Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thượng Phùng (1961-2018): Phần 1
lượt xem 3
download
Thượng Phùng là xã vùng cao, núi đá, biên giới của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ngày 05/7/1961, xã Thượng Phùng chính thức được thành lập trên cơ sở tách từ xã Sơn Vĩ. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, nhân dân Thượng Phùng đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, đức tính cần cù lao động, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, gìn giữ biên cương của đất nước. Cùng tìm hiểu về xã Thượng Phùng qua cuốn "Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thượng Phùng (1961-2018)" dưới đây nhé!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thượng Phùng (1961-2018): Phần 1
- ĐẢNG BỘ HUYỆN MÈO VẠC BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ XÃ THƯỢNG PHÙNG *** TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ THƯỢNG PHÙNG (1961 - 2018) Xuất bản năm 2020 2
- LỜI GIỚI THIỆU Thượng Phùng là xã vùng cao, núi đá, biên giới của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ngày 05/7/1961, xã Thượng Phùng chính thức được thành lập trên cơ sở tách từ xã Sơn Vĩ. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, nhân dân Thượng Phùng đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, đức tính cần cù lao động, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, gìn giữ biên cương của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống quý báu đó không ngừng được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ, lớp lớp các thế hệ người dân Thượng Phùng đã vượt qua muôn vàn khó khăn của thiên tai, địch họa để sinh tồn, phát triển và giành được nhiều thắng lợi, góp phần tô thắm thêm những trang sử vàng của quê hương. Để gìn giữ và phát huy truyền thống vẻ vang cũng như những mốc lịch sử của Đảng bộ và nhân dân xã Thượng Phùng trong chặng đường đã qua, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 342-KH/TU ngày 02/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về “thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”; thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Mèo Vạc, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thượng Phùng khóa IV (nhiệm kỳ 2015 - 3
- 2020) quyết định tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn cuốn “Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thượng Phùng (1961 - 2018)”. Cuốn sách ghi lại những trang sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Thượng Phùng, trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nâng cao lòng tự hào về truyền thống cách mạng, củng cố lòng tin, động viên tinh thần cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong xã vững bước trên con đường xây dựng quê hương trong giai đoạn mới. Đồng thời, cuốn sách còn là sự tri ân đến các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, các đồng chí thương, bệnh binh, cùng các thế hệ cán bộ xã qua các thời kỳ đã hết lòng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương. Đây cũng là tài liệu quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cho thế hệ trẻ. Trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn, Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang, Ban Thường vụ Huyện ủy và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mèo Vạc, sự đóng góp công sức sưu tầm tư liệu của các đồng chí cán bộ chủ chốt từng có nhiều năm gắn bó với phong trào cách mạng của địa phương và sự góp ý của toàn thể cán bộ, đảng viên cùng nhân dân các dân tộc trong xã. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng do tư liệu thành văn của địa phương lưu trữ qua thời gian bị thất lạc, một 4
- số nhân chứng lịch sử không còn nên cuốn sách không tránh khỏi những thiếu sót. Ban Chấp hành Đảng bộ xã mong nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả để khi tái bản cuốn sách được hoàn thiện hơn. Trân trọng cảm ơn! TM. BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ XÃ Bí thư Mua Mí Sử 5
- Chương I THƯỢNG PHÙNG - VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ I. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội Thượng Phùng là xã biên giới, vùng cao núi đá của huyện Mèo Vạc, cách trung tâm huyện 40 km về phía Bắc. Phía Bắc và Đông Bắc giáp trấn Điền Bồng, huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (với đường biên giới dài 16,103 km gồm 41 cột mốc chính) (1); phía Tây giáp thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn); phía Nam giáp xã Pải Lủng (ranh giới tự nhiên là dòng sông Nho Quế); phía Đông giáp xã Xín Cái. Xã Thượng Phùng có tổng diện tích đất tự nhiên là 2.803,26 ha, trong đó diện tích đất canh tác 984,10 ha, đất rừng 1.031,9 ha, còn lại là các loại đất khác. Đất đai ở xã Thượng Phùng thích hợp trồng các loại cây lấy gỗ như: sa mộc, tống quán sủ.., cây lương thực chính là ngô và lúa nương; một số loại cây ăn quả như lê, mận, đào; chăn nuôi chủ yếu là bò, dê và nuôi ong lấy mật. Xã có độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển (khu vực trung tâm xã có độ cao 1.700 m so với mực nước biển), thấp dần từ biên giới Việt - Trung xuống dòng sông Nho Quế. Địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc (1) . Theo số liệu năm 2018. 6
- lớn, đá lộ nhiều, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội giữa địa phương với các xã lân cận. Điều kiện khí hậu, thời tiết xã Thượng Phùng hết sức khắc nghiệt, được chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa (mùa hè) từ tháng 4 đến tháng 9 có nhiệt độ trung bình từ 18 - 22oC, khí hậu mát mẻ, mưa nhiều hay gây ra sạt lở đường sá, ách tắc giao thông gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Mùa khô (mùa đông) từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình từ 8 - 12oC (có khi xuống đến 0 độ) thường có sương mù, băng, tuyết, rét đậm, rét hại, hanh khô, thiếu nước nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên đã trực tiếp gây khó khăn lớn và lâu dài cho nhân dân các dân tộc trong xã trên các mặt sản xuất, sinh hoạt... Nguồn nước mặt của xã rất hạn chế. Mặc dù có sông Nho Quế chảy qua, nhưng do chảy qua vùng đất có nhiều vết nứt, khe ngầm, trong khi đó lưu lượng nước của các con suối lại ít, bị khô cạn nhanh sau mưa, nên nguồn nước phục vụ đời sống và nước tưới tiêu cho sản xuất còn hạn chế, do đó gây khó khăn cho hoạt động canh tác. Tài nguyên rừng của xã trước kia khá phong phú và đa dạng với nhiều loại động thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, trải qua quá trình khai thác và sử dụng không hợp lý, rừng đã bị cạn kiệt. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Chính 7
- phủ, xã tiến hành khoanh nuôi, bảo vệ và chăm sóc rừng, góp phần trả lại màu xanh cho đất và nâng độ che phủ rừng. Như vậy có thể thấy, điều kiện tự nhiên của xã Thượng Phùng là hết sức khắc nghiệt, đặc điểm chung là: ít đất canh tác, ít nước nhưng lại nhiều đá gây nên trở ngại, khó khăn rất lớn cho địa phương. Những đặc điểm đó đã tạo nên nhiều tính cách đáng quý riêng biệt của người Thượng Phùng đã bao năm bám trụ nơi đây trong cộng đồng các dân tộc huyện Mèo Vạc. Trước năm 1961, vùng đất Thượng Phùng thuộc xã Sơn Vĩ, huyện Đồng Văn. Ngày 05/7/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 91-CP về chia xã của tỉnh Hà Giang. Theo đó, xã Sơn Vĩ được chia thành 3 xã: Thượng Phùng, Sơn Vĩ và Xín Cái. Tại thời điểm đó, xã Thượng Phùng có 1.575 người. Ngày 15/12/1962, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 211/CP tách huyện Đồng Văn thành 3 huyện: Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc. Xã Thượng Phùng thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ngày 14/5/1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 185/CP tách hai thôn Lùng Sư (nay gọi là Lủng Chư) và Thèn Sư (nay gọi là Thàn Chư) của xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc) sáp nhập vào xã Thượng Phùng. Đến năm 1989, toàn xã có 1.533 người. Năm 1999, xã Thượng Phùng có 2.622 người. Đến năm 2018, xã Thượng Phùng có 820 hộ, với 4.685 khẩu, phân bố ở 13 8
- thôn bản (trong đó có 5 thôn biên giới)(2): Xà Phìn, Thàn Chư, Tống Quáng Trải, Khai Hoang I, Khai Hoang II, Xín Phìn Chư, Thín Ngài, Hoa Cà, Thèn Pả, Lủng Chư, Mỏ Cớ, Hầu Lùng Sán, Mỏ Phàng. Xã Thượng Phùng có 8 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 90%. Trong truyền thống văn hóa, mỗi dân tộc có những phong tục tập quán khác nhau mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mình. Dân tộc Mông thích ca hát, thổi khèn, múa khèn, thổi sáo, kèn lá, các trò chơi dân gian (đánh quay, đánh yến trong dịp tết Nguyên đán). Dân tộc Tày với làn điệu dân ca (lượn), lễ hội Lồng tồng được tổ chức vào mùa xuân hàng năm… Mặc dù khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực, trang phục nhưng các dân tộc đều chung tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với đạo lý uống nước nhớ nguồn; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân dịp lễ, tết. Chính những truyền thống văn hóa của các dân tộc xã Thượng Phùng góp phần tạo nên kho tàng văn hóa của huyện, tỉnh thêm đa dạng, phong phú. Trên địa bàn xã Thượng Phùng hiện còn lưu giữ được Lễ hội Hoa Sơn. Lễ hội diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 1 - 15 tháng Giêng. Nếu hội tổ chức ba năm liền (mỗi năm tổ chức 1 lần) thì mỗi lần hội sẽ diễn ra trong 3 ngày, còn 3 năm tổ chức một lần, hội sẽ diễn ra trong 9 ngày. (2) Xín Phìn Chư, Mỏ Phàng, Tống Quáng Trải, Thèn Pả và Khai Hoang II. 9
- Lễ hội Hoa Sơn hình thành từ lâu đời và xuất phát từ Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông. Theo người dân địa phương, lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất, đông người tham gia nhất và cũng nhiều nghi thức đặc sắc nhất của người Mông. “Gầu Tào” theo tiếng Kinh có nghĩa là lễ cúng, trong đó, sẽ tạ trời đất, thần linh, thổ địa đã phù hộ độ trì cho gia chủ và con cháu khỏe mạnh, con trai nối dõi tông đường, chăm sóc tổ tiên, dòng họ; cầu phúc, cầu lộc, tạ ơn trời đất đã phù hộ cho dân bản cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu... Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ nhau, vui chơi, hát các điệu hát giao duyên và cùng nhau múa khèn, say bên những chén rượu đầu xuân... Trước đây, lễ hội được tổ chức tại bãi lâm trường (thuộc địa phận giáp ranh các thôn Tống Quáng Trải, Mỏ Phàng). Tuy nhiên, do địa điểm tổ chức nằm sâu trong lãnh thổ của Việt Nam nên gây khó khăn trong việc đi lại, giao lưu văn hoá, văn nghệ của cư dân hai nước nên từ năm 2007, lễ hội được tổ chức tại khu vực mốc 450 (thuộc thôn Mỏ Phàng). Lễ hội Hoa Sơn hiện nay không những mang đầy đủ nghi lễ, ý nghĩa như lễ hội Gầu Tào xưa kia mà còn mang ý nghĩa đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư khu vực biên giới, nơi hội tụ và giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh giữa các dân tộc khu vực biên giới của hai nước Việt - Trung. 10
- Sinh sống trên mảnh đất không được ưu đãi của thiên nhiên, lại bị kẻ thù thường xuyên nhòm ngó, quấy phá, từ xa xưa, nhân dân các dân tộc xã Thượng Phùng đã xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhau trong lao động sản xuất và chống kẻ thù chung. Truyền thống đoàn kết được hình thành từ thế hệ này qua thế hệ khác và trở thành vốn quý của các dân tộc xã Thượng Phùng, tạo nên sức mạnh to lớn, giúp nhân dân các dân tộc vượt qua mọi khó khăn của thiên tai, địch họa. Từ truyền thống này hình thành nên một tình cảm gắn bó thân thiết “tối lửa tắt đèn có nhau” giữa các dòng họ, giữa các dân tộc cùng chung sống trong một thôn, một xã. Trong đó, tình cảm của dòng họ vẫn rất đậm nét, là điển hình nhất cho sức mạnh đoàn kết gắn bó và tương thân, tương ái giữa con người với nhau của các dân tộc xã Thượng Phùng nói riêng và nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc nói chung. Trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt để duy trì sự sống suốt bao đời qua, nhân dân Thượng Phùng đã thể hiện đậm nét tính cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất. Trước đây, kinh tế của xã kém phát triển, trình độ sản xuất lạc hậu, sống du canh, du cư. Nhân dân chủ yếu là khai thác lâm thổ sản và làm nương rẫy (trồng ngô). Ngô được xay thành bột đồ lên thành “mèn mén”, đây là lương thực chủ yếu của đồng bào các dân tộc trong xã. Nằm ở nơi biên cương của Tổ quốc, kẻ thù và giặc giã luôn nhòm ngó, xâm lược, quấy phá nơi đây. Nhân 11
- dân các dân tộc Thượng Phùng không chỉ bị đè nén, áp bức bóc lột bởi chế độ Thổ ty, địa chủ phong kiến, mà còn phải đương đầu với các cuộc xâm chiếm, giết người, cướp của từ các thế lực phong kiến phương Bắc cùng bọn thổ phỉ gây ra. Chính trong hoàn cảnh đó đã xây dựng lên tinh thần đấu tranh quật cường chống lại sự cướp bóc của bọn phản động, chống giặc ngoại xâm, giữ yên bản làng, thôn xóm, bảo vệ quê hương, đất nước. Từ khi có sự lãnh đạo của Đảng, tinh thần đấu tranh đó càng được phát huy mạnh mẽ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), nhân dân Thượng Phùng cùng với nhân dân cả nước phát huy tinh thần yêu nước, huy động tối đa sức người, sức của phục vụ chiến đấu và chiến đấu, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Đặc biệt, trong giai đoạn chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, với vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh, Thượng Phùng là nơi trực tiếp chiến đấu với kẻ thù, nơi đứng chân của Lâm trường Thượng Phùng, Đồn Biên phòng Săm Pun (3) và nhiều đơn vị khác. Nhân dân các dân tộc trong xã đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, đóng góp lương thực, thực phẩm cho các đơn vị bộ đội đóng chốt biên giới, nhiệt tình vận chuyển gỗ, xi măng, sắt thép xây dựng công sự, chốt chiến đấu, góp phần đánh bại hành động xâm lược của Năm 2018, Đồn Biên phòng Săm Pun đổi tên thành Đồn Biên phòng Xín (3) Cái. 12
- kẻ địch. Cùng với phục vụ chiến đấu, nhiều con em Thượng Phùng đã cầm súng trực tiếp giết giặc lập công, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Ghi nhận những thành tích đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc xã Thượng Phùng nhiều Huân chương, Huy chương các loại. Trải qua quá trình phát triển, đặc biệt từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương, kinh tế - xã hội xã Thượng Phùng đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chính trong hoạt động kinh tế địa phương, gồm có trồng cây lương thực (lúa, ngô), kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, đồng bào còn làm các nghề thủ công như: rèn dao, cuốc, đúc lưỡi cày phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương; phát triển thương mại - dịch vụ. Trong điều kiện đất canh tác dốc và nhiều đá, vốn có đức tính cần cù, thông minh, người dân Thượng Phùng đã xếp đá làm nương bậc thang, địu đất đổ vào các hốc đá để trồng ngô, đồng thời trồng xen kẽ với các loại cây hoa màu như: đậu, đỗ, bí, dưa… nhằm tận dụng hết diện tích. Đến năm 2018, tổng diện tích gieo trồng của xã đạt gần 1.200 ha, tổng sản lượng lương thực đạt trên 2.200 tấn, bình quân lương thực đạt trên 495 kg/người/năm. Cùng với phát triển sản xuất, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với các 13
- chương trình, dự án như: chương trình dự án xóa đói giảm nghèo, chương trình quy tụ dân cư, xây dựng nông thôn mới, chương trình di dân biên giới, hỗ trợ xóa nhà tạm... được triển khai đồng loạt trên địa bàn xã đã phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân nơi đây phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã, mang lại sức sống mới trên mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Tóm lại, trải qua quá trình hình thành và phát triển, nhân dân các dân tộc trong xã luôn gìn giữ và phát huy những truyền thống quý báu của mình: cần cù, kiên nhẫn trong lao động sản xuất; yêu tự do, yêu quê hương, đất nước; có ý thức độc lập dân tộc, thật thà, bao dung và tự trọng; dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh. Những đức tính đó đã tạo nên sức sống mãnh liệt để tồn tại trước thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến thắng mọi kẻ thù. Đó chính là sức mạnh to lớn để nhân dân các dân tộc Thượng Phùng tiếp tục viết lên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. II. Nhân dân các dân tộc Thượng Phùng thời kỳ trước năm 1961 Trong thời kỳ phong kiến, Thượng Phùng hình thành hai giai cấp chính, đó là: Thổ ty, địa chủ, phú nông, các chức dịch và giai cấp nông dân bao gồm: nông dân tự do, nông dân bán tự do, một bộ phận nông dân mất quyền tự do phải làm người ở cho giai cấp bóc lột. 14
- Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, đến năm 1887, chúng bình định xong Hà Giang. Từ đây, chúng với tay cai quản tới tất cả các vùng trong toàn tỉnh, cấu kết với bọn thổ ty, bang tá, chánh tổng, lý trưởng để bóc lột nhân dân. Chúng xây dựng đồn bốt ở khắp nơi, tại Mèo Vạc chúng đã xây dựng đồn bốt ở Thượng Phùng và sử dụng đội lính khố xanh, khố đỏ là người Việt do người Pháp chỉ huy làm công cụ chống lại mọi sự phản kháng của nhân dân, chống lại cách mạng. Người dân Thượng Phùng sống trong điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, ngẩng mặt lên thấy núi đá cao chót vót, cúi mặt xuống thấy vực sâu thăm thẳm. Cộng thêm vào đó là sự hà khắc của chế độ thực dân phong kiến, chúng áp bức, bót lột người dân đến tận xương tủy, làm cho đời sống vật chất lẫn tinh thần vô cùng cực khổ. Người dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không được học hành, ốm đau không có thuốc chữa bệnh, không có trạm xá. Các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, nghiện hút, rượu chè, cờ bạc… được bọn thực dân, thổ ty dung túng và khuyến khích để phụ thuộc vào chúng, không còn ý thức phản kháng để chúng dễ bề cai trị. Ngoài ra, người dân còn phải có “nghĩa vụ” lao dịch, phu phen cho bọn thổ ty. Sự cướp bóc của bọn thổ phỉ, phản động bên ngoài. Sự bóc lột của bọn thực dân, phong kiến làm cho đời sống nhân dân vốn đã đói khổ lại càng thêm đói khổ, túng quẫn. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Với 15
- đường lối đúng đắn là đánh đổ đế quốc và phong kiến, giành độc lập dân tộc, thực hiện “người cày có ruộng”, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng cho mọi người, Đảng nhanh chóng tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân từ Bắc chí Nam đứng lên đấu tranh. Sau 15 năm (1930 - 1945) đấu tranh không biết mệt mỏi, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ, xóa bỏ bộ máy chính quyền thực dân phong kiến, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ở khu vực Đồng Văn, do phải đương đầu cùng lúc với nhiều kẻ thù nên chưa giành được chính quyền, người dân địa bàn Thượng Phùng vẫn phải gồng mình gánh chịu kiếp tôi tớ, nô lệ cho bọn phản cách mạng. Bước sang năm 1946, quan hệ giữa ta và Pháp ngày càng căng thẳng, chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, chúng quyết tâm chiếm nước ta một lần nữa. Nhân dân ta buộc phải đứng lên cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cuộc kháng chiến bùng nổ trên cả nước. Tuy nhiên, ở địa bàn Thượng Phùng - một địa phương xa xôi, hẻo lánh, trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phần lớn ruộng đất nằm trong tay thổ ty, địa chủ, sức kéo, nông cụ thiếu trầm trọng, ruộng đất bỏ hoang, nạn đói, nạn mù chữ, dịch bệnh diễn ra, 16
- trong khi chính quyền cách mạng chưa được thiết lập, lực lượng thổ ty lúc này đang còn rất mạnh. Dựa vào danh nghĩa Chủ tịch huyện và lợi dụng tình thế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta còn nhiều khó khăn, Vương Chí Sình - một thổ ty có thế lực trong vùng đã ra sức củng cố địa vị và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ở khu vực Đồng Văn nói chung. Riêng vùng thuộc huyện Mèo Vạc ngày nay do thổ ty Dương Trung Nhân cai quản. Về mặt kinh tế, các thổ ty tự đặt ra chính sách thuế riêng như thuế nương rẫy, thuế thuốc phiện, thuế bếp lửa, thuế lao dịch, thuế chợ... Thời gian này ở huyện Đồng Văn không chấp nhận tiêu tiền giấy Cụ Hồ (đồng tiền do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành), mà có tiền tệ riêng, đó là đồng bạc già do Pháp đúc và phát hành từ trước. Các chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai ở vùng tự do nhưng chưa được thi hành ở đây. Không có cuộc vận động tăng gia sản xuất, tiết kiệm, nuôi quân, tòng quân giết giặc, không có phong trào xóa nạn mù chữ. Các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, mê tín dị đoan vẫn đương nhiên tồn tại. Thắng lợi của chiến dịch “Đông - Tây tập đoàn” (từ tháng 5 - 10/1952) đã tạo ra bước tiến lớn của phong trào kháng chiến khu vực cao nguyên Đồng Văn. Từ năm 1953, ở Đồng Văn, khu vực mà thổ ty khống chế ngày càng thu hẹp, ta ngày càng mở rộng vùng ảnh hưởng, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động kháng chiến và kiến quốc của quân dân địa phương. Nhân dân 17
- từ chỗ còn tin tưởng thổ ty phong kiến, nộp thuế cho chúng, chịu sự bóc lột của chúng, không hiểu biết gì về Chính phủ Hồ Chí Minh, nay đã hiểu rõ cán bộ, bộ đội, chán ghét chế độ thổ ty và đại đa số nhân dân đã tán thành đóng thuế nông nghiệp và hăng hái đi dân công phục vụ kháng chiến. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra một giai đoạn lịch sử mới của đất nước: Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới thống nhất nước nhà. Thời điểm này địa bàn Thượng Phùng vẫn nằm trong địa giới hành chính của xã Sơn Vĩ, thuộc huyện Đồng Văn. Bước vào thời kỳ mới, nhân dân các dân tộc địa bàn Thượng Phùng có những thuận lợi cơ bản, nhân dân được sống trong hòa bình, sẵn sàng bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, nhân dân các dân tộc địa bàn Thượng Phùng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách: phần lớn diện tích canh tác bị bỏ hoang, nông cụ phục vụ sản xuất thiếu nghiêm trọng, cả xã không có công trình thủy lợi nào; thời tiết diễn biến thất thường (rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá...) khiến mất mùa, đói kém liên tiếp xảy ra, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; giặc đói, giặc dốt, dịch bệnh hoành hành; các hủ tục lạc hậu tồn tại nặng nề. Ảnh hưởng của tầng lớp 18
- Thổ ty còn rất mạnh và sâu sắc, chi phối các hoạt động ở địa phương. Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của Huyện ủy Đồng Văn, nhân dân địa bàn Thượng Phùng nhanh chóng tập trung cho nhiệm vụ “chống đói, chống dịch bệnh và tiễu trừ giặc dốt”, khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội. Hưởng ứng phong trào “Lá lành đùm lá rách” do huyện phát động, chính quyền xã vận động các gia đình có điều kiện quyên góp, ủng hộ gia đình nghèo; tổ chức phân phát cho nhân dân hàng cứu tế của Nhà nước như: thóc giống, ngô giống, muối, chăn màn...; nhân dân cùng nhau hỗ trợ tre, gỗ, lá dựng nhà ở, qua đó kịp thời giải quyết một phần nạn đói và tình trạng ở tạm bợ của nhân dân. Để ổn định lâu dài, tăng gia sản xuất là biện pháp cần được đẩy mạnh và thực hiện liên tục. Phong trào thi đua sản xuất được dấy lên khắp các thôn, bản. Nhân dân tập trung khôi phục lại diện tích bị hoang hóa, mở rộng thêm diện tích khai hoang trồng ngô và các loại cây rau màu. Chăn nuôi bước đầu được chú ý, chủ yếu để lấy sức kéo trong nông nghiệp. Sau một thời gian ngắn, nhiều diện tích canh tác trên địa bàn đã được phủ màu xanh của nương ngô, đậu tương, tam giác mạch… qua đó nạn đói dần được thu hẹp. Lúc này giao thông từ xã ra huyện Đồng Văn chỉ là tuyến đường mòn đi bộ và dùng ngựa thồ hàng hóa. Năm 1956 - 1957, phong trào xây dựng tổ đổi công được triển khai ở các xã trong toàn huyện. Huyện Đồng Văn đã tổ chức các đợt tuyên truyền chủ trương của 19
- Đảng và chính sách của Nhà nước tới toàn thể cán bộ và nhân dân, đồng thời phân công cán bộ xuống các thôn, bản trên địa bàn Thượng Phùng để tuyên truyền, giải thích về đường lối làm ăn tập thể và vận động nhân dân tham gia phong trào xây dựng tổ đổi công. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, đến năm 1958, trên địa bàn Thượng Phùng đã xây dựng được 8 tổ đổi công, thu hút nhiều hộ tham gia. Nhân dân từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhờ vậy năng suất và sản lượng cây trồng ngày càng tăng, trong đó năng suất lúa, ngô hàng năm đạt 9 - 10 tạ/ha. Có lương thực, nhiều hộ dân đã thoát khỏi cảnh đói triền miên, một số hộ đã dự trữ được lương thực đủ dùng 2 - 4 tháng. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, huyện Đồng Văn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xã Sơn Vĩ nói chung, địa bàn Thượng Phùng nói riêng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe, hạn chế các tệ nạn xã hội và hủ tục lạc hậu. Phong trào “học để biết chữ, chống đói nghèo và lạc hậu...” được nhân dân hưởng ứng. Mặc dù còn gặp nhiều hạn chế do thiếu cơ sở vật chất, trường lớp chưa có, bàn ghế chỉ là những miếng ván gỗ thô… nhưng công tác giáo dục ở địa phương vẫn phát triển mạnh. Từ năm 1955, phong trào “Bình dân học vụ” phát triển nhanh chóng ở tất cả các thôn bản. Số lượng người biết đọc, biết viết tăng lên nhanh chóng, góp phần nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp thu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. 20
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Ngam La (1945-2020): Phần 1
54 p | 9 | 5
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Khâu Vai (1961-2018): Phần 1
45 p | 9 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của phụ nữ tỉnh Bình Thuận (1930-2000): Phần 1
123 p | 6 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Du Già (1945-2018): Phần 1
74 p | 4 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Lâm Thượng (1945-2010): Phần 1
26 p | 11 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Nậm Ban (1961-2018)
144 p | 9 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Giàng Chu Phìn (1961-2018): Phần 2
119 p | 8 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Cán Chu Phìn (1961-2020): Phần 2
152 p | 5 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Pải Lủng (1961-2020): Phần 1
56 p | 6 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Lũng Pù (1961-2020): Phần 2
131 p | 8 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Lũng Pù (1961-2020): Phần 1
60 p | 7 | 3
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Lùng Tám (1961-2015)
144 p | 7 | 2
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thài Phìn Tủng (1961-2020)
110 p | 3 | 2
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Sủng Là giai đoạn (1945-2018)
95 p | 8 | 2
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Pà Vầy Sủ (1962-2015): Phần 1
70 p | 6 | 2
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đạo Đức (1945-2015): Phần 1
82 p | 7 | 2
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Xín Chải (1962-2015)
141 p | 8 | 2
-
Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Phương Tiến (1957-2017)
86 p | 8 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn