intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng bền vững ở Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:10

17
lượt xem
7
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng bền vững ở Việt Nam" đề cập tới những tác động tích cực và hạn chế của FDI tới phát triển kinh tế theo hướng bền vững ở Việt Nam. Trong bài viết có bàn về khái niệm FDI “sạch”.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng bền vững ở Việt Nam

  1. NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI (FDI) VỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ THEO HƯỚNG BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM TS. Phạm Thị Nga1, ThS. Phạm Thị Thu Hường2 (1) Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên (2) Trường Đại học Hùng Vương Tóm tắt: Hiện nay, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài là bước đi hiệu quả nhất cho các nước đang phát triển, trong đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investmen - FDI) thường được các nước lựa chọn trong chiến lược phát triển kinh tế của mình. FDI giúp khắc phục tình trạng thiếu vốn mà không gây ra tình trạng nợ đối các nước nhận đầu tư. Đối với Việt Nam, FDI là một kênh quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước còn hạn chế như hiện nay. Tuy nhiên, không phải lúc nào nguồn vốn FDI cũng tạo ra những tác động tích cực tới phát triển kinh tế nhất là phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Chính vì vậy, thu hút FDI theo hướng chọn lọc, nâng cao chất lượng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chú trọng chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và tính bền vững. Bài viết đề cập tới những tác động tích cực và hạn chế của FDI tới phát triển kinh tế theo hướng bền vững ở Việt Nam. Trong bài viết có bàn về khái niệm FDI “sạch”. Từ khóa: nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tác động tích cực, tác động tiêu cực, phát triển kinh tế bền vững 1. Một số khái niệm cơ bản * Khái niệm FDI Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF, 1993), FDI được định nghĩa là:“một khoản đầu tư với những quan hệ, theo đó một tổ chức trong một nền kinh tế (nhà đầu tư trực tiếp) thu được lợi ích lâu dài từ một doanh nghiệp đặt tại nền kinh tế khác.Mục đích của nhà đầu tư trực tiếp là muốn có nhiều ảnh hưởng trong việc quản lý doanh nghiệp đặt tại một nền kinh tế khác đó”. Theo khái niệm của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc tổ chức, cá nhân nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào được Chính Phủ Việt Nam chấp thuận để hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hoặc thành lập xí nghiệp Liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài theo quy định của luật này”. Theo quy định tại khoản 1 điều 2, Luật đầu tư nước ngoài được sửa đổi bổ sung năm 2000 quan niệm: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của luật này”. Từ những khái niệm trên có thể hiểu một cách khái quát về đầu tư trực tiếp nước ngoài như sau: Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một loại hình di chuyển vốn quốc tế, trong đó người chủ sở hữu vốn đồng thời là người trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động sử dụng vốn. Sự ra đời và phát triển của đầu tư trực tiếp nước ngoài là kết quả tất yếu của quá trình quốc tế hóa và phân công lao động quốc tế. * Khái niệmFDI sạch FDI sạch là FDI cần thiết phải hướng đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế theo hướng bền vững, cụ thể phải đáp ứng các yêu cầu: Lợi ích kinh tế: phải đảm bảo lợi ích cho cả nước đầu tư và nước tiếp nhận đầu tư: nước đầu tư mong muốn nhận được các lợi ích kinh tế như nguồn lao động và nguyên vật , 253
  2. liệu rẻ hơn. Đối với nước tiếp nhận đầu tư mong muốn tăng trưởng kinh tế cao, ổn định và bền vững. Lợi ích xã hội: hướng tới mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo; giải quyết việc làm, tăng thu nhập; nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe… Lợi ích môi trường: phát triển sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, công nghiệp hóa, phát triển nông nghiệp – nông thôn bền vững, phát triển công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường 3. * Phát triển kinh tế bền vững Một nền kinh tế được coi là bền vững cần đạt được những yêu cầu sau: (i) Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. (ii) Cơ cấu GDP cũng là tiêu chí đánh giá phát triển bền vững về kinh tế. Chỉ khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững. (iii) Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá 4.Như vậy, tính bền vững của nền kinh tế được thể hiện trên các khía cạnh: sự gia tăng quy mô kinh tế, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ và bình đẳng về cơ hội tham gia cũng như hưởng thụ thành quả phát triển của mọi người. Hiện nay, có thể thấy “một vòng tròn nghịch lý” ở các nước đang phát triển đó là: đầu tư cho khoa học công nghệ thấp vì tỷ lệ tích lũy nội địa thấp - tích lũy nội địa thấp vì thu nhập thấp - thu nhập thấp vì năng suất lao động thấp - năng suất lao động thấp vì trình độ công nghệ thấp - trình độ công nghệ thấp vì đầu tư cho KHCN thấp5…Như vậy, trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn hạn chế như hiện nay, FDI là nguồn bổ sung quan trọng trong những bước đi ban đầu tạo ra “cú huých” cho sự phát triển kinh tế. FDI là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển trên các khía cạnh: tăng quy mô vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ đó tăng thêm tỷ lệ huy động vốn trong nước, chuyển giao, phát triển công nghệ ở các nước đang phát triển (nước nhận đầu tư), giải quyết việc làm, từng bước đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp hội nhập sâu rộng vào hoạt động kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tác động lan tỏa đến các thànhphần kinh tế khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là bên cạnh những tác động tích cực, FDI thường kéo theo những vấn đề như: tình trạng lệ thuộc quá lớn vào FDI dễ gây nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế khi có sự biến động của FDI, tình trạng mất cân đối trong cơ cấu kinh tế (các DN FDI thường lựa chọn đầu tư vào những ngành có nguồn nguyên liệu và lao động rẻ), tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải tìm được giải pháp thúc đẩy FDI mà đảm bảo được phát triển bền vững, không lặp lại những sai lầm của các quá trình tăng trưởng nhanh nhưng không bền vững, đã gây nên những xung đột lớn, phải trả giá về môi trường sinh thái và làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. 2. Đánh giá tác động của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng bền vững Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến thời điểm 26/12/2016, Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đạt 2.556 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,182 tỷ USD, tăng 27% về số dự án và giảm 2,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 1.225 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,765 tỷ USD, tăng 50,5% về số dự án và giảm 19,7% về vốn tăng thêm.Trong năm 2016 có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư 3 PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hoa, Trần Phương Hồng Hạnh, Bùi Anh Chính, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Bản tinh Kinh tế - xã hội số tháng 12/2009 4 PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới 5 PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, “Tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ để tránh tụt hậu” , 254
  3. nước ngoài góp vốn mua cổ phần (với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện) với tổng vốn đầu tư là 3,425 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 đạt 24,372 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2016 đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay6.Chỉ tính riêng lao động đã sử dụng lên tới khoảng 3 triệu lao động, chiếm tới trên 20% tổng số vốn của nền kinh tế. Rõ ràng, trong bối cảnh hiện naydoanh nghiệpFDI có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Những con số trên cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những dấu hiệu cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư đã dần tăng lên7. * Tác động tích cực Thứ nhất, FDI góp phần tăng quy mô vốn đầu tư, khắc phục tình trạng thiếu vốn của nền kinh tế. Theo lý thuyết“vòng luẩn quẩn của sự chậm tiến và cú huých từ bên ngoài” của Paul Samuelson thì đa số các nước đang phát triển đều thiếu vốn, do khả năng tích lũy hạn chế. Do vậy, để phát triển kinh tế cần có“cú huých” từ bên ngoài nhằm phá vỡ cái “vòng luẩn quẩn” và do vậy FDI được xem là giải pháp thực tế nhất đối với các nước đang phát triển. Ở Việt Nam hiện nay, trong điều kiện vốn đầu tư cho phát triển còn nhiều hạn chế do tích lũy nội bộ thấp, điều kiện đổi mới khoa học công nghệ còn khó khăn thì FDI có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu vốn, thúc đẩy đầu tư, đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế, tăng tích lũy nội bộ, thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, hiện đại, hiệu quả. Hình 1:Tỷ lệ FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội ( theo giá thực tế) Nguồn: Theo gso.gov.vn Việt Nam thời gian qua được biết là một điểm sáng trong thu hút FDI. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã thu hút được trên 300 tỷ USD vốn FDI đăng ký. Trong đó, đã giải ngân đạt 163,9 tỷ USD, bằng 53,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực8. Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, riêng năm 2016, tổng số vốn đăng ký của các dự án FDI vào Việt Nam đạt 24,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2015. Đặc biệt, đã có 15,8 tỷ USD được giải ngân - mức “đỉnh” từ trước đến năm 2016. Nếu chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 217, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn thực hiện đạt 10,3 tỷ USD, tăng 5,1%. Năm 2016, tổng vốn đầu tư toàn xã 6 Xuân Thân: “FDI vào Việt Nam năm 2016: Lượng vốn giảm, giải ngân tăng kỷ lục”. VOV.VN 7 Theo Vietnamplus.vn: Thu hút FDI là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12-2015 8 Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư , 255
  4. hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 1.485.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2015 và bằng 33% GDP. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 347.900 tỷ đồng, chiếm 23,4% GDP và tăng 9,4% so với năm 2015. Như vậy, nguồn vốn FDI năm 2016 chiếm 23.43% tổng vốn đầu tư toàn xã hội9. Con số này được duy trì khá ổn định qua các năm (Xem hình 1). Không chỉ làm tăng lượng vốn đầu tư trong nước, FDI còn tác động tới khả năng tích lũy của nền kinh tế, góp phần nâng cao năng lực tái đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng khả năng tự chủ về kinh tế của đất nước. Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (xem Hình 2) Hình 2: Mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và FDI Nguồn: Gso.gov.vn Có thể thấy ở Việt Nam, xu hướng vận động của tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng vốn FDI thực hiện về cơ bản là cùng pha với nhau ( Riêng năm 2008 trong khi vốn thực hiện FDI tăng mạnh thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lại giảm mạnh so với năm 2007 do chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ và tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu). Xét một cách tổng thể, FDI là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Bên cạnh đó, FDI có đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách với giá trị ngày càng tăng: giai đoạn 1994-2000 là 1,8 tỷ USD, đến giai đoạn 2001-2010 con số này là 14,2 tỷ USD, đến giai đoạn 2011-2015 là 23,7 tỷ10. Thứ ba ,giải quyết việc làm và phát triển nguồn nhân lực Tạo ra nhiều việc làm cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng lao động là một trong những mục tiêu đặt ra khi thực thi chính sách thu hút FDI. Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Hiện nay, FDI đang có vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống nhân dân 11. Song song với việc giải quyết việc làm là nâng cao chất lượng người lao động, FDI cũng có tác động tích cực trong phát triển nguồn nhân lực của nước chủ nhà thông qua các dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đào tạo. Các cá nhân làm việc cho các doanh nghiệp có vốn 9 Theo công bố từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 29/12. 10 TS. Nguyễn Tấn Vinh, Học viện Chính trị Khu vực II: “Nhìn lại giá trị của FDI ở Việt Nam sau gần 30 năm”, Tạp chí Kinh tế và dự báo 11 Theo Vietnamplus.vn: Thu hút FDI là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12-2015 , 256
  5. đầu tư nước ngoài có cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ bản thân khi tiếp cận với công nghệ và kỹ năng quản lý tiên tiến. Các doanh nghiệp FDI cũng có thể tác động tích cực đến việc cải thiện nguồn nhân lực ở các công ty khác mà họ có quan hệ, đặc biệt là các công ty bạn hàng. Những cải thiện về nguồn nhân lực ở các nước tiếp nhận đầu tư còn có thể đạt hiệu quả lớn hơn khi những người làm việc trong các doanh nghiệp FDI chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp trong nước hoặc tự mình thành lập doanh nghiệp mới. Thứ tư, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế không chỉ là đòi hỏi của bản thân sự phát triển nội tại nền kinh tế mà còn là đòi hỏi của xu hướng quốc tế hoá đời sống kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. FDI là một bộ phận quan trọng của hoạt động kinh tế đối ngoại mà thông qua đó các quốc gia sẽ tham gia ngày càng nhiều vào quá trình liên kết kinh tế giữa các nước trên thế giới, đòi hỏi mỗi quốc gia phải thay đổi cơ cấu kinh tế trong nước cho phù hợp với sự phân công lao động quốc tế. Thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế ra đời và phát triển: dầu khí, công nghệ thông tin, điện tử và điện tử gia dụng, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm... Đồng thời nó thúc đẩy ứng dụng công nghệ ở nhiều ngành kinh tế, góp phần tăng năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu tỷ trọng các ngành trong nền kinh tế, làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế quốc dân nhờ có cơ cấu kinh tế tiến bộ hơn. Mặt khác, dưới tác động của FDI, một số ngành nghề bị mai một và dần bị xoá bỏ. Thứ năm, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ Có thể nói công nghệ là yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng và sự phát triển của mọi quốc gia. Đối với các nước đang phát triển thì vai trò này càng được khẳng định rõ. Bởi vậy, tăng cường khả năng công nghệ luôn là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia trong chiến lược phát triển của mình và mục tiêu này được thực hiện thông qua FDI. FDI được coi là kênh quan trọng để phát triển năng lực công nghệ của nước tiếp nhận đầu tư. Đây là những mục tiêu quan trọng được nước chủ nhà mong đợi từ các nhà đầu tư nước ngoài. Thông qua FDI, Việt Nam có điều kiện tiếp cận với công nghệ tiên tiến của thế giới để phát triển những ngành công nghệ cao: điện tử, bưu chính viễn thống, công nghệ sinh học.... Nhiều công nghệ hiện đại thông qua FDI được chuyển giao tới các nước nhận đầu tư đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của một số ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Mặt khác, khu vực FDI kích thích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm với giá cả cạnh tranh12. Thứ sáu, FDI vào Việt Nam sẽ tạo ra tác động lan tỏa mà kinh tế học gọi là “hiệu ứng tràn”, từ đó thu hút các nguồn vốn khác vào Việt Nam như ODA, NGO. Đồng thời, có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế thông qua sự liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước, công nghệ và năng lực quản lý, kinh doanh được chuyển giao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sự lan tỏa này có thể theo hàng dọc giữa các doanh nghiệp trong ngành dọc hoặc theo hàng ngang giữa các doanh nghiệp cùng ngành. Mặt khác, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước nhằm thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa, qua đó nâng cao được năng lực của các doanh nghiệp trong nước. * Tác động tiêu cực Sau gần 30 năm qua kể từ khi có Luật đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được 23.000 dự án đầu tư với vốn giải ngân thực hiện trên 160 tỷ USD. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế mà cụ thể là đóng góp 18% cho GDP, 23% cho tổng vốn đầu tư xã hội, 50% giá trị sản xuất công nghiệp và 70% là kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp nói trên, lĩnh vực này còn nhiều 12 Ngô Văn Cương, “Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 7/2015 , 257
  6. tồn tại: ô nhiễm môi trường, trốn thuế, chuyển giá, chuyển giao công nghệ còn khiêm tốn, chủ yếu gia công, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Thứ nhất, chất lượng tăng trưởng còn hạn chế Những năm gần đây, vốn FDI thực hiện ở Việt Nam đã đạt mức trên 10 tỷ USD. Nếu như tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 40% GDP thì DN FDI đã chiếm 10% GDP (tức ¼ tổng vốn đầu tư cả nước). Như vậy là đóng góp của FDI đối với nền kinh tế ngày càng gia tăng nhất là trong giai đoạn đầu chúng ta đang thiếu vốn, góp phần tạo tác động lan tỏa về công nghệ. Tuy nhiên, các nguồn vốn này thường đầu mới được dành cho đầu tư các dự án thuộc loại “gia công”, tỷ lệ giá trị gia tăng của khu vực FDI trong công nghiệp lại chỉ đạt 40% MVA (chỉ số giá trị gia tăng công nghiệp chế biến/người), chưa tạo nên hiệu quả vượt trội tương ứng, trong khi Khu vực kinh tế Nhà nước tạo ra 18,5% giá trị sản lượng công nghiệp (giá thực tế), nhưng đã tạo ra tới 28% giá trị gia tăng ngành công nghiệp. Đó là do nhiều DNNN đã nắm các lĩnh vực công nghiệp quan trọng và có hiệu quả khá cao như dầu khí, điện, than...13. Thứ hai, nhiều việc làm truyền thống bị mai một Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp FDI thu hút khoảng 2 triệu lao động làm việc trực tiếp và hàng triệu lao động trong các khâu gián tiếp khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động của các dự án có FDI cũng làm mất đi nhiều việc làm truyền thống của dân cư vùng bị thu hồi đất và tạo thêm áp lực xã hội cho nhiều địa phương có liên quan; Đặc biệt, thu hút lao động của các doanh nghiệp FDI còn thiên về khai thác nguồn lao động có giá nhân công rẻ, ít đào tạo, thậm chí dùng cơ chế thử việc để liên tục thay lao động. Nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ lao động nữ rất cao, nhưng giá nhân công thấp và có thể gây các bệnh nghề nghiệp (như lệch mắt khi chuyên trách kiểm tra chất lượng lắp điện tử tự động của nhà máy sản xuất máy tính và linh kiện điện tử)14. Thứ ba,gây ô nhiễm môi trường tự nhiên nghiêm trọng Bên cạnh những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội thì những bất cập, hệ lụy mà khu vực FDI để lại cho Việt Nam cũng không nhỏ. Có thể nói một trong những tác động tiêu cực nhất của FDI đối với nước nhận đầu tư nói chung và Việt Nam nói riêng là những ảnh hưởng về môi trường. Đặc biệt là tình hình xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI ngày càng gia tăng. Hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Nhiều dự án FDIcó công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều năng lượng, khả năng phát thải cao. Các ngành, lĩnh vực tập trung nhiều nhất là: luyện kim, dệt may, hóa chất, điện tử, giấy, gang - thép.... Đáng nói, đến năm 2013, chỉ có 5% doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp. Điều này hoàn toàn trái ngược kỳ vọng cũng như tuyên bố đưa các công nghệ, ứng dụng tiên tiến vào sản xuất tại Việt Nam15. Bên cạnh đó, vấn đề xử lý nước thải tại Việt Nam chưa được chú trọng, hầu hết các xí nghiệp chưa có hệ thống xử lý chất thải. Các chương trình giám sát, xử phạt vẫn chưa được thực hiện một cách toàn diện trong khi ngày càng có nhiều dự án khai thác tài nguyên, vận chuyển dầu với hiểm họa tràn dầu có nguy cơ gia tăng trong các năm tới16. Bên cạnh đó, trong quá trình kinh doanh ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI đã chú trọng khai thác nhiều tài nguyên tự nhiên (nhất là tài nguyên không tái tạo như khai thác mỏ khoáng sản), gây tàn phá môi trường tự nhiên, ô nhiễm khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm bụi.. 13 ThS.Nguyễn Tấn Hoằng, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội: : “Tính hai mặt của FDI ở Việt Nam”, 14 ThS.Nguyễn Tấn Hoằng, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội: : “Tính hai mặt của FDI ở Việt Nam”, 15 TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện CIEM:“Ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm ở Việt Nam“, Báo Dân trí 16 PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hoa, Trần Phương Hồng Hạnh, Bùi Anh Chính, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Bản tinh Kinh tế - xã hội số tháng 12/2009 , 258
  7. Tình trạng nhập khẩu trái phép rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại, phế liệu chưa được làm sạch vào Việt Nam diễn biến phức tạp. Vi phạm trong lĩnh vực dịch vụ môi trường vẫn diễn ra nghiêm trọng như việc Công ty Vedan suốt 14 năm xả thải không qua xử lý làm cho sông Thị Vải (Đồng Nai) bị ô nhiễm 80 – 90%, việc trốn nộp phí môi trường suốt nhiều năm của Vedan được cho là một cách tiết kiệm để tăng lợi nhuận của doanh nghiệp mà bỏ qua những quy chuẩn về môi trường. Đây là ví dụ điển hình về FDI “chưa sạch„ ở Việt Nam để làm rõ về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Hàng loạt ví dụ như Công ty TNHH Miwon Việt Nam tại Phú Thọ đã nhiều lần bị phát hiện xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn. Năm 2015, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tỉnh Bình Thuận xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân địa phương đã phong tỏa quốc lộ 1 để phản đối. Và thảm họa ô nhiễm môi trường tại 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4/2016 do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) gây ra là đỉnh điểm của vấn nạn này17. Thứ tư, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế đang diễn ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp FDI. Hiện nay, khu vực FDI đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực như chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp (DN) trong nước. Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. TP. Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số trên 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; Tương tự tại tỉnh Lâm Đồng với 104/111 DN FDI báo cáo lỗ liên tục; tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% DN FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 – 2011. Đặc biệt, ở TP. Hồ Chí Minh, có đến 90% DN FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi. Mặc dù thua lỗ triền miên song các DN FDI này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trường hợp điển hình có những biểu hiện “đáng ngờ” về chuyển giá, phải nói đến Công ty Coca-Cola Việt Nam. Trong hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục báo lỗ, lỗ lũy kế tính đến 30/9/2011 của công ty này đã lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Do lỗ liên tục như vậy nên Coca-Cola Việt Nam không phải đóng thuế thu nhập DN, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30%/năm. Tuy lỗ lớn như vậy nhưng DN này đã có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam.Một công ty khác nằm trong diện nghi vấn chuyển giá với giá trị lớn lên đến hơn 1.200 tỷ đồng là Công ty PepsiCo Việt Nam. Từ khi thành lập năm 1991, gần 20 năm qua PepsiCo lỗ liên tục, cho đến một số năm gần đây mới có lãi nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%. Mặc dù vậy, PepsiCo Việt Nam vẫn liên tục mở rộng đầu tư, xây dựng các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), Bắc Ninh (73 triệu USD)18. Thứ năm, tính kết nối giữa các DN FDI và các DN trong nước còn hạn chế, chưa có nhiều hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Tính kết nối giữa các DN FDI và DN cung ứng trong nước còn tương đối yếu. Khu vực FDI đa phần còn hoạt động riêng lẻ thay vì đóng vai trò làm xúc tác tăng trưởng do tác động lan tỏa đến khu vực tư nhân trong nước. Hiện nay, phần lớn các dự án FDI là 100% vốn nước ngoài và còn thiếu sự liên kết hàng dọc với DN Việt Nam, dẫn tới trong nền kinh tế có sự phân hóa giữa hai khu vực: khu vực FDI và khu vực DN trong nước. Đây là hiện tượng gây ra cơ cấu hai tầng khiến kinh tế khó phát triển bền vững.Thêm vào đó, hoạt động chuyển giao công nghệ thông qua FDI ở Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề. Hiện nay, trên 80% DN FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới khi đầu tư vào Việt Nam, 14% sử dụng công 17 Hoài Anh, “Thu hút FDI, Việt Nam được nhiều hơn mất”, Báo Hải Quan ngày 29 tháng 4 năm 2017 18 TS Nguyễn Thị Thu Hoài, “Chuyển giát trong các doanh nghiệp FDI: thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Tài chính ngày 27/9/2017 , 259
  8. nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao, chỉ có khoảng 5-6% sử dụng công nghệ cao. Công nghệ thấp dẫn đến các doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu thực hiện việc gia công, ngay cả tại một số dự án được hưởng ưu đãi đầu tư công nghệ cao. Hệ quả là DN Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng thấp, khó tham gia vào các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu19. Do còn hạn chế trong công tác giám định nên chúng ta thường tiếp nhận công nghệ lạc hậu, không phù hợp với nhu cầu đổi mới công nghệ của đất nước, tiêu hao nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, do cách thức sản xuất theo công đoạn trong mạng lưới toàn cầu, mà nhà đầu tư còn giữ phần lớn bí quyết công nghệ, nên việc chuyển giao công nghệ rất ít và việc truyền bá kinh nghiệm quả lý cũng rất hạn chế.Một hiện tượng phổ biến trong các hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI là giá cả cao hơn nhiều so với mua công nghệ của các nước phát triển. Bên cạnh đó, các nước đầu tư thường rất hạn chế chuyển giao những công nghệ mới, có tính cạnh tranh cao cho các chi nhánh của họ ở nước ngoài vì sợ lộ bí mật hoặc mất bản quyền công nghệ do việc bắt chước, cải biến công nghệ của các doanh nghiệp trong nước 20. Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó phải kể đến tình trạng phân cấp đến chia cắt “cát cứ” và trình độ quản lý, thẩm định dự án chưa tương xứng, sàng lọc kém các dự án, nên đã thu hút các dự án chưa được chuẩn bị kỹ... Cần nhấn mạnh rằng, tất cả những tác động 2 mặt trên đây của FDI cần được các cấp nhận thức đầy đủ, ghi nhận, theo dõi để có thể có những giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và của các nhà đầu tư FDI chân chính, làm ăn đứng đắn, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. 3. Giải pháp thu hút FDI nhằm phát triển kinh tế theo hướng bền vững Để thực hiện được mục tiêu thu hút FDI gắn với phát triển kinh tế bền vững, trước hết, cần thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng về thu hút FDI ở Việt Nam: đây là thành phần kinh tế có nhiều tiềm lực về vốn, khoa học, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và thị trường. Việc thu hút FDI vửa là thời cơ, vừa là thách thức để vừa tranh thủ ngoại lực đồng thời phát huy nội lực, từng bước nâng cao khả năng hội nhập kinh tế quốc tế21. Tuy nhiên, để FDI “sạch hơn”, chúng ta cần thiết phải có cái nhìn khách quan hơn ở nhiều góc độ khác nhau đối với hiệu quả của dòng vốn này mang lai cho nền kinh tế đất nước để từ đó có cách ứng xử phù hợp hơn nhằm đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng bền vững nền kinh tế VN. Trước hết, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp như: hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích và thu hút FDI sạch; nâng cao vai trò quản lý của nhà nước và sự tham gia của xã hội trong bảo vệ môi trường đầu tư; quy định giới hạn ô nhiễm môi trường…Cụ thể: Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích và thu hút các dự án FDI “sạch„ Chiến lược thu hút FDI của Việt Nam thời gian tới cần phải nhắm đến một chiến lược FDI “khôn ngoan”, nghĩa là Việt Nam phải thay đổi chính sách FDI với đầu tư nước ngoài. Từng bước xây dựng chính sách FDI có chất lượng hơn là số lượng để thu hút FDI có tính chọn lọc nhiều hơn. Chính sách định hướng vẫn phải tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nhưng hướng đến các ngành công nghệ cao, công nghệ mới thân thiện với môi trường, ít sử dụng tài nguyên, ít sử dụng năng lượng và ít sử dụng lao động nhất. Cần thể chế hoá các công cụ kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp FDI có thái độ thân thiện hơn với môi trường. Trong khâu cấp phép đầu tư, cần chú ý chỉ cấp phép cho các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên nào có công nghệ cao, trình độ quản lý tốt và có uy tín, hạn chế tối đa việc cấp phép cho những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đầu tư vào Việt Nam như dự án sản xuất giấy, thép… , những dự án không phù hợp với 19 Đỗ Thị Dinh, Phạm Thị Hương, “Thu hút FDI sạch để phát triển bền vững”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, tr.23 20 GS, TSKH Nguyễn Mại, “FDI với chuyển giao công nghệ”, Báo đầu tư ngày 22/3/2017 21 TS. Nguyễn Tấn Vinh, Học viện Chính trị Khu vực II: “Nhìn lại giá trị của FDI ở Việt Nam sau gần 30 năm”, Tạp chí Kinh tế và dự báo , 260
  9. quy hoạch phát triển của Việt Nam, tạo dư thừa công suất quá lớn mà khó có triển vọng khai thác sử dụng. Trong khâu quy hoạch đầu tư, cần phải quy hoạch theo tính toán tăng trưởng của thu nhập trong nước, sự phát triển FDI để tính ra dung lượng thị trường cho sản phẩm từ đó đưa ra một số lượng dự án hợp lý22. Thứ hai, thực hiện lựa chọn các đối tác đầu tư Việt Nam cần chủ động lựa chọn đối tác theo từng lĩnh vực thu hút FDI để loại bỏ những dự án, công nghệ yếu kém.Trong lựa chọn đối tác đầu tư, cần ưu tiên chọn những đối tác doanh nghiệp FDI từ những nước phát triển có các chuẩn môi trường cao, nơi có qui định chặt chẽ về công tác môi trường. Những doanh nghiệp này, ngoài khả năng sử dụng các công nghệ sạch, thường áp dụng các biện pháp quản lý môi trường tốt hơn, còn có thể gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động FDI và nền kinh tế nước chủ nhà. Việc chọn lọc nguồn vốn sẽ khiến FDI sụt giảm. Tuy nhiên, không thể cứ tiếp tục chấp nhận đánh đổi bằng mọi giá cho sự phát triển mà bỏ qua những vấn đề xã hội, môi trường. Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường. Cụ thể: (i) Nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước về môi trường Để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, Việt Nam cần phải có một hệ thống quản lý theo ngành dọc thống nhất để có thể quản lý chặt chẽ hơn công tác bảo vệ môi trường ở từng cơ sở, trong và ngoài khu công nghiệp. Cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, qui định về bảo vệ môi trường theo hướng rõ ràng hơn và ổn định hơn, khắc phục tính văn bản pháp quy thiếu hướng dẫn, ban hành không đúng lúc, hay thay đổi, từng bước nâng cao hiệu lực của Luật Bảo vệ môi trường. Các cơ quan quản lý cần cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật cho các doanh nghiệp FDI, và tư vấn cho doanh nghiệp về thực thi pháp luật môi trường23.Cần đưa ra các tiêu chi cơ bản để đánh giá một doanh nghiệp thực hiện giải pháp môi trường (vận hành với các chuẩn môi trường cao mang tính toàn cầu, tích cực gắn kết với các đối tác địa phương, chuyển giao kỹ năng và công nghệ thân môi trường tới đối tác tại nước chủ nhà....) Đồng thời, cần lồng ghép công tác đánh giá tác động tới môi trường ngay khi bắt đầu xây dựng dự án đầu tư nhằm đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Từng bước nâng cao chất lượng công tác kiểm chứng và phân tích tác động tới môi trường của các DN FDI. Song song với đó là phải có các quy định và chế tài xử phạt đối với các DN FDI gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các DN này trong quá trình đầu tư (ii) Khuyến khích sự tham gia các tổ chức xã hội trong bảo vệ môi trường đầu tư Các tổ chức xã hội dân sự có vai trò hết sức quan trọng trong việc hài hòa lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách cần có sự đồng thuận và tham gia của các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Đây là nhân tố vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (PTBV). Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đồng thời có các hình thức khuyến khích sự tham gia của mọi thành viên trong xã hội trong việc thực hiện mục tiêu PTBV. Để thực hiện được điều này, cần xây dựng hệ thống quản lý, giám sát có sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội dân sự một cách rộng rãi, đảm bảo cơ chế giám sát quyền lực và dân chủ rộng rãi. Đối với các vấn đề hệ trọng, cần có sự tham vấn của toàn dân theo cơ chế dân chủ trực tiếp. Theo xu hướng trên thế giới hiện nay, người tiêu dùng có thể tạo áp lực buộc các doanh nghiệp FDI phải quan tâm nhiều hơn đến kết quả môi trường của 22 PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hoa, Trần Phương Hồng Hạnh, Bùi Anh Chính, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Bản tinh Kinh tế - xã hội số tháng 12/2009 23 PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hoa, Trần Phương Hồng Hạnh, Bùi Anh Chính, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Bản tinh Kinh tế - xã hội số tháng 12/2009 , 261
  10. mình. Cộng đồng dân cư nơi có doanh nghiệp FDI hoạt động có thể tạo sức ép với doanh nghiệp để họ nâng cao chất lượng môi trường của mình. 4. Kết luận Việc huy động và sử dụng FDI đóng vai trò quan trọng nhằm bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đồng thời thông qua đó tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, mở rộng thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập.....Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, những hệ lụy trong quá trình thu hút FDI cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc sàng lọc các dự án, các nhà đầu tư để việc thu hút FDI mang lại hiệu quả, để những ưu đãi, thậm chí là vượt khung mà Việt Nam dành cho DN FDI không trở thành vô ích. Theo đó, cần có một khung pháp lý về quản lý FDI sạch, nâng cao vai trò của Chính phủ trong việc quản lý, giám sát các dự án FDI, ưu tiên những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hoài Anh, “Thu hút FDI, Việt Nam được nhiều hơn mất”, Báo Hải Quan ngày 29 tháng 4 năm 2017 2. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện CIEM:“Ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm ở Việt Nam“, Báo Dân trí 3. Phạm Thị Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới 4. Ngô Văn Cương, “Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 7/2015 5. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư 6. Đỗ Thị Dinh, Phạm Thị Hương, “Thu hút FDI sạch để phát triển bền vững”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, tr.23 7. Nguyễn Thị Liên Hoa, Trần Phương Hồng Hạnh, Bùi Anh Chính, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, Bản tinh Kinh tế - xã hội số tháng 12/2009 8. Nguyễn Thị Thu Hoài, “Chuyển giát trong các doanh nghiệp FDI: thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Tài chính ngày 27/9/2017 9. Nguyễn Tấn Hoằng, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội: “Tính hai mặt của FDI ở Việt Nam”, 10. Lê Bộ Lĩnh, “Tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ để tránh tụt hậu” 11. Nguyễn Mại, “FDI với chuyển giao công nghệ”, Báo đầu tư ngày 22/3/2017 12. Xuân Thân: “FDI vào Việt Nam năm 2016: Lượng vốn giảm, giải ngân tăng kỷ lục”. VOV.VN 13. Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 29/12. 14. Vietnamplus.vn: Thu hút FDI là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12-2015 15. Nguyễn Tấn Vinh, Học viện Chính trị Khu vực II: “Nhìn lại giá trị của FDI ở Việt Nam sau gần 30 năm” , 262
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
8=>2