intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vai trò của ban quản lý du lịch cộng đồng: Nghiên cứu trường hợp tại xã Tả Van và xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

Chia sẻ: Tưởng Bách Xuyên | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

5
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Vai trò của ban quản lý du lịch cộng đồng: Nghiên cứu trường hợp tại xã Tả Van và xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai" nhằm đưa ra nhận định, đánh giá của người dân về BQLDLCĐ tại 2 xã Tả Van và xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai thông qua: việc biết đến Ban, mức độ cần thiết phải thành lập Ban, nhận thức về vai trò của Ban, và đánh giá chung về hiệu quả hoạt động của Ban tại địa phương. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vai trò của ban quản lý du lịch cộng đồng: Nghiên cứu trường hợp tại xã Tả Van và xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai

  1. VAI TRÒ CỦA BAN QUẢN LÝ DU LỊCH CỘNG ĐỒNG: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TẠI XÃ TẢ VAN VÀ XÃ TẢ PHÌN, HUYỆN SA PA, TỈNH LÀO CAI NCS. ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Hầu hết các xã có hoạt động du lịch cộng đồng (DLCĐ) đều thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng (BQLDLCĐ, sau đây gọi tắt là Ban). Bài viết này nhằm đưa ra nhận định, đánh giá của người dân về BQLDLCĐ tại 2 xã Tả Van và xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai thông qua: việc biết đến Ban, mức độ cần thiết phải thành lập Ban, nhận thức về vai trò của Ban, và đánh giá chung về hiệu quả hoạt động của Ban tại địa phương. Các phỏng vấn sâu các thành viên của Ban và khảo sát 200 các hộ gia đình đang sinh sống tại 2 xã Tả Van và Tả Phìn đã được thực hiện. Kết quả cho thấy là, 100% người dân được hỏi đều cho rằng cần thiết phải thành lập BQLDLCĐ ở các mức độ khác nhau (bình thường, cần thiết, hay rất cần thiết), trong khi hiện tại Ban này đang “lép vế”, mang tính hành chính, và mới chỉ thực hiện vai trò duy trì quản lý trật tự của những hộ kinh doanh lưu trú tại gia homestay. Từ khóa: Ban quản lý du lịch cộng đồng (BQLDLCĐ), Du lịch cộng đồng (DLCĐ). Abstract Most of communes having CBT activities establish the CBTB (hereinafter referred to as the Board). This article aims to give the local people’s statements, reviews about the Board in Ta Van commnune and Ta Phin commune, Sa Pa District, Lao Cai Province through: know/ donot know the Board, the necessary level to establish the Board, awareness of the Board’s role, and overall assessment of the the Board’s performance. The in-depth interviews of board members and the survey of 200 households living in Ta Van commnune and Ta Phin commune were made. As a result, 100% of respondents agreed that it is necessity to establish the Board at different levels (Neutral, Necessary, and Very Necessary), whereas, the Board is "underdog", beurauratic, and only plays the role of managing security and safety of the households doing homestay business. Key words: community-based tourism management (CBTB), community-based tourism management (CBT). 1. Đặt vấn đề Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương. 389
  2. Do đó, việc tổ chức quản lý là rất quan trọng. Cơ cấu tổ chức là yếu tố xác định cộng đồng có tham gia vào DLCĐ và có quyền kiểm soát thực sự hay không. Cần có sự lựa chọn sắp xếp tổ chức phù hợp với mục tiêu của DLCĐ, ví dụ như hình thức liên doanh giữa cộng đồng và tư nhân. Hầu hết, tại các xã có hoạt động DLCĐ đều thành lập BQLDLCĐ. Ban này chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân (UBND) xã quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn xã theo đúng định hướng, kế hoạch phát triển DLCĐ. Ban thường được đặt tại thôn, bản phát triển du lịch của xã. Trên thực tế, các Ban này hoạt động có hiệu quả hay không. Nghiên cứu này sẽ đưa ra các nhận định, đánh giá của người dân về Ban tại 2 xã Tả Van và xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. 2. Xã Tả Van và xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai Huyện Sapa có 17 xã và 1 thị trấn (thị trấn Sa Pa). Trong đó, có 3 xã có BQLDCĐ là: Xã Bản Hồ, Xã Tả Van, và xã Tả Phìn. Đây cũng là các xã phát triển DLCĐ nhất của huyện Sa Pa. Số lượng khách tham quan các tuyến DLCĐ thuộc huyện Sa Pa năm 2013 được thống kê trong Bảng 1. Hình 1. Bản đồ du lịch Sa Pa Nguồn: http://laocai.gov.vn/sites/sapa/bandohuyen/Trang/634046080866084190.aspx 390
  3. Tuy nhiên, Bản Hồ hiện nay đang trong giai đoạn phục hồi do một nhà máy thủy điện đã được xây dựng làm phá hủy suối nước nóng và cảnh quan của Bản Hồ. Bài viết này cũng là một phần trong nghiên cứu khác tại các xã Tả Van, Lao Chải, và Tả Phìn. Trong đó, Lao Chải chỉ là điểm dừng chân của khách trong lộ trình các tuyến du lịch qua đây. Hiện tại, Lao Chải chỉ có 5 hộ kinh doanh homestay và một số hộ kinh doanh bán hàng lưu niệm, hàng tạp hóa, hàng ăn phục vụ khách du lịch và bà con trong xã. Vì thế, xã chưa có BQLDLCĐ. Do đó, nghiên cứu này đánh giá hiệu quả hoạt động của BQLDLCĐ tại 2 xã Tả Van và Tả Phìn thông qua đánh giá của người dân địa phương. Bảng 1. Số lượng khách đi tham quan các tuyến DLCĐ năm 2013 Năm 2013 STT Tuyến, điểm du lịch cộng đồng Số lượng khách đến tham quan 1 Tuyến DL Lao Chải - Tả Van 123.520 2 Điểm du lịch cộng đồng Bản Hồ 2.360 3 Điểm du lịch cộng đồng Thanh Phú 4.320 4 Điểm du lịch cộng đồng Tả Phìn 43.800 5 Điểm du lịch Thác Bạc 108.000 6 Điểm du lịch cộng đồng Sín Chải 3.900 Tổng cộng 285.900 Nguồn: Báo cáo tình hình hoạt động du lịch huyện Sa Pa, UBND huyện Sa Pa 2013 Xã Tả Van Tả Van là một xã vùng III cách trung tâm huyện 8km về phía Đông Nam, xã có diện tích tự nhiên 6.804,07ha, địa hình đồi núi phức tạp, dân cư sống rải rác, xã có 7 thôn bản với nhiều dân tộc sinh sống. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 69,5%, dân tộc Giáy chiếm 24,4%, dân tộc Dao chiếm 4,9%, dân tộc khác chiếm 1,2%. Theo thống kê của xã năm 2014, toàn xã hiện có 727 hộ (4.201 khẩu) trong đó có 1.962 lao động chiếm 46,7% tổng dân số, nhân dân xã Tả Van có tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau. Có 45 hộ làm dịch vụ cho khách du lịch nghỉ và có 49 hộ bán hàng nhỏ lẻ phục vụ cho nhu cầu bà con trong toàn xã. Trong một số năm gần đây, 391
  4. mỗi năm có khoảng gần 70.000 khách du lịch, với doanh thu được từ dịch vụ du lịch ước đạt khoảng 1,5 tỷ đồng. Khách du lịch tới Tả Van để tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa, thăm quan cảnh đẹp (suối, ruộng bậc thang, …) và có thể nghỉ lại qua đêm. Vào dịp lễ hội, Tả Van có lễ hội “xuống đồng” của người Giáy cho cả trong và ngoài xã. Xã Tả Phìn Tả Phìn là một xã thuộc khu vực III miền núi của huyện Sa Pa cách trung tâm huyện 12km, xã có 6 thôn, tổng diện tích đất tự nhiên là 2.178ha. Theo thống kê của xã năm 2014, cả xã có 599 hộ (3.041 khẩu): dân tộc Mông là 322 hộ (1.708 khẩu), Dân tộc Dao là 219 hộ (1.189 khẩu), dân tộc Giáy 1 hộ (4 khẩu), còn lại là dân tộc Kinh với 47 hộ (138 khẩu). Có 17 hộ kinh doanh homestay và các hộ kinh doanh ăn uống. Khách du lịch tới Tả Phìn để tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa, thăm quan cảnh đẹp (suối, hang,…) và có thể nghỉ lại qua đêm. Tả Phìn nổi tiếng bởi tắm lá thuốc và thổ cẩm của người Dao Đỏ. 3. BQLDLCĐ xã Tả Van và xã Tả Phìn Ban quản lý du lịch cộng đồng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động dưới hình thức kiêm nhiệm thuộc UBND xã. BQLDLCĐ chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Sa Pa. BQLDLCĐ chịu trách nhiệm giúp UBND xã quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn xã theo đúng định hướng, kế hoạch phát triển DLCĐ. Mối quan hệ của Ban với các bên tham gia được mô tả như trong Hình 2 dưới đây: 392
  5. Hình 2. Sơ đồ “các đối tác bên ngoài của ngành du lịch Việt Nam” Nguồn: Sổ tay DLCĐ Việt Nam, chương trình ESERT và WWF - 2013 Trong đó, BQLDLCĐ có mối liên hệ với: (1) chính quyền xã (quan hệ gián tiếp), (2) các doanh nghiệp DLCĐ, và (3) các nhà điều hành tour và các đại lý lữ hành (quan hệ trực tiếp). Các BQLDLCĐ đều xây dựng quy chế hoạt động, trong đó có quy định về: chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của BQLDLCĐ; chế độ thường trực và giải quyết nhiệm vụ chuyên môn; tổ chức hoạt động tại thôn (đối với BQDLCĐ, các hộ kinh doanh, hướng dẫn viên, và khách du lịch); quy định về giá các dịch vụ chủ yếu; thành lập và sử dụng quỹ phát triển DLCĐ; và khen thưởng và xử lý vi phạm. Quy chế được xây dựng dựa trên sự tham gia và nhất trí của các bên liên quan: các hộ kinh doanh nhà nghỉ (homestay), lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Mặt trận tổ quốc xã; sự tham gia của Phòng văn hóa và thông tin huyện Sa Pa, Ban văn hóa – xã hội, Tư pháp, An ninh, Hội Phụ nữ, và Hội Nông dân xã. Cụ thể: - Về cơ cấu tổ chức BQLDLCĐ: gồm 6-7 người 393
  6. 1 Trưởng ban: Chủ tịch/ Phó chủ tịch xã 1 hoặc 2 phó ban: (Phó ban 1: Trưởng/ Phó công an xã và Phó ban 2: Cán bộ văn hóa – xã hội xã) 1 kế toán/ thủ quỹ 2-3 thành viên: bao gồm công an viên, trưởng thôn làm du lịch, cán bộ văn phòng, hộ kinh doanh homestay tiêu biểu, hoặc thành viên/ lãnh đạo hội nông dân, ... - Chế độ làm việc và giải quyết chuyên môn: từ 1-2 cán bộ trực từ 19h30-21h30 các ngày trong tuần, mở sổ sách theo dõi cập nhật tình hình trong ngày về khách lưu trú trên địa bàn xã, khách lưu trú trong các cơ sở lưu trú tại gia. Khách du lịch khi nghỉ lại ở xã, hộ có khách nghỉ sẽ khai báo với BQLDLCĐ. Cứ 6 tháng, BQLDLCĐ tổ chức họp một lần: tổng kết 6 tháng đầu năm và tổng kết cuối năm. - Ban này duy trì hoạt động thông qua khoản thu: hỗ trợ của huyện 20.000.000/năm; tiền trích từ các dịch vụ lưu trú, văn nghệ (5-7.000/khách/đêm, 50.000/chương trình); các khoản tiền xử lý vi phạm; và các khoản hỗ trợ từ khách du lịch, từ các công ty du lịch, từ các chương trình, dự án của Nhà nước, địa phương và các tổ chức quốc tế. 4. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu sử dụng đa phương pháp để thu thập dữ liệu về BQLDLCĐ: Nguồn dữ liệu sơ cấp: - Thực địa, quan sát - Phỏng vấn sâu (1 cán bộ huyện phụ trách du lịch; 2 thành viên trong Ban và 3 hộ dân địa phương/ mỗi xã) - Khảo sát 200 bảng hỏi người dân địa phương (mỗi người trả lời đại diện cho một hộ gia đình) Trong đó, nghiên cứu chính thức là khảo sát (định lượng), nghiên cứu định tính (phỏng vấn sâu) trước đó chỉ để tác giả hiểu thêm vấn đề nghiên cứu và giúp đưa ra các nội dung trong bảng hỏi để đánh giá hiệu quả hoạt động của Ban. Nguồn dữ liệu thứ cấp: - Quy chế hoạt động của BQLDLCĐ 2 xã Tả Van và xã Phìn - Các tài liệu có liên quan đến DLCĐ và BQLDLCĐ. 394
  7. 5. Kết quả nghiên cứu và bình luận `Khảo sát người dân địa phương được thực hiện trong khoảng thời gian tháng 4, 5 năm 2015. Một số kết quả nghiên cứu khảo sát chính về vai trò, hiệu quả hoạt động của BQLDLCĐ xã Tả Van và xã Tả Phìn được trình bày dưới đây. Lúc đầu, kết quả phân tích được thực hiện cho từng xã, tuy nhiên, tác giả nhận thấy hai kết quả đánh giá của 2 xã trên gần tương tự nhau, không khác nhau đáng kể nên kết quả nghiên cứu được phân tích chung cho cả 2 xã. - Biết đến BQLDLCĐ: 90% người dân biết đến Ban 10% người dân còn lại không biết đến BQLDLCĐ do: khoảng cách địa lý (xa mặt đường, xa điểm du lịch) và không có trong thành phần các cuộc họp do BQLDLCĐ tổ chức (chỉ có các hộ kinh doanh homestay mới có trong thành phần họp BQLDLCĐ). - Sự cần thiết phải thành lập Ban: 100% các hộ đều cho rằng cần thiết phải thành lập BQLDLCĐ với các mức độ: bình thường (5%), cần thiết (13%), và rất cần thiết (82%). - Vai trò của BQLDLCĐ tại địa phương: người dân được hỏi nhận thấy vai trò của BQLDLCĐ tại địa phương là: Quản lý hoạt động kinh doanh lưu trú tại gia - homestay (100%) Nhắc nhở các gia đình và cá nhân không được đeo bám, chèo kéo du khách (100%) Thực hiện công tác quản lý, điều hành hoạt động du lịch tại cộng đồng (5%) Bảo vệ quyền lợi cho du khách, hướng dẫn họ thực hiện du lịch có trách nhiệm (12%) Tổ chức hoạt động du lịch theo hệ thống (thăm quan, dịch vụ ngủ nghỉ, ăn uống, hoạt động văn hóa – văn nghệ,...) (3%). Như vậy, hầu hết người dân chỉ thấy Ban thực hiện các nhiệm vụ nhắc nhở người dân không được đeo bám, chèo kéo du khách; theo dõi du khách lưu trú lại qua đêm tại địa phương. Kết quả này cũng giống với quy chế hoạt động của ban và thông tin từ các thành viên trong ban khi tham gia phỏng vấn sâu. Một cán bộ phụ trách du lịch của huyện cho rằng “… Ban này hiện đang “lép vế” ở các xã”. Trong khi đó, vai trò chính của ban là quản lý, điều hành hoạt động du lịch của địa phương từ lập kế hoạch, thực hiện đến kiểm tra, giám sát. Ngoài cán bộ huyện nói trên, một thành viên nữa trong BQLDLCĐ xã Tả Phìn khi phỏng vấn sâu cũng hiểu được đúng vai trò của Ban. Hiện tại, cả hai BQLDLCĐ của hai xã mới chỉ tổ chức họp với các hộ kinh 395
  8. doanh homestay. Những hộ không kinh doanh homestay khi được hỏi có mong muốn được tham gia các cuộc họp của BQLDLCĐ, 89% cho rằng có mong muốn tham gia để hiểu thêm về phát triển du lịch của địa phương, để đóng góp ý kiến phát triển du lịch của địa phương… Một hộ kinh doanh thuốc tắm xã Tả Phìn còn cho biết: “… đã đề xuất với Ban nhưng vẫn không được tham gia các cuộc họp do không kinh doanh lưu trú”. Đây thực sự là những cá nhân tích cực, sẽ có những đóng góp cho sự phát triển du lịch của địa phương nếu được tạo điều kiện. - Một cách tổng thể, người dân được hỏi để đánh giá về hiệu quả hoạt động chung của BQLDLCĐ theo các mức độ: 5% rất không hiệu quả, 40% không hiệu quả, 45% bình thường, và 10% hiệu quả. Người dân còn cho biết thêm: “thời gian trước đây khi mới thành lập ban thì Ban hoạt động rất hiệu quả”. Người dân cũng đã có ý kiến, nhưng ý kiến của họ ít được ghi nhận. Theo như Hình 2 nói trên cũng như trong quy chế hoạt động của Ban, các công ty lữ hành cũng như các tổ chức khác khi đưa khách đến tham quan và có nhu cầu nghỉ lại qua đêm tại các xã phải thông báo cho BQLDLCĐ. Từ đó, Ban sẽ phân chia khách cho các hộ kinh doanh homestay. Mặc dù điều này sẽ làm mất đi tính cạnh tranh giữa các hộ nhưng Ban sẽ có tiếng nói hơn cũng như quản lý hoạt động kinh doanh lưu trú sát sao hơn. Tuy nhiên, tất cả các hộ kinh doanh homestay khi phỏng vấn đều cho biết rằng khách du lịch (kể cả đi qua công ty lữ hành hay đi tự do) cũng đều liên hệ trực tiếp với các chủ hộ homestay và các chủ hộ sẽ khai báo một cách tự giác với Ban. Do vậy, hầu như không có mối liên hệ nào giữa Ban và các công ty lữ hành và chính điều này đã làm mất đi vai trò của Ban và nhiều khi không thể kiểm soát được hết các hộ có khách nghỉ lại qua đêm. Mối liên hệ giữa Ban và các doanh nghiệp DLCĐ cũng hầu như không có. Toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp của DLCĐ được thực hiện trong mối liên hệ với chính quyền xã và các tổ chức bên ngoài. Mối liên hệ duy nhất hiện nay của Ban là liên hệ hành chính với UBND xã, là một bộ phận của UBND và các hộ dân (đặc biệt là các hộ kinh doanh homestay). Như vậy, vai trò chính của Ban hiện tại chỉ là: Quản lý hoạt động kinh doanh homestay và nhắc nhở các gia đình và cá nhân không được đeo bám, chèo kéo du khách. 6. Một số đề xuất, kiến nghị để nâng cao vai trò, hiệu quả của BQLDLCĐ xã Tả Van và Xã Tả Phìn - Ban cần nhận thức và thực hiện đúng vai trò, chức năng của Ban: quản lý hoạt động du lịch chung của xã. BQLDLCĐ có vai trò quản lý các hoạt động du lịch chung của xã: từ hoạch định, thực thi, đến kiểm tra, giám sát; chứ không chỉ quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú. - Cơ cấu Ban: nên quy hoạch lại cơ cấu các thành viên trong Ban để đảm nhiệm vai trò quản lý hoạt động du lịch chung của xã. - Tăng các khoản thu, tự hạch toán thu chi: 396
  9. Hiện nay, để duy trì hoạt động của Ban, các khoản thu của Ban gồm có: hỗ trợ của huyện 20.000.000/năm; tiền trích từ các dịch vụ lưu trú, văn nghệ (5-7.000/ khách/ đêm, 50.000/chương trình); các khoản tiền xử lý vi phạm; và các khoản hỗ trợ từ khách du lịch, từ các công ty du lịch, từ các chương trình, dự án của Nhà nước, địa phương và các tổ chức quốc tế. Ban có thể thu thêm các phí dịch vụ: dịch vụ giữ xe (một ngày có khoảng mấy chục lượt xe du lịch đưa khách đến tham quan thì khoản này cũng khá lớn), thu của hướng dẫn viên, dịch vụ ăn uống … - Thực hiện vai trò cầu nối giữa cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp lữ hành bên ngoài địa phương. Ngoài ra, hai xã này có thể học hỏi một số mô hình BQLĐLCĐ của một số địa phương như ở xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh: - Cơ cấu Ban: Mỗi BQLDLCĐ gồm 01 lãnh đạo xã, các trưởng thôn có tham gia DLCĐ, 01 kế toán và nhóm trưởng các nhóm nhóm chức năng (dịch vụ). Các nhóm chức năng gồm: (1) nhóm đón tiếp và hướng dẫn, nhóm này không chỉ tiếp nhận và dẫn khách đến các điểm tham quan mà còn giới thiệu những đặc điểm văn hóa truyền thống và cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương; (2) nhóm chuẩn bị ẩm thực thực bao gồm các tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thực phẩm; (3) thành lập nhóm văn nghệ để tổ chức biểu diễn các tiết mục địa phương chẳng như hát quan họ hoặc trao đổi văn hóa với du khách; và (4) nhóm sản xuất thủ công mỹ nghệ và kỹ năng chế biến nông sản cho những người chịu trách nhiệm sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống để bán cho khách du lịch. Mỗi nhóm chức năng có từ 4-6 người, nhiệm vụ chính của các nhóm chức năng ở mỗi xã có khác nhau và mức độ ưu tiên hoạt động cũng khác nhau tùy thuộc đặc điểm của mỗi xã. - Chức năng, nhiệm vụ của Ban: + Có trách nhiệm tổ chức đón tiếp khách du lịch khi khách về đến xã. + Giới thiệu với khách khái quát về tình hình địa phương: văn hoá, xã hội, kinh tế, nghề sản xuất tương ăn, và các món ăn ẩm thực của địa phương. + Có nhiệm vụ lập kế hoạch hoạt động, phát triển du lịch và hướng dẫn các nhóm dịch vụ triển khai hoạt động du lịch trên địa bàn. + Nâng cao chất lượng dịch vụ và xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, về ứng xử trong cộng đồng, cộng đồng với khách, khách với cộng đồng. + Có nhiệm vụ phối hợp với UBND xã, các đoàn thể chính trị trong xã, với ngành du lịch cấp huyện, tỉnh, với các cơ quan báo chí, đài phát thanh của địa phương, trung ương để quảng bá và tìm kiếm thị trường. 397
  10. + Chịu trách nhiệm ghi chép đầy đủ, thống kê, thu thập ý kiến đóng góp của khách, thường xuyên báo cáo tình hình và kết quả hoạt động du lịch với lãnh đạo xã, các bên liên quan. 7. Kết luận Mặc dù được thành lập từ năm 2008, nhưng chức năng nhiệm vụ của BQLDLCĐ xã Tả Van và xã Tả Phìn còn chung chung, chỉ tập trung vào quản lý hoạt động kinh doanh homestay. Hoạt động quản lý của BQLDLCĐ mang tính tính hành chính, hình thức, quản lý trật tự an ninh cho địa phương là chính. BQLDLCĐ cũng chưa thực hiện tốt việc kết nối các công ty lữ hành bên ngoài địa phương với các hộ kinh doanh homestay. Trong tương lai, Ban cần phát huy vai trò quản lý hoạt động du lịch, quản lý các doanh nghiệp DLCĐ, cũng như là cầu nối giữa các công ty lữ hành và các hộ kinh doanh homestay tại địa phương. Đặc biệt, khi du lịch ở Tả Van gần như bão hòa, định hướng trở thành “Sa Pa 2” thì yêu cầu đặt ra đối với quản lý hoạt động du lịch càng cao hơn. Từ mô hình quản lý DLCĐ của xã Đình Tổ, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho quản lý DLCĐ của xã Tả Van và xã Tả Phìn như: xác định cơ cấu, thành phần của Ban; chức năng, nhiệm vụ của Ban; và huy động các nguồn thu. Tài liệu tham khảo 1. Báo cáo kinh tình hình hoạt động du lịch huyện Sa Pa, UBND huyện Sa Pa 2013. 2. Báo cáo kinh tế xã hội năm 2014 xã Tả Van, xã Tả Phìn. 3. Quy chế hoạt động DLCĐ xã Tả Van, xã Tả Phìn, UBND huyện Sa Pa, 2014. 4. Nội quy, quy chế hoạt động DLCĐ xã Đình Tổ - huyện Thuận Thành – tỉnh Bắc Ninh, 2012 trích trong: Sổ tay du lịch cộng đồng Việt Nam: Phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường (2013). Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESERT) do Liên minh châu Âu tài trợ và Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF). 5. Tài liệu hướng dẫn phát triển DLCĐ, Quỹ châu Á và Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, 2012. 398
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2