Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh trong sự đối chiếu và chuyển dịch sang tiếng Việt
lượt xem 8
download
Luận án "Thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh trong sự đối chiếu và chuyển dịch sang tiếng Việt" được hoàn thành với mục tiêu nhằm làm sáng tỏ sự tương đồng và khác biệt về đặc điểm cấu tạo, phương thức hình thành và đặc điểm định danh của hai hệ thuật ngữ Luật TTHS Anh – Việt và cách chuyển dịch thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh sang tiếng Việt.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh trong sự đối chiếu và chuyển dịch sang tiếng Việt
- VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ------------------------------------------ NGUYỄN VIẾT DŨNG THUẬT NGỮ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ TIẾNG ANH TRONG SỰ ĐỐI CHIẾU VÀ CHUYỂN DỊCH SANG TIẾNG VIỆT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC HÀ NỘI - 2024
- VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ------------------------------------------ NGUYỄN VIẾT DŨNG THUẬT NGỮ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ TIẾNG ANH TRONG SỰ ĐỐI CHIẾU VÀ CHUYỂN DỊCH SANG TIẾNG VIỆT Ngành: Ngôn ngữ học so sánh, đối chiếu Mã số: 9.22.20.24 Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Hữu Hoành HÀ NỘI - 2024
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận án tiến sĩ “Thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh trong sự đối chiếu và chuyển dịch sang tiếng Việt” là kết quả nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu và nội dung được trình bày trong luận án là hoàn toàn trung thực và chưa từng được ai công bố ở đâu và trong bất cứ công trình nghiên cứu khoa học nào. Tác giả Nguyễn Viết Dũng
- LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành nghiên cứu khoa học này, ngoài những nỗ lực của bản thân còn có sự giúp đỡ của nhiều cá nhân và tập thể. Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Hữu Hoành – Người hướng dẫn khoa học của tôi. Trong suốt quá trình thực hiện luận án, thầy đã luôn động viên, chỉ bảo tận tình và có những nhận xét, góp ý vô cùng quý giá để luận án của tôi được hoàn thiện. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nghiên cứu thuật ngữ nói riêng và ngôn ngữ học nói chung đã có những đóng góp quý báu giúp tôi có được định hướng nghiên cứu đúng đắn cho luận án. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, lãnh đạo Khoa Ngoại ngữ cùng các đồng nghiệp nơi tôi đang công tác đã hỗ trợ và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến tập thể Ban Lãnh đạo và cán bộ Khoa Văn hóa - Ngôn ngữ học tại Học viện Khoa học xã hội đã luôn tạo điều kiện tốt nhất cho tôi trong quá trình thực hiện luận án này. Tác giả Nguyễn Viết Dũng
- MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ 8 LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 8 1.1.1. Tình hình nghiên cứu thuật ngữ trên thế giới và ở Việt Nam 8 1.1.2. Tình hình nghiên cứu thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự trong tiếng Anh và 17 tiếng Việt 1.2. Cơ sở lý thuyết liên quan đến luận án 24 1.2.1. Một số vấn đề lý luận về thuật ngữ và thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự 24 1.2.2. Một số vấn đề lý luận về định danh ngôn ngữ 42 1.2.3. Một số vấn đề lý luận về ngôn ngữ học đối chiếu 45 1.2.4. Một số vấn đề lý luận về dịch thuật và dịch thuật ngữ 48 1.3. Tiểu kết chương 1 57 Chương 2: ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CỦA THUẬT NGỮ LUẬT TỐ TỤNG 59 HÌNH SỰ TIẾNG ANH TRONG SỰ ĐỐI CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT 2.1. Đơn vị và phương thức cấu tạo từ trong tiếng Anh và tiếng Việt 59 2.1.1. Đơn vị và phương thức cấu tạo từ trong tiếng Anh 59 2.1.2. Đơn vị và phương thức cấu tạo từ trong tiếng Việt 62 2.2. Đặc điểm cấu tạo của thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh và 64 tiếng Việt 2.2.1. Thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh và tiếng Việt xét từ số lượng 64 yếu tố thuật ngữ 2.2.2. Thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh và tiếng Việt xét từ phương 68 thức cấu tạo 2.2.3. Thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh và tiếng Việt xét từ phương 72 diện từ loại 2.2.4. Mô hình cấu tạo thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh và tiếng Việt 74 2.3. Một số điểm tương đồng và khác biệt về đặc điểm cấu tạo giữa thuật 85 ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh và tiếng Việt 2.3.1. Về số lượng yếu tố thuật ngữ 85 2.3.2. Về phương thức cấu tạo 86 2.3.3. Về phương diện từ loại 88 2.3.4. Về mô hình cấu tạo 89 2.4. Tiểu kết chương 2 90 Chương 3: PHƯƠNG THỨC HÌNH THÀNH VÀ ĐẶC ĐIỂM ĐỊNH DANH 92 CỦA THUẬT NGỮ TỐ TỤNG HÌNH SỰ TIẾNG ANH TRONG SỰ ĐỐI CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT 3.1. Phương thức hình thành thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh 92 và tiếng Việt 3.1.1. Phương thức thuật ngữ hóa từ thông thường 93 3.1.2. Phương thức tạo thuật ngữ dựa trên ngữ liệu vốn có 96
- 3.1.3. Phương thức vay mượn thuật ngữ tiếng nước ngoài 97 3.2. Đặc điểm định danh thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự Anh – Việt 102 3.2.1. Đặc điểm định danh thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự xét theo ngữ nghĩa 102 3.2.2. Đặc điểm định danh thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự xét theo cách thức 103 biểu thị 3.2.3 Phân loại thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh và tiếng Việt theo các 104 phạm trù nội dung ngữ nghĩa 3.2.4 Mô hình định danh thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh và tiếng Việt 106 3.3. Một số điểm tương đồng và khác biệt về phương thức hình thành và 133 đặc điểm định danh giữa thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh và tiếng Việt 3.3.1. Về phương thức hình thành 133 3.3.2. Về đặc điểm định danh 134 3.4. Tiểu kết chương 3 136 Chương 4: THỰC TRẠNG CHUYỂN DỊCH THUẬT NGỮ LUẬT TỐ 138 TỤNG HÌNH SỰ ANH – VIỆT VÀ VẤN ĐỀ CHUẨN HÓA THUẬT NGỮ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ TIẾNG VIỆT 4.1. Thực trạng chuyển dịch thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự Anh – Việt 138 4.1.1. Các tương đương dịch thuật của thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự xét về 138 phương diện cấu tạo 4.1.2. Các tương đương dịch thuật của thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự xét về 141 phương diện nội dung 4.1.3. Các tương đương dịch thuật của thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự xét về 144 phương thức chuyển dịch 4.1.4. Nhận xét về thực trạng chuyển dịch thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự từ 148 tiếng Anh sang tiếng Việt 4.1.5. Một số đề xuất trong chuyển dịch thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng 153 Anh sang tiếng Việt 4.2. Vấn đề chuẩn hóa thuật ngữ Tố tụng hình sự tiếng Việt 157 4.2.1. Khái niệm chuẩn và chuẩn hóa 157 4.2.2. Chuẩn hóa thuật ngữ 159 4.2.3. Thực trạng thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Việt chưa đạt chuẩn 162 4.2.4. Một số đề xuất chuẩn hóa thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Việt chưa 163 đạt chuẩn 4.3. Tiểu kết chương 4 166 KẾT LUẬN 168 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC
- DANH MỤC VIẾT TẮT TT Ký hiệu Cụm từ được viết tắt 1 NXB Nhà xuất bản 2 STT Số thứ tự 3 TTHS Tố tụng hình sự 4 YTTN Yếu tố thuật ngữ
- DANH MỤC BẢNG Bảng 2.1: Số lượng YTTN trong thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh có cấu tạo là từ 65 Bảng 2.2: Số lượng YTTN trong thuật ngữ luật TTHS tiếng Việt có cấu tạo là từ 66 Bảng 2.3: Số lượng YTTN trong thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh có cấu tạo là ngữ 66 Bảng 2.4: Số lượng YTTN trong thuật ngữ luật TTHS tiếng Việt có cấu tạo là ngữ 67 Bảng 2.5: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh có cấu tạo là từ 68 Bảng 2.6: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh là từ phái sinh xét từ phương thức cấu tạo 69 Bảng 2.7: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh có cấu tạo là từ ghép xét từ phương 69 thức cấu tạo Bảng 2.8: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh là ngữ xét từ phương thức cấu tạo 70 Bảng 2.9: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Việt có cấu tạo là từ 70 Bảng 2.10: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Việt là từ ghép xét từ phương thức cấu tạo 71 Bảng 2.11: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Việt là ngữ xét từ phương thức cấu tạo 72 Bảng 2.12: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh là từ xét từ phương diện từ loại 72 Bảng 2.13: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh là ngữ xét từ phương diện từ loại 73 Bảng 2.14: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Việt là từ xét từ phương diện từ loại 73 Bảng 2.15: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Việt là ngữ xét từ phương diện từ loại 74 Bảng 2.16: Mô hình cấu tạo thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt 84 Bảng 2.17: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt xét từ số lượng YTTN 86 Bảng 2.18: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt xét từ phương thức cấu tạo 88 và quan hệ ngữ pháp Bảng 2.19: Thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt xét từ phương diện từ loại 89 Bảng 3.1: Số lượng thuật ngữ luật TTHS Anh – Việt thuộc 04 phạm trù nội dung 105 Bảng 3.2: Số lượng thuật ngữ luật TTHS Anh – Việt thuộc đơn vị định danh phái sinh 106 Bảng 3.3: Các tiểu phạm trù ngữ nghĩa của thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh 119 Bảng 3.4: Số lượng thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh mang các đặc trưng ngữ nghĩa 120 Bảng 3.5: Các tiểu phạm trù ngữ nghĩa của thuật ngữ luật TTHS tiếng Việt 131 Bảng 3.6: Số lượng thuật ngữ luật TTHS tiếng Việt mang các đặc trưng ngữ nghĩa 133
- Bảng 4.1: Tương đương dịch thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh là từ sang tiếng Việt 139 xét về phương diện cấu tạo Bảng 4.2: Tương đương dịch thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh là ngữ sang tiếng Việt 140 xét về phương diện cấu tạo Bảng 4.3: Tương đương dịch thuật ngữ luật TTHS tiếng Anh sang tiếng Việt xét về 141 phương diện cấu tạo Bảng 4.4: Tương đương 1 thuật ngữ tiếng Anh/ nhiều tương đương dịch thuật tiếng Việt 142 Bảng 4.5: Tương đương nhiều thuật ngữ tiếng Anh/ 1 tương đương dịch thuật tiếng Việt 143 Bảng 4.6: Tương đương dịch thuật ngữ luật TTHS Anh - Việt xét về mặt nội dung 144
- MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Cùng với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật và công nghệ, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế và khu vực trên mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà xu thế này đem lại, nó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi nước trong việc đấu tranh, phòng ngừa và xử lý các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia. So với hệ thống pháp luật của nhiều nước trên thế giới, hệ thống pháp luật Việt Nam còn khá non trẻ. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần không ngừng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và dần hoàn thiện các bộ luật, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách trong tình hình mới. Trong cuốn Ngôn ngữ pháp luật (The Language of the Law), Melinkoff đã khẳng định pháp luật được tạo nên bởi chất liệu ngôn ngữ, do đó, nghiên cứu pháp luật không thể không nghiên cứu ngôn ngữ được sử dụng trong pháp luật (dẫn theo [33]). Thực tế chỉ ra rằng một trong những vấn đề quan trọng đặt ra trong công tác lập pháp là độ chính xác và tính thống nhất trong việc sử dụng các thuật ngữ pháp lý. Hơn nữa, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, bên cạnh sự khác nhau về thể chế, sự khác biệt về ngôn ngữ giữa các quốc gia cũng là rào cản lớn ảnh hưởng tới việc hiểu cũng như áp dụng các văn bản hay điều luật giữa các bên. Vì vậy, việc xây dựng, chuẩn hóa và phát triển hệ thống thuật ngữ pháp luật nói chung và thuật ngữ Luật TTHS nói riêng là một xu hướng vận động tất yếu, một nhu cầu cấp bách và đòi hỏi khách quan. Qua đó, các cơ quan thực thi pháp luật, các dịch thuật viên và những người có liên quan có thể nắm vững, hiểu và sử dụng một cách chính xác các thuật ngữ pháp lý, trong đó có thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt. Qua khảo sát ban đầu, chúng tôi nhận thấy hiện nay nhiều thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh chưa được chuyển dịch một cách có hệ thống sang tiếng Việt. Không ít thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt còn mang tính miêu tả, giải nghĩa; chưa biểu đạt được chính xác khái niệm; hoặc được sử dụng với nhiều biến thể khác nhau 1
- mà chưa được chuẩn hóa. Thậm chí, một số thuật ngữ Luật TTHS có trong tiếng Anh nhưng lại không có trong tiếng Việt, v.v. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có một công trình khoa học nào đi sâu nghiên cứu về đối chiếu và chuyển dịch thuật ngữ Luật TTHS Anh – Việt để góp phần giải quyết những tồn tại trên. Trước thực tế đó, chúng tôi xác định việc lựa chọn đề tài “Thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh trong sự đối chiếu và chuyển dịch sang tiếng Việt” là hết sức thiết thực nhằm xác định những điểm tương đồng và khác biệt về đặc điểm cấu tạo, phương thức hình thành và đặc điểm định danh giữa thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt; đồng thời phân tích, đánh giá về thực trạng chuyển dịch thuật ngữ Luật TTHS Anh – Việt. Từ đó, luận án sẽ góp phần chuẩn hóa, bổ sung và hoàn thiện hệ thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt, tạo tiền đề cho việc xây dựng bộ từ điển thuật ngữ chuyên ngành Luật TTHS, đáp ứng nhu cầu ngày một phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay. Bên cạnh đó, luận án cũng sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho việc giảng dạy, biên dịch, phiên dịch và các hoạt động chuyên môn khác trong lĩnh vực thực thi pháp luật nói chung và công tác Công an nói riêng. 2. Đối tượng, phạm vi và nguồn tư liệu nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là hệ thống các thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt, tức là các thuật ngữ biểu đạt các khái niệm được sử dụng trong lĩnh vực Luật Tố tụng hình sự. 2.2. Phạm vi nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu đặc điểm cấu tạo, phương thức hình thành và đặc điểm định danh của thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt; thực trạng chuyển dịch thuật ngữ Luật TTHS từ tiếng Anh sang tiếng Việt và vấn đề chuẩn hoá thuật ngữ Luật TTHS trong tiếng Việt. 2.3. Tư liệu nghiên cứu Hệ thống thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt trong luận án này được thu thập từ các từ điển pháp luật, bộ luật và văn bản luật hiện hành, cụ thể như sau: 2
- Đối với thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh, ngữ liệu nghiên cứu được thu thập từ các nguồn: Từ điển pháp luật Anh - Việt của Vũ Trọng Hùng và cộng sự, Nxb Hồng Đức, năm 2000 [111]; Từ điển Công an Anh – Việt của Đặng Xuân Khang và cộng sự thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp cùng Thường trực Hội đồng lý luận Bộ Công an Việt Nam biên soạn, Nxb Công an nhân dân, năm 2018 [112]. Thực tế cho thấy khi nghiên cứu về thuật ngữ, việc lựa chọn ngữ liệu từ các cuốn từ điển luôn là một phương án có độ tin cậy cao và thường được sử dụng. Theo đánh giá của chúng tôi, hai cuốn từ điển trên đây đều được biên soạn khá công phu, có nội dung phong phú và đa dạng với số lượng khoảng 50.000 thuật ngữ trong mỗi cuốn thuộc các chuyên ngành luật khác nhau, trong đó bao gồm Luật TTHS. Ngoài ra, để đảm bảo việc lựa chọn ngữ liệu được đầy đủ, chính xác và toàn diện, chúng tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu các bộ luật, văn bản luật về Tố tụng hình sự của một số quốc gia nói tiếng Anh như: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2020 (The Criminal Procedure Rules 2020) của Vương quốc Anh [117], Bộ quy tắc Tố tụng hình sự liên bang năm 2020 (Federal Rules of Criminal Procedure 2020) của Hoa Kỳ [109], Luật Tố tụng hình sự năm 2011 (Criminal Procedure Act 2011) của Newzealand [116]. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sử dụng các cuốn từ điển Oxford Dictionary of Law của Elizabeth (2003) [108], Webster’s New World Law Dictionary của Susan (2006) [115], cùng một số từ điển pháp luật giải nghĩa tiếng Anh trực tuyến phổ biến hiện nay làm công cụ tra cứu, kiểm tra và đối chiếu thuật ngữ được thu thập. Trong quá trình nghiên cứu ngữ liệu, với những trường hợp thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh trong từ điển được dịch có nhiều đồng nghĩa, luận án sẽ lựa chọn thuật ngữ tương đương đầu tiên ở mỗi mục từ vì đây thường là những thuật ngữ sát nghĩa nhất và đáng tin cậy nhất. Điều này giúp chúng tôi xác định được các tương đương dịch thuật tiếng Việt một cách thống nhất, làm căn cứ để phân tích, đánh giá thực trạng chuyển dịch thuật ngữ Luật TTHS Anh – Việt trong tài liệu khảo sát. Đối với thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt, nguồn tư liệu chính được chúng tôi sử dụng bao gồm: Từ điển pháp luật Việt Nam của Nguyễn Ngọc Điệp, Nxb Thế giới (2020) [107]; Thuật ngữ pháp lý Tố tụng hình sự của Phan Trung Hiền và cộng sự, 3
- Nxb Chính trị Quốc gia sự thật (2021) [110]; Bộ Luật Tố tụng hình sự của Việt Nam, Nxb Lao động (2022) [114]; Giáo trình Luật Tố tụng hình sự của Nguyễn Ngọc Kiện, Nxb Tư Pháp (2020) [113]. Với cách thức tiến hành như trên, luận án đã thu thập được 1.937 thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh và 2.020 thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt. Tuy nhiên, khi đối chiếu với các tiêu chuẩn của thuật ngữ khoa học, chúng tôi nhận thấy có 195 thuật ngữ tiếng Việt còn chưa đạt chuẩn do dư thừa các yếu tố không cần thiết, dài dòng, mang tính chất miêu tả hoặc biểu thị nhiều hơn một đối tượng hay khái niệm, v.v. Vì vậy, chúng tôi chỉ lựa chọn khảo sát 1.937 thuật ngữ tiếng Anh và 1.825 thuật ngữ tiếng Việt đạt chuẩn thuộc 04 phạm trù nội dung mang những đặc trưng cơ bản và tiêu biểu nhất của ngành Luật Tố tụng hình sự như: Chủ thể trong hoạt động tố tụng hình sự; Hoạt động tố tụng hình sự; Chứng cứ, lời khai trong tố tụng hình sự; Trình tự, thủ tục, văn bản tố tụng hình sự. 195 thuật ngữ tiếng Việt chưa đạt chuẩn sẽ được đề cập và phân tích cụ thể trong chương 4 của luận án. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Thông qua việc khảo sát hệ thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt, theo hướng đối chiếu Anh – Việt, mục đích của luận án là làm sáng tỏ sự tương đồng và khác biệt về đặc điểm cấu tạo, phương thức hình thành và đặc điểm định danh của hai hệ thuật ngữ Luật TTHS Anh – Việt và cách chuyển dịch thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh sang tiếng Việt. Từ đó, luận án đề xuất một số phương hướng cụ thể để xây dựng, chuẩn hóa thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, đồng thời giúp nâng chất lượng đào tạo chuyên ngành luật ở nước ta. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện mục đích trên, luận án xác định các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể như sau: - Tổng quan tình hình nghiên cứu về thuật ngữ và thuật ngữ Luật TTHS trên thế giới và ở Việt Nam, xác lập cơ sở lý luận cho nghiên cứu của luận án; - Phân tích, đối chiếu đặc điểm cấu tạo, phương thức hình thành và đặc điểm định danh của thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh với tiếng Việt; 4
- - Đánh giá thực trạng chuyển dịch thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh sang tiếng Việt và vấn đề chuẩn hóa thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt; - Đề xuất phương hướng, biện pháp cụ thể trong việc chuyển dịch thuật ngữ Luật TTHS từ tiếng Anh sang tiếng Việt và việc chuẩn hoá thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt. 4. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện các nhiệm vụ và nội dung nghiên cứu đặt ra trong luận án, chúng tôi sử dụng một số phương pháp sau: 4.1. Phương pháp miêu tả Phương pháp này được sử dụng để miêu tả các đặc điểm cấu tạo, đặc điểm định danh và các vấn đề liên quan đến việc chuyển dịch thuật ngữ Luật TTHS từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Trong phương pháp này, chúng tôi sử dụng 2 thủ pháp nghiên cứu: - Thủ pháp phân tích thành tố trực tiếp: Chúng tôi sử dụng thủ pháp này để miêu tả cấu trúc của thuật ngữ Luật TTHS trong tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó xác định mô hình và quy tắc cấu tạo, định danh của các thuật ngữ đó. - Thủ pháp thống kê: Chúng tôi sử dụng thủ pháp này nhằm xác định số lượng, tần suất, tỷ lệ phần trăm của thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt trên các phương diện: yếu tố thuật ngữ, phương thức cấu tạo, từ loại, mô hình cấu tạo, mô hình định danh, đặc trưng định danh; và thống kê, phân loại các tương đương dịch thuật tiếng Việt, các thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt chưa đạt chuẩn theo từng nhóm cụ thể. Kết quả thống kê sẽ được tổng hợp dưới hình thức bảng hoặc biểu đồ giúp cho việc theo dõi, nhận xét được dễ dàng và thuận tiện hơn. 4.2. Phương pháp đối chiếu Phương pháp này được sử dụng để chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa hệ thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt về phương diện đặc điểm cấu tạo, phương thức hình thành và đặc điểm định danh ở cấp độ từ vựng, trên cơ sở lấy tiếng Anh là ngôn ngữ cơ sở, còn tiếng Việt là ngôn ngữ đối chiếu. 4.3. Phương pháp dịch Đây là phương pháp được sử dụng để xem xét tổng quát các cách thức dịch thuật ngữ Luật TTHS từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ đánh 5
- giá, nhận xét và đề xuất các phương pháp và cách thức chuyển dịch thuật ngữ Luật TTHS từ tiếng Anh sang tiếng Việt, góp phần chuẩn hóa hệ thống thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt. 5. Cái mới của luận án Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống, chuyên sâu về so sánh đối chiếu thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt trên các phương diện: đặc điểm cấu tạo, phương thức hình thành và đặc điểm định danh. Trên cơ sở đó, luận án phân tích, đánh giá thực trạng chuyển dịch thuật ngữ Luật TTHS từ tiếng Anh sang tiếng Việt nhằm đề xuất các phương án dịch và giải pháp phù hợp trong việc xây dựng và chuẩn hóa thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt. 6. Những đóng góp của luận án Về ý nghĩa lý luận, luận án góp phần khẳng định và làm rõ cơ sở lý luận chung về thuật ngữ, chuyển dịch thuật ngữ, chuẩn hóa thuật ngữ và so sánh đối chiếu ngôn ngữ. Luận án xác định những đặc trưng về đặc điểm cấu tạo, phương thức hình thành, đặc điểm định danh của thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh và tiếng Việt, là cơ sở khoa học để đề xuất các phương thức chuyển dịch thuật ngữ Luật TTHS Anh – Việt phù hợp và gợi ý những giải pháp nhằm chuẩn hóa và phát triển hệ thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt. Về ý nghĩa thực tiễn, kết quả nghiên cứu của luận án là cơ sở cho việc xây dựng các phương án chỉnh lý, chuẩn hóa thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt, tạo tiền đề cho việc biên soạn từ điển thuật ngữ Luật TTHS Anh – Việt. Đồng thời, luận án là tài liệu tham khảo hữu ích cho các hoạt động nghiên cứu về thuật ngữ Luật TTHS và các lĩnh vực liên quan; là tư liệu phục vụ cho việc dịch thuật, giảng dạy và biên soạn giáo trình luật, đặc biệt là giáo trình tiếng Anh chuyên ngành Luật TTHS; góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh chuyên ngành thuộc lĩnh vực thực thi pháp luật tại các cơ sở đào tạo nói chung và Học viện Cảnh sát nhân dân nói riêng. 7. Bố cục của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án bao gồm 4 chương như sau: 6
- Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận liên quan đến luận án. Chương này khái quát tình hình nghiên cứu thuật ngữ và thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự trên thế giới và ở Việt Nam. Một số vấn đề lý luận liên quan đến thuật ngữ, thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự, định danh ngôn ngữ, ngôn ngữ học đối chiếu và dịch thuật ngữ sẽ được trình bày nhằm xác lập cơ sở lý thuyết cho nghiên cứu. Chương 2: Đặc điểm cấu tạo của thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh trong sự đối chiếu với tiếng Việt. Ở chương này, luận án trình bày về đơn vị và phương thức cấu tạo từ trong tiếng Anh và tiếng Việt; phân tích, đối chiếu đặc điểm cấu tạo của thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh và tiếng Việt trên các phương diện: số lượng yếu tố thuật ngữ, phương thức cấu tạo, từ loại và mô hình cấu tạo. Chương 3: Phương thức hình thành và đặc điểm định danh của thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Anh trong sự đối chiếu với tiếng Việt. Chương này tập trung khảo sát và đối chiếu phương thức hình thành và đặc điểm định danh của thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh với tiếng Việt. Chương 4: Thực trạng chuyển dịch thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự Anh – Việt và vấn đề chuẩn hóa thuật ngữ Luật Tố tụng hình sự tiếng Việt. Chương này tập trung khảo sát, đánh giá thực trạng các tương đương dịch thuật tiếng Việt được chuyển dịch từ thuật ngữ Luật TTHS tiếng Anh trên các phương diện cấu tạo, nội dung và phương thức chuyển dịch và vấn đề chuẩn hóa thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt; đề xuất các giải pháp trong chuyển dịch thuật ngữ Luật TTHS Anh – Việt và chuẩn hóa thuật ngữ Luật TTHS tiếng Việt chưa đạt chuẩn. 7
- CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN Trong chương này, luận án sẽ tập trung khái quát tình hình nghiên cứu thuật ngữ trên thế giới và ở Việt Nam cũng như tình hình nghiên cứu thuật ngữ Luật TTHS trong tiếng Anh và tiếng Việt; trình bày một số vấn đề lý thuyết cơ bản về thuật ngữ, lý thuyết định danh, lý luận về ngôn ngữ học đối chiếu, dịch thuật và dịch thuật ngữ. Đây sẽ là những nội dung quan trọng làm tiền đề cho các nghiên cứu cụ thể ở các chương tiếp theo. 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Tình hình nghiên cứu thuật ngữ trên thế giới và ở Việt Nam 1.1.1.1. Tình hình nghiên cứu về thuật ngữ trên thế giới Với tư cách là một công cụ hữu ích phục vụ cho việc truyền bá kiến thức và sự lớn mạnh của khoa học, ngay từ thế kỷ thứ XVIII, thuật ngữ học đã bắt đầu xuất hiện và nhiều công trình nghiên cứu về thuật ngữ trên thế giới đã được thực hiện. Tuy nhiên, phải đến những năm 1930 của thế kỷ XX, vị thế của thuật ngữ học mới được khẳng định như một ngành khoa học và được nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống. Vào thế kỷ XVIII, trong quá trình tiến hành nghiên cứu về hóa học, thực vật học và động vật học, các nhà khoa học như Lavoisier, Linné và Berthollet đã đặt mối quan tâm vào việc định danh thuật ngữ thuộc các ngành này. Tiếp đó, vào thế kỷ XIX, do tác động của quá trình quốc tế hóa khoa học, nhu cầu về một hệ thống thuật ngữ thống nhất cho tất cả các nhà khoa học trên thế giới sử dụng trong các lĩnh vực tương ứng, cũng như trao đổi chuyên môn tại các hội thảo khoa học trở nên hết sức cần thiết. Thuật ngữ đã trở thành đề tài chính thức và được đề cập một cách rõ ràng tại nhiều hội nghị khoa học chuyên ngành. Mặc dù vậy, trong giai đoạn này, các nhà khoa học mới chỉ tập trung đến sự đa dạng về hình thức của thuật ngữ và mối quan hệ giữa hình thức và khái niệm mà chưa thực sự quan tâm đến bản chất của khái niệm cũng như các cơ sở để tạo lập thuật ngữ khoa học mới. 8
- Nếu như ở thế kỷ XVIII và XIX, các nhà khoa học là những người đi đầu trong việc xây dựng thuật ngữ thì đến thế kỷ XX là thời kỳ của các kỹ sư và các kỹ thuật viên khi họ cũng tham gia vào công việc này nhằm thống nhất các thuật ngữ được sử dụng. Từ những năm 1930, việc nghiên cứu thuật ngữ đã được thực hiện một cách đồng thời nhưng độc lập. Các công trình nghiên cứu trong giai đoạn này có thể được coi là nền tảng cơ bản cho sự phát triển lâu dài của ngành khoa học thuật ngữ trên diện rộng. Tiêu biểu trong số đó là những nghiên cứu của học giả người Áo, Wuster (1898 – 1977). Ông được coi là cha đẻ của bộ môn thuật ngữ học và là người đã đặt nền móng cho sự phát triển cho hệ thống thuật ngữ học hiện đại. Theo Cabré (1999), thuật ngữ học hiện đại có 4 giai đoạn phát triển cơ bản, bao gồm: Giai đoạn Sơ khai (1930 – 1960): Đây là giai đoạn sơ khởi của việc phát triển nghiên cứu thuật ngữ với việc xác lập các phương pháp trong việc hình thành hệ thống các thuật ngữ. Các bài viết mang tính lý thuyết đầu tiên của Wuster (1898 – 1977) và Lotte (1889 – 1950) đã xuất hiện trong giai đoạn này. Giai đoạn Cấu trúc (1960 – 1975): Đây là giai đoạn xác lập các chuyên ngành, lĩnh vực. Trong thời gian này, nhờ sự phát triển của công nghệ vi tính, công tác nghiên cứu thuật ngữ đã đạt được những bước tiến quan trọng. Một bộ nguyên tắc quốc tế về xử lý dữ liệu thuật ngữ đã được đề xuất và phương hướng xây dựng, phát triển hệ thuật ngữ đi cùng với chuẩn hóa thuật ngữ trong ngôn ngữ bắt đầu được hình thành. Giai đoạn Bùng nổ (1975 – 1985): Đây được coi là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của thuật ngữ học. Bước ngoặt quan trọng trong giai đoạn này là sự gia tăng các chính sách hoạch định ngôn ngữ và thuật ngữ học. Bên cạnh những nghiên cứu lý thuyết, đã có nhiều nghiên cứu sâu hơn về mặt thực tiễn như: vai trò của thuật ngữ khoa học, chuyên môn với sự phát triển của các ngành khoa học liên ngành; định hướng mới trong lý thuyết về thuật ngữ học; hay phát triển hệ thuật ngữ khoa học gắn với kế hoạch hóa ngôn ngữ và hiện đại hóa ngôn ngữ. 9
- Giai đoạn Mở rộng (1985 đến nay): Trong giai đoạn này, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học – kỹ thuật và dịch vụ, thuật ngữ học có nhiều thay đổi và cơ hội phát triển. Đi cùng với đó là những vấn đề mới nảy sinh trong việc xây dựng và chuẩn hóa thuật ngữ khoa học nhằm đáp ứng các yêu cầu của xã hội. Mô hình phát triển thuật ngữ gắn liền với hoạch định ngôn ngữ ngày càng được quan tâm nghiên cứu. [82] Về quá trình nghiên cứu thuật ngữ trên thế giới trong vòng 100 năm qua, Auger (1998) đã tổng kết thành ba xu hướng nghiên cứu chính: Một là, thuật ngữ được nghiên cứu theo sự điều chỉnh phù hợp với hệ thống ngôn ngữ; hai là, thuật ngữ được nghiên cứu theo định hướng dịch; ba là, thuật ngữ được nghiên cứu theo hướng kế hoạch hóa ngôn ngữ (dẫn theo [12]). Có thể nói, khi đề cập đến hướng nghiên cứu thuật ngữ theo sự điều chỉnh phù hợp với hệ thống ngôn ngữ, người ta không thể không nhắc tới ba trường phái và cũng là ba cái nôi nghiên cứu thuật ngữ tiêu biểu và lớn nhất trên thế giới, đó là: Trường phái thuật ngữ học của Áo, Trường phái thuật ngữ học của Xô Viết và Trường phái thuật ngữ học của Séc. Trường phái thuật ngữ học của Áo: Đây là trường phái gắn liền với tên tuổi của Wuster (1898 – 1977). Ông chính là người khởi xướng trong việc thiết lập các phương pháp nghiên cứu thuật ngữ và định hướng phát triển công tác nghiên cứu thuật ngữ học hiện đại. Đặc điểm nổi bật nhất của trường phái thuật ngữ học của Áo chính là việc tập trung vào các khái niệm và hướng việc nghiên cứu thuật ngữ vào chuẩn hóa các thuật ngữ và các khái niệm. Theo hướng tiếp cận này, thuật ngữ học được coi là một bộ môn khoa học liên ngành nhưng là một thực thể độc lập trong việc hỗ trợ, phục vụ cho các bộ môn khoa học và kỹ thuật khác. Trường phái thuật ngữ học của Xô Viết: Trường phái này chịu ảnh hưởng lớn bởi công trình nghiên cứu về thuật ngữ của Wuster. Do đó, giống với quan điểm của trường phái nghiên cứu thuật ngữ của Áo, trường phái thuật ngữ của Xô Viết hầu như chỉ tập trung nghiên cứu về các vấn đề chuẩn hóa các khái niệm, chuẩn hóa các thuật ngữ dựa trên cơ sở những vấn đề liên quan tới chủ nghĩa đa ngôn ngữ ở Liên Bang Xô Viết trước đây. Đại diện điển hình nhất cho trường phái nghiên cứu này là Lotte 10
- (1898 – 1950). Ông được coi là người đi đầu trong việc xây dựng và phát triển hệ thuật ngữ hiện đại của Nga, là người đã đề xuất các yêu cầu về thuật ngữ và đưa ra những luận điểm về phương pháp trong công tác tiêu chuẩn hóa thuật ngữ. Trường phái thuật ngữ học Séc: Được hình thành như một kết quả tất yếu của đường hướng ngôn ngữ chức năng của trường phái ngôn ngữ Praha, trường phái này tập trung vào việc miêu tả đặc điểm về cấu tạo và chức năng của ngôn ngữ chuyên ngành, trong đó, thuật ngữ đóng vai trò quan trọng. Với cách tiếp cận này, các học giả quan niệm ngôn ngữ chuyên ngành là một loại “văn phong đặc biệt”, tồn tại song song với các loại văn phong khác như văn phong văn học, văn phong báo chí hay văn phong hội thoại. Theo họ, thuật ngữ là các đơn vị có chức năng tạo nên văn phong nghề cụ thể. Thuật ngữ được hình thành tùy thuộc vào bản chất đa ngôn ngữ trong khu vực địa lý của chính nó. Với đại diện tiêu biểu là Drodz, trường phái này đặc biệt chú trọng đến chuẩn hóa ngôn ngữ và chuẩn hóa thuật ngữ. Như vậy, có thể nhận thấy cả ba trường phái thuật ngữ học nói trên đều có chung một quan điểm đó là nghiên cứu thuật ngữ dựa trên ngôn ngữ học, họ đều xem thuật ngữ như là một phương tiện diễn đạt và giao tiếp. Ba trường phái này đã định hình các cơ sở lý thuyết về thuật ngữ học và những nguyên lý mang tính phương pháp chi phối việc ứng dụng của thuật ngữ. Đây chính là nền tảng phát triển các hướng nghiên cứu thuật ngữ sau này – đó là thuật ngữ được nghiên cứu theo hướng kế hoạch hóa ngôn ngữ và dịch thuật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thông qua các nghiên cứu của mình, một số học giả như Cabré, Sager, Weissenhofer, v.v. đã chỉ ra những hạn chế của ba trường phái thuật ngữ học trên, đặc biệt là đối với trường phái thuật ngữ học Áo. Họ cho rằng đây là các trường phái thuật ngữ học truyền thống và đưa ra những luận điểm trái ngược với các nguyên tắc mà thuật ngữ học truyền thống đã đưa ra. Cabré (1995) đã nghi ngờ giá trị của lý thuyết truyền thống về thuật ngữ học. Tác giả cho rằng “mục tiêu nghiên cứu của Wuster là loại bỏ sự mơ hồ 11
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm ngôn ngữ của từ ngữ xưng hô trong Phật giáo Việt Nam,
188 p | 208 | 62
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Nhóm động từ chỉ hoạt động nhận thức trong Tiếng Việt (liên hệ với Tiếng Anh)
204 p | 167 | 45
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Hành vi xin phép và hồi đáp trong tiếng Anh và tiếng Việt
220 p | 187 | 45
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Đối chiếu thành ngữ Việt - Anh về tình yêu, hôn nhân và gia đình
213 p | 110 | 26
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Hành vi xin phép và hồi đáp trong tiếng Anh và tiếng Việt
158 p | 157 | 25
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Đối chiếu thành ngữ, tục ngữ có thành tố chỉ con số trong tiếng Anh và tiếng Việt
263 p | 74 | 23
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Đối chiếu diễn ngôn quảng cáo Anh - Việt
249 p | 36 | 17
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Hành động ngôn ngữ trách trong tiếng Việt và việc sử dụng của giáo viên ở môi trường sư phạm
200 p | 39 | 17
-
Luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học: Câu đảo ngữ tiếng Anh và tiếng Việt
206 p | 119 | 16
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Đối chiếu ngôn ngữ của bài báo tạp chí tài chính tiếng Anh và tiếng Việt từ quan điểm ngữ pháp học chức năng hệ thống
293 p | 34 | 12
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Đối chiếu thuật ngữ ngành ô tô trong tiếng Anh và tiếng Việt
295 p | 20 | 8
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm của thuật ngữ thủy sản tiếng Anh và các tương đương trong tiếng Việt
215 p | 27 | 7
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Thuật ngữ ngành mỏ và địa chất tiếng Việt
238 p | 32 | 7
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Hồi chỉ Zéro trong hội thoại qua một số truyện ngắn và tiểu thuyết tiêu biểu Việt Nam từ 1986 đến 2000
169 p | 19 | 6
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Đặc điểm vốn từ và phát ngôn của trẻ tự kỉ từ 3 đến 6 tuổi (Khảo sát một số trẻ tự kỉ trên địa bàn Hà Nội)
226 p | 23 | 6
-
Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ Việt Nam: Hành động ngôn ngữ trong Truyện Kiều
200 p | 17 | 5
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Phương tiện biểu hiện nghĩa tình thái ở hành động hỏi tiếng Anh và tiếng Việt
27 p | 124 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ Việt Nam: Hành động ngôn ngữ trong Truyện Kiều
29 p | 22 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn