intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo dục phổ thông Việt Nam – Một số vấn đề căn bản cần thay đổi

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

22
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Giáo dục phổ thông Việt Nam – Một số vấn đề căn bản cần thay đổi" trao đổi, đề cập một số vấn đề căn bản cần thay đổi ở cấp học Giáo dục Tiểu học và Trung học. Trong các thành tố của quá trình giáo dục và dạy học, có lẽ yếu tố nội dung là quan trọng nhất, bởi nội dung chưa thay đổi tốt thì việc thay đổi phương pháp, cách thức dạy học hay cách thức kiểm tra, đánh giá đều mang lại ít kết quả tích cực. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo dục phổ thông Việt Nam – Một số vấn đề căn bản cần thay đổi

  1. GIÁO DỤC PHỔ THÔNG VIỆT NAM – MỘT SỐ VẤN ĐỀ CĂN BẢN CẦN THAY ĐỔI TS. Lê Minh*1, ThS. Lê Thị Thanh Hà**2 Tóm tắt: Bài viết trao đổi, đề cập một số vấn đề căn bản cần thay đổi ở cấp học Giáo dục Tiểu học và Trung học. Trong các thành tố của quá trình giáo dục và dạy học, có lẽ yếu tố nội dung là quan trọng nhất, bởi nội dung chưa thay đổi tốt thì việc thay đổi phương pháp, cách thức dạy học hay cách thức kiểm tra, đánh giá đều mang lại ít kết quả tích cực. Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi tập trung chủ yếu vào các hạn chế về vấn đề nội dung học tập, chương trình học ở cấp học Giáo dục Tiểu học và Trung học. Đây là những vấn đề đều đã được đề cập ở nhiều công trình nghiên cứu nhưng cần thay đổi một cách mạnh mẽ hơn nữa để hướng đến một nền giáo dục thực chất. Từ khóa: Giáo dục phổ thông Việt Nam, Giáo dục Tiểu học, Trung học, nội dung kiến thức phổ thông, chương trình phổ thông, thay đổi chương trình giáo dục. 1. MỞ ĐẦU Giáo dục phổ thông là bậc học nền tảng của mỗi một quốc gia, đây là bậc học cung cấp những kiến thức cơ bản để phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học, hướng tới xây dựng người công dân tích cực có ích cho xã hội. Đây được coi là mục tiêu khái quát, có thể nói là của mọi nền giáo dục phổ thông trên thế giới. Giáo dục có lẽ không phức tạp, khó khăn nếu người học – sản phẩm của nền giáo dục cũng giống như một chiếc máy tính, ô tô của nền công nghiệp. Nền giáo dục của mọi thời kỳ luôn phải tư duy bài toán vô cùng phức tạp: làm thế nào để đào tạo hàng trăm nghìn, hàng chục triệu học sinh ở một khối lớp, bậc học nhất định – những sản phẩm đặc biệt với tính cách, nhận thức, khí chất, thái độ, tính tích cực, nhu cầu, sở thích… rất khác nhau theo 1 công thức, chương trình chuẩn mực mà tránh được sự rập khuôn, máy móc, dán nhãn chung đồng loạt nhưng cũng lại đảm bảo một vài cái chung nhất định, theo yêu cầu của xã hội, dân tộc. Cách thức chung ai cũng hiểu, nhưng chúng ta vẫn thấy hạn chế rất lớn của giáo dục thế giới và giáo dục Việt Nam là vẫn còn khiên cưỡng người học theo những chương trình giáo dục, giảng dạy chuẩn nào đó để cho ra các sản phẩm đồng loạt theo chuẩn kiến Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. * Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. **
  2. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 391 thức, chuẩn thi cử, chuẩn bằng cấp, chuẩn kỹ năng nhất định. Đây là điều phụ huynh, thầy cô, nhà trường, hệ thống giáo dục không mong muốn; nhưng chúng ta đang bị cuốn theo như một thói quen mà không có biện pháp để dừng xu hướng này được, cũng như dừng lại thì không thể đào tạo mà không có chuẩn, không có định hướng. Vậy, tìm kiếm cái chuẩn nào đây cho nhà trường phổ thông, để thầy cô vẫn hình dung ra được mô hình nhân cách chuẩn mà mình sẽ đào tạo ở người học, đồng thời linh hoạt, sáng tạo để tạo ra những người học chuẩn nhưng rất đặc sắc, phong phú về tài năng, thành tựu, đa dạng về phong cách. Chúng ta đào tạo con người, không phải lập trình robot. Sáng tạo, độc đáo phải là yếu tố hàng đầu của giáo dục trong thế kỷ XXI này. Với mong muốn thay đổi những hạn chế của nền giáo phổ thông Việt Nam, trong đó tính cứng nhắc, thiếu sáng tạo, chưa quan tâm đến tính cá nhân, tính độc đáo của từng người học là hạn chế lớn trong nền giáo dục phổ thông Việt Nam cần sớm được thay đổi. Ngoài ra, các vấn đề về hoạt động hành chính giáo dục; giáo dục các nội dung thiết yếu như giới tính, kỹ năng mềm, bảo vệ môi trường… cũng cần được chú trọng. Bài viết tập trung đến hai cấp học: Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học; bàn đến một số vấn đề căn bản cần thay đổi ở hai bậc học này. 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CĂN BẢN CẦN THAY ĐỔI Ở CẤP GIÁO DỤC TIỂU HỌC Mục tiêu quan trọng của Giáo dục Tiểu học là giúp trẻ đọc thông, viết thạo; thực hiện được các phép tính toán cơ bản; có hiểu biết về các vấn đề đạo đức, tự nhiên, xã hội đơn giản; ý thức được nhiệm vụ học tập và được rèn luyện cách học, phương pháp học. Hoạt động chủ đạo của học sinh tiểu học là hoạt động học tập, đây là giai đoạn lứa tuổi quan trọng để hình thành ý thức học tập, khơi gợi tinh thần học tập dựa trên những đặc điểm tâm lý thuận lợi của trẻ: tính tò mò, ham hiểu biết, thích khám phá … mọi thứ trong thế giới khách quan. Trong những năm đầu cấp Tiểu học, trẻ cũng rất nghe lời thầy cô, dễ dàng tiếp nhận những gì thầy cô chỉ dạy, tổ chức. Nhà trường Tiểu học của chúng ta, đã cố gắng rèn luyện, cung cấp cho học sinh những tri thức khoa học cơ bản, giúp trẻ đọc thông viết thạo nhưng chưa thực sự dạy cho trẻ cách học, phương pháp học cũng như hiểu được ý nghĩa của việc học: học cho bản thân, học để hoàn thiện chính nhân cách của mình. Bên cạnh mục đích cung cấp tri thức, việc trang bị cách học, rèn luyện tính tích cực học tập phải trở thành mục tiêu hàng đầu ở cấp Tiểu học. Những khẳng định của lĩnh vực tâm lý học về học tập, học sinh tiểu học chưa được quan tâm đúng mực và có phương pháp hợp lý, đó là những vấn đề sau: - Trong học tập, học cách học, phương pháp học còn quan trọng hơn lĩnh hội tri thức. - Thái độ học tập, tâm thế học tập, tính tích cực học tập thì quan trọng hơn cả việc học cái gì, học nội dung gì. Chúng ta phải xem xét thấu đáo việc, yêu cầu học sinh học
  3. 392 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP nhồi nhét nhưng không quan tâm xem học sinh đang lĩnh hội kiến thức trong trạng thái như thế nào. - Những nghiên cứu về việc học ngôn ngữ đã khẳng định: sau này khi lớn lên, hầu hết người trưởng thành đều quên các kiến thức ngữ pháp cũng như không nhớ được chữ a, b, c khi viết vở ô ly lớp 1 thì cần có chuẩn kích thước như thế nào. Không thể phủ nhận được những quy trình, phương cách học tập cụ thể ở Tiểu học hiện nay, nhưng có nên cứng nhắc trong việc dành quá nhiều thời gian để dạy những thứ trong tương lai học sinh sẽ sớm quên? Đặc biệt, có những lúc thầy cô, nhà trường gây sức ép, áp lực với việc học những kiến thức này. Chính vì vậy, “homeschooling”, “unschooling”, học thuyết phi trường quy (phản đối các quy chuẩn của nhà trường và hệ thống giáo dục chính quy) là những vấn đề ra đời để hủy bỏ sự áp đặt giáo dục - ngỡ là tốt đẹp nhưng thực chất đang hủy “sáng tạo tính” ở trẻ. Ngày nay, càng ngày các chuyên gia giáo dục càng tin tưởng rằng: “học tập càng mang tính cá nhân và tự do thì càng có ý nghĩa và thiết thực hơn”. Chúng tôi mong muốn có “một cái bắt tay hữu hảo” giữa những nhà giáo dục chủ trương xây dựng tính quy chuẩn nội dung học tập, phương pháp dạy học, các bài kiểm tra chuẩn, đòi hỏi điểm số hoàn hảo và những chứng chỉ, bằng cấp học tập với những nhà cải cách định hướng sự tự do trong học tập, để trẻ em tự kiểm soát việc học tập, từ chối hoàn toàn khái niệm nhà trường truyền thống. Bài toán giáo dục con trẻ lẽ ra bắt nguồn từ chính trẻ, từ người học thì nay rất có thể sẽ nổ ra sự tranh luận giữa phe giáo dục truyền thống và phe cải cách giáo dục. Lúc này phải xem lại mục tiêu chân lý bất biến của giáo dục: Giáo dục là mang lại hạnh phúc, mang lại sự hiếu học tự nhiên, giúp người học sớm có khả năng tự giáo dục, tự học và thích ứng một cách tích cực với thế giới. Tại Việt Nam, trong 15 năm trở lại đây, có hàng trăm các luận văn, luận án, các đề tài lớn nhỏ bàn về việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học cũng như học sinh trung học nhưng chưa được ứng dụng nhiều vào giáo dục phổ thông. Thế kỷ XXI là thế kỷ của kỹ năng mềm, chưa bao giờ các nhà giáo dục cần phải ngồi lại bàn bạc với nhau một cách quyết liệt như bây giờ về việc giáo dục kỹ năng sống cho người học như thế nào. Chúng tôi mong muốn một số vấn đề căn bản, cấp thiết cần thay đổi ở cấp Giáo dục Tiểu học là: - Trước hết cần giảm tải một số nội dung kiến thức trong nhà trường phổ thông để có khoảng trống đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào nhà trường. - Nhu cầu tinh thần của học sinh tiểu học phát triển mạnh, đặc biệt là nhu cầu đọc sách. Vì vậy, ngay từ cấp Tiểu học, nhà trường phải tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận với đa dạng các nguồn nguyên liệu sách báo, định hướng cho trẻ cách đọc, cách lựa chọn sách, cách xem sách, giới thiệu cho trẻ những sách vở phù hợp với lứa tuổi. Hoạt động này phải trở thành mục tiêu thiết yếu của cả nền Giáo dục Tiểu học.
  4. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 393 - Trẻ tiểu học có một tâm hồn rất nhạy cảm, một nhân cách rất mềm dẻo, một thể chất còn non nớt, cần được giáo dục với lòng yêu thương, vị tha và sự kiên nhẫn vô hạn. Do vậy, sự uốn nắn của nhà trường, thầy cô ở độ tuổi này phải là sự uốn nắn thận trọng, hợp lý với yêu cầu của giáo dục, đồng thời phải đảm bảo phù hợp với các đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. - Học sinh tiểu học rất yêu môi trường, yêu thiên nhiên, yêu động vật - một tình yêu thuần khiết, tự nhiên. Vì vậy, tình yêu này cần được nhà trường, thầy cô quan tâm, giáo dục. Ngày nay, giáo dục môi trường là lĩnh vực đặc biệt quan trọng góp phần bảo vệ sự tồn tại của con người, muôn loài và trái đất. Vậy thì không gì hơn bằng việc giáo dục môi trường - đưa nội dung này thành mục tiêu quan trọng của nhà trường. - Cùng với ngôn ngữ mẹ đẻ, học sinh tiểu học tiếp thu rất nhanh ngoại ngữ ở giai đoạn này. Việc rèn luyện ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh - ngôn ngữ quốc tế thông dụng phải là mục tiêu lớn của nhà trường tiểu học. Giáo dục việc sử dụng công nghệ thông tin cũng rất cần thiết, giai đoạn này cần giáo dục để học sinh hiểu ý nghĩa, giá trị của công nghệ thông tin trong học tập, đời sống; có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản. - Rèn thể chất, giáo dục nghệ thuật phải được coi trọng như học tiếng Việt, học Toán. Đây là những môn nền tảng để tăng cường sức khỏe thể chất, phát triển tình yêu với cái đẹp. - Chương trình giáo dục Tiểu học là chương trình cơ bản, xây dựng không khó nhưng nội dung sách giáo khoa cần được xem xét để có các nguyên tắc xây dựng hợp lý, phù hợp với chuẩn chung, phù hợp với đại đa số học sinh; tăng tính tự chủ trong việc lựa chọn nội dung dạy học cho giáo viên. - Học sinh đang phát triển quá nhanh về tâm lý, sinh học do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác nhau; gia tốc ngày một tăng mạnh. Do vậy, không nên bàn luận về việc giáo dục giới tính vào lứa tuổi nào nữa; giáo dục ngay ở bậc mẫu giáo, Tiểu học mà nên bàn đến việc lựa chọn các nội dung giáo dục giới tính như thế nào cho hợp lý với trẻ. 3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CĂN BẢN CẦN THAY ĐỔI Ở CẤP TRUNG HỌC Từ 1950 đến nay, giáo dục phổ thông Việt Nam đã có bốn cuộc cải cách lớn. Hiện tại, chúng ta cũng đang xây dựng lại hệ thống chương trình, sách giáo khoa phổ thông – đây cũng có thể coi như là một lần cải cách giáo dục lớn và sẽ được hậu bối thừa nhận. Qua khá nhiều lần cải cách như vậy, chúng ta cũng đạt được nhiều thành tựu, nhưng có thể chỉ ra được mấy hạn chế, mà qua tất cả các lần cải cách chúng ta chưa thực hiện được ở cấp Trung học:
  5. 394 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP - Một là, phương châm giáo dục: học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn là định hướng chúng ta đưa ra từ những năm 50, đã được 70 năm; nhưng giáo dục phổ thông của chúng ta đã thực hiện được phương châm này chưa? Giáo dục vẫn đưa ra rất nhiều biến thể từ phương châm này: học qua trải nghiệm, tăng cường dạy học trải nghiệm sáng tạo, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp… nhưng lối học tầm chương trích cú, kinh viện, thiên về nội dung hàn lâm, lý thuyết xa vời, không mang tính thực tiễn vẫn là lối học và dạy chủ đạo trong 70 năm nay ở cấp Trung học. Lối dạy và học ở phổ thông hiện nay là dạy, học để đáp ứng các kỳ thi chuẩn hóa chuyển cấp, mang lại rất ít ích lợi cho việc rèn nhân cách người học. Nền giáo dục phổ thông Việt Nam cần phải giải quyết ngay vấn đề: Học sinh phổ thông Việt Nam đang học các kiến thức hàn lâm, lý thuyết của văn chương, Toán học, Sinh học, Vật lý, Hóa học, Sử học…; học tiếng Anh nhưng tập trung học quá nhiều ngữ pháp của ngôn ngữ. Có phải chúng ta đang kỳ vọng để tạo ra các nhà nghiên cứu văn học, nhà nghiên cứu ngôn ngữ; nhà nghiên cứu toán học, vật lý? Đây có phải mục tiêu giáo dục phổ thông của chúng ta trong 70 năm qua? Trong lần thay đổi sách giáo khoa này, chúng ta cũng đang chủ trương “giảm lý thuyết hàn lâm trong chương trình giáo dục phổ thông” nhưng phải ráo riết thay đổi một cách triệt để, thay đổi thực chất. Cụ thể: - Một là, các nhà Sư phạm Vật Lý, Sư phạm Văn, Sư phạm Hóa… phải chỉ ra được kiến thức cơ bản nhất về Văn, Lý, Hóa… - những kiến thức đời thường, thực tiễn nhất của các môn khoa học này để đảm bảo mục tiêu của cấp học Phổ thông là học các kiến thức cơ bản, phù hợp với trình độ, năng lực của người học. - Hai là, phải xóa bỏ ngay tư tưởng “môn chính”, “môn phụ”; quan niệm học sinh phải học tốt tất cả các môn học trong chương trình là sai lầm. Các môn học được đưa vào nhà trường phổ thông đều là các môn học cơ bản, cần có sự phân phối thời gian hợp lý cho tất cả các môn học. Giáo dục phổ thông Việt Nam vẫn đang có sự phân biệt các môn học; theo định hướng môn nào cần để thi chuyển cấp thì là các môn quan trọng, môn nào không liên quan đến thi cử thì không cần học nhiều. Hiện giờ chúng ta đang bỏ qua hoạt động giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất - những môn học bị coi là các môn phụ; phải coi trọng các môn học này không kém gì quan trọng như Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn. Các nghiên cứu về nhận thức nghệ thuật, khả năng thường thức hội họa, âm nhạc tại cộng đồng người Việt đều cho thấy, người Việt chúng ta nhận thức về các vấn đề này rất hạn chế. Về thể chất, thì nhìn vào thực tiễn chúng ta thấy chuẩn chiều cao của người Việt so với các nước trong và ngoài khu vực còn hạn chế, vì vậy việc rèn luyện thể chất phục vụ cho học tập là điều kiện cần của bất cứ thời đại nào.
  6. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 395 Nền giáo dục của chúng ta phủ nhận sự khác biệt trí tuệ của mỗi học sinh bằng cách áp đặt, yêu cầu tất cả học sinh đều phải học tốt các môn chính, đặc biệt là các môn Toán, Ngữ văn mà trên thực tế không phải học sinh nào cũng có trí thông minh từ ngữ hay logic để phù hợp với việc học Toán, Ngữ văn. Từ những năm 80, khi nghiên cứu về trí tuệ của con người, Howard Earl Gardner - nhà Tâm lý học người Mỹ, đã thống kê được 150 dạng trí thông minh khác nhau ở người, trong đó ông đưa ra 9 loại hình thông minh đặc trưng. Lý thuyết này của H.Gargner đã khẳng định, trí thông minh của người học rất đa dạng, các chương trình học tập phải có tính mở, tính thích ứng, phù hợp với trí tuệ của người học. Do đó, phải nghiên cứu, để xây dựng chương trình hợp lý, có biện pháp sàng lọc năng lực người học ở cấp Trung học để đảm bảo học sinh tiếp cận với tất cả các môn học nhưng được tập trung những môn sở trường, thế mạnh của bản thân. - Ba là, cần xem xét việc hoạt động của các trường chuyên, lớp chọn. Trong bối cảnh, nền giáo dục phổ thông của chúng ta đang nặng về tiếp cận nội dung kiến thức, các trường chuyên, lớp chọn cũng ở vào trạng thái này và còn nặng về kiến thức hàn lâm hơn các trường học khác. Lúc này, cần xem xét kỹ mục tiêu đào tạo của các loại hình trường chuyên, lớp chọn này; nó có thực sự đào tạo ra đội ngũ học sinh tích cực cho xã hội không? - Bốn là, để tăng tính tự chủ của giáo viên trong nhà trường phổ thông, có năng lực giảng dạy, giáo dục chuyên nghiệp; có khả năng sáng tạo trong xây dựng chương trình bài giảng thì cần xem xét kỹ hoạt động đào tạo sư phạm tại các trường đại học sư phạm. Hoạt động đào tạo sư phạm chính quy phải chuyên nghiệp hơn, trang bị kiến thức dài lâu để họ thích ứng tốt hơn với hoạt động giáo dục học sinh. Thực hiện được tốt điều này, sẽ hạn chế được việc phải bồi dưỡng, đào tạo sau này cho giáo viên. - Năm là, cần thiết đưa vào nhà trường phổ thông hệ thống phòng tham vấn, tư vấn tâm lý học đường. Sinh viên học các ngành Tâm lý học, Công tác xã hội, Công tác thanh thiếu niên sẽ là những chuyên ngành phù hợp để công tác tại các phòng tham vấn tâm lý học đường. Phòng tham vấn tâm lý sẽ thực hiện việc tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh; hỗ trợ các hoạt động liên kết cộng đồng, huy động sự hỗ trợ của cộng đồng vào hoạt động giáo dục; thầy cô sẽ không phải kiêm nhiệm các hoạt động này. Ngoài ra, cán bộ của phòng này sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược cho việc giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính, định hướng hoạt động hướng nghiệp - đây là những khoảng trống, gần như chưa được tập trung sâu sát ở bậc học Trung học cũng như cố vấn cho nhà trường các hoạt động trải nghiệm thiết thực cho học sinh, giáo viên. - Sáu là, cách thức kiểm tra đánh giá ở cấp Trung học cần bỏ dần cách kiểm tra theo hình thức ghi nhớ thông tin và tái hiện lại tri thức một cách máy móc. Các bài
  7. 396 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP đánh giá, kiểm tra cần được thiết kế một cách đa dạng, theo hướng mở, để kiểm tra khả năng biện luận, sáng tạo của học sinh. Điều này, cũng buộc các em học sinh phải thường xuyên rèn luyện năng lực phản biện - năng lực rất yếu của học sinh Việt Nam; cũng như khi làm bài không chỉ tìm kiếm tri thức trong sách giáo khoa mà có thói quen tra cứu dữ liệu, thông tin từ nhiều nguồn; học được cách mở rộng kiến thức qua sách vở, qua tranh biện, biết cách lập luận, sáng tạo theo cách riêng của mình. Học sinh đến trường để hòa nhập với bạn bè, cộng đồng, các chuẩn mực xã hội nhưng không thể hòa nhập về lối tư duy, lối sáng tạo được; phải giúp học sinh làm nổi bật tiềm năng, cá tính tích cực của mình. Ngay cả sản phẩm bàn ghế, hàng ngày người ta vẫn sản xuất ra hàng trăm ngàn cái bàn với đa dạng mẫu mã đương nhiên cuối cùng cái ghế vẫn là để ngồi, cái bàn vẫn là để sắp xếp đồ đạc lên trên nó; sản phẩm con người thì lại càng phải đa dạng, độc đáo đương nhiên cuối cùng vẫn là đào tạo ra học sinh có phẩm chất đạo đức tích cực, có năng lực tốt, có khả năng tự học và tự giáo dục. - Bảy là, hiện tại ở Việt Nam, nhiều chuyên gia giáo dục có ý kiến: hoạt động hành chính giáo dục là “điểm nghẽn” trong cải cách giáo dục. Hoạt động hành chính giáo dục tại Việt Nam hiện nay còn mang tính quan liêu, áp đặt; thực thi các chính sách, chỉ thị chủ yếu dựa vào các báo cáo và con số. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng làm bệnh thành tích tại các nhà trường, lớp học khó có thể xóa bỏ đi hoàn toàn. Các cấp tự tạo ra các chỉ tiêu, các chuẩn; rồi tự tạo ra các áp lực giáo dục, học tập, thi cử từ nhà trường xuống đến thầy cô và cuối cùng là học sinh. Nền giáo dục phải định hướng trước rằng: Học là cả một quá trình dài, ai cũng phải học cả đời. Có nên đóng khung cái sự học vào việc thi đỗ hay trượt, điểm số cao hay thấp, bằng cấp… để đạt chuẩn hay chỉ tiêu không? Học là để đi tìm tiềm năng, sở trường, hứng thú, đam mê của bản thân. Thành tích, bằng cấp, điểm số cũng chỉ là sự ghi nhận tạm thời tại một giai đoạn mà thôi. Chưa quán triệt được điều này, thì học sinh của chúng ta không thể tìm được niềm vui khi đến trường. Hoạt động dạy và học tại nhà trường phải là hoạt động hướng đến chất lượng của giáo dục chứ không phải các số liệu hình thức. Do vậy, các hoạt động mang tính hành chính trong nhà trường cần được xem xét, giảm thiểu các hoạt động báo cáo, giấy tờ cho giáo viên, để họ có nhiều thời gian tập trung cho công tác giáo dục, dạy học. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra giáo dục cần thực chất; việc tổ chức giờ dạy tốt, dạy giỏi các cấp cần phải xem lại cách tổ chức, tránh hình thức. Hoạt động hành chính giáo dục sẽ có liên quan rất nhiều đến lĩnh vực quản lý giáo dục - một ngành học đang được đào tạo tại nhiều nhà trường đại học. Chúng tôi thiết nghĩ cần đào tạo tốt nguồn nhân lực của ngành này để cung cấp cho hệ thống giáo dục những cố vấn giỏi có khả năng thay đổi và tạo ra những chiến lược tốt cho giáo dục phổ thông về vấn đề quản lý hoạt động sư phạm ở các cấp.
  8. Phần 2: DẠY THẬT, HỌC THẬT - BÀI HỌC TỪ THỰC TIỄN 397 KẾT LUẬN Trên đây là một số vấn đề, theo chúng tôi cần phải định hướng và thay đổi đối với cấp Giáo dục Tiểu học và Trung học. Những vấn đề chỉ ra, không phải chưa có nghiên cứu, chưa có kiểm chứng mà phần lớn đều đã được nghiên cứu; do vậy cách chúng ta tư duy để áp dụng, triển khai thực tế là quan trọng. Hiện nay, có một số hạn chế, báo chí, truyền thông và các chuyên gia giáo dục chỉ ra từ rất lâu, nhưng sự thay đổi không thể chậm chạp được nữa. “Dục tốc bất đạt”, nhưng thực sự giáo dục phổ thông Việt Nam cần một sự biến chuyển mạnh mẽ để thay đổi cốt lõi các hạn chế, hướng đến một nền giáo dục thực chất. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Fareed Zakaria (Châu Thuận dịch) (2017), Biện hộ cho một nền Giáo dục khai phóng, NXB Hồng Đức. 2. Ikeda Daisaku (Trần Quang Tuệ dịch) (2013), Thế kỷ XXI - Ánh sáng giáo dục, NXB Chính trị Quốc gia. 3. Nhiều tác giả (2006), Giáo dục những lời tâm huyết, NXB Thông tấn. 4. John Locke (Dương Văn Hóa dịch), Vài suy nghĩ về giáo dục, NXB Tri thức. 5. Ken Robinson, Lou Aronica (2021), Trường học sáng tạo - Cuộc cách mạng từ gốc rễ, chuyển hóa giáo dục, NXB Thế giới. 6. Nguyễn Quốc Vương (2019), Tại sao càng cải cách, giáo dục Việt Nam càng rối rắm, Nguồn: https:// thanhnien.vn/giao-duc/tai-sao-cang-cai-cach-giao-duc-viet-nam-cang-roi-ram-1079177.html. 7. Richard David Precht (Vũ Kim Nga dịch) (2017), Vì sao con tôi không thích đến trường, NXB Tri thức. 8. Chu Vĩnh Tân (Minh Thương dịch), Triết lý giáo dục của Chu Vĩnh Tân qua những câu nói ngắn, NXB Hội Nhà văn. 9. William Deresiewicz (Quế chi dịch, 2018), Bầy cừu xuất chúng - Lật tẩy khoảng tối của nền giáo dục tinh hoa Mỹ.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2