intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Lịch sử: Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:27

21
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mục đích nghiên cứu của Luận án này nhằm làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế và thực trạng nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, luận án nhằm khôi phục bức tranh kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884; Nhận xét và đánh giá những đặc điểm về kinh tế; Mặt khác cũng khẳng định vai trò của kinh tế đối với tình hình xã hội và văn hóa trong tiến trình lịch sử của vùng đất này. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Lịch sử: Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH TRẦN QUỐC BẢO KINH TẾ HUYỆN NAM ĐÀN, TỈNH NGHỆ AN DƯỚI TRIỀU NGUYỄN THỜI KỲ 1802 - 1884 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ NGHỆ AN - 2021
  2. CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS. TS Nguyễn Quang Hồng 2. PGS. TS Trần Đức Cường Phản biện 1: Phản biện 2: Phản biện 3: Luận án được bảo vệ trước Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Trường tại Trường Đại học Vinh Vào hồi……giờ……ngày……tháng……năm 2021 Cụ thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện Quốc gia Việt Nam; - Trung tâm Thông tin Thư viện Nguyễn Thúc Hào, Trường Đại học Vinh.
  3. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Kinh tế là hoạt động sản xuất của cải vật chất, là toàn bộ phương thức sản xuất và trao đổi của một chế độ xã hội; là tổng hòa các mối quan hệ sản xuất dựa trên một trình độ nhất định của lực lượng sản xuất, tạo nên kết cấu kinh tế của chế độ xã hội hay cơ sở hạ tầng kinh tế của xã hội. Kinh tế với các lĩnh vực hoạt động gồm nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp có mối quan hệ không thể tách rời với nhu cầu vật chất, sinh hoạt trong đời sống của các cộng đồng cư dân, các mục tiêu nhằm phát triển kinh tế bao gồm trong đó mục tiêu xây dựng tiến bộ xã hội được đặt ra. Mặt khác, kinh tế còn đóng vai trò quan trọng tạo nên dấu ấn trong nền văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa vùng miền trong bức tranh đa sắc màu của văn hóa Việt Nam. Do vậy, nghiên cứu lịch sử kinh tế có ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhằm đem lại những hiểu biết chính xác và toàn diện hơn về lịch sử dân tộc. 1.2. Trong vài thập niên gần đây, nghiên cứu, đánh giá về thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đã, đang nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Với nguồn tư liệu cụ thể của địa phương, đặc biệt là tài liệu Hán Nôm, tư liệu địa bạ dưới triều Nguyễn, việc lựa chọn những nội dung liên quan đến kinh tế làm đối tượng nghiên cứu góp phần tái hiện lại một cách có hệ thống kinh tế địa phương trong mối tương quan với kinh tế nhà nước trong thời kỳ này. Đồng thời góp phần minh họa thêm trong việc nghiên cứu lịch sử làng xã nói riêng, lịch sử chế độ phong kiến nói chung trong tiến trình lịch sử Việt Nam. 1.3. Trấn Nghệ An (gồm Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) từ thế kỷ XVI cho đến trước thế kỷ XIX là một trong những địa bàn tranh chấp chính của chiến tranh Nam - Bắc triều, chiến tranh Trịnh - Nguyễn giữa các thế lực phong kiến. Nơi đây, vừa cung cấp nguồn lực vật chất, con người... cũng là nơi phải gánh chịu nhiều hậu quả do các biến động chính trị - xã hội mang lại. Nghệ An là đất tổ của anh em nhà Tây Sơn, nơi “địa linh nhân kiệt” này đất rộng, người đông có thể giúp nhà Nguyễn dựng nghiệp bền lâu, hoặc có thể làm cho cơ đồ họ Nguyễn đối diện với nhiều thách thức. Nhận thức rõ điều đó, các vị vua Gia Long (1802 - 1820), Minh Mệnh (1820 - 1840), Thiệu Trị (1840 - 1847), Tự Đức (1847 - 1883) đã kiên quyết xoá bỏ những thành quả của Tây Sơn trên đất Nghệ An (phá bỏ Sùng chính Thư viện, cho lập trại Hữu Biệt để quản thúc những người giúp đỡ hoặc có họ hàng với Tây Sơn)… Đồng thời ban hành các chính sách, biện pháp để cư dân xứ Nghệ đứng về phía nhà Nguyễn. Do đó, việc
  4. 2 lựa chọn địa bàn cụ thể là huyện Nam Đàn (thuộc trấn/tỉnh Nghệ An) để nghiên cứu là góp phần thiết thực vào việc làm rõ được những chính sách vừa kiên quyết vừa khéo léo mà nhà Nguyễn đã thực thi trên vùng đất thuộc lưu vực sông Lam, trước khi người Pháp chiếm thành Nghệ An (7/1885) nhưng lại chưa được đề cập trong các công trình đã nghiên cứu. 1.4. Nam Đàn nằm ở vùng hạ lưu sông Lam, là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của trấn/tỉnh Nghệ An. Theo tiếp cận của chúng tôi, đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về huyện Nam Đàn, nhưng chưa có một công trình nào nghiên cứu về phương diện kinh tế. Việc tái hiện lại một cách hệ thống kinh tế huyện Nam Đàn, dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 sẽ góp phần làm rõ quá trình ra đời, phát triển của kinh tế Nam Đàn trong mối tương quan với kinh tế của cả nước trong cùng bối cảnh lịch sử. Đồng thời làm sáng tỏ những đặc trưng cơ bản của kinh tế Nam Đàn và ảnh hưởng, tác động của kinh tế đối với đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng cư dân nơi đây. Xuất phát từ những lý do cơ bản trên, chúng tôi chọn đề tài “Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884” làm luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2.1. Đối tượng nghiên cứu Đề tài tập trung nghiên cứu kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884. Tuy nhiên, để tái hiện bức tranh kinh tế Nam Đàn một cách có hệ thống, toàn diện, đảm bảo tính khách quan, khoa học cả về lịch đại và đồng đại, chúng tôi có dành một phần nội dung khái lược những nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế Nam Đàn cũng như thực trạng kinh tế trên địa bàn trước năm 1802. Bên cạnh việc tập trung làm rõ về bức tranh nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp trên địa bàn huyện Nam Đàn (1802 - 1884), chúng tôi còn hướng tới việc đưa ra một số nhận xét đánh giá, chỉ rõ tác động của kinh tế đối với đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của các giai tầng trên vùng đất Nam Đàn trong khoảng thời gian đề tài xác định. 2.2. Phạm vi nghiên cứu Về không gian, theo sách: “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh Nghệ Tĩnh trở ra” do Viện nghiên cứu Hán Nôm tổ chức biên soạn, huyện Nam Đường có 8 tổng, 90 xã, thôn, phường, trại, sách, giáp, vạn. Dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884, diên cách địa lý, địa danh huyện Nam Đàn sau nhiều lần cắt chuyển, điều chỉnh với huyện Thanh Chương (phủ Anh Đô) có nhiều thay đổi và rộng hơn
  5. 3 nhiều so với địa giới hành chính huyện Nam Đàn ngày nay. Năm 1886, vì kỵ huý tên vua Đồng Khánh, nên huyện Nam Đường đổi tên thành huyện Nam Đàn. Đến năm 1911, chính quyền thuộc địa và triều Nguyễn quyết định sắp xếp lại địa giới hành chính của huyện Thanh Chương và huyện Nam Đàn. Theo đó, tổng Nam Kim thuộc huyện Thanh Chương, nằm ở hữu ngạn sông Lam cắt về huyện Nam Đàn. Hai tổng Đại Đồng và Xuân Lâm của huyện Nam Đàn, nằm ở tả ngạn sông Lam sáp nhập vào huyện Thanh Chương. Sau điều chỉnh địa giới hành chính này, huyện Nam Đàn còn 6 tổng, 65 làng xã, thôn, trang, phường, vạn, giáp, vạn, sở, tương ứng với địa giới hành chính ổn định của huyện Nam Đàn từ năm 1911 đến nay. Do những thay đổi về diên cách địa lý, tên gọi qua nhiều thời kỳ, cùng nguồn tư liệu địa bạ, văn bia, gia phả... thất thoát, trong khuôn khổ luận án này, chúng tôi xin phép giới hạn không gian nghiên cứu trong địa giới hành chính gồm 6 tổng với 65 làng, xã, trang, phường, vạn, giáp, tương ứng với địa giới hành chính của huyện Nam Đàn từ năm 1911 đến ngày nay. Đồng thời, chúng tôi xin phép được dùng danh gọi Nam Đàn chứ không dùng danh gọi Nam Đường. Về thời gian, đề tài tập trung nghiên cứu kinh tế huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An thời kỳ 1802 - 1884. Chúng tôi lấy năm 1802 làm mốc mở đầu cho công trình nghiên cứu vì đây là năm Nguyễn Phúc Ánh cho lập đàn tế cáo trời đất, đặt niên hiệu Gia Long năm thứ nhất, xác lập vai trò của nhà Nguyễn đối với lịch sử dân tộc. Còn năm 1884 là mốc kết thúc nghiên cứu vì sau khi ký Hiệp ước Giáp Thân (06/6/1884) nhà Nguyễn chính thức thừa nhận và chấp thuận nền bảo hộ của nước Pháp đối với vương quốc Đại Nam, thực chất là đánh mất quyền độc lập của đất nước vào tay thực dân Pháp. Về nội dung, luận án nghiên cứu về kinh tế huyện Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884 trên các phương diện: Những nhân tố tự nhiên, xã hội ảnh hưởng đến kinh tế Nam Đàn; Nông nghiệp với tình hình sở hữu ruộng đất, cơ cấu ngành nghề, giống cây trồng, công cụ, nông cụ, cách thức canh tác, hệ thống thủy lợi và năng suất, tô thuế ở địa phương; Thủ công nghiệp, thương nghiệp với hoạt động của các nghề, làng nghề thủ công truyền thống và hệ thống chợ trên địa bàn huyện Nam Đàn. Ngoài ra, luận án còn có những so sánh, đối chiếu huyện Nam Đàn với các huyện lân cận trong tỉnh và mở rộng ra một số địa phương khác ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ những kết quả nghiên cứu, chúng tôi đưa ra một số nhận xét và đánh giá về thực trạng và những ảnh hưởng của kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong suốt 82 năm (1802 - 1884) đối với đời sống xã hội, văn hóa của các tầng lớp, giai cấp trên địa bàn huyện.
  6. 4 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Thông qua việc làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế và thực trạng nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, luận án nhằm khôi phục bức tranh kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884; Nhận xét và đánh giá những đặc điểm về kinh tế; Mặt khác cũng khẳng định vai trò của kinh tế đối với tình hình xã hội và văn hóa trong tiến trình lịch sử của vùng đất này. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Nhiệm vụ trọng tâm của đề tài là: - Tiếp cận các công trình nghiên cứu cả trong và ngoài nước có nội dung liên quan đến đề tài luận án, chỉ rõ việc kế thừa những kết quả từ các công trình nghiên cứu trước đó, nhất là những nội dung trọng yếu cần được tập trung nghiên cứu, làm sáng tỏ. - Nêu rõ các nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và thực trạng kinh tế Nam Đàn trước khi vương triều Nguyễn được thiết lập. - Nghiên cứu kinh tế huyện Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884 trên các phương diện: nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp. Dựa trên kết quả so sánh đồng đại chỉ ra những đặc điểm chung và riêng của kinh tế huyện Nam Đàn so với một số huyện lân cận ở trấn/tỉnh Nghệ An và một số tỉnh ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ dưới triều Nguyễn (1802 - 1884). - Nhận xét và đánh giá về kinh tế Nam Đàn dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 nhằm làm rõ ảnh hưởng của kinh tế đối với đời sống vật chất, đời sống tinh thần của các tầng lớp, giai cấp trên địa bàn huyện. 4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu 4.1. Nguồn tài liệu Luận án khai thác các tư liệu có liên quan đã được công bố từ trước đến nay bao gồm các thư tịch, công trình khoa học, các sách, báo, tạp chí: - Nguồn tài liệu thư tịch cổ gồm: Hoàng Việt luật lệ thời Gia Long, các bộ sách lịch sử do Quốc sử quán và Nội các triều Nguyễn biên soạn như Đại Nam thực lục (Chính biên), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Chính biên và Tục biên), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí... Các sách ghi chép về trấn/tỉnh Nghệ An như: Hoan Châu phong thổ ký (Trần Danh Lâm), Nghệ An ký (Bùi Dương Lịch), Thanh Chương huyện chí (Nguyễn Điển), An Tĩnh cổ lục (H. Le Breton)... - Nguồn tài liệu lưu trữ: Đây là tài liệu quan trọng nhất của luận án, chủ yếu
  7. 5 gồm các thư tịch về địa bạ, thần tích, thần sắc, văn bia... Đáng chú ý hơn cả là 40 tập địa bạ lập vào các thời điểm Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức. - Các công trình nghiên cứu chuyên khảo thời cận đại, hiện đại đã được xuất bản trong và ngoài nước của nhiều tác giả đi trước về tình hình sở hữu ruộng đất, kinh tế như: Nguyễn Đức Nghinh, Trương Hữu Quýnh, Phan Huy Lê, Vũ Huy Phúc, Phan Đại Doãn, Nguyễn Đình Đầu, Vũ Văn Quân, Đỗ Bang… - Các công trình biên soạn về lịch sử địa phương, trong đó có lịch sử các xã thôn của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Lý lịch các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện; Những công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian… - Nguồn tài liệu điều tra, điền dã tại địa phương: Gồm sắc phong, phổ hệ, khoán ước, hương ước, địa chí của làng xã, các bài văn tế, gia phả một số dòng họ lớn ở các làng, những dấu tích ngành nghề, nhân vật, sản phẩm... Tài liệu truyền miệng: Truyền thuyết, ca dao, hò vè, chuyện kể của những người lớn tuổi. Nguồn tài liệu thu thập được thông qua việc phỏng vấn những người lớn tuổi ở các dòng họ, tại các làng nghề trong địa bàn huyện Nam Đàn. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện đề tài, trên cơ sở phép duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành, chủ yếu là phương pháp lịch sử và phương pháp lôgíc nhằm giải quyết các nhiệm vụ khoa học của đề tài đặt ra. Đồng thời vận dụng phương pháp so sánh đồng đại, lịch đại để đối chiếu, phân tích đánh giá về ảnh hưởng của kinh tế đối với đời sống vật chất và tinh thần của các giai tầng trong không gian địa giới huyện Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884. Bên cạnh đó, chúng tôi còn sử dụng các phương pháp tiếp cận của cách ngành khác như Dân tộc học, Kinh tế học, Xã hội học, Văn hoá học, để làm rõ bối cảnh lịch sử, các điều kiện tự nhiên, xã hội ảnh hưởng đến kinh tế và đánh giá một số tác động của kinh tế đối với đời sống cộng đồng cư dân huyện Nam Đàn. Đồng thời, sử dụng phương pháp định lượng để phân tích, xử lý địa bạ kết hợp so sánh, đối chiếu các nguồn tài liệu nhằm khôi phục một cách chân thực diện mạo kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884. 5. Đóng góp của luận án Đề tài đạt được mục đích nghiên cứu đề ra sẽ có những đóng góp sau đây: Về mặt khoa học: - Bổ sung nguồn tư liệu về kinh tế huyện Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng để đối chiếu, so sánh cho việc nghiên cứu
  8. 6 về kinh tế ở trấn/tỉnh Nghệ An và một số tỉnh thành khác ở Bắc Trung Bộ, Bắc Bộ, cũng như nghiên cứu về kinh tế huyện Nam Đàn thời kỳ sau năm 1884. - Tái hiện lại bức tranh kinh tế huyện Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884, qua đó làm rõ quá trình phát triển, một số đặc điểm cơ bản và tác động của kinh tế đối với tình hình phát triển chính trị, xã hội và văn hóa của địa phương. - Góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử kinh tế trên các phương diện: nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp ở địa phương. Về mặt thực tiễn: - Góp phần nghiên cứu lịch sử địa phương huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và cả nước. - Đề tài là cơ sở khoa học đề xuất những biện pháp nhằm tận dụng các nguồn lực, bảo tồn, khôi phục, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Nam Đàn cho phù hợp với tiềm năng của địa phương trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế hiện nay. 6. Bố cục của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận án gồm 5 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án Chương 2: Những nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế huyện Nam Đàn Chương 3: Nông nghiệp Chương 4: Thủ công nghiệp và thương nghiệp Chương 5: Nhận xét và đánh giá
  9. 7 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Những nghiên cứu về kinh tế Việt Nam nói chung Nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp: Theo tiếp cận của chúng tôi, dưới thời thuộc địa, do tầm quan trọng của vấn đề nông nghiệp nên từ lâu đã được sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước. Đầu tiên là các công trình của một số học giả người Pháp đã tiến hành nghiên cứu kinh tế nông nghiệp thuộc các tỉnh Bắc Trung Kỳ, ở nhiều góc độ chuyên môn khác nhau, đáng chú ý có tác giả H. Le Breton (1918) La province Thanh Hoa (Tỉnh Thanh Hóa), R. Bulateau (1925) La province de Ha Tinh (Tỉnh Hà Tĩnh), Ch. Robequain (1929) Le Thanh Hoa (Thanh Hóa). Ngoài ra, một số tập san như Bulletin des Amis du Vieux Hue (Những người bạn cố đô Huế), Bulletin économique de l’Indochine (Tập san kinh tế Đông Dương), Annuaire économique de l’Indochine (Niên giám kinh tế Đông Dương), L’Eveil économique de l’Indochine (Sự thức tỉnh kinh tế Đông Dương), Juornal officeied de l’Indochine Francaise (Công báo của Đông Dương thuộc Pháp)... là những bộ tài liệu tham khảo tin cậy đối với đề tài của luận án. Từ những năm 40 của thế kỷ XX bắt đầu xuất hiện một công trình nghiên cứu của các tác giả người Việt như: tác giả Vũ Văn Hiền (1940) với La propriété communale au Tonkin (Sở hữu xã thôn ở Bắc kỳ);Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê Sơ (Phan Huy Lê, Hà Nội, 1959); Tìm hiểu chế độ ruộng đất Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX (Vũ Huy Phúc, Hà Nội, 1979); Chế độ ruộng đất Việt Nam (2 tập) (Trương Hữu Quýnh, Hà Nội, 1982, 1983); Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống nhân dân dưới thời Nguyễn (Trương Hữu Quýnh, Đỗ Bang (chủ biên), Huế, 1997)... Nghiên cứu về thủ công nghiệp: Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nghiên cứu về thủ công nghiệp ở Việt Nam bắt đầu thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả với nhiều cuốn sách chuyên khảo như: Sơ thảo Lịch sử phát triển Thủ công nghiệp Việt Nam của Phan Gia Bền, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn của tác giả Nguyễn Thế Anh, Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam 1858 – 1945 của Vũ Huy Phúc… Các công trình này đã làm rõ đặc điểm tình hình thủ công nghiệp; trình bày một cách hệ thống và chi tiết về quá trình hình thành, phát triển của các nghề, làng nghề truyền thống ở một số địa phương và trên cả nước. Nghiên cứu về thương nghiệp: Thương nghiệp nói chung, hoạt động buôn bán trao đổi hàng hóa nói riêng ra đời và tồn tại qua các phương thức sản xuất xã hội, như
  10. 8 một bộ phận không thể tách rời trong cơ cấu nền kinh tế. Nghiên cứu về thương nghiệp đã được sự chú ý quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, đáng chú ý có công trình Kinh tế thương nghiệp Việt Nam dưới triều Nguyễn của Đỗ Bang, luận án Tiến sĩ Chính sách thương nghiệp của Triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX của Trương Thị Yến, Chợ quê Việt Nam của Trần Gia Linh… 1.2. Những nghiên cứu về kinh tế Nghệ An và huyện Nam Đàn Liên quan đến nông nghiệp ở khu vực Bắc Trung Kỳ, trong đó có tỉnh Nghệ An, chúng tôi có tiếp cận một số chuyên luận của giới chức người Pháp như: E.M. Castagnol - Giám đốc hạt canh nông Trung Kỳ, M.H. Gilbert và H. Cucherousset - Thanh tra nông nghiệp Trung Kỳ… Trong nhiều năm qua, công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử địa phương trong tỉnh Nghệ An được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, với các công trình được công bố như: Lịch sử Nghệ Tĩnh, tập 1 (NXB Nghệ Tĩnh, Vinh, 1984); Nghệ Tĩnh hôm qua và hôm nay, Phan Huy Lê (Cb, 1985); Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh Nguyễn Đổng Chi (Cb, 1995). Các công trình nghiên cứu của Ninh Viết Giao… Các công trình cứu kể trên đã phần nào mô tả các vấn đề liên quan đến kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong nông thôn, làng xã ở huyện Nam Đàn qua các giai đoạn lịch sử. Trong đó, một số công trình nghiên cứu đã ít nhiều đề cập đến một số lĩnh vực về kinh tế của huyện Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884. Những kết quả nghiên cứu đó là cơ sở khoa học có giá trị để chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu, chọn lọc, tổng hợp, phân tích, đánh giá dưới góc độ sử học làm tiền đề giải quyết mục tiêu nghiên cứu đã đề ra. 1.3. Những kết quả nghiên cứu được luận án kế thừa Các công trình đã đề cập trên đây cùng với những tài liệu lưu trữ, tài liệu thu thập trong quá trình điền dã, là những tư liệu vô cùng quý, giúp ích rất nhiều cho chúng tôi trong quá trình thực hiện luận án. Trước hết, lịch sử của vùng đất Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng qua các thời kỳ đã được trình bày khá hệ thống. Cùng với đó, các điều kiện về tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội được đề cập khá đầy đủ và chi tiết. Đây những tư liệu quan trọng giúp chúng tôi trong quá trình thực hiện một số nội dung của luận án. Các công trình nghiên cứu về kinh tế Việt Nam đã phản ánh bức tranh kinh tế nước ta thời Nguyễn dưới nhiều góc độ. Đây là nền tảng giúp chúng tôi có được góc nhìn tổng quan về kinh tế nước ta nói chung, kinh tế Nghệ An nói riêng. Từ đó, đối sánh với kinh tế Nam Đàn trong phạm vi thời gian nghiên cứu của đề tài. Những công trình nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp và
  11. 9 thương nghiệp ở nước ta thời Nguyễn, đặc biệt là thời kỳ 1802 - 1884, đã đi sâu phản ánh đặc điểm trong cơ cấu kinh tế nước ta trong giai đoạn lịch sử này. Mặc dù các tác phẩm chỉ đề cập đến kinh tế Việt Nam dưới góc nhìn khái quát nhưng đã trình bày những những nhân tố tác động, đặc điểm, tình hình phát triển, sự biến đổi qua các thời kỳ, thành tựu chủ yếu... Những kết quả nghiên cứu trên giúp chúng tôi có được những tư liệu tổng quan, từ đó so sánh, đối chiếu, rút ra những đặc điểm của kinh tế huyện Nam Đàn trong mối tương quan với kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ. Quan trọng hơn, một số tác phẩm đã đề cập trực tiếp đến các phương diện cụ thể của kinh tế tỉnh Nghệ An trong thế kỷ XIX như: Tình hình nông nghiệp với các đặc trưng về mùa vụ, giống, cây trồng, vật nuôi; chính sách nông nghiệp của nhà nước; phương thức, dụng cụ, công cụ canh tác… Thủ công nghiệp với các nghề, làng nghề thủ công truyền thống; Thương nghiệp với hoạt động mua bán, trao đổi ở trấn/tỉnh Nghệ An thời Nguyễn, đã giúp cho chúng tôi có được những tư liệu quý giá khi nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu về huyện Nam Đàn đã tập trung nghiên cứu lịch sử vùng đất, về điều kiện tự nhiên, tình hình chính trị - xã hội và văn hóa, nghề nghiệp của cư dân ở vùng đất thuộc hạ lưu sông Lam. Kinh tế huyện Nam Đàn được đề cập đến nhưng còn mang tính sơ lược, nghề nghiệp của cư dân một số làng xã cũng được mô tả cụ thể. Đây là nền tảng cơ bản để nghiên cứu về kinh tế huyện Nam Đàn trong giai đoạn tiếp theo mà luận án tập trung giải quyết (1802 - 1884). Các công trình nghiên cứu liên quan đến tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn là những tư liệu làm nền tảng để chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu, chọn lọc, tổng hợp, phân tích, đánh giá dưới góc độ sử học, làm tiền đề giải quyết những mục tiêu nghiên cứu mà đề tài đã đề ra. 1.4. Những vấn đề cần giải quyết của luận án Trong nội dung luận án, chúng tôi tập trung đi sâu nghiên cứu nhằm làm rõ những vấn đề sau: - Những nhân tố ảnh hưởng đến kinh tế huyện Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884. Khái quát về tình hình kinh tế Nam Đàn trước năm 1802 để có cái nhìn hệ thống, toàn diện theo lịch đại thực trạng kinh tế Nam Đàn. - Phục dựng lại bức tranh toàn cảnh về kinh tế huyện Nam Đàn Đàn thời kỳ 1802 - 1884, trên các phương diện: Nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp trong mối tương quan so sánh, đối chiếu với tình hình kinh tế của các địa phương thuộc trấn/tỉnh Nghệ An và một số tỉnh ở Bắc Trung Bộ, Bắc Bộ ở thế kỷ XIX. - Nhận xét và đánh giá kinh tế Nam Đàn, làm rõ những ảnh hưởng của kinh tế đối với đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của các tầng lớp, giai cấp trong làng xã ở vùng hạ lưu sông Lam mà phạm vi nghiên cứu đã xác định.
  12. 10 Chương 2 NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN KINH TẾ HUYỆN NAM ĐÀN 2.1. Quá trình hình thành Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), (Nxb KHXH, Hà Nội, 1981), đầu thế kỷ XIX huyện Nam Đường gồm: 8 tổng, 90 xã, thôn, phường, trại, sách, giáp, vạn. Không gian địa giới hành chính của huyện Nam Đường chạy dọc theo bờ tả sông Lam, suốt từ làng Hữu Biệt (Nam Giang ngày nay), lên tận Đô Lương và một phần đất huyện Anh Sơn ngày nay. Đối chiếu với một số nguồn tư liệu khác, số tổng và các đơn vị hành chính làng, xã, thôn, trang, phường, vạn, trang, sách ở huyện Nam Đường từ năm Minh Mệnh thứ 20 (1839) đến năm 1886, không có nhiều thay đổi. Như vậy, không gian địa giới hành chính của huyện Nam Đường từ năm 1839 đến trước khi đổi tên thành huyện Nam Đàn vì kỵ huý tên vua Đồng Khánh (1886) hoàn toàn nằm dọc theo bờ Tả ngạn sông Lam, tương ứng với các xã, thị hiện tại của huyện Nam Đàn ngày nay. Căn cứ phạm vi không gian nghiên cứu của đề tài, chúng tôi xác định những đơn vị hành chính ở địa phương thuộc huyện Nam Đàn làm đối tượng nghiên cứu gồm các tổng, xã, thôn, phường, giáp, vạn như sau: Tổng Hoa Lâm gồm 2 xã, thôn; Tổng Non Liễu gồm 20 xã, thôn, giáp; Tổng Lâm Thịnh gồm 15 xã, thôn, giáp, vạn; Tổng Bích Triều gồm 11 xã, thôn, vạn, sở; Tổng Nam Kim gồm 16 xã, thôn; Tổng Phù Long huyện Hưng Nguyên gồm 1 thôn. 2.2. Điều kiện tự nhiên 2.2.1. Vị trí địa lý Huyện Nam Đàn ngày nay nằm ở hạ lưu sông Lam, có vị trí địa lý kéo dài từ 18034′ đến 18047′ vĩ độ Bắc và trải rộng từ 105024′ đến 1050 37′ kinh độ Đông. Phía Đông giáp huyện Hưng Nguyên, phía Đông Bắc giáp huyện Nghi Lộc, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Thanh Chương, phía Tây Bắc giáp huyện Đô Lương, phía Nam giáp huyện Hương Sơn và huyện Đức Thọ thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Diện tích tự nhiên 294,3 km², phần lớn nằm ở tả ngạn sông Lam và một phần ở hữu ngạn sông Lam. 2.2.2. Địa hình, đất đai Huyện Nam Đàn nằm ở hạ lưu sông Lam, có địa hình nửa đồng bằng nửa đồi núi, diện tích đồng bằng nhỏ hẹp, phân bố rải rác hầu khắp các làng xã, thường bị chia cắt bởi các hệ thống đồi núi, sông ngòi, ao hồ. Vùng phía Tây và Tây Bắc, chủ yếu là địa hình bán sơn địa, rừng núi xen lẫn với các thung lũng đồng bằng. Vùng phía Đông và Đông Nam, nằm ở hạ lưu sông Lam nên đất đai khá màu mỡ.
  13. 11 Đặc thù về địa hình đất đai huyện Nam Đàn được chia thành 2 nhóm: đất phù sa do sông Lam bồi đắp, đất sét và đất Feralit. 2.2.3. Khí hậu Là một huyện của tỉnh Nghệ An, Nam Đàn nằm chung trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa và chịu ảnh hưởng của nhiều hệ thống thời tiết. Theo thống kê hàng năm, tổng bức xạ nhiệt ở Nam Đàn là 138,4 kcal/cm²/năm, cán cân bức xạ là 87,3 kcal/cm²/năm, số giờ nắng trung bình năm là 1637 giờ, chế độ nhiệt trung bình năm là 23,9°C. Khí hậu huyện Nam Đàn được chia thành hai mùa rõ rệt gồm: Mùa nóng bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 10 dương lịch, mùa này nhiệt độ trung bình là 25°C, thời điểm nóng nhất là tháng 7. Mùa lạnh kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 dương lịch năm sau. Vào giữa chu kỳ của mùa lạnh, nhiệt độ trung bình từ 18 - 20°C, ngày thấp nhất khoảng 6°C. Khí hậu, thời tiết nắng lắm mưa nhiều tập trung theo mùa, lại thêm gió phơn Tây Nam, gây không ít khó khăn cho việc duy trì và phát triển kinh tế ở lưu vực sông Lam nói chung, Nam Đàn nói riêng. 2.2.4. Đồi núi, sông ngòi 2.4.1.1. Đồi núi Hệ thống đồi núi ở Nam Đàn được biết đến rõ nhất với ba dãy núi lớn là núi Đại Huệ (Rú Nậy), núi Hùng Sơn hay Độn Sơn (rú Đụn) nằm toàn bộ trong phạm vi huyện và núi Thiên Nhẫn nằm một phần trong huyện. Ngoài ra còn có hàng chục ngọn núi nhỏ khác phân bố rải rác xen lẫn ở vùng đồng bằng. 2.4.1.2. Sông ngòi Hệ thống sông ngòi với lưu lượng nước lớn nhất (không kể đến các bàu, hồ nằm rải rác trên địa phận huyện Nam Đàn) phải kể đến là sông Lam và sông Gang. Ngoài ra trên địa bàn huyện Nam Đàn ở thế kỷ XIX còn có những hồ (tiếng địa phương gọi là Bàu - chỉ vùng đất thường xuyên ngập nước) như: bàu Ngan (Ngọc Trừng), bàu Lầm (Diên Lãm), bàu Sen (Diên Lãm), bàu Nón (Hồ Nón) thuộc xã Nộn Liễu, bàu Láng (thuộc các làng Chi Cơ, Tàm Tang, Phú Thọ, Khoa Trường), bàu Sen (Kim Liên)... Hệ thống sông ngòi là nơi để cư dân Nam Đàn khai thác nguồn lợi thuỷ sản, sử dụng nguồn nước để tưới tiêu, đồng thời còn là hệ thống giao thông thủy giúp cư dân dọc hai bê tả/ hữu giao thương, buôn bán, sinh hoạt văn hóa… 2.2.5. Đường giao thông Huyện Nam Đàn thuộc vùng hạ lưu sông Lam, có vị trí tiếp giáp với nhiều địa phương phía Tây Nam của trấn/tỉnh Nghệ An, dưới triều Nguyễn nơi đây có hệ thống
  14. 12 đường giao thông khá phong phú với cả hệ thống đường bộ và đường thủy. Đường thủy đóng vai trò chủ lực trong vận tải dân dụng, đường bộ đóng vai trò quan trọng liên kết giao thông phục vụ chức năng hành chính, quân sự, thông tin liên lạc vùng miền và nhu cầu đi lại, sản xuất của nhân dân. 2.3. Bối cảnh lịch sử và tình hình kinh tế ở huyện Nam Đàn trước năm 1802 Cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều diễn ra ở thế kỷ XVI, chiến tranh Trịnh - Nguyễn ở thế kỷ XVII đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, văn hoá xã hội của toàn bộ cư dân Đàng trong và Đàng ngoài. Nghệ An và Hà Tĩnh trong đó có huyện Nam Đàn trở thành bãi chiến trường trong các lần giao tranh khốc liệt. Cuối thế kỷ XVIII, khủng hoảng kinh tế, chính trị - xã hội ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đến đỉnh điểm. Năm 1771, phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ, nhanh chóng lật đổ nền thống trị của dòng họ Nguyễn ở Đàng Trong. Từ năm 1789 đến năm 1792, Hoàng đế Quang Trung thực thi nhiều chính sách nhằm phục dựng kinh tế, ổn định chính trị - xã hội từ Phú Xuân trở ra Bắc. Tuy nhiên, sau khi Hoàng đế Quang Trung mất (1792) vương triều Tây Sơn lún sâu vào khủng hoảng và sụp đổ (1801). Như vậy, đến trước năm 1802 kinh tế nông nghiệp lỗi thời và lạc hậu vẫn bao trùm lên toàn bộ làng xã ở Nghệ An nói chung và huyện Nam Đàn nói riêng. 2.4. Những chính sách, biện pháp của nhà Nguyễn thực thi ảnh hưởng đến kinh tế Nghệ An, huyện Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884 2.4.1. Đối với nông nghiệp Năm 1802, vua Gia Long, lệnh cho Bắc thành đến Nghệ An làm lại sổ ruộng, khuyến khích nhân dân tự phục hoá ruộng đất bỏ hoang trong làng xã, triều Nguyễn còn thi hành nhiều chính sách khuyến khích nhân dân tự động tổ chức khai hoang theo nhiều phương thức khác nhau nhằm mở rộng thêm diện tích canh tác. Đối với nông nghiệp, việc trị thủy và thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và chống lũ lụt triều cường đóng vai trò rất quan trọng. Ở Nghệ An, Từ Gia Long cho đến thời Tự Đức, vì nhiều nguyên nhân khác nhau chính sách không đắp đê vẫn được duy trì. 2.4.2. Đối với thủ công nghiêp, thương nghiệp Dưới triều Nguyễn, chính sách đối với thủ công nghiệp chủ yếu tập trung ở chế độ công tượng và chế độ biệt nạp. Nhà Nguyễn thực thi chính sách trọng nông, không chú trọng phát triển thương nghiệp buôn bán nhất là hoạt động buôn bán với thương nhân đến từ các nước phương Tây. Do đó, mặc dù Nghệ An có nhiều cửa sông, cảng biển nhưng suốt thế kỷ XIX, hoạt động giao thương buôn bán không mấy phát triển.
  15. 13 2.4.3. Một số chính sách khác Năm 1803, Gia Long xuống chiếu dời trấn thành Nghệ An đi nơi khác (lỵ sở Nghệ An cũ ở xã Dũng Quyết huyện Chân Lộc), lấy An Trường (tên xã, thuộc huyện Chân Lộc) làm trấn lỵ Nghệ An. Bên cạnh đó, Gia Long còn ra lệnh tìm kiếm, loại bỏ những người Nghệ An, Hà Tĩnh từng tham gia, ủng hộ vương triều Tây Sơn. Từ thời Gia Long đến thời Tự Đức còn có nhiều lần thay đổi địa giới hành chính các phủ, huyện, tổng, xã, thôn ở Nghệ An, huyện Nam Đường đã cắt nhập về huyện Lương Sơn. Triều Nguyễn thực thi chính sách cấm đạo và sát đạo đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị - xã hội của mọi giai tầng trên lãnh thổ vương quốc Đại Nam. Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bất ổn trong đời sống chính trị - xã hội của một bộ phận cư dân ở Nam Đàn. Các chính sách, biện pháp mà các vị vua nhà Nguyễn thực thi (1802 - 1884) đã trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống chính trị, xã hội của các giai cấp, tầng lớp ở nước ta. Trấn/tỉnh Nghệ An trong đó có huyện Nam Đàn cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những chủ trương, chính sách đó.
  16. 14 Chương 3 NÔNG NGHIỆP 3.1. Tình hình sở hữu, sử dụng ruộng đất Trên cơ sở thống kê số lượng địa bạ từ năm 1802 đến năm 1884 ở huyện Nam Đàn hiện lưu trữ tại TTLTQG 1, sau quá trình xử lý các thông tin trong địa bạ chúng tôi đi đến một số nhận xét: Thứ nhất, địa bạ liên quan đến huyện Nam Đàn chủ yếu là bản giáp, được lập trong thời gian ngắn, chủ yếu tập trung ở thời vua Minh Mệnh và một số được sao lại ở thời Tự Đức. Thứ hai, địa bạ huyện Nam Đàn mặc dù được lập vào thời Minh Mệnh thứ 13 (1832) nhưng hình thức kê khai trong địa bạ hầu hết theo mẫu quy định được ban hành từ thời Gia Long thứ 9 (1810). Thứ ba, theo phạm vi không gian và phạm vi thời gian nghiên cứu, chúng tôi thu thập được 40 địa bạ của các xã thôn thuộc địa bàn 5 tổng: Tổng Hoa Lâm có 2 địa bạ/2 xã, thôn; Tổng Non Liễu có 12 địa bạ/20 xã thôn.; Tổng Lâm Thịnh có 7 địa bạ/15 xã thôn; Tổng Nam Hoa (Nam Kim) có 14 địa bạ/16 xã thôn; Tổng Bích Triều có 5 địa bạ/11 xã, thôn, vạn. Trên cơ sở phân tích, khảo cứu 40 địa bạ huyện Nam Đàn từ năm 1802 đến năm 1884, cho thấy: Tổng diện tích các loại ruộng đất công tư điền thổ của các đơn vị xã thôn thuộc huyện Nam Đàn thống kê được là: 34623 mẫu 4 sào 10 thước. 3.1.1. Ruộng đất công làng xã 3.1.1.1. Công điền Qua phân tích 40 địa bạ huyện Nam Đàn cho thấy, tổng diện tích công điền ở Nam Đàn có 2924.4.1.7.0, chiếm tỷ lệ 8,44% so với tổng diện tích các loại ruộng đất. Công điền được phân bố trong hầu khắp các xã thôn (37/40 xã thôn có công điền, chiếm 92,5% tổng số xã thôn) nhưng diện tích lại không nhiều, điều này có thể là do nguyên nhân: tình trạng “biến công vi tư” đã trở nên phổ biến, làng xã ẩn lậu ruộng công (không khai báo trong địa bạ) để trốn thuế. Đây là một đặc điểm đáng chú ý về tình hình ruộng đất công ở huyện Nam Đàn so với một số địa phương khác trong tỉnh vào thời điểm này. Công điền ở Nam Đàn bị bỏ hoang rất nhiều, trong tổng số 2924.4.1.7.0 công điền thì có đến 2141.7.0.4.0 (chiếm 73,2%) là ruộng bỏ hoang; chỉ có 782.7.1.3.0 (chiếm 26,8%) là diện tích được canh tác. 3.1.1.2. Công thổ Phần lớn các xã thôn có diện tích công thổ thường là các xã, thôn ven sông Lam,
  17. 15 hoặc gần với vùng rừng, đồi núi như: Lương Trường, Tầm Tang, Tiên Hoa, Nghĩa Động... Về phân bố của công thổ trong tổng số 40 địa bạ các xã thôn của huyện Nam Đàn, chỉ có 16 địa bạ không có diện tích công thổ, chiếm tỷ lệ 40% tổng số các xã thôn. Qua khảo sát thực tế địa bàn cho thấy, các loại đất trên có địa hình không bằng phẳng, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, chất lượng đất đai thấp. 3.1.2. Ruộng đất tư nhân Ở Nam Đàn, từ năm 1802 đến năm 1884, sở hữu tư nhân chia theo từng loại: tư điền, tư thổ và thổ trạch tư. Theo phản ánh của địa bạ, diện tích ruộng đất tư ở huyện Nam Đàn chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Trong tổng diện tích 34623 mẫu 4 sào 11 thước ruộng đất của các xã thôn ở huyện Nam Đàn, sở hữu của tư nhân có diện tích 30118 mẫu 6 sào 14 thước 2 tấc, chiếm 86,99% tổng diện tích ruộng đất toàn huyện, tỷ lệ này ở mức khá cao nếu so với mức sở hữu ruộng đất tư của cả nước lúc bấy giờ. Ở Nam Đàn hầu như không có diện tích phế canh mà chủ yếu là diện tích thực trưng và lưu hoang, điều này cho thấy được mức độ sử dụng của ruộng đất tư trong làng xã là khá lớn. 3.1.2.1. Phân bố sở hữu ruộng tư Tình hình sở hữu ruộng đất theo từng lớp sở hữu ở bảng thống kê còn cho thấy một hiện tượng, đó là việc chia nhỏ diện tích sở hữu của các chủ ruộng đất. Số chủ sở hữu tăng lên theo sự gia tăng dân số (theo thời gian) đi kèm với việc sở hữu nhỏ (dưới 1 mẫu đến 3 mẫu) cũng tăng lên đáng kể. Đây chính là đặc điểm nổi bật của chế độ ruộng đất ở Nam Đàn. 3.1.2.2. Bình quân sở hữu tư điền và bình quân thửa ruộng Tổng diện tích đất tư được ghi trong 40 địa bạ ở huyện Nam Đàn từ năm 1802 đến năm 1884 là 30118.6.14.2.0, trong đó 11548.8.7.5.6 có thể tính sở hữu, phân bổ cho 4.165 chủ ở các xã thôn với 6.950 thửa ruộng. Mặc dù có bình quân thửa ruộng khá cao nhưng quy mô thửa không đều, có sự chênh lệch lớn giữa các tổng trong huyện Nam Đàn, nếu lấy quy mô của tổng Nam Hoa bình quân một thửa là 0.6.7.2.0, so với quy mô của tổng Hoa Lâm một thửa là 2.4.6.7.3 có thể thấy được sự phân tán về ruộng đất ở Nam Đàn là rất lớn. 3.2. Trồng trọt 3.2.1. Thời vụ và giống, cây trồng 3.2.1.1. Thời vụ Căn cứ ghi chép trong tổng số 40 địa bạ ở huyện Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884, chúng tôi nhận thấy, đất đai canh tác hầu hết chỉ ghi về đất vụ hạ và vụ thu.
  18. 16 Như vậy, cư dân làng xã ở Nam Đàn hàng năm canh tác chủ yếu là: vụ hạ vào tháng 5 (vụ chiêm) và vụ thu vào tháng 10 (vụ mùa). Việc phân chia mùa vụ trong nông nghiệp ở Nghệ An và Nam Đàn chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, khí hậu. 3.2.1.2. Giống, cây trồng Về giống, cây trồng ở địa phương, theo Lê Quý Đôn trong sách Vân đài loại ngữ cho biết: Ngô trồng ở Nghệ An phần nhiều là ngô trắng, còn lúa thì có giống lúa tẻ và lúa nếp. Ngoài ra còn có cách loại cây trồng khác như chè, hồng, cam, dứa, ngô, sắn, kê, bầu, bí, rau quả các loại. 3.2.2. Các loại nông cụ, dụng cụ, kỹ thuật canh tác 3.2.2.1. Nông cụ, dụng cụ sản xuất Ở thế kỷ XIX, các loại nông cụ, dụng cụ mà cư dân làng, xã, trang, phường, giáp, vạn ở Nam Đàn sử dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vẫn là sự kế thừa những công cụ, nông cụ của ông cha đã sáng tạo ra trong quá trình lao động, sản xuất qua nhiều thế kỷ trước. 3.2.2.2. Kỹ thuật canh tác, thu hoạch mùa vụ Kỹ thuật canh tác, phương thức thu hoạch mùa vụ của nông dân làng xã ở Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884 không có nhiều thay đổi so với các thế kỷ trước. 3.2.3. Công tác trị thủy - thủy lợi Các công trình thủy lợi kể trên chủ yếu được làm từ thời hậu Lê, trong thời kỳ 1802 - 1884, trên địa bàn huyện Nam Đàn hầu như không có công trình thủy lợi có quy mô nào được xây dựng, đây là tình trạng chung của cả xứ Nghệ An. Những hạn chế về công tác trị thủy và thủy lợi dưới triều Nguyễn khiến cho tình hình sản xuất nông nghiệp ở Nam Đàn rộng hơn là các phủ, huyện trong tỉnh Nghệ An rơi vào hoàn cảnh lệ thuộc vào tự nhiên. 3.2.4. Nghề làm vườn, trại Nghề làm vườn, trại (rày), khai thác nguồn lợi tự nhiên là sự kế thừa kinh nghiệm trong đời sống sản xuất từ nhiều thế kỷ trước. Nghệ làm vườn, trại đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho các hộ gia đình nông dân làng xã. 3.2.5. Năng suất và tô thuế 3.2.5.1. Năng suất Năng suất, sản lượng lúa và các loại cây lương thực, hoa màu ở Nghệ An nói chung, Nam Đàn nói riêng ở thế kỷ XIX thấp, nhiều năm mùa vụ có thể mất trắng do thiên tai, địch họa, khiến lương thực, thực phẩm không đủ để đáp ứng nhu cầu của cư dân địa phương.
  19. 17 3.2.5.2. Tô thuế Đến cuối thời Gia Long, sang thời Minh Mệnh, Nghệ An lúc bấy giờ thuộc khu vực II (gồm các trấn Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, phủ Phụng Thiên), đến thời Tự Đức, tỉnh Nghệ An được xếp vào khu vực IV (từ Hà Tĩnh trở ra các tỉnh đồng bằng sông Hồng), mức thuế ở đây lại tăng lên so với trước. Dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884, chế độ tô thuế đã trở thành gánh nặng đối với người nông dân xứ Nghệ. Ngoài ra, chế độ lao dịch, binh dịch cùng những lệ làng quy định trong hương ước, khoán ước thực sự là gánh nặng đối với cư dân Nghệ An nói chung, Nam Đàn nói riêng. 3.3. Chăn nuôi, khai thác thủy sản 3.3.1. Chăn nuôi Cũng như hầu hết các xã thôn trong trấn/tỉnh Nghệ An từ năm 1802 đến năm 1884, nghề chăn nuôi không trở thành một nghề chuyên canh riêng biệt có quy mô chuồng trại lớn mà chỉ là một nghề phụ của cư dân làng xã. 3.3.2. Khai thác thủy sản Với lợi thế về diện tích mặt nước rộng lớn của sông Lam thì đất đai trong làng xã Nam Đàn đan xen nhiều đầm, ao hồ ở đồng bằng và các dải khe cừ nằm ở vùng gần đồi núi tạo điều kiện cho cư dân ở miền tả ngạn và hữu ngạn đánh bắt khai thác nguồn lợi thủy sản. Hoạt động khai thác thủy sản của cư dân hai bên vùng hạ lưu sông Lam ở thế kỷ XIX chủ yếu là đánh bắt nguồn thủy sản sẵn có trong tự nhiên, là sự tiếp tục kế thừa nghề khai thác thủy sản từng tồn tại từ nhiều thế kỷ trước.
  20. 18 Chương 4 THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ THƯƠNG NGHIỆP 4.1. Thủ công nghiệp 4.1.1. Khái quát tình hình thủ công nghiệp Trên địa bàn huyện Nam Đàn có rất nhiều nghề thủ công truyền thống khác nhau, phân bố với mật độ khá đều trong làng, xã. Hầu như làng nào cũng duy trì một vài nghề thủ công, chủ yếu là sản xuất theo hộ gia đình, các dòng họ hoặc các nhóm gồm vài gia đình trong làng với quy mô nhỏ. Các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở Nam Đàn có lịch sử hình thành, tồn tại từ nhiều thế kỷ trước, đến thế kỷ XIX tiếp tục duy trì tồn tại trong làng xã. Trong nền kinh tế tiểu nông, mang tính tự cấp, các nghề tiểu thủ công nghiệp ở Nam Đàn chỉ đóng vai trò là nghề phụ trong kinh tế hộ gia đình, các hoạt động sản xuất chủ yếu vào lúc nông nhàn của nông vụ. Về quy mô, trong làng, xã các nghề tiểu thủ công nghiệp ở Nam Đàn thời kỳ 1802 - 1884 tồn tại mang tính nhỏ lẻ, manh mún, bó hẹp trong phạm vi gia đình, dòng họ và chưa tách khỏi nông nghiệp. Đây cũng là tình trạng chung của các nghề thủ công truyền thống ở Nghệ An, đúng như Hoàng giáp Bùi Dương Lịch đã nhận xét: “Những hàng ấy cũng chỉ đủ dùng trong dân gian mà người làm nghề cũng chỉ đủ ăn mà thôi”. 4.1.2. Một số nghề thủ công tiêu biểu 4.1.2.1. Nghề khai thác đá ong Từ nhiều thế kỷ trước, cư dân làng xã ở Sa Nam, Thạch Đường, Nam Đường (Nam Đàn ngày nay) đã biết khai thác nguồn lợi đá núi, đá ong, làm gạch, ngói... theo dòng thời gian, trong các làng xã như: Ngọc Trừng, Đông Liệt, Diên Lãm, Thanh Thuỷ... dần hình thành các tổ chuyên khai thác đá ong. 4.1.2.2. Nghề sản xuất gạch, ngói Nghề sản xuất gạch ngói thủ công có ở xã Hương Lãm (thôn Đông, thôn Tạo Lệ, nay thuộc xã Vân Diên) thôn Trung Lâm, thôn An Lạc của xã Thịnh Lạc (nay thuộc xã Nam Lĩnh và xã Hùng Tiến), thuộc tổng Non Liễu; thôn Lâm Thịnh, thôn Chung Mỹ (nay thuộc xã Xuân Lâm), tổng Lâm Thịnh; thôn Đông Liệt thuộc tổng Hoa Lâm (nay thuộc xã Nam Thái)… 4.1.2.3. Nghề làm mộc Ở Nam Đàn, nghề mộc đã hình thành và phát triển từ khá lâu gắn với nhu cầu dựng nhà cửa, sản xuất nông cụ, công cụ sinh hoạt trong gia đình. Một số thợ mộc nổi
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0