intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Du lịch Việt Nam cần giải quyết thật tốt mối quan hệ toàn cầu hóa và địa phương hóa để phát triển bền vững

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:5

24
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Du lịch Việt Nam cần giải quyết thật tốt mối quan hệ toàn cầu hóa và địa phương hóa để phát triển bền vững trình bày những đóng góp nổi bật của ngành du lịch tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập; Những tiêu cực trong bối cảnh toàn cầu hóa đối với ngành du lịch của Việt Nam; Một số giải pháp thúc đẩy mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và địa phương hóa trong du lịch Việt Nam nhằm phát triển bền vững.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Du lịch Việt Nam cần giải quyết thật tốt mối quan hệ toàn cầu hóa và địa phương hóa để phát triển bền vững

  1. DU LỊCH VIỆT NAM CẦN GIẢI QUYẾT THẬT TỐT MỐI QUAN HỆ TOÀN CẦU HÓA VÀ ĐỊA PHƯƠNG HÓA ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Trần Quang Nam(*) Lê Thành Trung(*) VIETNAM TOURISM NEED TO SOLVE THE RELATIONSHIP BETWEEN GLOBALIZATION AND LOCALIZATION EFFECTIVELY IN ORDER TO GAIN SUSTAINABLE DEVELOPMENT Abstract Globalization and localization seem to be contrary. In tourism, developing countries, such as Viet Nam, are taking advantages of globalization to develop economy and reduce poverty. However, deep integration also brings advantages and disadvantages to our tourism industry. In this article, suggested solutions are aimed to harmonize globalization and localization in order that Vietnam tourism industry can be obtained stable growth. * 1. Dẫn nhập Toàn cầu hóa tác động sâu sắc đến mọi quốc gia, mọi ngành nghề và lĩnh vực, trong đó có du lịch. Nhu cầu du lịch hiện nay đang thay đổi hướng đến những giá trị truyền thống, giá trị tự nhiên và giá trị sáng tạo. Du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch cộng đồng, du lịch hướng về nguồn, hướng về thiên nhiên là những xu hướng nổi trội. Chất lượng môi trường trở thành yếu tố quan trọng trong giá trị thụ hưởng du lịch. Vậy thì vấn đề đặt ra là hiện nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì ngành du lịch Việt Nam cần phải làm gì để có thể hội nhập toàn cầu, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của đất nước đồng thời bảo tồn và phát huy được những giá trị truyền thống, giữ gìn bản sắc địa phương, văn hóa dân tộc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước. 2. Những đóng góp nổi bật của ngành du lịch tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập Toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng. Việt Nam là thành viên của WTO, đang hội nhập sâu và toàn diện và chịu sự tác động mạnh mẽ theo xu hướng chung của toàn cầu. Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh và lớn nhất trên thế giới. Các nước đang khai thác lợi thế quốc gia về tài nguyên độc đáo, bản sắc dân tộc để phát triển du lịch trở thành công cụ xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế. Châu Á- Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động và thu hút du lịch mạnh mẽ, trong đó có Việt Nam nổi lên là điểm đến với những giá trị đặc sắc, hấp dẫn mới. Thật vậy, trong những năm vừa qua chúng ta thấy rằng ở nước ta với điều kiện chính trị ổn định, ngoại giao mở rộng cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành du lịch cùng với thành tựu phát triển du lịch trong giai đoạn vừa qua đã tạo đà quan trọng cho du lịch phát triển lên tầm cao mới. Các Nghị quyết của Đảng qua các kỳ Đại hội đã xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ quan trọng cần thúc đẩy phát triển để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chương trình hành động quốc gia về du lịch, chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch, và các đề án phát triển du lịch đã mang đến kết quả tăng trưởng đáng khích lệ. Năm2013, Việt Nam đón trên 5,4 triệu khách (*) TS., Khoa QTKD, Đại học Sài Gòn. (*) ThS., Khoa QTKD, Đại học Sài Gòn.
  2. quốc tế, 28 triệu khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 200 ngàn tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 25%, tạo ra trên 1.4 triệu việc làm trong đó có khoảng503 ngàn lao động trực tiếp, đóng góp 5.8% GDP(1) .Nhiều dự án đầu tư du lịch đang triển khai, nhiều doanh nghiệp du lịch mới ra đời sẽ tiếp tục tạo nhiều việc làm cho lao động trực tiếp và lao động gián tiếp trong thời gian tới. Đầu tư du lịch ngày càng được đẩy mạnh, cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng của du lịch ngày càng được cải thiện, sản phẩm du lịch mở rộng loại hình và chất lượng ngày càng được nâng dần. Việc xúc tiến, quảng bá du lịch ngày càng được quan tâm, quản lý nhà nước về du lịch ngày càng được đổi mới. Tuy nhiên, toàn cầu hóa ít nhiều cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch Việt Nam. 3. Những tiêu cực trong bối cảnh toàn cầu hóa đối với ngành du lịch của Việt Nam 3.1. Về môi trường sinh thái: Hoạt động du lịch làm tăng áp lực nước thải sinh hoạt, đặc biệt ở các trung tâm du lịch, góp phần làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất nước… Lượng chất thải trung bình từ sinh hoạt của khách du lịch khoảng 0.67 kg chất thải rắn và 100 lít chất thải lỏng/khách/ngày (ví dụ ở chùa Hương vào mùa lễ hội, ước tính trung bình lượng chất thải từ 4 đến 5 tấn ngày (chưa tính đến nước thải và tiếng ồn, ô nhiễm về khói bụi… nhưng khối lượng thu gom khoảng 80%. Cùng với việc tăng số lượng khách, nhu cầu nước sinh hoạt của khách du lịch tăng nhanh (khoảng 100-150 lít/ngày đối với khách du lịch nội địa, 200-250 lít/ngày đối với khách quốc tế)(2). Điều này sẽ làm tăng mức độ suy thoái và ô nhiễm các mạch nước ngầm hiện đang khai thác, đặc biệt ở vùng ven biển do khả năng xâm nhập mặn cao khi áp lực các bể chứa giảm mạnh vì bị khai thác quá mức cho phép. Hoạt động này thường xảy ra ở nhiều khu vực như: Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng…Điều này gia tăng sức ép lên quỹ đất tại các vùng ven biển vốn hạn chế. Tại các vùng ven biển, miền núi và trung du do bị khai thác cho sử dụng các mục đích như xây dựng các bến bãi, hải cảng, nuôi trồng thủy sản, phát triển đô thị. Thêm nữa, các tài nguyên thiên nhiên như các rặng san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, nghề cá và các nghề sinh sống khác trên các đảo có thể phát triển theo chiều hướng xấu đi do phát triển không hợp lý. Nhiều cảnh quan đặc sắc, hệ sinh thái nhạy cảm đặc biệt các khu ven biển, hải đảo và các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia bị thay đổi hoặc suy giảm do phát triển các khu du lịch mới, các resort...Các khu vực có tính đa dạng sinh học cao như các khu rừng nhiệt đới, thác nước, hang động, cảnh quan thường rất hấp dẫn du khách, nhưng cũng dễ bị tổn thương do phát triển du lịch, đặc biệt khi phát triển du lịch đến mức quá tải, đa dạng sinh học bị đe dọa do nhiều loài sinh vật trong đó có cả những loài sinh vật quý hiếm như: san hô, đồi mồi… bị săn bắt trái phép phục vụ cho nhu cầu ẩm thực, đồ lưu niệm, buôn bán mẫu vật cho khách du lịch. 3.2.Về môi trường nhân văn, xã hội: Các giá trị văn hóa truyền thống của nhiều cộng đồng dân cư trên các vùng núi cao thường khá đặc sắc nhưng rất dễ bị biến đổi do tiếp xúc với các nền văn hóa xa lạ, do xu hướng thị trường hóa các hoạt động văn hóa, do mâu thuẫn nảy sinh khi phát triển du lịch hay do sự tương phản về lối sống. Ví dụ như tình trạng chèo kéo khách du lịch của trẻ em bán hàng rong ngoài thị trấn SaPa (Lào Cai) hiện nay đang đe dọa, phá vỡ sự gắn kết chặt chẽ vốn có giữa trẻ em với các thành viên trong gia đình và dòng tộc, làm tổn thương đến các giá trị truyền thống trong gia đình và dòng tộc. Các di sản văn hóa lịch sử, khảo cổ được xây dựng bởi các chất liệu dễ vỡ như di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) do tác động của khí hậu gió mùa ở Việt Nam càng xuống cấp nhiều khi chịu sự tác động nhiều của khách du lịch tới thăm nếu không được bảo vệ. Thêm nữa, do tính chất mùa vụ của hoạt động du lịch, các nhu cầu tại thời kỳ cao điểm có thể vượt quá khả năng đáp ứng về dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng của địa phương, tiêu biểu là ách tắc giao thông, các nhu cầu về cung cấp nước, năng lượng xử lý chất thải, xử lý chất rắn vượt quá khả năng của địa phương, mâu thuẫn nảy sinh giữa những người làm du lịch với cư dân của địa phương do việc phân bổ giữa lợi ích và chi phí trong hoạt động du lịch chưa công bằng.
  3. 4. Một số giải pháp thúc đẩy mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và địa phương hóa trong du lịch Việt Nam nhằm phát triển bền vững: 4.1. Phát triển các sản phẩm và dịch vụ độc đáo nhằm đề cao giá trị văn hóa truyền thống của địa phương nhưng thích ứng với điều kiện của khách du lịch Cần đề cao triết lý của mô hình sản xuất “ Mỗi vùng một sản phẩm” – “One region One Product”. Trong đó đề cao sự khác biệt về chất lượng cho các nhóm sản phẩm và dịch vụ. Triết lý của mỗi vùng một sản phẩm ở đây chính là “ Hành động địa phương, suy nghĩ toàn cầu –Act locally, Think Globally” thông qua sự tận dụng tối đa các nguồn lực (kiến thức, kỹ năng, truyền thống, nguyên vật liệu, nguồn nhân lực v.v…) của địa phương để tạo nên các sản phẩm độc đáo, các sản phẩm có sự khác biệt được khách hàng đại chúng chấp nhận. Ví dụ như các sản phẩm gốm Phù Lãng, gốm Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm được thiết kế lại nhỏ gọn hơn, phù hợp cho sự vận chuyển của khách du lịch song vẫn giữ nguyên được giá trị truyền thống, giữ được chất “men gia lươn”, “men trắng thường ngả màu ngà lục”, giữ được “hồn” của gốm Phù Lãng. Hay nước mắm Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn nổi tiếng khắp thế giới, được Ủy ban châu Âu (EC) cấp quy chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên hiệp châu Âu (EU)(3) (4). Thêm nữa, bao bì các sản phẩm này cần phải được cải tiến và bổ sung thêm tiếng nước ngoài nhằm giúp du khách hiểu rõ hơn về thông tin sản phẩm. Ngoài ra, triết lý “Mỗi vùng một sản phẩm” còn được thể hiện trong việc đầu tư cải thiện hệ thống chất lượng cho sản phẩm, đầu tư vào không gian sắp đặt để tôn lên giá trị của sản phẩm... Triết lý phát triển các sản phẩm và dịch vụ độc đáo đề cao giá trị văn hóa truyền thống của địa phương còn được thể hiện ở việc đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực có sự chuyên nghiệp, tâm huyết, am hiểu truyền thống văn hóa và sản vật hay nét độc đáo của địa phương. Thực tế hiện nay thông tin về địa phương phụ thuộc vào đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nhưng phần lớn họ không nắm rõ thông tin hoặc kiến thức nên khách du lịch cũng không nắm rõ hoặc không thấy sự khác biệt với các địa phương khác. 4.2. Đảm bảo tối đa sự công bằng về phân chia lợi nhuận giữa các thành viên trong cộng đồng tại địa phương Có 3 mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại một địa phương. Mô hình thứ nhất là cả cộng đồng tham gia vào du lịch cộng đồng. Mô hình thứ hai chỉ gồm một bộ phận cộng đồng hoặc hộ gia đình tham gia. Mô hình thứ ba là mô hình liên doanh giữa cộng đồng hoặc thành viên của cộng đồng và đối tác kinh doanh. Như vậy có thể thấy khi người dân tại địa phương tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch như trên, việc nảy sinh mâu thuẫn trong quá trình phân chia lợi nhuận là khó tránh khỏi, chẳng hạn một hộ gia đình được chọn là điểm bán hàng gốm hoặc điểm bán hàng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho các hộ sản xuất của địa phương do có điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn, có vị trí thuận tiện hơn so với các hộ khác. Như vậy các hộ sản xuất đều đưa sản phẩm của mình tập trung tại đây để người chủ hộ này bán cho khách. Tuy nhiên, nếu người bán này chỉ ưu tiên bán những mặt hàng do bản thân mình sản xuất ra để thu về lợi nhuận cá nhân, nếu không có những quy định rõ ràng về trách nhiệm bán hàng cho cộng đồng tại địa phươngđó thì rất dễ xảy ra các mâu thuẫn dẫn đến sự bất hòa trong cộng đồng làm ảnh hưởng đến chất lượng của tour du lịch. Như vậy, việc phân chia lợi nhuận cho các thành viên cá nhân trong cộng đồng cần chú ý cẩn thận. Để đạt được điều này, cần chú ý thành lập một Ban quản lý du lịch cộng đồng như một cơ quan đại diện. Lãnh đạo, chính quyền địa phương, cũng như các tổ chức cộng đồng (ví dụ như Hội phụ nữ và Thanh niên, nhóm thủ công mỹ nghệ) phải có đại diện trong Ban quản lý này. Ban quản lý phải quản lý từ chính thu nhập từ du lịch cộng đồng và các vấn đề quản lý khác như đại diện cho cộng đồng trong các cuộc họp và thảo luận với các bên liên quan, giám sát phát triển du lịch để đảm bảo rằng nó đáp ứng các mục tiêu chính sách trong chương trình hoạt động. Lợi nhuận phân chia hợp lý cũng như được giữ lại một phần đó dôi ra nhằm bảo dưỡng, nâng cấp các công trình kiến trúc hạ tầng địa phương để phát triển bền vững, phục vụ du lịch.
  4. 4.3. Xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các công ty du lịch để phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương Ban Quản Lý du lịch cộng đồng (lãnh đạo, chính quyền địa phương) cần xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với một số công ty du lịch, ưu tiên các công ty chuyên khai thác các tuyến trên địa bàn hoặc đi qua địa bàn mình. Mối quan hệ đối tác chiến lược với các công ty du lịch có thể là sự “bao thầu” toàn bộ điểm du lịch cộng đồng trên cơ sở cùng phối hợp đầu tư hoặc cũng có thể là các thỏa thuận khác như cung cấp vốn, kỹ năng kinh doanh và tiếp thị, hoặc hưởng tỷ lệ hoa hồng khi đưa khách đến địa phương… nhằm đảm bảo số lượng khách đến được với địa phương là cao nhất. Tuy nhiên, điều lưu ý ở đây là cần phải làm rõ mối quan hệ hợp tác giữa cộng đồng địa phương và các công ty du lịch để đảm bảo cả hai bên đều thống nhất về các cơ chế giá cả, cách thức hoạt động, phân chia lợi nhuận, giữ uy tín và chất lượng cho nhau. Công ty du lịch có thể được hình thành ngay tại địa phương do một cá nhân hoặc một nhóm người thành lập và Ban quản lý du lịch nên xem các công ty này là một đối tác “thân cận” để hỗ trợ trong việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. 4.4. Tăng cường sự hiểu biết, đảm bảo sự cân đối hài hòa về lợi ích cũng như những trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia phát triển du lịch tại địa phương Những hoạt động xoay quanh du lịch có trách nhiệm cần quan tâm đến việc khai thác, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, hỗ trợ người dân tại địa phương làm du lịch trên nguyên tắc cùng có lợi. Giúp người dân hiểu được rằng họ đang được hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên sẵn có. Chính vì vậy, họ cần có trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị của nguồn tài nguyên này cho cuộc sống của họ và các thế hệ sau này tiếp tục được hưởng lợi từ đó. Đối với các doanh nghiệp làm du lịch, cần chú ý đến vấn đề thiết lập các biện pháp quản lý và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững như lắp đặt các hệ thống tiết kiệm điện nước, hệ thống xử lý chất thải, thông tin cho du khách về trách nhiệm của họ đối với điểm đến, đặc biệt là những quy định cần tuân thủ khi đến tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh. Khuyến khích các du khách tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn tài nguyên tại địa phương, tạo điều kiện để họ tìm hiểu về văn hóa bản địa nhằm giúp du khách và cư dân tại địa phương hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng và học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh đó, việc sử dụng các nguồn tài nguyên phải hợp lý và doanh nghiệp cần lên kế hoạch phục hồi những khu vực tài nguyên tự nhiên bị xâm hại như: Trồng cây xanh, có những biển báo chỉ dẫn, hướng dẫn hoặc những biển cấm những hành vi xâm hại đến môi trường cảnh quan, các hang động trầm tích, di tích…Có thể bổ sung vẻ đẹp cảnh quan cho khu vực phát triển du lịch như tạo thêm các vườn cây, công viên, cảnh quan, hồ nước, thác nước nhân tạo góp phần tăng tính mỹ quan cho địa phương. 4.5. Gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức, hiệp hội du lịch, công ty du lịch trong việc quản lý tại các khu du lịch Để thực hiện được mục tiêu phát triển du lịch bền vững, chúng ta thấy rằng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm cao từ mọi chủ thể, cả ngành du lịch lẫn các ngành liên quan.Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức cho mọi chủ thể để phát triển bền vững. Chẳng hạn, các Hiệp hội du lịch thường xuyên tham vấn các chuyên gia môi trường về vấn đề bảo tồn các nguồn tài nguyên, đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Chính quyền địa phương có thể tham gia và đề xuất về việc sử dụng các quỹ đất còn trống chưa được sử dụng hiệu quả tại các khu du lịch. Chẳng hạn, các quỹ đất đó có thể sử dụng cho mục đích nuôi chim thú hoặc bảo tồn sinh học thông qua nuôi trồng nhân tạo để phục vụ cho du lịch. Các công ty du lịch nên phối hợp với chính quyền địa phương trong việc khai thác các sản phẩm du lịch tại địa phương đó để thêm phong phú và đa dạng hơn đáp ứng nhu cầu của du khách đồng thời đề xuất các giải pháp với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn các “tệ nạn” như: nạn móc túi, ăn xin, chèo kéo khách của các cư dân tại địa phương. Đồng thời đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cần phải được đào tạo bài bản, luôn cập nhật các kiến thức về truyền thống văn học, phong tục tập
  5. quán , bản sắc địa phương và khả năng ngoại ngữ, có tác phong chuyên nghiệp, để có thể đáp ứng mọi yêu cầu cũng như giải đáp những thắc mắc từ khách du lịch. 5. Kết luận Trong bối cảnh toàn cầu hóa, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch ở từng địa phương để phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết của tất cả các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của du khách. Song để làm được điều đó, cần sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các ngành liên quan, chính quyền các địa phương... trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo tồn thiên nhiên, chủ động tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách. Nâng cao chất lượng du lịch chính là lời chào mời để Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương. Chú thích: (1) http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/15994 (2) http://www.vtr.org.vn/index.php?options=items&code=344 (3) http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Nghien-cuu-ve-lang-gom-noi-tieng-Bat- Trang/201211/8483.vnplus (4) http://nld.com.vn/kinh-te/nuoc-mam-phu-quoc-va-vu-kien-mo-duong- 20130722102734527.html Tài liệu tham khảo 1. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/15994 2. http://www.vtr.org.vn/index.php?options=items&code=344 3. http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Nghien-cuu-ve-lang-gom-noi-tieng-Bat- Trang/201211/8483.vnplus 4. http://nld.com.vn/kinh-te/nuoc-mam-phu-quoc-va-vu-kien-mo-duong- 20130722102734527.htm 5. “Các yếu tố quyết định để thực hiện thành công du lịch cộng đồng”, Viện nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, Hà Nội tháng 12/2012. TÓM TẮT Trong bối cảnh toàn cầu hóa, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch ở từng địa phương để phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết của tất cả các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của du khách. Song để làm được điều đó, cần sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các ngành liên quan, chính quyền các địa phương... trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo tồn thiên nhiên, chủ động tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách. Nâng cao chất lượng du lịch chính là lời chào mời để Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
19=>1