intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Lịch sử: Quan hệ bang giao và thương mại của Champa với châu Á từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:27

16
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài "Quan hệ bang giao và thương mại của Champa với châu Á từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV" nhằm nghiên cứu lịch sử phát triển của các mối quan hệ bang giao và thương mại của Champa với các đế chế, trung tâm văn minh và các quốc gia trong khu vực từ thế kỷ VII đến hết thế kỷ XV. Từ đó, Nghiên cứu sinh làm rõ đặc trưng, tính chất, phạm vi, mức độ và tác động của các mối quan hệ bang giao, thương mại đối với vương quốc Champa cũng như lịch sử phát triển của khu vực.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Lịch sử: Quan hệ bang giao và thương mại của Champa với châu Á từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI --------------- ĐỖ TRƯỜNG GIANG QUAN HỆ BANG GIAO VÀ THƯƠNG MẠI CỦA CHAMPA VỚI CHÂU Á TỪ THẾ KỶ VII ĐẾN THẾ KỶ XV Chuyên Ngành: LỊCH SỬ THẾ GIỚI Mã số : 9229011 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ HÀ NỘI - 2023
  2. Công trình được hoàn thành tại: Học viện Khoa học xã hội Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. ĐINH QUANG HẢI GS.TS.NGUYỄN VĂN KIM Phản biện 1: PGS.TS.Ngô Văn Doanh Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Phản biện 2: PGS.TS. Đào Tuấn Thành Đại học Sư phạm Hà Nội Phản biện 3: GS.TS.Hoàng Anh Tuấn Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Học viện họp tại ............................................................................................... ........................................................................................................... Vào hồi: ........ giờ ....... phút, ngày ....... tháng ........ năm ............... Có thể tìm hiểu luận án tại: Thư viện Quốc gia Việt Nam Trung tâm Thông tin - Tư liệu - Thư viện Học viện Khoa học xã hội
  3. DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1.Đỗ Trường Giang, “Quan hệ bang giao và thương mại giữa Champa với nhà Minh thế kỷ XIV-XV”, tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9, 2022, tr.12-23 2.Do Truong Giang, “A preliminary survey of Chinese ceramics in Champa archaeological sites”, The SEAMEO SPAFA International Conference on Southeast Asian Archaeology and Fine Arts, 2022, tr.148- 165. 3.Do Truong Giang, “Promoting the values of Champa heritage photograph collection at the Library of Social Sciences”, in trong International coference: The EFEO photograph collection at the Library of Social Sciences, Vietnam Academy of Social Sciences, 2021, tr.41-62
  4. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Vương quốc Champa đã từng là quốc gia láng giềng phương Nam của Đại Việt. Lãnh thổ của vương quốc này trải dài từ nam Đèo Ngang (tỉnh Quảng Bình) đến vùng châu thổ sông Đồng Nai. Không gian rộng dài của biển và các đường bờ biển tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Chmapa tiến hành các hoạt động hải thương hơn là phát triển nông nghiệp. Do điều kiện tự nhiên, ở miền Trung các châu thổ thường hẹp và bao bọc bởi một bên là dãy Trường Sơn và một bên là Biển Đông. Trong bối cảnh đó, Champa đã sớm có cái nhìn, tư duy hướng biển và hưởng lợi từ các hoạt động thương mại nhộn nhịp giữa Biển Đông với Ấn Độ Dương, điều đã mang lại sự phát triển kinh tế năng động trong suốt lịch sử Đông Nam Á. Dưới ánh sáng của những nguồn tư liệu và quan điểm nghiên cứu mới, vấn đề lịch sử vương quốc Champa ở miền Trung Việt Nam - một vương quốc biển điển hình của Đông Nam Á cổ trung đại, đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều học giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, lịch sử Champa từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV hiện đang còn là một “khoảng trống” và cần có những nghiên cứu chuyên sâu để góp phần phục dựng lại một lịch sử trọn vẹn của vương quốc Champa từ khi hình thành đến lúc suy tàn. Để làm rõ lịch sử phát triển huy hoàng của Champa từ thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XV, một số vấn đề quan trọng cần tập trung khảo cứu và luận giải như dấu ấn và sự lan tỏa văn hóa cổ Champa đến các nền văn hóa, quốc gia khu vực; Về mối liên hệ giữa biển (các tuyến giao thương, trung tâm buôn bán khu vực, quốc tế, nguồn tài nguyên biển...) và lục địa (hoạt động của các trung tâm kinh tế đối ngoại, vai trò của các thể chế chính trị trong việc điều hành hệ thống buôn bán, khai thác tài nguyên, sản xuất thủ công...); Về cấu trúc, chức năng của các thành thị, cảng thị đặt trong mối tương quan so sánh với thành thị và cảng thị tại một số nước trong khu vực đương thời; Về sự trỗi dậy và sự “chuyển giao quyền lực” của một vương quốc trung tâm với các tiểu quốc như đã từng thấy trong lịch sử Champa với sự phát triển nhanh chóng của Amaravati, Vijaya hay Panduranga v.v... Bên cạnh đó, thực tiễn ngày nay cho thấy Nam Trung Bộ là một trong những khu vực kinh tế chưa phát triển đúng với tiềm năng và vị thế của mình. Thế nhưng, từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV, vương quốc Champa cổ đã có những chiến lược khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng đất này để xây dựng nên một vương quốc có nền thương mại biển phát triển, có quan hệ bang giao và thương mại rộng khắp với các quốc gia láng giềng cũng như các trung tâm kinh tế thế giới lớn đương thời. Do đó, việc nghiên cứu về tiềm năng, hoạt động kinh tế và bang 1
  5. giao, thương mại quốc tế của Champa với châu Á có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn quan trọng, giúp các nhà hoạch định chính sách ngày nay có được một cái nhìn sâu sắc về khu vực có vị trí chiến lược này để từ đó đưa ra những chính sách phù hợp, phát huy đến mức cao nhất tiềm năng và lợi thế của khu vực này. Với những lý do như trên, nghiên cứu sinh chọn đề tài: “Quan hệ bang giao và thương mại của Champa với châu Á từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV” làm chủ đề nghiên cứu. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích chính của đề tài là nghiên cứu các mối quan hệ bang giao và thương mại của Champa với khu vực châu Á, đặt Champa trong bối cảnh lịch sử khu vực và toàn cầu để giải mã các vấn đề về tiềm năng, động lực, quá trình hình thành, đặc tính phát triển và sự hội nhập khu vực của Champa trong thời kỳ phát triển đỉnh cao của vương quốc này từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Sưu tầm, hệ thống hóa và phân tích dữ liệu các nguồn tư liệu đa ngành phục vụ cho mục đích nghiên cứu của luận án, bao gồm: tư liệu bi ký Champa và Khmer, tư liệu thư tịch cổ của Việt Nam, tư liệu thư tịch cổ của Trung Quốc, các nguồn tư liệu thư tịch khác (của Arab, Malay); tư liệu khảo cổ học (kết quả khai quật các di ti tích, phế tích Champa; tư liệu gốm sứ thương mại nước ngoại tại các địa điểm khảo cổ học Champa; tư liệu gốm sứ cổ Champa…). - Phục dựng lại bối cảnh lịch sử khu vực và thế giới thế kỷ VII-XV; khái quát hóa lịch sử phát triển tư tưởng, chính trị và các nguồn lực tự nhiên, xã hội, kinh tế của Champa; nghiên cứu các điều kiện, động lực làm nền tảng cho sự hình thành, xu thế phát triển và các hoạt động bang giao và thương mại quốc tế của vương quốc. - Nghiên cứu lịch sử phát triển của các mối quan hệ bang giao và thương mại của Champa với các đế chế, trung tâm văn minh và các quốc gia trong khu vực từ thế kỷ VII đến hết thế kỷ XV. Từ đó, Nghiên cứu sinh làm rõ đặc trưng, tính chất, phạm vi, mức độ và tác động của các mối quan hệ bang giao, thương mại đối với vương quốc Champa cũng như lịch sử phát triển của khu vực. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu 2
  6. Đề tài tập tập trung nghiên cứu về vấn đề bang giao và thương mại của vương quốc cổ Champa với Châu Á trong giai đoạn từ thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XV. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Về thời gian, đề tài nghiên cứu quan hệ bang giao và thương mại quốc tế của Champa trong giai đoạn từ đầu thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XV. Đây là giai đoạn được coi là lịch sử phát triển huy hoàng của Champa cũng như của nhiều quốc gia cổ đại Đông Nam Á khác trước khi có sự hiện diện của các thương thuyền Châu Âu. Thế kỷ VII đánh dấu thời kỳ danh xưng Champa lần đầu tiên được sử dụng trong các bi ký cổ Champa; trên bình diện quốc tế là thời kỳ ra đời của Hồi giáo ở Trung Đông và sự khởi đầu của triều đại nhà Đường ở Trung Quốc. Cuối thế kỷ XV đánh dấu sự thất bại của Vương quốc Champa ảnh hưởng Ấn độ giáo trước Đại Việt hùng mạnh ảnh hưởng Nho giáo (1471); trên bình diện quốc tế là thời kỳ hình thành và phát triển mới của hệ thống thương mại Châu Á, đặc biệt là sự xuất hiện của các thương nhân và thuyền buôn Châu Âu tại các vùng biển châu Á, điều này dẫn tới sự thay đổi cấu trúc của mạng lưới thương mại Châu Á, trở thành nhân tố ngoại sinh dẫn tới sự suy tàn của nhiều vương quốc cổ đã từng rất hùng mạnh ở khu vực. Về không gian: đề tài tập trung nghiên cứu về vương quốc Champa kéo dài từ nam Đèo Ngang (cực bắc của vương quốc Champa trong lịch sử, ngày nay là ranh giới giữa tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình) tới lưu vực sông Đồng Nai (cực Nam của vương quốc Champa trong lịch sử); trên bình diện quốc tế, đề tài khảo sát các quan hệ bang giao và thương mại của vương quốc Champa với các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn ở khu vực châu Á bao gồm khu vực Đông Á (với trọng tâm là các triều đại Trung Quốc), khu vực Đông Nam Á (với trọng tâm là Đại Việt, Chân Lạp và vùng hải đảo), khu vực Nam Á và Tây Nam Á (với trọng tâm là mạng lưới thương nhân Hồi giáo). Về nội dung: Luận án sẽ nghiên cứu các vấn đề cụ thể như: 1. Những tiền đề cho sự phát triển quan hệ bang giao và thương mại quốc tế của Champa: trong đó xem xét các vấn đề như tổ chức nhà nước và các vấn đề văn hóa xã hội Champa, tiềm năng và hoạt động kinh tế của Champa, mạng lưới kinh tế nội địa của Champa; 2. Quan hệ bang giao và thương mại của Champa với khu vực châu Á, trong đó khảo sát các vấn đề về quan hệ ngoại giao và hoạt động thương mại quốc tế của Champa với các triều đại Trung Quốc từ Đường tới Tống, Nguyên, Minh, cũng như các trung tâm chính trị, kinh tế quan trọng khác ở Châu Á gồm Tây Á, Nam Á và Đông Nam Á từ thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XV. 3
  7. 4. Phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu 4.1. Phương pháp luận Đề tài được thực hiện trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử và duy vật biện chứng để nhận diện quá trình hình thành, phát triển nội tại của Champa, các mối quan hệ, liên kết và tác động mang tính khu vực và quốc tế qua các thời kỳ của vương quốc Champa. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Để đảm bảo tính khách quan và khoa học, hai phương pháp chính được sử dụng là phương pháp lịch sử và phương pháp logic. Cùng với 2 phương pháp chính trên, tác giả còn kết hợp sử dụng một số phương pháp khác như: Phương pháp so sánh, phương pháp khu vực học, phương pháp điền dã, phương pháp liên ngành... 4.3. Nguồn tài liệu Nguồn tài liệu được sử dụng trong nghiên cứu luận án là các tài liệu bi ký, thư tịch cổ, tư liệu khảo cổ học, tư liệu lưu trữ và tư liệu điền dã, gồm: - Hệ thống bi ký cổ Champa, bao gồm các bi ký được khắc tại các đền tháp cổ Champa (đặc biệt tại thánh địa Mỹ Sơn và thánh địa Po Nagar), bi ký cổ khắc trên đá tự nhiên, bi ký cổ khắc trên đồ gốm và các đồ tạo tác khác. Bi ký Champa có số lượng rất hạn chế, chỉ khoảng 300 bi ký được lập danh mục cho đến nay. - Hệ thống thư tịch cổ Việt Nam, Trung Quốc và Arab. Các bộ sách Việt sử lược tác giả khuyết danh thời Trần; Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê; Đại Việt sử ký Tiền biên của Ngô Thì Sĩ; Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn; Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Đại Nam Nhất thống chí (1883), Đồng Khánh địa dư chí (1886-1888) của Quốc sử quán triều Nguyễn. Tư liệu chính sử và các thư tịch cổ của Trung Quốc như: Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử, Tống Hội yếu, Nguyên sử, Minh sử, Minh thực lục, Lĩnh ngoại Đại đáp, Đảo di chí lược, Doanh nhai thắng lãm, Tinh sai thắng lãm... Các ghi chép trong thư tịch cổ Arab như ghi chép của Ibn Khurdadhbih trong Kitab al-masalik wa’l-mamalik; tư liệu hành trình của Ya’Qubi (thế kỷ IX), Mas’udi (thế kỷ X), Ibn al-Nadim (cuối thế kỷ X), Aja’ib al-Hind (thế kỷ XI), Mukhtasar al-Aja’ib (thế kỷ XI) và Idrisi (giữa thế kỷ XII). -Tài liệu khảo cổ học đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu về lịch sử thương mại của Champa, đặc biệt là các tư liệu liên quan tới đồ gốm sứ nước ngoài được phát hiện tại các địa 4
  8. điểm khảo cổ học Champa, cũng như tư liệu về sản xuất và xuất khẩu của đồ gốm sứ Champa ra nước ngoài. Trong nhiều năm qua, các tư liệu khảo cổ học về đồ gốm Trung Quốc và Tây Á được phát hiện tại miền Trung Việt Nam thời kỳ Champa được công bố rải rác trên tạp chí Khảo cổ học và Những phát hiện mới về Khảo cổ học, nhưng không mang tính hệ thống và đầy đủ. - Các sách thông sử, công trình chuyên khảo, biên khảo, các bài báo, tạp chí khoa học có liên quan đến đề tài. - Tài liệu lưu trữ tại các Trung tâm lưu trữ quốc gia và lưu trữ tại các Bảo tàng, Thư viện và sưu tập cá nhân tại các địa phương. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Luận án hướng đến việc làm rõ một số vấn đề quan trọng trong lịch sử Champa chưa được nghiên cứu chi tiết và hệ thống, bao gồm: tiềm năng và hoạt động kinh tế của Champa; vai trò và vị thế của Champa trong lịch sử khu vực và Châu Á qua nghiên cứu quan hệ bang giao và thương mại của Champa với các vương quốc khác ở Châu Á từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV. Trong đó, Luận án đặc biệt nhấn mạnh đến quan hệ giữa Champa với các vương triều Trung Quốc, với mạng lưới Hồi giáo ở Châu Á, cũng như với các vương quốc láng giềng ở Đông Nam Á. Hướng nghiên cứu chính của Luận án là đặt lịch sử Champa trong bối cảnh bang giao và thương mại quốc tế để làm rõ những bước thăng trầm của lịch sử Champa từ khi là một vương quốc biển hùng mạnh cho đến khi trở thành một phần lãnh thổ của Việt Nam. Việc đặt vấn đề nghiên cứu lịch sử Champa trong bối cảnh lịch sử toàn cầu, thay vì trong bối cảnh hẹp là các mối tương tác thường xuyên với Đại Việt và Chân Lạp, đã cung cấp những nhận thức mang tính khách quan hơn trong việc nhìn nhận sự suy vong của vương quốc Champa, vốn trước đây được cho là hệ quả của quá trình Nam tiến của người Việt. Từ việc nghiên cứu quan hệ bang giao và thương mại của Champa với Châu Á từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV, Luận án cũng đã có những đóng góp quan trọng đối với việc nghiên cứu về lịch sử quan hệ quốc tế ở Châu Á, lịch sử giao thương ở Châu Á thời cổ trung đại. Cụ thể, việc nghiên cứu quan hệ triều cống của Champa tới các vương triều Trung Quốc đã góp phần làm rõ thêm lý thuyết thương mại triều cống trong lịch sử Đông Á. Bên cạnh đó, Luận án góp phần làm sáng rõ thêm vai trò và vị thế của khu vực Đông Nam Á trong quan hệ giao thương quốc tế thời cổ, trong đó nhấn mạnh đến vai trò là những điểm trung chuyển hàng hóa, vai trò là nguồn cung cấp hàng hóa xa xỉ cho thị trường Trung Quốc, Arab và Ấn Độ. 5
  9. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án Ý nghĩa lý luận: Từ việc nghiên cứu về tính chất, đặc trưng và những tác động trong việc thực hành quan hệ đối ngoại của vương quốc Champa, luận án đã đặt vấn đề đánh giá tính xác thực và khả tín của một số lý thuyết nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á và châu Á thời cổ trung đại như: quan hệ chính trị và bang giao theo tư tưởng bang giao truyền thống Ấn Độ và Đông Nam Á (mô hình lý thuyết mandala của Kautilya), lý thuyết về mạng lưới triều cống và trật tự thế giới Trung Hoa ở Châu Á, lý thuyết về mạng lưới trao đổi ven sông (riverine exchange network) và lý thuyết về thương mại biển Châu Á (kỷ nguyên thương mại biển sơ kỳ ở Đông Nam Á). Ý nghĩa thực tiễn: Thông qua việc nghiên cứu các mối quan hệ đối ngoại của vương quốc cổ Champa, Luận án này góp phần làm rõ những nguồn lực, vị thế và ý nghĩa chiến lược của miền Trung Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị và địa chiến lược ở khu vực Đông Nam Á nói riêng cũng như châu Á nói chung. Việc xác định rõ vị thế quốc tế này của miền Trung trong lịch sử sẽ là cơ sở lý luận cho việc hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược kinh tế biển của miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung của luận án được chia thành 05 Chương như sau: Chương 1 là phần Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước và ngoài nước, gồm 03 vấn đề chính liên quan tới nội dung luận án: (1) Vấn đề tổ chức chính trị và hoạt động kinh tế của Champa; (2) Vấn đề bang giao và thương mại Châu Á thời cổ; và (3) Vấn đề bang giao và thương mại của Champa với Châu Á. Chương 2 trình bày về Champa trong bối cảnh thương mại Châu Á (từ thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XV). Chương 3 trình bày quan hệ bang giao và thương mại của Champa với các quốc gia cổ ở Châu Á từ thế kỷ VII đến giữa thế kỷ XIII. Chương 4 trình bày quan hệ bang giao và thương mại của Champa với các quốc gia cổ ở Châu Á từ giữa thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XV. Chương 5 đưa ra những nhận xét, đánh giá về lịch sử quan hệ bang giao và thương mại của Champa với Châu Á từ thế kỷ VII đến cuối thế kỷ XV. 6
  10. CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Những công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước 1.1.1. Vấn đề tổ chức chính trị và hoạt động kinh tế của Champa Lương Ninh là một trong những chuyên gia có nhiều nghiên cứu chuyên sâu nhất về vấn đề tổ chức chính trị và vấn đề thể chế của vương quốc cổ Champa, trong đó nổi bật là công trình Lịch sử vương quốc Champa xuất bản năm 2004. Ngoài ra, tác giả Lương Ninh còn công bố rất nhiều công trình quan trọng khác về lịch sử chính trị và hoạt động bang giao, kinh tế của Champa trên tạp chí Khảo cổ học và Nghiên cứu Lịch sử như: “Trà Kiệu – Di tích và vấn đề” (Khảo cổ học, số 5 năm 2006); “Các di tích và vấn đề lịch sử Nam Champa” (Khảo cổ học, số 2 năm 1999); “Lại bàn về nước Lâm Ấp – Champa” (Khảo cổ học, số 3 năm 2013); “Champa với thế giới Biển Đông và Ấn Độ cổ xưa” (Nghiên cứu Lịch sử, số 9 năm 2014). Trần Quốc Vượng là một trong những chuyên gia đầu tiên của Việt Nam nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nghiên cứu tiềm năng, động lực phát triển và các hoạt động kinh tế của Champa, đặc biệt là tiềm năng và hoạt động khai thác kinh tế biển. Các công bố tiêu biểu của ông bao gồm: “Chiêm cảng Hội An với cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt”, trong: Kỷ yếu hội thảo khoa học về khu phố cổ Hội An năm 1985; “Miền Trung Việt Nam và văn hóa Chămpa (Một cái nhìn địa-văn hóa)” (Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 năm 1995); “Về một nền văn hoá cảng thị ở miền Trung” (Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật, số 9 năm 1995)... Trần Kỳ Phương coi Champa như một mandala dọc theo các thung lũng ven sông và ven biển. Các công bố chính của ông bao gồm: “Góp phần tìm hiểu về nền văn minh của vương quốc cổ Champa tại miền Trung Việt Nam” (Nghiên cứu và Phát triển, số 3 và số 4 năm 2002); “Bước đầu xác định danh hiệu các tiểu vương quốc (?) thuộc miền Bắc vương quốc cổ Chiêm Thành [Champa] tại miền Trung Việt Nam khoảng giữa thế kỷ 11 và 15”, (Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 2, năm 2004); sách Nghệ thuật Chăm pa: Nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc đền-tháp năm 2021… 1.1.2. Các mối bang giao và thương mại Châu Á truyền thống Nhà sử học Nguyễn Văn Kim, với vai trò là Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Toàn cầu và cũng là Trưởng Nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á, đã có nhiều sự phối hợp, nghiên cứu liên ngành để làm sáng tỏ truyền thống và hoạt động ngoại thương của Việt Nam trong bối 7
  11. cảnh và hệ thống thương mại châu Á. Kết quả đạt được là các công trình: Vân Đồn - Thương cảng quốc tế của Việt Nam, Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII; Người Việt với biển, Việt Nam - Truyền thống kinh tế, văn hóa biển; Việt Nam trong các mối quan hệ khu vực và quốc tế; Biển Việt Nam và các mối giao thương biển; Biển với lục địa - Vai trò và mạng lưới giao lưu ở lưu vực các dòng sông miền Trung... đã góp phần làm sâu sắc hơn những nhận thức về truyền thống khai thác biển, tư duy hướng biển và hoạt động kinh tế biển của Việt Nam (trong đó có quan hệ thương mại của Champa và các thương cảng miền Trung), đồng thời cũng góp phần làm sáng tỏ cơ chế vận hành của các mạng lưới bang giao, thương mại của khu vực. Nhà sử học Hoàng Anh Tuấn đã công bố nhiều công trình quan trọng về hoạt động thương mại và bang giao quốc tế ở châu Á, đặc biệt là giai đoạn thế kỷ XVII-XVIII. Một số công trình quan trọng của Hoàng Anh Tuấn có thể kể đến như: bài viết “Cù Lao Chàm và hoạt động thương mại ở Biển Đông thời Vương quốc Champa” ”, in trong Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2000); “Vị trí của Việt Nam trong hệ thống thương mại biển Đông thời cổ trung đại” (Nghiên cứu Lịch sử, số 9+10 năm 2008); “Thương mại thế giới trước thế kỷ XVI: Mấy vấn đề tiếp cận” (Nghiên cứu Lịch sử, số 11 năm 2014); chuyên khảo Thương mại thế giới và hội nhập của Việt Nam thế kỷ XVI-XVIII. 1.1.3. Vấn đề bang giao và thương mại của Champa với Châu Á Bên cạnh việc thảo luận về vấn đề “Ấn Độ hóa” ở Champa, tác giả Lâm Mỹ Dung cũng đã lưu ý tới một “nhân tố Trung Hoa” trong việc định hình và phát triển của văn hóa Champa. Một số công bố quan trọng của tác giả gồm có: “Yếu tố Hán ở miền Trung Việt Nam những thế kỷ trước sau Công nguyên”, in trong Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV: Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (1995-2000); Đồ gốm trong những địa điểm khảo cổ học Champa ở miền Trung Việt Nam” (Khảo cổ học, số 1 năm 2005); chuyên khảo Sa Huỳnh, Lâm Ấp, Champa thế kỉ 5 trước công nguyên đến thế kỷ 5 sau công nguyên (Một số vấn đề khảo cổ học) in năm 2017. Tác giả Hà Bích Liên trong Luận án Tiến sĩ có tiêu đề "Quan hệ giữa vương quốc cổ Champa với các nước trong khu vực" bảo vệ năm 2000, đã nghiên cứu một số mối liên hệ về văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ và kinh tế của Champa với một số vương quốc cố ở Malaysia, Indonesia và Philippines. 8
  12. Luận án Tiến sĩ “Quan hệ Đại Việt – Champa thế kỷ X-XV ở châu thổ Bắc Bộ” của Đinh Đức Tiến đã phác dựng lại mối quan hệ giữa Đại Việt với Champa từ thế kỷ X đến thế kỷ XV trên các phương diện, từ hoạt động ngoại giao đến các hoạt động quân sự. Tác giả Văn Món Sakaya đã khai thác thư tịch cổ của người Chăm cũng như khảo sát thực địa việc thực hành tín ngưỡng, lễ hội của cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận và ở Malaysia đã có những công bố quan trọng về mối liên hệ lịch sử, văn hóa giữa người Champa cổ với cộng đồng các cư dân Malay ở bán đảo Malaysia. Các nghiên cứu của Sakaya về vấn đề này gồm Lịch sử mối quan hệ giữa Champa và thế giới Mã Lai (Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX): Nghiên cứu trường hợp lễ Raja Praong của người Chăm Luận văn thạc sĩ) và Mối quan hệ giữa văn hoá Chăm và văn hoá Mã Lai thông qua lễ Raja Praong và Mak Yong (Luận án tiến sĩ). Tác giả Ngô Văn Doanh cũng đã có những nghiên cứu sâu sắc về quan hệ văn hóa, nghệ thuật giữa Champa với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, đặc biệt là với vương quốc cổ Java. Các nghiên cứu chính của ông bao gồm: “Ấn Độ và văn hóa Chămpa” (Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 năm 1994); "Champa và buổi đầu tiếp xúc với Ấn Độ" (Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6 năm 2001); “Thành Châu Sa – Cổ Lũy và quan hệ Champa-Srivijaya” (Nghiên cứu Lịch sử, số 2 năm 2005); chuyên khảo Văn hóa cổ Champa năm 2002… 1.2. Những công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài 1.2.1. Vấn đề tổ chức chính trị và hoạt động kinh tế của Champa Năm 1888, A.Begainge đã công bố một trong những nghiên cứu đầu tiên về lịch sử Champa trong công trình: L'ancien royaume de Campa dans l'Indochine. Tác phẩm này đã phác dựng những suy nghĩ, nhận thức đầu tiên về lịch sử của vương quốc cổ Champa. Không lâu sau đó, A.Begainge và E.Aymonier đã công bố những kết quả khảo cứu mới về minh văn Champa ở miền Trung Việt Nam. Đặc biệt là sự thành lập của Mission Archéologique d‘Indochine vào năm 1898 (từ năm 1900 đổi tên thành École Française d‘Extrême - Orient, EFEO), đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa Champa. Từ thời điểm này trở đi, các học giả người Pháp đã dành nhiều hơn sự quan tâm đối với các cuộc khai quật khảo cổ học ở miền Trung và nghiên cứu cụ thể nhất có thể thấy qua công trình đồ sộ: Inventaire descriptif des monuments cams de l’Annam của H.Parmentier. Dựa trên những bằng chứng mới, học giả G.Maspéro đã có một đóng góp quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Champa thông qua việc xuất bản công trình: Le Royaume de Champa vào năm 1928. Công trình này đã nhanh chóng được xem như một trong những diễn ngôn kiểu 9
  13. mẫu về lịch sử Champa. Công trình của G.Maspero là nền tảng cho một số công trình sau đó về lịch sử chính trị Champa như: R.C.Majumdar với công trình Champa - history and culture; G.Coedès kế thừa viết lịch sử vương quốc Champa “Ấn Độ hóa” trong khung cảnh lịch sử rộng lớn hơn của khu vực Đông Nam Á với công trình The Indianized states of Southeast Asia. Từ sau những năm 1970, các học giả quốc tế bắt đầu đặt lại vấn đề diễn ngôn và diễn giải lịch sử Champa của Maspero và Majumdar. Một số công trình xuất bản tại Pháp gồm: Actes du Séminaire Sur le Campa; Le Campa - Géographie - Population – Histoire. David Sox là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên quan tâm tới chủ đề lịch sử kinh tế Champa thông qua nghiên cứu về "Resource-use systems of ancient Champa" tại đại học Hawaii vào năm 1972. 1.2.2. Các mối bang giao và thương mại Châu Á truyền thống Các công trình nghiên cứu của Immanuel Wallerstein về Hệ thống thế giới hiện đại (Modern World-System) đã đặt nền tảng cho cách tiếp cận toàn cầu mang tính đột phá nhằm nghiên cứu lịch sử và đã được Hội Sử học Toàn cầu (World History Association) chấp thuận (Immanuel Wallerstein, The Modern World-System II: Mercantilism and the Consolidation of the European World-Economy, 1988). Tuy nhiên, Wallerstein dường như đã đặt khu vực Đông Nam Á ở vị trí ngoại vi trong tuyến thương mại hàng hải quốc tế từ Trung Quốc đến Nam Á và có đóng góp rất hạn chế trong một hệ thống thế giới mới với trung tâm là Châu Âu này. K. N. Chaudhuri trong các chuyên khảo Trade and Civilisation in the Indian Ocean: An Economic History from the Rise of Islam to 1750 và Asia before Europe: Economy and Civilisation of the Indian Ocean from the Rise of Islam to 1750 nhấn mạnh tới những tác động to lớn của thương mại đã thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế của khu vực Ấn Độ Dương trước thời Cận đại. Wang Gungwu đã công bố công trình nổi tiếng về bang giao và thương mại của Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á giai đoạn sớm với tiêu đề “The Nanhai Trade: A Study of the Early History of Chinese Trade in the South China Sea”, được công bố vào năm 1958. Kenneth Hall đã công bố vào năm 1985 một công trình rất nổi tiếng Maritime Trade and State development in Early Southeast Asia nghiên cứu về các hoạt động bang giao và thương mại của các quốc gia cổ ở Đông Nam Á từ đầu CN đến năm 1500. Một công trình nghiên cứu quan trọng khác về hoạt động bang giao và thương mại của Đông Nam Á trong các thế kỷ XV-XVII là công trình Southeast Asia in the age of Commerce 10
  14. 1450-1680 của Anthony Reid [208; 209]. Bộ sách hai tập Southeast Asia in the age of Commerce 1450-1680 của Anthony Reid là một đóng góp đáng kể cho lĩnh vực nghiên cứu lịch sử bang giao và thương mại của Đông Nam Á, trong đó A.Reid đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các vùng biển Đông Nam Á đối với thương mại toàn cầu vào các thế kỷ XV-XVII. 1.2.3. Vấn đề bang giao và thương mại của Champa với Châu Á Quan hệ giữa Champa với thế giới Đông Nam Á hải đảo có thể kể tới các nghiên cứu của nhóm học giả EFEO trong hội thảo tại Copenhagen năm 1985. Danny Wong đã cung cấp những thông tin quan trọng về quan hệ giữa Champa với thế giới Malay. Kenneth Hall đã công bố bài viết quan trọng về “Revisionist Study of Cross-Cultural Commercial Competition on the Vietnam Coastline in the Fourteenth and Fifteenth Centuries and Its Wider Implications”. Trong bài viết này, K.Hall đã cố gắng đặt mối quan hệ giữa Champa với Đại Việt trong bối cảnh thương mại toàn cầu để lý giải các sự kiện lịch sử và các xu hướng phát triển trong mối quan hệ này vào thế kỷ XIV-XV. Geoff Wade có những nghiên cứu chuyên sâu về sự phát triển của mạng lưới thương nhân Arab ở Đông Nam Á thời cổ trung đại, bao gồm một số thông tin về hoạt động của họ ở Champa. Các công bố của Geoff Wade gồm: The Ming shi Account of Champa. Asia Research Institute, National University of Singapore Working Paper Series (2003); “The “Account of Champa” in the Song Huiyao Jigao”, in trong The Cham of Vietnam – History, Society and Art (2011)… 1.3. Những nội dung luận án kế thừa Từ những nghiên cứu trên, tác giả luận án kế thừa được một số nội dung sau: - Công trình nghiên cứu của G.Maspero được coi là một trong những thành tựu khoa học nổi tiếng nhất và quan trọng nhất về lịch sử vương quốc Champa. Tác giả đã xây dựng lại được một phả hệ thế thứ các đời vua Champa, đồng thời cũng đã bước đầu giới thiệu và đánh giá về mối quan hệ của các vương triều Champa với Trung Quốc, Đại Việt và Chân Lạp. - Vấn đề thương mại và bang giao của Champa với các quốc gia trong khu vực đã được bước đầu đặt ra, đặc biệt là việc công bố các nguồn tư liệu mới phục vụ cho việc nghiên cứu về lĩnh vực này. Chính những ý tưởng gợi mở bởi Geoff Wade, Momoki Shiro, Kenneth Hall và Michael Vickery đã trở thành động lực để tác giả luận án này lựa chọn đề tài nghiên cứu của mình, trong đó tập trung làm rõ các hoạt động kinh tế và bang giao quốc tế của Champa dựa trên những nguồn tư liệu mới được công bố gần đây. 11
  15. - Các nghiên cứu của Kenneth Hall, Momoki Shiro, Geoff Wade về lịch sử thương mại quốc tế ở Đông Nam Á và châu Á có giá trị rất quan trọng đối với việc nghiên cứu về lịch sử giao thương của Champa. - Những nghiên cứu mới về gốm sứ của các học giả Việt Nam gần đây đã đưa đến nhiều nhận thức quan trọng về hoạt động kinh tế và thương mại quốc tế của Champa 1.4. Những nội dung luận án tiếp tục giải quyết Thứ nhất là vấn đề tiềm năng và hoạt động kinh tế của vương quốc Champa. Luận án sẽ tập trung làm rõ các tiềm năng và động lực phát triển của vương quốc Champa không chỉ về kinh tế, văn hóa, mà còn về chính trị, tư tưởng. Vấn đề bang giao, thương mại của vương quốc Champa với châu Á. Với vị thế của một vương quốc biển, vấn đề thương mại quốc tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của vương quốc Champa. Đặc biệt với vương quốc ven biển thời cổ trung đại, sự phát triển, lụi tàn hay thay đổi của các mạng lưới kinh tế khu vực có tác động trực tiếp và sâu sắc tới sự hưng thịnh hay suy vong của các vương quốc biển. Bên cạnh đó, vấn đề bang giao quốc tế, đặc biệt là vấn đề hội nhập vào mạng lưới triều cống của Trung Quốc và các mạng lưới bang giao khác (như mạng lưới triều cống của Đại Việt hay các mạng lưới thương mại vùng Malayu) có ý nghĩa sâu sắc trong việc duy trì địa vị chính trị của các quân vương, triều đình và sự ổn định chính trị trong nước; đồng thời còn có ý nghĩa trong việc nâng cao vị thế quốc tế của vương quốc, hay dàn xếp các vấn đề đối ngoại với các lân bang của Champa. Luận án sẽ kế thừa và làm sâu sắc thêm những ý tưởng được gợi mở bởi Kenneth Hall trong việc đặt vấn đề nghiên cứu lịch sử vương quốc Champa trong bối cảnh lịch sử toàn cầu, xem xét sự hưng thịnh và suy vong của Champa trong khung cảnh rộng lớn hơn của khu vực và thế giới. 12
  16. CHƯƠNG 2: VƯƠNG QUỐC CHAMPA TRONG BỐI CẢNH LỊCH SỬ CHÂU Á (THẾ KỶ VII–XV) 2.1.Khái quát về vương quốc Champa 2.1.1.Vị trí địa lý Vương quốc cổ Champa hình thành và phát triển trên dải đất ven biển miền Trung và một phần Tây Nguyên của Việt Nam. Trong thời kỳ thịnh trị, lãnh thổ của vương quốc Champa trải dài từ dãy Hoành Sơn (giáp ranh giữa tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình) ở phía Bắc đến châu thổ sông Đồng Nai ở phía Nam (nơi có bi ký C.1 Biên Hòa). Về phía Đông, vương quốc Champa đã từng làm chủ các đảo và vùng biển rộng lớn ở Biển Đông (các tài liệu Arab ghi là biển Champa). Về phía Tây, lãnh thổ của Champa đã từng bao phủ cả vùng Tây Nguyên với cực tây là huyện Easup của tỉnh Đắc Lắk (nơi có sự hiện diện của tháp Yang Prong, niên đại thế kỷ XIII). 2.1.2. Khái quát lịch sử Champa Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn thống nhất cho rằng bi ký Võ Cạnh có niên đại thế kỷ II được coi là điểm khởi đầu của lịch sử vương quốc Champa. Trước đó, vùng duyên hải miền Trung Việt Nam đã có sự hiện diện của một nền văn hóa Sa Huỳnh vô cùng nổi tiếng và thậm chí được coi là tiền thân của các vương quốc Champa sau này. Từ sau sự kiện vua Lê Thánh Tông của Đại Việt tấn công và phá hủy kinh đô Đồ Bàn ở Vijaya, lịch sử vương quốc Champa bước vào giai đoạn suy thoái và từng bước tàn lụi. Từ thế kỷ XVI cho đến đầu thế kỷ XIX, các tiểu quốc Champa ở Kauthara và Panduranga phía Nam vẫn tiếp tục tồn tại tuy nhiên phạm vi lãnh thổ đã bị thu hẹp rất nhiều. Vùng đất Panduranga ở Ninh Thuận và Bình Thuận trở thành những vũng lãnh thổ cuối cùng của Champa được sáp nhập vào lãnh thổ của Việt Nam vào năm 1832, dưới triều vua Minh Mệnh. 2.1.3.Tổ chức chính trị, xã hội truyền thống G.Maspero và các học giả đầu thế kỷ XX cho rằng Champa là một vương quốc thống nhất và tập quyền trong lịch sử với các triều đại thay thế nhau trị vì. Tuy nhiên, W.Southworth cho rằng, Champa trên thực tế đã là tập hợp của một vài tiểu quốc riêng biệt và đã có các mối tương tác, quan hệ với nhau. Anne Valerie đã nghiên cứu thận trọng văn khắc Sanskrit và chữ Chăm cổ để đi đến kết luận rằng, Champa không phải là một vương quốc tập quyền dưới sự trị vì của một vị vua mà có sự hiện diện của một vài ông vua cai trị các lãnh thổ riêng của họ. Trong một số thời 13
  17. điểm nhất định, một trong số các vị vua này trở thành “vua của các vị vua” (king of king), người bảo vệ lãnh thổ, đảm bảo cho sự ổn định của thần linh và dân chúng Champa. 2.2. Tiềm năng kinh tế và thương mại quốc tế của Champa Chủ đề lịch sử kinh tế Champa gần như đã bị bỏ qua trong nhiều công trình nghiên cứu của học giả đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, trong nỗ lực phục dựng một cách cân bằng và toàn diện về lịch sử Champa, trong những thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu Việt Nam, quốc tế đã khảo sát các hoạt động kinh tế của cộng đồng cư dân Champa. Trong một cái nhìn và tiếp cận từ “lục địa”, nghiên cứu chuyên sâu môi trường địa - sinh thái, chuyên gia lịch sử Việt Nam người Nhật Bản Momoki Shiro cho rằng, cần so sánh lịch sử Champa, đặc biệt là lịch sử kinh tế Champa, với các khu vực có môi trường khô tương tự ở Đông Nam Á hải đảo 2.2.1.Hoạt động kinh tế nông nghiệp Một số nhà nghiên cứu từng cho rằng, trong suốt chiều dài lịch sử, Champa chỉ đơn thuần là một thể chế biển. Theo đó, thể chế này lấy hoạt động kinh tế biển làm nền tảng và đây cũng là nhân tố quyết định sự tồn vong của các vương quốc Champa. Tuy nhiên, có phải trong suốt chiều dài lịch sử ấy, Champa đơn thuần “chỉ là một thể chế biển” như nghi vấn đã được nêu lên bởi nhà sử học Nhật Bản Momoki Shiro? 2.2.2. Hoạt động sản xuất thủ công nghiệp. G.Maspero đã từng đưa ra những nhận định rất xác đáng về tài năng và sức sáng tạo của người Champa xưa trong sản xuất các mặt hàng thủ công nghiệp và nghệ thuật: “người Chăm rất khéo léo; khéo léo về bện thừng và dây thuyền, về việc đan chiếu bằng lá dừa. Phụ nữ dệt lụa và vải, những vải tàng trữ trong kho các vua xưa chứng tỏ họ dệt rất khéo… Sản xuất đồ gốm trở thành một trong những hoạt động thủ công phát triển nhất ở Champa xưa, đặc biệt là giai đoạn thế kỷ XIV-XV khi nền sản xuất gốm sứ của Champa đạt tới một trình độ phát triển đỉnh cao tại vùng Vijaya-Bình Định 2.2.3. Hoạt động giao thương giữa miền ngược với miền xuôi Các nhà nghiên cứu đã giải thích hệ thống chính trị - kinh tế của vương quốc Champa theo một mô hình được gọi “mạng lưới trao đổi ven sông/riverine exchange network”. Việc áp dụng mô hình lý thuyết của Bronson đã được một số học giả áp dụng để nghiên cứu và lý giải về lịch sử kinh tế-xã hội của vương quốc Champa, từ đó đã bước đầu đưa đến những góc nhìn mới về lịch sử kinh tế-xã hội của vương quốc Champa xưa. 2.2.4. Nguồn hàng và thương phẩm của Champa 14
  18. Để có được các loại hàng hóa phục vụ cho thị trường nội địa và các hoạt động đối ngoại, Champa đã sử dụng các phương thức bao gồm: thu lễ vật cống nạp, độc quyền thu mua, đặt mua theo yêu cầu, giao thương với khu vực. Bên cạnh đó, dựa trên tư liệu ghi chép của Trung Hoa chúng ta không thể không đề cập tới một phương thức quan trọng để có được hàng hóa của Champa, đó chính là tổ chức các cuộc tấn công trên biển để cướp đoạt hàng hóa từ các tàu buôn nước ngoài đi qua vùng biển Champa. 2.3 Lịch sử bang giao và thương mại truyền thống ở châu Á (thế kỷ VII-XV) 2.3.1. Khái quát chung về Châu Á Ngày nay, châu Á là lục địa lớn nhất thế giới cả về diện tích và dân số, bao phủ một diện tích khoảng 44 triệu km2, chiếm 30% diện tích đất liền của trái đất và có dân số khoảng 4,7 tỉ người, chiếm 60% dân số thế giới. Về phía Đông, châu Á tiếp giáp với Thái Bình Dương, về phía Nam tiếp giáp với Ấn Độ dương, và về phía bắc là Bắc Băng dương. Về phía Tây, châu Á được tách biệt với châu Phi qua vịnh Suez và Biển Đỏ; tách biệt với châu Âu qua dãy Ural, sông Ural, Eo Thổ Nhĩ Kỳ, biển Caspi và biển Đen. Lịch sử châu Á có thể xem như là tổng hợp của một số khu vực chính gồm Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á, và Tây Á. 2.3.2. Quan hệ bang giao trong lịch sử châu Á Trong phần này tác giả sẽ trình bày về các tư tưởng bang giao truyền thống ở các khu vực khác nhau của Châu Á. Đây được xem là những tư tưởng mang tính nền tảng và dẫn dắt các hoạt động bang giao của nhiều trung tâm văn minh lớn ở châu Á trong thời cổ trung đại. Các vấn đề được thảo luận bao gồm: Quan hệ bang giao ở Đông Á và Trật tự thế giới Trung Hoa; Quan hệ bang giao ở Nam Á và Đông Nam Á; Quan hệ bang giao ở Tây Á 2.3.3. Quan hệ thương mại và các mạng lưới giao thương châu Á Trong phần này, luận án trình bày về hệ thống lý thuyết Lịch sử thương mại đường dài và các nền văn minh (Long-distance trade and civilization), lý thuyết Hệ thống toàn cầu (World- system theory), lý thuyết về Thương mại biển và các mạng lưới giao thương (Maritime trade and commercial networks), các Thời đại thương mại (Ages of commerce). Qua việc khảo sát các mô hình lý thuyết như vậy, tác giả lấy lịch sử Champa làm cơ sở để xem xét tính khả dụng của các mô hình lý thuyết đó. 15
  19. CHƯƠNG 3: QUAN HỆ BANG GIAO VÀ THƯƠNG MẠI CỦA CHAMPA VỚI CHÂU Á TỪ THẾ KỶ VII ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XIII 3.1. Bối cảnh lịch sử Đây là thời kỳ chứng kiến sự phát triển đồng thời của hai tuyến đường tơ lụa trên biển và trên bộ, gắn với sự hình thành và phát triển của các đế chế và trung tâm văn minh, tôn giáo lớn ở châu Á. Trung Quốc đã phát triển trở thành một đế chế lớn ở Châu Á dưới thời Đường và thời Tống. Hồi giáo ra đời ở Tây Á và từng bước mở rộng ảnh hưởng ra toàn châu Á. Phật giáo Đại thừa cũng mở rộng ảnh hưởng khắp các vùng lãnh thổ của Châu Á. 3.2. Quan hệ bang giao và thương mại của Champa với Trung Quốc thời Đường, Tống (thế kỷ VII-XIII) 3.2.1. Quan hệ bang giao và triều cống của Champa với Trung Quốc thời Đường, Tống Champa duy trì mối quan hệ bang giao và triều cống liên tục với các triều đại Trung Quốc, trở thành một trong những vương quốc tiến hành triều cống nhiều nhất tới Trung Quốc, đặc biệt dưới thời Đường. 3.2.2. Quan hệ thương mại của Champa với Trung Quốc thời Đường, Tống Champa đã hội nhập sâu rộng vào mạng lưới thương mại biển quốc tế, đặc biệt là việc giao thương và trao đổi hàng hóa với Trung Quốc. Các sản phẩm nổi bật của Champa xuất khẩu tới Trung Quốc gồm có trầm hương, đinh hương và các hàng hóa lâm thổ sản. Trung Quốc xuất khẩu số lượng lớn lụa và gốm sứ tới Champa. 3.3. Quan hệ bang giao và thương mại giữa Champa với Đại Việt thế kỷ X-XIII 3.3.1.Quan hệ bang giao giữa Champa với nhà Đinh, Tiền Lê và Lý Champa đã thiết lập quan hệ bang giao chặt chẽ với láng giềng phương bắc là Đại Việt thông qua việc thường xuyên gửi các đoàn cống sứ/triều cống tới Đại Việt. Đại Việt đã tiếp nhận nhiều giá trị văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và ngôn ngữ từ Champa. 3.3.2.Quan hệ thương mại giữa Champa với Đại Việt thời Đinh, Tiền Lê và Lý Do tính chất gần gũi về mặt địa lý, Champa và Đại Việt đã duy trì mối quan hệ thương mại, trao đổi buôn bán khá thường xuyên. Các mặt hàng trao đổi gồm có lâm thổ sản, nô lệ, 16
  20. ngựa… Thương cảng Vân Đồn, thương cảng Đại Chiêm trở thành những trung tâm trao đổi hàng hóa quốc tế nổi bật. 3.4.Quan hệ giữa Champa với các vương quốc cổ ở Đông Nam Á 3.4.1. Quan hệ bang giao Champa có mối quan hệ bang giao mật thiết với các vương quốc Ấn Độ hóa láng giềng ở khu vực Đông Nam Á, bao gồm Chân Lạp, Srivijaya, Java… Do cùng tiếp nhận ảnh hưởng chung từ nền văn minh Ấn Độ nên tư tưởng bang giao của Champa và các vương quốc cổ này khá tương đồng nhau. 3.4.2. Quan hệ thương mại Champa có vai trò quan trọng trong việc vận hành các mạng lưới trao đổi thương mại khu vực, kết nối thị trường Trung Quốc với các thị trường khu vực, đặc biệt là khu vực hải đảo (Borneo, Butuan…) và lục địa (Chân Lạp). 3.5. Quan hệ bang giao và thương mại của Champa với các khu vực khác ở Châu Á 3.5.1. Quan hệ với khu vực Tây Á Cùng với sự mở rộng ảnh hưởng của Hồi giáo ra khắp khu vực châu Á, các thương nhân Tây Á đã thiết lập mối quan hệ bang giao và thương mại chặt chẽ với triều đình Champa, tham dự vào các phái đoàn triều cống của Champa tới Trung Quốc. 3.5.2. Quan hệ với khu vực Nam Á Thời kỳ này chứng kiến quan hệ chặt chẽ giữa Champa với khu vực Nam Á về mặt văn hóa, tôn giáo và nghệ thuật. Hindu giáo vẫn tiếp tục trở thành tôn giáo chính tại Champa. Phật giáo Đại thừa đã được du nhập vào Champa và góp phần tạo nên nền văn hóa đa dạng ở Champa. 17
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0