intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Quan điểm về chủ nghĩa xã hội của Ph.Ăngghen trong tác phẩm “Chống Đuyrinh” và sự vận dụng ở nước ta

Chia sẻ: Liễu Yêu Yêu | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

30
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Quan điểm về chủ nghĩa xã hội của Ph.Ăngghen trong tác phẩm “Chống Đuyrinh” và sự vận dụng ở nước ta" phân tích tư tưởng, quan điểm về chủ nghĩa xã hội được Ph.Ăngghen đề cập đến trong tác phẩm “Chống Đuyrinh”; từ đó khẳng định sự vận dụng sáng tạo và những định hướng đặt ra đối với việc bổ sung, phát triển lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Quan điểm về chủ nghĩa xã hội của Ph.Ăngghen trong tác phẩm “Chống Đuyrinh” và sự vận dụng ở nước ta

  1. QUAN ĐIỂM VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA PH.ĂNGGHEN TRONG TÁC PHẨM “CHỐNG ĐUYRINH” VÀ SỰ VẬN DỤNG Ở NƯỚC TA Đinh Thị Hoa1 1. Khoa Đào tạo Kiến thức chung. Email: hoadt@tdmu.edu.vn TÓM TẮT Tác phẩm "Chống Đuyrinh" là một trong những tác phẩm kinh điển chủ nghĩa Mác do Ph.Ăngghen thực hiện nhằm chống lại những tư tưởng triết học duy vật siêu hình, thực chứng và quan điểm duy tâm, tiểu tư sản khi bàn về các hình thức khác nhau của chủ nghĩa xã hội của Ơghênhi Đuyrinh (Đuyrinh). Trong tác phẩm này, Ph.Ăngghen đã tổng kết toàn diện sự phát triển của chủ nghĩa Mác; bằng hình thức bút chiến, Ph.Ăngghen đã kiên quyết đấu tranh vạch trần những sai lầm của Đuyrinh và những người theo chủ nghĩa Đuyrinh. Ph.Ăngghen đã khẳng định lập trường cộng sản chủ nghĩa và trình bày toàn diện ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác, là: Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Những luận điểm chủ yếu trong tác phẩm có ý nghĩa quan trọng, quyết định giúp phong trào công nhân Đức và giai cấp công nhân trên toàn thế giới tìm ra lý luận khoa học dẫn đường cho sự nghiệp cách mạng của mình. Thông qua việc phân tích tư tưởng, quan điểm về chủ nghĩa xã hội được Ph.Ăngghen đề cập đến trong tác phẩm “Chống Đuyrinh”; từ đó khẳng định sự vận dụng sáng tạo và những định hướng đặt ra đối với việc bổ sung, phát triển lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ khóa: Chống Đuyrinh, Chủ nghĩa xã hội, Ph.Ăngghen, Xã hội - xã hội chủ nghĩa. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Friedrich Engels (Ph.Ăngghen) là lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới, đồng thời cũng là một triết gia vĩ đại với những cống hiến kiệt xuất. Ph.Ăngghen luôn coi mình là “cây vĩ cầm thứ hai” bên cạnh Karl Marx (C.Mác) nhưng những đóng góp to lớn của Ph.Ăngghen trong việc hình thành và phát triển chủ nghĩa Mác nói chung, triết học Mác nói riêng là không thể phủ nhận. Gần 150 năm đã trôi qua, thế giới và con người đã có những thay đổi to lớn; nhận thức về con đường và tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc cũng có những chuyển mình quan trọng; có những quan điểm và khẳng định của cả C.Mác và Ph.Ăngghen đã không còn phù hợp nhưng chủ nghĩa Mác vẫn là phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới, là kim chỉ nam cho hành động cách mạng của giai cấp công nhân và chính đảng của họ trên phạm vi toàn thế giới. Bản thân các nhà lãnh tụ của chủ nghĩa Mác vẫn khẳng định: Học thuyết của các ông không phải là chân lý vĩnh cửu nên cần được bổ sung, phát triển thường xuyên cho phù hợp với điều kiện lịch sử mới, đủ sức soi sáng các nhiệm vụ lịch sử đã chín muồi của nhân loại; giải phóng con người ra khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công và tha hóa. Trong điều kiện hiện nay, những tác động và biến đổi của các nhân tố thời đại diễn biến phức tạp, nhiều chiều: Xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia vẫn là xu thế chủ yếu; nhưng tình hình chính trị, an ninh và kinh tế thế giới có những biến động phức tạp, 177
  2. khó lường; sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn có chiều hướng gia tăng. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong 35 năm qua đã gặt hái nhiều thành công cả về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và con người; nhưng con đường con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là xã hội – xã hội chủ nghĩa (XH-XHCN): Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh chưa đạt thành. Do vậy, việc đồng thời tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, so sánh để làm rõ những đặc trưng cơ bản về chủ nghĩa xã hội mà C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề cập trong cuộc “bút chiến” với ông Đuyrinh và làm rõ hơn nữa lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới là quan trọng và cần thiết. 2. NỘI DUNG 2.1. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Vào cuối những năm 70 - 80 của thế kỷ XIX, tư tưởng cơ hội tiểu tư sản của phái Lát Xan chi phối mạnh mẽ trong phong trào công nhân ở Đức. Đuyrinh (1833-1921), nhà triết học theo quan điểm chiết trung, giảng dạy vật lý của trường đại học Béclin, đã thông qua rất nhiều bài báo và giáo trình thuộc các lĩnh vực: Triết học, kinh tế - chính trị, kinh tế - xã hội, chính sách tài chính để thể hiện quan điểm triết học của mình. Trong hai năm 1875 và 1876, Đuy Rinh viết hai cuốn “Lịch sử phê phán khoa kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội” và “Bài giảng về triết học”, nội dung công kích gay gắt chủ nghĩa Mác. Đuy Rinh nêu quan điểm về triết học hiện thực, coi triết học của mình là tuyệt đích và chỉ có ông mới là người cộng sản, là người trung thành với chủ nghĩa xã hội; còn chủ nghĩa Mác là cũ rích và “phi khoa học”, là sự “nhắc lại chủ nghĩa Hêghen và làm mới chủ nghĩa Phoiơbắc” và phong trào công nhân muốn rũ bỏ mọi đau khổ thì hãy tin và đi theo con đường mà ông vạch ra. Năm 1875, Lípnếch, chủ biên báo Volksstaat, là một trong những người sáng lập và là lãnh tụ của Đảng Dân chủ - Xã hội Đức đề nghị trực tiếp với Ph.Ăngghen viết bài chống lại Đuyrinh trên những trang báo “Volksstaat”. Trước tình hình đó, C.Mác và Ph.Ănghen đã bàn luận và có những góp ý, nhận xét, phê phán học thuyết Đuy Rinh trên tờ Volksstaat ở Lai-xích. Tháng 5 năm 1876, Ph.Ănghen viết đề cương của cuốn sách; tháng 1/1877 bắt đầu đăng báo phần đầu của cuốn sách; tháng 7/1878 toàn bộ tác phẩm được đăng dưới dạng ba loạt bài báo in tách biệt. Tác phẩm có tên “Ông Đuy Rinh làm đảo lộn khoa học” được in toàn bộ với lời nói đầu của Ph.Ănghen vào tháng 7/1878, ở Leipzig (Lépních). Tác phẩm được Ph.Ănghen bổ sung ở lần tái bản thứ ba năm 1894 với tên gọi “Chống Đuy Rinh”. Trong tác phẩm này, Ph.Ăngghen đã tổng kết sự phát triển của chủ nghĩa Mác trong ba mươi năm (1848 - 1878), “Cuộc bút chiến chuyển thành một sự trình bày ít nhiều có hệ thống về phương pháp biện chứng và thế giới quan cộng sản chủ nghĩa mà Mác và tôi là đại biểu” (C.Mác-Ph, 2002) Thế giới quan mác-xít được Ph.Ănghen trình bày hoàn chỉnh trong tác phẩm “Chống Đuyrinh” dưới dạng ba bộ phận cấu thành, là: Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Ph.Ănghen đã chứng minh tính biện chứng của Học thuyết Mác bằng những thành tựu của khoa học tự nhiên và thực tiễn đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân. Tác phẩm là cuộc luận chiến, là khái luận bách khoa về các vấn đề triết học, khoa học tự nhiên và lịch sử. Trong phần thứ ba “Chủ nghĩa xã hội khoa học”, Ph.Ăngghen đã trình bày quan điểm về chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học, phân tích cô đọng về xã hội - xã hội chủ nghĩa trong tương lai. 178
  3. 2.2. Quan điểm chủ yếu về chủ nghĩa xã hội được trình bày trong tác phẩm Trong tác phẩm “Chống Đuyrinh” những nhận định, quan điểm của Ph.Ăngghen về XH_XHCN và cộng sản chủ nghĩa (CSCN) được trình bày ở phần mở đầu và chủ yếu ở các chương II “Tiểu luận về lý luận”; chương III “Sản xuất” chương IV; “Phân phối” và chương V “Nhà nước, gia đình, giáo dục”. Trong phần mở đầu của tác phẩm, Ph.Ăngghen đã khẳng định: Những quan điểm về chủ nghĩa xã hội của các nhà triết học trước đó mới chỉ dừng ở phê phán phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và những hậu quả không tốt đẹp mà phương thức sản xuất ấy mang lại nhưng chưa chỉ ra phương pháp, con đường làm cho phương thức sản xuất ấy tiêu vong. Theo Ph.Ăngghen, “chủ nghĩa xã hội hiện đại trước hết là kết quả của việc nghiên cứu một mặt là những đối lập giai cấp đang thống trị trong xã hội hiện đại giữa những người có của và những người không có của, giữa công nhân làm thuê và các nhà tư sản” (C.Mác-Ph, 2002). Mỗi thời đại sẽ có những quan hệ kinh tế (cơ sở hạ tầng) đặc thù, bị chi phối bởi giai cấp thống trị; từ sự chi phối kinh tế, giai cấp thống trị sẽ chi phối thể chế, pháp luật và các quan điểm triết học, tôn giáo của thời kỳ đó. Mỗi xã hội xuất hiện trong lịch sử cùng với việc sản xuất, trao đổi và sự hưởng thụ thành quả của sản xuất sẽ kéo theo sự phân chia xã hội thành giai cấp hoặc đẳng cấp khác nhau. Nguyên nhân cuối cùng của mọi biến đổi xã hội và những đảo lộn chính trị không phải trong đầu óc người ta mà là trong biến đổi của phương thức sản xuất và phương thức trao đổi. Đánh giá khách quan về vấn đề này, Ph.Ăngghen khẳng định: Hai phát hiện vĩ đại của C,Mác là quan niệm duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư đã bóc trần bí mật của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, “Nhờ hai phát hiện ấy, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một khoa học…” (C.Mác-Ph, 2002). Ph.Ăngghen đánh giá cao những mặt tích cực trong hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội của các nhà triết học Pháp thế kỷ XVIII, như: Xanhximông, Phuriê, Ôoen; đồng thời chỉ ra lý do để những tư tưởng của các nhà cách mạng Pháp rơi vào không tưởng là do “trong xã hội cũ những nhân tố ấy còn chưa xuất hiện rõ ràng”, chưa có nền móng để xây dựng “tòa nhà mới”. Trong sự phối hợp và cộng tác khăng khít, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phê phán Đuyrinh trình bày quan điểm về xã hội mới trong tương lai bằng “đầu óc tối cao của ông ta” và suy đến cùng thì Đuyrinh cũng chỉ là hậu bối của những nhà không tưởng. (C.Mác-Ph, 2002) Với lý luận sắc bén, Ph.Ăngghen đã xác lập và hoàn thiện những quan điểm về chủ nghĩa xã hội khoa học, làm sáng tỏ sứ mệnh tổ chức và lãnh đạo xã hội thông qua đảng cộng sản của giai cấp công nhân - giai cấp có khả năng, tiến hành cải biến xã hội từ xã hội tư bản chủ nghĩa sang XH_XHCN và cộng sản chủ nghĩa ở phạm vi từng quốc gia và trên toàn thế giới. Hoạch định về chủ nghĩa xã hội trong tương lai, Ph.Ăngghen cho rằng: Thứ nhất: Mọi tư liệu sản xuất trong chủ nghĩa xã hội là công hữu, “Giai cấp vô sản chiếm lấy chính quyền nhà nước và biến tư liệu sản xuất trước hết thành sở hữu nhà nước. Nhưng chính vì thế mà nó cũng xóa bỏ mọi sự phân biệt giai cấp và mọi đối kháng giai cấp, và cũng xóa bỏ nhà nước với tư cách là nhà nước” (C.Mác-Ph, 2002). Như vậy, xét về bản chất, mọi kiểu nhà nước trong quá khứ và nhà nước tư sản hiện tại đều sử dụng bạo lực để duy trì những điều kiện bên ngoài sản xuất, do phương thức sản xuất hiện có lúc đó đem lại. Chủ nghĩa xã hội mà đỉnh cao là chủ nghĩa cộng sản sẽ khác biệt hoàn toàn với những kiểu nhà nước trước đó. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của xã hội loài người có phương thức sản xuất dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và nhà nước sẽ là đại biểu của toàn thể xã hội. 179
  4. Thứ hai, Nhà nước tự tiêu vong. Theo Ph.Ăngghen: “Một khi không còn giai cấp xã hội nào cần phải duy trì trong vòng áp bức nữa, một khi mà cùng với sự thống trị giai cấp và sự đấu tranh để sinh tồn xây dựng trên tình trạng vô chính phủ từ trước tới nay trong sản xuất, những xung đột và tình trạng rối loạn nảy sinh từ tình hình đó cũng đều bị loại trừ… nhà nước, cũng sẽ không còn cần thiết nữa”, “Nhà nước không bị xóa bỏ, nó tự tiêu vong” (C.Mác-Ph, 2002). Sự thay đổi hoàn toàn tính chất của nhà nước, từ chỗ là công cụ áp bức của một giai cấp này đối với các giai cấp khác, nay đã trở thành đại diện chính thức của toàn thể xã hội; có nghĩa là nhà nước xã hội chủ nghĩa chính là hình thức nhà nước cuối cùng trong lịch sử, là tiền đề cho sự tiêu vong nhà nước. Ph.Ăngghen khẳng định: Hành động đầu tiên - chiếm lấy các tư liệu sản xuất cho xã hội - lại đồng thời là hành động cuối cùng của nó với tính cách là nhà nước. Thứ ba, Việc phân phối và hưởng thụ sản phẩm của lao động sẽ thuộc toàn xã hội. Theo Ph.Ăngghen, việc xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất sẽ làm cho “tình trạng vô chính phủ của sản xuất xã hội sẽ được thay thế bằng một sự tổ chức có kế hoạch, có ý thức”; (C.Mác-Ph, 2002) lúc đó việc sản xuất hàng hóa sẽ phục vụ trực tiếp cho nhu cầu tiêu dùng của toàn xã hội. Nền sản xuất xã hội phát triển, lấy nhân dân làm mục đích phục vụ, thì sẽ đảm bảo được cho toàn xã hội có cuộc sống vật chất đầy đủ, đời sống tinh thần phong phú, tạo cho mọi người có điều kiện phát huy tiềm năng sáng tạo trong cả nhận thức và thực tiễn. Ph.Ăngghen nhấn mạnh: “Lần đầu tiên con người tách hẳn - theo một ý nghĩa nào đó - khỏi giới thú vật, chuyển từ điều kiện sinh tồn của thú vật sang điều kiện sinh tồn thật sự của con người... Những lực lượng khách quan, xa lạ, từ trước đến nay vẫn thống trị lịch sử thì sẽ do chính con người kiểm soát”. (C.Mác-Ph, 2002) Thứ tư, lao động sản xuất là phương tiện để giải phóng con người. Khi phê phán tư tưởng về chủ nghĩa xã hội ấu trĩ và phi lịch sử, theo kiểu “công xã kinh tế”, và “phương thức sản xuất xã hội mà không cần cải tạo ngay chính nền sản xuất”của Đuyrinh thì trong phần III, IV và V, Ph.Ăngghen đã nêu quan điểm: Phải xóa bỏ sự phân công lao động cũ, xóa bỏ sự tách rời nông thôn và thành thị. Xã hội - xã hội chủ nghĩa phải trở thành phương tiện giải phóng con người, “bằng cách đưa lại cho mỗi người cái cơ hội để phát triển và vận dụng toàn bộ các năng lực thể chất và tinh thần của mình theo tất cả mọi hướng, - và trong đó, như vậy là lao động sản xuất từ chỗ là một gánh nặng sẽ trở thành một sự vui thú” (C.Mác-Ph, 2002). Việc xóa bỏ sự tách rời giữa nông thôn và thành thị không chỉ là điều kiện cho sự phát triển hài hòa nền đại công nghiệp, giảm dần sự khác biệt về đời sống giữa các cộng đồng dân cư mà còn làm lành mạnh hóa môi trường sống, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, cân đối được nhu cầu của các nhóm dân cư. Có thể thấy, những phân tích và dự đoán của Ph.Ăngghen trong cuộc bút chiến với Đuyrinh và thực tiễn xã hội từ thế kỷ XIX đến nay đã cho chúng ta thấy: Chủ nghĩa xã hội không phải là “hiện tượng cá biệt của tiến hóa” mà “bước nhảy của nhân loại từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do” sẽ trở thành kết quả tất yếu của sự vận động lịch sử. 2.3. Ý nghĩa đối với quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta Trong hơn 90 năm qua, Việt Nam luôn khẳng định: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng. Sự kiên định đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) của nước ta được tái khẳng định nhiều lần trong các văn kiện Đại hội Đảng, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sau năm 1954, 180
  5. nước ta tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, tạo cơ sở vật chất hỗ trợ nhân dân Miền Nam đấu tranh với chủ nghĩa đế quốc và đã đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, sau đó do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nền kinh tế - xã hội nước ta rơi vào lạm phát, khủng hoảng trầm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là sau khi Liên Xô và Đông Âu rơi vào khủng hoảng, thoái trào và sụp đổ năm 1991. Trước thực trạng đó, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, phải “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, nghiêm túc phê bình và tự phê bình; hoạch định đường lối, chủ trương nhằm hiện thực hóa mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Nhận thức đúng sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; từ những bài học của sự thất bại trong giai đoạn cách mạng trước đó, Cương lĩnh 1991 về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã xác định mô hình xã hội-xã hội chủ nghĩa cụ thể với 6 đặc trưng: - Do nhân dân lao động làm chủ; - Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; - Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc; - Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; - Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; - Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới; Tổng kết thành quả 20 năm đổi mới cả về nhận thức và thực tiễn xây dựng CNXH; Đại hội X (năm 2006) của Đảng đã bổ sung, phát triển mô hình CNXH ở nước ta với 8 đặc trưng. Hai đặc trưng (1) và (7) được bổ sung mới, là: 1) Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, và 7) “Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, năm 2011, Đảng ta khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới” (ĐCSVN, 2011). Có thể thấy, Đảng ta không chỉ vạch ra các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà còn chỉ ra con đường để thực hiện những đặc trưng đó với lộ trình, bước đi phù hợp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: “Từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội” (Nguyễn Phú Trọng, 181
  6. 2022). Bằng sự tổng kết những đặc điểm cụ thể của xã hội Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến nay và xu hướng phát triển trên thế giới và trả lời câu hỏi “Vì sao Việt Nam lại lựa chọn con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội?”, Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người … chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có” (Nguyễn Phú Trọng, 2022). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tháng 1-2021) của Đảng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (ĐCSVN V. k., 2021). Trên nguyên tắc đảm bảo tính khoa học và thực tiễn; kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi của đất nước trong từng giai đoạn cụ thể, chúng ta đã xác định các nhiệm vụ cụ thể với 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước, để “trong những thập niên sắp tới”, “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại,vượt qua mức trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” (ĐCSVN, 2021). Về phương hướng cơ bản thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Đảng ta nhấn mạnh: Phải quán triệt và thực hiện tốt các định hướng lớn mang tính chất biện chứng của đời sống xã hội; cần nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn, những yếu tố cấu thành nên nội dung của công cuộc đổi mới mà Cương lĩnh 2011 đã đề ra. Cụ thể, là các mối quan hệ: “Giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa;giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; và đặc biệt, mối quan hệ mới được bổ sung lần này là mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội” (ĐCSVN, 2021). Cùng với đó, Đảng ta cũng khẳng định đường lối đổi mới cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển cho phù hợp với sự thay đổi không ngừng của thực tiễn, mọi kết quả nhận thức đều do thực tiễn quy định, phải xuất phát từ thực tiễn và được chính thực tiễn kiểm nghiệm - Đó là biện chứng của quá trình nhận thức. Gần 100 năm trưởng thành và phát triển, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc mang tính phương pháp luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “lý luận phải gắn liền với thực tiễn”, Đảng ta đã không ngừng tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, thông qua thực tiễn để làm sáng tỏ hơn lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong thế kỷ XXI, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới theo hướng “đa cực, đa trung tâm” vừa thỏa hiệp, đấu tranh và kiềm chế lẫn nhau giữa các nước lớn diễn ra phức tạp thì việc tiếp tục 182
  7. nghiên cứu làm rõ những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, những phương hướng cơ bản và những mối quan hệ lớn trong điều kiện lịch sử mới trở nên quan trọng và cấp thiết “tuyệt đối không được cực đoan, phiến diện”, “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (ĐCSVN, 2021). 3. KẾT LUẬN Trong tác phẩm “Chống Đuyrinh”, Ph.Ăngghen đã tổng kết toàn diện sự phát triển của chủ nghĩa Mác, trình bày hoàn chỉnh thế giới quan duy vật biện chứng về triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học; đấu tranh chống lại các quan điểm đối lập. Vì thế, tác phẩm “bút chiến” này không chỉ góp phần quyết định vào thắng lợi của chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân lúc bấy giờ mà những nhận thức sâu sắc, khoa học và biện chứng của Ph.Ăngghen khi giải thích và phản biện về những vấn đề xã hội được trình bày trong tác phẩm có giá trị to lớn, là công cụ tư duy sắc bén để giải quyết những vấn đề về lý luận và thực tiễn của xã hội hôm nay. Khi đánh giá điều kiện thực tiễn và những thuận lợi, khó khăn tác động đến hành trình xây dựng CNXH ở nước ta, Đại hội XIII của Đảng nhận định: Các thế lực thù địch vẫn luôn lợi dụng những thiếu sót trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước cũng như những suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ đảng viên để chống phá, làm mất niềm tin của Nhân dân vào Đảng. Ngày nay, có một số luận điểm mà Ph.Ănghen trình bày trong tác phẩm không còn phù hợp, song giá trị khoa học của phép biện chứng duy vật và tư tưởng nhân văn, nhân đạo của chủ nghĩa Mác trình bày trong tác phẩm thì có giá trị vĩnh hằng trong nhận thức và cải tạo thế giới. Việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tinh thần đấu tranh, phê phán mà Ph.Ăngghen sử dụng trong tác phẩm “Chống Đuyrinh” có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước; góp phần đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; góp phần nhận thức và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Các Mác và Ph. Ănghen, (2002). Toàn tập (Tập 20). Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật. Tr. 20, 30, 45, 368, 389, 390, 393, 406. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật. Tr. 69 - 70 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật. Tr. 35, 36, 39, 41, 4. Nguyễn Phú Trọng, (2022). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn vầ chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật. Tr.18 183
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2