intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt luận án Tiến sĩ Lịch sử: Hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975

Chia sẻ: Juijung Jone Jone | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:27

19
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án với mục tiêu dựng lại và làm rõ quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975, từ đó rút ra những kinh nghiệm vận dụng cho hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt luận án Tiến sĩ Lịch sử: Hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI LÊ VĂN PHONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN CHUYÊN GIA QUÂN SỰ VIỆT NAM TẠI LÀO TỪ NĂM 1959 ĐẾN NĂM 1975 Ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 9 22 90 13 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ HÀ NỘI, 2021
  2. Công trình được hoàn thành tại: Học viện Khoa học xã hội Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Trần Đức Cường Phản biện 1: PGS.TS. Nguyễn Hữu Cát Phản biện 2: GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ Phản biện 3: PGS.TS. Nguyễn Văn Sáu Luận án được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Học viện, họp tại: Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Vào hồi……giờ……phút, ngày…..…tháng…...năm 2021 Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện Quốc gia - Thư viện Học viện
  3. DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1. Lê Văn Phong, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào (1969-1972), Tạp chí Lịch sử quân sự, số 5/2018, tr.22-26. 2. Le Van Phong, Military Advisor Mission 959 and Its International Duties in Laos in 1959-1975 Period, Vietnam Social Sciences, No.4/2019, p.46-58. 3. Lê Văn Phong, 60 năm đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - Dấu ấn sâu đậm của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Tạp chí Cộng sản (Chuyên đề cơ sở), số 4/2019, tr.87-91. 4. Lê Văn Phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh với quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 6/2019, tr.8-17. 5. Lê Văn Phong, Các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang (1959-1975), Tạp chí Lịch sử quân sự, số 7/2020, tr.50-58. 6. Lê Văn Phong, Hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong giai đoạn chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1959-1968), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 1/2021, tr. 57-68. 7. Lê Văn Phong, Đồng chí Cayxỏn Phômvihản với quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam (1945-1975), Tạp chí Lịch sử quân sự, số 3/2021, tr.113-120.
  4. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào hình thành từ rất sớm, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu- vông đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, phát triển tới đỉnh cao trong năm đấu tranh giải phóng dân tộc. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phát huy thành tích, kết quả của quân tình nguyện Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và lực lượng cố vấn quân sự những năm đầu chống Mỹ (1954- 1958), năm 1959, trên cơ sở thỏa thuận cấp cao giữa cách mạng hai nước Việt Nam - Lào, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định thành lập Đoàn chuyên gia quân sự 959 thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào. Tiếp đó, đáp ứng yêu cầu phát triển liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào lên tầm cao mới và theo yêu cầu của cách mạng Lào, Đoàn chuyên gia quân sự 463 (4/1963), Đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện 565 (5/1965) lần lượt được thành lập, được cử sang hoạt động tại Lào. Cùng với lực lượng quân tình nguyện, các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào là một trong những lực lượng đặc biệt của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong suốt những tháng năm chiến đấu chống thù chung, quán triệt chủ trương, đường lối đoàn kết quốc tế của Đảng và phương châm chiến lược “Giúp bạn là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đã cùng quân đội và nhân dân Lào chiến đấu, chiến thắng, lập nhiều chiến công hiển hách, góp phần hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Lào và tác động tích cực đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia. Đi đôi với nhiệm vụ giúp cách mạng Lào xây dựng, tổ chức lực lượng vũ trang về mọi mặt, các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam đã giúp cách mạng Lào xây dựng, phát triển chiến tranh nhân dân chống lại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và tay sai; đồng thời, tham mưu, đề xuất với cách mạng Lào phối hợp với cách mạng Việt Nam chống thù chung. Chính nhờ sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam, cách mạng Lào đã có một lực lượng vũ trang vững mạnh, một thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, phù hợp điều kiện thực tế của cách mạng Lào trong thế chiến lược chung của cách mạng ba nước Đông Dương chống đế quốc Mỹ xâm lược. Có thể nói, sự phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang cách mạng Lào với các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam là tài sản vô giá của mối quan 1
  5. hệ đặc biệt. Tuy nhiên cho đến nay, trong các công trình nghiên cứu đã công bố, vị trí, vai trò và những đóng góp của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam hoạt động tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975 chưa được thể hiện một cách hệ thống trong bất kỳ công trình nghiên cứu riêng nào. Từ thực tiễn này, chúng tôi cho rằng, đi sâu nghiên cứu, làm rõ quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là vấn đề cấp thiết. Không những thế, việc thực hiện tốt một công trình như đã nêu sẽ tạo cơ sở để thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách đối với các cựu chuyên gia quân sự, đồng thời qua đó đúc kết một số kinh nghiệm đối với các đoàn chuyên gia quân sự sang giúp Quân đội Nhân dân Lào trong giai đoạn hiện nay ngày càng hiệu quả, góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Ngoài tính cấp thiết trên, trong giai đoạn hiện nay, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh sự chống phá về nhiều mặt của kẻ thù, tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào trong những năm kháng chiến trước đây đã bị xuyên tạc, đặc biệt trong việc Đảng, Nhà nước và Quân đội Nhân dân Việt Nam cử các đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện sang giúp đỡ cách mạng Lào. Do đó, việc làm rõ sự giúp đỡ vô tư, trong sáng trên tinh thần quốc tế vô sản cao cả của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975 là đặc biệt quan trọng, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc để bảo vệ thành quả cách mạng cũng như liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào đã giành được, từ đó xây dựng, phát triển lên một tầm cao mới, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của quân đội và nhân dân hai nước. Với ý nghĩa khoa học và thực tiễn đó, tôi quyết định chọn “Hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975” làm đề tài nghiên cứu cho Luận án Tiến sĩ của mình. 2. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục tiêu nghiên cứu Dựng lại và làm rõ quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975, từ đó rút ra những kinh nghiệm vận dụng cho hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Một là, tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài. Hai là, làm rõ những yếu tố tác động tới hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975. Ba là, làm rõ sự ra đời, xây dựng, phát triển các đoàn chuyên gia quân sự về mọi mặt và quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975, qua hai giai đoạn 1959-1968 và 1969-1975. 2
  6. Bốn là, rút ra nhận xét và đúc kết một số kinh nghiệm từ quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của đề tài là quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Về thời gian: Từ năm 1959 đến năm 1975. Năm 1959 là năm đoàn chuyên gia quân sự đầu tiên được thành lập sang hoạt động tại Lào; năm 1975 là năm cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn đánh dấu bằng sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (2/12/1975). Đây cũng là năm đoàn chuyên gia quân sự cuối cùng giúp cách mạng Lào kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi nhiệm vụ rút về nước. Về không gian: Đề tài giới hạn không gian chủ yếu trên đất Lào và có sự liên hệ chặt chẽ với cách mạng Việt Nam. Bởi quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam trên đất Lào vừa là thực hiện nhiệm vụ quốc tế, vừa thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc. Về nội dung nghiên cứu: Làm rõ cơ cấu tổ chức, quá trình hoạt động và những đóng góp cụ thể của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam đối với cách mạng Lào trên một số lĩnh vực chủ yếu; đánh giá kết quả, hạn chế, từ đó nêu lên một số đặc điểm và đúc kết một số kinh nghiệm từ quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong những năm 1959-1975. 4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu 4.1. Nguồn tài liệu Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sưu tầm, hệ thống hóa và thẩm định độ chính xác những tài liệu tổng kết về các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào thời kỳ chống Mỹ; hồi ký của các vị lãnh đạo Lào và của cựu chuyên gia quân sự Việt Nam; tham khảo các công trình biên soạn về lịch sử cách mạng Việt Nam, lịch sử cách mạng Lào và lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Các tài liệu này hiện được lưu trữ tại Thư viện Quân đội, Thư viện Quốc gia, Thư viện Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Đặc biệt là nguồn tài liệu lưu trữ ở Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng (K4), Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng,v.v… 4.2. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp luận: Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam 3
  7. về đoàn kết quốc tế, về liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, về chiến tranh nhân dân, về xây dựng hậu phương và quân đội làm cơ sở cho việc nghiên cứu đề tài luận án. Phương pháp nghiên cứu: Nhằm đạt được mục đích đề ra, nghiên cứu sinh vận dụng phương pháp liên ngành, trong đó phương pháp chủ yếu được sử dụng là phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp lôgic; bên cạnh đó là phương pháp so sánh, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp chuyên gia,v.v... Phương pháp thống kê cũng được nghiên cứu sinh sử dụng để làm rõ những nội dung nghiên cứu đề tài luận án đặt ra. Về hướng tiếp cận: Nghiên cứu hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975 đề tài tiếp cận dưới góc độ lịch sử quan hệ quốc tế, lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, lịch sử liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, lịch sử quân sự Việt Nam và lịch sử tổ chức quân sự (quá trình xây dựng, phát triển các đoàn chuyên gia quân sự). 5. Đóng góp của đề tài Cung cấp hệ thống tư liệu, tài liệu khai thác từ nhiều nơi, nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là hệ thống tư liệu gốc khai thác tại các trung tâm lưu trữ của Nhà nước và Bộ Quốc phòng liên quan đến hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975. Phục dựng lại hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975, qua hai giai đoạn: 1959-1968 và 1969-1975. Góp thêm nhận xét về quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trên cả hai phương diện kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại, làm rõ nguyên nhân của những kết quả và hạn chế đó, từ đó chỉ rõ đặc điểm, tính chất hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự từ năm 1959 đến năm 1975. Đúc kết một số kinh nghiệm chủ yếu từ quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài 6.1. Ý nghĩa lý luận Luận án góp phần tổng kết quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Quân đội Nhân dân Việt Nam với thực tế là hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975. Kết quả nghiên cứu của luận án cung cấp thêm những luận cứ khoa học cho việc bổ sung, tìm ra những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong thời gian tới. Cung cấp cơ sở lý luận để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và việc Đảng, Nhà nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam cử các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam sang hoạt động tại Lào. 4
  8. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Luận án là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng đối với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị trong Quân đội Nhân dân Việt Nam để xây dựng, củng cố tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào thời kỳ mới. Thực hiện thành công luận án là cơ sở để thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách đối với các cựu chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Luận án có ý nghĩa quan trọng đối với việc tuyên truyền, nghiên cứu, giảng dạy lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, lịch sử liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào và lịch sử tổ chức quân sự Việt Nam thời kỳ hiện đại. 7. Bố cục của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án được kết cấu thành 4 chương: Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án 1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam * Nhóm công trình nghiên cứu về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, nổi bật là: Quan hệ Việt - Lào, Lào - Việt, Nxb CTQG, Hà Nội, 1993; Quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong giai đoạn 1954-2000 của tác giả Lê Đình Chỉnh, Nxb CTQG, Hà Nội, 2007; Kỷ yếu hội thảo quốc tế Các sự kiện lịch sử Trung Lào trong quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Quảng Trị (9/2009); Đảng Nhân dân Cách mạng Lào - Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007), Nxb CTQG, Hà Nội, 2011,v.v..., không chỉ cung cấp nhiều tư liệu quý về quan hệ Việt Nam - Lào mà còn cung cấp nhiều sự kiện về quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. * Nhóm công trình nghiên cứu về tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, có thể kể đến: Liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983; Liên minh chiến đấu Việt - Lào trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) - Lịch sử và kinh nghiệm của tác giả Nguyễn Xuân Ớt, Viện Lịch sử Đảng, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2006; Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam trên chiến trường Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Nxb KHXH, Hà Nội, 2009; Đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa Quân đội hai nước Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào - Thực tiễn và bài học lịch sử, Nxb CTQG, Hà 5
  9. Nội, 2013,v.v... Những công trình trên đã phản ánh rõ nét liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và phần nào đó làm rõ vai trò của quân tình nguyện cũng như các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. * Nhóm công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp đến chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, tiêu biểu là: Lịch sử các đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1945-1975), Nxb QĐND, Hà Nội, 1999; Lịch sử quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Nxb QĐND, Hà Nội, 2005; Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào - Biểu tượng tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt - Lào”, Nxb QĐND, Hà Nội 2010,v.v... Đây là những công trình có ý nghĩa trực tiếp đối với luận án, cung cấp nhiều tư liệu quý và phần nào đó đã làm rõ hoạt động của từng đoàn chuyên gia quân sự riêng lẻ. Kết quả nghiên cứu của những công trình này sẽ được nghiên cứu sinh chắt lọc, kế thừa vào quá trình nghiên cứu luận án. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài Tiêu biểu như cuốn Xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập và chủ nghĩa xã hội của tác giả Cay-xỏn Phôm-vi-hản, được dịch ra tiếng Việt và được Nxb Sự thật ấn hành năm 1978; Những bài học chọn lọc về quân sự của Đại tướng Khăm-tày Xi-phăn-đon (nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từ năm 1998 đến năm 2006 là Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), được dịch ra tiếng Việt và được Nxb QĐND ấn hành năm 1986; Lịch sử Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, được dịch ra tiếng Việt và được Nxb CTQG ấn hành năm 2005. Bên cạnh đó là những công trình do Cục Khoa học Lịch sử quân sự Bộ Quốc phòng Lào phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức nghiên cứu, xuất bản như: Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh Hạ Lào (1945-1975), Viêng Chăn, 2005; Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân và lực lượng vũ trang các tỉnh Thượng Lào (1945-1975), Viêng Chăn, 2007; Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân và lực lượng vũ trang các tỉnh Trung Lào (1945-1975), Viêng Chăn, 2012; Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên đất Lào (1960-1975), Viêng Chăn, 2017,v.v.... Cùng với những công trình của các nhà lãnh đạo, các học giả và cơ quan của Lào, quan hệ Việt - Lào, liên minh chiến đấu Việt - Lào và sự có mặt của bộ đội Việt Nam trên đất Lào cũng được nhiều học giả nước ngoài đề cập như: Giô-dép A.Am-tơ, Lời phán quyết về Việt Nam (tiếng nói của một công dân) (Nguyễn Tấn Cưu dịch), Nxb QĐND, Hà Nội, 1985; Ga-bri-en Côn-cô, Giải phẫu một cuộc chiến tranh (Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại) (Nguyễn Tấn Cưu dịch), Nxb QĐND, Hà Nội, 1989; George C.Herring, 6
  10. Cuộc chiến dài ngày nhất của nước Mỹ, xuất bản lần đầu tại Mỹ vào năm 1985, được Lê Phương Thúy dịch, Nxb CTQG ấn hành năm 1998,v.v... Ngoài ra còn một số công trình liên quan đến chủ đề luận án nghiên cứu như: Langer, Paul F. and Zasloff, Joseph J. (1970), North Vietnam and the Pathet Lao: Partners in the struggle for Laos [Bắc Việt và Pathet Lào: Liên minh chiến đấu vì Lào] Cambridge, Mass.: Harvard University Press; Adams, Nina S., McCoy, Alfred W., eds. (1970), Laos: War and Revolution [Lào: Chiến tranh và cách mạng], Harper Colophon Book Series, CN 221, New York, Harper and Row; D.Welsh (1981), The history of the Vietnam war [Lịch sử chiến tranh Việt Nam], London: Bison books limited; Hung Manh Nguyen (1987), The Vietnam war in retrospect: Its nature and some lessons [Nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam - Bản chất và bài học], Westport: Greenwood Press; Chinnery P.D (1994), The secret war in Laos 1967-1968 [Cuộc chiến bí mật ở Lào những năm 1967-1968], England: Airlife; Evans, Grant (ed.) (2000), Laos Culture and Society [Lào: Văn hoá và xã hội], Institute of Southeast Asian Studies, Singapore; Grant Evans, (2002), A Short History of Laos: the Land in between [Lược sử Lào: Vùng đất nằm kẹp giữa], Silkworm Books, Thailand,v.v… Nhìn chung, những công trình này tuy ít đề cập trực tiếp tới hoạt động của quân tình nguyện và các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào nhưng đã cung cấp nhiều tư liệu quý và gợi mở nhiều vấn đề giúp nghiên cứu sinh có thể tham khảo, kế thừa trong quá trình nghiên cứu luận án. 1.2. Những vấn đề liên quan đến đề tài đã được các công trình nghiên cứu, làm rõ Thứ nhất, về tư liệu: Các học giả trong và ngoài nước đã khai thác được nhiều tư liệu lưu trữ tại các trung tâm lưu trữ lớn của Việt Nam như Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và lưu trữ ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ liên quan đến quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung cũng như liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, về quân tình nguyện và chuyên gia quân sự nói riêng. Bên cạnh đó còn phải kể tới các cuốn hồi ký của các nhân vật, đặc biệt là những nhân vật có nhiều đóng góp cho quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, phân tích, xử lý nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Những khối tài liệu này không chỉ soi rọi nhiều vấn đề lịch sử mà còn gợi mở một số nội dung về liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Thứ hai, về phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, về hoạt động của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào nói riêng, ngoài những công trình sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp lôgic là chủ yếu, một số nghiên cứu đã sử dụng đạt hiệu quả cao 7
  11. bằng phương pháp nghiên cứu liên ngành như: Chính trị học, Khoa học quân sự, Xã hội học, Dân tộc học,v.v… Đây là đóng góp nổi bật của các công trình nghiên cứu xuất bản trong những năm gần đây. Thứ ba, về nội dung: Có thể thấy, các công trình nghiên cứu ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài về cơ bản đã góp phần phục dựng sinh động mối quan hệ và tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử, dưới nhiều góc độ, chiều kích khác nhau và có những đánh giá, nhận xét sâu sắc về mối quan hệ đặc biệt, về liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước cũng như đúc kết những kinh nghiệm quý báu về mối quan hệ đặc biệt này, tiêu biểu như dự án Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930-2007). Bên cạnh đó, các công trình do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và Cục Khoa học Lịch sử quân sự Bộ Quốc phòng Lào phối hợp tổ chức nghiên cứu, biên soạn đã phần nào mô tả được sự ra đời và hoạt động của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong những năm kháng chiến chống Mỹ của hai dân tộc. Cùng với đó còn phải kể đến các luận văn, luận án, chuyên luận của các nhà nghiên cứu đã công bố phần nào giới thiệu về hoạt động riêng lẻ của từng đoàn quân tình nguyện, từng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào hay hoạt động của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự của một tỉnh cụ thể tại chiến trường Lào như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,v.v... Những công trình này giúp nghiên cứu sinh có cái nhìn toàn diện hơn về truyền thống đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào trong những năm tháng kháng chiến trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. 1.3. Những vấn đề luận án tập trung nghiên cứu, giải quyết Một là, hệ thống hóa tư liệu, tài liệu từ nhiều nơi, nhiều nguồn khác nhau liên quan đến quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, đặc biệt là những tư liệu gốc lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Trung tâm lưu trữ quốc gia III, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trên cơ sở đó phục dựng lại quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975. Hai là, bối cảnh lịch sử và những yếu tố tác động tới quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, đó là truyền thống đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trước năm 1959; tình hình quốc tế, khu vực; những âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ đối với Lào và Việt Nam cũng như chủ trương, đường lối của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về tăng cường đoàn kết chiến đấu Việt Nam 8
  12. - Lào, Lào - Việt Nam, đặc biệt là những đặc điểm về địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội của Lào, qua đó khẳng định sự liên minh chiến đấu, sự giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng hai nước là một tất yếu đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng mỗi nước trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Bởi những yếu tố này đã tác động trực tiếp, toàn diện tới hoạt động và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào những năm chống Mỹ. Ba là, quá trình tổ chức, xây dựng các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam gắn với tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Lào. Bởi sự phát triển của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào luôn gắn chặt với yêu cầu thực tiễn cách mạng Lào phối hợp với cách mạng Việt Nam chống thù chung. Bốn là, những đóng góp chủ yếu của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam đối với cách mạng Lào trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang trung lập yêu nước, trong xây dựng và phát triển chiến tranh nhân dân chống các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ (chiến tranh đặc biệt 1959-1968, chiến tranh đặc biệt tăng cường 1969-1973) và quá trình giúp cách mạng Lào đấu tranh giành chính quyền những năm 1973-1975. Bên cạnh đó, luận án còn phân tích sự tác động của cách mạng Lào đối với cách mạng Việt Nam thông qua sự giúp đỡ của các đoàn chuyên gia quân sự bằng những sự kiện lịch sử tiêu biểu, cụ thể. Năm là, nhận xét về những kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế, từ đó chỉ rõ đặc điểm và đúc kết một số kinh nghiệm trong quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975. * Tiểu kết chương 1 Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, nghiên cứu sinh đã đánh giá kết quả của các công trình đạt được trên cả phương diện “nội dung”, “tư liệu” và “phương pháp nghiên cứu”, tìm ra những điểm, những nội dung có thể tham khảo, kế thừa; đồng thời, chỉ ra những “khoảng trống” các công trình nghiên cứu đã công bố chưa đề cập; từ đó xác định những vấn đề, những nội dung luận án tập trung nghiên cứu, giải quyết. Bên cạnh đó, tổng quan tình hình nghiên cứu giúp nghiên cứu sinh lựa chọn được phương pháp nghiên cứu phù hợp với đề tài “Hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1975”; có cơ sở về mặt lý luận và thực tiễn để rút ra đặc điểm, đánh giá kết quả đạt được cũng như chỉ ra những hạn chế còn tồn tại và đúc kết những bài học kinh nghiệm mang tính gợi mở đối với các đoàn chuyên gia quân sự sang hoạt động tại Lào trong giai đoạn hiện nay. 9
  13. Chương 2 HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN CHUYÊN GIA QUÂN SỰ VIỆT NAM TẠI LÀO TỪ NĂM 1959 ĐẾN NĂM 1968 2.1. Những yếu tố tác động đến hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1959-1968) 2.1.1. Truyền thống đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trước năm 1959: Cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, do có nhiều điểm tương đồng về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là nhiều lần chung vận mệnh lịch sử, từ rất sớm hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã đoàn kết bên nhau chống thù chung, hình thành nên tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt, phát triển tới tỉnh cao trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc với sự xuất hiện của quân tình nguyện (1945-1954) và Đoàn cố vấn quân sự 100 (1954-1958). Đây là cơ sở để các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam kế thừa trong quá trình hoạt động tại Lào. 2.1.2. Tình hình quốc tế, khu vực: Trong những năm 1959-1968, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi đó, nét nổi bật của tình hình khu vực giai đoạn này là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam, Lào diễn ra mạnh mẽ; Campuchia đi theo con đường trung lập. Ngày 8/8/1967, 5 nước là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines họp ở Băng Cốc, thành lập “Hiệp hội các nước Đông Nam Á” (ASEAN) với mục đích nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giữ gìn hòa bình ở khu vực. Đối với chiến tranh Việt Nam, các nước ASEAN đứng về phía Mỹ và một số nước ít nhiều dính líu vào cuộc chiến bằng cách đưa quân chiến đấu hoặc đơn vị hậu cần sang tham chiến tại chiến trường Việt Nam như Thái Lan, Philippines... 2.1.3. Âm mưu của Mỹ đối với Lào và Việt Nam: Ở Lào, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “chiến tranh đặc biệt” với các hành động khủng bố, đàn áp các lực lượng cách mạng. Trong khi đó ở miền Nam Việt Nam, từ cuối năm 1960, hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm bị thất bại, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Từ đầu năm 1965, trước sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam; cô lập và đè bẹp cách mạng miền Nam... 2.1.4. Chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Lào về tăng cường đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam: Từ 10
  14. năm 1959 đến năm 1968, bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết đúng đắn, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được đẩy mạnh với sự thống nhất cao về chủ trương, đường lối giữa Đảng Lao động Việt Nam với Đảng Nhân dân Lào. Đây là nhân tố tác động trực tiếp tới quá trình hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. 2.1.5. Đặc điểm về địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội Lào: Là nước nằm sâu trong lục địa, thuộc khu vực Đông Nam Á, Lào tiếp giáp với 5 nước: phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây bắc giáp Myanma, phía tây giáp Thái Lan, phía đông giáp Việt Nam và phía nam giáp Campuchia. Bên cạnh địa hình khá phức tạp, Lào là đất nước có lịch sử, văn hóa, xã hội phong phú và đa dạng... Những yếu tố trên tác động trực tiếp, sâu sắc đến quá trình ra đời, xây dựng, phát triển cũng như hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào từ năm 1959 đến năm 1968. 2.2. Góp phần giúp cách mạng Lào đánh thắng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1959-1968) 2.2.1. Sự ra đời, phát triển của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào 2.2.1.1. Các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam ra đời, từng bước phát triển về lực lượng: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, ngày 12/9/1959, Bộ Quốc phòng Việt Nam ra Quyết định số 446/QĐ-QP, thành lập Đoàn chuyên gia quân sự 959; ngày 15/4/1963, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định thành lập Đoàn chuyên gia quân sự 463 giúp Quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng; ngày 19/5/1965, tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện mang phiên hiệu Đoàn 565 được thành lập giúp Quân khu Nam Lào. Từ năm 1959 đến năm 1968, theo diễn biến của chiến trường Lào, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam thường xuyên kiện toàn, phát triển về lực lượng các đoàn chuyên gia quân sự để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. 2.2.1.2. Củng cố và nâng cao chất lượng mọi mặt các đoàn chuyên gia quân sự: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đoàn chuyên gia quân sự 959, Đoàn chuyên gia quân sự 463, Đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện 565 đã chú trọng xây dựng về chính trị, quân sự, hậu cầu, kỹ thuật, xây dựng Đảng và những mặt bảo đảm khác, qua đó nâng cao chất lượng toàn diện các đoàn chuyên gia quân sự, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. 11
  15. 2.2.2. Góp phần giúp cách mạng Lào xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang 2.2.2.1. Xây dựng chủ trương, đường lối và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang cách mạng Lào: Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các đoàn chuyên gia quân sự là giúp Quân ủy Trung ương, Bộ chỉ huy tối cao Lào, các quân khu, tỉnh đội và các đơn vị cơ sở về chủ trương, đường lối và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang. Nhìn chung, những chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, đề án xây dựng lực lượng vũ trang của Quân ủy Trung ương, Bộ chỉ huy tối cao, các quân khu, tỉnh đội và đơn vị cơ sở của Lào trong những năm 1959-1968 đều có sự tham mưu, đề xuất ý kiến và sự giúp đỡ trực tiếp của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam. Đồng thời với đó, vai trò lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào được khẳng định trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Lào. 2.2.2.2. Xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích: Nếu như trong những năm đầu chống chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích của Lào còn nhỏ bé, sức chiến đấu chưa cao, trang bị thiếu thốn, được sự giúp đỡ của các đoàn chuyên gia quân sự, đến cuối năm 1968, cả ba thứ quân của Lào đã trưởng thành, trở thành nòng cốt trong thế trận chiến tranh nhân dân chống đế quốc Mỹ xâm lược. 2.2.2.3. Xây dựng lực lượng vũ trang trung lập yêu nước: Lực lượng trung lập yêu nước hình thành từ thời kỳ khủng hoảng chính trị ở Lào 1954- 1956, đến cuối năm 1956 trở thành một xu hướng tương đối rõ rệt và được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Sau cuộc đảo chính của Koong-le ngày 9/8/1960, lực lượng vũ trang trung lập yêu nước trở thành một bộ phận quan trọng trong liên minh với lực lượng vũ trang cách mạng Lào chống “chiến tranh đặc biệt”. Được sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của các đoàn chuyên gia quân sự, lực lượng vũ trang trung lập yêu nước ở Cánh đồng Chum và Phong Xa Lỳ có sự tiến bộ rõ rệt. Ý thức chính trị được nâng cao, quân số tăng nhanh, tinh thần chiến đấu dũng cảm, thể hiện vai trò to lớn trong liên minh với lực lượng vũ trang cách mạng Lào chống Mỹ. 2.2.3. Góp phần giúp cách mạng Lào xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ 2.2.3.1. Mở rộng vùng giải phóng: Nổi bật là Đoàn chuyên gia quân sự 959 giúp giải phóng Sầm Nưa, xây dựng nơi đây thành căn cứ địa Trung ương của cách mạng Lào để chỉ đạo phong trào cả nước, tiếp đó là mở rộng 12
  16. vùng giải phóng ở Xiêng Khoảng và nhiều nơi khác. Đồng thời, giai đoạn này, các đoàn chuyên gia quân sự giúp Lào giải quyết vấn đề tiễu phỉ, làm trong sạch vùng giải phóng với phương châm lấy chính trị làm gốc, quân sự làm áp lực và kinh tế làm đòn bẩy. Thành công trong công tác tiễu phỉ ở Húa Mường (Hủa Phăn), Pa Thí... làm cho uy tín của cách mạng Lào ngày càng lên cao. 2.2.3.2. Giúp Quân đội Pathét Lào phối hợp với quân tình nguyện và bộ đội chủ lực Việt Nam mở những chiến dịch lớn, tiêu biểu như: Chiến dịch Luông Nậm Thà (1962), Chiến dịch 128 (1964), Chiến dịch 74A (1964), Chiến dịch Nậm Bạc (1968),v.v... Thắng lợi của những chiến dịch này không chỉ tạo bước ngoặt lớn cho cách mạng Lào mà còn tác động tích cực trở lại đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, đồng thời qua đó cho thấy vai trò to lớn của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. * Tiểu kết chương 2 Trong thời gian từ năm 1959 đến năm 1968, quá trình ra đời, xây dựng, phát triển và hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào chịu tác động của nhiều yếu tố. Tuy nhiên, vượt lên mọi gian khó, đi cùng quá trình tổ chức và xây dựng lực lượng, Đoàn chuyên gia quân sự 959, Đoàn chuyên gia quân sự 463, Đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện 565 đã tích cực hoạt động giúp Lào những vấn đề then chốt, những nội dung cơ bản nhất của sự nghiệp cách mạng đó là giúp xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Lào, xây dựng lực lượng vũ trang trung lập yêu nước, giúp xây dựng liên minh chiến đấu giữa hai lực lượng này chống đế quốc Mỹ và tay sai; đặc biệt là giúp cách mạng Lào xây dựng, phát triển chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. 13
  17. Chương 3 HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐOÀN CHUYÊN GIA QUÂN SỰ VIỆT NAM TẠI LÀO TỪ NĂM 1969 ĐẾN NĂM 1975 3.1. Những yếu tố mới tác động đến hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1969-1975) 3.1.1. Tình hình quốc tế, khu vực: Đặc điểm tình hình quốc tế giai đoạn này là xu hướng hòa hoãn ở châu Âu ngày càng phát triển. Về phía Mỹ, từ tháng 9/1969, sau xung đột biên giới Trung - Xô, Mỹ coi đây là cơ hội để đào thêm hố ngăn cách giữa Liên Xô và Trung Quốc; đồng thời, ngăn cản Trung Quốc và Liên Xô viện trợ cho Việt Nam. Đối với tình hình khu vực, nét nổi bật thời kỳ này là các nước thành viên ASEAN ra tuyên bố ZOPFAN (Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập). Đối với nhân dân Đông Dương, trong hai ngày 24 và 25/4/1970, Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương được tổ chức nhằm tăng cường đoàn kết giữa nhân dân ba nước Đông Dương chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước. 3.1.2. Âm mưu mới của Mỹ đối với Lào và Việt Nam: Sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ (1/1969), Nixon đưa ra chiến lược toàn cầu mới mang tên “Học thuyết Nixon”. Đối với Lào, triển khai Học thuyết Nixon, Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt tăng cường”. Thực chất của chiến lược này là “dùng người Lào đánh người Lào” bằng vũ khí của Mỹ và có sự tham gia của một bộ phận không quân Mỹ cùng quân đội các nước thân Mỹ. Đối với Việt Nam, năm 1969, áp dụng “Học thuyết Nixon”, Mỹ điều chỉnh chủ trương “phi Mỹ hóa” thành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đây là kế hoạch hoàn chỉnh về quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao nhằm tiếp tục thực hiện âm mưu chiếm giữ miền Nam Việt Nam, nhưng quân Mỹ rút về sau để rút dần về nước, giảm bớt sự dính líu của quân chiến đấu Mỹ trên bộ. 3.1.3. Chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về tăng cường đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam: Sau khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, đường lối nhằm đẩy mạnh liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam chống xâm lược. Nhờ chủ trương, đường lối đúng đắn của Trung ương hai Đảng, các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào hoạt động ngày càng hiệu quả, giúp cách mạng Lào kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ và góp phần vào thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. 14
  18. 3.2. Góp phần giúp cách mạng Lào đánh thắng chiến lược “chiến tranh đặc biệt tăng cường”, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1969-1975) 3.2.1. Các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố trong giai đoạn mới 3.2.1.1. Xây dựng về lực lượng các đoàn chuyên gia quân sự: Từ năm 1969 đến năm 1975, các đoàn chuyên gia quân sự thường xuyên được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam xây dựng về lực lượng. Sự phát triển về lực lượng các đoàn chuyên gia quân sự không chỉ thể hiện chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam mà còn thể hiện sự phát triển toàn diện của các đoàn chuyên gia quân sự đáp ứng yêu cầu của cách mạng Lào. 3.2.1.2. Củng cố và nâng cao chất lượng mọi mặt các đoàn chuyên gia quân sự: Các đoàn chuyên gia quân sự tiếp tục được xây dựng về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật, công tác xây dựng Đảng. Trong công tác cán bộ, các đoàn chuyên gia quân sự thường xuyên chú trọng đào tạo cán bộ tại chức, tại trường, qua đó đội ngũ cán bộ các đoàn chuyên gia quân sự được nâng cao về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế. 3.2.2. Góp phần giúp cách mạng Lào nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang về mọi mặt 3.2.2.1. Xây dựng chủ trương, đường lối và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang cách mạng Lào: Trong những năm 1969- 1975, Đoàn chuyên gia quân sự 959, 463 và 565 luôn chú trọng giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Chỉ huy tối cao, các quân khu, tỉnh đội và các đơn vị cơ sở Quân đội Giải phóng Nhân dân Lào về chủ trương, đường lối xây dựng lực lượng vũ trang, đặc biệt là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; yêu cầu mỗi đảng viên, mỗi cấp ủy phải luôn kiên định sự lãnh đạo tuyệt đối của Trung ương, của Quân ủy và của Đảng ủy, chi ủy các cấp, nhất là những lúc khó khăn, phức tạp, chống mọi biểu hiện làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng... 3.2.2.2. Phát triển bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích: Nếu như năm 1969, lực lượng vũ trang cách mạng Lào có 18 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn cao xạ, 2 tiểu đoàn pháo mặt đất, 1 tiểu đoàn và 12 đại đội công binh, 4 đại đội đặc công, 11 trung đội đặc công tỉnh, 53 đại đội tỉnh, 51 đội công tác, 4 đại đội và 102 trung đội bộ đội huyện (mường), 107 trung đội du kích nòng cốt, 45.838 dân quân du kích..., được sự giúp đỡ của các đoàn chuyên gia quân sự, đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đánh giá: Chúng ta (Lào) đã xây dựng được lực lượng vũ trang ba thứ quân, luôn xứng đáng là công cụ bạo lực của giai cấp công nhân, của 15
  19. Đảng, trung thành với Tổ quốc, thương yêu nhân dân, dũng cảm, kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và hy sinh, quyết đánh, quyết thắng mọi kẻ thù dân tộc”. 3.2.2.3. Xây dựng lực lượng vũ trang trung lập yêu nước: Đến tháng 7/1969, lực lượng vũ trang trung lập yêu nước có 7 tiểu đoàn bộ binh ở Cánh đồng Chum và Khang Khay, 2 tiểu đoàn và 2 đại đội pháo, 5 đại đội bộ binh ở Phong Xa Lỳ... Với chủ trương đúng đắn của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Mặt trận Lào yêu nước, đặc biệt là sự giúp đỡ của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam, lực lượng vũ trang trung lập yêu nước không ngừng phát triển. Sự phát triển của lực lượng vũ trang trung lập yêu nước là cơ sở quan trọng để tăng cường liên minh chiến đấu với lực lượng vũ trang cách mạng Lào chống đế quốc Mỹ và tay sai. 3.2.3. Góp phần giúp cách mạng Lào đẩy mạnh chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến lược “chiến tranh đặc biệt tăng cường”, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 3.2.3.1. Bảo vệ vùng giải phóng: Từ năm 1969, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào cùng với việc thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam Việt Nam. Hơn lúc nào hết, thành quả cách mạng Lào giành được trong những năm trước đó bị đe dọa nghiêm trọng. Nguy cơ những vùng mới giải phóng bị đối phương hành quân càn quét lấn chiếm lại là rất cao. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong giai đoạn này là giúp cách mạng Lào đẩy mạnh chiến tranh nhân dân bảo vệ vùng giải phóng, tạo đà cho cách mạng Lào tiến lên giành những thắng lợi quyết định. Kết quả là, bằng nỗ lực nội tại của cách mạng Lào cùng sự giúp đỡ của các đoàn chuyên gia quân sự, vùng giải phóng của Lào được bảo vệ vững chắc trước sự tấn công của kẻ thù. 3.2.3.2. Giúp Quân đội Giải phóng Nhân dân Lào phối hợp với quân tình nguyện và bộ đội chủ lực Việt Nam mở những chiến dịch lớn: Nổi bật là Chiến dịch Toàn Thắng (1969-1970) đánh bại cuộc hành quân Cù Kiệt; Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971) đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn; Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972,v.v... Thắng lợi của những chiến dịch này tạo ra bước ngoặt quyết định cho cách mạng Lào và tác động tích cực trở lại đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. 3.2.3.3. Góp phần giúp cách mạng Lào đấu tranh giành chính quyền bằng “Ba đòn chiến lược” kết hợp với “Mũi đấu tranh pháp lý”: Sau khi Hiệp định Viêng Chăn được ký kết (21/2/1973), cách mạng Lào bước sang một giai đoạn mới. Đặc biệt, sau thắng lợi của cách mạng Campuchia và cách mạng Việt Nam (4/1975), thời cơ cách mạng Lào chín muồi, ngoài việc tham 16
  20. mưu cho Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào phương án đấu tranh giành chính quyền trên phạm vi cả nước, cán bộ Đoàn chuyên gia quân sự 959 đã theo sát các cánh, các hướng giúp cán bộ lãnh đạo Trung ương Lào chỉ đạo các địa phương giành chính quyền bằng “Ba đòn chiến lược” và “Mũi đấu tranh pháp lý”, qua đó góp phần hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Lào một cách trọn vẹn. * Tiểu kết chương 3 Giai đoạn 1969-1975, tình hình quốc tế, khu vực; âm mưu, thủ đoạn mới của Mỹ đối với Lào và Việt Nam; chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào về tăng cường đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là những yếu tố tác động mạnh mẽ tới hoạt động của các đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Trong bối cảnh đó, trên cơ sở tiếp tục được xây dựng, phát triển về mọi mặt, Đoàn chuyên gia quân sự 959, 463 và 565 tập trung giúp Quân ủy Trung ương và Bộ chỉ huy tối cao Lào nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang; đồng thời, tiếp tục giúp cách mạng Lào phát triển thế trận chiến tranh nhân dân một cách vững chắc với sự tham gia của tất cả các giai cấp, các tầng lớp. Với hoạt động bắn máy bay địch hiệu quả của du kích, của bộ đội địa phương hay thắng lợi trong nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch lớn chống các cuộc hành quân, càn quét của địch là minh chứng rõ nét về hiệu quả chiến tranh nhân dân ở Lào chống chiến tranh xâm lược Mỹ, và cũng với thế trận chiến tranh nhân dân được tạo dựng, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào đã kết thúc thắng lợi bằng sự kết hợp giữa “Ba đòn chiến lược” và “Mũi đấu tranh pháp lý”. 17
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
11=>2