Luận án tiến sĩ văn hóa học: Sự biến đổi văn hóa gia đình ở vùng tái định cư huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
lượt xem 64
download
Đề tài "Sự biến đổi văn hóa gia đình ở vùng tái định cư huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh" đã trình bày các nội dung: Cơ sở lý luận, tổng quan về vùng tái định cư và văn hóa gia đình của cư dân huyện Kỳ Anh trước tái định cư; thực trạng văn hóa gia đình sau tái định cư ở huyện Kỳ Anh; nhân tố tác động, xu hướng biến đổi và giải pháp cho việc xây dựng văn hóa gia đình ở vùng tái định cư huyện Kỳ Anh. Mời các bạn tham khảo.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận án tiến sĩ văn hóa học: Sự biến đổi văn hóa gia đình ở vùng tái định cư huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Nguyễn Thị Nguyệt SỰ BIẾN ĐỔI VĂN HÓA GIA ĐÌNH Ở VÙNG TÁI ĐỊNH CƯ HUYỆN KỲ ANH, TỈNH HÀ TĨNH LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC Hà Nội - 2015
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM Nguyễn Thị Nguyệt SỰ BIẾN ĐỔI VĂN HÓA GIA ĐÌNH Ở VÙNG TÁI ĐỊNH CƯ HUYỆN KỲ ANH, TỈNH HÀ TĨNH Chuyên ngành : Văn hóa học Mã số : 62.31.06.40 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS TRẦN ĐỨC NGÔN Hà Nội - 2015
- 1 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các tư liệu được sử dụng trong luận án là trung thực, có xuất xứ rõ ràng, những phát hiện được nêu trong luận án là kết quả nghiên cứu của cá nhân tôi trong quá trình thực hiện đề tài. Tác giả Nguyễn Thị Nguyệt
- 2 MỤC LỤC Trang Lời cam đoan............................................................................................................ 1 Mục lục .................................................................................................................... 2 Danh mục các chữ viết tắt......................................................................................... 3 Danh mục các bảng thống kê ...................... ................................................................4 Mở đầu .................................................................................................................... 5 Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN, TỔNG QUAN VỀ VÙNG TÁI ĐỊNH CƯ VÀ VĂN HOÁ GIA ĐÌNH CỦA CƯ DÂN HUYỆN KỲ ANH TRƯỚC TÁI ĐỊNH CƯ…. . 11 1.1. Cơ sở lý luận về văn hóa gia đình và biến đổi văn hóa ............................ 11 1.2. Tổng quan về vùng tái định cư huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh .................. 34 1.3. Văn hóa gia đình của cư dân trước khi tái định cư .................................. 38 Chương 2: THỰC TRẠNG VĂN HÓA GIA ĐÌNH SAU TÁI ĐỊNH CƯ Ở HUYỆN KỲ ANH..... ………………………………………………………………56 2.1. Biến đổi trong quan niệm hôn nhân - gia đình......................................... 57 2.2. Biến đổi trong ứng xử gia đình ............................................................... 70 2.3. Biến đổi trong giáo dục gia đình ............................................................. 87 2.4. Biến đổi trong nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng ............................................. 99 Chương 3: NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG, XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI VÀ GIẢI PHÁP CHO VIỆC XÂY DỰNG VĂN HÓA GIA ĐÌNH Ở VÙNG TÁI ĐỊNH CƯ HUYỆN KỲ ANH................................................................................................ 108 3.1. Những nhân tố tác động đến biến đổi văn hóa gia đình ở vùng tái định cư huyện Kỳ Anh ...................................................................................................... 108 3.2. Xu hướng biến đổi văn hóa gia đình ở vùng TĐC huyện Kỳ Anh ......... 112 3.3. Những giải pháp cho việc xây dựng văn hóa gia đình ở vùng tái định cư huyện Kỳ Anh ...................................................................................................... 118 KẾT LUẬN.......................................................................................................... 136 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ...................... 140 TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 141 PHỤ LỤC............................................................................................................. 150
- 3 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT 1. ADB: Asian Development Bank (Ngân hàng phát triển châu Á) 2. BLGĐ: Bạo lực gia đình 3. CNH: Công nghiệp hóa 4. CT-HCQG: Chính trị - hành chính quốc gia 5. CTQG: Chính trị quốc gia 6. ĐHQG: Đại học quốc gia 7. HĐH: Hiện đại hóa 8. KHXH: Khoa học xã hội 9. KKT: Khu kinh tế 10. KT-XH: Kinh tế - xã hội 11. LHPN: Liên hiệp phụ nữ 12. LHQ: Liên Hợp Quốc 13. NCS: Nghiên cứu sinh 14. Nxb: Nhà xuất bản 15. QHTD: Quan hệ tình dục 16. SP: Số phiếu 17. STT: Số thứ tự 18. PL: Phụ lục 19. TĐC: Tái định cư 20. TL: Tỷ lệ 21. tr: Trang 22. UNESCO: United Nations Educational Scientific and Cultural Organization (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc) 23. VHDT: Văn hóa dân tộc 24. VHGĐ: Văn hóa gia đình 25. VHNT: Văn học nghệ thuật 26. VHTT: Văn hóa thông tin 27. XHH: Xã hội học
- 4 DANH MỤC CÁC BẢNG THỐNG KÊ Bảng 2.1: Cơ sở lựa chọn hôn nhân ..................................................................... 57 Bảng 2.2: Các kiểu lựa chọn gia đình và con cái.................................................. 58 Bảng 2.3: Người quyết định hôn nhân trong gia đình........................................... 60 Bảng 2.4: Quan điểm (thái độ) về các kiểu gia đình............................................. 65 Bảng 2.5: Nguyên nhân của ly hôn ...................................................................... 68 Bảng 2.6: Tình hình việc làm của cư dân trước và sau khi lên khu TĐC .............. 71 Bảng 2.7: Sự khác biệt thu nhập giữa vợ/chồng trước và sau khi lên TĐC........... 72 Bảng 2.8: Vai trò của người làm chủ gia đình...................................................... 72 Bảng 2.9: Người đứng tên giấy tờ sở hữu tài sản có giá trị của gia đình............... 74 Bảng 2.10: Tỷ lệ xuất hiện các hình thức bạo lực gia đình ................................... 77 Bảng 2.11: Con cái được hỏi ý kiến vào các công việc trong gia đình.................. 79 Bảng 2.12: Tỷ lệ con cái mắc lỗi trong gia đình................................................... 80 Bảng 2.13: Tỷ lệ các thành viên trong gia đình có mặt trong bữa cơm ................. 81 Bảng 2.14: Quan hệ tình cảm của anh, chị, em trong gia đình.............................. 83 Bảng 2.15: Mức độ quan tâm của những người họ hàng ...................................... 85 Bảng 2.16: Các hoạt động cộng đồng mà gia đình tham gia................................. 86 Bảng 2.17: Tỷ lệ cha mẹ trao đổi với con cái trên từng lĩnh vực .......................... 90 Bảng 2.18: Ứng xử của cha mẹ khi con cái đạt kết quả học tập tốt....................... 93 Bảng 2.19: Cách thức hướng dẫn con cái về ứng xử trong gia đình...................... 94 Bảng 2.20: Thái độ tiếp nhận việc giáo dục của con cái....................................... 94 Bảng 2.21: Tỷ lệ các thành viên trong gia đình tham gia giáo dục con cái ................96 Bảng 2.22: Những khó khăn cha mẹ gặp phải trong giáo dục con cái .................. 96 Bảng 2.23: Cha mẹ liên lạc với nhà trường về tình hình học tập của con ............. 97 Bảng 2.24: Các nghi lễ trong gia đình.................................................................. 99 Bảng 2.25: Thái độ của gia đình đối với các tập tục........................................... 102 Bảng 2.26: Người thực hiện các nghi lễ trong gia đình ...................................... 104
- 5 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Lý do khoa học Trong tiến trình phát triển của lịch sử, gia đình có một vị trí và vai trò đặc biệt. Từ gia đình, con người được sinh ra và trưởng thành cả về thể chất và nhân cách. Chính gia đình là mảnh đất gieo mầm, nuôi dưỡng và cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước. Với hai chức năng cơ bản: tái sinh con người để duy trì nòi giống và xã hội hoá cá nhân để hình thành nhân cách, gia đình sẽ tồn tại mãi trong đời sống của nhân loại. Sức mạnh trường tồn của mỗi quốc gia, dân tộc, xã hội phụ thuộc rất nhiều vào sự tồn tại, phát triển của gia đình và văn hoá gia đình. Gia đình Việt Nam phát triển qua nhiều thế hệ và đã tạo dựng nên những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, hiếu nghĩa, ham học, thuỷ chung, cần cù và sáng tạo trong lao động, kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách. Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình Việt Nam đã được cải thiện đáng kể nhờ những thành tựu của phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo, và các lĩnh vực khác. Chính những thành tựu này đã góp phần quan trọng làm cho niềm tin, trách nhiệm của từng cá nhân và toàn xã hội đối với gia đình được nâng lên. Nghiên cứu VHGĐ không phải là chủ đề nghiên cứu mới nhưng luôn mang tính thời sự, là chủ đề luôn được sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước, trên thế giới và ngày càng có sự quan tâm hơn trên nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau, hiện tại đã có rất nhiều công trình khoa học bàn về vấn đề này. Các công trình nghiên cứu tập trung giải quyết vấn đề lý luận về tầm quan trọng của gia đình trong xã hội và phát triển xã hội. Đã có những công trình nghiên cứu về gia đình và VHGĐ theo hướng thực nghiệm. Những công trình này, thường tập trung ở các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, các luận văn, luận án. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về di cư - định cư. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu sự biến đổi VHGĐ ở vùng TĐC. Do vậy, nghiên cứu sự biến đổi VHGĐ ở vùng TĐC huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, vẫn được xem là vấn đề còn bỏ ngỏ.
- 6 Gia đình và VHGĐ luôn khác biệt theo những khác biệt địa lý nhân văn, văn hóa tộc người và luôn biến đổi để thích nghi với những biến đổi của môi trường tự nhiên cũng như biến đổi KT-XH. Nói cách khác, nghiên cứu gia đình và VHGĐ trong diện mạo đương đại và cụ thể của từng địa phương, từng bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội luôn là những đề tài mới và hữu ích. VHGĐ ở Hà Tĩnh là một bộ phận hữu cơ của VHGĐ Việt Nam. Nhưng do những đặc điểm về tự nhiên và lịch sử, VHGĐ ở Hà Tĩnh cũng có những nét đặc thù. Ngay cả những nét đã được định hình trong truyền thống cũng đang có những biến đổi. Thực sự đây là một vấn đề nghiên cứu có tính hữu ích cả về mặt khoa học lẫn thực tiễn. 1.2. Lý do thực tiễn Quá trình CNH, HĐH đất nước tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện phát triển mới đối với các gia đình, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Nếu không chủ động phát huy những yếu tố tích cực, hạn chế những yếu tố tiêu cực thì gia đình Việt Nam sẽ không thể ổn định để trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển đất nước. Công nghiệp hóa là quá trình thiết lập vị trí thống trị của công nghiệp trong đời sống KT-XH để đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững. Về phương diện này, CNH sẽ làm biến đổi cấu trúc, chức năng kinh tế gia đình truyền thống và chuyển thành gia đình hiện đại. Công nghiệp hóa cũng sẽ thay đổi các giá trị, chuẩn mực của gia đình để hình thành hệ thống giá trị chuẩn mực mới. Bên cạnh CNH, là quá trình hội nhập của đất nước, của tỉnh Hà Tĩnh trên mọi phương diện mang tính toàn cầu cũng đã có những tác động lớn đến gia đình và VHGĐ. Dưới tác động của toàn cầu hóa, điều kiện sống của gia đình có sự phân hóa sâu sắc, có sự phân phối không đều các cơ hội và nguồn lợi đối với sự phát triển kinh tế gia đình. Một bộ phận các gia đình có điều kiện sẽ phát triển kinh tế một cách nhanh chóng. Ngược lại, một bộ phận gia đình không có khả năng thích ứng với những cơ hội do quá trình hội nhập mang lại, họ trở thành những người thua cuộc ngay chính trên mảnh đất của quê hương mình. Sự biến đổi VHGĐ ở Khu
- 7 TĐC huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những minh chứng cụ thể cho điều đó. Ảnh hưởng bởi dự án Formosa, nhân dân một số vùng các xã Kỳ Lợi, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh đều phải di dời TĐC. Tại nơi ở mới, công trình hạ tầng xã hội như điện, nước, giao thông; các công trình văn hóa, giáo dục, hành chính như: trường học, trụ sở xã, hội quán thôn, đài tưởng niệm liệt sỹ… đều được đầu tư xây dựng mới khang trang, hiện đại. Nơi ở cũ hàng bao đời nay của một vùng quê nghèo đã được giải phóng hoàn toàn để phát triển công nghiệp, cuộc sống mới theo hướng đô thị đã và đang được hình thành. Các gia đình nơi đây phải từ bỏ miền quê đã gắn bó bao đời để đến lập nghiệp ở một vùng đất mới đầy bỡ ngỡ. Bộ mặt KT-XH có nhiều khởi sắc, nhưng trong lòng nó, vấn đề VHGĐ, phương thức sản xuất, thói quen, nếp nghĩ, cách làm của người dân từ miền biển lên núi, từ đồng bằng phì nhiêu lên canh tác ở sườn đồi tất yếu có sự thay đổi. Như một quy luật của quá trình phát triển, khi có sự thay đổi về môi trường sống, thay đổi về phương thức sản xuất, thay đổi về các mối quan hệ văn hóa cộng đồng thì tất yếu sẽ dẫn đến sự biến đổi của VHGĐ. Với một đối tượng và một phạm vi nghiên cứu được giới hạn như vậy, NCS hy vọng vấn đề sẽ được phân tích và lý giải sâu sắc hơn, qua đó, những vấn đề lý luận về VHGĐ, biến đổi VHGĐ sẽ được làm sáng tỏ, góp phần mang lại cơ sở khoa học cho chính sách TĐC trong mối quan hệ với phát triển bền vững của địa phương huyện Kỳ Anh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Xuất phát từ tầm quan trọng của vấn đề nêu trên, NCS chọn đề tài Sự biến đổi văn hóa gia đình ở vùng tái định cư huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh làm đề tài luận án Tiến sĩ của mình. 2. Mục tiêu nghiên cứu 2.1. Nhận diện sự biến đổi của VHGĐ cư dân vùng TĐC huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh trên một số chiều cạnh chủ yếu. 2.2. Đề xuất một số giải pháp để góp phần xây dựng VHGĐ của cư dân vùng TĐC huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh phù hợp với điều kiện mới.
- 8 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng Đối tượng nghiên cứu của luận án là VHGĐ ở vùng TĐC huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, bao gồm VHGĐ trước khi TĐC và những biến đổi của nó sau TĐC. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Các hộ gia đình ở năm vùng TĐC thuộc các xã Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. - Thời gian: Nghiên cứu sự biến đổi VHGĐ của đồng bào TĐC ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh từ 2008 đến nay. Đối với văn hóa gia đình trước khi TĐC, những tư liệu khảo sát hồi cố chúng tôi lấy trong khoảng từ 10 đến 15 năm trước khi TĐC. - Căn cứ vào thực tiễn quá trình TĐC của cư dân nằm trong vùng dự án thuộc phạm vi phải di dời của 5 xã trên, đề tài đi sâu vào tìm hiểu sự biến đổi VHGĐ của cư dân, trên các phương diện: quan niệm về hôn nhân gia đình; ứng xử trong gia đình, giáo dục gia đình; những nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng trong gia đình. Phạm vi nghiên cứu còn được mở rộng ra tùy theo yêu cầu của từng chương mục, ví dụ: nghiên cứu một số gia đình ở các xã ngoài khu TĐC (xã Kỳ Ninh) để có sự so sánh đối chiếu, nghiên cứu chính sách TĐC của tỉnh, nghiên cứu lịch sử văn hoá của huyện Kỳ Anh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung... 4. Giả thuyết khoa học Hoạt động TĐC ở KKT Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh có ảnh hưởng và sẽ làm biến đổi VHGĐ của đồng bào TĐC theo chiều hướng gia đình hiện đại đan xen cả những mặt tích cực và tiêu cực. Toàn bộ kết quả khảo sát trong luận án chứng minh cho giả thuyết khoa học này. 5. Nhiệm vụ nghiên cứu 5.1. Tổng hợp, hệ thống hóa và bổ sung cơ sở lý luận về gia đình, VHGĐ, biến đổi VHGĐ. 5.2. Phân tích thực trạng biến đổi VHGĐ ở vùng TĐC huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với mong muốn giữ gìn và phát huy những giá trị VHGĐ truyền thống; xây
- 9 dựng những giá trị mới, tích cực cho gia đình hiện đại. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp hạn chế những biến đổi của VHGĐ theo chiều hướng tiêu cực. 5.3. Cung cấp bức tranh toàn cảnh về sự biến đổi VHGĐ ở vùng TĐC, góp phần giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, những cơ sở khoa học, có kinh nghiệm trong việc di dân TĐC ở các dự án khác trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời làm tư liệu tham khảo có ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu và học tập. 5.4. Đề xuất những giải pháp khắc phục một số hạn chế trong chính sách TĐC ở Hà Tĩnh nói chung và các khu TĐC ở Kỳ Anh nói riêng. 6. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu Xuất phát từ đối tượng nghiên cứu của luận án là sự biến đổi văn hóa gia đình vùng tái định cư, NCS lựa chọn phương pháp tiếp cận liên ngành văn hóa học với mong muốn đây là phương pháp tiếp cận hữu hiệu cho đề tài luận án. Sau đây là một số phương pháp cụ thể được sử dụng thường xuyên trong quá trình thực hiện đề tài: 6.1. Điều tra xã hội học Điều tra qua bảng hỏi (Để phục vụ cho luận án, NCS chuẩn bị 360 bảng hỏi trên các đối tượng nông dân, công nhân, lao động tự do, kinh doanh buôn bán, cán bộ công chức, học sinh, hưu trí; tuổi từ 18 - 60 tuổi). Tổng số gồm 6 mẫu thiết kế, mẫu 1 có 6 đơn vị thông tin, mẫu 2 có 11 đơn vị thông tin, mẫu 3 có 15 đơn vị thông tin, mẫu 4 có 22 đơn vị thông tin, mẫu 5 có 8 đơn vị thông tin, mẫu 6 có 6 đơn vị thông tin. Phỏng vấn sâu 55 người, thuộc các đối tượng nông dân, công nhân, lao động tự do, kinh doanh buôn bán, cán bộ công chức, học sinh, hưu trí; tuổi từ 18-60 tuổi. 6.2. Phương pháp so sánh So sánh vùng TĐC với vùng lân cận để làm rõ sự khác biệt. So sánh vùng TĐC Kỳ Anh với một số vùng TĐC khác trong tỉnh để làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt. 6.3. Sử dụng kết hợp các phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê... trong việc thu thập những cứ liệu cụ thể nhằm làm sáng tỏ nội dung nghiên cứu của luận án.
- 10 7. Những đóng góp mới của luận án 7.1. Về mặt lý luận Trên cơ sở tổng kết tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước về gia đình, văn hoá gia đình, biến đổi văn hóa gia đình, NCS hệ thống hóa thành một số vấn đề lý thuyết làm cơ sở cho việc nghiên cứu đề tài. Đồng thời, qua kết quả nghiên cứu, NCS đã phát hiện những khoảng trống khoa học liên quan đến vấn đề biến đổi VHGĐ hiện nay. Từ đó, đề xuất những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu trong thời gian tới. 7.2. Về kết quả nghiên cứu cụ thể Mô tả bức tranh gia đình ở vùng TĐC huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay, trên cơ sở đó phân tích sự biến đổi VHGĐ của cư dân trong mối quan hệ biện chứng giữa trước và sau khi TĐC. Làm sáng tỏ các yếu tố tác động đến VHGĐ ở vùng TĐC huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Chỉ ra những bất cập của VHGĐ vùng TĐC trước xu thế hội nhập và phát triển của quê hương, đất nước. Đề xuất được các giải pháp để gìn giữ và phát huy những nét đẹp của VHGĐ truyền thống, hạn chế những biến đổi mang tính tiêu cực, góp phần xây dựng những giá trị mới cho gia đình hiện đại. 8. Bố cục của luận án Ngoài phần mở đầu (6 tr), kết luận (4 tr), danh mục tài liệu tham khảo (8 tr) và phụ lục (83 tr), nội dung của luận án gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận, tổng quan về vùng tái định cư và văn hoá gia đình của cư dân huyện Kỳ Anh trước tái định cư (45 tr). Chương 2: Thực trạng văn hoá gia đình sau tái định cư ở huyện Kỳ Anh (52 tr). Chương 3: Nhân tố tác động, xu hướng biến đổi và giải pháp cho việc xây dựng văn hóa gia đình ở vùng tái định cư huyện Kỳ Anh (28 tr).
- 11 Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN, TỔNG QUAN VỀ VÙNG TÁI ĐỊNH CƯ VÀ VĂN HOÁ GIA ĐÌNH CỦA CƯ DÂN HUYỆN KỲ ANH TRƯỚC TÁI ĐỊNH CƯ 1.1. Cơ sở lý luận về văn hóa gia đình và biến đổi văn hóa 1.1.1. Cơ sở lý luận về văn hóa gia đình 1.1.1.1. Khái niệm gia đình Gia đình là cái gốc của con người, nơi con người sinh ra, bắt đầu một cuộc sống. Đúng như quan niệm của nhà nghiên cứu Lê Minh: “Trong suốt cuộc đời cho đến khi kết thúc, gia đình luôn là điểm tựa, là cội nguồn của tình cảm, là cái nôi của sự yên bình trong ấm êm” [56, tr.11]. Khái niệm gia đình thường được dùng để chỉ một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống nảy sinh từ quan hệ hôn nhân. Ngày nay, quan niệm của một số người về gia đình không chỉ đóng khung trong những mối liên quan về huyết thống, hôn nhân mà còn mở ra trên một phạm vi rộng lớn hơn, đó là những người có tình yêu thương, tương trợ lẫn nhau. Từ lâu, chủ đề gia đình được nhiều ngành khoa học nghiên cứu dưới các góc độ khác nhau và do vậy cũng có nhiều định nghĩa về gia đình. Tuy nhiên, nó cũng gây ra không ít những vấn đề tranh cãi bởi rất khó khăn khi đưa ra một định nghĩa về gia đình có tính toàn diện và thuyết phục. Nguyên nhân trước hết vì gia đình là một thuật ngữ hết sức thân thuộc với tất cả mọi người. Gia đình lại là một nhóm xã hội đặc thù. Khác với các nhóm xã hội khác, gia đình hội tụ trong nó tất cả các yếu tố sinh học, tâm lý, văn hóa, kinh tế. Sự phức tạp trong chính đặc điểm của gia đình khiến việc định nghĩa trở nên khó khăn. Mặt khác, gia đình luôn biến đổi cùng với sự biến đổi của xã hội, của nền văn hóa mà gia đình tồn tại. Vì vậy, không dễ dàng gì để xác định một khái niệm gia đình đúng với tất cả các dạng gia đình khác nhau về mặt văn hóa, lịch sử. K.Marx khi luận chứng về những điều kiện tiền đề cho sự tồn tại của con người đã đưa ra nhận xét: “Hằng ngày khi tái tạo ra đời sống của bản thân mình,
- 12 con người còn tạo ra những người khác, sinh sôi, nảy nở. Đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ con cái, đó là gia đình” [20, tr.38]. Như vậy, K.Marx đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nó trong duy trì nòi giống, nhấn mạnh mối quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống. Tuy nhiên, vấn đề gia đình không chỉ được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx nghiên cứu. Tổ chức LHQ khi bàn về các quyền của con người và gia đình đã xác định: gia đình là yếu tố tự nhiên và cơ bản của xã hội và có quyền hưởng sự bảo vệ của xã hội và của Nhà nước. Quan điểm này thể hiện rõ sự gắn kết mật thiết giữa gia đình và xã hội, khẳng định vai trò của gia đình đối với xã hội. Ở Việt Nam, vấn đề gia đình đang là đối tượng nghiên cứu của nhiều bộ môn khoa học khác nhau, thuộc nhiều chuyên ngành và vì thế định nghĩa gia đình cũng rất phong phú. Theo phương pháp chiết tự từ, nhà khoa học Hoàng Tiến khi nghiên cứu về gia đình đã chỉ ra: chiết tự chữ gia theo nghĩa Hán gồm bộ miên, mang ý nghĩa mái lợp trùm nhà ngoài nối nhà trong. Dưới có chữ thỉ, nghĩa là lợn. Chữ gia mang ngữ nghĩa nhà ở, chắc chắn phải xuất hiện từ thời loài người đã biết chăn nuôi. Chiết tự chữ đình, gồm bộ nghiễm tức mái nhà (cũng đọc là yêm), dưới là đình với ý nghĩa là nơi phát chính lệnh cho cả nước theo (như triều đình). Với phương pháp này, nghĩa xa xưa của gia đình hẳn là một đơn vị kinh tế nhỏ, chung sống dưới mái nhà trong cộng đồng xã hội. Định nghĩa này đã khái quát được một số dấu hiệu đặc trưng của gia đình (chung sống cùng mái nhà, là đơn vị kinh tế), nhưng chưa khái quát được cơ sở hình thành gia đình cùng với một số chức năng quan trọng khác của gia đình. Từ góc nhìn XHH, tác giả Lê Như Hoa trong công trình khoa học của mình cho biết: “Một số nhà XHH quan niệm gia đình là một nhóm người” [31, tr.24]. Tác giả đã trích dẫn các quan điểm tiêu biểu của các nhà XHH phương Tây E.W.Burgess và H.J.Cocker: Gia đình là một nhóm người được thống nhất với nhau bởi những mối quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nhận con nuôi; tạo thành một hộ duy nhất, tác động qua lại và giao tiếp với nhau theo vai trò xã hội riêng của từng người trong số họ: là chồng vợ, là mẹ cha, anh trai và em gái, tạo thành một nền văn
- 13 hoá chung. Theo Kingley Davis gia đình: “Là một nhóm người mà quan hệ của họ với nhau dựa trên cơ sở dòng dõi và do đó họ là họ hàng thân thích của nhau” [31, tr.24]. Các định nghĩa nói trên đã đề cập tới nhiều khía cạnh của gia đình nhưng còn khá chung chung, không rõ bản chất, chức năng và sự tác động của gia đình với xã hội và ngược lại. Nhà nghiên cứu Lê Thi trong tác phẩm Vai trò của gia đình trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam [78] cho rằng: Khái niệm gia đình được sử dụng để chỉ một nhóm xã hội hình thành trên cơ sở quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống nảy sinh từ quan hệ hôn nhân đó và cùng chung sống (cha mẹ, con cái, ông bà); đồng thời gia đình cũng có thể bao gồm một số người được nuôi dưỡng, tuy không có quan hệ huyết thống nhưng các thành viên gia đình gắn bó với nhau về trách nhiệm và quyền lợi (kinh tế, văn hoá, tình cảm), giữa họ thường có những điều ràng buộc có tính pháp lý, được nhà nước thừa nhận và bảo vệ (được ghi rõ trong luật hôn nhân gia đình của nước ta). Đồng thời, trong gia đình có những quy định rõ ràng về quyền được phép và cấm đoán QHTD giữa các thành viên. Đây là khái niệm đề cập tới nhiều nét đặc trưng, bản chất cơ bản của gia đình nhưng nặng nề về trình bày, phân tích, chưa khái quát cô đọng. Tóm lại, dưới góc độ XHH, định nghĩa gia đình còn cần được bổ sung và khái quát cô đọng hơn. Dưới góc độ tâm lý học, tác giả Ngô Công Hoàn cho rằng “Gia đình là một nhóm nhỏ xã hội có quan hệ gắn bó về hôn nhân hoặc huyết thống, tâm sinh lý, có chung các giá trị vật chất, tinh thần ổn định trong các thời điểm lịch sử nhất định” [98, tr.36]. Tác giả Nguyễn Đình Xuân lại quan niệm: “Gia đình là nhóm nhỏ được liên kết vợ chồng (hôn nhân) theo quy luật xã hội trước tiên, sau đó mới là quy luật tính dục tự nhiên” [98, tr.36]. Các định nghĩa đó đã đề cập tới nhiều nét bản chất của gia đình nhưng vai trò và quan hệ tác động của gia đình đối với xã hội chưa được khái quát. Điều này đòi hỏi các nhà nghiên cứu về gia đình phải có sự bổ sung phát triển.
- 14 Gần đây, UNESCO cũng đưa ra quan niệm: “gia đình là một nhóm người có quan hệ họ hàng cùng chung sống và có ngân sách chung” [44, tr.33]. Ở định nghĩa này, tiêu chí để nhận diện gia đình không chỉ là quan hệ hôn nhân, huyết thống mà còn thêm tiêu chí cùng chung sống và có ngân sách chung. Tuy nhiên, các định nghĩa này cũng có những đóng góp và những hạn chế tương tự như quan niệm gia đình của Tâm lý học, XHH. Qua phân tích, chúng tôi thấy rằng, cần phải kế thừa các quan điểm tiêu biểu trên, khái quát lại và bổ sung để có định nghĩa gia đình vừa đảm bảo tính khái quát, tính hệ thống, tính lôgíc và toàn diện về những nét bản chất đặc trưng của gia đình. Đây là vấn đề không đơn giản, đặc biệt trong xã hội hiện đại, cùng với sự vận động, biến đổi của xã hội thì các hình thức, kiểu loại gia đình cũng biến đổi hết sức phức tạp, đa dạng. Trong thực tế, có những gia đình không có con cái, có gia đình nhiều “chủng loại” con cái, gia đình đơn thân, gia đình khuyết thiếu... Nhìn chung trong các kiểu, loại gia đình thì gia đình hạt nhân vẫn chiếm đa phần (ở Việt Nam, theo điều tra, có từ 60 đến hơn 70%). Chính vì vậy, có thể lấy gia đình hạt nhân làm đối tượng để đưa ra một định nghĩa về gia đình. Qua một số định nghĩa đã đề cập ở trên, chúng tôi nhận thấy, gia đình được xác định dựa trên 5 tiêu chí: là một nhóm người (có từ hai người trở lên); có quan hệ với nhau bởi hôn nhân, huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng; có đặc trưng giới tính qua quan hệ hôn nhân; cùng chung sống; có ngân sách chung. Trong 5 tiêu chí này, quan hệ hôn nhân và huyết thống là tiêu chí cơ bản nhất để nhận diện gia đình. Trên cơ sở thừa nhận sự đa dạng trong quan niệm về gia đình, có thể rút ra định nghĩa chung nhất như sau: Gia đình là một nhóm xã hội được hình thành trên cơ sở các quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống nảy sinh từ quan hệ hôn nhân và quan hệ nuôi dưỡng, gắn bó với nhau về tình cảm, kinh tế, trách nhiệm và quyền lợi, chịu sự ràng buộc có tính pháp lý được xã hội, nhà nước thừa nhận và bảo vệ. 1.1.1.2. Khái niệm văn hoá gia đình
- 15 Để tìm hiểu về văn hoá gia đình, trước tiên phải đề cập đến khái niệm văn hoá. Đã có rất nhiều ý kiến và định nghĩa về văn hoá, chúng tôi xin lựa chọn một định nghĩa được cho là thỏa đáng, đó là ý kiến của tổ chức UNESCO: “Văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân, cộng đồng) trong quá khứ và hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy hình thành hệ thống giá trị, các truyền thống và thị hiếu - những đặc tính riêng của mỗi dân tộc” [90, tr.23]. Đứng trước sự tiến công mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hoá, vấn đề giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá của các dân tộc đang gặp phải những thách thức to lớn đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Vì vậy, UNESCO đưa ra định nghĩa về văn hoá trên cơ sở nhấn mạnh đến nội dung nhằm thức tỉnh tinh thần trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc chống xu thế nhất thể hoá văn hoá, hướng tới tôn trọng và bảo vệ những giá trị văn hoá độc đáo của các quốc gia, dân tộc. Có thể hiểu văn hoá gia đình từ những góc độ khác nhau.Từ các cấp độ của văn hoá cộng đồng (chủ thể): văn hoá nhân loại, văn hoá dân tộc, văn hoá giai cấp, văn hoá gia đình, văn hoá cá nhân. Trong xã hội Việt Nam truyền thống, văn hoá gia đình chính là gia phong (nếp nhà). Biểu hiện đặc trưng của văn hoá gia đình truyền thống là: thuần phong, mỹ tục, nếp sống, tác phong của các thành viên trong gia đình; là sự ứng dụng những tri thức khoa học (như y học, giáo dục học, tâm lý học, thẩm mỹ học) để tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục con người, nhất là về mặt tinh thần; sự hiếu thuận đối với cha mẹ, sự tôn kính tổ tiên ông bà; tấm gương sáng về nhân cách văn hoá trong gia đình; truyền thống văn hóa của gia đình, dòng họ. Từ góc độ XHH, người ta chia văn hoá thành hai dạng cơ bản: văn hoá cá nhân và văn hoá cộng đồng. Văn hoá cá nhân là văn hoá của mỗi cá nhân, nó là toàn bộ tri thức, kinh nghiệm, phương thức ứng xử mà mỗi cá nhân đã học tập, đã tích luỹ được trong quá trình tham gia vào hoạt động thực tiễn lịch sử - xã hội của đời sống cộng đồng. Văn hoá cộng đồng là văn hoá của một đơn vị dân cư hay nhóm xã hội. Nó là toàn bộ hệ giá trị, chuẩn mực, thị hiếu, những đặc tính riêng của mỗi
- 16 cộng đồng. Cộng đồng tập hợp theo quan hệ hôn nhân và huyết thống được gọi là gia đình. Vì vậy, có gia đình thì tất yếu phải có VHGĐ. Chúng ta đã biết, gia đình là một hiện tượng văn hoá của loài người, gia đình chỉ xuất hiện trong xã hội loài người. Ở những động vật khác, dù là động vật cấp cao như loài khỉ, chỉ có sự kết hợp sinh học mà chưa thể có gia đình. Cái mà một số người gọi là gia đình ở động vật này chỉ là những gắn bó tính dục và bản năng. Bước nhảy từ sự kết hợp tính dục và bản năng của động vật sang gia đình của con người mang tính văn hóa rõ rệt. Văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa là những gì con người sáng tạo nên ngoài những gì tự nhiên dành sẵn cho con người. Gia đình của con người là tâm điểm để tạo ra những quan hệ rộng lớn theo chiều dọc và chiều ngang. Từ một đôi vợ chồng, sẽ tạo nên các thế hệ và các quan hệ của nó với các thế hệ đó: ông bà - bố mẹ - con - cháu - chắt... được gọi là quan hệ dọc. Cùng với các quan hệ dọc là quan hệ ngang họ hàng nội ngoại, bên chồng, bên vợ... Ý thức được và ứng xử được với các quan hệ đó là một đặc trưng văn hoá của con người, không có trong đời sống bầy đàn của động vật. Từ đó có thể khẳng định: gia đình của con người là một hiện tượng văn hoá hoàn toàn khác về chất so với hình thức kết đôi, sinh con của động vật. Nó không chỉ bị quy định bởi nhu cầu sinh học mà còn được biến đổi về chất do nhu cầu xã hội (nhu cầu người) để trở thành hiện tượng văn hoá. Gia đình là một giá trị văn hoá khi nó đáp ứng nhu cầu tồn tại và các nhu cầu đặc biệt thiêng liêng không vụ lợi của con người. Đó là tình thương yêu, hạnh phúc, trách nhiệm, nghĩa vụ mang tính người của con người. Gia đình là vành nôi yêu thương, che chở từ khi con người được sinh ra, lớn lên, trưởng thành cho đến khi tuổi già và mất đi. Tất cả những sự kiện đó đều mang theo những nội dung văn hóa nhất định. Chúng đụng tới những nhận thức và tình cảm sâu sắc và thiêng liêng nhất của con người. Con người nhận thức được về địa vị và thân phận xã hội của cá nhân mình thông qua nhận thức về địa vị và thân phận của gia đình mình. Những tình cảm mạnh mẽ nhất của con người cũng biểu hiện trước hết trong các quan hệ gia đình: tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, tình cha con, mẹ con, tình anh chị em,
- 17 tình họ hàng, sự tôn kính tổ tiên. Tình yêu trai gái xét đến cùng là khát khao hướng tới một gia đình, hướng tới hạnh phúc ấm êm, đó cũng là một giá trị văn hoá. Do vậy gia đình là một giá trị văn hoá thiêng liêng có thể so sánh với các giá trị cao cả khác. Giá trị văn hoá gia đình thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, lý tưởng sống của con người. “Gia đình được coi là giá trị tinh thần vô cùng quý báu của nhân loại, cần được giữ gìn và phát huy” [80, tr.14]. Gia đình là một hiện tượng văn hoá và là một giá trị văn hoá, tất cả các quan hệ và hoạt động sống của gia đình đều biểu hiện đặc trưng văn hoá của con người. Hệ thống giá trị văn hoá của gia đình khi đã hình thành có vai trò chi phối, điều tiết các quan hệ của gia đình, chi phối các phương thức ứng xử của các thành viên gia đình. Giá trị VHGĐ được thể hiện qua gia đạo, gia huấn, gia lễ và bằng pháp luật của nhà nước, bằng dư luận xã hội. Hệ thống giá trị đó là cơ sở tồn tại của gia đình, giữ cho đời sống gia đình bền vững, hạnh phúc. Như vậy, gia đình không chỉ là một nhóm xã hội đặc thù mà còn là một thực thể sinh học - văn hoá, một thiết chế xã hội - văn hoá: “Gia đình ngay từ đầu là một tồn tại văn hoá, một thực thể văn hoá tất nhiên trong mối liên hệ khăng khít với những yếu tố sinh học và giới tính. Ở những trình độ phát triển thấp của con người, đã là như thế, ở trình độ phát triển cao hơn, lại càng như thế” [56, tr.23]. Từ sự phân tích trên, có thể định nghĩa VHGĐ như sau: Văn hóa gia đình là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội, phản ánh bản chất của các hình thái gia đình đặc trưng cho các cộng đồng, tộc người, dân tộc và khu vực khác nhau được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với các điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội nhất định. 1.1.1.3. Cấu trúc của văn hoá gia đình Văn hoá gia đình là một dạng đặc thù của văn hoá cộng đồng, trong đó các hệ giá trị, chuẩn mực trở thành định hướng mà mỗi thành viên trong gia đình chấp
- 18 nhận, tuân theo và có nghĩa vụ thực hiện. Mỗi gia đình được tồn tại và phát triển thông qua sự vận hành của các thành tố: cấu trúc gia đình, chức năng của gia đình, mối quan hệ nội tại và môi trường sống của gia đình. Trong đời sống xã hội, văn hoá tích luỹ vào mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, vì vậy mới hình thành nên văn hoá cá nhân và văn hoá cộng đồng. Với văn hoá cộng đồng nói chung, người ta căn cứ vào hai dạng hoạt động sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần để phân chia cấu trúc văn hoá thành hai lĩnh vực: văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Nhưng với văn hoá gia đình, cấu trúc phức tạp hơn, bởi gia đình còn thêm một lĩnh vực sản xuất đặc thù đó là sản xuất con người, tái tạo nòi giống. K. Marx đã chỉ rõ: Tham dự ngay từ đầu vào quá trình phát triển lịch sử, hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, gia đình... Như vậy là sự sản xuất ra đời sống, ra đời của bản thân mình bằng lao động, cũng như đời sống của người khác bằng việc sinh con đẻ cái - biểu hiện ngay là một quan hệ song trùng: một mặt là quan hệ tự nhiên, mặt khác là quan hệ xã hội [51, tr.41- 42]. Trong văn hoá gia đình giá trị cấu trúc là giá trị tồn tại bên trong gia đình thể hiện ở sự gắn bó giữa các thành viên của cộng đồng đặc biệt này. Đó là các giá trị được biểu hiện trong các quan hệ cơ bản của gia đình: quan hệ giữa vợ và chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, quan hệ giữa các anh chị em. Nghiên cứu về cấu trúc văn hoá gia đình, có thể có nhiều hình thức khác nhau nhưng cơ bản nhất, theo các nhà nghiên cứu, có 2 dạng: dạng hoạt động cơ bản của gia đình và dạng hệ giá trị của gia đình. Vấn đề này trong công trình nghiên cứu Người phụ nữ trong văn hóa gia đình đô thị [25] của nhóm tác giả Lê Quý Đức và Nguyễn Thị Huệ cũng đã trình bày rất cụ thể, khoa học. Trước hết, tìm hiểu cấu trúc văn hoá gia đình theo các dạng hoạt động cơ bản của gia đình, bao gồm: Văn hoá sản sinh và nuôi dạy con người
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận án Tiến sĩ Văn Hóa học: Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh (qua nghiên cứu các lễ hội truyền thống)
260 p | 245 | 58
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa Thiền tông trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay
310 p | 185 | 52
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Sinh hoạt văn hóa Quan họ làng (qua trường hợp làng Quan họ Viêm Xá)
176 p | 156 | 33
-
Tóm tắt Luận án tiến sĩ Văn hóa học: Biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
24 p | 199 | 27
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Bản địa hóa Đức mẹ Maria tại Việt Nam
229 p | 82 | 20
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Diễn ngôn về giới trên truyền thông sau đổi mới
234 p | 35 | 16
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Sự dung hợp giữa phật giáo Bắc Tông với tín ngưỡng dân gian ở tỉnh Tiền Giang
255 p | 41 | 16
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Hát Xoan Phú Thọ trong bối cảnh di sản hóa ở Việt Nam
293 p | 46 | 12
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Không gian sáng tạo trong đời sống văn hóa đô thị (qua nghiên cứu một số không gian sáng tạo tại Hà Nội)
174 p | 27 | 10
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 qua nghiên cứu kênh VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam
242 p | 16 | 10
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa trầm hương Việt Nam
221 p | 17 | 8
-
Tóm tắt Luận án tiến sĩ Văn hóa học: Biến đổi của diễn xướng nghi lễ lên đồng (qua nghiên cứu trường hợp tỉnh Nam Định)
27 p | 96 | 7
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn Hóa học: Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh (qua nghiên cứu các lễ hội truyền thống)
28 p | 109 | 6
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Biến đổi văn hóa làng ở Bắc Ninh hiện nay (qua trường hợp làng Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong và làng Bất Lự, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du)
192 p | 10 | 6
-
Luận án Tiến sĩ Văn hóa: Hệ thống thẩm mĩ trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ
163 p | 21 | 5
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Chợ Tiền Giang từ góc nhìn văn hóa học
26 p | 9 | 3
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Văn hóa trầm hương Việt Nam
27 p | 8 | 3
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn hóa học: Biến đổi văn hóa làng ở Bắc Ninh hiện nay (qua trường hợp làng Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong và làng Bất Lự, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du)
27 p | 6 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn