Tóm tắt luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật
lượt xem 1
download
Đề tài nghiên cứu đã xác lập luận điểm về một số vấn đề nội dung và nghệ thuật kịch bản tuồng Đào Tấn; tìm hiểu cơ sở, tiền đề và những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển thể loại tuồng trong thế kỷ XIX, trong đó có tuồng Đào Tấn; khái quát một số phương diện nội dung, nghệ thuật cùng những cách tân trong kịch bản tuồng Đào Tấn nhìn từ xu hướng vận động của thể loại tuồng trong mối tương quan với những thể loại khác.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tóm tắt luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ĐINH THỊ KIM THƯƠNG KỊCH BẢN TUỒNG ĐÀO TẤN – MỘT SỐ VẤN ĐỀ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 62.22.01.21 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN HÀ NỘI – 2017
- CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Vũ Thanh Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phản biện 1: GS.TS. Trần Nho Thìn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Phản biện 2: PGS. TS. Trịnh Bá Đĩnh Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phản biện 3: PGS. TS Nguyễn Thị Chiến Trường Đại học Văn hóa Hà Nội Luận án đã được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Trường họp tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Vào hồi …… giờ, ngày …… tháng ….. năm 2017 Có thể tìm hiểu luận án tại Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hoặc Thư viện Quốc gia
- DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1. Đinh Thị Kim Thương (2016), “Yếu tố tâm linh trong tuồng bản của Đào Tấn”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội số 7, tr.55-66. 2. Đinh Thị Kim Thương (2016), “Hình tượng người phụ nữ trong tuồng cổ”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội số 9, tr.85-99. 3. Đinh Thị Kim Thương (2016), “Không gian, thời gian nghệ thuật trong kịch bản tuồng của Đào Tấn”, Tạp chí Khoa học Đại học Tân Trào, số 4, tr. 42-52 4. Đinh Thị Kim Thương (2016), “Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan, sự phá cách các mẫu hình nhân vật trong tuồng cổ”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12, tr.101-112. 5. Đinh Thị Kim Thương (2016), “Thơ trong kịch bản tuồng của Đào Tấn”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội số 11, tr.61-71. 6. Đinh Thị Kim Thương (2017), “Dấu hiệu tan rã ý thức hệ Nho giáo trong văn bản tuồng của Đào Tấn”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội số 02, tr.57-63. 7. Đinh Thị Kim Thương (2017), “Kịch bản tuồng Đào Tấn trong tiến trình phát triển thể loại kịch bản tuồng trong dòng chảy văn học Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội số 13, tr.88-100. 8. Đinh Thị Kim Thương (2017), “Các mẫu hình nhân vật chính diện trong kịch bản tuồng của Đào Tấn”, Tuyển tập công trình nghiên cứu Ngữ văn học năm 2017, Nxb. Giáo dục, tr.61-70. 9. Đinh Thị Kim Thương (2017), “Sự ảnh hưởng của văn hóa các vùng miền đến tuồng Đào Tấn”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội số 16, tr.61 – 79. 10. Dinh Thi Kim Thuong (2017), “Hue Imperial place – the enviroment for the development of Vietnam classical drama”, HNUE Journal of Science, Volume 62, Issue 5, pp 74 – 82.
- 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Tuồng là một thể loại kịch tự sự - trữ tình phương Đông mang đậm bản sắc dân tộc. Tuy nhiên cho đến nay tuồng mới được chú ý nghiên cứu ở phương diện nghệ thuật biểu diễn. Phương diện kịch bản đã được đề cập đến nhưng không nhiều và chưa có công trình nào đi sâu vào tìm hiểu vấn đề nội dung và nghệ thuật. Vì thế, rất cần có những nghiên cứu khai thác giá trị văn học của kịch bản tuồng. 1.2. Đào Tấn là một tài năng lớn toàn diện, trong đó tiêu biểu nhất là những đóng góp của ông đối với nghệ thuật tuồng. Tuy nhiên cho đến nay, những nghiên cứu về Đào Tấn chưa xứng với tầm vóc di sản ông để lại. Vì vậy, cần có một công trình khảo sát, nghiên cứu một cách hệ thống, để có thể đánh giá kịch bản của “Hậu tổ tuồng” với tư cách là một thể loại văn học trong tiến trình văn học trung đại Việt Nam. Nghiên cứu kịch bản tuồng Đào Tấn giúp chúng ta có cái nhìn bao quát để thấy rõ đặc điểm, chiều hướng vận động, phát triển tư tưởng nghệ thuật của ông qua các thời kì. Đó là cơ sở để khẳng định giá trị sự nghiệp, di sản mà “Hậu tổ tuồng” đã để lại. 1.3. Đào Tấn có vị trí, vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển thể loại tuồng cũng như văn học, văn hóa dân tộc. Nghiên cứu kịch bản tuồng của ông trong tương quan với tuồng cổ, tuồng pho ở giai đoạn trước và tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, tuồng đồ ở giai đoạn sau là một công việc cần thiết giúp chúng ta đánh giá được xu thế vận động phát triển của kịch bản văn học tuồng và vị thế của tuồng Đào Tấn trong văn học Việt Nam trung - cận đại. 1.4. Là một thể loại văn học đặc thù, kịch bản tuồng có sự gắn kết mật thiết với sân khấu truyền thống và văn hóa dân tộc, song lâu nay đây vẫn là khoảng trống trong nội dung giảng dạy các cấp và xa lạ với người học. Với đề tài này, chúng tôi hy vọng có thể bổ sung thêm một nguồn tư liệu tham khảo cho việc giảng dạy, học tập các ngành văn học, văn hóa trong nhà trường, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu Thông qua việc nghiên cứu nội dung và nghệ thuật trong 9 kịch bản tuồng hiện tồn, chúng tôi hướng tới khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp của Đào Tấn đối với nền văn học, văn hóa Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu trên, chúng tôi xác định những nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể sau: - Xác lập luận điểm về một số vấn đề nội dung và nghệ thuật kịch bản tuồng Đào Tấn. - Tìm hiểu cơ sở, tiền đề và những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển thể loại tuồng trong thế kỷ XIX, trong đó có tuồng Đào Tấn. - Khái quát một số phương diện nội dung, nghệ thuật cùng những cách tân trong kịch bản tuồng Đào Tấn nhìn từ xu hướng vận động của thể loại tuồng trong mối tương quan với những thể loại khác. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: một số vấn đề nội dung và nghệ thuật kịch bản tuồng Đào Tấn. - Phạm vi nghiên cứu: + Phạm vi nội dung: Khái quát về nội dung, nghệ thuật kịch bản tuồng Đào Tấn trên các phương diện: tư tưởng - đạo đức - xã hội, quan niệm con người; giá trị hiện thực, nhân đạo; kết
- 2 cấu, nghệ thuật xây dựng nhân vật, văn thể, ngôn ngữ thể hiện từ đó khẳng định giá trị kịch bản tuồng Đào Tấn đối với thể loại tuồng cũng như văn học, văn hóa Việt Nam. + Phạm vi tư liệu: Chúng tôi chọn 9 kịch bản tuồng hiện tồn của Đào Tấn được in trong công trình Đào Tấn, tuồng hát bội, Vũ Ngọc Liễn sưu tầm, khảo dị, chú giải, Nxb. Sân khấu, 2005. 9 kịch bản tuồng chúng tôi khảo sát gồm: - Các kịch bản tuồng do ông chỉnh lý, nhuận sắc: Sơn Hậu (chủ yếu sửa ở Hồi III), Khuê các anh hùng (chỉnh lý từ Hồi II của Tam nữ đồ vương), Đào Phi Phụng (sửa sơ qua, nhất là Hồi IV). - Các kịch bản tuồng do ông sáng tác: Tân Dã đồn, Diễn võ đình, Cổ Thành, Trầm Hương các, Hộ sinh đàn (viết chung với con trai là Đào Nhụy Thạch), Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan (lấy từ hồi II, tuồng Gián thập điều). Theo các nhà nghiên cứu, Đào Tấn sáng tác, chỉnh lý, nhuận sắc hơn 40 kịch bản. Trong luận án này, chúng tôi chọn 9 kịch bản nêu trên vì hầu hết các sáng tác của ông được chia thành ba thời kỳ: khi còn trẻ, khi làm quan dưới thời Tự Đức, khi hai lần làm Tổng đốc An Tĩnh. Cho đến nay, đa số các vở tuồng Đào Tấn phụng sắc viết dưới thời Tự Đức hầu như không còn tìm thấy văn bản được lưu giữ nguyên vẹn, đầy đủ. Ngược lại, các kịch bản tuồng do ông sáng tác và chỉnh lí còn khá đầy đủ, được lưu giữ trong gia đình Đào Tấn, trong các gánh tuồng, và có trong tay một số nhà sưu tầm. Như vậy, di sản tuồng Đào Tấn để lại có 40 kịch mục nhưng thực tế chỉ còn 9 kịch bản tuồng tương đối đầy đủ như đã nêu ở trên. Vì thế, các nghiên cứu về tuồng Đào Tấn hiện nay chỉ có thể dựa vào 9 văn bản này. Hơn nữa, đây là 9 tác phẩm tiêu biểu nhất của Đào Tấn. 4. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài này, chúng tôi chủ yếu sử dụng các phương pháp sau đây: - Phương pháp nghiên cứu theo thể loại - Nghiên cứu văn học từ góc độ thi pháp - Phương pháp tiếp cận liên ngành 5. Đóng góp của luận án - Luận án khảo sát và phân tích 9 kịch bản tuồng hiện tồn trên nhiều phương diện khác nhau để chỉ ra một số vấn đề nội dung và nghệ thuật tiêu biểu của kịch bản tuồng Đào Tấn. - Luận án góp phần khẳng định tài năng và những đóng góp của Đào Tấn trên phương diện văn học. Đặc biệt là vai trò của ông đối với thể loại này cũng như đối với nền văn học, văn hóa Việt Nam. - Luận án chỉ ra những tư tưởng mới, thủ pháp nghệ thuật mới manh nha trong tuồng Đào Tấn mà sẽ được phát triển ở các giai đoạn văn học sau. Nói cách khác, tuồng Đào Tấn chứa đựng một số yếu tố báo hiệu cho sự chuyển mình của phạm trù văn học trung đại sang hiện đại. 6. Cấu trúc luận án Luận án được trình bày thành 04 chương: Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu Chương 2: Tiền đề cơ bản của kịch bản tuồng Đào Tấn Chương 3: Một số vấn đề nội dung kịch bản tuồng Đào Tấn Chương 4: Một số phương diện nghệ thuật kịch bản tuồng Đào Tấn Ngoài ra Luận án còn có phần Phụ lục và các bảng, biểu, sơ đồ.
- 3 NỘI DUNG Chương 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU Chương này giới thuyết các khái niệm liên quan trực tiếp đến cách tiếp cận vấn đề của luận án. Chúng tôi điểm lại một cách khái quát các công trình nghiên cứu văn học, nghệ thuật liên quan đến Đào Tấn, đặc biệt là hướng nghiên cứu tuồng ở phương diện kịch bản văn học. Ở đây, chúng tôi cũng đưa ra các tiền đề lý thuyết làm cơ sở cho việc triển khai nghiên cứu của đề tài. 1.1. Khái quát chung về tuồng 1.1.1. Tuồng trong văn học sử Việt Nam Qua việc khảo sát các bộ văn học sử, giáo trình lịch sử có thể thấy việc thừa nhận hay không thừa nhận vai trò của tuồng trong văn học trung đại Việt Nam vẫn là một vấn đề chưa được thống nhất. Những học giả không đề cập đến kịch bản tuồng trong văn học có thể kể đến Nguyễn Đổng Chi (Việt Nam cổ văn học sử, 1942), Ngô Tất Tố (Việt Nam văn học, 1942) và sau này Lê Văn Siêu (Văn học sử Việt Nam, 2006) cũng chỉ nhắc đến hát nói chứ không đề cập đến tuồng. Đặc biệt, Phạm Thế Ngũ (Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, quyển II – Văn học lịch triều: Việt văn, 1996), khi bàn về các thể loại văn Nôm, ông đã coi hát nói như bước tiến cuối cùng của thể cách văn Nôm. Một số tác giả đã thừa nhận sự tồn tại của tuồng trong văn chương Việt Nam nhưng lại không cho nó một vị trí đáng kể nào khi phân tích tiến trình văn học hay tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu để giới thiệu. Có thể kể đến Phạm Văn Diêu (Văn học Việt Nam, 1960), Nguyễn Văn Sâm (Văn học Nam Hà, 1971)… Nhóm các nhà nghiên cứu quan tâm đến sự tồn tại của tuồng trong lịch sử văn học đầu tiên phải kể đến Dương Quảng Hàm (Việt Nam văn học sử yếu, 1943). Trong sách Sơ khảo lịch sử văn học Việt Nam (Viện văn học, Văn Tân chủ biên, 1960) đã có mục viết về văn chương tuồng hát Tiếp đó, Tổng tập văn học Việt Nam (1993) đã dành riêng 2 quyển số 14A và 14B cho văn chương tuồng hát để giới thiệu một số văn bản tuồng tiêu biểu và sau này được Hoàng Châu Ký gộp lại trong tập 15 – Tuồng cổ. Trong Kịch bản tuồng dân gian (2014), Xuân Yến cũng tuyển chọn và giới thiệu 19 văn bản tuồng dân gian tiêu biểu. Đặc biệt, trong giáo trình Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX, 2004) do Nguyễn Lộc chủ biên đã xếp tuồng hát bội như một thể loại văn học của giai đoạn này và khái quát nguồn gốc quá trình phát triển, nội dung những vở tuồng hát bội tiêu biểu. Trong bối cảnh này, chúng tôi mong muốn từ việc nghiên cứu khai thác một số vấn đề nội dung và nghệ thuật kịch bản tuồng Đào Tấn có thể góp phần vào việc xác lập vị trí của thể loại kịch bản tuồng trong văn chương cổ điển Việt Nam. 1.1.2. Khái niệm “kịch bản tuồng” Từ việc so sánh khái niệm kịch bản tuồng của Hoàng Châu Ký (Tuồng cổ, 1977), Hà Văn Cầu (Mấy vấn đề trong kịch bản Chèo, 1977), Lê Ngọc Cầu (Tuồng hài, 1980),… đặc biệt là quan điểm của Xuân Yến (Những vấn đề thẩm mỹ đạo lý xã hội trong tuồng cổ, 1994) và Nguyễn Tô Lan (Khảo luận về tuồng “Quần phương tập khánh”, 2014), chúng tôi đưa ra khái niệm kịch bản tuồng như sau: Kịch bản tuồng là thành phần ngôn ngữ được cố định trong văn bản, là cơ sở để tổ chức diễn xướng tuồng. 1.1.3. Phân loại kịch bản tuồng Việc phân loại tuồng hiện nay vẫn còn là vấn đề nan giải. Nhiều học giả đã đưa ra những kiến giải khác nhau để phân loại tuồng như Hoàng Châu Ký (sđd), Lê Ngọc Cầu (sđd), Xuân Yến (sđd)… nhưng chưa có một cách phân loại nào thật sự hợp lý và bao quát. Căn cứ vào tính chất của tuồng, coi
- 4 tuồng như một thể loại văn học thời trung đại, chúng tôi xếp tuồng Đào Tấn vào loại tuồng bác học chịu sự chi phối của ý thức hệ Nho giáo và các phạm trù thẩm mỹ thời trung đại. 1.2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu Đào Tấn là một danh nhân văn hóa của dân tộc, cuộc đời và sự nghiệp của ông được nghiên cứu trên nhiều khía cạnh khác nhau. Ở đây, chúng tôi khái quát những nét cơ bản lịch sử nghiên cứu về Đào Tấn trên các phương diện như: tình hình nghiên cứu về Đào Tấn, con người, cuộc đời, thơ, từ, tuồng, lý luận sân khấu... để có thể xem xét một cách tổng thể bức tranh nghiên cứu về “Hậu tổ tuồng” hiện nay. Chúng tôi đặc biệt đi sâu vào khai thác lịch sử nghiên cứu kịch bản tuồng Đào Tấn ở phương diện nội dung và nghệ thuật làm cơ sở triển khai những luận điểm ở phần nội dung của luận án. 1.2.1. Khái quát tình hình nghiên cứu chung về Đào Tấn Đào Tấn bắt đầu được nghiên cứu từ đầu thế kỷ XX với các bài viết của Đoàn Nồng (Hát bộ, 1941), Huỳnh Lý (Đào Tấn, 1942)… với sự ghi nhận ban đầu ông là “nhà soạn tuồng tiêu biểu nhất” và “nhà soạn tuồng xuất sắc hàng đầu ở thế kỷ XIX”, song những đánh giá đó còn mang tính chủ quan và chưa có những cứ liệu thật thuyết phục. Từ năm 1960, các tư liệu về Đào Tấn bắt đầu được sưu tầm và khơi mở nhiều vấn đề về cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông. Có thể kể đến các bài viết của Quách Tấn (Tiểu sử, Sự nghiệp thơ văn Đào Tấn, Lành Mạnh số 48, 49, 50; 1960), Mịch Quang (Đào Tấn – Nhà soạn tuồng kiệt xuất, 1963), Đào Nhữ Tuyên (Tiểu sử cụ Đào Tấn, Nghiên cứu Việt Nam số 1/1966) … Nhìn chung, do đất nước bị chia cắt, nguồn tư liệu ít ỏi nên những bài về Đào Tấn trước 1975 còn tản mát và mang tính chất giới thiệu, cảm thụ nhiều hơn là công trình nghiên cứu khoa học. Từ năm 1975 trở lại đây, Đào Tấn được quan tâm nghiên cứu trên nhiều phương diện. Năm 1977, Hội thảo khoa học Đào Tấn – Con người và sự nghiệp lần đầu tiên được tổ chức tại Quy Nhơn. Hội thảo này đã “vỡ hoang” cho sự nghiệp nghiên cứu về Đào Tấn. Tại đây, những vấn đề về cuộc đời và sự nghiệp của Đào Tấn bắt đầu được khơi mở, tài năng và cống hiến của Đào Tấn cho nền văn học, văn hóa dân tộc được các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Các vấn đề về văn học kịch (kịch bản tuồng, ngôn ngữ, nhân vật....) đã được đề cập đến song còn nhiều vấn đề về tư tưởng yêu nước, quan điểm sáng tác, phong cách nghệ thuật tuồng Đào Tấn... chưa được bàn sâu. Hội thảo Đào Tấn lần thứ hai, được tổ chức tại Quy Nhơn năm 1981 nhằm làm rõ những vấn đề tư tưởng chính trị của Đào Tấn và các nội dung xoay quanh vấn đề văn bản học của tập Hý trường tùy bút. Nhưng cho đến nay, nguồn gốc của Hý trường tùy bút vẫn còn là vấn đề tranh luận của học giới. Các hội thảo lần thứ ba (1988), lần thứ tư (2000), lần thứ năm (2010) và lần thứ 6 (2015) đã bổ sung tư liệu và làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến văn bản học và phong cách nghệ thuật Đào Tấn. Bên cạnh các hội thảo, cho đến nay, nhiều công trình nghiên cứu, giới thiệu về Đào Tấn đã được xuất bản và công bố như: Đào Tấn - Nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc (Kỷ yếu hội thảo, 1977), Hý trường tùy bút (1981), Kịch bản tuồng Đào Tấn (2 tập – 1984), Thư mục Tư liệu về Đào Tấn (1985), Tang sự tích biên (2001), Tuyển tập tuồng của Đào Tấn (2000), Mai Viên cố sự (chuyện về Đào Tấn) (2005), Đào Tấn – Thơ và Từ (1987), tái bản năm 2003; Đào Tấn – Tuồng hát bội (2005), Đào Tấn – Qua thư tịch (2006), Đào Tấn – Trăm năm nhìn lại (2008), Đào Tấn và hát bội Bình Định (2008), Công trình Nghiên cứu tổng hợp những giá trị nghệ thuật của Đào Tấn (2009), Đào Tấn với vở tuồng Trầm Hương các (2009), Thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn (2015).
- 5 Như vậy, qua 6 hội thảo và 14 công trình được công bố, những vấn đề về cuộc đời, sự nghiệp, thơ, từ và tuồng đã được gợi mở và khai thác ở những mức độ khác nhau. Mặc dù không ít bài viết nghiên cứu về tuồng nhưng chưa có công trình nào khảo sát đầy đủ 9 tuồng bản tiêu biểu của ông và tiếp cận ở phương diện nội dung, nghệ thuật như một thể loại văn học. 1.2.2. Những nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Đào Tấn Cuộc đời và sự nghiệp của Đào Tấn là vấn đề được nghiên cứu từ rất sớm bởi các học giả như Quách Tấn (sđd), Mịch Quang (sđd), Đào Nhữ Tuyên (sđd) , Lê Ngọc Cầu (Chung quanh bức chân dung cụ Đào, Kỷ yếu hội thảo, 1977), Mạc Như Tòng (Những điều nghe biết về Đào Tấn, 1977), Xuân Diệu (Tìm hiểu Đào Tấn, 1977), Hoàng Châu Ký (Cái lớn của Đào Tấn, 1977), Vũ Khiêu (Đào Tấn với quê hương ngày xưa và hôm nay, 1977), Hoàng Chương (Đào Tấn – Danh nhân văn hóa, dân tộc in trong Đào Tấn – Trăm năm nhìn lại, 2008), Sơn Tùng (Đào Tấn và gia đình Hồ Chí Minh, 2008), ... và nhiều tác giả khác. Bằng những lăng kính và cách tiếp cận khác nhau, nhưng các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định những nội dung về cuộc đời, sự nghiệp Đào Tấn như sau: - Đào Tấn là một nhà Nho truyền thống. - Đào Tấn là một “ông quan tuồng”. - Đào Tấn có vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam. Bên cạnh xu thế khẳng định và ngợi ca Đào Tấn, một số tác gia đưa ra một vài vấn đề còn hoài nghi về cuộc đời và các sáng tác của Đào Tấn như Nguyễn Huệ Chi, Cao Tự Thanh... Qua việc nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp Đào Tấn, có thể khẳng định nhân cách và những cống hiến to lớn của ông cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Vì vậy, việc nghiên cứu di sản Đào Tấn để lại, đặc biệt kịch bản tuồng là hết sức cần thiết và ý nghĩa. 1.2.3. Những nghiên cứu về thơ và từ Đào Tấn Cùng với tuồng, thơ và từ cũng là mảng di sản đặc sắc của Đào Tấn được nhiều học giả quan tâm. Có thể kể đến các học giả Đặng Thai Mai, Nguyễn Huệ Chi, Xuân Diệu, Trường Lưu, Nguyễn Thế Khoa, Thanh Thảo, Vũ Thanh… Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng “thơ là nhật ký tâm hồn” của cụ Đào, là nơi chứa đựng nỗi lòng thầm kín, ưu thời mẫn thế và sự u uất đến cùng cực của Đào Tấn… Tuy nhiên, theo Trần Nghĩa, Phạm Văn Ánh, vấn về văn bản của một số bài thơ và từ trong Mộng Mai từ lục cần phải xem xét lại và người nghiên cứu cần thận trọng vấn đề văn bản khi nghiên cứu tập thơ này. Chúng tôi không đi sâu vào khảo sát lịch sử nghiên cứu thơ và từ Đào Tấn mà chỉ khái quát những nét cơ bản làm cơ sở so sánh, đối chiếu để giải mã những đặc điểm thơ trong tuồng cũng như đánh giá những giá trị ngôn ngữ văn chương tuồng của ông. 1.2.4. Những nghiên cứu về tuồng Đào Tấn Tuồng là nghệ thuật tổng hợp bao gồm nhiều phương diện trong đó hai phương diện chính là nghệ thuật biểu diễn và kịch bản văn học. Các nghiên cứu về tuồng Đào Tấn cũng tập trung vào hai hướng này. 1.2.4.1. Những nghiên cứu về nghệ thuật biểu diễn (sân khấu) Được tôn vinh là “Hậu tổ tuồng”, Đào Tấn đặc biệt thu hút quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà văn hóa, các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên… Có thể kể đến các bài viết như Đào Tấn – nhà cách tân sân khấu tuồng (Hoàng Chương, 1978); Niềm vui lớn (Nguyễn Lai, 1978); Đào Tấn – niềm tự hào của nền ca kịch cổ điển truyền thống Việt Nam (Hồ Đắc Bích, Văn nghệ Nghĩa Bình số 6/1981);Vị trí lịch
- 6 sử Đào Tấn trong nền nghệ thuật sân khấu nước ta (Vũ Ngọc Liễn, Đào Tấn qua thư tịch, 2006), Cần đánh giá đúng tinh hoa nghệ thuật tuồng Đào Tấn (Phan Xuân Hoàng, 2008), Đặc điểm tinh hoa nghệ thuật tuồng Đào Tấn (Hoàng Chương, 2008); Khai thác di sản văn hóa Đào Tấn (Nguyễn Nam Khánh, 2008), Trường phái nghệ thuật tuồng Đào Tấn (Trường Lưu, 2008), ... Các nghiên cứu trên tập trung vào các vấn đề như: biên kịch, nghệ thuật biểu diễn và dàn dựng, lý luận - phê bình sân khấu và chỉ ra đặc trưng phong cách cũng như những cống hiến, đóng góp của ông cho nghệ thuật sân khấu dân tộc. Đáng chú ý là các nghiên cứu xoay quanh Hý trường tùy bút. Bên cạnh những nhà nghiên cứu khẳng định và tôn vinh giá trị của tập phê bình, lý luận sân khấu này, có các bài viết của Hồ Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Trần Văn Tích, Vũ Ngọc Liễn đặt ra vấn đề về nguồn gốc của tập bản thảo này không đáng tin cậy. Vì thế, cho đến nay, nguồn gốc của Hý trường tùy bút vẫn còn là vấn đề chưa thống nhất trong học giới. Tuy nhiên, bằng chính những sáng tác tuồng của mình, Đào Tấn đã đưa ra hệ thống quan điểm về lý luận sân khấu một cách rõ ràng nhất. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các học giả đi trước, luận án sẽ khái quát những vấn đề lý luận về nội dung và nghệ thuật tuồng bản của tác giả họ Đào. Có thể nói, Đào Tấn am tường sâu sắc tất cả các phương diện của nghệ thuật tuồng. Đó là tiền đề để ông có thể viết ra những kiệt tác có giá trị lớn đối với cả nền văn học và nghệ thuật Việt Nam. Khảo sát các nghiên cứu về nghệ thuật biểu diễn tuồng Đào Tấn là cơ sở cho chúng tôi lý giải những vấn đề nghệ thuật kịch bản tuồng Đào Tấn. 1.2.4.2. Những nghiên cứu về kịch bản văn học Nhìn nhận kịch bản tuồng như một bộ phận của nghệ thuật tuồng, các nhà nghiên cứu đã dành nhiều tâm huyết để khai thác các giá trị trên bình diện văn học của tuồng Đào Tấn. Có thể kể đến những nghiên cứu tiêu biểu như: Vài suy nghĩ về cách viết văn tuồng của Đào Tấn (Tống Phước Phổ, 1977); Đào Tấn qua thơ, từ và kịch bản tuồng (Hồ Đắc Bích, 1977); Tuồng và Đào Tấn (Lưu Trọng Lư, Văn hóa Nghĩa Bình số 6/1984); Sức sống của kịch bản tuồng Đào Tấn (Nguyễn Đức Lộc, 2006); Tác phẩm Đào Tấn và không gian liên văn hóa (Hồ Sĩ Vịnh, 2008); Quan điểm “Đạo” trong mối quan hệ thi pháp Đào Tấn (Trường Lưu, 2008); Đào Tấn – Sự từ bỏ một đề tài (Nguyễn Tất Thắng, 2008), Dấu ấn thời đại trong tuồng Đào Tấn (Văn Sử, 2008); Thi pháp kết cấu kịch bản tuồng Đào Tấn (Nguyễn Khoa Linh, 2008); Kịch bản tuồng Đào Tấn (Nguyễn Thế Khoa, 2008), ... Các học giả này tập trung vào một số vấn đề sau: Về vấn đề văn bản: nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ nhiều năm tìm kiếm, sưu tầm, khảo dị, hiệu đính để tìm được văn bản tuồng gần nhất với phong cách Đào Tấn. Hiện nay, 9 kịch bản tuồng chúng tôi khảo sát đều xác định được nguồn gốc văn bản đáng tin cậy. Đó là cơ sở ngữ liệu để chúng tôi khai thác giá trị văn học của tuồng Đào Tấn. Lịch sử văn bản được chúng tôi tổng hợp trong Phụ lục 4 của luận án. Về vấn đề nội dung: Nội dung của kịch bản tuồng Đào Tấn được các học giả tiếp cận nghiên cứu trên các phương diện: đề tài, tư tưởng; hình tượng nhân vật; giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm. Về đề tài, tư tưởng: Đáng chú có các bài viết Cái lớn của Đào Tấn (Hoàng Châu Ký, sđd), Đào Tấn – nhà cách tân sân khấu tuồng (Hoàng Chương, sđd), Sức sống kịch bản tuồng Đào Tấn (Nguyễn Đức Lộc, 1977), “Ra đi” như một phẩm chất nghệ thuật và như một dấu ấn tư tưởng của Đào Tấn
- 7 (Phan Trọng Thưởng, Nghiên cứu Văn học số 5/1991)...; đặc biệt là hai bài viết Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan – bước ngoặt tư tưởng của Đào Tấn (Vũ Ngọc Liễn, 2006) và Đào Tấn – sự từ bỏ một đề tài (Tất Thắng, 2008). Hầu hết các nhà nghiên cứu đều nhận định sự chuyển biến ý thức hệ Nho giáo là điểm nổi bật trong tư tưởng Đào Tấn. Theo Tất Thắng: “Đào Tấn lớn ở chỗ chính ông đã phá vỡ đề tài quân quốc, cái đề tài từng đưa tuồng đến chỗ cực thịnh”. Vũ Ngọc Liễn cho đó là “bước ngoặt tư tưởng” là cuộc cách mạng vĩ đại trong nhận thức của Đào Tấn. Các nghiên cứu trên là cơ sở để chúng tôi khái quát lên những đặc điểm chung về đề tài tư tưởng trong tuồng của Đào Tấn, đồng thời gợi mở những phát hiện mới trong quá trình biến đổi nhận thức, tư tưởng của ông qua các thời kỳ. Về hình tượng nhân vật: Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thống nhất nhận định, cũng như tuồng cổ, tuồng Đào Tấn là “sân khấu của những người anh hùng”. Hình tượng người anh hùng là hình tượng chủ đạo xuyên suốt các tác phẩm của ông. Tuy nhiên, đó là những người anh hùng với bản chất nông dân. Bên cạnh đó, Phan Trọng Thưởng còn chỉ ra kiểu nhân vật “ra đi” trong tuồng Đào Tấn. Về giá trị hiện thực và nhân đạo: Các nhà nghiên cứu đều khẳng định giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc trong các kịch bản tuồng của Đào Tấn. Đáng chú ý là các bài viết Dấu ấn thời đại trong tuồng Đào Tấn (Văn Sử, 2008), Tác phẩm Đào Tấn – không gian liên văn hóa (Hồ Sĩ Vịnh, 2008),... Coi mỗi tác phẩm là một mảnh ghép của bức tranh hiện thực xã hội đương thời, trong bài viết Kịch bản tuồng Đào Tấn (2008), Nguyễn Thế Khoa khái quát nội dung của từng văn bản: “Tân Dã đồn – chữ hiếu nặng hơn chữ trung”, “Cổ Thành – Bản án về thuyết quyền biến và một Trương Phi Việt Nam” , “Trầm Hương các – Yêu ma nhập triều và quyết tâm trừ diệt quỷ ma”, “Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan – Lời khai tử một chữ Trung”, “Diễn võ đình – Một câu hỏi lớn và một cái kết lửng”, “Hộ sinh đàn – Kiệt tác muôn đời”. Qua đó tác giả nhận định: “Nếu thơ và từ được coi như nhật ký tâm hồn của Đào Tấn, ông dành riêng nó cho mình và bằng hữu, thì ông đã dành tuồng hát, phần sáng tạo vĩ đại nhất, nơi hội tụ tất cả tinh hoa, tình yêu, trí tuệ và tài năng của mình cho nhân dân còn lầm than, đất nước đang bị nô lệ”. Đi trực tiếp vào khai thác giá trị hiện thực và nhân đạo trong tuồng Đào Tấn, Bùi Hoàng Oánh trong bài viết Đào Tấn với sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng ở Việt Nam (2008) nhận định: “Hầu hết các tác phẩm tuồng của Đào Tấn đều xuất phát từ các điểm nóng của cuộc đời”. Tác giả cũng khẳng định cái lớn của Đào Tấn chính là tình thương. Vì chính tình cảm da diết đó mà các vở tuồng của ông đều mang một sự day dứt sâu đậm đối với cuộc đời. Do hạn chế của việc vận dụng cứng nhắc thế giới quan Mác xít vào nghiên cứu ở giai đoạn những năm trước Đổi mới nên việc sử dụng yếu tố tâm linh như một phương tiện thể hiện giá trị nhân đạo trong tuồng Đào Tấn còn là vấn đề tranh luận của nhiều học giả. Với cách tiếp cận từ góc nhìn văn hóa và nhân văn, chúng tôi sẽ luận giải rõ hơn về vấn đề này trong Chương 3 và Chương 4 của luận án. Có thể thấy, vấn đề hiện thực và nhân đạo trong tuồng Đào Tấn đã được các nhà nghiên cứu đề cập đến trong các bài viết của mình. Tuy nhiên, giá trị hiện thực thường được các tác giả quy đồng với hiện thực lịch sử Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX; giá trị nhân đạo mới được khai thác những phương diện mang tính phổ quát chứ chưa tiếp cận sâu sắc ở góc độ nhân sinh. Yếu tố tâm linh, yếu tố kỳ ảo chưa được đánh giá một cách xác đáng. Kế thừa và phát triển thành tựu của các học giả đi trước, luận án sẽ luận giải cụ thể hơn về những tồn tại trong nghiên cứu về giá trị hiện thực, nhân đạo của tuồng bản Đào Tấn.
- 8 Về vấn đề nghệ thuật: Các nhà nghiên cứu đánh giá cao văn chương tuồng Đào Tấn, đặc biệt là khả năng viết thơ tuồng của ông. Ông cũng có những cách tân lớn về kết cấu, bố cục như rút tuồng 3 hồi còn 1 hồi, nghệ thuật xây dựng nhân vật, phương thức cấu trúc tác phẩm… Về những cách tân nghệ thuật của của Đào Tấn, đáng chú ý là bài viết của Hoàng Chương và Hoàng Châu Ký. Trong tiểu luận Cái lớn của Đào Tấn, Hoàng Châu Ký đánh giá những cách tân nghệ thuật của Đào Tấn ở các phương diện quan niệm sáng tác và phương pháp sáng tác: “Ông đã phá vỡ quan điểm “văn dĩ tải đạo” vốn in dấu đậm từ lâu đời trong kịch bản tuồng. Đào Tấn không viết tác phẩm văn học đơn thuần mà nâng văn học tuồng lên trình độ bác học. Đào Tấn lớn và trường tồn ở chỗ ông sáng tạo được một phương pháp sáng tác mới, phương pháp này vừa kế thừa vốn cổ, vừa phát triển cái mới”. Hoàng Chương trong Đào Tấn - nhà cách tân sân khấu tuồng cũng khẳng định: Đào Tấn đã mạnh dạn cách tân tuồng từ phương pháp sáng tác đến cách xử lý nghệ thuật biểu diễn. Đào Tấn đã hiện đại hóa sân khấu tuồng từ cấu trúc kịch bản đến xây dựng hình tượng và ngôn ngữ. Phá bỏ công thức “vua băng nịnh tiếm”, giết nịnh định đô và không theo lối kết thúc có hậu của tuồng cổ. Ông đã đưa một quan niệm mới vào sân khấu tuồng là đề cao người phụ nữ, đề cao hành động của những người mà giai cấp phong kiến cho là giặc cỏ. Kịch bản tuồng của ông đều xây dựng trên hai tuyến xung đột căng thẳng và chất trữ tình thiết tha, hai tuyến ấy luôn quyện vào nhau, tạo sự hài hòa và hấp dẫn liên tục. Nhìn chung, các nghiên cứu về vấn đề nghệ thuật kịch bản tuồng Đào Tấn đã làm sáng tỏ được một số nội dung liên quan đến nghệ thuật xây dựng nhân vật, bố cục, kết cấu, ngôn ngữ văn học tuồng. Tuy nhiên các yếu tố đặc trưng của kết cấu, ngôn ngữ tuồng như cốt truyện, các thể, thể loại chưa được đề cập đến và luận giải một cách sâu sắc. Đặc biệt, nghiên cứu không gian, thời gian nghệ thuật trong kịch bản tuồng Đào Tấn là vấn đề còn bỏ ngỏ khi xem xét tuồng như một tác phẩm văn học. Những vấn đề này sẽ được phân tích cụ thể trong Chương 4 của luận án. Như vậy, có thể thấy, Đào Tấn đã được tìm hiểu nghiên cứu hơn 100 năm nay ở nhiều góc độ khác nhau. Những nghiên cứu đó đã gợi mở cho chúng tôi nhiều ý tưởng để thực hiện đề tài này. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới dừng lại ở quy mô những bài báo, tham luận và chưa được soi chiếu bởi một hệ tiêu chí đồng đẳng, thống nhất. Do vậy, nhiều khía cạnh tiêu biểu, thú vị trong nội dung và nghệ thuật tuồng Đào Tấn chưa được đề cập đến hoặc chưa được luận giải một cách thuyết phục. Thực hiện đề tài này, chúng tôi hy vọng có một công trình chuyên sâu nghiên cứu những giá trị văn học của kịch bản tuồng Đào Tấn và đặt chúng vào quá trình phát triển thể loại tuồng trong dòng chảy văn học Việt Nam. 1.3. Cơ sở lý thuyết 1.3.1. Lý thuyết thể loại Như đã nói ở trên, các nhà văn học sử đã phần nào đề cập đến tuồng như một thể loại của văn học cổ điển Việt Nam nhưng chưa đi sâu vào nghiên cứu bản chất thể loại của tuồng. Các tác giả Phan Kế Bính (Việt Hán văn khảo, 1970), Dương Quảng Hàm (Việt Nam văn học sử yếu, 1943), Bùi Kỷ (Quốc văn cụ thể, 1956) đã mô tả khái quát thể loại tuồng nhưng chưa thật rõ nét. Sau này Trần Đình Hượu có gián tiếp đề cập đến đặc trưng của tuồng qua so sánh với truyện Nôm (Trần Đình Hượu tuyển tập, 2007, tr.127). Dựa trên những kết quả nghiên cứu đó, chúng tôi xác lập thể loại của tuồng trên các phương diện: - Về thể tài: Tuồng thuộc thể tài bi hùng kịch phương Đông.
- 9 - Đề tài, nội dung tư tưởng: Lấy Nho giáo làm nền tảng tư tưởng, “quân quốc” là đề tài lớn nhất của tuồng. - Về kết cấu,cốt truyện: Tuồng thường gồm 3 hồi và kết cấu theo trật tự thời gian tuyến tính. Cốt truyện tuồng gồm 2 loại chính: cải biên và độc sáng. - Nhân vật: nhân vật cung đình, được chia thành hai tuyến đối lập (chính diện và phản diện). Nhân vật tuồng thuộc loại hình “nhân vật mặt nạ”, nhân vật ít có sự chuyển biến trong tác phẩm, yếu tố tác động của hoàn cảnh đến tâm trạng, nội tâm ít được đề cập đến. - Văn thể: Tuồng là loại kịch thơ hợp thể gồm văn xuôi trong lời hường, biền văn trong nói lối và thơ trong các điệu hát. Xét về nguồn gốc, tuồng được hợp thành bởi Hán văn thể và Việt văn thể. - Tính tuồng: Tính ước lệ - cách điệu, tính cô đọng – hàm súc, tính tiết điệu – nhạc điệu. 1.3.2. Nghiên cứu kịch bản tuồng từ góc nhìn văn hóa Xu hướng nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa được nhiều học giả thế giới và trong nước sử dụng từ nhiều năm qua, có thể kể đến như H. Taine, Charles Augustin Sainte Beuve, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Cao Huy Đỉnh, Trần Đình Hượu, Trần Lê Bảo, Trần Nho Thìn... Cách tiếp cận nghiên cứu này theo hướng nghiên cứu đa ngành. Nó đòi hỏi sự hỗ trợ của các ngành khoa học liên quan như Sử học, Dân tộc học, Xã hội học... Đối với tuồng, nghiên cứu kịch bản không thể tách rời các yếu tố của nghệ thuật biểu diễn như hóa trang, âm nhạc, vũ đạo, sân khấu...Vì vậy, tiếp cận nhiên cứu kịch bản tuồng dưới góc nhìn văn hóa sẽ cho chúng ta thấy đầy đủ hơn diện mạo của văn học tuồng. Tiểu kết Chương 1: Mặc dù xuất hiện từ sớm và có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, văn học Việt Nam thời Nguyễn nhưng kịch bản tuồng chưa được nhìn nhận như một thể loại của giai đoạn văn học này. Qua việc khảo sát lịch sử nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, đặc biệt nghiên cứu tuồng Đào Tấn dưới góc nhìn thể loại và văn hóa học, Luận án sẽ chỉ ra một số vấn đề nội dung và nghệ thuật trong tuồng bản của ông ở những chương sau. Chương 2: TIỀN ĐỀ CƠ BẢN CỦA KỊCH BẢN TUỒNG ĐÀO TẤN Nghiên cứu kịch bản tuồng Đào Tấn trước hết phải đặt nó trong môi trường phát triển và dòng chảy văn học dân tộc. Ở chương này, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ tái hiện lại bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa chi phối sự phát triển của thể loại tuồng trong đó có tuồng Đào Tấn. Đó là cơ sở để lý giải những vấn đề về nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa kịch bản tuồng của tác giả này đối với nền văn hóa, văn học Việt Nam. 2.1. Những tiền đề lịch sử, xã hội 2.1.1. Đào Tấn và thời đại “khổ nhục nhưng vĩ đại” Đào Tấn, tự Chỉ Thúc, hiệu Tô Giang và Mộng Mai. Khi đi tu tại chùa Núi Ông, ông còn có hiệu là Tiểu Linh Phong hoặc Mai Tăng. Ông sinh ngày 17 tháng 2 năm 1845 và mất ngày rằm tháng 7 năm 1907. Thời đại Đào Tấn sống là một trong những thời kỳ “khổ nhục nhưng vĩ đại” của lịch sử dân tộc. Sự kiện trung tâm của giai đoạn này là sự xâm lược của thực dân Pháp và cuộc chiến đấu chống xâm lược của nhân dân ta. Triều đình Nguyễn rối loạn và không còn khả năng bảo vệ đất nước. Khởi nghĩa của nông dân và phong trào yêu nước diễn ra khắp mọi nơi nhưng cuối cùng bị nhấn chìm trong bể máu. Thực dân Pháp hoàn tất quá trình xâm lược, ổn định nền cai trị ở nước ta và tiến hành khai thác thuộc địa. 2.1.2. Sự tan rã ý thức hệ Nho giáo và sự phân hóa tư tưởng trong tầng lớp Nho sĩ
- 10 Sau gần mười thế kỉ thịnh trị, đến thế kỉ XVIII, nhà Nguyễn tiếp tục chọn Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống để trị quốc. Nhiều chính sách chấn hưng Nho giáo theo hướng Tống Nho được thi hành đưa Nho giáo lên vị trí thống trị mọi mặt trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, đến cuối đời Tự Đức, tình hình chính trị của đất nước có những biến đổi mạnh mẽ và sâu sắc, gây ảnh hưởng trực tiếp đến Nho giáo. Đặc biệt là sự xâm lược của thực dân Pháp và sự du nhập của văn hóa phương Tây tác động mạnh mẽ lên mọi mặt đời sống xã hội. Những hạn chế cố hữu trong ý thức hệ Nho giáo trở thành rào cản khiến Nho giáo không thể tự đổi mới và nhanh chóng sụp đổ. Đứng trước tình hình đó, Nho sĩ bị phân hóa theo nhiều luồng tư tưởng khác nhau, trong đó nổi bật nhất là hai phái thủ cựu và canh tân. 2.2. Tiền đề văn hóa, văn học 2.2.1. Chính sách phát triển tuồng của nhà Nguyễn và diện mạo tuồng qua các thời kỳ 2.2.1.1. Giai đoạn các chúa Nguyễn (1558 – 1777) Tuồng ra đời từ rất sớm nhưng không được triều đình phong kiến ủng hộ, thậm chí là bài xích. Đến thế kỉ XVI, với vai trò của Đào Duy Từ và chính sách phát triển nghệ thuật của các chúa ở Đàng Trong, tuồng bắt đầu được định hình như một thể loại văn học cung đình. Giai đoạn này xuất hiện khá nhiều kịch bản tuồng cổ nổi tiếng như Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Tam nữ đồ vương, Triệu Đình Long, Lý Thiên Long... song hầu hết đều là những kịch bản khuyết danh. Các vở tuồng này đều lấy đề tài “quân quốc” là trung tâm với tư tưởng chủ đạo là “phò Lê diệt Trịnh”. Tuồng được kết cấu thành ba hồi, hồi một giao đãi tình hình và giới thiệu nhân vật khá dài và rườm rà. Văn chương kịch bản tuồng thời kỳ này còn đơn giản, nhiều khẩu ngữ và chủ yếu là các câu văn Nôm. 2.2.1.2. Giai đoạn các vua Nguyễn (1802 – 1945) Dưới thời các vị vua triều Nguyễn, đặc biệt là Minh Mạng và Tự Đức, tuồng được ưu tiên và phát triển rực rỡ với sự ra đời của các cơ quan chuyên trách và cơ sở biểu diễn tuồng như Ban Hiệu thư, Viện Việt Tường, Thự Thanh Bình, Học Bộ Đình, Như Thị Quan… Đến cuối thế kỷ XIX, đội ngũ sáng tác và biểu diễn trong cung đình đã khá đông mà tiêu biểu nhất là Đào Tấn. Kịch bản tuồng thời Minh Mệnh đã có những tiến bộ đáng kể so với giai đoạn trước. Nhưng phải đến thời Tự Đức, tuồng mới đạt đến đỉnh cao của thể loại. Hàng trăm vở tuồng hay nối tiếp nhau xuất hiện, trong đó có tới vài ba chục vở là của Đào Tấn, mà đến hôm nay nó trở thành những viên ngọc quý của nghệ thuật tuồng như Diễn võ đình, Trầm Hương các, Hộ sinh đàn, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan... và cao hơn nữa là những vở tuồng dài tới 100 hồi như Vạn Bửu trình tường, Quần trân hiến thụy với kết cấu kịch liên hoàn hấp dẫn, văn chương tuyệt mỹ, nhân vật sống động. Bên cạnh đó, dòng tuồng ngoài cung đình cũng phát triển mạnh mẽ và trở thành món ăn tinh thần cho nhân dân các tỉnh miền trong. Có thể nói, với những chính sách phát triển tuồng của nhà Nguyễn, tuồng thế kỷ XIX đã có diện mạo mới. Đó là môi trường thuận lợi cho các nhà soạn kịch phát huy tài năng, trong đó có Đào Tấn. 2.2.2. Văn học tuồng trong bối cảnh văn học nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX Tuồng xuất hiện từ thời Trần nhưng đến nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX mới được định hình và phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, tuồng cơ bản được kế thừa những thành tựu văn học của gần tám thế kỷ với truyền thống về văn học dân gian, văn học bác học, về văn chương chữ Hán cũng như văn chương chữ Nôm. Đặc biệt ở thời kỳ này, văn học có sự phát triển vượt bậc về cả số lượng và chất lượng, trên tất cả các phương diện thể loại, tác gia, tác phẩm, ở cả bộ phận văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Đó là nền tảng vững chắc cho tuồng có những thành tựu rực rỡ trong giai đoạn này. 2.2.3. Sự ảnh hưởng văn hóa các vùng miền Cuộc đời Đào Tấn là cuộc đời “tha hương” như chính những nhân vật trong tuồng của ông. Sinh ra và lớn lên ở quê hương Bình Định nhưng suốt 30 năm làm quan, ông sống ở nhiều địa phương khác
- 11 nhau trong cả nước, trong đó có hai địa phương ông gắn bó lâu nhất là Huế (18 năm) và An Tĩnh (10 năm). Chính vì vậy bản sắc văn hóa các địa phương này in dấu ấn đậm nét trong các vở tuồng của ông. 2.3. Cuộc đời và con người Đào Tấn 2.3.1. Đào Tấn – Cuộc đời làm quan Đào Tấn sinh ra và lớn lên tại Bình Định và là con thứ ba trong một gia đình nông dân. Từ nhỏ ông đã thông minh dĩnh ngộ và đặc biệt yêu thích tuồng. Ông theo học cụ Nguyễn Diêu, một nhà Nho thông thạo cả Hán văn, Pháp văn và là một nhà soạn tuồng tài ba. Đào Tấn viết vở tuồng đầu tiên khi còn rất trẻ (vở Tân Dã đồn). Ông đỗ cử nhân năm 22 tuổi nhưng không ra làm quan luôn mà tiếp tục theo đuổi văn chương và hát bội. Đến năm 26 tuổi, ông làm quan trong Hiệu thơ nội các và thăng tiến rất nhanh với các chức vụ: Tri phủ Quảng Trạch, Hồng Lô tự khanh, Phủ doãn Phủ Thừa Thiên… Khi thực dân Pháp xâm lược, ông cáo quan về quê tu ở chùa Núi Ông hai năm. Sau đó, ông trở lại làm Phủ doãn phủ Thừa Thiên, Thượng thư bộ Hộ, bộ Hình, bộ Công, Tổng đốc An Tĩnh, Tổng đốc Nam Ngãi… Sau khi Thành Thái bị đi đày, ông xin về quê nghỉ hưu và mất hai năm sau đó. Nhìn chung, Đào Tấn là một ông quan được “trọng dụng” trong triều Nguyễn. Nhưng ông lại là người thường chê trách, miệt thị chốn quan trường trong các sáng tác của ông. Ông cũng có nhiều tâm sự riêng và nhiều lần giúp đỡ các trí sĩ như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Có thể khẳng định, mặc dù không trực tiếp tham gia các phong trào yêu nước nhưng Đào Tấn vẫn có vai trò, vị trí nhất định trong lịch sử Việt Nam cận đại. Niên biểu cuộc đời và sự nghiệp của Đào Tấn được chúng tôi tổng hợp trong Phụ lục 3 của Luận án. 2.3.2. Đào Tấn – Sự nghiệp viết tuồng Trong lịch sử phát triển của thể loại tuồng, nếu Đào Duy Từ là người có công định hình thì Đào Tấn chính là người hoàn thiện và phát triển tuồng. Ông là một trong những người đầu tiên đào tạo sân khấu một cách có tổ chức và chuyên nghiệp. Ông đưa ra các quan điểm lý luận và phê bình sân khấu làm cơ sở cho chỉ đạo sáng tác và biểu diễn tuồng. Tinh hoa cuộc đời ông cống hiến hết cho tuồng. Ông tham gia nhuận sắc nhiều vở tuồng cổ và sáng tác nhiều vở tuồng xứng hàng kiệt tác như Hộ sinh đàn, Diễn võ đình, Trầm Hương các… Với những cống hiến to lớn đó, ông được Nguyễn Hiển Dĩnh suy tôn là “Trạng nguyên văn tuồng”, người đời sau trân trọng gọi ông là “Hậu tổ tuồng”. Tiểu kết Chương 2: Như vậy, những tiền đề về lịch sử xã hội, văn hóa văn học kết hợp với con người, tài năng và niềm đam mê tâm huyết với nghệ thuật tuồng của Đào Tấn trở thành điều kiện cần và đủ để kết tinh nên giá trị đặc biệt cho kịch bản tuồng của ông. Chương 3: MỘT SỐ VẤN ĐỀ NỘI DUNG KỊCH BẢN TUỒNG ĐÀO TẤN Nội dung tác phẩm văn học là tổng hòa các yếu tố và quá trình nội tại làm nên tác phẩm. Nó chịu sự chi phối của ý thức hệ, cách nhìn nhận về con người, cách nhận diện - phản ánh hiện thực... và được biểu hiện qua đề tài, chủ đề, hình tượng, cảm hứng, hệ thống các giá trị, ý nghĩa... Vì vậy, chúng tôi xem xét những vấn đề nội dung kịch bản tuồng Đào Tấn trên ba phương diện chính: tư tưởng - đạo đức - xã hội; quan niệm về con người; giá trị hiện thực và nhân đạo. 3.1. Những vấn đề tư tưởng, đạo đức, xã hội 3.1.1. Dấu hiệu suy thoái ý thức hệ Nho giáo Tuồng là một thể loại văn học do các nhà Nho sáng tác nên chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý thức hệ Nho giáo. Qua khảo sát có thể thấy, những sáng tác tuồng của Đào Tấn về cơ bản vẫn lấy Nho giáo làm nền tảng tư tưởng và hướng tới xây dựng hình tượng những người anh hùng trung nghĩa, tiết liệt, đề cao các phẩm chất Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Tuy nhiên, trong một số
- 12 tác phẩm ở giai đoạn sau, bắt đầu có dấu hiệu phai mờ ý thức hệ Nho giáo. Đó là sự lỏng lẻo của ba mối quan hệ giường cột và sự lu mờ các giá trị đạo đức mà Nho giáo đề cao. Những dấu hiệu này được biểu hiện qua sự thay đổi đề tài, cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm được viết khi ông ở An Tĩnh như Hộ sinh đàn, Diễn võ đình, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan… Không chọn mẫu hình “minh chúa” như các tác giả tuồng cung đình khác, những vị vua được Đào Tấn chọn để xây dựng hình tượng thường là những vị “hôn quân”, “bạo chúa”, hay những kẻ “gian hùng” trong lịch sử. Đó là Trụ vương (Trầm Hương các, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan), Võ Tắc Thiên (Hộ sinh đàn), Tào Tháo (Tân Dã đồn, Cổ Thành)… Với việc chọn đối tượng phản ánh có phần phi truyền thống, ông đã phần nào thay đổi quan niệm về mẫu hình nhân vật lí tưởng “chúa sáng” và khuynh hướng tư tưởng và nội dung thẩm mĩ trong tuồng cổ. Ông đã đưa vua, một biểu tượng của “chính nghĩa - chính thống” trở thành nhân vật phản diện trong tuồng. Với chuỗi tác phẩm viết ở giai đoạn sau, Đào Tấn đã góp phần phản ánh khuynh hướng tư tưởng của thời đại và báo hiệu sự thoái trào của đạo “Trung quân” cũng như tư tưởng Nho giáo trong xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX. Không chỉ có “quân - thần” mà các mối quan hệ xã hội khác cũng có dấu hiệu rạn nứt trong tuồng Đào Tấn như “phụ - tử”, “phu - thê”, “bằng hữu”. Với những biểu hiện cụ thể trong các tuồng bản mà chúng tôi khảo sát, có thể thấy rõ sự rạn nứt và suy thoái của Tam cương – Ngũ thường trong xã hội. 3.1.2. Dấu ấn Đạo giáo, Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Ngoài sự chi phối của ý thức hệ Nho giáo, tuồng Đào Tấn còn mang dấu ấn ảnh hưởng tư tưởng của Đạo giáo, Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Dấu ấn Phật giáo trong tuồng Đào Tấn thể hiện ở quan niệm từ bi, nhân ái và triết lý nhân duyên, quy luật nhân quả. Nó biểu hiện trong lẽ ứng xử, hành động của mỗi nhân vật và cách giải quyết xung đột trong tuồng của ông. Dấu ấn Đạo giáo trong tuồng Đào Tấn thể hiện ở quan niệm Vô vi và triết lý Nhàn. Ông đề cao các quy luật của tự nhiên và coi “thuận theo tự nhiên” là một lẽ ứng xử cần có của con người trong thời loạn lạc. Triết lý Nhàn được ông đưa ra như một giải pháp để được sống cuộc đời bình yên. Dấu ấn của tín ngưỡng dân gian như thờ đa thần, thờ cúng tổ tiên, hiện hồn… xuất hiện trong tuồng Đào Tấn khá nhiều. Nó thể hiện đời sống văn hóa tinh thần phong phú và tính nhân văn sâu sắc trong nội dung, tư tưởng tuồng Đào Tấn. 3.1.3. Tư tưởng yêu nước, đề cao chính nghĩa Tư tưởng yêu nước và tinh thần chính nghĩa là hai nội dung xuyên suốt văn học trung đại Việt Nam. Trong tuồng bản Đào Tấn, hai nội dung này được biểu hiện với những sắc thái riêng biệt. Tuồng cổ lấy đề tài “quân quốc” làm trung tâm, vua đồng nhất với nước. Chính vì vậy lòng yêu nước biểu hiện trực tiếp trong tuồng cổ qua việc con người hy sinh tất cả để bảo vệ đất nước, bảo vệ vua và dòng dõi hoàng tộc. Tuồng Đào Tấn lấy hiện thực cuộc sống làm đối tượng phản ánh, hướng về cuộc sống thế sự đời thường nhưng ẩn sâu trong đó vẫn là nỗi lòng trăn trở lo cho nước, cho dân. Lòng yêu nước thầm kín của Chỉ Thúc được biểu hiện qua tâm trạng của Lý Huyền Minh (Khuê các anh hùng), Quan công (Cổ Thành) và đặc biệt là qua hình tượng người anh hùng phản loạn, người anh hùng với số phận bi kịch với câu hỏi đầy ám ảnh “Hương quan hà xứ thị?” trong hầu hết các tác phẩm của ông.
- 13 Tinh thần chính nghĩa trong tuồng Đào Tấn được hiểu là lẽ phải, là luân thường - đạo lý, là sự công bằng. Có thể thấy, nếu thượng tôn trong tuồng cổ là đạo trung quân thì thượng tôn trong tuồng Đào Tấn là tinh thần chính nghĩa. Các nhân vật chính diện trong tuồng Đào Tấn đều đại diện cho chính nghĩa, nhân danh chính nghĩa để tiêu diệt điều ác, điều xấu. 3.2. Quan niệm về con người 3.2.1. Từ quan niệm con người đạo lý đến hình tượng người anh hùng trọng nghĩa Chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý thức hệ Nho giáo, toàn bộ xã hội trung đại được nhìn nhận trong một hệ thống đạo đức mang ít nhiều màu sắc tôn giáo. Cho nên, con người luôn được đánh giá ở phương diện đạo đức luân lý. Con người trong tuồng của Đào Tấn cũng chịu sự chi phối của những chuẩn mực đạo đức Nho giáo đó. Mặt khác, sinh ra và lớn lên ở môi trường văn hóa đề cao sự tự do, phóng khoáng, trọng nghĩa, khinh tài của người miền Nam nên quan niệm con người của ông thiên về đề cao Nhân, Nghĩa hơn là những phẩm chất khác như tuồng cổ. Lấy Nhân - Nghĩa là nền tảng, ông xây dựng hình tượng người anh hùng với các phương diện: người anh hùng bình dân, người anh hùng phản loạn, người phụ nữ anh hùng và kết thúc, số phận người anh hùng của Đào Tấn thường bi kịch và bế tắc. Có thể thấy, hình tượng người anh hùng trong tuồng Đào Tấn có bóng dáng của người anh hùng “trọng nghĩa – khinh tài” điển hình của văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX. Họ là những con người có sức phản kháng mạnh mẽ và không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ thế lực nào. Với sự chuyển biến lớn trong nhận thức, tư tưởng, Đào Tấn đã xây dựng hình tượng người anh hùng trong tuồng với những đặc trưng riêng biệt. Đó là những người anh hùng kết tinh đạo lý của dân tộc, có sức phản kháng mạnh mẽ nhưng số phận thường bi thương, bế tắc. Hình tượng người anh hùng của ông không phải là những “tượng đài” để ca ngợi đạo quân thần như trong tuồng cổ mà là những con người bằng xương bằng thịt được tôn vinh trong cuộc đời và sống mãi trong lòng người dân. Thành công lớn nhất của kịch bản tuồng Đào Tấn có lẽ là “đắc nhân tâm” khi xây dựng hình tượng người anh hùng đi vào lòng người, cũng là biểu hiện rõ nét nhất cho quan niệm con người của ông. 3.2.2. Quan niệm về con người bình đẳng và dấu hiệu của ý thức “dân chủ” Nếu tuồng cung đình đã xa rời cái gốc dân gian vốn có từ thuở xa xưa của nó thì Đào Tấn đã đưa tuồng trở về với dân gian, trở về với cội nguồn. Không bị ràng buộc bởi khuôn khổ khắt khe của chế độ phong kiến với bao nhiêu nghi lễ, khuôn phép, Đào Tấn hướng tác phẩm của mình đến dân chúng, lấy người dân làm đối tượng để phản ánh. Sân khấu tuồng không còn là độc quyền của các ông hoàng, bà chúa, trung thần, liệt nữ mà trở thành môi trường xuất hiện của những người anh hùng áo vải, chân đất hay cô nông dân, người nô tì, anh lính, ông bà chài và cả những người dân tộc thiểu số... Như vậy, trong tuồng của Đào Tấn, tất cả các nhân vật đều bình đẳng, ít có sự phân biệt tầng lớp, địa vị như trong tuồng cổ. Mặt khác, ở các tác phẩm của ông, người dân được nhìn nhận ở một vai trò mới, có vị trí tương đối bình đẳng với các nhân vật khác trong tuồng, góp phần thể hiện quan điểm, tư tưởng của tác giả. Đó là hình ảnh ông bà chài (Tân Dã đồn) với cuộc sống trên sông Tương, bỏ mặc thị phi thế sự, lợi danh không màng. Các tướng Huỳnh Minh, Châu Kỷ, Ngô Nhượng, Long Hoàn (Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan) có tiếng nói riêng thể hiện nguyện vọng của nhân dân trong xã hội loạn lạc.
- 14 Người dân thấp cổ bé họng cũng được Đào Tấn đặt tên và trao cho một sinh mệnh sống độc lập như các tầng lớp khác. Trong Khuê các anh hùng, thị tì Bích Hà được đặt bình đẳng với Xuân Hương, Phương Cơ, thậm chí còn là ân nhân cứu mạng của Chánh Hậu. Các cô tì nữ như Bích Đào (Diễn võ đình), Hồ Nô (Hộ sinh đàn) trở thành bạn tâm phúc và bình đẳng trong mối quan hệ với chủ. Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ bị coi là “đại họa”, “khó dạy”, “nữ nhi thường tình” thì trong tuồng Đào Tấn, người phụ nữ được đặt ngang hàng, bình đẳng với nam giới và trở thành một trong những hình tượng đẹp nhất, sáng tạo nhất, chứa đựng những tư tưởng nhân văn nhất. Đó là người vợ thủy chung son sắt Giả thị (Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan), Lan Anh (Hộ sinh đàn),... Có thể nói, trong tác phẩm của ông chứa đầy hiện thực cuộc sống của người dân và lấp lánh những ước mơ của họ về một cuộc sống yên ổn, hạnh phúc, sự công bằng và đạo lý. Ở đó dường như không có đẳng cấp, giai cấp, không có sự phân biệt giới tính, lứa tuổi, giàu nghèo, địa vị mà chỉ có sự bình đẳng và trân trọng yêu thương con người. Tuồng Đào Tấn vì thế dễ hiểu và dễ đi vào lòng người. 3.2.3. Quan điểm phát triển và cái nhìn hiện thực về con người Tuồng cổ thường nhìn nhận con người một cách siêu hình bất biến. Nhân vật được mô thức triệt để và đơn nhất một trạng thái từ đầu đến cuối. Đã trung là trung đến lúc chết, đã nịnh là nịnh đến cùng, không có dạng nhân vật từ trung chuyển sang nịnh hay từ nịnh chuyển sang trung, càng không có nhân vật vừa trung vừa nịnh.Trong cảm quan của Đào Tấn, con người là một thực thể sống động, luôn chịu sự tác động của môi trường, hoàn cảnh. Chúng ta có thể thấy ông rất chú ý đến bối cảnh trước khi xuất hiện xung đột hoặc khi nhân vật có sự chuyển biến lớn trong nội tâm và hành động. Chính vì vậy nhân vật có sự thay đổi chứ không nhất quán từ đầu đến cuối kịch. Có thể nói, nhân vật trong tuồng của ông không chỉ sống trên sân khấu mà như sống giữa cuộc đời. Mặc dù được sáng tác dựa trên cốt truyện Trung Hoa nhưng “Hậu tổ tuồng” đã thêm vào các chi tiết hoặc lý giải hành động nhân vật theo cách riêng của mình. Sự phát triển nội tâm nhân vật theo sự kiện và hoàn cảnh là một trong những điểm nhấn của tuồng Đào Tấn. Nói cách khác, ông xây dựng nhân vật của mình theo quan điểm sự phát triển. Như vậy có thể thấy, quan niệm về con người của Đào Tấn nằm trong quan niệm nghệ thuật văn học trung đại đồng thời thể hiện cái nhìn tiến bộ của ông trước những thay đổi của dân tộc và thời đại. Hệ thống quan điểm này phù hợp với quy luật vận động của văn học đồng thời phản ánh bước chuyển không ngừng của tư tưởng, xã hội, thời đại giai đoạn cuối thế kỉ XIX. Đặt tuồng bản của Đào Tấn vào bối cảnh thời đại và giai đoạn văn học Việt Nam trung cận đại sẽ thấy rõ thêm bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam cuối thời Nguyễn. Giá trị tuồng của ông không hẳn nằm ở bản thân tác phẩm mà hơn nữa, đó là sợi dây kết nối của lịch sử, văn hóa, văn học, nghệ thuật và tinh thần dân tộc, thời đại. 3.3. Giá trị hiện thực và nhân đạo 3.3.1. Giá trị hiện thực Mặc dù hầu hết các tác phẩm của Đào Tấn đều mượn cốt truyện từ Trung Quốc nhưng với sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức tư tưởng, với lăng kính tiến bộ, cái nhìn sắc sảo và nhậy cảm chính trị, ông chọn những đề tài mang hơi thở thời đại, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trước những vấn đề lịch sử, xã hội cuối thế kỉ XIX. Đó là vấn đề giặc ngoại xâm,
- 15 vấn đề khởi nghĩa đánh giặc, sự hèn nhát phản động của triều đình Huế, sự thay đổi các giá trị đạo đức trong xã hội và sự bế tắc hoang mang của tầng lớp chí sĩ đương thời... Có thể khái quát giá trị hiện thực trong tuồng bản Đào Tấn trên hai phương diện: phơi bày hiện thực xã hội loạn lạc và sự phân hóa tư tưởng sâu sắc trong mọi tầng lớp. Thế giới được miêu tả trong tuồng Đào Tấn là một thế giới bất ổn, loạn lạc với những cuộc truy đuổi - trốn chạy, những cuộc chia ly, hành trình tha hương lưu lạc, những trận chiến, những cuộc nổi dậy, những vụ bắt bớ, những người phản loạn... Vai trò của triều đình phong kiến hiện lên khá mờ nhạt và không được lòng dân. Với phương châm sáng tác “sân khấu là cuộc đời”, các tuồng bản của ông đều mang tính “ám thị” cao. Hay nói cách khác, Đào Tấn đã mượn sân khấu tuồng để diễn lại cả một thời đại “rối ren và bất hạnh của đất nước”. Trên bối cảnh của thời đại loạn lạc đó, ông đã thể hiện khá rõ sự phân hóa tư tưởng sâu sắc của các tầng lớp trong xã hội. Đó là thái độ của vua, của quan lại và của nhân dân. Đối với vua, là đại diện cho triều đình phong kiến được miêu tả qua hình tượng vua Trụ (Trầm Hương các), Võ Hậu (Hộ sinh đàn), vua Tống (Diễn võ đình). So sánh với các ông vua được miêu tả trong tuồng cổ, có thể thấy Đào Tấn thể hiện sự thất vọng về thái độ và vai trò của vua trong thời cuộc loạn lạc. Đối với tầng lớp quan lại đương thời, cảm quan chung của ông là sự bất lực trước hiện thực. Đối với thái độ của nhân dân, Đào Tấn cảm nhận được sự trỗi dậy những tư tưởng mới manh nha trong xã hội thực dân nửa phong kiến. Như vậy, với 9 kịch bản tuồng, ông đã vẽ lại một bức tranh hoàn chỉnh về xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, từ các diễn biến lịch sử đến đời sống cung đình và sự phân hóa tư tưởng của các tầng lớp trong xã hội. Qua việc nghiên cứu các tác phẩm tuồng của Đào Tấn, chúng ta có thêm cái nhìn sâu sắc về lịch sử văn hóa xã hội Việt Nam thời cận đại. 3.3.2. Giá trị nhân đạo Mặc dù sống và sáng tác trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX, nhưng các tuồng bản của Đào Tấn lại chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các trào lưu, tư tưởng của giai đoạn trước. Đặc biệt là dấu ấn của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. Nội dung trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong tuồng của ông được thể hiện trên hai phương diện cơ bản: Thứ nhất, Đào Tấn lên án tố cáo chế độ phong kiến, giai cấp thống trị và chiến tranh phong kiến trên lập trường nhân bản vì quyền sống của con người, thể hiện tình yêu thương đối với những số phận khổ đau và bất hạnh. Sống trong thời đại “khổ nhục nhưng vĩ đại”, ông đã kín đáo tố cáo những mặt xấu của triều đình nhà Nguyễn và tầng lớp quan lại lúc bấy giờ. Ông kịch liệt lên án những kẻ vô ơn bội nghĩa, tráo trở phản bội như Tiết Nghĩa (Hộ sinh đàn), hoang dâm như vua Trụ (Trầm Hương các), giảo hoạt như Tào Tháo (Tân Dã đồn), độc ác như Hồ Ly (Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan), ngỗ ngược, bất hiếu như Tạ Kim Hùng (Khuê các anh hùng)... Ông đã vẽ lên một xã hội “vặn loạn cương thường” với nhan nhản những loại người bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa, bất tín... Nịnh thần hoành hành tác yêu tác quái, trung thần thì xa lánh, cam chịu giữ yên thân. Những con người dám đứng thẳng, nói thẳng thì trở thành kẻ cướp, kẻ làm phản, kẻ bị truy nã... Đào Tấn đã đứng trên lập trường nhân bản vì quyền lợi con người để phê phán xã hội. Có thể thấy, trên mỗi trang tuồng là những dằn vặt, trăn trở, suy tư của ông về thời đại và con người. Ở
- 16 mỗi tác phẩm, ông không ngừng tìm hướng đi và sự giải thoát cho mỗi số phận. Nhưng kết thúc vẫn là bế tắc. Chính vì vậy, tuồng Đào Tấn mang âm hưởng bi kịch rõ nét. Với lòng yêu thương con người sâu sắc, ông hướng ngòi bút của mình đến mọi số phận và bi kịch của con người. Nếu tuồng cổ chỉ cho ta thấy số phận và bi kịch của những người anh hùng thì trong tuồng Đào Tấn ta thấy số phận và bi kịch của cả kiếp nhân sinh. Mỗi nhân vật của ông có một số phận và phải chịu những bi kịch khác nhau. Chính vì vậy bi kịch trong tuồng bản của Đào Tấn là duy nhất không có sự trùng lặp. Tiết Cương - Lan Anh với bi kịch không thể sống một cuộc đời bình thường mà phải làm thảo khấu. Họ cũng mong muốn có một gia đình bình thường, sống cuộc sống yên ấm, hạnh phúc nhưng những thế lực đen tối luôn tước đoạt và vùi dập ước mơ của họ, muốn tồn tại, họ buộc phải làm “kẻ phản nghịch”, làm “thảo khấu. Khánh Sanh - Kiều Quang với bi kịch tình yêu chia ly. Hoàng Phi Hổ - Giả thị với nỗi đau sinh ly tử biệt, gia đình tan vỡ.... Thứ hai, Đào Tấn khẳng định và đề cao tài năng, nhân phẩm và những khát vọng chân chính của con người. Kế thừa truyền thống của văn học dân tộc, chịu ảnh hưởng của khuynh hướng văn học nữ quyền nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, trong các sáng tác của mình, ông dành những tình cảm ưu ái đặc biệt khi xây dựng hình tượng người phụ nữ. Hầu hết các nhân vật nữ trong kịch bản tuồng Đào Tấn đều có ý thức sâu sắc về tài năng và nhân phẩm của mình. Đó là những người phụ nữ tự tin, tự chủ và chính họ đứng lên đấu tranh làm chủ cuộc đời và đi tìm hạnh phúc cho mình. Đó là một Phương Cơ gan dạ, mưu trí, một Xuân Hương khôn ngoan, khéo léo, một Bích Hà dũng cảm, kiên cường (Khuê các anh hùng). Đó là một Lan Anh mạnh mẽ, quyết đoán, một Tú Hà trọng nghĩa tình, một Hồ Nô chân thật, trung thành (Hộ sinh đàn). Đó còn là những người phụ nữ thủy chung son sắc như Kiều Quang (Diễn võ đình), Giả thị (Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan)... Không chỉ khẳng định và đề cao nhân phẩm của con người, Đào Tấn còn thể hiện khát vọng tình yêu tự do, khát vọng hạnh phúc gia đình, khát vọng ái ân... Ông đã thể hiện khéo léo những khát vọng này qua hành động phản kháng quyết liệt của các nhân vật trong tuồng. Không giống với số phận bi thương bị vùi dập của người phụ nữ trong văn học thế kỷ XVII – XVIII, người phụ nữ trong tuồng của Đào Tấn là những số phận “không chấp nhận bị vùi dập”. Đó là nữ tướng cướp Lan Anh, tiểu thư khuê các Kiều Quang, phu nhân Giả thị... Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, một tính cách nhưng có một điểm chung là không chịu khuất phục số phận. Cái xã hội đảo điên nhơ nhớp ấy có buộc Lan Anh phải làm thảo khấu thì nàng vẫn kiên quyết không chịu khuất phục, nàng tìm được hạnh phúc ở chốn đào nguyên cùng Tiết Cương. Nàng cùng những người anh em của mình chiến đấu chống lại triều đình bảo vệ chính nghĩa, giúp đỡ mọi người... Có thể thấy, giá trị nhân đạo là dòng chảy bất tận xuyên xuốt văn học Việt Nam từ văn học dân gian đến văn học trung đại và hiện đại. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi tác giả giá trị nhân đạo có những biểu hiện khác nhau. Với sự trân trọng, yêu thương cùng niềm tin tuyệt đối vào con người, Đào Tấn chọn cách trao cuộc đời và số phận cho nhân vật của mình tự định đoạt. Chính vì vậy, các nhân vật trong tuồng của ông rất hiện thực và gần gũi với cuộc đời. Tiểu kết Chương 3: Có thể thấy, nội dung kịch bản tuồng Đào Tấn phản ánh phần nào sự chuyển biến tư tưởng của thời đại, dân tộc qua những rạn nứt của ý thức hệ Nho giáo, sự thay đổi
- 17 đề tài, chủ đề, nhân vật trung tâm trong tuồng. Trên nền tảng tư tưởng Nho – Phật – Đạo và truyền thống yêu nước của dân tộc, “Hậu tổ tuồng” đã kế thừa và kiến tạo nên một thế giới tuồng mang bản sắc riêng biệt. Đó là hình ảnh những người anh hùng trọng nghĩa mang vẻ đẹp “quật khởi”của thời đại “khổ nhục nhưng vĩ đại” của dân tộc. Đó là những người phụ nữ, nông dân, binh lính, nô tì... bắt đầu có vị thế và tiếng nói riêng của mình. Con người được nhìn trong sự vận động, biến đổi theo môi trường, hoàn cảnh. Kịch bản tuồng của Đào Tấn cũng mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Mỗi tác phẩm là một bức tranh thu nhỏ về hiện thực xã hội đương thời. Mỗi mảnh đời, số phận và bi kịch nhân sinh được hiện hình trong tác phẩm là khái quát tiêu biểu nhất cho cuộc sống của con người trong thời kỳ đen tối và sóng gió của đất nước. “Hậu tổ tuồng” đã thực sự tạo nên cả một thế giới tuồng phong phú, đa dạng và đầy sức sống. Chương 4: MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT KỊCH BẢN TUỒNG ĐÀO TẤN Tuồng là một thể loại kịch tự sự - trữ tình phương Đông, do vậy phương thức biểu hiện của tuồng vừa mang tính tự sự lại giàu chất trữ tình. Cũng như các thể loại tự sự khác của văn học trung đại, nhân vật trong tuồng được phân thành hai kiểu loại có tính chất đối lập nhau. Dựa trên những đặc trưng cơ bản của thể loại tuồng, khi nghiên cứu những vấn đề nghệ thuật tuồng Đào Tấn, chúng tôi tiếp cận trên các phương diện: kết cấu, nghệ thuật xây dựng nhân vật, văn thể và ngôn ngữ nghệ thuật. 4.1. Kết cấu Kết cấu là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động, phức tạp của tác phẩm văn học. Bên cạnh việc tổ chức, sắp xếp các yếu tố của tác phẩm, kết cấu còn bao hàm sự liên kết bên trong những mối liên hệ qua lại giữa các yếu tố thuộc về nội dung và hình thức của tác phẩm. Ở đây, chúng tôi tìm hiểu kết cấu kịch bản tuồng Đào Tấn trên các phương diện chính là: cốt truyện, phương thức tổ chức xung đột kịch bằng mô típ, kết cấu không gian, thời gian nghệ thuật. 4.1.1. Cốt truyện Đa phần các tuồng bản do Đào Tấn sáng tác thuộc loại tuồng cải biên, được soạn dựa theo các tích truyện lịch sử của Trung Quốc, nhiều nhất là từ tiểu thuyết chương hồi. Về cơ bản ông xây dựng dựa theo cốt truyện nguyên tác. Trong quá trình triển khai tình tiết kịch, ông lược mờ đi một số chi tiết ít liên quan và tô đậm, sáng tạo thêm các chi tiết mới để nhấn mạnh chủ đề của tác phẩm. Khi chọn các chi tiết để phóng tác, Đào công thường gắn với tên của vở tuồng, hay nói cách khác, các chi tiết được sáng tạo thêm đều phục vụ cho chủ đề của tác phẩm. Ông cũng thường sáng tạo thêm các chi tiết kỳ ảo vào kịch bản tuồng để giải quyết xung đột kịch hoặc thỏa mãn nhu cầu “ở hiền gặp lành” theo thị hiếu khán giả. Đáng chú ý trong các sáng tác của “Trạng nguyên tuồng” có tác phẩm Diễn võ đình có thể được coi là thuộc loại tuồng độc sáng. Ngoài một số nhân vật được mượn tên trong lịch sử đời Tống Nhân Tông như Bao Công (999-1062), thái sư Bàng Hồng, trong lịch sử không có nhân vật này mà chỉ có thái sư Bàng Tịch (998-1063) thì các nhân vật khác như Triệu Khánh Sanh, Vương Quý, Vương Kiều Quang đều không tìm thấy thông tin trong lịch sử, có chăng ta chỉ biết Triệu Khánh Sanh thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Tống nhờ vào họ của chàng. Cốt truyện Khánh Sanh giả gái trốn trong Vương phủ và nảy sinh mối tình với Kiều Quang có thể coi là hư cấu
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Chiến lược Marketing đối với hàng mây tre đan xuất khẩu Việt Nam
27 p | 183 | 18
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững về kinh tế ở vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030
27 p | 210 | 17
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Hợp đồng dịch vụ logistics theo pháp luật Việt Nam hiện nay
27 p | 268 | 17
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Y học: Nghiên cứu điều kiện lao động, sức khoẻ và bệnh tật của thuyền viên tàu viễn dương tại 2 công ty vận tải biển Việt Nam năm 2011 - 2012
14 p | 269 | 16
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Triết học: Giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cho sinh viên trường Đại học Cảnh sát nhân dân hiện nay
26 p | 154 | 12
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ: Nghiên cứu tối ưu các thông số hệ thống treo ô tô khách sử dụng tại Việt Nam
24 p | 252 | 12
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kỹ thuật: Nghiên cứu tính toán ứng suất trong nền đất các công trình giao thông
28 p | 223 | 11
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế Quốc tế: Rào cản phi thuế quan của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam
28 p | 177 | 9
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phát triển kinh tế biển Kiên Giang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
27 p | 54 | 8
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Xã hội học: Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội cấp cơ sở trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho cư dân nông thôn: Nghiên cứu trường hợp tại 2 xã
28 p | 149 | 8
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn miền Tây Nam bộ: Tình hình, nguyên nhân và phòng ngừa
27 p | 199 | 8
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phản ứng của nhà đầu tư với thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, người liên quan và cổ đông lớn nước ngoài nghiên cứu trên thị trường chứng khoán Việt Nam
32 p | 183 | 6
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Quản lý nhà nước đối với giảng viên các trường Đại học công lập ở Việt Nam hiện nay
26 p | 136 | 5
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam thông qua mô hình hấp dẫn thương mại
28 p | 16 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Phương tiện biểu hiện nghĩa tình thái ở hành động hỏi tiếng Anh và tiếng Việt
27 p | 119 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kỹ thuật: Nghiên cứu cơ sở khoa học và khả năng di chuyển của tôm càng xanh (M. rosenbergii) áp dụng cho đường di cư qua đập Phước Hòa
27 p | 8 | 4
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc kỳ hạn nợ phương pháp tiếp cận hồi quy phân vị và phân rã Oaxaca – Blinder
28 p | 27 | 3
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phát triển sản xuất chè nguyên liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Thọ các nhân tố tác động đến việc công bố thông tin kế toán môi trường tại các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản Việt Nam
25 p | 173 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn