Đề bài: Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo của Vơ chồng A Phủ Tô Hoài<br />
<br />
Bài làm<br />
<br />
Truyện Vợ chồng A Phủ được rút từ tập Truyện Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài sáng tác <br />
năm 1953. Tập truyện này đã từng được giải nhất giải thưởng văn nghệ 1954 1955. Vợ <br />
chồng A Phủ là một thành công xuất sắc của Tô Hoài sau cách mạng, là thành tựu của văn <br />
học kháng chiến chống Pháp đồng thời là tác phẩm tiêu biểu về đề tài miền núi. Truyện <br />
có kết cấu chặt chẽ, dẫn dắt tự nhiên hấp dẫn. Có được điều đó là nhờ cái nhìn hiện <br />
thực sắc sảo và chủ nghĩa nhân đạo của nhà văn.<br />
<br />
Truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài đã phản ánh được một cách khá chân thực và sinh <br />
động bức tranh đời sống xã hội của dân tộc miền núi Tây Bắc trước ngày giải phóng <br />
Điện Biên. Đó là một thành công có ý nghĩa khai phá của nhà văn Tô Hoài về đề tài miền <br />
núi trong văn học Việt Nam hiện đại.<br />
<br />
Dưới ngòi bút của nhà văn người đọc thấy được trong vùng giặc Pháp chiếm đóng thời <br />
bấy giờ vẫn tồn tại chế độ lang đạo Thổ Ty, một kiểu phong kiến ở miền núi còn khắc <br />
nghiệt tàn ác hơn nhiều so với chế độ phong kiến thực dân ở miền xuôi mà đã được các <br />
nhà văn hiện thực khác như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng mô tả <br />
chân thực trong các tác phẩm trước Cách mạng tháng Tám. Hiện thân của chế độ lang <br />
đạo Thổ Ty dã man ấy là cha con nhà thống lý Pá Tra. Bọn chúng đã lợi dụng và dùng <br />
cường quyền cùng hủ tục phong kiến miền núi để biến những người lao động thành nô <br />
lệ không công, lao động khổ sai như trâu ngựa để làm giàu cho chúng. Nhà thống lý Pá Tra <br />
đã bắt Mị về làm con dâu trừ nợ! Đã bao lần Mị định trốn về với bố nhưng vì đã bị trình <br />
con ma nhà thống lý nhận mặt nên đành phải cam chịu chờ đến ngày mà rũ xương ở đây <br />
thôi. Sau này A Phủ cũng bị buộc vay nợ nộp phạt và phải ở nợ đời đời, không mong gì <br />
thoát ra được. Để củng cố cho chính sách cai trị ấy, chúng dùng tư tưởng mê tín dị đoan <br />
tạo thành một thế lực vô hình trói buộc và hù dọa người dân lao động miền núi, làm cho <br />
họ sợ hãi, cam chịu trong vòng kìm kẹp. Cướp vợ về trình ma đã đành, cho vay cúng trình <br />
ma. Cảnh Pá Tra đốt hương khấn vái lầm rầm kêu con ma về nhận mặt người vay nợ tạo <br />
nên một cảnh tượng ma quái hãi hùng như địa ngục trần gian, nơi giam hãm những người <br />
dân vô tội.<br />
<br />
Ngòi bút giàu tính hiện thực của Tô Hoài cũng đã cung cấp cho độc giả những trang mô tả <br />
về cảnh trói người, đánh người tàn nhẫn hơn cả thời trung cổ. Chồng MỊ không xem cô là <br />
người, chẳng năm nào cho Mị đi chơi ngày Tết. Khi thấy Mị muốn đi chơi, A Sử liền <br />
bước lại xách cả thúng đay trói đứng Mị lại rồi quấn tóc vợ lên cột nhà làm cho vợ không <br />
cúi, không nghiêng đầu được nữa. Sau đó hắn trói vợ cũng như thắt cái dây lưng, tắt đèn, <br />
khép cửa, dửng dưng lạnh lùng không suy nghĩ, không xúc động. Sau này, khi Mị bóp <br />
thuốc cho A Sử, mệt quá thiếp đi, A Sử liền đạp chân vào mặt Mị một cách tàn nhẫn, phũ <br />
phàng. Mà Pá Tra đã có lần trói đứng một cô con dâu cho đến chết. Đến lượt A Phủ, bị <br />
đánh khi anh dám đánh lại con quan thống lý: A Phủ quỳ giữa nhà chịu đòn, im như cái <br />
tượng đá. Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu. Người thì đánh, người thì <br />
quỳ kể lể chửi bới. Cứ như thể suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh. <br />
Chưa ở đâu mạng sống và phẩm giá con người bị coi nhẹ như thế!<br />
<br />
Qua Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài cũng đã tố cáo một cách xử kiện vô lý quái gở của bọn <br />
thống lí và hình thức bóc lột phổ biến của chúng là cho vay nặng lãi để cột chặt người lao <br />
động vào số phận nô lệ, phụ thuộc vào bọn chủ. Chứng kiến cuộc xử kiện, chúng ta thấy <br />
người phát đơn kiện và đồng thời cũng là quan tòa. Và khi kết thúc phiên tòa, thì quan tòa <br />
xì một trăm đồng bạc hoa xoè tiền phí tổn trên mặt tráp bắt người thua kiện sờ tay lên <br />
đồng tiền nhận mặt thay cho chữ ký vào bản án chung thân.<br />
<br />
Vợ chồng A Phủ không chỉ vạch trần tội ác của bọn phong kiến miền núi mà còn phơi <br />
bày tội ác của bọn thực dân Pháp lâu nay đang chiếm đóng Tây Bắc. Bọn chúng đã tìm <br />
đến những bản làng xa xôi đốt phá nhà cửa, cướp nhà, cướp cửa và bắt nhân dân phải đi <br />
phục dịch cho chúng.<br />
<br />
Vợ chồng A Phủ còn là bức tranh chân thực về cuộc sống đau thương bi thảm của người <br />
lao động miền núi. Dưới hai tầng áp bức của phong kiến và đế quốc thực dân, người lao <br />
động phải chịu đựng biết bao nỗi khổ đau. Cuộc đời của Mị và A Phủ trước khi bỏ trốn <br />
khỏi Hồng Ngài về Phiêng Sa trong lòng bàn tay cha con Pá Tra là tượng trưng cho nỗi <br />
khổ đó. Mị vốn là một cô gái đẹp mang trong mình biết bao nhiêu phẩm chất tốt đẹp. Thế <br />
mà kể từ khi bước chân về làm con dâu trừ nợ, thực chất là nô lệ không công cho nhà <br />
thống lý, dưới mắt tầng áp bức cường quyền, thần quyền và hủ tục phong kiến miền núi, <br />
Mị phải sống một chuỗi ngày đau thương tăm tối tủi nhục. Mị không chỉ bị hành hạ về <br />
thể xác mà còn bị đày đọa về tinh thần...<br />
<br />
Sự đau khổ tủi cực đã cướp mất tuổi thanh xuân của Mị, biến cô thành một kẻ cam chịu. <br />
Cô gái Mèo trẻ đẹp, tài hoa, giàu lòng yêu đời thủa nào giờ gần như đã chết, chí còn là <br />
người đàn bà thân xác héo khô, tâm hồn lạnh lẽo trống vắng, Mị ngày càng không nói.<br />
<br />
Mị mất hết cảm giác thời gian, không dĩ vãng, không hiện tại, không tương lai. Cuộc đời <br />
Mị chỉ còn thu nhỏ lại qua cái ô cửa sổ bằng bàn tay mờ mờ trăng trắng không biết sương <br />
hay nắng. Mị gần như tê liệt hết sức sống lùi lũi như con rùa trong xó cửa. Băng những <br />
chi tiết ấy, Tô Hoài đã làm cho bức tranh hiện thực càng thêm sinh động, vừa có chiều <br />
rộng, vừa có chiều sâu.<br />
<br />
Sự xuất hiện của nhân vật chính A Phủ cũng bị bắt làm con ở trừ nợ đã làm hoàn chỉnh <br />
thêm bức tranh hiện thực và giá trị tố cáo của tác phẩm. A Phủ là một chàng trai khoẻ <br />
mạnh, gan góc yêu chính nghĩa, vốn không nợ nần gì nhà thống lý Pá Tra, lại lao động <br />
giỏi, sống phóng khoáng tự do như con chim trời giữa núi rừng Tây Bắc. Vậy mà cuối <br />
cùng cũng không thoát khỏi ách áp bức của bọn chúa đất phong kiến, phải rơi vào thân <br />
phận kẻ nô lệ suốt đời trong nhà thống lý Pá Tra. Chỉ vì dám đánh lại con quan là A Sử <br />
trong việc phá đám chơi ngày Tết mà A Phủ bị bắt về làm đứa ở gạt nợ, làm con trâu, con <br />
ngựa cho nhà thống lý. Cũng như Mị, những ngày sống ở nhà Pá Tra, A Phủ chịu biết bao <br />
sự đày đọa nhục hình cả thể xác lẫn tinh thần. A Phủ gần như tê liệt hết sức phản kháng. <br />
Anh đã từng phải ngồi im như tượng đá để chịu đòn và phải bất lực để cho những dòng <br />
nước mắt chảy trong những đêm bị trói đứng trong góc nhà, thần chết dường như đã vẽ <br />
những nét đen ngòm trên hai hõm má xám đen lại vì tuyệt vọng và đau khổ của A Phủ.<br />
<br />
Giá trị nhân đạo là giá trị cơ bản của tác phẩm văn học chân chính. Nó được tạo nên bởi <br />
niềm cảm thông sâu sắc đối với nỗi đau của con người, sự nâng niu, trân trọng những nét <br />
đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ. Chủ nghĩa nhân <br />
đạo mới không chỉ yêu thương, đồng cảm với những nỗi khổ của con người mà còn <br />
hướng tới, nhằm giải phóng cho con người khỏi mọi xiềng xích áp bức khổ đau và tạo <br />
điều kiện cho họ trở thành những con người tự do, những con người tự chủ chiến đấu <br />
chống lại mọi thế lực bạo tàn để xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình. Hiểu giá trị <br />
nhân đạo như vậy, ta thấy trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ tư tưởng nhân đạo biểu hiện <br />
trước hết ở niềm cảm thông sâu sắc đối với số phận bất hạnh bị mất quyền sống của <br />
người lao động miền núi mà tiêu biểu là Mị và A Phủ.<br />
<br />
Tác phẩm đã lên án gay gắt thế lực thực dân phong kiến mà điển hình là cha con thống lý <br />
Pá Tra, đã lợi dụng cường quyền, thần quyền, hủ tục phong kiến miền núi để biến người <br />
lao động thành nô lệ không công và đối xử với họ lạnh lùng, tàn nhẫn như đối xử với con <br />
vật. Ngòi bút của Tô Hoài thấm nhuần tinh thần nhân đạo thể hiện ở việc đã khám phá ra <br />
những nét phẩm chất tốt đẹp của người lao động và đặt niềm tin, sự trân trọng đối với <br />
những khát vọng sống tốt đẹp của những con người bị đọa đày đau khổ. Đó cũng là sự kế <br />
tiếp truyền thống nhân đạo của dân tộc và phát triển ở mức cao hơn. Tác phẩm cũng chỉ <br />
ra con đường giải phóng thực sự của người lao động từ tự phát đến tự giác, tư tăm tối <br />
đau thương vươn lên dưới ánh sáng của tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó cũng là sự <br />
tỏa sáng của chủ nghĩa nhân đạo mới khác hẳn với chủ nghĩa nhân đạo thời phong kiến <br />
mà một số nhà văn nhà thơ xưa kia trong tác phẩm của mình đề cao quyền sống của con <br />
người, khát vọng tự do của con người nhưng chưa tìm ra con đường đi cho họ.<br />
<br />
Vợ chồng A Phủ đã cho người đọc thấy được một cách chân thực, sinh động về cuộc <br />
sống và con người ở vùng cao Tổ quốc. Tác giả đã lên án những thế lực phong kiến miền <br />
núi, thế lực thực dân xâm lược, thông cảm sâu sắc với số phận của người nông dân miền <br />
núi đồng thời khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của họ. Và tác phẩm sống mãi với <br />
thời gian là nhờ có ngòi bút hiện thực sắc sảo và tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn <br />
khi viết về đồng bào Tây Bắc giàu tình nghĩa, thuỷ chung với cách mạng.<br />