VIỆN HÀN LÂM<br />
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM<br />
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI<br />
<br />
LẠI THỊ PHƯƠNG THẢO<br />
<br />
ĐỐI CHIẾU ĐỘNG TỪ TRẢI NGHIỆM<br />
TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT<br />
<br />
Chuyên ngành:<br />
<br />
Ngôn ngữ học so sánh, đối chiếu<br />
<br />
Mã số:<br />
<br />
62.22.02.41<br />
<br />
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC<br />
<br />
HÀ NỘI - 2016<br />
<br />
Công trình được hoàn thành tại:<br />
<br />
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI<br />
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM<br />
VIỆN NGÔN NGỮ HỘC VIỆN KHOA HỌC XÁC HỘI<br />
VIỆT NAM<br />
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Lâm Quang ĐôngGS.TS.<br />
<br />
Lâm Quang Đông<br />
<br />
Phản biện 1: GS.TS. Lê Quang Thiêm<br />
Phản biện 2: GS.TS. Bùi Minh Toán<br />
Phản biện 3: PGS.TS. Phạm Hùng Việt<br />
<br />
Luận án được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Học viện,<br />
họp tại Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội<br />
Việt Nam, 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.<br />
Vào hồi .... giờ ... ngày .... tháng ..... năm 201...<br />
<br />
Có thể tìm hiểu luận án tại:<br />
- Thư viện Quốc gia Việt Nam<br />
- Thư viện Học viện Khoa học xã hội<br />
<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Tính cấp thiết của đề tài<br />
Trải nghiệm là một hiện tượng cơ bản trong cuộc sống của con người. Dik [41,<br />
tr.115] cho rằng tính trải nghiệm chỉ có thể có được thông qua hoạt động của các<br />
giác quan và trí óc con người (hoặc các động vật sống). Tính trải nghiệm trong các<br />
phát ngôn cho thấy trạng thái của chủ thể hành động tri nhận, cảm giác, mong<br />
muốn, tưởng tượng, hay cái gì đó mà họ đã trải qua. Theo Verhoeven [92, tr.1], trải<br />
nghiệm là “một khái niệm cơ bản cần được thể hiện ở mọi ngôn ngữ bằng cách này<br />
hay cách khác. Lĩnh vực trải nghiệm ở đây được hiểu là bao gồm các loại trải<br />
nghiệm cụ thể mà liên quan chủ yếu đến việc xử lý các tác nhân kích thích (stimuli)<br />
bên trong và bên ngoài bởi hệ thần kinh con người. Các lĩnh vực trải nghiệm bao<br />
gồm “cảm giác cơ thể (bodily sensation), tình cảm (emotion), tri nhận (cognition),<br />
mong muốn (volition) và tri giác (perception)”.<br />
Trong giao tiếp khi muốn diễn đạt ý tưởng hay thông báo một sự tình nào đó<br />
bằng ngôn ngữ, người ta cần tuân theo những quy tắc ngữ pháp, sự đúng đắn và<br />
phù hợp khi lựa chọn từ vựng để có thể truyền tải được thông điệp một cách đầy<br />
chính xác, đầy đủ và phù hợp với ngữ cảnh. Trong số lớp từ loại được sử dụng để<br />
diễn đạt sự tình trải nghiệm, theo khảo sát của chúng tôi, động từ trải nghiệm được<br />
coi là một trong những lớp từ loại quan trọng nhất. Động từ trải nghiệm giúp người<br />
ta diễn đạt được những điều tri nhận được qua các giác quan, những biểu hiện tình<br />
cảm và mong muốn. Động từ trải nghiệm chính là tâm điểm đối với việc mô tả một<br />
sự tình trải nghiệm.<br />
Vì những lý do đó, chúng tôi quyết định chọn đề tài Đối chiếu động từ trải<br />
nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt để nghiên cứu sự hành chức của câu trên bình<br />
diện ngữ nghĩa và ngữ pháp nhằm tìm ra nét tương đồng và dị biệt. Chúng tôi hi<br />
vọng kết quả nghiên cứu sẽ có những đóng góp mới vào lĩnh vực nghiên cứu ngôn<br />
ngữ học so sánh đối chiếu, cùng với những góc nhìn mới mẻ, sâu sắc hơn và toàn<br />
diện hơn về động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt. Ngoài ra, kết quả<br />
của nghiên cứu còn góp phần nâng cao hiệu quả của việc giảng dạy tiếng Anh và<br />
cải thiện năng lực sử dụng tiếng Anh của người Việt Nam.<br />
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu<br />
2.1. Mục đích nghiên cứu<br />
Đề tài nghiên cứu nhằm: (1) Xác định cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với<br />
động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và đối chiếu với tiếng Việt để tìm ra điểm<br />
tương đồng và dị biệt; và (2) Thiết lập được cấu trúc cú pháp của câu với động từ<br />
trải nghiệm trong tiếng Anh và đối chiếu với tiếng Việt để tìm ra điểm tương đồng<br />
và dị biệt.<br />
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu<br />
Để đạt được mục đích trên, luận án tập trung giải quyết những nhiệm vụ sau:<br />
(1) Xác lập cơ sở lí luận liên quan đến ngữ pháp chức năng ở bình diện ngữ nghĩa<br />
<br />
1<br />
<br />
và ngữ pháp, quan niệm về nghĩa biểu hiện, phân loại sự tình với các tham số nghĩa<br />
và vai nghĩa, cấu trúc nghĩa của một sự tình; (2) Xác lập cơ sở lí luận liên quan đến<br />
bình diện ngữ pháp như khái niệm thành phần câu, các kiểu cấu tạo ngữ pháp của<br />
câu; mối quan hệ giữa hai bình diện ngữ nghĩa và ngữ pháp trong câu. Hai nhiệm<br />
vụ trên cung cấp cơ sở lí luận để thực hiện đề tài; (3) Xác định lĩnh vực trải nghiệm,<br />
cấu trúc nghĩa của sự tình trải nghiệm, các thành phần tham gia vào sự tình trải<br />
nghiệm và đặc điểm ngữ nghĩa của chúng; tiêu chí nhận diện và phân loại các động<br />
từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt; cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với<br />
mỗi tiểu lớp động từ trải nghiệm trong tiếng Anh, đối chiếu với tiếng Việt; và (4)<br />
Phân tích sự hiện thực hóa các thành tố nghĩa trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của sự<br />
tình trải nghiệm trong câu, cấu trúc cú pháp của câu với mỗi tiểu lớp động từ trải<br />
nghiệm trong tiếng Anh, và đối chiếu với tiếng Việt.<br />
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu<br />
3.1. Đối tượng nghiên cứu<br />
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là lớp động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và<br />
tiếng Việt với bốn tiểu lớp: động từ tri giác, động từ tri nhận, động từ tình cảm, và<br />
động từ mong muốn. Luận án lấy ngữ liệu tiếng Anh làm gốc, sau đó đối chiếu với<br />
tiếng Việt.<br />
3.2. Phạm vi nghiên cứu<br />
Động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt được chia thành nhiều tiểu<br />
loại; mỗi tiểu loại lại có một số lượng lớn động từ. Do vậy, luận án này không tiến<br />
hành nghiên cứu nét nghĩa của từng lớp động từ hay nhóm động từ, mà nghiên cứu<br />
mỗi tiểu lớp động từ trải nghiệm trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu trên bình<br />
diện ngữ nghĩa theo hướng ngữ pháp chức năng. Sau đó luận án nghiên cứu mỗi<br />
tiểu lớp động từ trải nghiệm trong cấu trúc cú pháp của câu. Cụ thể hơn, sau khi<br />
nhận diện và phân loại động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt (64 động<br />
từ tri giác tiếng Anh với khoảng 64 động từ tương đương trong tiếng Việt, 98 động<br />
từ tri nhận tiếng Anhvới khoảng 98 động từ tương đương trong tiếng Việt, 98 động<br />
từ tình cảm tiếng Anh với khoảng 98 động từ tương đương trong tiếng Việt, và 41<br />
động từ mong muốn tiếng Anh với khoảng 41 động từ mong muốn tiếng Việt),<br />
chúng tôi tiến hành nghiên cứu cấu trúc ngữ nghĩa của câu với lõi sự tình là động từ<br />
trải nghiệm – yếu tố quy định các tham thể tham gia vào cấu trúc nghĩa. Từ mô<br />
hình cấu trúc ngữ nghĩa đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu sự ánh xạ của chúng lên<br />
cấu trúc cú pháp của câu.<br />
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu<br />
Xuất phát từ tính chất, đối tượng và mục đích nghiên cứu của luận án, các<br />
phương pháp chủ yếu được dùng trong luận án này là: phương pháp so sánh-đối<br />
chiếu và phương pháp phân tích-miêu tả. Ngoài ra, chúng tôi còn dùng một số thủ<br />
pháp như: thống kê, mô hình hóa, đối lập và loại suy, và nội quan.<br />
<br />
2<br />
<br />
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án<br />
Thứ nhất, luận án có thể được coi là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên<br />
cứu các động từ trải nghiệm trong tiếng Anh, đối chiếu với tiếng Việt theo cách tiếp<br />
cận của ngữ pháp chức năng.<br />
Thứ hai, luận án thiết lập được khung lí luận trong việc đối chiếu động từ trải<br />
nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt, đó là: (i) đưa ra được về khái niệm trải<br />
nghiệm, các lĩnh vực trải nghiệm; (ii) phân loại sự tình, sự tình trải nghiệm theo<br />
hướng ngữ pháp chức năng; (iii) tìm hiểu cấu trúc của một sự tình trải nghiệm,<br />
nhận diện và phân loại các lớp động từ trải nghiệm là lõi sự tình trải nghiệm, miêu<br />
tả đặc điểm của các vai nghĩa tham gia vào sự tình trải nghiệm; (iv) thiết lập, mô tả<br />
các cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu với mỗi lớp động từ trải nghiệm trong tiếng<br />
Anh, đối chiếu với tiếng Việt; và (v) trên cơ sở các mô hình cấu trúc ngữ nghĩa đó,<br />
luận án tìm ra sự ánh xạ của các thành tố tham gia vào cấu trúc nghĩa do động từ là<br />
lõi sự tình quy định lên cấu trúc cú pháp của câu với mỗi lớp động từ trải nghiệm<br />
trong tiếng Anh, đối chiếu với tiếng Việt để tìm ra nét tương đồng và dị biệt.<br />
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án<br />
Về mặt lý luận, kết quả nghiên cứu của đề tài đã chứng minh hai bình diện<br />
ngữ nghĩa và ngữ pháp trong câu với động từ trải nghiệm tiếng Anh và tiếng Việt<br />
một mặt phân giới với nhau nhưng mặt khác lại có mối quan hệ khăng khít, tương<br />
tác với nhau. Bằng việc nghiên cứu động từ trong sự hành chức của câu trên hai<br />
bình diện này, luận án đã góp thêm một tiếng nói khẳng định hướng tiếp cận và<br />
nghiên cứu ngôn ngữ theo quan điểm của ngữ pháp chức năng là một hướng tiếp<br />
cận và nghiên cứu mới, hứa hẹn những kết quả khả quan. Kết quả nghiên cứu này<br />
bước đầu đã đem đến cho người đọc một cái nhìn tổng quan có hệ thống hơn về<br />
vấn đề động từ trải nghiệm trong tiếng Anh và tiếng Việt trong sự hành chức của<br />
câu theo hướng tiếp cận của ngữ pháp chức năng.<br />
Về mặt thực tiễn, các kết quả của luận án sẽ là một nguồn tư liệu tham khảo có<br />
ích trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ nói chung và nghiên cứu về động từ nói<br />
riêng, trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh cho người Việt và giảng dạy tiếng Việt<br />
cho người nói tiếng Anh, trong lĩnh vực dịch thuật và biên soạn từ điển.<br />
7. Cơ cấu của luận án<br />
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Nguồn tư liệu trích dẫn và<br />
Phụ lục, luận án gồm bốn (4) chương được kết cấu như sau: Chương 1 - Tổng quan<br />
tình hình nghiên cứu; Chương 2 - Cơ sở lí luận; Chương 3 - Động từ trải nghiệm tiếng<br />
Anh và tiếng Việt trong cấu trúc nghĩa biểu hiện của câu; Chương 4 - Động từ trải<br />
nghiệm tiếng Anh và tiếng Việt trongcấu trúc cú pháp của câu. Phần Kết luận của luận<br />
án tổng hợp lại kết quả nghiên cứu dựa vào mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu. Phần này<br />
cũng nêu ra những điểm còn hạn chế, chưa được giải quyết hết trong luận án và gợi mở<br />
hướng nghiên cứu mới. Phần cuối cùng của luận án là danh mục các tài liệu tham khảo,<br />
<br />
3<br />
<br />