Đề bài: Phân tích bức tranh thiên nhiên và con người trong bài thơ Chiều tối<br />
Bài làm<br />
Bác Hồ người Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, đã mở ra con đường cứu nước, <br />
giúp dân tộc ta có được độc lập, tự do, thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than. Người không chỉ là <br />
một con người đầy tài trí, tinh thông văn hóa các dân tộc mà còn là người am hiểu văn thơ. <br />
Nhật kí trong tù của Người là một trong những tập thơ xuất sắc nhất trong nền thơ ca <br />
Việt. Tập thơ đó được viết trong những năm tháng Người bị giam cầm ở nhà tù Tưởng <br />
Giới Thạch. Mỗi bài thơ là một câu chuyện Người kể lại về cuộc sống trong tù, là mơ <br />
ước, là khát khao được tự do của Người. Trong số đó, bài thơ Chiều tối là một bài thơ <br />
hay nhất, là bức tranh thiên nhiên và con người cùng hòa quyện.<br />
"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ<br />
Cô vân mạn mạn độ thiên không<br />
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc<br />
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng"<br />
Dịch thơ:<br />
"Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ<br />
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không<br />
Cô em xóm núi xay ngô tối<br />
Xay hết lò than đã rực hồng"<br />
Trong cả tập thơ Nhật kí trong tù, có lẽ Chiều tối là bài thơ có hoàn cảnh ra đời đặc biệt <br />
nhất. Bài thơ được gợi cảm hứng và được viết lên sau lần Bác Hồ phải chuyển trại giam <br />
từ Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Và trong lần ấy, Người đã viết lên Chiều tối để ca <br />
ngợi bức tranh thiên nhiên đẹp mơ màng cùng với đó là bức tranh về cuộc sống con người <br />
trong buổi chiều hôm. Được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cổ điển, bài thơ vừa là <br />
tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của Người, vừa thể hiện ý chí mãnh liệt vượt lên trên <br />
mọi hoàn cảnh của Hồ Chí Minh.<br />
Mở đầu bài thơ, Người đã vẽ lên cho người đọc thấy một khung cảnh thiên nhiên đẹp tới <br />
mơ màng, một khung cảnh vừa nhẹ nhàng, êm dịu, vừa đằm thắm, sinh động biết nhường <br />
nào:<br />
"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ<br />
Cô vân mạn mạn độ thiên không<br />
Dịch thơ:<br />
"Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ<br />
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không".<br />
Mở đầu bài thơ cổ với chỉ bằng vài nét bút chấm phá, Hồ Chí Minh đã cho chúng ta thấy <br />
được cả một không gian thật rộng lớn, mênh mông và thoáng đãng. Đó là một bầu trời với <br />
những cánh chim đang chao lượn "quyện điểu", lướt thật nhanh bay về rừng, và những <br />
chòm mây "cô vân" lác đác lững lờ giữa không trung. Hai câu thơ bật lên, chỉ gợi tả chứ <br />
không hề đặc tả vậy mà cái hồn của cảnh vật vẫn cứ hiện lên thật rõ ràng. Khung cảnh <br />
hiện lên thật bình dị: cảnh chiều với một đàn chim đang vỗ đôi cánh mệt mỏi tìm về với <br />
nơi trú ngụ của mình và những áng mây lẻ loi đang chập chờn bay chầm chậm giữa tầng <br />
không bao la. Chẳng hề có một từ chỉ cảnh chiều, thế mà chỉ cần đọc hai câu thơ thôi, <br />
người đọc vẫn nhận ngay ra rằng đây là một buổi chiều hoàng hôn ửng đỏ. Nghệ thuật <br />
lấy điểm tả diện đã phát huy tác dụng thật rõ ràng bởi sự vận dụng đầy sáng tạo của <br />
Người. Chỉ nhìn cánh chim kia, tầng mây kia, người ta dường như thấy được cả không <br />
gian đang trải rộng ra, bầu trời cao hơn, mênh mông hơn còn không gian thì thật êm đềm, <br />
tĩnh lặng. Chỉ là nét chấm phá nhẹ nhàng cơ bản, nhưng bức tranh thiên nhiên ở đây đã <br />
hiện lên thật đầy cảm xúc và màu sắc.<br />
Cũng như Nguyễn Du đã từng cảm thán:<br />
"Chim hôm thoi thót bay về rừng"<br />
Thì ở đây, Hồ Chí Minh cũng đã làm được điều tương tự. Chỉ với cánh chim chao nghiêng <br />
trên bầu trời chiều kia, Người đã gợi lên ý niệm không chỉ không gian mà còn cả về thời <br />
gian nữa. Chỉ bằng hai câu thơ rất mộc mạc thôi, Người đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên <br />
yên bình, tĩnh tại. Không như cánh chim trong câu ca dao "chim bay về núi tối rồi" hay <br />
trong câu thơ của Nguyễn Du đều có sự chuyển động đôi cánh "bay", cánh chim trong thơ <br />
của Người chỉ tĩnh lặng lướt nhẹ trên tầng không bởi vì nó đã rất mỏi mệt, chỉ muốn <br />
lướt nhẹ thật nhanh tìm về một "chốn ngủ" trong rừng của mình. Hình ảnh cánh chim <br />
trong thơ của Hồ Chí Minh dường như mang một nỗi niềm rất sâu sắc về tâm trạng, về <br />
cảm xúc. Cánh chim ấy có chăng chính là cảm xúc của Người trên con đường di chuyển <br />
tới nhà lao, mỏi mệt chỉ muốn tìm một "chốn ngủ", chốn trú chân trong cuộc hành trình <br />
để rồi ngày mai lại tiếp tục một hành trình mới? Có thể nhận ra rằng dường như có một <br />
sợi dây vô hình tương đồng nào đó trong cánh chim kia với tâm trạng của Người hay <br />
chăng?<br />
Không gian chiều tối ấy trong bài thơ, không chỉ có cánh chim chao lượn mà còn có cả <br />
những áng mây bồng bềnh. Người ta đã từng thấy nhiều áng mây khác trong thơ của <br />
Nguyễn Khuyến:<br />
"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt"<br />
Hay trong thơ của người xưa:<br />
"Mặt đất mây đùn cửa ải xa"<br />
Nhưng ở trong thơ Hồ Chí Minh, mây ấy lại khác vô cùng:<br />
"Cô vân mạn mạn độ thiên không"<br />
Không như Nguyễn Khuyến viết về tầng mây trong tiết trời thu, không buồn bã như trong <br />
thơ Đỗ Phủ với "mây đùn cửa ải", mây trong thơ của bác lại dường như chuyển động, dù <br />
cái chuyển động ấy chỉ rất nhẹ nhàng "trôi nhẹ":<br />
"Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không"<br />
Dù là một chất liệu vô cùng quen thuộc, thế nhưng Người vẫn dựng lên cho nó một cái <br />
hay rất riêng. Mây trong Chiều tối gợi lên sự cô đơn đến khó tả, đọc thơ Người mà ta như <br />
thấy cả một không gian cô đơn, quạnh quẽ đến nao lòng. Chỉ có một "chòm mây" riêng lẻ <br />
"cô vân", lững lờ trôi nhẹ, lãng đãng trên "tầng không". "Chòm mây" ấy phải chăng chính <br />
là con người đang cô đơn, đang lẻ loi, băn khoăn mà trăn trở, lo lắng cho tương lai của <br />
người tù rồi sẽ đi về đâu?<br />
Tóm lại, chỉ bằng hai câu thơ ngắn ngủi, thế nhưng Hồ Chí Minh đã vẽ lên một bức tranh <br />
thiên nhiên thôn dã thật yên bình biết mấy với những cánh chim trời và những làn mây <br />
trôi. Cánh chim trong thơ Người không mất hút trong không trung vô tận như thơ Lý Bạch <br />
"bầy chim một loạt bay cao" mà nó đang bay theo nhịp điệu yên bình bất tận của cuộc <br />
sống hiện thực: sáng đi kiếm ăn, chiều về nhà ngủ. Và đám mây kia, cũng không vồn vã, <br />
buồn tủi mà cũng đang trôi yên ả trong không gian thanh bình. Vậy mới biết, Bác Hồ dù <br />
đang trong cảnh lao ngục tù đày, phải sống trong cảnh đày đọa, thì Người vẫn giữ được <br />
hồn thơ, ý chí của mình vượt lên trên tất cả để có thể cảm nhận được cảnh sắc thiên <br />
nhiên, bức tranh thiên nhiên chiều tối đẹp và bình yên đến vậy. Quả thật là một ý chí <br />
"thép" của người làm cách mạng! Ta cũng thấy được trong đó sự ung dung của Người, <br />
phong thái đĩnh đạc của thi nhân dù Người đang trong vòng xiềng xích, lao tù.<br />
Nếu như trong hai câu đầu, nét bút chấm phá của Hồ Chí Minh đã gợi tả lên một khung <br />
cảnh thiên nhiên chiều tối đầy thanh bình thì ở hai câu sau, Người lại vẽ lên khung cảnh <br />
của cuộc sống con người nơi thôn dã:<br />
"Cô em xóm núi xay ngô tối<br />
Xay hết lò than đã rực hồng".<br />
Vẫn là nét bút chấm phá quen thuộc, nhưng ở đây Hồ Chí Minh còn sử dụng thêm biện <br />
pháp ước lệ của thơ ca cổ khi vẽ lên hình ảnh cô thôn nữ xóm núi. Vậy nên, bức tranh về <br />
cuộc sống con người ấy hiện lên thật chân thực và sống động. Trên nền của không gian <br />
nơi thôn dã, hình ảnh người thôn nữ trở thành nhân vật trung tâm của bức tranh. Hồ Chí <br />
Minh dù vẫn còn đang lê bước chân mình trong xiềng xích, thế nhưng Hồ Chí Minh vẫn <br />
cảm nhận được thật rõ vẻ đẹp của con người lao động.<br />
Nếu như ở hai câu thơ trên, hình ảnh thiên nhiên đang đi vào chiều tối, đàn chim cũng <br />
đang trở về tổ của mình để nghỉ ngơi sau một ngày mỏi mệt, và đám mây cũng lững lờ <br />
trôi nhàn tản trên bầu trời, thì hai câu sau, nhịp thơ lại nhanh hẳn lên để thể hiện nhịp <br />
sống của con người lao động. Khi thiên nhiên đang dần bước vào giai đoạn nghỉ ngơi thì <br />
con người vẫn đang tiếp tục nhịp sống thường ngày của mình và dường như nhịp sống ấy <br />
còn gấp gáp hơn nữa. Con người giờ đây trở thành chủ thể trung tâm của bức tranh thiên <br />
nhiên. Cô thôn nữ trong bức tranh thơ đang chăm chỉ lao động cần mẫn, không ngừng <br />
nghỉ, "ma bao túc" rồi lại "bao túc ma hoàn" một vòng lặp tuần hoàn. Những vòng quay <br />
lặp lại ấy đang vun vút xay ngô còn thời gian đang trôi dần đi trong tĩnh lặng. Con người <br />
trong thơ Bác chẳng tĩnh lặng, buồn tẻ như trong thơ bà Huyện Thanh Quan:<br />
"Lom khom dưới núi tiều vài chú<br />
Lác đác bên sông chợ mấy nhà"<br />
Mà con người ở đây dù trời xế tà thì họ vẫn đang vận động, đang lao động trong cuộc <br />
sống hằng ngày. Chính hành động ấy đã góp phần làm tăng thêm tính sống động, góp thêm <br />
hơi ấm con người cho bức tranh thiên nhiên thanh bình kia. Con người trong Chiều tối đã <br />
trở thành chủ thế làm chủ thiên nhiên chứ chẳng bị thiên nhiên bức ép như trong thơ cổ <br />
xưa nữa. Hai câu thơ tả thiên nhiên thật tĩnh lặng, im lìm đến nhường nào thì hai câu thơ <br />
này lại đột nhiên sôi nổi hẳn lên. Chính cuộc sống con người đã mang thêm phần hơi ấm <br />
cho khung cảnh thiên nhiên. Không chỉ vậy, Người còn gọi người con gái đang xay ngô <br />
bên bếp lửa kia là "sơn thôn thiếu nữ" một từ thật gợi lên bao nhiêu cảm xúc. "Thiếu <br />
nữ" một cô gái trẻ, tràn trề thanh xuân, đó là tiếng gọi thân thương, trìu mến, gợi tả <br />
niềm vui sướng, hân hoan khi bắt gặp con người chốn hoang sơ này.<br />
Hơn thế nữa, hình ảnh "cô em xóm núi" không xuất hiện một mình đơn độc như cánh <br />
chim ở trên mà bên cạnh còn là một "lò than" nóng hổi đang dần "rực hồng". Trong một <br />
buổi chiều tà dần tối, không khí đang dần trở lên cóng lạnh thì một bếp lửa hồng ánh lên <br />
kia thật làm người ta ấm lòng biết bao. Chẳng những nó sưởi ấm không khí mà còn sưởi <br />
ấm cả tâm hồn của người thi sĩ. Nó ấm áp và lan tỏa biết nhường nào. Bếp lửa "rực <br />
hồng" ấy qua con mắt tinh tế của người thi sĩ cũng thể hiện niềm lạc quan, niềm tin <br />
tưởng của người cộng sản rằng ngày mai sẽ luôn tươi sáng, rực hồng như bếp lửa kia.<br />
Từng câu thơ trong Chiều tối của Hồ Chí Minh chẳng hề nhắc tới một khái niệm thời <br />
gian, thế nhưng từ khi nhìn thấy bức tranh thiên nhiên rồi đến bức tranh con người, người <br />
đọc vẫn nhận thấy sự luân chuyển của thời gian theo cánh chim, theo làn mây, theo cả <br />
những vòng quay xay ngô của cô thôn nữ. Cô thôn nữ xay xong ngô thì lò than cũng hồng <br />
rực lên, tức là trời đã sập tối hẳn. Buổi chiều qua rồi buổi tối đến nhưng cái tối của buổi <br />
đêm không hề âm u mà lại rất ấm áp, rất sáng bởi có bếp lửa hồng đã làm rực lên tất cả. <br />
Sự vận động, luân chuyển liên tục từ sáng vào tối rồi lại từ tối trở lại sáng. Nếu cả bài <br />
thơ là một bầu trời lẻ loi, cô đơn buồn tủi thì hai câu thơ cuối với sự xuất hiện của con <br />
người, của bếp lửa đã làm ấm lòng người thi sĩ và người đọc chúng ta rất nhiều. Cô thôn <br />
nữ và bếp lửa hồng đã châm lên ngọn lửa sưởi ấm cả khung cảnh cô đơn của người tù xa <br />
quê nơi xứ người. Cũng từ đó, nó như tiếp thêm cho con người đang bị xiềng xích kia <br />
niềm tin và sức mạnh, niềm lạc quan để vượt qua nghịch cảnh khó khăn này.<br />
Bài thơ Chiều tối là sự kết hợp của bức tranh thiên nhiên và bức tranh con người lao <br />
động. Bức tranh thiên nhiên tĩnh lặng nhưng bức tranh con người lại sinh động, chân thực <br />
và ấm áp vô cùng. Tổng thể của bức tranh ấy là tâm hồn yêu thiên nhiên, niềm lạc quan, <br />
tin tưởng của người tù xa quê vào cuộc sống, vượt lên trên nghịch cảnh.<br />
Bằng thể thơ cổ thất ngôn tứ tuyệt cùng với các biện pháp chấm phá, ước lệ cổ điển, Hồ <br />
Chí Minh đã vẽ lên bức tranh Chiều tối thật hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Có thể <br />
nói, đây là một trong những bài thơ hay nhất trong các tác phẩm thơ ca của Hồ Chủ tịch. <br />
Không chỉ thể hiện tình yêu thiên nhiên, niềm tin cuộc sống mà nó còn thể hiện một tinh <br />
thần, ý chí sắt đá trong tâm hồn thi sĩ của Hồ Chí Minh.<br />
Bài làm 2<br />
Bài thơ “Chiều tối” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất nằm trong tập “Nhật ký <br />
trong tù” của Hồ Chí Minh. Bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh Người đang trên đường <br />
bị áp giải chuyển lao từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Có thể nói bài thơ như <br />
một bức tranh hài hòa, giao quyện giữa bức tranh thiên nhiên và cuộc sống của con người, <br />
hay chính là sự kết hợp giữa bức tranh hiện thực đời sống và tinh thần thép của người tù <br />
cộng sản Hồ Chí Minh.<br />
Có người nào được như Bác, có tinh thần nào lạc quan và yêu đời hơn tinh thần của Bác? <br />
Dù trong hoàn cảnh bị chuyển lao cực khổ nhưng trên đường đi Bác vẫn dùng tâm hồn <br />
yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của mình để ghi lại những khung cảnh thiên nhiên và con <br />
người để rồi qua đó gửi gắm những nỗi niềm, tâm sự và cảm xúc thầm kín của mình. Mở <br />
đầu bài thơ là cảm xúc của người thi sĩ trước cảnh thiên nhiên vùng rừng núi khi chiều tà <br />
sẩm tối:<br />
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ<br />
Cô vân mạn mạn độ thiên không”<br />
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ<br />
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)<br />
Cảnh chiều tối vùng sơn cước hiện lên rộng lớn, mênh mông nhưng hoang vắng, tĩnh <br />
mịch, người thi sĩ đã sử dụng bút pháp chấm phá của thơ cổ điển để tạo nên vẻ đẹp của <br />
bức tranh. Bằng những hình ảnh như cánh chim, chòm mây vốn đã quen thuộc trong thơ ca <br />
cổ, tác giả đã gợi lên không gian cuối ngày, một ngày đang dần tan trôi từ từ vào đêm tối, <br />
thời khắc cuối cùng của mọi hoạt động ban ngày. Trong không gian mênh mông, bóng <br />
đêm đang dần bao trùm xuống vạn vật ấy, những hình ảnh này tuy nhỏ bé, mờ nhạt <br />
nhưng lại làm tăng thêm sự trống trải, hoang vắng của cảnh núi rừng, đồng thời khắc họa <br />
rõ sự cô đơn của người tù cách mạng đang một thân một mình nơi đất khách quê người. <br />
Cánh chim mệt mỏi bởi chính không gian rộng lớn làm nó bay mải miết, về rừng tìm <br />
chốn ngủ đã nhấn mạnh đến thời điểm kết thúc ngày, cánh chim đã mỏi sau một ngày <br />
hoạt động, phải tìm nơi dừng chân, chỗ trú ngụ. Còn người chiến sĩ cách mạng dù cũng <br />
đã mệt mỏi nhưng biết bao giờ mới được dùng chân và cũng không biết sẽ dừng chân tại <br />
đâu. Hình ảnh “Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không” gợi ra sự lững lờ, ung dung tự tại <br />
nhưng lại có phần đơn độc, lẻ loi của người tù cách mạng đang lưu lạc. Mây trôi nhẹ <br />
giữa không gian rộng lớn còn gợi sự chậm chạp, khắc khoải trong mơ hồ, cũng giống <br />
như Người, trên đường chuyển lao Người băn khoăn trăn trở không biết được tương lai <br />
sẽ đi đến đâu, còn cả sự nghiệp cách mạng phía trước sẽ ra sao.<br />
Bỗng trong không gian thiên nhiên ấy hiện lên bóng dáng của con người, sự sống của con <br />
người đã làm sống dậy bức tranh, trở thành tâm điểm của cả bức tranh. Sự xuất hiện của <br />
cuộc sống con người đã xua tan đi nỗi cô đơn, lẻ loi của người tù cách mạng:<br />
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,<br />
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”<br />
(Cô em xóm núi xay ngô tối,<br />
Xay hết lò than đã rực hồng)<br />
Nơi thôn quê miền sơn cước có bóng dáng của một thiếu nữ đang xay ngô chuẩn bị cho <br />
bữa tối, quả thực đây là một hình ảnh cảnh tượng hết sức đời thường, bình dị và dân dã. <br />
Thế nhưng chính cái đời thường ấy lại là chất xúc tác mạnh mẽ mang đến những cảm <br />
xúc phi thường trong tâm hồn người thi sĩ. Nơi miền sơn cước khi chiều tối vắng vẻ lại <br />
hiện lên hình ảnh cô gái thôn nữ đang mải miết xay ngô, một hình ảnh tuyệt đẹp về con <br />
người trong lao động. Chính vẻ trẻ trung, hăng say lao động ở cô thôn nữ đã xua tan đi cái <br />
âm u, tĩnh mịch và hoang vắng của núi rừng khi vào đêm. Những hoạt động sinh hoạt đời <br />
thường gợi lên trong lòng tác giả cảm giác ấm cúng hạnh phúc và no đủ, hơn thế hoạt <br />
động của con người chính là hơi ấm của sự sống, không chỉ xua tan đi nỗi cô đơn mà còn <br />
mang đến niềm vui trong lòng người tù trên miền đất xa lạ. Hình ảnh “lô dĩ hồng” lò <br />
than rực hồng kết thúc bài thơ và cũng chính là nhãn tự của bài thơ, từ điểm nhìn này bức <br />
tranh đời sống con người trở nên ấm áp hơn, màu hồng của lò than là ánh sáng của hy <br />
vọng, của niềm tin và sức sống. Điểm nhìn này cũng quay ngược trở lại khắc họa rõ thời <br />
khắc chuyển giao từ ngày sang tối của thời gian, không gian. Màn đêm đã bao phủ toàn bộ <br />
cảnh vật, đến nỗi chỉ một lò than có thể rực hồng nổi bật trong đêm tối của rừng núi sơn <br />
cước.<br />
Bài thơ “Chiều tối” thực sự là một bức tranh tuyệt đẹp, hài hòa giữa những mảng sáng và <br />
tối, thiên nhiên và con người. Người tù cộng sản Hồ Chí Minh đã bằng những nét tinh tế, <br />
trong trẻo nhất của tâm hồn yêu thiên nhiên, cuộc sống để có thể vẽ nên một bức tranh <br />
kỳ diệu trong hoàn cảnh đặc biệt trên đường đi chuyển lao tù.<br />
<br />