intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nhịp điệu thơ hôm nay

Chia sẻ: Milu Nguyen | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:15

68
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Thơ xuất hiện chậm hơn văn xuôi thường ngày nhưng nó lại ra đời sớm hơn văn xuôi với tư cách là ngôn ngữ văn học. Những câu thơ thực sự là hình thức của văn học rất khác với những câu thơ chỉ là hình thức thơ như tác phẩm của các nhà triết học, các nhà sử học cổ đại. Và đến mãi thời hiện đại, người ta vẫn còn dùng hình thức thơ để chuyên chở một nội dung nào đó.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nhịp điệu thơ hôm nay

  1. Nhịp điệu thơ hôm nay Thơ xuất hiện chậm hơn văn xu ôi thường ngày nhưng nó lại ra đời sớm hơn văn xuôi với tư cách là ngôn ngữ văn học. Những câu thơ thực sự là hình thức của văn học rất khác với những câu thơ chỉ là hình thức thơ như tác phẩm của các nhà triết học, các nhà sử học cổ đại. Và đến mãi thời hiện đại, người ta vẫn còn dùng hình thức thơ để chuyên chở một nội dung nào đó. Điều này Arixtôtơ (384-322 tr CN) đã đề cập tới “Nhà sử học và nhà thơ khác nhau không phải ở chỗ một người thì dùng cách luật, còn người kia thì không dùng - vì có thể đem trước tác của Hêrôđôtơ (484-425 tr CN) đổi thành văn vần nhưng trước sau chúng vẫn là lịch sử, còn vần hay không vần cũng vậy - họ khác nhau ở chỗ: Nhà sử học nói về những điều đã xảy ra thực sự, còn nhà thơ thì nói về những gì có thể xảy ra”(1). Nhưng dù sao thì cũng cần phân biệt thơ và những gì không thơ, mượn hình thức thơ bổ trợ cho trí nhớ. Ở đây có một thỏa thuận: chúng ta không thể nói đến tất cả các hình thức thơ hiện nay. Có loại thơ để ngâm, có loại thơ để đọc (thơ tự do, nhất là thơ văn xuôi) và có loại thơ để xem, để nhìn (thơ hình học). Muốn hiểu loại thơ thứ ba này, cần thêm một thao tác nữa: sắp xếp lại câu chữ, uốn các hình học kia thành những đường thẳng theo chiều ngang. Đó là các bài thơ hình vòng tròn, hình chữ thập… và các bài thơ hình dáng: Trời mưa (Il pleut), Chim hòa bình bị thương và đài phun nước (La
  2. Colombe poignardée et le jet d’ eau) của G.Apollinaire. Một bài thơ mang thuộc tính thơ, khác với văn vần. Khác ở cách sử dụng từ ngữ, cấu trúc câu, các biện pháp tu từ, nhịp điệu… Khi nói đến chất thơ của văn xuôi hay văn xuôi có chất thơ là đã đụng đến đặc trưng bên trong ở một chừng mực, nhưng chưa đủ “độ” để tác phẩm bước vào lĩnh vực thơ. Đối với văn xuôi, thanh điệu có thể có quan hệ đến ý nghĩa không nhiều, nhưng với thơ, thanh điệu trở thành phương tiện biểu hiện, nhờ vào các phụ âm, nguyên âm có quan hệ đến độ cao, độ vang, độ dài của âm thanh. (Các nhà ngôn ngữ học đã cho biết: Trong các ngôn ngữ tỉ lệ phụ âm/ nguyên âm bao giờ cũng lớn hơn 1). Ngoài ý nghĩa biểu hiện, bản thân âm thanh giữ vai trò quan trọng trong việc định hình câu thơ, gắn kết các thành phần câu thơ. Nghệ thuật thơ cho phép tạo ra những cú pháp thơ đặc thù (như hiện tượng câu thơ vắt dòng, tách câu, buông lửng…). Nhưng bất kỳ nhà thơ nào cũng không giải thích được tại sao, bằng cách nào, nhà thơ tìm được cho ý tưởng của mình một hình thức thơ và cái chính là cái gì đã buộc mình hướng về cách luật, vần điệu… Người ta thường hay xem nhịp điệu là sự khác biệt chủ yếu của câu thơ với câu văn xuôi. Thơ khác văn xuôi chính ở phương diện nhịp điệu. Trong bài báo Làm thơ như thế nào?Maiacốpxki cũng nói: “Nhịp điệu là sức mạnh chủ yếu, là năng lượng chủ yếu của câu thơ”. Nhưng văn xuôi nghệ thuật cũng phải có nhịp điệu tuy không gò bó quá mà tương đối tự do. Văn xuôi có nhịp điệu thường gặp, đặc biệt trong “văn xuôi có chất thơ” (prose poetique). Chưa ai xác định được ranh giới giữa văn xuôi có nhịp điệu và văn xuôi thông thường nên chỉ có thể hiểu nhịp điệu là sự phân bố chỗ ngắt giọng, âm thanh bằng trắc, điểm dừng có vai trò thẩm mỹ, tuy rằng nó độc lập với các vần, luật thơ. Phân biệt nhịp điệu của thơ với nhịp điệu tự do của văn xuôi không
  3. phải bao giờ cũng là sự lặp lại đều đặn các “bước sóng âm thanh” như trong thơ cổ mà là “nhịp điệu bên trong”, nhịp điệu tâm hồn cộng hưởng cùng từ ngữ. Có những câu thơ tưởng như không có nhịp điệu, kỳ thực nhịp điệu của chúng được ẩn giấu ở chính giọng điệu thơ. Những câu văn xuôi có nhịp điêụ dù có gần với thơ đến đâu, chúng vẫn không phải thực sự là thơ, chúng chỉ là văn xuôi có chất thơ. Chẳng hạn Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử: “Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kỳ ảo, thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả… Và rơi đến đâu, chạm vào thứ gì là chỗ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động. Nghĩa là trăng rằm trung thu: một đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng của một mùa ao ước, xây bằng châu lệ, làm bằng chia ly, và hơn nữa, hiện hình của một nguồn khoái lạc chê chán… Phải không hở chàng Ngưu và ả Chức?”. Kinh cầu tự của Huy Cận: “Hồn thi sĩ cuối đời xanh ngắt đó chăng? Hồn ấy đã qua hết các màu của sự sống. Rồi lúc tự do thì xanh ngắt. Hồn xanh của thi sĩ là tự do của thi sĩ đó thôi. Ôi chao! Khi chết đi hồn anh xanh; hồn anh xanh để rộng khoáng với trời, phải không người thi sĩ?”. Đến đây lại cần một thỏa thuận nữa: có sự khác biệt giữa “văn xuôi có chất thơ” (prose poetique) và “thơ văn xuôi” (poeme en prose)? Có ý kiến cho rằng “thơ văn xuôi” là tác phẩm thơ về mặt nội dung và văn xuôi về mặt hình thức. Thế nhưng không thể là sự lắp ghép của hai phương thức biểu hiện, hai cách tư duy nghệ thuật theo tỉ lệ định lượng giữa thơ và văn xuôi mà đó là một tư duy thể loại. Trước đây trong văn học Nga chỉ đến I. Turghênhép (1818-1883) mới có được một tập sách trọn vẹn của riêng “thơ văn xuôi”. Turgh ênhép là người khai sáng ra thể loại này. Tuy nhiên sau Turghênhép, thể loại này không mấy nhà thơ, nhà văn sử dụng. Đến nền văn học Nga- Xôviết mới lại nổi lên mấy tác giả tiêu biểu về thể loại thơ văn xuôi: Prisvin, Pautốpxki, Xôlôukhin… Có thể đây là thể loại khó viết? Có thể và chủ yếu do yêu cầu của lịch sử – thời đại.
  4. Thời đại cần có thể loại. Và thể loại xuất hiện để chuyên chở, để ghi lại những gì cần thiết. Trong lịch sử văn học nhân loại đã xảy ra: thể loại trường ca cổ đại mai một, đến thế kỷ XX trường ca phát triển và mang thêm phẩm chẩt mới, tăng trữ tình, yếu tố cốt truyện giảm bớt, cảm hứng cá nhân hòa vào cảm hứng lịch sử-dân tộc như các trường ca Mười hai người của A.Blốc, Vlađimia Ilích Lênin và Tốt lắm của Maiacốpxki, Lời ca không dứt của P.Éluard, Bài ca chim Chơrao của Thu Bồn, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh, Những người đi tới biểncủa Thanh Thảo, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm… Một thể loại mới xuất hiện, thể hiện trình độ tư duy, thị hiếu thẩm mỹ của thời đại. Qua thể loại chúng ta có thể nhận ra phong cách nghệ thuật của tác giả, của trào lưu, của thời đại. Ở Việt Nam, thơ văn xuôi xuất hiện từ bao giờ? Chưa ai xác định và khó xác định. Nhưng chắc chắn đã có ý kiến đề xuất trong văn học Việt Nam (và cả trong văn học Trung Quốc) thơ văn xuôi có nguồn gốc ở thể phú, văn tế, văn biền ngẫu (hịch, cáo). Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng, Hàn nho phong vị ph ú của Nguyễn Công Trứ, Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát… Văn tế chị của Nguyễn Hữu Chỉnh, Văn tế Phan Châu Trinh của Phan Bội Châu… Hịch tướng sĩ văn của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi… đều có những nét của thơ văn xuôi. Đến đầu thế kỷ XX, một số sáng tác của Đông Hồ, Tương Phố, Tản Đà có tính chất thơ văn xuôi(2). Theo tôi, các tác giả văn học trung đại sáng tác phú, văn tế, hịch, cáo vẫn theo những quy tắc vần, đối và khuôn khổ cấu tạo tác phẩm. Các tác giả đầu thế kỷ XX viết văn xuôi chưa thoát khỏi ảnh hưởng của câu văn biền ngẫu, chưa có ý thức về thể loại mới, ý thức về thể loại thơ văn xuôi. Ý thức thể loại và chất lượng sáng tạo theo định hướng của thể loại mới tạo nên tác phẩm mang phẩm chất thể loại. Có thể loại một đi không trở lại. Có thể loại được phục sinh, chính xác hơn, một thể loại mới “phái sinh” từ một thể loại gốc, biến đổi thích ứng với hoàn cảnh mới.
  5. Ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, văn xuôi rất giàu nhịp điệu. Nó có cái nhịp nhàng của phú, văn tế, biền văn… Một phần nhờ vào ngôn ngữ Việt, một phần từ trong tâm thức Việt, câu văn bị cuốn đi theo quán tính. Nhưng để trở thành thơ văn xuôi lại cần thay đổi tư duy nghệ thuật, cần có ý thức thể loại. Nhiều nhà thơ viết những tác phẩm văn xuôi giàu chất thơ. Và những tác phẩm ấy, các nhà thơ ấy vẫn xếp vào văn xuôi. Xuân Diệu gọi Phấn thông vàng (1939) là truyện ngắn, Trường ca (1945) là bút ký. Huy Cận gọi Kinh cầu tự (1942) là văn xuôi. Chế Lan Viên cũng gọi Vàng sao (1942) là văn xuôi… Có lẽ đầu những năm 40 của thế kỷ XX, ý thức thể loại thơ văn xuôi hình thành ở Phạm Văn Hạnh và Nguyễn Xuân Sanh. Phạm Văn Hạnh viết Giọt sương hoa, Nguyễn Xuân Sanh viết Đất thơm. Cả hai tác phẩm đều là niềm say mê đi tìm cái Đẹp, chất Thơ của thiên nhiên, đất nước và tình người. Phẩm chất thơ ở đây không đơn thuần thể hiện ở nhịp điệu mà còn hội tụ ở nhiều yếu tố khác: cấu trúc câu thơ, từ ngữ, hình ảnh, hình tượng, độ cảm xúc… Lại gián đoạn, đến năm 1950 mới xuất hiện bài thơ văn xuôi của Chế Lan Viên: Chào mừng. Rồi phải mươi năm sau đó thơ văn xuôi mới rõ hình hài qua những sáng tác của Huy Cận (Lúa mới, Irắc ơi!) của Chế Lan Viên (Cành phong lan bể, Tàu đến, Tàu đi…). Và năm 1964, Xuân Diệu viết tiểu luận Vài ý kiến về thơ văn xuôi (Văn nghệ số 88, ngày 01-01-1965). Đây là tư duy thể loại thơ văn xuôi đầu tiên được trình bày một cách khoa học, sâu sắc. Nhà thơ quan niệm: “Viết thơ văn xuôi cần phải nắm vững nhịp điệu, tiết tấu của câu thơ dài rộng, phá thể và phải tinh vi nghe được cái nhạc bên trong của câu thơ: khi nhạc ấy không thể hiện ra những vần mà lỗ tai cảm thấy ngay, thì nó lại càng dồi dào, đầy căng như nhựa mật của trái làm nứt vỏ”. “Thể thơ văn xuôi có một nền móng, một truyền thống lâu đời từ trong nền văn học dân tộc”, tức là phú, văn tế. Và từ văn học thế giới, Xuân Diệu đề cao Oan Uýtman, một thi sĩ “vô song” với tập thơ văn xuôi Lá cỏ hơn 400 bài. “Ở nước ta trong văn học vài bốn chục năm trước đây, đã có một số bài văn xuôi gần như thơ, nói cái tâm tạng chờ đợi lững lờ lúc thu sang của Tản Đà, nói nỗi u sầu góa bụa của Tương Phố, sau đó có những bài thơ tản văn của
  6. Đông Hồ”. Nhưng cũng phải đến lúc viết tiểu luận này (1964) Xuân Diệu nhắc đến Lúa mới của Huy Cận, Văn xuôi về một vùng thơ của Chế Lan Viên với tư cách là thơ văn xuôi. “Chế Lan Viên dùng điệu thơ câu dài rộng khổ khi bắt vần xa xa, khi không bắt vần; gặp những trường hợp câu thơ dài, thì người đọc phải thầm ngắt ra từng mạch và nhận thức rằng: đây là thơ văn xuôi”. Nhưng theo tôi, cần phân biệt thơ văn xuôi, thơ tự do, thơ không vần. Thơ văn xuôi, bằng thị giác chúng ta thấy văn bản thơ xuống dòng nhiều hơn và nhịp điệu rõ rệt hơn văn bản văn xuôi. Thơ tự do là một thể thơ không tuân theo những quy tắc về vần, nhịp, số chữ trong câu và số câu trong một khổ thơ. Các câu thơ ngắn hơn câu thơ văn xuôi. Thơ tự do có hai loại: có vần (hoặc ít vần) và không vần. Dưới đây là một vài dẫn chứng. Thơ văn xuôi: “Một mùi hương của rừng hồng hoang cổ đại, khi rừng chết đi thì ánh nắng mùi hoa, lời chim, chất nhựa cũng vùi theo. Mùa xuân không biết không hay, sáng ấy vẫn lấy máu mình nuôi mạch lá Ôi hôm nay! Cầm hòn than thấy vết lá lấp lánh như còn sống. Tưởng trong mỗi đường gân xưa máu vẫn chạy đều…”
  7. (Tàu đi - Chế Lan Viên) Thơ tự do, có vần: “Lũ chúng tôi Bọn người tứ xứ Gặp nhau hồi chưa biết chữ Quen nhau từ buổi “ một hai” Súng bắn chưa quen Quân sự mươi bài Lòng vẫn cười vui kháng chiến” (Nhớ - Hồng Nguyên) Thơ tự do, không vần: “Chiều nhạt nhạt về nơi nào xa lắm Ngây ngất sương mây Lối mòn không dấu chân Gió nổi Ta nghe ta hát một mình” (Đường núi - Nguyễn Đình Thi)
  8. Nguyễn Đình Thi có nhiều bài thơ không vần, nhưng đấy không phải là thơ văn xuôi. Những câu văn xuôi mang chất thơ nhờ thứ ngôn ngữ cân đối, giàu nhịp điệu trở thành thơ khi ý thức thể loại điều hành. Đến lúc vần không còn là điều kiện, không phải là thứ trang sức thì những câu văn có vần cũng bị thơ từ chối. Thực ra sự phân chia chỉ có tính chất “thị giác”. Khi cách luật càng tự do, câu thơ càng ít phục tùng những quy tắc bắt buộc thì sự khác biệt giữa câu thơ và câu văn xuôi lệ thuộc nhiều vào nhịp điệu. Chúng ta có thể nhận ra những quan niệm về nhịp điệu. Theo nghĩa rộng nhất, nhịp điệu là hình thức phân bố trong thời gian những chuyển động nào đó, như vậy có thể nói về nhịp điệu của bất kỳ sự chuyển động, trong đó có âm thanh của bất kỳ thứ ngôn ngữ nào chúng ta nghe được mà không cần hiểu nghĩa. Nhịp điệu thể hiện tính chất đều đặn của chuyển động, sự cân đối của những độ dài về thời gian hay sự luân phiên dưới dạng chuyển động âm thanh (Ở đây không tính đến khái niệm nhịp điệu thường được áp dụng vào các quá trình sinh lý như thở, mạch đập của tim và những chuyển động như đi bộ…). Các nhà thơ xác định nhịp điệu như là sự rung động tâm hồn, thoát khỏi những đều đặn, cân đối, không phải sự chia cắt, lặp lại mà luôn có xu hướng khát vọng, giao hòa và lan tỏa. “ Tôi rất đỗi ngạc nhiên thấy những nhà phê bình có thiện cảm, tán thưởng bài thơ như một sự kết tinh, tuy thơ đối với tôi trước hết là sức chuyển động, từ lúc mới sinh, khi nảy nở và sau cùng tỏa rộng ra” (Saint-John Perse). Trong bài Mấy ý nghĩ về thơ (1949), Nguyễn Đình Thi quan niệm: “Nhịp điệu của thơ không những là nhịp điệu bằng bằng, trắc trắc, lên bổng xuống trầm của tiếng đàn bên tai (…). Thơ
  9. có một thứ nhạc nữa, một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, nói chung là của tâm hồn (…). Đó là nhịp điệu thành hình của những cảm xúc, hình ảnh liên tiếp hòa hợp mà những tiếng và chữ gợi ra như những ngân vang dài, ngay những khoảng lung linh giữa chữ, những khoảng im lặng cũng là nơi trú ngụ kín đáo của sự xúc động”. Theo quan niệm đó, nhịp điệu không những không trùng với âm luật, không cần sự giúp đỡ của thanh điệu mà nó tự tạo ra những yếu tố tự do phù hợp với rung động tâm hồn. Nhịp điệu không thể là những khuôn mẫu buồn tẻ mà bao giờ và trước hết là tình cảm. Nhịp điệu không chỉ là sự biểu hiện mà còn là mối quan hệ được thể hiện trong một hình thức dễ cảm thụ và dễ tái hiện. Và đó là ý nghĩa của nhịp điệu trong thơ, trong nghệ thuật nói chung. Trong tất cả những tác động, những ấn tượng đối với cảm giác, các âm thanh có quan hệ với nhịp điệu nhiều nhất. Âm thanh không chỉ là cảm giác bên ngoài mà còn là sự chuyển động bên trong tạo ra những phản ứng tâm lý và hướng tới một thông báo thẩm mỹ. Nói đến nhịp điệu ngôn ngữ phải nói đến sự chia cắt dòng âm thanh, mà khi đọc, người đọc cảm thụ một cách trực tiếp. Một số nhà nghiên cứu khẳng định rằng nhịp điệu chính là sự phân đoạn câu thơ, dòng thơ. Ngay cả những người không hiểu, không biết ngôn ngữ nào đó, nhưng họ vẫn cảm được nhịp điệu của nó, nhờ vào chỗ ngắt dòng âm thanh. (Đây là quan niệm thông thường, cho dù không phải là tất cả, nhất là đối với các nhà thơ). Về mặt nghĩa, ngôn ngữ chia ra thành từ, ngữ, câu. Khi phát âm sự phân chia này được biểu hiện bởi chỗ ngắt, ngữ điệu… Nhưng những đơn vị ngữ âm được tạo ra bằng những phương tiện đó, không phải bao giờ cũng trùng với những đơn vị nghĩa tương ứng. Chẳng hạn:
  10. “Dòng sông-hoa tím Trôi hờ Lao xao những bước chân Chờ gặp nhau” (Không còn bức tranh ngày cũ - Hoàng Ngân) Thực hiện thao tác chuyển các dòng thơ trở về thành câu thơ chuẩn: “Dòng sông - hoa tím trôi hờ Lao xao những bước chân chờ gặp nhau” lập tức các đơn vị ngữ âm không tương ứng với đơn vị nghĩa. Ở câu bát (câu 8 chữ ), chỗ ngắt nhịp tạo ngữ điệu 2/2/2… quen thuộc ở thơ lục bát: “Lao xao/ những bước/ chân chờ/ gặp nhau” trong khi đó đơn vị nghĩa có thể là: “Lao xao/những bước chân/ chờ gặp nhau”. Và nếu như ngắt nhịp như thế thì sự “lạ hóa” được nhấn mạnh, gia tăng. Thông thường nhịp điệu truyền thống bao giờ cũng có áp lực lớn lôi kéo người đọc, nhất là người đọc không phải là nhà thơ. Theo quán tính cứ gặp những thể thơ quen thuộc, trong tâm thức người Việt lại vang lên nhịp điệu có sẵn 2/2 (thơ 4 chữ), 3/2 hay 2/3 (thơ 5 chữ), 2/2/3 (thơ 7 chữ), 2/2/2… (thơ lục bát). Ngày nay khi mà các thể loại đan cài, giao thoa nhau, nhà thơ có khi “viết như nói” thì nhịp điệu câu thơ hoàn toàn bị chi phối bởi giọng đọc, điểm dừng ngữ nghĩa. Đây là một cách đọc, cách ngắt nhịp: “Và lúc ấy/ những luồng khí quanh ta/ bắt đầu rung chuyển
  11. Để nâng giữ trên bóng đêm/ cái lò lửa huy hoàng Nơi thiêu đốt/ trong chúng ta những xấu xa/ ngông cuồng và hỗn loạn Nơi sáng bừng/ trong dâng hiến của tình yêu” (Tình yêu – Tạ Thành Vinh) Điều này càng rõ hơn ở thơ văn xuôi: “Ta là con Xà Mâu luôn luôn thức tỉnh/một tiếng động vô hình cũng làm ta đứng phắt/ trên bốn chân con sư tử vườn. Ta xé xác/những tên trộm cướp leo tường/ những tên đào ngạch. Loại chuột chù chuột cống/rắn hổ mang/ hổ báo/ chúa sơn lâm/gặp ta đều ớn lạnh” (Con Xà Mâu tội nghiệp - Thu Bồn) Thơ và nhịp điệu, mối quan hệ này ở cả hai phương diện: Nhà thơ là đại diện của nhịp điệu. Blôc đã ghi trong nhật ký của mình(7-2-1921): “Nhà thơ là người thế nào? Là người sáng tác thơ? Tất nhiên - không phải như thế. Nhà thơ-đó là vị đại diện của nhịp điệu”. Mặt khác, ngôn ngữ thơ bao giờ cũng có nhịp điệu, ngay cả khi nó không có hình thức thơ. Và nhịp điệu thơ là luôn luôn biến hóa, không thể dự đoán được. Có một điều chắc chắn, nhịp điệu thơ quan hệ mật thiết với ngữ nghĩa. Một là, nhịp điệu trùng với ngữ nghĩa, tức là ngắt nhịp, ngoài việc tạo
  12. tính nhạc còn có giá trị biểu đạt nội dung thơ: “Con hỏi vì sao chúng nó tìm Tìm ai, con hỏi, mẹ rằng: Im!” (Quê mẹ- Tố Hữu) Hai là, nhịp điệu không trùng với ngữ nghĩa, ngắt nhịp khác đi, ngữ nghĩa sẽ khác. Theo quán tính và áp lực của luật thơ toàn bài, người đọc có thể đọc: “Non cao/tuổi vẫn chưa già Non thời nhớ nước, nước mà quên non” (Thề non nước - Tản Đà) Ngọn núi cao nhưng là núi trẻ (tuổi vẫn chưa già). Nếu ngắt nhip 3/3: “Non cao tuổi/ vẫn chưa già”, ý thơ có khác: Núi đã lâu năm ( cao tuổi) nhưng vẫn còn trẻ (chưa già). Trường hợp sau đây, ngắt nhịp không chuẩn làm sai lạc ý thơ. Câu thơ trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, bài số 15: “Vừa sáu mươi dư tám chín thu Lưng gày da sỉ tướng lù khù” “Nếu ngắt nhịp 4/3, vừa sáu mươi dư/tám chín thu, thì câu thơ tối
  13. nghĩa, hoặc phải hiểu là Nguyễn Trãi đã hơn tuổi 60 khoảng tám chín năm, tức là 68 hay 69 tuổi. Một số tuổi sai, vì ông mất năm 62 tuổi (1442). Nhưng nếu câu thơ được ngắt nhịp 3/4, Vừa sáu mươi / dư tám chín thu, thì ý nghĩa của nó sẽ thông tỏ. Nguyễn Trãi nói về tuổi tác của mình, nghĩa là phải dư ra tám chín năm nữa mới vừa đủ 60 tuổi, tức là ông đang ở tuổi 51, 52. Mới 51, 52 tuổi mà thân hình đã tiều tụy, nhếch nhác, tội nghiệp, đáng thương như thế. Lời thơ vừa có ý vị hài hước, lại có ý vị đau đớn, xót xa”(3). Ba là, nhịp điệu thơ tạo ra sức “năng sản” ngữ nghĩa thơ. Câu thơ có thể có nhiều thông báo, nhiều lời thơ. Các lời thơ ấy chuyển dịch theo lối “chạy tiếp sức”: “Gốc bưởi hẹn trăng mờ sông bến lở” (Gọi đò – Lê Đạt) Chuyển dịch nhịp điệu sẽ có một câu thơ tạo nghĩa: “Gốc bưởi/ hẹn trăng mờ/ sông bến lở” “Gốc bưởi hẹn/ trăng mờ/ sông bến lở” “Gốc bưởi hẹn trăng mờ/ sông bến lở” Đến đây, chúng ta có thể hiểu thơ là ngôn ngữ mà trong đó nhịp điệu điều khiển cú pháp. Và trong thơ, nhịp điệu có nhiệm vụ điều chỉnh ngữ điệu, ngữ nghĩa. Những trường hợp đó, câu thơ nói được nhiều hơn dự định của tác giả.
  14. Bản thân hình thức câu thơ trở thành phương tiện phụ trợ của thơ, nhưng thơ hiện nay không coi trọng hình thức như thơ truyền thống. Người ta coi thường những câu thơ mà không có chất thơ (poésie) và quan niệm câu thơ chỉ là hình thức bề ngoài của thơ, hình thức mà thực ra không có nó thì thơ vẫn có thể tồn tại. Ngày nay, các luật thơ đóng vai trò thứ yếu so với yêu cầu ngôn ngữ và do đó trong thơ không còn ý nghĩa của việc phân chia ranh giới giữa hai hình thức ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ văn xuôi. Điều này hoàn toàn đúng nhưng không áp dụng được vào hệ thống luật thơ truyền thống. Câu thơ truyền thống khác hẳn câu văn xuôi bởi sự phục tùng nghiêm ngặt các quy tắc về nhịp điệu; có lúc vì những quy tắc đó, thậm chí nó phải phá bỏ những quy tắc về ngôn ngữ. Câu thơ trong bài Lên lão của Nguyễn Khuyến: “Ông chẳng hay ông tuổi đã già” là một minh chứng lý thú. Nhịp điệu của luật thơ “Ông chẳng/ hay ông/ tuổi đã già”. Nhưng ngôn ngữ (về ý nghĩa) “Ông chẳng hay/ ông tuổi đã già”. Quá trình hiện đại hóa thơ ca Việt Nam đầu thế kỷ XX đem lại quyền tự do cho sáng tạo thoát khỏi những luật thơ đồng thời cả những quy tắc về nhịp điệu. Phong trào Thơ mới tăng cường vai trò nhịp điệu. Nhịp điệu thay thế cho vần và hạn chế sự tự nhiên của ngôn ngữ. Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Xuân Sanh … tăng cường trước hết cho trật tự tự nhiên của các từ: “Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi” (Buồn xưa – Nguyễn Xuân Sanh) Nhịp điệu “Quỳnh hoa/ chiều đọng/ nhạc trầm mi” bảo lãnh cho các từ tự do thay đổi vị trí và sự sinh động của câu thơ. Sự tự do này có tính chất hai mặt: vừa tuân theo quy tắc về nhịp điệu, vừa xa rời tiêu chuẩn cú pháp
  15. ngôn từ. Trong những hình thức của thơ truyền thống, nhịp điệu bị o ép bởi sự tác động lẫn nhau giữa thành phần cú pháp và đơn vị ngữ nghĩa, nhưng khi thơ ca không hướng về hình thức ổn định mà “nồng nhiệt” và “hỗn loạn” thì nhịp điệu được tự do và sẽ là tiêu chuẩn để phân ranh giới: thơ với văn xuôi./.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2