intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tính hiện đại của Thơ mới Việt Nam xét trên phương diện ngôn từ .

Chia sẻ: Nguyen Quynh | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

88
lượt xem
10
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nhìn lại con đường tiến hóa của thơ mới, một thực tế rõ ràng rằng thơ càng ngày càng có xu hướng xa rời dần lối thơ thiên về kể tả sự vật khách quan theo nguyên tắc “đối cảnh sinh tình” phổ biến của thơ ca truyền thống, mà thiên về lối thơ diễn đạt những tương quan vô hình, bên trong, mang tính tinh thần của bản thân sự vật, gắn với cảm quan về một thế giới thống nhất (cụ thể và trừu tượng, hữu hình và vô hình, thể chất và tâm linh…)…...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tính hiện đại của Thơ mới Việt Nam xét trên phương diện ngôn từ .

  1. Tính hiện đại của Thơ mới Việt Nam xét trên phương diện ngôn từ
  2. Nhìn lại con đường tiến hóa của thơ mới, một thực tế rõ ràng rằng thơ càng ngày càng có xu hướng xa rời dần lối thơ thiên về kể tả sự vật khách quan theo nguyên tắc “đối cảnh sinh tình” phổ biến của thơ ca truyền thống, mà thiên về lối thơ diễn đạt những tương quan vô hình, bên trong, mang tính tinh thần của bản thân sự vật, gắn với cảm quan về một thế giới thống nhất (cụ thể và trừu tượng, hữu hình và vô hình, thể chất và tâm linh…)…. Và cũng vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà thơ mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh lại say mê tư duy tương hợp và tinh thần nhất thể giác quan (unité de sens), những giá trị thơ mới lạ và độc đáo mà những nhà thơ tiền bối của chủ nghĩa hiện đại như Baudelaire, Mallarmé, Rimbaud, Verlaine… đã tạo ra. Về thực tế này, ta có thể dẫn ra vô số ví dụ, như: Hãy lắng nghe nhạc tơ mềm dãy dụa - Trong nhạc trăng vang nổi khắp cung mây (Chế Lan Viên - Vo lụa) Nàng bước tới như sông trăng chảy ngọc - Như nắng thơm hớp đặc cả nguồn hương (Bích Khê - Nàng bước tới) Một đêm vàng – một đêm vàng âm điệu - Đầy nhựa thơm xanh mịt ngàn phi lau (Bích Khê - Sọ người) Đêm đêm ảo ảnh thơm chăn gối - Tình hướng về đông, dạ lắng chờ (Vũ Hoàng Chương - Tình liêu trai) Cốc rượu hồng, hy vọng sáng rung rinh - Mùi son phấn khác gì hương trinh bạch? (Đinh Hùng - Hương trinh bạch) Hồn nào lang thang bên đêm êm - Hồn hoa chơi vơi - bình trăng mềm (Nguyễn Xuân Sanh - Xây mơ) - Hương thời gian thanh thanh Màu thời gian tím ngát (Đoàn Phú Tứ - Màu thời gian) Này lắng nghe em khúc nhạc thơm -
  3. Hãy tự buông cho khúc nhạc hường (Xuân Diệu - Huyền diệu) Anh đã đón tình em bay phất phới - Như hương trăng đằm thắm cõi không gian (Hàn Mặc Tử - Sáng láng) Đó là những cách diễn đạt vô cùng độc đáo, lạ lẫm, mà có lẽ trước thời đại thơ mới khó ai có thể hình dung ra. Tuy nhiên, cũng cần dứt khoát một điều rằng: sáng tạo ngôn từ (ở đây) không phải là tạo ra những từ mới, mà cơ bản là làm mới ngôn từ, nhằm đưa lại cho từ một khả năng đặc biệt trong việc làm hé lộ thế giới tinh thần bên trong của bản thân sự vật. Trong những ví dụ trên, rõ ràng năng lực liên tưởng đầy tính trực giác và thần cảm trở thành nguồn năng lượng vô tận cho sáng tạo, ở đó sự vận dụng ngôn từ không còn theo qui luật miêu tả mà theo qui luật của sự liên tưởng. Và như thế, chỉ xét riêng bình diện ngôn từ, thơ mới đã đặt ra một vấn đề mới về vai trò của cái biểu đạt: sáng tạo không phải chỉ là một sự lựa chọn, sắp xếp, mà bản thân ngôn từ đã là một sáng tạo, nó không chỉ đóng vai trò thừa hành sự sai bảo của lí trí, mà chính nó đã là một thế giới có giá trị tự thân, nó không chỉ là phương tiện của thơ mà còn là chính bản thân thơ. Liên tưởng là đặc trưng của thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung, nhưng ở đây có nét mới cần lưu ý. Thông thường ta hay nói về hai dạng liên tưởng phổ biến: liên tưởng tương đồng (hai vật thể có cùng hoặc gần về bản chất) và liên tưởng tiếp cận (từ vật thể này di chuyển sự chú ý đến một hoặc nhiều vật thể khác trong một văn cảnh rộng lớn hơn). Đó là những dạng liên tưởng thuộc phạm vi lí trí và tri thức thường nghiệm. Với thơ mới, trong nhiều trường hợp (như những ví dụ thơ đã nêu), những dạng liên tưởng ấy có lẽ chưa đủ, vì thơ càng ngày càng có xu hướng vươn đến diễn đạt tinh thần bên trong, cái bí ẩn, chưa biết, nó cần những dạng liên tưởng khác tự do, linh động và bất định hơn. Theo đó, cũng bắt đầu từ một vật thể xuất phát, nhưng mạch liên tưởng không chỉ bó hẹp trong phạm vi cái tương đồng hay tiếp cận, mà thường dẫn dắt trí tưởng tượng của nhà thơ đi đến những hình ảnh hoặc ý tưởng hết sức xa lạ với ý nghĩa ban đầu, vượt ra khỏi thói quen kinh nghiệm và nhận thức thông thường. Những liên tưởng ấy phụ thuộc vào ý thức tìm kiếm giá trị tinh thần bên trong và cũng phụ thuộc vào năng lực trực giác của nhà thơ. Nhờ liên tưởng tự do và có tính bất định ấy, người đọc được dẫn dắt trải nghiệm những trạng thái cảm giác khác nhau đầy ngạc nhiên với những cảm nhận mới mẻ, thú vị, những điều mà thơ nghiêng về tư duy luận lí
  4. không thể có được. Những liên tưởng bất định trong sáng tạo ngôn từ của các nhà thơ mới thực sự đã góp phần nới rộng tầm nhìn và nêu lên cách nhìn mới về thế giới với tất cả sự uyển chuyển, linh động cùng chiều sâu thăm thẳm của nó. 2.3. Hiện tượng phi trật tự tuyến tính. Đặc điểm ngôn từ của thơ mới còn thể hiện ở tính lỏng lẻo và xu hướng phá vỡ cấu trúc ngữ pháp thông thường. Đặc điểm này thực ra không phải là phổ biến trong thơ mới nhưng đó là hiện tượng hoàn toàn mới. Nó khác với hình thức đảo từ (hoặc đảo ngữ) ta thường gặp trong sáng tác của một số nhà thơ như Xuân Diệu hoặc Vũ Hoàng Chương… Bài thơ Hết ngày hết tháng của Xuân Diệu có những câu: Đêm qua mưa gió lạnh lùng trời Anh ở, em đi, lạnh lẽo người… Hoặc trong bài thơ Thu: Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu; Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì… “Lạnh lùng trời”, “lạnh lẽo người”, “nõn nà sương ngọc” là những sự đảo từ cục bộ. Nó tạo ra cách diễn đạt mới để nhấn mạnh đặc tính sự vật mà tác giả muốn miêu tả. Xét tổng thể bài thơ thì trật tự tuyến tính cơ bản vẫn được tôn trọng, chức năng mô tả của từ không thay đổi, giá trị biểu cảm của câu thơ được gia tăng nhưng không tạo ra giá trị ngữ nghĩa mới. Đó là những sáng tạo có ý nghĩa của thơ mới nhưng nghĩa của các câu thơ vẫn nằm trong vòng kiểm soát của nhận thức lí tính, người đọc không khó khăn nếu ngầm lập lại cho câu thơ trật tự thông thường khi cảm thụ. Hình thức đảo từ (hoặc đảo ngữ) ấy có thể bắt gặp ở nhiều nhà thơ khác, kể cả các nhà thơ sau thời kì thơ mới (Nguyễn Đình Thi cũng xáo trộn trật tự từ trong câu thơ “những phố dài xao xác hơi may” của bài thơ Đất nước để nhấn mạnh cảm nhận của mình về mùa thu Hà Nội buồn và đẹp). Trong sáng tác của một số nhà thơ như Bích Khê (bài thơ Duy tân), Phạm Văn Hạnh (bài thơ Thư, thơ), Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ, những thay đổi về cấu trúc ngữ pháp có sự khác biệt về bản chất, trong đó đặc biệt phải kể đến Nguyễn Xuân Sanh, nhà thơ trẻ nhất nhóm Xuân Thu nhã tập và cũng là người đưa lại cho ngôn từ thơ những
  5. thể nghiệm táo bạo. Trong số các sáng tác của ông, trật tự cú pháp của nhiều bài thơ dường như bị phá vỡ hoàn toàn. Bài Bình tàn thu là một ví dụ tiêu biểu: Bình tàn thu vai phấn nghiêng nghiêng Chén vàng dâng ướp nhạc lòng đời Sương mù lệ héo dặm đường hương Cung phi dăng bướm buồn nghê thường Sách đâu tay xoã ái - tình - chương… Không có sự liên hệ ngữ nghĩa rành mạch giữa các con chữ, liên hệ tuyến tính cũng bị xóa. Không thể dựa vào logic câu chữ để hiểu bài thơ. Nguyễn Xuân Sanh cũng đã từng khuyên đọc thơ ông không nên dùng sự phân tích rạch ròi của lí trí tỉnh táo mà chỉ cảm, bắt đầu từ sự gợi cảm của từ, không được sắp xếp theo một trật tự nào cả. Phấn, hương, sương mù, bướmgợi hình ảnh thiên nhiên - mùa thu; các từ vai, lệ, héo, cung phi, tay xõa lại nói về con người, gợi hình ảnh những mĩ nữ thời xưa đẹp nhưng héo hắt buồn chán trong cung cấm với rượu ngon, chén vàng, hương hoa và giai điệu du dương của khúc nghê thường? Đằng sau sắc, nhạc, hương, toàn bài thơ gợi một cảm giác mơ hồ, mong manh về một mùa thu xa xăm, buồn và đẹp não nùng. Các bài thơ như Buồn xưa, Hồn ngàn mùa, Người xuân cũng có chung một phong cách ngôn ngữ như vậy. Cũng đã từng có ý kiến cho thơ Nguyễn Xuân Sanh theo xu hướng bí hiểm, kín mít. Tuy nhiên có lẽ không hoàn toàn như vậy. Thơ của ông, mở rộng ra là của Xuân Thu nhã tập có khó hiểu hơn so với các nhà thơ lãng mạn, nhưng gắn liền với quan niệm về thơ của các tác giả. Sự phá vỡ trật tự cú pháp hay các liên hệ ngữ nghĩa trong thơ của họ không phải chỉ để tạo ra một cách diễn đạt khác với thông lệ mà theo một triết lí riêng, nói như Phạm Văn Hạnh trong bài thơ văn xuôi Tự sự, bằng “vô số ngẫu hợp chắt ra giọt sương Lí Tưởng cho ta ngưỡng vọng ngàn đời”. Rimbaud cũng đã từng nói: nhà thơ thấu thị “qua sự phá vỡ, lâu dài và có lí luận, tất cả các giác quan”. Phải chăng cách làm của Nguyễn Xuân Sanh và Xuân Thu nhã tập có liên hệ với cách làm của thiên tài vụt sáng trong thơ Pháp ấy? Vẻ đẹp mơ hồ khó nắm bắt trong các bài thơ của Xuân Thu nhã tập không phải tạo ra từ trình tự có tính chất
  6. miêu tả mà từ sự liên kết các hình ảnh, các từ gợi cảm có ý nghĩa biểu tượng gợi lên ý nghĩa mới. Thơ của Nguyễn Xuân Sanh và một phần của Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Bích Khê đã có dấu hiệu của hình thức nghệ thuật đặt người đọc trước những thách thức mới, không phải đọc những dòng đen mà từ những ẩn ý trong khoảng trống không nói đến, để tìm ra những niềm im lặng hay “vẻ đẹp câm” (theo cách nói của Bích Khê). Cũng không phải ngẫu nhiên các nhà thơ Xuân Thu nhã tập có điểm rất gần gũi, họ đều có thiên hướng tìm về những vẻ đẹp đã mất. Đoàn Phú Tứ nhắc đến vẻ đẹp của các Tần phi (Màu thời gian), Nguyễn Xuân Sanh với “hồn Tương giang” (hồn Tương giang đàn dựa buồn hường), nỗi buồn, vẻ đẹp của cung phi xưa (cung phi dăng bướm buồn nghê thường), Phạm Văn Hạnh nhắc đến nhiều hơn với vẻ đẹp của các tích cổ như thành Hoàng Dương, với những rung động “như mấy nghìn năm trước, nó đã ướp thơm giấc mơ của Quận chúa nước Tần, trên lầu Thúy Phượng” (Tiếng ngọc tiêu), với Quang Trung Nguyễn Huệ, với “Vũ vương chín năm đi trị thủy không nghĩ đến về nhà”, và cả với Tần Thủy Hoàng, “hình ảnh một siêu nhân, nên thơ…và tàn bạo” (Tần Thủy Hoàng). Không phải chỉ ở ý thức quay về với niềm tự hào phương Đông, các tác giả còn muốn ủy thác cho nghệ thuật sức mạnh chiến thắng sự va đập, tàn phá của thời gian để tìm từ trong “một cái nháy mắt” “cái - khôn - cùng” (Tự sự) của vũ trụ mà mỗi cá thể nghệ sĩ là một phần trong đó. Không nói về những điều rõ ràng có không - thời gian xác định với một ngôn ngữ tường minh, các nhà thơ Xuân Thu nhã tập muốn nâng thơ ca lên thành một nghệ thuật của cái vĩnh cửu. Trên đây là một số biểu hiện thể hiện tính sáng tạo theo tinh thần hiện đại của thơ mới trên phương diện ngôn từ. Những sáng tạo độc đáo ấy có được từ ý thức làm mới thơ Việt Nam trong bối cảnh hiện đại hóa nền thơ dân tộc và sự tác động mạnh mẽ của văn học hiện đại phương Tây. Sự tiếp thu và vận dụng những điểm khả thủ của các trào lưu thơ hiện đại đã giúp cho sáng tạo của các tác giả thơ mới thêm phong phú, sung mãn và cũng có chiều sâu hơn trong cách diễn đạt
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2