intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vai trò của chuyên viên tâm lý trong can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại hệ thống trung tâm tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ em ATC

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

18
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết đề cập tới vai trò của chuyên viên tâm lý trong can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại Hệ thống Trung tâm tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ em ATC sau 9 năm hình thành và phát triển.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vai trò của chuyên viên tâm lý trong can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại hệ thống trung tâm tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ em ATC

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 VAI TRÒ CỦA CHUYÊN VIÊN TÂM LÝ TRONG CAN THIỆP CHO TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ TẠI HỆ THỐNG TRUNG TÂM TƯ VẤN GIÁO DỤC VÀ TRỊ LIỆU TRẺ EM ATC SYS TRẦN VĂN DƯƠNG Hệ thống Trung tâm ATC Tóm tắt: Can thiệp cho trẻ trẻ rối loạn phổ tự kỷ luôn là vấn đề quan tâm lớn của toàn xã hội. Trong tiến trình can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ thì chuyên viên tâm lý có vai trò quan trọng đảm bảo tiến trình can thiệp được hiệu quả. Bài viết đề cập tới vai trò của chuyên viên tâm lý trong can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại Hệ thống Trung tâm tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ em ATC sau 9 năm hình thành và phát triển. Từ khóa: Can thiệp, chuyên viên tâm lý, rối loạn phổ tự kỷ, trung tâm ATC. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Tự kỷ (tiếng Anh: autism) là một chứng rối loạn phát triển đặc trưng bởi khiếm khuyết về mặt quan hệ nhân sinh, giao tiếp ngôn ngữ, giao tiếp phi ngôn ngữ và hành vi sở thích hạn chế và lặp đi lặp lại. Cha mẹ thường nhận thấy những dấu hiệu của bệnh này trong hai năm đầu đời của con mình[7]. Những dấu hiệu này thường phát triển dần dần, mặc dù một vài trẻ mắc chứng tự kỷ vẫn đạt mốc phát triển với tốc độ bình thường và sau đó giảm dần [9]. Tiêu chuẩn chẩn đoán yêu cầu những triệu chứng trở nên rõ rệt trong thời thơ ấu, thường là trước khi ba tuổi [2]. Can thiệp cho trẻ trẻ rối loạn phổ tự kỷ luôn là vấn đề quan tâm lớn của toàn xã hội. Đội ngũ chuyên gia can thiệp là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ giảm thiếu những khiếm khuyến để có thể hòa nhập được với cộng đồng. Đội ngũ chuyên gia can thiệp thường bao gồm chuyên viên tâm lý, chuyên viên âm ngữ, chuyên viên giáo dục đặc biệt, chuyên viên tâm vận động,… trong đó đội ngũ chuyên viên tâm lý đóng vai trò quan trọng. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày vai trò của chuyên viên tâm lý trong can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở Hệ thống trung tâm tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ em ATC (gọi tắt là Hệ thống trung tâm ATC). 2. VAI TRÒ CỦA CHUYÊN VIÊN TÂM LÝ TRONG CAN THIỆP CHO TRẺ RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ Ở HỆ THỐNG TRUNG TÂM ATC 2.1. Giới thiệu về Hệ thống Trung tâm tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ em ATC Hệ thống trung tâm tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ em ATC chính thức ra đời năm 2009 tại thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống trung tâm ATC là một tổ chức khoa học hoạt động trong lãnh vực nghiên cứu, thực hành tham vấn và trị liệu tâm lý cho trẻ em và gia đình. Đơn vị hoạt động khoa học dưới sự quản lý của Trung ương hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (Vietnam Association of Young Scientists & Engineers) với phương châm “Vì cuộc sống luôn cần những sẻ chia!”. Đây cũng là sự ấp ủ, trăn trở của ban giám đốc và toàn thể chuyên viên tâm lý, để có thể giúp đỡ, chia sẻ và tạo điều kiện để các trẻ gặp khó khăn trong sự phát triển tâm lý nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng có thể hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Hiện nay, Trung tâm ATC đã xây dựng được các cơ sở ATC - Khai Tâm, ATC - Thiện Tâm, ATC - Trí Đức và ATC - Phú Nhuận. Trung tâm ATC tự hào có được đội ngũ chuyên viên có trình độ đại học và sau đại học các chuyên ngành tâm lý học, giáo dục học, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục đặc biệt, âm ngữ trị liệu,… có tâm huyết với nghề. Trung 116
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 tâm ATC nhận được sự hỗ trợ và quan tâm sâu sắc của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tâm lý trị liệu ở trong nước cũng như quốc tế. Qua 09 năm hình thành và phát triển, trung tâm ATC đã ghi nhận được nhiều kết quả rất tự hào: ATC tham vấn tâm lý cho khoảng 3.000 lượt phụ huynh tại trung tâm đồng thời tham vấn qua điện thoại và trực tuyến trên website, facebook. ATC đang tiến hành can thiệp trực tiếp cho gần 200 trẻ tại các cơ sở và hướng dẫn gia đình trẻ can thiệp tại nhà. Trong 09 năm, đội ngũ chuyên viên tâm lý của ATC đã hướng dẫn gần 10 khóa sinh viên thực tập tốt nghiệp chuyên ngành tham vấn và trị liệu tâm lý tại các trường Đại học như: Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn Hiến, Cao đẳng sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh… Năm 2014, ATC nhận được giải thưởng “Thương hiệu tiêu biểu” do Thành hội tư vấn khoa học Công nghệ và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh cùng tổ chức QMS (Australia) và Viện nghiên cứu phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ bình chọn. Năm 2015, ATC nhận được giải thưởng: “Thương hiệu xuất sắc” do AQA (Hoa Kỳ) và Bộ Khoa học và Công Nghệ chứng nhận. Năm 2015, nhận giải thưởng: “Nhân tố điển hình vì sự nghiệp Giáo dục-Đào tạo Việt Nam” do Trung Ương Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Năm 2018, nhận giải thưởng: “Doanh nhân xuất sắc Đất Việt” vì những đóng góp cho cộng đồng. Và hãnh diện nhất, trung tâm đã nhận được sự ủng hộ và tin yêu của đông đảo Quý phụ huynh không những ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở khu vực phía Nam và cả nước [3]. 2.2. Vai trò của chuyên viên tâm lý Chuyên viên tâm lý là người có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý và có khả năng thực hành chuyên nghiệp. Ở Hệ thống Trung tâm ATC, tham vấn tâm lý cho trẻ em và gia đình được tiếp cận theo liệu pháp hệ thống và trị liệu gia đình. Các chuyên viên tâm lý cùng đồng hành với gia đình trong suốt tiến trình can thiệp cho trẻ. Vai trò của chuyên viên tâm lý được thể hiện rõ qua quy trình 6 bước (06 giai đoạn) như sau: Giai đoạn 1: Chuyên viên tâm lý thực hiện tiến trình tham vấn tâm lý cùng gia đình Tại Việt Nam, công tác tham vấn cho phụ huynh hiểu rõ về hội chứng tự kỷ của con mình là hết sức cần thiết. Tỷ lệ phát hiện tự kỷ ở Việt Nam trước 2 tuổi chỉ chiếm khoảng 12%; 19,74% số trẻ được phát hiện là do cô giáo, chứ không phải là bố mẹ ông bà; 56,58% trẻ được phát hiện tự kỷ nhờ dấu hiệu chậm nói (trẻ đã hơn 2 tuổi). Đặc biệt là có tới 60,53% số trẻ được gia đình nhận định là phát triển bình thường trong năm đầu. Đáng quan tâm hơn chỉ có 1/5 số trẻ được bố mẹ có thời gian giao tiếp nhiều hơn 2 giờ mỗi ngày và chỉ có 47,37% số trẻ được đưa đi khám ngay khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường. [5] Các số liệu trên cho thấy kiến thức về tự kỷ, về phát triển tâm lý ở trẻ em ở các phụ huynh ở nước ta còn yếu. Bên cạnh đó là sự chủ quan của phụ huynh ngay cả khi phát hiện. Có nhiều phụ huynh hiểu nhầm biểu hiện của con là rối loạn thần kinh, chậm phát triển trí tuệ. Vì vậy, chuyên viên tâm lý cần cung cấp kiến thức rõ ràng, đầy đủ về hội chứng tự kỷ để phụ huynh hiểu tình trạng của con mình, đây là việc làm đặc biệt quan trọng. Tại trung tâm ATC, khi tham vấn cho phụ huynh, các chuyên viên tâm lý sẽ cùng phụ huynh tìm hiểu những dấu hiệu hành vi của trẻ có thuộc các biểu hiện của hội chứng tự kỷ không. Họ tiến hành sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán và can thiệp sớm một cách bài bản, toàn diện, hợp lý và kiên trì với sự hỗ trợ của bác sĩ tâm thần nhi, chuyên viên tâm lý lâm sàng, chuyên viên chỉnh âm, nhà giáo dục đặc biệt và phụ huynh. Các chuyên viên tâm lý tư vấn cho phụ huynh rõ các phương pháp can thiệp tại ATC như: Phân tích hành vi ứng dụng ABA (Applied Behavior Analysis). ABA được xem là việc sử dụng phương pháp phân tích hành vi 117
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 và dựa trên các kết quả nghiên cứu để thay đổi tích cực các hành vi quan trọng có ý nghĩa xã hội. [11] Tuy trị liệu cho trẻ tự kỷ chỉ là một trong số nhiều lĩnh vực có thể ứng dụng thành công phương pháp này, nhưng thực tế cho thấy đây là phương pháp can thiệp hiệu quả nhất đối với trẻ tự kỷ ở thời điểm hiện tại. Các chuyên viên tâm lý còn sử dụng phương pháp TEACCH (Treatment and Education of Autistic and Related Communication Handicapped Children) để can thiệp cho trẻ tự kỷ mắc những rối loạn, khó khăn trong việc diễn tả và trong quan hệ tiếp xúc với người khác. TEACCH thường được gắn liền với tên tuổi của tác giả Eric Schopler, người điều khiển đầu tiên của chương trình này. Can thiệp cho trẻ tự kỷ thông qua hệ thống giao tiếp bằng trao đổi hình ảnh PECs (Picture Exchange Communication System) - một dạng của hình thức giao tiếp thay thế và thúc đẩy giao tiếp trong đó người ta sử dụng hình ảnh dưới các hình thức khác nhau thay cho ngôn ngữ để giúp trẻ có thể học cách giao tiếp - cũng được các chuyên gia tâm lý sử dụng. PECs đặc biệt hữu hiệu đối với các trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ, tự kỷ hoặc các trẻ em khác có triệu chứng chậm phát triển ngôn ngữ khác. Ngoài ra, trị liệu tâm vận động theo quan điểm của Bernard Aucouturier được sử dụng với mục tiêu giúp trẻ phục hồi chức năng về nhận thức, ngôn ngữ giao tiếp, xây dựng kỹ năng sống để có thể hòa nhập trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Mục tiêu của Phương pháp Tâm Vận Động, theo quan điểm của Bernard Aucouturier, là “Tìm cách nâng đỡ, xúc tác tiến trình phát triển của trẻ em trong đời sống tâm lý và tình cảm, bằng cách dựa vào những vận động cơ thể để tác động, hay sử dụng những năng lực của cơ thể để can thiệp giúp trẻ thay đổi các hành vi rối loạn bằng những hành vi có chủ đích” [8]. Đặc biệt, thông qua việc tiếp xúc, trò chuyện với phụ huynh, các chuyên viên tâm lý của ATC sử dụng những kỹ năng trong tham vấn tâm lý như kỹ năng lắng nghe, đồng cảm, đặt câu hỏi, khơi tiềm năng,… nhằm giúp phụ huynh giải tỏa cảm xúc, vượt qua những khủng hoảng tâm lý khi phải đối mặt với các vấn đề của con trẻ. Trong quá trình hoạt động, trung tâm nhận thấy rằng có mối quan hệ mật thiết giữa đời sống tinh thần của phụ huynh với kết quả phục hồi sau can thiệp của trẻ. Trong một cuộc khảo sát nhỏ của công tác xã hội tỉnh Đà Nẵng, khảo sát 200 phụ huynh trẻ khuyết tật trí tuệ, phát hiện có 54% bố mẹ có các biểu hiện của rối nhiễu tâm trí như đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi kéo dài, lo lắng và không tin tưởng vào khả năng điều trị hồi phục của con em mình, 50% phụ huynh trả lời cảm thấy bế tắc, chán nản, mất niềm vui trong cuộc sống, thậm chí cảm giác ảo thanh. Đối với những em có phụ huynh như vậy, thì kết quả phục hồi rất kém[10]. Chính vì vậy, công tác tham vấn cho phụ huynh để phụ huynh hiểu được tình trạng của trẻ, hiểu về các phương pháp can thiệp sẽ đem lại sự tin tưởng, niềm tin vào khả năng tiến bộ của con; đồng thời sự quan tâm, động viên của chuyên viên cũng giúp phụ huynh giải tỏa lo lắng, áp lực và phát huy được các nguồn lực sẵn có trong gia đình của mình. Giai đoạn 2: Chuyên viên tâm lý và giáo dục viên cùng đánh giá sự phát triển của trẻ Trong các buổi kiểm tra đầu vào, chuyên viên tâm lý cùng với các chuyên gia cùng đánh giá cho trẻ dựa trên các nội dung: vận động tinh, vận động tổng quát, tập trung chú ý, kỹ năng bắt chước, phát triển nhận thức, kỹ năng tự lập, hành vi, ngôn ngữ, xử lý bài tập từ đó đánh giá chung về khả năng phát triển trên các mặt phát triển nhận thức, phát triển cảm xúc và xã hội, phát triển ngôn ngữ và lời nói, phát triển kỹ năng vận động tinh, vận động thô. Các đánh giá này có thể được thực hiện với sự hỗ trợ của các test đánh giá như: Psychoeducational Profile: Third Edition (PEP 3), Vineland Adaptive Behavior Scales, Second Edition (Vineland™-II),… đặc biệt là kinh nghiệm lâm sàng của chuyên viên tâm lý. Cụ thể như sau: - Vận động tinh (fine motor) và phối hợp mắt và tay (Eye-hand intergration): đánh giá khả năng điều khiển bàn tay và các ngón tay. Đây là kỹ năng cơ sở để trẻ phát triển khả năng nghệ thuật của đôi tay và luyện viết chữ đẹp cũng như các hoạt động sinh hoạt lao động trong đời sống. 118
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 - Vận động tổng quát (gross motor): Là kiểm tra sự phát triển và phối hợp của các nhóm cơ lớn của cơ thể trẻ, bao gồm khả năng lăn, bò trườn, xoay cơ thể, đi, chạy, đá chân, ném, vung tay, kéo, đẩy, leo trèo... - Bắt chước (Imitation): Với trẻ em, “bắt chước” là điểm then chốt trong quá trình phát triển của bé, là cách học cơ bản nhất. Tìm hiểu khả năng bắt chước để xây dựng nền tảng phát triển các kỹ năng cơ bản cho trẻ. - Nhận thức (Perception): đó là đánh giá khả năng nhận biết bản thân, khả năng nghe – hiểu, nhận biết sự vật xung quanh của trẻ. - Kỹ năng tự lập (Self-help): Trẻ có thể học cách tự phục vụ bản thân (ăn uống, thay đồ, mặc đồ, cởi đồ, tắm rửa, vệ sinh), dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vật nuôi và các quan hệ cộng đồng như sử dụng tiền, mua hàng, xử lý tình huống khẩn cấp... Đây là kỹ năng giúp trẻ có cơ hội đến trường, học hòa nhập tốt hơn thậm chí có thể khơi mào cho những năng lực “thiên bẩm” (nếu có) của trẻ. - Hành vi (behavior): ở trẻ tự kỷ thường xuất hiện các hành vi mang tính nghi thức, thúc ép: từ chối ăn một loại thức ăn nào đó; hoặc những hành vi có tính rập khuôn, lặp đi lặp lại. - Kỹ năng ngôn ngữ (Verbal performance): Trẻ tự kỷ thường có các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ như không nói lời nào, lặp lại lời nói, đảo ngược câu, nói không đúng ngữ cảnh, không tiếp xúc mắt, gọi không quay lại, không biểu lộ tình cảm, không tự khởi xướng lời nói… Đánh giá ngôn ngữ gồm 2 phần: ngôn ngữ phản ánh và ngôn ngữ tiếp nhận, nhận xét và hướng cách dạy trẻ tiếp nhận ngôn ngữ và diễn đạt ý muốn của bản thân. Sau khi tổng kết những lĩnh vực trên, chuyên viên tâm lý cùng với sự hỗ trợ của chuyên viên giáo dục đưa ra bảng đánh giá chung về năng lực và khả năng của trẻ trên các mặt nhận thức, phát triển cảm xúc và xã hội, phát triển ngôn ngữ và lời nói, phát triển kỹ năng vận động tinh, vận động thô... Sau đó, kết hợp với chuyên viên giáo dục xây dựng chương trình giáo dục cá nhân cho trẻ. Giai đoạn 3: Chuyên viên tâm lý và giáo dục viên thảo chương trình giáo dục cá nhân Chương trình giáo dục cá nhân (Individualized Education Program - IEP) được xây dựng dựa trên cơ sở hiện có và khả năng tiếp thu của trẻ. Kế hoạch bao gồm nhiều hoạt động đa dạng: trị liệu cá nhân, trị liệu âm nhạc, tâm vận động, hoạt động ngoài trời và hoạt động sáng tạo với mục đích phát triển nhận thức, phát triển cảm xúc và xã hội, phát triển ngôn ngữ và lời nói, phát triển kỹ năng vận động tinh, vận động thô… Kế hoạch giáo dục cá nhân thường được sử dụng trong hình thức dạy cá nhân 1 - 1 (một thầy - một trò). Ngoài ra, trẻ cũng cần có sự giao tiếp và tương tác xã hội trong tập thể nhóm. Hình thức can thiệp cho trẻ nên có sự kết hợp hình thức học nhóm với hình thức học tiết cá nhân. Các phương pháp can thiệp được kết hợp một cách linh hoạt trong tiến trình can thiệp cho trẻ và trong suốt quá trình phát triển của trẻ. Ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, có thể sử dụng những phương pháp khác nhau. Kế hoạch được thực hiện ba tháng một lần. Lúc này chuyên viên tâm lý sẽ lượng giá lại để đánh giá những tiến triển, những mặt trẻ đã và chưa làm được để từ đó đưa ra những điều chỉnh cần thiết. Giai đoạn 4: Chuyên viên tâm lý giám sát giáo viên tại trung tâm ATC và tại nhà của trẻ Giám sát là một hoạt động quan trọng luôn được ATC chú trọng trong tiến trình làm việc với trẻ em và gia đình. Ngoài chuyên viên tâm lý làm công tác can thiệp trực tiếp trên trẻ sẽ có một nhóm đội ngũ chuyên viên tâm lý thực hiện công tác giám sát. Các nội dung giám sát được 119
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 thực hiện bao gồm: giám sát chuyên môn, giám sát cách thực tổ chức hoạt động can thiệp. Đội ngũ giám sát là các chuyên viên tâm lý trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên và đặc biệt có kinh nghiệm lâm sàng. Thông qua hoạt động giám sát một mặt công tác can thiệp được tổ chức chặt chẽ đảm bảo sự tiến bộ của trẻ theo mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, trình độ chuyên môn, kỹ năng can thiệp của chuyên viên tâm lý ngày càng thành thạo. Hoạt động giám sát tại ATC còn được hiện theo phương thức trình ca. Các ca lâm sàng sẽ được trình bày trong các buổi báo cáo chuyên đề nhằm tìm ra các giải pháp tốt nhất trong quá trình can thiệp cho trẻ. Thông qua hoạt động trình ca, chuyên viên nhận thức rõ ràng hơn về những nguồn lực giúp trẻ tiến bộ nhất là nguồn lực đến từ sự quyết tâm, nhẫn nại và sự chuyên nghiệp của chính mình. Giai đoạn 5: Chuyên viên tâm lý báo cáo kết quả giáo dục và trị liệu cho gia đình Hoạt động báo cáo kết quả can thiệp được thực hiện đều đặn tại ATC. Các báo cáo có thể được thực hiện bằng văn bản định kỳ như báo cáo kết quả đánh giá ban đầu, báo cáo sau một tháng, ba tháng,… hoặc bằng các video có tính bảo mật cung cấp riêng theo nhu cầu của gia đình. Thông qua báo cáo, gia đình nắm rõ được khả năng hiện tại của trẻ, các nội dung cần phối hợp với trung tâm tại nhà, đồng thời phản hồi về những tiến bộ cũng như những khó khăn của trẻ trong gia đình cũng như tại các môi trường hòa nhập khác. Báo cáo của trẻ cũng có thể được thực hiện chi tiết hằng ngày thông qua sổ nhật ký. Sổ nhật ký giúp cho gia đình biết được tình hình sinh hoạt hằng ngày của trẻ, những tiến bộ dù nhỏ nhất và đặc biệt đón nhận được sự phản hồi kịp thời của gia đình để điều chỉnh kế hoạch can thiệp cho trẻ. Giai đoạn 6: Điều chỉnh kế hoạch giáo dục - trị liệu theo tiến trình phát triển tâm lý trẻ Dựa trên các kết quả quan sát, can thiệp trẻ, chuyên viên tâm lý cùng với giáo viên xây dựng kế hoạch can thiệp cho trẻ nhằm giúp gia đình có những định hướng mới phù hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ trong giai đoạn mới. Nội dung can thiệp tiếp theo được xây dựng dựa trên những điều kiện sẵn có của trẻ trên các mặt: nhận thức, ngôn ngữ, vận động, cảm xúc xã hội…; đồng thời chú ý tới các nguồn lực của gia đình như thời gian mà gia đình dành cho trẻ, các kỹ năng mà gia đình đã có và đặc biệt là sự sẵn sàng đồng hành của gia đình cũng như các nguồn lực khác dành cho trẻ. 3. KẾT LUẬN Như vậy, trong suốt tiến trình can thiệp cho trẻ tự kỷ có thể khẳng định vai trò của chuyên viên tâm lý là rất quan trọng. Các hoạt động tham vấn tâm lý cùng gia đình, đánh giá sự phát triển của trẻ, thảo chương trình giáo dục cá nhân, giám sát báo cáo kết quả giáo dục và trị liệu cho gia đình, điều chỉnh kế hoạch giáo dục - trị liệu theo tiến trình phát triển tâm lý trẻ đều cần đến vai trò của chuyên viên tâm lý. Chuyên viên tâm lý với kiến thức và kỹ năng cùng thái độ của mình có vai trò kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và trung tâm góp phần giúp trẻ có cơ hội được hỗ trợ, phát triển sớm và tốt nhất. Chuyên viên tâm lý được coi là “chất keo” và là “sợi chỉ đỏ” kết nối giữa gia đình và cơ sở can thiệp. Họ không chỉ là người luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của phụ huynh để ghi nhận và đưa ra những giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhất mà còn kịp thời tiếp xúc và tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho các chuyên viên can thiệp; lựa chọn và đưa ra mục tiêu phù hợp với khả năng của từng trẻ làm cơ sở xây dựng kế hoạch can thiệp. Như vậy, có thể khẳng định rằng chuyên viên tâm lý là thành phần không thể thiếu trong suốt tiến trình can thiệp cho trẻ tự kỷ. 120
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] American Psychiatric Association (APA) (2013). Desk Reference to the Diagnostic Criteria from DSM-V. American Psychiatric Publishing. [2] Autism Spectrum Disorder, 299.00 (F84.0) (2013). In: American Psychiatric Association. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, Fifth Edition. American Psychiatric Publishing. [3] Báo cáo thường niên (2018). Quá trình hình thành và phát triển của Hệ thống Trung tâm tư vấn giáo dục và trị liệu trẻ tự kỷ (ATC). [4] Bộ LĐTBXH và Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2018). Tọa đàm “Vấn đề trẻ em tự kỷ ở Việt Nam”. [5] Dương Văn Tâm, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Thống kê tại Khoa Nhi Bệnh viện Châm cứu Trung ương trong thời gian từ 2008-2011. [6] Kỷ yếu hội thảo Quốc tế lần thứ nhất về Giáo dục Trẻ rối loạn phát triển (2017). Đánh giá, can thiệp và xây dựng môi trường giáo dục phù hợp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. [7] Myers SM, Johnson CP (2007). Management of children with autism spectrum disorders. Pediatrics 120 (5): 1162–82. PMID 17967921. [8] Nicole Huart (2003). Phương pháp tâm vận động của Bernard AUCOUTURIER (do Nguyễn Văn Thành chuyển ngữ. [9] Stefanatos GA (2008). Regression in autistic spectrum disorders. Neuropsychol Rev 18 (4): 305–19. PMID 18956241. [10] Trung tâm Cung cấp Dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng (2018). Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Giải pháp xây dựng mô hình sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. [11] www.autismspeaks.org/applied-behavior-analysis-aba. Title: ROLES OF PSYCHOLOGICAL SPECIALISTS IN THE INTERVENTION OF CHILDREN WITH AUTISM SPECTRUM DISORDER IN THE SYSTEM OF THE ATC CHILD EDUCATION AND ATTORNEY CONSULTING SYSTEM Abstract: Interventions for children with autism spectrum disorders are always a matter of great concern to the whole society. In the process of intervention for children with autism spectrum disorders, psychologists play an important role in ensuring that the intervention process is effective. This article discusses the role of psychologists in the intervention of children with autism spectrum disorder in ATC System after nine years of development. Keywords: Intervention, Psychologist, Autism Spectrum Disorder, Autism Treatment Center (ATC) 121
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2