intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

3
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ, đa chiều đối với tất cả các quốc gia, dân tộc; tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, trong đó lĩnh vực y tế là một trọng tâm. Bài viết "Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam" hướng tới làm rõ thực trạng và giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Trong đó, tập trung vào các nội dung như khung lý thuyết về chuyển đổi số, xu hướng công nghệ trên thế giới và Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam

  1. CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC Y TẾ TẠI VIỆT NAM Nguyễn Thị Thu Hiền1 Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ, đa chiều đối với tất cả các quốc gia, dân tộc; tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, trong đó lĩnh vực y tế là một trọng tâm. Bài viết này hướng tới làm rõ thực trạng và giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam. Trong đó, tập trung vào các nội dung như khung lý thuyết về chuyển đổi số, xu hướng công nghệ trên thế giới và Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Từ khóa: Chuyển đổi số lĩnh vực y tế, hồ sơ y tế cá nhân, khám chữa bệnh, cơ sở y tế, lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ, đa chiều đối với tất cả các quốc gia, dân tộc; tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, trong đó lĩnh vực y tế là một trọng tâm. Vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, toàn diện về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là rất cần thiết để toàn bộ hệ thống chính trị và người dân chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng nay, để tạo ra bước phát triển mới cho đất nước, trong đó có ngành Y tế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh, quản lý bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe là xu hướng tất yếu và là mục tiêu quan trọng nhất để phục vụ người dân được tốt hơn. Hệ thống chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin thông suốt, kịp thời, làm công cụ hữu ích cho cải cách hành chính, phục vụ tốt cho người dân, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền số, cơ sở y tế thông minh, quản lý hệ thống nhân lực, nguồn lực; công tác quản lý điều hành; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên môi trường mạng được đảm bảo an ninh, an toàn thông tin là cần thiết và cấp bách trong tình hình hiện nay. 2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế hiện nay đang là xu hướng toàn cầu, mang lại lợi ích to lớn cho các quốc gia, giúp cải thiện chất lượng y tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng tính hiệu quả trong việc khám chữa bệnh, và đồng bộ hóa thông tin y tế. Chính phủ Việt Nam cũng có xu hướng toàn cầu, đã và đang hoàn thiện quá trình chuyển đổi số trong hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe người dân. Nhu cầu ứng dụng công nghệ trong quản lý và chuyên môn y tế là vô cùng cần thiết, đặc biệt là sau dịch COVID-19, hệ thống y tế cơ sở bị ảnh hưởng nặng nề. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe (CSSK) tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu y 1 Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế, Bộ Y tế
  2. 484 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM học. Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đã có rất nhiều nghiên cứu về chuyển đổi số nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện các văn bản để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia; Một số văn bản chính như Thông tư số 27/2021/TT-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử; Thông tư số 04/2022/TT-BYT ngày 12/7/2022 của Bộ Y tế về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017, Thông tư số 18/2018/TT-BYT ngày 22/8/2018 quy định về đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và Thông tư số  27/2021/TT-BYT  ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế về việc quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử; Thông tư số 53/2014/TT-BYT ngày 29/12/2014 của Bộ Y tế quy định điều kiện hoạt động y tế trên môi trường mạng; Thông tư số 48/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 của Bộ Y tế quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Thông tư số 49/2017/TT-BYT ngày 28/12/2017 của Bộ Y tế quy định về hoạt động y tế từ xa; Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12//2017 của Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí về ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Chỉ thị số 12/CT-BYT ngày 02/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; Quyết định số 4888/QĐ-BYT ngày 18/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025. Quyết định số 5316/ QĐ-BYT ngày 22/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Quyết định số 5969/QĐ-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế  phê duyệt về Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Y tế giai đoạn 2021-2025. Quyết định số 2955/QĐ-BYT ngày 28/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định số 3356/ QĐ-BYT ngày 28/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2089/QĐ-BYT ngày 09/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án 06/CP của Bộ Y tế năm 2023; Quyết định số 2491/QĐ-BYT ngày 13/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của Bộ Y tế giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 18/10/2023, Bộ Y tế đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số cuối năm 2023 theo bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tại Quyết định số 3881/QĐ-BYT. Ngày 22/8/2023, Bộ Y tế đã có công văn số 5295/BYT-K2ĐT gửi các đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ, 63 Sở Y tế, y tế các bô/ngành về hướng dẫn, đôn đốc triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06/CP. Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định quản lý dữ liệu về y tế, dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2023.
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 485 Về các nghiên cứu chuyển đổi số trong ngành y tế cũng đã có một số nghiên cứu như: Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam của Nhóm tác giả: TS. Võ Tất Thắng, Trần Thị Phú Duyên, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Nguyễn Minh Hương, Lâm Đặng Song Nguyên, Viện Nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe, Khoa Kinh tế, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước; Chuyển đổi số y tế: nắm bắt xu hướng, chủ động sức khỏe của nhóm tác giả thuộc Học viện Pace, TS. Nguyễn Chí Ngọc (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM) giới thiệu Hệ thống PACS-Cloud ứng dụng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây, đã được triển khai thành công tại các bệnh viện; ThS.BS.CK1. Phạm Ngọc Đoan Trang Bệnh viện Hùng Vương nghiên cứu giới thiệu Hệ thống IoH gồm các mô-đun hỗ trợ cấu hình và thu thập dữ liệu, mô-đun kết nối hỗ trợ việc cấu hình và trực quan hóa dữ liệu, mô-đun thu thập dữ liệu thông qua SMS và nhắc lịch, mô-đun xác thực và phân quyền, mô-đun lưu trữ thông tin định danh, và mô-đun mã hóa và giải mã thông tin định danh. ThS. Nguyễn Thị Bích Điệp Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên nghiên cứu giới thiệu về hệ chuyên gia chẩn đoán bệnh (cho một số bệnh nhiệt đới thường gặp) và dùng kỹ thuật chatbot để triển khai hệ chuyên gia, hỗ trợ tư vấn chẩn đoán bệnh trực tuyến. ThS. Trần Quốc Trung (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) nghiên cứu giới thiệu Giải pháp thiết kế trải nghiệm người dùng dựa trên mô hình UCDC cho ứng dụng y tế điện tử E-doctor, giúp người thiết kế hiểu được người dùng mục tiêu, xác định… Tuy nhiên, các nghiên cứu trên còn tập trung chuyên sâu vào từng khía cạnh chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của ngành y tế, hoặc có phân tích nghiên cứu nhưng chưa mang tính đồng bộ, toàn diện trong vai trò quản lý nhà nước. Do vậy, đối với nghiên cứu này, tác giả đi sâu phân tích thực trạng chuyển đổi số lĩnh vực y tế tại Việt Nam, kinh nghiệm trên thế giới, tập trung nghiên cứu dưới góc độ tổng thể, mang tính hệ thống, cập nhật thực tiễn với vai trò quản lý nhà nước để đánh giá thực trạng, đề xuất các nhóm giải pháp trên góc độ quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam, theo kịp với thời đại và đáp ứng nhu cầu đang ngày một lớn của người dân. 3. KHUNG LÝ THUYẾT VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ Chuyển đổi số (tiếng Anh là Digital transformation) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.​ Chuyển đổi số, ngày càng được phát triển và phổ biến rộng rãi, nó được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau.  Công nghệ chuyển đổi số là việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý nhằm mục đích số hóa và thay đổi cách thức hoạt động, quản lý để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tổ chức. Trọng tâm của chuyển đổi kỹ thuật số là mang lại giá trị đặc biệt cho người sử dụng chứ không chỉ đơn thuần là sử dụng các công nghệ tiên tiến. Chuyển đổi số đã định nghĩa lại cách thức hoạt động của nhiều cá nhân, tổ chức, cụ thể là sự thay đổi về mô hình quản lý từ truyền thống bằng giấy tờ lên hệ thống phần mềm tập trung trực tuyến, từ quy trình miệng thành quy trình tự động hóa, với hệ thống dữ liệu rời rạc thì chuyển đổi số giúp hệ thống dữ liệu có thể liên kết với nhau và quản lý tập trung trên một hệ thống trực tuyến.
  4. 486 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM Chuyển đổi số lĩnh vực y tế được ưu tiên theo Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ bao gồm phát triển nền tảng hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa; thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế. Xây dựng và hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện góp phần cải cách hành chính... Tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho khám chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp xúc bác sỹ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một xu thế lớn hội tụ nhiều công nghệ số hóa đột phá như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ khác để thực hiện siêu kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa vật lý - sinh học, giữa thế giới thực và không gian số để tạo ra lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới, chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống, từ tổ chức kinh doanh, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp xã hội và chính bản thân con người. Những thành phần điển hình của nền công nghiệp cách mạng lần thứ tư bao gồm các công nghệ số như điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (Internet of Thing) và công nghệ thông minh như trí tuệ nhân tạo (AI), rô bốt, thực tế ảo, in 3D,... Các nước đang phát triển phải đối mặt với những thách thức khi chuyển đổi, như năng lực quản trị chưa theo kịp, chính sách pháp luật chưa hoàn thiện, nguồn nhân lực thiếu đào tạo, công nghệ hiện đại nằm chủ yếu ở các nước phát triển, cần có giải pháp ở phạm vi quốc gia và toàn cầu để khắc phục thách thức này. Việt Nam là 1 trong 4 nước đang phát triển tham gia với Thoả thuận chuyển đổi năng lượng công bằng với các nước G7 và nhóm đối tác quốc tế, “bài toán” đặt ra đối với quá trình đàm phán, thực thi các thoả thuận về biến đổi khí hậu là yêu cầu phải đổi mới các thể chế tài chính đa phương, giải quyết mối quan hệ công bằng giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa chính phủ với khối tư nhân, nguồn tài chính bảo đảm lợi ích, hiệu quả kinh tế, bù đắp chi phí đầu tư cho các dự án có mục tiêu dài hạn mang tính toàn cầu. Riêng lĩnh vực chuyển đổi số, Chính phủ sẽ tiên phong và là khách hàng lớn nhất cho các doanh nghiệp số. Chuyển đổi số chỉ thành công khi người dân sử dụng và thụ hưởng lợi ích từ xã hội số, kinh tế số. Bên cạnh đó, rất cần quan tâm đến việc thiết lập chuẩn mực, giá trị văn hoá, đạo đức, ứng xử, an ninh trên môi trường mạng, môi trường ảo, “ánh xạ” của môi trường thực nhưng phức tạp hơn rất nhiều lần. Trao đổi về quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, Giáo sư David Rogers1 cho rằng, lợi ích đem lại cho cả chính phủ, doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội. Đây cũng là xu hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, các nước cần có giải pháp ứng phó phù hợp với các thách thức để cân bằng giữa phát triển sự giao lưu, thương mại trên môi trường số với kiểm soát những tác động, thông tin, ảnh hưởng xấu, độc. Một số xu hướng về công nghệ y tế trên thế giới Chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của các nước phát triển. Theo S&P Global Market Intelligence, chăm sóc 1 GS. David Rogers của Trường Kinh doanh Columbia (Hoa Kỳ) - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi số
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 487 sức khỏe là ngành thu hút đầu tư lớn thứ ba trên thế giới với 60,72 tỷ USD trong năm 2020. Trong đó, các lĩnh vực CSSK thu hút đầu tư lớn nhất đều liên quan đến công nghệ y tế. Một số xu hướng công nghệ y tế đang được triển khai trên thế giới có thể kể đến như sau: Khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine) Từ tên gọi có thể hiểu, phương pháp này cho phép các chuyên gia CSSK đánh giá, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân từ xa bằng công nghệ viễn thông. Thị trường y tế từ xa toàn cầu có quy mô khoảng 45,5, tỷ USD trong năm 2019 và ước đạt 175,5 tỷ USD vào năm 2026. Theo nghiên cứu của McKinsey, tốc độ chấp nhận hình thức chăm sóc sức khỏe mới này tăng từ 11% lên 76% chỉ trong vòng 2 năm. Internet of medical things - IoMT IoMT đang làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt ngành CSSK, với khả năng thu thập, phân tích và truyền dữ liệu sức khỏe thông qua kho lưu trữ đám mây hoặc các máy chủ nội bộ. Goldman Sachs ước tính rằng IoMT sẽ tiết kiệm cho ngành chăm sóc sức khỏe 300 tỷ USD mỗi năm. Thị trường IoMT toàn cầu được định giá 44,5 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ tăng lên 254,2 tỷ USD vào năm 2026. Theo dõi bệnh nhân từ xa (Remote Patient Monitoring - RPM) Theo một nghiên cứu tại Mỹ của Spyglass Consulting Group, các tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang tìm cách đầu tư trong các giải pháp giám sát RPM giúp hỗ trợ những bệnh nhân bị bệnh mãn tính có nguy cơ cao, tình trạng bệnh không ổn định. Cụ thể, 88% trong số được khảo sát đã đầu tư hoặc đang đánh giá các khoản đầu tư vào công nghệ này. Nghiên cứu khác của Johns Hopkins Medicine cũng khẳng định các thiết bị đeo theo dõi hoạt động có thể đo lường hoạt động thể chất và đánh giá rủi ro trong 5 năm chính xác hơn so với các phương pháp truyền thống. Công nghệ thực tế ảo tăng cường (VR&AR) Theo báo cáo của Grand Review Research, quy mô thị trường toàn cầu của công nghệ thực tế tăng cường & thực tế ảo áp dụng trong CSSK đạt giá trị 2,0 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng trưởng với CAGR là 27,2% từ năm 2021 đến năm 2028.  Công nghệ này được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực bao gồm phẫu thuật, chẩn đoán, phục hồi chức năng, đào tạo và giáo dục. Chẳng hạn, Microsoft HoloLens đã hợp tác với Philips Healthcare, nghiên cứu cho ra đời môi trường thực tế hỗn hợp cho phép kết hợp dữ liệu thực tế với hình ảnh y khoa 3D điều khiển bằng nhận dạng giọng nói, theo dõi mắt và các cử chỉ nâng cao. Y học chính xác (Precision medicine supported by AI) Y học chính xác nhằm xác định kiểu hình của những bệnh nhân ít đáp ứng với điều trị hoặc nhu cầu CSSK đặc biệt. Theo Graphical Research Report, tính riêng châu Á Thái Bình Dương, quy mô thị trường này trị giá hơn 11 tỷ USD vào năm 2020, ước tính sẽ đạt CAGR khoảng 12,3% trong giai đoạn 2021-2027. Và AI chính là đòn bẩy giúp thiết kế và tối ưu hóa lộ trình chẩn đoán, can thiệp điều trị và tiên lượng bằng cách sử dụng bộ dữ liệu sinh học đa chiều lớn nắm bắt được sự biến đổi của từng cá thể về gen, chức năng và môi trường.
  6. 488 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 4.1. Khái quát CHUYỂN ĐỔI SỐ trong lĩnh vực y tế Ở VIỆT NAM Tại Việt nam, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường. Đối với ngành Y tế, quá trình chuyển đổi số đã tác động, dẫn đến thay đổi tích cực các hoạt động của ngành y tế. Nghiên cứu này nhằm chỉ ra thực trạng, nguyên nhân và giải pháp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Theo báo cáo của Bộ Y tế, quá trình chuyển đổi số đã tác động tích cực đến các hoạt động của ngành y tế theo ba nhóm nội dung chính: Thứ nhất, tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế, hướng đến cách thức lãnh đạo, quản lý công việc và ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số. Thứ hai, tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi. Thứ ba, tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành Y tế, chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số”. Bộ Y tế đặt chuyển đổi số là một trọng tâm công tác của ngành Y tế; dành ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế. Để thực hiện các mục tiêu này, Bộ Y tế rất cần sự vào cuộc, tập trung nguồn lực, trí tuệ của toàn ngành y tế, của người dân và doanh nghiệp, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, ngày 08-09/11/2023, Hội Quân dân y Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu đổi mới y tế Iverson (Đại học Công nghệ Swinburne, Australia) tổ chức Hội nghị quốc tế về y tế số tại Hà Nội. Hội nghị với sự tham gia của các chuyên gia chuyển đổi số trong nước và các chuyên gia quốc tế đến từ Australia sẽ góp phần tích cực thực hiện mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam. Hội nghị tập trung vào các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng các hoạt động y tế, đặc biệt là tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe và tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dựa trên công nghệ 4.0. Mặt khác, COVID-19 được nhận định là chất xúc tác thúc đẩy lĩnh vực y tế phát triển, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số (CĐS). Cùng với công nghệ giáo dục (Edtech), truyền thông trực tuyến (Online media), công nghệ y tế (Medtech) dự kiến sẽ tạo nên sự bứt phá thu hút đầu tư trong thời gian tới. Theo ông Phạm Tuấn Hà, CEO của Vinalink, công nghệ y tế là một trong những ngành thu hút cộng đồng khởi nghiệp. Trên thế giới, có hơn 6.000 công ty khởi nghiệp và 40 kỳ lân thuộc lĩnh vực công nghệ y tế. Y tế là một trong những ngành được ưu tiên CĐS hàng đầu tại Việt Nam. Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định ngành y tế/
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 489 chăm sóc sức khỏe (CSSK) là một trong những ngành được ưu tiên CĐS hàng đầu. Bên cạnh đó, Quyết định 5316/QĐ-BYT ngày 22/12/2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 cũng đã nêu rõ việc chú trọng triển khai các sáng kiến để cung cấp một trải nghiệm mới hoàn toàn khác trong lĩnh vực y tế, thông qua đó mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.  Nguồn: Bộ Thông tin và truyền thông năm 2022 Đối với công tác CSSK và phòng bệnh, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSK) toàn dân, bảo đảm mỗi người có một HSSK điện tử và thông tin được cập nhật liên tục, cho phép người dân có thể quản lý, tra cứu thông tin sức khỏe của mình. Cùng với đó là việc phát triển các ứng dụng nhắn tin thông báo về thông tin sức khỏe cho người dân trên hệ thống HSSK điện tử. Các hệ thống phần mềm y tế cũng được đốc thúc triển khai trong các bệnh viện nhằm đảm bảo khả năng kết nối liên thông, chia sẻ tích hợp dữ liệu, tạo tiền đề cho việc nâng cao khả năng tự động hóa. Song song đẩy mạnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử, khám chữa bệnh từ xa và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc khám chữa bệnh. Ông Khổng Văn Đông, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế số thuộc Viettel Business Solutions, cho biết y tế sẽ là ngành CĐS nhanh nhất so với các ngành khác vì nhiều lý do: Thứ nhất, nhận thức, khát vọng của lãnh đạo ngành y tế về CĐS rất rõ ràng thông qua các diễn đàn và các chương trình, chính sách thúc đẩy. Bộ Y tế đã ban hành Chương trình CĐS của ngành, đã triển khai nhiều chương trình như Telehealth, khai báo, truy vết và tiêm chủng toàn diện mức quốc gia...
  8. 490 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM Thứ hai là với dịch COVID-19, cuộc sống bình thường mớ đang đặt ra yêu cầu cấp bách i về CĐS cho ngành, thay đổi toàn diện về phương thức cung cấp dịch vụ, hành vi của người dân... Thứ ba, sự dịch chuyển mạnh mẽ từ mô hình Bệnh viện truyền thống sang mô hình bệnh viện Internet, bệnh viện tại nhà, bệnh viện số đang được hầu hết các cơ sở y tế quan tâm, đặc biệt là bệnh viện tuyến Trung ương.  Thứ tư, công nghệ đã sẵn sàng cho CĐS y tế, như công nghệ lưu trữ đám mây; phân loại, tầm soát sàng lọc bằng AI; phân tích mô hình bệnh tật dựa trên Big data, xác thực dựa trên Blockchain... Và cuối cùng, dân số già, tầng lớp thượng lưu tăng nhanh, mở rộng hệ thống bệnh viện, bảo hiểm dẫn đến nhu cầu dịch vụ y tế lớn. Người dân chủ động thăm khám, điều trị và CSSK, được chăm sóc theo hướng cá nhân hóa.  4.2. Những thuận lợi, khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực y tế 1. Thuận lợi - Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách, chiến lược, văn bản pháp quy tạo hành lang pháp lý, thuận lợi, ưu tiên nguồn lực chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. - Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, khoa học, quyết liệt công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. - Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế, từ trung ương đến địa phương, nhận thức rõ vai trò của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, đối với công tác y tế, với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ nhân dân và tích cực tham gia các hoạt động này. - Người dân, người bệnh tích cực hưởng ứng, tham gia hoạt động chuyển đổi số trong ngành y tế. - Đại dịch COVID-19 vừa gây ra các khó khăn, đồng thời cũng đặt ra các yêu cầu, tạo động lực cho việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. 2. Khó khăn - Nguồn lực cho việc tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là nhân lực và kinh phí. Thách thức lớn nhất khi chuyển đổi số trong y tế đó là thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Một sinh viên được đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung cần thời gian dài công tác trong các đơn vị y tế mới có thể hiểu được tính chất, nhiệm vụ cũng như triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị khám, chữa bệnh. Phòng công nghệ thông tin hầu như chỉ có tại các bệnh viện tuyến TW và các bệnh viện có quy mô giường bệnh lớn. Còn đối với các bệnh viện nhỏ tại tuyến huyện, xã chỉ có các tổ bộ phận công nghệ thông tin. Những người đang thực hiện điều hành công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh nhỏ hiện nay, chủ yếu chỉ hiểu về công nghệ thông tin chung, không chuyên sâu về công nghệ chuyển đổi số. 
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 491 - Cơ chế để tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là cơ chế đối với ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, đã được cải thiện nhiều, nhưng vẫn còn có những điểm bất cập, trong bối cảnh nhu cầu tăng cao, thay đổi nhanh chóng của người dân, của công tác quản lý, điều hành, của mọi mặt đời sống đối với ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. - Lĩnh vực y tế đặt ra những bài toán rộng, khó đối với việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. - Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành y tế phải dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. - Hạ tầng CNTT ngành Y tế chưa đáp ứng đầy đầy đủ yêu cầu của công tác chuyển đổi số. - Ứng dụng AI mang lại cho ngành Y tế nhiều khó khăn, thách thức như về khía cạnh pháp lý: Trách nhiệm pháp lý khi khám chữa bệnh có sự hỗ trợ, can thiệp của AI, nhất là khi có thiệt hại xảy ra do lỗi của hệ thống; thách thức về pháp lý khi thu thập dữ liệu cá nhân từ các nguồn khác nhau; về thách thức từ yếu tố công nghệ: Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ lõi AI. Đội ngũ nhân lực AI của Việt Nam còn chưa mạnh; chưa hình thành đội ngũ nhân lực, nhất là chuyên gia AI, trong lĩnh vực y tế. 3. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân - Việc xây dựng các dự án thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số do Chính phủ giao cho Bộ Y tế cơ bản mang tính bị động; nguyên nhân chủ quan chủ yếu là thiếu một quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số y tế, được cập nhật với các yêu cầu mới về chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở đánh giá và đề xuất các hạng mục cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin của các dự án. - Khó khăn trong việc xác định và thực hiện giải pháp kỹ thuật để đáp ứng các nhiệm vụ chuyển đổi số y tế xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan khác là: + Trong thời gian vừa qua, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai rời rạc thiếu kết nối, liên thông; các cơ sở dữ liệu không bao gồm đầy đủ các nhóm dữ liệu cần cho quản lý chuyên ngành; + Các hệ thống thông tin chủ yếu khai thác dữ liệu báo cáo nhập tay, chưa có các hệ thống thông tin quản lý tổng thể nghiệp vụ đối với từng lĩnh vực chuyên ngành y tế, vì vậy không quản lý được đầy đủ vòng đời, bảo đảm dữ liệu “đúng-đủ-sạch-sống”; việc nâng cấp các hệ thống và khai thác dữ liệu theo yêu cầu phát sinh là phụ thuộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, trong khi thiếu quy chế quản lý vận hành khai thác làm căn cứ thực hiện vai trò chủ quản của Bộ Y tế đối với các hệ thống thông tin chuyên ngành. - Hạ tầng kỹ thuật về thiết bị máy chủ, lưu trữ, mạng kết nối và bảo đảm an toàn thông tin mạng chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai các giải pháp kỹ thuật thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số y tế, việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng bị thiếu hụt và không đồng bộ do các nguyên nhân chủ quan và khách quan. - Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện hoạt động chuyển đổi số chậm và kém chất lượng, nguyên nhân do các đơn vị được giao chủ trì còn lúng túng trong thực hiện, trong khi kinh phí dành cho hoạt động chuẩn bị đầu tư chưa được ưu tiên phân bổ.
  10. 492 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM - Chuyển đổi số y tế, đặc biệt việc hình thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, thiếu sự tham gia của các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các Bộ, ngành; nguyên nhân chủ yếu do phần lớn các bệnh viện thiếu kinh phí thực hiện đầu tư tổng thể, đồng bộ hạ tầng và các hệ thống thông tin tại bệnh viện, trong khi công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trong thời gian qua có nhiều hạn chế. 4.3. Giải pháp chuyển đổi số lĩnh cực y tế tại Việt Nam Ngày 13/6/2023, Bộ Y tế đã ký Quyết định số 2491/QĐ-BYT về việc phê duyệt đề án thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của Bộ Y tế giai đoạn 2023-2025, định hương đến năm 2030. Với mục tiêu tổng quát của đề án là hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế, trên cơ sở từng bước xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành y tế và các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành, kết nối liên thông đáp ứng yêu cầu về các nhóm dữ liệu tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Y tế phiên bản 2.1; Hoàn thành các mục tiêu và chỉ tiêu chuyển đổi số y tế giai đoạn 2023-2025, trên cơ sở hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế, kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và thúc đẩy phát triển, sử dụng các nền tảng số y tế. Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, chuyển đổi số lĩnh vực y tế tại Việt Nam cần có những giải pháp thích hợp đáp ứng thực tiễn trong quá trình chuyển đổi số của thế giới và đa quốc gia, cụ thể tác giả đề xuất bốn nhóm giải pháp sau: a) Nhóm giải pháp về hành lang pháp lý: Tạo hành lang pháp lý, cơ chế thông thoáng, tạo thuận lợi cho triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Xây dựng, cập nhật, ban hành kịp thời căn cứ pháp lý trong xây dựng, bảo trì, vận hành hệ thống thông tin, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số y tế, phần mềm nội bộ, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong ngành y tế. b) Nhóm giải pháp về nhân lực: Có chế độ đãi ngộ, đào tạo và thu hút phát triển nguồn nhân lực CNTT, nhất là nhân lực về an toàn thông tin giúp cho các cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp có thể đảm đương được trọng trách chuyển đổi số nhằm phát triển, đổi mới sáng tạo trong môi trường số y tế. c) Nhóm giải pháp về tài chính: Cần đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư cho các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế, an toàn thông tin, đặc biệt cần có cơ chế chính sách về tài chính, về đầu tư cho lĩnh vực chuyển đổi số, không những thu hút, huy động được nguồn vốn đầu tư trong nước, nước ngoài mà còn sử dụng hợp pháp nguồn lực tài chính trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực y tế. d) Nhóm giải pháp về kỹ thuật: - Xây dựng một quy hoạch tổng thể, đồng bộ để phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số y tế. - Hình thành kho dữ liệu và xây dựng các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý trang thiết bị y tế phục vụ quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế.
  11. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM 493 - Xây dựng và phát triển các nền tảng số y tế gồm xây dựng và phát triển nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, xây dựng và phát triển nền tảng quản lý tiêm chủng. Nền tảng trạm y tế xã bao gồm triển khai thành công và hiệu quả việc sử dụng phần mềm quản lý toàn diện các hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn. Nền tảng quản lý đơn thuốc điện tử, nền tảng xét nghiệm: Xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng quản lý xét nghiệm thống nhất trên toàn quốc. Các kết quả xét nghiệm trong hồ sơ bệnh án điện tử được công nhận lẫn nhau giữa các cơ sở khám, chữa và đảm bảo hạ tầng và an toàn thông tin cho ngành y tế. 5. KẾT LUẬN Bài viết nghiên cứu thực trạng và giải pháp chuyển đổi số lĩnh vực y tế để đưa ra các nhóm giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, toàn diện các chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để toàn bộ hệ thống chính trị và người dân chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng này, để tạo ra bước phát triển mới cho đất nước về lĩnh vực Y tế. COVID-19 đã tạo ra các điều kiện để thúc đẩy đổi mới sức khỏe trực tuyến trên toàn thế giới và truyền cảm hứng cho sự tiến bộ chưa từng thấy để các quốc gia thực hiện chuyển đổi số y tế. Quá trình chuyển đổi số y tế sẽ đồng bộ trong tương lai gần, từ việc phát triển hệ thống khám bệnh từ xa đến xây dựng các phần mềm chăm sóc sức khỏe điện tử. Kế hoạch chuyển đổi số y tế với vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua việc theo dõi được lối sống, tình trạng và triệu chứng của người bệnh. Dù tồn tại nhiều khó khăn, thách thức nhưng tìm ra giải pháp phù hợp thì quá trình chuyển đổi số trong y tế vẫn đem lại những tác động tích cực tới chất lượng hoạt động khám chữa bệnh và cả trong quá trình quản lý. Cụ thể như nâng cao hiệu quả quản lý bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, cung cấp dịch vụ y tế mọi lúc, mọi nơi, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời, việc ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) có thể là vấn đề phát sinh mới trong thời gian tới trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt ứng dụng AI trong ngành Y tế đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ tại các nước phát triển, tạo ra cơ hội tiếp cận các ứng dụng AI cho lĩnh vực Y tế Việt Nam. AI có thể xử lý khối lượng lớn công việc, với dữ liệu lớn, nhiều vấn đề hơn cũng như có thể đưa ra những phân tích và dự đoán chính xác hơn. Trong ngành Y tế, AI không những được ứng dụng phục vụ người bệnh (đón tiếp, vận chuyển, …), quản lý, chấn đoán, mà còn ảnh hưởng sâu sắc, thay đổi phương thức điều trị, can thiệp. Do vậy, cần tập trung theo bốn nhóm giải pháp nêu trên để không những tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia chuyển đổi số, mà còn làm “bà đỡ”, làm động lực cho việc chủ động tham gia, góp phần tích cực đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó các chính sách, cơ chế về tài chính, về đầu tư không những thu hút, huy động được nguồn vốn mà còn sử dụng được nguồn vốn theo yêu cầu, nhu cầu thay đổi, phát triển nhanh chóng phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền “biết - hiểu - đồng thuận - tự nguyện - lan tỏa” để cùng thống nhất phương châm 7 phấn đấu của chuyển đổi số là “nhận thức đầy đủ - tầm nhìn dài hạn - tư duy sáng tạo - giải pháp thông minh - hành động quyết liệt - kết quả thực chất - phục vụ nhân dân”.
  12. 494 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC CHUYỂN ĐỔI SỐ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ (Đề án 06); 2. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025; 3. Quyết định 5316/QĐ-BYT ngày 20/12/2020 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; 4. Quyết định 2491/QĐ-BYT ngày 13/6/2023 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của Bộ Y tế giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; 5. Quyết định số 5316/QĐ-BYT ngày 22/12/2020 của Bộ Y tế về việc Phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; 6. Quyết định số 2955/QĐ-BYT ngày 28/10/2022 của Bộ Y tế phát triển nền tảng số y tế thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia; 7. Quyết định số 2491/QĐ-BYT ngày 13/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của Bộ Y tế giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 8. Báo cáo tình hình thực hiện chuyển đổi số trong thời gian qua của Bộ Y tế; 9. Chuyển đổi số ngành y tế: Xu hướng công nghệ, Bộ Thông tin truyền thông; 10. Chuyển Đổi Số Trong Lĩnh Vực Y Tế Ở Việt Nam. Nhóm tác giả: TS. Võ Tất Thắng, Trần Thị Phú Duyên, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Nguyễn Minh Hương, Lâm Đặng Song Nguyên, Viện Nghiên cứu chính sách Nông nghiệp và Sức khỏe, Khoa Kinh tế, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước. 11. Chuyển đổi số y tế: nắm bắt xu hướng, chủ động sức khỏe: Học viện Pace
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2