intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Vai trò của lý thuyết trong nghiên cứu nghệ thuật ở Việt Nam

Chia sẻ: Lê Na | Ngày: | Loại File: DOC | Số trang:14

179
lượt xem
18
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này có mục đích tìm hiểu các vấn đề: Lý thuyết và vai trò của lý thuyết trong nghiên cứu khoa học, vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu nghệ thuật ở Việt Nam, đại học với nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển lý thuyết.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Vai trò của lý thuyết trong nghiên cứu nghệ thuật ở Việt Nam

  1. VAI TRÒ CỦA LÝ THUYẾT  TRONG NGHIÊN CỨU NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM Bùi Thị Thanh Mai Ở phương Tây những đúc kết lý giải về nghệ thuật đã xuất hiện từ thời cổ đại,  tích hợp theo thời gian và trở thành hệ thống lý thuyết quan trọng về nghệ thuật.   Ở phương Đông, Lục pháp luận của Trung Hoa hay Sadanga của  Ấn Độ cũng là  những đúc kết quan trọng về nghệ thuật. Cho đến nay, xét về  việc xây dựng và  nghiên cứu lý thuyết, phương Tây đã đạt được những thành tựu xuất sắc. Các  giai đoạn trong lịch sử  nghệ  thuật nhân loại được tổng kết, lý giải, đồng thời   những nhà nghiên cứu không ngừng tìm tòi xây dựng các lý thuyết mới. Sự tiếp  xúc giao lưu với phương Tây thông qua văn hóa Pháp đầu thế kỷ XX đã đưa hệ  thống lý thuyết của phương Tây thâm nhập vào Việt Nam, tác động đến hệ  tư  tưởng, tạo sự  phát triển đột biến trong sáng tác văn học nghệ  thuật và nghiên   cứu học thuật. Lý thuyết đóng vai trò nền tảng cho các công trình nghiên cứu ở  mọi lĩnh vực, nhưng nghiên cứu về lý thuyết và vận dụng lý thuyết trong nghiên   cứu nghệ  thuật vẫn chưa được quan tâm nhiều. Xuất phát từ  thực tiễn nghiên  cứu nghệ  thuật  ở  Việt Nam, bài viết này có mục đích tìm hiểu các vấn đề: lý  thuyết và vai trò của lý thuyết trong nghiên cứu khoa học, vận dụng lý thuyết  trong nghiên cứu nghệ  thuật  ở Việt Nam, đại học với nhiệm vụ nghiên cứu và   phát triển lý thuyết.  Lý thuyết và vai trò của lý thuyết trong nghiên cứu khoa học Trước hết, ta cần xác định khái niệm “lý thuyết” và những thuật ngữ  liên quan   đến “lý thuyết” như “lý luận”, “lý thuyết gia”, “mang tính lý thuyết”… Về xuất   xứ, từ lý thuyết xuất phát từ khái niệm “theoria” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là   nhìn, chiêm niệm, xem, hoặc suy xét. Trong tiếng Anh, từ “lý thuyết” xuất hiện   vào khoảng cuối thế  kỷ XVI. Nội hàm của khái niệm này được bàn luận trong   văn bản của Norris vào năm 1710: “Nghiên cứu kiến thức, chiêm ngưỡng sự thật  của chính nó, đó là cái mà ta gọi là lý thuyết”1. Chúng ta ngày nay theo bản năng  phản ứng lại với từ “sự thật” nhưng rõ ràng Norris đã sử  dụng từ  “sự  thật" để  biểu thị về sự hiểu biết bản chất của đối tượng được ngắm nhìn, được suy xét.   Nói cách khác, đó là toàn bộ công việc tìm kiếm cho sự hiểu biết của con người   về  thế  giới tự  nhiên và xã hội, thưởng ngoạn cách này hay cách khác bản chất   của đối tượng hoặc hiện tượng và tìm cách giải thích bản chất hoặc thuộc tính  của nó. Như  vậy, bất kỳ  sự  truy tìm để  giải thích bản chất của một sự  vật vì   1
  2. bản thân nó, nhằm để biết bản chất là gì, đó chính là lý thuyết. Đây là một trong  những cách nhìn và diễn giải về lý thuyết: sự suy xét một đối tượng được thực   hiện bởi mục đích hiểu biết bản chất của nó. Tiếp theo, một ý nghĩa khác của lý  thuyết có phần phức tạp hơn khi giải thích bởi nó phát triển trong việc xây dựng  các quy tắc tri thức, biểu thị hệ thống ý tưởng để giải thích các sự kiện hay hiện  tượng. Lý thuyết theo nghĩa này bao gồm tập hợp các mệnh đề  hoặc thiết lập   mệnh đề  bằng sự quan sát hay thực nghiệm. Năm 1819, Playfair khi nghiên cứu   về  triết học tự  nhiên đã nhận xét rằng, “lý thuyết thường không là gì nhưng là  phương pháp để thấu hiểu một số sự kiện nhất định dưới một biểu thức” 2. Đó  là khởi điểm của khái niệm và những giải thích bước đầu về lý thuyết. Trải qua  thời gian, lý thuyết được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, do đấy diễn giải   nội hàm ý nghĩa của khái niệm này khá phong phú.  Theo Từ điển Tiếng Việt3 của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên từ “lý  thuyết” là danh từ  với ba cách giải nghĩa như  sau: thứ  nhất, theo nghĩa cũ và ít  dùng “lý thuyết” như  “lý luận”; thứ  hai, lý thuyết là kiến thức về  lý luận (nói   khái quát), trái ngược với thực hành; thứ  ba, lý thuyết là công trình xây dựng có  hệ thống của trí tuệ, có tính chất giả thuyết, tổng hợp nhằm giải thích một loại   hiện tượng nào đó. Liên quan đến khái niệm “lý thuyết” có khái niệm “lý luận”.   Về  mặt từ loại, danh từ “lý luận” được giải nghĩa là hệ  thống những tư tưởng   được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn, có tác dụng chỉ  đạo thực tiễn, những  kiến thức khái quát và hệ  thống tổng quát; động từ  “lý luận” có nghĩa là nói lý  luận, giải thích bằng lý luận (hàm ý chê). Còn Từ  điển và Danh từ  Triết học 4  của Trần Văn Hiến Minh xuất bản năm 1966 thì định nghĩa: lý luận là “Nghị  luận căn cứ vào lý trí, vào thuyết lý”; lý luận gia là “nhà chuyên môn về luận lý  học”; lý thuyết là “Học để biết, chứ không để áp dụng vào hành động, gọi là cái  học lý thuyết; và lý thuyết học “Theo kiểu phân loại của Aristote, toán, vật lý và   thần học, đều là lý thuyết học (đối lập với thực tế học và thi phú học), trong đó   con người triệt để  sử  dụng trí khôn của mình”. Trong tiếng Anh, từ  “theory”   được dịch sang tiếng Việt là lý thuyết. Theo từ điển WordWeb 5 danh từ “theory”  có 3 nghĩa: 1. Một lời giải thích đã được chứng minh về  khía cạnh nào đó của  thế  giới tự  nhiên; một hệ  thống tổ  chức kiến thức được áp dụng trong nhiều   hoàn cảnh để  giải thích hiện tượng; 2. Một cái nhìn sâu sắc vào thế  giới tự  nhiên, một khái niệm chưa được xác nhận nhưng nếu đúng sẽ  giải thích các sự  kiện nhất định hoặc các hiện tượng; 3. Một niềm tin có thể hướng dẫn hành vi.  Liên quan đến thuật ngữ “theory” có các thuật ngữ “theoretician” và “theorist” có  nghĩa là nhà lý thuyết hay lý thuyết gia, động từ  “theorise” hay “theorize” là tạo   ra lý thuyết, người xây dựng, hình thành nên lý thuyết hay người chuyên về  lý   thuyết của một bộ  môn cụ  thể. Ngoài ra, theorize còn có nghĩa là nói lý luận.  Tính từ  “theoritical” hay “theoritic” có nghĩa là mang tính lý thuyết. Từ  điển  2
  3. Oxford Wordfinder6 có hai cách giải nghĩa về khái niệm “lý thuyết”: 1. hệ thống   các ý tưởng giải thích sự  vật; 2. học thuyết (doctrine). Còn Từ  điển Larousse7  định nghĩa lý thuyết là tập hợp các định lý và định luật được sắp xếp một cách   hệ thống, được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Đại từ điển Anh­Hoa 8 của Trịnh  Dị Lý chuyển ngữ thuật ngữ “theory” trong tiếng Anh thành lý luận, học lý, luận  thuyết, học thuyết. Nhận xét về  việc sử  dụng khái niệm “lý thuyết” trong bối   cảnh Việt Nam, tác giả Vũ Cao Đàm cho rằng: “Căn cứ  vào thực tế nghiên cứu  ở nước ta, có thể hiểu khái niệm lý thuyết như theory trong tiếng Anh hiện đại  và có ý nghĩa nằm giữa hai khái niệm lý luận và học thuyết trong tiếng Hán hiện  đại”9. Nhìn chung, tuy cách giải thích có khác nhau song lý thuyết được hiểu là  hệ  thống kiến thức, tri thức khoa học, các khái niệm, phạm trù và quy luật về  bản chất sự vật và mối liên hệ cơ bản giữa các sự vật trong thế giới hiện thực. Lý thuyết là nền tảng cho các công trình nghiên cứu  ở  mọi lĩnh vực. Bởi lẽ, lý  thuyết là kinh nghiệm, kiến thức, tri thức, trí tuệ  của các thế  hệ  tích lũy lại,   cung cấp cho người nghiên cứu cơ  sở  kiến thức để  lập luận và kiến giải các  vấn đề nghiên cứu. Bất kỳ một bộ môn khoa học nào nếu đã gọi là khoa học bao   giờ cũng có một hệ thống lý thuyết. Mỗi lý thuyết đóng góp một cách nhìn và giá  trị  riêng. Những người nghiên cứu lý thuyết có thể  ví như  những nghệ  sĩ phiêu  lưu khai phá những vùng đất tri thức mới và lịch sử  nghiên cứu khoa học cho   thấy, khi một lý thuyết mới xuất hiện thường kèm theo nó là sự  ra đời những   khái niệm, thuật ngữ mới. Đó là sự  tất yếu của quá trình phát triển hệ  thống lý  thuyết.  Khi ta bắt đầu đặt câu hỏi tại sao và đi tìm câu trả  lời về  một vấn đề  nào đấy  chính là bắt đầu công việc nghiên cứu. Để thực hiện nghiên cứu khoa học, công  việc đầu tiên mỗi nhà nghiên cứu cần phải tiến hành đó là thao tác xác định khái   niệm, lý thuyết; xây dựng hoặc vận dụng các cơ  sở  lý luận, tức luận cứ  lý  thuyết cho nghiên cứu của mình. Như  Jean François Lyotard trong quá trình tìm  hiểu và lý giải những biến đổi của xã hội tạo nên một tâm thức mới về phương   diện triết học sau chiến tranh thế giới thứ hai bộc lộ rõ qua các loại hình nghệ  thuật cùng với sự phê bình nghệ thuật và mỹ học đã soạn cuốn “Hoàn cảnh hậu  hiện đại”10. Việc đưa ra khái niệm “hậu hiện đại” cùng những luận bàn kiến   giải của Jean François Lyotard đã khiến tên tuổi ông lừng danh trong các cuộc   nghị  luận triết học về  hậu hiện đại. Công trình mô tả  sự  chuyển biến từ  hiện  đại sang hậu hiện đại, lý giải và cắt nghĩa về  sự  xuất hiện cũng như đặc điểm  của hoàn cảnh hậu hiện đại. Tiếp theo, năm 1982 Jean François Lyotard khi tìm  kiếm “Trả  lời câu hỏi: Hậu­hiện đại” đã nghiên cứu xác định khái niệm hậu   hiện đại. Theo Bùi Văn Nam Sơn, “Bài viết này đặc biệt lý thú: Lyotard chính   thức trả lời những sự phê phán và ngộ nhận đối với “hậu­hiện đại” như  là trào  3
  4. lưu phản­hiện đại và tân bảo thủ, đồng thời giãi bày rõ ba bước “trưởng thành”  của tâm thức hậu­hiện đại: từ quan niệm mới về nghệ thuật và mỹ học tiến lên  triết học hậu­hiện đại.”11 Trong lĩnh vực nghệ thuật, lý thuyết chính là hệ thống kiến thức được khái quát  từ  thực tiễn sáng tác nghệ  thuật. Trước hết, lý thuyết là những nghiên cứu về  nghệ thuật, đúc kết thành các vấn đề lý thuyết mang tính phổ quát. Tiếp theo, lý  thuyết nghệ thuật là những nghiên cứu vận dụng các lý thuyết để xem xét nghệ  thuật dựa trên giả thuyết được xây dựng trên cơ sở của lý thuyết đó và tập trung  vào vấn đề  mà người nghiên cứu cho là quan trọng.  Ở  trường hợp thứ  nhất,   chẳng hạn như Charlotte Cotton khi viết cuốn “The photograph as contemporary   art”12 (Ảnh chụp với tư  cách là nghệ  thuật đương đại) đã phân loại nhiếp  ảnh   thành nhiều dạng khác nhau như nhiếp ảnh tư liệu; nhiếp ảnh kể chuyện; nhiếp   ảnh vô cảm; nhiếp ảnh đồ vật; nhiếp ảnh về cuộc sống riêng tư; nhiếp ảnh về  khoảnh khắc lịch sử; nhiếp ảnh phục chế và cải biến lại. Chương cuối xem xét  lý do tại sao rất nhiều nghệ sĩ trong thời đại kỹ thuật số vượt qua các ranh giới   định nghĩa về nhiếp ảnh truyền thống, sử dụng công nghệ để đạt được các hiệu  quả  thị  giác khác nhau. Cuốn sách của Charlotte Cotton không chỉ  là một giới  thiệu tuyệt vời về thế giới của nhiếp  ảnh đương đại mà những vấn đề  nghiên   cứu được thiết lập trong mỗi chương trở  thành cơ  sở  để  hiểu được các xu  hướng sáng tác chính của nhiếp  ảnh đương đại.  Ở  trường hợp thứ  hai, chẳng   hạn công trình “What is Contemporary art?” 13 (Nghệ thuật đương đại là gì?) của  sử gia và nhà lý luận nghệ thuật Terry Smith. Trong đó, ông đã lý giải thuật ngữ  “Contemporary Art” và vị trí của nó trong lịch sử nghệ thuật. Cuốn sách bao gồm   sáu phần14: 1, Viện Bảo tàng: Hiện đại/ Đương đại; 2, Quang cảnh: Kiến trúc/  Điêu khắc; 3, Thị trường: Toàn cầu/ Địa phương; 4, Ngược dòng: Nam/ Bắc; 5,  Tính đương đại: Thời gian/ Địa điểm; 6, Một giả  thuyết lịch sử  nghệ  thuật.   Trước   khi   kiến   giải   các   vấn   đề,   Terry   Smith   đã   dẫn   luận   về   khái   niệm   “Contemporary Art” (Nghệ thuật đương đại). Tuy có thể  có những ý kiến khác  nhau xung quanh công trình này, song trong ngữ cảnh bàn về xây dựng lý thuyết  và vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu nghệ thuật, ta có thể thấy phương pháp  nghiên cứu của Terry Smith như  sau: xây dựng khái niệm, sau đó kiến giải các   giả thuyết khoa học trên cơ sở của lý thuyết đã được xây dựng. Như  vậy, vai trò của lý thuyết trong nghiên cứu khoa học là cung cấp các khái  niệm, khung lý thuyết để kiến giải câu hỏi nghiên cứu, tường minh các vấn đề  nghiên cứu. Lý thuyết được sử  dụng để  làm chỗ  dựa, là bệ  đỡ  để  chứng minh  các giả  thuyết khoa học. Trong nghiên cứu nghệ  thuật, có thể  ví việc sử  dụng  hệ  thống lý thuyết như  việc sử  dụng những  ống kính khác nhau để  diễn giải  vấn đề, hiện tượng trong trường của lý thuyết đó.  4
  5. Vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu nghệ thuật ở Việt Nam Xét về  mặt lịch sử, từ  cuối thế  kỷ  XIX đầu thế  kỷ  XX khoa nghiên cứu mỹ  thuật xuất hiện ở Việt Nam cùng với sự tiếp xúc văn hóa phương Tây thông qua  văn hóa Pháp. Viện Viễn Đông Bác cổ  (École française d’Extreme­Orient, viết  tắt là EFEO) thành lập năm 1900 và năm 1902 trụ sở  của EFEO được đặt ở  Hà  Nội với nhiệm vụ  khai quật khảo cổ, sưu tầm các bản thảo viết tay, bảo tồn   các công trình, nghiên cứu về dân tộc học, ngôn ngữ và lịch sử các nước châu Á.  Trên cơ sở ấy, bắt đầu xuất hiện những nghiên cứu chuyên ngành ở các lĩnh vực   như khảo cổ học, sử học, ngôn ngữ, tôn giáo, mỹ thuật. Giai đoạn này cũng đánh  dấu bước đầu nghiên cứu học thuật, sự ra đời và mở rộng các trường đại học ở  Việt Nam. Các học giả  người Pháp là những người đầu tiên sử  dụng phương   pháp nghiên cứu khoa học phương Tây để  nghiên cứu về  nghệ  thuật truyền   thống   ở   Đông   Dương   như   Gustave   Dumoutier,   L.   Cadiere,   Henri   Parmentier,   Victor Golubev, Louise Bezacier...  Từ  những năm 1880, Gustave Dumoutier (1850­1904), thành viên tương lai của  Ủy ban cổ  vật, đã đóng vai trò chủ  chốt trong việc công nhận các di tích  ở  Hà  Nội. Được giao nhiệm vụ chuẩn bị kiểm kê và mô tả  các di tích lịch sử   ở  Bắc   Kỳ, Gustave Dumoutier mở  đầu bằng việc nghiên cứu các ngôi chùa  ở  Hà Nội.  Năm 1887, ông công bố  nghiên cứu của mình trong công trình “Les Pagodes de  Hanoi” (Các chùa Hà Nội). Năm 1891, Gustave Dumoutier tiếp tục công bố cuốn  “Les Symboles, Les Emblèmes et les Accessoire du culture chez les Annamites”  (Những biểu tượng, hình tượng và đồ thờ văn hóa của người An Nam). Ngoài ra,   ông còn nhiều công trình khảo cứu khác về  ngôn ngữ  văn học Việt Nam. L.   Cadiere (1869­1955) vừa truyền đạo vừa đi sâu nghiên cứu văn hóa Việt Nam  trên các lĩnh vực ngôn ngữ học, sử học, dân tộc học, tôn giáo và mỹ thuật… Từ  năm 1901, L. Cadiere đã công bố  những nghiên cứu khoa học trên tạp chí của  trường Viễn Đông Bác cổ  Pháp (Bulletin de l’École française d’Extrême­Orient).   Công trình nghiên cứu mỹ  thuật quan trọng của L. Cardiere “L’Art à Hue” (Mỹ  thuật Huế) là  ấn phẩm đặc biệt có vị  trí quan trọng trong thư  mục nghiên cứu   mỹ  thuật Huế, nằm trong tập VI,  ấn bản năm 1919 của tập san “Bulletin des  Amis du Vieux Hue” (Những người bạn cố  đô Huế). Henri Parmentier (1871­ 1949), chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Chăm pa cổ là người đã đưa ra qui ước  phân chia và phân loại đền tháp Mỹ Sơn, đặt nền tảng cho việc nghiên cứu mỹ  thuật Chăm pa. Victor Golubev (1878­1945), nhà khoa học Pháp gốc Nga là nhà  Đông phương học nổi tiếng có nhiều đóng góp vào việc nghiên cứu văn hóa  phương Đông và văn hóa Việt Nam. Năm 1925, ông nghiên cứu và công bố  bài  viết về chạm khắc bãi đá cổ Sapa trên tạp chí EFEO (École française d’Extrême­ Orient) “Roches gravees dans la region de chap” (Tonkim). Loius Bezacier, học   5
  6. giả  người Pháp đã xuất bản những nghiên cứu về  nghệ  thuật Việt Nam như  “L’architecture religieuse au Tonkim” (Kiến trúc tôn giáo  ở  Bắc Bộ), Cahiers de  I’EFEO   14,   p.19­25   (1938),   “Les   sépultures   royales   de   la   dynastie   des   Lê  postérieurs” (Lăng mộ  hoàng gia thời Hậu Lê), BEFEO 44/1, p. 21­42 (1951),  “L’Art Vietnamien” (Nghệ thuật Việt Nam), Paris, éd, de l’Union française, 236 p  (1955), “Les bas­reliefs du temples Ninh Phuc à But Thap, Nord Vietnam (Các phù  điêu  ở  chùa Ninh Phúc, Bút Tháp, Bắc Việt Nam), Arts asiatiques 11/1, p. 3­72  (1965)… Các phương pháp điền dã, thu thập thông tin, quan sát, phân tích tài   liệu, phân loại, thống kê, điều tra, phân tích di tích và hiện vật… đã truyền vào   Việt Nam qua những nghiên cứu khoa học của các học giả  người Pháp. Song,   khoa chuyên đào tạo về lịch sử, lý luận và phê bình mỹ thuật thì thành lập muộn   hơn rất nhiều. Trường Mỹ  thuật Đông Dương được thành lập năm 1925, tuy  nhiên mục tiêu của nhà trường khi ấy chỉ chú trọng đào tạo họa sĩ, điêu khắc gia   và kiến trúc sư chứ chưa chú ý đến đào tạo người làm công tác nghiên cứu mỹ  thuật. Khoảng từ  năm 1930, nghiên cứu, phê bình mỹ  thuật bắt đầu được tiến  hành bởi một số  nhà văn hoặc do một số  họa sĩ thực hiện. Những tác giả  như  Nguyễn Đỗ  Cung, Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Tô Tử  (Tô Ngọc Vân),  Nhất Linh, Nguyễn Văn Tỵ, Sĩ Ngọc… là những người tự  học, tự  đào tạo về  nghiên cứu, phê bình mỹ thuật. Đến năm 1962, Viện Mỹ thuật ­ Mỹ nghệ ra đời  với nhiệm vụ chuyên trách công tác nghiên cứu mỹ  thuật Việt Nam. Hoạt động  của Viện tập trung vào việc xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật và đến năm 1968, tập  san mỹ thuật đầu tiên về nghiên cứu lý luận phê bình ra đời. Năm 1978, khoa Lý  luận và lịch sử  mỹ  thuật được thành lập. Đến lúc  ấy chúng ta mới có đầy đủ  một bộ  khung, cơ  cấu về  đào tạo và nghiên cứu mỹ  thuật bao gồm: khoa Lý   luận và lịch sử mỹ thuật có chức năng đào tạo người làm công tác lý luận, lịch   sử, phê bình mỹ thuật và Viện Mỹ thuật có chức năng nghiên cứu mỹ thuật.  Những năm 1930 đến 1945, hệ thống lý thuyết văn học nghệ thuật của phương   Tây chủ  yếu là của Pháp được giới thiệu, vận dụng  ở  Việt Nam. Sự kiện này  mở ra tư duy lý thuyết ở một nền văn học nghệ thuật vốn không có thành tựu và   truyền thống về  lý thuyết. Do hoàn cảnh lịch sử, giai đoạn 1945 đến 1975 văn  học nghệ  thuật miền Nam tiếp cận với chủ nghĩa hiện đại phương Tây. Trong   khi đó, học thuyết macxit được giới thiệu và chiếm vị  trí độc tôn trong nghiên   cứu văn học nghệ  thuật  ở  miền Bắc. Sau khi đất nước thống nhất, lý thuyết  nghệ thuật hiện thực xã hội chủ  nghĩa chiếm vị trí quan trọng trong nghiên cứu  và sáng tác văn học nghệ thuật ở cả hai miền. Nhận xét về nghiên cứu lý thuyết  văn học nghệ thuật  ở Việt Nam khi  ấy, PGS. TS Phan Trọng Th ưởng cho r ằng:   “Nhưng chính trong thời kỳ  này, do sự  độc tôn của lý thuyết nghệ  thuật hiện   thực xã hội chủ  nghĩa, các lý thuyết ngoài hệ  thống, trong đó bao gồm cả  Âu ­  Mỹ hiện đại đã không có được chỗ đứng cần thiết trong đời sống tư tưởng học   6
  7. thuật của Việt Nam cũng như một số nước khác trong khu vực. Trong một thời   kỳ dài, Việt Nam tiếp xúc với các hệ thống lý thuyết phương Tây với thái độ kỳ  thị và quan điểm phiến diện.”15 Công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đã mở  ra cơ hội giao lưu, hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực. Sáng tác nghệ thuật đã có  những biến chuyển quan trọng, nghệ thuật tạo hình vượt ra ngoài ranh giới giữa  các   loại   hình,   loại   thể,   xuất   hiện   những   nghệ   thuật   như   Performance,   Installation, Video Art, Sound Art, Multimedia Art… Thực tế đó đặt ra yêu cầu  về nghiên cứu lý thuyết nghệ thuật phương Tây để có thể lý giải các vấn đề đặt   ra trong sáng tác và nghiên cứu nghệ thuật ở Việt Nam. Về phương diện nay, có  thể thấy lý luận phê bình văn học đi đầu trong việc nhận thức và vận dụng các   lý thuyết phương Tây hiện đại để  nghiên cứu các hiện tượng văn học.  Ở  lĩnh   vực mỹ  thuật, tuy đã có một số  ít tác giả  bước đầu đã vận dụng các lý thuyết  phương Tây trong nghiên cứu phê bình nghệ  thuật hiện đại và đương đại Việt  Nam, nhưng chúng ta vẫn chưa có nhiều những nghiên cứu chuyên sâu về  lý  thuyết cũng như  sử  dụng lý thuyết làm cơ  sở  lý luận cho các công trình nghiên   cứu khoa học về nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Dù các đề  tài nghiên cứu khoa   học, luận văn, luận án về  nghệ  thuật tạo hình đều trình bày theo các qui định  của một đề  tài nghiên cứu khoa học, song thực tế  cho thấy đa phần mục tình  hình nghiên cứu đề tài thiên về  giới thiệu tổng quan tình hình nghiên cứu đề  tài  ở  trong nước, rất ít công trình diễn giải về  tình hình nghiên cứu ngoài nước.  Điều này phản ánh trình độ  ngoại ngữ  trong tiếp nhận, hệ thống các công trình  liên quan đến đề tài ở ngoài nước. Từ đó dẫn đến, phần viết cơ sở lý luận, trình  bày khái niệm, các lý thuyết vận dụng trong đề tài chưa có tính thuyết phục cao.   Nếu hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng khung lý thuyết trong chứng  minh các giả  thuyết khoa học hay nói cách khác là xây dựng luận cứ  lý thuyết   làm chỗ  dựa cho công trình nghiên cứu, ta sẽ  thấy việc thiếu hụt kiến thức lý  thuyết sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng nghiên cứu khoa học.  Tình trạng thiếu tư liệu, đặc biệt là các tư liệu lý thuyết  là những khó khăn đối  với  các nhà nghiên cứu,  giảng viên và sinh viên nghệ  thuật. Sách dịch chưa  nhiều, sách viết bằng tiếng Anh, Pháp hay Đức thì trình độ ngoại ngữ của nhiều   nhà nghiên cứu không đủ để tiếp cận và tra cứu văn bản gốc. Một cản trở không  nhỏ cho việc phổ biến giới thiệu các lý thuyết kinh điển của phương Tây ở Việt  Nam là do công việc dịch thuật chưa phát triển và mang tính hệ  thống. Trường  hợp những lý thuyết đã được giới thiệu ở Việt Nam, thì việc vận dụng lý thuyết  trong nghiên cứu nghệ  thuật vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Chẳng hạn, những   quy chuẩn phê bình, phép tắc, những hướng đi chính của phê bình mỹ thuật trên   thế giới đã được Nguyễn Phúc trình bày trong công trình “Lược sử phê bình mỹ  thuật  ở  các nước phương Tây”16 từ  cuối những năm tám mươi. Tuy nhiên, cho  đến những năm 1990, phê bình lý luận và nghiên cứu học thuật về mỹ thuật nói  7
  8. chung vẫn  ít  tính lý  thuyết, mang  đậm màu sắc  riêng của  Việt Nam. Ngoài  nguyên nhân khách quan, còn phải kể  đến những nguyên nhân chủ  quan. Năm  1995, Thái Bá Vân trong “Tiếp xúc với nghệ  thuật” 17 đã giới thiệu về  mô hình  nghiên cứu và giảng dạy sử  mỹ  thuật  ở  phương Tây. Theo ông, sử  học nghệ  thuật có quy phạm, có trật tự, và sự xoay vần độc lập trong chính nó, có nghĩa nó  là một hệ thống. Từ luận điểm này, ông đã phân tích và nhận xét về những điều  nằm ngoài hệ  thống của khoa Lý luận và lịch sử  mỹ  thuật. Đó là, chương trình  giảng dạy thiếu một giáo trình rất căn bản: Sử  học của lịch sử  mỹ  thuật. Bên  cạnh đó, Thái Bá Vân cũng nêu nhận xét về  sự  xa rời sử  sách và thời sự  nước   ngoài dẫn đến chỗ thiếu hụt học vấn, không theo kịp được thế giới trong nghiên  cứu mỹ thuật. Điều đó cho thấy, trước hết mỗi cá nhân cần nhận thức được nhu  cầu của tư  duy lý thuyết và vai trò quan trọng của lý thuyết.  Ở  đây cũng cần   thấy rằng, việc nghiên cứu và vận dụng lý thuyết đòi hỏi trình độ ngoại ngữ để  có thể  tra cứu các từ  điển, sách công cụ, sách chuyên khảo, tài liệu bằng các   tiếng  Anh,  Pháp,  Đức,   Nga,  Trung...  Sở   dĩ,  Nguyễn  Phúc,  Thái  Bá  Vân,  hay  Nguyễn Quân và một số nhà nghiên cứu khác có thể luận bàn về lý thuyết, hoặc  vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu vì các tác giả  đều có ngoại ngữ  để  có thể  đọc trực tiếp văn bản viết về lý thuyết nghệ thuật của thế giới.  Đại học với nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển lý thuyết Sáng tác nghệ thuật tạo hình ở Việt Nam đã có những biến chuyển thay đổi về  thẩm mỹ, về  hình thức chất liệu, về  quan niệm và thưởng thức nghệ  thuật.  Trong bối cảnh toàn cầu hóa, những thay đổi và phát triển nghệ thuật là xu thế  tất   yếu   để   hội   nhập   với   thế   giới.   Không   thể   bàn   về   vấn   đề   nữ   quyền   (Feminism) trong sáng tác nghệ  thuật của các nghệ  sĩ Việt Nam khi nhà nghiên  cứu không biết gì về lịch sử và những luận điểm căn bản của Lý luận nữ quyền,  hay các tác giả  sáng tác tiêu biểu về  nữ  quyền. Không thể  bàn về  vấn đề  Chủ  nghĩa hậu thực dân (Postcolonialism) trong nghệ thuật khi nhà nghiên cứu không  nắm rõ khái niệm hay những lý thuyết cơ  bản về  Chủ  nghĩa hậu thực dân.   Không thể bàn về nghệ thuật đương đại Việt Nam khi nhà nghiên cứu còn chưa   hiểu rõ khái niệm và lý thuyết nghệ thuật đương đại (Contemporary Art)… Để  thúc đẩy nghiên cứu khoa học và góp phần vào sự  phát triển chung của văn hóa   nghệ  thuật Việt Nam, việc nghiên cứu hệ  thống lý thuyết nghệ  thuật phương  Tây là điều cần sớm thực hiện. Đại học với nhiệm vụ  đào tạo và cung cấp tri  thức cho xã hội có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, phát triển lý thuyết   và vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu học thuật ở Việt Nam.  Năm 2010, nhân kỷ niệm sự kiện trọng đại có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực  giáo dục đại học: Đại học Humboldt tròn hai trăm năm tuổi Nhà xuất bản Tri   Thức đã xuất bản cuốn  Festschift­Kỷ  yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810­ 8
  9. 2010)  Kinh nghiệm thế  giới và  Việt Nam18. Công trình tập hợp  bài viết của  những nhà khoa học Việt Nam và thế  giới về  giáo dục đại học, bao gồm sáu  phần với các nội dung: giới thiệu tổng quát về  nguồn gốc đại học, những kinh   nghiệm giáo dục đại học của Humboldt, giáo dục đại học Hoa Kỳ, Canada,  Australia, Nhật Bản, Trung Quốc… Bài viết của một số  tác giả  như  Nguyễn  Xuân Xanh, Trương Văn Tân chỉ  ra tình trạng giáo dục đại học và nghiên cứu   khoa học của Việt Nam lạc hậu rất nhiều so với khu vực và thế  giới, và một   trong nhiều nguyên nhân tạo nên sự yếu kém của giáo dục Việt Nam, đó là sự trì  trệ  trong nghiên cứu khoa học. Khi người thầy trong vòng mười hay hai mươi  năm vẫn giảng đi giảng lại một bài giảng tất yếu sẽ dẫn đến sự  lạc hậu trong   giáo dục. Theo TS. Nguyễn Xuân Xanh, “Giáo dục đại học Việt Nam cho đến   nay là giáo dục có lẽ  chưa có nền tảng triết lý, ý thức lịch sử  sâu xa, và còn xa   với sứ mạng và những giá trị nhân văn, khai minh mà đại học đem lại cho xã hội  trong công cuộc phát triển đất nước.”, và “Nghiên cứu, học thuật chưa phải là  đầu   tàu   của   đại   học.”19  Trong   khi   đó,   từ   cách   đây   hai   trăm   năm   Đại   học  Humboldt ở Đức nơi được coi là nguồn gốc của đại học, bà mẹ của các trường   đại học hiện đại đã là một môi trường nghiên cứu và giảng dạy để truy tìm khoa   học thuần túy. Công trình nghiên cứu nói trên cho thấy, một trong những mục   tiêu quan trọng của đại học là mối quan tâm học thuật, nghiên cứu khoa học với  mong muốn đạt đến nhận thức và tri thức. Như  Hiến chương Đại học Brock20  của Canada năm 1964, đã khẳng định: Đối tượng và mục đích của Đại học là sự  phát triển học thuật, truyền bá tri thức, sự phát triển tri thức, xã hội, đạo đức và  vật chất của các thành viên của nó và sự cải thiện xã hội. Hiện nay, sách giới thiệu lý thuyết, nghiên cứu lý thuyết nghệ thuật bằng tiếng  Anh   có   khá   nhiều.   Những   công   trình   như   “Art   in   Theory   1648­1815:   An  Anthology of Changing Ideas”21  (Lý thuyết nghệ  thuật 1648­1815: Hợp tuyển  những ý tưởng về  sự  thay  đổi), “Art in Theory 1815­1900: An Anthology of  Changing Ideas”22 (Lý thuyết nghệ  thuật 1815­1900: Hợp tuyển những ý tưởng   về  sự  thay đổi), “Art in Theory 1900­1990: An Anthology of Changing Ideas” 23  (Lý thuyết nghệ  thuật 1900­1990: Hợp tuyển những ý tưởng về  sự  thay đổi),  “Art in Theory 1900­2000: An Anthology of Changing Ideas” 24  (Lý thuyết nghệ  thuật 1900­2000: Hợp tuyển những ý tưởng về  sự  thay đổi)… là những tuyển   tập hàng đầu các văn bản lý thuyết nghệ  thuật trong cộng đồng sử  dụng tiếng   Anh, cung cấp các lý thuyết cơ  bản, các bài phê bình cần thiết cho bất kỳ  thư  viện trường đại học hay các cá nhân nghiên cứu về  văn học nghệ  thuật. Cuốn   “Art in Theory 1648­1815” trình bày nghiên cứu toàn diện và hệ  thống các tài   liệu lý thuyết nghệ thuật kể từ khi Viện Hàn lâm Pháp được thành lập cho đến   kết thúc chiến tranh Napoleon25. Cuốn “Art in Theory 1900­2000” tuyển tập các  bài viết, văn bản của các triết gia, nhà phê bình, chính trị  gia, nhà văn về  lý  9
  10. thuyết và nghệ  thuật thế  kỷ XX. Trong đó, nêu bật những đóng góp quan trọng  của lý thuyết nghệ thuật, các kết quả nghiên cứu mới kể từ 1900, đồng thời bổ  sung các vấn đề về lý thuyết nghệ thuật giai đoạn 1648­1815 và lý thuyết nghệ  thuật giai đoạn 1815­1900, tổng hợp đầy đủ  các lý thuyết cơ  bản cho sự  phát  triển   nghệ   thuật   trong   thời   kỳ   hiện   đại.   Cũng   cần   kể   đến   công   trình   “Art   Theory: An Historical Introduction”26 (Lý thuyết nghệ thuật: Một đề dẫn lịch sử)  của Robert Williams xuất bản năm 2004 trình bày lịch sử chung của lý thuyết từ  thời cổ đại đến hậu hiện đại. Cuốn sách không chỉ cung cấp lịch sử về lý thuyết   mỹ học mà còn là nghiên cứu điều tra về các nghệ sĩ, nhà phê bình, sử gia đã áp  dụng lý thuyết để định hình lại ý nghĩa của nghệ thuật theo cách riêng. Bên cạnh  đó, còn nhiều công trình lý thuyết nghệ thuật quan trọng khác như: “Theories of   Modern Art: A Source Book by Artists and Critics” 27  (Các lý thuyết nghệ  thuật  hiện đại: một cuốn sách được thực hiện bởi nghệ sĩ và nhà phê bình); “Theories   and Documents of Contemporary Art: A Source Book of Artists’ Writing” 28 (Các lý  thuyết và tư  liệu về  nghệ  thuật đương đại: Một cuốn sách về  các văn bản của  nghệ  sĩ); “Theory of Art: From Winckelmann to Baudelaire” 29  (Lý thuyết nghệ  thuật: Từ Winckelmann đến Baudelaire); “Methods and Theories of Art History” 30  (Các phương pháp và lý thuyết về  lịch sử nghệ thuật); “The End of Art Theory:   Criticism   and  Post­Modernity   (Communication   and   Culture)”31  (Sự   kết   thúc   lý  thuyết  nghệ   thuật:  Phê  bình  và  Hậu­Hiện  đại;  Truyền  thông và  Văn  hóa)…  Ngoài ra, còn rất nhiều các sách trình bày về lý thuyết và thực hành các loại hình  nghệ thuật đương đại như: “Video Art”32 (Nghệ thuật Video), “Performance Art:  From Futurism to the Present”33 (Nghệ thuật trình diễn: Từ Vị lai đến ngày nay),  “Internet Art”34 (Nghệ thuật Internet), “Digital Art”35 (Nghệ thuật kỹ thuật số)…  Bản chất của ngôi trường đại học phải là môi trường kích thích sự  nghiên cứu   và sáng tạo.  Đại học, do đấy, có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu lý  thuyết, nghiên cứu lý thuyết, và vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu học thuật.   Các trường nghệ  thuật bậc đại học nói chung và Đại học Mỹ  thuật Việt Nam   nói riêng cần có chiến lược cho các giai đoạn phát triển với mục tiêu về  xây  dựng giáo trình, nghiên cứu khoa học, hệ thống tài liệu tham khảo, đặc biệt cần   chú ý giới thiệu các lý thuyết và trang bị phương pháp nghiên cứu khoa học cho  sinh viên. Mỗi giảng viên phải là người nắm chắc các lý thuyết và biết vận  dụng lý thuyết trong nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam. Với vai trò là ngôi trường  hàng đầu về  mỹ  thuật  ở  Việt Nam, trường Đại học Mỹ  thuật Việt Nam có sứ  mạng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nghiên cứu học thuật. Trong   đó, khoa Lý luận và lịch sử  mỹ  thuật giữ  vai trò quan trọng vì đây là khoa có  chức năng trang bị  kiến thức lịch sử  và lý luận nghệ  thuật cho sinh viên toàn  trường, đồng thời có nhiệm vụ đào tạo, xây dựng đội ngũ nghiên cứu mỹ thuật,   góp phần vào sự phát triển chung của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.  10
  11. Kinh nghiệm nhìn từ  thế  giới cho thấy nếu có chiến lược và chính sách đúng  đắn, nghiên cứu khoa học sẽ  đạt được thành tựu mang tính đột phá. Cuộc dịch  thuật vĩ đại những tác phẩm kinh điển của Hy Lạp và Ả Rập trong thế kỷ XI và  XII   đã làm  cho  đại  học châu  Âu phát triển nhanh chóng. Các  tác phẩm của  Aristote và bình luận của Averroes, cơ sở hình học của Euclid, công trình quang  học của Alhazen, đại số học của al­ Khwarizmi, nghiên cứu y khoa của Galen và   Hyppocrate… đã trở  thành tâm điểm của chương trình giảng dạy đại học của  châu Âu trong nhiều thế kỷ, đặt nền móng cho sự phát triển khoa học. Như TS.  Nguyễn Xuân Xanh nhận định, “Các hạt giống văn minh Hy Lạp ­  Ả Rập được  gieo xuống mảnh đất châu Âu làm chuyển biến đại học và bộ mặt của châu lục  này. Nếu không có nền văn minh đó đến kịp thời, thì không biết đại học châu Âu  sẽ  dạy những gì sau một thời gian, và có còn là đại học nữa không?”36  Giới  nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng có thể  tham khảo trải nghiệm quí báu  từ  những tiến bộ  vượt bậc trong nghiên cứu cơ  bản và ứng dụng của học giới  châu Á như  Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc... Chẳng hạn, Trung Quốc  đã  quan tâm đến công việc dịch thuật những sách giáo khoa kinh điển, đồng thời   phổ biến rộng rãi một số tạp chí quan trọng có phiên bản tiếng Hoa…; hoặc như  trường hợp Hàn Quốc nhờ  có những chính sách khoa học kỹ  thuật mang tầm   nhìn chiến lược trong đào tạo các nhà khoa học mà quốc gia này đã hội nhập vào  cộng đồng nghiên cứu quốc tế với tư cách một thành viên trẻ đầy năng động.  Thay lời kết Lý thuyết mang ý nghĩa dẫn luận chỉ  đường, khai mở  cho sáng tác cũng như  nghiên cứu khoa học. Thế kỷ XVI, danh họa Leonard da Vinci phát biểu về tầm  quan trọng của lý thuyết:  “Người yêu thực hành mà không có lý thuyết cũng  giống như những thủy thủ lái tàu không có bánh lái và la bàn sẽ  không biết nơi   anh ta có thể đến”37. Đề cao vai trò của lý thuyết không có nghĩa là ta tuyệt đối  hóa vai trò của lý thuyết. Đặc biệt, trong nghiên cứu khi vận dụng phải chú ý  đến hoàn cảnh cụ thể ra đời của mỗi lý thuyết. Thành quả nghiên cứu lý thuyết  của thế giới là tài sản quí giá, là trí tuệ của nhân loại kết tinh. Để có thể làm nên  những kỳ tích trong nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu nghệ thuật nói  riêng  ở  Việt Nam, trường đại học cần là nơi đi đầu trong việc giới thiệu hệ  thống các lý thuyết, nghiên cứu lý thuyết và vận dụng lý thuyết trong nghiên cứu  khoa học.  Bên cạnh đó, chúng ta rất cần có chiến lược về  dịch thuật và giới   thiệu các công trình lý thuyết kinh điển. Thế  giới và khu vực đang tiến xa trên   con đường học thuật. Nghiên cứu nghệ  thuật  ở  Việt Nam cần kế  thừa các lý  thuyết của thế giới nhưng phải tìm cách đi phù hợp với hoàn cảnh của mình. Cơ  hội mở ra cho Việt Nam t rong xu hướng giao lưu và hội nhập quốc tế, song câu  11
  12. hỏi đặt ra là: ngành nghiên cứu nghệ thuật ở Việt Nam cần làm gì để góp phần  vào sự phát triển văn hóa nghệ thuật của dân tộc? B.T.M Chú thích:  1. Nguyên văn tiếng Anh:   “speculative knowledge contemplates Truth for itself, and accordingly   stops and rest in contemplation of it, which is what we commonly call theory”. Trích dẫn theo   Terry Eastwood (1994), What is archival theory and why is it important, tr. 123.  2. Nguyên văn tiếng Anh: “a theory is often nothing else but a contrivance for comprehending a   certain number of facts under one expression”. Trích dẫn theo Terry Eastwood (1994),  What is  archival theory and why is it important, tr. 123.  3. Hoàng Phê (chủ biên) 1997, Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, In lần thứ năm, Nhà Xuất   bản Đà Nẵng, Hà Nội . 4. Trần Văn Hiến Minh (1966), Từ điển và danh từ triết học, Tủ sách Ra khơi. Sài Gòn, tr. 140. 5. Princeton   University   2006.   WordWeb.   “Theory:   1.   A   well­substantiated   explanation   of   some  aspect of the natural world; an organized system of accepted knowledge that applies in a variety of  circumstances to explain a specific set of phenomena; 2. A tentative insight into the natural world;  a concept that is not yet verified but that if true would explain certain facts or phenomena; 3. A  belief that can guide behavior”  6. Sara Tulloch (Edite4): Wordfinder, Oxford University Press, Oxford, New York, Toronto, 1994.  7. Trích dẫn theo Vũ Cao Đàm (1999), Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tr. 69. 8. Trích dẫn theo Vũ Cao Đàm (1999), Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tr. 69. 9. Vũ Cao Đàm (1999), Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tr. 69.  10. Jean­Fran çois Lyotard,  Hoàn cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu  đính và giới thiệu, Nhà Xuất bản Tri thức, 2008, tr.8. 11. Jean­Fran çois Lyotard,  Hoàn cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu  đính và giới thiệu, Nhà Xuất bản Tri thức, 2008, tr.16. 12.   Charrlotte   Cotton   (2009),  The   photograph   as   contemporary   art,  second   edition,   Thames   &  Hudson world of art.  13. Terry   Smith   (2009),  What   is   Contemporary   Art?,   University   of   Chicago   Press.   Chicago   and  London. 14. Nguyên   văn   tiếng   Anh:   “1,   Museums:   Modern/Contemporary;   2,   Spectacles:   Architecture/Sculpture;   3,   Markets:   Global/Local;   4,   Countercurrents:   South/North;   5,  Contemporaneity: Times/Places; 6, An Art Historical Hypothesis”. Terry Smith (2009),  What is  Contemporary Art?, University of Chicago Press. Chicago and London. 15. PGS. TS Phan Trọng Thưởng, Báo cáo đề  dẫn Hội thảo quốc tế “Tiếp cận văn học các nước   châu Á bằng lý thuyết phương Tây hiện đại: Vận dụng ­ Tương thích ­ Thách thức và cơ hội”  ngày 14 và 15 tháng 3 năm 2011 tại Hà Nội. Đây là Hội thảo Quốc tế lần thứ 2 được phối hợp  tổ chức giữa Viện Văn học và Viện Harvard­Yenching.  16. Nguyễn Phúc (1988), Lược sử phê bình mỹ thuật ở các nước phương Tây, Nhà Xuất bản thành  phố Hồ Chí Minh.  17. Xem Thái Bá Vân (1995), Tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật, tr. 74. 18. Chủ  biên Ngô Bảo Châu, Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Xanh,   Phạm Xuân Yêm (2011),  Frestschrift­Kỷ  yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810­2010) Kinh   nghiệm thế giới và Việt Nam. Nhà Xuất bản Tri Thức.  12
  13. 19. Nguyễn Xuân Xanh “Lời nói đầu Kỷ yếu Humboldt 200 năm hay là tìm lại nguồn gốc của đại  học”. Chủ  biên Ngô Bảo Châu, Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân  Xanh, Phạm Xuân Yêm (2011), Frestschrift ­ Kỷ yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810­2010)   Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam. Nhà Xuất bản Tri Thức, tr. 15. 20. Trích dẫn theo Nguyễn Xuân Xanh “Đại học Lịch sử một ý tưởng” trong  Frestschrift ­ Kỷ yếu   Đại học Humboldt 200 năm (1810­2010) Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam . Chủ biên Ngô Bảo  Châu, Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm  (2011). Nhà Xuất bản Tri Thức, tr. 41. 21. Charles Harrison, Dr Paul J Wood, Jason Gaiger biên soạn (1991),  Art in Theory 1648­1815: An   Anthology of Changing Ideas, Publisher: Wiley­Blackwell.  22. Charles Harrison, Dr Paul J Wood, Jason Gaiger (1998), Art in Theory 1815­1900:An Anthology   of Changing Ideas, Publisher: Wiley­Blackwell.  23. Charles Harrison, Dr Paul Wood (1993),  Art in Theory 1900­1990:  An Anthology of Changing   Ideas, Publisher: Wiley­Blackwell. 24. Charles Harrison, Dr Paul Wood (2002),  Art in Theory 1900­2000: An Anthology of Changing   Ideas, Publisher: Wiley­Blackwell.  25. Các cuộc chiến tranh của Napoleon được gọi tắt là chiến tranh Napoleon, là một loạt các cuộc  chiến tranh trong thời hoàng đế Napoleon Bonaparte trị vì nước Pháp.  26. Robert Williams (2004), Art in Theory: An Historical Introduction, Publisher: Wiley­Blackwell. 27. Herschel   B.   Chipp   (1984),  Theories   of   Modern   Art:   A   Source   Book   by   Artists   and   Critics,  Contributor: Peter Selz, Joshua C. Taylor. University of California Press.  28. Kristine Stiles, Peter Selz (1996), Theories and Documents of Contemporary Art: A Source Book   of Artists’ Writing. University of California Press.  29. Moshe Barasch (1990), Theory of Art: From Winckelmann to Baudelaire. NYU Press.  30. Anne D’Alleva (2009), Methods and Theories of Art History, Laurence King Publishers.  31. Victor Burgin (1986), The End of Art Theory: Criticism and Post­Modernity (Communication and   Culture)”, Palgrave Macmillan.  32. Michael Rush (2003), Video Art, Thames & Hudson. 33. Roselee Goldberg (2001), Performance Art: From Futurism to the Present, Thames & Hudson.  34. Rachen Greene (2004), Internet Art, Thames & Hudson. 35. Christiane Paul (2003), Digital Art, Thames & Hudson. 36. Nguyễn Xuân Xanh “Đại học Lịch sử  một  ý tưởng”  trong  Frestschrift ­ Kỷ  yếu  Đại  học   Humboldt 200 năm (1810­2010) Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam. Chủ  biên Ngô Bảo Châu,  Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm (2011).   Nhà Xuất bản Tri Thức, tr. 46. 37. Nguyên văn trong tiếng Anh: “He who loves practice without theory is like the sailor who boards   ship  without  a  rudder  and  compass   and never  know  where  he   may cast”.  The  Notebooks  od   Leonardo da Vinci. Bản dịch tiếng Anh của Jean Pail Richter năm 1888.  Tài liệu tham khảo: 1. Charrlotte Cotton (2009),  The photograph as contemporary art,  second edition, Thames &  Hudson world of art.  2. Chủ biên Ngô Bảo Châu, Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Xanh,   Phạm Xuân Yêm (2011),  Frestschrift­Kỷ  yếu Đại học Humboldt 200 năm (1810­2010) Kinh   nghiệm thế giới và Việt Nam. Nhà Xuất bản Tri Thức.  3. Vũ Cao Đàm (1999), Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.  13
  14. 4. Charles Harrison, Dr Paul J Wood, Jason Gaiger biên soạn (1991), Art in Theory 1648­1815:   An Anthology of Changing Ideas, Publisher: Wiley­Blackwell.  5. Charles Harrison, Dr Paul Wood (2002), Art in Theory 1900­2000: An Anthology of Changing   Ideas, Publisher: Wiley­Blackwell.  6. Leonard da Vinci,  The Notebooks od Leonardo da Vinci. Bản dịch tiếng Anh của Jean Pail   Richter năm 1888.  7. Jean­Fran çois Lyotard, Hoàn cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu  đính và giới thiệu, Nhà Xuất bản Tri thức, 2008. 8. Trần Văn Hiến Minh (1966), Từ điển và danh từ triết học, Tủ sách Ra khơi. Sài Gòn. 9. Hoàng Phê (chủ  biên), Từ  điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ  học, In lần thứ năm, Nhà Xuất  bản Đà Nẵng, Hà Nội 1997. 10. Sara Tulloch (Edite4): Wordfinder, Oxford University Press, Oxford, New York, Toronto,   1994.  11. Terry Smith (2009),  What is Contemporary Art?, University of Chicago Press. Chicago and  London. 12. PGS. TS Phan Trọng Thưởng, Báo cáo đề  dẫn Hội thảo quốc tế  “Tiếp cận văn học các  nước châu Á bằng lý thuyết phương Tây hiện đại: Vận dụng­Tương thích­Thách thức và cơ  hội.” Ngày 14 và 15 tháng 3 năm 2011. 13. Nguyễn Phúc (1988), Lược sử phê bình mỹ  thuật  ở  các nước phương Tây, Nhà Xuất bản  thành phố Hồ Chí Minh.  14. Princeton University (2006). World Web Dictionary. 15. Thái Bá Vân (1995), Tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật. 14
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2