intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giải pháp phát triển ngành du lịch ở đầm phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

41
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu đánh giá thực trạng phát triển kinh tế vùng đầm phá nói chung, du lịch nói riêng. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh phát triển dịch vụ, du lịch của huyện nhà trong tương lai để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, xây dựng huyện Quảng Điền sớm trở thành huyện nông thôn mới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giải pháp phát triển ngành du lịch ở đầm phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền

  1. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH Ở ĐẦM PHÁ TAM GIANG THUỘC HUYỆN QUẢNG ĐIỀN LÊ ANH TOẠI TRẦN VŨ QUYỀN - TRẦN THỊ NY DƯƠNG THÁI – VŨ KHẮC SƠN Khoa Địa lý 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Đầm phá Tam Giang có diện tích trên 22.000 ha mặt nước, trải dài qua 5 huyện (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc) của tỉnh Thừa Thiên Huế, được mệnh danh là “biển cạn”, là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á. Cũng như các hệ thống đầm phá khác, hệ thống đầm phá Tam Giang có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng để phát triển tổng hợp kinh tế biển như nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, du lịch, khai thác khoáng sản… Nhưng hiện nay sự phát triển các ngành kinh tế nhất là ngành du lịch (ngành có ưu thế phát triển) còn nghèo nàn lạc hậu, tính thu hút cũng như hiệu quả kinh tế rất thấp. Nghiên cứu đánh giá thực trạng phát triển kinh tế vùng đầm phá nói chung, du lịch nói riêng. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh phát triển dịch vụ, du lịch của huyện nhà trong tương lai để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, xây dựng huyện Quảng Điền sớm trở thành huyện nông thôn mới. 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH Ở KHU VỰC ĐẦM PHÁ TAM GIANG THUỘC HUYỆN QUẢNG ĐIỀN 2.1. Khái quát tiềm năng phát triển ngành du lịch của đầm phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền Ngoài giá trị to lớn về môi trường sinh thái của tiểu vùng khí hậu trung Trung bộ, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai còn ẩn chứa tiềm năng du lịch đa dạng về sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa. Thế nhưng lâu nay, du khách đến Huế chỉ mới quẩn quanh di tích cố đô, “ăn cơm vua, mua tranh bèo”, chưa ai biết đến đầm phá Tam Giang đặc sắc thơ mộng như thế nào, đặc biệt là nét văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt đặc trưng riêng biệt còn nguyên sơ chưa bị lai tạp của cộng đồng cư dân đầm phá, với những địa danh đã đi vào lịch sử văn hóa như thành cổ Hóa Châu, chợ Cồn Gai, chợ Đại Lược, làng tranh dân gian Sình, làng rượu Chuồn, lễ hội cầu ngư An Truyền, chùa Linh Thái, Túy Vân... Mặc dù có địa bàn khá xa trung tâm thành phố Huế, không thuận lợi để nối kết với các tour du lịch chính đến cố đô nhưng trong những năm qua, Quảng Điền đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, phát triển du lịch, dịch vụ. Theo số liệu thống kê năm 2010, có 13 đoàn với 168 lượt khách, trong đó có 34 khách nước ngoài. Năm 2011, có trên 200 du khách và 9 tháng đầu năm 2012 cũng có hơn 200 Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên năm học 2013-2014 Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, tháng 12/2013, tr: 252-258
  2. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH Ở ĐẦM PHÁ TAM GIANG... 253 du khách đến với vùng đất Quảng Điền. Năm 2012, có 46 đoàn, với hơn 500 du khách tham gia tour du lịch cộng đồng “Sóng nước Tam Giang” tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, trong đó có 36 khách nước ngoài; 30 đoàn, với gần 200 khách nước ngoài tham gia tour du lịch “01 ngày trên phá Tam Giang” ở thôn Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn. Ngoài ra, có hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan tại lễ hội “Sóng nước Tam Giang” và tham quan tắm biển ở xã Quảng Công, Quảng Ngạn... 2.2. Thực trạng hoạt động du lịch vùng đầm phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền Từ tiềm năng phát triển cho thấy hoạt động du lịch vùng đầm phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền có thể khai thác nhiều loại hình du lịch và nhiều loại hoạt động du lịch. Một số loại hình du lịch tiêu biểu được đưa vào hoạt động ở đầm phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền đó là: * Múa náp: Từ điệu múa dân gian truyền thống của một làng quê, múa Náp đã vượt qua ngưỡng “cửa làng”, trở thành “đặc sản” với du khách thập phương trong tour du lịch khám phá Tam Giang. Tương truyền vào đời Vua Gia Long (1802-1820), trong một lần du thuyền ngược về khu vực cửa biển Thuận An, nhà vua thấy trên bờ biển có một đám đông đang tụ tập nhảy múa, có kết hợp một số cử chỉ uốn lượn rất lạ mắt. Thấy lạ, vua dừng thuyền đến xem và được biết đó là điệu múa Náp của ngư dân Quảng Ngạn. Thấy điệu múa hay, vua khuyên dân làng nên duy trì điệu múa này. Từ đó, người dân Tân Mỹ giữ gìn điệu múa này như một “báu vật” của quê hương. Gia đình nào có việc hiếu hỷ, đội múa này đến - vừa chia sẻ nỗi buồn cùng gia quyến, đồng thời nhảy múa để xua đuổi ma quỷ giúp linh hồn người chết được siêu thoát. Điệu múa này đã gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh của người dân trong các dịp cúng tế, cầu ngư hay những lần đưa tiễn con dân của làng về với cõi vĩnh hằng. Nó như sự gửi gắm mong ước mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng cho những chuyến ra khơi; là lời chúc, nguyện cầu cho người ra đi được thanh thản. Theo người dân ở đây thì Náp là điệu múa dân gian truyền thống của nhiều địa phương ở Quảng Điền, hầu như làng nào cũng có đội Náp. Tuy nhiên, mỗi nơi lại có những nét độc đáo riêng. Trước đây, điệu múa Náp vốn chỉ có các màn: Tam xà, tứ trụ, vô búp (búp sen), ra nở (sen nở), đi vòng số 8 với số lượng từ 20-24 người tham gia. Để điệu múa sinh động hơn, những người trong Ban biên soạn múa Náp làng Tân Mỹ cải biên thêm vào một số động tác như: Tứ trụ sen, đi hàng một hàng hai và hàng chéo... Điều đặc biệt là lớp thiếu niên rất thích múa Náp - nhất là những dịp có lễ hội cầu ngư và dịp tết cổ truyền. * Chương trình Lễ hội Sóng nước Tam Giang 2012 Lễ hội “Sóng nước Tam Giang” lần II diễn ra trong 02 ngày 18 và 19 tháng 5/2012 tại thôn Bác Vọng Đông, xã Quảng Phú và khu vực bến đồ Cồn Tộc, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức phong phú và sôi nổi.
  3. 254 LÊ ANH TOẠI và cs. Điển hình là các hoạt động: triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quảng Điền ngày mới”; hội chợ thương mại ẩm thực với hơn 70 gian hàng trưng bày, giới thiệu về thành tựu kinh tế xã hội của các địa phương, các món ăn đặc trưng của vùng quê sông nước Quảng Điền; hội trại thanh niên với sự tham gia của gần 1.000 trại sinh sẽ diễn ra trong suốt quá trình tổ chức lễ hội với nhiều trò chơi được tổ chức: kéo co, nhảy bao bố, đẩy gậy, đổ nước vào chai, đi cà kheo, đi cầu kiều, bịt mắt đập om, ghép hình, nhảy dây, rước kiệu hoa, thả diều, đua thuyền trên cạn, bắt trìa trên phá… Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao khác cũng sẽ được tổ chức xen kẽ như: vật võ truyền thống, đu tiên, bóng chuyền, đua ghe câu và quảng diễn tung chài trên phá Tam Giang. Bên cạnh đó, các tour du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên phá Tam Giang, biển gắn với các di tích lịch sử văn hóa của địa phương cũng sẽ được tổ chức trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Điểm nhấn trong chương trình lễ hội “Sóng nước Tam Giang” là Lễ tế Bà Tơ - một lễ hội truyền thống của cư dân vùng sông nước Quảng Điền được tổ chức để tưởng nhớ người phụ nữ họ Trần ở làng Bác Vọng, đã có công cứu chúa Nguyễn thoát nguy trong một lần vượt phá Tam Giang… Lễ tế Bà Tơ được tổ chức vào sáng ngày 18/5/2012 ngay tại bến đò Quai Vạc bên sông Bồ, cạnh ngôi Miếu Bà Tơ ở làng Bác Vọng Đông, xã Quảng Phú với nghi lễ trang trọng, lễ tế sẽ diễn ra trong khoảng 60 phút với nghi thức đậm nét văn hóa dân gian của cư dân vùng sông nước. Sau phần tế lễ là quảng diễn tái hiện lễ rước Bà Tơ và diễn xướng hát bả trạo – một loại hình văn hóa phi vật thể còn lưu lại ở một số làng quê của Quảng Điền; một cuộc đua thuyền ngay sau đó cũng sẽ được tổ chức ở ngay ngã ba sông Bồ bên bến đò Quai Vạc. 2.3. Tồn tại và nguyên nhân a. Tồn tại Bên cạnh những thuận lợi cơ bản để ngành du lịch phát triển thì Quảng Điền đang còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình xây dựng và khai thác các tiềm năng về du lịch tại địa phương. Sự phát triển các ngành du lịch vùng đầm phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền còn rất đơn điệu, nghèo nàn lạc hậu, tổ chức quản lí còn chưa chặt chẽ, mang tính tự phát, hiệu quả kinh tế và sức hấp dẫn du lịch còn thấp. b. Nguyên nhân - Nguyên nhân làm cho Tam Giang “ngủ quên” lâu nay là do qui hoạch, do nguồn lực đầu tư... Một nguyên nhân mà ít được nhắc đến, đó là tư duy kinh doanh theo lối mòn bám vào các di sản văn hóa Huế mà quên đi tiềm năng to lớn của các vùng lân cận. Chính tư duy đó đã làm cho sản phẩm du lịch Huế kém phong phú, kém sức cạnh tranh, không níu được chân du khách, ngày lưu trú của du khách thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. - Hệ thống giao thông đang còn nhiều bất cập, các tuyến đường đi vào các điểm di tích lịch sử - văn hóa đang bị xuống cấp và chưa được nâng cấp, mở rộng; hệ thống giao thông mà đặc biệt ở hai xã vùng biển bị cách trở gây khó khăn trong việc đi lại và bất
  4. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH Ở ĐẦM PHÁ TAM GIANG... 255 tiện cho du khách khi đến tham quan ở vùng biển. - Các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn và chất lượng các sản phẩm chưa cao nên chưa đủ sức thu hút du khách; các loại hình dịch vụ như: nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí... chưa phát triển nên ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu đi lại, tham quan du lịch và lưu trú của du khách. - Các loại hình dịch vụ văn hóa còn nghèo nàn, chưa khai thác hết hiệu quả của các thiết chế văn hóa; đồng thời trải qua thời gian các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện đang bị xuống cấp và chưa được trùng tu, tôn tạo, khôi phục... - Người dân địa phương chưa có kinh nghiệm trong hoạt động du lịch, dịch vụ (phong cách giao tiếp; cách thức tiếp thị, bán hàng để thu hút du khách). - Nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang tuy phong phú và đa dạng nhưng đang bị khai thác quá mức nên ngày càng cạn kiệt. - Các biện pháp tuyên truyền, quảng bá hình ảnh địa phương đến với khách du lịch và mối liên hệ giữa địa phương với các công ty lữ hành còn hạn chế. Sự kết nối giữa các địa phương trong vùng, các đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình hình thành tour, tuyến du lịch chưa được chú trọng. Sự vào cuộc của các doanh nghiệp để khai thác tiềm năng vùng phá Tam Giang Quảng Điền còn quá khiêm tốn... 3. GIẢI PHÁP KHAI THÁC TIỀM NĂNG DU LỊCH Ở KHU VỰC ĐẦM PHÁ TAM GIANG THUỘC HUYỆN QUẢNG ĐIỀN Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa thiên Huế nói chung và vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nói riêng; ngày 27 tháng 11 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1.955/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đến năm 2020”. Với mục tiêu tổng quát của Đề án là “Tranh thủ mọi nguồn lực để tập trung phát triển đưa đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020 trở thành vùng có điều kiện phát triển kinh tế khá của tỉnh. Lấy du lịch làm ngành kinh tế chủ lực gắn với phát triển nông nghiệp bền vững để đến năm 2020 tạo sự thay đổi đáng kể cho vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đưa vùng này trở thành một trong những khu vực có kinh tế ven biển phát triển mạnh của cả nước”. Đồng thời trong mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế của đề án cũng đã nêu: “Xây dựng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế du lịch của tỉnh”. Ngoài ra, để triển khai thực hiện tốt đề án, thì nhiệm vụ chủ yếu của đề án cũng đã nêu: “Phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực trên cơ sở phát huy cao nhất các lợi thế của vùng đầm phá và ven biển, kết nối với du lịch Cố đô Huế để phát triển tổng hợp du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch biển; tạo ra các sản phẩm du lịch và dịch vụ có chất lượng cao như hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, các trung tâm du lịch thể thao; kết nối các khu bảo tồn, làng nghề hình thành tuyến du lịch biển và đầm phá”. Có thể nói đề án này là cơ sở, là định hướng quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, mà đặc biệt trên lĩnh vực du lịch của các địa phương nằm trong vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, trong đó có huyện Quảng Điền.
  5. 256 LÊ ANH TOẠI và cs. Đánh giá tiềm năng khai thác phát triển ngành du lịch ở đầm phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền đặt ra các vấn đề cần giải quyết đó là: - Vấn đề liên kết vùng và liên kết các đơn vị làm du lịch, dịch vụ: Đây là điều hết sức quan trọng vì, du lịch dịch vụ của huyện chỉ có thể phát triển nếu có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, nhất là giữa Thành phố Huế, huyện Phong Điền, Hương Trà với Quảng Điền. Cần tận dụng tối đa thế mạnh đặc thù của các địa phương nhưng phải đặt trong sự phối hợp chung nhịp nhàng thì ngành du lịch, dịch vụ mới có thể khai thác tốt các ưu thế vốn có về di sản văn hóa của vùng đất. Nhìn rộng hơn, Quảng Điền cần tạo ra một điểm nhấn để nói kết với “Con đường di sản miền Trung”. Nếu thành công, thì đây sẽ là một bước đột phá đối với du lịch, dịch vụ của huyện. - Đề xuất một số tour: Ngoài tour “Sóng nước Tam Giang” chủ yếu tại khu vực thị trấn Sịa, Quảng Lợi, Quảng Ngạn, Quảng Điền cần nghiên cứu, tổ chức các tour du lịch khám phá mới, chẳng hạn: + Tour du lịch khám khá thành cổ Hóa Châu gắn liền với phố cổ Thanh Hà - Bao Vinh và làng rau Thành Trung cùng các làng trồng cây kiểng lân cận. + Tour du lịch khám phá dấu vết các thủ phủ xưa ở Phước Yên, Bác Vọng gắn liền với việc tham quan, tìm hiểu các nghề thủ công truyền thống, mua sắm đặc sản của địa phương (chột nưa, rau má ở Phước Yên; sản phẩm đan lát Bao La…). - Xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy các di sản: Điều này đòi hỏi phải có sự đổi mới tư duy và những cơ chế thông thoáng hơn. Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản, không thể chỉ trông chờ hoàn toàn vào nguồn vốn đầu tư của nhà nước, mà địa phương cần phát huy tối đa nội lực, huy động sự đóng góp của nhân dân, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn, những người thành đạt có gốc gác hay liên quan mật thiết với vùng đất. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất các cơ chế mới để người dân có thể tham gia vào việc khai thác, phát huy giá trị di sản, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Để giải quyết các vấn đề trên và để khai thác có hiệu quả tiềm năng và phát triển mạnh các loại hình du lịch ở vùng đầm phá Tam Giang; trên cơ sở Quyết định số 1.955/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020” và định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2020, trong thời gian đến chúng ta cần tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm sau: Một là, triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về dịch vụ, du lịch của địa phương. Trước mắt, cần tập trung hoàn chỉnh việc quy hoạch chi tiết khu du lịch - dịch vụ Đông Quảng Lợi...để có cơ sở kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà hàng, nhà chồ và các dịch vụ vui chơi giải trí ven phá. Tuy vậy, để thu hút các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đầu tư kinh doanh vào khu vực này thì trước hết Nhà nước cũng cần đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, bến thuyền, trồng rừng ngập nước...
  6. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH DU LỊCH Ở ĐẦM PHÁ TAM GIANG... 257 Bên cạnh đó, quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm có tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch như: các bãi tắm và khu nghỉ dưỡng ven biển Quảng Công, Quảng Ngạn để thu hút đầu tư các dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các điểm vui chơi giải trí… Đồng thời từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng các tuyến giao thông đối ngoại mang tính huyết mạch như: Nâng cấp mở rộng tuyến đường Nguyễn Chí Thanh nối huyện Quảng Điền với Thành phố Huế, xây dựng cầu Vĩnh Tu bắc qua phá Tam Giang... để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Hai là, không ngừng mở rộng và phát triển thị trường du lịch, cả trong và ngoài tỉnh, cần coi trọng việc mở rộng thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế nhằm thu hút được nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực du lịch vào cuộc (doanh nghiệp đi tour; doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí...). Đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu hút khách tham quan; cần hợp tác với các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận, đặc biệt với các công ty lữ hành, hình thành các doanh nghiệp du lịch để giới thiệu các sản phẩm du lịch vùng đầm phá Tam Giang - Quảng Điền. Đồng thời, có cơ chế chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi vay vốn đầu tư đối với các dự án ưu tiên đầu tư tại các khu trọng điểm phát triển du lịch-dịch vụ Đông Quảng Lợi, vùng biển Quảng Công, Quảng Ngạn...; ưu đãi đặc biệt cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh, xây dựng các khu du lịch - vui chơi giải trí trên địa bàn huyện nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng để làm điểm nhấn nối kết du lịch Quảng Điền với các địa phương trong tỉnh. Ba là, phát huy truyền thống của vùng đất văn hóa, tôn tạo và phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống mang tính đặc trưng của địa phương. Quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các đình, chùa, các di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận, xếp hạng... gắn với xây dựng nông thôn mới để hình thành các điểm dịch vụ, du lịch nhằm phục vụ tốt du khách khi đến tham quan trên địa bàn. Bên cạnh đó, chú trọng khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống như: đan lát Bao La, đan lát Thủy Lập, làng rau Thành Trung, nghề nón Vân Căn, bún Ô Sa, làng hoa cây kiểng La Vân Hạ... Các nghề sản xuất những sản phẩm phục vụ ẩm thực đặc trưng như: tôm chấy, chả da, gạo đỏ, gạo thơm, bánh ướt thịt heo Phú Lễ, rau nưa, rượu Lai Hà, rượu An Thành và các món ăn, đặc sản của đầm phá Tam Giang... nhằm góp phần vào việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, để thu hút được du khách đến tham quan du lịch trên địa bàn, ngoài việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng, phong phú, đa dạng thì giá cả của các dịch vụ phải hợp lý, bình dân, được thị trường khách nội địa tham dự kỳ nghỉ cuối tuần chấp nhận. Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch để giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt quan tâm khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia đầu tư khai thác tài nguyên du lịch biển, du lịch sinh thái trên phá và ven phá Tam Giang, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng dọc bờ biển Quảng Công và Quảng Ngạn; phát huy có hiệu quả các làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử, du lịch lễ hội dân gian, lễ hội “Sóng nước Tam Giang”... là những loại
  7. 258 LÊ ANH TOẠI và cs. hình du lịch có sức cạnh tranh cao, có khả năng thu hút du khách, gắn với vui chơi giải trí nhằm góp phần bảo tồn, tôn tạo truyền thống văn hóa đặc sắc của địa phương. 4. KẾT LUẬN Có thể nói phát triển du lịch vùng đầm phá Tam Giang là hướng đi đúng và bền vững để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh chưa đánh thức của vùng đầm phá Tam Giang - Quảng Điền. Do đó, ngoài việc phát huy tốt nội lực của địa phương thì sự quan tâm giúp đỡ, đầu tư hỗ trợ kinh phí và mọi mặt của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng cấp tỉnh là rất cần thiết nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội để xây dựng Quảng Điền sớm trở thành huyện nông thôn mới và góp phần lâu dài trong việc tháo gỡ những vướng mắc cơ bản trong phát triển du lịch của tỉnh, xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bùi Thị Tám (2010). Nghiên cứu, thử nghiệm một số tua du lịch đầm phá dựa vào cộng đồng, Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh. [2] Dự án Imolla Huế GCP/VIE/029/ITA “Tài nguyên và môi trường đầm phá Tam Giang - Cầu Hai” [3] Quyết định số 1.955/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính, Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020”. [4] Phòng Thống kê huyện Quảng Điền(2011). Niên giám thống kê huyện Quảng Điền năm 2011.Thừa Thiên Huế. [5] UBND huyện Quảng Điền (2010). Báo cáo kinh tế - xã hội huyện năm 2010, 2011. Thừa Thiên Huế. LÊ ANH TOẠI TRẦN VŨ QUYỀN TRẦN THỊ NY DƯƠNG THÁI VŨ KHẮC SƠN SV lớp Địa 4B, Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0169 297 2154, Email: toaileanh@gmail.com
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0