Đề bài: Nghị luận về câu nói: Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật<br />
<br />
Dàn ý chi tiết<br />
<br />
1. Mở bài<br />
<br />
Dẫn dắt và trích dẫn câu nói cần nghị luận, nêu vấn đề nghị luận: Giá trị của thơ<br />
<br />
2. Thân bài<br />
<br />
Giải thích ý nghĩa câu nói: Vai trò của cuộc đời với thơ ca, giá trị của thơ ca là cả nội <br />
dung và hình thức nghệ thuật<br />
<br />
Thơ trước hết là cuộc đời<br />
<br />
+ Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của văn chương là gắn bó sâu sắc với cuộc <br />
sống và vì cuộc sống giá trị nhân đạo<br />
<br />
+ Thơ được kết tinh bởi những rung động và tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ với thế giới <br />
xung quanh nên chất liệu thơ chính là những chất liệu từ cuộc sống. Đó có thể là những <br />
sự vật hoặc từ chính cuộc đời nhà thơ<br />
<br />
+ Lấy dẫn chứng phân tích: Sang thu, Tây Tiến... phân tích chất liệu cuộc đời được sử <br />
dụng để sáng tạo bài thơ<br />
<br />
+ Đánh giá lại giá trị của thơ<br />
<br />
Thơ là nghệ thuật<br />
<br />
+ Nếu cuộc đời bước vào trong thơ mà không được trau chuốt sẽ thô sơ và không có tính <br />
nghệ thuật<br />
<br />
+ Tất cả chất liệu cuộc sống được phát hiện và chọn lựa đều phải được mài giũa mới trở <br />
thành hình ảnh thơ<br />
<br />
+ Nhà thơ thường sử dụng các biện pháp nghệ thuật để đưa cuộc sống bình thường vào <br />
những bài thơ dạt dào cảm xúc<br />
<br />
+ Dẫn chứng: thơ Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Huy Cận...<br />
<br />
Đánh giá<br />
<br />
3. Kết bài: Khẳng định lại ý nghĩa câu nói và rút ra bài học tiếp nhận văn học<br />
<br />
Bài làm<br />
<br />
Giống như nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, văn chương cũng có sứ mệnh của riêng <br />
mình. Đánh giá về sứ mệnh văn chương chân chính, nhà thơ Tố Hữu từng khẳng định <br />
"Văn chương sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có". Truyện hay thơ cũng như <br />
vậy, sứ mệnh của nó là nghệ thuật vị nhân sinh. Chính vì thế, nhà phê bình văn học Nga <br />
Bêlinxki đã viết "Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật".<br />
<br />
Câu nói của Bêlinxki có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Thơ là những tác phẩm văn học được <br />
cấu trúc bởi thanh điệu, vần, các hình ảnh, cảm xúc của người sáng tác... Cuộc đời là tất <br />
cả những gì chân thật nhất xảy ra đối với chúng ta mỗi ngày, bao gồm cả vật chất và tinh <br />
thần. Còn nghệ thuật thường dùng để miêu tả cái đẹp, đẹp hình thức và cả tâm hồn. Nói <br />
"Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật", Bêlinxki muốn khẳng định vai trò <br />
của cuộc đời với thơ ca nói riêng, với văn chương nói chung. Từ đó, khẳng định giá trị <br />
chân chính của thơ ca "nghệ thuật vị nhân sinh" rồi mới "vị nghệ thuật". Thơ trước hết <br />
phải vì con người, vì cuộc đời, vì hiện thực rồi mới là nghệ thuật.<br />
<br />
Đó là ý kiến đúng đắn khi đánh giá về thơ. Vì sao lại nói như thế? Bởi lẽ thơ là thể loại <br />
đặc trưng của văn học, mà một trong những đặc điểm nổi bật nhất của văn học là gắn bó <br />
sâu sắc với cuộc sống, với cuộc đời và vì cuộc đời. Từ những chất liệu cấu thành tác <br />
phẩm đến nội dung tư tưởng gửi gắm trong tác phẩm đều khởi nguồn từ hiện thực cuộc <br />
sống, truyền tải bằng con đường tiếp nhận từ tác giả đến độc giả và quay trở lại với <br />
cuộc đời, góp phần kiến tạo những giá trị cuộc đời.<br />
<br />
Thơ ca thường được nhớ đến với cảm xúc, tình cảm được kết tinh bởi những rung động <br />
của người sáng tác. Nhưng, những rung động đó khởi nguồn từ đâu? Câu trả lời là cuộc <br />
đời. Nhà thơ hòa mình với cuộc sống, họ đứng giữa muôn dòng chảy cuộc đời và khám <br />
phá bằng đôi mắt tinh tế của mình, cảm nhận bằng tâm hồn nhạy cảm trước mọi biến <br />
động. Họ vốn là những người dễ rung cảm, trăn trở và suy tư về cuộc đời, cảm nhận <br />
cuộc đời bằng tất cả giác quan. Những chất liệu bình thường của cuộc sống xuyên qua <br />
lăng kính tâm hồn nhà thơ, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác. Đó có thể chỉ là một sự <br />
vật nhỏ bé như chiếc lá, nhành hoa, cũng có thể là khoảnh khắc giao mùa trong năm. Nhà <br />
thơ thả hồn mình giữa những bước đi của thời gian, tinh tế phát hiện ra vẻ đẹp thi vị của <br />
chúng:<br />
<br />
"Bỗng nhận ra hương ổi<br />
<br />
Phả vào trong gió se<br />
<br />
Sương chùng chình qua ngõ<br />
<br />
Như người dưng qua đường"<br />
<br />
(Trích "Sang thu" Hữu Thỉnh)<br />
<br />
Chỉ là những đổi thay mờ nhạt của cảnh vật khoảnh khắc chớm thu, nhưng qua tâm hồn <br />
nhạy cảm của nhà thơ, những đổi thay ấy lại có thể khiến trái tim người động rung động.<br />
<br />
Cuộc đời trong thơ cũng có khi là những hoài niệm đã qua vẫn còn ảnh hưởng đến thực <br />
tại và góp phần xây đắp thực tại. Giống như nỗi nhớ của nhà thơ Quang Dũng trong bài <br />
thơ "Tây Tiến":<br />
<br />
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi<br />
<br />
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi<br />
<br />
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi<br />
<br />
Mường Lát hoa về trong đêm hơi"<br />
Những tháng năm chiến đấu gian khổ đã qua đi, nhưng bằng những vần thơ ấy, bằng tình <br />
cảm của nhà thơ, thế hệ bạn đọc mai sau đều phần nào cảm nhận được những gian lao <br />
và mất mát của lịch sử, biết ghi nhớ công ơn những người đã ngã xuống, biết trân trọng <br />
cuộc sống hôm nay. "Nghệ thuật vị nhân sinh" là ở đó, thơ ca vì cuộc đời là ở đó.<br />
<br />
"Văn học là nhân học" (M.Gorki), nâng niu những giá trị tốt đẹp ở đời bằng những tình <br />
cảm, cảm xúc chân thực nhất. Bởi lẽ, cuộc đời không chỉ là cuộc sống của những người <br />
xung quanh mà còn là chính cuộc đời tác giả. Họ đi qua những thăng trầm, vượt qua <br />
những biến động rồi sáng tác thành những bài thơ viết về chính thăng trầm cuộc đời <br />
mình. Ví dụ như Tố Hữu trong "Việt Bắc" với những lưu luyến chia xa và ân tình thủy <br />
chung với mảnh đất, con người mà mình đã gắn bó suốt một thời gian dài. Hay Nguyễn <br />
Khoa Điềm với bao yêu mến và tự hào về "Đất Nước của Nhân Dân" "Đất Nước của ca <br />
dao thần thoại" trong bài thơ Đất Nước. Giá trị đích thực của thơ suy cho cùng chính là <br />
những giá trị nhân văn cao quý đó.<br />
<br />
Thơ trước hết là cuộc đời, rồi, sau đó thơ là nghệ thuật. Nếu thơ chỉ là cuộc đời, nó sẽ <br />
mãi là những chất liệu thô sơ, bình thường, giống như viên ngọc chưa được mài giũa. Nhà <br />
thơ là những người nghệ sĩ góp nhặt, chọn lựa những chất liệu có giá trị bằng những rung <br />
cảm của tâm hồn mình rồi sử dụng tài năng để biến nó thành chất liệu nghệ thuật. Với <br />
những công cụ như biện pháp nghệ thuật, những hình ảnh biểu tượng, nhịp điệu..., nhà <br />
thơ sáng tạo nên những bài thơ có vần có nhịp và dạt dào cảm xúc. Thơ sẽ không được <br />
gọi là thơ nếu không có nhịp điệu, không có cảm xúc hay thanh vần. Một cành củi khô sẽ <br />
không bao giờ mang chất thơ nếu như Huy Cận không thổi hồn cho nó:<br />
<br />
"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,<br />
<br />
Con thuyền xuôi mái nước song song.<br />
<br />
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;<br />
<br />
Củi một cành khô lạc mấy dòng."<br />
<br />
(Trích "Tràng giang")<br />
Tố Hữu đã sử dụng thể thơ lục bát truyền thông, giọng điệu tâm tình để viết lên khúc <br />
tình ca "Việt Bắc". Nguyễn Khoa Điềm thì sử dụng thể thơ tự do, điệp từ điệp ngữ và <br />
chất liệu dân gian để làm sáng tạo lên Đất Nước của nền thơ ca dân tộc. Nghệ thuật bởi <br />
lẽ đó chính là cái đẹp của thi ca được nuôi dưỡng trên mảnh đất hiện thực.<br />
<br />
Câu nói của nhà phê bình văn học Nga Bêlinxki đã đem đến rất nhiều giá trị sâu sắc. Ông <br />
đã khẳng định giá trị chân chính của thơ ca và những yêu cầu của tác phẩm nghệ thuật <br />
thơ rằng "Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật". Từ đó dường như cũng <br />
muốn gửi lời nhắn đến những nhà thơ những người nghệ sĩ có sứ mệnh sáng tạo những <br />
tác phẩm nghệ thuật thơ ca. Để tạo ra một bài thơ có giá trị chân chính, không thể xa rời <br />
cuộc đời, cũng không thể bỏ qua những công đoạn mài giũa, sáng tạo. Vừa gắn bó với <br />
cuộc đời vừa thổi vào tác phẩm những giá trị nghệ thuật mới có thể tạo ra những bài thơ <br />
thực sự.<br />
<br />
Mỗi bài thơ đều là một kiệt tác nghệ thuật của một người nghệ sĩ chân chính. Nó không <br />
chỉ gửi gắm tấm lòng, truyền tải rung động mà còn ghi lại những dấu ấn riêng của người <br />
nghệ sĩ. Chính vì thế, khi tiếp nhận các tác phẩm văn học, độc giả cần có thái độ chân <br />
thành và trân trọng những viên ngọc quý đã được mài giũa bằng tài và tâm của một con <br />
người.<br />