PHÂN TÍCH CÁC CHỈ TIÊU TÍNH THUẾ NHẰM PHÁT HIỆN<br />
SAI SÓT, GIAN LẬN TRONG KHAI BÁO THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG<br />
Ở CÁC DOANH NGHIỆP<br />
<br />
NGUYỄN KHẮC HÙNG(*)<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
<br />
Hiện nay việc kiểm tra thuế của cơ quan thuế đối với các doanh nghiệp thực hiện theo “Luật<br />
quản lí thuế” và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo “Luật quản lí thuế” và các văn<br />
bản hướng dẫn, cán bộ thuế thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp chủ yếu là kiểm tra chi tiết các<br />
Hóa đơn chứng từ để phát hiện sai sót gian lận. Tuy nhiên, cơ quan thuế không thể kiểm tra hết<br />
toàn bộ Hóa đơn chứng từ trong nhiều năm liền ở một doanh nghiệp, việc kiểm tra chi tiết gặp<br />
nhiều khó khăn. Sau đó, cơ quan thuế có phát hành tài liệu hướng dẫn, trình bày cụ thể, chi tiết<br />
các phương pháp kiểm tra cho cán bộ thuế, trong đó có đề cập đến phương pháp phân tích các<br />
chỉ tiêu tính thuế để phát hiện các bất thường, nghi vấn trong khai báo thuế ở các doanh nghiệp,<br />
từ đó mới đi vào kiểm tra chi tiết các tài liệu, hóa đơn chứng từ. Tuy nhiên, các phương pháp<br />
phân tích này vẫn còn mang tính chung chung, khó có thể áp dụng để phát hiện nghi vấn, bất<br />
thường một cách chính xác.<br />
Do đó, trong bài viết này, tác giả đánh giá lại những ưu nhược điểm của phương pháp phân tích<br />
các chỉ tiêu tính thuế mà cơ quan thuế đưa ra, từ đó đề xuất thêm các phương pháp phân tích,<br />
kiểm tra để phát hiện nghi vấn, bất thường trong kê khai thuế một cách chính xác hơn, khoanh<br />
vùng nghi vấn để đi vào kiểm tra chi tiết nhằm phát hiện gian lận sai sót trong khai báo thuế giá<br />
trị gia tăng ở các doanh nghiệp. Bài viết đã vận dụng các phương pháp phân tích hoạt động kinh<br />
doanh để phân tích các chỉ tiêu cần thiết, đóng góp thêm cơ sở lí luận để vận dụng lí luận vào<br />
thực tiễn một cách hiệu quả.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
<br />
At present, tax audit made by tax offices of businesses is based on “Tax Control Law” and on<br />
guidance documents issued by the Ministry of Finance. According to “Tax Control Law” and<br />
guidance documents, tax employees inspect businesses mainly for detection of errors and fraud<br />
cases in the details of invoices and documents. Tax offices, however, find it impossible to inspect<br />
the whole invoices and documents of many successive years in a business because detailed<br />
inspection will face a lot of difficulties. Tax offices then issue guidance documents with concrete<br />
examples and auditing methods for tax employees, including analysis of taxed expenditures to<br />
detect unusual and questionable details in tax declaration of businesses, from which auditing<br />
details of documents and invoices would be possible. These analytical methods, however, still<br />
sound general and it is impossible to detect exactly what is unusual and questionable.<br />
Therefore, in this writing, the author has re-evaluated the advantages and disadvantages of the<br />
analytical methods of taxed expenditures provided by the tax offices and suggested further<br />
analytical methods to detect exactly what is unusual and questionable in tax declaration, localize<br />
questionable areas so as to check details with the aim of detecting errors and fraud cases in<br />
V.A.T. tax declaration in businesses. The writing has also applied the analytical methods of<br />
business activities to analyze necessary details, thus contributing to the reasoning basis for its<br />
effective application in reality.<br />
<br />
1. ĐẶT VẤN ĐỀ<br />
<br />
<br />
<br />
TS, Khoa Tài chính – Kế toán, Trường Đại học Sài Gòn<br />
(*)<br />
Từ khi luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ra đời, hệ<br />
thống thuế Việt Nam nhiều lần sửa đổi bổ sung, phát triển và hoàn thiện. Tuy nhiên hiện tượng<br />
gian lận thuế, trốn thuế vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Trốn thuế đã trở thành chuyện bình thường<br />
của một bộ phận doanh nghiệp. Các cơ quan thuế phát hiện nhiều trường hợp gian lận thuế, trốn<br />
thuế, nhưng số vụ phát hiện được chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chưa kể thói quen mua<br />
bán không lấy Hoá đơn của một số khách hàng, cộng với thanh toán bằng tiền mặt là mảnh đất<br />
màu mỡ cho các hiện tượng gian lận thuế phát triển. Người ta xem đó là chuyện mua bán bình<br />
thường, mặc dù thực chất là mua bán bất hợp pháp.<br />
<br />
2. NỘI DUNG<br />
<br />
Đối tượng trốn thuế thường xảy ra ở các doanh nghiệp mua bán không qua Ngân hàng, thanh<br />
toán chủ yếu bằng tiền mặt, thường gặp ở các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu<br />
hạn có quy mô vừa và nhỏ.<br />
<br />
Với thủ đoạn gian lận thuế đầu vào, bằng cách mua bán các chứng từ Hoá đơn giả hoặc Hoá đơn<br />
thật (của Bộ Tài Chính) của những công ty chuyên mua bán Hoá đơn. Mục đích của những tờ<br />
Hoá đơn này là khai man thuế GTGT đầu vào để được khấu trừ thuế, hoàn thuế. Hiện tượng này<br />
thường gặp ở các doanh nghiệp mua hàng trôi nổi, các chi phí không có Hoá đơn chứng từ cần<br />
khai man Hoá đơn đầu vào để được khấu trừ với thuế đầu ra. Hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu<br />
xin hoàn thuế GTGT đầu vào, cần có những tờ Hoá đơn khống đầu vào và bộ chứng từ xuất khẩu<br />
có xác nhận của Hải quan để được hoàn thuế. Với những tờ Hoá đơn giả không phải do Bộ Tài<br />
chính phát hành, việc xác minh để phát hiện thật giả không phải khó, cái khó là trong hàng ngàn<br />
tờ Hóa đơn, không thể xác minh hết để phát hiện tờ nào thật, tờ nào giả. Còn đối với những tờ<br />
Hóa đơn thật (do Bộ Tài Chính phát hành) của những Công ty chuyên mua bán Hóa đơn bất hợp<br />
pháp, việc phát hiện những tờ Hóa đơn này cũng hết sức khó khăn.<br />
<br />
Đối với thuế GTGT đầu ra, gian lận thuế GTGT thường biểu hiện trong việc khai thấp giá bán<br />
trên Hóa đơn nhằm làm giảm số thuế GTGT phải nộp hoặc không viết Hóa đơn khi bán hàng.<br />
Muốn thực hiện được việc này, doanh nghiệp phải bán hàng cho các đối tượng không lấy Hóa<br />
đơn, thanh toán bằng tiền mặt. Phát hiện các trường hợp này hiện nay hầu như không thể.<br />
<br />
Như vậy, nhận diện đúng đối tượng và thủ đoạn gian lận thuế sẽ dễ dàng tìm ra biện pháp khắc<br />
phục. Tuy nhiên, nếu không đánh giá đúng đắn những hạn chế trong công tác kiểm tra thuế của<br />
cơ quan thuế và nguyên nhân của nó, sẽ không chặn đứng được hiện tượng gian lận thuế vẫn còn<br />
tồn tại khá phổ biến ở nước ta hiện nay. Các nguyên nhân có thể tóm tắt như sau:<br />
- Số lượng doanh nghiệp quá nhiều, trong khi việc kiểm tra phát hiện chủ yếu bằng thủ công do<br />
hệ thống thông tin quản lí của cơ quan thuế còn lạc hậu, dẫn đến việc xác minh để phát hiện gian<br />
lận còn chậm.<br />
- Việc phạt thuế, truy thu thuế của ta chưa đủ nặng để mang tính răn đe.<br />
- Các tiêu cực trong ngành thuế vẫn còn tồn tại, đây là một thực tế khó tìm được bằng chứng,<br />
biến tướng dưới nhiều hình thức và khó có thể phát hiện.<br />
- Mặc dù cơ quan thuế có hướng dẫn các phương pháp kiểm tra như: xác minh, so sánh, đối<br />
chiếu, phân tích và phỏng vấn. Tuy nhiên các hướng dẫn này vẫn còn mang tính chung chung,<br />
việc áp dụng thành công các phương pháp này tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng cán bộ thuế.<br />
<br />
Để phát hiện gian lận, sai sót trong khai báo thuế ở các doanh nghiệp, cơ quan thuế phải thực<br />
hiện kiểm tra. Các bước kiểm tra của cơ quan thuế gồm:<br />
<br />
- Kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ khai thuế<br />
- Kiểm tra thời hạn nộp hồ sơ khai thuế<br />
- Kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ khai thuế<br />
- Kiểm tra căn cứ tính thuế trong hồ sơ khai thuế<br />
<br />
Kiểm tra căn cứ tính thuế trong hồ sơ khai thuế là bước quan trọng nhằm phát hiện gian lận, sai<br />
sót; ở bước này cơ quan thuế sẽ kiểm tra thuế GTGT đầu vào, kiểm tra thuế GTGT đầu ra và so<br />
sánh mối quan hệ giữa thuế GTGT đầu ra và đầu vào.<br />
<br />
Quá trình kiểm tra căn cứ tính thuế trong hồ sơ khai báo thuế, người ta thường thực hiện phân<br />
tích các chỉ tiêu tính thuế nhằm phát hiện các biến động bất thường, yêu cầu các đơn vị kinh<br />
doanh thuyết minh, sau đó mới đi vào kiểm tra chi tiết. Thủ tục phân tích thực hiện tốt sẽ giảm<br />
được các kiểm tra chi tiết. Tuy nhiên thủ tục phân tích thực tế ít được quan tâm đúng mức, việc<br />
hướng dẫn phân tích cho cán bộ thuế còn mang tính chung chung, do đó hiệu quả phân tích để<br />
phát hiện sai sót, gian lận không cao. Cơ quan thuế thường tập trung kiểm tra chi tiết các Hóa<br />
đơn. Nhưng người ta không thể kiểm tra hết toàn bộ hồ sơ chứng từ liên tục trong nhiều năm để<br />
phát hiện sai sót. Phân tích các chỉ tiêu tính thuế trở thành công cụ không thể thiếu được trong<br />
kiểm tra các chỉ tiêu tính thuế.<br />
<br />
2.1. Phân tích và kiểm tra thuế GTGT đầu ra<br />
<br />
Theo hướng dẫn của cơ quan thuế, thủ tục phân tích và kiểm tra gồm các công việc sau:<br />
<br />
- Đối chiếu số liệu giữa tờ khai thuế GTGT với bảng kê Hóa đơn hàng hoá dịch vụ bán ra để phát<br />
hiện mâu thuẫn giữa các số liệu.<br />
<br />
- Kiểm tra nội dung ghi trên tờ khai ( tên người mua, mã số thuế…) tính liên tục của hàng hoá<br />
dịch vụ bán ra theo các Hóa đơn kê khai.<br />
<br />
- Kiểm tra mức thuế suất GTGT của hàng hoá dịch vụ bán ra có phù hợp với chính sách quy<br />
định và từng bảng kê trong tháng trước.<br />
<br />
- Phân tích mức độ biến động thuế GTGT đầu ra:<br />
+ Thuế GTGT đầu ra năm nay – Thuế GTGT đầu ra năm trước.<br />
+ Nếu chỉ tiêu này lớn hơn 0 có thể nhận xét bình thường.<br />
+ Nếu chỉ tiêu này nhỏ hơn 0; cần kiểm tra các bảng kê hàng hóa dịch vụ bán ra hàng tháng, so<br />
sánh với năm trước để nhận xét các dấu hiệu nghi vấn.<br />
<br />
Với phương pháp kiểm tra trên, cơ quan thuế hoàn toàn không thể phát hiện các trường hợp gian<br />
lận về giá bán, khai giá bán thấp để giảm số thuế GTGT phải nộp, không viết đủ Hóa đơn đầu ra.<br />
Các trường hợp này xuất hiện nhiều ở các đơn vị ăn uống và các đơn vị xây dựng mà cơ quan<br />
thuế đã từng khuyến cáo. Ngoài ra còn xuất hiện ở hầu hết các đơn vị kinh doanh mua bán thanh<br />
toán bằng tiền mặt, không qua Ngân hàng. Cơ quan thuế hầu như cho đến nay chưa tìm ra các<br />
giải pháp hữu hiệu nào đối với các trường hợp này.<br />
<br />
Đối với các doanh nghiệp trên, không thể sử dụng các phương pháp kiểm tra, phân tích như đã<br />
nêu ở trên. Đặc biệt không chỉ đơn giản so sánh thuế đầu ra năm nay với thuế đầu ra năm trước<br />
để phát hiện các dấu hiệu nghi vấn. Chúng ta cần so sánh thuế đầu ra với đầu vào, xác định thuế<br />
GTGT còn phải nộp cho Nhà nước hàng tháng, đồng thời phân tích lợi nhuận của doanh nghiệp<br />
trên vốn chủ sỡ hữu. Với doanh thu khai báo thuế GTGT, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ<br />
sỡ hữu luôn thấp hơn lãi suất tiền gửi Ngân hàng là biểu hiện không bình thường. Có thể so sánh<br />
với các doanh nghiệp cùng ngành để có kết luận chính xác. Như vậy chỉ trên phân tích là tổng<br />
doanh thu, tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu, thuế GTGT phải nộp (sau khi khấu trừ<br />
thuế GTGT đầu vào). Doanh thu cao, số thuế GTGT nộp ít, tỉ suất lợi nhuận không đáng kể đều<br />
thuộc diện nghi vấn.<br />
Để phát hiện và đi đến phạt thuế, truy thu thuế các doanh nghiệp này là điều khó khăn. Thanh<br />
toán bằng tiền mặt đã nuôi dưỡng các doanh nghiệp này. Muốn chặn đứng hoàn toàn các trường<br />
hợp này chỉ có giải pháp thanh toán qua Ngân hàng đối với các doanh nghiệp, thanh toán qua thẻ<br />
đối với các cá nhân. Do đó, hiện nay luật thuế GTGT đã có điều chỉnh và quy định rõ các giao<br />
dịch có giá trị thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện thanh toán qua Ngân hàng. Như<br />
vậy, vẫn còn kẽ hở cho những khoản thanh toán dưới 20 triệu đồng. Trong tương lai, quy định<br />
thanh toán qua Ngân hàng có thể mở rộng với những số tiền thanh toán nhỏ hơn và tiến tới toàn<br />
bộ các khoản thanh toán đều thực hiện qua Ngân hàng. Hoặc, chờ luật thuế thu nhập cá nhân sửa<br />
đổi, mọi khoản kê khai để được giảm trừ thuế phải có Hóa đơn, lúc đó tình trạng mua bán không<br />
có Hóa đơn mới thực sự chấm dứt.<br />
<br />
2.2. Phân tích và kiểm tra thuế GTGT đầu vào<br />
<br />
Theo hướng dẫn của cơ quan thuế, thủ tục phân tích và kiểm tra gồm các công việc sau:<br />
<br />
- Đối chiếu số liệu giữa tờ khai thuế GTGT với bảng kê Hóa đơn hàng hoá dịch vụ mua vào để<br />
phát hiện sự mâu thuẫn giữa các số liệu.<br />
<br />
- Kiểm tra ngày tháng năm phát hành Hóa đơn để phát hiện những Hóa đơn hàng hoá dịch vụ<br />
mua vào kê khai quá thời hạn được kê khai thuế.<br />
<br />
- Kiểm tra các nội dung ghi trên tờ khai thuế (tên người bán, mã số thuế…) mức thuế suất của<br />
hàng hoá dịch vụ mua vào.<br />
<br />
- Kiểm tra bảng phân bổ số thuế GTGT của hàng hoá dịch vụ mua vào được khấu trừ trong kì<br />
(nếu có).<br />
<br />
- Phân tích mức độ biến động thuế GTGT đầu vào:<br />
+ Thuế GTGT đầu vào năm nay – Thuế GTGT đầu vào năm trước<br />
+ Nếu chỉ tiêu này nhỏ hơn 0 có thể nhận xét bình thường.<br />
<br />
Nếu chỉ tiêu này lớn hơn 0, yêu cầu người nộp thuế giải trình các nguyên nhân dẫn đến thuế<br />
GTGT đầu vào năm nay lớn hơn năm trước (ví dụ như hàng hóa mua vào còn tồn kho, đầu tư<br />
mua sắm TSCĐ trong kỳ tăng so với năm trước, giá bán hàng hóa thấp hơn giá mua, v.v.)<br />
<br />
Với phương pháp kiểm tra trên, cơ quan thuế không phát hiện các tờ Hóa đơn thật (do Bộ tài<br />
chính phát hành) của các công ty chuyên mua bán Hóa đơn bất hợp pháp. Chỉ khi nào cơ quan<br />
thuế phát hiện được các công ty này, hiện tượng mua bán Hóa đơn mới chấm dứt. Như vậy, gian<br />
lận thuế đầu vào do mua Hóa đơn của các công ty chuyên mua bán Hóa đơn, tuy khó nhưng cơ<br />
quan thuế hoàn toàn có thể phát hiện được. Cơ quan thuế đã từng đưa ra các khuyến cáo để nhận<br />
diện công ty chuyên mua bán Hóa đơn như sau:<br />
<br />
- Không có hàng hoá tồn kho.<br />
<br />
- Tất cả những hàng hoá, dịch vụ bán ra thể hiện tại bảng kê hàng hoá, dịch vụ bán ra đều tương<br />
ứng với dịch vụ hàng hoá mua vào thể hiện ở bảng kê hàng hoá, dịch vụ mua vào. Giá trị hàng<br />
hoá dịch vụ mua vào, bán ra thường lớn và giá trị chênh lệch thường không có hoặc rất thấp.<br />
<br />
- Doanh thu phát sinh thường lớn hơn nhiều so với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp<br />
<br />
Cùng với việc phân tích để phát hiện những bất thường trong kê khai thuế đầu vào của cơ quan<br />
thuế bằng cách so sánh thuế đầu vào năm nay so với thuế đầu vào năm trước. Nếu chỉ tiêu này<br />
nhỏ hơn 0 có thể nhận xét bình thường. Chỉ tiêu này lớn hơn 0, yêu cầu người nộp thuế giải trình<br />
các nguyên nhân dẫn đến thuế đầu vào năm nay lớn hơn năm trước. Việc phân tích trên chắc<br />
chắn không phát hiện điều gì trong việc khai man thuế đầu vào. Chỉ tiêu thuế đầu vào tăng so với<br />
năm trước, không hề biểu hiện sự bất thường trong kinh doanh.<br />
<br />
Muốn phát hiện sự bất thường trong kê khai thuế GTGT đầu vào, phải kiểm soát được các vật tư,<br />
hàng hóa, tài sản, chi phí, đã được sử dụng như thế nào, với nguyên tắc sau đây: Hàng hóa mua<br />
vào sẽ được bán ra, vật tư mua vào sẽ được dùng hết vào sản xuất, chi phí khác đều được phục<br />
vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Có nghĩa là, các yếu tố chi phí đầu vào phải cấu thành<br />
nên sản phẩm hàng hóa, khi sản phẩm hàng hóa bán ra, Nhà nước sẽ thu được toàn bộ số thuế<br />
GTGT của số sản phẩm hàng hóa này, đó là biểu hiện bình thường. Nếu có một bộ phận vật tư,<br />
hàng hóa, tài sản, chi phí không tham gia cấu thành sản phẩm hàng hóa, thuế GTGT của bộ phận<br />
vật tư, hàng hóa, tài sản, chi phí này không thu hồi được, đây là hiện tượng thất thoát thuế. Ví dụ<br />
như Tài sản cố định mua vào được kê khai khấu trừ thuế GTGT, TSCĐ này tham gia vào quá<br />
trình sản xuất tạo ra sản phẩm, thuế GTGT được thu hồi khi bán sản phẩm hàng hóa. Nếu ngừng<br />
tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, khi thanh lý nhượng bán phải kê khai nộp thuế,<br />
không kê khai nộp thuế là biểu hiện trốn thuế.<br />
<br />
Do đó, chúng ta cần phân loại thuế GTGT đầu vào của vật tư, hàng hóa, tài sản, chi phí thành 3<br />
nhóm để kiểm soát thuế GTGT từng nhóm cho đến khi các nhóm này đưa vào sử dụng cho hoạt<br />
động sản xuất kinh doanh:<br />
- Thuế GTGT vật tư hàng hoá.<br />
- Thuế GTGT của Tài sản cố định.<br />
- Thuế GTGT của chi phí sản xuất trong kỳ.<br />
<br />
Đối với hàng hoá, sẽ được kiểm soát bằng bảng cân đối nhập xuất tồn. Tổng trị giá hàng hoá<br />
mua vào thể hiện ở bảng kê hàng hoá dịch vụ mua vào phải khớp với tổng trị giá hàng hoá nhập<br />
mua trên bảng cân đối nhập xuất tồn. Trường hợp có nhập khác như nhập nội bộ, nhập bị trả lại<br />
phải tách thành cột riêng trên bảng cân đối nhập xuất tồn. Hàng hoá mua vào được khấu trừ thuế<br />
GTGT và được kiểm soát cho tới khi bán ra. Khi hàng hóa bán ra, doanh nghiệp phải kê khai nộp<br />
thuế GTGT, luân chuyển hàng hoá mua vào bán ra đều được thể hiện và kiểm soát trên bảng cân<br />
đối nhập xuất tồn.<br />
<br />
Vật tư mua vào sản xuất cũng được kiểm soát bằng bảng cân đối nhập xuất tồn như đối với hàng<br />
hóa. Vật tư mua vào được khấu trừ thuế GTGT và được kiểm soát cho tới khi xuất dùng vào sản<br />
xuất sản phẩm.<br />
<br />
Thuế GTGT của TSCĐ có thể kiểm soát trên sổ TSCĐ, tương tự như đối với vật tư hàng hoá.<br />
Tài sản cố định phải được dùng vào sản xuất kinh doanh.<br />
<br />
Đối với thuế GTGT của chi phí sản xuất kinh doanh phát sinh trong kỳ khó kiểm soát hơn. Đây<br />
là mắt xích yếu nhất, dễ xảy ra gian lận thuế mà cơ quan thuế khó phát hiện. Đặc biệt các chi phí<br />
dịch vụ mua ngoài và các chi phí bằng tiền khác. Ví dụ như chi phí vận chuyển, sữa chữa, tiếp<br />
khách, v.v. Phân tích những bất thường trong kê khai thuế GTGT đầu vào đối với những khoản<br />
mục chi phí này phải kết hợp phân tích các biến động từng khoản mục chi phí và phân tích lợi<br />
nhuận để có kết luận chính xác.<br />
<br />
Tóm lại, kiểm tra bảng kê thuế đầu vào cộng với phương pháp phân tích so sánh thuế đầu vào<br />
năm nay so với năm trước của cơ quan thuế, chắc chắn không giúp chúng ta phát hiện bất cứ<br />
điều gì trong gian lận thuế đầu vào. Cơ quan thuế cần phân loại và kiểm soát thuế GTGT của vật<br />
tư, hàng hóa, tài sản, chi phí và phân tích tình hình sử dụng các yếu tố đầu vào này theo 3 nhóm<br />
trên mới có thể phát hiện những bất thường trong kê khai thuế GTGT đầu vào.<br />
2.3. Phân tích chỉ tiêu thuế GTGT phải nộp<br />
<br />
Theo hướng dẫn của cơ quan thuế, thủ tục phân tích như sau:<br />
<br />
Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào.<br />
<br />
- Nếu chỉ tiêu này lớn hơn 0: có thể nhận xét bình thường.<br />
<br />
- Nếu chỉ tiêu này nhỏ hơn 0: yêu cầu người nộp thuế giải trình các nguyên nhân dẫn đến thuế<br />
GTGT phát sinh âm. (Ví dụ như hàng hoá mua vào còn tồn kho, đầu tư mua sắm TSCĐ trong kỳ,<br />
bán hàng hoá giá bán thấp hơn giá mua…).<br />
<br />
Nếu chỉ tiêu này nhỏ hơn 0, nghĩa là thuế GTGT đầu ra thấp hơn thuế GTGT đầu vào, nếu kéo<br />
dài trong nhiều tháng và thường đi kèm với tình trạng kinh doanh không có lãi là hiện tượng bất<br />
thường. Các doanh nghiệp này không khó để cơ quan thuế phát hiện.<br />
<br />
Chỉ tiêu này lớn hơn 0, không thể nhận xét bình thường như hướng dẫn của cơ quan thuế. Hiện<br />
tượng gian lận thuế vẫn xảy ra đối với thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế GTGT đầu vào. Người ta<br />
không gian lận toàn bộ mà chỉ gian lận một phần thuế GTGT phải nộp, như khai man một phần<br />
thuế GTGT của vật tư hàng hóa, tài sản, hoặc một vài Hóa đơn chi phí phát sinh trong kì, thuế<br />
GTGT phải nộp vẫn đảm bảo lớn hơn 0.<br />
<br />
Đối với vật tư hàng hoá, chúng ta kiểm soát nhập xuất tồn hàng hoá trên bảng cân đối nhập xuất<br />
tồn. Nếu có một bộ phận hàng hóa xuất không phải bán mà cơ quan thuế không thể kiểm soát<br />
được (như xuất bán nhưng khai man là xuất nội bộ, xuất biếu tặng, v.v không ghi hoá đơn),<br />
chứng tỏ một số tiền thuế GTGT không thu hồi được trong trường hợp này. Do đó, cột xuất trên<br />
bảng cân đối nhập xuất tồn hàng hóa phải chia thành 2 cột: xuất bán và xuất khác. Sản phẩm,<br />
hàng hoá bán ra ở cột xuất bán trên bảng cân đối nhập xuất tồn phải đối chiếu giá vốn hàng bán<br />
và doanh thu bán hàng trong kì, có Hóa đơn bán ra nhằm đảm bảo thu được thuế GTGT của số<br />
hàng hóa này. Hàng hóa xuất khác phải kiểm soát từng trường hợp, chống hiện tượng thất thu<br />
thuế đối với số hàng hóa này.<br />
<br />
Đối với vật tư dùng vào sản xuất, cũng theo dõi nhập xuất tồn như đối với hàng hóa, cột xuất<br />
trên bảng cân đối nhập xuất tồn vật tư phải chia thành 2 cột: xuất cho sản xuất và xuất khác;<br />
kiểm soát vật tư dùng vào sản xuất phải kết hợp với phân tích vật tư tiêu hao theo định mức, đối<br />
chiếu với khối lượng sản phẩm sản xuất trong kì. Đảm bảo vật tư kê khai thuế GTGT đầu vào<br />
phải tham gia sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa. Không có trường hợp xuất khống vật tư vào<br />
sản xuất hoặc không tham gia sản xuất sản phẩm gây thất thu thuế.<br />
<br />
Đối với TSCĐ phải chú ý các trường hợp giảm TSCĐ như thanh lí nhượng bán TSCĐ, yêu cầu<br />
các doanh nghiệp viết đủ Hóa đơn đầu ra để tránh tình trạng trốn thuế GTGT phải nộp đối với<br />
các tài sản này.<br />
<br />
Kiểm soát thuế GTGT của vật tư hàng hoá, tài sản còn phải tham gia công tác kiểm kê để xác<br />
nhận vật tư hàng hoá còn tồn kho và Tài sản cố định còn tham gia vào quá trình sản xuất kinh<br />
doanh. Trong nhiều trường hợp, vật tư, hàng hóa, tài sản, đã bán hết, không kê khai nộp thuế,<br />
nhưng tồn kho trên sổ sách vẫn còn. Cho đến khi doanh nghiệp nộp đơn xin ngừng kinh doanh,<br />
vật tư hàng hóa, tài sản trên được thanh lí theo dạng kém mất phẩm chất, hư hỏng. Như vậy,<br />
Nhà nước không thu hồi được thuế GTGT của số vật tư hàng hóa, tài sản này, số tiền này đã<br />
chạy vào túi của doanh nghiệp.<br />
Đối với chi phí khác, mỗi tờ Hóa đơn đầu vào kê khai khống, Nhà nước thất thu một số tiền thuế<br />
GTGT tương ứng trên Hóa đơn. Kiểm tra, xác minh Hóa đơn công việc không thể thiếu được.<br />
Tuy nhiên, phân tích biến động của các khoản mục chi phí sẽ hỗ trợ phát hiện các dấu hiệu nghi<br />
vấn. Công cụ phân tích tỏ ra hữu hiệu để kiểm soát chi tiêu hợp lí của từng khoản mục chi phí.<br />
Phải phân tích tỉ trọng của từng khoản mục chi phí chiếm trong tổng chi phí, phân tích tỉ suất phí<br />
trên doanh thu theo từng khoản mục, phân tích tần suất phát sinh các Hóa đơn và có so sánh với<br />
lợi nhuận trong kì để phát hiện các trường hợp bất thường.<br />
<br />
Như vậy, phân tích thuế GTGT đầu vào so với thuế GTGT đầu ra phải đồng thời phân tích bảng<br />
cân đối nhập xuất tồn, tham gia công tác kiểm kê, phân tích tình hình sử dụng chi phí, phân tích<br />
báo cáo kết quả kinh doanh mới có cái nhìn toàn diện về tình hình luân chuyển vốn, tình hình<br />
kinh doanh và tình hình luân chuyển thuế GTGT đầu vào đầu ra.<br />
<br />
3. KẾT LUẬN<br />
<br />
Tóm lại, cơ quan thuế không thể kiểm tra hết toàn bộ Hóa đơn chứng từ trong nhiều năm liền ở<br />
một doanh nghiệp. Bằng công cụ phân tích, sẽ giúp cho cơ quan thuế phát hiện những biến động<br />
bất thường trong khai báo thuế. Sử dụng tốt công cụ phân tích, sẽ giảm được các kiểm tra chi<br />
tiết, tiết kiệm thời gian và công sức trong quá trình kiểm tra, tập trung có trọng điểm vào những<br />
khoản mục nghi vấn, tránh được hiện tượng qua loa đại khái và tránh sa đà vào các chi tiết không<br />
cần thiết.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
1. Luật số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội về Luật Quản lý thuế.<br />
2. Các thông tư, nghị định quy định chi tiết một số điều của luật quản lý thuế (Nghị định<br />
85/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007, thông tư 60/ 2007/TT-BTC ngày 14/06/2007.)<br />
3. Tài liệu tập huấn luật quản lý thuế (Lưu hành nội bộ).<br />