intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Kế toán môi trường – trường hợp cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố Nha Trang

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

7
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết đưa ra một số kiến nghị việc tổ chức vận dụng kế toán môi trường nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như trách nhiệm với cộng đồng của các doanh nghiệp này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Kế toán môi trường – trường hợp cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố Nha Trang

  1. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” KẾ TOÁN MÔI TRƯỜNG – TRƯỜNG HỢP CHO CÁC DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NHA TRANG TS. Nguyễn Văn Hương, TS. Nguyễn Bích Hương Thảo, ThS. Nguyễn Thị Kim Anh TÓM TẮT Nghành chế biến biến thủy sản Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ với việc tăng trưởng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Tuy nhiên, các thị trường này có yêu cầu khá khắt khe về sản phẩm chế biến thủy sản nhập khẩu như phải đạt tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng, độ an toàn thực phẩm, hàm lượng chất dinh dưỡng và quan tâm tới tính bền vững cho môi trường và xã hội. Để đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế cũng như thực hiện được trách nhiệm với xã hội thì các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải nghiên cứu đến kế toán môi trường trong quá trình thực hiện công tác kế toán. Trên cơ sở nghiên cứu về tổng quan kế toán môi trường, vai trò, thực trạng việc vận dụng kế toán môi trường của các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố Nha Trang, nhóm tác giả đã đưa ra một số kiến nghị việc tổ chức vận dụng kế toán môi trường nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như trách nhiệm với cộng đồng của các doanh nghiệp này. Từ khóa: Kế toán môi trường; doanh nghiệp chế biến thủy sản; sản phẩm chế biến thủy sản, chi phí môi trường ABSTRACT ENVIRONMENTAL ACCOUNTING – CASE FOR SEAFOOD PROCESSING BUSINESS IN NHA TRANG CITY Vietnam's seafood processing industry is developing very strongly with an increase in the proportion of exports to major markets such as the EU, the United States or Japan. However, these markets have quite strict requirements for imported seafood processing products, which is to meet the standards of packaging, quality, food safety, nutrient content as well as concern for environmental and social sustainability. In order to achieve strict international standards as well as social and community responsibilities, seafood processing enterprises must research environmental accounting in the process of accounting. Based on research on environmental accounting overview, the role and status of applying environmental accounting in seafood processing enterprises in Nha Trang city, the authors have presented some recommendations on the organization and application of environmental accounting in order to contribute to improving the operational efficiency, as well as the responsibility to the community of these enterprises. Keywords: Environmental accounting; seafood processing enterprises; seafood processing products, environmental costs 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong xu thế chung của thế giới, Việt Nam đã và đang từng bước cố gắng chủ động hội nhập nền kinh tế quốc tế. Trong quá trình hội nhập, với nội lực dồi dào sẵn có cùng với ngoại lực sẽ tạo ra thời cơ phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và thành phố Nha Trang nói riêng sẽ mở rộng được thị trường xuất nhập khẩu, thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, tiếp thu được khoa học công nghệ tiên tiến, những kinh nghiệm quý báu của các nước kinh tế phát triển và tạo được môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hội 518
  2. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” nhập kinh tế quốc tế mang đến cho Việt Nam rất nhiều cơ hội thuận lợi thì bên cạnh đó cũng đem lại không ít khó khăn, thử thách. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản (DNCBTS) trong nước nói chung và thành phố Nha Trang nói riêng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các DN quốc tế. Các DN muốn tạo được vị trí cũng như nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường thì rất cần thiết phải theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện hiệu quả kinh tế đi cùng với hiệu quả xã hội và thực hiện trách nhiệm của DN với môi trường. Để thực hiện được điều này buộc các DN phải xét đến kế toán môi trường (KTMT) trong quá trình hạch toán. Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan về KTMT và đặc điểm của các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố Nha Trang, bài viết đưa ra một số khuyến nghị dành cho các DN này trong việc vận dụng KTMT nhằm đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội cũng như nâng cao uy tín, vị thế và năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường. 2. TỔNG QUAN VỀ KẾ TOÁN MÔI TRƯỜNG 2.1 Khái niệm kế toán môi trường Hiện nay, thuật ngữ KTMT có rất nhiều định nghĩa khác nhau. Theo Viện Kế toán quản trị môi trường định nghĩa “KTMT là việc xác định, đo lường và phân bổ chi phí môi trường, kết hợp chi phí môi trường trong quyết định kinh tế, công bố thông tin cho các bên liên quan”. Theo Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC, 2005), “KTMT là một thuật ngữ có nghĩa rộng dùng mang nhiều hàm ý như việc đánh giá và công bố thông tin môi trường kết hợp thông tin tài chính trong kế toán và báo cáo tài chính; đánh giá và sử dụng thông tin liên quan môi trường dưới hình thức đơn vị tiền tệ và đơn vị vật chất trong kế toán quản trị môi trường; việc ước tính chi phí và tác động môi trường bên ngoài DN, thường liên quan kế toán chi phí đầy đủ; kế toán nguồn lực và dòng luân chuyển của các tài nguyên thiên nhiên dưới dạng đơn vị tiền tệ và đơn vị vật chất, thường gọi là kế toán tài nguyên thiên nhiên; thu thập và báo cáo thông tin kế toán cấp độ doanh nghiệp, thông tin kế toán tài nguyên thiên nhiên và các thông tin khác để phục vụ mục tiêu kế toán quốc gia; xem xét thông tin dưới hình thức đơn vị tiền tệ và đơn vị vật chất liên quan đến môi trường trong khi thực hiện kế toán bền vững - lập báo cáo bền vững cung cấp thông tin dưới dạng tài chính, môi trường, xã hội”. Ở Việt Nam cũng có nhiều quan điểm về KTMT. Nhìn chung có thể xem “KTMT là một bộ phận của kế toán trong DN, liên quan đến các thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi DN nhằm thu nhập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về môi trường cho đối tượng trong và ngoài DN sử dụng để ra quyết định” (Vũ Bích Thủy, 2018). 2.2 Đối tượng của kế toán môi trường KTMT là một nội dung của kế toán DN, do đó đối tượng của KTMT cũng bao gồm tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập nhưng được xem xét dưới góc độ môi trường nhằm cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng trong và ngoài DN. Tài sản liên quan đến hoạt động môi trường là tài sản thuộc quyền sở hữu của DN như là kết quả của hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định hoặc tự nguyện, như những khoản đầu tư cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường, hạn chế tác động đến môi trường… Nợ phải trả liên quan đến hoạt động môi trường là những trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm kinh tế của DN theo Luật định hoặc tự nguyện như trách nhiệm tuân thủ Luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm khắc phục những hậu quả do sản xuất kinh doanh tác động đến môi trường; Thuế, phí tài nguyên môi trường; Những khoản phạt, bồi thường do gây ô nhiễm môi trường… 519
  3. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” Chi phí liên quan đến hoạt động môi trường là những khoản chi phí có liên quan đến môi trường phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp bao gồm các chi phí gắn với thiệt hại môi trường và bảo vệ môi trường như chi phí để ngăn ngừa, tiêu hủy, lập kế hoạch, kiểm soát, thay đổi hành động và khắc phục những thiệt hại có thể xảy ra ở DN. Thu nhập liên quan đến hoạt động môi trường là những lợi ích cả về kinh tế lẫn xã hội mà DN thu được từ công tác phòng chống và giảm thiểu hoặc tránh các tác động tới môi trường, phục hồi môi trường; Hoặc là những khoản DN thu được do tái chế vật liệu, do tiết kiệm nguyên vật liệu; Hoặc tiền trợ cấp từ Chính phủ, các tổ chức xã hội do các hoạt động bảo vệ môi trường. 2.3 Nội dung của kế toán môi trường KTMT gồm nhiều nội dung với từng phạm vi và cấp độ khác nhau, từ kế toán hệ sinh thái đến KTMT cấp toàn cầu, cấp quốc gia và DN. Theo Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC, 2005), KTMT ở cấp độ DN bao gồm cả kế toán quản trị (KTQT) môi trường và kế toán tài chính (KTTC) môi trường. KTQT môi trường: Theo IFAC (2005) thì “KTQT môi trường là quản lý hoạt động kinh tế và môi trường thông qua việc triển khai thực hiện hệ thống kế toán và hoạt động thực tiễn phù hợp có liên quan đến vấn đề môi trường. Trong khi điều này có thể bao gồm các báo cáo và kiểm toán tại một số công ty thì KTQT môi trường thường liên quan đến chi phí vòng đời, kế toán chi phí đầy đủ, đánh giá lợi ích và lập kế hoạch chiến lược quản lý môi trường". KTQT môi trường được phân thành hai loại gồm KTQT môi trường tiền tệ là hệ thống hạch toán liên quan đến thông tin môi trường tiền tệ, nghĩa là các thông tin môi trường tiền tệ ghi lại tất cả các hoạt động liên quan đến DN như vốn tài chính trong quá khứ, hiện tại, hay tương lai và các dòng vốn của DN thể hiện trong các đơn vị tiền tệ. KTQT môi trường vật chất là việc hạch toán các hoạt động của DN liên quan đến thông tin môi trường vật chất (hay phi tiền tệ) gồm tất cả dòng nguyên vật liệu, năng lượng trong quá khứ, hiện tại và tương lai có tác động lên hệ sinh thái. Thông tin môi trường vật chất được xem như các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gây tác động đến môi trường tự nhiên mà có thể định giá được hoặc không. Theo đó, KTQT môi trường được chia làm bốn loại chi phí, một loại doanh thu liên quan đến môi trường. Kế toán chi phí môi trường (CPMT) là quá trình mà CPMT được xác định, đánh giá cho các khía cạnh hoạt động cụ thể của một công ty. Các chi phí được phân bổ phản ánh sự đóng góp của họ đến việc bảo vệ môi trường. CPMT là dạng chi phí bao gồm cả chi phí nội bộ bên trong và bên ngoài, tất cả các chi phí liên quan đến thiệt hại về môi trường và bảo vệ môi trường. Kế toán CPMT bao gồm: Chi phí xử lý chất thải; Chi phí ngăn ngừa và quản lý môi trường; Chi phí phân bổ cho chất thải và Chi phí tái chế. Doanh thu môi trường bao gồm các khoản doanh thu do tái chế, khoản tiền trợ cấp, tiền thưởng hay bất kỳ khoản doanh thu liên quan đến vấn đề môi trường. Tiền trợ cấp, tiền thưởng là những khoản thu nhập của DN nhờ các hoạt động đầu tư bảo vệ môi trường, các khoản tiền từ sáng kiến, dự án quản lý kinh doanh có khả thi được xét duyệt trợ cấp… Các khoản khác bao gồm tiền thu từ việc bán vật liệu thải, bán chất thải; từ việc xử lý nước thải cho khách hàng… Các cơ hội cắt giảm chi phí như cải tiến ở khâu nào đó trong quy trình sản xuất, hoặc có thể phân loại, tái chế chất thải tốt hơn. KTTC môi trường: Theo IFAC (2005), KTTC môi trường được định nghĩa là việc thu thập, xử lý, kiểm tra và phân tích các thông tin liên quan đến chi phí và lợi ích bảo vệ môi trường nhằm cung cấp thông tin cho bên ngoài như Chính phủ, Ủy ban chứng khoán… KTTC môi trường bị chi phối bởi các chuẩn mực và nguyên tắc kế toán, các quy định pháp lý về kế toán 520
  4. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” hạch toán. Thông qua KTTC môi trường, các bên liên quan sẽ đánh giá được việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN. Giống như KTTC thông thường, KTTC môi trường bao gồm các nội dung: Thu thập thông tin trên cơ sở hệ thống thông tin đầu vào của KTC. KTTC môi trường đòi hỏi người làm kế toán phải liên tục theo dõi, cập nhật và tính toán dựa trên thông tin từ các chứng từ kế toán tài chính thông thường, kèm với thông tin kỹ thuật của quá trình sản xuất kinh doanh; Hệ thống tài khoản, số sách và báo cáo tài chính: Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về việc ghi nhận và trình bày những thông tin môi trường mà KTMT cung cấp nhưng những tài khoản KTMT hay hệ thống sổ sách, báo cáo tài chính môi trường cũng phải đảm bảo những quy định chung và có tính chất, nội dung như trong KTTC thông thường; Sử dụng các phương pháp kế toán CPMT: Kế toán CPMT có nhiều phương pháp khác nhau như: Kế toán theo chi phí toàn bộ; Kế toán theo tổng chi phí; Kế toán theo chu kỳ sống của sản phẩm; Kế toán theo hoạt động và kế toán theo dòng vật liệu. 2.4 Vai trò của kế toán môi trường Việc xây dựng KTMT sẽ giúp các DN đạt được nhiều lợi ích, cụ thể: Thứ nhất, tiết kiệm chi phí tài chính cho DN. Hệ thống KTMT thực hiện các chức năng như quan sát, nhận diện, quản trị và cắt giảm các chi phí liên quan tới môi trường tại DN. Dựa vào số liệu do KTMT cung cấp, DN có thể nghiên cứu, tìm ra các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí; nghiên cứu hệ thống xử lý chất thải, tìm kiếm nguồn tái chế, đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động chung toàn DN. Thực tế cho thấy, nếu các DN không sử dụng KTMT thì các khoản phạt do việc làm ô nhiễm môi trường DN không được xem là chi phí hợp lý, khiến cho lợi nhuận của DN bị giảm. Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của DN. Việc áp dụng KTMT sẽ giúp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn để đo lường quá trình thực hiện, từ đó cải thiện hình ảnh của DN với các bên liên quan, tránh được những chi phí như tiền phạt, chi phí rủi ro khắc phục... Trong khi đó nếu thực hiện tốt KTMT giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định quan trọng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, dẫn đến giảm giá thành, giúp DN có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, giảm được các vấn đề về mặt pháp lý. Mặt khác, DN có thái độ và hành vi tốt với môi trường sẽ là một thuận lợi rất lớn trong quá trình phát triển, nâng vị thế của DN đối với thị trường trong và ngoài nước, giúp DN hoà nhập vào thị trường quốc tế một cách dễ dàng hơn. Việc áp dụng tốt KTMT vào DN thì khả năng sản xuất tốt hơn, sạch hơn, có những sản phẩm chất lượng hơn. Đồng thời, khi thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, DN cũng sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn từ phía Nhà nước. Thứ ba, KTMT giúp khắc phục được nhược điểm của kế toán truyền thống. Một hạn chế của kế toán truyền thống là không tách biệt được rõ yếu tố môi trường và cung cấp thông tin về thiệt hại môi trường của DN, các thông tin về CPMT thường bị tiềm ẩn trong tài khoản chi phí chung. Do đó, nhà quản lý khó có thể nắm bắt được thông tin về CPMT khi cần thiết. KTMT là một bộ phận của kế toán trong DN và không thể tách rời. Khác với kế toán truyền thống, KTMT quan tâm rõ ràng tới tác động môi trường do hoạt động của DN gây ra. KTMT có hai chức năng cơ bản đó là chức năng phục vụ cho quản trị nội bộ và chức năng báo cáo ra bên ngoài. Thực hiện chức năng này KTMT có ảnh hưởng đáng kể tới quyết định của người sử dụng thông tin kế toán ngoài DN như khách hàng, nhà đầu tư, chính quyền, dân chúng địa phương,... 521
  5. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” 3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Bài viết này sử dụng cả dữ liệu sơ cấp và thứ cấp cho việc nghiên cứu thực trạng tổ chức KTMT tại các DNCBTS trên địa bàn thành phố Nha Trang trong thời gian qua. Trong đó, số liệu thứ cấp được thu thập từ các giáo trình, bài giảng, luận án tiến sỹ, các văn bản pháp lý của Nhà nước về KTMT và tài liệu thu thập từ các DNCBTS như kế hoạch SXKD, chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo kế toán. Nguồn dữ liệu sơ cấp là những dữ liệu do nhóm tác giả tự thu thập, khảo sát. Nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát thực trạng tổ chức công tác KTMT thông qua phỏng vấn trực tiếp các kế toán làm việc tại 29 DNCBTS trên địa bàn thành phố Nha Trang. Bài viết sử dụng phương pháp thống kê để xử lý các số liệu có liên quan làm cơ sở nghiên cứu và sử dụng phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp so sánh... nhằm phân tích và đánh giá thực trạng KTMT tại các DNCBTS trên địa bàn thành phố Nha Trang. 4. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC KẾ TOÁN MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC DNCBTS TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NHA TRANG 4.1 Đặc điểm của các DNCBTS Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch và khoa học kỹ thuật của tỉnh Khánh Hòa. Nha Trang có nhiều đóng góp đáng kể, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tuy diện tích chỉ chiếm 4,84%, Nha Trang chiếm đến hơn 1/3 dân số và hơn 2/3 tổng sản phẩm nội địa của Khánh Hòa. Ngoài ra, Nha Trang cũng là trung tâm khai thác, chế biến thủy-hải sản lớn, sản lượng thủy-hải sản của thành phố cũng chiếm 41,7% tổng sản lượng toàn tỉnh. Nhờ những điều kiện tự nhiên thuận lợi, chế biến thủy sản đã trở thành ngành công nghiệp thế mạnh của Nha Trang nói riêng và Khánh Hòa nói chung, tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu và đạt kim ngạch xuất khẩu cao. Trên địa bàn thành phố có 35 xưởng chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó 18 xưởng chế biến đông lạnh, 3 phân xưởng chế biến đồ hộp và 13 cơ sở chế biến thủy sản khô. Trong các năm qua, chế biến thủy sản vẫn tiếp tục tăng trưởng nhờ khai thác nguồn nguyên liệu từ nhiều tỉnh và cả nhập khẩu từ nước ngoài. Tổng sản lượng hàng thủy sản chế biến xuất khẩu trung bình hàng năm xuất đi các nước EU, Hàn Quốc, Trung Quốc là 32.000 - 34.500 tấn/năm. Tuy chất lượng hàng thủy sản ngày càng được nâng cao nhưng vẫn còn thấp so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Hàng xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung và Nha Trang nói riêng vẫn còn một số bị cảnh báo về mức độ an toàn thực phẩm, chất lượng thủy sản trong nuôi trồng và sau thu hoạch vẫn còn một số hạn chế như sử dụng hóa chất, bơm chích tạp chất trong quá trình bảo quản, dư lượng kháng sinh trong quá trình nuôi trồng. Trong khi đó, các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ hay Nhật Bản có yêu cầu khá khắt khe về sản phẩm chế biến thủy sản (CBTS) nhập khẩu, đó là phải đạt tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng, độ an toàn thực phẩm, hàm lượng chất dinh dưỡng cũng như quan tâm tới tính bền vững cho môi trường và xã hội. Điều này có nghĩa CBTS tiêu thụ tại các thị trường này cần phải được đảm bảo giám sát và quản lý về mặt an toàn, chất lượng, các khía cạnh môi trường và xã hội của sản phẩm. Bên cạnh đó, quy định về bảo vệ môi trường và nguồn lợi được các nước phát triển áp dụng nhằm bảo vệ môi trường và buộc các nước xuất khẩu thủy sản có trách nhiệm đối với việc bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm, bảo vệ nguồn tài nguyên. Như vậy, quá trình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm CBTS chịu ảnh hưởng lớn bởi các quy định nghiêm ngặt từ chính quyền địa 522
  6. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” phương liên quan đến xử lý ô nhiễm và từ các nước nhập khẩu liên quan đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm và yếu tố môi trường. Mặt khác, đặc điểm của sản phẩm CBTS cũng ảnh hưởng đến công tác kế toán tại các DNCBTS nói chung và KTMT tại các DN này nói riêng. Sản phẩm CBTS đa dạng về chất lượng và chủng loại. Danh mục sản phẩm luôn thay đổi do sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng của con người hoặc về yêu cầu dinh dưỡng của sản phẩm hoặc một số thành phần trong nguyên vật liệu. Đồng thời, đặc điểm của nguyên liệu thủy sản là các động vật sống dễ bị biến chất, phân hủy sau khi khai thác và thu hoạch. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất sản phẩm, chất lượng, giá thành sản phẩm, chi phí liên quan đến môi trường như chi phí thu gom, chi phí xử lý nguyên liệu hỏng, không đảm bảo chất lượng cũng như lợi nhuận của DN. Bên cạnh đó, quy trình chế biến sản phẩm thủy sản phát sinh CPMT có thể nhận diện ngay được như chi phí nguyên liệu sạch, chi phí khi sử dụng công nghệ chế biến sạch, chi phí xử lý và làm sạch môi tường, chi phí để đạt các chứng nhận tiêu chuẩn về môi trường đối với sản phẩm, chi phí bảo vệ môi trường như phí, lệ phí bảo vệ môi trường, ủng hộ các hoạt động về môi trường. Tuy nhiên có cả những khoản CPMT tiềm ẩn, khó có thể nhận diện như chi phí nguyên vật liệu, nước và năng lượng lãng phí, không tạo ra thành phẩm, chi phí khắc phục, bồi thường thiệt hại liên quan đến môi trường. Có thể nói, CPMT là một yếu tố quan trọng cấu thành nên sản phẩm. Ngoài ra, hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm CBTS chịu ảnh hưởng của biến động giá nguyên vật liệu, hay từ nuôi trồng, khai thác thủy sản cũng như ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh và mùa vụ. Đặc biệt, một thực trạng đáng báo động trong nhiều năm qua ở nước ta đó là tình trạng ô nhiễm môi trường bởi sự hình thành của các cơ sở chế biến thủy hải sản. Các thành phần chính gây ô nhiễm môi trường từ CBTS gồm phế liệu và chất thải rắn; chất thải lỏng, khí thải và mùi trong chế biến và nhiều chất thải nguy hại khác. Qua quá trình chế biến, nước thải phát sinh chủ yếu từ các khâu làm lạnh sản phẩm (từ kho lạnh, nước từ đá ướp nguyên liệu, ướp sản phẩm sơ chế…) và nước dùng trong quá trình rửa sạch và sơ chế nguyên liệu. Đối với chất thải rắn, hầu hết phát sinh chủ yếu ở khâu sơ chế nguyên liệu gồm các loại bao bì hỏng, đầu, vỏ, xương, nội tạng, vây… Những phế liệu này dễ lên men, thối rữa và phân hủy kéo theo sự xuống cấp nghiêm trọng của chất lượng môi trường. 4.2 Thực trạng tổ chức kế toán môi trường tại các DNCBTS trên địa bàn thành phố Nha Trang Nhận diện, xác định tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập môi trường: Hiện nay tại các DNCBTS trên địa bàn thành phố Nha Trang thì các đối tượng KTMT chưa được tách biệt riêng kể cả về mặt nhận diện và phương pháp xác định giá trị của chúng, mà chỉ được xếp chung vào với các loại tài sản, nợ phải trả, chi phí và thu nhập khác của DN. Thực tế các DN này bắt buộc phải tuân thủ yêu cầu về tiêu chuẩn xả thải nên đã đầu tư TSCĐ phục vụ cho hoạt động bảo vệ môi trường như hệ thống phương tiện, thiết bị thu gom, xử lý nước thải… Các tài sản này không được DN tách biệt thành một loại riêng mà được sắp xếp chung vào các loại TSCĐ dùng cho sản xuất kinh doanh của DN. Điều này cũng dẫn đến việc không có sự tách biệt về thông tin liên quan đến chi phí khấu hao của nhóm tài sản này. Các chi phí liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường dưới dạng các khoản nợ phải trả cho các đối tượng bên ngoài như thuê dọn sạch môi trường, thuê ngoài xử lý chất thải, chi phí bồi thường thiệt hại và yêu cầu làm sạch môi trường cho các đối tượng bên ngoài… chưa được DN theo dõi phân loại riêng. Việc 523
  7. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” nhận dạng CPMT chưa rõ ràng nên nhiều khoản chi phí thực chất là CPMT nhưng được xem là chi phí sản xuất. Hầu hết các DNCBTS đều cho rằng CPMT bao gồm: chi phí xử lý môi trường, chi phí ngăn ngừa và quản lý môi trường, chi phí quản lý môi trường khác. Do đó, việc phân loại CPMT chưa xét đến nguồn gốc phát sinh chi phí nên DN chưa thực hiện đo lường bằng thước đo tiền tệ và phi tiền tệ đối với chi phí nguyên vật liệu, năng lượng, nước tạo ra chất thải, chi phí xử lý ô nhiễm của từng công đoạn hoạt động CBTS phát sinh chất thải ra môi trường. Tổ chức chứng từ, tài khoản và sổ sách kế toán: Để thu nhận thông tin kế toán về tài sản, nợ phải trả, chi phí và thu nhập liên quan đến hoạt động môi trường, bộ phận kế toán trong DN chủ yếu vận dụng mẫu trong hệ thống chứng từ kế toán phục vụ cho KTTC, không thiết kế thêm mẫu chứng từ mới, không bổ sung thêm chỉ tiêu trên chứng từ kế toán. Đối với hệ thống tài khoản, thực tế hiện nay thì các yếu tố CPMT và lợi ích môi trường chưa có tài khoản riêng để theo dõi hạch toán. Việc DN hạch toán CPMT trong chi phí sản xuất của từng khoản mục, các yếu tố CPMT thường bị ẩn hoặc hạch toán chung vào tài khoản 621, 622, 627 và 642 đã dẫn đến CPMT được phân bổ cho các sản phẩm như chi phí sản xuất kinh doanh thông thường. Vì phản ánh chung như vậy nên các nhà quản lý khó có thể phát hiện được cũng như không nhận thấy được quy mô và tính chất của các CPMT nói chung và từng khoản CPMT nói riêng. Với hệ thống sổ các DNCBTS đều sử dụng sổ kế toán tổng hợp và chi tiết theo mẫu hướng dẫn của Bộ Tài chính. Như công ty có quy mô lớn như Công Ty Cổ Phần Nha Trang Seafoods F17, đã sử dụng các sổ chi tiết có phản ánh các khoản chi phí bảo vệ môi trường có tính chất thường xuyên như đánh giá tác động môi trường định kỳ, xét nghiệm nước thải, chi phí tiếp khách, điện thoại… của bộ phận quản lý môi trường, chi phục hồi sức khỏe cho người lao động, làm sạch môi trường làm việc, trồng và chăm sóc cây xanh, ủng hộ các phong trào môi trường do địa phương phát động và ngày môi trường thế giới. Ngoài ra, các DN còn đóng góp kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng để bảo vệ môi trường của khu CBTS tập trung theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các chi phí này chưa được theo dõi riêng mà hạch toán chung vào chi phí quản lý DN. Phân tích và cung cấp thông tin tài sản, nợ phải trả, chi phí và thu nhập môi trường: Hiện nay, tất cả các DN đều lập báo cáo tài chính theo quy định của Bộ Tài chính, bao gồm 4 báo cáo: Báo cáo tình hình tài chính, báo cáo kết quả hoạt động, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính. Thống nhất theo mẫu báo cáo tài chính quy định hiện nay, các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động môi trường chưa được trình bày và thuyết minh độc lập. Vì vậy, các chỉ tiêu liên quan đến tài sản môi trường, nợ phải trả môi trường, CPMT và thu nhập môi trường chưa được các DN trình bày trên báo cáo tài chính. Mặt khác, CPMT được các DN theo dõi chỉ nhằm mục đích thực hiện báo cáo với các cấp có thẩm quyền về nghĩa vụ phải nộp và trách nhiệm môi trường của DN. Báo cáo liên quan đến thông tin CPMT được thực hiện tại các DN chỉ dừng lại ở các bảng báo cáo về tình hình sử dụng hóa chất trong xử lý nước thải, nộp phí môi trường và chi phí bảo vệ cây xanh. Có thể thấy thông tin trên báo cáo môi trường chưa thực sự ý nghĩa với nhà quản trị DN. Nhà quản trị chủ yếu sử dụng báo cáo và số liệu kế toán liên quan đến vấn đề môi trường chủ yếu để hạn chế việc vi phạm các quy định về môi trường, đảm bảo các yêu cầu của cơ quan quản lý địa phương hay của ngành. Điều này hoàn toàn có thể dễ dàng giải thích khi CPMT không được theo dõi và kiểm soát thường xuyên hay nói cách khác có một sự ưu tiên thấp về CPMT từ các nhà quản trị nên yếu tố quản trị môi trường chưa thực sự được các DN chú trọng. Xây dựng định mức và lập dự toán CPMT: Các DNCBTS có các định mức kỹ thuật quy định về định mức tiêu hao nguyên vật liệu, hóa chất, nước đá, điện năng, tay nghề công nhân 524
  8. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” bình quân một đơn vị sản phẩm, định mức giờ máy chạy… Với hệ thống kế toán hiện tại chỉ chứa đựng thông tin về các định mức liên quan đến CBTS như trên nên hầu hết các DN sử dụng cho mục đích kiểm soát chi phí sản xuất. Dấu hiệu kiểm soát CPMT thực chất chỉ thể hiện ở việc lồng ghép trong kiểm soát sản xuất và chi phí dựa trên cơ sở định mức chi phí chủ yếu như định mức chi phí nguyên vật liệu chế biến, chi phí xử lý nước thải liên quan đến công nghệ chế biến cũng như công nghệ xử lý nước thải. Các DN đều không lập định mức riêng cho CPMT. Công tác lập dự toán chi phí sản xuất thì chỉ có một số DNCBTS tiến hành lập dự toán chi phí sản xuất dự trên cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh và định mức kinh tế kỹ thuật. Mặc dù dự toán CPMT được dùng để tư vấn cho nhà quản lý ra quyết định, đặc biệt là quyết định đầu tư, lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh có xét đến hiệu quả quản lý môi trường nhưng chưa có DNCBTS nào trên địa bàn thành phố Nha Trang lập dự toán CPMT riêng biệt. 5. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ Từ yêu cầu thông tin CPMT cho quản lý kết hợp với thực trạng KTMT tại các DNCBTS trên địa bàn thành phố Nha Trang còn nhiều hạn chế đòi hỏi phải có những giải pháp để có thể vận dụng được KTMT tại các DN này. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau: - Hoàn thiện về nhận diện, xác định các đối tượng của kế toán môi trường. Với mục đích cung cấp thông tin cho đối tượng bên ngoài sử dụng để thể hiện trách nhiệm của DN trong hoạt động bảo vệ môi trường cũng như so sánh giữa các DN cùng ngành trong việc đầu tư tài sản phục vụ cho hoạt động môi trường, các đối tượng của kế toán môi trường như tài sản, nợ phải trả, chi phí và thu nhập môi trường cần được nhận diện độc lập với các tài sản, nợ phải trả, chi phí và thu nhập khác, đặc biệt là các khoản CPMT. Việc nhận diện, phân loại CPMT có thể được thực hiện qua các bước: Xác định phạm vi, phân loại theo nguồn gốc phát sinh chi phí và mục đích quản lý. Tại các DNCBTS, trong từng khâu chế biến việc thất thoát nguyên liệu, việc tạo ra chất thải và mức độ ô nhiễm có sự khác biệt nên cần lựa chọn phương pháp xác định CPMT phù hợp nhằm kiểm soát và phân bổ CPMT một cách khoa học và đầy đủ. DN có thể lựa chọn một trong các phương pháp sau: Phương pháp xác định CPMT dựa trên cơ sở hoạt động (ABC); Phương pháp xác định CPMT dựa theo dòng vật liệu; Hoặc phương pháp kết hợp cả hai phương pháp trên. Các DNCBTS cần dựa vào đặc thù công nghệ chế biến và mặt hàng chế biến tại DN mình để lựa chọn phương pháp xác định CPMT phù hợp. - Hoàn thiện tổ chức chứng từ, tài khoản và sổ sách kế toán. Trên cơ sở các loại chứng từ hướng dẫn cho các DN của Bộ Tài chính, DN cần lựa chọn các chứng từ phù hợp và cần mã hóa thêm ký hiệu phục vụ cho việc xác định nguồn gốc từng loại, từng khoản vật liệu và theo từng nhà cung cấp nhằm phục vụ cho ghi sổ kế toán CPMT. Đối với danh mục hệ thống tài khoản kế toán DN của Bộ Tài chính qui định thì các DN không nhất thiết phải thiết lập thêm tài khoản cấp 1, 2 mà chỉ cần mở chi tiết thêm tài khoản cấp 3 cho một số tài khoản kế toán để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến hoạt động môi trường. Chẳng hạn như đối với tài sản môi trường, trên cơ sở Tài khoản 2112-Máy móc, thiết bị, DN cần mở chi tiết thêm tài khoản cấp 3 cho đối tượng là máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động bảo vệ môi trường… Tương tự như vậy đối với các tài khoản khác như tài khoản 214, 331, 338, 627, 621, 622, 641, 642, 711, 811,…Bên cạnh đó, để thuận lợi trong việc hệ thống hóa và xử lý thông tin kế toán trên máy tính, các DN có thể lựa chọn một hình thức kế toán phù hợp. Trên cơ sở hình thức kế toán đã được lựa chọn, các DN cần xây dựng các loại sổ kế toán phù hợp để ghi chép 525
  9. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập về môi trường trong DN. Hoàn thiện về phân tích, cung cấp và sử dụng thông tin liên quan đến kế toán môi trường. Trên cơ sở nhu cầu thông tin tài chính môi trường cung cấp cho các đối tượng sử dụng thông tin, để cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng thông tin bên ngoài DN đánh giá mức độ đầu tư môi trường, rủi ro môi trường, hiệu quả sử dụng CPMT, báo cáo kế toán của DN cần được hoàn thiện và bổ sung thêm thông tin tài chính môi trường trong thuyết minh báo cáo tài chính và được trình bày theo hai cách. Thứ nhất, toàn bộ thông tin tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập phát sinh từ hoạt động môi trường cần được trình bày thành một mục “Thuyết minh thông tin tài chính môi trường” trong phần IX (Những thông tin khác) của thuyết minh báo cáo tài chính của DN. Thứ hai, thông tin tài sản, nợ phải trả, chi phí, thu nhập phát sinh từ hoạt động môi trường được tách ra và trình bày theo các nội dung hiện nay đã có trong phần thuyết minh báo cáo tài chính. Cụ thể như: Trong thuyết minh báo cáo tài chính, thông tin tài sản cố định hữu hình môi trường được trình bày trong mục tăng, giảm tài sản cố định hữu hình. Trình bày tương tự đối với Nợ phải trả môi trường, chi phí, thu nhập môi trường. Mặt khác, nhằm cung cấp thông tin cho các nhà quản trị DN để phục vụ cho việc ra quyết định liên quan đến tài chính và môi trường thì cần thiết phải lập báo cáo CPMT trong các DNCBTS. Báo cáo này được lập và trình bày theo yêu cầu quản trị cụ thể của DN. Báo cáo CPMT thể hiện các thông tin liên quan đến hoạt động môi trường đã thu thập và tổng hợp, trong đó thông tin về về CPMT được quan tâm nhiều nhất. Đây là loại thông tin chủ yếu giúp các DNCBTS kiểm soát và quản trị CPMT trong DN. Đối tượng nhận thông tin báo cáo CPMT là Ban lãnh đạo DN và những người tham gia quản lý, điều hành hoạt động SXKD của DN. Báo cáo CPMT có thể lập linh hoạt vào các thời điểm tháng, quý, năm. DN có thế lựa chọn sử dụng các loại báo cáo sau: Báo cáo CPMT dựa trên cơ sở hoạt động; Báo cáo CPMT theo dòng vật liệu hoặc báo cáo tổng hợp CPMT. Hoàn thiện hệ thống định mức và dự toán CPMT. Với mục tiêu phát triển bền vững của các DNCBTS, các nhà quản trị cần thiết phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Trong đó, dòng thông tin cho quá trình xây dựng định mức và dự toán CPMT cần được hoàn thiện. Định mức CPMT cần được xây dựng riêng biệt với các định mức chi phí khác trong DN. Với đặc thù của các DNCBTS, CPMT cần được xác định định mức tương ứng với các giai đoạn của quá trình chế biến, xử lý chất thải và xả thải. Căn cứ vào các công đoạn xử lý nước thải và các thiết bị hoạt động, các thông số của từng thiết bị để lập bảng định mức chi phí của hệ thống xử lý nước thải. Định mức này là căn cứ để cán bộ quản lý môi trường xác định hiệu quả hoạt động của từng loại thiết bị, máy móc khi lựa chọn công nghệ xử lý nước thải. Ngoài ra, DNCBTS còn dựa vào mức chi phí xả thải phải nộp cho địa phương hoặc công ty xử lý nước thải để kiểm soát hàm lượng và mức độ ô nhiễm của chất thải. Đối với các DNCBTS có năng lực sản xuất phế liệu thu hồi như phế phẩm, phụ phẩm và thịt vụn từ các thành phần như đầu, xương, vây…thành các sản phẩm khác như chả, xúc xích, thức ăn chăn nuôi… thì cần thiết phải lập các định mức liên quan đến chi phí sản xuất sản phẩm phụ, xác định mức độ ô nhiễm của sản phẩm phụ, công suất của hệ thống xử lý nước thải có đáp ứng được yêu cầu xử lý nước thải từ sản xuất phụ cũng như định mức CPMT phát sinh thêm cho việc xử lý nước thải từ các hoạt động này. 526
  10. Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới” Dự toán CPMT cần thiết phải lập tại các DNCBTS hiện nay phục vụ cho quản trị môi trường là dự toán CPMT theo các giai đoạn của quá trình chế biến và xử lý chất thải, dự toán liên quan đến sản xuất phụ (nếu có) hoặc dự toán CPMT đối với trường hợp lựa chọn công nghệ sản xuất sạch hơn. Nguồn số liệu lập dự toán gồm thông số kỹ thuật, định mức chi phí sản xuất, định mức sản lượng thành phẩm, mức ô nhiễm từ hoạt động CBTS, công suất xả thải… 6. KẾT LUẬN Tháng 8/2021, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030” với định hướng là sớm đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản toàn cầu, hiện đại, an toàn, hiệu quả và bền vững. Đây được xem là một cơ hội mới nhưng cũng là thách thức lớn để ngành chế biến thủy sản tái cơ cấu và chuyển mình. Do đó, các DNCBTS nói chung và tại Nha Trang nói riêng cần thiết phải có các giải pháp cụ thể thực hiện quản trị môi trường nhằm mục tiêu quản trị DN, thực hiện trách nhiệm xã hội của DN đối với môi trường và hướng đến phát triển bền vững DN, trong đó phát triển KTMT đáp ứng mục tiêu quản trị môi trường DN là một trong những giải pháp ưu tiên. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tham khảo tiếng Việt 1. PGS.TS Phạm Đức Hiếu và PGS.TS Trần Thị Hồng Mai (2012). Kế toán môi trường trong doanh nghiệp. NXB Giáo dục Việt Nam. 2. Nguyễn Thị Tấm (2018) Kế toán môi trường tại các doanh nghiệp xây dựng công trình thủy điện Việt Nam: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện. Tạp chí Công thương. 3. Ngô Thị Hoài Nam (2017), Kế toán quản trị chi phí môi trường trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam. Luận án Tiến sỹ. 4. Hoàng Thị Bích Ngọc (2017), Kế toán quản trị chi phí môi trường trong các doanh nghiệp chế biến dầu khí thuộc Tập đoàn chế biến dầu khí thuộc tập đoàn dầu khi quốc gia Việt Nam. Luận án Tiến sỹ 5. Ths. Vũ Thị Bích Thủy (2018), Kế toán môi trường tại các doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tạp chí Tài chính Online https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/ke-toan-moi-truong-tai-cac-doanh-nghiep-viet- nam-trong-xu-the-day-manh-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-137731.html Tài liệu tham khảo tiếng Anh 1. Bennett M., P. Rikhardsson and S. Schaltegger, eds (2003), Environmental Management Accounting: Purpose and Progress. 2. International Federation of Accountants (2005), Enviromental Management Accounting, International Guidance Document, USA, 2005 3. United Nation, New York (2001) Environmental Management Accounting Procedures and Principles, 2001 --- Thông tin tác giả: - TS Nguyễn Văn Hương, Khoa Kế toán - Tài chính, Đại học Nha Trang Email: huongnv@ntu.edu.vn Số điện thoại: 0905.174.616 Lĩnh vực nghiên cứu: Kế toán tài chính, kế toán quản trị, tài chính ngân hàng - TS Nguyễn Bích Hương Thảo, Khoa Kế toán - Tài chính, Đại học Nha Trang Email: thaonbh@ntu.edu.vn Số điện thoại: 0905.123.057 Lĩnh vực nghiên cứu: Kế toán tài chính, kế toán quản trị - Ths Nguyễn Thị Kim Anh, Khoa Kế toán - Tài chính, Đại học Nha Trang Email: anhntk1@ntu.edu.vn Số điện thoại: 0973.097.280 Lĩnh vực nghiên cứu: Kế toán tài chính, kế toán quản trị 527
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2