Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Kiểu nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa
lượt xem 4
download
Mục đích nghiên cứu của Luận án nhằm làm rõ cơ chế vận hành của thế giới nhân vật của tiểu thuyết Dư Hoa. Từ đó, chỉ ra đóng góp trong thực tiễn của nhà văn về sáng tạo nhân vật văn học; tìm ra điểm độc đáo của tác giả trong cái nhìn về thế giới; nhận diện những nét chính của văn học Trung Quốc từ Thời kì mới đến nay. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Kiểu nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa
- BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ****** ****** NGUYỄN THỊ HOÀI THU KIỂU NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT DƯ HOA Chuyên ngành: Văn học nước ngoài Mã số: 9220242 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Hà Nội - 2021
- Công trình được hoàn thành tại: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Người hướng dẫn khoa học: 1: PGS. TS. Nguyễn Thị Mai Chanh 2: TS. Trần Thị Thu Hương Phản biện 1: GS. TS. Trần Nho Thìn Phản biện 2: PGS. TS. Lê Văn Toan Phản biện 3: PGS. TS. Nguyễn Tuyết Thu Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Trường họp tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào hồi …..giờ … ngày … tháng… năm… Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: Thư viện Quốc Gia, Hà Nội hoặc Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
- 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Dư Hoa sinh năm 1960 tại Hàng Châu, Chiết Giang, là nhà văn đương đại Trung Quốc đang được giới lí luận, phê bình trong nước và thế giới chú ý. Thông qua công trình này, chúng tôi muốn đóng góp một góc nhìn đối với Dư Hoa. Từ đó, mong muốn không chỉ đưa nhà văn Dư Hoa đến gần hơn với độc giả Việt Nam mà còn góp phần nhận diện sâu sắc và toàn diện hơn gương mặt văn học Trung Quốc đương đại. Đề tài lấy nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa làm một góc nhìn cụ thể để khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn. Sở dĩ chúng tôi lựa chọn đề tài này vì trước hết, nhân vật luôn là một phương diện quan trọng trong các sáng tác của mỗi nghệ sĩ, là nơi tập trung thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn. Nghiên cứu về nhân vật trong sáng tác của Dư Hoa chính là con đường ngắn nhất để ta thấy rõ cái nhìn nghệ thuật của ông về con người và cuộc đời. Hơn nữa, tiểu thuyết của Dư Hoa được sáng tác trong giai đoạn những năm 90 của thế kỉ XX trở đi, khi văn học Trung Quốc có những chuyển biến mạnh mẽ, đồng thời, Dư Hoa cũng thể hiện những tìm tòi mới về hướng đi riêng trong nghệ thuật - vừa thống nhất vừa khác biệt với một Dư Hoa của thập niên 80 và vừa thống nhất vừa khác biệt với các nhà văn đồng đại. Những điều này để lại dấu ấn đặc biệt sâu sắc ở kiểu nhân vật trong tiểu thuyết của Dư Hoa. Bởi thế, đề tài Kiểu nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa đi vào trung tâm thế giới nghệ thuật của nhà văn, bên cạnh việc mang ý nghĩa về mặt thực tiễn, giúp tiếp cận thế giới nghệ thuật độc đáo của tác giả; còn có ý nghĩa về mặt lí luận, giúp chúng tôi nhận thức được những đổi mới trong quan niệm của nhà văn về cuộc đời, con người và nhân vật so với quan niệm trong văn học truyền thống. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án hướng tới làm rõ cơ chế vận hành của thế giới nhân vật của tiểu thuyết Dư Hoa. Từ đó, chỉ ra đóng góp trong thực tiễn của nhà văn về sáng tạo nhân vật văn học; tìm ra điểm độc đáo của tác giả trong cái nhìn về thế giới; nhận diện những nét chính của văn học Trung Quốc từ Thời kì mới đến nay.
- 2 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Thứ nhất, luận án phân tích, đánh giá những hướng nghiên cứu về Dư Hoa, đặc biệt là những công trình nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn, xác định những vấn đề còn bỏ ngỏ cần được tiếp tục giải quyết. Thứ hai, luận án mô tả hành trình đi tìm nhân vật tiểu thuyết của Dư Hoa; chứng minh nhân vật luôn là nơi thể hiện tập trung sự vận động quan niệm nghệ thuật về cuộc đời và con người của nhà văn; xác định phương pháp xây dựng nhân vật chủ yếu mà nhà văn lựa chọn cho tiểu thuyết của mình. Thứ ba, luận án xác định các kiểu nhân vật đặc trưng trong tiểu thuyết của Dư Hoa, miêu tả, luận giải đặc điểm cụ thể của hai kiểu nhân vật: nhân vật bi kịch và nhân vật hoạt kê. 3. Đối tượng, phạm vi và tư liệu nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Với việc nghiên cứu kiểu nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa, luận án tập trung khảo sát những nhóm nhân vật có những thành tố chung được biểu hiện lặp đi lặp lại tạo nên nét đặc trưng, nhất quán của thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa. Trên tinh thần đó, luận án cũng xác định mô hình nhân vật tiểu thuyết của nhà văn - cái làm nên mã riêng của Dư Hoa, phân biệt với các nhà văn khác. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu ở hai kiểu nhân vật đặc trưng của tiểu thuyết Dư Hoa: nhân vật bi kịch và nhân vật hoạt kê được hình thành dưới phương pháp sáng tác “tân tả thực”. Giới hạn như thế vì hai “kiểu” nhân vật này đủ tư cách đại diện cho phong cách sáng tác của Dư Hoa, tập trung thể hiện sự lựa chọn riêng của nhà văn trong giai đoạn sáng tác tiểu thuyết, đáp ứng nhiệm vụ loại hình hóa nhân vật của luận án. 3.3. Tư liệu nghiên cứu Luận án tập trung khảo sát, lấy dẫn liệu từ bốn cuốn tiểu thuyết của Dư Hoa đã được dịch ở Việt Nam, gồm: Gào thét trong mưa bụi, Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, Sống, Huynh đệ. Việc khảo sát còn mở rộng ra một số truyện ngắn, tạp văn của tác giả đã được dịch cùng một số tác phẩm chưa được dịch sang tiếng Việt khác. 4. Phương pháp nghiên cứu Luận án chủ yếu sử dụng các phương pháp: phương pháp tiếp cận hệ thống theo tinh
- 3 thần cấu trúc luận, phương pháp liên ngành, phương pháp so sánh loại hình... 5. Đóng góp mới của luận án Luận án nghiên cứu tiểu thuyết của Dư Hoa trên cấp độ tổng thể, là điều chưa được thực hiện trong bất cứ nghiên cứu nào từng được công bố trước nay ở Việt Nam. Bởi thế, thành công của luận án có thể là gợi ý bước đầu cho những người nghiên cứu tiếp theo thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của Dư Hoa. Tiếp cận hệ thống nhân vật dựa trên phương pháp sáng tác, phân loại hệ thống nhân vật dựa trên phẩm chất thẩm mĩ, luận án phần nào chỉ ra được định hướng sáng tạo của nhà văn và cấu trúc chỉnh thể của nhân vật, đồng nghĩa với việc thấy được cơ chế vận hành của thế giới nhân vật, làm sáng tỏ đặc trưng về mặt nghệ thuật sáng tạo nhân vật của Dư Hoa dưới sự chi phối của những nguyên tắc thẩm mĩ độc đáo - là điều vốn chưa được chú ý đúng mức trong các công trình nghiên cứu trước đây về Dư Hoa. Từ góc độ nhân vật, luận án đóng góp thêm một ý kiến cá nhân về các vấn đề còn để ngỏ như: còn tồn tại hay không tính chất “tiên phong” trong tiểu thuyết Dư Hoa, cái ác ở các sáng tác nghệ thuật có ý nghĩa như thế nào trong việc truyền đi các thông điệp tư tưởng... 6. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung luận án gồm 4 chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và quan điểm tiếp cận đề tài của tác giả luận án Chương 2. Hành trình kiếm tìm nhân vật tiểu thuyết của Dư Hoa Chương 3. Kiểu nhân vật bi kịch trong tiểu thuyết Dư Hoa Chương 4. Kiểu nhân vật hoạt kê trong tiểu thuyết Dư Hoa
- 4 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ QUAN ĐIỂM TIẾP CẬN ĐỀ TÀI CỦA TÁC GIẢ LUẬN ÁN 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu Luận án đã lược thuật trên sáu mươi tài liệu, công trình nghiên cứu về Dư Hoa bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, phân tích sâu hơn các công trình đề cập đến nhân vật trong sáng tác của ông để phác thảo những nét chính trong tiếp nhận và phê bình Dư Hoa trên thế giới. Mặc dù Dư Hoa là một tác giả đương đại nhưng lịch sử nghiên cứu các tác phẩm của ông đã khá dày dặn, bao phủ trên nhiều phương diện. Về quan niệm sáng tác, tính “tiên phong” trong tiểu thuyết của Dư Hoa hay chủ đề bạo lực, cái chết trong sáng tác của ông, các nhà phê bình đưa ra nhiều ý kiến khác biệt, thậm chí đối lập. Từ đó, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề vẫn còn để ngỏ. Ví dụ như quan niệm về hiện thực của Dư Hoa là độc đáo, mang tính "đột phá về mặt triết học" hay chỉ là "sự thao túng nhân tạo"? Tiểu thuyết của Dư Hoa từ những năm 90 của thế kỉ XX đã cắt đứt hoàn toàn với tinh thần tiên phong của giai đoạn trước hay vẫn tiếp nối tinh thần ấy nhưng dưới một hình hài khác? Viết về cái ác, sự bi thảm của con người, liệu có phải Dư Hoa quá khắc nghiệt?... Trong quá trình khảo sát và bàn luận về ý nghĩa các hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa, luận án chắc chắn sẽ ít nhiều đụng chạm đến các vấn đề này. Nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa đã được các nhà phê bình chú ý và một vài công trình đã tiến hành phân loại. Tuy nhiên, các cách phân loại còn đặt nặng vào đánh giá tư tưởng tác giả, khía cạnh xã hội của nhân vật hơn là đặc trưng thi pháp của tác phẩm hay đặc thù trong phong cách sáng tác của Dư Hoa trong cách tạo dựng nhân vật tiểu thuyết. Đó là chỗ trống khoa học để chúng tôi thực hiện đề tài này. Chúng tôi còn khảo sát hơn ba mươi bài viết, công trình bằng tiếng Việt. Trong đó, một số bài giới thiệu, tổng thuật về tác giả, tác phẩm Dư Hoa mang tính chất cảm nhận khái lược có vai trò không nhỏ trong việc giới thiệu rộng rãi tên tuổi của nhà văn Trung Quốc đương đại này đến bạn đọc Việt Nam. Một số bài báo trên tạp chí khoa học, luận văn, khóa luận tốt nghiệp đã lấy tiểu thuyết của Dư Hoa làm trọng tâm, chủ yếu từ hai góc nhìn: từ cấu trúc văn bản và từ góc nhìn văn hóa. Các công trình này đã khái quát một số đặc điểm trong sáng tạo nghệ thuật, khẳng định những đóng góp của nhà văn. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về Dư Hoa ở Việt Nam vẫn còn khá dè dặt. Các tiểu thuyết cũng thường được nghiên cứu
- 5 một cách riêng lẻ, thiếu đi mối liên hệ thực sự với các tiểu thuyết khác hay toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Dư Hoa, cũng như thiếu đi mối liên hệ sâu sắc với bối cảnh văn học Trung Quốc đương đại vốn phát triển hết sức sôi động. Điều này dẫn đến một hệ quả là các tiểu thuyết của Dư Hoa chủ yếu được nhìn nhận như những tác phẩm mang lối "tả thực" truyền thống, là những "luận chứng" về thực tiễn chính trị, xã hội đương thời. Điểm mờ này đặt ra một đòi hỏi là phải nghiên cứu tiểu thuyết Dư Hoa trên cấp độ tổng thể. Có như thế mới tiến tới nắm bắt chính xác những đóng góp thực sự của Dư Hoa. Việc nghiên cứu nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa ở nước ta còn khá mỏng, chưa có hệ thống. Đây là một khoảng trống lớn trong việc tìm hiểu một tác giả có vị trí khá nổi bật của văn học Trung Quốc đương đại. 1.2. Quan điểm của luận án về việc xác định kiểu nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa 1.2.1. Về khái niệm “kiểu nhân vật” Khái niệm “kiểu nhân vật” thường được dùng khi khảo sát một nhóm nhân vật trong tác phẩm của một tác giả, của một giai đoạn văn học, một thể loại hay một xu hướng, một trào lưu. Một tập hợp các nhân vật có chung những đặc trưng nào đó được xếp thành một “kiểu”, phân biệt với các “kiểu” khác. Đặc trưng đó được tạo nên bởi sự trùng lặp những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ thuộc về nhân vật. Thông qua kiểu nhân vật, người đọc nắm bắt được thi pháp nhân vật, phong cách nghệ thuật và vấn đề chủ yếu mà một hiện tượng văn học quan tâm. 1.2.2. Về tiêu chí phân loại Từ góc độ phương pháp sáng tác, chúng tôi nhận thấy nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa chủ yếu được xây dựng bằng phương pháp “tân tả thực”. Dựa trên phẩm chất thẩm mĩ, chúng tôi phân chia nhân vật của tiểu thuyết Dư Hoa thành hai kiểu. Đó là: 1) Kiểu nhân vật hoạt kê 2) Kiểu nhân vật bi kịch Màu sắc bi - hài mà các nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa mang lại có màu sắc riêng dưới sự định hướng của nguyên tắc “tân tả thực” mà nhà văn đã chọn lựa. 1.2.3. Về nguyên tắc phân loại Thứ nhất, việc khái quát, định danh các kiểu nhân vật căn cứ chủ yếu vào thực tiễn sáng tác của Dư Hoa.
- 6 Thứ hai, chúng tôi chỉ khái quát thành một kiểu nhân vật nào đó nếu kiểu đó là một tập hợp nhiều nhân vật cùng loại trong các tiểu thuyết của Dư Hoa. Những trường hợp cá biệt, riêng lẻ sẽ không được xét. Thứ ba, việc gọi tên, nhận diện, phân tích kiểu nhân vật luôn gắn liền với việc phát hiện ra nét độc đáo trong quan niệm về con người, đời sống và nghệ thuật của nhà văn. Cuối cùng, không thể không nói thêm rằng, chia kiểu, phân loại là thao tác có tính chất tương đối của người nghiên cứu, khó có thể đáp ứng được yêu cầu miêu tả chi tiết những biểu hiện hết sức phong phú của thực tế sáng tác. Tiểu kết chương 1 Các công trình nghiên cứu Dư Hoa ở Việt Nam và trên thế giới là những gợi ý quan trọng để chúng tôi thực hiện đề tài. Tuy nhiên, chúng cũng đặt ra những vấn đề để chúng tôi tiếp tục suy ngẫm và giải quyết. Đặt điểm nhìn từ phương pháp sáng tác, khai thác đặc điểm nhân vật từ phẩm chất thẩm mĩ, chúng tôi hi vọng sẽ phần nào giải quyết được những chỗ trống khoa học còn tồn tại. Chương 2 HÀNH TRÌNH KIẾM TÌM NHÂN VẬT TIỂU THUYẾT CỦA DƯ HOA 2.1. Bối cảnh của hành trình kiếm tìm nhân vật Hành trình sáng tạo của Dư Hoa nằm trọn vẹn trong Thời kì mới. Đó là thời kì có nhiều biến động về lịch sử, xã hội. Chỉ trong vòng mấy mươi năm, lịch sử, xã hội Trung Quốc đã chuyển biến từ cấm đoán trong thời kì Đại cách mạng văn hóa (1966 -1976) đến cởi bỏ những rào cản tư tưởng trong thập niên 80, từ lấy khai phóng tư tưởng làm trung tâm đến lấy phát triển kinh tế thị trường làm trung tâm, từ sự đề cao, học hỏi các trường phái triết học, văn học phương Tây đến lấy màu sắc Trung Quốc, tinh thần bản địa làm nòng cốt. Tâm lý, tư tưởng thời đại cũng vì thế mà chuyển biến từ hân hoan, tin tưởng đến hoài nghi, âu lo. Ý thức thẩm mỹ dịch chuyển từ ý thức quần thể chính trị đến ý thức lấy cái tôi cá nhân làm trung tâm, sau đó chuyển sang ý thức quần thể đại chúng. Đây là những nguyên nhân gốc rễ đưa đến sự chuyển biến không ngừng trong đời sống văn học thời kì này. Thời kì này Trung Quốc cũng chứng kiến sự phát triển vượt bậc của văn học. Xét về mặt lý luận, văn học đã bắt kịp xu hướng phát triển của văn học thế giới, hướng đến một nền
- 7 lý luận hiện đại, đa nguyên, mang đậm màu sắc Trung Quốc. Thực tiễn văn học thập niên 80 thế kỉ XX diễn ra một cuộc “cách mạng Ngũ tứ” lần thứ hai, đạt đến cảnh quan “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Văn học Trung Quốc những năm 90 học chuyển từ vị trí trung tâm chuyển sang "bên lề", niềm hân hoan của trí thức thập niên 80 nhường chỗ cho những âu lo và hoài nghi trong thời đại nhiều xáo trộn. Văn học giai đoạn này, một mặt không thể lặp lại chính mình trong giai đoạn trước, mặt khác ở mức độ nhất định phải thỏa hiệp với nhu cầu thẩm mĩ đại chúng. Dư Hoa từ thập niên 80 sang thập niên 90 của thế kỉ XX đã có sự chuyển hướng sáng tạo: từ một nhà văn “tiên phong” nổi loạn trong những cách tân quyết liệt về kỹ thuật tự sự đến một nhà văn trở về với thủ pháp truyền thống, từ một nhà văn đắm chìm trong những câu chuyện bạo lực, chết chóc kinh hoàng đến một nhà văn ôn hòa trong câu chuyện về nhân tính ấm áp. Bước chuyển này một mặt đáp ứng sự đổi thay của thời đại, mặt khác còn đến từ nhu cầu tự thân của tác giả. 2.2. Nhân vật và sự vận động trong quan niệm nghệ thuật của Dư Hoa Nhân vật của Dư Hoa từ truyện ngắn của thập niên 80 đến tiểu thuyết từ thập niên 90 của thế kỉ XX trở đi có những điểm thống nhất và biến chuyển, phản ánh sự thống nhất và vận động trong quan niệm nghệ thuật của ông. 2.2.1. Nhân vật - nơi thể hiện tập trung sự vận động trong quan niệm về hiện thực Nhân vật của Dư Hoa thể hiện tính nhất quán trong cái nhìn về hiện thực của nhà văn. Truy tìm "chân thực" là mục đích quán xuyến toàn bộ sự nghiệp sáng tạo của Dư Hoa. Với cái nhìn đầy hoài nghi, ông đã tái hiện nên một thế giới nghệ thuật hết sức phi lý và hỗn độn. Trong thế giới ấy, những con người ngây thơ, lạc điệu trôi dạt là kiểu nhân vật quen thuộc của tác phẩm Dư Hoa. Nhân vật của Dư Hoa còn thể hiện sự vận động trong quan niệm về hiện thực của nhà văn. Đó là sự vận động từ thế giới một màu đen tối đến thế giới phức hợp, từ thế giới của ảo giác đến thế giới của chân thực. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa bởi vậy cũng chuyển biến, không còn lún sâu trong bạo lực, khổ nạn mà sẵn sàng đương đầu và vượt qua chúng theo cách của riêng họ. Chúng cũng không còn kỳ quái, lạ lùng; trái lại, chân thực, gần gũi hơn bao giờ hết. 2.2.2. Nhân vật - nơi thể hiện tập trung sự vận động trong quan niệm về con người Nhân vật của Dư Hoa được tái hiện trong sự vận động từ phân tích cái ác đến khắc
- 8 họa cái thiện và trạng thái lưỡng phân. Nhân vật của ông còn vận động từ xoáy sâu vào chấn thương đến an ủi và cứu chuộc tinh thần của con người. Thế giới nhân vật của Dư Hoa còn chuyển đổi từ con người - kí hiệu đến con người - số phận. 2.3. “Tân tả thực” - chiến lược then chốt của Dư Hoa trong định hướng sáng tạo nhân vật tiểu thuyết 2.3.1. Tả thực truyền thống và tân tả thực Khái niệm “tân tả thực” được sử dụng trong mối quan hệ so sánh, đối chiếu với “tả thực truyền thống”. Đặc trưng sáng tạo cơ bản nhất của nó là hoàn nguyên vẻ đẹp nguyên sơ của cuộc sống, hay đem đến cho độc giả một sự thực ở trạng thái thuần khiết mà không bị che khuất bởi bất cứ một ý thức hệ hay quyền lực chính trị nào. Sự hoàn nguyên bản chất của đời sống, một mặt có thể coi là một thái độ sáng tác khách quan tương đối mà các tác giả đã cố ý chọn lựa, mặt khác là ý thức muốn tiêu trừ cái gọi là “bản chất”, phân hủy cái gọi là “điển hình” của chủ nghĩa hiện thực truyền thống hay chính là quyền lực chính trị áp đặt lên việc nhận thức các vấn đề đời sống. 2.3.2. Sáng tạo nhân vật dưới định hướng “tân tả thực” - sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn văn học và mục đích sáng tạo của Dư Hoa Việc quay trở lại với con đường tả thực của Dư Hoa là một tất yếu, phù hợp với yêu cầu của thời đại và thực tiễn văn học. Một mặt chủ nghĩa hiện thực thường phát huy tối ưu vai trò của nó trong những hoàn cảnh lịch sử đầy biến động, hơn nữa nó thích ứng với ý thức thẩm mĩ đại chúng trong thời đại kinh tế thị trường thập niên 90 của thế kỉ XX. Đó còn là một lựa chọn có chủ ý của nhà văn khi những đổi mới trong nghệ thuật tự sự của nhà “tiên phong” cuối cùng cũng đi đến hồi bế tắc. Dư Hoa đã tự làm mới mình trong một diện mạo khác, nhằm thể hiện một quan niệm mới về tính "chân thực" trong văn học. 2.3.3. Đặc trưng nhân vật tiểu thuyết Dư Hoa dưới định hướng “tân tả thực” Dưới định hướng “tân tả thực”, nhân vật của Dư Hoa có hình hài rõ ràng, bối cảnh sinh hoạt cụ thể, cho thấy trạng thái tinh thần của con người trong một giai đoạn xã hội nhất định. Cái khác với truyền thống ở đây là nhân vật “tân tả thực” trong tiểu thuyết Dư Hoa không phân tuyến đối lập trong các xung đột mang tính lịch sử, không bị phán xét hay quy một cách đơn giản về các phạm trù đạo đức. Hầu như nhân vật của Dư Hoa không còn là điển hình cho một giai cấp hay một tầng lớp nhất định trong xã hội. Khi xây dựng nhân vật “tân tả thực”, nhà văn không chỉ không còn dựa trên cảm hứng ngợi ca mà còn hạn chế cả
- 9 cảm hứng phê phán vốn rất đậm nét trong văn học “vết thương”, văn học “phản tư” của thập niên 80. Về định hướng sáng tạo nhân vật, Dư Hoa có nhiều điểm gặp gỡ với các nhà văn “tân tả thực” của Trung Quốc. Tuy nhiên cái khác ở chỗ nếu các nhà văn “tân tả thực” Trung Quốc thập niên 80 thường khai thác khía cạnh cuộc sống sinh hoạt hằng ngày với những nỗi lo tủn mủn đã khiến con người đánh mất lý tưởng, bị tầm thường hóa, nô lệ hóa thì Dư Hoa lại hướng đến mô tả hành trình tranh đấu, giữ gìn mạng sống của những con người nhỏ nhoi trong thế giới, ở đó, những tủn mủn của cuộc sống hằng ngày chỉ là một trong những phương diện thử thách đối với nhân vật. Bởi vậy nếu nhân vật của Trì Lợi, Lưu Chấn Vân, Phương Phương… thường mệt mỏi trong giấc mộng vô tận của cái tầm thường thì nhân vật của Dư Hoa lại lặng lẽ nhưng rắn rỏi, từng chút một chịu đựng, đối mặt với khó khăn. Cần nói thêm, việc xác định nhân vật của tiểu thuyết Dư Hoa được xây dựng dưới định hướng “tân tả thực” không nhằm xác tín rằng nhà văn qua các nhân vật đó mà nắm bắt được hiện thực tuyệt đối, trong khi nhà văn truyền thống thì không. Ở đây, chúng tôi chỉ hướng đến làm rõ một cách tiếp cận hiện thực riêng của Dư Hoa, trong sự đối sánh với quan niệm về hiện thực của văn học truyền thống. Đóng góp của Dư Hoa ở đây là, dưới định hướng “tân tả thực”, nhân vật của Dư Hoa, trước hết, phủ nhận tính chân thực giả tạo mang ý thức hệ, hướng đến sự thuần khiết của hiện thực, nhận thức lại các vấn đề then chốt trong chủ nghĩa tả thực truyền thống, đưa đến một hiện thực tươi mới, gần với sự chân thực; hơn nữa, ông còn có một góc nhìn riêng để tạo nên kiểu nhân vật đặc thù cho thế giới nghệ thuật của ông. Tiểu kết chương 2 Hành trình đi tìm nhân vật của Dư Hoa từ truyện ngắn của thập niên 80 đến tiểu thuyết của thập niên 90 trở đi đã diễn ra dưới sự tác động nhiều chiều của bối cảnh lịch sử, xã hội, văn học Thời kì mới và sự chi phối trực tiếp của quá trình vận động quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Hành trình này thể hiện rõ dấu ấn của một thời đại đầy biến động cũng như những chuyển biến trong tư tưởng, tình cảm của Dư Hoa. Ta thấy được ở đó tâm sự của một thế hệ trí thức mang trong mình chấn thương, lòng hoài nghi về thế giới và con người, hoang mang không thấy ý nghĩa đích thực của sinh tồn và loay hoay kiếm tìm một điểm tựa mới về tinh thần. Ta cũng thấy được một cái nhìn mang tinh thần tiên phong của Dư Hoa, luôn đánh thức sự tri nhận lại các mệnh đề triết học, văn hóa. Những khác biệt giữa hai giai
- 10 đoạn sáng tác của nhà văn còn thể hiện sự trưởng thành của nhà văn trên con đường sáng tạo. Đến đầu thập niên 90, Dư Hoa bắt tay vào sáng tác tiểu thuyết, đồng thời lựa chọn “tân tả thực” làm định hướng sáng tạo thế giới nhân vật của mình. Đây là sự lựa chọn mang tính chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn văn học trong thời đại mới, vừa cho thấy những đổi mới của nhà văn trong tư duy nghệ thuật. Ở giai đoạn những năm 90, tính hiện đại được hóa thân trong màu sắc của chủ nghĩa hiện thực, hấp thụ các thủ pháp truyền thống, gia tăng tính chất bình dân. Dư Hoa đã tạo nên sự dung hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại, giữa một nội dung bề mặt đậm tính đại chúng và một hình thức nghệ thuật mang tính “tiên phong”. Lựa chọn của Dư Hoa đã sửa chữa những cực đoan trong văn học “tiên phong”. Có thể coi đây là một trong những con đường để tự cứu rỗi cho văn học Trung Quốc đương đại. Chương 3 KIỂU NHÂN VẬT BI KỊCH TRONG TIỂU THUYẾT DƯ HOA 3.1. Vị trí trung tâm của kiểu nhân vật bi kịch trong tiểu thuyết Dư Hoa 3.1.1. Cái bi và kiểu nhân vật bi kịch Cái bi là một phạm trù thẩm mĩ gắn liền với nỗi buồn, mất mát, đau thương. Cái bi là sự mất mát, đau thương nhưng là sự mất mát của lý tưởng, của cái cao cả, cái đẹp chứ không phải sự mất mát của những giá trị đã không còn ý nghĩa tiến bộ; là sự đau thương đến từ thất bại của nhân vật và lực lượng có sức mạnh lớn lao, phẩm chất cao cả, đại diện cho sự phát triển tiến bộ của lịch sử, mang những lý tưởng đẹp đẽ, khát vọng chân chính. Nhân vật bi kịch được xây dựng dựa trên tinh thần của cái bi. Nó mang đau thương, buồn bã khiến người ta phải động lòng thương xót. Nó thể hiện những khát vọng chính đáng nhưng bị vùi dập. Nó cho thấy phương diện thiếu tiến bộ, thiếu nhân văn của thời đại. Kiểu nhân vật này dưới ngòi bút của Dư Hoa thoạt nhìn rất gần gũi với kiểu nhân vật nạn nhân trong văn học truyền thống nhưng về bản chất, chúng có nhiều điểm khác biệt. Cái bi thảm của các nhân vật ở đây không còn có ý nghĩa đại diện cho một giai cấp, tầng lớp riêng nào mà đại diện cho cả một dân tộc và nhân loại. Nhân vật bi kịch trong tiểu thuyết Dư Hoa là những con người bé nhỏ, cô đơn vật lộn với cuộc mưu sinh hằng ngày. Họ không
- 11 mưu cầu điều gì cao xa mà chỉ mong được sống: “Con người ta vì bản thân sự sống mà sống, chứ không phải vì bất cứ vật nào ngoài sự sống”. Trong “một thời đại mất Chúa” (Kierkegaard), đáp lại “lời kêu gọi của con người” chỉ là “sự im lặng của cuộc đời” (A. Camus), nhân vật thuộc thế giới nghệ thuật của Dư Hoa đã lấy hiện hữu làm cứu cánh, xem đó là mục đích cao cả nhất của đời người. Quan niệm mang đậm màu sắc hiện sinh này là tư tưởng hạt nhân của kiểu nhân vật bi kịch trong tiểu thuyết của Dư Hoa. 3.1.2. Xác định vị trí trung tâm của kiểu nhân vật bi kịch Sau khi thống kê xác định các nhân vật thuộc kiểu bi kịch ở các tiểu thuyết của Dư Hoa, chúng tôi xác định tỉ lệ số nhân vật bi kịch trên tổng số nhân vật trong tiểu thuyết Gào thét trong mưa bụi là 50%, Sống là 61%, Chuyện Hứa Tam Quan bán máu là 73%, Huynh đệ là 23%. Qua đó cho thấy nhân vật bi kịch là kiểu nhân vật đặc thù của tiểu thuyết Dư Hoa, nơi tập trung thể hiện cách chiếm lĩnh hiện thực của nhà văn. 3.2. Dạng thức kiểu nhân vật bi kịch 3.2.1. Nhân vật nhỏ bé với những ước muốn và tình cảm thế tục Kiểu nhân vật bi kịch trong tiểu thuyết Dư Hoa trước hết là con người hiện sinh trung thực luôn lắng nghe cảm xúc, mong muốn hết sức trần thế đang chảy bên trong cơ thể mình. Họ có thể chỉ là những con người bé nhỏ vốn rất mờ nhạt trong cuộc đời này, nhưng họ đại diện cho chính họ và hết sức thành thật với con người mình. Thế giới không nhiều nhân vật của tiểu thuyết Dư Hoa chỉ có những con người rất đỗi bình thường có xuất thân bình dân hoặc nghề nghiệp hết sức giản dị. Cuộc sống của những con người bình thường nhất của thế tục này, bởi thế, chỉ thu hẹp trong phạm vi gia đình mà ít ảnh hưởng rộng rãi ra bên ngoài xã hội. Sinh thái bao quanh nhân vật là các câu chuyện nhỏ nhặt, là những rắc rối về vật chất, tinh thần hết sức tầm thường của cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Ước mơ, mong muốn của những con người nhỏ bé cũng hết sức thiết thân, tầm thường như được đầy đủ về cái ăn cái mặc hay thỏa mãn nhu cầu dục tính. Mong mỏi suốt đời của vợ chồng Từ Phú Quý là con cái có bộ quần áo tươm tất để đi học, lớn lên không bị cảnh nghèo trói buộc, chỉ cần một trong hai đứa sống khá hơn. Nỗi niềm đau đáu của Hứa Tam Quan cũng quanh quẩn với miếng ăn. Hầu hết các nhân vật trong Gào thét trong mưa bụi lại bị thúc giục bởi sức mạnh bản năng dục tính. Các nhân vật ở đây không được mô tả như họ phải trở thành mà như họ vốn có. Tuy nhiên, không vì thế mà họ trở nên hèn kém. Bởi con người luôn đòi hỏi được thừa nhận
- 12 trong thực thể trọn vẹn của nó, có cao thượng, có thấp hèn, có lí trí và dục vọng bản năng. Con người cần được nhìn nhận với tư cách là những cá thể sống, cảm xúc và họat động với những kinh nghiệm độc đáo, riêng biệt của mỗi cá nhân. Đó là những cảm xúc, nhu cầu mang tính nhân bản, vượt ra ngoài sự ràng buộc của con người đạo đức, con người duy lí, con người giai cấp. Họ truy tìm ý nghĩa của cuộc sống từ chính hiện tại và quý trọng từng phút giây sinh tồn của mình. Dư Hoa đã hướng ngòi bút đến những con người bé nhỏ chỉ mang trong mình khát vọng được sống một cuộc đời yên ổn, nhìn họ với tư cách là những con người mang đầy nhân tính. Qua đây, nhà văn muốn khám phá những gì thuộc về bản chất người. 3.2.2. Nhân vật đau khổ và hành trình chiến đấu với cuộc sinh tồn Khổ nạn, bạo lực, cái chết, sự phi lý truy đuổi con người như một định mệnh là hằng số tâm lý trong sáng tác của Dư Hoa. Trong thế giới đó, các nhân vật của ông luôn phải tìm cách để sống sót. Hành trình vật lộn với cuộc sinh tồn của các nhân vật hết sức gian nan, có kẻ may mắn vượt qua, nhưng cũng không ít người không thoát được định mệnh. Trong cuộc chiến không cân sức này, có những nhân vật không chỉ bị cái chết đe dọa sự hiện tồn, mà đáng sợ hơn, nó còn uy hiếp đến sự tôn nghiêm của con người, khiến họ không thể đi đến cùng cuộc hành trình mang phận người. Trong thế giới hoang đường của Huynh đệ, nơi mà đâu đâu cũng là Thành lũy và Phán quyết kiểu Kafka, cái chết luôn rình rập. Đó là cái chết của bố con Tôn Vĩ, bố con Tống Phàm Bình – Tống Cương. Những án tử từ trên trời rơi xuống mà con người không thể chống đỡ, thậm chí không thể lý giải. Đó là cái chết của những con người “muốn làm nô lệ nhưng không được”, của những cá thể sinh vật chẳng thể thích nghi với cuộc sống của đồng loại. Và đó đâu đơn giản chỉ là cái chết của thể xác mà chính là sự tận diệt về số phận, về bản thể người. Trong cuộc chiến sinh tồn này, có những nhân vật đã tạm thời duy trì được mạng sống của mình nhưng lại không thể chống cự được với quá trình tha hóa. Các nhân vật Tống Cương, Lâm Hồng, Đồng thợ rèn… dù ý thức hay không ý thức được, để tồn tại, họ đã đánh mất chính mình. Họ chỉ còn là những “xác sống” trống rỗng vô hồn. Quá trình chống chọi với hoàn cảnh để thích nghi đã khiến họ phải trả cái giá quá đắt. Giữa cuộc sống phù du, bất định và đầy rẫy những phi lý như thế, các nhân vật của Dư Hoa chỉ thấy mạng sống là đáng quý, là cái có thực. Họ hết sức trân quý mạng sống của mình, thể hiện mãnh liệt khát vọng sinh tồn – khát vọng nguyên thủy nhất của con người.
- 13 Nhịn chịu và trân quý mạng sống là cách sống cao thượng mà Từ Phú Quý, Hứa Tam Quan đã lựa chọn để tranh đấu với cái phi lý, vô thường của cuộc đời. Đây là hình ảnh bi thảm của con người trước khổ đau và phi lý của cuộc đời. Nhưng họ đã bền bỉ sống bằng ước muốn sinh tồn chất phác, nguyên sơ: “sống vì bản thân sự sống mà sống, chứ không phải vì bất cứ vật nào ngoài sự sống”. Qua hành trình số phận của các nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa, ta nhận ra rằng trong cuộc đời này có một số người phải hao tổn sức kinh khủng chỉ để sống cuộc đời bình thường mà thôi. Các nhân vật khiêm tốn chịu đựng đau khổ, co mình lại trong không gian nhỏ hẹp, chấp nhận sự phi lý bất công, không oán thán mà chỉ hướng đến mục đích cao nhất và cũng là thấp nhất là được sống. Với kiểu nhân vật bi kịch, Dư Hoa đã "suy tư về con người với tư cách là chính nó". Và như thế, tiểu thuyết mới thực sự khẳng định được giá trị tồn tại của mình. 3.2.3. Nhân vật cô đơn và sự thể hiện cái tôi bản thể Giữa cõi nhân sinh đầy bất trắc, phi trật tự, con người mất đi chỗ dựa nương về tinh thần. Trạng thái cô đơn vì thế là một hệ quả tất yếu, một thuộc tính mang bản chất người. Với nhân vật của Dư Hoa, cô đơn không đơn thuần là thiếu người tri kỉ mà cô đơn vì cảm thấy lạc loài, bấp bênh trong thế giới hỗn độn, mất Chúa, không biết đâu là chuẩn mực, không biết bám víu vào nơi nào. Con người trở thành những bản thể đơn độc, khép kín. Trước hết, nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa cô đơn vì bị ruồng bỏ và lạc loài trong thế giới xa lạ. Có thể nói Gào thét trong mưa bụi là cuốn tiểu thuyết về sự cô đơn. Trong không gian kí ức không giới hạn của tác phẩm, các mảnh vỡ cô đơn đồng hiện, chồng lấn, gá ghép tạm bợ với nhau. Các nhân vật ở đây tồn tại bên cạnh nhau nhưng chỉ như những mảnh vỡ rời rạc, thiếu liên kết. Họ luôn khao khát được nối kết, được sẻ chia nhưng càng khao khát, càng gắng gượng thì khoảng cách giữa các nhân vật lại càng xa hơn, cuối cùng mỗi con người thu về trong thế giới riêng của mình. Họ đều kết thúc cuộc đời bằng cái chết hoặc sự hư vô, trống rỗng. Nỗi cô đơn dường như là một số kiếp được định sẵn cho con người. Nhân vật bi kịch của Dư Hoa còn cô đơn bởi một thế giới hỗn loạn các giá trị, nơi các nhân vật hoang mang giữa một thế giới không phân biệt đúng – sai, thật – giả, hiện thực – hoang đường. Tống Phàm Bình là một mảnh vỡ số phận mang bi kịch của một con người bị đổ vỡ niềm tin, lý tưởng. Tống Cương lựa chọn cái chết vì cuộc đời hỗn loạn đã đánh bật
- 14 con người thực thà này ra khỏi cơn quay cuồng của nó hay chính anh đã từ chối không thể dung nhập với cuộc đời. Với Lý Trọc, có vẻ như trong mọi biến thiên của thời đại, trở thành tỉ phú, cái được của nhân vật này nhiều hơn là cái mất. Thế nhưng thẳm sâu trong con người ấy lại là một nỗi cô đơn đến tột cùng. Cái chết của Tống Phàm Bình, Tống Cương, nỗi cô đơn không cùng của Lý Trọc trước vũ trụ thăm thẳm đã đánh vỡ những ảo tưởng của con người về một thời đại mới – thời đại của tự do. Ngay trong giờ phút một mình chống chọi với bi kịch của cuộc đời đó, những con người này hẳn rằng đã hoang mang biết bao với giá trị mà mình đã từng tin tưởng. Ta nhận thấy, nhân vật cô đơn của Dư Hoa không đơn thuần là tâm sự mang tính chất cá nhân. Nó vừa là hệ quả của sự thiếu vắng chỗ dựa tinh thần vì sự sụp đổ của những lý tưởng (mà thực chất chỉ là ảo tưởng) vừa trở thành một thuộc tính tiền định, bản thể của con người. Nhân vật cô đơn trong tiểu thuyết của Dư Hoa mang dáng dấp của những kẻ xa lạ bị cuộc đời làm méo mó, biến dạng trong tác phẩm của F. Kafka. Ta còn thấy bóng dáng của bảy thế hệ cô đơn mà sự ích kỉ đã khiến họ xa rời bản chất người trong Trăm năm cô đơn của G.G. Marquez. Cô đơn, xa lạ, tồn tại như những mảnh vỡ rời rạc là sự phản ứng của con người trước một thực tại hỗn độn, phi trật tự. Đó là nỗi cô đơn của con người hậu hiện đại. 3.3. Nghệ thuật thể hiện kiểu nhân vật bi kịch 3.3.1. Miêu tả nhân vật qua các chi tiết mang dấu ấn chủ nghĩa tự nhiên Nhân vật bi kịch của Dư Hoa là những con người từ chối lý tưởng đạo đức, những ước mơ, tình cảm bay bổng. Đó không còn là con người tinh thần thuần khiết, Con Người viết hoa, con người “phải trở thành” của chủ nghĩa hiện thực cách mạng mà là con người hiện sinh, là chủ thể sinh lý bị chi phối mạnh mẽ bởi đời sống bản năng. Các chi tiết mang dấu ấn của chủ nghĩa tự nhiên được sử dụng như một phương tiện để trả lại tiếng nói cho nhân vật, hướng đến sự chân thực trong trạng thái nguyên sơ. Hầu như, nhà văn chỉ chú tâm miêu tả ngoại hình nhân vật nữ, hơn nữa lại thường sử dụng các chi tiết mang tính phồn thực, tập trung vào các bộ phận nhạy cảm. Về hành động của nhân vật, Dư Hoa cũng cho thấy con người ở đây là chủ thể sinh lý, là “sinh vật được tạo thành từ những nội tạng” như cái nhìn của nhà tự nhiên chủ nghĩa Zola. Hành động của các nhân vật vì thế đậm chất trần tục, mang tính vật chất, thể chất, thậm chí là ghê tởm. Những xúc cảm, hành động tính dục của các nhân vật cũng thường xuyên được Dư Hoa miêu tả.
- 15 Miêu tả con người với tư cách là một sinh vật bằng các chi tiết mang dấu ấn của chủ nghĩa tự nhiên là phương thức hiệu quả để Dư Hoa khắc họa kiểu nhân vật bi kịch với tất cả dáng vẻ trần tục của nó. Những dáng vẻ, hành động thể hiện phương diện sinh học của con người được nhìn nhận là một giá trị bất biến giữa mọi biến thiên của cuộc đời. Qua đây, nhà văn đồng thời thể hiện một một thái độ khách quan, phi chính trị đối với thế giới. Đây chính là tôn chỉ thống nhất khi Dư Hoa xây dựng kiểu nhân vật bi kịch. 3.3.2. Tái hiện nhân vật trong sự nhạt hóa bối cảnh xã hội Sự thay đổi quan niệm về "bản chất" của cuộc sống và con người dẫn đến sự thay đổi trong mối quan hệ giữa nhân vật với ngoại cảnh. Tính chất nhạt hóa của bối cảnh xã hội trong tiểu thuyết Dư Hoa trước hết thể hiện ở đặc điểm phi trật tự, phi trung tâm của hiện thực. Tính chất ngẫu nhiên, không có quan hệ nhân quả của hiện thực cũng là một biểu hiện của việc nhạt hóa bối cảnh. Do bị mờ hóa nên những sự kiện vốn được coi là quan trọng và đưa đến những cảm xúc rất đặc trưng cũng được bình thường hóa và không được mô tả theo lẽ thông thường. Sự nhạt nhòa càng phủ bóng lên hiện thực khi một vài sự kiện lịch sử trọng đại đã được nhắc đến trong tác phẩm bị mờ hóa bởi người đọc chỉ có thể lần tìm được chúng qua một vài chi tiết nhỏ. Bối cảnh xã hội trong tiểu thuyết Dư Hoa không còn là bối cảnh chung của một lịch sử rộng lớn mà chỉ thu về vừa vặn cho một kiếp hiện sinh. Nói cách khác, đó là lịch sử đã được cá nhân hóa, được linh hồn hóa. Trong sự tước bỏ tính chất điển hình, công thức nặng nề của bối cảnh, các nhân vật không còn bị chèn ép mà trở nên rõ ràng, có tiếng nói, được tự phơi bày khát vọng, nhu cầu dù bé nhỏ nhất của mình. 3.3.3. Khắc họa nhân vật bằng thủ pháp trùng lặp Dư Hoa cũng sử dụng thủ pháp trùng lặp khi thể hiện nhân vật bi kịch trong tiểu thuyết của mình. Sự trùng lặp được Dư Hoa sử dụng cho một nhân vật. Hứa Tam Quan mười lần bán máu, Từ Phú Quý bảy lần chứng kiến cái chết của người thân… Các chi tiết lặp đi lặp lại ở các nhân vật này như chu trình khổ đau bất tận của cuộc sống, là những thử thách ngày càng gia tăng đến mức tối đa, dồn nhân vật vào tình huống căng thẳng nhất để họ bộc lộ sức chịu đựng dẻo dai của mình. Dư Hoa còn tái hiện sự trùng lặp ở các nhân vật khác nhau, thậm chí là nhân vật trong cùng một tác phẩm. Miêu tả nhân vật trong sự trùng lặp, tác giả đã khắc sâu, tạo ám ảnh cho người đọc về số phận của nhân vật. Bên cạnh đó, Dư Hoa muốn dựng nên một thế giới hiện sinh sinh động, đa dạng mà ở đó, các số phận trên hành trình của mình với những
- 16 hành xử cảm tính, cá nhân dễ dàng có điểm giao cắt, gặp gỡ. Một lần nữa, hình thức nghệ thuật này giúp nhân vật bi kịch của Dư Hoa tiến gần hơn với hiện thực như ý muốn của nhà văn. Tiểu kết chương 3 Cứu cánh của Dư Hoa trong khi sáng tạo nên kiểu nhân vật bi kịch chính là sự hoàn nguyên bản chất của đời sống với những thể nghiệm hiện sinh thiết thân, là những rung động từ sâu thẳm tâm hồn bởi khát vọng nguyên thủy, là ý thức phân hủy cái gọi là "bản chất", "điển hình" của chủ nghĩa hiện thực truyền thống hay chính là tiêu trừ quyền lực của diễn ngôn chính trị, tẩy bỏ sự nhám nhúa của huyền thoại đạo đức xưa cũ áp đặt lên việc nhận thức các vấn đề đời sống. Sức mạnh của tính văn học trong tiểu thuyết Dư Hoa được làm nên từ những lý tưởng như thế. Chương 4 KIỂU NHÂN VẬT HOẠT KÊ TRONG TIỂU THUYẾT DƯ HOA 4.1. Sự gia tăng số lượng nhân vật hoạt kê trong tiểu thuyết Dư Hoa 4.1.1. Hoạt kê và kiểu nhân vật hoạt kê Trong luận án, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “hoạt kê” trên nghĩa rộng, trong sự gắn bó chặt chẽ với phạm trù thẩm mĩ cái hài. Nó bao hàm nhiều cung bậc của tiếng cười như hài hước, mỉa mai, châm biếm, đả kích. Tiếng cười của hoạt kê phải bao hàm một ý nghĩa xã hội, giúp con người nhận ra bản chất của đối tượng, nhận thức được chân lí. Tiếng cười vừa gắn liền với sự khẳng định lý tưởng thẩm mĩ cao cả, vừa có ý nghĩa phủ định, phá hủy, có sức công phá mãnh liệt đối với cái xấu xa, lỗi thời. Không chỉ vậy, tiếng cười ấy còn giúp ta tiếp cận với đời sống một cách dân chủ, bằng cái nhìn biện chứng, đa nguyên, phi quy phạm. Cách tiếp cận đó khiến cho đời sống trở thành chính nó chứ không phải là một hiện thực nhân tạo được tô vẽ bằng những lý tưởng, tưởng tượng của con người. Những nhân vật được xây dựng dựa trên bút pháp hoạt kê thuộc kiểu nhân vật hoạt kê. Kiểu nhân vật này trở thành đối tượng gây cười, đối tượng bị cười trong các tác phẩm. Kiểu nhân vật này thường được miêu tả trong cuộc sống đời thường bởi chỉ có trong sinh hoạt thường ngày, tất cả những lời nói ngô nghê, các thói hư tật xấu, những dị tật, những
- 17 tình huống hài hước mới được phô bày rõ ràng. Nhân vật hoạt kê thường bị phóng đại lên một đặc điểm tính cách nào đó và giản lược các nét tính cách khác, khiến chúng đôi khi không giống với thực tế. Ngoại trừ một số có tính chất bông đùa, hài hước, các nhân vật hoạt kê đa phần là tiêu cực mang những thói tật khó thay đổi. Bởi mang mục đích phê phán, cười nhạo cái xấu, cái bảo thủ hay cái mới kệch cỡm dựa trên lí tưởng thẩm mĩ cao cả của một xã hội nhất định nên nó sẽ nhanh chóng bị lỗi thời, tất nhiên trừ phi tác giả ban cho nó những ý nghĩa vượt ra ngoài thời đại. Nhân vật hoạt kê là một phương tiện quan trọng để nhà văn thể hiện một thái độ đối với cuộc đời và con người. Tinh thần hoạt kê của nhân vật trong tiểu thuyết Dư Hoa là sự cộng hưởng giữa dòng mạch truyền thống văn học hoạt kê Trung Hoa và tinh thần giải thiêng, hoài nghi, dân chủ của cảm quan hậu hiện đại đến từ phương Tây. Bởi vậy, nó mang những nét đặc trưng riêng biệt. 4.1.2. Phân tích hiện tượng gia tăng số lượng nhân vật hoạt kê Chúng tôi đã thống kê được tỉ lệ nhân vật hoạt kê như sau: Gào thét trong mưa bụi: 29%, Sống: 6%, Chuyện Hứa Tam Quan bán máu: 8%, Huynh đệ: 74%. Có thể thấy trong tiểu thuyết của Dư Hoa, kiểu nhân vật hoạt kê đã thường xuyên xuất hiện. Đặc biệt, đến Huynh đệ, nhân vật hoạt kê chiếm tỉ lệ vượt trội và trở nên đầy đặn hơn. Với định hướng “tân tả thực” hướng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, hầu hết các nhân vật hoạt kê trong tiểu thuyết Dư Hoa đều là những con người rất bình thường, gần gũi. Điều đó cho thấy Dư Hoa đã phát hiện và khai thác cái hài hước, nực cười ở trong mọi hiện tượng, con người của đời sống thường ngày. 4.2. Các dạng thức nhân vật hoạt kê 4.2.1. Nhân vật châm biếm và sự lột trần căn tính xấu của con người Nhân vật châm biếm là nhân vật sử dụng tiếng cười để phanh phui, chế nhạo những biểu hiện xấu xa, lạc hậu trong xã hội. Đây là dạng nhân vật xuất hiện tập trung trong tiểu thuyết Huynh đệ của Dư Hoa. Trong thế giới hoạt kê của Huynh đệ, Lý Trọc là nhân vật trung tâm. Nhân vật này nổi bật với hai nét tính cách: dâm đãng và cơ hội. Với nhân vật này, Dư Hoa đã có công cụ tốt để đột nhập vào cơ cấu của xã hội Trung Quốc hiện đại, chỉ ra hai giai đoạn lịch sử Đại cách mạng văn hóa và thời đại kinh tế thị trường vẻ ngoài thoạt nhìn là đối lập nhưng về bản chất lại giống nhau đến khủng khiếp. Hai thời đại về bản chất đều là cuộc sống của những nô lệ: con người từ chỗ nô lệ cho quyền lực chính trị đến chỗ nô lệ cho đồng tiền và tình
- 18 dục. Trong bối cảnh đó, Lý Trọc trở thành nhân vật mang ý nghĩa biểu tượng cho bản chất của thời đại. Ở thời đại của những con người thờ phụng chính trị, hành động nực cười nhất của Lý Trọc là vừa “cưỡng dâm” cột điện đến đỏ bừng mặt vừa giơ nắm đấm tí tẹo của mình hô “vạn tuế” và “đả đảo” để ủng hộ đội ngũ diễu hành cuồn cuộn trên phố, hừng hực khí thế, say sưa hô vang các khẩu hiệu ủng hộ cuộc Đại cách mạng văn hóa. Hành động “tréo ngoe” của Lý Trọc tưởng không ăn nhập gì với không khí trang nghiêm của buổi diễu hành, thực chất lại là hình ảnh thu nhỏ của một xã hội đang trong cơn cuồng phát bản năng và thú tính, của cuộc thủ dâm tinh thần được thực hiện bởi cả xã hội Trung Hoa thời Cách mạng văn hóa. Đến thời đại túng dục, Lý Trọc lại trở thành đối tượng được sùng bái. Hình mẫu được tôn thờ đã cho thấy đặc điểm tâm lý, văn hóa trong từng giai đoạn của đám đông ở thị trấn Lưu. Lý Trọc được nhà văn miêu tả bằng bút pháp phóng đại, khiến nhân vật trở nên kì dị nhưng đó lại là lúc nhân vật thể hiện rõ nhất những méo mó trong nhận thức của con người, từ đây, những hiện tượng quái đản trong văn hóa của người Trung Hoa được phơi bày. Xung quanh hạt nhân trung tâm Lý Trọc, đông đảo các nhân vật khác cũng kì dị, quái đản không kém. Đám đông này bộc lộ hai đặc tính: thứ nhất là tính cách nô lệ, khuất phục; thứ hai là tính cơ hội, dễ dàng thích nghi theo hoàn cảnh. Hai nét tính cách này thực chất là hai mặt thống nhất của sự thiếu năng lực phản kháng, đấu tranh để cải thiện hoàn cảnh. Điều đáng cười ở chỗ mặc dù hoàn toàn thụ động trước hoàn cảnh nhưng họ lại tự tin tưởng rằng bản thân chủ động thích nghi. Ở đây, cuộc sống trở thành một trò diễn và các nhân vật là diễn viên tích cực của trò diễn đó. Họ diễn trò cách mạng, tài tử trong sạch, đàn ông đường hoàng, họ còn diễn kẻ thất tình đáng thương, diễn trò gái trinh, chuyên viên cao cấp… Trong lễ hội cải trang lố bịch này, còn có sự tham gia của đám đông công chúng. Họ tham gia vào vở kịch với tất cả sự tò mò, thóc mách, ngớ ngẩn đến vô tâm, vô cảm. Nhân vật châm biếm trong tiểu thuyết của Dư Hoa là sự kết hợp hoàn hảo giữa bản chất vô nghĩa, phi lý và hình thức phù phiếm, khoa trương. Bằng tiếng cười sắc sảo, Dư Hoa đã vạch rõ lỗ hổng trong văn hóa cũng như nhược tính trong bản chất của người Trung Hoa hiện đại. Đây là một hướng đi mới của nhà văn trong cách thức thể hiện tinh thần phản tỉnh luôn thường trực trong tác phẩm của ông.
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế: An ninh tài chính cho thị trường tài chính Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế
25 p | 306 | 51
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Giáo dục học: Phát triển tư duy vật lý cho học sinh thông qua phương pháp mô hình với sự hỗ trợ của máy tính trong dạy học chương động lực học chất điểm vật lý lớp 10 trung học phổ thông
219 p | 288 | 35
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Chiến lược Marketing đối với hàng mây tre đan xuất khẩu Việt Nam
27 p | 183 | 18
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Hợp đồng dịch vụ logistics theo pháp luật Việt Nam hiện nay
27 p | 268 | 17
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Y học: Nghiên cứu điều kiện lao động, sức khoẻ và bệnh tật của thuyền viên tàu viễn dương tại 2 công ty vận tải biển Việt Nam năm 2011 - 2012
14 p | 269 | 16
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Triết học: Giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cho sinh viên trường Đại học Cảnh sát nhân dân hiện nay
26 p | 154 | 12
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kỹ thuật: Nghiên cứu tính toán ứng suất trong nền đất các công trình giao thông
28 p | 223 | 11
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kinh tế Quốc tế: Rào cản phi thuế quan của Hoa Kỳ đối với xuất khẩu hàng thủy sản Việt Nam
28 p | 177 | 9
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Xã hội học: Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội cấp cơ sở trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho cư dân nông thôn: Nghiên cứu trường hợp tại 2 xã
28 p | 149 | 8
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phát triển kinh tế biển Kiên Giang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
27 p | 54 | 8
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Các tội xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn miền Tây Nam bộ: Tình hình, nguyên nhân và phòng ngừa
27 p | 199 | 8
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phản ứng của nhà đầu tư với thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu của người nội bộ, người liên quan và cổ đông lớn nước ngoài nghiên cứu trên thị trường chứng khoán Việt Nam
32 p | 183 | 6
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Luật học: Quản lý nhà nước đối với giảng viên các trường Đại học công lập ở Việt Nam hiện nay
26 p | 136 | 5
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam thông qua mô hình hấp dẫn thương mại
28 p | 16 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học: Phương tiện biểu hiện nghĩa tình thái ở hành động hỏi tiếng Anh và tiếng Việt
27 p | 119 | 4
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Kỹ thuật: Nghiên cứu cơ sở khoa học và khả năng di chuyển của tôm càng xanh (M. rosenbergii) áp dụng cho đường di cư qua đập Phước Hòa
27 p | 8 | 4
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc kỳ hạn nợ phương pháp tiếp cận hồi quy phân vị và phân rã Oaxaca – Blinder
28 p | 27 | 3
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Kinh tế: Phát triển sản xuất chè nguyên liệu bền vững trên địa bàn tỉnh Phú Thọ các nhân tố tác động đến việc công bố thông tin kế toán môi trường tại các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản Việt Nam
25 p | 173 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn