intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án nhân dân cấp tỉnh trong tố tụng trọng tài

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

47
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết cho thấy, áp dụng biện pháp cẩn khấp tạm thời là nhu cầu cần thiết trong giải quyết tranh chấp, bao gồm cả giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại tại Trọng tài thương mại. Lần đầu tiên, Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đây là bước phát triển của Luật trọng tài thương mại nhưng trong quá trình áp dụng có nhiều bất cập như xung đột pháp luật về lựa chọn biện pháp khẩn cấp tạm thời, thủ tục áp dụng…

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án nhân dân cấp tỉnh trong tố tụng trọng tài

  1. ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP TỈNH TRONG TỐ TỤNG TRỌNG TÀI Ths. Lê Hải Chinh Tóm tắt: Áp dụng biện pháp cẩn khấp tạm thời là nhu cầu cần thiết trong giải quyết tranh chấp, bao gồm cả giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại tại Trọng tài thương mại. Lần đầu tiên, Luật trọng tài thương mại năm 2010 quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đây là bước phát triển của Luật trọng tài thương mại nhưng trong quá trình áp dụng có nhiều bất cập như xung đột pháp luật về lựa chọn biện pháp khẩn cấp tạm thời, thủ tục áp dụng… Do vậy, việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định là cần thiết. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần phải giải quyết ngay từ nguyên tắc áp dụng pháp luật, sửa đổi hoặc ban hành mới quy định về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Có như vậy, pháp luật về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án trong tố tụng trọng tài mới đi vào trong cuộc sống thuận lợi. Từ khóa: tố tụng trọng tài, biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài. Abstract: Applying interim urgent measures is necessary in dispute settlement, including the settlement of business and commercial disputes by Commercial Arbitration. This is the first time and a development step of Commercial Arbitration Law (2010). But in the process of application, there are many shortcomings such as legal conflicts over the selection of provisional urgent measures, application procedures... Therefore, the completion of these legal provisions about interim urgent measures is necessary. We need to deal with the principle of application of the law, amend or promulgate new regulations on procedures for applying provisional emergency measures. Thus, the law on the application of the court's provisional emergency measures in arbitration proceedings has come to life smoothly. Keywords: arbitration proceedings, interim urgent measures in arbitration proceedings 1. Khái niệm biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài 462
  2. Tranh chấp trong kinh doanh, thương mại có thể được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải, giải quyết tại tòa án nhân dân (Tòa án) hoặc Trọng tài thương mại (TTTM). Trong quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại TTTM, xuất phát từ nhu cầu cấp thiết, có khả năng gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của một bên (thường là nguyên đơn), họ có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng một hoặc nhiều biện pháp có tính cấp thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Biện pháp đó gọi là biện pháp khẩn cấp tạm thời (KCTT) trong tố tụng trọng tài. Trước đây, khái niệm biện pháp KCTT thường được tiếp cận trong tố tụng dân sự. Biện pháp KCTT thuộc thẩm quyền áp dụng của Hội đồng trọng tài lần đầu tiên được quy định trong Luật TTTM năm 2010. Tuy nhiên, khái niệm biện pháp KCTT chưa được luật định nghĩa. Bộ Luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 chỉ nêu những trường hợp được quyền yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT và những biện pháp KCTT được quyền yêu cầu áp dụng. Và tương tự, Luật TTTM năm 2010 cũng chưa định nghĩa biện pháp KCTT. Các góc nhìn khác nhau đã đưa các định nghĩa biện pháp KCTT. Góc nhìn môn học pháp luật tố tụng dân sự, biện pháp KCTT là biện pháp tố tụng do Tòa án áp dụng khi đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có đơn yêu cầu hoặc do Tòa án chủ động áp dụng trong những trường hợp pháp luật cho phép để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án hoặc cho rằng, biện pháp KCTT là biện pháp Tòa án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết việc dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng hoặc bảo đảm việc thi hành án. Góc nhìn chung nhất, biện pháp KCTT được hiểu là một công đoạn tố tụng rút ngắn và đơn giản nhằm giúp cơ quan tài phán can thiệp nhanh chóng, kịp thời nhằm bảo vệ chứng cứ, tài sản tranh chấp hoặc các đảm bảo khác thiết yếu cho thi hành các nghĩa vụ, trong khi phiên tranh tụng chính chưa kết thúc… Các góc nhìn có những điểm chung của biện pháp KCTT là: (i) biện pháp KCTT thực hiện theo yêu cầu của đương sự trong vụ kiện, không phải do cơ quan có thẩm quyền tự mình áp dụng trong tố tụng giải quyết (trừ một số trường hợp luật quy định); (ii), biện pháp KCTT là thủ tục phụ, phái sinh có tính chất bổ trợ cho thủ tục chính, nên quy trình thủ tục áp dụng là ngắn gọn, đơn giản; (iii), mục đích của biện pháp KCTT là xuất phát từ nhu cấu cấp bách, cần thiết nhằm tránh gây thiệt hại, hoặc có tính chất bảo toàn một nội dung nào đó (tài sản, tính mạng, sức khỏe…). Do có mục đích như vậy, 463
  3. Bộ luật dân sự và thương sự tố tụng năm 1972 của chế độ Việt Nam cộng hòa còn gọi biện pháp KCTT là Biện pháp bảo toàn (từ điều 332 đến điều 367). Khi những biện pháp KCTT được áp dụng trong tố tụng trọng tài, chúng ta có thể hiểu “Biện pháp KCTT trong tố tụng trọng tài là những biện pháp được Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh áp dụng khi một bên trong tố tụng trọng tài yêu cầu áp dụng”. Như vậy, trong quá trình vụ việc, theo yêu cầu của đương sự, Hội đồng trọng tài, Tòa án cấp tỉnh quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp cần thiết để giải quyết như cầu cấp bách của đương sự bảo vệ bằng chứng hoặc để đảm bảo thi hành phán quyết của Hội đồng trọng tài. 2. Thực trạng pháp luật về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án trong tố tụng trọng tài. Hiện nay, các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài do Luật TTTM năm 2010 (điều 48 đến điều 53) và Bộ luật TTDS năm 2015 (điều 111 đến điều 142) quy định. 2.1 Về các biện pháp khẩn cấp tạm thời được đương sự yêu cầu và Tòa án quyết định áp dụng Các biện pháp KCTT phải được Luật TTTM năm 2010 quy định, gồm 06 biện pháp sau: (i) Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; (ii) Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài; (iii) Kê biên tài sản đang tranh chấp; (iv) Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp; (v) Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên; và (vi) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Các biện pháp KCTT được Bộ Luật TTDS năm 2015 quy định gồm 16 biện pháp cụ thể và một biện pháp mở, và có thể chia thành ba nhóm như sau: (i), Nhóm các biện pháp KCTT về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động (06 biện pháp: Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ 464
  4. bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm; cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình; buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động;); (ii), Nhóm các biện pháp KCTT về dân sự, thương mại (10 biện pháp: Kê biên tài sản đang tranh chấp; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định; cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ; tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu; bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án); và (iii), Nhóm các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định. Qua đó, chúng ta thấy, các biện pháp KCTT quy định trong Luật TTTM năm 2010 có 03 biện pháp trùng với các biện pháp KCTT do Bộ Luật TTDS năm 2015 (Kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp và cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp); 03 biện pháp KCTT của Luật TTTM năm 2010 khác hoàn toàn với quy định của Bộ luật TTDS năm 2015 (Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài, yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp và yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên) và ngược lại, 13 biện pháp KCTT còn lại của Bộ Luật TTDS năm 2015 khác hoàn toàn với Luật TTTM năm 2010. Khi giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại, người có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp KCTT nhưng các biện pháp KCTT Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Nguyên tắc áp dụng pháp luật về biện pháp KCTT trong mối quan hệ giữa Luật TTTM năm 2010 và Bộ Luật TTDS năm 2015 cho thấy: Ngoài các biện pháp KCTT quy định từ khoản 1 đến khoản 16 điều 114 Bộ Luật TTDS, điều 114 Bộ Luật TTDS năm 2015 còn quy định thêm “các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định” và “ngoài các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 16 Điều 114 của Bộ luật TTDS, Tòa án có trách nhiệm giải quyết yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn tạm thời khác do luật khác quy định” của Bộ luật TTDS, chúng ta có thể hiểu các biện pháp KCTT quy định trong Luật TTTM 465
  5. năm 2010 là những “biện pháp KCTT khác” và “do luật khác quy định”. Biện pháp KCTT do Luật TTTM năm 2010 là sự bổ sung các biện pháp KCTT mà Luật TTDS năm 2015 chưa quy định. Với cách hiểu như vậy, chúng ta có thể lập luận: (i) nếu vụ tranh chấp kinh doanh thương mại giải quyết tại Tòa án và khi đương sự yêu cầu, Tòa án vẫn có thể và không chỉ áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời do Bộ Luật TTDS năm 2015 quy định, mà có thể áp dụng cả những biện pháp KCTT do Luật TTTM năm 2010 quy định; (ii), Ngược lại, nếu vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại được giải quyết tại TTTM và khi đương sự yêu cầu, Hội đồng trọng tài chỉ có thể áp dụng các biện pháp KCTT do Luật TTTM quy định. Hội đồng trọng tài không được áp dụng các biện pháp KCTT khác (kể cả những biện pháp KCTT do Bộ Luật TTDS năm 2015 quy định). Và nếu đương sự yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp KCTT, khi đó Tòa án chỉ và phải áp dụng các biện pháp KCTT của Luật TTTM năm 2010 quy định. Việc áp dụng biện pháp KCTT là thủ tục phái sinh, thủ tục phụ và Tòa án chỉ là một cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục phái sinh được quy định trong Luật TTTM năm 2010. Cách hiểu này có yếu tố hợp lý, do Luật TTTM năm 2010 khi quy định “thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời” đã nêu “trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án thực hiện theo quy định của Bộ luật TTDS”. Luật TTTM năm 2010 chỉ dẫn chiểu “thẩm quyền, trình tự, thủ tục” của Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với vụ kiện tại Trung tâm trọng tài, mà không dẫn chiếu những biện pháp KCTT Tòa án có thể áp dụng. Tuy nhiên, nếu xác định mối quan hệ giữa Bộ luật TTDS và Luật TTTM là giữa luật tố tụng chung và luật chuyên ngành: biện pháp KCTT trong Luật TTTM được ưu tiên áp dụng khi giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài và trong trường hợp Luật TTTM chưa quy định hoặc quy định chưa rõ, chưa cụ thể thì áp dụng các nguyên tắc chung hoặc những quy định trong Bộ luật TTDS về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong TTDS. Do đó, tranh chấp kinh doanh, thương mại được giải quyết tại TTTM và khi đương sự yêu cầu, Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án không chỉ có thể áp dụng các biện pháp KCTT mà Luật TTTM quy định, mà còn có quyền áp dụng bao gồm các biện pháp KCTT quy định trong Bộ Luật TTDS năm 2015. 466
  6. 2.2 Về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án trong tố tụng trọng tài. Khi các bên tranh chấp nộp hồ sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp tại TTTM nhưng nộp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ở Tòa án cấp tỉnh thì có hai vấn đề phát sinh: Thứ nhất, khi người có quyền yêu cầu yêu cầu, Tòa án tiến hành thụ lý đơn yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Do việc yêu cầu áp Tòa án áp dụng biện pháp KCTT là thủ tục phái sinh, thủ tục phụ của vụ tranh chấp chính nên về mặt thụ lý và vào sổ thu lý việc áp dụng biện pháp KCTT đang được các Tòa án tiếp nhận khác nhau. Có trường hợp, Tòa án thụ lý yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT như việc dân sự, nhưng cũng có trường hợp Tòa án thụ lý yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT như vụ dân sự. Thứ hai, Tòa án thụ lý đơn yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT của đương sự theo trình tự thủ tục quy định tại điều 53 Luật TTTM năm 2010 và điều 133 Bộ Luật TTDS năm 2015. Trình tự, thủ tục của Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT vừa được quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 53 Luật TTTM năm 2010 nhưng khoản 4 điều 53 Luật TTTM năm 2010 cũng đồng thời quy định thêm “trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự”. Nội dung này cũng thể hiện trong khoản 4 điều 12 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP “trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án thực hiện theo quy định tại các điều 48, 49, 52, 53 Luật TTTM và quy định của BLTTDS”. Cả hai văn bản đều quy định vừa áp dụng quy định của Luật TTTM năm 2010 và đồng thời cũng dẫn chiếu đến quy định của Bộ luật TTDS năm 2015. Hiện nay, nhiều Tòa án khi được yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT của các vụ tranh chấp giải quyết tại TTTM, họ sẽ thực hiện trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT theo quy định của Bộ Luật TTDS năm 2015. Bởi hiểu Luật TTTM năm 2010 và Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP là luật chuyên ngành, Bộ Luật TTDS năm 2015 và Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP là luật chung về TTDS, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT của Luật TTTM năm 2010 và Nghị quyết 467
  7. 01/2014/NQ-HĐTP sẽ được Tòa án ưu tiên áp dụng. Nhưng do có sự dẫn chiếu áp dụng Bộ Luật TTDS từ Luật TTTM năm 2010 và Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP nên sau đó trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT quy định trong Bộ Luật TTDS năm 2015 và Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP sẽ được áp dụng giải quyết các yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng biện pháp KCTT tại Tòa án cũng xuất hiện một số bất cập: (i), Bộ luật TTDS năm 2015 quy định “Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật TTDS có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật TTDS…” và Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP cho rằng “Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật TTDS (sau đây gọi chung là đương sự) có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự…”. Hơn nữa, nhiều ví dụ minh họa trong Nghị quyết số 02 chỉ là những minh họa cho giải quyết các vụ án quy định tại điều 187 Bộ luật TTDS. Với cách quy định và minh họa như vậy, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT do tòa án áp dụng trong Bộ luật TTDS và hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP là chủ yếu áp dụng cho giải quyết các vụ án dân sự nên chưa phù hợp với giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại TTTM. (ii), Trong quá trình yêu cầu áp dụng biện pháp KCTT, một số biện pháp KCTT, Tòa án có quyền yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm. Luật TTTM năm 2010 và Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP quy định về biện pháp bảo đảm khi quyết định áp dụng biện pháp KCTT nhưng không quy định cụ thể về biện pháp bảo đảm (như mức thực hiện bảo đảm, cách thức thực hiện biện pháp bảo đảm…). Bộ luật TTDS năm 2015 và Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP cụ thể hơn nhưng cũng còn nhiều nội dung chưa rõ ràng. Bộ luật TTDS quy định, biện pháp thực hiện bảo đảm “do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu”. Trên có sở đó, Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP đã cụ thể hóa quy định “mức tương đương”. Theo đó, “Thẩm phán 468
  8. phải dự kiến và tạm tính có tính chất tương đối thiệt hại thực tế có thể xảy ra nhưng không thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, trừ trường hợp có chứng cứ rõ ràng chứng minh tổn thất hoặc thiệt hại thấp hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”. “Giá trị tạm tính” rất khó xác định và gây khó khăn cho đương sự, như: Tòa án ấn định giá trị tạm tính khác nhau, giá trị tạm tính quá lớn để tạo “độ an toàn” cho quyết định của Tòa án, kể cả người yêu cầu (hoặc trong một số trường hợp, công ty mẹ của công ty con) cam kết nếu áp dụng biện pháp KCTT không đúng và gây thiệt hại họ hoàn toàn chịu trách nhiệm và bồi thường… Những quy định về các biện pháp KCTT và trình tự thủ tục quyết định áp dụng biện pháp KCTT cũng còn nhiều bất cập, khó thực thi trong thực tiễn. Những quy định đó cần tiếp tục hoàn thiện nhằm thực hiện thuận lợi hơn trong thực tiễn. 3. Các kiến nghị hoàn thiện quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án trong tố tụng trọng tài Việc yêu cầu của đương sự và quyết định áp dụng biện pháp KCTT của Tòa án là một trong những nội dung quan trọng và cần thiết trong tố tụng trọng tài. Các quy định hiện nay tạo thuận lợi cho đương sự yêu cầu và Tòa án áp dụng biện pháp KCTT trong tố tụng trọng tài, nhưng cũng còn nhiều bất cập và cần phải hoàn thiện. Xuất phát từ những bất cập, bài viết đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện như sau: Một là, chúng ta cần giải quyết mối quan hệ giữa Luật TTTM và Bộ luật TTDS liên quan đến các biện pháp KCTT mà đương sự có quyền yêu cầu áp dụng. Luật TTTM cần xác định rõ các biện pháp KCTT đương sự có quyền yêu cầu áp dụng trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại TTTM là những biện pháp do Luật TTTM quy định, kể cả trong trường hợp đương sự yêu cầu Tòa án quyết định áp dụng biện pháp KCTT. Hai là, Luật TTTM năm 2010 là luật chuyên ngành giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại TTTM. Luật TTTM năm 2010 quy định trình tự, thủ tục Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT nhưng đồng thời cũng dẫn chiếu trình tự, thủ tục của Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT trong Bộ luật TTDS. Chúng ta nên thống nhất: (i), nếu biện pháp KCTT yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng sẽ áp dụng trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT do Luật TTTM áp dụng; (ii), nếu biện pháp KCTT yêu cầu Tòa án áp dụng, điều 53 Luật TTTM sẽ quy định có 469
  9. tính chất dẫn chiếu trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT do Bộ Luật TTDS quy định. Trên cơ sở đó, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT do Tòa án áp dụng có hai hướng: sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP để thuận lợi hơn cho Tòa án trong việc áp dụng biện pháp KCTT; hoặc, Hội đồng thẩm pháp Tòa án nhân dân tối cao ban hành một Nghị quyết khác về trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT của Tòa án trong tố tụng trọng tài. Ba là, khi sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP hoặc ban hành một Nghị quyết khác về trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp KCTT của Tòa án trong tố tụng trọng tài, chúng ta phải lưu ý và làm rõ căn cứ để xác định “giá trị tạm tính” của tài sản, hợp đồng… để thuận lợi hơn cho việc ấn định của Tòa án. Đồng thời, chúng ta cũng phải lưu ý nếu có trường hợp bảo lãnh hoặc cam kết của bên thứ ba, công ty mẹ … để có thể kịp thời quyết định áp dụng biện pháp KCTT. Tóm lại, việc đề nghị và quyết định áp dụng biện pháp KCTT trong tố tụng trọng tài phải đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật. Đồng thời, nhiều quy định về trình tự thủ tục áp dụng, hủy bỏ các biện pháp KCTT phải được điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới để pháp luật hướng tới thuận lợi trong thực tiễn áp dụng. 470
  10. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 2. Luật trọng tài thương mại năm 2010 3. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 4. Bộ luật dân sự và thương sự tố tụng năm 1972 của chế độ Việt Nam cộng hòa 5. Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài Thương mại 6. Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng thẩm pháp Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật TTDS 7. Phạm Duy Nghĩa (2010), Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng trọng tài, Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 23 (184). 8. Đại học luật TPHCM (2018), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, NXB Hồng Đức. 9. Trường Đại học Luật Hà nội (2011), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, NXB CAND. 10. Đoàn Đức Lương, Nguyễn Sơn Hải (đồng chủ biên) (2013), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, NXB ĐH Huế. 11. Nguyễn Ngọc Điện (2006), Một số vấn đề lý luận về các phương pháp phân tích luật viết, NXB Tư pháp 471
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2