intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tiểu luận: Kỹ năng của Luật sư trong việc hỗ trợ khách hàng khởi kiện tranh chấp thừa kế ra tòa án

Chia sẻ: Sdfcdxgvf Sdfcdxgvf | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

380
lượt xem
31
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Để giúp khách hàng trong việc khởi kiện tranh chấp thừa kế ra Tòa án Luật sư cần phải có những kỹ năng gì? Chúng ta cùng tìm hiểu trong nội dung tiểu luận sau với đề tài: "Kỹ năng của Luật sư trong việc hỗ trợ khách hàng khởi kiện tranh chấp thừa kế ra tòa án". Hi vọng tài liệu sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập và công tác của mình sau này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tiểu luận: Kỹ năng của Luật sư trong việc hỗ trợ khách hàng khởi kiện tranh chấp thừa kế ra tòa án

  1. Tiểu luận Kỹ năng của Luật sư trong việc hỗ trợ khách hàng khởi kiện tranh chấp thừa kế ra tòa án
  2. Điều 58 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân". Từ pháp lệnh thừa kế năm 1990 đến BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 và các văn bản pháp luật hiện hành thể hiện quan điểm không ngừng hoàn thiện những quy định pháp luật về thừa kế nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng các tranh chấp thừa kế vẫn có số lượng tương đối lớn vì tính chất đặc biệt của loại tranh chấp này là liên quan đến di sản của người đã chết. Đây cũng là một loại tranh chấp mà khách hàng thường yêu cầu luật sư giúp đỡ trong việc khởi kiện ra tòa án. Vậy để giúp khách hàng trong việc khởi kiện tranh chấp thừa kế ra Tòa án Luật sư cần phải có những kỹ năng gì? Chúng ta cùng tìm hiểu trong nội dung tiểu luận sau với đề tài: "Kỹ năng của Luật sư trong việc hỗ trợ khách hàng khởi kiện tranh chấp thừa kế ra tòa án" I. Khái quát chung về thừa kế và tranh chấp thừa kế Thừa kế là việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo di chúc hoặc theo pháp luật. Pháp luật về thừa kế của Việt Nam quy định việc chuyển tài sản của người chết cho người khác theo hai hình thức - Theo di chúc: tức là người có tài sản lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người khác. - Theo pháp luật: tức là việc người thừa kế được nhận di sản thừa kế trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp và một số trường hợp đặc biệt khác mà pháp luật quy định.
  3. Tranh chấp thừa kế là những xung đột, mâu thuẫn, bất đồng được bộc lộ ra bên ngoài về quyền thừa kế, về việc thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản… II. Kỹ năng của luật sư trong việc hỗ trợ khách hàng khởi kiện tranh chấp thừa kế ra tòa án 1. Kỹ năng tiếp xúc với khách hàng 1.1 Trao đổi với khách hàng về nội dung tranh chấp Trước tiên Luật sư cần xác định được yêu cầu cụ thể của khách hàng, những nguyện vọng của họ khi muốn yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp thừa kế này. Để hiểu được những yêu cầu và mong muốn cụ thể đó Luật sư phải nắm được nội dung của vụ việc tranh chấp. Luật sư có thể yêu cầu khách hàng trình bày vụ việc và yêu cầu họ cung cấp các tài liệu về vụ việc. Khi đã có một cái nhìn sơ lược về vụ việc điều quan trọng tiếp theo là Luật sư phải chỉ ra được loại quan hệ pháp luật tranh chấp có thực sự phải là tranh chấp thừa kế hay không nếu phải thì thuộc loại nào: - Tranh chấp về quyền thừa kế: Quyền yêu cầu chia di sản thừa kế, yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của người khác; - Tranh chấp thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật; - Tranh chấp về di sản thừa kế nhà ở, quyền sử dụng đất; - Tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản.
  4. Tiếp theo, Luật sư cũng phải đánh giá một cách sơ bộ điều kiện khởi kiện, tư vấn cho khách hàng những vấn đề tố tụng, phân tích những thuận lợi và khó khăn của việc khởi kiện. 1.2 Tư vấn cho khách hàng về việc có khởi kiện hay không * Phân tích những lợi ích của việc khởi kiện hay không Luật sư căn cứ vào các quy định pháp luật để tư vấn cho khách hàng những lợi thế và bất lợi của họ khi quyết định đem vụ việc ra tòa án để giải quyết. Từ sự tư vấn của luật sư, khách hàng sẽ quyết định có khởi kiện hay không, đó chính là quyền tự định đoạt mà pháp luật quy định cho họ. Thông thường thì các tranh chấp thừa kế xảy ra giữa những người trong một gia đình, tính chất căng thẳng của mối quan hệ giữa họ đã lên tới mức muốn pháp luật phân xử nên bất lợi lớn nhất của khách hàng khi khởi kiện những tranh chấp này ra tòa là việc làm rạn nứt, nghiêm trọng thêm mâu thuẫn gia đình. Mặt khác, khi khởi kiện tranh chấp thừa kế ra tòa khách hàng sẽ phải đối mặt với một thời gian có thể rất dài để thao đuổi vụ việc. Hơn thế nữa họ cũng phải đối mặt với một mức án phí lớn. Luật sư cũng cần chỉ cho khách hàng thấy được khả năng thắng kiện đến đâu nếu họ khởi kiện ra tòa án cũng như khả năng thực tế bản án sẽ được thi hành thế nào. Một điều nữa trong nội dung này là luật sư cũng nên hướng dẫn khách hàng nắm bắt một cách sơ bộ những tài liệu, chứng cứ cần thiết để tòa án chấp nhận xem xét, giải quyết vụ việc, hướng dẫn họ thu thập chứng cứ, và tìm hiểu rõ khả năng thu thập chứng cứ tài liệu của khách hàng để chủ động hơn trong việc này. * Phân tích điều kiện khởi kiện của khách hàng
  5. Thứ nhất: về chủ thể khởi kiện Luật sư có thể hướng dẫn cho khách hàng tự mình khởi kiện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện theo quy định tại Điều 161Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS). Khi khởi kiện tranh chấp thừa kế ra tòa án, cũng như các loại vụ việc dân sự khác, chủ thể khởi kiện là cá nhân phải thỏa mãn điều kiện về năng lực hành vi dân sự và là người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Khi tiếp xúc với khách hàng Luật sư cũng cần tư vấn và xem xét về tư cách chủ thể khởi kiện liên quan trực tiếp đến quyền khởi kiện của khách hàng để có những tư vấn về điều kiện khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật. Đối với trường hợp khách hàng ủy quyền cho chính luật sư hoặc cho người khác tham gia tố tụng thì luật sư cần hướng dẫn khách hàng lập giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật hiện hành. Thứ hai: điều kiện về tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc Thầm quyền theo loại việc: tranh chấp thừa kế là một loại tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định tại khoản 5 Điều 25 BLTTDS. Về thẩm quyền theo cấp tòa: Luật sư cần xác định vụ án khởi kiện đúng cấp tòa có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định tại Điều 33, 34, 35, 36, 37 BLTTDS, Nghị Quyết số 32/2004/QH11, Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP. Ngoài việc lưu ý nguyên tắc xác định thẩm quyền đối với cấp tòa, những trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh theo Khoản 1 Điều 33 BLTTDS. Luật sư cần lưu ý trường hợp "đương sự""ở nước ngoài theo quy định tại Điều 56 BLTTDS bao gồm cả người có quyền lợi và nghĩa vụ
  6. liên quan. Vì vậy, với những vụ việc mà có đương sự không phải là người thuộc các diện thưa kế nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang ở nước ngoài hoặc việc giải quyết vụ án cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thì sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh. Luật sư cũng cần lưu ý các trường hợp tranh chấp di sản thừa kế là bất động sản áp dụng quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 36 BLTTDS và thẩm quyền của tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn. Thứ ba: Về thời hiệu khởi kiện Có hai loại thời hiệu khởi kiện đối với vụ án tranh chấp thừa kế: Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là thời hạn mà người thừa kế được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Theo quy định tại Điều 645 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Khi xem xét điều kiện về thời hiệu khởi kiện Luật sư cần lưu ý các quy định về thời hiệu khác với BLDS đó là: Vụ án có rơi vào trường hợp thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 161 BLDS 2005: Do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu; Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn
  7. chế năng lực hành vi dân sự; Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết; - Các quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 162 BLDS 2005; - Quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh thừa kế (30/8/1990). Việc xác định thời hiệu khởi kiện về thừa kế trên thực tế cũng tương đối phức tạp liên quan đến khá nhiều các văn bản khác nhau và việc xác định thời điểm mở thừa kế. Đối với việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh thừa kế (ngày 30/8/1990), theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế thì thời hiệu khởi kiện đến hết ngày 9/9/2000. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 58/UBTVQH10 ngày 25/8/1998 của Uỷ ban thường vụ quốc hội từ ngày 1/7/1996 đến ngày 31/12/1998 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 1/7/1991. Do vậy, thời hiệu khởi kiện loại việc này được tính đến ngày 9/3/2003. Bắt đầu từ ngày 10/3/2003 đương sự không còn quyền khởi kiện đối với những vụ án thừa kế có thời điểm mở thừa kế trước ngày 10/9/1990. Đối với những vụ án thừa kế có thời điểm mở thừa kế từ ngày 10/9/1990 đến trước ngày 1/7/1991 đây cũng là loại vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết do đợi Nghị quyết 58/1998, thời gian từ 1/7/1996 đến 31/1/21998 cũng không tính vào thời hiệu khởi kiện, do vậy những vụ án thừa kế có thời hiệu khởi kiện trong khoảng thời gian từ 10/9/1990 đến ngày 30/6/1991 đến 1/1/2004 mới hết thời hiệu khởi kiện.
  8. Ngoài ra Luật sư cũng cần lưu ý quy định về “không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế’ được hướng dẫn tại Mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP “Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết”. Hướng dẫn này cho thấy có sự chuyển hóa về quan hệ giữa yêu cầu chia thừa kế và yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế. Khi đương sự có yêu cầu chia tài sản chung ở thời điểm hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế, Tòa án chỉ thụ lý và giải quyết khi có tài liệu thể hiệncác đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế, và có đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế hiện nghĩa vụ do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản: - Đối với việc mở thừa kế trước ngày ban hành Pháp lệnh thừa kế thì thời hiệu khởi kiện được xác định là 3 năm kể từ ngày banh hành Pháp lệnh thừa kế (khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990);
  9. - Đối với việc mở thừa kế kể từ ngày ban hành Pháp lệnh thừa kế (30/8/1990) thời hiệu khởi kiện được xác định là 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (khoản 2 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990); Đối với việc mở thừa kế kể từ ngày 1/7/1996 đến ngày 31/12/2005: áp dụng thời hiệu khởi kiện 2 năm quy định tại Điều 159 BLTTDS để xác định thời hiệu khởi kiện về yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản (do tại Điều 648 BLDS 1996 không quy định về thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu này); - Đối với việc mở thừa kế kể từ ngày 1/1/2006 thời hiệu khởi kiện về về yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản được xác định là 3 năm kể từ ngày người có di sản thừa kế chết (Điều 645 BLDS 2005). Thứ tư: Điều kiện về hòa giải ở cơ sở đối với tranh chấp thừa kế có liên quan đến quyền sử dụng đất Nếu tranh chấp thừa kế mà liên quan đến quyền sử dụng đất thì theo quy định tại Điều 135, 136 Luật Đất đai năm 2003 thì các tranh chấp này cần phải được hòa giải tại cơ sở (UBND xã, phường, thị trấn). Những trường hợp này Luật sư cần hướng dẫn khách hàng làm đơn đề nghị UBND xã, phường, thị trấn hòa giải. Nếu kết quả hòa giải là không thành hoặc không hòa giải được thì mới có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền. 2.2 Hướng dẫn khách hàng những vấn đề về thủ tục khởi kiện Thứ nhất là nghĩa vụ tạm ứng án phí đối với yêu cầu khởi kiện Luật sư cần lưu ý giải thích cho khách hàng các quy định của pháp luật hiện hành về án phí: Chương IX, Mục 1 của BLTTDS, Pháp lệnh về Án phí, Lệ phí năm 2009 của UBTVQH. Trường hợp khách hàng có khó khăn
  10. về kinh tế, Luật sư có thể hướng dẫn khách hàng làm đơn xin miễn giảm tiền tạm ứng án phí. Đơn này phải được UBND xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức xã hội nơi cư trú, làm việc của khách hàng chứng nhận thì tòa mới xem xét, giải quyết. Thứ hai: Hướng dẫn khách hàng thu thập, bổ sung tài liệu cần thiết cho việc khởi kiện Luật sư cần hướng dẫn khách hàng thu thập các chứng cứ để xác định tổng thể di sản thừa kế, xác định phần đóng góp của những người liên quan, xác định đồng chủ sở hữu của người để lại di sản, thu thập các chứng cứ về nghĩa vụ tài sản và chi phí liên quan đến quyền thừa kế được thanh toán từ di sản, các chứng cứ chứng minh các điểm tranh chấp về quyền thừa kế. 2. Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện * Hồ sơ khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế gồm các giấy tờ sau: - Đơn khởi kiện - Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản; giấy khai sinh, CMTND, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi để xác định diện và hàng thừa kế; - Di chúc (nếu có); - Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế; - Bản kê khai các di sản; - Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và
  11. nguồn gốc di sản của người để lại di sản; - Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong họ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường (nếu có), tờ khai khước từ nhận di sản (nếu có). Luật sư cũng cần lưu ý chuẩn bị các tài liệu chứng minh vụ việc còn thời hiệu khởi kiện. Giấy tờ chứng minh trong trường hợp này là giấy chứng tử của người để lại di sản để xác định rõ ràng thời điểm mở thừa kế. Việc lập hồ sơ thừa kế phải đảm bảo các nội dung sau: xác định người để lại di sản, các thời điểm mở thừa kế (một hay nhiều thời điểm mở thừa kế), diện và hàng thừa kế (theo quy định tại Điều 676 BLDS 2005), mối quan hệ giữa các thừa kế với nhau và những người để lại thừa kế. Trường hợp các chứng cứ mà khách hàng cung cấp cho thấy đã hết thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, cần xác định chứng cứ để có thể áp dụng các trường hợp không tính vào thời hiệu, các trường hợp không áp dụng thời hiệu. * Thủ tục nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án Nộp đơn khởi kiện, hồ sơ khởi kiện: Theo quy định tại Điều 166 BLTTDS Luật sư có thể hướng dẫn khách hàng nộp đơn khởi kiện bằng hai phương thức: - Nộp đơn trực tiếp tại Tòa án và nhận biên lai xác nhận việc nộp đơn, ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Tòa án;
  12. - Gửi đến Tòa án bằng đường bưu điện và lấy xác nhận của bưu điện về việc gửi đơn. Ngày khởi kiện được tính từ ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Sau khi nộp đơn kiện, khi có thông báo của Tòa án về việc thụ lý vụ án dân sự, Luật sư cần hướng dẫn khách hàng đi nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đang thụ lý và nhận hai biên lai thu tiền tạm ứng án phí của cơ quan thi hành án nộp lại một biên lai cho Tòa án. Đó là một căn cứ để Tòa án thụ lý vụ án. 3. Kỹ năng thu thập chứng cứ Luật sư hướng dẫn cho đương sự thu thập chứng cứ hoặc tự mình thu thập. Nguyên tắc trong thu thập chứng cứ của một vụ án thừa kế là phải tập trung vào những đặc trưng của án thừa kế, trọng tâm vấn đề cần chứng minh trên yêu cầu của thân chủ và mong muốn mà thân chủ kỳ vọng. Việc thu thập chứng cứ của luật sư cần tập trung vào việc làm sáng tỏ các vấn đề cần chứng minh như: Thời điểm mở thừa kế, diện và hàng thừa kế, các vấn đề khác có liên quan đến việc chia thừa kế… Nếu là vụ án yêu cầu chia thừa kế theo di chúc thì Luật sư cũng phải lưu ý đến việc thu thập các chứng cứ để chứng minh di chúc thuộc loại nào: di chúc miệng hay bằng văn bản. Trường hợp di chúc bằng văn bản thì xác định thuộc loại di chúc bằng văn bản nào (có người làm chứng hay không, có chứng thực của UBND cấp xã hay di chúc có công chứng của nhà nước…) - Trường hợp di chúc bằng văn bản: cần thu thập các chứng cứ để giúp Tòa án có cơ sỏ xem xét nội dung, hình thức của di chúc là phù hợp với pháp luật về điều kiện có hiệu lực của di chúc tại thời điểm lập di chúc;
  13. - Trường hợp di chúc bằng miệng: Cần có các chứng cứ chứng minh có ai làm chứng cho việc lập di chúc miệng, người làm chứng có thuộc trường hợp người không được làm chứng cho việc lập di chúc, xác định thời gian từ khi người có di chúc miệng chết… Trong những trường hợp cần thiết, Luật sư cần hướng dẫn đương sự làm đơn đề nghị tòa án trưng cầu giám định, định giá tài sản thu thập và cung cấp các tài liệu gửi kèm đơn đề nghị. Các chứng cứ này lưu ý phải là tài liệu gốc để việc giám định có kết quả. Trường hợp di chúc hợp pháp cần phải xem xét và chứng minh về người được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. III. Kết luận: Tranh chấp thừa kế là một loại hình tranh chấp khá phổ biến và phức tạp trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp tại các cấp Tòa án, bao gồm nhiều loại di sản như tiền, các loại giấy tờ có giá trị, động sản, bất động sản,… Cũng giống như khi hỗ trợ khách hàng khởi kiện các loại tranh chấp khác ra tòa án, Luật sư cần có một số kỹ năng chung như: tiếp xúc khách hàng, tư vấn về điều kiện khởi kiện, tư vấn về hồ sơ và thủ tục khởi kiện, thu thập chứng cứ, hướng dẫn khách hàng bổ sung tài liệu chứng cứ. Tuy nhiên, do những đặc thù của tranh chấp thừa kế nên Luật sư cũng cần có thêm các kỹ năng riêng ngoài các kỹ năng chung như đã trình bày ở trên nhằm dảm bảo việc bảo vệ lợi ích tốt nhất cho khách hàng. Điều này đòi hỏi người luật sư không ngừng nâng cao kiến thức trong các lĩnh vực nói chung, kiến thức pháp luật nói riêng; trau dồi kỹ năng nghề nghiệp và luôn đặt đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu là tiêu chí xuyên suốt khi luật sư vận dụng các kỹ năng
  14. ấy để trợ giúp khách hàng, dẫn dắt họ đi trên một hành lang pháp lý an toàn, đồng thời hướng đến việc tạo lập những mối quan hệ xã hội hài hòa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tranh chấp về thừa kế, thường là giữa những người thân cận, quen biết lẫn nhau, góp phần xây dựng sự nghiệp “Dân giàu, nước mạnh, xã hội Công bằng- Dân chủ- Văn minh”
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0