intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm tính mạng của con người từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:27

7
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học "Các tội xâm phạm tính mạng của con người từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh" được nghiên cứu với mục đích: Từ kết quả nghiên cứu lý luận, quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về các tội XPTMCCN tại TP.HCM, luận án kiến nghị hoàn thiện quy định của BLHS và đề xuất các giải pháp bảo đảm áp dụng đúng quy định của BLHS về nhóm tội phạm này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm tính mạng của con người từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI --o0o-- PHẠM XUÂN THỤY CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG CỦA CON NGƯỜI TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Ngành: Luật Hình sự và Tố tụng hình sự Mã số: 9.38.01.04 TOM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC HÀ NỘI – 2024
  2. Công trình được hoàn thành tại: Học viện Khoa học xã hội – Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. HỒ SỸ SƠN 2. PGS.TS. TRỊNH TIẾN VIỆT Phản biện 1: PGS.TS. PHẠM VĂN LỢI Phản biện 2: PGS.TS. NGUYỄN ĐỨC HẠNH Phản biện 3: PGS.TS. TRẦN ĐÌNH NHÃ Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện: Họp tại: Học viện Khoa học xã hội, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Vào hồi giờ phút, ngày tháng năm 202 Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: - Học viện Khoa học xã hội - Thư viện Quốc gia Việt Nam
  3. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của nghiên cứu đề tài Với tính chất nguy hiểm cao và sự phổ biến trong đời sống xã hội, các tội xâm phạm tính mạng của con người (XPTMCCN) từ lâu đã là đề tài nghiên cứu của nhiều công trình khoa học tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau từ lý luận, quy định của pháp luật đến thực tiễn áp dụng và giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật hình sự (PLHS). Quá trình nghiên cứu lâu dài và rộng rãi về các tội XPTMCCN đã giúp cho nhận thức lý luận về nhóm tội phạm này ngày càng được nâng cao, hoàn thiện. Tuy vậy, do là nhóm tội phạm có nhiều hành vi phức tạp; đa dạng về hình thức lỗi, động cơ, mục đích phạm tội, đối tượng tác động của tội phạm… nên hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa có sự thống nhất về mặt lý luận, còn có nhiều quan điểm trái chiều như: xác định phạm vi các điều luật thuộc các tội XPTMCCN; một số tình tiết định khung tăng nặng trong các điều luật; dấu hiệu hậu quả, dấu hiệu lỗi của một số tội phạm… Quy định hiện hành về tội phạm XPTMCCN nhìn chung đã đáp ứng nguyên tắc đảm bảo quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm XPTMCCN trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự (BLHS) cũng cho thấy quy định về các tội XPTMCCN người vẫn còn những hạn chế, thiếu sót nhất định, ảnh hưởng đến việc thực thi BLHS: một số dấu hiệu định tội, định khung chưa rõ ràng, không thống nhất về kỹ thuật lập pháp gây khó hiểu, tranh luận; quy định về hình phạt chưa thực sự hợp lý; chưa có văn bản hướng dẫn đối với tội phạm mới… Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là thành phố trực thuộc trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Đời sống xã hội sôi động cùng với mật độ dân cư đông nhất cả nước bên cạnh việc mang lại những nguồn lực to lớn cho sự phát triển thì cũng kéo theo nhiều hệ lụy về an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tình hình tội phạm nói chung và tội phạm XPTMCCN diễn biến phức tạp. Trong khi đó, thực tiễn áp dụng quy định của PLHS về các tội XPTMCCN tại TP.HCM trong thời gian qua bên cạnh những kết quả khả quan thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế, sai sót trong việc định tội danh, quyết định hình phạt… đã ảnh hưởng tiêu cực đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nguyên nhân của thực trạng này bên cạnh những nguyên nhân từ phía cơ quan áp dụng pháp luật thì không thể không nhắc đến những nguyên nhân thuộc về quy định của pháp luật như đã nêu ở trên. Từ yêu cầu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và phòng, chống tội phạm thì việc nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống các vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội XPTMCCN để làm rõ dấu hiệu pháp lý, chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật và những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện quy 1
  4. định, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật là yêu cầu bức thiết. Do vậy, nghiên cứu sinh (NCS) chọn đề tài “Các tội xâm phạm tính mạng của con người từ thực tiễn TP.HCM” để nghiên cứu làm luận án tiến sĩ luật học của mình. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu của luận án Từ kết quả nghiên cứu lý luận, quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về các tội XPTMCCN tại TP.HCM, luận án kiến nghị hoàn thiện quy định của BLHS và đề xuất các giải pháp bảo đảm áp dụng đúng quy định của BLHS về nhóm tội phạm này. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án - Phân tích, đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu các tội XPTMCCN ở trong nước cũng như ngoài nước, qua đó xác định những vấn đề đã thống nhất, những vẫn đề còn tranh luận và những vấn đề cần nghiên cứu trong luận án; - Làm rõ những vấn đề lý luận về các tội XPTMCCN; - Phân tích quy định của PLHS Việt Nam về các tội XPTMCCN; - Phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng quy định của PLHS Việt Nam về các tội XPTMCCN tại TP.HCM; - Phân tích yêu cầu, định hướng hoàn thiện quy định của PLHS về các tội XPTMCCN, từ đó đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện PLHS về nhóm tội phạm này; - Xây dựng các giải pháp cụ thể, khả thi bảo đảm áp dụng đúng quy định của PLHS về các tội XPTMCCN. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận án Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận án xác định các đối tượng nghiên cứu như sau: - Các quan điểm khoa học về các tội XPTMCCN; - Các quy định của PLHS Việt Nam và một số nước trên thế giới về các tội XPTMCCN; - Thực tiễn áp dụng PLHS đối với các tội XPTMCCN tại TP.HCM từ năm 2010 đến năm 2023. 3.2. Phạm vi nghiên cứu của luận án - Về chuyên ngành: Luận án được nghiên cứu dưới góc độ chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự; - Về nội dung: Luận án tập trung nghiên cứu các phương diện về nhận thức lý luận, thực trạng quy định của PLHS và thực tiễn áp dụng PLHS đối với các tội XPTMCCN (bao gồm 11 Điều luật từ Điều 123 đến Điều 133 của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017). Áp dụng pháp luật về các tội XPTMCCN là hoạt động thực tiễn theo một quá trình và được tiến hành bởi nhiều chủ thể khác nhau như cơ quan điều tra (CQĐT), viện kiểm sát nhân dân (VKSND), tòa án nhân dân (TAND)… và những người tiến hành tố tụng (THTT) hình sự như Điều 2
  5. tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân… Đồng thời, áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN gồm nhiều nội dung khác nhau như định tội danh, quyết định hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự (TNHS), áp dụng án treo, xóa án tích… Tuy nhiên, trong luận án này khi nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật, luận án tập trung vào hai nội dung chính của áp dụng PLHS là định tội danh và quyết định hình phạt của chủ thể là Tòa án cấp sơ thẩm (các TAND quận, huyện, thành phố; TAND TP.HCM) tại TP.HCM. - Về địa bàn: Luận án tập trung nghiên cứu, khảo sát hoạt động xét xử các tội XPTMCCN của TAND cấp sơ thẩm trên địa bàn TP.HCM. - Về thời gian: Từ năm 2010 đến năm 2023. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp luận của luận án Luận án được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin; lấy tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng, Nhà nước về tội phạm và hình phạt, về đấu tranh phòng, chống tội phạm làm kim chỉ nam cho hoạt động nghiên cứu. 4.2. Phương pháp nghiên cứu của luận án Luận án sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu như phương pháp phân tích - tổng hợp, phương pháp quy nạp - diễn giải, phương pháp so sánh, phương pháp lịch sử, phương pháp logic, phương pháp thống kê, phương pháp nghiên cứu điển hình, phương pháp chuyên gia. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Thứ nhất, luận án nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận về các tội XPTMCCN với quan điểm, lập luận riêng về các vấn đề như khái niệm và dấu hiệu pháp lý của các tội XPTMCCN; phân loại, phân biệt các tội XPTMCCN với một số tội phạm khác; thể chế hóa bằng PLHS đối với các hành vi XPTMCCN; áp dụng quy định của PLHS về các tội XPTMCCN và các yếu tố tác động; Thứ hai, luận án phân tích làm rõ nội dung các quy định của PLHS về các tội XPTMCCN; chỉ rõ những điểm bất cập, hạn chế trong quy định của PLHS hiện hành về các tội XPTMCCN; Thứ ba, luận án mô tả, phân tích, đánh giá thực tiễn áp dụng quy định của PLHS Việt Nam về các tội XPTMCCN tại TP.HCM từ năm 2010 đến năm 2023; chỉ rõ mối liên hệ giữa những bất cập, hạn chế trong quy định của PLHS hiện hành với những khó khăn, vướng mắc, vi phạm, sai lầm trong thực tiễn áp dụng quy định của PLHS về các tội XPTMCCN; Thứ tư, luận án đưa ra những kiến nghị cụ thể, khả thi cho việc hoàn thiện quy định của PLHS hiện hành; đề xuất các giải pháp bảo đảm áp dụng đúng quy định của PLHS về các tội XPTMCCN. 3
  6. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận của luận án Việc nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về các tội XPTMCCN và thực tiễn áp dụng của TAND trên địa bàn TP.HCM trong giai đoạn 2010 - 2023 là rất cần thiết. Kết quả nghiên cứu không chỉ góp phần bổ sung vào kho tàng lý luận của luật hình sự Việt Nam về các tội XPTMCCN, mà còn nâng cao nhận thức của các cơ quan, người THTT trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, qua đó bảo đảm áp dụng quy định về các tội phạm này được chuẩn xác. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận án Luận án đưa ra những kiến nghị hoàn thiện quy định của PLHS Việt Nam về các tội XPTMCCN và những giải pháp bảo đảm áp dụng đúng quy định của pháp luật. Qua đó, kết quả nghiên cứu của luận án góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, phòng chống oan, sai trong giải quyết vụ án hình sự. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án được bố cục thành 04 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu Chương 2: Những vấn đề lý luận về các tội XPTMCCN Chương 3: Quy định của PLHS Việt Nam về các tội XPTMCCN và thực tiễn áp dụng tại TP.HCM Chương 4. Hoàn thiện quy định của PLHS Việt Nam về các tội XPTMCCN và các giải pháp bảo đảm áp dụng đúng những quy định này. Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước 1.1.1. Những công trình nghiên cứu lý luận về các tội xâm phạm tính mạng của con người Một số công trình nổi bật nghiên cứu lý luận về các tội XPTMCCN trong thời gian qua có thể kể đến như: - Giáo trình Luật hình sự Việt Nam phần Các tội phạm (quyển 1) của Trường Đại học Luật Hà Nội do GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên, được nhà xuất bản (NXB) Công an nhân dân xuất bản năm 2018; Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (phần Các tội phạm - quyển 1) của Trường Đại học Luật TP.HCM do TS. Trần Thị Quang Vinh chủ biên, được NXB Hồng Đức xuất bản năm 2021; Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (phần Các tội phạm) do GS. TS. Võ Khánh Vinh chủ biên được NXB Công an nhân dân xuất bản năm 2014; - Sách chuyên khảo “PLHS Việt Nam về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người từ thời Phong kiến đến ngày BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực” của TS. Đỗ Đức Hồng Hà được NXB Lao động xuất bản năm 4
  7. 2019; Sách chuyên khảo “Luật hình sự so sánh” của PGS. TS. Hồ Sỹ Sơn do NXB Chính trị quốc gia sự thật xuất bản năm 2018; Sách “55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017” của PGS.TS. Trịnh Tiến Việt, NXB Chính trị Quốc gia sự thật, năm 2021; Sách “Lược khảo Hoàng Việt luật lệ (tìm hiểu luật Gia Long)” của tác giả Nguyễn Quyết Thắng được NXB Văn hóa thông tin xuất bản năm 2002; Sách “Quốc Triều Hình Luật” do các tác giả Nguyễn Ngọc Nhuận và Nguyễn Tá Nhí dịch được NXB Chính trị quốc gia xuất bản năm 1995; - Bình luận khoa học BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (phần Các tội phạm) quyển 1 do GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên được NXB Tư pháp xuất bản năm 2018; Bình luận khoa học BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) phần Các tội phạm của tập thể các tác giả (PGS.TS. Trần Văn Luyện, PGS.TS. Phùng Thế Vắc, TS. Lê Văn Thư, TS. Nguyễn Mai Bộ, LS.ThS. Phạm Thanh Bình, TS. Nguyễn Ngọc Hà, LS. Phạm Thị Thu) được NXB Công an nhân dân xuất bản năm 2019; Bình luận BLHS năm 2015, Phần thứ hai - Các tội phạm, Chương XIV Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (bình luận chuyên sâu) của tác giả Đinh Văn Quế được NXB Thông tin và truyền thông xuất bản năm 2020; Bình luận khoa học “Những điểm mới của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)” do PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa và TS. Phan Anh Tuấn đồng chủ biên được NXB Hồng Đức xuất bản năm 2017; - Bài viết “Các tội xâm phạm tính mạng con người - bất cập và kiến nghị” của TS. Nguyễn Mai Bộ đăng trên Tạp chí TAND điện tử; Bài viết “Tìm hiểu quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người” đăng trên Tạp chí Khoa học giáo dục Cảnh sát nhân dân; Bài viết “Phân biệt một số tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác quy định trong BLHS 2015” của tác giả Đinh Văn Quế đăng trên Tạp chí TAND điện tử; Bài viết “Bình luận tội giết người theo BLHS năm 2015” của các tác giả Đỗ Đức Hồng Hà - Ngô Duy Thi đăng trên Tạp chí Kiểm sát số 13/2018; Bài viết “Bàn về một số tình tiết tăng nặng định khung trong Tội giết người theo quy định của BLHS năm 2015” của tác giả Lưu Hoài Bảo đăng trên Tạp chí TAND kỳ II tháng 12/2016 (số 24); Bài viết “So sánh quy định về Tội giết người trong BLHS Việt Nam và BLHS Liên Bang Nga” của tác giả Lê Thị Thu Huyền đăng trên Tạp chí Kiểm sát số 22 (tháng 11/2015); Bài viết “Căn cứ xác định phạm tội “trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”” của tác giả Trần Đình Hải đăng trên Tạp chí khoa học Kiểm sát số 01/2021; Bài viết “Một số nhận thức lý luận về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ trong BLHS năm 2015” của TS. Đặng Thu Hiền và tác giả Đặng Trần Hùng đăng trên Tạp chí TAND kỳ II tháng 9/2016 (số 18); Bài viết “Lịch sử phân hóa TNHS trong các quy định về tội giết người từ năm 1945 đến nay” của tác giả Đỗ Đức Hồng Hà đăng trên Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 03/2006; Bài viết “Tội giết con mới đẻ trong PLHS Việt Nam” của tác giả Phạm Văn Báu đăng trên Tạp chí Luật học 5
  8. số 2/2000; Bài viết “Sự thể hiện của nguyên tắc phân hóa TNHS trong các tội XPTMCCN trong Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long)” của tác giả Cao Thị Oanh đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 3/2007. 1.1.2. Những công trình nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm tính mạng của con người Một số công trình đáng chú ý như: Luận án tiến sĩ luật học “Các tội xâm phạm sức khỏe của người khác theo luật hình sự Việt Nam” của tác giả Nguyễn Duy Hữu (Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2017); Luận văn thạc sỹ luật học “Các tội XPTMCCN trong luật hình sự Việt Nam” của tác giả Đoàn Văn Lâm, năm 2013; Luận văn thạc sỹ luật học “Định tội danh Tội giết người theo PLHS Việt Nam” từ thực tiễn tỉnh Bình Định” của tác giả Bùi Kim Châu Nghĩa (Học viện Khoa học xã hội), năm 2017; Luận văn thạc sỹ luật học “Tội giết con mới đẻ trong luật hình sự Việt Nam” của tác giả Đoàn Thị Vân (Đại học Quốc gia Hà Nội); Luận văn thạc sỹ luật học “Tội vô ý làm chết người từ thực tiễn tỉnh Bình Định” của tác giả Nguyễn Thị Thu Phương (Học viên Khoa học xã hội), năm 2020; Luận văn thạc sỹ luật học “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo luật hình sự Việt Nam” của tác giả Thái Thị Hiền (Đại học Quốc gia Hà Nội), năm 2014; Luận văn thạc sỹ luật học “Các tội phạm được thực hiện trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Luật Hình sự Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Hằng (Đại học Quốc gia Hà Nội), năm 2015; Luận văn thạc sỹ luật học “Phòng vệ chính đáng và các tội phạm do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo luật hình sự Việt Nam” của tác giả Nguyễn Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội), năm 2014; Bài viết “Một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 125 BLHS năm 2015” của tác giả Đặng Thu Hiền đăng trên Tạp chí Ngành luật số 05/2016. 1.1.3. Những công trình nghiên cứu yêu cầu và giải pháp nâng cao chất lượng pháp luật hình sự và áp dụng pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm tính mạng của con người Một số công trình đáng chú ý như: - Luận án tiến sĩ luật học “Tội giết người trên địa bàn miền Đông Nam Bộ: tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” của tác giả Nguyễn Hữu Nam (năm 2018); Luận án tiến sĩ luật học“Thực hành quyền công tố trong điều tra các tội giết người theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam” của tác giả Nguyễn Quốc Hân (Học viện Khoa học xã hội), năm 2019; Luận án tiến sĩ luật học “Án lệ hình sự ở Việt Nam hiện nay” của tác giả Nguyễn Thanh Mận (Học viện Khoa học xã hội, năm 2019); Các luận văn thạc sỹ luật học chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự như “Các tội XPTMCCN trong Luật Hình sự Việt Nam”, “Định tội danh Tội giết người theo PLHS Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Bình Định”, “Tội giết con mới đẻ trong luật hình sự Việt Nam”, “Các tội phạm được thực hiện trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Luật Hình sự Việt Nam”, “Phòng vệ chính đáng và các tội phạm do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo luật hình sự Việt Nam”, 6
  9. “Tội vô ý làm chết người từ thực tiễn tỉnh Bình Định”, “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo luật hình sự Việt Nam”… (đã nhắc đến ở tiểu mục 1.1.2.); - Bài viết Về tình tiết “giết nhiều người” và “giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người” của tác giả Đỗ Đức Hồng Hà đăng trên Tạp chí Luật học số 1/2005; Bài viết “Các tội xâm phạm tính mạng con người - bất cập và kiến nghị” của TS. Nguyễn Mai Bộ đăng trên Tạp chí TAND điện tử; Bài viết “Một số vấn đề bất cập trong quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người của BLHS năm 1999 và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Nguyễn Phan Trung Anh. 1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài 1.2.1. Những công trình nghiên cứu lý luận về các tội xâm phạm tính mạng của con người Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như sau: - Sách chuyên khảo “Intention in Law and Philosophy” (tạm dịch: Lỗi cố ý trong luật và triết học) trong đó có 01 chương “Intention in the law of murder” (tạm dich: Lỗi cố ý trong luật về tội giết người) của tác giả Mason, A. được nhà xuất bản Routledge xuất bản lần đầu năm 2001, tái bản năm 2020; - Luận án tiến sĩ “Преступления против жизни: теоретико- прикладные проблемы и доктринальная модель уголовного закона” (tạm dịch “Tội phạm xâm phạm tính mạng: các vấn đề lý luận và mô hình pháp luật hình sự”) của tác giả Бабичев, А. Г. được bảo vệ vào năm 2019; - Bài viết tạp chí “The Corpus Delicti of Murder” (tạm dịch: Cấu thành tội phạm của tội giết người) của tác giả Perkins, R. M. được xuất bản vào năm 1962; Bài viết “Material Interest-Circumstantial Element of the Crime of Murder” (tạm dịch: Lợi ích vậy chất – yếu tố quan trọng của tội phạm giết người) của các tác giả Raducanu, R., & Cercel, C. A. được đăng trên tạp chí Rev. Stiinte Juridice năm 2010; Bài viết tạp chí “Offences against the Person under the Criminal Code of the Principality of Liechtenstein” (tạm dịch: Tội phạm xâm phạm nhân thân theo BLHS của Công quốc Liechtenstein) của các tác giả Serebrennikova, A. V., & Trefilov, A. A. được đăng trên tạp chí Lex Russica năm 2016; Bài viết tạp chí “Анализ преступлений против жизни по уголовному законодательству России и Германии” (tạm dịch: Phân tích tội phạm xâm phạm tính mạng theo luật hình sự Nga và Đức) của tác giả Волкова, О. В. được đăng tải vào năm 2017; Bài viết “The Knowledge and Caution (Awareness) in Mens Rea Element for Murder in the Law of Iran and USA” (tạm dịch: Nhận thức và ý thức trong yếu tố tinh thần của tội giết người theo luật của Iran và Hoa Kỳ) của các tác giả Kalantari, K., Rezaii, R., & Moslehi, J., được xuất bản năm 2017; Bài viết tạp chí “Murder: A Critical Analysis of the Common Law Definition” (tạm dịch: Giết người: Phân tích định nghĩa trong thông luật) của các tác giả 7
  10. Hossain, M. B., & Rahi, S. T. được xuất bản năm 2018; Bài viết tạp chí “Характеристика преступлений против жизни и здоровья человека по законодательству зарубежных стран” (tạm dịch: Đặc điểm tội phạm xâm phạm tính mạng và sức khoẻ con người theo luật các nước trên thế giới) của tác giả Васильева, К. Г. xuất bản năm 2018. 1.2.2. Những công trình nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm tính mạng của con người Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như sau: - Sách chuyên khảo “Преступления против жизни и здоровья. Закон и правоприменительная практика” (tạm dịch: Tội phạm xâm phạm tính mạng và sức khoẻ. Luật và thực tiễn áp dụng) của tác giả Борзенков, Г. Н. được xuất bản năm 2009; - Bài viết tạp chí “Проблемы квалификации преступлений по признаку субъективной стороны (на примере отдельных преступлений против жизни)” (tạm dịch: Vấn đề định tội danh tội phạm theo dấu hiệu chủ quan (trường hợp một số tội xâm phạm tính mạng) của tác giả Лебедев, М. В. được xuất bản năm 2016; Bài viết tạp chí “Legal Problems of Using ‘Extremist Motives’ in Crimes Against Life and Health” (tạm dịch: Các vấn đề pháp lý của việc áp dụng “động cơ cực đoan” trong các tội phạm xâm phạm tính mạng và sức khoẻ) của các tác giả Gostkova, D., Kostyuk, M., Kunts, E. đăng trên tạp chí Journal of Advanced Research in Law and Economics năm 2018; Bài viết tạp chí “Theory Of Application Of Criminal Law Considerations On The Legal Analysis Of The Content Of Crime Against The Person In The Crime Code Of The Republic Of Uzbekistan” (tạm dịch: Lý luận về áp dụng PLHS trong phân tích pháp lý đối với nội dung của tội phạm xâm phạm con người trong BLHS Cộng hoà Uzbekistan) của tác giả Aknazarov, A. S. O. được đăng tải trên tạp chí The American Journal of Political Science Law and Criminology năm 2021. 1.2.3. Những công trình nghiên cứu yêu cầu và giải pháp nâng cao chất lượng pháp luật hình sự và áp dụng pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm tính mạng của con người - Sách chuyên khảo “Преступления против жизни” (tạm dịch: Tội phạm xâm phạm tính mạng) của tác giả Бородин, С. được nhà xuất bản Litres xuất bản năm 2017; Sách chuyên khảo “Преступления против жизни: вопросы теории, законодательного регулирования и судебной практики” (tạm dịch: Tội phạm xâm phạm tính mạng: vấn đề lý luận, quy định pháp luật và thực tiễn xét xử) của tác giả Маляева được xuất bản năm 2003. - Luận án tiến sĩ khoa học “Преступления против жизни: теоретико- прикладные проблемы и доктринальная модель уголовного закона” (tạm dịch: Tội phạm xâm phạm tính mạng: những vấn đề lý luận - ứng dụng và mô hình học thuyết luật hình sự” của tác giả Бабичев А. Г., được bảo vệ năm 2019. 8
  11. - Báo cáo của Cao uỷ pháp luật Vương quốc Anh “Partial Defences to Murder” (tạm dịch: Bảo vệ khỏi tội phạm giết người); - Bài viết “Некоторые вопросы совершенствования норм российского уголовного законодательства о преступлениях против жизни и здоровья (опыт сравнительного анализа)” (tạm dịch: Một số vấn đề về hoàn thiện quy định pháp luật hình sự Nga về các tội phạm xâm phạm tính mạng và sức khoẻ (kinh nghiệm dựa trên phân tích so sánh) của các tác giả Михайлова И. А., Максименко А. В., & Числов А. И. được xuất bản năm 2019; Bài viết “Issues of qualification of crimes against life and health” (tạm dịch: Các vấn đề định tội danh đối với tội xâm phạm tính mạng và sức khoẻ) của tác giả Artyushina O. đăng trên tạp chí Law Enforcement Review năm 2017. 1.3. Đánh giá tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra cần nghiên cứu trong luận án 1.3.1. Những vấn đề đã thống nhất - Về khái niệm các tội XPTMCCN, nhìn chung các công trình đều định nghĩa khái niệm này trên cơ sở xác định khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan và chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, các yếu tố này thể hiện trong định nghĩa vẫn còn khái quát, chưa thực sự rõ ràng, chưa phân biệt được các tội XPTMCCN với những tội phạm khác cũng xâm phạm đến quyền sống của con người (các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm sở hữu, các tội xâm phạm an toàn công cộng…), chưa phân biệt được các tội XPTMCCN với hành vi XPTMCCN nhưng chưa đến mức cấu thành tội phạm…; - Về dấu hiệu pháp lý của các tội XPTMCCN, nhìn chung có nhiều nội dung cơ bản thuộc dấu hiệu pháp lý của nhóm tội phạm này được nhận thức thống nhất trong các công trình khoa học: khách thể của tội phạm; chủ thể của tội phạm (năng lực TNHS, tuổi chịu TNHS, dấu hiệu chủ thể đặc biệt); hình thức lỗi, động cơ, mục đích phạm tội; hành vi khách quan, các tình tiết định khung tăng nặng hoặc giảm nhẹ; việc phân biệt dấu hiệu pháp lý giữa các tội XPTMCCN hoặc giữa các tội XPTMCCN với các tội phạm khác…; - Về thực tiễn áp dụng PLHS đối với các tội XPTMCCN, các công trình nghiên cứu đều chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng PLHS đối với nhóm tội phạm này như định tội danh sai hoặc không thống nhất, quyết định hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội… Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, các công trình đều chỉ ra nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ sự bất cập, khiếm khuyết trong quy định của BLHS và các văn bản liên quan về nhóm tội phạm này. Bên cạnh đó, nhiều công trình nghiên cứu cũng xác định một trong những nguyên nhân của hạn chế trong áp dụng pháp luật đến từ năng lực, trình độ, phẩm chất của đội ngũ tiến hành công tác tố tụng và sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong xử lý vụ án hình sự. 9
  12. - Về nhu cầu hoàn thiện quy định của PLHS hiện hành, xuất phát từ thực tiễn nêu trên, các công trình đều xác định cần thiết phải có các giải pháp hoàn thiện quy định của BLHS hiện hành và các văn bản pháp lý liên quan để nâng cao hiệu quả áp dụng PLHS đối với các tội XPTMCCN. Bên cạnh đó, nhiều công trình nghiên cứu cũng kiến nghị cần nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất của những người THTT và tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan THTT để nâng cao hiệu quả áp dụng PLHS. 1.3.2. Những vấn đề còn tranh luận - Về xác định phạm vi các điều luật thuộc các tội XPTMCCN, hiện nay có 02 luồng quan điểm khác nhau: Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng tội lây truyền HIV cho người khác và tội cố ý truyền HIV cho người khác cũng là những tội phạm XPTMCCN vì tính chất nguy hiểm của nó đối với tính mạng của con người; Luồng quan điểm thứ hai cho rằng 02 tội phạm trên không phải là những tội XPTMCCN; - Về dấu hiệu pháp lý của các tội XPTMCCN, bên cạnh nhiều nội dung đã thống nhất về quan điểm thì hiện vẫn còn không ít các nội dung còn tranh luận: một số tình tiết định khung tăng nặng trong tội giết người; dấu hiệu hậu quả của tội giết con mới đẻ, tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát, tội đe dọa giết người; dấu hiệu lỗi trong mặt chủ quan của tội làm chết người trong khi thi hành công vụ… 1.3.3. Những vấn đề đặt ra cần nghiên cứu trong luận án Từ những vấn đề đã thống nhất và những vấn đề còn tranh luận như trên, NCS xác định những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong luận án: - Về định nghĩa các tội XPTMCCN: cần nghiên cứu, xây dựng một định nghĩa thể hiện rõ dấu hiệu pháp lý đặc trưng của các tội XPTMCCN, phân biệt được các tội XPTMCCN với các tội phạm khác cũng xâm phạm đến quyền sống của con người, phân biệt được tội phạm XPTMCCN với hành vi XPTMCCN nhưng không phải là tội phạm; - Về xác định phạm vi các tội XPTMCCN: cần xác định một cách hợp lý và luận giải rõ ràng, có cơ sở khoa học về phạm vi các điều luật trong Chương XIV thuộc các tội XPTMCCN; - Về dấu hiệu pháp lý của các tội XPTMCCN: tập trung phân tích, luận giải một cách khoa học, có căn cứ về những nội dung còn tranh luận, góp phần thống nhất nhận thức về dấu hiệu pháp lý của các tội XPTMCCN. Phân biệt các tội XPTMCCN với các tội xâm phạm sức khỏe của con người; phân biệt các tội XPTMCCN với một số tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; - Về lịch sử lập pháp hình sự Việt Nam đối với các tội XPTMCCN: tiếp tục nghiên cứu quy định của PLHS Việt Nam trước khi ban hành BLHS năm 2015 đến nay để nắm bắt được quy luật vận động, phát triển trong quy định của pháp 10
  13. luật và chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với nhóm tội phạm này làm cơ sở cho các đề xuất hoàn thiện pháp luật trong tương lai; - Về thực tiễn áp dụng PLHS đối với các tội XPTMCCN tại TP.HCM: nghiên cứu làm rõ thực tiễn định tội danh và quyết định hình phạt đối với các tội XPTMCCN. Tìm ra nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật. Có sự so sánh, đối chiếu với các địa phương khác để làm rõ hạn chế trong quy định của pháp luật là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong áp dụng pháp luật. Từ đó làm cơ sở cho việc kiến nghị hoàn thiện pháp luật; - Về vấn đề thể chế hóa bằng PLHS đối với các hành vi XPTMCCN: phân tích làm rõ yêu cầu, cơ sở và ý nghĩa của việc thể chế hóa bằng PLHS đối với các hành vi XPTMCCN. Đây là nội dung quan trọng nhưng có ít công trình nghiên cứu đề cập đến; - Về hoàn thiện quy định của PLHS Việt Nam đối với các tội XPTMCCN: phân tích xu hướng hoàn thiện quy định của PLHS, trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện PLHS về các tội XPTMCCN; - Về giải pháp bảo đảm áp dụng đúng quy định của PLHS đối với các tội XPTMCCN: trên cơ sở phân tích nguyên nhân dẫn đến sai lầm, hạn chế trong áp dụng pháp luật, kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế, sai lầm trong áp dụng pháp luật. 1.4. Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu 1.4.1. Câu hỏi nghiên cứu Câu hỏi nghiên cứu tổng quát của luận án: Nhận thức lý luận, thực trạng áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN tại TP.HCM như thế nào và làm thế nào để nâng cao hiệu quả áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN trong thời gian sắp tới? Để trả lời câu hỏi nghiên cứu tổng quát nêu trên, Luận án giải quyết các câu hỏi nghiên cứu cụ thể như sau: Thứ nhất, câu hỏi đặt ra về phương diện lý luận: Các tội XPTMCCN là gì, bao gồm những hành vi cụ thể nào? Dấu hiệu pháp lý của các tội XPTMCCN như thế nào? Làm sao để phân biệt các tội XPTMCCN với một số tội phạm khác cũng gây thiệt hại cho tính mạng con người? Việc thể chế hóa bằng PLHS đối với các hành vi XPTMCCN xuất phát từ những nhu cầu nào và dựa trên cơ sở nào? Áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN là gì, có đặc điểm gì, nội dung ra sao, chủ thể áp dụng là ai, áp dụng ở giai đoạn nào? Những yếu tố nào ảnh hưởng, tác động đến hiệu quả áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN? Thứ hai, câu hỏi đặt ra đối với thực trạng quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật: Quy định của PLHS về các tội XPTMCCN trước khi ban hành BLHS 2015 như thế nào? Quy định của BLHS 2015 về các tội XPTMCCN có điểm gì tiến bộ, đã đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm chưa? Tình hình xét xử các tội XPTMCCN tại TP.HCM giai đoạn 2010-2023 như thế nào? Thực tiễn định tội danh và quyết định hình phạt đối với các tội XPTMCCN tại TP.HCM đã đạt được những thành công gì, có những khó khăn, 11
  14. vướng mắc, hạn chế gì? Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong định tội danh và quyết định hình phạt đối với các tội XPTMCCN? Thứ ba, câu hỏi đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng: Việc hoàn thiện quy định của PLHS về các tội XPTMCCN xuất phát từ những nhu cầu nào và phương hướng hoàn thiện ra sao? Cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể gì trong quy định của PLHS về các tội XPTMCCN? Cần có những giải pháp gì để bảo đảm áp dụng đúng quy định của PLHS về các tội XPTMCCN trong thời gian sắp tới. 1.4.2. Giả thuyết nghiên cứu Để trả lời cho câu hỏi nghiên cứu, NCS đưa ra giả thuyết nghiên cứu như sau: - Nhận thức lý luận về các tội XPTMCCN hiện nay bên cạnh những nội dung đã có sự thống nhất thì vẫn còn nhiều nội dung chưa có sự thống nhất, còn nhiều quan điểm trái chiều về xác định phạm vi và dấu hiệu pháp lý của các tội XPTMCCN… Vì vậy, cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện lý luận về các tội XPTMCCN; - Quy định của PLHS hiện hành về các tội XPTMCCN bên cạnh những ưu điểm, tiến bộ thì vẫn còn những hạn chế, thiếu sót có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc áp dụng PLHS và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; - Thực tiễn định tội danh và quyết định hình phạt đối với các tội XPTMCCN tại TP.HCM thời gian qua bên cạnh những thành công thì vẫn còn những hạn chế, vi phạm, sai lầm; - Nguyên nhân của những hạn chế, vi phạm, sai lầm trong thực tiễn định tội danh và quyết định hình phạt đối với các tội XPTMCCN tại TP.HCM thời gian qua xuất phát từ nhiều yếu tố. Trong đó, có nguyên nhân từ những hạn chế, thiếu sót, bất cập trong quy định của PLHS; từ sự yếu kém về trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ THTT; từ việc thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan THTT; - Để nâng cao hiệu quả áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN trong thời gian tới thì cần hoàn thiện quy định của PLHS và có giải pháp đảm bảo áp dụng đúng quy định của PLHS. Chương 2 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG CỦA CON NGƯỜI 2.1. Khái niệm, dấu hiệu pháp lý, hình phạt của các tội xâm phạm tính mạng của con người 2.1.1. Khái niệm các tội xâm phạm tính mạng của con người Trên cơ sở đã xác định được phạm vi cụ thể các điều luật thuộc nhóm các tội XPTMCCN, kết hợp với định nghĩa tội phạm tại Điều 8, quy định về tuổi chịu TNHS tại Điều 12, quy định về phạm vi chịu TNHS của pháp nhân thương mại tại Điều 76 BLHS năm 2015, có thể định nghĩa như sau: Các tội XPTMCCN là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định từ Điều 123 đến Điều 133 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), do người có năng lực TNHS và đủ tuổi 12
  15. chịu TNHS thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm quyền sống của con người mà theo quy định của BLHS phải bị xử lý hình sự. 2.1.2. Dấu hiệu pháp lý của các tội xâm phạm tính mạng của con người 2.1.2.1. Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng của con người: là quyền sống, một trong những quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người. Khách thể được phản ánh trong BLHS qua dấu hiệu đối tượng tác động của tội phạm là “người” (Điều 123, Điều 125, Điều 126, Điều 127, Điều 128, Điều 129, Điều 133 BLHS 2015), “con do mình đẻ ra” (Điều 124 BLHS 2015), “người lệ thuộc mình” (Điều 130 BLHS 2015), “người khác” (Điều 132 BLHS 2015) … Hay nói chung, đối tượng tác động của tội phạm là con người. 2.1.2.2. Mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng của con người - Hành vi khách quan của các tội xâm phạm tính mạng rất đa dạng về biểu hiện cụ thể: giết; đe dọa giết; làm chết; đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi, làm nhục; kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng; tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tức đoạt tính mạng; không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng… - Hậu quả mà những hành vi nêu trên có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra là thiệt hại đến quyền sống của con người, thể hiện dưới dạng thiệt hại về thể chất là chết người (trừ hành vi của tội đe dọa giết người). - Các dấu hiệu khác trong mặt khách quan như công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm phạm tội… nhìn chung không phải là dấu hiệu được mô tả trong mặt khách quan CTTP của các tội XPTMCCN. Tuy nhiên, hoàn cảnh phạm tội là dấu hiệu được mô tả trong mặt khách quan một số CTTP (Điều 124, Điều 125, Điều 126, Điều 127, Điều 132). Bên cạnh đó, dấu hiệu phương pháp, thủ đoạn phạm tội mặc dù không phải là dấu hiệu được mô tả trong cấu thành cơ bản nhưng là dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tăng nặng của Điều 123 (các điểm i, k, l khoản 1). 2.1.2.3. Chủ thể của các tội xâm phạm tính mạng của con người Căn cứ vào quy định tại Điều 76 (phạm vi chịu TNHS của pháp nhân thương mại) thì đối với các tội XPTMCCN, chủ thể của tội phạm chỉ có thể là cá nhân. Cá nhân là chủ thể của các tội XPTMCCN phải có năng lực TNHS và đủ tuổi chịu TNHS. Ngoài hai dấu hiệu trên, một số CTTP đòi hỏi chủ thể của tội phạm phải có thêm dấu hiệu khác mới có thể thực hiện hành vi khách quan của tội phạm (Điều 124, Điều 127, Điều 128, Điều 130). 2.1.2.4. Mặt chủ quan của các tội xâm phạm tính mạng của con người - Về dấu hiệu lỗi: + Nhiều tội XPTMCCN luôn được thực hiện với hình thức lỗi cố ý (Điều 123, Điều 124, Điều 125, Điều 126, Điều 131, Điều 132, Điều 133). Trong đó, có những tội phạm luôn được thực hiện với hình thức lỗi cố ý trực tiếp (Điều 131, Điều 133), có tội phạm luôn được thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp (Điều 132), có 13
  16. những tội phạm có thể được thực hiện bởi hình thức lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp (Điều 123, Điều 124, Điều 125, Điều 126); + Một số tội XPTMCCN luôn được thực hiện với hình thức lỗi vô ý (Điều 128, Điều 129); + Một số tội XPTMCCN có thể được thực hiện với lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý (Điều 127, Điều 130). - Về dấu hiệu động cơ phạm tội: Nhìn chung, động cơ phạm tội không phải là dấu hiệu được mô tả trong cấu thành cơ bản của các tội XPTMCCN. Chỉ có 02 điều luật quy định động cơ phạm tội trong cấu thành cơ bản là Điều 127 và Điều 126. Bên cạnh đó, động cơ phạm tội còn được quy định trong cấu thành tăng nặng tại điểm q, khoản 1 của Điều 123. - Về dấu hiệu mục đích phạm tội: Tương tự dấu hiệu động cơ phạm tội, mục đích phạm tội nhìn chung không phải là dấu hiệu được mô tả trong cấu thành cơ bản của các tội XPTMCCN. Tuy nhiên, dấu hiệu mục đích phạm tội được quy định trong cấu thành tăng nặng của Điều 123 (điểm g, điểm h khoản 1). 2.1.3. Hình phạt Hình phạt quy định đối với các tội XPTMCCN bao gồm cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Hình phạt chính được quy định bao gồm cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình. Hình phạt bổ sung được quy định bao gồm cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; quản chế và cấm cư trú. 2.2. Phân loại các tội xâm phạm tính mạng của con người - Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, các tội XPTMCCN gồm 4 loại: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. - Căn cứ vào chủ thể thực hiện tội phạm, các tội XPTMCCN bao gồm hai loại: Các tội XPTMCCN được thực hiện bởi chủ thể thường (Điều 123, Điều 125, Điều 126, Điều 128, Điều 131, Điều 132, Điều 133) và các tội XPTMCCN được thực hiện bởi chủ thể đặc biệt (Điều 124, Điều 127, Điều 129, Điều 130). - Căn cứ vào hình thức lỗi, các tội XPTMCCN được phân chia thành các tội phạm được thực hiện bởi hình thức lỗi cố ý (Điều 123, Điều 124, Điều 125, Điều 126, Điều 131, Điều 132, Điều 133), các tội phạm được thực hiện bởi hình thức lỗi vô ý (Điều 128, Điều 129) và các tội phạm có thể được thực hiện bởi hình thức lỗi cố ý hoặc hình thức lỗi vô ý (Điều 127, Điều 130). - Căn cứ vào thời điểm có thể truy cứu TNHS, các tội XPTMCCN được phân chia thành tội phạm phải chịu TNHS ngay từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội (Điều 123), tội phạm phải chịu TNHS từ giai đoạn phạm tội chưa đạt (khoản 1 Điều 124, Điều 125, Điều 126) và những tội phạm chỉ phải chịu TNHS khi tội phạm hoàn thành (khoản 2 Điều 124, Điều 127, Điều 128, Điều 129, Điều 130, Điều 131, Điều 132, Điều 133). 14
  17. 2.3. Phân biệt các tội xâm phạm tính mạng của con người với một số tội phạm khác 2.3.1. Phân biệt các tội xâm phạm tính mạng của con người với các tội xâm phạm sức khoẻ của con người 2.3.1.1. Phân biệt tội giết người với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 2.3.1.2. Phân biệt tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh 2.3.1.3. Phân biệt tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội 2.3.1.4. Phân biệt tội bức tử với tội hành hạ người khác 2.3.2. Phân biệt các tội xâm phạm tính mạng của con người với một số tội xâm phạm an ninh quốc gia Mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu cho phép phân biệt tội xâm phạm an ninh quốc gia với những tội phạm khác có dấu hiệu của mặt khách quan tương tự, trong đó có một số tội xâm phạm tính mạng của con người như tội giết người, tội đe dọa giết người… 2.4. Thể chế hóa bằng pháp luật hình sự đối với các hành vi xâm phạm tính mạng của con người 2.4.1. Sự cần thiết phải thể chế hoá bằng pháp luật hình sự đối với các tội xâm phạm tính mạng của con người - Xuất phát từ các nguyên tắc của luật hình sự; - Xuất phát từ tính chất của Luật Hình sự; - Xuất phát từ yêu cầu đảm bảo quyền con người. 2.4.2. Cơ sở của thể chế hoá bằng pháp luật hình sự đối với các hành vi xâm phạm tính mạng của con người - Chính sách hình sự đối với các tội XPTMCCN; - Tình hình tội phạm XPTMCCN; - Thực tiễn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các tội XPTMCCN; - Kết quả nghiên cứu khoa học về các tội XPTMCCN; - Kinh nghiệm thể chế hóa bằng PLHS của một số quốc gia đối với các hành vi XPTMCCN. 2.5. Áp dụng pháp luật hình sự về các tội xâm phạm tính mạng của con người và các yếu tố tác động 2.5.1. Khái niệm, nội dung, đặc điểm của áp dụng pháp luật hình sự về các tội xâm phạm tính mạng của con người 15
  18. - Về khái niệm: áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện những quy định của PLHS khi có sự kiện pháp lý hình sự về hành vi XPTMCCN xảy ra và cần xác định các biện pháp TNHS, đảm bảo các quy định của PLHS về các tội XPTMCCN đi vào đời sống thực tế. - Về nội dung: áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN không chỉ bao gồm việc định tội danh (đưa ra sự đánh giá chính xác tội phạm về mặt pháp lý hình sự) và quyết định hình phạt (đối với các trường hợp chủ thể không được miễn TNHS hoặc hình phạt), mà còn bao gồm nhiều nội dung khác như: xác định hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm XPTMCCN nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm; xác định hành vi tuy XPTMCCN nhưng thuộc trường hợp loại trừ TNHS (phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội, rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ…); xác định các vấn đề miễn TNHS, miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, xóa án tích, áp dụng các biện pháp tư pháp… Trong đó, hai nội dung chính của áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN là định tội danh các tội XPTMCCN và quyết định hình phạt đối với nhóm tội phạm này. - Về đặc điểm, áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN là một loại áp dụng pháp luật, cũng có đầy đủ các đặc điểm của áp dụng pháp luật: + Thứ nhất, áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước. + Thứ hai, áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; + Thứ ba, áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN là hoạt động cá biệt hóa quy phạm PLHS đối với từng trường hợp cụ thể; + Thứ tư, áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN là hoạt động có tính sáng tạo. 2.5.2. Các yếu tố tác động đến áp dụng pháp luật hình sự về các tội xâm phạm tính mạng của con người Áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, có thể kể đến một số yếu tố chính như sau: - Chất lượng quy phạm PLHS; - Chất lượng đội ngũ cán bộ áp dụng PLHS; - Mối quan hệ phối hợp, chế ước giữa các cơ quan THTT hình sự. Bên cạnh những yếu tố trên, hiệu quả hoạt động áp dụng PLHS về các tội XPTMCCN còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: yếu tố kinh tế - xã hội, ý thức pháp luật của nhân dân, những điều kiện vật chất - kỹ thuật cần thiết đảm bảo cho hoạt động áp dụng PLHS, chủ trương, chính sách của nhà nước về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm XPTMCCN… 16
  19. Chương 3 QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG CỦA CON NGƯỜI VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 3.1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm tính mạng của con người 3.1.1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm tính mạng của con người trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 2015 3.1.1.1. Giai đoạn từ năm 1945 đến trước khi Bộ luật hình sự năm 1985 có hiệu lực - Từ năm 1945 đến năm 1953; - Từ năm 1954 đến năm 1975; - Từ năm 1976 đến trước ngày BLHS năm 1985 có hiệu lực. 3.1.1.2. Giai đoạn từ khi Bộ luật hình sự năm 1985 có hiệu lực đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 2015 - Bộ luật hình sự năm 1985; - Bộ luật hình sự năm 1999. 3.1.2. Quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 về các tội xâm phạm tính mạng của con người Các tội XPTMCCN được quy định tại 11 điều luật (từ Điều 123 đến Điều 133). Nhìn chung, các tội XPTMCCN trong BLHS năm 2015 kế thừa phần lớn quy định của BLHS năm 1999. Đồng thời, để phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, các tội XPTMCCN trong BLHS năm 2015 có một số sửa đổi, bổ sung cơ bản: Thứ nhất, BLHS năm 2015 đã bổ sung tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội vào điều luật quy định về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126); Thứ hai, BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định về trường hợp chuẩn bị phạm tội đối với tội giết người (Điều 123); Thứ ba, BLHS năm 2015 đã sửa đổi tên gọi và nội dung điều luật quy định về hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 94 BLHS năm 1999, Điều 124 BLHS năm 2015); Thứ tư, BLHS năm 2015 đã mô tả rõ hơn hành vi khách quan trong tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát. Bên cạnh những điểm mới cơ bản nêu trên, BLHS năm 2015 còn thay đổi một số thuật ngữ được sử dụng trong các điều luật theo hướng “số hóa”: từ “trẻ em” được thay thế bằng cụm từ “người dưới 16 tuổi”, từ “nhiều người” được cụ thể thành “02 người trở lên”. 3.2. Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm tính mạng của con người tại Thành phố Hồ Chí Minh 17
  20. 3.2.1. Khái quát tình hình xét xử các tội xâm phạm tính mạng của con người tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2023 - Trong giai đoạn 2010-2023, trung bình mỗi năm TAND các quận, huyện, thành phố và TAND TP.HCM đã xét xử hơn 108 vụ án với hơn 180 bị cáo về các tội XPTMCCN. Đối sánh số vụ án XPTMCCN với số bị cáo trong các vụ án đó, có thể thấy số bị cáo gấp 1,66 lần số vụ án. Số vụ án và số bị cáo đã bị xét xử về tội giết người chiếm tỉ lệ đặc biệt cao trong nhóm các tội XPTMCCN. Trung bình mỗi năm, TAND các quận, huyện, thành phố và TAND TP.HCM đã xét xử xấp xỉ 100 vụ án với hơn 170 bị cáo về tội giết người, chiếm 91,97% tổng số vụ và chiếm 94,49% tổng số bị cáo. Số bị cáo bị xét xử về tội giết người cũng cao gấp 1,7 lần số vụ án giết người đã xét xử. Điều đó cũng cho thấy đa phần các vụ án XPTMCCN có đồng phạm là vụ án giết người. Đứng thứ hai về số lượng là tội vô ý làm chết chiếm 3,88% số vụ và 2,42% số bị cáo. Thứ ba là tội đe dọa giết người chiếm 1,9% số vụ và 1,46% số bị cáo. Các tội tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, tội làm chết người trong khi thi hành công vụ, tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát chiếm tỉ lệ đặc biệt thấp, trong 14 năm chỉ xét xử 01 vụ. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010-2023 không xét xử vụ án nào về tội bức tử. - Số vụ án có kháng cáo, kháng nghị về tội giết người chiếm tỉ lệ đặc biệt cao (98,69%) trong tổng số vụ án XPTMCCN có kháng nghị, kháng cáo. Điều này cũng phù hợp với tỉ lệ số vụ án giết người trong tổng số vụ án XPTMCCN đã xét xử. - Tổng tỷ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan (sơ thẩm sai) là 7,96%. Tỷ lệ án XPTMCCN bị hủy, sửa như trên là cao so với tổng tỷ lệ án hình sự nói chung tại TP.HCM bị hủy, sửa và cũng cao hơn nhiều so với yêu cầu tại khoản 3, Điều 2, Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án. 3.2.2. Thực tiễn định tội danh các tội xâm phạm tính mạng của con người tại thành phố Hồ Chí Minh 3.2.2.1. Thực tiễn định tội danh đúng Nhìn chung việc định tội danh đảm bảo chuẩn xác, đúng người đúng tội, không làm oan người vô tội. Việc có kháng cáo, kháng nghị đối với những tội phạm này chủ yếu là do người phạm tội xin được giảm nhẹ hình phạt. Những bản án về các loại tội phạm này hầu hết đảm bảo phù hợp với CTTP của từng tội. 3.2.2.2. Những sai lầm trong định tội danh Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, thực tiễn định tội danh các tội XPTMCCN tại TP.HCM thời gian qua vẫn còn một số sai lầm, thể hiện: Thứ nhất, còn nhầm lẫn giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Thứ hai, còn nhầm lẫn giữa tội giết người và tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; 18
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2