ĐẠI HỌC HUẾ<br />
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC<br />
<br />
NGUYỄN THÙY TRANG<br />
<br />
TIỂU THUYẾT VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1986 – 2014<br />
TỪ GÓC NHÌN PHÊ BÌNH SINH THÁI<br />
<br />
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam<br />
Mã số chuyên ngành: 62 22 01 21<br />
<br />
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM<br />
<br />
Huế - 2018<br />
<br />
Công trình được hoàn thành tại: ...............................................................<br />
...........................................................................................................................<br />
<br />
Người hướng dẫn khoa học: ..........................................................<br />
...........................................................................................................<br />
Phản biện 1: ...................................................................................................<br />
...........................................................................................................................<br />
Phản biện 2: .....................................................................................<br />
...........................................................................................................<br />
Phản biện 3: ......................................................................................<br />
...........................................................................................................<br />
<br />
Luận án đã được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Đại học<br />
Huế họp tại ........................................................................................<br />
...........................................................................................................<br />
Vào hồi: .... giờ ngày ... tháng .... năm 2018<br />
<br />
Có thể tìm hiểu luận án tại: ............................................................<br />
...........................................................................................................<br />
<br />
1<br />
MỞ ĐẦU<br />
Giáo sư Laurence Buell nhận định: “Văn học sinh thái là văn<br />
học viết về nguy cơ của thế giới”. Ở Việt Nam, có thể thấy rõ dấu ấn<br />
của văn chương sinh thái qua những tiểu thuyết tiêu biểu như Trăm<br />
năm còn lại (Trần Duy Phiên), Thập giá giữa rừng sâu (Nguyễn<br />
Khắc Phê), Chó Bi, đời lưu lạc (Ma Văn Kháng), Sông (Nguyễn<br />
Ngọc Tư), Gần như là sống, Ruồi là ruồi (Đỗ Phấn), Săn cá thần<br />
(Đặng Thiều Quang), Dòng sông chết (Thiên Sơn), Nhắm mắt nhìn<br />
trời (Nguyễn Xuân Thủy), Thân xác (A Sáng), Thiên đường ảo vọng<br />
(Nguyễn Trí), Chúa đất (Đỗ Bích Thúy), Vết thương hoa hồng<br />
(Nguyễn Văn Học)… Với số lượng tác phẩm đáng kể, các nhà văn<br />
Việt Nam đã thể hiện được sự nhạy bén của mình trong việc tri nhận<br />
những vấn đề thời sự mang tính nhân loại. Hướng đến môi trường,<br />
phải chăng văn học đang hướng đến sự sống còn của toàn nhân loại?<br />
Đó cũng chính là sứ mệnh của văn học sinh thái. Vì lẽ đó, chúng tôi<br />
lựa chọn đề tài: Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc<br />
nhìn phê bình sinh thái, để chỉ ra được tính cấp thiết của việc phát<br />
triển sâu rộng mảng phê bình sinh thái trong văn học Việt Nam. Nó<br />
cho thấy, các nhà văn đã chú ý nhiều hơn đến đề tài môi trường và<br />
mối quan hệ giữa văn học với môi trường, trách nhiệm của nhà văn<br />
với giới tự nhiên và sự an nguy, sự tồn vong của dân tộc, của nhân<br />
loại. Đó chính là tâm thức thời đại, yêu cầu thời đại.<br />
NỘI DUNG<br />
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU<br />
1.1. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái<br />
1.1.1. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái trên thế giới<br />
1.1.1.1. Chặng một từ 1972 đến 1991: Thời kì manh nha<br />
Ở giai đoạn này, phê bình sinh thái vẫn đang bước những<br />
bước đầu tiên chậm rãi và chưa có hệ thống. Các nhà nghiên cứu văn<br />
học và văn hóa đã phát triển lí thuyết và phê bình về phương diện<br />
<br />
2<br />
sinh thái bằng cách tiếp cận liên ngành. Nhưng các nghiên cứu của họ<br />
được coi là “những nghiên cứu trước tác về tự nhiên” (the study of<br />
nature writing) xuất hiện đơn lẻ với những tên gọi khác nhau như:<br />
chủ nghĩa đồng quê, sinh thái học con người, chủ nghĩa địa phương<br />
(regionalism), phong cảnh trong văn học, nghiên cứu liên ngành<br />
(interdisciplinary studies)… Cho nên, hai mươi năm đầu tiên vẫn là<br />
giai đoạn manh nha hình thành của phê bình sinh thái.<br />
1.1.1.2. Chặng hai từ 1992 đến 2004: bùng nổ lí thuyết phê bình sinh thái<br />
Giai đoạn này phê bình sinh thái thực sự phát triển sâu rộng, trở<br />
thành một hiện tượng lí luận phê bình văn học – văn hóa toàn cầu. Nhiều<br />
hội thảo liên tiếp được diễn ra, nhiều tổ chức nghiên cứu mối quan hệ<br />
giữa văn học và tự nhiên, sinh thái được thành lập khắp thế giới. Các<br />
chuyên luận phê bình sinh thái giai đoạn này mang tính cô đúc, đi sâu<br />
hơn về học thuật. Tiêu biểu: cuốn Tuyển tập Nghiên cứu Xanh: từ Chủ<br />
nghĩa lãng mạn đến Phê bình sinh thái (The Green Studies Reader:<br />
From Romanticism to Ecocriticism, Routledge, 2000) của Laurence<br />
Coupe. Công trình của Lawrence Buell: Viết vì một Thế giới lâm<br />
nguy: Văn học, Văn hóa, Môi trường nước Mĩ và các quốc gia khác<br />
(Writing for an Endangered World: Literature, Culture, and<br />
Environment in the United States and Beyond, 2001). Cuốn Phê bình<br />
sinh thái (Ecocriticism) xuất bản năm 2004 của Greg Garrard…<br />
1.1.1.3. Chặng ba từ 2005 đến nay: hoàn thiện và mở rộng phê bình sinh thái<br />
Nhìn vào những công trình ban đầu, các nhà phê bình sinh thái<br />
tập trung tìm hiểu những văn bản tại quốc gia họ sinh sống (gồm văn<br />
bản tiếng Anh, Đức, và những ngôn ngữ thuộc Tây phương), sau đó, phê<br />
bình sinh thái dần dần rời khỏi địa hạt trung tâm, lưu ý đến các văn bản<br />
ngoài Âu – Mĩ để khai mở những tiềm năng lí thuyết mới trong nội tại<br />
chính nó. Cũng trong quá trình nghiên cứu những văn bản ngoài Âu –<br />
Mĩ, cụ thể ở đây là những văn bản Đông Á, các nhà phê bình sinh thái<br />
còn phát hiện ra “sự mơ hồ” trong thái độ, tình cảm của người phương<br />
Đông đối với thiên nhiên (trường hợp của Karen Thornber). Đồng thời,<br />
bắt nhịp về với phương Đông, phê bình sinh thái đã kết nối với các tư<br />
tưởng triết học sinh thái môi trường hiện đại và nguồn mạch tư tưởng<br />
văn hóa phương Đông ngàn xưa (Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo) để đề<br />
<br />
3<br />
xuất một cách ứng xử mới với tự nhiên, tái thiết môi sinh. Từ đó nó cho<br />
thấy sự cần thiết và cấp bách hiện nay trong việc dẫn nhập, áp dụng lí<br />
thuyết phê bình sinh thái vào nghiên cứu văn học các nước châu Á nói<br />
chung, Việt Nam nói riêng.<br />
1.1.2. Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái ở Việt Nam<br />
Cho đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, phê bình sinh thái<br />
đang dần được các học giả, nhà nghiên cứu quan tâm, đón nhận và đầu<br />
tư tìm hiểu. Dẫu vậy, số lượng những công trình, bài viết nghiên cứu phê<br />
bình sinh thái ở Việt Nam còn hạn hữu. Đã có những công trình chuyên<br />
sâu, đúng hướng với phê bình sinh thái và gợi mở cho chúng tôi nhiều<br />
điểm thú vị; nhưng vẫn chưa có những chuyên luận về tiểu thuyết, nhất<br />
là tiểu thuyết từ sau Đổi mới – một giai đoạn văn học đang phát triển của<br />
văn học sinh thái Việt Nam.<br />
1.2. Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ lí thuyết<br />
Phê bình sinh thái<br />
1.2.1. Tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 – quá trình đổi mới và tiến<br />
dần đến văn học sinh thái<br />
Ý thức sinh thái trong văn học Việt Nam sau 1986 nói chung,<br />
tiểu thuyết Việt Nam nói riêng bắt đầu manh nha từ dòng chảy văn<br />
học hậu chiến. Về sau, văn học thời kì Đổi mới bắt đầu xuất hiện và<br />
chú ý đến vị thế trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Đi<br />
kèm với việc phê phán mặt trái của văn minh, nhiều nhà văn đã ngầm<br />
cảnh báo rằng nguồn gốc của nguy cơ sinh thái chính là tính hiện đại<br />
và căn bệnh của chủ nghĩa tiêu dùng – sự tiêu xài quá độ, sự lên ngôi<br />
của đồng tiền. Có thể thấy rõ điều này qua sáng tác của Nguyễn Huy<br />
Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Xuân Thủy, Đặng Thiều Quang,<br />
Đỗ Phấn, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Văn Học…<br />
Các nhà văn đã chỉ ra sự hủy hoại môi sinh dẫn tới việc mất cân bằng<br />
tự nhiên; quá trình đô thị hóa, nền kinh tế thị trường khiến con người<br />
rời xa môi trường sinh thái, con người trở thành nạn nhân, công cụ<br />
của thương mại.<br />
1.2.2. Phê bình sinh thái – một lối tiếp cận mới vào tiểu thuyết Việt<br />
Nam sau 1986<br />
<br />