intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chính phủ quản lý điện tử đối với doanh nghiệp ở Việt Nam: Mô hình lý thuyết, thực trạng và giải pháp

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

60
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết phân tích thực tế việc sử dụng dịch vụ G2B của các các doanh nghiệp Việt Nam; đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện dịch vụ G2B cho chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chính phủ quản lý điện tử đối với doanh nghiệp ở Việt Nam: Mô hình lý thuyết, thực trạng và giải pháp

  1. CHÍNH PHỦ QUẢN LÝ ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM: MÔ HÌNH LÝ THUYẾT, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP GS. TS. Nguyễn Đông Phong TS. Lê Nhật Hạnh Trường Đại học Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh Tóm tắt Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, vấn đề xây dựng và triển khai hiệu quả chính phủ quản lý điện tử nói chung và đối với doanh nghiệp (government-to-business (G2B)) nói riêng đã và đang là một trong những vấn đề được chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở khái niệm và mô hình phát triển của chính phủ quản lý điện tử, kết hợp với nguồn số liệu phỏng vấn sâu 9 nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở TP HCM và số liệu thứ cấp từ các nguồn báo cáo công khai của Chính phủ cũng như từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, bài viết này đã phân tích thực tế việc sử dụng dịch vụ G2B của các các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, nhận định của doanh nghiệp về hiệu quả và những trở ngại chính khi sử dụng các dịch vụ G2B cũng được thu thập và phân tích. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện dịch vụ G2B cho chính phủ Việt Nam trong thời gian tới. Từ khóa: Chính phủ điện tử, dịch vụ công cho doanh nghiệp, Việt Nam. 1. Đặt vấn đề Chính phủ điện tử (E-Government) đã trở thành thuật ngữ bao phủ gần như tất cả các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (viết tắt là ICT) và làn sóng chính phủ điện tử đang gia tăng nhanh chóng thông qua các tổ chức công và hoạt động quản trị công trên toàn thế giới (Fang, 2002). Chính phủ điện tử tạo điều kiện cho sự gia tăng tương tác giữa các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, chính phủ điện tử tồn tại bốn dạng dịch vụ chính, bao gồm: trao đổi giữa cơ quan nhà nước với nhau (G2G), trao đổi giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp (G2B), trao đổi giữa cơ quan nhà nước với người dân (G2C) và trao đổi giữa cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức (G2E) (Torres, Pina, & cerete, 2006; Fang, 2002; Bộ Thông tin & Truyền thông, 2015). Ngày càng nhiều nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách tập trung vào các vấn đề khác nhau của chính phủ điện tử, cũng như tìm kiếm sự đồng thuận về sáng kiến và khung kiến trúc chính phủ điện tử (Martins & Veiga 2018; Rokhman, 2011; Torres et al., 2006; Tung & Rieck, 2005; Joia, 2004; Gupta & Jana, 2003). Trong khi các nghiên cứu trên thế giới về mối quan hệ trao đổi giữa cơ quan nhà nước với người dân được thực hiện phổ biến, thì nghiên cứu về mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa chính phủ và công chức, viên chức, đặc biệt là giữa chính phủ với doanh nghiệp vẫn còn ít học giả quan tâm. Tại Việt Nam, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, đặc biệt trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến giữa chính phủ và doanh nghiệp (G2B). Chính phủ đã triển khai một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp như: đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội…; một số bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức (Chính 3
  2. phủ, 2018). Việc xây dựng và hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến giữa chính phủ và doanh nghiệp sẽ giúp môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ngày càng minh bạch và thuận lợi hơn, đặc biệt cải thiện cung cấp các dịch vụ công của ngành thuế, bảo hiểm, sẽ giúp môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam tăng hạng đáng kể (V V, 2018). Bên cạnh đó, việc áp dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí nhân lực và thời gian cũng như các chi phí không chính thức khác (VEC M, 2018), cũng như gia tăng các lợi ích cảm nhận khác cho doanh nghiệp, thay đổi một số quy trình trong kinh doanh giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thương mại điện tử như hiện nay. Tuy nhiên, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến giữa chính phủ và doanh nghiệp (G2B) ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế: các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa kết nối dữ liệu liên thông giữa các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là kết nối dữ liệu của ngành thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội chưa được thực hiện; dịch vụ công trực tuyến được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất là khai báo thuế, tiếp theo là dịch vụ đăng ký kinh doanh, các dịch vụ khác như khai báo hải quan, thủ tục cấp giấy chấp nhận xuất xứ điện tử, thủ tục tàu biển còn rất hạn chế. Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VEC M, 2018) tính đến cuối năm 2017 tỷ lệ sử dụng dịch vụ G2B còn rất thấp, chỉ có 30% doanh nghiệp tra cứu thông tin trên các website cơ quan nhà nước năm 2017; việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ, thậm chí có tới 27% doanh nghiệp điều tra chưa bao sử dụng dịch vụ G2B. Bên cạnh đó còn nhiều rào cản khác trong cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; việc triển khai ở một số nơi còn mang tính hình thức; việc xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử còn chậm; nhiều hệ thống thông tin đã triển khai còn chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin (Chính phủ, 2018). Nhằm có cái nhìn tổng quát hơn về dịch vụ G2B nói chung, phần tiếp theo của bài viết sẽ trình bày sơ qua về khái niệm và mô hình chính phủ quản lý điện tử. Tiếp theo đó, để tìm hiểu sâu hơn về thực trạng sử dụng dịch vụ G2B, ngoài việc thu thập số liệu thứ cấp từ các nguồn báo cáo công khai của chính phủ cũng như từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, bài viết này còn sử dụng thêm số liệu từ việc phỏng vấn sâu 9 nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh đó, việc phỏng vấn sâu còn nhằm thu thập thêm nhận định của doanh nghiệp về hiệu quả và những trở ngại chính khi sử dụng các dịch vụ G2B, từ đó đề xuất ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện dịch vụ G2B cho chính phủ Việt Nam trong thời gian tới. 2. Khái niệm và mô hình chính phủ quản lý điện tử 2.1. Khái niệm 2.1.1. Chính phủ điện tử (E-Government) Chính phủ điện tử là một thuật ngữ chung cho các dịch vụ dựa trên web từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, và chính quyền địa phương. Trong Chính phủ điện tử, Chính phủ sử dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là Internet để hỗ trợ các hoạt động của Chính phủ, gắn kết công dân và cung cấp các dịch vụ của Chính phủ. Sự tương tác có thể được thực hiện dưới dạng công dân truy cập thông tin, tiếp cận hồ sơ, hoặc thanh toán và nhiều hoạt động khác thông qua world-wide-web (Sharma & Gupta, 2003, Sharma, 2004, Sharma, 2006). Chính phủ điện tử được định nghĩa bởi các nguồn khác nhau như: 4
  3. Định nghĩa của Ngân hàng thế giới (báo cáo của EM ): “Chính phủ điện tử đề cập đến việc sử dụng công nghệ thông tin của các cơ quan chính phủ, có khả năng chuyển đổi mối quan hệ với công dân, doanh nghiệp và các mục tiêu khác của Chính phủ. Những công nghệ này có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau: cung cấp dịch vụ của Chính phủ tốt hơn cho người dân, cải thiện sự tương tác với doanh nghiệp, nâng cao quyền công dân thông qua tiếp cận thông tin hoặc quản lý Chính phủ hiệu quả hơn. Lợi ích thu được có thể ít tham nhũng hơn, tăng tính minh bạch, thuận tiện hơn, tăng trưởng doanh thu và / hoặc giảm chi phí.” Định nghĩa của Liên hợp quốc (www.unpan.org) (báo cáo của EM ): “Chính phủ điện tử được định nghĩa là việc sử dụng Internet và world-wide-web để cung cấp thông tin và dịch vụ của Chính phủ tới công dân”. Định nghĩa của Tổ chức đối thoại kinh doanh toàn cầu về thương mại điện tử - GBDe (www.gbde.org) (báo cáo của EM ): “Chính phủ điện tử đề cập đến một tình huống trong đó các cơ quan hành chính, lập pháp và tư pháp (bao gồm cả chính quyền trung ương và địa phương) số hoá các hoạt động nội bộ và bên ngoài của họ và sử dụng các hệ thống mạng hiệu quả để nâng cao chất lượng tốt hơn trong việc cung cấp các dịch vụ công cộng.” Định nghĩa của Gartner Group: “Tối ưu hóa một cách liên tục trong cung cấp dịch vụ, sự tham gia của người dân và quản trị bằng cách chuyển đổi các mối quan hệ bên trong và bên ngoài thông qua công nghệ, Internet và phương tiện truyền thông mới.” Định nghĩa của Nhóm nghiên cứu về chính phủ điện tử trong thế giới đang phát triển (www.pacificcouncil.org): “Chính phủ điện tử là việc sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông (ICTs) để thúc đẩy hoạt động của Chính phủ ngày càng hiệu quả và hiệu suất hơn, tạo điều kiện cho các dịch vụ Chính phủ dễ tiếp cận hơn, cho phép truy cập thông tin phổ biến hơn và giúp cho Chính phủ chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với công dân. Chính phủ điện tử có thể liên quan đến việc cung cấp dịch vụ thông qua Internet, điện thoại, trung tâm dịch vụ công (tự phục vụ hoặc tạo điều kiện bởi người khác), thiết bị không dây hoặc các hệ thống liên lạc khác.” Định nghĩa của UNESC (2005): “Chính phủ điện tử là việc sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy Chính phủ ngày càng hiệu quả và hiệu suất hơn, giúp Chính phủ dễ tiếp cận và có trách nhiệm hơn với công dân. Các đặc điểm của Chính phủ điện tử bao gồm: Cung cấp dịch vụ điện tử, quy trình làm việc điện tử, bỏ phiếu điện tử.” Định nghĩa của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế ( ECD): “Chính phủ điện tử được định nghĩa như việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICTs), đặc biệt là Internet, để đạt được Chính phủ tốt hơn.” Mặc dù các định nghĩa về Chính phủ điện tử từ nhiều nguồn khác nhau nhưng đều có những điểm chung. Chính phủ điện tử liên quan đến việc sử dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là Internet, để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ của Chính phủ cho công dân, doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ với nhau. Chính phủ điện tử cho phép công dân tương tác và nhận các dịch vụ từ Chính phủ, các bộ, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ hoặc địa phương 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Chính phủ điện tử đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Hầu hết Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã thực hiện hoặc đang thực hiện các sáng kiến cung cấp dịch vụ Chính phủ trực tuyến. Để tiềm năng của Chính phủ điện tử trở thành hiện thực, Chính phủ cần phải tái cấu trúc và chuyển đổi các quy trình hoạt động trước đây, từ đó chuyển 5
  4. đổi toàn bộ các mối quan hệ giữa các cơ quan chính phủ với công dân, doanh nghiệp và giữa các cơ quan chính phủ với nhau (Leitner, 2003). 2.2. Các giai đoạn phát triển của Chính phủ điện tử Chính phủ điện tử thường trải qua các giai đoạn khác nhau từ lúc đăng thông tin trên trang web để thực hiện các giao dịch tới khi hoàn tất quá trình giao dịch để đem lại giá trị và lợi ích thật sự cho công dân. Việc phân chia các giai đoạn phát triển chính phủ điện tử nhằm xác định giai đoạn phát triển chính phủ điện tử của mỗi cơ quan, cũng như làm cơ sở xác định lộ trình, kế hoạch triển khai chính phủ điện tử đúng hướng, phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế. Các tổ chức khác nhau có cách phân chia các giai đoạn phát triển chính phủ điện tử của riêng mình, trong đó nổi bật là cách phân chia của Gartner (một công ty tư vấn, nghiên cứu hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin). Gartner đã xây dựng một mô hình chính phủ điện tử bốn giai đoạn có thể phục vụ như một tài liệu tham khảo cho các chính phủ để xây dựng một dự án phù hợp trong sự phát triển tổng thế của một chiến lược chính phủ điện tử. Mô hình này không hàm ý rằng tất cả các chính phủ phải trải qua tất cả các giai đoạn này. Vì các giai đoạn này cung cấp một khung lý thuyết, chúng không phụ thuộc vào nhau, cũng không yêu cầu có một giai đoạn phải hoàn thành trước khi một giai đoạn khác bắt đầu. Giai đoạn 1 Giai đoạn 2 Giai đoạn 3 Giai đoạn 4 Thông tin Tương tác Giao dịch Chuyển đổi Hiện diện Thực hiện Hoàn thành Hoàn thành quy trình giao dịch giao dịch Cung cấp các Các trang thông tin Các trang thông tin Ngoài việc thực thông tin cơ bản điện tử của các cơ điện tử của các cơ hiện các chức năng về các cơ quan quan chính phủ quan chính phủ cho trong giai đoạn 3, chính phủ như cung cấp các chức phép thực hiện CPĐT giai đoạn chức năng, nhiệm năng tìm kiếm cơ hoàn chỉnh các này cung cấp cho vụ, địa chỉ liên bản, cho phép tải dịch vụ, bao gồm người dân một hệ, thời gian làm về các biểu mẫu việc nộp hồ sơ, xử điểm truy cập duy việc và có thể điện tử, các đường lý hồ sơ, trả phí nhất tới các cơ cung cấp thêm liên kết với các dịch vụ trực tuyến quan chính phủ để các văn bản liên trang thông tin điện thực hiện mọi giao quan đến xã hội tử liên quan, cũng dịch, các hoạt động như địa chỉ thư của cơ quan chính điện tử của các cơ phủ là minh bạch quan, cán bộ chính với người dân phủ Nguồn: Gartner (2000) Hình 1: Mô hình Chính phủ điện tử 6
  5. 2.3. Chính phủ quản lý điện tử đối với doanh nghiệp (G2B) Trong G2B, Chính phủ giao dịch với doanh nghiệp như nhà cung cấp sử dụng Internet và các công nghệ thông tin và truyền thông khác. G2B bao gồm các giao dịch và tương tác hai chiều: Chính phủ với doanh nghiệp và doanh nghiệp với Chính phủ (B2G). Có rất nhiều dịch vụ khác nhau giữa Chính phủ và doanh nghiệp, bao gồm việc cung cấp thông tin, các dịch vụ của các cơ quan chính phủ cho doanh nghiệp và các dịch vụ mà các doanh nghiệp phải thực hiện đối với Chính phủ. Các cơ quan chính phủ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, phổ biến các qui định, các chính sách, các lệnh, các bản ghi nhớ… của các cơ quan chính phủ cho các doanh nghiệp. Các dịch vụ chính phủ thực hiện cho các doanh nghiệp thường là: Làm mới và gia hạn các loại giấy phép, các chứng nhận, thanh tra và kiểm tra… Các dịch vụ các doanh nghiệp thực hiện cho các cơ quan chính phủ là: Nộp thuế, cung cấp thông tin thống kê kinh doanh, cung cấp thông tin và tham gia vào đấu thầu - mua bán trực tuyến… Cả Chính phủ và các doanh nghiệp cải thiện dần mối quan hệ giữa khu vực chính phủ và khu vực tư nhân, thiết lập mối quan hệ hợp tác trợ giúp Chính phủ - doanh nghiệp trong Chính phủ điện tử. Đối với Chính phủ điện tử, cũng như dịch vụ cho người dân, dịch vụ cho các doanh nghiệp tiến tới thực hiện ngoài giờ hành chính, tiến tới được thực hiện 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần, tất cả 365 ngày trong năm. Các hình thức thực hiện dịch vụ ngày càng phải được cải thiện và tiến tới thực hiện trên nhiều phương tiện, ở bất cứ đâu thuận lợi cho doanh nghiệp. 3. Thực trạng Chính phủ quản lý điện tử đối với doanh nghiệp ở Việt Nam 3.1. Quan điểm chỉ đạo của nhà nước về Chính phủ điện tử ở Việt Nam Tại Việt Nam, trong những năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Ngày 14/10/2015 chính phủ ban hành Nghị quyết 36a nhằm tạo tiền đề đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, hiện nay Văn phòng Chính phủ đã soạn thảo dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 (Chính phủ, 2018) và đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hơn nữa, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành hung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (Bộ Thông tin & Truyền thông, 2015) và rất nhiều hội nghị, hội thảo từ Trung ương, đến địa phương và bộ, ngành liên quan đến Chính phủ điện tử, thương mại điện tử đã được tiến hành. Nhờ những nỗ lực đó, Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể trong bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI của Liên hợp quốc, cụ thể: năm 2018 Việt Nam xếp hạng 88/193, năm 2016 xếp hạng 89/193 và năm 2014 xếp hạng 99/193. Trong khu vực SE N năm 2018 Việt Nam xếp thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Phillippines, Thái Lan và Brunei về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; trong đó, Chỉ số dịch vụ công trực tuyến ( nline Service Index - SI) và Chỉ số tham gia điện tử (E-Participation Index) ở Việt nam được Liên hợp quốc xếp vào nhóm ở mức cao (tăng từ 0,5 đến 0,75) (UN, 2018). 7
  6. (Nguồn: Bộ Thông tin & Truyền thông, 2015) Hình 2: Sơ đồ tổng thể Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 3.2. Thực trạng triển khai Chính phủ quản lý điện tử cho các doanh nghiệp 3.2.1. Các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp và sự kết nối dữ liệu Hiện nay, tất cả 30/30 cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Trang/Cổng thông tin điện tử. Các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp cho doanh nghiệp rất đa dạng và từ nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương, với các dịch vụ chủ yếu như: Đăng ký kinh doanh, đăng ký/khai báo thuế điện tử, cấp giấy phép đầu tư, tra cứu trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính, cấp giấy phép xây dựng, thủ tục tàu biển, nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, thủ tục cấp giấy phép chứng nhận xuất xứ điện tử, khai báo hải quan, bảo hiểm xã hội… Như vậy, theo cách đối chiếu các giai đoạn phát triển của chính phủ điện tử ở Hình 1, thì hầu hết các dịch vụ mới chỉ đạt giai đoạn 1 và 2. Tuy nhiên, hiện tại đã có 4 lĩnh vực đã cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đến giai đoạn 3, 4, bao gồm: Bảo hiểm xã hội, thuế, hải quan và đăng ký kinh doanh (ictnews, 2018) 3.3.2. Đánh giá thực trạng sử dụng dịch vụ công trực tuyến của doanh nghiệp Phần này tìm hiểu thực trạng tra cứu thông tin trên các websites của cơ quan nhà nước (tương ứng với việc cung cấp ở Giai đoạn 2) và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến (tương ứng với việc cung cấp ở Giai đoạn 3 và 4) của các doanh nghiệp được phỏng vấn cũng như số liệu thứ cấp từ VECOM (2018) và itcnews (2018) a. Tra cứu thông tin trên các website cơ quan nhà nước Trong số 9 doanh nghiệp tham gia phỏng vấn sâu, có 5/9 doanh nghiệp thường xuyên, 3/9 doanh nghiệp thỉnh thoảng và 1/9 doanh nghiệp chưa bao giờ tra cứu thông tin trên các website cơ quan nhà nước. Số liệu phỏng vấn sâu khá tương đồng với số liệu thứ cấp theo báo cáo của VEC M (2018), tỷ lệ doanh nghiệp thường xuyên, thỉnh thoảng hoặc chưa bao giờ tra cứu các thông tin trên các website cơ quan nhà nước năm 2017 lần 8
  7. lượt là 30%, 62% và 8% (Hình 3). Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp lớn có mức quan tâm tới thông tin trên các website cơ quan nhà nước cao hơn nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa. (Nguồn: VECOM, 2018) Hình 3: Xu hướng tra cứu thông tin trên các website cơ quan nhà nước qua các năm b. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến Tất cả các doanh nghiệp trả lời phỏng vấn sâu trong nghiên cứu này đều cho biết có sử dụng các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến thủ tục đăng ký, cấp phép, khai báo, tra cứu trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính… cung cấp trên website. Trong khi đó số liệu thứ cấp từ VEC M (2018) cho thấy tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến liên quan tới các thủ tục thông báo, đăng ký, cấp phép… của doanh nghiệp năm 2017 là 73%, tương tự tỷ lệ này của năm 2016. (Nguồn: VECOM, 2018) Hình 4: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua các năm Cũng trong báo cáo đó cho thấy, khai báo thuế điện tử vẫn là dịch vụ công trực tuyến được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất (88%), số lượng doanh nghiệp đã đăng ký 9
  8. tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là trên 518.000 doanh nghiệp trong tổng số 534.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Theo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin &Truyền thông), Tổng cục Thuế đã triển khai ứng dụng hoàn thuế điện tử từ ngày 15/5/2017 trên toàn quốc; đã có 1.344 doanh nghiệp kê khai hoàn thuế điện tử với tổng số 3.117 hồ sơ được tiếp nhận và tổng số tiền đề nghị hoàn thuế là hơn 17,1 nghìn tỉ đồng. (Nguồn: VECOM, 2018) Hình 5: Tình hình sử dụng một số dịch vụ công trực tuyến Có tới 42% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh, trong đó TP.HCM đạt 57,48%; Hà Nội đạt 68,9%. Về tỷ lệ đăng ký đầu tư qua mạng điện tử, đã có 8.953 hồ sơ đăng ký đầu tư, trong đó số hồ sơ kê khai qua mạng là 3.493 hồ sơ, đạt tỷ lệ 39%. Các dịch vụ khác như khai báo hải quan và thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử có mức độ sử dụng thấp hơn. Đối với lĩnh vực Bảo hiểm xã hội, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để tham gia và hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế của các đơn vị, doanh nghiệp đã giảm 290 giờ (khoảng 75% thời gian), từ 335 giờ/năm xuống còn 45 giờ/năm. Đối với lĩnh vực Hải quan, đã triển khai, đưa vào sử dụng hệ thống thông quan điện tử VN CCS/VCIS tại 100% các Cục, Chi cục Hải quan cả nước để thực hiện thông quan điện tử, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Hiện nay tổng số doanh nghiệp đã tham gia hệ thống VN CCS/VCIS là khoảng hơn 80.000 doanh nghiệp. Các dịch vụ khác như khai báo hải quan và thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử có mức độ sử dụng thấp hơn. 3.3. Đánh giá lợi ích của dịch vụ G2B Qua đánh giá của các doanh nghiệp được phỏng vấn có thể thấy giá trị các dịch vụ công trực tuyến nói chung cũng như môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp ngày càng minh bạch và thuận lợi hơn. Tất cả doanh nghiệp trả lời phỏng vấn sâu trong nghiên cứu này đều khẳng định việc áp dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến giúp doanh nghiệp: (1) giảm bớt rườm rà, thời gian, nhân lực cho các thủ tục hành chính; (2) tiếp cận các dịch vụ công một cách nhanh chóng, kịp thời; (3) giảm chi phí kinh doanh, nhất là các chi phí không chính thức; (4) tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; (5) tăng khả năng cạnh tranh. 3.4. Đánh giá trở ngại trong quá trình sử dụng dịch vụ G2B 10
  9. ết quả phỏng vấn sâu các doanh nghiệp chỉ ra rằng, trở ngại chính đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện G2B là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến vẫn còn mang tính hình thức, không đạt như kỳ vọng do ngại sử dụng công nghệ thông tin, sự né tránh của cán bộ, công chức và vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. Một số cơ quan, người đứng đầu chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử hoặc công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa gương mẫu. Tiếp theo, môi trường xã hội và tập quán kinh doanh cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả áp dụng dịch vụ công trực tuyến. Việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc của cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn mang nặng tính thủ công, giấy tờ, ngại dùng công nghệ do sợ mất quyền kiểm soát, mất vai trò và khi công khai, minh bạch sẽ bị giám sát. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho biết trở ngại khi triển khai áp dụng các dịch vụ công trực tuyến là các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử chậm được triển khai; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được triển khai thiếu sự kết nối, chia sẻ. Hơn nữa, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu các quy định cụ thể về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử và các văn bản quy định việc sử dụng các văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, thanh toán. n ninh mạng chưa đảm bảo cũng là những trở ngại để doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Cuối cùng, các doanh nghiệp cho rằng chưa được hướng dẫn cụ thể khi sử dụng dịch vụ công trực truyến. Các chức năng của dịch vụ công trực tuyến gây khó khăn cho người sử dụng. Dịch vụ công trực tuyến tuy có tăng về số dịch vụ nhưng dịch vụ công trực tuyến ở giai đoạn 3, 4 còn rất thấp (giai đoạn 3 khoảng 10%; giai đoạn 4 khoảng 2%). Dịch vụ công trực tuyến nhất là ở các địa phương triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lắp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ. Các dịch vụ ở giai đoạn 3, giai đoạn 4 có hiệu quả chưa cao, chưa có hồ sơ trực tuyến hoặc số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp (năm 2017 tỷ lệ dịch vụ có hồ sơ trực tuyến của các Bộ, ngành ở giai đoạn 3 chiếm 39,93%; giai đoạn 4 chiếm 55,16%; các tỉnh, thành phố ở giai đoạn 3 chiếm 11,46%; giai đoạn 4 chiếm 12,11%). 4. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện dịch vụ G2B Từ kết quả phân tích thực trạng và dựa vào đánh giá của doanh nghiệp về trở ngại trong quá trình sử dụng G2B, nhóm nghiên cứu đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện dịch vụ G2B trong thời gian tới như sau: 4.1. Cải thiện tiến tới xóa bỏ tính hình thức của việc cung cấp dịch vụ G2B Hiện tại việc cung cấp dịch vụ G2B vẫn còn mang tính hình thức chủ yếu là do tư duy nhận thức của cán bộ công chức khi tổ chức thực hiện dịch vụ G2B. Cần thay đổi nhận thức của cán bộ công chức, viên chức nhà nước bởi họ thường quen với trạng thái thoải mái trong công việc. Nhất thiết phải chuyển đổi tư duy của cán bộ công chức, viên chức từ tư duy “quản lý” sang tư duy “phục vụ” đảm bảo sự tiếp cận dễ dàng và công bằng của doanh nghiệp đối với dịch vụ G2B. Tất cả các lãnh đạo và công chức, viên chức trong các cơ quan Chính phủ phải nhận thức đúng và hiểu được tầm quan trọng của Chính phủ điện tử. Chính phủ cần ban hành văn bản pháp luật áp dụng giao dịch điện tử ở những nội dung bắt buộc để tránh việc triển khai thực hiện chính phủ điện tử với doanh nghiệp chỉ mang tính chất đối phó, không để tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực diễn ra. Cần thiết phải có sự cam kết về việc thay đổi và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm và cần làm gương để nhân viên noi theo. 11
  10. Đào tạo là công việc quan trọng để giúp cán bộ công chức, viên chức làm quen với các kỹ năng mới cần thiết cho Chính phủ điện tử. Các khóa học như hành chính công hiện đại, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi cách quản lý, công nghệ thông tin và quản lý nhà nước điện tử… rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chính phủ điện tử. Ngoài ra, Chính phủ nên tổ chức các khóa bồi dưỡng để nâng cao nhận thức về những giá trị mà Chính phủ điện tử mang lại và sự cần thiết phải thay đổi ngay từ bên trong nội bộ Chính phủ, không chỉ ở cấp chính quyền trung ương mà cả ở cấp địa phương. 4.2. Thay đổi tập quán kinh doanh của doanh nghiệp Cần thay đổi dần tập quán kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là thói quen giao dịch giấy tờ, thích dùng tiền mặt của công dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức, viên chức thông qua tuyên truyền, giáo dục để người dân và doanh nghiệp nhận thức được giá trị của chính phủ điện tử và thương mại điện tử. Đặc biệt, cần chú trọng công tác tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và thế hệ trẻ hiện nay nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, điều hành doanh nghiệp. 4.3. Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật Sự thành công của quản lý nhà nước điện tử đối với doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Do đó, Chính phủ cần chú trọng vào phát triển các thành phần quan trọng khác của cơ sở hạ tầng chính phủ điện tử quốc gia như: cơ sở hạ tầng máy tính; trung tâm dữ liệu; khung kiến trúc chính phủ điện tử với 3 thành phần bao gồm khung kiến trúc dịch vụ, khung kiến trúc quy trình và khung kiến trúc dữ liệu; khung tương thích; và chính sách tên miền. Cơ sở hạ tầng cần được xây dựng cho tất cả các khía cạnh của quản lý nhà nước điện tử, cho phép cung cấp dịch vụ công từ Chính phủ và tiếp cận dịch vụ công của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao hoặc thậm chí cho phép tự động hóa tại các cơ quan chính phủ. Ngoài ra, Chính phủ nên đảm bảo sự phối hợp phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ tạo nên sự kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương. Cơ sở hạ tầng cần thiết lập trên phạm vi toàn quốc, các khu vực đô thị của đất nước đã được trang bị nhiều phương tiện, thiết bị công nghệ thông tin. Do đó, Chính phủ cần chú ý nhiều hơn đến vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa của đất nước để tránh xảy ra sự phân chia kỹ thuật số. 4.4. Hoàn thiện các văn bản luật và bộ luật cơ bản cho Chính phủ điện tử và thương mại điện tử Theo kinh nghiệm các quốc gia phát triển về Chính phủ điện tử, nền tảng thể chế Chính phủ điện tử phải đi trước, trong khi chúng ta còn thiếu nhiều quy định và chính sách. Từ năm 1997, Singapore đã ban hành 4 luật cơ bản để hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử và thương mại điện tử, bao gồm: Luật Giao dịch điện tử, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, Luật Sử dụng máy tính sai mục đích để hỗ trợ truyền thông kỹ thuật số và Luật Bằng chứng điện tử dùng trong xét xử các vụ án. Vì vậy, để xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam yêu cầu hoàn thiện, thay đổi và xây dựng khung luật pháp liên quan đến việc nhận diện dạng dữ liệu/thông tin điện tử, chữ ký điện tử, lưu trữ điện tử, tự do thông tin, bảo vệ dữ liệu, phòng chống tội phạm mạng, luật quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử… Tuy nhiên, để đạt được tất cả điều này cùng một lúc là điều gần như không thể, do đó Chính phủ cần xây dựng lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn, từng bộ, ngành, địa phương cụ thể. Trong tương tác của G2B, một giao tiếp hai chiều diễn ra giữa doanh nghiệp và Chính phủ, do đó vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của thông tin doanh nghiệp 12
  11. rất quan trọng. Vì vậy, các doanh nghiệp tham gia phỏng vấn sâu cho rằng các quy định cần được thiết lập phù hợp để lưu trữ và truyền dữ liệu trực tuyến an toàn, bảo đảm an ninh thông tin mới có thể phát triển dịch vụ G2B ở Việt Nam. 4.5. Nâng cao năng lực, kỹ năng, trình độ cho các cấp quản lý và người lao động trong doanh nghiệp Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức cho các cấp quản lý và người lao động trong doanh nghiệp trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Chính phủ cần thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho doanh nghiệp về các dịch vụ công trực tuyến, đào tạo bổ sung về chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo nắm đầy đủ thủ tục hành chính theo từng nhóm ngành đối với lãnh đạo và những người phụ trách G2B trong doanh nghiệp từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả. Từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ G2B trong doanh nghiệp, góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng cán bộ công chức thực hiện quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, đẩy mạnh sử dụng internet phục vụ tiếp thị và kinh doanh, số hóa các văn bản giấy tờ trong quản trị doanh nghiệp…nối mạng thống nhất bằng phần mềm quản trị các hoạt động sản xuất kinh doanh. 4.6. Hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến với doanh nghiệp Xây dựng Chính phủ điện tử không chỉ gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính mà còn phải đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến như giai đoạn 3 và giai đoạn 4. Rất nhiều quốc gia cung cấp quyền truy cập thông tin và dịch vụ dễ dàng cho công dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia duy nhất. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện Cổng dịch vụ công quốc gia để doanh nghiệp dễ dàng truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ công. Cổng dịch vụ công quốc gia nên được trình bày thông tin toàn diện về tất cả các khía cạnh và thành phần của Chính phủ; phải dễ sử dụng cho tất cả khách truy cập vào cổng thông tin, kể cả những người lần đầu truy cập; cung cấp một cửa sổ truy cập duy nhất để tìm kiếm thông tin và dịch vụ, được phục vụ điện tử bởi các tổ chức và bộ phận liên quan; thông tin và nội dung ngoài tính toàn diện và hoàn chỉnh, phải đảm bảo tính đạo đức, chính xác và luôn được cập nhật để đạt được và duy trì mức độ tin cậy của doanh nghiệp; phải được xây dựng từ góc độ “công dân” hoặc “người dùng” chứ không phải từ quan điểm của Chính phủ; các công cụ và công nghệ triển khai trong việc phát triển, lưu trữ và bảo trì phải là những công nghệ mới nhất để đảm bảo tần suất hoạt động 24/7. 4.7. Xã hội hóa, cộng tác hay thuê ngoài một số dịch vụ để đẩy nhanh quá trình quản lý chính phủ điện tử Quan hệ đối tác công tư tạo nên kết quả đáng mong đợi so với mua sắm truyền thống hoặc tư nhân hóa. Chia sẻ rủi ro, đổi mới, cạnh tranh và hiệu quả mang lại bởi các đối tác tư nhân là những những đặc điểm chính để hướng tới quan hệ đối tác công tư hữu ích. Các dự án Chính phủ điện tử thường có quy mô lớn và vô cùng quan trọng và không chỉ đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên mà còn đòi hỏi kỹ năng đa ngành. Do đó, sẽ 13
  12. trở nên khó khăn để Chính phủ xử lý hoàn toàn các dự án vào cùng một thời điểm với nguồn lực riêng của mình. Do đó, Chính phủ cần xây dựng quan hệ đối tác công tư để tận dụng những thế mạnh và nguồn lực của các đối tác khu vực tư nhân trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử kể cả các tổ chức phi chính phủ. Quan hệ đối tác công tư có thể thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau để nâng cao hiệu quả trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử như: đầu tư tài chính, thiết lập cơ sở hạ tầng, lựa chọn công nghệ và kiến trúc giải pháp, phát triển và quản lý nội dung, kết xuất các dịch vụ đầu-cuối cho công dân, quản lý quan hệ công dân, triển khai các dự án chính phủ điện tử (toàn quốc/khu vực), phát triển phần mềm, quản lý dự án và đánh giá và nâng cao năng lực. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Thông tin & Truyền thông (2015). Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Ban hành kèm theo Văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. Tải tại http://cio.gov.vn/ban-hanh-khung-kien-truc-chinh- phu-dien-tu-viet-nam-phien-ban-1.0 2. Chính phủ (2018). Dự thảo Nghị quyết: “Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”. Tải tại http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/De-xuat-giai-phap-trong-tam-phat-trien- Chinh-phu-dien-tu/340748.vgp 3. Fang, Z. (2002). E-government in digital era: concept, practice, and development. International journal of the Computer, the Internet and management, 10(2), 1-22. 4. Gupta, M. P., & Jana, D. (2003). E-government evaluation: A framework and case study. Government information quarterly, 20(4), 365-387. 5. Itcnews (2018). 4 lĩnh vực cung cấp dịch vụ công online cho người dân, doanh nghiệp đạt hiệu quả cao. Truy cập tại: http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/4-linh-vuc-cung- cap-dich-vu-cong-online-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-dat-hieu-qua-cao-165579.ict 6. Joia, L. A. (2004). Developing Government-to-Government enterprises in Brazil: a heuristic model drawn from multiple case studies. International Journal of Information Management, 24(2), 147-166. 7. Leitner, C. (2003). eGovernment in Europe: the state of affairs. EPIAScope, 2003(3), 37-39. 8. Martins, J., & Veiga, L. (2018, April). Electronic Government and the Ease of Doing Business. In Proceedings of the 11th International Conference on Theory and Practice of Electronic Governance (pp. 584-587). ACM. 9. Rokhman, A. (2011). e-Government adoption in developing countries; the case of Indonesia. Journal of Emerging Trends in Computing and Information Sciences, 2(5), 228-236. 10. Sharma, S. K. (2004). Assessing e-government implementations. Electronic government, an international Journal, 1(2), 198-212. 11. Sharma, S. K. (2006). E-Government Services Framework. In Encyclopedia of E- Commerce, E-Government, and Mobile Commerce (pp. 373-378). IGI Global. 12. Sharma, S. K., & Gupta, J. N. (2003). Building blocks of an e-government: A framework. Journal of Electronic Commerce in Organizations (JECO), 1(4), 34-48. 14
  13. 13. Torres, L., Pina, V., & Acerete, B. (2006). E‐Governance developments in european union cities: Reshaping Government’s relationship with citizens. Governance, 19(2), 277-302. 14. Tung, L. L., & Rieck, O. (2005). Adoption of electronic government services among business organizations in Singapore. The Journal of Strategic Information Systems, 14(4), 417-440. 15. United Nations (2018). E-Government Survey. New York. Available at: https://publicadministration.un.org/egovkb/portals/egovkb/documents/un/2018- survey/e-government%20survey%202018_final%20for%20web.pdf 16. VEC M (2018). Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2018. Truy cập tại: http://www.vecom.vn/tai-lieu/tai-lieu-trong-nuoc/bao-cao-chi-so-thuong-mai-dien-tu- viet-nam-2018 17. VOV (2018). Thủ tướng: Nếu không xây dựng Chính phủ điện tử, Việt Nam sẽ tụt hậu. Truy cập tại: https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-neu-khong-xay-dung-chinh-phu- dien-tu-viet-nam-se-tut-hau-762205.vov 15
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1