Đề bài: Phân tích bài thơ Dương phụ hành của Cao Bá Quát<br />
Bài làm<br />
Cao Bá Quát là một nhà thơ sinh sống dưới triều Nguyễn nước ta, ông là người có tài <br />
năng, học vấn, thơ văn của ông mang nhiều màu sắc phong phú và chủ đề đa dạng, bộc <br />
lộ được lòng yêu nước thương dân, tấm lòng đồng cảm sâu sắc với những số phận khổ <br />
đau, bất hạnh, đồng thời cũng lên án mạnh mẽ chế độ phong kiến mục rỗng. Và đặc biệt <br />
so với nhiều nhà thơ cùng thời, thơ của Cao Bá Quát lại mang một phong thái khác lạ, bởi <br />
ông biết du nhập và làm mới thơ văn của mình bằng những nét văn hóa, cái đẹp vượt xa <br />
ngoài lễ giáo phong kiến phương Đông. Và một minh chứng cụ thể cho quan điểm trên <br />
chính là bài Dương phụ hành.<br />
Dương phụ hành có nghĩa là Bài hành về người thiếu phụ phương Tây, được viết khi ông <br />
bị cử theo phái bộ của Đào Phú Trí sang Indonesia làm công cán, thực chất chuyến đi này <br />
là hành trình đi phục dịch "lấy công chuộc tội". Nhưng cũng chính chuyến đi này đã làm <br />
cho Cao Bá Quát được mở rộng tầm mắt, tiếp thu những vẻ đẹp mới từ trời Âu xa xôi, <br />
mà có thể theo nhiều nhà nho nhà văn cho ấy là vô phép tắc. Trong đôi mắt nhà thơ người <br />
thiếu phụ Tây phương duyên dáng, xinh đẹp hiện lên thật khác lạ trong màu áo trắng tinh <br />
khôi như sau:<br />
"Thiếu phụ Tây Dương áo trắng phau,<br />
Tựa vai chồng dưới bóng trăng thâu,"<br />
Có lẽ với đa phần người phương Đông, màu "trắng phau" không phải là một màu gì đẹp <br />
đẽ, mà mang nhiều không khí tang tóc, buồn bã, cũng không ai dám mặc tự tin diện chúng <br />
ra bên ngoài cả, có chăng là lớp áo lót bên trong, được che đậy bằng thứ quần áo có màu <br />
khác bên ngoài. Thế mà người phụ nữ Tây phương ấy lại vượt ra khỏi tầm suy nghĩ khi <br />
diện một bộ váy trắng phau, và càng bất ngờ hơn bộ váy áo ấy dường như càng tôn lên <br />
cái vẻ đẹp dịu dàng, e ấp của người thiếu phụ. Hơn thế nữa, người phụ nữ ấy công khai <br />
tựa vào vai chồng thật hạnh phúc để ngắm "bóng trăng thâu", một hình ảnh mà đối với <br />
chúng ta bây giờ thực lãng mạn biết mấy, nhưng trong đôi mắt ngập tràn lễ giáo xưa thì <br />
có cái lý nào lại như vậy. Tuy nhiên bằng tầm mắt và suy nghĩ rộng mở của mình Cao Bá <br />
Quát lại thấy hình ảnh ấy thật đẹp thật duy mỹ, thật ngọt ngào tình cảm quá, khéo mơ <br />
ước cả đời cũng chẳng có dịp vậy. Nhà thơ có vẻ ngạc nhiên và cảm giác như bắt được <br />
một cái thứ gì đó mới lạ thú vị lắm, ông tiếp tục đưa đôi mắt tinh tế của mình để quan sát <br />
thì càng ngạc nhiên hơn trước những cử chỉ thân mật, âu yếm mà người thiếu phụ dành <br />
cho chồng mình thật tự nhiên, ấm áp:<br />
"Ngó thuyền Nam thấy đèn le lói,<br />
Kéo áo rì rầm nói với nhau."<br />
Người thiếu phụ ấy thấy điều thú vị nơi chiếc thuyền, thì tay khẽ giật áo chồng ríu rít <br />
tâm sự, kể chuyện nhau nghe, trông thật dễ thương, gần gũi biết bao. Hành động này tuy <br />
đã đủ ngạc nhiên nhưng vẫn chưa bằng ba câu sau đây:<br />
"Hững hờ cốc sữa biếng cầm tay,<br />
Gió bể đêm sương thổi lạnh thay!<br />
Uốn éo đòi chồng nâng đỡ dậy,"<br />
Vợ chồng tựa vai nhau, tâm sự cũng đã đủ gió đêm đã lạnh, cả hai cùng có ý về nhà, và cô <br />
vợ đã có một cử chỉ thật yêu kiều, thể hiện sự yếu đuối cần che chở bao bọc của người <br />
phụ nữ ấy là "Uốn éo đòi chồng nâng đỡ dậy". Ôi nghe cái cử chỉ nũng nịu ấy sao thấy <br />
xao xuyến và dễ thương đến lạ lùng, bỗng thấy phụ nữ phương Đông thật khổ hạnh, <br />
chắc chẳng bao giờ nghĩ tới việc được chồng đỡ đàn cho tí chút, chỉ chăm chăm cơm <br />
nước hầu hạ, chẳng khác con ở là mấy. Tất cả cũng chỉ tại cái lễ giáo cứng nhắc, bảo <br />
thủ một cách hài hước đã vùi dập làm cho cái đẹp đẽ trong tình cảm vợ chồng, cái yếu <br />
đuối, mong ước được chiều chuộng của người phụ nữ không có cơ hội ngóc đầu. Lời thơ <br />
của Cao Bá Quát cũng như tiếng thở dài và lòng ngưỡng mộ trước một thứ văn hóa xa lạ, <br />
nhưng tất cả những điều ông hằng quan sát từ vợ chồng người thiếu phụ nọ chỉ là cái cớ, <br />
cái bệ phóng cho hàng vạn những cảm xúc dồn nén từ đáy lòng bấy lâu. Chỉ một câu thơ <br />
cuối ta mới vỡ lẽ ra nhưng tâm tư kín đáo ấy của nhà thơ:<br />
"Biết đâu nỗi khách biệt ly này!"<br />
Hóa ra, nhà thơ đang nhìn cảnh vợ chồng họ tình cảm mà tự thấy xót xa cho thân phận xa <br />
quê, xa gia đình của mình đấy ư, quả thật đắng cay trăm ngàn. Chính tình cảm lứa đôi ấm <br />
nồng, khiến người ta phải thổn thức ghen tị đến đỏ mắt đã khiến ông mường tượng về <br />
người vợ nơi quê nhà, nỗi khát khao về một gia đình hạnh phúc, chồng vợ thuận hòa, hai <br />
bên đỡ đần mà lại tình cảm như thế kia thì tốt biết mấy. Câu thơ cuối là lời than của sự <br />
thiếu vắng nơi đất khách, đồng thời cũng thể hiện cái bản tính phóng khoáng , vẻ đẹp <br />
thật nhân văn, mới mẻ nơi tâm hồn người thi sĩ.<br />
Dương phụ hành là một tác phẩm có tính nhân văn sâu sắc, phản ánh khát khao sâu thẳm <br />
bên trong con người, không phân biệt màu da, tôn giáo ấy là nỗi niềm khát khao về một <br />
gia đình hạnh phúc, ấm áp, mong ước có được tình cảm gần gũi giữa vợ chồng. Đồng <br />
thời bài thơ cũng thể hiện một góc nhìn mới, một cái nhìn thật nhân văn, ấy là người phụ <br />
nữ có quyền được chở che, được nũng nịu và được thương yêu sau tất cả những gì họ hi <br />
sinh cho gia đình.<br />
<br />