ĐỀ THI HỌC KỲ 1 NĂM 2013<br />
<br />
ĐỀ SỐ 2<br />
<br />
MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 12<br />
Thời gian: 90 phút<br />
<br />
Câu 1 (2 điểm): Trình bày sơ lược đặc điểm phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh.<br />
Câu 2 (3 điểm): Anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn (không quá 300 từ) trình bày ý kiến<br />
của mình về quan niệm “Thầy là phù sa lặng lẽ”.<br />
Câu 3 (5 điểm): Phân tích hình tượng con sông Đà trong tuỳ bút “Người lái đò sông<br />
Đà” của Nguyễn Tuân.<br />
<br />
ĐÁP ÁN<br />
Câu 1 (2 điểm): Trình bày sơ lược đặc điểm phong cách nghệ thuật của Hồ Chí<br />
Minh.<br />
- Phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh là một phong cách độc đáo, đa dạng, ở mối thể<br />
loại văn học đều thể hiện phong cách riêng, hấp dẫn - (0.5 điểm).<br />
- Cụ thể - (1.5 điểm):<br />
+ Văn chính luận: ngắn gọn, tư duy sắc sảo, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng<br />
thuyết phục, giàu tính luận chiến, bút pháp đa dạng (0.5 điểm).<br />
+ Truyện và ký: hiện đại, tính chiến đấu mạnh mẽ, nghệ thuật trào phúng vừa sắc bén,<br />
thâm thuý (phương Đông ), vừa trí tuệ, hóm hỉnh (phương Tây) (0.5 điểm).<br />
+ Thơ ca: thơ tuyên truyền giản dị mộc mạc, màu sắc dân gian hiện đại, dễ nhớ, dễ thuộc;<br />
thơ nghệ thuật hàm súc, có sự kết hợp giữa bút pháp cổ điển và hiện đại, chất trữ tình và<br />
tính chiến đấu (0.5 điểm).<br />
Câu 2 (3 điểm): Anh (chị) hãy viết một bài văn ngắn (không quá 300 từ) trình bày ý<br />
kiến của mình về quan niệm “Thầy là phù sa lặng lẽ”.<br />
HS biết làm một bài văn nghị luận xã hội (không quá 300 từ) trình bày ý kiến của mình<br />
trước một quan niệm về người thầy. Từ đó, khẳng định tính đúng đắn của quan niệm, rút<br />
ra bài học thực tiễn bổ ích trong quan hệ thầy trò, biết điều chỉnh thái độ và hành vi để tỏ<br />
rõ lòng tôn sư trọng đạo.<br />
- Giải thích (1.5 điểm):<br />
+ Thầy: là người có đủ năng lực, tài trí, nhân cách để dìu dắt, nâng đỡ, chỉ dẫn người học<br />
trên con đường chinh phục tri thức, khai mở tâm trí, bồi dưỡng tâm hồn…<br />
+ Thầy là phù sa lặng lẽ: trong sự nghiệp giáo dục (sự nghiệp “trồng người”), người thầy<br />
xưa hay nay vẫn luôn miệt mài, âm thầm, khiêm tốn đem hết tài năng và tâm huyết để<br />
dạy dỗ học sinh nên người, để học trở thành những công dân có ích cho xã hội (như phù<br />
sa lặng lẽ bồi đắp cho cây trái tốt tươi, ruộng đồng trù phú).<br />
- Bình luận (1.5 điểm):<br />
+ Nhận xét: Cách nói trên gợi liên tưởng mới mẻ, xác đáng, thể hiện thái độ trân trọng<br />
đối với phẩm chất, sứ mệnh, công lao khó nhọc cũng như sự hi sinh cao cả của người<br />
thầy.<br />
<br />
+ Liên hệ thực tế: Dẫn chứng về những biểu hiện quan hệ tốt đẹp trong văn hoá giao tiếp<br />
giữa thầy và trò xưa – nay (nếu dẫn chứng những biểu hiện chưa tốt đẹp thì cũng phải<br />
nêu ý kiến để bác bỏ).<br />
+ Rút ra bài học cho bản thân: Mỗi học sinh, mỗi người và toàn xã hội đều phải biết ơn<br />
thầy cô giáo trong tư tưởng, thái độ và trong hành động.<br />
Câu 3 (5 điểm): Phân tích hình tượng con sông Đà trong tuỳ bút “Người lái đò sông<br />
Đà” của Nguyễn Tuân.<br />
- Yêu cầu về kỹ năng:<br />
HS biết làm bài văn nghị luận văn học, kết cấu bài viết chặt chẽ, biết dùng từ, đặt câu,<br />
diễn đạt lưu loát, mạch lạc, bố cục cân đối, trình bày bài viết rõ ràng, tôn trọng người<br />
đọc.<br />
- Yêu cầu về kiến thức:<br />
Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Nguyễn Tuân và tùy bút Người lái đò Sông Đà, HS biết<br />
cách chọn, phân tích những chi tiết tiêu biểu để làm nổi bật hình tượng Sông Đà. Bài viết<br />
có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, song cần nêu bật được những ý sau :<br />
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân và tùy bút “Người lái đò Sông Đà”;<br />
khẳng định Sông Đà là một trong hai hình tượng trung tâm, xuyên suốt thiên tùy bút, kết<br />
tinh những nét bút tài hoa nhất của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật tả cảnh, trong cách<br />
nhìn sự vật ở phương diện văn hóa mỹ thuật (1.0 điểm).<br />
- Phân tích hình tượng sông Đà trong đoạn trích được học ở SGK Ngữ văn 12 – Cơ<br />
bản:<br />
- Sông Đà hiện lên qua nhãn quan nghệ sĩ của Nguyễn Tuân như một sinh thể có hồn với<br />
hai nét tính cách đối lập mà thống nhất, vừa hung bạo lại vừa trữ tình. Tương ứng với hai<br />
nét tính cách ấy là hai bút pháp miêu tả hết sức tài hoa của Nguyễn Tuân (3.0 điểm). Cụ<br />
thể:<br />
+ Vẻ hung bạo, dữ dằn của dòng sông chủ yếu hiện lên qua bút pháp đặc tả, gần với<br />
lối quay cận cảnh trong điện ảnh, với một hệ thống chi tiết tiêu biểu, đặc sắc, những liên<br />
tưởng, so sánh độc đáo và một hệ thống ngôn từ góc cạnh, gây ấn tượng mạnh, giàu chất<br />
điện ảnh có nhịp điệp uyển chuyển biết co duỗi nhịp nhàng... (chú ý các chi tiết: cảnh đá<br />
bờ sông dựng vách thành; cảnh mặt ghềnh Hát Loóng, hình ảnh những cái hút nước, âm<br />
thanh tiếng thác nước, những thạch trận, phòng tuyến sẵn sàng “ăn chết” con thuyền và<br />
người lái, cuộc thủy chiến giữa ông đò Lai Châu với thác nước Đà giang...). Tất cả đã<br />
góp phần làm nổi bật hình tượng dòng sông “có diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số<br />
một” thử thách trí lực, tài năng của con người - (1.5 điểm)<br />
<br />
+ Vẻ trữ tình thơ mộng của dòng sông lại chủ yếu hiện lên qua lối tả bao quát, gần<br />
với lối quay viễn cảnh trong điện ảnh, cùng những liên tưởng, so sánh bất ngờ mà táo bạo<br />
đầy chất thơ, gợi nhiều liên tưởng ở người đọc... (chú ý các hình ảnh: “con sông Đà tuôn<br />
dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình...” với vẻ đẹp duyên dáng gợi cảm đầy nữ tính ; sự<br />
đổi thay của sắc nước sông Đà qua các mùa; cách ví sông Đà hiền hoà thân thiết như<br />
một cố nhân, với những quãng sông yên ả mà bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, hồn<br />
nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa… và cách diễn tả những niềm khoái cảm thẩm mĩ<br />
khác nhau của Nguyễn Tuân mỗi lần gặp lại con sông Tây Bắc...) - (1.5 điểm).<br />
- Kết luận về ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật:<br />
+ Bằng tình yêu thiết tha đối với thiên nhiên đất nước, bằng những cảm nhận tinh tế,<br />
sự trải nghiệm sâu sắc và ngòi bút tài hoa uyên bác, Nguyễn Tuân đã làm thăng hoa cho<br />
vẻ đẹp và những giá trị của con sông Đà - chất vàng mười của thiên nhiên miền cực Tây<br />
Tổ Quốc mà Nguyễn Tuân luôn khao khát kiếm tìm (0,5 điểm).<br />
+ Hình tượng sông Đà vừa là biểu tượng cho vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, vừa<br />
như một cái nền để tôn vinh vẻ đẹp con người, kết tinh những nét bút tài hoa nhất trong<br />
phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân và thể hiện một quan niệm nghệ thuật độc đáo của<br />
ông: thiên nhiên cũng là một tác phẩm nghệ thuật vô song của tạo hoá - (0.5 điểm).<br />
<br />