intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Sủng Trà (1961-2018): Phần 2

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:144

5
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nội dung cuốn sách "Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Sủng Trà (1961-2018)" đã tái hiện chân thực vùng đất, con người và quá trình đấu tranh cách mạng bền bỉ, kiên cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Sủng Trà dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ xã. Đồng thời phản ánh sinh động hình ảnh quê hương trong công cuộc đổi mới với những bước đột phá trên con đường phát triển kinh tế - xã hội. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung phần 2 dưới đây.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Sủng Trà (1961-2018): Phần 2

  1. Chương III CHI BỘ VÀ NHÂN DÂN SỦNG TRÀ TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (1976 - 1985) I. KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, THAM GIA CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI TỔ QUỐC (1976 - 1980) Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, cách mạng Việt Nam mở ra một giai đoạn mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 29/9/1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 24 (khóa III) và ra Nghị quyết về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới: “Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội”1. Quán triệt Hội nghị lần thứ 24 (khóa III) Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Mèo Vạc, Chi bộ xã Sủng Trà đã tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ban đầu như: (1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tập 36, tr.397. 59
  2. Thu hoạch nhanh gọn vụ ngô năm 1975, chăm sóc tốt đàn gia súc để lấy sức kéo trong nông nghiệp. Ngày 25/9/1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) ra Nghị quyết số 245- NQ/TW về bỏ khu, hợp tỉnh. Ngày 27/12/1975, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V quyết định giải thể các Khu tự trị và hợp nhất một số tỉnh, trong đó tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang được hợp nhất thành tỉnh Hà Tuyên. Đầu tháng 4/1976, tỉnh Hà Tuyên chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Bước vào giai đoạn mới, Chi bộ và nhân dân các dân tộc trong xã gặp phải không ít khó khăn, thách thức: Kinh tế chậm phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu; đời sống nhân dân còn thiếu thốn về nhiều mặt... Song, địa phương vẫn có những thuận lợi cơ bản: Nhân dân đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; trải qua quá trình lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chi bộ xã được rèn luyện và trưởng thành hơn. Trong sản xuất nông nghiệp, để có thêm diện tích canh tác, chi bộ lãnh đạo nhân dân dùng đá để xếp thành các bờ và gùi đất đổ vào tạo thành các thửa ruộng nhỏ trồng các loại cây lương thực. Các thửa ruộng bậc thang được xếp bằng những bờ đá vững chắc nhằm tránh đất bị rửa trôi. Trong 2 năm (1975 - 1976), sản xuất lương thực có bước phát triển hơn giai đoạn trước. Năm 1976, xã gieo trồng được 397 ha ngô, năng suất đạt 7 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 293 tấn. Bình quân mức ăn đạt 11 kg/người/tháng. Ngoài cây ngô là chủ đạo, xã 60
  3. còn trồng thêm rau các loại để có nguồn lương thực, chống đói trong những ngày giáp hạt. Sau mỗi kỳ thu hoạch, Chi bộ chỉ đạo hợp tác xã tiến hành họp bàn tổng kết công tác sản xuất và thu mua lương thực, thực phẩm, từ đó có kế hoạch huy động, bù trừ hoặc tăng cường sản phẩm nếu còn thiếu. Kết quả thu nộp thuế nghĩa vụ hàng năm của xã về lương thực là hơn 5.000 kg, nghĩa vụ thực phẩm hơn 800 kg. Hoạt động chăn nuôi có nhiều cố gắng, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ, che chắn kín về mùa rét và có dự trữ rơm trong mùa khô cho gia súc; hạn chế số lượng trâu, bò chết do đói, rét. Năm 1976, đàn gia súc của xã đạt 1.062 con (gồm trâu, bò, lợn, dê) và hàng nghìn con gia cầm. Trong công tác lâm nghiệp, Chi bộ và chính quyền đã tích cực vận động nhân dân trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, nhưng do trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân các dân tộc còn khó khăn nên công tác vận động chưa đạt được hiệu quả đề ra. Tình trạng phát rừng làm nương, khai thác rừng không có kế hoạch vẫn thường xuyên diễn ra. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tiếp tục được đẩy mạnh và phục vụ tích cực các nhiệm vụ chính trị địa phương; hạn chế những tập tục lạc hậu có ảnh hưởng đến sản xuất và sức khỏe nhân dân; tuyên truyền kịp thời các sự kiện chính trị, cổ vũ và động viên phong trào sản xuất, phát triển kinh tế, làm nghĩa vụ với Nhà nước... Đối với giáo dục, cơ sở vật chất được quan tâm, 61
  4. nhiều lớp học được tu sửa, làm mới vững chắc hơn; phong trào học bổ túc văn hóa vẫn được duy trì; phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của ngành giáo dục tiếp tục đạt kết quả, số lượng giáo viên và học sinh ngày càng tăng, chất lượng dạy và học ngày càng được chú trọng. Phong trào bổ túc văn hóa, nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 225 của Bộ Chính trị. Một số cán bộ xã đã tốt nghiệp văn hóa cấp II trở lên. Công tác đảm bảo sức khỏe của nhân dân được tăng cường, phong trào vệ sinh phòng bệnh được phát động rộng khắp và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Trong công tác quốc phòng - an ninh, chi bộ xã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã; thường xuyên củng cố và xây dựng lực lượng dân quân, tích cực học tập và rèn luyện kỹ, chiến thuật nhằm nâng cao trình độ, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Xã duy trì tốt chế độ thực hiện nghĩa vụ quân sự theo chỉ tiêu huyện giao. Hàng năm, công tác giao quân của xã đạt 100% chỉ tiêu được giao. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đẩy mạnh. Lực lượng công an xã được củng cố và tăng cường, thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Trong công tác xây dựng Đảng, chi bộ tiếp tục lãnh đạo thực hiện Chỉ thị 192 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đưa công tác giữ gìn dân chủ, kỷ luật Đảng vào nền nếp, từng bước cải tiến phương thức lãnh đạo phù 62
  5. hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Thực hiện Thông tri số 22 ngày 05/9/1977 của Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, kỷ luật trong Đảng, Chi bộ Sủng Trà đã mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng quán triệt thông tri đến cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên xác định lại vai trò, trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân trong tình thế cách mạng hiện tại. Từng đảng viên kiểm điểm trước chi bộ, liên hệ với tiêu chuẩn đảng viên. Ngoài ra mỗi đảng viên còn được quần chúng góp ý, phê bình và bỏ phiếu tín nhiệm. Mặc dù có nhiều cố gắng, công tác xây dựng Chi bộ vẫn còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Công tác củng cố tổ chức cơ sở Đảng chưa được quan tâm đúng mức. Một số tổ Đảng còn yếu kém, việc phân công công tác, chế độ sinh hoạt còn chưa thường xuyên. Công tác quy hoạch, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, phát triển đảng viên chưa đưa vào kế hoạch, việc quan tâm chưa trở thành thường xuyên. Trình độ một số cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Song song với công tác xây dựng Đảng, cấp ủy Đảng chú trọng xây dựng bộ máy chính quyền, phấn đấu đạt danh hiệu “Chính quyền giỏi toàn diện”. Các cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được cấp ủy lãnh đạo tổ chức thực hiện chặt chẽ, an toàn, đúng luật. Năm 1977, cấp ủy và chính quyền xã lãnh đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp với 99% cử tri đi bầu, đảm bảo bầu đủ số lượng đại biểu, thành phần Hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 1977 - 1979 được bầu gồm 19 đại biểu, tại kỳ 63
  6. họp thứ nhất, bầu 5 thành viên Ủy ban: đồng chí Sùng Sú Sính tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Để đường lối, chủ trương của Đảng đến được với nhân dân, trước hết thông qua các tổ Đảng, cán bộ, đảng viên, sau đó là thông qua tổ chức và hoạt động của các đoàn thể quần chúng. Ý thức được vai trò, tầm quan trọng của các tổ chức đoàn thể trong phong trào cách mạng, Chi bộ xã đã chú ý xây dựng các đoàn thể về mặt tổ chức, cán bộ cũng như lãnh đạo các đoàn thể tham gia các hoạt động nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua nhiệm kỳ, các đoàn thể tổ chức Đại hội, kiểm điểm hoạt động, kiện toàn tổ chức, đề ra nghị quyết, phát động các phong trào thi đua theo vị trí, vai trò và chức năng của mình. Nhờ vậy, các phong trào thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của xã trong thời gian này được nhân dân hào hứng thực hiện, các kế hoạch sản xuất triển khai cơ bản đúng kế hoạch đề ra. Ngày 07/12/1977, Chi bộ Sủng Trà tiến hành Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 1977 - 1978) tại trụ sở xã với sự tham dự của 11 đảng viên. Trên cơ sở những kết quả đạt được và hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Chi bộ lần thứ V, Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho những năm 1977 - 1978 là: Củng cố các hợp tác xã, hoàn thiện thêm một bước quan hệ sản xuất; tập trung mở rộng diện tích canh tác, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cân bằng cả hai lĩnh vực là trồng trọt và chăn nuôi; chú trọng phát 64
  7. triển văn hóa, giáo dục và y tế; tăng cường phát triển Đảng. Đại hội bầu Chi ủy gồm 3 ủy viên, đồng chí Vàng Vản Lình giữ chức Bí thư Chi bộ, đồng chí Sùng Sú Sính - Phó Bí thư, đồng chí Sùng Thị Cho - Ủy viên1. Ngày 12/12/1978, Chi bộ Sủng Trà tiến hành Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 1979 - 1980) tại trụ sở xã với sự tham dự của 12 đảng viên. Đại hội tập trung bàn biện pháp phát triển sản xuất cây lương thực, công tác chăn nuôi. Củng cố hợp tác xã để đáp ứng công tác lãnh chỉ đạo trong sản xuất nông nghiệp. Đại hội bầu Ban Chi ủy gồm 3 đồng chí. Đồng chí Vàng Vản Lình giữ chức Bí thư Chi bộ, đồng chí Sùng Sú Sính - Phó Bí thư; Sùng Thị Cho - Chi ủy viên2. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Chi bộ lần thứ VI và VII đề ra, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Chi bộ chỉ đạo lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp làm đầu, nhân dân tích cực thâm canh ngô, chuyển một số diện tích trồng cây công nghiệp hoặc những nơi có điều kiện sang trồng ngô để tăng sản lượng lương thực chống đói. Mặc dù một số diện tích ngô bị chết do giá rét hoặc thiếu nước nhưng với sự chỉ đạo của chi bộ, sự nỗ lực, cố gắng của nhân dân nên sản xuất vẫn đạt kế hoạch đề ra. Năm 1978, tổng diện tích gieo trồng ngô của xã hàng năm là hơn 400 ha, năng suất từ 7 - 8 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 300 tấn. Bên cạnh việc đầu tư cho trồng cây 1 Theo Quyết nghị số 65/QN-HU ngày 09/12/1977 của Huyện ủy Mèo Vạc về việc chuẩn y Ban Chi ủy xã. 2 Theo Quyết nghị số 669/QN-HU ngày 01/4/1979 của Huyện ủy Mèo Vạc về việc chuẩn y Ban Chi ủy xã. 65
  8. lương thực, chăn nuôi ở Sủng Trà cũng được chú trọng và có chiều hướng phát triển. Đàn trâu, bò của xã ổn định 350 - 400 con, mỗi hộ gia đình trung bình nuôi từ 1 - 2 con lợn thịt... Ngoài ra xã còn có hàng trăm con dê, ngựa, cùng hàng ngàn con gia cầm các loại. Một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải giải quyết trong giai đoạn này đối với Chi bộ Sủng Trà là củng cố các hợp tác xã, do việc quản lý và điều hành hợp tác xã ở Sủng Trà có nhiều bất cập. Trong các hợp tác xã chỉ góp ruộng đất, chưa hình thành lối làm ăn tập thể, kinh tế tập thể không giữ được vai trò chủ đạo. Nguyên nhân là do điều kiện sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chưa tập trung được lao động; trình độ dân trí, khả năng tư duy nhận thức, trình độ hiểu biết của đồng bào các dân tộc còn hạn chế, cơ sở vật chất nghèo nàn lạc hậu, vì vậy phong trào hợp tác xã ngày càng đi xuống và có nguy cơ tan vỡ. Năm 1978, huyện đã mở cuộc vận động củng cố, xây dựng hợp tác xã, triệu tập cán bộ hợp tác xã của các xã trong huyện. Sau học tập, các hợp tác xã ở Sủng Trà tiến hành rà soát lại diện tích đất đai, lao động và nhân khẩu để cân đối mức ăn và giao khoán đất đai cho các hộ xã viên. Căn cứ vào kết quả năng suất, sản lượng của từng hợp tác xã đối với diện tích được giao mà định mức sản lượng hợp lý. Việc phân chia sản phẩm đạt trung bình từ 1,5 - 2 kg/ngày công. Năm 1979 - 1980, xã gieo trồng được bình quân 350 - 360 ha ngô/năm, năng suất đạt 10 tạ/ha. Ngoài cây ngô còn có rau, hoa màu. Sản lượng lương thực đạt 386 tấn. Bình quân mức ăn đạt 12,4 kg/người/tháng. Trồng trọt phát 66
  9. triển tạo bàn đạp để thúc đẩy chăn nuôi. Tuy nhiên chăn nuôi gặp nhiều khó khăn về thời tiết như sương muối, giá rét kéo dài và dịch bệnh xảy ra, thức ăn dự trữ thiếu, việc chăn thả truyền thống lạc hậu khiến đàn gia súc tăng chậm. Tính đến năm 1980, toàn xã có 1.382 con gia súc và 3.970 con gia cầm. Năm 1979 - 1980, huyện vận động đoàn viên, thanh niên tham gia vào phong trào “ánh sáng văn hóa vùng cao” để thực hiện xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa ở các xã nghèo trong huyện. Trên địa bàn xã Sủng Trà, các lớp học bổ túc văn hóa được mở đã góp phần đẩy lùi tình trạng mù chữ trên địa bàn, nâng cao dân trí. Các lớp học phổ thông được duy trì, toàn xã có 9 điểm trường với 143 học sinh, 10 cán bộ, giáo viên. Chi bộ lãnh đạo công tác y tế tập trung vào nhiệm vụ vệ sinh phòng bệnh. Khi có bệnh, nhân dân đã đến cơ sở y tế điều trị, hiện tượng mời thầy mo khi ốm đau giảm dần. Các dịch bệnh được hạn chế, không lây lan thành dịch lớn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ thầy thuốc của trạm y tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Cuộc vận động xây dựng “Gia đình văn hóa mới”, bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan được nhân dân hưởng ứng tích cực. Ban Thông tin văn hóa xã được thành lập, vận động 80% gia đình đăng ký thực hiện xây dựng gia đình văn hóa mới. Các thôn, bản thành lập các tổ hoà giải. Công tác quốc phòng - an ninh giai đoạn này được chú trọng đặc biệt. Từ cuối năm 1977, tình hình ở hai đầu biên giới phía Nam và phía Bắc của đất nước diễn ra 67
  10. phức tạp. Tại biên giới huyện Mèo Vạc, phía bên Trung Quốc tổ chức xâm canh lấn đất, di dời cột mốc, rải truyền đơn xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng ta. Sang năm 1978, phía Trung Quốc tăng cường làm đường giao thông, diễn tập quân sự, xây dựng trận địa chiến đấu ở vùng giáp biên; lực lượng vũ trang Trung Quốc thường xuyên gây áp lực quân sự với các hoạt động gián điệp, biệt kích, bắt giữ người trái phép, khiêu khích vũ trang. Ngày 02/12/1978, một trung đội lính Trung Quốc tập kích vào trạm Biên phòng Xín Cái, đẩy nguy cơ xung đột ở biên giới lên cao. Trước tình hình trên, được sự chỉ đạo của Huyện ủy Mèo Vạc, chi bộ xã Sủng Trà đã tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho quần chúng nắm chắc tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới; quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư về “Tăng cường lãnh đạo công tác quân sự địa phương trong tình hình mới”. Chi bộ đề ra nhiều biện pháp nhằm xây dựng, củng cố lực lượng dân quân, công an viên vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đến cuối năm 1978, lực lượng dân quân tự vệ có trên 100 chiến sĩ được biên chế thành các trung đội dân quân; trong các trung đội có lực lượng cơ động chiến đấu, lực lượng chiến đấu tại chỗ, lực lượng giúp dân sơ tán, bảo vệ dân; ở xã có 1 trung đội dân quân cơ động. Thời điểm này, xã đã huy động hàng trăm lượt dân quân và dân công lên biên giới xây dựng công sự chiến đấu, tu sửa đường giao thông từ huyện lỵ đi các xã biên giới. Chi bộ xã đã chỉ đạo, vận động nhân dân dự trữ mỗi gia đình 100 kg lương thực đề 68
  11. phòng chiến sự xảy ra. Đồng thời xã đẩy mạnh công tác vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch trên giao. Ngày 17/02/1979, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra. Cùng với các lực lượng vũ trang, nhân dân Sủng Trà và nhân dân huyện Mèo Vạc đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên. Thực hiện Lệnh Tổng động viên số 29-LCT ngày 05/3/1979 của Chủ tịch nước, xã Sủng Trà tổ chức tổng động viên tuyển quân. Để hoàn thành chỉ tiêu, ngoài lực lượng tân binh, xã còn động viên cả quân nhân đã phục viên tái ngũ, do đó đã hoàn thành 100% chỉ tiêu trên giao. Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, chi bộ và chính quyền xã vận động thanh niên xã xung phong lên biên giới xây dựng tuyến phòng thủ của ta. Sau hơn 1 tháng tiến hành chiến tranh xâm lược quy mô lớn trên khắp dải biên giới phía Bắc Việt Nam, trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của dư luận thế giới và bị thiệt hại lớn về người và của, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới này, lực lượng vũ trang và nhân dân Mèo Vạc đã kiên cường chiến đấu hơn 30 trận, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Thành tích này là chiến công chung của lực lượng vũ trang và nhân dân toàn huyện, trong đó có phần đóng góp của nhân dân Sủng Trà. 69
  12. Tháng 5/1979, xã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân xã theo luật định, cử tri trong xã đã bầu được 17 đại biểu. Sau bầu cử, Hội đồng nhân dân xã Sủng Trà tổ chức kỳ họp đầu tiên tổng kết nhiệm kỳ của Hội đồng khóa trước và bầu Ủy ban nhân dân xã khóa mới với 5 đồng chí, đồng chí Sùng Sú Sính được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Tiếp tục thực hiện công tác xây dựng Đảng trong những năm 1979 - 1980, Chi bộ xã đã tổ chức học tập, quán triệt nâng cao về lập trường tư tưởng, phẩm chất và năng lực cho cán bộ, đảng viên. Cấp ủy xã tiến hành họp kiểm điểm đối với tập thể Chi ủy xã và đảng viên về trách nhiệm, phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu, đạo đức lối sống. Bên cạnh đó, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị quán triệt chỉ thị, nghị quyết về xây dựng nếp sống sinh hoạt, giữ gìn kỷ luật trong Đảng; thực hiện Chỉ thị 72-CT/TW của Ban Bí thư về việc “tăng cường công tác phát triển Đảng, củng cố kiện toàn tổ chức Đảng”. Qua thực tiễn các phong trào cách mạng địa phương, nhất là trước diễn biến phức tạp của tình hình chiến sự biên giới phía Bắc, đội ngũ cán bộ và đảng viên trong Chi bộ đều kiên định, vững vàng, gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công tác phát triển Đảng tiếp tục được quan tâm. Từ năm 1976 - 1980, toàn xã có 2 quần chúng ưu tú được kết nạp vào Đảng, nâng tổng số đảng viên của chi bộ lên 13 đồng chí. Ngày 18/7/1980, Chi bộ tiến hành Đại hội lần thứ VIII (nhiệm kỳ 1980 - 1982) tại trụ sở xã với sự tham dự 70
  13. của 13 đảng viên. Đại hội đã khẳng định những kết quả trong những năm 1978 - 1980, chi bộ lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong xã quyết tâm phấn đấu giành được những kết quả đáng ghi nhận, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới là: Phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo nhằm đẩy mạnh sản xuất lương thực; chú trọng công tác y tế, văn hóa, giáo dục, đặc biệt ngăn chặn tái mù chữ trong nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh, cảnh giác chống biệt kích, gián điệp của địch, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc; chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền và các đoàn thể. Đại hội bầu Chi ủy gồm 3 đồng chí. Đồng chí Vàng Vản Lình được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ, đồng chí Vàng Sính Phủng - Phó Bí thư, đồng chí Vàng Mí Trá - Chi ủy viên1. Các đoàn thể bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy để phát động phong trào của đoàn thể mình, trong đó tập trung vào nhiệm vụ thi đua lao động sản xuất, hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Cán bộ và đảng viên trong xã đồng cam cộng khổ cùng nhân dân, đi tiên phong trong mọi lĩnh vực, làm gương để đồng bào noi theo. Sau 5 năm (1976 - 1980), thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện đất nước thống nhất, Chi bộ và nhân dân các dân tộc xã Sủng Trà đã 1 Theo Quyết nghị số 24/QN-HU ngày 02/8/1980 của Huyện ủy Mèo Vạc về việc chuẩn y Ban Chi ủy xã. 71
  14. đoàn kết vượt qua những khó khăn, thử thách, từng bước vươn lên xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh. Tuy còn tồn tại một số hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ, song những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để xã bước vào giai đoạn 1981 - 1985 với khí thế và động lực mới. II. CHI BỘ XÃ SỦNG TRÀ LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TRONG XÃ ĐẨY MẠNH TĂNG GIA SẢN XUẤT, TÍCH CỰC ĐÓNG GÓP SỨC NGƯỜI, SỨC CỦA, GÓP PHẦN CHI VIỆN CHO CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA TỔ QUỐC (1981 - 1985) Bước vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, nền kinh tế nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng, sản xuất, phân phối và lưu thông đình trệ. Cơ chế quản lý kinh tế mang tính chất hành chính, quan liêu, bao cấp tồn tại quá lâu, trong khi nguồn viện trợ nước ngoài ngày một ít đi, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới lại xảy ra ở hai đầu đất nước đã đẩy kinh tế nước ta lâm vào khủng hoảng. Để khắc phục khó khăn về kinh tế và đổi mới sản xuất, từng bước giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế; tháng 8/1979, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế trước mắt là: Cần động viên cao độ việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; tận dụng các thành phần kinh tế; cải tiến lưu thông phân phối; kết hợp các lợi ích tập thể, cá nhân và Nhà nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ 72
  15. quốc xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó, ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, gọi tắt là “Khoán 100”. Chỉ thị nêu rõ mục đích của việc thực hiện cơ chế khoán mới: “…bảo đảm phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cơ sở lôi cuốn được mọi người hăng hái lao động, kích thích tăng năng suất lao động, sử dụng tốt đất đai và cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa nông thôn; không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống của xã viên”1. Tháng 9/1982, Chi bộ Sủng Trà tiến hành Đại hội lần thứ IX (nhiệm kỳ 1982 - 1984), vòng 2 tại trụ sở xã với sự tham dự của 13 đảng viên2. Đánh giá, tổng kết nhiệm kỳ 1980 - 1982, Đại hội nhận định: Với tinh thần nỗ lực vượt mọi khó khăn, nhân dân các dân tộc trong xã đã tích cực lao động sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên quê hương đạt 1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Một số văn kiện của Đảng về phát triển Nông nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 10. 2 Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Mèo Vạc giai đoạn 1981 - 1982, Chi bộ Sủng Trà tổ chức Đại hội lần thứ IX với 2 vòng: Vòng 1 được tổ chức năm 1981, với nội dung thảo luận các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V. Vòng 2 diễn ra năm 1982, thảo luận văn kiện cấp mình và bầu cử Ban Chi ủy, Bí thư, Phó Bí thư. 73
  16. được những kết quả nhất định. Quan hệ sản xuất trong các hợp tác xã nông nghiệp không ngừng được củng cố, ngày càng phát huy vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Về cơ bản, kinh tế nông nghiệp được tăng cường về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất, năng suất và sản lượng đều tăng, hướng phát triển toàn diện hơn trước, nhân dân trồng thêm nhiều hoa màu, rau xanh. Đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, góp phần cải thiện bữa ăn trong các gia đình và đóng góp một phần sức kéo, phân hữu cơ cho sản xuất. Công tác giáo dục, y tế ngày càng được đẩy mạnh. Lực lượng vũ trang địa phương, công an xã được huấn luyện và đào tạo, trang bị vũ khí mới đã không ngừng nâng cao năng lực chiến đấu, hoàn thành công tác bảo vệ an ninh cơ sở, trật tự an toàn cho nhân dân trong xã. Tổ chức Đảng ngày càng được củng cố vững chắc. Hoạt động của chính quyền, Mặt trận và các ban ngành đoàn thể ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả. Tuy nhiên, Đại hội cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém: Kinh tế phát triển chậm, còn chưa đồng đều, Sủng Trà mới chỉ chú trọng đến nông nghiệp, chưa chú trọng đến tiểu thủ công nghiệp và nghề rừng; trình độ thâm canh của nhân dân còn lạc hậu nên năng suất và sản lượng các loại cây trồng còn thấp. Trình độ quản lý của Ban quản lý hợp tác xã còn non yếu, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và ý thức tập thể của một số xã viên còn hạn chế; thu nhập của nông dân thấp. Việc 74
  17. áp dụng giống mới còn chậm, cải tiến kỹ thuật chưa được đẩy mạnh, sản xuất trên nương vẫn là quảng canh1, độc canh, các chính sách về chăn nuôi chưa được quan tâm thúc đẩy phát triển. Đời sống nhân dân còn bấp bênh, nạn đói giáp hạt vẫn là nỗi lo lớn của người dân… Trình độ văn hóa và lý luận, năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhìn chung còn thấp. Công tác phát triển đảng viên còn hạn chế, tinh thần tự phê và bình phê còn yếu. Trên cơ sở kết quả đạt được và chưa đạt được, Đại hội thống nhất đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới là: Tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, trong nông nghiệp lấy sản xuất lương thực là chủ yếu với cây trồng chính là ngô, đồng thời coi trọng chăn nuôi, cây công nghiệp và nghề rừng. Phấn đấu bảo đảm tự túc về lương thực và có một phần dự trữ. Giữ vững ổn định chính trị, tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng Chi bộ vững mạnh. Đại hội bầu Chi ủy gồm 3 đồng chí, đồng chí Vàn Vản Lình được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, đồng chí Vàng Sính Phủng - Phó Bí thư, đồng chí Vàng Mí Trá - Ủy viên. Năm 1983, đồng chí Vàng Vản Lình chuyển công tác khác, đồng chí Vàng Mí Chớ được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ xã. 1 Quảng canh là phương thức sản xuất nông nghiệp nhằm tăng sản lượng nông sản thông qua việc mở rộng quy mô sản xuất, diện tích đất đai sản xuất với hạ tầng kỹ thuật thấp kém, trình độ kỹ thuật thấp kém, trình độ canh tác lạc hậu, chủ yếu dựa vào ưu đãi của tự nhiên. 75
  18. Sau Đại hội, Chi bộ đã tập trung lãnh đạo và có biện pháp để phát triển các loại cây trồng bảo đảm đúng thời vụ. Hợp tác xã giao chỉ tiêu khoán xuống đội sản xuất. Đội sản xuất gồm 3 cán bộ: đội trưởng, đội phó, thư ký kiêm kế toán. Đội trưởng phân chia lao động thành các tổ, nhóm, giao khoán công việc cho các nhóm. Nhóm trưởng phân công lao động cho xã viên. Các hợp tác xã tích cực vận động nhân dân không bỏ diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp có bước chuyển biến tích cực. Từ năm 1981 - 1983, bình quân sản lượng lương thực đạt gần 400 tấn/năm; bình quân lương thực đạt gần 200 kg/người/năm. Đời sống nhân dân được cải thiện hơn trước, mục tiêu phấn đấu “đủ ăn” phần nào đã được thực hiện. Song đến những tháng giáp hạt, lượng lương thực cạn kiệt, nhiều gia đình lâm vào tình trạng thiếu đói. Năm 1981 - 1982, do dịch bệnh phát sinh, việc chăn thả lại không được nhân dân chú ý, tình trạng thả rông gia súc diễn ra phổ biến... nên mặc dù đã sử dụng nhiều biện pháp phòng chống, đàn gia súc, gia cầm của xã bị dịch và khi hết dịch thì phát triển chậm, chủ yếu ở hộ gia đình. Bước sang năm 1983, nhân dân đã tích cực phòng chống dịch bệnh, dự trữ thức ăn, đầu tư giống... nên chăn nuôi có bước phát triển hơn những năm trước. Đến năm 1983, toàn xã có 1.507 con gia súc và 4.121 con gia cầm. Trong giáo dục, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục, Chi bộ đã chỉ đạo kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường 76
  19. và điểm trường, tạo điều kiện thu hút giáo viên vùng xuôi lên dạy học. Việc duy trì sĩ số học sinh luôn được cấp ủy và chính quyền chỉ đạo hàng năm. Năm 1982 - 1983, toàn xã có 155 học sinh; tỷ lệ lên lớp, chuyển cấp đạt trên 70%. Cán bộ y tế xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng các công trình vệ sinh hợp tiêu chuẩn để phòng chống dịch bệnh. Cán bộ y tế xã tích cực phối hợp với các đoàn bác sĩ, y tá được cử về khám, chữa bệnh cho đồng bào ở địa phương hàng năm. Những đồng bào ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa được vận động đến trạm thăm khám và chữa bệnh theo phương pháp khoa học, từ đó hạn chế được tình trạng cúng bái mỗi khi đau ốm. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, Chi bộ Sủng Trà duy trì và tăng cường chỉ đạo công tác văn hóa, thông tin và truyền thanh để phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đấu tranh chống văn hóa phẩm đồi trụy, lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới, con người mới. Trong công tác quốc phòng - an ninh: Chi bộ và chính quyền xã Sủng Trà vẫn luôn chú trọng lãnh đạo đẩy mạnh công tác quân sự địa phương, nhất là về công tác tuyển quân và tổ chức lực lượng dân quân tập luyện quân sự, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống khi chiến tranh xảy ra. Lực lượng công an xã đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, đề xuất các biện pháp triển khai theo kế hoạch, đồng thời ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các 77
  20. vụ vi phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự công cộng, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Trong công tác xây dựng Đảng, chi bộ xã tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách cụ thể, kịp thời, vận dụng sáng tạo vào điều kiện của địa phương. Chi bộ đã tăng cường giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên tạo ra sự đoàn kết thống nhất. Đội ngũ đảng viên được sàng lọc; công tác tổ chức cán bộ được quy hoạch, công tác kiểm tra được tăng cường; việc phân loại, đánh giá đảng viên được thực hiện đúng quy định. Do vậy, vai trò lãnh đạo của chi bộ từng bước được phát huy. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, bộ máy chính quyền ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động, xứng đáng là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân tăng cường tiếp xúc cử tri, tổ chức các kỳ họp đúng luật định, ra nghị quyết sát thực với tình hình thực tiễn địa phương. Ủy ban nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Hoạt động của các tổ chức đoàn thể đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của chi bộ với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Đoàn Thanh niên có phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể”, Hội Phụ nữ có phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”... đã lôi cuốn đoàn viên, hội viên hăng hái thực hiện mọi 78
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2