intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Nghiên cứu văn bản “Diệu Pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương” của Thiền sư Thanh Đàm

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:57

4
lượt xem
1
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Nghiên cứu văn bản “Diệu Pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương” của Thiền sư Thanh Đàm được nghiên cứu với mục tiêu: Tìm hiểu về tiểu sử và sự nghiệp của Thiền sư Thanh Đàm và văn bản DPLHKTCĐC, so sánh các bản DPLHKTCĐC mà NCS đã sưu tầm được để tìm ra niên đại soạn thảo văn bản, niên đại khắc in và quá trình truyền bản.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Ngữ văn: Nghiên cứu văn bản “Diệu Pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương” của Thiền sư Thanh Đàm

  1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI NGUYỄN THỊ THUẬN (PHÁP DANH THÍCH ĐÀM VÂN) NGHIÊN CỨU VĂN BẢN “DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH TÔNG CHỈ ĐỀ CƯƠNG” CỦA THIỀN SƯ THANH ĐÀM Chuyên ngành: Hán Nôm Mã số: 9.22.01.04 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Người hướng dẫn khoa học: 1. GS. TS. Nguyễn Ngọc San 2. PGS. TS. Vương Thị Hường HÀ NỘI – 2023
  2. 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Đạo Phật được truyền bá vào Việt Nam khoảng đầu kỉ nguyên Tây lịch1 và đã nhanh chóng trở thành một tôn giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của người Việt. Hơn 2000 năm kể từ khi du nhập, Phật giáo Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Từ thời Bắc Thuộc, người Việt chưa có chữ viết riêng, các văn bản đều sử dụng bằng chữ Hán, kinh điển nhà Phật cũng chủ yếu là các bản kinh chữ Hán do các Thiền sư Trung Quốc phiên dịch hoặc chú giải, cho nên tăng sĩ Việt Nam ít nhiều chịu sự ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc. Với mục đích Phật học Việt phải mang hơi thở của tư tưởng Việt, nhiều bậc trí thức Phật giáo đã biên soạn, phiên dịch, chú giải những tác phẩm kinh điển của Phật để tăng ni người Việt vừa dễ tiếp cận kinh điển Phật giáo vừa thuận lợi trong việc tu học. Thiền sư Thanh Đàm là một danh Tăng đầu thế kỉ XIX, dưới triều Nguyễn. Ngài không chỉ là một thiền sư đắc đạo, có nhiều công lao trong việc hoằng pháp lợi sinh, Ngài còn là một tác gia có công chú giải, tiết yếu, biên soạn một số kinh sách nhà Phật như: Diệu pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương/妙法蓮華經宗旨提綱, Bát nhã tâm kinh trực giải/ 般若心經直解, Giải oan khoa/ 解冤科... trong đó, nổi bật là tác phẩm Diệu pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương (viết tắt: DPLHKTCĐC). Tác phẩm DPLHKTCĐC do Thiền sư Thanh Đàm biên soạn được ví như “la bàn” của người đi biển, giúp cho người tu hành có thể nương theo đó để tu đến bờ giải thoát. Nhằm phát huy những giá trị, tinh hoa văn hoá mà ông cha ta đã để lại, và nêu lên một chút tự hào trong trang sử vẻ vang của Phật giáo Việt Nam, là một tu sĩ Phật giáo, chúng tôi đã lựa chọn “Nghiên cứu văn bản Diệu Pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương của Thiền sư Thanh Đàm” làm đề tài luận án Tiến sĩ Ngữ văn chuyên ngành Hán Nôm của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Trong luận án này chúng tôi tìm hiểu về tiểu sử và sự nghiệp của Thiền sư Thanh Đàm và văn bản DPLHKTCĐC, so sánh các bản DPLHKTCĐC mà NCS đã sưu tầm được để tìm ra niên đại soạn thảo văn bản, niên đại khắc in và quá trình truyền bản. 1 Theo Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB. Phương Đông. Tr.15.
  3. 2 Tiến hành phiên âm, dịch nghĩa, chú thích, phân tích để làm rõ giá trị của văn bản. Từ đó, giới thiệu cho Tăng ni Phật tử một tác phẩm quan trọng bậc nhất trong hệ thống kinh điển Phật giáo nói chung và đặc biệt là một trong những tác phẩm văn học Phật giáo có ý nghĩa của một Thiền sư Việt Nam. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận án làm rõ tiểu sử, thân thế sự nghiệp của Thiền sư Thanh Đàm, tầm ảnh hưởng của tác giả, tác phẩm trong đời sống văn hóa Phật giáo và đời sống văn hóa xã hội. Tiến hành sưu tầm các bản in DPLHKTCĐC, xác lập hệ bản và xác định bản tin cậy (thiện bản). Khảo sát văn bản, nghiên cứu các giá trị trong tác phẩm DPLHKTCĐC về phương pháp tiết yếu, nội dung, nghệ thuật... 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng chúng tôi sử dụng nghiên cứu là các văn bản DPLHKTCĐC. Các văn bản Hán Nôm, các tư liệu có liên quan đến Kinh Pháp Hoa và DPLHKTCĐC. Thư tịch Hán Nôm, văn bia, tư liệu có liên quan đến tiểu sử, hành trạng của Thiền sư. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Luận án tìm hiểu nghiên cứu về thân thế sự nghiệp của Thiền sư Thanh Đàm và văn bản DPLHKTCĐC được lưu trữ ở các cơ quan lưu trữ Trung ương, địa phương, các thư viện tư nhân, các cơ sở tôn giáo… 4. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình tiến hành nghiên cứu luận án sẽ vận dụng một số phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp văn bản học nhằm làm rõ, chính xác về tác giả, niên đại biên soạn văn bản và quá trình truyền bá văn bản. - Phương pháp nghiên cứu lịch sử học, Phật học, văn học… liên quan đến tác giả, tác phẩm. - Luận án áp dụng lý thuyết Thông diễn học hay còn gọi là Thuyên thích học (Hermerneuties). - Vận dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành như: định lượng, thống kê, so sánh, sưu tầm, điền dã, … 5. Đóng góp mới của đề tài - Luận án góp phần cung cấp những thông tin quan trọng về tiểu sử, hành trạng và sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Thiền sư Thanh Đàm. Làm rõ một số nghi
  4. 3 vấn trong phần tiểu sử của Thiền sư, phác hoạ chân dung của một danh tăng triều Nguyễn. - Giới thiệu một cách có hệ thống văn bản DPLHKTCĐC, làm rõ những vấn đề về văn bản, xác định bản nghiên cứu và công bố thiện bản. - Làm nổi bật giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản DPLHKTCĐ, đem đến cái nhìn toàn diện về một tác phẩm Phật giáo, hướng tới sự phát huy giá trị của tác phẩm. Phiên âm, tuyển dịch nội dung tác phẩm. 6. Ý nghĩa khoa học của luận án “Nghiên cứu văn bản DPLHKTCĐC của Thiền sư Thanh Đàm” mang lại những ý nghĩa khoa học sau: - Luận án bước đầu phác hoạ chân dung tiểu sử, hành trạng của Thiền sư Thanh Đàm, qua đó làm nổi bật lên tài năng, đức độ của một bậc danh Tăng. - Luận án làm rõ đặc điểm văn bản, phương pháp tiết yếu, diễn giải trong tác phẩm DPLHKTCĐC, đồng thời khái quát nội dung, giá trị và những ứng dụng thực tiễn của tác phẩm trong đời sống của Phật giáo và xã hội. - Luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho việc học tập, giảng dạy trong các trường Phật học, tu viện Phật giáo và làm tư liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án sẽ được triển khai thành 4 chương chính với các nội dung được xác định nghiên cứu như sau: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài. Chương 2: Thân thế và sự nghiệp của Thiền sư Thanh Đàm. Chương 3: Khảo cứu văn bản Diệu pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương. Chương 4: Giá trị của tác phẩm Diệu pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương.
  5. 4 PHẦN NỘI DUNG Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI Diệu pháp liên hoa kinh 妙法蓮華經, thường gọi tắt là Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh quan trọng bậc nhất trong hệ thống kinh điển của Phật giáo Đại thừa. Tại Việt Nam Kinh Pháp Hoa có ảnh hưởng sâu rộng nhất trên nhiều phương diện: giáo nghĩa, học thuật, tín ngưỡng và tu tập. Với những sở học, sở đắc của mình về Kinh Pháp Hoa Thiền sư Thanh Đàm đã biên soạn tác phẩm DPLHKTCĐC. 1.1. Giới thiệu vài nét về sự hình thành Kinh Pháp Hoa Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh thuộc hệ tư tưởng Phật giáo đại thừa do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni diễn thuyết. Tuy nhiên, Kinh Pháp Hoa được biên tập từ khi nào thì có nhiều ý kiến khác nhau. Có hai luận thuyết chính: - Thứ nhất, theo “ngũ thời bát giáo 五時八教”: Ngài Thiên Thai Trí Giả đại sư đã chia cuộc đời thuyết pháp của đức Phật thành năm thời: 1. Thời Hoa Nghiêm; 2. Thời A Hàm; 3. Thời Phương Đẳng; 4. Thời Bát Nhã; 5. Thời Pháp Hoa và Niết Bàn. - Thứ hai, theo lịch sử biên tập kinh điển: Kinh Pháp Hoa do chính đức Phật nói ra, nhưng khi đó các đệ tử chỉ nghe lời Phật dạy mà chưa có sự ghi chép lại. Sau khi đức Phật nhập diệt khoảng hơn 100 năm, do những quan điểm, giải thích giáo lý, giới luật có sự sai khác, tạo nên mâu thuẫn nội bộ, Phật giáo Ấn Độ khi ấy trong tình trạng suy thoái, trong bối cảnh đó, Kinh Pháp Hoa xuất hiện, với bản tuyên ngôn “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính/ 一切眾生皆有佛性”. Như một ông Vua anh minh có đủ tài trí và đức độ để thu phục muôn dân, Kinh Pháp Hoa cũng giống như thế, đã thu nhiếp được hầu hết các tư tưởng của các hệ phái Phật giáo. 1.2. Sơ lược về nội dung Kinh Pháp Hoa Nội dung Kinh Pháp Hoa nói về bản hoài xuất thế của chư Phật: chư Phật ra đời chỉ với một mục đích duy nhất đó là “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến/ 開示眾生悟入佛知見” gọi tắt Khai- thị- ngộ- nhập 開-示-悟-入). Các học giả tìm hiểu, nghiên cứu Kinh Pháp Hoa thường qua hai hình thức: + Một là theo giáo nghĩa “Khai- thị- ngộ- nhập2” Trong đó, phẩm Tựa trình bày tổng quát về bản thể của vũ trụ và thế giới, từ phẩm thứ hai đến phẩm thứ mười là “Khai” Phật tri kiến, phẩm thứ 11 là “Thị” Phật tri kiến. 2 Theo Pháp Hoa huyền nghĩa (2008) Thiên Thai Trí Giả đại sư, Từ Hoa dịch. NXB. Phương Đông.
  6. 5 Từ phẩm 12 đến phẩm thứ 22 là “Ngộ” Phật tri kiến. Từ phẩm 23 đến phẩm 28 là “Nhập” Phật tri kiến. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là tạm chia theo nhận định của phần đông các học giả, còn trên thực tế trong mỗi phẩm đều có đủ giáo nghĩa “Khai- thị- ngộ- nhập”. + Hai là: theo khái niệm Tích môn và Bản môn: Theo lịch sử truyền thừa Kinh Pháp Hoa, ngài Thiên Thai Trí Giả đại sư (538-597), đã chia 28 phẩm trong Kinh Pháp Hoa thành hai môn: 14 phẩm đầu thuộc Tích môn, 14 phẩm sau thuộc Bản môn. Tích môn, nhìn đức Phật qua lịch sử hiện thực, tức cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni qua tám tướng thành đạo. Đời sống và tuổi thọ của đức Phật được giới hạn trong không gian và thời gian nhất định. Còn Bản môn, tiếp tục trình bày đời sống của đức Phật sau khi nhập Niết bàn. Mặc dù chia ra Tích môn và Bản môn, nhưng giáo nghĩa “Khai- thị- ngộ- nhập” không thay đổi. 1.3. Sự truyền bá Kinh Pháp Hoa tại Việt Nam qua tư liệu Theo tác giả Nguyễn Lang trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận, Kinh Pháp Hoa được truyền vào Việt Nam từ rất sớm. Vào hạ bán thế kỉ thứ ba, ngài Chi Cương Lương Tiếp đã dịch Pháp Hoa tam muội tại giao chỉ. Nguyễn Lang cũng cho biết vào thời nhà Lý Kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh thông dụng cùng Kinh Kim Cương, Kinh Dược Sư, Kinh Viên Giác… Lịch sử truyền bá Kinh Pháp Hoa tại Việt Nam có thể tạm phân làm ba theo chữ viết: + Tài liệu Kinh Pháp Hoa bằng chữ Hán Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm chúng tôi tìm được một số tài liệu Hán Nôm, liên quan tới Kinh Pháp Hoa như: 妙法蓮華經/ Diệu pháp liên hoa kinh Kí hiệu AC.363; AC.553; AC.476; AC 398; AC.399; 妙法蓮華經解/ Diệu pháp liên hoa kinh giải Kí hiệu AC.390; 妙法蓮華經感應錄/ Diệu pháp liên hoa kinh cảm ứng lục Kí hiệu AC.318,… Ngoài ra, chúng tôi còn tìm được một số tài liệu về Kinh Pháp Hoa tại một số chùa trên địa bàn Hà Nội như: chùa Liên phái, chùa Đại Từ Ân, chùa Hoè Nhai; chùa Quảng Bá… - Tài liệu Kinh Pháp Hoa bằng chữ Nôm Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện còn lưu trữ hai bộ Kinh Pháp Hoa được viết và khắc in bằng chữ Nôm là Pháp Hoa quốc ngữ kinh/ 法華國語經, ký hiệu AB.380 và Diệu Pháp liên hoa kinh 妙法蓮華經, ký hiệu AB.488.
  7. 6 - Tài liệu phiên dịch, chú giải Kinh Pháp Hoa chữ Quốc ngữ Từ khi sử dụng chữ viết theo ký tự La tinh (chữ Quốc ngữ) đến nay có rất nhiều các bậc Tăng sĩ, các nhà nghiên cứu Phật học đã dịch thuật, chú giải, lược giải Kinh Pháp Hoa. Qua khảo sát sơ bộ có đến vài chục đầu sách liên quan đến Kinh Pháp Hoa. Cách thức và chiều hướng nghiên cứu có khác nhau, tuy nhiên nội dung và ý nghĩa của Kinh Pháp Hoa không thay đổi. Khảo sát, thống kê cho thấy các tư liệu về Kinh Pháp Hoa hiện đang lưu hành tại Việt Nam về mặt thể thức và số lượng rất phong phú, điều này đã nói lên tầm quan trọng và sự thịnh hành của Kinh Pháp Hoa tại Việt Nam. 1.4. Các công trình nghiên cứu về Thiền sư Thanh Đàm Là một danh Tăng triều Nguyễn, Thiền sư Thanh Đàm đã có nhiều công lao trong sự nghiệp hoằng dương đạo pháp. Một số cuốn sách, bài viết đã giới thiệu về Ngài như: Tác giả Như Hùng trong cuốn Thiền sư và tư tưởng giác ngộ; Hoà thượng Thích Thanh Từ trong cuốn Thiền sư Việt Nam; Tác giả Nguyễn Lang trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận; tác giả Nguyễn Đại Đồng trong cuốn Lịch sử Phật giáo Ninh Bình;… Tuy nhiên, những thông tin này còn chưa thật đầy đủ. Quá trình tìm hiểu và so sánh, chúng tôi nhận thấy các thông tin liên quan đến tiểu sử, hành trạng của Thiền sư còn có sự sai khác đây là vấn đề luận án cần làm rõ. 1.5. Các công trình nghiên cứu về văn bản DPLHKTCĐC DPLHKTCĐC là một tác phẩm được các học giả, các nhà nghiên cứu, và giới tu sĩ Phật giáo đánh giá cao, một số tác giả đã đề cập đến như: cuốn Thiền sư Việt Nam của Hoà thượng Thích Thanh Từ; cuốn Thiền sư và tư tưởng giác ngộ tác giả Như Hùng; cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang… Bước đầu các tác giả đã giới thiệu về giá trị của văn bản DPLHKTCĐC nhưng chưa đi sâu vào việc nghiên cứu. Thích Nhật Quang đã dịch văn bản DPLHKTCĐC sang tiếng Việt với tên sách Pháp Hoa đề cương. Hoà thượng Thích Phổ Tuệ cũng đã dịch DPLHKTCĐC làm tư liệu giảng dạy cho Tăng Ni sinh trường Trung cấp Phật học Hà Nội. 1.6. Những đóng góp của người đi trước và hướng triển khai luận án Qua lịch sử nghiên cứu vấn đề, liên quan đến tiểu sử của Thiền sư Thanh Đàm và văn bản DPLHKTCĐC đóng góp của các học giả đi trước thể hiện rõ ở mức độ sau: Tác giả Như Hùng, tác giả Nguyễn Lang và tác giả Thích Thanh Từ, Nguyễn Đại Đồng đã giới thiệu về tiểu sử của Thiền sư Thanh Đàm như năm sinh, năm mất, năm thụ giới,... nhưng chưa đầy đủ. Văn bản DPLHKTCĐC các tác giả bước đầu đã giới thiệu
  8. 7 đánh giá giá trị của tác phẩm nhưng chưa phân tích nội dung, ý nghĩa, tư tưởng… của tác phẩm. Lựa chọn đề tài này, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu luận án đưa ra hướng triển khai như sau: - Làm rõ về thân thế, sự nghiệp của Thiền sư Thanh Đàm. - Phiên âm văn bản ra tiếng Việt (hiện chưa có bản phiên âm nào). Dựa trên bản dịch của Hoà thượng Thích Nhật Quang, chúng tôi tham khảo hiệu chỉnh, đối chiếu và chú thích văn bản DPLHKTCĐC. - Tiến hành nghiên cứu, làm rõ những vấn đề trong văn bản DPLHKTCĐC. Khảo sát nhận định về hình thức của văn bản, tìm hiểu phương pháp chú giải, giá trị nội dung, tư tưởng, văn học nghệ thuật của tác phẩm… Tiểu kết chương 1 Thiền sư Thanh Đàm là một danh Tăng triều Nguyễn, Ngài đã có nhiều công lao trong việc biên soạn, tiết yếu, chú giải một số tác phẩm kinh điển Phật giáo, trong đó nổi bật là tác phẩm DPLHKTCĐC. Nhìn chung, các công trình của các học giả trước đây mới chỉ giới thiệu sơ lược về tiểu sử thân thế, sự nghiệp của Thiền sư Thanh Đàm, chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên sâu để làm rõ về cuộc đời và sự nghiệp của Ngài. Tác phẩm DPLHKTCĐC có nhiều giá trị về tư tưởng Phật học, văn hoá, văn học, nghệ thuật, tuy đã được phiên dịch và giới thiệu, nhưng về nội dung, tư tưởng và giá trị của DPLHKTCĐC vẫn còn là khoảng trống. Đây cũng chính là lí do, nhiệm vụ đặt ra để chúng tôi thực hiện đề tài này. Chương 2 THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA THIỀN SƯ THANH ĐÀM Thiền sư Thanh Đàm là một danh Tăng tiêu biểu dưới triều Nguyễn, đã có nhiều tác giả giới thiệu về tiểu sử và sự nghiệp của Ngài. Tuy nhiên, các thông tin đó còn hạn chế. Trong quá trình tìm hiểu và điền dã, chúng tôi đã tìm thêm và bổ sung được một số thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Ngài. Trong chương này, chúng tôi xin giới thiệu về tiểu sử, hành trạng và sự nghiệp của Thiền sư Thanh Đàm. 2.1. Tiểu sử, hành trạng của Thiền sư Thanh Đàm (1786-1848) 2.1.1. Sơ lược về pháp mạch dòng thiền Tào Động liên quan đến tác giả Thiền phái Tào Động được truyền vào Việt Nam từ thế kỉ thứ XVII, cả ở Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong. Thiền phái này do hai thiền sư Động Sơn Lương Giới (807- 869) và Tào Sơn Bản Tịch (840-901) sáng lập tại Trung Quốc. Thiền sư Thanh Đàm thuộc phái Tào Động Đàng Ngoài Việt Nam.
  9. 8 - Sơ Tổ Tào Động Đàng Ngoài: Thiền sư Thuỷ Nguyệt Thông Giác (1637-1704) Thiền phái Tào Động được truyền vào Đàng Ngoài Việt Nam do Thiền sư Thông Giác tự Thuỷ Nguyệt/ 通覺字水月, hiệu Đạo Nam (1637-1704)3. Năm 28 tuổi, Ngài quyết chí sang Trung Quốc tham học với Tổ sư Nhất Cú Tri Giáo/ 一 句 知 教. Trải qua ba năm nỗ lực tu hành, Ngài đã được Tổ sư ấn chứng và ban cho pháp hiệu là Thông Giác Đạo Nam. Sau khi đắc pháp trở về Việt Nam, Ngài là người đầu tiên hoằng truyền thiền phái Tào Động ở Đàng Ngoài, trở thành một trong hai dòng thiền (Tào Động và Lâm Tế) phát triển mạnh và có sức ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam cho đến ngày nay. Hành trạng về cuộc đời của Ngài được ghi lại trong “Tào Động Tông Nam truyền Tổ sư ngữ lục” và “Tào Động Hồng Phúc phổ hệ”. -Tổ thứ hai: Thiền sư Chân Dung Tông Diễn (1638-1709) Thiền sư Tông Diễn, tự Chân Dung, hiệu Đại Tuệ Quốc Sư (1638-1709). Thế danh Tưởng Đình Khoa, người thôn Hương Ngãi, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương (Thái Bình). Ban đầu xuất gia tại bản quận, sau đến học đạo với Tổ Thuỷ Nguyệt, ngài được Tổ ấn chứng ban cho pháp danh Tông Diễn. Đầu niên hiệu Vĩnh Trị (1678) vua Lê Huy Tông đề cao Nho giáo, hạn chế Phật giáo. Vua ra lệnh đuổi hết Tăng ni vào nơi núi rừng không cho ở nơi thành thị, xóm làng. Ngài đã viết biểu dâng Vua bày tỏ ý nghĩa sâu xa của Phật pháp có thể hộ quốc an dân. Vua nghe lý lẽ hợp tình thấu đáo liền hủy lệnh cấm, khôi phục lại Phật pháp. Từ đó danh tiếng của Ngài được vang xa. Năm Chính Hòa thứ 24 (1703) Vua xuống chiếu phong cho Ngài là “Đại Tuệ Quốc Sư Bảo Thiền Phụ Quốc”. - Tổ thứ ba: Thiền sư Từ Sơn Hành Nhất (1681-1737) Thiền sư Từ Sơn, hiệu Hành Nhất (1681-1737). Thế danh Tưởng Hữu Kiên, sinh năm 1681, tại xã Hương Ngải phủ Kiến Xương. Năm 15 tuổi đến chùa Hòe Nhai thế phát xuất gia, theo hầu tổ Tông Diễn, học thông nội ngoại điển, giới hạnh tinh nghiêm, chỉ thụ giới Sa di Bồ tát. Ngài thường được Vua Lê, Chúa Trịnh mời vào trong cung giảng kinh thuyết pháp và phụng chỉ biên soạn bộ “Thuyền uyển kế đăng lục” được Triều đình ban hiệu “Tịnh Giác Tăng Thống”. - Tổ thứ tư: Thiền sư Tính Chúc Đạo Chu (1698 - 1775) 3 Thích Tiến Đạt (hậu duệ phái Tào Động), Tào Động Xiển Pháp phái truyền đăng lục (tư liệu chốn Tổ Tào Động).
  10. 9 Thiền sư Tính Chúc hiệu Đạo Minh, tự Thiện Thuận (1698 - 1775), thế danh Hoàng Nhẫn, tại xã Vũ Tiến, Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 17 tuổi xuất gia tại bản quán, lúc đầu tham vấn với Thiền sư Như Trương, sau đến chùa Hồng Phúc ở kinh đô tham vấn tổ Từ Sơn Hành Nhất, Ngài đã lĩnh ngộ đạo pháp, được Tổ sư ấn chứng. Năm 1732, Ngài lại tham dự khoa thi của triều đình và đỗ đầu, được ban Đao Điệp và chức Tăng Chính. Năm 1740, Ngài được triều đình đặc cách chức Thiếu Khanh “Bản Lai Hòa thượng”. - Tổ sư thứ năm: Thiền sư Hải Điện Mật Đa (? - ?) Thiền sư Hải Điện Mật Đa (? - ?) người họ Nguyễn ở thôn Phú Khê, xã Đông Phú, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngài xuất gia làm đệ tử tổ Tính Chúc ở chùa Hòe Nhai. Nhiều năm siêng năng học đạo, được Tổ khai thị Ngài đã ngộ đạo, được Tổ ấn chứng trao cho đại pháp. Từ đó đạo phong vang dội, giới hạnh trang nghiêm. Khi thì giảng kinh thuyết pháp nơi hoàng cung, lúc thì hóa độ nơi thôn dã. Ngài dự tuyển kỳ khảo hạch của triều đình được ban chức Viên Thông Tăng thống và được ban hiệu Đại Nguyện Hòa thượng. - Tổ thứ sáu: Thiền sư Khoan Dực Phổ Chiếu (1737 - 1814) Thiền sư Khoan Dực Phổ Chiếu- Đạo Nguyên Tăng Thống, tự Thanh Lãng (1737 - 1814). Năm 19 tuổi xả tục xuất gia tại chùa Cảnh Linh, với tổ Hải Điện Mật Đa, rồi đến tham học với tổ Tính Chúc Đạo Chu ở chùa Hồng Phúc. Sau khi được Tổ Tính Chúc khai thị, Ngài đã có chỗ sở đắc, được Tổ ấn chứng. Ngài dự tuyển kỳ khảo hạch của triều đình đỗ đầu được Vua Lê ban hiệu “Đạo Nguyên Tăng Thống”4. Cả đời Ngài thường trì tụng và tu tập theo Kinh Pháp Hoa và đã chứng đắc “Pháp Hoa tam muội”. Trên đây, là sơ lược về tiểu sử và sự truyền thừa pháp mạch của thiền phái Tào Động, các vị Tổ sư trên ít nhiều có liên quan và ảnh hưởng tới tư tưởng của Thiền sư Thanh Đàm. 2.1.2. Tiểu sử của Thiền sư Thanh Đàm (1786-1848) Thiền sư Thanh Đàm Giác Đạo Tuân Minh Chính - Thanh Đàm Tăng Cương (Thiền sư Thanh Đàm), thế danh Nguyễn Đình Trị, sinh ngày 7 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786). Quê quán thôn Trà Liêu, xã Phù Kim, tổng Diên Hưng, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định, nay thuộc xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Năm 1804, xuất gia tại chùa Bích Động, tỉnh Ninh Bình, làm đệ tử của Thiền sư Giác Lĩnh, thuộc đời thứ 7 phái thiền Tào Động. 4 Tiểu sử và hành trạng của tổ sư Thuỷ Nguyệt và Tông Diễn được ghi trong sách Tào Động Nam truyền Tổ sư ngữ lục, từ vị Tổ sư thứ 3 chúng tôi sử dụng thông tin từ Thượng toạ Thích Tiến Đạt (hậu duệ phái Tào Động) trong cuốn Tào Động tông, Xiển Pháp phái truyền đăng lục (tư liệu nội bộ).
  11. 10 Năm Đinh Mão (1807) Thiền sư Thanh Đàm được đến hầu Tổ sư Khoan Dực- Đạo Nguyên Tăng Thống (sư phụ của Ngài Giác Lĩnh). Dưới sự chỉ dạy của Tổ, Thiền sư nỗ lực, tinh tiến tu hành, sớm ngộ Thiền cơ, được Tổ sư Khoan Dực ấn chứng. Năm Canh Ngọ (1810) Thiền sư được đăng đàn thụ giới Cụ túc, và được ban pháp hiệu là Thanh Đàm. Năm Đinh Sửu (1817), Thiền sư về trụ trì chùa Liêm Khê, xã Yên Phong, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm 1819, Thiền sư soạn bộ DPLHKTCĐC. Năm Canh Thìn (1820), thiền sư về xây dựng chùa Phượng Ban trở thành Sơ tổ tại chùa này. Năm Ất Mùi (1835) niên hiệu Minh Mệnh thứ 6, Thiền sư vào kinh dự khóa sát hạch do triều đình mở và đỗ hạng ưu và được phong Tăng cương, cấp Độ điệp và Giới đao, sắc phong đề ngày 1 tháng 10 năm Ất Mùi. Năm Kỉ Hợi (1839) tại Thiên Tâm tự (chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh), Thiền sư được truyền “Tâm ấn” từ Thiền sư Giác Trí Thanh Lương, trở thành “Đèn Tào thứ 8” của phái thiền Tào Động. Năm 1843, tại chùa Liêm Khê, Thiền sư soạn bộ Bát Nhã trực giải/ 般若直解, Giải oan khoa/ 解冤科, công án thiền… Sinh thời, Thiền sư Thanh Đàm đã độ được rất đông đệ tử như Thiền sư Đạo Thành, Đạo Thuận, Đạo Lịch, Đạo An, Đạo Sinh, Đạo Huấn,… Năm 1848, việc hóa duyên viên mãn, Thiền sư gọi đệ tử Đạo Lịch đến, phó chúc rằng: “Pháp thân không tướng, Lý hợp chân như, Sinh diệt nào chia, Đạo sáng không giả / 法身非相, 理契真如, 生滅何分, 道明空假”. Phó chúc xong, Thiền sư an nhiên thị tịch nhằm ngày 24 tháng giêng năm Mậu Thân (1848), thọ 63 tuổi. Đệ tử dựng tháp tại chùa Bích Động, chùa Liêm Khê, Phượng Ban…tháp hiệu Diệu Tịnh, thụy Hoằng Quang Bồ tát. 2.1.3. Giải thích một số nghi vấn trong tiểu sử và hành trạng của Thanh Đàm Trước đã trình bày, một số nhà nghiên cứu đã giới thiệu về Thiền sư Thanh Đàm nhưng tư liệu còn chưa đầy đủ. Quá trình tìm hiểu chúng tôi phát hiện một số thông tin chưa chính xác liên quan Ngài, từ những chứng tích tìm được chúng tôi xin đính chính lại: +Thứ nhất, về năm xuất gia: Thiền sư Thanh Đàm xuất gia năm 1804. +Thứ hai, nơi xuất gia: Thiền sư xuất gia tại chùa Bích Động. +Thứ ba, về thầy thế độ: Thiền sư là đệ tử của Thiền sư Giác Lĩnh, năm 1807 được Thầy cho đến hầu Tổ sư Khoan Dực tại chùa Nguyệt Quang (Nam Định).
  12. 11 +Thứ tư, về năm thụ giới: Thiền sư thụ giới Tỷ khiêu (Cụ túc) năm 1810. +Thứ năm, về thầy truyền pháp: Thiền sư là đệ tử đắc pháp của Thiền sư Khoan Dực, nhưng người truyền “tâm ấn” cho Ngài lại là Thiền sư Giác Trí (chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh). Phần này, chúng tôi đã bổ sung, làm rõ một vài nghi vấn về tiểu sử của Thiền sư phần nào trợ giúp cho các nhà nghiên cứu. 2.1.4. Khái quát về con người và sự nghiệp hưng công tác phúc của Thiền sư - Khái quát về con người của Thiền sư Thanh Đàm Căn cứ nội dung bia “Lịch đại trụ trì…”, bia “Tịnh Diệu tháp” ở chùa Bích Động5, bia sắc phong của Ngài được Vua ban tại chùa Phượng Ban cho thấy “Thiền sư Thanh Đàm là người thông minh đĩnh ngộ, triệt chứng thiền cơ, quảng học đa văn, tận lực hoằng pháp, văn chương bác học”. Ngoài ra, bài Tựa do Thiền sư Minh Nam soạn và nội dung văn bản DPLHKTCĐC càng chứng tỏ Ngài là người thông minh, văn chương bác học. Ngay từ lúc sơ cơ nhập đạo Thiền sư Thanh Đàm đã tỏ rõ tư chất hơn người, sự giác ngộ của Ngài đã được Tổ Đạo Nguyên ấn chứng. Ca ngợi về việc “tận lực hoằng pháp”, trong lời Tựa DPLHKTCĐC Thiền sư Thanh Nguyên đã viết: “Ngài không hề xẻn pháp mà mong muốn hoa Sen đồng mọc ở đầm trong, chẳng tìm cầu bên ngoài mà khiến Diệu Pháp sẵn chứa nơi tấc đất”. - Khái quát về sự nghiệp hưng công tác phúc của Thiền sư Thanh Đàm Song song với công việc hoằng dương Phật pháp, đào tạo Tăng tài, Thiền sư đã xây chùa, làm phúc rất nhiều nơi, dấu ấn hiện nay còn lưu lại một số chùa như: +Chùa Bích Động: là nơi Ngài sơ tâm xuất gia và được kế đăng trụ trì. Bia Lịch đại trụ trì trùng tu Bích Sơn cổ động tự bi ký/ 歷代住持重修碧山古峝寺 碑記,ghi: “Y bát chân truyền của Giác Lĩnh đặc biệt truyền cho đệ tử là Giác Đạo Tuân Minh Chính Hòa thượng, vốn là người dòng họ Nguyễn, quê ở Phù Kim,... Đã nhận Vua ban ngôi vị trụ trì, mở hội đúc tòa Cửu Long bằng đồng, trong thì mở mang phát triển Tổ đình, ngoài thì lại cho xây dựng thiền viện ở khắp nơi. Màu Xanh vốn sinh ra từ màu Lam mà hơn hẳn màu Lam. Ôi, dòng Tào Động tiếng thơm gần xa không ngớt…” + Chùa Liêm Khê: Năm 1817, Thiền sư Thanh Đàm về chấp cảnh tại Liêm Khê tự, thôn Trì, xã Yên Phong, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ngài đã tu bổ sửa sang xây dựng tất cả các công trình hạng mục từ Tam Bảo, Tổ đường, Tăng đường, nhà 5 Hai bia này đã viết trong phần “Xác lập tiểu sử của Thiền sư Thanh Đàm”, mục 2.1.1, chương 2.
  13. 12 khách, trai đường… phát triển chùa Liêm Khê thành nơi dịch kinh, viết sách, tiếp chúng độ nhân... + Chùa Phượng Ban: Năm 1820, trên bước đường du hóa Thiền sư tới làng Yên Liêu Thượng, xã An Liêu, tổng An Liêu, huyện Yên Khánh, phủ Yên Khánh, thấy có ngôi chùa cổ bị hoang phế bên dòng sông Ban, Thiền sư đã xây dựng, hoằng dương chính Pháp trở thành vị Tổ sư khai sáng chùa Phượng Ban. + Chùa Phúc Lộc: Chùa Phúc Lộc là một trong những cơ sở hiện còn ghi lại dấu ấn trong sự nghiệp hoằng hoá của Ngài như: Đại hồng chung chùa Phúc Lộc; Tháp thờ Thiền sư Thanh Đàm tại chùa này… Từ năm 1839 đến khi viên tịch, thêm cương vị là người đứng đầu của thiền phái Tào Động, Thiền sư thường xuyên đi lại trông nom các chốn Tổ, tự viện, tổ chức thuyết giảng, giáo hoá cho các môn đồ ở khắp các tỉnh như Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh… 2.2. Sự nghiệp trước thuật kinh sách Phật giáo của Thiền sư Thanh Đàm Các tác phẩm chú giải kinh Phật của Thiền sư Thanh Đàm đều rất có giá trị đối với người tu hành và người nghiên cứu Phật pháp. - Diệu pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương/妙法蓮華經宗指提綱: là tác phẩm được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao và giới thiệu nhiều nhất. DPLHKTCĐC tiết yếu toàn bộ giáo nghĩa 28 phẩm trong bộ Kinh Diệu pháp liên hoa. Những chữ trọng yếu trong Kinh Pháp Hoa được Thiền sư diễn giải và cuối mỗi phần lại đúc kết bằng một bài kệ. - Bát Nhã trực giải /般若直解: tác giả triển khai giải nghĩa từng câu, từng chữ trong Bát Nhã Tâm kinh/般若心經. Nội dung nói về việc tu học muốn đạt đến giác ngộ giải thoát, hành giả cần phải quán chiếu “ngũ uẩn/五蘊” để đạt đến cảnh giới “ngũ uẩn giai không/五蘊皆空”. - Khoa cúng giải oan/解冤科: Khoa cúng giải oan được soạn thảo, vì lòng thương xót thế giới “tâm linh”, chỉ cho cảnh giới “quỷ thần” với nhiều nỗi khổ. Vì lòng bi mẫn, trượng thừa uy lực của chúng Tăng gia trì, chú nguyện, để độ thoát những “oan khiên”. Ngoài ra Thiền sư còn soạn các bài nghiên cứu như: Đại Phật đỉnh thủ Lăng Nghiêm
  14. 13 kinh; Hựu thuyết Kim Cương kinh lục dụ kệ; Chẩn bệnh ca quyết,… 2.3. Diệu pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương sự kế thừa và thành tựu DPLHKTCĐC là tác phẩm đầu tiên trong sự nghiệp chú giải kinh Phật của Thiền sư, cũng là tác phẩm mà chúng tôi nhận thấy có liên quan nhiều nhất đến nhân duyên ngộ đạo và chứng đạo của Ngài. Như đã giới thiệu, 06 vị Tổ sư của phái Tào Động Đàng Ngoài, đều sùng mộ và tu theo Kinh Pháp Hoa. Đặc biệt, Tổ sư Khoan Dực là một hành giả Pháp Hoa, hàng ngày Ngài chuyên trì tụng Kinh Pháp Hoa và đã đắc “Pháp Hoa tam muội”. Từ đây, chúng ta có thể suy luận rằng: Pháp mà Thiền sư Thanh Đàm nhận được từ Tổ sư Khoan Dực không thể thiếu Pháp Hoa. DPLHKTCĐC là tác phẩm đầu tay của Thiền sư Thanh Đàm, tác phẩm thể hiện tâm huyết, sự chứng ngộ của một bậc chân tu thực học, là kết quả mà Thiền sư kính dâng lên chư vị Tổ sư và bậc Thầy khả kính của mình – Tổ sư Khoan Dực. Tiểu kết chương 2 Thiền sư Thanh Đàm, thế danh Nguyễn Đình Trị, sinh ngày 7 tháng 6 năm 1786, viên tịch ngày 24 tháng giêng năm Mậu Thân (1848). Ngài là đệ tử của Thiền sư Giác Lĩnh, học đạo đắc pháp với Thiền sư Khoan Dực và được truyền tâm ấn từ Thiền sư Giác Trí, trở thành vị Tổ sư đời thứ 8 phái thiền Tào Động Đàng Ngoài. Trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp thiền sư đã độ được một số đệ tử như Thiền sư Đạo Thành, Đạo Lịch, Đạo Sinh, Đạo Thuận… Thiền sư đã có công sửa sang và xây dựng một số chùa như chùa Bích Động, chùa Liêm Khê, chùa Phượng Ban… Thiền sư đã biên soạn và chú giải các tác phẩm có giá trị như: DPLHKTCĐC, Bát Nhã trực giải, Giải oan khoa… Trong đó, nổi bật nhất là DPLHKTCĐC. Chương 3 KHẢO CỨU VĂN BẢN DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH TÔNG CHỈ ĐỀ CƯƠNG DPLHKTCĐC là một văn bản tiết yếu kinh Phật được biên khảo công phu, rất có giá trị, nhưng đến nay vẫn còn ít công trình nghiên cứu về vấn đề văn bản tác phẩm. Quá trình điền dã tại địa phương, cơ quan nghiên cứu của nhà nước và một số tự viện chúng tôi đã tìm hiểu, sưu tầm được một số bản DPLHKTCĐC. Trong chương này, chúng tôi sẽ giới thiệu về văn bản này và khảo cứu một số vấn đề liên quan. 3.1. Tình hình sưu tầm và kết cấu văn bản 3.1.1. Tình hình sưu tầm và phân loại văn bản
  15. 14 Chúng tôi đã tổ chức tìm hiểu, sưu tầm trong các cơ quan lưu trữ nhà nước, tư nhân và các tự viện Phật giáo. Hiện chúng tôi sưu tầm được 09 bản có tên DPLHKTCĐC / 妙 法蓮華經宗旨提綱. Tất cả 09 bản đều là bản in. Cụ thể: 03 bản tại Viện Thông tin KHXH (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), kí hiệu HN.00000024; HN.00000025; HN.00000026; 01 bản tại Viện Văn học, kí hiệu HN.348; 01 bản tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) kí hiệu HLn.53; 01 bản tại Viện KHXH vùng Nam Bộ, kí hiệu Vb.16303; 01 bản tại chùa Đại Từ Ân (Đan Phượng); 01 bản tại chùa Hội Xá (Thường Tín); 01 bản tại chùa Liên Phái (Hai Bà Trưng). Hiện chúng tôi chưa phát hiện được bản viết tay nào. Dựa vào hình thức ở những trang đầu của các bản in có sự khác nhau, chúng tôi tạm phân các bản này làm 2 nhóm để khảo sát: * Nhóm 1: Là nhóm bản in nằm trong bộ sách Việt Nam Phật điển tùng san (do Việt Nam Phật điển tùng san phát hành). Nhóm này có trang bìa 1 ghi Việt Nam Phật điển tùng san, trang bìa 2 ghi tên sách/ Pháp Hoa đề cương/ 法華提綱, trang kế tiếp ghi Ban chứng minh chỉ dẫn việc in ấn và 1 trang cuối sách bằng tiếng Pháp, từ trang 4b đến 45a ghi Diệu pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương, gồm 06 văn bản: - 03 bản tại Viện Thông tin KHXH (kí hiệu HN.00000024; HN.00000025; HN.00000026 (viết tắt HN.24; HN.25; HN.26); 01 bản tại Viện Văn học, kí hiệu HN.348; 01 bản tại chùa Quán Sứ, kí hiệu HLn.53; 01 bản Viện KHXH vùng Nam Bộ, kí hiệu Vb.16303. * Nhóm 2: Là các bản còn lại, được lưu giữ tại các chùa ở Hà Nội, các bản này đều chưa có kí hiệu, không phải do Việt Nam Phật điển tùng san in (gọi là nhóm bản in tại các chùa), gồm 03 bản: 01 bản chùa Liên Phái; 01 bản chùa Đại Từ Ân; 01 bản chùa Hội Xá. 3.1.2. Kết cấu văn bản 3.1.2.1. Khảo sát kết cấu văn bản Nhóm 1 Nhóm 1, bản DPLHKTCĐC nằm trong bộ tùng thư Việt Nam Phật điển tùng san do Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ phát hành với sự trợ duyên của Học Viện Viễn đông bác cổ tại Hà Nội. Cũng gọi là nhóm “Việt Nam Phật điển tùng san” gồm 06 bản, kết cấu các văn bản như sau: 06 bản đều có khổ 19x29cm, bản in có 70 tờ (140 trang). Dựa vào nội dung tờ bìa 2 cho biết, văn bản thuộc bộ sách Việt Nam Phật điển tùng san do Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ in và phát hành dưới sự giúp đỡ của Học viện Viễn đông bác cổ Pháp tại Hà
  16. 15 Nội. Bên trong bìa 2 ghi tên sách Pháp Hoa đề cương/法華提綱 (DPLHKTCĐC). Cũng trên trang bìa này cho biết Pháp Hoa đề cương nằm ở quyển số 3 trong bộ tùng thư Việt Nam Phật điển tùng san chi tam (法華提綱. 越南佛典叢刊之 三). Tờ bìa 3 ghi danh Ban chứng minh chỉ đạo việc in ấn và tờ bìa 4 ghi những dòng chữ bằng tiếng Pháp. Tờ 1a-1b: là bài Tự dẫn (Pháp Hoa đề cương tự dẫn /法華提綱敘引). Sau đến bài tựa “Diệu pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương tự/ 妙法蓮華經宗旨 題綱序”. Tiếp đến là Diệu pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương/ 妙法 漣花經宗旨提 綱- nội dung chính của văn bản Pháp Hoa đề cương (4b- 45a]. Tiếp đó là một số bài nghiên cứu khác và cuối cùng là bài Hoàng triều Minh Mệnh ngự chế/ 皇朝明命御製 (Bài ngự chế của Thiền sư Thanh Đàm làm) [45b- 70a]. So sánh với các mục phần của 06 bản Nhóm 1, chúng tôi thấy kết cấu các mục phần của 06 bản này có thứ tự và nội dung đều trùng khớp. Trong 06 bản này, qua khảo sát sơ bộ về mặt hình thức, nhận thấy bản HN.26 của Viện Thông tin là bản có chất lượng tốt nhất nên chúng tôi đã chọn là bản nền để đối chiếu. 3.1.2.2. Khảo sát văn bản Nhóm 2 Nhóm 2, các bản in còn lại, được lưu giữ tại các chùa, chưa có kí hiệu gồm 03 bản in: bản chùa Liên Phái, bản chùa Đại Từ Ân và bản chùa Hội Xá. Đặc điểm nhóm này không có tờ bìa ghi tên sách, không phải do Việt Nam Phật điển tùng san in. Riêng bản chùa Liên Phái bìa 2 ghi công đức của chùa Phúc Hưng hồi hướng cho Thiền sư Thanh Nhu và các vị Tổ sư chùa Bích Động, chùa Phượng Ban. Trong 3 bản DPLHKTCĐC của Nhóm 2, về kết cấu cơ bản thì 3 bản trùng khớp nhau, khác biệt duy nhất là bản Liên Phái có tờ ghi hồi hướng công đức. Về mặt chất lượng của các bản hiện có khác nhau. Bản Liên Phái là bản có chất lượng tốt nhất, đầy đủ số trang, có ghi tờ hồi hướng công đức, không bị rách, nội dung đầy đủ. Bản Đại Từ Ân và bản Hội Xá không có trang hồi hướng, có trang bị rách, mất chữ nên nội dung không hoàn thiện. Quá trình khảo sát bản in của 2 Nhóm, kết quả phần nội dung văn bản Diệu pháp liên hoa kinh tông chỉ đề cương/ 妙法蓮華經宗旨題綱 hoàn toàn trùng khớp, chỉ có một vài chi tiết khác khau ở những trang đầu ghi việc in ấn, hồi hướng. 3.1.1.3. So sánh đặc điểm chữ viết trong văn bản DPLHKTCĐC
  17. 16 Quá trình khảo sát văn bản chúng tôi nhận thấy có chữ “vu Kỉ Mão/于己卯” khắc sai thành “đinh tị mão/丁巳卯”. Tuy nhiên cả 09 bản đều sai giống nhau và một số chữ dị thể như: chữ hồi 回 viết: , , , , ; chữ lận 吝 viết , ; chữ cư 居 viết ; chữ cái 蓋 viết , chữ kì 奇 viết ;… ở các trang, dòng, số thứ tự chữ đều trùng khít, hình dạng kiểu chữ cũng giống nhau. Từ đây chúng tôi nhận định các bản DPLHKTCĐC có thể được in cùng một bộ ván khắc (cũng có thể được phủ bản khắc lại tuy nhiên hiện tại chưa có chứng cứ về việc phủ bản). 3.2. Khảo sát nội dung văn bản tác phẩm DPLHKTCĐC 3.2.1. Kết cấu mục phần trong nội dung tác phẩm Chúng tôi sử dụng bản HN.26 để khảo sát, và tạm chia nội dung văn bản DPLHKTCĐC làm 3 phần: Phần đầu: là phần giới thiệu tổng quát về Kinh Pháp Hoa và Pháp Hoa đề cương gồm 5 bài: 1. Lời dẫn tựa; 2. Tựa Tông chỉ đề cương Kinh Diệu pháp liên hoa; 3. Tông chỉ đề cương Kinh Diệu pháp liên hoa; 4. Tổng nêu pháp dụ và đề mục của kinh; 5. Tổng nêu nhân do tông chỉ Khai- thị- ngộ- nhập. Phần thứ hai: là phần tiết yếu vào nội dung của Kinh Pháp Hoa, gồm 28 phẩm. Trong văn bản DPLHKTCĐC tác giả “gộp” lại thành 19 phần. Phần thứ ba: cũng là phần kết (bạt) của DPLHKTCĐC. Phần này gồm 5 bài: 1. Bài phụ kết Đề cương; 2. Bạt dẫn đề mục đầu kinh; 3. Phụ tụng tông chỉ các chữ; 4. Chỉ thẳng diệu nghĩa của 14 chữ toát yếu; 5. Phụng khuyến hối tàng cơ tụng vài tắc. Qua khảo sát cả 09 bản in cho thấy nội dung và hình dạng chữ viết đều giống nhau. Tổng số chữ viết của bản HN.26 gồm 12.800 chữ, gồm 49 bài kệ (tính cả 2 bài kệ ở phần tựa do Thiền sư Minh Nam soạn). Thống kê số chữ và số bài kệ ở cả 08 văn bản còn lại, từ cách bố trí chữ, trang, dòng đều cho thấy như vậy. 3.2.2 Một số vấn đề về tác phẩm 3.2.2.1. Về tên gọi và thời điểm biên soạn tác phẩm Tên tác phẩm DPLHKTCĐC được chính Thiền sư Thanh Đàm đặt cho đứa con tinh thần của mình. Căn cứ vào ngày tháng Thiền sư Thanh Đàm ghi ở cuối tác phẩm (ngày rằm tháng 10 năm Kỷ Mão) và nội dung bài tựa của Thiền sư Minh Nam chúng tôi cho rằng: Thiền sư Thanh Đàm đã ấp ủ viết bản đề cương Kinh Diệu pháp từ trước. Đến
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
47=>2