intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám - chữa bệnh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

2
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám - chữa bệnh trình bày các nội dung: Thực trạng hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của các tôn giáo; Phật giáo tham gia công tác chăm sóc y tế, khám chữa bệnh, hiến máu, hiến tạng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc tham gia hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám - chữa bệnh

  1. GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG VIỆC THAM GIA HOẠT ĐỘNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE, KHÁM - CHỮA BỆNH TS. NGUYỄN NGỌC QUỲNH1* Tóm tắt: Đảng và Nhà nước Việt Nam có chủ trương xã hội hoá hoạt động giáo dục, y tế, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, đây là một chủ trương nhất quán, lâu dài của Đảng, trong đó các tôn giáo (tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, cơ sở vật chất, các giá trị phi vật thể... của tôn giáo, tín ngưỡng) chính là một nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện tốt chủ trương này. Việc cho phép tôn giáo tham gia xã hội hóa, cung ứng dịch vụ công sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng phục vụ giữa các tổ chức cung ứng khác nhau, thúc đẩy sự công khai, minh bạch trong hoạt động an sinh xã hội và người dân sẽ có lợi trong việc lựa chọn chất lượng các chủ thể tham gia cung ứng các loại dịch vụ này. Hiện nay, các tôn giáo trong đó có Phật giáo tham gia tích cực vào công tác xã hội hóa các hoạt động y tế với sự giám sát, quản lý của nhà nước theo quy định của pháp luật đã và đang góp phần giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở của nhà nước, giảm bớt gánh nặng từ ngân sách, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế phù hợp. Công việc này hiện đang có nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Việc nghiên cứu về tình hình tham gia công tác khám chữa bệnh của Phật giáo và đưa ra các kiến nghị đối với các bộ, ngành, cơ quan là cần thiết nhằm tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế phù hợp cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát huy thế mạnh trong công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh. Từ khóa: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh. Đặt vấn đề Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các sinh hoạt tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện. Các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động an sinh xã * Ban Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
  2. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 1011 hội, đặc biệt là các hoạt động xã hội hóa giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, dạy nghề, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19... Để thúc đẩy sự phát triển các hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt là hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh của các tôn giáo, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho các nhóm đối tượng người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần và hiến tặng mô, tạng được xây dựng, ban hành. Các chủ trương của Đảng và những văn bản pháp luật của Nhà nước đã tạo ra một hành lang pháp lý để cho tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh; là công cụ pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Qua triển khai thực hiện, vai trò của nhiều tổ chức, cá nhân tôn giáo bước đầu đã được phát huy trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần và truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tôn giáo tập trung số lượng nhiều ở các tỉnh, thành phố như: Tp. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Cần Thơ, Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... Phương pháp nghiên cứu Tác giả sử dụng các phương pháp như thu thập thông tin, phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp… Việc thực hiện các phương pháp này nhằm đưa ra những đánh giá, nhìn nhận khái quát về Giáo hội Phật giáo Việt Nam với công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân, từ đó đưa ra những nhận định và vấn đề còn đặt ra, những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực hoạt động này của Phật giáo. Từ đó đề xuất một số khuyến nghị đối với các cơ quan, ban ngành có liên quan nhằm giúp cho Phật giáo có thể tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khám - chữa bệnh cho người dân. 1. Thực trạng hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của các tôn giáo 1.1. Cơ sở vật chất của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của các tôn giáo Các cơ sở khám chữa bệnh từ thiện của tôn giáo nhìn chung đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đầy đủ, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác chẩn đoán và khám chữa bệnh.
  3. 1012 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc các tổ chức tôn giáo thực hiện quản lý tài chính, tài sản theo các quy định của pháp luật. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ sở gồm: Nguồn tự có của chủ cơ sở, nguồn trợ giúp từ các tổ chức trong nước và nước ngoài, nguồn đóng góp của đối tượng tự nguyện, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Các cơ sở khám chữa bệnh do tôn giáo thành lập nhìn chung đều hoạt động từ thiện, không thu tiền. Các cơ sở có thu phí một số dịch vụ để phục vụ công tác khám chữa bệnh từ thiện đều có công khai giá dịch vụ y tế cũng như chế độ theo dõi bệnh nhân và chế độ chăm sóc bệnh nhân. Một số cơ sở tự khai thác, mua nguyên liệu để bào chế thuốc đông y tại địa phương nên giá thành rẻ, an toàn với người bệnh. 1.2. Về đội ngũ nhân viên y tế, cộng tác viên làm việc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe, khám - chữa bệnh Đội ngũ nhân viên y tế, cộng tác viên trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc y tế cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần của các tôn giáo là các chức sắc, chức việc, nam nữ tu sĩ và tín đồ các tôn giáo tình nguyện tham gia. Nhiều y bác sỹ, lương y, nhân viên nhiều kinh nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước cũng đã tự nguyện tham gia khám, chữa bệnh từ thiện cho người dân trong cộng đồng. Đội ngũ bác sỹ, y sỹ hành nghề tại các cơ sở đều có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên môn khám chữa bệnh; các y bác sỹ Tây y được đào tạo từ các trường chuyên môn, có bằng cấp đảm bảo quy định; nhiều lương y được đào tạo bài bản từ các trường chuyên môn, một số được đào tạo tại cơ sở từ các lương y có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm. Bệnh nhân đến khám và điều trị luôn được nhân viên hướng dẫn tận tình, chu đáo, thân thiện và hòa nhã, tạo được sự yên tâm và kính trọng. Hằng năm, nhiều cơ sở của tổ chức tôn giáo đã cử nhân viên tham gia chương trình đào tạo, tập huấn của về công tác y tế, phục hồi chức năng, dược sĩ... 1.3. Hoạt động của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của các tôn giáo Trong những năm qua, ngành y tế và sở, ngành các tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phát triển nền đông y, phối hợp với các phương pháp khám, chữa bệnh bằng y học hiện đại, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, bên cạnh việc điều trị những căn bệnh thông thường, đội ngũ lương y cũng không ngừng học hỏi, nghiên cứu và tiếp cận những phương pháp điều trị bệnh mới. Năm 2016, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế đã tổ chức thi và cấp 108 chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng thuốc Nam cho những cá nhân đã được đào tạo trong
  4. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 1013 tôn giáo Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 29/2015/ TT-BYT để tạo điều kiện cho các cá nhân hành nghề theo quy định pháp luật. Công tác khám, chữa bệnh của các tôn giáo trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất tốt và thiết thực, thường xuyên vận động các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân ủng hộ về thảo dược cũng như vật chất để khám chữa bệnh giảm bớt gánh nặng cho người bệnh và gia đình, góp phần cùng nhà nước thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Các vị chức sắc, các vị tu sỹ các tôn giáo đã được cử đi học lớp tập huấn về phòng chống HIV/AIDS trong nước và quốc tế… tại các hội nghị tập huấn này các học viên đã được tiếp thu rất nhiều kiến thức bổ ích. Những kiến thức tiếp thu được qua các hội thảo - tập huấn, đã được các chức sắc, chức việc các tôn giáo tích cực lồng ghép truyền thông rộng rãi trong tăng, ni, phật tử; Đại chủng viện và các xứ, họ đạo... Các dòng tu, nhà thờ, chùa, niệm phật đường đã gắn các chương trình ngoại khóa cũng như những khóa tu tập, để chuyển tải kiến thức phòng chống HIV/ AIDS và giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người có HIV/AIDS hòa nhập với cộng đồng, góp phần giảm thiểu sự kỳ thị của cộng đồng và sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS tại các địa phương. 2. Phật giáo tham gia công tác chăm sóc y tế, khám chữa bệnh, hiến máu, hiến tạng... 2.1. Một số hoạt động tiêu biểu của Phật giáo trong công tác chăm sóc y tế, khám - chữa bệnh1 Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, các tăng ni, phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực tham gia chăm sóc sức khỏe cho người già, cô đơn, người tàn tật; khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, mổ mắt thay thủy tinh thể cho bệnh nhân nghèo, tham gia cứu chữa các bệnh nhân mắc bệnh tim…; các trung tâm chăm sóc và tư vấn cho các bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam, tâm thần, bệnh nhân phong…; Phát xe lăn, xe lắc; tặng bảo hiểm xã hội; tổ chức hiến máu nhân đạo, hiến mô tạng… Báo cáo tổng kết công tác từ thiện xã hội của tăng ni, phật tử, các ban, viện trung ương của Giáo hội và các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các địa phương trong cả nước năm 2018 đạt giá trị gần 2000 tỷ đồng, trong đó tiêu biểu là Giáo hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh đạt trên 700 tỷ đồng, Phân ban Ni giới Trung ương đạt trên 300 tỷ đồng… 1 Tham khảo tham luận của Thượng tọa - TS. Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc biểu dương phát huy vai trò các tôn giáo tham gia chăm sóc sức khỏe; khám, chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần… Tháng 1/2019 tại Tp. Hồ Chí Minh.
  5. 1014 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... Hệ thống Tuệ Tĩnh đường, phòng khám Đông Tây y, phòng thuốc Nam trong toàn Giáo hội đều hoạt động có hiệu quả, đã khám bệnh và phát thuốc cho hàng chục ngàn bệnh nhân, tổng trị giá khám và chữa bệnh hàng tỷ đồng. Trung tâm tư vấn người nhiễm HIV/AIDS… trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều hoạt động ổn định, có kết quả. Trong năm 2019, tăng ni, phật tử cả nước đã nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết, tặng áo quan, gạo, quần áo, thuốc men, ủng hộ tuyến đầu Tổ quốc, chiến sĩ biên phòng, trại tâm thần, nhà dưỡng lão, quỹ bảo thọ, hàng ngàn ca hiến máu nhân đạo và nhiều công tác từ thiện khác… Tổng số tiền từ thiện xã hội năm 2019 đạt được là 2.405.948.358.500đ. Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh trên 500 tỷ đồng; Phân ban Ni giới Trung ương và các tỉnh trên 400 tỷ đồng1. Tính đến cuối năm 2019, Giáo hội có hơn 200 Tuệ tĩnh đường, phòng khám Đông y; 33 phòng khám Tây y; 46 Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, chất độc da cam, người tàn tật; 15 trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn; 2 trung tâm dạy nghề, huấn nghiệp; gần 300 lớp học tình thương; hơn 200 bếp ăn từ thiện, nồi cháo tình thương tại các bệnh viện ở tuyến trung ương đến các bệnh viện địa phương, tỉnh, thành phố và cấp huyện. Các Tuệ Tĩnh đường, các phòng khám đông, tây y đã tiến hành khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân với trị giá hàng chục tỷ đồng tiêu biểu như phòng khám đa khoa chùa Long Bửu (Bình Dương), Tuệ tĩnh đường Hải Đức, Liên Hoa (Tp. Huế), phòng khám từ thiện chùa Hà Tiên (Vĩnh Phúc), chùa Linh Sơn (Điện Biên), chùa Vạn Phúc (Tp. Hà Nội), chùa Vạn Thọ, Tuệ tĩnh đường chùa Pháp Hoa, chùa Bửu Châu, Tịnh xá Trung tâm (Tp. Hồ Chí Minh), Tuệ Tĩnh đường Linh Quang (Lâm Đồng)… Hoạt động mổ mắt từ thiện: tăng ni, phật tử các chùa đã phối hợp với các bác sĩ chuyên môn tổ chức khám và phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể… miễn phí cho các bệnh nhân nghèo với hàng ngàn ca, trị giá hàng tỷ đồng. Hội sự nghiệp từ thiện Minh Đức của Thượng tọa Thích Giải Hiền thuộc Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2018 đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc, mổ mắt, chữa răng, làm răng giả, phát xe lăn cho 5000 đồng bào nghèo tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, và hơn 2000 đồng bào tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh 1 Báo cáo tổng kết công tác phật sự năm 2019 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  6. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 1015 Hóa với giá trị 2 tỷ 800 trăm triệu đồng. Đồng thời tổ chức chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Chăm sóc phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Thái Bình. Các chương trình mổ tim nhân đạo cho các bệnh nhân nghèo, trẻ em cũng được Tăng Ni các chùa tham gia tích cực, một gương điển hình như Quỹ Đạo Phật ngày nay, chùa Giác Ngộ (Tp. Hồ Chí Minh) Thượng tọa Thích Nhật Từ đã đồng hành với Bệnh viện Tim Tp. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Tim Hà Nội hỗ trợ kinh phí hơn 1 tỷ đồng trong năm 2018. Các Trung tâm chăm sóc và tư vấn người bị nhiễm HIV/AIDS hoạt động rất hiệu quả khắp các tỉnh thành phố trong cả nước, điển hình như: chùa Pháp Vân (Tp. Hà Nội), chùa Kỳ Quang, chùa Diệu Giác (Tp. Hồ Chí Minh), chùa Hải Đức (Tp. Huế)… Trong phong trào hiến máu nhân đạo, hiến mô tạng cứu người đã được các chùa và Tăng Ni, Phật tử hưởng ứng rất nhiệt tình. Một số chùa đã phối hợp cùng với Viện Huyết học truyền máu Trung ương tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo với thông điệp: Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại! Điển hình là chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Giác Ngộ (Tp. Hồ Chí Minh) - Quỹ Đạo Phật ngày nay trong năm 2018 tổ chức 20 lần hiến máu nhân đạo); tổ chức Gia đình Phật tử Thừa thiên - Huế tổ chức hiến máu nhân đạo tại các chùa trong tỉnh; chùa Bà Đa (Tp. Đà Nẵng), chùa Thiền tôn Phật Quang (Bà Rịa - Vũng Tàu), chùa Phật Quang (Kiên Giang), chùa Tứ Kỳ (Hà Nội)... Có những vị thày như Đại đức Thích Thiện Anh chùa Vạn Bảo, huyện Đức Hòa, Long An, đã hơn 100 lần hiến máu nhân đạo, là một trong tấm gương tiêu biểu trong việc hiến máu nhân đạo. Với thông điệp: Cho đi là còn mãi, tăng ni, phật tử cũng đã tích cực hưởng ứng, đã đăng ký hiến mô, tạng cứu người, đồng thời vận động mọi người thông qua các bài giảng giáo lý Phật giáo về ý nghĩa việc hiến mô, tạng, xóa bỏ các suy nghĩ định kiến về các bộ phận của cơ thể sau khi chết, đặc biệt là các trường hợp chết não để mọi người tích cực tham gia hiến mô, tạng cứu người. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có sự liên hệ phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Trung tâm điều phối và ghép tạng quốc gia tại Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội. Giáo hội đã phối hợp với Trung tâm điều phối và ghép tạng quốc gia tổ chức lễ đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học tại chùa Giác Ngộ (Tp. Hồ Chí Minh) vào 29/9/2018, kết quả là 588 hồ sơ đăng ký hiến mô, tạng nâng tổng số người đăng ký hiến mô tạng tại chùa Giác Ngộ là 1.913 hồ sơ.
  7. 1016 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 2.2. Một số mô hình hoạt động chăm sóc y tế, khám - chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần… của Phật giáo1 * Phòng khám đa khoa từ thiện chùa Hà Tiên, tại Chùa Hà Tiên, xã Định Trung, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc Trong 3 năm (2015 đến 2017), Phòng khám đã khám và cấp thuốc miễn phí cho gần 1000 lượt người. Ngoài ra, phòng khám còn tổ chức khám nhân đạo cho phụ nữ nghèo; Tổ chức khám Răng hàm mặt cho trẻ em và người cao tuổi; Tổ chức khám kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các cháu ở các Trường mầm non trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên; Phối hợp với trường Trung cấp y tế Tuệ Tĩnh Hà Nội khám bệnh điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền cho người cao tuổi; Tổ chức mở lớp tập huấn cho các bà mẹ và các cô giáo mần non về các chăm sóc trẻ, phòng bệnh suy dinh dưỡng dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Viện dinh dưỡng Quốc gia.v.v... * Phòng chẩn trị Y học Cổ truyền Phước An của Phật giáo tại chùa Phước An, tọa lạc khu vực Thới Hưng, Phương Thới An Đông, Quân Bình Thủy, Tp Cần Thơ. Phòng chẩn trị khám trung bình mỗi ngày từ 300 - 400 lượt người bệnh nhân, cấp từ 5.000 đến 6.000 thang thuốc hoàn toàn miễn phí cho nhân dân. Ngoài công tác khám, chữa bệnh, chùa Phước An còn làm công tác từ thiện rất tích cực. Trong 5 năm qua, phỏng Chẩn trị đã làm công tác từ thiện trên 20 tỷ đồng trong công tác xóa đói giảm nghèo giúp các địa phương trong việc an sinh xã hội, chăm sóc, bảo vệ, chữa bệnh cho nhân dân. * Phòng khám bệnh từ thiện Tuệ Tĩnh đường Từ Tâm của tịnh xá Ngọc Quảng của Phật giáo, tại 364 Nguyễn Nghiêm, thành Phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Phòng khám bệnh từ thiện Tuệ Tĩnh đường Từ Tâm mỗi ngày điều trị cho khoảng 40 người bằng phương pháp chẩn mạch, châm cứu, vật lý trị liệu, chiếu đèn và cấp thuốc nam. Với sự tích cực làm việc của các bác sĩ, lương y, Phòng khám bệnh từ thiện Tuệ Tĩnh đường Từ Tâm đã góp phần đáng kể cùng địa phương thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo trên địa bàn thành phố và các huyện lận cận. * Phòng khám, chữa bệnh từ thiện chùa Quang Minh, tại chùa Quang Minh, phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước 1 Các mô hình được biểu dương tại Hội nghị toàn quốc biểu dương phát huy vai trò các tôn giáo tham gia chăm sóc sức khỏe; khám, chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần… tháng 1/2019 tại Tp. Hồ Chí Minh.
  8. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 1017 Phòng khám đã giúp đỡ được nhiều người dân nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn có cơ hội chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, qua đó thể hiện lòng từ bi của người con Phật, phát huy tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ, y, bác sỹ, và sự chung tay của các nhà hảo tâm trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng; Huy động các nguồn lực xã hội, các mạnh thường quân tha gia công tác từ thiện xã hội. Sau ba năm thành lập và đi vào hoạt động, phòng khám, chữa bệnh từ thiện chùa Quang Minh đã tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 8.500 lượt bệnh nhân, trị giá khoàng 6 tỷ đổng. * Phòng khám đa khoa từ thiện Tuệ Tĩnh đường Hải Đức của Phật giáo, tại phường Trường An, Tp. Huế. Phòng khám đã phục vụ khám chữa bệnh miễn phí từ năm 1989 đến nay cho các đối tượng người nghèo và tăng ni, phật tử; cũng như những người có hoàn cảnh khó khăn (trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người ở vùng sâu vùng xa...) trên địa bàn miền Trung và Thừa Thiên Huế. Tham gia tổ chức các đợt khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong hệ thống Từ thiện của Phật giáo Huế. * Phòng chẩn trị từ thiện cổ truyền chùa Vạn Thọ, Phật giáo, tại phường Tân Định, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Phòng chẩn trị từ thiện cổ truyền chùa Vạn Thọ được thành lập từ năm 1980 và hoạt động liên tục cho đến nay với mục đích khám, điều trị và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân; đã có nhiều bệnh nhân trong, ngoài Thành phố đến khám bệnh và chữa trị tại Phòng chẩn trị. Trong năm 2018, có trên 12.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị; với tổng số tiền thuốc miễn phí trên 500 triệu đồng do chùa Vạn Thọ và một số nhà hảo tâm hỗ trợ. * Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh đường chùa Kỳ Quang II của Phật giáo tại phường 17, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh. Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh đường chùa Kỳ Quang II được thành lập từ năm 2000 và hoạt động liên tục cho đến nay, phòng khám đã khám và chữa trị miễn phí cho bệnh nhân trong cả nước, kể cả bệnh nhân từ nước ngoài với nhiều loại bệnh; đặc biệt tư vấn, hỗ trợ chăm sóc và điều trị miễn phí cho người nhiễm HIV/ AIDS bằng nguồn thảo dược thiên nhiên của Việt Nam. Trong năm 2018, có gần 82.000 bệnh nhân đến khám và điều trị; trong đó có trên 200 lượt bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS; với gần 25.000 kg thuốc các loại; tổng trị giá trên 13 tỷ đồng.
  9. 1018 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 3. Một số nhận định về công tác chăm sóc sức khỏe, khám - chữa bệnh của Phật giáo 3.1. Ưu điểm và thuận lợi Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đã tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi để tổ chức, cá nhân các tôn giáo trong đó có Phật giáo tham gia hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo; là công cụ pháp lý để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Vai trò của nhiều tăng, ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam bước đầu đã được phát huy trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần và vận động hiến tặng mô, tạng... Sở Y tế và các cơ quan chính quyền ở các địa phương đã quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cho việc khám chữa bệnh, hỗ trợ việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý tại các phòng khám chữa bệnh của các tôn giáo. Nhìn chung các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc các tổ chức tôn giáo đã thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước về đăng ký hoạt động, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh... Cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp triển khai tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước có liên quan đến hoạt động từ thiện nhân đạo, các hoạt động xã hội hóa y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người bị tàn tật, bệnh nhân phong, HIV/AIDS, vận động hiến tặng mô, tạng… tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ các tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, các vị tăng, ni, phật tử đã nhiệt tình, tích cực, có những mô hình hoạt động hay, thiết thực và đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng các cấp tổ chức thực hiện và duy trì thường xuyên các hoạt động nhân đạo - từ thiện trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội cũng đã góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, công tác an sinh xã hội tại địa phương trong thời gian qua. 3.2. Khó khăn, tồn tại * Về việc quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của Phật giáo Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo ở một số nơi, một số việc còn mang tính tự phát, không báo cáo nên chưa được hướng dẫn, quản lý chặt chẽ của nhà nước. Với tư duy làm việc thiện nên các cơ sở thường chưa quan tâm nhiều đến thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản pháp luật có liên quan. Một số các
  10. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 1019 tổ chức hoặc đoàn khám, chữa bệnh nhân đạo liên hệ trực tiếp với các tổ chức tôn giáo triển khai hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo mà chưa có sự phối hợp với các Sở Y tế, chính quyền tại địa phương, gây khó khăn trong việc theo dõi, đảm bảo chuyên môn và an toàn cho người bệnh. Các phòng khám và cơ sở khám, chữa bệnh do các tăng ni phụ trách còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong các công việc hành chính nên khi thực hiện các thủ tục như xin cấp phép thành lập, xin cấp chứng chỉ hành nghề, các thủ tục liên quan đến hoạt động của cơ sở còn gặp nhiều lúng túng, vướng mắc. Một số các cơ sở khám, chữa bệnh của Phật giáo là phòng thuốc nam, châm cứu điều trị chủ yếu bằng thảo dược từ thiện miễn phí chưa có giấy phép hành nghề. * Về cơ sở vật chất, trang thiết bị Các phòng khám chữa bệnh thường sử dụng khuôn viên trong chùa; quy trình khám, chữa bệnh có nơi còn chưa đúng quy chế dễ gây ô nhiễm, lây chéo, phát tán vi khuẩn, phơi nhiễm... Một số cơ sở còn thiếu hợp đồng xử lý rác thải y tế, chất thải nguy hại, vận chuyển xử lý rác sinh hoạt. Một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được xây dựng đã lâu, trang thiết bị cũ, chưa được kiểm chuẩn hoặc đầu tư mới thay thế để đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, không đáp ứng được các điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Điều này dẫn đến một số khó khăn về thủ tục pháp lý trong việc đăng ký hoạt động, chưa huy động và phát huy được nguồn lực xã hội. * Về nhân lực Nhìn chung, các cơ sở khám chữa bệnh của Phật giáo hoạt động theo tôn chỉ, mục đích tôn giáo, từ thiện nên người quản lý phần lớn là những những vị sư trụ trì chùa; nhân viên khám, chữa bệnh, chăm sóc làm việc thiện nguyện. Một số nhân viên chưa đáp ứng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chưa đủ bằng cấp, chứng chỉ hành nghề theo quy định của Bộ Y tế... ảnh hưởng tới hiệu quả của việc khám, chữa bệnh cho các đối tượng tại các cơ sở. Các y, bác sĩ làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh còn thiếu về số lượng, một số người làm việc bán thời gian, không ổn định về mặt nhân sự, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. 4. Đề xuất và kiến nghị giải pháp 4.1. Đối với Đảng và Nhà nước Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh các chủ trương, chính sách xã hội hóa, ưu đãi đối với các cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo của các
  11. 1020 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... tôn giáo nói chung và của Phật giáo nói riêng; đưa ra các giải pháp để thúc đẩy tốt hơn sự phối hợp giữa các cấp chính quyền và các tôn giáo trong việc tổ chức thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước hiện hành; đồng thời, có chính sách khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa y học cổ truyền như: tổ chức trồng, thu gom cây thuốc, khám chữa bệnh…, nhất là đối với các cơ sở khám chữa bệnh từ thiện của tôn giáo. 4.2. Đối với các bộ, ngành Phần lớn các cơ sở khám, chữa bệnh,chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh phong, tâm thần… của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, do đó đề nghị Bộ Y tế xem xét, tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với khám bệnh, chữa bệnh và bảo trợ xã hội của các tôn giáo, định kỳ kiểm tra, hướng dẫn các tôn giáo làm đúng quy định của nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh và bảo trợ xã hội. Tiến hành rà soát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của các tôn giáo và cấp phép hành nghề đối với những cơ sở đủ điều kiện. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng. Xây dựng và nhân điển hình tiên tiến, nêu gương người tốt, việc tốt, tôn vinh những thầy thuốc, lương y giỏi về chuyên môn trong sáng về y đức. Bộ Y tế xem xét, có quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo khi họ kêu gọi được các đội ngũ y, bác sĩ ở nước ngoài về khám - chữa bệnh cho người nghèo. Bộ Tài chính xem xét miễn trừ nộp phí và lệ phí khi cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động cho cơ sở khám chữa bệnh từ thiện của các tôn giáo. 4.3. Đối với ủy ban nhân dân các cấp Các cấp ủy Đảng, ban, ngành đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo trong đó có Phật giáo tham gia khám chữa bệnh được hoạt động trong lĩnh
  12. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 1021 vực chuyên môn, góp phần tích cực trong công tác khám chữa bệnh, phục vụ tốt sức khỏe nhân dân; kế thừa, phát huy, phát triển, bảo tồn nền y dược cổ truyền nước nhà. Các cơ quan chức năng trung ương và địa phương hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện để các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện các thủ tục hành chính như xin cấp phép thành lập, xin cấp chứng chỉ hành nghề và các thủ tục liên quan đến hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh của các tôn giáo. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia các hoạt động y tế, thành lập các trung tâm bảo trợ xã hội vì mục đích phi lợi nhuận. Các chính sách bao gồm: hỗ trợ về thủ tục pháp lý, chính sách về đất đai, chính sách về thuế,… theo quy định chung của pháp luật; tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo cử người tham gia học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong công tác y tế. Cần có cơ chế phối hợp, bảo đảm sự thống nhất quản lý, phân định rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xã hội hóa của tổ chức, cá nhân tôn giáo; hướng dẫn tổ chức, cá nhân tôn giáo thành lập cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo và hoạt động theo quy định của pháp luật. Biểu dương kịp thời những gương người tốt, việc tốt trong tôn giáo; đồng thời, xử lý kịp thời những việc làm sai trái, không đúng quy định của pháp luật. 4.4. Đối với các sở, ban, ngành tại địa phương Sở Y tế và các cơ quan chức năng tăng cường giúp đỡ đối với những cơ sở khám chữa bệnh miễn phí của các tôn giáo ở các địa phương trong việc hướng dẫn, hỗ trợ về mặt thủ tục, pháp lý, tháo gỡ các khó khăn cho các cơ sở y tế của các tôn giáo, để các cơ sở hoạt động đúng quy định của pháp luật. Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế hoặc cán bộ Phòng Nghiệp vụ Y tế tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo. Sở Y tế và các sở ban ngành phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố làm việc với các cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh phong, tâm thần để trao đổi, thống nhất các biện pháp tháo gỡ các vướng mắc cho các cơ sở thực hiện thủ tục đăng ký thành lập, đăng ký hoạt động, cấp chứng chỉ hành nghề...
  13. 1022 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 4.5. Đối với các chức sắc, tín đồ Các chức sắc, tín đồ tiếp tục phối hợp với ngành y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương liên quan huy động nguồn lực để phát triển các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh phong, tâm thần. Chung tay cùng xã hội và nhà nước giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện, góp phần chăm lo sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là các đối tượng người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh phong, tâm thần trên phạm vi toàn quốc. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia thành lập các trung tâm khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh phong, tâm thần vì mục đích phi lợi nhuận. Có chính sách hỗ trợ về thủ tục pháp lý, chính sách về đất đai, chính sách về thuế,… theo quy định chung của pháp luật; tạo điều kiện cho các cơ sở y tế cử người tham gia học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn. Tổ chức chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng và phát triển các cơ sở nhân đạo điển hình do Phật giáo thành lập nhằm nhân rộng các mô hình tốt ra các địa phương và các tôn giáo khác học tập. T ÀI L I ỆU T H A M K H ẢO 1. Nghị quyết 50/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục y tế, văn hóa, thể dục thể thao. 2. Nghị quyết số 25/2003/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Giải quyết việc tôn giáo thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục của Nhà nước. 3. Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. 4. Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp CCHN đối với người hành nghề và cấp GPHĐ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 5. Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.
  14. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI... 1023 6. Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/52008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. 7. Thông tư số 30/2014/TT-BYT ngày 28/8/2014 của Bộ Y tế quy định về khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo. 8. Thông tư số 29/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định biểu mẫu và chế độ báo cáo thống kê y tế áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. 9. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. 10. Báo cáo tổng kết công tác phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2019. 11. Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc biểu dương phát huy vai trò các tôn giáo tham gia chăm sóc sức khỏe; khám - chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/ AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần… tháng 1/2019 tại Tp. Hồ Chí Minh. 12. Tham luận “Tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tích cực từ thiện xã hội trong lĩnh vực y tế cộng đồng” của Thượng tọa - TS. Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tại Hội nghị toàn quốc biểu dương phát huy vai trò các tôn giáo tham gia chăm sóc sức khỏe; khám, chữa bệnh cho người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần… tháng 1/2019 tại Tp. Hồ Chí Minh.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2