Trường Đại học Vinh Tạp chí khoa học, Tập 48 - Số 3B/2019, tr. 69-76<br />
<br />
SỰ THAY ĐỔI VỀ KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ Ở THÀNH PHỐ VINH<br />
TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA (1974 - 2008)<br />
Nguyễn Thị Kim Sang<br />
Phòng An ninh hồ sơ, Tổng cục An ninh, Bộ Công An<br />
Ngày nhận bài 25/6/2019, ngày nhận đăng 07/9/2019<br />
<br />
Tóm tắt: Bài viết tập trung làm rõ sự thay đổi về không gian đô thị ở thành phố<br />
Vinh trong quá trình đô thị hóa từ khi công cuộc tái thiết, xây dựng lại thành phố Vinh<br />
được khởi động vào ngày 01/5/1974 đến ngày thành phố Vinh được công nhận là đô<br />
thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An 05/9/2008, từ đó hy vọng góp phần thiết thực vào<br />
việc nghiên cứu về quá trình đô thị hóa ở thành phố Vinh suốt hơn hai thế kỷ qua.<br />
Từ khóa: Không gian đô thị; đô thị; đô thị hóa; sáp nhập.<br />
<br />
1. Đặt vấn đề<br />
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở<br />
Việt Nam được ký kết. Vấn đề khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại<br />
hậu phương miền Bắc từ đổ nát hoang tàn của chiến tranh trở thành một trong những<br />
nhiệm vụ cấp thiết. Trong bối cảnh chung đó, ngày 01/5/1974, đồng chí Đỗ Mười - Phó<br />
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thay mặt Đảng, Chính phủ<br />
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng<br />
hòa Dân chủ Đức tại Việt Nam là Đitơ Đuêring và đồng chí Nguyễn Sĩ Quế - Bí thư Tỉnh<br />
ủy Nghệ An dự lễ khởi công, đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lại thành phố Vinh (Ban<br />
Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Vinh, 2010, tr. 399). Từ đó cho<br />
đến năm 2008, khi thành phố Vinh được công nhận là đô thị loại I, quá trình đô thị hóa<br />
diễn ra liên tục, toàn diện, làm thay đổi không gian đô thị và toàn bộ bức tranh kinh tế,<br />
chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn thành phố Vinh. Tùy thuộc góc độ tiếp cận của các<br />
ngành khoa học khác nhau mà có cách hiểu, cách định nghĩa về không gian đô thị khác<br />
nhau. Từ góc độ tiếp cận sử học, có thể hiểu một cách chung nhất nội hàm của không<br />
gian đô thị bao gồm không gian sống của toàn bộ cư dân một đô thị với không gian kiến<br />
trúc, không gian cộng đồng, không gian mặt nước, không gian cây xanh… Trong phạm<br />
vi bài viết này chúng tôi không có tham vọng đi sâu nghiên cứu toàn bộ những tác động<br />
của quá trình đô thị hóa đối với toàn bộ những thay đổi về không gian đô thị theo cách<br />
hiểu trên mà chỉ tập trung làm rõ những thay đổi về không gian đô thị ở thành phố Vinh<br />
trong khoảng thời gian đã xác định dưới ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa trên hai<br />
phương diện chính yếu sau đây:<br />
- Thứ nhất, việc sáp nhập một số làng, xã thuộc địa giới hành chính huyện Hưng<br />
Nguyên và huyện Nghi Lộc vào địa bàn thành phố Vinh, biến vùng nông thôn và dân cư<br />
làng xã từ nhiều thế kỷ trước thành không gian đô thị và cư dân đô thị Vinh. Hơn thế<br />
nữa, chính trong không gian đô thị mới được hình thành đó, chỉ trong một khoảng thời<br />
gian ngắn, cư dân từ nhiều nơi, nhiều địa phương về định cư, đẩy mật độ dân cư tăng<br />
theo cấp số nhân, khác xa với tăng trưởng dân cư tự nhiên truyền thống. Đây vừa là yếu<br />
tố để mở rộng không gian đô thị vừa là yếu tố làm thay đổi không gian kiến trúc, không<br />
gian cây xanh, không gian cộng đồng… Chẳng hạn, việc di dời dân cư để xây dựng công<br />
<br />
Email: dekimsang@gmail.com<br />
<br />
<br />
<br />
69<br />
N. T. K. Sang / Sự thay đổi về không gian đô thị ở thành phố Vinh trong quá trình đô thị hóa…<br />
<br />
viên trung tâm thành phố, việc sáp nhập toàn bộ xã Vinh Tân và một phần xã Hưng<br />
Thịnh (Hưng Nguyên), xã Nghi Phú, xã Nghi Đức, Nghi Ân, Nghi Liên (Nghi Lộc) vào<br />
địa bàn thành phố tạo cơ hội xây dựng các tuyến đường giao thông, khu chung cư, các<br />
công trình công cộng; việc mở tuyến đường 3/2 (Đại lộ Lê Nin), mở rộng sân bay Vinh<br />
góp phần làm thay đổi không gian đô thị Vinh.<br />
- Thứ hai, những thay đổi ngay trên phần không gian đô thị của thành phố Vinh -<br />
Bến Thủy được thành lập từ ngày 10/12/1927 trên cơ sở sáp nhập 03 trung tâm đô thị là<br />
Vinh, Bến Thủy, Trường Thi với diện tích 20km2 và 2 vạn dân nội thành, với 10 khu phố<br />
(Nghị định thành lập thành phố Vinh - Bến Thủy của Toàn quyền Đông Dương). Thành<br />
phố Vinh được thành lập vào ngày 10/10/1963 theo Quyết định số 148/CP của Hội đồng<br />
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây chính là quá trình đô thị hóa theo<br />
chiều sâu, tức là củng cố, gia tăng các yếu tố đô thị trong các đô thị đã được thiết lập từ<br />
trước trên các phương diện chính yếu như: giảm tỷ lệ cư dân nông nghiệp trên địa bàn<br />
thành phố Vinh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở đường cho nhiều ngành nghề kinh tế<br />
mới hình thành, phát triển, từng bước xây dựng văn hóa, văn minh đô thị…<br />
<br />
2. Sự thay đổi về không gian đô thị ở thành phố Vinh (1974 - 2008)<br />
Trải qua hai cuộc chiến tranh phá hoại thảm khốc của không quân và hải quân Mỹ<br />
từ ngày 05/8/1964 đến ngày 29/12/1972, toàn bộ cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố Vinh<br />
đã bị bom đạn Mỹ san phẳng hoàn toàn. Thực tế này đã đưa quá trình tái thiết, xây dựng lại<br />
thành phố Vinh từ ngày 01/5/1974 giống như biến một vùng đất chưa từng là đô thị thành<br />
đô thị, xây dựng lại một thành phố hiện đại trên ngàn vạn hố đạn bom lớn nhỏ, giao thông<br />
hào và ụ pháo phòng không. Hơn nữa, trong suốt thời gian đó, đại bộ phận nhân dân trên<br />
địa bàn thành phố phải sơ tán về các huyện trung du, miền núi trong tỉnh. Hành trang văn<br />
hóa - văn minh của những tháng ngày sống trên địa bàn thành phố Vinh, xa hơn là thị xã<br />
Vinh kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 mà họ mang theo khi đi tản cư đã phần<br />
nào gửi lại và họ chịu ảnh hưởng bởi văn hoá nông thôn, làng xã. Đại bộ phận cán bộ, đảng<br />
viên, nhân dân tham gia công cuộc xây dựng lại thành phố từng sống nhiều năm ở trung<br />
du, miền núi hay tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu khắp các chiến trường miền<br />
Nam, Lào, Campuchia. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hoá giai đoạn này diễn ra trong bối<br />
cảnh Nghệ An có nền kinh tế chậm phát triển, thu không đủ chi trong suốt gần nửa thế kỷ<br />
qua. Cho đến năm 2008 số liệu thống kê cho thấy Nghệ An vẫn chưa cân đối được ngân<br />
sách thu chi mà phải dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương. Đây thực sự là những thách thức<br />
không hề nhỏ trên bước đường đô thị hóa của thành phố Vinh.<br />
Công cuộc xây dựng lại thành phố Vinh diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn<br />
quân, toàn dân dồn tất cả tinh thần và lực lượng cho công cuộc giải phóng hoàn toàn<br />
miền Nam, thống nhất đất nước (từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975). Hơn thế nữa, chỉ<br />
5 tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong hai ngày 24 - 25/10/1975, tại<br />
thành phố Vinh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, Hà Tĩnh đã thống nhất việc sáp nhập<br />
hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh theo Nghị quyết số 425/QĐBCT của<br />
Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng. Kết cấu kinh tế và cơ sở hạ tầng trên địa<br />
bàn thành phố Vinh lúc bấy giờ thực sự chưa tương xứng với vai trò trung tâm chính trị<br />
hành chính, kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ Tĩnh - tỉnh có diện tích tự nhiên lớn và dân số<br />
đông vào loại bậc nhất so với các tỉnh thành khác của cả nước lúc bấy giờ. Thêm một<br />
thách thức lớn là hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra từ năm 1978 và biên<br />
<br />
<br />
70<br />
Trường Đại học Vinh Tạp chí khoa học, Tập 48 - Số 3B/2019, tr. 69-76<br />
<br />
giới phía Bắc năm 1979, cộng với những yếu kém, bất cập trong điều hành, quản lý kinh<br />
tế làm cho nguồn lực đầu tư xây dựng thành phố Vinh gặp muôn vàn khó khăn.<br />
Với quyết tâm cao độ của Đảng bộ, nhân dân thành phố và sự giúp đỡ đầy hiệu<br />
quả của nước Cộng hòa Dân chủ Đức, trực tiếp là các chuyên gia, kỹ sư trong công cuộc<br />
khảo sát, quy hoạch, xây dựng lại thành phố Vinh, diện mạo đô thị Vinh ngày càng đổi<br />
mới. Sau 10 năm xây dựng (1974 - 1984), tại phường Quang Trung có 12 dãy nhà cao 5<br />
tầng với hơn 3000 căn hộ được đưa vào sử dụng. Các công trình văn hoá như Rạp chiếu<br />
phim 12-9, Nhà Văn hóa thiếu nhi Tenlơman thực sự tạo nên một sự khác biệt trên bước<br />
đường phát triển của đô thị Vinh. Theo số liệu lưu trữ tại Văn phòng UBND tỉnh Nghệ<br />
An và Văn phòng Sở Xây dựng Nghệ An, đến tháng 12/1979, có 05 ngôi nhà cao tầng là<br />
A1, A2, B1, B2, C1 được đưa vào sử dụng, đến tháng 12/1982, thêm nhà A3, B2, C2, D1<br />
được đưa vào sử dụng, đến tháng 12/1984 có tổng cộng 12 ngôi nhà 5 tầng được đưa vào<br />
sử dụng với hơn 3000 hộ gia đình, chưa kể một số cơ quan như Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh,<br />
Báo Nghệ Tĩnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ Tĩnh… cũng có trụ sở làm việc tại khu<br />
phố Quang Trung.<br />
Không gian đô thị Vinh có nhiều thay đổi cả về chiều rộng (diện tích đô thị tăng)<br />
lẫn chiều sâu và kết cấu ngành nghề kinh tế. Ngày 02/3/1979, Hội đồng Chính phủ ban<br />
hành Quyết định số 73/CP điều chỉnh lại địa giới hành chính của một số xã, tiểu khu phố<br />
cho phù hợp với việc quy hoạch tổng thể thành phố Vinh. Cụ thể:<br />
- Chuyển các xã Hưng Bình, Hưng Thủy, Vinh Hưng thành các tiểu khu lấy tên là<br />
Cửa Bắc, Tân Vinh, Hưng Bình, Lê Lợi, Cầu Cảng, Bến Thủy, Trường Thi, Đội Cung và<br />
Cửa Nam.<br />
- Hợp nhất xã Hưng Vĩnh và xã Hưng Đông thành xã Đông Vĩnh.<br />
- Sáp nhập xóm Yên Giang của xã Vinh Hưng và xóm Vĩnh Mỹ của xã Hưng<br />
Vĩnh vào xã Vinh Tân (Quyết định số 73/CP của Hội đồng Chính phủ, 1979).<br />
Không gian thành phố Vinh bắt đầu được mở rộng thông qua con đường sáp nhập<br />
các làng xã vào địa bàn thành phố cả về hướng Nam và hướng Tây Bắc. Phương thức<br />
thay đổi diện mạo đô thị theo chiều sâu thông qua con đường đầu tư, xây dựng nhiều<br />
hạng mục công trình như: Bến xe Vinh, Cảng Bến Thủy, Nhà máy điện Vinh, khu phố<br />
Quang Trung với các tòa nhà 5 tầng hiện đại, các tuyến đường nội đô, công sở của Tỉnh<br />
ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, thành phố, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Ba Lan,<br />
chợ Vinh, Trường Đại học Sư phạm Vinh, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ Tĩnh,<br />
Trường Trung cấp Xây dựng Việt - Đức, Rạp chiếu phim Cửa Đông, Nhà hát nhân dân,<br />
Cửa hàng ăn uống Trà Bồng, Cửa hàng ăn uống Bến Thủy, v.v… Tuyến đường sắt Vinh<br />
- Hà Nội, Vinh - Sài Gòn được khai thông và ga Vinh trở thành một mắt xích quan trọng<br />
trong tuyến đường sắt Bắc - Nam. Những đổi thay theo chiều sâu trên bước đường đô thị<br />
hóa ở thành phố Vinh trong 6 năm (1974 - 1980) đã khoác lên mình thành phố Vinh một<br />
vóc dáng mới, ngang tầm với chức năng địa chính trị - địa đô thị mà Vinh đảm nhận<br />
trong bối cảnh lịch sử đầy khó khăn, thử thách của cả nước lúc bấy giờ.<br />
Vì nhiều nguyên nhân, trong vòng một thập kỷ (1975 -1985), viện trợ của Trung<br />
Quốc, Liên Xô, Ba Lan, Cộng hòa dân chủ Đức cho công cuộc tái thiết thành phố Vinh<br />
bị cắt giảm liên tục và chấm dứt vào cuối năm 1986, các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài<br />
tham gia xây dựng thành phố Vinh lần lượt về nước. Theo tài liệu của Văn phòng UBND<br />
tỉnh Nghệ An, đến năm 1976, các chuyên gia Trung Quốc ở thành phố Vinh đã về nước;<br />
ngày 30/02/1978, hầu hết các gia đình người Việt gốc Hoa ở Nghệ Tĩnh nói chung và<br />
<br />
<br />
71<br />
N. T. K. Sang / Sự thay đổi về không gian đô thị ở thành phố Vinh trong quá trình đô thị hóa…<br />
<br />
thành phố Vinh nói riêng về nước. Các chuyên gia Ba Lan sang giúp xây dựng Bệnh viện<br />
hữu nghị Việt Nam - Ba Lan về nước vào những năm 1980. Trên địa bàn thành phố Vinh<br />
chỉ còn lại các chuyên gia, kỹ sư đến từ Cộng hòa dân chủ Đức ở lại xây dựng thành phố<br />
đến năm 1990. Nguồn lực ủng hộ từ bên ngoài để xây dựng thành phố giảm nhưng phát<br />
huy nội lực, quá trình tái thiết lại thành phố vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Trên địa bàn<br />
thành phố Vinh, các HTX, các cửa hàng mua bán, cửa hàng lương thực, thực phẩm, bách<br />
hóa, ăn uống, may mặc, giày da…đến các nhà máy, xí nghiệp do trung ương, địa phương<br />
đầu tư, quản lý tiếp tục ra đời như: xi măng Cầu Đước, xí nghiệp mộc Thống Nhất, Diêm<br />
Nghệ Tĩnh, Dệt Hoàng Thị Loan, Dệt Minh Khai,v.v… Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ<br />
dân cư trên địa bàn thành phố là việc đầu tư xây dựng các trường học từ cấp 1 đến cấp 3,<br />
các trường trung cấp, cao đẳng, bệnh viện, trạm xá,… hệ thống đường nội đô giữa các<br />
phường, xã cũng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ.<br />
Nhằm đáp ứng quy mô, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh trên địa bàn thành phố<br />
Vinh, ngày 18/8/1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định số 137/HĐBT với nội<br />
dung sáp nhập, chia tách, phân định lại địa giới hành chính của một số phường trên địa bàn<br />
thành phố Vinh (Quyết định số 137/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, 1982). Cụ thể:<br />
- Sáp nhập phường Quang Trung I vào phường Quang Trung II lấy tên là phường<br />
Quang Trung.<br />
- Sáp nhập phường Vinh Tân vào phường Lê Mao lấy tên là phường Lê Mao.<br />
- Tách phường Hưng Bình thành hai phường lấy tên là phường Hưng Bình và<br />
phường Hà Huy Tập.<br />
Nằm trong bối cảnh kinh tế chung của cả nước, từ năm 1975 đến năm 1991, kinh<br />
tế nông nghiệp vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố Vinh.<br />
Các HTX nông nghiệp ở phường Lê Mao, Hưng Bình, Vinh Tân, Hưng Dũng, Bến Thủy,<br />
Trung Đô, Cửa Nam, Đông Vĩnh… ngoài sản xuất lúa, còn đẩy mạnh trồng rau (Vinh<br />
Tân), trồng hoa (Cửa Nam), trồng ớt cay, vừng, lạc, đậu… để xuất khẩu. Theo số liệu của<br />
Hội Nông dân thành phố Vinh, tổng sản lượng lương thực quy thóc của thành phố Vinh<br />
năm 1990 đạt 6864 tấn, năm 1991 đạt 6.913 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt trên<br />
350kg/1 người/1 năm (Hội nông dân thành phố Vinh, 2016, tr. 182-185). Theo số liệu<br />
của Chi cục thống kê tỉnh Nghệ Tĩnh năm 1976, dân số thành phố Vinh là 101.810 người<br />
trong tổng dân số toàn tỉnh là 2.689.451 người, chiếm tỷ lệ 3,79% dân số toàn tỉnh.<br />
Trong đó, số nông dân trên địa bàn thành phố Vinh lên tới 57.674 người, chiếm tỷ lệ<br />
56,64% dân cư toàn thành phố. Năm 1990, dân cư thành phố Vinh là 180.245 người,<br />
trong đó nông dân 78.895 người, chiếm tỷ lệ 43,77% dân cư toàn thành phố (Chi cục<br />
thống kê Nghệ Tĩnh, 1990). Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến một thực tế là số hộ gia<br />
đình nông dân trên địa bàn thành phố Vinh vẫn chiếm một tỷ lệ lớn so với dân cư toàn<br />
thành phố.<br />
Sau gần 20 năm xây dựng, phát triển, thành phố Vinh đã hội đủ những yếu tố cần<br />
thiết để được công nhận là một đô thị loại II theo các văn bản pháp lý của Nhà nước hiện<br />
hành. Ngày 13/8/1993, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định công nhận thành phố<br />
Vinh là đô thị loại II. Nhằm tạo tiền đề cho việc đầu tư xây dựng, phát triển một thành<br />
phố Vinh hiện đại ở Bắc Trung Bộ và cả nước, ngày 20/12/1993, Thủ tướng chính phủ<br />
ký Quyết định 603/TTg phê duyệt bản quy hoạch tổng thể thành phố Vinh. Quyết định<br />
khẳng định rõ chức năng, vị thế của thành phố Vinh trước mắt, lẫn lâu dài: “Thành phố<br />
Vinh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Nghệ An, đầu mối giao thông của<br />
<br />
<br />
72<br />
Trường Đại học Vinh Tạp chí khoa học, Tập 48 - Số 3B/2019, tr. 69-76<br />
<br />
khu vực Bắc miền Trung và quốc tế là thành phố quê hương Bác Hồ. Cần chủ động tiến<br />
hành các biện pháp thu hút vốn đầu tư phát triển các cơ sở kinh tế, kỹ thuật, hạ tầng đô<br />
thị nhằm đảm bảo cho Vinh phát triển, xứng đáng là đô thị loại II và là trung tâm tăng<br />
trưởng quan trọng của khu vực Bắc Trung bộ”.<br />
Quyết định 603/TTg của Thủ tướng Chính phủ là một dấu mốc quan trọng trên<br />
bước đường phát triển của đô thị Vinh. Vị thế, tầm ảnh hưởng của đô thị Vinh không còn<br />
bó hẹp trong không gian địa giới hành chính của tỉnh Nghệ An mà hướng tới là đô thị của<br />
cả vùng Bắc Trung bộ. Do đó, việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, kết cấu ngành<br />
nghề kinh tế, dân cư … phải có những thay đổi tích cực để tương xứng với vị thế của một<br />
đô thị hiện đại của cả vùng Bắc Trung bộ. Khi điều đó trở thành hiện thực, thành phố<br />
Vinh sẽ khai thác triệt để nguồn tài nguyên vị thế - vốn được xem là một trong những lợi<br />
thế cạnh tranh trong bước đường hội nhập vào khu vực và thế giới.<br />
Ngày 28/6/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/NĐ-CP, quyết định chia xã<br />
Đông Vĩnh thành phường Đông Vĩnh và xã Hưng Đông. Đến ngày 23/8/1994, Chính phủ<br />
có Nghị định số 93/NĐ- CP thành lập phường Hưng Dũng trên cơ sở xã Hưng Dũng.<br />
Sau 30 năm tái thiết, xây dựng lại thành phố (1974 - 1994) quá trình đô thị hóa đã<br />
làm thay đổi căn bản, toàn diện từ không gian đô thị đến kiến trúc đô thị đến kết cấu kinh<br />
tế, cơ cấu ngành nghề, việc làm của người lao động, cho đến văn hóa, giáo dục, dân cư,<br />
v.v… trên địa bàn thành phố Vinh. Bước vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất<br />
nước, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng không gian đô thị theo cả hai hình<br />
thức chiều rộng và chiều sâu diễn ra với quy mô lớn, toàn diện theo hướng phát triển đô thị<br />
hiện đại và bền vững để Vinh sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả<br />
vùng Bắc Trung bộ. Cầu Bến Thủy 1 được đầu tư, xây dựng, đưa vào sử dụng năm 1990<br />
tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, hành khách… giữa<br />
Nghệ An nói chung, thành phố Vinh nói riêng với tất cả các tỉnh thành phía Nam thông qua<br />
quốc lộ 1. Tuyến đường du lịch sinh thái từ Cửa Lò - Cửa Hội đi theo bờ tả sông Lam lên<br />
đến thành phố Vinh, chạy qua Hưng Nguyên lên Nam Đàn mở ra hướng phát triển du lịch<br />
sinh thái. Tuyến đường 3/2 (còn gọi là Đại lộ Lê Nin), nối trung tâm thành phố với sân bay<br />
Vinh - tạo điều kiện thuận lợi để các công ty, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào<br />
xây dựng, phát triển thành phố Vinh nhờ phát triển dịch vụ vận tải hàng không. Đó là chưa<br />
kể việc đầu tư xây dựng công viên trung tâm thành phố, xây dựng, mở rộng các trường đại<br />
học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện công, bệnh viện tư, v.v… Các ngành nghề mới như du<br />
lịch, dịch vụ thu hút hàng vạn lao động nông nghiệp ngay trên các phường, xã của thành<br />
phố hay các huyện ngoại thành tham gia, làm thay đổi nhanh chóng kết cấu kinh tế, ngành<br />
nghề, lao động…Theo đó, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, các ngành công<br />
nghiệp, giao thông vận tải, thương mại, du lịch, dịch vụ thay thế dần kinh tế nông nghiệp<br />
(UBND thành phố Vinh, 2015, tr. 295-303).<br />
Quá trình đô thị hóa tiếp tục làm thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc toàn bộ đời<br />
sống kinh tế vật chất và tinh thần của nhân dân thành phố Vinh nói chung và không gian<br />
đô thị Vinh nói riêng. Một trong những thay đổi đáng chú ý là: từ năm 1994 đến năm<br />
2008, việc sáp nhập thêm nhiều làng xã thuộc huyện Hưng Nguyên và huyện Nghi Lộc<br />
vào địa bàn thành phố Vinh diễn ra nhiều lần, nhưng diện tích đất trồng lúa, hoa màu<br />
ngày càng giảm kéo theo sự mất dần vị thế độc tôn của ngành nông nghiệp truyền thống.<br />
Cùng với sự thay đổi đó là sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành, nghề<br />
dịch vụ, du lịch mang lại thu nhập cao hơn cho người lao động. Các nhân tố để thành phố<br />
<br />
<br />
73<br />
N. T. K. Sang / Sự thay đổi về không gian đô thị ở thành phố Vinh trong quá trình đô thị hóa…<br />
<br />
Vinh vững bước trên con đường trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ<br />
đã, đang chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ. Từ thực tiễn đó, năm 2005, Thủ tướng chính<br />
phủ ban hành Quyết định số 239/2005/QĐTTg phê duyệt Đề án phát triển thành phố<br />
Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ. Đây là mốc<br />
lịch sử đặc biệt quan trọng trên bước đường đô thị hóa kéo dài ở thành phố Vinh từ đầu<br />
thế kỷ XIX cho đến thế kỷ XXI, qua các hình thái kinh tế, chính trị - xã hội khác nhau,<br />
gắn với bao biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc.<br />
Một điểm nhấn rất đáng được quan tâm là tốc độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng<br />
trên địa bàn thành phố từ năm 2005 đến năm 2008 tăng gấp 3,5 lần so với thời kỳ từ năm<br />
2000 - 2005, với nhiều hạng mục công trình được đưa vào sử dụng như khu công nghiệp<br />
Bắc Vinh, khu công nghiệp Đông Nam thành phố, khu chung cư Vinh Tân, khu chung cư<br />
Trung Đô,v.v… Đây chính là cơ sở để ngày 05/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành<br />
Quyết định số 1210/QĐ-TTg, công nhận thành phố Vinh là Đô thị loại I trực thuộc tỉnh<br />
Nghệ An.<br />
<br />
3. Kết luận<br />
Quá trình tái thiết, xây dựng lại thành phố Vinh từ đổ nát, hoang tàn của chiến<br />
tranh từ ngày 1/5/1974 đến ngày 5/9/2008 đã làm thay đổi toàn bộ bức tranh kinh tế, văn<br />
hóa, xã hội, môi trường, môi sinh ở đô thị Vinh. Xét về diện tích, không gian đô thị thì<br />
thành phố Vinh hiện nay có ranh giới phía bắc và đông bắc giáp với huyện Nghi Lộc với<br />
chiều dài lên tới 30.327km, phía tây giáp với huyện Hưng Nguyên với chiều dài<br />
21.193km; phía đông và đông nam giáp huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) với chiều dài<br />
15.307km (Số liệu do Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Vinh cung cấp).<br />
Không gian đó được phân chia thành 16 phường và 9 xã. Ngoại trừ phía nam bị sông<br />
Lam chia cắt chỉ sáp nhập một phần đất xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên vào Vinh,<br />
còn phía tây, tây nam, bắc, tây bắc, đông, đông bắc, không gian đô thị Vinh đều được mở<br />
rộng theo hình thức sáp nhập một phần đất đai làng xã vào địa bàn thành phố, sau đó, đầu<br />
tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy luật biến một vùng nông thôn thành đô thị.<br />
Sau khi thành phố Vinh được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An,<br />
quá trình mở rộng không gian đô thị theo hình thức sáp nhập đất đai và cư dân làng xã<br />
vào địa bàn thành phố và đầu tư xây dựng đô thị theo chiều sâu tiếp tục diễn ra. Theo đề<br />
án xây dựng và phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế văn hóa vùng Bắc<br />
Trung bộ, không gian thành phố Vinh được mở rộng cả về phía nam, phía tây, phía đông<br />
và phía bắc, với diện tích rộng gấp 2,7 lần so với diện tích thành phố Vinh được thành<br />
lập vào ngày 10/10/1963, với quy mô dự kiến dân số vào năm 2030 sẽ đạt trên trên 50<br />
vạn người và khoảng 80 - 85 vạn dân vào năm 2050.<br />
Nhưng xét một cách tổng thể, khách quan dưới góc độ khoa học lịch sử thì quy<br />
mô, tốc độ, số dự án đầu tư… đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả chưa tương xứng với<br />
những tiềm năng vốn có của thành phố Vinh. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa để Bộ<br />
Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết sớm xây dựng, phát<br />
triển đô thị Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ trong tương lai<br />
gần. Đây là một dấu mốc lịch sử khẳng định vị thế của đô thị Vinh đối với vùng Bắc<br />
Trung Bộ nói riêng, đối với cả nước nói chung.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
74<br />
Trường Đại học Vinh Tạp chí khoa học, Tập 48 - Số 3B/2019, tr. 69-76<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
Ban chấp hành Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam Thành phố Vinh (2010). Lịch sử Đảng<br />
bộ Thành phố Vinh (1930 - 2005) Sơ thảo. NXB Chính trị Quốc gia.<br />
Phạm Xuân Cần (2008). Văn hóa đô thị với thực tiễn Thành phố Vinh. NXB Nghệ An.<br />
Chi cục thống kê Nghệ Tĩnh (1990). Số liệu thống kê dân số tỉnh Nghệ Tĩnh năm 1976.<br />
Tài liệu lưu tại Chi cục thống kê Nghệ An.<br />
Đỗ Hậu (2001). Xã hội học đô thị. Hà Nội: NXB Xây dựng.<br />
Nguyễn Quang Hồng (2003). Thành phố Vinh quá trình hình thành và phát triển (từ năm<br />
1804 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945). NXB Nghệ An.<br />
Hội nông dân thành phố Vinh (2016). Lịch sử phong trào nông dân và hội nông dân<br />
thành phố Vinh (1930 - 2015). NXB Nghệ An.<br />
Nghị định thành lập thành phố Vinh - Bến Thủy của Toàn quyền Đông Dương ngày<br />
10/12/1927. Tài liệu lưu tại Văn phòng UBND thành phố Vinh.<br />
Quyết định số 148/CP của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm<br />
1963. Tài liệu lưu tại Văn phòng UBND thành phố Vinh<br />
Quyết định số 73/CP của Hội đồng chính phủ ngày 02/3/1979 về việc điều chỉnh địa giới<br />
hành chính một số xã, tiểu khu của thành phố Vinh. Tài liệu lưu tại Văn phòng<br />
UBND thành phố Vinh.<br />
Quyết định số 137/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 18/8/1982 về phân định lại ranh<br />
giới, một số phường, xã, thành phố Vinh. Tài liệu lưu tại Văn phòng UBND thành<br />
phố Vinh.<br />
Quyết định 603/TTg của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt<br />
Nam phê duyệt tổng thể quy hoạch thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tài liệu lưu tại<br />
Văn phòng UBND thành phố Vinh<br />
Quyết định số 1210/QĐTTg, của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Vinh là Đô<br />
thị loại I, thuộc tỉnh Nghệ An. Tài liệu lưu tại Văn phòng UBND thành phố Vinh<br />
Quyết định số 239/2005/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án phát triển<br />
thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung<br />
bộ. Tài liệu lưu tại Văn phòng UBND thành phố Vinh.<br />
Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An (2012). Lịch sử Nghệ An Tập 2, từ năm 1945<br />
đến năm 2005. NXB Chính trị Quốc gia.<br />
UBND Thành phố Vinh (1982). Phụ lục số liệu về tình hình phát triền kinh tế - văn hóa<br />
1975 - 1981 của Thành phố Vinh.<br />
UBND Thành phố Vinh (1992). Phụ lục số liệu về tình hình phát triền kinh tế - văn hóa<br />
1982 -1991 của Thành phố Vinh.<br />
UBND Thành phố Vinh (2002). Phụ lục số liệu về tình hình phát triền kinh tế - văn hóa<br />
1992 -2001 của Thành phố Vinh.<br />
UBND Thành phố Vinh (2015). Địa chí Thành phố Vinh. NXB Thông tin và truyền<br />
thông.<br />
<br />
<br />
<br />
75<br />
N. T. K. Sang / Sự thay đổi về không gian đô thị ở thành phố Vinh trong quá trình đô thị hóa…<br />
<br />
SUMMARY<br />
<br />
CHANGES IN URBAN SPACE IN VINH CITY<br />
IN THE URBANIZATION PROCESS (1974 - 2008)<br />
<br />
The article focuses on clarifying changes in urban space in Vinh City in the<br />
process of urbanization since the reconstruction and rebuilding of Vinh City were started<br />
on May 1, 1974, until Vinh was recognized as a first-class city under the direction of<br />
Nghe An Province on September 5, 2008. The research results of the article hopefully<br />
make effective contributions to the research of the urbanization process in Vinh City<br />
during the last two centuries.<br />
Keywords: Urban space; urbanization; urban(city); merger.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
76<br />