intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Luận văn Thạc sĩ Luật học: Quyền an tử những vấn đề lý luận và thực tiễn

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:105

80
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích của luận văn là đưa ra được một cái nhìn toàn diện, có tính hệ thống và khoa học về các vấn đề pháp lý, xã hội liên quan đến quyền an tử trên thế giới và ở Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất những quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành về vấn đề này ở nước ta trong thời gian tới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Luật học: Quyền an tử những vấn đề lý luận và thực tiễn

  1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT NGUYỄN MAI CHI QUYỀN AN TỬ NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN Chuyên ngành: Pháp luật về quyền con người Mã số: Chuyên ngành đào tạo thí điểm LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC Cán bộ hướng dẫn khoa học: TS. VŨ CÔNG GIAO HÀ NỘI - 2014
  2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận văn này là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu trong Luận văn chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong Luận văn đảm bảo tính chính xác, tin cậy và trung thực. Tôi đã hoàn thành tất cả các môn học và đã thanh toán tất cả các nghĩa vụ tài chính theo quy định của Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội. Vậy tôi viết Lời cam đoan này đề nghị Khoa Luật xem xét để tôi có thể bảo vệ Luận văn. Xin chân thành cảm ơn! NGƯỜI CAM ĐOAN Nguyễn Mai Chi
  3. MỤC LỤC Trang Trang phụ bìa Lời cam đoan Mục lục Danh mục các chữ viết tắt Danh mục các hình vẽ MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1 Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN CỦA QUYỀN AN TỬ ......... 4 1.1. Một số khái niệm cơ bản..................................................................... 4 1.1.1. An tử và trợ tử ...................................................................................... 4 1.1.2. Quyền an tử ........................................................................................... 7 1.2. Cơ sở hình thành quyền an tử............................................................ 8 1.2.1. Nguyên tắc hình thành quyền an tử ...................................................... 8 1.2.2. Lịch sử hình thành và quá trình phát triển của quyền an tử ................ 12 1.3. Đặc điểm và ý nghĩa của quyền an tử ............................................. 27 1.3.1. Đặc điểm ............................................................................................. 27 1.3.2. Ý nghĩa ................................................................................................ 29 1.4. Quan điểm về việc hợp pháp hóa quyền an tử trên thế giới ......... 32 1.4.1. Những quan điểm phản đối ................................................................. 32 1.4.2. Những quan điểm ủng hộ .................................................................... 36 Chương 2: PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN VỀ QUYỀN AN TỬ TRÊN THẾ GIỚI .............................................................................. 41 2.1. Quyền an tử theo pháp luật nhân quyền quốc tế ........................... 41 2.2. Thực tiễn và pháp luật về quyền an tử ở một số quốc gia............. 44
  4. 2.2.1. Quy định của các quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hoá quyền an tử .......................................................................................... 44 2.2.2. Quy định của các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa hợp pháp hoá quyền an tử hoặc quy định một phần .................................................. 50 2.2.3. Xu hướng hợp pháp hóa quyền an tử trên thế giới ............................. 56 2.3. Các tiêu chí chung về quyền an tử theo pháp luật quốc tế và pháp luật của một số quốc gia ........................................................... 60 2.3.1. Tiêu chí sinh học ................................................................................. 60 2.3.2. Tiêu chí pháp lý ................................................................................... 63 Chương 3: PHÁP LUẬT, THỰC TIỄN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỀ QUYỀN AN TỬ Ở VIỆT NAM .......................................... 69 3.1. Pháp luật và những vấn đề nảy sinh về quyền an tử trong thực tiễn ở Việt Nam ......................................................................... 69 3.1.1. Quyền an tử theo pháp luật Việt Nam ................................................. 69 3.1.2. Nhu cầu thực tiễn về quyền an tử ở Việt Nam .................................... 70 3.2. Tranh luận về hợp pháp hóa quyền an tử ở Việt Nam .................. 72 3.3. Quan điểm, giải pháp liên quan đến quyền an tử ở Việt Nam...... 75 3.3.1. Sự cần thiết hợp pháp hóa quyền an tử ở Việt Nam ........................... 75 3.3.2. Đề xuất một số quy định cơ bản khi hợp pháp hóa quyền an tử......... 76 3.3.3. Một số kiến nghị về quá trình xây dựng và thực hiện quy định quyền an tử tại Việt Nam..................................................................... 86 KẾT LUẬN .................................................................................................... 92 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................... 94
  5. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT ESA Hiệp hội An tử Hoa Kỳ (Euthanasia Society of America) ICCPR Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (International Covenent on Civil and Political Rights) NSLE Hiệp hội quốc gia về Hợp pháp hóa An tử của Hoa Kỳ (National Society for the Legalization of Euthanasia) NVVE Hiệp hội An tử tự nguyện Hà Lan (Dutch Voluntary Euthanasia Society) PVS Tình trạng thực vật kéo dài (Persistent Vegetative State) SRD Hiệp hội Quyền An tử Hoa Kỳ (Society for the Right to Die) UDHR Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights) UN Liên hợp quốc (The United Nations) UNCHR Ủy ban quyền con người Liên hợp quốc (The United Nations Commission on Human Rights) VELS Hiệp hội Công nhận An tử tự nguyện (Voluntary Euthanasia Legislation Society)
  6. DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ Số hiệu hình Tên hình Trang Hình 1.1: Các trường hợp hưởng thụ quyền an tử tại Hà Lan, 2006 – 2014 25 Hình 1.2: Các trường hợp hưởng thụ quyền an tử tại Bỉ, 2002 – 2012 26 Hình 1.3: Các trường hợp thực hiện trợ tử theo Luật Cái chết nhân phẩm tại bang Oregon, Hoa Kỳ, 1998 – 2011 26 Hình 2.1: Bản đồ quốc gia/ vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa an tử hoặc trợ tử 44
  7. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong khi các quyền con người cơ bản như quyền sống, quyền tự do và bình đẳng… từ lâu đã được công nhận và trở thành mục tiêu tôn trọng, bảo vệ, thực thi của nhiều quốc gia trên thế giới thì vào đầu thế kỉ XIX, sự thay đổi lớn trong nhận thức và tư duy khoa học đã dẫn đến việc hình thành nhóm quyền mới, trong đó có quyền an tử. Khoảng một phần tư thế kỷ trở lại đây, vấn đề quyền an tử xuất hiện với tần suất ngày càng lớn trên các diễn đàn quốc tế và ngay lập tức trở thành một trong những đề tài nhận được nhiều quan tâm cũng như bắt nguồn cho nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam quyền an tử vẫn là một khái niệm mới, còn khá xa lạ và dễ bị nhầm tưởng với một số hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội. Mặt khác, nguồn tài liệu khan hiếm và nếu có, cũng chưa được toàn diện, sâu sắc dẫn đến nhiều e ngại khi tiếp cận vấn đề. Trong khi, ở bình diện khoa học pháp lý, việc nghiên cứu về quyền an tử mang tính cấp thiết, góp phần quan trọng vào hoạt động xây dựng nhà nước pháp quyền với một hệ thống quyền dân sự, quyền nhân thân đầy đủ, hoàn thiện. Và trên thực tế ở Việt Nam không phải không có những người có nguyện vọng này, thậm chí số lượng ngày càng tăng. Xuất phát từ thực trạng trên, tác giả quyết định chọn vấn đề Quyền an tử - Những vấn đề lý luận và thực tiễn làm đề tài luận văn, mong có thể góp một phần vào việc làm rõ bản chất cũng như hoàn thiện khung pháp luật, chính sách về vấn đề này. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Quyền an tử là một đề tài còn rất mới mẻ trong các nghiên cứu khoa học pháp lý. Hiện nay, ở Việt Nam, chỉ có khóa luận tốt nghiệp Quyền an tử: 1
  8. Một số vấn đề lý luận, thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Lân thực hiện năm 2014 là trực tiếp đề cập đến vấn đề này, tuy nhiên công trình chưa phân tích được hết các khía cạnh của quyền cũng như đánh giá được tình hình công nhận, thực hiện quyền trên phạm vi khu vực và quốc tế. Ngoài ra, liên quan tới vấn đề quyền được chết có bài viết Bước đầu tìm hiểu vấn đề quyền được chết trong bối cảnh hiện nay của tác giả Trương Hồng Quang trong cuốn Những vấn đề lý luận và thực tiễn về các quyền mới xuất hiện trong quá trình phát triển xuất bản năm 2012. Công trình này đã cung cấp một lượng tri thức, thông tin khá lớn về quyền an tử nhưng chưa có sự phân tích một cách toàn diện về phạm vi quyền an tử, sự khác biệt giữa an tử và trợ tử, những ý kiến trái chiều dựa trên quan điểm chính trị, tôn giáo về vấn đề quyền an tử… 3. Mục đích, phạm vi nghiên cứu Mục đích của luận văn là đưa ra được một cái nhìn toàn diện, có tính hệ thống và khoa học về các vấn đề pháp lý, xã hội liên quan đến quyền an tử trên thế giới và ở Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất những quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành về vấn đề này ở nước ta trong thời gian tới. Quyền an tử có nội dung rất rộng và phức tạp, liên quan đến nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau. Trong phạm vi một luận văn thạc sĩ, đề tài này chủ yếu đề cập và phân tích các khía cạnh pháp lý và xã hội cơ bản, mà không đi sâu nghiên cứu các khía cạnh tâm lý học hay y tế… của vấn đề. 4. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lí luận dùng để nghiên cứu đề tài này là các quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin. Các phương pháp cụ thể được sử dụng để giải quyết những vấn đề đặt ra trong khóa luận này là: tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh. 2
  9. 5. Kết quả nghiên cứu và ý nghĩa của luận văn Luận văn là công trình chuyên khảo toàn diện và có hệ thống về những vấn đề pháp lý, thực tiễn về quyền an tử ở trên thế giới và ở Việt Nam. Luận văn kế thừa, phát triển những ý kiến trao đổi, thảo luận hiện có về vấn đề này, đồng thời bổ sung một số thông tin và phân tích mới góp phần làm sáng tỏ hơn thực trạng và xu hướng liên quan đến quyền an tử trên thế giới và ở Việt Nam. Luận văn cũng nêu những đề xuất cụ thể về sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan đến quyền an tử ở nước ta trong thời gian tới. Với kết quả nêu trên, luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các cơ quan nhà nước trong xây dựng, sửa đổi và thực thi các văn bản pháp luật về vấn đề an tử. Thêm vào đó, luận văn cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy môn luật nhân quyền và các môn học khác có liên quan ở Khoa Luật ĐHQG Hà Nội và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác. 6. Kết cấu của luận văn Luận văn bao gồm các Phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và 3 chương như sau: Chương 1: Cơ sở lý luận, thực tiễn của quyền an tử Chương 2: Pháp luật và thực tiễn về quyền an tử trên thế giới Chương 3: Pháp luật, thực tiễn và những vấn đề đặt ra về quyền an tử ở Việt Nam. 3
  10. Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN CỦA QUYỀN AN TỬ 1.1. Một số khái niệm cơ bản 1.1.1. An tử và trợ tử Thuật ngữ an tử hay cái chết êm ả (euthanasia) có nguồn gốc từ khái niệm euthanatos trong tiếng Hy Lạp, xuất hiện rất sớm trong lịch sử, khoảng thế kỉ thứ 5 trước Công nguyên. Hiện nay chưa có một định nghĩa toàn cầu chính thức cho khái niệm này, nhưng nhìn chung những người ủng hộ an tử và quyền an tử coi an tử là “Hành vi được biểu hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động, mà bản thân việc này hoặc việc này có mục đích là giúp đỡ những cá nhân đang phải chịu đựng bệnh tật không có khả năng cứu chữa được chết có nhân phẩm, dễ dàng và nhẹ nhàng hơn” [21]. Trong đó, hành động hoặc không hành động có thể được hiểu lần lượt là việc trợ giúp giải thoát một người khỏi bệnh tật bằng phương pháp như tiêm thuốc gây tử vong hoặc cho phép người đó được chết bằng cách rút bỏ các điều trị y tế thông thường và cần thiết. Tuy nhiên phải chú ý rằng hành vi không hành động chỉ được chấp nhận nếu việc can thiệp y khoa là vô ích và gây gánh nặng quá mức cho bệnh nhân. Việc không cung cấp các phương pháp trợ sinh trong trường hợp vẫn cải thiện được tình hình bệnh nhân, có thể bị coi là hành vi giết người. Qua thời gian, nội hàm của khái niệm an tử có nhiều thay đổi. Trước đây an tử thường chỉ được dùng cho các trường hợp cá nhân đang phải chịu đựng khổ sở do bệnh tật với mục đích giúp họ thoát khỏi đau đớn. Nhưng ngày nay bệnh nhân được thực hiện cái chết êm ả với những lý do khác như mục đích sống không còn đạt được, không có khả năng chi trả phí điều trị hay giảm gánh nặng chăm sóc. Nhiều ý kiến phản đối, coi việc liên quan đến kinh 4
  11. tế là không thể chấp nhận, nhưng thực tế đã chứng minh lý do này chiếm tỷ lệ khá lớn trong các trường hợp mong muốn thực hiện an tử. Nỗi sợ hãi trở thành gánh nặng tài chính cho thân nhân và gia đình là mối bận tâm lớn thứ hai của những bệnh nhân không có khả năng chữa trị. Theo một cuộc điều tra tại Oregon, Mỹ, nơi trợ tử đã được công nhận hợp pháp, 66% bệnh nhân mong muốn thực hiện cái chết êm ả vì lý do này. An tử có thể được phân biệt dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó phổ biến nhất dựa trên tính chất của sự tự nguyện và biện pháp thực hiện - Dựa trên tính chất tự nguyện, an tử được chia thành an tử tự nguyện (voluntary euthanasia ), an tử phi tự nguyện (non-voluntary euthanasia ) và an tử trái nguyện vọng (involuntary euthanasia). Trong đó, an tử tự nguyện là việc bệnh nhân đưa ra quyết định chấm dứt cuộc sống trong điều kiện tỉnh táo và nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ. An tử phi tự nguyện là trường hợp bệnh nhân không có khả năng bày tỏ sự chấp thuận của họ (vì lý do hôn mê, tổn thương não,…) và một người khác thay mặt người bệnh quyết định với điều kiện tiên quyết là người bệnh này trước đó đã thể hiện mong muốn kết thúc cuộc sống nếu lâm vào tình trạng này. An tử trái nguyện vọng còn được gọi là an tử ép buộc hoặc an tử không tự nguyện, là khi người bệnh hoàn toàn từ chối hoặc không hề bày tỏ mong muốn được giải thoát dưới bất kì hình thức nào nhưng việc này vẫn được thực hiện đi ngược lại ý chí của họ. An tử trái nguyện vọng, trong mọi trường hợp, đều bị coi là hành vi giết người. Việc sử dụng các thuật ngữ trên có sự khác biệt ở nhiều quốc gia. Hiện nay Hà Lan, một trong số những nước đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa quyền an tử và ban hành pháp luật về an tử chỉ còn dùng duy nhất khái niệm an tử, nhưng trong đó bao gồm cả an tử tự nguyện và an tử phi tự nguyện dưới hình thức người bệnh chỉ định người đại diện cho mình trong trường hợp lâm vào trạng thái mất ý thức và quyền định đoạt sẽ thuộc về người đại diện. 5
  12. - Dựa trên tiêu chí phương pháp thực hiện, an tử được chia thành an tử chủ động (active euthanasia) và an tử bị động (passive euthanasia) tương ứng với hai loại hành vi hành động và không hành động kể trên. Theo đó, an tử chủ động là trường hợp cố tình can thiệp để chấm dứt cuộc sống của bệnh nhân. Hành vi này không phụ thuộc vào bất cứ yếu tố nào khác ngoại trừ sự vận hành bình thường của các cơ quan trong cơ thể (như việc lưu thông máu sẽ đưa chất độc đi khắp cơ thể). Đây có thể coi là cách thức có hiệu quả trong mọi trường hợp, dù tình trạng của bệnh nhân như thế nào. Trong khi đó an tử bị động là thu hồi các biện pháp chữa trị, hay nói cách khác là để bệnh nhân chết đi. Vì vậy an tử bị động còn được coi là biện pháp tự nhiên và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là tình trạng bệnh nhân và tính chất của các phương pháp điều trị y học. An tử chủ động đem đến sự giải thoát nhanh hơn và dễ dàng hơn cho người bệnh. Tuy nhiên, trước đây mọi hành vi an tử chủ động đều là bất hợp pháp. Hiện nay một số hệ thống luật pháp đã không còn phân biệt rạch ròi giữa hai phương pháp này. Thực tế ở nhiều nơi, thuật ngữ an tử và trợ tử được sử dụng song song và thay thế lẫn nhau. Tuy nhiên, giữa hai khái niệm này cũng có sự khác biệt. Nếu như an tử là việc biết, trực tiếp hành động một cách có chủ đích đem đến cái chết nhẹ nhàng cho một cá nhân thì trợ tử được định nghĩa là việc biết, hành động trực tiếp một cách có chủ đích cung cấp phương tiện để cá nhân thực hiện việc tự tử. Như vậy có thể thấy điểm phân biệt lớn nhất giữa an tử và trợ tử là chủ thể nắm giữ vai trò chủ đạo trong quá trình, hay chủ thể thực hiện toàn bộ hành vi hoặc thực hiện hành vi cuối cùng. Ví dụ việc bác sĩ tiêm thuốc nhằm giải thoát cho bệnh nhân là an tử nhưng nếu bác sĩ kê đơn, cung cấp thuốc cho bệnh nhân tự uống hoặc đưa kim tiêm vào tĩnh mạch bệnh nhân nhưng để bệnh nhân tự vận hành quá trình đưa thuốc vào cơ thể (tự đẩy xi lanh hoặc bấm nút) thì lại là trợ tử. Có sự khác biệt như vậy, nhưng nếu xét 6
  13. cho cùng thì trợ tử là hình thức sơ khai của an tử, trong đó vai trò của bác sĩ chưa được mở rộng. Ở hầu hết các nước đã thông qua luật an tử, hành vi trợ tử cũng hợp pháp và thường được dùng chung với nhau. Theo một báo cáo năm 2010 tại Hà Lan tỷ lệ an tử chủ động là 2,8% trong khi trợ tử là 0,1% trên tổng số người chết. Con số tại Bỉ năm 2007 lần lượt là 1,9% và 0,07%.. Tuy nhiên chiều ngược lại không đúng. Ở những vùng lãnh thổ mới chỉ hợp pháp hóa hành vi trợ tử, an tử có thể bị coi là hành vi vượt quá thẩm quyền và dẫn tới khả năng phải chịu trách nhiệm pháp lý hoặc trách nhiệm nghề nghiệp cho người thực hiện. Đồng thời, cũng phải phân biệt hành vi an tử với hành vi cho phép từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang ở giai đoạn cuối hay hành vi cho phép người bệnh hấp hối về nhà. Nếu hành vi an tử trực tiếp dẫn đến việc chấm dứt sự sống của người bệnh thì các hành vi sau chỉ mang tính chất gián tiếp, tuy cùng vì mục đích nhân đạo nhưng không có sự chủ động chấm dứt cuộc sống của bác sĩ mà thay vào đó, bác sĩ chỉ chấp thuận theo nguyện vọng ngừng điều trị của người bệnh. Và sự khác biệt lớn nhất là nếu an tử nhằm chấm dứt những đau khổ kéo dài của người bệnh, thì việc cho phép từ chối điều trị và về nhà trên, theo lời PGS.TS Trương Văn Việt, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thì “không phải để cho bệnh nhân chết mà là vì quan hệ tình cảm giữa người sắp chết với người thân: gặp người thân lần cuối, có chết thì chết ở nhà, vấn đề tín ngưỡng, tập quán” [12]. 1.1.2. Quyền an tử Xuất phát từ khái niệm an tử, quyền an tử có thể được định nghĩa là quyền nhân thân và là đặc quyền của những cá nhân rơi vào trạng thái bệnh lý không có khả năng chữa trị, được quyết định kết thúc cuộc sống của mình với sự hỗ trợ của chủ thể có thẩm quyền và tuân theo các quy định chặt chẽ của pháp luật. 7
  14. Định nghĩa về quyền an tử có thể khác nhau tùy thuộc vào quan niệm của các nhà làm luật mỗi quốc gia nhưng nhìn chung tất cả đều loại bỏ hành vi an tử trái nguyện vọng ra khỏi nội hàm của khái niệm này. Có quốc gia chấp nhận an tử chủ động, có quốc gia không, dẫn đến việc thu hẹp phạm vi khái niệm quyền an tử chỉ được thực hiện dưới hình thức bị động. Điều tương tự cũng xảy ra với việc có nên đặt ra giới hạn về độ tuổi với chủ thể hưởng thụ quyền, cụ thể có nên cho phép trẻ vị thành niên có quyền an tử hay không. Hiện nay tồn tại nhiều thuật ngữ có ý nghĩa tương tự quyền an tử như quyền được chết (right to die) hay quyền được chết có nhân phẩm (right to die with dignity). Theo ý kiến của người viết, nên dùng khái niệm quyền an tử để biểu thị rõ mục đích tốt đẹp cũng như bản chất nhân đạo và ý nghĩa nhân văn của quyền. 1.2. Cơ sở hình thành quyền an tử 1.2.1. Nguyên tắc hình thành quyền an tử Quyền an tử dựa trên nguyên tắc tự do ý chí, nguyên tắc hành thiện và sự kết hợp giữa hai nguyên tắc này. - Nguyên tắc tự do ý chí (The Principle of Autonomy): Autonomy được cấu thành từ hai từ Hy Lạp cổ là autos (tự thân) và nomos (luật). Vì vậy, về mặt ngữ nghĩa, autonomy nghĩa là một người thụ hưởng quyết định của chính mình. Theo Leenen, H.J.J, tác giả cuốn sách đầy ảnh hưởng Handbook of Health Law, nguyên tắc tự do ý chí dựa trên bản chất tự nhiên của con người, “Căn cứ hình thành quyền tự quyết của con người là nguyên tắc một con người tự do, tự chủ có nhân phẩm cố hữu và xứng đáng được tôn trọng một cách vô điều kiện, có quyền sắp đặt cuộc sống của mình” [34, tr.169]. Nguyên tắc này cũng là cơ sở cho nhiều quyền con người khác, như quyền tự do tôn giáo, quyền riêng tư, quyền tự do và bất khả xâm phạm về thân thể… Tuy nhiên, nguyên tắc này không có nghĩa mọi sự tự quyết đều được chấp nhận, 8
  15. bởi tự do ý chí không loại trừ nghĩa vụ tôn trong các nguyên tắc, mối quan hệ khác trong xã hội, như quyền sống của chủ thể khác hay giá trị cộng đồng. Đặt trong mối quan hệ với khái niệm an tử, tự do ý chí nghĩa là một chủ thể nên được tự do trong việc định hình các yếu tố quyết định sự sống của mình và lựa chọn cách sống lý tưởng mà mình muốn sống. Việc chính quyền hay bác sĩ tiếp tục duy trì cuộc sống của người bệnh trái với mong muốn của họ đã khiến cuộc sống của họ mất tự do và bản thân họ mất quyền tự chủ, dẫn đến sự thiếu tôn trọng và bắt họ làm trái với lương tâm của họ. Sự phát triển của khoa học kĩ thuật đã tăng cường khả năng của bác sĩ. Những người hành nghề y có thể kéo dài sự sống cho những bệnh nhân trước đây chắc chắn sẽ tử vong, nhưng nhiều trường hợp là trong đau đớn hoặc chịu đựng kéo dài. Điều này, theo J.H.Van den Berg, một bác sĩ tâm thần người Hà Lan, làm dấy lên vấn đề về y đức. Theo lời thề Hippocrates, bác sĩ được đào tạo để cứu chữa, duy trì sự sống và đưa ra quyết định có lợi cho người bệnh. Rút ngắn hoặc chủ động chấm dứt sự sống dưới bất kì hình thức nào là vô nhân đạo. Việc kết hợp giữa công nghệ mới và quan điểm y đức cũ dẫn đến hậu quả là người bệnh được kéo dài sự sống trong tình trạng vô nhân đạo. Van den Berg cho rằng y đức mới phải nhận thức được việc chất lượng cuộc sống quan trọng hơn độ dài. Quan điểm này sẽ đem đến cho người bệnh tiếng nói trong các quyết định quan trọng, bởi chính họ chứ không phải các bác sĩ có khả năng quyết định về chất lượng cuộc sống của mình. Và như vậy, việc chủ động chấm dứt sự sống không còn là điều cấm kỵ trong y học. Tuy nhiên, tự do ý chí trong an tử nên được nhìn nhận cẩn trọng. Tự do ý chí của người bệnh không nên là quyền tự quyết loại trừ mọi ảnh hưởng bên ngoài, hay là sự tự do ý chí tiêu cực. Tự do ý chí trong an tử là sự tự do ý chí tích cực, hay nói cách khác, người bệnh phải hành động một cách có trách nhiệm, quyết định trên cơ sở có xem xét đến những yếu tố khác. Luật pháp 9
  16. nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ quy định bệnh nhân muốn thực hiện quyền an tử phải đưa ra yêu cầu nhiều lần và cân nhắc kĩ càng. Mặc dù tiêu chí xem xét không được quy định cụ thể nhưng rõ ràng người bệnh phải cân nhắc đến những hậu quả khi đưa ra quyết định. Quyết định của người bệnh phải được thảo luận với bác sĩ, và việc thảo luận này không chỉ dừng ở việc khẳng định rằng người bệnh có thực sự mong muốn hưởng thụ quyền an tử, mà còn liên quan đến vấn đề thế nào là không thể chịu đựng. Bác sĩ sẽ không đơn giản công nhận mọi tuyên bố không thể chịu đựng xuất phát từ bệnh nhân. Họ có nghĩa vụ phải xem xét tuyên bố này trong từng hoàn cảnh, từng trường hợp cụ thể và trên tình hình tổng thể của người bệnh. Và những bằng chứng đưa ra phải cho thấy rằng những khó khăn của người bệnh là không có triển vọng cải thiện và xác thực là khó có thể chịu đựng. - Nguyên tắc hành thiện (The Principle of Beneficence): Nguyên tắc này yêu cầu một chủ thể phải hành động để thúc đẩy các quyền và lợi ích của người khác, ngăn chặn những điều có hại cho họ. Trước đây, theo quan niệm cũ, nguyên tắc này đồng nghĩa với việc bác sĩ phải làm mọi cách để ngăn chặn cái chết. Nhưng cách giải thích này đã thay đổi trong thời gian gần đây. Sự phát triển của khoa học – y học bắt đầu từ những năm 60 của thế kỉ trước đã giúp ngày càng nhiều người nhận thức được rằng điều trị y khoa không phải lúc nào cũng mang đến lợi ích cho bệnh nhân. Lúc này, làm mọi điều để giữ sự sống của người bệnh chỉ thể hiện một sự “chuyên chế về mặt kỹ thuật”[34,tr.173], dẫn dến việc không phải lợi ích của người bệnh mà chính khả năng khoa học – y học mới là thứ quyết định liệu pháp điều trị của họ. Khi khoa học kỹ thuật đem đến đau khổ cho người bệnh, liệu pháp điều trị kéo dài sự sống sẽ ngày càng mâu thuẫn với nguyên tắc hành thiện. Vì vậy, ngày nay nguyên tắc này áp đặt một nghĩa vụ giảm nhẹ đau đớn và chấm dứt đau khổ cho người bệnh lên bác sĩ. 10
  17. Điểm quan trọng nhất của nguyên tắc hành hiện là việc bác sĩ phải cân nhắc điều gì có lợi nhất cho bệnh nhân của mình. Không phải quan điểm của bệnh nhân, mà quan điểm của bác sĩ về tình trạng của bệnh nhân mới là yếu tố chi phối. Nếu quan điểm của bác sĩ và bệnh nhân mâu thuẫn với nhau, quan điểm của bác sĩ sẽ được coi trọng. Như đã đề cập ở trên, bác sĩ phải bị thuyết phục rằng an tử là con đường duy nhất. Điều này không có nghĩa bệnh nhân có ít tiếng nói trong cả quá trình, mà nhấn mạnh vào trách nhiệm của bác sĩ, rằng họ mới là người có vai trò quan trọng nhất trong việc an tử. An tử chỉ được chấp nhận khi bác sĩ tin rằng người bệnh không thể tiếp tục chịu đựng. - Kết hợp nguyên tắc tự do ý chí và nguyên tắc hành thiện: Trong khi nguyên tắc tự do ý chí đề cao vai trò của bệnh nhân thì nguyên tắc hành thiện nhấn mạnh mối quan trọng của bác sĩ. Vậy việc cùng một lúc dựa trên hai nguyên tắc này có mâu thuẫn? Thực tế chứng minh, hai nguyên tắc này không xung đột với nhau mà bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau làm nền tảng cho quyền an tử, và tạo nên một mối quan hệ hình mẫu trong y học nói chung và vấn đề an tử nói riêng, mối quan hệ hợp tác thảo luận giữa bệnh nhân và bác sĩ. Trong đó, bệnh nhân đóng vai trò quyết định và bác sĩ giữ vai trò chủ động. Bệnh nhân mong muốn có thể dựa vào bác sĩ trong những giai đoạn khó khăn, họ hy vọng rằng bác sĩ sẽ không để họ chết khổ sở. Còn bác sĩ mong muốn có thể đáp ứng mong muốn của người bệnh, làm giảm bớt những đau đớn của họ đồng thời giữ được y đức của chính mình. Có thể thấy yếu tố trọng tâm trong mối quan hệ này là lòng tin. Lòng tin không chỉ có nghĩa rằng người bệnh có thể chắc rằng bác sĩ của họ không lạm dụng chức quyền, mà hơn thế, họ có thể chắc rằng họ sẽ không đơn độc trong trường hợp không lối thoát. Ngược lại, bác sĩ cũng phải có lòng tin rằng người bệnh đi đến quyết định an tử, dựa trên tình trạng không thể thuyên giảm của họ, mà không vì bất cứ mục đích nào khác. 11
  18. 1.2.2. Lịch sử hình thành và quá trình phát triển của quyền an tử An tử và quyền an tử có lịch sử phát triển lâu dài và dần được định hình một cách chính thống và rõ nét qua thời gian. - Về mặt lập pháp, từ thế kỉ V đến thế kỉ I trước công nguyên, người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã có tư tưởng an tử, tuy nhiên chưa hình thành nên khái niệm này. Ở nơi đây, trước khi có sự xuất hiện của đạo Thiên Chúa, con người có thái độ khoan dung đối với an tử tích cực và tự tử. Nhiều người không có niềm tin vững chắc vào giá trị vốn có của đời sống nhân loại, vì vậy bác sĩ ngoại đạo có thể thường xuyên tiến hành phá thai, an tử theo cả hai hình thức tự nguyện và phi tự nguyện. Mặc dù lời thề Hippocrates cấm bác sĩ đưa “thuốc gây chết người cho bất cứ ai dù họ yêu cầu” [30] hay gợi ý hành động tương tự, gần như không có người hành y nào ở Hy Lạp và La Mã cổ đại tuân thủ chặt chẽ lời thề này. Đến tận thế kỉ I sau công nguyên, cụ thể năm 121 thuật ngữ an tử mới xuất hiện lần đầu tiên trong tác phẩm De Vita Caesarum – Divus Augustus (Cuộc đời các Ceasar – Con thần Augustus) của sử gia Gaius Suetonius Tranquillus. Trong đoạn miêu tả về cái chết của Augustus Ceasar, ông đã viết: Trong lúc ngài hỏi một số người mới đến từ thành thị về con gái của Drusus, cô gái đang ốm, ngài đột ngột qua đời khi hôn Livia, thốt ra những lời cuối cùng: “Hãy luôn nhớ đến cuộc hôn nhân của chúng ta, Livia, và vĩnh biệt,” rồi may mắn có được một cái chết dễ dàng và đúng như cách mà ngài hằng mong muốn. Thường thì, mỗi khi nghe rằng ai đó chết nhanh chóng và không đau đớn, ngài lại cầu rằng ngài và thân thể ngài sẽ có được một cái chết êm ả tương tự, đó là khái niệm ngài quen dùng [28, tr.185]. Từ thế kỉ XII đến XV, sự lớn mạnh của đạo Thiên Chúa và đức tin cuộc sống con người là quà tặng từ Chúa đã tái củng cố quan điểm phản đối an tử 12
  19. của Hippocrates. Trong ba thế kỉ này, sự nhất trí trong các quan điểm y học phản đối an tử đạt đến đỉnh điểm. Đến thế kỉ XVII, hệ thống Thông luật với những quy định trừng phạt hoặc không chấp nhận tự tử và an tử đã không chỉ phủ khắp các quốc gia là cái nôi của hệ thống này, mà còn vươn tới các thuộc địa. Có thể kể đến việc các nhà làm luật của Providence Plantations, vùng lãnh thổ sau này trở thành Rhode Island, đã tuyên bố vào năm 1647, rằng Tự tử tuyệt đối là hành vi trái tự nhiên nhất, và hội đồng lập pháp nay tuyên, rằng, người nào thực hiện hành vi này, tự tử chỉ vì chủ tâm ghét bỏ chính cuộc sống của mình hay niềm hạnh phúc của người khác... thì đồ đạc và tài sản của họ sẽ do nhà vua định đoạt [44]. Tuy nhiên không thể phủ định một số động thái tích cực ủng hộ an tử trong suốt thời kì này. Thomas More (1478-1535) thường được nhắc đến với tư cách là người Thiên chúa giáo đầu tiên có những đề cập nổi bật đến an tử trong tác phẩm Utopia của ông, trong đó những linh mục theo chủ nghĩa không tưởng đã khuyến khích an tử khi người bệnh không thể cứu chữa và phải chịu đau đớn (nhưng chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của bệnh nhân). “Nếu một căn bệnh không chỉ đem lại đau đớn mà còn khổ sở không dứt, thì các linh mục và chính quyền nên ủng hộ người này…tự giải thoát khỏi cuộc sống đắng cay… hoặc cho phép người khác giải thoát giúp họ"[44]. Vấn đề duy nhất khi sử dụng những lời này là việc Thomas More, một con chiên mộ đạo, dùng Utopia như một công cụ chế giễu nhạo báng. Nhà triết học người Anh, Francis Bacon (1561-1621), là người đầu tiên thảo luận về việc kéo dài sự sống là một nhiệm vụ y khoa mới, gồm ba nhiệm vụ: duy trì sức khỏe, chữa trị bệnh tật và kéo dài sự sống. Bacon cũng khẳng định rằng, “Họ phải trau dồi các kĩ năng và sự tập trung chú ý mà nhờ đó những người đang chết có thể thoát khỏi cuộc sống một cách dễ dàng và lặng lẽ hơn” [44]. Như 13
  20. vậy Bacon chỉ đề cập đến khía cạnh bên ngoài của an tử, hay cái chết êm ái cho cơ thể, không có sự chuẩn bị về mặt tinh thần. Có vẻ như ông không cất tiếng nói cho an tử, mà đang ủng hộ một khái niệm khác được cho là tốt đẹp hơn, đó là chăm sóc giảm nhẹ. Còn ở các nước châu Âu, nhất là các nước chủ yếu theo đạo Thiên Chúa, bàn luận về vấn đề an tử thậm chí còn là điều cấm kị cho đến thời kỳ Khai sáng thế kỉ XVIII. Nhiều nhà văn đã tấn công vào các nhà thờ để truyền bá về mọi khía cạnh đời sống, bao gồm cả an tử và tự tử. Mặc dù vậy, vấn đề này không được quan tâm nhiều và rộng khắp. Và nó đã chứng minh sự nhất thời của mình, khi dưới sự lãnh đạo của các nhà truyền giáo, một cuộc phản công mang tính chất tôn giáo đã diễn ra vào cuối thế kỉ XVIII. Làn sóng phục hưng tôn giáo, bắt đầu với cuộc Đại thức tỉnh vào khoảng giữa những năm 1700, đã ngăn cản những người theo chủ nghĩa thế tục và thuyết bất khả tri ở cả hai bờ Đại Tây Dương dấy lên phong trào ủng hộ an tử. Và đến cuộc Đại thức tỉnh lần hai vào những năm đầu của thế kỉ 19, những nhà truyền giáo tích cực đã tăng cường lên án mạnh mẽ tự tử và an tử. Điểm sáng duy nhất cho an tử trong thời kì này là vào cuối thế kỉ XVIII, ngày 1/6/1794, một đạo luật đã được ban hành tại Vương quốc Phổ, trong đó giảm nhẹ hình phạt cho những người thực hiện việc giải thoát cho bệnh nhân mắc bệnh không thể cứu chữa. Sau đó không lâu, năm 1828, một văn bản pháp luật được ban hành tại New York trong đó quy định rõ ràng an tử là hành vi trái pháp luật. Nhiều bang và vùng lãnh thổ khác đã noi theo tấm gương này. Vào khoảng giữa năm 1857 và 1865, một Ủy ban New York do Dudley Field đứng đầu đã soạn thảo dự luật hình sự trong đó nghiêm cấm việc trợ giúp tự tử, và đặc biệt, là hành vi “cung cấp cho người khác vũ khí chết người hoặc thuốc độc, khi biết rằng người đó có ý định sử dụng thuốc hoặc vũ khí này để kết thúc cuộc đời của chính mình” [44]. Tại thời điểm Hiến pháp sửa đổi lần thứ 14 được thông qua, 14
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2