Tóm tắt Luận án tiến sĩ: Dạy thuyết trình cho hướng dẫn viên du lịch tiếng pháp theo phương pháp tiếp cận bằng loại hình diễn ngôn loại hình diễn ngôn và thông qua các tình huống-vấn đề
lượt xem 3
download
Mục đích của luận án nhằm phân tích các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp theo thể loại diễn ngôn; Đề xuất một khóa học dạy thuyết trình có sử dụng phương pháp tình huống – vấn đề trong đào tạo hướng nghiệp HDV du lịch tiếng Pháp;...
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tóm tắt Luận án tiến sĩ: Dạy thuyết trình cho hướng dẫn viên du lịch tiếng pháp theo phương pháp tiếp cận bằng loại hình diễn ngôn loại hình diễn ngôn và thông qua các tình huống-vấn đề
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG GIÁO LOUVAIN ----------***---------- Tóm tắt luận án tiến sĩ DẠY THUYẾT TRÌNH CHO HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH TIẾNG PHÁP THEO PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN BẰNG LOẠI HÌNH DIỄN NGÔN LOẠI HÌNH DIỄN NGÔN VÀ THÔNG QUA CÁC TÌNH HUỐNG –VẤN ĐỀ ENSEIGNEMENT DE L’EXPOSÉ ORAL DU GUIDE TOURISTIQUE VIETNAMIEN FRANCOPHONE COMME GENRE DISCURSIF ET PAR LES SITUATIONS-PROBLÈMES Nghiên cứu sinh : ĐỖ QUỲNH HƯƠNG Hướng dẫn khoa học : TS. NGUYỄN THỊ CÚC PHƯƠNG Đồng hướng dẫn : GS. SILVIA LUCCHINI & GS. MARCEL LEBRUN (Đại học Công giáo Louvain, Vương quốc Bỉ) Phản biện thứ nhất : GS. JEAN-FRANÇOIS BOURDET Phản biện thứ hai : GS. THOMAS FRANÇOIS Phản biện thứ ba : PGS. ĐƯỜNG CÔNG MINH Chuyên ngành : Ngôn ngữ Pháp Mã ngành : 62220203 Hà Nội, 2/2019
- MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Được đào tạo theo chuyên ngành Sư phạm tiếng Pháp và Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và đào tạo ở bậc cử nhân và thạc sĩ, ban đầu chúng tôi dự định thiết kế các mô đun dạy tiếng Pháp dưới dạng tình huống – vấn đề có sử dụng công nghệ thông tin. Thế nhưng sau đó, chúng tôi đã thay đổi đề tài nghiên cứu của mình sang lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp phục vụ các mục đích chuyên biệt (FOS), cụ thể là giảng dạy thuyết trình cho hướng dẫn viên du lịch (sau đây gọi tắt là HDV) tiếng Pháp tương lai. Sự thay đổi này bắt nguồn từ nhu cầu thực tế của cơ sở đào tạo nơi chúng tôi làm việc : khoa tiếng Pháp trường Đại học Hà Nội dự định mở định hướng Du lịch cho ngành cử nhân Ngôn ngữ Pháp. Cùng với các giảng viên khác của Khoa, chúng tôi được huy động vào việc xây dựng chương trình và học liệu cho một số môn chuyên ngành du lịch giảng dạy băng tiếng Pháp. Từ đó, chúng tôi đã quyết định lồng ghép đề tài nghiên cứu này vào việc xây dựng chương trình và học liệu môn « Giao tiếp du lịch, định hướng nghề hướng dẫn viên du lịch » Lựa chọn dạy thuyết trình cho HDV du lịch đã đưa chúng tôi đến một lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới : phân tích diễn ngôn. Các tài liệu nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng giáo trình tiếng Pháp phục vụ các mục đích chuyên biệt đã chỉ ra rằng phân tích diễn ngôn là một bước tất yếu của việc biên soạn chương trình và giáo trình các môn ngoại ngữ chuyên ngành. Và từ đó, cấu trúc luận án của chúng tôi được hình thành ngày càng rõ nét. 2. Câu hỏi, giả thuyết và mục đích nghiên cứu Chính trong bối cảnh vừa mang tính chất cá nhân, nghề nghiệp và học thuật này mà luận án tiến sĩ của chúng tôi đã ra đời. Xuất phát điểm của luận án là một câu hỏi mang tính thực tế : dạy thuyết trình cho HDV tiếng Pháp tương lai thế nào ? Tra cứu các tài liệu chuyên ngành và nghiên cứu thực địa đã gợi cho chúng tôi những giả thuyết nghiên cứu sau : - Việc xây dựng chương trình và thiết kế học liệu của khóa học này phải dựa vào kết quả phân tích diễn ngôn của thể loại đích : các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp ; - Sử dụng phương pháp tình huống – vấn đề có thể góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của khóa học ; Từ đó, chúng tôi xác định các mục đích chính của nghiên cứu, bao gồm : - Phân tích các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp theo thể loại diễn ngôn ; 1
- - Đề xuất một khóa học dạy thuyết trình có sử dụng phương pháp tình huống – vấn đề trong đào tạo hướng nghiệp HDV du lịch tiếng Pháp 3. Bố cục của luận án Luận án gồm ba phần lớn : cơ sở lý thuyết và bối cảnh nghiên cứu, phân tích diễn ngôn các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp và khóa học thyết trình trong đào tạo hướng nghiệp HDV tiếng Pháp. Trong phần thứ nhất, chương 1 giới thiệu thực trạng đào tạo HDV tiếng Pháp tại Việt Nam. Chúng tôi phân tích nhu cầu đào tạo và các nét chính trong chương trình đào tạo nghề và ngôn ngữ dành cho các HDV du lịch tương lai. Chương 2 giới thiệu bối cảnh của nghiên cứu : đổi mới các đào tạo đại học tại Việt Nam theo xu hướng đào tạo hướng nghiệp, việc mở các ngành đào tạo mới giảng dạy bằng ngoại ngữ tại trường Đại học Hà Nội và cuối cùng là việc triển khai định hướng du lịch cho ngành cử nhân Ngôn ngữ Pháp tại khoa tiếng Pháp của Trường. Trong phần cơ sở lý thuyết, trước tiên, chúng tôi xác định lĩnh vực nghiên cứu của đề tài, sau đó làm rõ một số khái niệm lý thuyết quan trọng đối với đề tài nghiên cứu, xung quanh hai chủ đề lớn là phân tích diễn ngôn và phương pháp tình huống – vấn đề. Phần thứ hai củaluận án báo cáo kết quả mảng thứ nhất của đề tài nghiên cứu : phân tích diễn ngôn các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp. Trong chương đầu của phần này, chúng tôi giới thiệu phương pháp phân tích, các chương 7 và 8 dành cho các nghiên cứu về đặc tính về mặt diễn ngôn của thể loại này, các cách chuẩn bị và trình bày các bài thuyết trình và các đặc tính ngôn ngữ phổ biến trong các bài thuyết trình của HDV du lịch Việt Nam nói tiếng Pháp. Phần thứ ba của luận án tổng hợp kết quả của mảng thứ hai của đề tài nghiên cứu, tức khóa học thuyết trình cho HDV, bao gồm : thiết kế một mô đun dạy thuyết trình theo phương pháp tình huống-vấn đề, giảng dạy thử nghiệm và phân tích kết quả của thử nghiệm, nhằm nâng cao chất lượng giáo trình trong tương lai. Phần phương pháp thiết kế và thử nghiệm giáo trình này sẽ được trình bày trong chương 9. Cuối cùng, trong phần kết luận, chúng tôi sẽ tóm lược những đóng góp của luận án cũng như các đường hướng nghiên cứu trong tương lai. 2
- PHẦN MỘT : BỐI CẢNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT Chương 1. Đào tạo hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Pháp tại Việt Nam Từ khi mở cửa ra thế giới, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không ngừng tăng lên, đạt 10 triệu lượt khách trong năm 2016 và 10,9 triệu trong năm 2017. Trong hoàn cảnh này, một thị trường các dịch vụ đón khách nước ngoài tại Việt Nam đã được hình thành, bao gồm các công ty du lịch thiết kế tour trực tiếp theo đơn đặt hàng của khách lẻ (B2C) hay các công ty tổ chức việc đón tiếp khách, làm đại lý cho các công ty lữ hành chuyên gom khách đoàn có trụ sở tại nước sở tại của khách (B2B). Bối cảnh này cũng tạo điều kiện cho du lịch Pháp ngữ tại Việt Nam phát triển mạnh. Hàng năm chúng ta đón khoảng 300 000 lượt khách nói tiếng Pháp, tuy nhiên số lượng HDV quốc tế ngôn ngữ Pháp (có thẻ) hiện chỉ có 1 330 người. Trên thực tế, số lượng này chắc còn ít hơn do nhiều HDV có thẻ mà không hành nghề. Theo quy định, để có thể nộp hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề (thẻ hướng dẫn viên), các ứng viên phải có trình độ tiếng Pháp bậc đại học, hoặc bằng DELF trình độ B2. Trên thực tế, đa phần các HDV đều tốt nghiệp các khoa tiếng Pháp của các trường đại học, vì vậy về cơ bản họ có trình độ tiếng Pháp tốt. Những năm gần đây, môn Tiếng Pháp du lịch đã được đưa vào chương trình đào tạo, những chỉ cung cấp cho các HDV tương lai những khái niệm cơ bản của ngành du lịch, mà không đi xa hơn trong các tình huống giao tiếp tiêu biểu của nghề HDV du lịch Pháp ngữ. Để có thể hành nghề HDV quốc tế nói tiếng Pháp, sinh viên tốt nghiệp ngành tiếng Pháp của các trường đại học phải tham gia một khóa học, lấy chứng chỉ HDV bằng tiếng Việt. Khóa học này cung cấp cho ho những kiến thức cơ bản (lịch sử, địa lý…) và chuyên ngành (kinh tế du lịch, tâm lý khách hàng, nghiệp vụ hướng dẫn…) Các học viên củng được học cách thuyết trình, nhưng môn này chỉ chiểm một phần rất nhỏ trong chương trình. Tóm lại, nhu cầu về HDV du lịch nói tiếng Pháp là có thực, tuy nhiên quá trình đào tạo còn một số bất cập, và không có một chuyên ngành đào tạo hướng nghiệp nào dành riêng cho họ. Các HDV tiếng Pháp mới vào nghề đủ trình độ tiếng Pháp để thực hiện các tình huống giao tiếp cơ bản với khách, nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị và thực hiện các bài thuyết trình bằng tiếng Pháp, do chưa từng học kỹ năng này trên ghế nhà trường. Chương 2 : Bối cảnh của cơ sở đào tạo nơi thực hiện đề tài nghiên cứu Được thành lập năm 1967, khoa tiếng Pháp trường Đại học Hà Nội vốn có truyền thống đào tạo cử nhân tiếng Pháp, định hướng biên phiên dịch. Những năm gần đây, Khoa cố gắng đa dạng hóa các ngành đào tạo theo xu hướng chung của các khoa tiếng nước ngoài trong trường. Sự chuyển mình mạnh mẽ này được thể hiện bằng việc 3
- mở ngành đào tạo mới - Truyền thông doanh nghiệp bằng tiếng Pháp – và đào tạo cử nhân Ngôn ngữ Pháp đinh hướng nghề : Biên Phiên dịch và Du lịch. Lý do lựa chọn định hướng du lịch chủ yếu do lĩnh vực này mang lại nhiều việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tại Khoa trong những năm gần đây. Để chuẩn bị cho việc triển khai định hướng Du lịch, từ năm 2012, Khoa đã thực hiện điều tra với một số chuyên gia ngành du lịch Pháp ngữ để liệt kê danh sách các nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong lĩnh vực này. Từ đó, chúng tôi đã xác định hai nghề cho định hướng Du lịch của chương trình cử nhân Ngôn ngữ Pháp : nhân viên văn phòng du lịch và HDV du lịch. Đề tài nghiên cứu của chúng tôi đặc biệt có ý nghĩa thực tiễn với chương trình đào tạo này : các môn chuyên ngành được dạy từ học kỳ 5 bao gồm 39 tín chỉ, trong đó có 3 tín chỉ dành cho môn « Giao tiếp du lịch định hướng nghề hướng dẫn viên du lịch ». Mô đun dạy thuyết trình cho HDV du lịch tiếng Pháp sẽ là nội dung chính của môn học này. Chương 3. Xác định lĩnh vực nghiên cứu Với mục đích giảng dạy thuyết trình theo loại hình diễn ngôn và thông qua các tình huống – vấn đề, nghiên cứu của chúng tôi nằm giữa hai lĩnh vực lớn là phương pháp giảng dạy tiếng Pháp như một ngoại ngữ và khoa học giáo dục. Trong lĩnh vực phương pháp giảng dạy tiếng Pháp như một ngoại ngữ, đề tài của chúng tôi thuộc về các nghiên cứu giảng dạy tiếng Pháp theo mục đích chuyên biệt (FOS), trong đó đặc thù chính là việc thiết kế các khóa học dựa hoàn toàn trên nhu cầu của người học : thu thập các tình huống giao tiếp đích và các loại hình diễn ngôn dạng viết hay nói điển hình trong các tình huống đó, thu thập các dữ liệu ngôn ngữ thực tế chọn lọc, xử lý và sử dụng làm học liệu. Cho dù khóa học mà chúng tôi thiết kế thuộc về tiếng Pháp chuyên ngành du lịch thì các bước triển khai cũng thể hiện định hướng nghề cụ thể (HDV du lịch tiếng Pháp) và khai thác một thể loại diễn ngôn cụ thể (thuyết trình) trong các tình huống giao tiếp đặc thù của nghề này. Chúng tôi cũng áp dụng xu hướng mới của lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp như một ngoại ngữ, đó là tiếp cận qua hành động. Trong khóa học của chúng tôi, người học - các HDV tương lai – được coi như những chủ thể xã hội, sử dụng tiếng Pháp trong các hoạt động nghề nghiệp của họ, trong giao tiếp với người bản ngữ, chính là khách du lịch Pháp ngữ. Họ sử dụng tiếng Pháp để thực hiện các nhiệm vụ nghề nghiệp cụ thể, trong đó mỗi nhiệm vụ lại đòi hỏi ở HDV không chỉ những kỹ năng ngôn ngữ mà còn cả những kỹ năng chung và nghề nghiệp. Mỗi hành động diễn ra trong một môi trường cụ thể và thuộc về một trường hành động cụ thể, thuộc về lĩnh vực dịch vụ đón tiếp khách du lịch quốc tế. Bối cảnh này đặt ra một số yêu cầu cụ thể dối với HDV, được chúng tôi thể hiện trong các tình huống – vấn đề thiết kế trong giáo trình. Các hoạt động ngôn ngữ của HDV vừa là hoạt động nhận thức và diễn đạt, thường là nghe hiểu và diễn đạt nói. 4
- Để có thể thực hiện các nhiệm vụ của mình, HDV phải huy động các nguồn trí lực, các công cụ và lực lượng trợ giúp cùng các chiến lược khác nhau. Đây là nội dung chính của khoa học mà chúng tôi thiết kế. Giảng dạy theo loại hình diễn ngôn cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng mới của phương pháp giảng dạy tiếng Pháp như một ngoại ngữ theo Khung năng lực ngôn ngữ châu Âu (CECR), trong đó trình độ kỹ năng giao tiếp trong ngoại ngữ tiếng Pháp được xác định thông qua việc làm chủ các loại hình diễn ngôn của người học. Trong khoa học giáo dục, nghiên cứu của chúng tôi thuộc về phương pháp dạy nghề, bởi chúng tôi dạy một thể loại diễn ngôn (thuyết trình) của một nghề (HDV du lịch tiếng Pháp tại Việt Nam) và phân tích cách chuẩn bị và trình bày thuyết trình thường thấy của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp cũng như đặc thù ngôn ngữ của thể loại này, trên cơ sở đó xây dựng một khung năng lực nghề của HDV du lịch tiếng Pháp, phần kỹ năng thuyết trình. Quá trình này dựa trên các lý thuyết về phương pháp giảng dạy nói chung của ngành giáo dục học. Việc thiết kế khóa học có vận dụng các phương pháp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, và việc ứng dụng các tình huống – vấn đề trong thiết kế khóa học đi theo các trường phái kiến tạo xã hội (socioconstructive) và tương tác (interactive) trong khoa học giáo dục. Trong khi tìm hiểu các nghiên cứu cùng lĩnh vực, chúng tôi nhận thấy các nghiên cứu về phân tích diễn ngôn trong lĩnh vực du lịch chủ yếu phân tích thể loại viết, chỉ có một luận án tiến sĩ nghiên cứu các bài thuyết trình của HDV tại một nước châu Phi, nhưng theo đường hướng so sánh với các đoạn có cùng chủ đề trong các sách cẩm nang du lịch. Trong lĩnh vực thiết kế các khóa học tiếng Pháp du lịch cho người Việt Nam, có vài nghiên cứu ở trình độ thạc sĩ, nhưng cũng chủ yếu khai thác các tài liệu viết, và không dạy thử nghiệm trong hầu hết các trường hợp. Phương pháp tình huống – vấn đề bắt nguồn từ thực tế giảng dạy các môn khoa học ở phổ thông và tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ tại Pháp, sau này được phát triển trong giảng dạy đại học. Trong giáo học pháp tiếng Pháp thường nói đến phương pháp tiếp cận theo nhiệm vụ, học bằng dự án và các trò chơi giả tưởng mà không nói đến phương pháp tình huống – vấn đề. Tóm lại, dù nghiên cứu của chúng tôi thuộc về lĩnh vực phương pháp giảng dạy tiếng Pháp theo mục dích chuyên biệt (FOS), nhưng khi áp dụng phương pháp tình huống- vấn đề, chúng tôi có sử dụng các nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ giáo dục, và phương pháp tiếp cận của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với đường hướng hành động, vốn là xu thế hiện hành của giáo học pháp tiếng Pháp. Chúng tôi cũng sử dụng các khái niệm của ngành giáo học pháp đại cương, và nghiên cứu của chúng tôi rất gần với các nghiên cứu trong lĩnh vực phương pháp dạy nghề, chuyên ngành phân tích diễn ngôn trong hoạt động nghề nghiệp. Trong số các nghiên cứu hướng tới xây dựng các khóa học tiếng Pháp du lịch dựa trên phân tích diễn ngôn, luận án của chúng tôi là một trong số ít ỏi những nghiên cứu phân tích diễn ngôn dạng nói và có thực hiện dạy thử nghiệm. 5
- Chương 4 : Phân tích diễn ngôn trong giảng dạy ngoại ngữ Có rất nhiều định nghĩa về diễn ngôn nhưng chúng tôi lựa chọn định nghĩa của Mainguenau (Mainguenau & Charaudeau, 2002) : diễn ngôn là một tổ chức liên câu có định hướng, thể hiện tác động qua lại và tuân theo những chuẩn mực, là một dạng hành động có hoàn cảnh cụ thể, do một chủ thể chịu trách nhiệm và nằm trong một trường diễn ngôn. Định nghĩa này cho phép chúng tôi xem xét các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp - đối tượng nghiên cứu của đề tài – trong phần hai của nghiên cứu này dưới nhiều góc độ khác nhau của diễn ngôn. . Cũng giống như diễn ngôn, các định nghĩa về thể loại diễn ngôn có rất nhiều, nhưng chúng tôi lựa chọn định nghĩa của Charaudeau (Mainguenau & Charaudeau, 2002), theo đó thể loại diễn ngôn được xác định bởi hoàn cảnh ra đời, tức « các yếu tố tâm lý, xã hội kết hợp với các thành tố về tình huống và giao tiếp » (Charaudeau, 1995b). Trong nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn lý thuyết về hợp đồng giao tiếp của Charaudeau, bao gồm vị thế xã hội và bản sắc diễn ngôn của chủ thể phát ngôn, các yếu tố liên quan đến nội dung phát ngôn và hoàn cảnh phát ngôn, các chiến thuật diễn ngôn - để xác định các đặc điểm của các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp. Các phân tích này được bổ sung với danh sách các phương thức chuẩn bị và trình bày các bài thuyết trình phổ biến trong giới HDV Việt Nam nói tiếng Pháp. Phân tích cũng đề cập đến những đặc tính của diễn ngôn dạng nói. Giảng dạy theo thể loại được biết đến nhiều trong giảng dạy tiếng Pháp như một ngoại ngữ, từ đường hướng giao tiếp trong giảng dạy ngoại ngữ những năm 70 đến giai đoạn hậu Khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu trong những năm gần đây. Trong chương chình giảng dạy tiếng Pháp phục vụ các môn học tại trường phổ thông tại các nước dạy tiếng Pháp như một bản ngữ, phương pháp này cũng được đề cập đến nhiều, nhất là từ phong trào cải cách chương trình từ những năm 2000. Khi xây dựng khóa học thuyết trình cho HDV tương lai, chúng tôi đi theo xu hướng mới trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Pháp theo mục đích chuyên biệt, theo đó mục đích chính của việc dạy – học ngoại ngữ chính là làm chủ các thể loại diễn ngôn, đồng thời khả năng hiểu và biểu đạt các thể loại diễn ngôn đặc thù trong từng hoàn cảnh giao tiếp là một kỹ năng cơ bản trong việc hòa nhập xã hội và trong công việc của người học. Quá trình thiết kế, thử nghiệm và đánh giá khóa học dạy thuyết trình cho HDV của chúng tôi đi theo các bước cơ bản được Bronckart & Dolz (1999) đề ra cho việc dạy ngôn ngữ thông qua thể loại. Việc phân tích diễn ngôn của thể loại đích dựa trên lý thuyết hợp đồng giao tiếp của Charaudeau và có nhiều điểm chung với mô hình Phân tích diễn ngôn trung gian (Scollon, 2005). Chúng tôi vừa phân biệt diễn ngôn được mong chờ và diễn ngôn được thực hiện trên thực tế, vừa chú ý đến hoạt động của chủ thể diễn ngôn trong quá trình chuẩn bị và thực hiện diễn ngôn, xem xét các đặc điểm mang tính cá nhân của chủ thể diễn ngôn khi phân tích các diễn ngôn cùng thể loại. 6
- Chương 5 : Phương pháp tình huống – vấn đề và vị trí của phương pháp này trong các chương trình đào tạo hướng nghiệp Không chỉ là một khái niệm, tình huống – vấn đề còn là một tình huống sư phạm, một phương pháp giảng dạy, một đường hướng trong khoa học giáo dục. Nó bao hàm một triết lý, triết lý của sự ngạc nhiên và khai phóng, trong đó người học được đặt trước những trở ngại, trong những tình huống phức tạp và gần với thực tiễn, phải huy động nhiều chiến thuật tư duy để giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, nhằm vượt qua các trở ngại đồng thời đạt mục đích học tập và lĩnh hội các kỹ năng mà chương trình học hướng tới. Trên con đường khám phá này, người học được chỉ dẫn theo một lộ trình chặt chẽ, trong đó đan xen các xung đột xã hội – tri nhận, các đột phá về phương pháp tri nhận và hướng dẫn của người dạy. Dưới góc nhìn của người dạy, việc thiết kế các tình huống giảng dạy này phải theo một quy trình chặt chẽ, đòi hỏi ở người thiết kế chương trình hoặc/và giáo viên đứng lớp không chỉ có vốn kiến thức chuyên môn vững chắc, mà còn hiểu biết sâu sắc tình trạng nhận thức của người học về nội dung học tập, điều chỉnh những nhận thức đó nhằm đạt được mục đích học tập đề ra. Sự hiểu biết này cũng quyết định tình huống được lựa chọn, độ khó và độ phức tạp của vấn đề, cách đặt vấn đề và phương thức tổ chức các hoạt động học tập. Đánh giá quá trình giải quyết vấn đề là thời điểm vô cùng quan trọng để nhấn mạnh tầm quan trọng không phải của đáp án đưa ra, mà là quá trình giải quyết vấn đề và những thay đổi nhận thức của người học, chính là kết quả của việc học. Trong giáo học pháp đào tạo nghề, tình huống – vấn đề là phương pháp được coi trọng trong các chương trình giảng dạy tại trường nghề, dựa trên việc phân tích các hành vi nghề nghiệp phổ biến, với mục đích dạy một hoạt động nghề nghiệp nào đó. Được đặt trong một tình huống nghề nghiệp nhất định, vấn đề được lựa chọn có thể mang nặng tính lý thuyết hơn hay mang nặng tính thực hành hơn. Tuy nhiên, một giáo trình dựa trên tình huống phải có bốn thuộc tính, bao gồm : tính tương tác giữa thao tác của người học và « câu trả lời » của giáo trình, độ chân thực của các hành vi nghề nghiệp phổ biến được đem ra giảng dạy, tính vấn đề và các tình huống lặp lại với độ khó tăng dần trong tiến trình giảng dạy. Trong giảng dạy đại học, giải quyết vấn đề vừa là chiến thuật giảng dạy, vừa là mục đích cần theo đuổi, bởi quá trình giải quyết vấn đề kích hoạt nhiều chiến thuật tư duy quan trọng. Nhiều phương pháp, trong đó nổi tiếng nhất là phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình và phương pháp vấn đề, đã được đưa vào áp dụng từ những năm đầu của thế kỷ 20 trong các trường đại học Mỹ và châu Âu. Nổi lên từ vài thập kỷ gần đây, phương pháp tình huống – vấn đề chú trọng vào sự phát triển kỹ năng, và đây chính là sự khác biệt của phương pháp này so với các phương pháp được áp dụng trước đó. Những nghiên cứu gần đây về dạy – học trong tình huống thực đã cho thấy các đặc tính của phương pháp tình huống – vấn đề trong các chương trình giảng dạy hướng nghề tại bậc đại học. 7
- PHẦN HAI : PHÂN TÍCH DIỄN NGÔN CÁC BÀI THUYẾT TRÌNH CỦA HDV Chương 6 : Phương pháp phân tích các bài thuyết trình của HDV Khi phân tích các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp, chúng tôi lựa chọn phương pháp mô tả, bao gồm hai bước : phân loại các cách ứng xử của HDV khi thực hiện thuyết trình, phân tích và diễn giải các các ứng xử này thông qua cái nhìn của HDV và các cách làm thường thấy của họ khi chuẩn bị và thực hiện các bài thuyết trình. Chúng tôi chọn phương pháp quan sát có hệ thống một số mẫu của các bài thuyết trình mà chúng tôi coi là tiêu biểu của thể loại này. Để phân tích chúng tôi lập một bảng để ghi nhận các ứng xử có thể quan sát được của HDV trong các bài thuyết trình, tương ứng với các đặc tính của các bài thuyết trình theo thuyết hợp đồng giao tiếp của Charaudeau. Chúng tôi cũng thực hiện một phỏng vấn bán tự do với các HDV đã giúp chúng tôi ghi âm các bài thuyết trình tại thực địa và hai cuộc phỏng vấn nhóm với các khách du lịch là khách hàng của hai trong số các HDV nói trên. Các điều kiện phỏng vấn cũng như thái độ trung gian của người thực hiện phỏng vấn góp phần làm giảm thiểu các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả của điều tra. Trong phần tiếp theo, kết quả cuối của phân tích diễn ngôn thể loại này là tổng hòa của phân tích các bài thuyết trình và các câu trả lời phỏng vấn HDV. Các câu trả lời của khách du lịch mang đến một cái nhìn khác, giúp chúng tôi có được một cái nhìn toàn diện về thể loại được đưa ra phân tích. Chương 7 : Phân tích diễn ngôn các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp Các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp là một thể loại diễn ngôn riêng biệt, trong đó các đặc tính được hình thành trước hết bới vị thế xã hội của HDV. HDV là một nghề được xã hội và các thể chế công nhận, bao hàm trong đó các kiến thức và kỹ năng mà một HDV phải biết, đồng thời trao cho người làm hướng dẫn quyền được phát ngôn. Tuy nhiên trong thực tế, đôi khi HDV lại chia sẻ quyền này với khách hàng. HDV cũng sử dụng các chiến thuật khác nhau để thu hút khách hàng đồng thời để khách tin vào những gì họ nói : họ trau dồi tiếng Pháp hàng ngày, cố gắng diễn đạt sáng sủa, cô đọng, chính xác, chặt chẽ, đồng thời xây dựng các bài thuyết trình sống động và phù hợp với từng đối tượng. HDV cũng cố gắng xây dựng một hình ảnh tích cực của đất nước mình trong mắt khách du lịch đồng thời chọn cho mình thái độ trung tính, bởi vì tuy vai trò chính của họ là người truyền đạt thông tin, các bài thuyết trình của HDV nhằm đem lại cho khách một hình ảnh đẹp của đất nước để họ có thể quay lại thăm thú nơi này. Các bài thuyết trình mà HDV trình bày tại điểm hay trên xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố hoàn cảnh : số lượng khách, chương trình thăm, quang cảnh và những sự 8
- kiện khách nhìn thấy dọc đường đi, các điều kiện thời tiết, tâm trạng và sự chú ý của khách, các công cụ hỗ trợ thông tin tại điểm, lối vào điểm vv. Bằng kinh nghiệm của mình, HDV chuẩn bị các điều chỉnh của bài thuyết trình theo các yếu tố này, và chủ động điều chỉnh tại điểm hay trên đường đi các bài thuyết trình tùy theo tình huống. Nếu sắp xếp các bài thuyết trình theo nội dung, chúng ta có ba loại : các bài thuyết trình nhằm truyền đạt thông tin thực tế, các lời bình tại điểm thăm và các bài thuyết trình theo chủ đề tự do. Loại thứ nhất chủ yếu giúp khách theo sát được chương trình hoạt động, vì thế nên chúng mang tính chất thông tin và yêu cầu nhiều hơn, cho dù HDV luôn giải thích và lập luận các lựa chọn của mình. Loại thứ hai nhằm hướng dẫn tham quan, miêu tả các điểm thăm và các đồ vật được trưng bày, do vậy chúng mang tính chất miêu tả và thông tin (đối với các công trình kiến trúc) và giải thích (với các chu trình). Loại thứ ba có lẽ là loại được chuẩn bị kỹ nhất, bởi ngay trước khi gặp khách, tùy theo chương trình thăm và một số yếu tố mang tính hoàn cảnh khác, người HDV đã lựa chọn trong một danh sách các chủ đề tự do mà anh ta nắm rõ, từ đó xây dựng các bài thuyết trình cho đoàn khách sẽ dẫn. Do vậy các bài thuyết trình dạng này thường được chuẩn bị kỹ, thường kèm các ghi chép có được sau khi đọc các tài liệu và tuân theo một dàn ý. HDV thường thực hiện các bài thuyết trình dạng này trên đường đi và tại điểm, khi cần bổ sung thông tin cho khách và làm cho không khí của đoàn thêm sống động. Tuy nhiên, các bài thuyết trình dạng này cũng thường được điều chỉnh hay chuyển từ lúc này sang lúc khác tùy theo diễn biến của hành trình. Những hiểu biết trên đây về đặc thù của các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp giúp chúng tôi nắm vững hơn thể loại diễn ngôn này, để sau đó có thể rút ra được những hoạt động nghề nghiệp thực tế trong quá trình chuẩn bị, trình bày và điều chỉnh các bài thuyết trình của các HDV. Chương 8 : Các hoạt động nghề nghiệp thực tế của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp khi chuẩn bị và trình bày các bài thuyết trình Phân tích các hoạt dộng nghề nghiệp thực tế vốn rất quan trọng trong đào tạo nghề và đào tạo hướng nghiệp. Trong trường hợp của chúng tôi, các hoạt động nghề nghiệp thực tế là các cách làm mà chúng tôi quan sát được ở nhiều HDV hoặc ở một HDV mà chúng tôi coi là tiêu biểu. Phương thức chuẩn bị và trình bày thuyết trình xét trên bình diện diễn ngôn mà chúng tôi đã liệt kê ra được sẽ phục vụ cho việc đào tạo các HDV tương lai. Chúng cho thấy một cách chi tiết quy trình chuẩn bị, trình bày và điều chỉnh các bài thuyết trình, qua đó cho thấy được công việc thường ngày của HDV với từng đoàn khách mà họ dẫn, các thông tin mà HDV cần thu thập trước khi đón đoàn để có thể điều chỉnh dàn ý các bài thuyết trình mà họ đã chuẩn bị, cũng như cách họ bổ sung và điều chỉnh các bài thuyết trình sau mỗi lần dẫn khách. Chúng tôi cũng dựng được dàn ý của khoảng 9
- hai mươi bài thuyết trình tiêu biểu, nhằm cung cấp cho các HDV tương lai một công cụ giúp đỡ họ chuẩn bị các bài thuyết trình khi mới vào nghề. Chúng tôi đã dành một phần lớn của chương này để phân tích các đặc thù ngôn ngữ của các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp. Vì không thể liệt kê hết được tất cả các đặc thù ngôn ngữ của thể loại này, chúng tôi chỉ chú trọng vào các đặc thù tiêu biểu, một mặt là để tìm hiểu đặc tính về mặt ngôn ngữ của thể loại này, phần khác để chuẩn bị nội dung học tập cho các HDV tương lai. Chúng tôi phát hiện ra rằng các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp có những đặc tính riêng về mặt ngôn ngữ, tổ chức văn bản của chúng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố hoàn cảnh, và các HDV có các công cụ và cách thức chuyên biệt để phát triển ý bên trong một bài thuyết trình, và điều này cũng phụ thuộc vào chủ đề của bài thuyết trình. Chúng tôi đã phân tích các thủ pháp để cấu trúc nên một bài thuyết trình, cũng như các liên kết từ được các HDV Việt Nam thường xuyên sử dụng. Không tham vọng đi sâu phân tích các cấu trúc cú pháp và các lỗi thường gặp, phân tích của chúng tôi chỉ nhằm cung cấp các công cụ cơ bản về mặt ngôn ngữ cho các HDV tương lai, giúp họ chuẩn bị được các bài thuyết trình chặt chẽ. Về phần các cấu trúc ngữ pháp, chúng tôi không áp dụng cách làm thường gặp của các giáo trình dạy tiếng Pháp du lịch là liệt kê các cấu trúc ngữ pháp hay dùng trong các bài thuyết trình, mà lựa chọn các cấu trúc tiêu biểu, có liên quan đến các đặc tính diễn ngôn của thể loại này đã được trình bày ở chương trước. Việc phân tích các lỗi thường gặp của các HDV không chỉ cho thấy khoảng cách giữa một HDV lâu năm và một HDV mới vào nghề, mà còn chỉ ra cách mà các HDV rèn luyện tiếng Pháp trong quá trình làm việc, cũng như những ảnh hưởng của các lỗi này đến quá trình giao tiếp với khách. Chắc chắn là tất cả các kết quả nghiên cứu của chương này không thể được ứng dụng ngay vào giảng dạy thuyết trình cho HDV trẻ, nhưng những phân tích trên cho phép chúng tôi có một cái nhìn tổng thể về nội dung giảng dạy, để từ đó có thể lựa chọn những nội dung phù hợp nhất cho khóa học mà chúng tôi đang thiết kế. 10
- PHẦN BA : KHÓA HỌC THỬ NGHIỆM Chương 9 : Thiết kế khóa học thuyết trình cho HDV Quy trình thiết kế của khóa học này tuân theo quy trình mà Lebrun, Smidts & Bricoult (2011) đã vạch ra, bao gồm các bước : phân tích nhu cầu đào tạo, xác định mục đích đào tạo, lựa chọn phương pháp, công cụ và các nguồn lực, phân bổ nội dung cho các buổi học, thiết kế các nhiệm vụ của người học, đánh giá quá trình học và đánh giá khóa học. Khóa học của chúng tôi xuất phát từ nhu cầu của một cơ sở đào tạo, đáp ứng những đòi hỏi thực tế của thị trường lao động và việc đổi mới chương trình đào tạo của nơi chúng tôi làm việc. Việc thiết kế khóa học do vậy nằm trong một bối cảnh cụ thể, có những bó buộc mang tính vật chất và sư phạm. Trong hoàn cảnh này, chúng tôi đã lựa chọn những nội dung phân tích diễn ngôn phù hợp và các hoạt động nghề nghiệp thực tế khi thực hiện các bài thuyết trình đã trình bày trên đây để xây dựng nội dung giảng dạy. Chúng tôi cũng sử dụng một số dữ liệu phục vụ cho phần trước để dùng làm học liệu cho khóa học. Khóa học được thiết kế trong một môi trường hỗn hợp, trong đó các buổi học trên lớp đan xen với các bài tập về nhà thực hiện trong nhóm và các thảo luận trên mạng xã hội, trong một nhóm Facebook hoạt động như một lớp học ảo. Sinh viên học các kiến thức, kỹ năng và thái độ mới thông qua các tình huống – vấn đề, thuộc loại vấn đề cần giải quyết tại chỗ trong một tình huống nghề nghiệp, hay một nhiệm vụ lớn cần thực hiện, cũng trên cương vị HDV và nhằm mục đích chuẩn bị hay trình bày một bài thuyết trình. Các nhiệm vụ mà chúng tôi thiết kế luôn đòi hỏi các sinh viên làm việc theo nhóm hoặc thảo luận trên lớp, từ đó khuyến khích các xung đột xã hội – tri nhận (conflits socio-cognitifs) giữa họ. Khóa học cũng đan xen lý thuyết và bài tập thực hành, việc giảng dạy của giáo viên và sự hướng dẫn của các chuyên gia là các HDV tiếng Pháp chuyên nghiệp, những người có thể tham gia giảng dạy khi khóa học được thẩm định và đưa vào ứng dụng trong thực tế. Cụ thể, khóa học là một mô đun dạy thuyết trình thiết kế cho 33 giờ dạy và 5 giờ kiểm tra đánh giá dưới dạng một buổi tham quan thực tế, trong đó mỗi sinh viên lần lượt đóng vai HDV tiếng Pháp. Trong khóa học thử nghiệm, húng tôi đã thêm vào một bài kiểm tra viết vào đầu và cuối khóa học, và một buổi thực tế test đầu vào. 33 giờ dạy được chia thành 8 buổi dạy, với các chủ đề sau : vị thế xã hội của HDV, bản sác diễn ngôn của HDV, mục đích chính của các bài thuyết trình của HDV, xác định mục đích cụ thể của các đoạn thuyết trình, các yếu tố hoàn cảnh của thuyết trình (2 loại thuyết trình), các yếu tố nội dung của thuyết trình (3 loại thuyết trình), các liên kết từ phục vụ cho việc tổ chức ý trong bài thuyết trình, các từ ngữ dùng để chỉ và các đại từ liên hệ trong bài thuyết trình của HDV tiếng Pháp. Chúng tôi đã biên soạn một sách dành cho sinh viên bao gồm miêu tả các đề bài và các nhiệm vụ cần thực hiện, các học liệu dạng 11
- viết và hình ảnh – âm thanh, lời của các bài ghi âm và không gian học ảo trên nhóm Facebook phục vụ việc tổ chức các hoạt động học tập. Chương 10 : Dạy thử nghiệm khóa học thuyết trình và báo cáo kết quả Chúng tôi đã tổ chức dạy thử nghiệm khóa học thuyết trình của HDV trên một nhóm mẫu gồm 24 sinh viên năm thứ hai và thứ ba của Khoa. Khóa học đã kéo dài hai tháng vào đầu năm 2018. Khóa học là một bán thực nghiệm được thực hiện qua 3 giai đoạn : 1- test đầu vào bao gồm một bài test viết thông qua 45 câu hỏi thực hiện trong phòng máy tính, một buổi đi thực tế trong đó sinh viên lần lượt đóng vai HDV và một phỏng vấn cá nhân với một nửa số sinh viên trong lớp qua đó các em trao đổi với người thực hiện phỏng vấn về quá trình thực hiện các bài test vừa rồi. 2 – một mô đun dạy thuyết trình cho HDV tiếng Pháp gồm 33 giờ học trên lớp 3- test đầu ra bao gồm 3 phần giống hệt test đầu vào và được thực hiện trong cùng điều kiện, bổ sung thêm phỏng vấn nhóm để đánh giá khóa học trong đó lớp học được chia thành 3 nhóm. Các kết quả của thử nghiệm nhằm khẳng đình hai giả thuyết nghiên cứu : 1- Phương pháp tiếp cận theo loại hình diễn ngôn góp phần nâng cao chất lượng các bài thuyết trình với đối tượng sinh viên Việt Nam học nghề HDV tiếng Pháp 2- Phương pháp tình huống – vấn đề giúp các sinh viên học nghề HDV làm các bài thuyết trình phù hợp với các yếu tố hoàn cảnh và giải quyết các vấn đề xảy ra liên quan đến các bài thuyết trình của họ. Cụ thể hơn, thử nghiệm của chúng tôi nhằm hai mục đích : 1- Xác định sự tiến bộ của sinh viên trong việc chuẩn bị và trình bày các bài thuyết trình trong vai trò HDV tiếng Pháp 2- Đánh giá khả năng thay đổi các bài thuyết trình đã chuẩn bị sẵn để thích ứng với hoàn cảnh của quá trình dẫn tour, khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến các bài thuyết trình xảy ra trong hành trình dẫn khách. Dưới đây là các tiểu biến mà chúng tôi hy vọng đo được sự tiến bộ của sinh viên sau khóa học : 1 - Ý thức về vị thế xã hội của HDV khi dẫn khách nói tiếng Pháp, tức quyền được phát ngôn và trách nhiệm của HDV về những gì mình nói ; 2 - Ý thức về bản sắc diễn ngôn của HDV, tức các chiến thuật để thể hiện sự trung tính đồng thời cuốn hút khách trong các bài thuyết trình ; 3 - Sự lựa chọn mục đích chính của từng bài thuyết trình (chuyển thông tin đến khách hay thuyết phục khách), tức sự lựa chọn thông tin phù hợp và quan điểm của HDV khi giải thích cho khách những hiện tượng mà họ gặp trên đường đi ; 12
- 4 - Việc xác định mục đích của từng đoạn trong bài thuyết trình tùy theo hành động lời nói, khiến cấu trúc của đoạn thuyết trình phù hợp với mục đích lời nói mà HDV xác định ; 5 - Tính nhất quán giữa dàn ý của bài thuyết trình và nội dung ; 6 - Khả năng sử dụng các công cụ ngôn ngữ để tổ chức bài thuyết trình ; 7 - Khả năng bảo đảm sự nhất quán về chủ đề của bài thuyết trình 8 - Khả năng sử dụng các từ trực chỉ không gian và các vị từ giới thiệu để chỉ người và vật cần đề cập ; 9 - Khả năng biến đổi các bài thuyết trình để phù hợp với các yếu tố hoàn cảnh giao tiếp (thời điểm, địa điểm, khách hàng, môi trường, các vấn đề bất chợt xảy ra…) Vì đây cũng chính là thử nghiệm phương pháp tình huống – vấn đề trong giảng dạy tiếng Pháp theo mục đích chuyên biệt nên chúng tôi dã thực hiện một phỏng vấn nhóm nhằm đánh giá khóa học. Cụ thể chúng tôi muốn tìm hiểu : 1- Hiệu quả của phương pháp này trong đào tạo hướng nghề (phương pháp quy nạp, khám phá các vấn đề trong những tình huống nghề nghiệp thực, xung đột xã hội – nhận thức giữa người học và người học, giữa người học và HDV chuyên nghiệp làm nhiệm vụ kèm cặp các em trong quá trình học…) 2- Hiệu quả của phương pháp này trong giảng dạy ngoại ngữ (giảng dạy theo thể loại diễn ngôn, giảng dạy theo tình huống giao tiếp) Các bài kiểm tra đánh giá thực hiện với người học đã cho thấy sự tiến bộ ở tất cả các sinh viên tham gia thử nghiệm, và ở tất cả các điểm (tiểu biến) đã nêu ở trên. Sinh viên khẳng định tiếng Pháp của họ đã có nhiều tiến bộ, và họ đã có thể thực hiện các bài thuyết trình bằng tiếng Pháp trong các tình huống thực của nghề HDV. Các bài phỏng vấn cũng cho thấy sinh viên có nhiều tiến bộ trong nhận thức về bản thể của HDV, khoảng cách giữa những gì họ được học và thực tế, các hoạt động của họ trong quá trình chuẩn bị và trình bày các bài thuyết trình trong thực tế, hoạt động học tập… Sự chuyên cần và tích cực tham gia trong giờ học, trách nhiệm trong các hoạt động nhóm, việc tham gia các đợt thực tập dẫn là các yếu tố quyết định sự thành công nổi trội của một số sinh viên tham gia thử nghiệm. Tuy nhiên còn tồn tại khoảng cách về kết quả giữa một vài tiểu biến, chủ yếu do câu hỏi chưa phù hợp và điều kiện thực hiện các bài test nói và viết chưa hoàn hảo. Dù thời gian không cho phép chúng tôi đánh giá toàn diện khóa học đã thiết kế, tuy nhiên các phản hồi của người học và của bản thân chúng tôi trên vai trò người dạy thử nghiệm về khóa học là rất tích cực trên mọi bình diện : phương pháp sư phạm, học liệu và công cụ được sử dụng trong khóa học. Hầu hết sinh viên đều hiểu được các dụng ý sư phạm của chúng tôi. Việc tổ chức các hoạt động theo phương pháp tình huống – vấn đề và theo nhóm, việc đan xen lý thuyết và hoạt động thực hành, kiểm tra đánh 13
- giá đã giúp cho khóa học đạt mục tiêu đề ra, các công cụ và học liệu có ích và dễ sử dụng. Tuy nhiên, nhằm cải thiện chất lượng khóa học để sắp tới có thể đưa vào chương trình giảng dạy, cần cải tiến một số điểm : tổ chức thực hiện các tình huống – vấn đề, cân đối giữa các hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm, sự tham gia của các HDV chuyên nghiệp đóng vai trò kèm cặp sinh viên trong các bài tập thực hành, các quy định về giao tiếp giữa các thành viên trong lớp và về hoạt động của các nhóm, việc chuẩn bị các kỹ năng sử dụng công nghệ và làm việc nhóm cho sinh viên trước khóa học, cách đặt câu hỏi trong đề bài kiểm tra viết, chất lượng kỹ thuật và cách khai thác một số học liệu đa phương tiện và cuối cùng là giao tiếp giữa sinh viên và các HDV chuyên nghiệp kèm cặp các em trong khóa học. Về các điểm cần cải thiện này, các sinh viên tham gia thử nghiệm và bản thân chúng tôi đã có những đề xuất rất cụ thể và phân tích tính khả thi của các đề xuất này trong các khóa học sắp tới. Do vậy chúng tôi hoàn toàn có khả năng hoàn thiện khóa học để đưa vào giảng dạy trong thời gian sớm nhất. KẾT LUẬN CHUNG Trong bối cảnh đổi mới chương trình hướng tới đào tạo hướng nghiệm bằng ngoại ngữ, xuất phát từ mong muốn cải thiện chất lượng của việc giảng dạy tiếng Pháp theo mục đích chuyên biệt và đóng góp vào sự nghiệp đào tạo HDV Việt Nam nói tiếng Pháp, chúng tôi đặt mục đích chính cho nghiên cứu này là xây dựng môt khóa học dạy thuyết trình trong đào tạo hướng nghiệp HDV tiếng Pháp tại cơ sở đào tạo của chúng tôi, khoa tiếng Pháp trường Đại học Hà nội. Về tổng thể, có thể nói rằng chúng tôi đã đạt mục dích nghiên cứu đề ra, bởi khóa học mà chúng tôi thiết kế và thử nghiệm đã cho phép các sinh viên tiến bộ kể cả về nhận thức và thực hành thể loại diễn ngôn chuyên biệt này. Luận án đã có những đóng góp đặc biệt nào ? Trước hết, trong lĩnh vực giáo học pháp tiếng Pháp phục vụ các mục đích chuyên biệt, chúng tôi đã tham khảo các mô hình phân tích diễn ngôn, đặc biệt là mô hình Phân tích diễn ngôn trung gian (Analyse du Discours Médiée) và dựa trên lý thuyết hợp đồng giao tiếp của Charaudeau để phân tích một thể loại diễn ngôn chuyên biệt : các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp. Chúng tôi thực hiện phân tích trên một tập hợp dữ liệu bao gồm các bài thuyết trình thu âm tại thực địa có tổng thời lượng 14 giờ, các bài phỏng vấn với các HDV thực hiện các bài thuyết trình nói trên với tổng thời gian tương tự. Các kết quả phân tích đã cho phép chúng tôi xác định được các đặc tính của thể loại này, bao gồm : - Vị thế xã hội của chủ thể phát ngôn (HDV Việt Nam nói tiếng Pháp đón tiếp và dẫn các đoàn khách du lịch trong khuôn khổ các tour du lịch có tổ chức) : đặc tính này được xác định trước tiên bởi những đòi hỏi về kiến thức và kỹ năng về ngôn ngữ và văn hóa của người HDV. Vị thế xã hội cũng trao cho 14
- người HDV – trong các vai trò người quản lý nhóm khách du lịch, đại diện của đất nước và của công ty lữ hành, người cung cấp dịch vụ - tính chính thống trong các phát ngôn của họ trước khách du lịch. Xét về tổng thể, HDV du lịch thường thực hiện đầy đủ quyền được phát ngôn này, thông qua các chiến thuật để bảo đảm tính chính thống trong phát ngôn của họ, nhưng đôi khi, họ phải bảo vệ quyền phát ngôn này để khẳng định họ mới chính là người làm chủ lời nói trong nhóm. Trong một số tình huống khác, HDV phải nhường quyền phát ngôn cho khách, nhằm khuyến khích họ tham gia vào cuộc trao đổi hay thu hút sự chú ý của họ. Cuối cùng, việc phân tích các xung đột giữa vị thế xã hội với các bản sắc khác của người HDV góp phần giải quyết tốt hơn các xung đột này. - Bản sắc diễn ngôn của HDV : tính chất này quyết định các chiến thuật mà HDV dùng nhằm tăng độ tin cậy và tính hấp dẫn của của bài thuyết trình đối với khách du lịch. Các chiến thuật này được thể hiện bằng sắc thái của bài thuyết trình, cách triển khai ý và nhất là cách HDV lựa chọn thông tin để giới thiệu cho khách. - Mục đích diễn ngôn : phần nghiên cứu này chỉ ra các mục tiêu chính của bài thuyết trình của HDV tiếng Pháp, là sự kết hợp giữa thông tin cho khách và chào mời khách quay trở lại. Trong phần này, chúng tôi cũng đề cập đến mục đích chính – hành động lời nói chủ đạo – của các đoạn trong bài thuyết trình. Các hành động lời nói này liên quan đến các nhiệm vụ mà HDV phải hoàn thành trong cả một ngày hay một chuyến dẫn khách. Từ phân tích này, chúng tôi phân biệt các nhiệm vụ được thể hiện và các nhiệm vụ không được thể hiện trong các bài thuyết trình. Sự phân biệt này sẽ giúp HDV quản lý tốt hơn các nội dung thuyết trình trong một ngày hay một chuyến dẫn khách. - Các yếu tố hoàn cảnh : dựa vào địa điểm phát ngôn, chúng tôi đã xác định hai loại thuyết trình : thuyết trình tại điểm và trên xe. Sự so sánh hai thể loại này cho phép hiểu rõ hơn đặc tính của chúng, giúp HDV thích ứng tốt hơn với các yếu tố của môi trường xung quanh ảnh hưởng đến các bài thuyết trình. - Các yếu tố về chủ đề : dựa vào nội dung của các bài thuyết trình, chúng tôi đã chia chúng làm ba loại : các bài thuyết trình đưa thông tin thực tế, các thuyết minh địa điểm tham quan và các bài thuyết trình có chủ đề tự do. Phân tích không những đã chỉ ra đặc điểm của mỗi thể loại về mặt diễn ngôn, mà còn cho thấy những sự khác nhau giữa chúng trong tổ chức văn bản, đặc điểm ngôn ngữ và các chủ đề hay đề cập đến. Trong phần tiếp theo, chúng tôi đã liệt kê ra các phương thức phổ biến thực hiện các bài thuyết trình trong giới HDV Việt Nam nói tiếng Pháp. Trước tiên chúng tôi đã dựng lại quy trình thực hiện các bài thuyết trình, bao gồm bốn bước : 15
- - Tìm hiểu thông tin về khách hàng để có các bài thuyết trình phù hợp ; - Nghiên cứu chương trình tour để lên kế hoạch các hoạt động trong ngày và suốt cuộc hành trình ; - Chuẩn bị nội dung và phương tiện ngôn ngữ cho các bài thuyết trình ; - Trình bày và điều chỉnh các bài thuyết trình. Tiếp theo chúng tôi phân tích các hiện tượng ngôn ngữ đặc trưng ở tầng trung và tiểu diễn ngôn của thể loại thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp. Cụ thể, chúng tôi đã nghiên cứu : - Các cách mở đầu và kết thúc các bài thuyết trình - Các cấu trúc ẩn dụ - Các cách phát triển chủ đề của ba thể loại : thuyết trình đưa thông tin thực tế, thuyết minh điểm tham quan, thuyết trình theo chủ đề tự do - Các thủ pháp để sắp xếp ý : chuyển dẫn, lặp lại, trình bày theo cách khác, câu chêm. - Các liên kết từ thể hiện các quan hệ sau : đối lập, nhượng bộ, nguyên nhân, kết quả, mục đích, cộng thêm, liệt kê. - Các từ trực chỉ về không gian : tính từ và đại từ chỉ định, các vị từ giới thiệu - Các từ ngữ dùng để chỉ : tính từ và đại từ chỉ định, các từ ngữ dùng để giới thiệu - Các cấu trúc ngữ pháp : các đại từ thường dùng (đại từ nhân xưng làm chủ ngữ, đại từ nhân xưng làm bổ ngữ, đại từ liên hệ), các thức và thời của động từ thường gặp (thời hiện tại hoàn thành dùng để giải thích và miêu tả những gì khách nhìn thấy, thời quá khứ tiếp diễn và quá khứ hoàn thành dùng để kể lại các sự việc trong quá khứ, thức mệnh lệnh và thời tương lai gần để đưa ra yêu cầu khi HDV đóng vai trò người quản lý đoàn). - Các hiện tượng ngữ âm thường gặp : một số lỗi phát âm thường gặp, các hiện tượng nối âm, lược âm và ngắt nghỉ. Xét tổng thể, chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi đã phân tích tỉ mỉ một thể loại trong giao tiếp du lịch : các bài thuyết trình của HDV Việt Nam nói tiếng Pháp. Phương pháp phân tích này có thể được áp dụng để phân tích các thể loại diễn ngôn khác cùng lĩnh vực, như các bài thuyết minh tại điểm của các thuyết minh viên Việt Nam nói tiếng Pháp, hay các bài thuyết trình được dựng sẵn cho các máy thuyết minh tự động tại Việt Nam. Công cụ thông tin phục vụ khách du lịch này còn hiếm gặp tại nước ta, trong các điểm tham quan hay các tour du lịch trên sông. Các kết quả của những phân tích này có thể được ứng dụng trong việc giảng dạy hay sản xuất các bài thuyết trình cùng thể loại. Từ kết quả phân tích này, từ các yêu cầu của cơ sở đào tạo và trình độ hiện tại của đối tượng đích, chúng tôi đã xác định được các nội dung học tập, đặt ra các mục đích sư phạm của khóa học thuyết trình cho HDV tương lai, đồng thời chia các nội dung 16
- học tập thành các buổi học với các nhiệm vụ cụ thể, trong một chương trình học tập cụ thể. Thông qua việc thiết kế mô đun dạy thuyết trình cho HDV này, chúng tôi đã ứng dụng được kết quả nghiên cứu vào thực tế giảng dạy của một cơ sở đào tạo cụ thể, và đó chính là kết quả của nghiên cứu của chúng tôi trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, một chuyên ngành khác của luận án. Cũng trong lĩnh vực khoa học giáo dục này, chúng tôi đã thực nghiệm việc sử dụng phương pháp tình huống – vấn đề trong đào tạo hướng nghiệp, các tình huống – vấn đề mà chúng tôi thiết kế, dù là những vấn đề trong tình huống nghề nghiệp cần giải quyết hay những bài tập lớn, đều được các HDV chuyên nghiệp kiểm chứng và chứng nhận về tính chân thực. Các tình huống – vấn đề này đã thỏa mãn được hai mục đích của khóa học : giúp các sinh viên học thuyết trình theo phương pháp tích cực, đồng thời giúp họ làm quen với các tình huống thực trong công việc sau này. Cùng với các tình huống – vấn đề nêu trên, khóa học mà chúng tôi thiết kế là một sản phẩm hoàn thiện, với các học liệu đa phương tiện, các hoạt động học tập và kiểm tra đánh giá, được tổ chức theo phương thức hồn hợp kết hợp các buổi học trên lớp và các bài tập về nhà làm theo nhóm trên một không gian mạng xã hội (Facebook) như trong một lớp học ảo. Chỉ cần hoàn thiện chút ít là khóa học này có thể được đưa vào môn « Giao tiếp du lịch định hướng nghề HDV du lịch » của định hướng Du lịch, ngành Cử nhân Ngôn ngữ Pháp của Khoa tiếng Pháp, trường Đại học Hà Nội. Ngoài sản phẩm thực tế này, từ nghiên cứu của chúng tôi, phương pháp tình huống – vấn đề nói riêng và phương pháp thiết kế khóa học nói chung có thể được áp dụng trong việc thiết kế các môn chuyên ngành cho khoa tiếng Pháp và các khoa ngôn ngữ khác của Trường. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, luận án còn có một số hạn chế. Trước hết, các tổng hợp lý thuyết chỉ bó hẹp trong phạm vi các nghiên cứu sử dụng tiếng Pháp, ngoại trừ lý thuyết về mô hình phân tích diễn ngôn trung gian (ADM). Các hạn chế về thời gian và ngôn ngữ cũng không cho phép chúng tôi mở rộng việc tra cứu các tài liệu bằng tiếng Anh và các thứ tiếng khác, nhất là trong lĩnh vực tiếng Anh phục vụ các mục đích chuyên biệt. Cũng vì thiếu thời gian mà chúng tôi đã bỏ qua một số điểm thú vị trong luận án : nguyên nhân dẫn đến các lỗi tiếng Pháp nghiêm trọng mà các HDV hay mắc phải, giải thích về ý đồ sư phạm và các bước tiến hành bài tập lớn dưới dạng tình huống – vấn đề trong khóa học (chuẩn bị một buổi đi thực tế ảo) và rất nhiều hoạt động sư phạm khác mà chúng tôi đã đề xuất. Đây có thể là một hướng đi tiếp theo cho công việc nghiên cứu của chúng tôi, khi chúng tôi biên soạn sách hướng dẫn giáo viên cho khóa học thuyết trình dành cho HDV trong chương trình đào tạo của cơ sở mình. Vì luận án khá dài nên chúng tôi không kết nối được một số chương của phần hai và phần ba (phân tích diễn ngôn và thiết kế khóa học) với các lý thuyết là cơ sở cho việc phân tích và thiết kế này, được trình bày trong phần một của luận án. 17
- Sau cùng, một số người có thể trách cứ số lượng sinh viên tham gia thực nghiệm của chúng chưa đủ tính đại diện (24 em). Hơn nữa, khóa học thực nghiệm cũng gặp nhiều khó khăn : một vài sinh viên hay vắng mặt, trình độ tiếng Pháp của sinh viên tham gia thử nghiệm thấp hơn so với trình độ dự kiến của đối tượng sinh viên tham gia khóa học này trong tương lai, các sinh viên học thử nghiệm cũng không có các kiến thức và kỹ năng nền của nghề này như trong chương trình, một số sinh viên không thật sự nhiệt tình tham gia khóa học, và khóa học bị gián đoạn do nghỉ Tết và mùa cao điểm các em đi thực tập hướng dẫn nhiều. Chúng tôi hy vọng khi chính thức đưa vào giảng dạy, sẽ không còn những vấn đề nêu trên và kết quả thu được sẽ cao hơn nữa. Dù sao, công trình nghiên cứu này đã thật sự bổ ích và giúp chúng tôi tiến bộ lên nhiều, cả về học thức, nghề nghiệp và bản thân. Không chỉ dừng lại ở một bài tập nghiên cứu, luận án đã mở ra cho chúng tôi những trang mới trong sự nghiệp giảng viên của mình và những hướng đi mới trên con đường nghiên cứu, giúp chúng tôi tự tin trong những bước chập chững của nghề làm khoa học. 18
- TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH Adam, J.-M. (1990). Eléments de linguistique textuelle: théorie et pratique de l’analyse textuelle. Editions Mardaga. Bakhtine, M. (1984). Esthétique de la création verbale. Paris: Gallimard. Balslev, K., Balslev, C., Claret-Girard, V., Mazurczak, K., Saada-Robert, M., & Veuthey, C. (2005). La résolution de problèmes en français scriptural: un outil pour enseigner/apprendre. Revue française de pédagogie, 59–72. Beacco, J. C. (1992). Les genres textuels dans l’analyse du discours : écriture légitime et communautés langagières. Langages, n°153 : Les genres de la parole, 8‑27. Beacco, J. C. (2013). L’approche par genres de discours dans l’enseignement du français langue étrangère et langue de scolarisation. Pratiques : linguistique, littérature, didactique, (157/158), 189‑200. Beacco, J. C., Coste, D., Van de Ven, P.-H., & Vollmer, H. (2010). Langues et matières scolaires - Dimensions linguistiques de la construction des connaissances dans les curriculums Strasbourg: Conseil de l’Europe. Benveniste, É. (1966). Problèmes de linguistique générale. Schoenhof’s Foreign Books, Incorporated. Bronckart, J.-P. (1996). Genres de textes, types de discours et opérations psycholinguistiques. Voies livres, (78), 1-20. Bronckart, J.-P., & Dolz, J. (1999). La notion de compétence: quelle pertinence pour l’étude de l’apprentissage des actions langagières? Raisons éducatives, n°2, 27 ‑44. Charaudeau, P. (1995b). Le dialogue dans un modèle de discours. Cahier de Linguistique Française, (17), 141‑178. Charaudeau, P. (1995a). Une analyse sémiotique du discours. Langages, (117), 96-111. Charaudeau, P. (2000). De la compétence sociale à de communication aux compétences de discours. In Didactique des langues romanes : le développement des compétences chez l’apprenant (p. 41‑54). Louvain-la-Neuve: De Boeck - Duculot. Charaudeau, P. (2001). Visées discursives, genres situationnels et construction textuelle. Analyse des discours. Types et genres, 341‑348. Charaudeau, P. (2009). Identités sociales et discursives du sujet parlant. Paris: L’Harmattan. Chartrand, S.-G. (2000). Le programme de français de 1995. Un outil pour développer la compétence d’écriture au secondaire. Québec français, n° hors-série: la grammaire au coeur du texte, 24‑27. Chartrand, S.-G., & Blaser, C. (2006). Fonction épistémique des genres disciplinaires 19
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Giáo dục học: Phát triển tư duy vật lý cho học sinh thông qua phương pháp mô hình với sự hỗ trợ của máy tính trong dạy học chương động lực học chất điểm vật lý lớp 10 trung học phổ thông
219 p | 291 | 35
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Chiến lược Marketing đối với hàng mây tre đan xuất khẩu Việt Nam
27 p | 191 | 18
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Hợp đồng dịch vụ logistics theo pháp luật Việt Nam hiện nay
27 p | 280 | 17
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững về kinh tế ở vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030
27 p | 212 | 17
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Y học: Nghiên cứu điều kiện lao động, sức khoẻ và bệnh tật của thuyền viên tàu viễn dương tại 2 công ty vận tải biển Việt Nam năm 2011 - 2012
14 p | 273 | 16
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ: Nghiên cứu tối ưu các thông số hệ thống treo ô tô khách sử dụng tại Việt Nam
24 p | 261 | 12
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Triết học: Giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cho sinh viên trường Đại học Cảnh sát nhân dân hiện nay
26 p | 156 | 12
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kỹ thuật: Nghiên cứu tính toán ứng suất trong nền đất các công trình giao thông
28 p | 225 | 11
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế Quốc tế: Rào cản phi thuế quan của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam
28 p | 188 | 9
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Xã hội học: Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội cấp cơ sở trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho cư dân nông thôn: Nghiên cứu trường hợp tại 2 xã
28 p | 151 | 8
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn miền Tây Nam bộ: Tình hình, nguyên nhân và phòng ngừa
27 p | 215 | 8
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phản ứng của nhà đầu tư với thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, người liên quan và cổ đông lớn nước ngoài nghiên cứu trên thị trường chứng khoán Việt Nam
32 p | 185 | 6
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Triết học: Tư tưởng Triết học của Tôn Trung Sơn và ý nghĩa của nó
32 p | 164 | 6
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Quản lý nhà nước đối với giảng viên các trường Đại học công lập ở Việt Nam hiện nay
26 p | 137 | 5
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Phương tiện biểu hiện nghĩa tình thái ở hành động hỏi tiếng Anh và tiếng Việt
27 p | 125 | 4
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Y học: Nghiên cứu mức lọc cầu thận bằng Cystatin C huyết thanh ở bệnh nhân tiền đái tháo đường và đái tháo đường típ 2
38 p | 96 | 4
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc kỳ hạn nợ phương pháp tiếp cận hồi quy phân vị và phân rã Oaxaca – Blinder
28 p | 29 | 3
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phát triển sản xuất chè nguyên liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Thọ các nhân tố tác động đến việc công bố thông tin kế toán môi trường tại các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản Việt Nam
25 p | 175 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn