intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tổng quan tài liệu và mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS trên báo cáo tài chính áp dụng trường hợp chuẩn mực doanh thu (IFRS 15)

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

16
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài nghiên cứu nhằm tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan việc vận dụng IFRS trên báo cáo tài chính (BCTC) ở nước ngoài và tại Việt Nam, cụ thể dối với chuẩn mực IFRS số 15 - Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tổng quan tài liệu và mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS trên báo cáo tài chính áp dụng trường hợp chuẩn mực doanh thu (IFRS 15)

  1. 522 TỔNG QUAN TÀI LIỆU VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC ÁP DỤNG IFRS TRÊN BÁO CÁO TÀI CHÍNH-ÁP DỤNG TRƯỜNG HỢP CHUẨN MỰC DOANH THU (IFRS 15) Literature review and the theory model of the factors affecting the application to IFRS on the financial statements - case study of IFRS 15 - Revenue from contracts with customers Đào Thanh Loan, Thân Thanh Trúc KI001, Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế Tp. HCM Trần Gia Hòa, Đặng Khánh Hồng, Nguyễn Thị Kim Thư KI002, Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế Tp. HCM TS. Nguyễn Thị Thu Khoa Kế toán, Khoa Kế toán, Trường Đai học Kinh tế Tp. HCM TS. Nguyễn Tuấn Khoa Kế toán-Tài chính, Trường Đại học Nha Trang Tóm tắt Bài nghiên cứu nhằm tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan việc vận dụng IFRS trên báo cáo tài chính (BCTC) ở nước ngoài và tại Việt Nam, cụ thể dối với chuẩn mực IFRS số 15 - Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng. Cụ thể, bài viết tổng hợp các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng hệ thống chuẩn mực IFRS và cụ thể IFRS số 15 trên BCTC tại một số quốc gia và tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã tìm ra những khoảng trống nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng IFRS 15 và xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS 15 trên BCTC, phục vụ cho những nghiên cứu tiếp theo của tác giả. Từ khóa: IFRS, áp lực cưỡng chế, áp lực chuyên môn, áp lực mô phỏng, áp lực xã hội, hồi quy bội OLS. Abstract This study aims to literature review the studies related to the application to IFRS on the financial statements around the world and in Vietnam, specifically for IFRS 15 - Revenue from contracts with customers. Specifically, the article summarizes studies on factors affecting the application to the IFRS and specifically IFRS 15 on the financial statements in some countries and in Vietnam. Research results have found the research gaps on factors affecting the application to IFRS 15 and built the theorical model of factors affecting the application to IFRS 15 on the financial statements, serving the research author's in the future. Keywords: IFRS, coercive pressure, professional pressure, simulation pressure, social pressure, OLS regression. Giới thiệu Đứng trước tác động cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, cùng với nhịp độ vận động của các quốc gia theo xu hướng toàn cầu hóa, nhu cầu trao đổi thông tin, hợp tác và hội nhập giữa các quốc gia tăng cao, dần dần xuất hiện nhu cầu thông tin tài chính kế toán mang tính chuẩn tắc và hội nhập toàn cầu theo thông lệ quốc tế. Vì vậy, ngày càng nhiều quốc gia đang có nhu cầu áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế cho việc trình bày các chỉ tiêu trên BCTC của các doanh nghiệp. Theo xu hướng chung của thế giới, Việt Nam đang đẩy mạnh nhu cầu áp dụng IFRS cho các doanh nghiệp nói chung @ Trường Đại học Đà Lạt
  2. 523 và doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM nói riêng, cung cấp cơ hội tiếp cận thông tin tài chính kế toán của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường khả năng so sánh và tính có thể hiểu được của BCTC. Áp lực cạnh tranh về nguồn lực giữa các nền kinh tế thế giới làm gia tăng chất lượng thông tin trên BCTC, các thông tin ngày càng tin cậy và minh bạch hơn. Xuất phát từ nhu cầu thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, kêu gọi tài trợ, các hoạt động mua bán, sáp nhập góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội áp dụng IFRS trở nên cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Khi xem xét thông tin trình bày trên BCTC của doanh nghiệp, có thể thấy một trong những nội dung được quan tâm nhất bởi các đối tượng sử dụng BCTC đó là ghi nhận khoản mục doanh thu. Do đó khi xem xét quyết định áp dụng IFRS, doanh nghiệp cần quan tâm đến các vấn đề xoay quanh doanh thu và chi phí bởi việc ghi nhận những chỉ tiêu liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh là một trong những công việc tiêu tốn nhiều thời gian và công sức nhất trong quá trình chuyển đổi sang IFRS. Việc áp dụng IFRS trên BCTC của các doanh nghiệp trên thế giớ nói chung và tại Việt Nam nói riêng đều gặp không ít khó khăn, một phần do môi trường làm việc và nền văn hóa đặc trưng tác động không nhỏ đến áp dụng IFRS của các doanh nghiệp. Đối với đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong trường hợp xử lý một khối lượng lớn hợp đồng mà có tính đa dạng hoặc các điều khoản thường xuyên thay đổi liên tục, thì những tác động của việc áp dụng chuẩn mực IFRS 15 - Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng trở nên đáng kể, trừ khi ban giám đốc doanh nghiệp đã áp dụng một số biện pháp riêng để giải quyết những thách thức trên. Peters (2016) đã thực hiện nghiên cứu nói về vấn đề xung quanh việc áp dụng IFRS 15, Haggenmüller (2019) đã điều tra những vấn đề và thách thức lớn có thể phát sinh trong quá trình áp dụng IFRS 15 và đánh giá tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Mattei & Paoloni (2019) đề cập đến “Tồn tại mối tương quan trực tiếp giữa tác động tiềm tàng của IFRS 15 đến số lượng và chất lượng thông tin được cung cấp trong các báo cáo hàng năm”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để chứng minh sức ảnh hưởng và tầm quan trọng của IFRS 15 đến việc công bố thông tin trên BCTC. Bên cạnh những lợi ích mà IFRS mang lại thì vẫn còn những khó khăn và thách thức đặt ra cho các quốc gia khi chuẩn bị áp dụng. Đối với Việt Nam, việc áp dụng IFRS trên BCTC của doanh nghiệp tồn tại không ít trở ngại. IFRS là một chuẩn mực quốc tế phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng khi áp dụng, đặc biệt doanh nghiệp cần quan tâm là trình độ của đội ngũ nhân sự về lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính. Tại Việt Nam, đã có một số nghiên cứu chỉ ra những nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS như nghiên cứu của tác giả Nguyễn Trà Giang (2017) chỉ ra các nhân tố thể chế tác động đến áp dụng IFRS tại Việt Nam là cưỡng chế (sức ép tổ chức chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước ...), mô phỏng (áp lực từ các đối tác, các tập đoàn). Nghiên cứu của tác giả Hà Xuân Thạch & Nguyễn Ngọc Hiệp (2018) chỉ ra rằng những nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS là: hội nhập kinh tế, hệ thống pháp luật, môi trường văn hóa, hỗ trợ nhà quản trị và trình độ chuyên môn của kế toán viên. Nhìn chung, những nghiên cứu trên đã chỉ ra được sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán quốc tế và kế toán riêng, cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, một số kết quả nghiên cứu kể trên còn hạn chế do các dữ liệu đã cũ và thiếu tính cập nhật. Thêm vào đó, sự thiết yếu và mức độ phức tạp của áp dụng chuẩn mực IFRS 15 đối với các doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại ngày càng được khẳng định. Đặc biệt, theo Đề án áp dụng Chuẩn mực BCTC tại Việt Nam được Bộ Tài chính ký phê duyệt kèm Quyết định số 345/QĐ-BTC ban hành chính thức vào ngày 16 tháng 3 năm 2020, nhấn mạnh rằng từ sau năm 2025 là giai đoạn bắt buộc áp dụng IFRS. Nhận thấy tính cấp thiết và tầm quan trọng của IFRS 15, tác giả quyết định chọn chủ đề “Nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng IFRS trên @ Trường Đại học Đà Lạt
  3. 524 BCTC, trường hợp chuẩn mực doanh thu trong các doanh nghiệp dịch vụ TP.HCM” với mong muốn có thể phần nào bổ sung những khoảng trống của các nghiên cứu trước và giúp làm rõ hơn những vấn đề đang được quan tâm liên quan đến áp dụng IFRS, đặc biệt là chuẩn mực IFRS 15 trong các doanh nghiệp hiện nay. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan Tính đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu xoay quanh vấn đề áp dụng IFRS của các quốc gia trên thế giới, từ nhóm các nước đã áp dụng IFRS cho việc trình bày BCTC như một số nước Châu Phi hay một vài nước Châu Á (Afghanistan, Brunei ...) đến nhóm các nước đã và đang trong lộ trình chuẩn bị áp dụng IFRS như Bermuda, Nhật, Panama, Thụy Sĩ, Đông Timor ... Còn lại, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Macau và Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn áp dụng chuẩn mực kế toán riêng. Trong phần này, nghiên cứu tập trung khảo lược tổng quan các nghiên cứu trước về việc áp dụng IFRS của một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam, đưa ra các nhận định tổng quan và tìm những khoảng trống của nghiên cứu trước, làm cơ sở để tiếp tục phát triển các nghiên cứu của tác giả. Các nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng IFRS ở nước ngoài và tại Việt Nam Các nghiên cứu nước ngoài KOLSI (2008) nghiên cứu các biến số vĩ mô và vi mô ảnh hưởng đến quyết định áp dụng IFRS của các nước đang phát triển, nghiên cứu tiến hành trên mẫu gồm 74 quốc gia mới nổi (37 nước áp dụng IFRS, 37 nước không áp dụng) tính đến năm 2008. Nghiên cứu hướng tới mục tiêu đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố môi trường kinh tế vĩ mô và các yếu tố ở tầm vi mô công ty đối với quyết định áp dụng IFRS của các nước đang phát triển. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng hai loại phân tích gồm một tập hợp các phép thử đơn biến và phân tích đa biến, kết quả nghiên cứu chỉ ra các quốc gia lựa chọn áp dụng IFRS phần lớn có nền văn hoá Anglo-Saxon, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, hệ thống giáo dục tiên tiến, hệ thống luật pháp mang tính phổ biến cao và thường được kiểm toán bởi Big Four. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các nhân tố tỷ lệ đòn bẩy, hệ thống chính trị, thị trường tài chính, hoạt động ngoại giao và tình trạng niêm yết quốc tế dường như không ảnh hưởng đến quyết định áp dụng IFRS của các nước đang phát triển. Kết quả của nghiên cứu góp phần hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức xây dựng chuẩn mực kế toán ở các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi để hòa hợp với các chuẩn mực kế toán quốc tế khi xác định được các yếu tố trong môi trường tạo thuận lợi cho việc áp dụng IAS/IFRS ở các nước này và giúp các nhà nghiên cứu nắm bắt được đầy đủ hơn các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định áp dụng IFRS. Othman và Kossentini (2011) nghiên cứu các lý thuyết về chiến lược áp dụng IFRS trong phát triển kinh tế: Ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường chứng khoán mới nổi. Với phương pháp phân tích thực nghiệm dựa trên nghiên cứu sự kiện tại 50 nền kinh tế mới nổi trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2007. Tác giả đã điều tra mức độ áp dụng IFRS tương quan đến sự phát triển của thị trường chứng khoán mới nổi ở cấp quốc gia. Kết quả nghiên cứu thấy, mức độ áp dụng IFRS có ảnh hưởng cùng chiều đến sự phát triển của thị trường chứng khoán. Cụ thể hơn, việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực của IFRS cho các công ty niêm yết có mối tương quan chặt chẽ với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Ngược lại, các tác giả nhận thấy rằng việc chỉ áp dụng một phần các chuẩn mực IFRS gây ra tác ảnh hưởng ngược chiều đối với sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Bài nghiên cứu mang ý nghĩa lớn đến chính chính sách áp dụng IFRS ở các nước đang phát triển nhằm mục tiêu tăng cường sự phát triển của các SME, để đẩy mạnh mục tiêu trên, @ Trường Đại học Đà Lạt
  4. 525 điều quan trọng là phải cải thiện chất lượng thông tin tài chính thông qua áp dụng IFRS; thêm nữa, cần áp dụng đầy đủ các chuẩn mực của IFRS để tránh mang lại các ảnh hưởng ngược chiều. Tarca (2012) thực hiện nghiên cứu về việc áp dụng IFRS và đưa ra những kết luận: Việc áp dụng IFRS mang lại tín hiệu tích cực cho hoạt động thị trường vốn và thúc đẩy hoạt động mở rộng đầu tư, được phân tích qua việc áp dụng trong khuôn khổ được bảo vệ đầy đủ bởi pháp lý, được thực thi giám sát đầy đủ bởi các chuyên gia có năng lực. Bài viết xem xét một số các nghiên cứu trước và chỉ ra lợi ích từ việc bắt buộc áp dụng IFRS, nghiên cứu cung cấp bằng chứng rằng IFRS đã nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường vốn và thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra tầm quan trọng của một số yếu tố cần thiết cho việc áp dụng IFRS, bao gồm hành lang pháp lý, các chuyên gia có năng lực, việc thực thi và giám sát. Damak, Sassi và Bahri (2020) đã thực hiện nghiên cứu xác định ảnh hưởng của các yếu tố môi trường và thể chế về việc áp dụng IFRS cho các SEM. Sử dụng lý thuyết tân thể chế và lý thuyết kinh tế về mô hình liên kết để giải thích tại sao các quốc gia lựa chọn áp dụng IFRS cho các SME. Nghiên cứu khảo sát 177 các quốc gia, bao gồm 77 khu vực đã áp dụng IFRS cho các SME trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2015. Bằng phương pháp phân tích hồi quy logistic, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc áp dụng IFRS cho các SME có liên quan đến chất lượng thực thi, văn hóa và tăng trưởng kinh tế. Ở cấp độ thể chế, cưỡng chế và tính đẳng cấu quy chuẩn được phát hiện có ảnh hưởng cùng chiều đối với việc áp dụng IFRS đối với các SME. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu cho thấy chất lượng kiểm toán và chất lượng thực thi pháp luật có liên quan đáng kể đến việc áp dụng IFRS cho các SME. Nghiên cứu đã góp phần làm rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến áp dụng IFRS cho SME trên toàn cầu và có thể được sử dụng để dự đoán quyết định của một quốc gia áp dụng tiêu chuẩn này. Các nghiên cứu trong nước Nguyễn Thị Thu Phương (2014) đã tiến hành khảo sát, thu thập ý kiến từ những chuyên gia trong lĩnh vực kế toán kiểm toán tại Việt Nam. Thông qua quá trình phân tích dữ liệu từ những cuộc khảo sát, tác giả đã đưa ra cái nhìn khái quát về những nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng IFRS ở Việt Nam đó là tăng trưởng kinh tế, hệ thống pháp luật, thị trường vốn, trình độ học vấn. Qua đó đưa ra nhận thức về việc áp dụng IFRS có liên quan mật thiết với môi trường thể chế của các nước đang phát triển cũng như số liệu kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, nghiên cứu cung cấp những bằng chứng liên quan đến thuyết định chế và thuyết hành vi dự định, trong đó bao gồm 3 nhân tố ảnh hưởng đến hành vi áp dụng IFRS, đó là thái độ cá nhân, chuẩn mực chủ quan và nhận thức kiểm soát hành vi. Hà Xuân Thạch & Nguyễn Ngọc Hiệp (2018) nghiên cứu về chuyển đổi BCTC từ chuẩn mực kế toán Việt Nam sang chuẩn mực BCTC quốc tế, nghiên cứu thực nghiệm của tác giả nhằm 2 mục tiêu: xây dựng khung chuyển đổi BCTC từ chuẩn mực kế toán Việt Nam sang chuẩn mực BCTC quốc tế và đo lường các nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến việc chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự thay đổi của chuẩn mực cũng như các yếu tố có liên quan ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS, dẫn đến thay đổi về các chỉ tiêu trên BCTC (lợi nhuận sau thuế, nguồn vốn của doanh nghiệp, tổng tài sản). Qua đó chỉ ra những khó khăn cơ bản khi áp dụng IFRS như: định giá tài sản theo giá trị thị trường; số lượng kế toán viên lành nghề còn ít, đặc biệt giỏi về chuyên môn IFRS; mẫu biểu BCTC của VAS và IFRS hoàn toàn khác nhau (IFRS không quy định cụ thể về vấn đề này); chi phí thực hiện chuyển đổi có thể đắt đỏ. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã chỉ ra những khó khăn, thách thức để xây dựng khung chuyển đổi BCTC, giúp cho các doanh nghiệp có thể áp dụng IFRS dễ dàng hơn, phù hợp với định hướng áp dụng chuẩn mực BCTC của Bộ Tài Chính trong tương lai, đặc biệt là giai đoạn kể từ sau năm 2025. @ Trường Đại học Đà Lạt
  5. 526 Nguyễn Thị Kim Cúc và Nguyễn Lê Vân Khanh (2018) sử dụng mô hình nghiên cứu của André năm 2012, Saga và Svenson (2015), đưa ra các mô hình gồm 5 giả thuyết liên quan đến các nhân tố ảnh hưởng đến tự nguyện áp dụng IFRS trên BCTC tại các SME, bao gồm: thương mại quốc tế, hình thức sở hữu, nguồn tài chính, lĩnh vực kinh doanh, quy mô doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy có sự ảnh hưởng đáng kể của các nhân tố đến sự tự nguyện áp dụng IFRS. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp lớn có thể dễ dàng tự nguyện áp dụng IFRS hơn là các SME. Kết quả nghiên cứu phù hợp với định hướng áp dụng chuẩn mực IFRS của nước ta trong giai đoạn tự nguyện (2022-2025), nghiên cứu có đề xuất thêm về việc chú ý nhiều hơn vào các yếu tố vi mô khác trong doanh nghiệp. Lê Việt (2020) và Viet Le (2020) nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam. Kế thừa từ các nghiên cứu đi trước, tác giả sử dụng thuyết đẳng cấu thể chế để bổ sung những nhân tố khác như: nhân tố áp lực cưỡng chế, áp lực mô phỏng, áp lực chuyên môn. Thông qua tham khảo, phỏng vấn ý kiến chuyên gia, thực hiện khảo sát các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS vào các doanh nghiệp. Kết quả phân tích mô hình SEM, tác giả đã phân tích các giả thuyết nghiên cứu đều được chấp nhận ở mức ý nghĩa 5%. Nhân tố thái độ được xem là quan trọng nhất khi thực hiện áp dụng IFRS. Ngoài ra, mô hình TPB mở rộng được tác giả bổ sung thêm nhân tố nhận thức về tính hữu ích để làm tăng sự quan trọng của nhân tố thái độ cũng như củng cố mô hình TPB. Thông qua những kết quả nghiên cứu đạt được, tác giả đề ra những kiến nghị mang hàm ý quản trị, cũng như đề ra những hướng phát triển trong tương lai. Nghiên cứu của Manh Dung Tran, Thi Tuyet Mai Ngo, To Uyen Phan, Duc Tai Do, Thi Thuy Hang Pham năm 2020, nhằm tìm hiểu tác động của các yếu tố quyết định đến việc chuyển đổi BCTC từ chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) của các doanh nghiệp đa quốc gia tại Việt Nam. Phương pháp thu thập số liệu được thực hiện thông qua cuộc khảo sát các đối tượng là nhân viên kế toán tại các doanh nghiệp đa quốc gia kinh doanh trên địa bàn Hà Nội vào 10 tỉnh lân cận. Có 170 phiếu điều tra với đầy đủ thông tin để phân tích dữ liệu. Nghiên cứu cho thấy 5 yếu tố quyết định bao gồm: kinh tế, chính trị, luật pháp, văn hóa và điều kiện thực hiện có mối quan hệ cùng chiều với việc chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS. Trong đó yếu tố kinh tế có tác động mạnh nhất. Từ đó nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị nhằm cải thiện việc chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS của các công ty đa quốc gia hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhằm tăng tính minh bạch và nâng cao chất lượng thông tin trên BCTC. Lê Trần Hạnh Phương (2019) nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS) - Nghiên cứu ở phạm vi các quốc gia và doanh nghiệp tại Việt Nam”, đã nghiên cứu về quyết định áp dụng IFRS ở hai góc độ vi mô và vĩ mô. Đứng về khía cạnh vi mô, tác giả khẳng định rằng các doanh nghiệp được kiểm toán bởi Big4 hoặc nhận đầu tư ở nước ngoài sẽ có nhiều khả năng áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tốt hơn là các doanh nghiệp còn lại. Ngoài ra, sự tham gia của các nhà quản trị nước ngoài vào doanh nghiệp sẽ càng thúc đẩy khả năng áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế hơn. Đứng ở khía cạnh vĩ mô, tác giả cho rằng những quốc gia có yếu tố văn hóa, chính trị ổn định, kinh tế phát triển thì nơi đó sẽ có khả năng áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế nhiều hơn là những nước còn lại. Bằng cách tách bạch giữa hai yếu tố vi mô-vĩ mô, tác giả đã có cách nhìn độc lập, khá đầy đủ về quyết định áp dụng IFRS của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng như thế nào từ các tác động từ vi mô lẫn vĩ mô. Ngoài ra, việc tham chiếu giữa các quốc gia đã áp dụng IFRS và doanh nghiệp chưa áp dụng IFRS càng phân biệt rõ hơn sự khác biệt giữa các quốc gia, về kinh tế, chính trị lẫn văn hóa. @ Trường Đại học Đà Lạt
  6. 527 Một số nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng IFRS 15 Một số nghiên cứu nước ngoài Veronica & Socoliuc (2016) nghiên cứu về ảnh hưởng của việc thực hiện IFRS 15. Tại thời điểm trên, tiêu chuẩn này hiện đang được phê duyệt, nghiên cứu đưa ra các ví dụ cũng như các lý thuyết về việc ghi nhận doanh thu theo IFRS 15. Kết quả nghiên cứu cho rằng, việc thực hiện tiêu chuẩn này sẽ dẫn đến những ảnh hưởng đáng kể đến các kỹ thuật kế toán và báo cáo kế toán, đến các quy trình kinh doanh và hệ thống công nghệ thông tin đối với hầu hết các doanh nghiệp. Nghiên cứu đánh giá tích cực về việc phê duyệt IFRS 15 so với các tiêu chuẩn IFRS khác, xem đó là một chuẩn mực kế toán đủ linh hoạt để áp dụng cho các loại hình kinh doanh/doanh nghiệp. Nghiên cứu cho rằng IFRS 15 phức tạp hơn nhiều so với các tiêu chuẩn trước đó, cụ thể IAS 11, IAS 18 và hầu hết các hướng dẫn ghi nhận doanh thu khác. Việc chuẩn bị áp dụng IFRS 15 là hợp lý vì các quy tắc cũ không thể phản ánh hết sự phức tạp của hoạt động kinh doanh hiện đại. IFRS 15 cũng là một công cụ hiệu quả trong việc phòng tránh biến động tài chính, do có các điều khoản cụ thể áp dụng cho các tình huống không chắc chắn liên quan đến việc ghi nhận doanh thu trong tương lai. Tác giả cũng đề cập rằng IFRS 15 là tài liệu tham khảo có giá trị cho các thực thể và ngành nghề kinh doanh trong điều kiện ghi nhận doanh thu có được từ các hợp đồng thương mại. Haggenmüller (2019) nghiên cứu về ghi nhận doanh thu theo IFRS 15, cụ thể đánh giá mục đích, ý nghĩa, sự cải tiến và tầm quan trọng đối với việc áp dụng IFRS 15. Tác giả dựa trên mô hình kiến tạo, dữ liệu định tính được thu thập thông qua 15 cuộc phỏng vấn với các kiểm toán viên, chủ yếu là các kế toán viên công chứng có chứng chỉ hành nghề với kinh nghiệm cao về IFRS 15. Nghiên cứu điều tra các vấn đề và thách thức lớn có thể phát sinh trong quá trình thực hiện IFRS 15; trong đó, nhận thức và đánh giá thấp công việc chuyển đổi là yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn sàng áp dụng IFRS 15; và đánh giá tác động có thể xảy ra đối với lợi nhuận của doanh nghiệp. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng, IFRS 15 giải quyết được những khó khăn trong việc ghi nhận doanh thu đối các ngành/lĩnh vực/doanh nghiệp có hoạt đông sản xuất kinh doanh khá đa dạng và phức tạp. Bên cạnh đó, IFRS 15 cũng ảnh hưởng đến các công ty có hoạt động kinh doanh với mô hình đơn giản và việc triển khai có thể tốn nhiều thời gian, công sức. Kivioja (2018) công bố nghiên cứu với mục đích để điều tra xem việc thực hiện IFRS 15 “Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng” có ảnh hưởng thế nào đến tính chính xác của dự báo của các nhà phân tích bằng cách đo lường sai số dự báo. Kết quả cho thấy là không ảnh hưởng đến độ chính xác của dự báo. Tuy nhiên đối với dự báo bán hàng, kết quả nghiên cứu cho thấy IFRS 15 đã giảm độ chính xác của các dự báo. Có vẻ như IFRS 15 đã tác động ngược chiều đến khả năng của các nhà phân tích trong việc dự báo doanh thu cho các công ty có nhiều khả năng bị thay đổi cách ghi nhận doanh thu theo tiêu chuẩn mới. Napier (2020) đã cung cấp một khuôn khổ để phân tích các ảnh hưởng khác nhau của các chuẩn mực kế toán mới và sửa đổi - IFRS 15. Nghiên cứu đưa ra các chứng minh về sự thay đổi đáng kể phương thức ghi nhận doanh thu, các thay đổi này không chỉ hướng tới mục đích công bằng hơn trong ghi nhận doanh thu của doanh nghiệp mà còn hạn chế việc sử dụng doanh thu cho mục đích quản lý thu nhập. Tác giả cung cấp bằng chứng thực nghiệm, dựa trên việc xem xét các báo cáo thường niên của các doanh nghiệp, thư góp ý và phỏng vấn về ảnh hưởng của IFRS 15. Nghiên cứu cung cấp bằng chứng về những thay đổi trong nhận biết, đo lường, trình bày và công bố doanh thu của doanh nghiệp (ảnh hưởng kế toán) có thể ảnh hưởng đến các giao dịch, cả bên trong và bên ngoài (ảnh hưởng thông tin), có thể thay đổi giá chứng khoán (ảnh hưởng thị trường vốn) và có thể thay đổi phương thức hoạt động, chi phí và dòng tiền của của doanh nghiệp (ảnh hưởng thực tế). @ Trường Đại học Đà Lạt
  7. 528 Tutino, Regoliosi, Mattei, Paoloni, Pompili (2020) đã cung cấp bằng chứng thực nghiệm rằng việc quản lý thu nhập diễn ra thường xuyên hơn trong một số ngành và ít thường xuyên hơn ở những ngành nghề kinh doanh khác. Bằng phương pháp phân tích thống kê trên mẫu quan sát các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ “Viễn thông” và “Tiện ích” niêm yết tại Ý trong giai đoạn từ năm 2001-2017. Áp dụng mô hình Jones, nghiên cứu đưa ra kết luận rằng các phương pháp quản lý thu nhập thường được áp dụng trong ngành dịch vụ "Viễn thông", do đó ngành dịch vụ này có xu hướng chịu tác động mạnh bởi sự ra đời của IFRS 15. Đóng góp khoa học của nghiên cứu này cũng liên quan đến việc dự đoán về hành vi của các nhà quản lý qua quá trình xem xét lý thuyết đại diện (agency theory); qua đó, có thể biết được việc quản lý thu nhập của ngành nào có ảnh hưởng cao hơn, cung cấp các lựa chọn cho các nhà quản lý cấp cao trong việc thực hành áp dụng IFRS 15. Bernoully, Wondabio (2019) chứng minh rằng việc thực hiện IFRS 15 tại các doanh nghiệp viễn thông sẽ không chỉ ảnh hưởng đến việc ghi nhận doanh thu và các quy trình lập BCTC của doanh nghiệp mà còn tác động đến yêu cầu thay đổi môi trường kiểm soát nội bộ, hệ thống thông tin và công nghệ, các chỉ số về hiệu quả và quy trình tính toán lợi ích của nhân viên, đồng thời ảnh hưởng đến quan hệ đầu tư. Việc thực hiện IFRS 15 không chỉ là trách nhiệm của kế toán viên, mà còn yêu cầu sự phối hợp tốt và làm việc chặt chẽ theo nhóm giữa các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các thay đổi cần thiết. Quagli, Roncagliolo & D'Alauro (2021) đã đưa ra các vấn đề chính liên quan đến việc thực hiện IFRS 15 bao gồm: chi phí phát sinh cao do lợi ích thấp, mối lo ngại về tỷ lệ % hoàn thành mục tiêu và đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Một số nghiên cứu tại Việt Nam Trần Quốc Dũng (2015), trong nghiên cứu về sự hài hòa giữa các chuẩn mực doanh thu đã phác họa một cách cơ bản về mức độ hài hòa giữa chuẩn mực doanh thu quốc tế và Việt Nam vào hai giai đoạn riêng biệt “trước và sau khi ban hành thông tư 200”. Thông qua việc tính toán các chỉ số về mức độ hài hòa, tác giả đã làm sáng tỏ mức độ hài hòa giữa VAS 14, 15 so với IAS 11, 18 là khá cao (87,65%). Tuy nhiên, mức độ hài hòa giữa VAS 14, 15 và IFRS 15 khi ban hành thông tư 200 lại giảm đáng kể từ 87,65% xuống còn 28,07%. Điều này cho thấy việc áp dụng IFRS 15 trong tương lai sẽ gặp khó khăn, thách thức. Thông qua đó, tác giả đề ra một số kiến nghị, giải pháp như: Thay đổi văn bản, chuẩn mực để phù hợp với IFRS; nâng cao năng lực của kế toán viên. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có những hạn chế nhất định: các chuẩn mực IAS 11, IAS 18 đã được thay thế bởi IFRS 15; ngoài ra, nghiên cứu này được phát hành khi IFRS 15 chưa được đưa vào áp dụng thực tế. Đặng Thị Mai Trang (2016), nghiên cứu về sự hòa hợp giữa IFRS 15 so với VAS 15 trước và sau khi IFRS 15 được áp dụng. Cũng tương tự như nghiên cứu của tác giả Trần Quốc Dũng (2015), nghiên cứu này cũng đồng ý rằng VAS 15 và IAS 11 có độ hòa hợp là khá cao. Tuy nhiên, khi IFRS 15 chính thức được ban hành, mức độ hòa hợp ấy lại giảm xuống từ 70,29% còn 40,48%. Nguyên nhân cho sự thay đổi này, theo tác giả lý luận, vì nội dung của thông tư 200 được ban hành quá chặt chẽ, cụ thể, không ảnh hưởng đến phạm vi của hợp đồng xây dựng. Việc ban hành IFRS 15 với những nội dung khác biệt, không coi hợp đồng xây dựng là một khoản mục riêng biệt trong khi VAS 15 vẫn giữ nguyên, không thay đổi dẫn đến kết quả hài hòa bị sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có những hạn chế nhất định: việc thu thập tài liệu chưa thực sự hoàn chỉnh, khó khăn về thời gian; việc phân loại dựa vào thiên kiến cá nhân chứ không thực sự chuẩn hóa, nghiên cứu chỉ nhắm vào mức độ hòa hợp, không đề cập nhiều đến các nhân tố thúc đẩy sự hòa hợp ấy. @ Trường Đại học Đà Lạt
  8. 529 Nhận xét và xác định khoảng trống nghiên cứu Nhận xét về các nghiên cứu nước ngoài và tại Việt Nam Thứ nhất, về các nghiên cứu nước ngoài, số lượng quốc gia áp dụng IFRS đang ngày càng tăng lên từ khi chuẩn mực lần đầu tiên được hoàn thành vào năm 1998, cùng với đó là sự kế thừa của các nghiên cứu nhằm đưa ra những giả thuyết, tình huống cụ thể, giúp các doanh nghiệp dựa vào để làm cơ sở áp dụng. Nhìn chung các nghiên cứu đã chỉ ra được những khó khăn đối với doanh nghiệp khi lần đầu áp dụng IFRS, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS trên BCTC của doanh nghiệp. Một số nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích tiềm tàng của doanh nghiệp khi áp dụng IFRS trên BCTC của doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách giữa trong và ngoài doanh nghiệp. Bên cạnh đó, qua phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến việc quyết định áp dụng IFRS như môi trường văn hóa, pháp luật, trình độ chuyên môn... có những nghiên cứu chỉ ra việc áp dụng IFRS là không phù hợp với một số quốc gia, dẫn đến sự trì hoãn và chậm trễ cho việc sẵn sàng áp dụng IFRS cho các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu. Các nghiên cứu về việc áp dụng IFRS 15 đều đưa ra nhận định về tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của chuẩn mực này đối với BCTC của doanh nghiệp. Việc ghi nhận doanh thu theo IFRS 15 không những thay đổi các chỉ tiêu liên quan đến doanh thu mà còn làm thay đổi môi trường kiểm soát nội bộ doanh nghiệp, hệ thống thông tin và công nghệ, các chỉ số về hiệu quả, tính toán lợi ích của nhân viên, ảnh hưởng đến quan hệ đầu tư. Tuy nhiên, vì tính phức tạp trong quá trình ghi nhận cũng như sự đổi khác so với chuẩn mực ghi nhận doanh thu riêng của quốc gia, việc chuẩn bị và áp dụng IFRS có độ trễ nhất định. Thứ hai, về nghiên cứu ở Việt Nam, việc nghiên cứu chỉ ra lợi ích và tầm quan trọng trong áp dụng IFRS tại Việt Nam còn là một chủ đề khá mới và chưa đến giai đoạn bắt buộc sử dụng. Vì vậy, khá nhiều vấn đề phát sinh cho các doanh nghiệp, từ vấn đề về môi trường văn hóa cho đến hệ thống pháp luật và tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn khá thấp. Đặc biệt, chuẩn mực kế toán Việt Nam cụ thể là VAS 14 so với IFRS 15 có sự khác biệt tương đối lớn. Những nghiên cứu về vấn đề áp dụng IFRS 15 ở Việt Nam có mặt hạn chế và thách thức khi ghi nhận doanh thu chuẩn mực này. Tuy nhiên đa số các nghiên cứu của Việt Nam dựa trên cơ sở dữ liệu sơ cấp từ các doanh nghiệp đã áp dụng IFRS, số lượng doanh nghiệp thực tế áp dụng IFRS 15 không nhiều, vì vậy các nghiên cứu còn tồn tại khoảng trống đối với những doanh nghiệp chưa áp dụng IFRS, cụ thể IFRS số 15. Khoảng trống các nghiên cứu về IFRS Qua quá trình tổng quan các tài liệu nghiên cứu, hầu hết các bài nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS nói chung và chuẩn mực IFRS 15 nói riêng thường theo hướng phân tích các nhân tố về môi trường, một số nghiên cứu tiếp cận theo hướng nhân nhân tố hành vi - một trong những nhân tố mang tính khám phá phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay. Thêm vào đó, những khía cạnh liên quan đến việc áp dụng IFRS 15 trên BCTC còn khá ít, đặc biệt đối với doanh nghiệp dịch vụ. Về số lượng bài nghiên cứu các vấn đề liên quan đến áp dụng IFRS còn khá ít, đặc biệt là nghiên cứu các vấn đề về các nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng IFRS 15 trên BCTC vẫn chưa được trọng tâm khai thác. Nghiên cứu trước thường xoay quanh IFRS nói chung, việc đề ra khung chuẩn mực áp dụng, mà ít quan tâm về vấn đề chuyên sâu các chuẩn mực cụ thể như IFRS 15. Bên cạnh đó, có ít nghiên cứu sử dụng các lý thuyết nền để đo lường mức độ hợp lý của các biến, ngoại trừ nghiên cứu của tác giả Lê Việt (2019) sử dụng lý thuyết hành vi dự định kết hợp với thuyết đẳng cấu thể chế, hay nghiên cứu của Duc Hong Thi Phan và Mascitelli (2014) sử dụng lý thuyết đẳng cấu thể chế. @ Trường Đại học Đà Lạt
  9. 530 Xem xét khoảng trống từ các nghiên cứu trước, nhận thấy việc tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng lên việc chuyển đổi áp dụng IFRS 15 là phù hợp trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, khi mà số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện áp dụng tự nguyện IFRS còn hạn chế, chủ đề “Các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS trên BCTC, áp dụng trường hợp chuẩn mực doanh thu (IFRS 15) trong các doanh nghiệp dịch vụ TP.HCM” của tác giả được xem là cấp thiết và có tính thời sự trong giai đoạn khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi và áp dụng IFRS trên BCTC. Mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS 15 trên BCTC Mô hình nghiên cứu của tác giả Lê Việt Lê Việt năm 2020 đã đưa ra mô hình nghiên cứu lý thuyết các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS tại Việt Nam như sau: Hình 1: Mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS tại Việt Nam Nguồn: Lê Việt (2020) Trong mô hình nghiên cứu của tác giả Lê Việt, dụng lý thuyết nền là lý thuyết hành vi dự định TPB của Ajzen (1991) xây dựng giả thuyết nhận thức về áp lực xã hội có ảnh hưởng cùng chiều đến việc áp dụng IFRS tại Việt Nam. Tác giả sử dụng lý thuyết đẳng cấu thể chế của Dimaggio và Powell (1983) xây dựng giả thuyết áp lực cưỡng chế có ảnh hưởng cùng chiều đến nhận thức về áp lực xã hội, áp lực mô phỏng có ảnh hưởng cùng chiều đến nhận thức về áp lực xã hội, áp lực chuyên môn có ảnh hưởng cùng chiều đến nhận thức về áp lực xã hội. Từ mô hình trên của tác giả Lê Việt (2020) với bối cảnh nghiên cứu của tác giả, nghiên cứu tập trung vào 3 thành phần của nhận thức về áp lực xã hội ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS 15 ở các doanh nghiệp dịch vụ trên phạm vi TP.HCM, cụ thể: áp lực cưỡng chế, áp lực mô phỏng, áp lực chuyên môn ảnh hưởng trực tiếp đến chuyển đổi VAS sang IFRS trên BCTC - Áp dụng trường hợp chuẩn mực doanh thu (IFRS 15). Các giả thuyết nghiên cứu: H1: Áp lực cưỡng chế ảnh hưởng cùng chiều (+) đến áp dụng IFRS 15 tại doanh nghiệp dịch vụ. H2: Áp lực mô phỏng ảnh hưởng cùng chiều (+) đến áp dụng IFRS 15 tại doanh nghiệp dịch vụ. H3: Áp lực chuyên môn ảnh hưởng cùng chiều (+) đến áp dụng IFRS 15 tại doanh nghiệp dịch vụ. @ Trường Đại học Đà Lạt
  10. 531 Mô hình nghiên cứu lý thuyết dự kiến Dựa trên mô hình nghiên cứu của Lê Việt (2020), các giả thuyết nghiên cứu đã xây dựng ở trên, nghiên cứu xây dựng mô hình nghiên cứu ba nhân tố về áp lực xã hội ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS 15 trên BCTC tại các doanh nghiệp dịch vụ trên địa bàn Tp.HCM. Mô hình gồm có 3 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc, các biến độc lập đại diện cho áp lực xã hội gồm: áp lực cưỡng chế, áp lực mô phỏng, áp lực chuyên môn ảnh hưởng trực tiếp đến việc chuyển đổi IFRS. Mô hình được đề xuất như sau: Hình 2: Mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS 15 tại các doanh nghiệp dịch vụ Tp.HCM Nguồn: Tác giả tự xây dựng Kết luận Bài viết đã trình bày tổng quan các nghiên cứu về IFRS và cụ thể là IFRS 15 ở nước ngoài và tại Việt Nam. Qua đó, bài viết đã tìm ra những khoảng trống nghiên cứu làm tiền đề cho tác giả cụ thể hóa mục tiêu nghiên cứuvề các nhân tố ảnh hường đến việc áp dụng IFRS 15 trên BCTC. Bên cạnh đó, bài viết đã dựa trên mô hình nghiên cứu của tác giả Lê Việt, đề xuất 3 giả thuyết nghiên cứu và mô hình nghiên cứu lý thuyết gồm 3 biến độc lập ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS 15 trên BCTC tại các doanh nghiệp dịch vụ trên địa bàn Tp.HCM. Kết quả nghiên cứu này phục vụ cho những nghiên cứu tiếp theo của tác giả về nghiên cứu thực nghiệp mô hình các nhân tố ành hưởng đến áp dụng IFRS 15 tại các doanh nghiệp dịch vụ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Tài liệu tham khảo Tài liệu tham khảo trong nước 1. Bộ Tài chính (2019). Dự thảo Đề án Áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế vào Việt Nam. https://baochinhphu.vn/print/du-thao-de-an-ap-dung-chuan-muc-ke-toan-quoc-te-vao-viet- nam-102254079.htm. 2. Bộ Tài chính (2020). Quyết định 345/QĐ-BTC phê duyệt “Đề án Áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế vào Việt Nam”. 3. Đặng Thị Mai Trang (2016). Đo lường mức độ hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế về hợp đồng xây dựng. Luận văn thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh. 4. Hà Xuân Thạch & Nguyễn Ngọc Hiệp (2018). Những nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi BCTC từ chuẩn mực kế toán việt nam sang chuẩn mực BCTC quốc tế. Tạp chí Kinh tế đối ngoại. Số 102. 5. Lê Trần Hạnh Phương (2019). Các nhân tố tác động đến áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS) – nghiên cứu ở phạm vi các quốc gia và doanh nghiệp tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh. @ Trường Đại học Đà Lạt
  11. 532 6. Lê Việt (2019). Nghiên cứu các nhân tố tác động đến việc áp dụng IFRS tại Việt Nam: các lý thuyết nền cơ bản. Hội thảo khoa học quốc tế - Kế toán Việt Nam, tương lai và triển vọng. Bộ tài chính. 7. Lê Việt (2020). Tác động của việc tự nguyện và bắt buộc áp dụng IFRS đối với chất lượng thông tin kế toán. Tạp chí Kế toán & Kiểm toán. 8. Lê Việt (2020). Vận dụng mô hình kết hợp TAM và TPB để đánh giá việc áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Công thương. 9. Nguyễn Thị Kim Cúc & Nguyễn Lê Vân Khanh (2018). Các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tự nguyện áp dụng IFRS tại các doanh nghiệp Việt Nam. Tạp chí công thương. 10. Nguyễn Thị Thu Phương (2014). Đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến áp dụng IFRS tại Việt Nam. Luận văn thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh. 11. Nguyễn Trà Giang (2017). Các nhân tố thể chế tác động đến việc áp dụng IFRS tại Việt Nam. Luận văn thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh. 12. Trần Quốc Dũng (2015). Nghiên cứu mức độ hài hòa về doanh thu giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế. Luận văn thạc sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Tp Hồ Chí Minh. Tài liệu tham khảo nước ngoài 13. Ajzen I. (1991). The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes. 50 (2) 179-211. 14. André P., Walton P., Yang D. (2012). Voluntary Adoption of IFRS: A Study of Determinants for UK Unlisted Firms, Comptabilités et Innovation. 15. Bernoully M., Wondabio L.S. (2019). Impact of Implementation of IFRS 15 on the Financial Statements of Telecommunication Company. Atlantis Press-Part of Springer Nature. 16. Damak S., Sassi N., Bahri M. (2020). Cross-country determinants of IFRS for SMEs adoption. Journal of Financial Reporting and Accounting. 17. Dimaggio P.G., Powell W.W. (1983). The Iron Cage Revisited: Institutional Isomorphism and Collective Rationality in Organizational Fields. American Sociological Review. Vol. 48 (2) pp. 147-160. 18. Duc Hong Thi Phan, Mascitelli B. (2014). Optimal approach and timeline for IFRS adoption in Vietnam: Perceptions from accounting professionals. Research in Accounting Regulation. Vol. 26 (2). 19. Haggenmüller S. (2019). Revenue recognition under IFRS 15: a critical evaluation of predefined purposes and implications for improvement. Finance management-Business finance. 20. Kivioja T. (2018). The impact of IFRS 15 on analysts’ forecast accuracy. Master’s thesis, Oulu Business School - UNIVERSITY OF OULU. 21. KOLSI M.C. (2008). THE DETERMINANTS of IAS/IFRS ADOPTION by EMERGENT COUNTRIES. 22. Manh Dung Tran, Thi Tuyet Mai Ngo, To Uyen Phan, Duc Tai Do, Thi Thuy Hang Pham (2020). Determinants influencing the conversion of financial statements: the case of multinational firms in Vietnam. The Journal of Asian Finance, Economics and Business. Vol. 7 (3) 17-27. @ Trường Đại học Đà Lạt
  12. 533 23. Mattei G. & Paoloni N. (2019). Understanding the Potential Impact of IFRS 15 on the Telecommunication Listed Companies, by the Disclosures’ Study. International Journal of Business and Management. Vol. 14 (1). 24. Napier C.J. (2020). The real effects of a new accounting standard: the case of IFRS 15 Revenue from Contracts with Customers. Accounting and Business Research. Vol. 50 (5). 25. Othman H.B. & Kossentini A. (2011). IFRS adoption strategies and theories of economic development: Effects on the development of emerging stock markets. Journal of Accounting in Emerging Economies. Volume 5 (1). 26. Peters M. (2016). The new IFRS 15 standard: Implementation challenges for Belgian companies. Dissertation for Master Financial Analysis and Audit. 27. Quagli A., Roncagliolo E. & D'Alauro G. (2021). The preparedness to adopt new accounting standards: a study of European companies on the pre-adoption phase of IFRS 15. Springer Link. 28. Saga A., Svenson G. (2015). Choice of accounting framework from a stakeholder and disclosure perspective. BUSN69 Degree Project - Accounting and Auditing. 29. Tarca A. (2012). The Case for Global Accounting Standards: Arguments and Evidence. Academic Fellow ‐ Research, IFRS Foundation. 30. Tutino M., Regoliosi C., Mattei G., Paoloni N., Pompili M. (2020). Does the IFRS 15 impact earnings management? Initial evidence from Italian listed companies. African Journal of Business Management. 13(7) pp. 226-238. 31. Veronica G. & Socoliuc M. (2016). Effects And Implications Of The Implementation Of IFRS 15-Revenue From Contracts With Customers. Management Strategies Journal. 32. Viet Le (2020). Determinants of International Financial Reporting Standards Adoption: a systematic literature review. International Conference on Business and Finance (IBCF 2020). @ Trường Đại học Đà Lạt
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2