ trì, tham gia các chương trình dự án trong và ngoài nước. Qua đó hiểu được nhu cầu của xã hội đối với lĩnh vực ngành nghề mình đang đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. 4.3. Phân tích những thuận lợi và khó khăn 4.3.1. Thuận lợi Bộ GD & ĐT đã trao quyền tự chủ về thể chế, theo đó các trường đại học được trao quyền xây dựng các chương trình đào tạo của riêng mình và chỉ Bộ GD & ĐT quy định quá trình đào tạo. Do vậy, Học viện có thể chủ động tìm hiểu nhu cầu của thị trường và thành lập một nhóm phát triển chương trình bao gồm đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm và đại diện các doanh nghiệp. Các chương trình mới luôn được thảo luận và đánh giá bởi hội đồng chuyên môn của Khoa và các chuyên gia đầu ngành bên ngoài Học viện do vậy chương trình đào tạo luôn bám sát được yêu cầu của xã hội. Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một cơ sở đào tạo đa ngành theo định hướng nghiên cứu nên giảng viên và sinh viên của khoa Kế toán và QTKD có nhiều cơ hội tiếp cận với các nội dung liên ngành, từ đó hiểu về đặc điểm của từng ngành, cũng như đặc thù các giao dịch kinh tế của các lĩnh vực đó. Từ đó tạo cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên, cơ hội nghiên cứu cho giảng viên. Đồng thời lãnh đạo Khoa Kế toán và QTKD cũng như lãnh đạo Học viện là những người có tầm nhìn chiến lược, đạo đức nghề nghiệp cao nên đã có nhiều hoạt động kết nối giữa nghiên cứu với giảng dạy, cũng như định hướng việc làm phù hợp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Sự giao lưu, trao đổi giữa các trường đại học ngày càng mở, các hiệp hội nghề nghiệp ngày càng có nhiều chương trình để sinh viên có cơ hội học tập, trải nghiệm từ đó giúp sinh viên, giảng viên các trường đại học có nhiều cơ hội học tập, thảo luận về chuyên môn. Khoa Kế toán và QTKD nói riêng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung có một bề dày lịch sử phát triển và trưởng thành nên các thế hệ giảng viên và sinh viên của Học viện có sự gắn kết bền chặt, tạo hệ thống kết nối sâu rộng, từ đó giúp các sinh viên đang học tập tại Học viên có thêm nhiều cơ hội được trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp có các cựu sinh viên công tác. Hơn nữa giảng viên của khoa Kế toán và QTKD có nền tảng kiến thức tốt nên ngoài công tác giảng dạy còn tham gia nghiên cứu, tư vấn nên có nhiều trải nghiệm thực tiễn để chia sẻ, hỗ trợ sinh viên tiếp cận thực tế công việc. 4.3.2. Khó khăn Mặc dù Học viện Nông nghiệp Việt Nam có quyền tự chủ trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, nhưng chương trình đào tạo vẫn phải theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT, cộng thêm hoạt động thanh kiểm tra thường xuyên, do vậy các nhà quản lý Khoa chuyên môn không có thực quyền, mà chủ yếu thực hiện các quy định, quy tắc và chính sách do các cơ quan quản lý hay người đứng đầu Học viện áp đặt. Chính vì vậy, vậy chương trình đào tạo vẫn chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ ý trí của nhà quản lý. Mức độ đầu tư cơ sở vật chất của Học viện cho việc đào tạo ngành kế toán chưa thực sự tương xứng. Khoa Kế toán và QTKD đã xây dựng đề án xin xây dựng phòng thực hành kế toán ảo, kết hợp với phòng chứng khoán ảo để sinh viên có cơ hội thực tập cho các môn học có liên quan từ năm 2015 nhưng chưa được phê duyệt. Mức độ đầu tư nhằm bồi dưỡng kiến thức cho giảng viên về chuyên ngành kế toán còn hạn 646
  12. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 chế. Để cập nhật kiến thức và sự thay đổi của các quy định pháp luật trong lĩnh vực giảng dạy, hàng năm các giảng viên khoa Kế toán và QTKD luôn tự tìm kiếm các nguồn học liệu, lớp học đào tạo chuyên ngành để theo học mà chưa có sự hỗ trợ từ phía Học viện về thời gian, kinh phí. Thu nhập thấp cùng các áp lực từ các công việc hành chính khiến giảng viên gặp khó khăn trong việc sắp xếp các công việc để vừa đảm bảo chuyên môn, vừa đảm bảo cuộc sống, cũng như nuôi dưỡng đam mê nghề nghiệp. Sinh viên ngành kế toán của Học viện Nông nghiệp Việt Nam không phải 100% sinh viên có nguyện vọng học ngành kế toán hay có nguyện vọng học tập tại Học viện ngay từ đầu nên tâm lý sinh viên những năm đầu thường thiếu ổn định, lực học ở mức trung bình khá, trình độ ngoại ngữ trung bình chiếm tỷ lệ cao. Do vậy khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài liệu nước ngoài, triển khai các chương trình đạo tạo tiến tiến, chất lượng cao đối với cử nhân ngành kế toán. Ngoài ra, dù có nhiều phản hồi tích cực về chương trình đào tạo cử nhân ngành kế toán, nhưng vẫn còn những góp ý về những hạn chế mà chương trình đào tạo chưa đáp ứng được hết hoặc đáp ứng ở mức chưa cao các kỳ vọng của các nhà tuyển dụng về các kỹ năng như: (i) giải quyết vấn đề; (ii) tư duy phản biện, sáng tạo; (iii) phán xét và ra quyết định,… 4.4. Giải pháp và kiến nghị 4.4.1. Đối với giảng viên của khoa Kế toán và QTKD Giảng viên của khoa Kế toán và QTKD cần chủ động trong việc đề xuất và lên kế hoạch cho các hoạt động học tập, cập nhật kiến thực chuyên ngành trên cơ sở chiến lược phát triển trung và dài hạn của Khoa và Học viện. Để từ đó Khoa, Học viện sẽ có cơ sở để xây dựng nguồn kinh phí, quỹ thời gian cho giảng viên được tham gia học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, giảng viên cần không ngừng học hỏi, trao dồi kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp để giúp sinh viên ổn định tâm lý học tập, yêu thích nghề nghiệp để từ đó hình thành khả năng tự học, tự nghiên cứu suốt đời. Giảng viên phải phải xác định mục tiêu giảng dạy là mục tiêu chính và quan trọng nhất, tránh đề các công việc khác cản trở việc hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy. 4.4.2. Đối với Khoa Kế toán và QTKD Để giúp sinh viên năm đầu của Khoa hiểu và có định hướng sớm với nghề nghiệp cũng như yên tâm học tập dù ngành và trường không phải là lựa chọn ban đầu, Khoa Kế toán và QTKD cần tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp chuyên sâu cho tân sinh viên ngành kế toán. Trong quá trình đào tạo Khoa cũng cần tạo thêm nhiều sân chơi kiến thức cho sinh viên, xây dựng câu lạc bộ kế toán, kiểm toán để giúp sinh viên có thêm cơ hội trao đổi, học hỏi từ đó nuôi dưỡng niềm say mê nghiên cứu, học tập nghề nghiệp cho sinh viên. Khoa cũng cần thường xuyên lấy ý kiến các nhà tuyển dụng (cả nhóm các đơn vị không sử dụng lao động là người được đào tạo ở Học viện), các bên có liên quan để đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo cử nhân ngành kế toán, thường xuyên cập nhật các tài liệu mới nhất về xu hướng giáo dục, phương pháp giảng dạy tích cực nhằm chuẩn bị cho sinh viên những hành trang phù hợp với yêu cầu hội nhập. Tăng cường hợp tác, trao đổi, học hỏi các trường đại học, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trong việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên được giao lưu, học hỏi. 647
  13. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 4.4.3. Đối với Học viên Nông nghiệp Việt Nam Học viện cần đầu tư phòng kế toán ảo, kết hợp với thị trường chứng khoán ảo để sinh viên và giảng viên có điều kiện thực hành, từ đó tăng khả năng gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn. Đồng thời cần quan tâm hơn đến tâm tư nguyện vọng của giảng viên, tạo điều kiện để giảng viên được cập nhật kiến thức một cách thương xuyên (giảng viên cập nhật kiến thức sẽ được coi mà một nhiệm vụ và tính tương đương với các tiết giảng), đồng thời giảm tải các công việc hành chính để giảng viên có thời gian chăm lo cho bài giảng, quan tâm đến hoạt động nhóm của sinh viên, có thời gian cho gia đình, từ đó tìm lại được niềm hạnh phúc khi đứng lớp, vun đắp tình yêu với nghề. Ngoài ra, Học viện nên có sự phân loại sinh viên tốt hơn để từ đó hình thành các lớp chất lượng cao tích hợp chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế của các hiệp hội nghề nghiệp như ICEAW, ACCA, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành kế toán. 5. Kết luận Tự chủ đại học là một hướng đi đúng, nhưng thực hiện quyền tự chủ như thế nào để đáp ứng yêu cầu đặt ra là vấn đề không dễ. Kết quả nghiên cứu đã góp phần khẳng định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong đào tạo là hai mặt của một vấn đề không thể tách rời, nhưng nếu quá chú trọng quyền tự chủ mà không đặt yêu cầu về tự chịu trách nhiệm sẽ có nguy cơ dẫn đến giảm sút chất lượng chuyên môn, chạy theo lợi ích trước mắt và chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu. Ngược lại, tăng cường sự chịu trách nhiệm mà hạn chế quyền tự chủ sẽ “trói” buộc các cơ sở đại học, không tạo ra động lực và cơ chế cho sự vận hành tự nhiên, hạn chế sự mềm dẻo, linh hoạt, khả năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của xã hội. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng tăng, khát khao nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng nhiều, việc đào tạo đạt chuẩn quốc tế nói chung và trong lĩnh lực kế toán nói riêng của các cơ sở giáo dục đại học cần được quan tâm hợp lý. Những ràng buôc “trong khuôn khổ quy định” về chuyên môn cần được cân nhắc theo hướng giảm thiểu khối lượng kiến thức chung, lý thuyết, tăng cường kiến thức và kỹ năng chuyên môn và hình thành khung đánh giá năng lực chuẩn cho ngành trong thời gian tới. Đồng thời, từ phía cơ sở giáo dục đại học công lập cần được giao quyền chủ động trong cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ đối với người dạy theo hướng khuyến khích đổi mới, sáng tạo, hiện đại và tiên tiến. 648
  14. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia về Kế toán và Kiểm toán – VCAA 2021 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đinh Ái Linh và Trần Trí Trinh (2016). Đánh giá chính thức theo Bộ tiêu chuẩn cấp chương trình đào tạo AUN-QA (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á) tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học đại học quốc gia Hà Nội: Nghiên cứu Giáo dục, Tập 32, Số 2 (2016) 48-58 [2] Khánh Linh (2018). Học viện Nông nghiệp tự chủ, năng động và hiệu quả. Truy cập tại http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2018-05-14/hoc-vien-nong-nghiep-tu- chu-nang-dong-va-hieu-qua-57421.aspx [3] Lê Hà (2021). Giáo dục chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Truy cập tại https://nhandan.vn/dien-dan-giao-duc/giao-duc-chu-dong-hoi-nhap-va-nang-cao-hieu- qua-hop-tac-quoc-te-635395/ [4] Lương Thị Yến (2019). Nâng cao chất lượng đào tạo ngành kế toán, kiểm toán trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tạp chí tài chính số tháng 2/2019. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/nang-cao-chat-luong-dao-tao-nganh-ke-toan- kiem-toan-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-302421.html [5] Mai Thanh Hằng (2020). Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân kế toán trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tạp chí công thương, số tháng 3/2020. TRuy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/giai-phap-nang-cao-chat-luong-dao-tao-cu-nhan-ke- toan-trong-cuoc-cach-mang-cong-nghe-40-69801.htm [6] Nguyễn Bá Ngọc, Trịnh Thu Nga, và Đặng Đỗ Quyên (2017). Thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế. Truy cập tại https://www.giaoducquocte.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/cong-trinh-nghien-cuu-khoa-hoc/thi- truong-lao-dong-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-khu-vuc-va-quoc-te/ [7] Nguyễn Hữu Cương (2017). Tại sao phải kiểm định chất lượng các trường đại học Việt Nam theo bộ tiêu chuẩn mới?. Journal of Education Management, 2017, Vol.9.N0.2, pp 16-22. Truy cập tại: http://naem.edu.vn [8] Nguyễn Ngọc Ánh và Nguyễn Kiều Lan Thương (2018). Giáo dục Việt Nam: Thực Trạng- Cơ Hội và Thách thức. Tạp chí Giáo dục lý luận, số 279 (9/2018), trang 54-60 [9] Trần Đức Viên (2020). Mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường đại học. Tài liệu Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020-Tự củ trong giáo dục đại học-từ chính sách đến thực tiễn, quyển 1, trang 33-64. Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng. [10] Trần Quang Trung, Nguyễn Thị Lan và Trần Đức Viên (2020). Tự chủ tài chính đại học công lập những vướng mắc cần tháo gỡ. Tài liệu Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020-Tự củ trong giáo dục đại học-từ chính sách đến thực tiễn, quyển 1, trang 569-575. Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng. [11] Vũ Thị Diệp (2020). Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kế toán trong bối cảnh ứng dụng công nghệ Blockchain và hội nhập quốc tế. Tạp chí công thương, 5/2020. Truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/dao-tao-va-phat-trien-nguon-nhan-luc-ke-toan-trong- boi-canh-ung-dung-cong-nghe-blockchain-va-hoi-nhap-quoc-te-71617.htm [12] Worldbank (2019). Việt Nam đào tạo kế toán doanh nghiệp tại trường đại học, tháng 12/2019. Truy cập tại https://documents1.worldbank.org/curated/en/793891584333701245/pdf/Vietnam- Corporate-Accounting-Education-in-Universities.pdf. 649
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2