ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI<br />
TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG<br />
<br />
<br />
<br />
NGUYỄN THỊ MỸ VÂN<br />
<br />
Chính sách quản lý rừng và sinh kế bền vững<br />
cho cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng núi<br />
tỉnh Thừa Thiên Huế<br />
<br />
Chuyên ngành: Môi trường trong phát triển bền vững<br />
Mã số: Chương trình đào tạo thí điểm<br />
<br />
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG<br />
<br />
Hà Nội, 2013<br />
<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI<br />
Từ xưa đến nay rừng luôn đóng vai trò quan trọng đối với môi trường cũng như sự sống của con người. Tuy<br />
nhiên, với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, sự gia tăng dân số nhanh cùng với quá trình đô thị hóa, công<br />
nghiệp hóa của Việt Nam trong những thập niên vừa qua đã gây sức ép lên môi trường, khiến cho tài nguyên<br />
rừng của Việt Nam ngày càng cạn kiệt. Số liệu thống kê cho thấy trong vòng 15 năm từ 1976 đến 1990, Việt<br />
Nam đã mất hơn 2,6 triệu ha rừng, chiếm khoảng 24% tổng diện tích rừng tự nhiên của cả nước [Nguyễn<br />
Quang Tân và Thomas Sikor, 2012]. Diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp đã kéo theo nhiều hệ lụy không chỉ<br />
về vấn đề môi trường, mà còn ảnh hưởng đến sự sinh tồn của hơn 25 triệu người dân Việt Nam, trong đó<br />
phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).<br />
Trước thực trạng đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm hạn chế sự suy thoái rừng và<br />
quản lý bền vững hơn nguồn tài nguyên quý giá này. Trong đó, giao đất giao rừng (GĐGR) là một chính<br />
sách lớn được thế giới đánh giá là một kỳ tích của Chính phủ Việt Nam trong quản lý rừng và có tác động<br />
nhiều nhất đến sinh kế của người dân.<br />
Kết quả khảo sát tại các xã trên địa bàn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy kể từ khi triển khai<br />
chính sách Giao đất giao rừng (năm 2003) đến nay, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi. Việc thực thi<br />
chính sách đã góp phần đem lại sự thành công về tỷ lệ tăng trưởng rừng, tạo điều kiện cho người dân có cơ<br />
hội được tiếp cận với nhiều nguồn sinh kế mới, các dịch vụ xã hội cơ bản… Tuy nhiên, bên cạnh đó, người<br />
dân cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới như diện tích và chất lượng đất canh tác ngày càng suy<br />
giảm; tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận đất ngày càng gia tăng... Việc thiếu đất canh tác, thiếu việc làm<br />
và bất bình đẳng trong tiếp cận đất dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, gia tăng đói<br />
nghèo và bất ổn xã hội ở các cộng đồng DTTS huyện A Lưới; các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng<br />
đang bị xói mòn; tệ nạn xã hội nảy sinh gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và sự phát triển<br />
kinh tế, xã hội của địa phương.<br />
Thực trạng nêu trên cho thấy nhu cầu cấp thiết phải có một nghiên cứu về hiệu quả của việc thực thi chính<br />
sách GĐGR liên quan đến sinh kế bền vững cho người dân ở huyện A Lưới, bởi mục tiêu mà Chính phủ đặt<br />
ra đối với chính sách GĐGR là góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS và đây cũng là một trong<br />
những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Việc nghiên cứu, đánh giá để<br />
chỉ ra những ưu điểm và những khiếm khuyết trong quá trình thực thi chính sách là điều hết sức quan trọng<br />
để từ đó đề xuất các khuyến nghị nhằm góp phần hoàn thiện hơn quá trình thực thi chính sách GĐGR và góp<br />
phần nâng cao đời sống cho người dân vùng núi huyện A Lưới nói riêng, và các vùng đồng bào DTTS ở Việt<br />
Nam nói chung.<br />
2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU<br />
Mục tiêu tổng quát của luận án là phân tích hiệu quả của việc thực thi chính sách GĐGR đối với sinh kế bền<br />
vững của cộng đồng các tộc người ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.<br />
Mục tiêu cụ thể:<br />
(i) Phân tích thực trạng của việc thực thi chính sách GĐGR trên địa bàn huyện A Lưới.<br />
(ii) Phân tích hiệu quả của việc thực thi GĐGR đối với sinh kế của cộng đồng các tộc người ở huyện A Lưới.<br />
<br />
1<br />
<br />
(iii) Trên cơ sở phân tích thực trạng và hiệu quả của việc thực thi chính sách GĐGR đến sinh kế của người<br />
dân, để đề xuất các khuyến nghị nhằm cải thiện đời sống cho người dân huyện A Lưới.<br />
3. ĐỐI TƯỢNG, KHÁCH THỂ VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU<br />
3.1. Đối tượng nghiên cứu<br />
Đối tượng nghiên cứu của luận án là chính sách quản lý rừng (cụ thể là chính sách giao đất giao rừng) và<br />
sinh kế bền vững của các tộc người ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.<br />
3.2. Khách thể nghiên cứu<br />
Khách thể nghiên cứu của luận án là cộng đồng bốn tộc người (Kinh, Cơ Tu, Tà Ôi và Pacoh) ở huyện A<br />
Lưới và lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương huyện A Lưới.<br />
3.3. Phạm vi nghiên cứu<br />
Chính sách GĐGR được lựa chọn để phân tích hiệu quả của quá trình thực thi đối với sinh kế bền vững của<br />
người dân huyện A Lưới.<br />
Luận án lựa chọn 6/21 xã của huyện A Lưới làm điểm khảo sát. Sinh kế của các hộ gia đình chủ yếu được<br />
phân tích trong quãng thời gian 10 năm (từ 2003 đến nay), vì đây là thời điểm huyện A Lưới thực hiện chính<br />
sách GĐGR cho dân quản lý.<br />
4. CÂU HỎI NGHIÊN CỨU<br />
- Chính sách GĐGR được triển khai ở huyện A Lưới như thế nào?<br />
- Việc thực thi chính sách GĐGR có thực sự đem lại hiệu quả đối với sinh kế cho người dân huyện A Lưới<br />
hay không? Những bất cập trong quá trình thực thi?<br />
- Để đem lại sinh kế bền vững cho người dân ở huyện A Lưới, những nội dung nào của chính sách GĐGR<br />
cần được điều chỉnh?<br />
5. GIẢ THUYẾT NGHIÊN CỨU<br />
- Việc thực thi chính sách GĐGR đã làm thay đổi các nguồn vốn sinh kế của hộ gia đình ở huyện A Lưới.<br />
- Quá trình thực thi chính sách GĐGR đã gây nên hiện tượng bất bình đẳng về cơ hội giữa các nhóm hộ trong<br />
cộng đồng.<br />
- Việc triển khai chính sách GĐGR đã ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực của địa phương<br />
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU<br />
1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Ở NƯỚC NGOÀI<br />
Ở bất cứ nơi đâu trên trái đất, bất kể nước giàu hay nước nghèo, nước phát triển hay đang phát triển, rừng<br />
luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự sống của con người và hệ sinh thái. Tuy nhiên ở mỗi thời kỳ khác<br />
nhau, nhu cầu sử dụng rừng của con người và các quy định liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng cũng hoàn<br />
toàn khác nhau. Từ xa xưa các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Âu đã thiết lập các chính<br />
sách về quản lý rừng và phần lớn diện tích rừng trên thế giới đều do nhà nước quản lý [FAO, 2012]. Đến<br />
những năm 80 của thế kỷ 20, thế giới đã chứng kiến sự thất bại của nhà nước trong quản lý rừng, gây ảnh<br />
hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng triệu người dân sống dựa vào rừng [Scott, 1998].<br />
<br />
2<br />
<br />
Trước thực trạng đó, người ta đã hoài nghi và đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của nhà nước trong quản lý<br />
rừng, các giải pháp “từ trên xuống” (top-down) trong quản lý rừng của nhà nước đã không phát huy hiệu quả.<br />
Vì vậy, các phương thức “quản lý rừng vì sự phát triển của cộng đồng”, “rừng vì con người” đã ra đời cùng<br />
với các phong trào “lâm nghiệp cộng đồng”, “lâm nghiệp xã hội”, “quản lý rừng có sự tham gia” được xây<br />
dựng. Nhờ vậy, chính sách lâm nghiệp của các quốc gia đã có những thay đổi đáng kể, từ chương trình “rừng<br />
vì nhà nước” sang chương trình “rừng vì người dân” [Hobley, 2007].<br />
Song song cùng với đó, cấu trúc quản lý rừng cũng có nhiều thay đổi trên khắp thế giới. Phi tập trung hóa đã<br />
trở thành một định hướng quan trọng trong quản lý rừng. Mặc dù vậy, sở hữu nhà nước về rừng vẫn chiếm<br />
ưu thế, hơn 86% diện tích rừng trên thế giới vẫn thuộc sở hữu công. Châu Á, châu Phi, châu Âu là những<br />
khu vực có tỷ lệ rừng thuộc sở hữu công lớn nhất thế giới với tỷ lệ tương ứng là 98%, 95% và 90% [FAO,<br />
2011].<br />
Mặc dù vậy nhưng nhiều nước đã chú trọng đến sự tham gia của cộng đồng trong quản lý rừng, điển hình<br />
như trường hợp Việt Nam, Lào và Bangladesh [Alam, 2009] và thực hiện trao quyền sử dụng đất cho các cá<br />
nhân, hộ gia đình và các tổ chức như trường hợp Việt Nam, Trung Quốc và Philippine [Yasmi, 2010]. Các<br />
nước châu Phi cũng đang tìm cách huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc quản lý rừng [Poffenberger,<br />
2012]. Một số nước khác chú trọng đến hoạt động xóa đói giảm nghèo cho người dân như trường hợp của<br />
Bangladesh, Trung Quốc và Việt Nam [Alam, 2009; Démurger Sylvie, Hou Yuanzhao and Yang Weiyong,<br />
2012].<br />
Bên cạnh đó quyền hưởng dụng đất rừng cũng được quan tâm nhiều hơn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy đảm<br />
bảo các quyền hưởng dụng đất rừng là một trong những cơ chế quan trọng nhất để kiểm soát, quản lý rừng và<br />
hướng tới xóa đói giảm nghèo. Chúng ta thấy điều này qua trường hợp của Peru và Venezuela trong các<br />
nghiên cứu của Taylor [2006], trường hợp của Trung Quốc qua nghiên cứu của Romano, Francesca and<br />
Dominique Reeb [2006] và của Nepal qua nghiên cứu của Bhattarai Sushma et al. [2009].<br />
Cùng đồng thời xuất hiện các tranh cãi về người dân miền núi là nguyên nhân hay nạn nhân của phá rừng và<br />
gây suy thoái môi trường? Các tranh luận này được thể hiện trong các nghiên cứu của Michon Genevieve et<br />
al. [2000], Yos [2003], Li [1999], Vandergeest [1996], Terry Rambo [1995], CIFOR [2005] và Sunderlin<br />
[2008].<br />
Tổng quan các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hầu hết các nước đã có sự chuyển đổi về cách thức quản lý<br />
rừng từ quản lý tập trung sang phi tập trung hóa, và từ việc quản lý rừng chủ yếu để khai thác lợi ích kinh tế<br />
từ rừng sang quản lý rừng bền vững. Sự chuyển đổi này đã và đang có những tác động tích cực đến sinh kế<br />
của hàng triệu người dân trên khắp hành tinh và góp phần vào việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên khắp<br />
toàn cầu.<br />
1.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Ở TRONG NƯỚC<br />
Ở Việt Nam, sự suy kiệt rừng tự nhiên trong những thập niên vừa qua là do việc khai thác, sử dụng tài<br />
nguyên rừng không hợp lý và do phương thức quản lý rừng tập trung trong một thời gian dài. Để góp phần<br />
hạn chế sự suy thoái rừng và huy động sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế vào quản lý rừng, Đảng và<br />
Nhà nước đã ban hành chính sách GĐGR và triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước từ năm 1994. Sau gần<br />
20 năm thực hiện, đã có khá nhiều các công trình nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên<br />
cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu và đánh giá. Sau đây là tổng hợp một số<br />
điểm chính về chính sách GĐGR:<br />
3<br />
<br />
Phân quyền trong quản lý rừng: Sự thành công nhất của chương trình GDGR là thu hút được sự tham gia<br />
ngày càng nhiều các thành phần kinh tế khác nhau vào công tác quản lý rừng [Nguyễn Quang Tân và<br />
Thomas Sikor, 2012; Hà Công Bình, 2010; Trần Đức Viên và cộng sự, 2005].<br />
Cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương: GĐGR đã tạo điều kiện để người dân có cơ hội hưởng lợi từ<br />
rừng, góp phần cải thiện sinh kế của người dân và thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo của nhà nước<br />
[Hà Công Bình, 2010], [Đinh Đức Thuận, 2005], [Vương Xuân Tình, 2008].<br />
Rừng được quản lý tốt hơn: Nhiều nghiên cứu cho thấy sau khi rừng được giao cho cộng đồng, rừng được<br />
bảo vệ tốt hơn trước, như trường hợp ở Đăk Lăk [Hà Công Bình, 2010], ở Thanh Hóa [Vương Xuân Tình,<br />
2003], ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao bằng [Nguyễn Huy Dũng, 2010] và ở Đắk Nông [Vương<br />
Xuân Tình, 2008].<br />
Mặc dù vậy, trong quá trình thực thi, chính sách cũng đã vấp phải những bất cập dẫn đến những cái không<br />
thành công như mong đợi.<br />
Tác động tiêu cực đến vấn đề an ninh lương thực do chương trình chưa đưa ra các giải pháp hỗ trợ sinh kế<br />
cho người dân, các chính sách, chế độ hưởng lợi chưa rõ ràng, chưa đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng<br />
[Thanh Hoài và Phúc Bản, 2009; Ngô Trí Dũng và Bùi Phước Chương, 2010; Hữu Phúc, 2010; Bechstedt,<br />
2010].<br />
Sự khác biệt giữa luật pháp và luật tục: Mô hình giao đất rừng hiện nay đang gây nên những xáo trộn cho<br />
phát triển rừng ở miền núi, làm mai một các hệ thống quản lý tài nguyên truyền thống do sự khác biệt giữa<br />
luật pháp và luật tục [Nguyễn Văn Sản và Gilmour, 1999:28 trích trong Sunderlin và Huỳnh Thu Ba, 2004;<br />
Bechstedt, 2010; Vương Xuân Tình, 2008].<br />
Góp phần tạo nên sự bất bình đẳng trong cộng đồng: Nghiên cứu của Tô Xuân Phúc [2003], Vương Xuân<br />
Tình và Peter Hjamdah [1996], Nguyễn Quang Tân [2008] cho thấy quá trình giao đất giao rừng gây nên<br />
hiện tượng bất bình đẳng trong tiếp cận đất rừng giữa các nhóm hộ trong cộng đồng.<br />
Tổng quan các nghiên cứu trên cho thấy GĐGR là một chủ trương đúng đắn của Việt Nam, đã nhận được sự<br />
quan tâm ủng hộ của toàn xã hội, tuy nhiên quá trình thực thi vẫn còn nhiều bất cập gây ảnh hưởng đến đời<br />
sống của người dân và mục tiêu đặt ra của Đảng.<br />
CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN<br />
2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN<br />
2.1.1. Các khái niệm công cụ<br />
Khái niệm rừng, giao đất giao rừng, cộng đồng, chính sách, phân tích chính sách, sinh kế, sinh kế bền vững,<br />
dân tộc thiểu số, tộc người.<br />
2.1.2. Một số lý thuyết chính<br />
Lý thuyết xung đột, lý thuyết sự lựa chọn hợp lý, lý thuyết giới, lý thuyết Phát triển bền vững.<br />
2.1.3. Cách tiếp cận<br />
Tiếp cận Sinh thái nhân văn; Tiếp cận Sinh kế bền vững; Tiếp cận quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng.<br />
<br />
4<br />
<br />