TRƯỜNG ĐẠI HỌC AN GIANG<br />
KHOA VĂN HÓA NGHỆ THUẬT<br />
BỘ MÔN LÝ LUẬN VĂN HÓA<br />
<br />
ĐỀ TÀI NCKH CẤP TRƯỜNG<br />
<br />
NGHỆ THUẬT CHƠI CHỮ<br />
TRONG CÂU ĐỐ DÂN GIAN<br />
NGƯỜI VIỆT<br />
<br />
Chủ nhiệm đề tài: TRƯƠNG CHÍ HÙNG<br />
<br />
THÁNG 02 NĂM 2009<br />
<br />
LỜI CẢM ƠN<br />
Tôi chân thành cảm ơn:<br />
- Ban Giám hiệu Trường Đại học An Giang;<br />
- Ban Chủ nhiệm Khoa Văn hóa nghệ thuật;<br />
- Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế;<br />
- Quý thầy cô cùng bạn bè đồng nghiệp đã quan tâm hỗ trợ và tạo điều<br />
kiện cho tôi hoàn thành đề tài này.<br />
Tôi đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn đối với Thạc sĩ Trần Tùng Chinh,<br />
người đã động viên và có những ý kiến đóng góp quý báu cho tôi trong quá<br />
trình thực hiện đề tài.<br />
Một lần nữa, xin chân thành tri ân.<br />
Long Xuyên, tháng 02/2009<br />
Trương Chí Hùng<br />
<br />
NGHỆ THUẬT CHƠI CHỮ TRONG CÂU ĐỐ DÂN GIAN<br />
NGƯỜI VIỆT<br />
Trương Chí Hùng<br />
TÓM TẮT<br />
Đề tại tập trung nghiên cứu nghệ thuật chơi chữ trong câu đố dân gian người Việt. Trên<br />
cơ sở đó, chúng tôi tiến hành so sánh với chơi chữ trong ca dao dân ca và trong văn học viết. Qua<br />
quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy chơi chữ trong câu đố dân gian người Việt vận dụng hầu<br />
hết các tiềm năng ngôn ngữ đồng thời vận dụng linh hoạt các phương thức chơi chữ dựa vào cứ<br />
liệu ngoài văn bản (cứ liệu văn học). Về mục đích, chơi chữ trong câu đố chỉ nhằm một mục<br />
<br />
đích cuối cùng là làm ẩn đi vật đố, đánh lạc hướng tư duy, suy luận logic của đối tượng<br />
giải đố. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, có thể xem chơi chữ trong câu đố là một cách thức<br />
thể hiện ý thức thẩm mỹ cộng đồng, sự tôn trọng vốn ngôn ngữ tiếng Việt. Đồng thời, qua<br />
chơi chữ trong câu đố phần nào cho ta thấy rõ hơn tính dí dỏm, óc khôi hài của các tác giả<br />
dân gian. Đóng góp của nghệ thuật chơi chữ đã phần nào tạo nên tính hấp dẫn, thú vị,<br />
chất trí tuệ cho câu đố dân gian.<br />
ABSTRACT<br />
This research focuses on the the art of word play in Vietnamese’s folk puzzles. Basing on<br />
that, we carry out a comparition between Vietnamese’s folk puzzles and that in folks songs, folk<br />
poems and written literature. Through the survey, we notice that Vietnamese folk puzzles use<br />
amost all of the language’s potential as well as make flexible use of word-play techniques which<br />
are based on text-external data (literature data). On one hand, word play in puzzles only aims at<br />
hiding the target of the puzzle or distract people’s logical thought. On the other hand, word play is<br />
also considered a way of expressing aesthetic sense or respect of Vietnamese language. At the<br />
same time, we can have a clearer look at folk authors’ sense of humor. The contribution of word<br />
play art, in certain extent, forms and increases the interest and intelligence to folk puzzles.<br />
1 - ĐẶT VẤN ĐỀ:<br />
Trong kho tàng văn học dân gian người Việt, câu đố dân gian chiếm số lượng khá lớn. Nó<br />
phản ánh một cách phong phú thế giới quan cũng như những nhận thức của nhân dân về các hiện<br />
tượng tự nhiên, xã hội. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy một bộ phận khá lớn câu đố có sử dụng<br />
nghệ thuật chơi chữ. Thiết nghĩ, việc khảo sát, giải mã đặc trưng của nghệ thuật chơi chữ trong<br />
câu đố dân gian chắc hẳn có ý nghĩa trực tiếp đến quá trình tiếp cận, khám phá cái hay, cái đẹp<br />
của thể loại Folklore này. Chính vì vậy, chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài “Nghệ thuật chơi chữ<br />
trong câu đố dân gian người Việt”.<br />
2 - MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU:<br />
- Thứ nhất, tiếp tục làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến khái niệm về câu đố dân gian<br />
người Việt cũng như các khái niệm đề cập đến nghệ thuật chơi chữ.<br />
- Thứ hai, tiến hành tập hợp những câu đố dân gian có sử dụng nghệ thuật chơi chữ trong<br />
kho tàng câu đố dân gian người Việt thành bảng phụ lục. Phân loại, khảo sát những kiểu dạng<br />
chơi chữ một cách hệ thống.<br />
- Thứ ba, tiến hành so sánh về đặc trưng, kiểu dạng chơi chữ trong câu đố dân gian người<br />
Việt với đặc trưng, kiểu dạng chơi chữ trong văn học viết để từ đó có những đúc kết, những nhận<br />
định khoa học về đối tượng nghiên cứu.<br />
3 - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:<br />
- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết<br />
- Phương pháp thống kê<br />
- Phương pháp so sánh<br />
- Phương pháp phân tích, tổng hợp<br />
<br />
4 - NỘI DUNG NGHIÊN CỨU:<br />
4.1 Các hình thức chơi chữ trong câu đố dân gian người Việt:<br />
Qua quá trình khảo sát, chúng tôi đã tập hợp được 312 câu đố dân gian người Việt có sử<br />
dụng nghệ thuật chơi chữ. Chơi chữ trong câu đố dân gian vận dụng hầu hết các tiềm năng ngôn<br />
ngữ tiếng Việt. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các kiểu dạng chơi chữ trong từng cấp độ là không<br />
đều. Chúng tôi nhận thấy có 373 lượt chơi chữ trong câu đố với những cấp độ khác nhau (mỗi câu<br />
đố xuất hiện ở một cấp độ được tính là một lượt). Cụ thể:<br />
Cấp độ ngôn ngữ<br />
<br />
Số lượt (373)<br />
<br />
Tỉ lệ (100%)<br />
<br />
Ngữ âm và chữ viết<br />
<br />
156<br />
<br />
41,8%<br />
<br />
Từ vựng, ngữ nghĩa<br />
<br />
86<br />
<br />
23,1%<br />
<br />
Ngữ pháp<br />
<br />
23<br />
<br />
6,2%<br />
<br />
Nói lái<br />
<br />
28<br />
<br />
7,5%<br />
<br />
Cứ liệu ngoài văn bản<br />
<br />
80<br />
<br />
21,4%<br />
<br />
4.1.1 Chơi chữ bằng phương tiện ngữ âm và chữ viết:<br />
Theo số liệu trên, chơi chữ bằng phương tiện ngữ âm và chữ viết có mật độ xuất hiện<br />
khá lớn (156 lượt, chiếm 41,8%). Bao gồm:<br />
- Chơi chữ bằng cách nhại, mô phỏng âm thanh:<br />
Vd: Rù rì, rủ rỉ, rù ri<br />
Chồng chồng, vợ vợ, tù ti tù tì<br />
Thế gian mấy kẻ so bì<br />
Ngẫm mà hổ thẹn tu mi liễu bồ. Là con gì?<br />
(Đáp: Con chim cu)<br />
- Chơi chữ bằng cách điệp âm:<br />
Vd:<br />
<br />
Bùng bình bùng bình bầu,<br />
Cái răng ở dưới, cái đầu ở trên. Là cái gì?<br />
(Đáp: Cái nơm)<br />
<br />
- Chơi chữ bằng cách dùng từ cùng âm:<br />
Vd: Mồm bò1, không phải mồm bò2 mà là mồm bò3. Là gì?<br />
(Đáp: Con ốc)<br />
- Chơi chữ bằng cách chiết tự:<br />
+ Chơi chữ bằng hình thức chiết tự chữ Hán:<br />
Vd:<br />
<br />
Bà thổ đi chợ dã<br />
Không ai rõ mua thứ gì. Là chữ gì?<br />
(Đáp: chữ địa )<br />
<br />
+ Chơi chữ bằng cách chiết tự chữ Việt:<br />
Vd:<br />
<br />
Hai em cộng với hai anh<br />
Cùng nhau ghép lại thì thành con chim. Là con gì?<br />
(Đáp: Chim manh manh)<br />
<br />
- Chơi chữ bằng cách chen lớp từ ngữ thuộc ngôn ngữ khác với ngôn ngữ đang dùng:<br />
Vd: Lưng tròn vành vạnh đít bảnh bao<br />
Mân mân mó mó đút ngay vào<br />
Thủy hỏa âm dương sôi sùng sục<br />
Âm dương nhị khí sướng làm sao. Là gì?<br />
(Đáp: Người hút thuốc lào)<br />
Có thể thấy, việc chơi chữ bằng các phương tiện ngữ âm và chữ viết xuất hiện phong phú<br />
trong câu đố dân gian. Điều này có thể lý giải bởi các nguyên nhân: Thứ nhất, do cấu trúc của câu<br />
đố thường ngắn gọn, súc tích nên thuận tiện cho việc vận dụng phương tiện chơi chữ này. Thứ<br />
hai, hình thức diễn xướng của các tác phẩm Folklore nói chung và câu đố nói riêng là qua truyền<br />
miệng. Do vậy, việc vận dụng các hình thức chơi chữ bằng phương tiện ngữ âm, chữ viết sẽ khai<br />
thác tốt vỏ âm thanh của ngôn ngữ, góp phần làm cho quá trình diễn xướng câu đố trở nên hấp<br />
dẫn, sinh động, thu hút hơn. Mặt khác, các phương tiện ngữ âm, chữ viết khiến cho câu đố trở nên<br />
hóc búa, đánh lạc hướng logic tư duy của đối tượng giải đố. Vì vậy, phương tiện này được tác giả<br />
dân gian vận dụng một cách phổ biến.<br />
4.1.2 Chơi chữ bằng phương tiện từ vựng, ngữ nghĩa: xuất hiện khá nhiều trong câu đố<br />
(86 lượt, chiếm 23,1%). Chúng tôi chia ra thành các tiểu dạng như sau:<br />
- Chơi chữ bằng cách sử dụng từ cùng nghĩa:<br />
Vd:<br />
<br />
Một lần mà tởn tới già<br />
Đừng đi nước mặn mà hà ăn chưn. Là gì?<br />
(Đáp: Con kinh)<br />
<br />
- Chơi chữ bằng cách sử dụng từ trái nghĩa:<br />
Vd :<br />
<br />
Mình lành mà tiếng chẳng lành<br />
Dạ sâu tiếng cạn, thực hành mà xem. Là gì?<br />
(Đáp: Cái bể cạn)<br />
<br />
- Chơi chữ bằng cách sử dụng từ cùng trường nghĩa:<br />
Vd:<br />
<br />
Đầu đội Giáp Ất<br />
Miệng ngậm Bính Đinh<br />
Cổ đeo Canh Tân<br />
Bụng mang Nhâm Quí<br />
Thân là Mậu Kỷ. Là cái gì?<br />
(Đáp: Cái ống điếu)<br />
<br />
- Chơi chữ bằng cách sử dụng từ lệch nghĩa:<br />
Vd :<br />
<br />
Hai bảy mười bốn thường mà<br />
Đố anh hai bảy mười ba là gì ?<br />
(Đáp : Năm nhuận hai tháng bảy)<br />
<br />
Trong câu đố dân gian, chơi chữ bằng phương tiện từ vựng, ngữ nghĩa cũng xuất hiện<br />
khá nhiều. Có thể thấy, về mặt cấu trúc, câu đố hoàn toàn thuận tiện cho phương tiện chơi chữ<br />
này. Xét về chức năng, chơi chữ bằng phương tiện từ vựng, ngữ nghĩa mang đến cho câu đố<br />
những sắc thái ý nghĩa, những giá trị hết sức thiết thực. Chính vì vậy, mật độ xuất hiện của<br />
phương tiện chơi chữ này khá phổ biến trong câu đố dân gian.<br />
4.1.3 Chơi chữ bằng phương tiện ngữ pháp :<br />
<br />