intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Tâm lý học: Trí tuệ xã hội ở học sinh trung học phổ thông tại thành phố Hà Nội

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:26

5
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Luận án "Trí tuệ xã hội ở học sinh trung học phổ thông tại thành phố Hà Nội" được hoàn thành với mục tiêu nhằm xác định các năng lực thành phần của mô hình cấu trúc trí tuệ xã hội và thiết kế bộ công cụ đánh giá thực trạng các biểu hiện, mức độ thể hiện từng năng lực thuộc cấu trúc trí tuệ xã hội, qua đó nhằm xác lập chỉ số SQ (Social Quotient), ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan, khách quan đến trí tuệ xã hội của HS THPT.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Tâm lý học: Trí tuệ xã hội ở học sinh trung học phổ thông tại thành phố Hà Nội

  1. I VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ MỸ LINH TRÍ TUỆ XÃ HỘI Ở HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI Ngành Tâm lý học Mã số: 9.31.04.01 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ TÂM LÝ HỌC HÀ NỘI - 2024
  2. II Công trình được hoàn thành tại: Học viện Khoa học Xã hội Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Vũ Ngọc Hà PGS.TS. Nguyễn Thị Huệ Phản biện 1: GS.TS. Nguyễn Đức Sơn Phản biện 2: PGS. TS. Đặng Thị Thanh Nga Phản biện 3: PGS. TS. Lê Thị Minh Loan Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: Thư viện Học viện Khoa học Xã hội Thư viện Quốc gia Việt Nam
  3. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Các công trình nghiên cứu về trí tuệ thừa nhận có các kiểu trí tuệ khác nhau, mỗi kiểu trí tuệ là một cách phát huy các kiểu mô đun thần kinh khác nhau và chúng đều quan trọng, cần được bồi đắp, trong đó cần đặc biệt được chú ý là trí tuệ cảm xúc và trí tuệ xã hội. Nếu trí tuệ cảm xúc là những năng lực nhận biết, hiểu cảm xúc, dùng cảm xúc tích cực hóa tư duy, kiểm soát cảm xúc... tồn tại trong mỗi con người ở góc độ cá nhân, thì trí tuệ xã hội (TTXH) là năng lực hoàn thành các nhiệm vụ trong hoàn cảnh có tương tác với người khác, liên quan đến nhận thức xã hội và năng lực giải quyết vấn đề một cách thông minh trong các hoạt động giao tiếp ứng xử, tương tác với hoặc cùng người khác. Lứa tuổi học sinh trung học phổ thông (THPT) – giai đoạn đầu tuổi thanh niên – là thời kì đặc biệt quan trọng đối với cuộc đời mỗi con người. Đây là giai đoạn lứa tuổi phát triển có nhiều khó khăn, dễ gặp khủng hoảng, xung đột trong các mối quan hệ xã hội với bạn bè, thầy cô, cha mẹ. Đây cũng là giai đoạn phát triển có sự biến đổi lớn về chất trong toàn bộ quá trình hình thành nhân cách, học cách kiểm soát “cái tôi cá nhân”, phát triển mạnh “cái tôi xã hội” để các em sẵn sàng bước vào cuộc sống tự lập, sống có ích, sống yêu thương, có trách nhiệm với bạn bè, gia đình, cộng đồng và xã hội. Thực tiễn việc dạy và học ở các trường THPT hiện nay, vẫn chưa coi trọng đúng mức đến việc giáo dục TTXH, hành vi ứng xử của HS có nhiều vấn đề đáng lo ngại như hành xử thiếu thân thiện, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thậm chí tiêu cực như gây hấn, bạo lực trong học đường. Những hiện tượng này ít nhiều đều liên quan trực tiếp đến vấn đề năng lực TTXH ở HS THPT. Trên thế giới thì đã có khá nhiều những nghiên cứu về TTXH, tập trung chủ yếu ở sinh viên, người lớn trưởng thành. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu đủ sâu về vấn đề này ở lứa tuổi HS THPT. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài “Trí tuệ xã hội ở học sinh trung học phổ thông tại thành phố Hà Nội” nhằm tiếp tục mở thêm một hướng nghiên cứu mới có nhiều ứng dụng ở Việt Nam. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn TTXH của HS THPT . Trên cơ sở đó, xác định các năng lực thành phần của mô hình cấu trúc TTXH và thiết kế bộ công cụ đánh giá thực trạng các biểu hiện, mức độ thể hiện từng năng lực thuộc cấu trúc TTXH, qua đó nhằm xác lập chỉ số SQ (Social Quotient), ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan, khách quan đến TTXH của HS THPT . 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Xây dựng cơ sở lý luận nghiên cứu TTXH của HS THPT : làm rõ các hướng nghiên cứu, xây dựng các khái niệm công cụ; xác định các năng lực thành phần thuộc cấu trúc TTXH của HS THPT . - Xây dựng bộ công cụ đo lường TTXH của HS THPT : thang đo tự đánh giá các biểu hiện hành vi của TTXH và các yếu tố ảnh hưởng; trắc nghiệm TTXH kiểu đa lựa chọn đánh giá năng lực thực hiện qua xử lý tình huống có vấn đề trong các tương tác xã hội. - Khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng các biểu hiện, mức độ thể hiện của từng năng lực thành phần thuộc cấu trúc TTXH của HS THPT ; phân tích nhân tố cấu trúc TTXH của HS THPT . - Phân tích các yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến TTXH của HS THPT ; phân tích chân dung tâm lý điển hình của một vài HS THPT có TTXH cao, trung bình, thấp; định hướng cách giáo dục TTXH cho HS THPT . 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu: Biểu hiện và mức độ thể hiện các năng lực thành phần thuộc cấu trúc TTXH của HS THPT . 3.2. Khách thể nghiên cứu: Học sinh các lớp 10, 11, 12 bậc THPT tại thành phố Hà Nội; Giáo viên chủ nhiệm dạy học sinh các lớp 10, 11, 12 trường THPT (chỉ tham gia phỏng vấn). 3.3. Giới hạn phạm vi nghiên cứu: - Giới hạn về khách thể, địa bàn nghiên cứu: khảo sát học sinh các lớp 10, 11, 12 của 6 trường THPT thuộc 5 quận, huyện tại thành phố Hà Nội; giáo viên chủ nhiệm các lớp 10, 11, 12 (chỉ tham gia phỏng vấn). - Giới hạn về đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu các biểu hiện, mức độ thể hiện các năng lực thuộc cấu trúc TTXH của HS THPT .
  4. 2 - Giới hạn nội dung nghiên cứu: Nghiên cứu 4 năng lực thành phần (nhận thức xã hội, xây dựng các mối quan hệ xã hội, thích ứng hòa nhập môi trường học tập, giáo dục THPT, và giải quyết vấn đề trong các tương tác xã hội lứa tuổi THPT qua biểu hiện hành vi, mức độ thể hiện năng lực TTXH của HS THPT tại TP.Hà Nội. - Giới hạn về địa bàn nghiên cứu: Đề tài được thực hiện ở 06 trường THPT thuộc 5 quận, huyện tại thành phố Hà Nội. Cụ thể: Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (N.T.T) và Trường THPT Yên Hoà (Y.H) thuộc quận Cầu Giấy; Trường Phan Đình Phùng (P.Đ.P) thuộc quận Tây Hồ; Trường THPT Lý Thường Kiệt (L.T.K) thuộc quận Long Biên; Trường THPT Hoài Đức A (H.Đ_A) thuộc huyện Hoài Đức ngoại thành Hà Nội và Trường THPT Mê Linh (M.L) thuộc huyện Mê Linh, ngoại thành Hà Nội. 3.4. Giả thuyết khoa học: - Trí tuệ xã hội của HS THPT đa số ở mức độ trung bình và được biểu hiện không đồng đều. Trong đó, năng lực nhận thức xã hội được biểu hiện tốt nhất, năng lực giải quyết vấn đề trong tương tác xã hội biểu hiện yếu nhất. Có sự khác biệt ý nghĩa về biểu hiện và mức độ thể hiện TTXH giữa các tham số nghiên cứu như giới tính (nam nữ), môi trường đặc thù THPT (từng trường). Các năng lực thành phần của TTXH qua số liệu khảo sát có tương quan với nhau và cùng thuộc về một nhân tố chung phản ánh sự phù hợp, tương thích với mô hình lý thuyết cấu trúc TTXH của HS THPT. - Trí tuệ xã hội ở HS THPT chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó tính tích cực hoạt động, rèn luyện và gia đình là hai yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Cở sở phương pháp luận - Quan điểm tiếp cận hoạt động: TTXH của HS THPT được hình thành và thể hiện khi tham gia vào các hoạt động xã hội, trải nghiệm thực tế, chịu sự tương tác của môi trường, mang bản sắc xã hội lịch sử. - Quan điểm tiếp cận năng lực: năng lực thực hiện là khả năng đã bộc lộ rõ ràng, được chứng nghiệm qua chuỗi việc làm, chuỗi hành động và đạt hiệu quả. Đánh giá theo tiếp cận năng lực đòi hỏi kết hợp định lượng với định tính, sử dụng đa dạng các loại hình, phương pháp, công cụ, kĩ thuật khác nhau để lượng hóa các mức độ biểu hiện của năng lực TTXH. - Quan điểm tiếp cận hệ thống: TTXH của HS THPT gồm nhiều năng lực thành phần tạo nên một cấu trúc nhất quán, biểu hiện qua một hệ thống các tiêu chí, chỉ báo, biểu hiện hành vi cụ thể đặc trưng/ điển hinh... có quan hệ với nhau nên những mức độ khác nhau của năng lực chung TTXH. - Quan điểm tiếp cận phát triển: TTXH của HS THPT được hình thành, phát triển và biến đổi cùng với sự phát triển nhân cách của mỗi cá nhân qua các giai đoạn khác nhau của tuổi HS THPT . 4.2. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể Luận án sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu sau: nghiên cứu lí luận (phân tích, tổng hợp các tài liệu, khái quát hóa các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước để xây dựng cơ sở lí luận của đề tài); nghiên cứu thực tiễn: điều tra xã hội học (các biểu hiện hành vi của năng lực TTXH bằng thang đo), trắc nghiệm,... phỏng vấn sâu, phân tích chân dung tâm lý điển hình; xử lý số liệu bằng thống kê toán học (các đặc tính đo lường của công cụ như độ tin cậy, độ khó, độ phân biệt,... phân tích nhân tố, hồi quy...). 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án 5.1. Về lý luận Xây dựng được các khái niệm: trí tuệ xã hội, TTXH của HS THPT; xác lập được mô hình cấu trúc TTXH của HS THPT làm cơ sở để xây dựng các phép đo các năng lực thành phần thuộc TTXH; xác lập được các chỉ báo hành vi đặc trưng phù hợp, tương thích với từng năng lực thuộc cấu trúc TTXH của HS THPT , góp phần làm rõ bản chất đa thành tố/ đa năng lực của TTXH. Luận án đã góp phần làm rõ, sáng tỏ hơn, mở rộng hơn các quan niệm và hướng nghiên cứu mới về tâm lý học trí tuệ ở Việt Nam. 5.2. Về thực tiễn Xây dựng thành công 2 bộ công cụ chính theo mô hình cấu trúc TTXH với 4 năng lực thành phần để khảo sát thực trạng TTXH của HS THPT theo hai cách tiếp cận đo lường năng lưc (tự đánh giá và đánh giá năng lực thực hiện): (1) Thang đo TTXH dành cho HS tự đánh giá; (2) Trắc nghiệm TTXH (tình huống) đánh giá năng lực thực hiện. Thang đo và trắc nghiệm này đều có các đặc tính đo lường khá tốt, đáp ứng tính chuẩn để đo các biểu hiện và mức độ thể hiện năng lực theo mô hình lý thuyết cấu trúc TTXH của HS THPT .
  5. 3 Luận án đã cung cấp một phổ số liệu phong phú, đa dạng, chi tiết, có giá trị khoa học (thật sự đáng tin cậy) về mức độ biểu hiện cụ thể ở từng năng lực thành phần, mối quan hệ giữa các năng lực thành phần này trong cấu trúc TTXH; và mức độ ảnh huởng của một số yếu tố chủ quan, khách quan đến TTXH. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Về mặt lý luận tâm lý học Luận án đã góp phần làm rõ, sáng tỏ hơn cơ sở lý luận về TTXH, phong phú hơn các quan điểm và mở rộng các định hướng tiếp cận nghiên cứu về tâm lý học trí tuệ; xây dựng được các khái niệm công cụ cốt lõi: trí tuệ, trí tuệ xã hội, trí tuệ xã hội của HS THPT; xác lập được mô hình cấu trúc TTXH của HS THPT làm cơ sở để xây dựng các phép đo các năng lực thành phần thuộc TTXH; xác lập các chỉ báo hành vi đặc trưng phù hợp, tương thích với từng năng lực thuộc cấu trúc TTXH của HS THPT; Luận án xây dựng được các thang đo, trắc nghiệm phù hợp có các đặc tính đo lường đáp ứng tính chuẩn để đo được các biểu hiện và mức độ thể hiện năng lực theo mô hình lý thuyết cấu trúc TTXH của HS THPT; xác định được các yếu tố chủ quan và khách quan cơ bản ảnh hưởng đến TTXH của HS THPT. 6.2. Về mặt thực tiễn Luận án đã mô tả, khái quát được bức tranh thực trạng đa màu sắc về một số năng lực thành phần cơ bản thuộc cấu trúc TTXH của HS THPT ; xác lập được chỉ số TTXH – SQ (chuẩn) đánh giá năng lực thực hiện theo mô hình cấu trúc TTXH của HS THPT ; xác định các yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến TTXH của HS THPT ; đã khắc họa phân tích chân dung tâm lý điển hình của vài HS THPT có TTXH cao, trung bình, thấp, từ đó cảnh báo, gợi ý, định hướng cách giáo dục TTXH cho lứa tuổi HS THPT. Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần cung cấp cơ sở khoa học thực tiễn cho việc giáo dục các năng lực cơ bản thuộc cấu trúc TTXH của HS THPT, đáp ứng nhu cầu của xã hội, đồng thời giúp các em tự rèn luyện bản thân, nâng cao TTXH, hoàn thiện nhân cách. 7. Cấu trúc của luận án Luận án này gồm 4 chương: Chương 1. Tổng quan nghiên cứu về trí tuệ xã hội; Chương 2. Cơ sở lý luận nghiên cứu về TTXH của HS THPT ; Chương 3. Tổ chức và phương pháp nghiên cứu TTXH của HS THPT Tp. Hà Nội; Chương 4. Kết quả nghiên cứu thực tiễn trí tuệ xã hội của trí tuệ xã hội của HS THPT Tp. Hà Nội; Phần kết luận và khuyến nghị. Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ TRÍ TUỆ XÃ HỘI 1.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề trí tuệ xã hội 1.1.1. Hướng nghiên cứu trí tuệ xã hội 1.1.1.1. Tiếp cận nghiên cứu trí tuệ xã hội thông qua các năng lực thành phần Trên thế giới đã có khá nhiều những nghiên cứu về TTXH nhưng vẫn chưa có sự thống nhất về khái niệm, cũng như cách tiếp cận nghiên cứu. TTXH được định nghĩa khác nhau tùy thuộc vào các năng lực thành phần nào tham gia vào nội hàm khái niệm TTXH. Theo cách tiếp cận này có một số hướng sau: (1) Tiếp cận nghiên cứu coi TTXH là năng lực nhận thức và ứng xử của con người (đại diện là E.L. Thorndike); (2) Tiếp cận nghiên cứu coi TTXH là hành vi hoặc nhận thức xã hội (đại diện là D. Welchsler, J.F. Kihlstrom, N. Cantor, J.F. Guilford, và M. O’Sullivan); (3) Tiếp cận nghiên cứu coi trí tuệ xã hội là trí tuệ về người khác (đại diện là H. Gardner); (4) Tiếp cận nghiên cứu coi trí tuệ xã hội là một loại trí tuệ thực tiễn hay trí tuệ cảm xúc (đại diện là R. Sternberg, P. Salovey và J.D. Mayer); (5) Tiếp cận nghiên cứu coi TTXH là trí tuệ được thể hiện trên bình diện xã hội (đại diện là H. Eysenck) 1.1.1.2. Tiếp cận trí tuệ xã hội theo quan điểm đo lường tâm lý. Theo quan điểm đo lường tâm lý, TTXH là một kiểu trí tuệ được thể hiện trong những bối cảnh, tình huống tương tác xã hội nhất định. Kiểu trí tuệ này hoàn toàn có thể đo lường được bằng các trắc nghiệm tâm lý tập trung vào các tình huống giao tiếp ứng xử tương tác xã hội. 1.1.1.3. Tiếp cận trí tuệ xã hội dưới quan điểm tâm lý học nhân cách (tương tác giữa người với người) Không đồng tình với quan điểm đo lường tâm lý xem TTXH là năng lực nhận thức đặt trong tình huống, bối cảnh xã hội, các nhà tâm lý học.
  6. 4 1.1.1.4. Tiếp cận trí tuệ xã hội theo quan điểm hiện đại Howard Gardner (1998), nhà tâm lý học nổi tiếng của Mỹ, sau rất nhiều năm tập trung nghiên cứu về mối liên quan giữa các kiểu loại thần kinh và các hoạt động trí tuệ, đã đưa ra lý thuyết đa trí tuệ. 1.1.2. Hướng nghiên cứu cấu trúc của trí tuệ xã hội Hướng này qua nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng TTXH là một cấu trúc độc lập, khác hoàn toàn với trí tuệ thông thường (trí thông minh đo bằng IQ). Các nghiên cứu theo hướng này đã khẳng định TTXH và trí tuệ hàn lâm (IQ) là hai cấu trúc riêng biệt, độc lập, nhưng hỗ trợ lẫn nhau. TTXH có cấu trúc đa thành tố hay đa năng lực thành phần. 1.2. Tổng quan nghiên cứu phương pháp đo lường trí tuệ xã hội 1.2.1. Đo lường trí tuệ xã hội bằng phương pháp trắc nghiệm và thực nghiệm xã hội Sau sự ra đời của khái niệm TTXH, những nhà nghiên cứu theo quan điểm tâm lý học đo lường đã cố gắng thiết kế các thang đo hành vi… các trắc nghiệm, các thực nghiệm hoặc giao tiếp phi ngôn ngữ bao gồm giải mã ký hiệu… để đo lường các năng lực của TTXH. 1.2.2. Đo lường trí tuệ xã hội bằng phương pháp đánh giá hành vi Đo lường TTXH bằng phương pháp đánh giá hành vi của cá nhân được coi như là phương pháp đo lường đáp ứng được những yêu cầu của R.L. Thorndike (1920) về tính xác thực (Taylor, 1990). Taylor (1990) cho rằng thông qua những tình huống xã hội được thiết lập và kiểm soát, TTXH có thể được đánh giá một cách chính xác trong hành vi ứng xử của cá nhân trong đời sống xã hội. 1.2.3. Đo lường trí tuệ xã hội dựa trên sự đánh giá của người khác Phương pháp tiếp theo được sử dụng để đo lường TTXH của cá nhân căn cứ vào đánh giá của người khác dựa trên những tiêu chí có sẵn. Người được chọn để đánh giá là những người thường xuyên có tương tác xã hội với chủ thể như bạn bè, gia đình, giáo viên, đồng nghiệp. Tuy nhiên phương pháp này có hạn chế do có tương quan thấp với các phương pháp đo lường khác nên ít sử dụng trong thực tiễn. 1.2.4. Đo lường trí tuệ xã hội bằng bảng câu hỏi Dựa trên mục đích nghiên cứu mà nhiều loại bảng câu hỏi khác nhau được sử dụng khá rộng rãi trong các nghiên cứu TTXH như bảng hỏi TSIS (Tromso Social Intelligence Scale) của Silvera và các cộng sự (2001). Các tác giả thang đo này đã đưa ra một loạt những biểu hiện cụ thể của TTXH. Người trả lời sẽ đánh giá mức độ phù hợp của từng biểu hiện với thực tế bản thân dựa trên các mức độ của thang đo Likert. 1.3. Tổng quan nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ xã hội 1.3.1. Hướng nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố sinh học đến trí tuệ xã hội Các tác giả như Jensen, LeDoux, Marsh, D. Goleman (cuối thế kỷ XX) đã phát hiện mối liên hệ của hạch hạnh nhân và các tế bào thần kinh phản chiếu (mirror neuron) ở vùng não trước với TTXH của con người. 1.3.2. Hướng nghiên cứu ảnh hưởng của giới tính đến trí tuệ xã hội Trong hầu hết các nghiên cứu về TTXH, các nhà nghiên cứu đều xem xét về mức độ ảnh hưởng của yếu tố giới tính đối với TTXH của cá nhân. Kết quả các nghiên cứu cho thấy rằng yếu tố giới tinh có ảnh hưởng đến TTXH của học sinh. Nhóm học sinh nữ thường có TTXH biểu thị qua chỉ sô SQ cao hơn nhóm học sinh nam cùng lứa tuổi khoảng 5 điểm. 1.3.3. Hướng nghiên cứu ảnh hưởng của trình độ học vấn đến trí tuệ xã hội Mức độ ảnh hưởng của trình độ học vấn đến TTXH đã được các nhà tâm lý học nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Kết quả các nghiên cứu cho thấy rằng các yếu tố như trình độ học vấn của người mẹ,… có ảnh hưởng đến TTXH của học sinh. 1.3.4. Nghiên cứu ảnh hưởng của yếu tố gia đình đến trí tuệ xã hội Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của yếu tố gia đình đến TTXH của cá nhân. Kết quả các nghiên cứu cho thấy rằng các yếu tố như bầu không khí gia đình, tình hình kinh tế gia đình,… có ảnh hưởng đến TTXH của học sinh. Tổng quan các huớng nghiên cứu đã khẳng định sự phong phú, đa dạng của nghiên cứu vấn đề TTXH, đồng thời khẳng định vai trò của TTXH đối với đời sống tâm lý con nguời nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Dù vậy, vẫn còn nhiều khoảng trống liên quan đến các năng lực TTXH của HS THPT, nên đây vẫn là lĩnh vực cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung và phát triển, nhằm làm phong phú, đa dạng hóa cả lý luận lẫn thực tiễn, ứng dụng trí tuệ xã hội vào trong đời sống, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa -xã hội Việt Nam. Thực tế ở Việt Nam, những nghiên cứu về TTXH còn rất hạn chế, mới chỉ đề cập đến một vài năng lực thành phần của
  7. 5 TTXH, chủ yếu trên nhóm sinh viên Đại học Sư phạm, mà chưa nghiên cứu sâu về các năng lực thành phần thuộc cấu trúc TTXH trên các nhóm khách thể đặc thù khác. Các hướng nghiên cứu về TTXH được chúng tôi xem xét, kế thừa, trong đó hướng nghiên cứu TTXH từ các năng lực thành phần trong một cấu trúc TTXH có tính chỉnh thể theo phương pháp đo lường tâm lý có nhiều ưu điểm hơn cả. Vì vậy, tác giả luận án sử dụng hướng nghiên cứu này xác lập một định nghĩa làm việc về cấu trúc TTXH qua các năng lực thành phần và phương pháp đo lường tâm lý (bằng thang đo tự đánh giá và trắc nghiệm đánh giá năng lực thực hiện thông qua tình huống tương tác xã hội) để triển khai đề tài nghiên cứu này. Những công trình nghiên cứu nói trên là tiền đề giúp tác giả luận án này xây dụng cơ sở lý luận và thực tiễn khi đi sâu nghiên cứu“Trí tuệ xã hội ở học sinh trung học phổ thông tại thành phố Hà Nội”. Chương 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TRÍ TUỆ XÃ HỘI CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG 2.1. Trí tuệ 2.1.1. Khái niệm trí tuệ 2.1.1.1. Trí tuệ theo quan niệm truyền thống Quan niệm truyền thống đồng nhất trí tuệ với trí thông minh (intelligence), định nghĩa về trí tuệ là: (1) năng lực hoạt động lao động và học tập của cá nhân; (2) năng lực tư duy trừu tượng; (3) năng lực thích ứng cá nhân. 2.1.1.2. Trí tuệ theo quan niệm hiện đại Theo quan điểm hiện đại, trí tuệ chính là kết quả tương tác giữa con người với môi trường sống, đồng thời trí tuệ cũng là tiền đề cho sự tương tác đó và không chỉ có một kiểu trí tuệ duy nhất mà có các kiểu trí tuệ khác nhau ở mỗi cá nhân. Nghiên cứu này tiếp cận trí tuệ dựa trên quan điểm hiện đại và xác định trí tuệ là một tổ hợp năng lực đảm bảo cho cá nhân tương tác có hiệu quả với môi trường sống. Cụ thể định nghĩa khái niệm trí tuệ như sau: Trí tuệ là phức hợp các năng lực nhận thức, khả năng sáng tạo và khả năng làm chủ bản thân, hành động hiệu quả trong môi trường sống, được hình thành và phát triển trong hoạt động, do những điều kiện văn hóa, lịch sử quy định, đảm bảo cho sự tác động qua lại phù hợp với thực tiễn của cuộc sống con người. Dựa trên định nghĩa này, khi nghiên cứu về trí tuệ, cần chú ý: (1) trí tuệ là thuộc tính tâm lý có tính độc lập tương đối với các thuộc tính tâm lý khác của cá nhân; (2) trí tuệ có chức năng đáp ứng các mối liên hệ tác động qua lại giữa chủ thể với môi trường sống, tạo ra sự thích ứng tích cực của cá nhân. 2.1.2. Cấu trúc trí tuệ 2.1.2.1. Cấu trúc trí tuệ theo mô hình hai thành phần - Cấu trúc trí tuệ cá nhân theo C. Spearman gồm 2 thành phần: các yếu tố chung như sự linh hoạt, mềm dẻo thần kinh được gọi là nhân tố chung “g” (General); các yếu tố riêng được gọi là nhân tố “s” (Special). - Cấu trúc trí tuệ 2 nhân tố trí tuệ của Horn và Cattell (1966) được xây dựng trên cơ sở phân tích nhân tố: (1) trí tuệ thể lỏng (Fluid Intelligence) phản ánh năng lực tư duy, trí nhớ và tốc độ của việc chế biến thông tin; (2) trí tuệ thể kết tinh (Crystallized Intelligence) phản ánh những kiến thức thu thập được qua nhà trường và kinh nghiệm sống hàng ngày được tăng cường hoặc giữ nguyên khi tuổi già. 2.1.2.2. Cấu trúc trí tuệ theo mô hình ba nhân tố Nhà tâm lý học Mỹ R. Sternberg (1985, 2000) đã xây dựng thuyết ba nhân tố của trí tuệ (Triachic theory of intelligence). Ông cho rằng trí tuệ cá nhân gồm ba nhân tố (năng lực thành phần) hay 3 kiểu trí tuệ: phân tích, sáng tạo, và thực tiễn/ ngữ cảnh. 2.1.2.3. Cấu trúc trí tuệ theo mô hình nhiều dạng trí tuệ (đa trí tuệ) Thuyết đa trí tuệ (theory of Multiple Intelligence) của Howard Gardner (1998) dựa trên luận điểm: não bộ đã tạo ra các hệ thống mô đun thần kinh có khả năng thể hiện các năng lực trí tuệ riêng biệt, gồm có 7 kiểu: (1) Trí tuệ ngôn ngữ; (2) Trí tuệ logic – toán học; (3) Trí tuệ âm nhạc; (4) Trí tuệ không gian; (5) Trí tuệ vận động - cơ thể; (6) Trí tuệ về bản thân; (7) Trí tuệ về người khác. Sau này, Gardner lại nêu thêm một loại trí tuệ thứ 8 là Trí tuệ tự nhiên.
  8. 6 2.2. Trí tuệ xã hội 2.2.1. Khái niệm trí tuệ xã hội Thorndike (1920) xác định, TTXH là năng lực của một cá nhân để hiểu, kiểm soát người khác, để tham gia, để hành động thích ứng với các tương tác xã hội. Karl Albrecht (2006) định nghĩa TTXH là năng lực chung sống hoà thuận cùng người khác, giành được sự ủng hộ, sự hợp tác của người khác. Có nhiều định nghĩa khác nhau về TTXH, tuy nhiên, chưa có một định nghĩa thống nhất về TTXH. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này, TTXH hiểu một cách chung nhất là năng lực phức hợp của cá nhân, bao gồm cả nhận thức, thái độ, hành vi giúp cá nhân tương tác có hiệu quả với người khác trong các tình huống xã hội. Cụ thể, trong luận án này khái niệm TTXH được chúng tôi định nghĩa như sau: Trí tuệ xã hội là năng lực phức hợp bao gồm năng lực nhận thức xã hội, năng lực xây dựng các mối quan hệ xã hội, năng lực năng lực thích ứng hòa nhập trong môi trường xã hội và năng lực giải quyết vấn đề một cách hiệu quả trong các tình huống tương tác xã hội. Từ đinh nghĩa làm việc về khái niệm TTXH này, cần lưu ý 3 điểm sau: (1) TTXH là năng lực phức hợp, với quan niệm năng lực là tổ hợp linh hoạt và có tổ chức của kiến thức, thái độ và kỹ năng; (2) TTXH được đo lường qua các năng lực thành phần: nhận thức xã hội, xây dựng các mối quan hệ xã hội, thích ứng hòa nhập trong môi trường xã hội, và giải quyết vấn đề hiệu quả trong các tương tác xã hội; (3) Các năng lực thành phần của TTXH vừa có mối tương quan tuyến tính, vừa có tính độc lập tương đối, cùng thuộc về một cấu trúc chung (tiềm ẩn) là TTXH. 2.2.2. Cấu trúc trí tuệ xã hội 2.2.2.1. Cấu trúc trí tuệ xã hội của một số tác giả tiêu biểu - S. I. Greenspan (1979) đã xây dựng một mô hình cấu trúc TTXH gồm 3 thành tố: sự nhạy cảm xã hội; hiểu biết xã hội; giao tiếp xã hội. - Daniel Goleman (2006) đã đề xuất cấu trúc TTXH gồm 2 thành phần chính: Nhận thức xã hội; Năng lực xã hội. - Weis và Süß (2005) đã đưa ra mô hình cấu trúc TTXH gồm 5 thành tố: Hiểu biết xã hội; Trí nhớ xã hội; Tri giác xã hội; Sáng tạo xã hội; Kiến thức xã hội. - Karl Albrecht (2006) đã đề xuất cấu trúc TTXH gồm 5 thành tố, gọi tắt là S.P.A.C.E: Nhận thức tình huống; Thể hiện bản thân; Tạo sự tín nhiệm; Giao tiếp hiệu quả; Thấu cảm. - Nguyễn Công Khanh (2011) khi nghiên cứu chỉ số trí tuệ xã hội (SQ) của sinh viên trường ĐHSP, đã đề xuất cấu trúc TTXH bao gồm 4 thành tố: năng lực nhận thức xã hội; năng lực thiết lập và duy trì các quan hệ xã hội; năng lực thích ứng hòa nhập môi trường mới; năng lực giải quyết vấn đề trong các tương tác xã hội. 2.2.2.2. Cấu trúc trí tuệ xã hội theo quan điểm của tác giả luận án Kế thừa và phát triển quan điểm đa năng lực thành phần của cấu trúc TTXH từ các nghiên cứu đi trước. chúng tôi nghiên cứu TTXH theo một cấu trúc năng lực phức hợp gồm 4 năng lực thành phần và các năng lực thành phần này phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cụ thể: (1) Năng lực nhận thức xã hội: Đây là thành tố thứ nhất của cấu trúc TTXH, nó gồm một phức hợp các hiểu biết, tình cảm, đạo đức, giá trị cống hiến xã hội, các nguyên tắc hành động vì cộng đồng, phát triển cái tôi xã hội, phát triển nhân cách mình vì mọi người (trong đó có mình). Phức hợp các chỉ báo này khi cụ thể hóa thành những biểu hiện hành vi... phải có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau tạo thành tiểu cấu trúc NTXH làm cơ sở quan trọng để mỗi học sinh định hướng nhận thức, xác lập mục tiêu, định hình năng lực thành phần này một cách đúng mức trong môi trường văn xã hội gắn với bối cảnh nhà trường THPT. (2) Năng lực xây dựng các quan hệ xã hội: Đây là thành tố thứ hai của mô hình cấu trúc TTXH, nó gồm một phức hợp các hiểu biết coi trọng các quan hệ xã hội, có khả năng thiết lập các mối quan hệ đa dạng, hài hòa với nhiều người. Năng lực này ở cá nhân thể hiện qua giao tiếp, ứng xử phù hợp với bối cảnh tương tác xã hội, cụ thể: Có khả năng thiết lập được mối quan hệ thân thiện tin cậy và biết cách mở rộng phát triển các mối quan hệ hợp tác đa dạng; Ý thức được mức độ quan trọng, thứ bậc ưu tiên của từng mối quan hệ cụ thể, nhận thức rõ cần thiết lập quan hệ với ai và như thế nào; Có khả năng thiết lập quan hệ không chỉ với những thành viên trong nhóm, tổ chức để hoàn thành nhiệm vụ mà còn phải thiết lập được các mối quan hệ mở rộng với cộng đồng, xã hội. Phức hợp các chỉ báo này phải có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau tạo thành tiểu cấu trúc QHXH.
  9. 7 (3) Năng lực thích ứng hòa nhập xã hội: Năng lực thích ứng hòa nhập xã hội (TƯHNXH) gồm một phức hợp các khả năng chấp nhận thực tế, từng bước thay đổi, tạo ra, nắm bắt cơ hội và học hỏi cách thức (chiến thuật / kĩ thuật) từ trải nghiệm thực tế… giúp cá nhân nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với môi trường xã hội luôn thay đổi/ mới/ lạ. Đó là người: thay đổi tư duy, học thói quen mới, kỹ năng tương tác xã hội mới, ứng phó linh hoạt với tình huống, nhanh chóng thích nghi với môi trường sống và bối cảnh xã hội thay đổi; chủ động thay đổi thái độ, niềm tin, kiểm soát cảm xúc để đáp ứng yêu cầu phát triển bản thân và đạt mục đích đã đặt ra; chủ động hòa nhập với những thay đổi của môi trường sống. Phức hợp các chỉ báo thuộc năng lực TƯHNXH được bộc lộ phải tương quan khá chặt với nhau, phản ánh tính đồng nhất của tiểu cấu trúc TƯHNXH mang đặc trưng của HS THPT. (4) Năng lực giải quyết vấn đề xã hội. Đây là thành tố thứ tư của mô hình hình cấu trúc TTXH. Năng lực này thể hiện sự chủ động của cá nhân trong giải quyết các vấn đề khó xử, mâu thuẫn, bất đồng… luôn có thể xảy ra trong các mối quan hệ xã hội, đồng thời biết cách giải quyết vấn đề đạt hiệu quả trong các tình huống tương tác xã hội, đặc biệt có thể đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong các tình huống phức tạp khi tương tác với người/nhóm người khác. Năng lực này gồm một phức hợp các năng lực cụ thể như: xác định được bản chất vấn đề, từ các góc nhìn, quan điểm khác nhau; tìm ra các giải pháp khác nhau, đánh giá từng giải pháp, chọn lựa được giải pháp phù hợp nhất để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong các hoạt động cùng/ với người khác; ứng xử một cách khôn ngoan trong những tình huống tương tác xã hội (liên cá nhân hay liên nhân cách); có những nguyên tắc, phương châm, chiến lược/ chiến thuật hành động để kiềm chế sự tức giận, hóa giải những bất đồng, giải quyết hiệu quả vấn khi gặp xung đột mâu thuẫn trong các quan hệ xã hội. Phức hợp các đặc điểm thuộc năng lực GQVĐXH phải tương quan khá chặt với nhau, phản ánh tính đồng nhất của tiểu cấu trúc GQVĐXH mang đặc trưng của lứa tuổi THPT. 2.3. Một số đặc điểm phát triển tâm lý chung của học sinh trung học phổ thông 2.3.1. Những đặc điểm về nhận thức, trí tuệ và đời sống tình cảm của học sinh THPT 2.3.1.1. Sự phát triển của các quá trình nhận thức cảm tính: sự phát triển cảm giác, tri giác của học sinh THPT có tính ý thức, mục đích, có hệ thống; chú ý chủ định chiếm ưu thế. 2.3.1.2. Sự phát triển tư duy, tưởng tượng: Tư duy lý luận phát triển mạnh; Các thao tác trí tuệ như phân tích, so sánh, tổng hợp, trừu tượng hóa và khái quát hóa phát triển mạnh, giúp các học sinh lĩnh hội được những khái niệm phức tạp và trừu tượng. 2.3.1.3. Đời sống xúc cảm, tình cảm: Đời sống xúc cảm, tình cảm của học sinh THPT phong phú, đa dạng thể hiện trong những mối quan hệ giao tiếp ngày càng được mở rộng về phạm vi và đặc biệt được phát triển về mức độ phức hợp, độc lập trong sự giao tiếp với người lớn và bạn bè. 2.3.2. Đặc điểm hoạt động chủ đạo của học sinh trung học phổ thông 2.3.2.1. Học tập và hướng nghiệp Học tập vẫn là hoạt động chủ đạo của HS THPT nhưng có sự khác biệt về chất so với các lứa tuổi trước, không chỉ cung cấp hệ thống tri thức khoa học phổ thông hoàn chỉnh mà còn giúp hình thành cách thức tiếp cận tri thức, thế giới quan và nhân sinh quan, vì thế tác động nhất định đến các năng lực TTXH của các em. Chọn nghề là một trong những nét tâm lý đặc trưng của lứa tuổi đầu thanh niên, có tác dụng thúc đẩy học sinh nỗ lực học tập, tìm kiếm những phương pháp rèn luyện, hoàn thiện bản thân để thực hiện mục tiêu nghề nghiệp. 2.3.2.2. Giao tiếp Cùng với hoạt động học tập, chọn nghề, giao tiếp cũng là hoạt động chủ đạo góp phần quan trọng vào sự phát triển nhân cách của HS THPT. Trong quá trình giao tiếp, ứng xử, tương tác xã hội, mỗi HS trong vai trò chủ thể luôn diễn ra các quá trình nhận thức xã hội, nhận thức bản thân, phát triển cái tôi xã hội… nhằm thay đổi, điều chỉnh hành vi hướng đến mục đích phát triển khát vọng cống hiến cho xã hội. 2.4. Trí tuệ xã hội và đo lường trí tuệ xã hội của học sinh trung học phổ thông 2.4.1. Khái niệm trí tuệ xã hội của học sinh trung học phổ thông Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu từ các tác giả trong và ngoài nước, chúng tôi xây dựng một định nghĩa làm việc về TTXH của HS THPT như sau: TTXH của HS THPT là năng lực phức hợp bao gồm các năng lực nhận thức xã hội, năng lực xây dựng các mối quan hệ xã hội, năng lực thích ứng hòa nhập xã hội và năng lực giải quyết vấn đề một cách hiệu quả trong các tình huống tương tác xã hội ở môi trường học tập giáo dục bậc THPT.
  10. 8 2.4.2. Cấu trúc trí tuệ xã hội của học sinh trung học phổ thông Cấu trúc TTXH của HS THPT gồm 4 thành tố tương quan chặt chẽ tạo thành một chính thể sau: - Năng lực nhận thức xã hội: thành tố này gồm một phức hợp các hiểu biết, tình cảm, đạo đức, giá trị cống hiến xã hội, các nguyên tắc hành động vì cộng đồng, cách thức giúp HS THPT phát triển cái tôi xã hội, xây dựng kế hoạch nghề nghiệp, định hướng tương lai trên nền các đặc điểm tâm lý lứa tuổi HS THPT. - Năng lực xây dựng quan hệ xã hội: thành tố năng lực này bộc lộ khả năng thiết lập, duy trì các mối quan hệ đa dạng hài hòa trong trường học cũng như trong cuộc sống (bạn bè, thầy cô, cha mẹ,… người khác). Để thành công học đường, trước hết, HS phải thiết lập được các mối quan hệ và duy trì mối quan hệ xã hội với nhóm bạn, tập thể tổ/lớp, thầy cô giáo, gia đình… cộng đồng. - Năng lực thích ứng hòa nhập xã hội: năng lực thích ứng xã hội (TƯHNXH) thể hiện khả năng tạo ra và nắm bắt các cơ hội, cách thức giúp HS dễ dàng hòa nhập khi môi trường học tập, giáo dục thay đổi từ THCS lên THPT với những yêu cầu về học tập, rèn luyện, trải nghiệm và định hướng nghề cũng đòi hỏi cao hơn. Các hoạt động tập thể và mối quan hệ cũng phong phú hơn. - Năng lực giải quyết vấn đề xã hội: học sinh có năng lực này thể hiện sự chủ động giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, bất đồng trong các mối quan hệ xã hội ở môi trường THPT. Đó có khả năng giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong các tình huống tương tác, giao tiếp xã hội (bạn bè, thầy cô, cha mẹ,.. người lớn khác. 2.4.3. Biểu hiện trí tuệ xã hội ở học sinh trung học phổ thông TTXH ở HS THPT được thể hiện trong quá trình học tập rèn luyện, qua các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, ngoại khoá… và trong các quan hệ ứng xử, giao tiếp xã hội (với cha mẹ, anh chị em, thầy cô giáo, bạn bè, người lớn,…TTXH ở HS THPT được biểu hiện thông qua các năng lực thành phần sau: - Một là, năng lực nhận thức xã hội: gồm một phức hợp các hiểu biết/ kiến thức xã hội hàm chứa những tình cảm, đạo đức, giá trị cống hiến xã hội, các nguyên tắc hành động vì cộng đồng, cách thức giúp HS THPT xây dựng kế hoạch nghề nghiệp, phát triển cái tôi xã hội, phát triển nhân cách, định hướng tương lai, trên nền các đặc điểm tâm lý lứa tuổi HS THPT. Cụ thể: khi chi tiết hóa năng lực NTXH ở HS THPT, chúng tôi tập trung vào các chỉ báo, biểu hiện hành vi đặc trưng sau: + Có nhận thức rõ về nhiệm vụ tự học, nỗ lực học tập, học cách học, phát triển các chiến lược tự học phù hợp; + Nhận thức rõ kế hoạch nghề nghiệp như là những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhất của HS THPT ; + Có ý thức xây dựng kế hoạch nghề nghiệp dựa trên khả năng/năng lực và sở thích/hứng thú của bản thân; + Nhận thức rõ yêu cầu phải phấn đấu trở thành một công dân sống tuân thủ pháp luật, mong muốn đóng góp sức mình xây dựng phát triển đất nước; + Có ý thức coi trọng các giá trị phẩm chất: trung thực, chăm chỉ, nhân ái, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đinh và xã hội; + Có ý thức quan tâm đến người khác, giữ lời hứa, tôn trọng và cố gắng thực hiện những gì mình đã cam kết; + Có ý thức rõ ràng cần phải học cách suy nghĩ tích cực, sống chủ động, tự tin, tích cực tham gia trải nghiệm xã hội, tích cực hành động vì cộng đồng; + Ý thức rõ bản thân phải chịu khó học hỏi, gia tăng hiểu biết xã hội, khao khát, trăn trở, sống để cống hiến, muốn đóng góp sức mình cho quê hương, đất nước; + Ý thức được rằng nỗ lực tự rèn luyện bản thân để trở thành người có ích cho xã hội là chiến lược/ phương châm hành động được bản thân yêu thích/sử dụng nhiều nhất; + Nhận thức được rằng chủ động đối thoại, giải thích, thuyết phục là cách ứng xử khả thi nhất trong các hoạt động tương tác xã hội; - Hai là, năng lực xây dựng quan hệ xã hội: Khi mô tả, chi tiết hóa, cụ thể hóa năng lực QHXH này của HS THPT, chúng tôi tập trung vào các chỉ báo biểu hiện hành vi đặc trưng sau: (1) Thiết lập các mối quan hệ xã hội: + Mong muốn mở rộng các mối quan hệ xã hội; + Tạo được ấn tượng tốt, thiện cảm với các đối tượng giao tiếp (bạn bè, tập thể lớp, thầy cô, cha mẹ); + Thể hiện thái độ lắng nghe, tôn trọng bạn bè, chấp nhận sự khác biệt; + Thể hiện tính cách vui vẻ, dễ gần, tốt bụng, hoà đồng, tinh tế; + Nhận biết và giải mã được ý nghĩa các tín hiệu ngôn ngữ/ phi ngôn ngữ khi tương tác, giao tiếp xã hội; + Tinh tế, nhạy cảm với những biểu hiện về cảm xúc, tình cảm khi tiếp xúc, tương tác, giao tiếp xã hội, để tạo sự đồng cảm của đối tượng giao tiếp/ tương tác.
  11. 9 (2) Duy trì, phát triển các mối quan hệ xã hội: + Dự đoán trước được những ảnh hưởng của mình tới những người khác; + Xác định rõ mục đích, lợi ích của việc duy trì mối quan hệ với các đối tượng giao tiếp; + Biết cảm thông, chia sẻ những xúc cảm, tình cảm phù hợp với bối cảnh khi tương tác, giao tiếp xã hội; + Được bạn bè yêu mến, được cha mẹ, thầy cô giáo tin tưởng; + Có tình cảm yêu thương với cha mẹ, anh chị em, thầy cô giáo, bạn bè; + Tự giác, chủ động tham gia các hoạt động tập thể, tích cực hợp tác nhóm; - Ba là, năng lực thích ứng hòa nhập xã hội: Năng lực TƯHNXH này của HS THPT được mô tả, chi tiết hóa, cụ thể hóa, tập trung vào các chỉ báo, biểu hiện hành vi đặc trưng sau: (1) Hòa nhập với môi trường học tập THPT + Chủ động tìm hiểu về môi trường bậc THPT, tạo ra những cách thức giúp mình nhanh chóng hòa nhập; + Chủ động hòa nhập làm quen, kết thân với các bạn trong lớp, trong trường, ngoài trường; + Tự tin, tạo thoải mái khi giao tiếp với thầy cô, bạn bè… trong môi trường học đường bậc THPT; + Luôn cố gắng sống hòa với những người xung quanh mình (người thân trong gia đình, thầy cô, bạn bè…); + Chủ động cải thiện quan hệ với những người không thiện cảm với mình, tìm cách giảm thiểu bất đồng; + Học cách hòa đồng khi làm việc nhóm, hợp tác với các thành viên trong nhóm, tập thể trong lớp, trường. (2) Thích ứng với các hoạt động giáo dục ở trường THPT + Chủ động tìm hiểu và tham gia, đóng góp vào các hoạt động, phong trào của nhóm, tổ, tập thể lớp, trường; + Thiết lập các nguyên tắc, chiến lược giúp thay đổi bản thân để đáp ứng tốt các yêu cầu học tập và rèn luyện; + Tự giác chủ động tìm ra các giải pháp hiệu quả, dễ dàng thích ứng trong trường môi giáo dục THPT; + Ứng phó linh hoạt, mềm dẻo, khéo léo trong các tình huống tương tác, giao tiếp xã hội; + Tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, hoàn thành tốt các nhiệm vụ do trường THPT đề ra. - Bốn là, năng lực giải quyết vấn đề xã hội: Năng lực thành phần này của HS THPT được mô tả, chi tiết hóa, cụ thể hóa, tập trung vào các chỉ báo, biểu hiện hành vi đặc trưng sau: + Xác định được bản chất vấn đề khi xảy ra tình huống mâu thuẫn trong giao tiếp với người khác; + Nghĩ ra các các giải pháp khác nhau, đánh giá lợi hại, hậu quả của từng giải pháp tương thích với bối cảnh; + Chọn ra được giải pháp phù hợp nhất và cố gắng thực hiện giải pháp để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả; + Luôn sử dụng chiến lược đối thoại,giải thích, thuyết phục… ,chủ động giải quyết xung đột với người khác; + Luôn giữ được bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc khi xử lý các tình huống khó xử trong môi trường giáo dục; + Có khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp, gồm những xung đột trong học tập, trải nghiệm giáo dục. 2.4.4. Đo lường trí tuệ xã hội của học sinh trung học phổ thông Để thiết kế được các công cụ đánh giá thích hợp, chúng tôi xem xét cách tiếp cận mà các nhà thiết kế thang đo, trắc nghiệm dùng để thu thập thông tin. Theo các chuyên gia đánh giá có 3 cách: - Thang đo tự đánh giá: các thang đo kiểu tự đánh giá đề nghị học sinh trả lời một loạt những câu/ mệnh đề (item) có tính chất mô tả, chỉ ra ở mức độ nào đó chúng mô tả hoặc không mô tả TTXH của họ. Các biểu hiện năng lực TTXH được lượng giá dựa trên sự hiểu biết, trung thực của cá nhân học sinh. - Thang đo hay trắc nghiệm do người quan sát đánh giá: được dùng để đo lường trí tuệ nói chung, TTXH nói riêng. Sử dụng người cung cấp thông tin (giáo viên/ cha mẹ...) cung cấp thông tin về những gì một học sinh được đánh giá và họ hiểu biết rõ về năng lực của cá nhân học sinh đó. Cách này ít được sử dụng trong thực tế. - Trắc nghiệm đánh giá năng lực thực hiện: để xác định học sinh có trí tuệ ở mức nào, học sinh đó được đưa ra một tình huống có vấn đề, yêu cầu giải quyết vấn đề đó, hoặc yêu cầu nghiệm thể lựa chọn một cách giải quyết phù hợp nhất/hiệu quả nhất trong các phương án giải quyết đã cho. Theo các nhà nghiên cứu đo lường chính năng lực thực hiện là “tiêu chuẩn vàng” trong nghiên cứu đo lường các năng lực trí tuệ nói chung/ TTXH của HS THPT nói riêng. 2.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ xã hội của học sinh trung học phổ thông 2.5.1. Nhóm các yếu tố chủ quan Yếu tố sinh học, di truyền; Vốn kinh nghiệm sống (trải nghiệm cuộc sống); Tính tích cực hoạt động xã hội, rèn luyện, kiểm soát bản thân 2.5.2. Nhóm các yếu tố khách quan Yếu tố gia đình; Yếu tố thuộc về nhà trường; Yếu tố môi trường sống và văn hóa
  12. 10 Chương 3 TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU TRÍ TUỆ XÃ HỘI CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI 3.1. Khái quát về địa bàn và khách thể nghiên cứu 3.1.1. Địa bàn nghiên cứu Địa bàn nghiên cứu là các trường THPT thuộc các quận (Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy), các huyện (Hoài Đức, Mê Linh) của TP. Hà Nội. 3.1.2. Mẫu nghiên cứu: Nghiên cứu thực trạng năng lực TTXH của HS THPT đã sử dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng, theo cụm (quận huyện/trường), kết hợp với chọn mẫu ngẫu nhiên (theo danh sách các lớp). Cụ thể, gồm 818 học sinh (khối lớp 10, lớp 11 và lớp 12) của 6 trường THPT thuộc 3 quận và 2 huyện trên địa bàn TP. Hà Nội. Kết quả phân tích mẫu cho thấy có 367/818 (chiếm 44,87%) là học sinh nam và 451/818 (chiếm 55,13%) là học sinh nữ. Tỉ lệ học sinh lớp 10 là 245/818 (chiếm 29,95%), học sinh lớp 11 là 316/818 (chiếm 38,63%), học sinh lớp 12 là 257/818 (chiếm 31,42%). Phỏng vấn 10 giáo viên chủ nhiệm và 10 học sinh (lớp 10, 11, 12). 3.2. Tổ chức nghiên cứu Đề tài của luận án này được tổ chức nghiên cứu qua ba giai đoạn: - Giai đoạn 1: Xây dựng hệ thống cơ sở lý luận nghiên cứu về TTXH của HS THPT tại TP.HN. - Giai đoạn 2: Xây dựng các bộ công cụ nghiên cứu các biểu hiện hành vi đặc trưng của từng năng lực thành phần thuộc TTXH của HS THPT tại TP.HN. - Giai đoạn 3: Nghiên cứu thực trạng các mức độ biểu hiện hành vi đặc trưng của từng năng lực thuộc cấu trúc TTXH của học sinh; Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu chủ quan và khách quan đến TTXH của học sinh và phân tích các chân dung tâm lý điển hình về TTXH. 3.3. Các phương pháp nghiên cứu 3.3.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận 3.3.1.1. Mục đích: tổng quan, xác lập khung lý thuyết, làm rõ khái niệm TTXH, các năng lực thuộc cấu trúc TTXH của HS THPT , từ đó xác lập các chỉ báo, các biểu hiện hành vi để thiết kế thang đo, trắc nghiệm sử dụng trong nghiên cứu thực tiễn và nghiên cứu chân dung. 3.3.1.2. Cách thực hiện: tìm kiếm, thu thập, dịch thuật, phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa, khái quát hóa các tài liệu, công trình nghiên cứu có liên quan đến TTXH, từ đó, xác lập khung lý thuyết, cơ sở lý luận cho đề tài. 3.3.2. Phương pháp chuyên gia 3.3.2.1. Mục đích: xin ý kiến các chuyên gia, nghiên cứu viên, giảng viên am hiểu về TTXH, lứa tuổi HS THPT để làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan đến cơ sở lý luận và thực tiễn các biểu hiện năng lực (chỉ báo, biểu hiện hành vi dặc trưng) thuộc cấu trúc TTXH của HS THPT . 3.3.2.2. Cách thực hiện: tọa đàm nhóm nhỏ với các chuyên gia về định hướng quan điểm nghiên cứu, các khái niệm cốt lõi, các năng lực thuộc cấu trúc TTXH, chọn, điều chỉnh các chỉ báo, biểu hiện hành vi đặc trưng, để hoàn thiện các công cụ nghiên cứu đáp ứng yêu cầu theo mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu. 3.3.3. Phương pháp điều tra xã hội 3.3.3.1. Mục đích: sử dụng điều tra xã hội học (phương pháp chính) để nghiên cứu thực trạng, qua thang đo thiết kế chuẩn (kiểu Likert 5 mức độ) để thu thập thông tin về thực trạng các biểu hiện đặc trưng của từng năng lực thuộc TTXH của HS THPT TP.HN. 3.3.3.2. Cách thực hiện: theo các bước sau: Buớc 1: dựa trên khái niệm, mô hình 4 năng lực thành phần thuộc cấu trúc TTXH đã xác lập ở Chương II, chi tiết hóa thành các chỉ báo hành vi phù hợp với nội dung từng năng lực cần khảo sát. Buớc 2: Thiết kế các items là các biểu hiện hành vi đặc trưng phù hợp với nội hàm từng chỉ bào của từng năng lực theo kiểu thang đo likert – 5 mức độ. Buớc 3: Lựa chọn cách cho điểm (định luợng). Buớc 4: Khảo sát thử trên mẫu nhỏ. Buớc 5: Hoàn chỉnh các thang đo và tiến hành khảo sát chính thức. 3.3.3.3. Nội dung khảo sát thực trạng Nội dung khảo sát thực trạng TTXH của HS THPT tập trung vào đo lường 4 năng lực thành phần theo mô hình lý thuyết về cấu trúc TTXH và được mô tả, chi tiết hóa thành các chỉ báo, biểu hiện hành vi đặc trưng (mô tả ở tr. 8-9, Chương 2).
  13. 11 3.3.3.4. Thiết kế công cụ khảo sát thực trạng (thang đo) Xây dựng thang đo tổng TTXH gồm 4 thang đo các năng lực thành phần (NTXH, QHXH, TƯHNXH, GQVĐXH), được thiết kế công phu, chuyên nghiệp theo kiểu thang Likert – 5 mức độ (học sinh tự đánh giá), dựa trên các nội dung được mô tả chi tiết, với sự chỉnh sửa của chuyên gia về đo lường và đánh giá. Kết quả phân tích cho thấy 4 thang đo thành phần của TTXH này có hệ số tin cậy Alpha từ 0,82 đến 0,89, đều đạt mức khá cao. Hệ số tin cậy Alpha của thang đo tổng TTXH là 0.94, đạt mức cao. Kết quả phân tích nhân tố qua SPSS Ver 20.0 cho thấy cả 4 thang đo thành phần của TTXH chiết xuất được 1 nhân tố chung vượt trội, có trị số đặc trưng (Initial Eigenvalues) là 2,398 (phương sai/biến thiên của các thành tố bộ phận). Nhân tố chung này giải thích cho 59,96% tổng biến thiên của 4 biến – là điểm của 4 thang đo các năng lực thành phần được đưa vào chiết xuất nhân tố, với các hệ số chứa (factor loadings – hệ số tương quan với nhân tố chung) từ 0,73 đến 0,84, chứng tỏ độ hiệu lực cấu trúc của thang đo tổng đo TTXH này phù hợp với mô hình lý thuyết đã đề xuất. 3.3.3.5. Thiết kế công cụ khảo sát về ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan và khách quan đến trí tuệ xã hội của học sinh trung học phổ thông Công cụ khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến TTXH của HS THPT , gồm 2 thang đo tự đánh giá: (1) thang đo nhóm các yếu tố chủ quan (YTCQ), gồm 13 items và (2) thang đo nhóm các yếu tố khách quan (YTKQ), gồm 18 items. Cả hai được thiết kế theo kiểu thang Likert – 5 mức độ, dựa trên các nội dung nghiên cứu được mô tả chi tiết. Hệ số tin cậy Alpha của chúng từ 0,66 đến 0,69, đạt mức trung bình. 3.3.4. Phương pháp trắc nghiệm 3.3.4.1. Mục đích: xây dựng bộ trắc nghiệm tình huống nhằm đánh giá chỉ số SQ của từng HS THPT theo cách tiếp năng lực thông qua bối cảnh, tình huống xã hội các em thường đối mặt, qua đó phân loại, phát hiện ra những điểm mạnh, điểm yếu, những yếu tố chi phối chỉ số SQ. 3.3.4.2. Thiết kế trắc nghiệm tình huống Trắc ngiệm tổng đo chỉ số SQ của HS THPT gồm 71 tình huống (item) cấu trúc thành 4 trắc nghiệm tương ứng với 4 miền đo các năng lực thành phần TTXH. Mỗi trắc nghiệm thành phần gồm 15-21 items. Bộ trắc nghiệm này được làm với cá nhân hoặc nhóm (theo lớp). Thời gian hoàn thành các câu trả lời cho toàn bộ trắc nghiệm khoảng 45-50 phút. Mỗi item là một câu hỏi trong một bối cảnh xã hội nhất định, hoặc một tình huống tương tác xã hội có vấn đề phải giải quyết, được thiết kế theo kiểu trắc nghiệm đa lựa chọn (multiple choice test). Mỗi câu hỏi/tình huống đưa ra 4 phương án lựa chọn (nhưng chỉ có một phương án đúng nhất/phù hợp nhất), nghiệm thể (là HS THPT ) được yêu cầu cân nhắc từng phương án nhằm tìm ra phương án thích hợp nhất. Kết quả thử nghiệm trên 150 HS THPT cho thấy có 50/71 item (tình huống) của trắc nghiệm tổng đáp ứng các tiêu chuẩn đo lường (có 21 item dễ quá, hoặc độ tin cậy thấp, bị loại bỏ khỏi trắc nghiệm tổng khi khảo sát đại trà). Kết quả phân tích cho thấy: hệ số tin cậy alpha của từng trắc nghiệm năng lực thành phần TTXH trên mẫu đại trà HS THPT (N = 808) đạt mức khá (từ 0,67 đến 0,77), trắc nghiệm tổng có hệ số tin cậy alpha khá tốt (0,80); độ khó (P) của mỗi item (tình huống) nằm trong khoảng từ 0,32 đến 0,89, khá tốt. Kết quả phân tích nhân tố (dùng SPSS, Ver.20) với 4 trắc nghiệm thành phần của trắc nghiệm tổng TTXH chiết xuất được 1 nhân tố chung, có trị số đặc trưng (Initial Eigenvalues) là 2,52 (phương sai/biến thiên của các thành tố bộ phận). Nhân tố chung này giải thích cho 62,99% tổng biến thiên của 4 biến - 4 trắc nghiệm thành phần được đưa vào chiết xuất nhân tố. Kết quả này chứng minh độ hiệu lực cấu trúc (hệ số factorloadings của 4 năng lực thành phần với nhân tố chung TTXH từ 0,72 đến 0,85) của trắc nghiệm tổng đo TTXH rất phù hợp với mô hình lý thuyết mà chúng tôi đã đề xuất. Kết quả phân tích trên đây cho thấy, trắc nghiệm tổng đo TTXH, đảm bảo các đặc tính thiết kế và các đặc tính đo lường. Tất cả các trắc nghiệm thành phần và các item của trắc nghiệm đều đảm bảo có đủ độ tin cậy và độ hiệu lực tốt. 3.3.5. Phương pháp phỏng vấn sâu 3.3.5.1. Mục đích: phỏng vấn chuyên gia, giáo viên chủ nhiệm, học sinh về các chỉ báo, biểu hiện hành vi đặc trưng điển hình của các năng lực thuộc cấu trúc TTXH theo bảng câu hỏi phỏng vấn về những biểu hiện, mức độ TTXH của HS THPT và các yếu tố ảnh hưởng đến TTXH của các em. 3.3.5.2. Nội dung phỏng vấn: Nội dung phỏng vấn được chuẩn bị chi tiết, rõ ràng theo từng vấn đề nghiên cứu liên quan đến thực trạng biểu hiện các năng lực TTXH của HS THPT (phiếu phỏng vấn). Tuỳ theo đối tượng và khách thể của cuộc phỏng vấn sâu mà trình tự, nội dung của mỗi cuộc phỏng vấn sâu có thể thay đổi.
  14. 12 3.3.5.3. Khách thể phỏng vấn: Một nhóm 10 HS THPT (lớp 10, 11, 12) có những biểu hiện thiếu hụt và vượt trội về các năng lực của TTXH; 10 giáo viên chủ nhiệm; 2 chuyên gia am hiểu về trí tuệ và TTXH về tâm lý HS THPT . 3.3.6. Phương pháp phân tích chân dung tâm lý điển hình 3.3.6.1. Mục đích: xem xét phân tích kỹ các biểu hiện đặc trưng về TTXH của 3 học sinh, phỏng vấn sâu để kiểm chứng tính chính xác, khách quan các mức độ biểu hiện về TTXH của 3 học sinh, từ đó làm rõ giá trị khoa học của kết quả đánh giá với các học sinh này. 3.3.6.2. Nội dung: Nghiên cứu 3 trường hợp học sinh có tính đại diện: + 01 trường hợp có mức độ biểu hiện TTXH cao. + 01 trường hợp có mức độ biểu hiện TTXH trung bình. + 01 trường hợp có mức độ biểu hiện TTXH thấp. 3.3.6.3. Cách thức tiến hành: gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn trực tiếp một số học sinh,… Từ đó lựa chọn, phân tích sâu chân dung tâm lý trên 3 khách thể là HS THPT . 3.3.7. Phương pháp thông kê phân tích số liệu Các phiếu khảo sát được xử lý thô, nhập máy tính, xử lý tinh (loại bỏ những học sinh bỏ sót không trả lời trên 10% số item phải trả lời hoặc có điểm tổng TTXH ≤ ± 3SD) và phân tích bằng phần mềm SPSS Ver 20.0 (đánh giá độ tin cậy, độ khó, độ hiệu lực/giá trị của 4 thang đo các năng lực thành phần, thang đo tổng TTXH... của các trắc nghiệm đánh giá các năng lực thành phần, trắc nghiệm tổng đo TTXH, chuyển sang điểm chuẩn SQ). Chương 4 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN TRÍ TUỆ XÃ HỘI CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI 4.1. Kết quả khảo sát thực trạng trí tuệ xã hội của học sinh trung học phổ thông qua thang đo 4.1.2.5. Kết quả tính điểm cho một item trên các thang đo năng lực thành phần của cấu trúc trí tuệ xã hội Kết quả phân tích điểm trung bình (điểm thô) của một item trên các thang đo năng lực thành phần thuộc cấu trúc TTXH của HS THPT tại Hà Nội được trình bày trong Bảng 4.9. Bảng 4.9. Điểm trung bình (điểm thô) của một item thuộc các thang đo năng lực thành phần thuộc cấu trúc trí tuệ xã hội của học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội Thang đo các năng lực thành phần Mẫu Điểm thô 1 item Thứ thuộc cấu trúc trí tuệ xã hội (N) Trung bình Độ lệch chuẩn bậc Năng lực nhận thức xã hội (17 item) 781 3,77 0,57 2 Năng lực quan hệ xã hội (12 item) 791 3,95 0,60 1 Năng lực thích ứng xã hội (21 item) 790 3,44 0,47 4 Năng lực giải quyết vấn đề xã hội (20 item) 790 3,59 0,54 3 Kết quả ở Bảng 4.9 cho thấy HS THPT có điểm trung bình cao hơn ở các thang đo năng lực QHXH và NTXH, trong đó điểm trung bình cao nhất ở năng lực QHXH (3,95 điểm). HS THPT có điểm trung bình thấp hơn ở các thang đo năng lực TƯHNXH và GQVĐXH, trong đó điểm trung bình thấp nhất ở năng lực TƯHNXH (3,44 điểm). Các kết quả nghiên cứu của Nguyễn Công Khanh và Nguyễn Thị Liên ( 2012) đã chỉ ra rằng “đa số giáo viên giao tiếp, ứng xử với các em học sinh chủ yếu dựa trên những mong muốn có tính áp đặt, chủ quan của người lớn, thiếu những hiểu biết sâu sắc về tâm sinh lý lứa tuổi, bỏ qua những nhu cầu, nhiệm vụ phát triển đặc trưng của lứa tuổi học sinh...”. Cuộc tọa đàm của nghiên cứu này với 52 giáo viên THPT tại trường P.Đ.P (tháng 10/2020) về chủ đề “Giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống tăng cường TTXH cho HS THPT ”. Nhiều giáo viên phát biểu trong cuộc tọa đàm thừa nhận: “Trong lớp có những học sinh hay mất tập trung, giao bài tập về nhà không hoàn thành và không trả lời được khi giáo viên hỏi nên giáo viên đã có những nhận xét tiêu cực ngay trên lớp làm không khí lớp học căng thẳng, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dạy và học” (P.T.H, giáo viên chủ nhiệm lớp 11E);
  15. 13 “Có một số học sinh gặp thất bại học đường không phải vì kém thông minh mà do gặp phải những vấn đề tâm lý như căng thẳng với cha mẹ, mặc cảm với thầy cô giáo, sự tẩy chay của bạn bè…mà không tự mình giải quyết được nhưng giáo viên khó giúp được” (N.T.L, giáo viên chủ nhiệm lớp 12D). Đại diện ban giám hiệu Trường cho rằng “Các kỹ năng giải quyết vấn đề trong tương tác xã hội,kỹ năng giao tiếp ứng xử, cách thức lồng ghép giáo dục giá trị, hiểu biết tâm lý học sinh, kỹ năng tư vấn học đường… luôn là những hành trang rất cần thiết đối với mọi giáo viên nhưng chúng tôi thấy mình còn yếu và rất thiếu mong được các chuyên gia cung cấp” (N.T.H, hiệu trưởng THPT P.Đ.P). Kết quả phỏng vấn giáo viên THPT (là chủ nhiệm các lớp 10, 11, 12) cho thấy: “Đa số giáo viên dạy THPT thiếu những tri thức về học tập cảm xúc xã hội (social-emotional leảning), thiếu hiểu biết về các năng lực thuộc TTXH” (P.T.N, giáo viên chủ nhiệm lớp 11B, trưởng khối 11, trường P.Đ.P); “Nhiều giáo viên THPT chỉ tập trung vào tri thức chuyên môn mà ít quan tâm hoặc thiểu hiểu biết sâu về tâm sinh lý lứa tuổi HS THPT, về các kỹ năng tư vấn học đường” (Tr.T.L, giáo viên chủ nhiệm lớp 12B, trưởng khối 12, trường P.Đ.P). Một số giáo viên mong muốn: “Được tham gia các lớp tập huấn, trang bị những kiến thức tâm sinh lý lứa tuổi, những nội dung liên quan đến các năng lực trí tuệ xã hội và kỹ năng tư vấn học đường để họ biết cách hóa giải sự căng thẳng, xung đột, duy trì bầu không thân thiện cởi mở, nhờ vậy làm cho quá trình dạy và học trở nên hiệu quả hơn” (P.V.K, giáo viên chủ nhiệm lớp 10B và N.T.H, chủ nhiệm lớp 11H, trường P.Đ.P); “Được cung cấp tài liệu, video... có thể giúp trường tổ chức được các loại hình câu lạc bộ để tăng cường các năng lực giao tiếp, ứng xử, tương tác xã hội kỹ” (L.T.M.A, giáo viên chủ nhiệm lớp 11C, trường THPT P.Đ.P). 4.1.3. Kết quả đánh giá thực trạng chung về trí tuệ xã hội của HS THPT qua thang đo tổng Kết quả khảo sát thực trạng qua thang đo tổng TTXH của HS THPT trong Bảng 4.10 dưới đây: Bảng 4.10. Phân loại thực trạng chung qua thang đo tổng TTXH của HS THPT dựa trên điểm số và theo trường Thang Điểm Độ Nhóm Nhóm điểm Nhóm Trường đo TB lệch điểm thấp trung bình điểm cao ≤ 223 224-285 ≥ 286 THPT Nguyễn Tất Thành (N = 173) 17,3% 69,4% 13,3% ≤ 61 62-82 ≥ 83 THPT Lý Thường Kiệt (N = 131) 13,7% 66,5% 19,8% Năng ≤ 61 62-82 ≥ 83 THPT Mê Linh (N = 126) lực 12,7% 70,6% 16,7% 254,46 30,52 trí tuệ ≤ 61 62-82 ≥ 83 THPT Hoài Đức A (N = 129) xã hội 17,1% 72,8% 10,1% ≤ 61 62-82 ≥ 83 THPT Yên Hoà (N = 121) 14,9% 71,1% 14,0% ≤ 61 62-82 ≥ 83 THPT Phan Đình Phùng (N = 110) 15,6% 65,1% 19,3% ≤ 223 224-285 ≥ 286 TỔNG (N = 789) 15,3% 69,2% 15,5% Kết quả đánh giá khái quát bức tranh thực trạng chung về TTXH ở Bảng 4.10 cho thấy, có 15,3% HS THPT ở mức thấp (yếu) về năng lực TTXH – đó là nhóm học sinh có sự thiếu hụt đáng kể về TTXH, so với các bạn học cùng tuổi. Tỉ lệ học sinh nhóm này có sự khác nhau giữa các trường THPT, biên độ dao động từ 12,7% đến 17,3%. Có 15,5% HS THPT nằm ở nhóm điểm cao (tốt) về TTXH. Những học sinh nhóm điểm cao về TTXH tỏ ra vượt trội hơn hẳn các bạn đồng lứa, tỉ lệ này cũng có sự chênh lệch giữa các trường, biên độ dao động từ 10,1% đến 19,8%, trong đó trường M.L chiếm tỷ lệ cao nhất, thấp nhất là trường H.Đ_A ở huyện ngoại thành Hà Nội. Đa số HS THPT (69,2%) tự đánh giá bản thân ở mức trung bình về TTXH. Tỉ lệ nhóm này cũng khác nhau giữa các trường THPT, biên độ dao động từ 65,1% đến 72,8% (xem Biểu đồ 4.1)
  16. 14 Trí tuệ xã hội của học sinh THPT 80.00% 68.00% 68.80% 67.40% 66.60% 69.20% 60.00% 40.00% 14.60% 17.40% 14.50% 16.70% 15.70% 16.90% 15.60% 17.80% 15.30% 15.50% 20.00% 0.00% NTXH QHXH TƯXH GQVĐXH Tổng (TTXH) Nhóm thấp Nhóm trung bình Nhóm cao Biểu đồ 4.1. Thực trạng trí tuệ xã hội của học sinh trung học phổ thông qua thang đo 4.1.4. Kết quả kiểm định mô hình cấu trúc TTXH qua số liệu khảo sát thực tiễn bằng thang đo trên mẫu HS THPT 4.1.4.1. Kiểm định tương quan điểm giữa các thang đo năng lực thành phần thuộc cấu trúc TTXH của HS THPT Xem xét tương quan giữa các năng lực thành phần thuộc cấu trúc TTXH của HS THPT , chúng tôi thấy cả 4 năng lực: NTXH, QHXH, TƯHNXH, GQVĐXH đều có mối tương quan chặt với TTXH, mức độ tương quan này lần lượt là: r = .741; .719; .764; .844. Trong đó, cặp tương quan mạnh nhất là cặp năng lực GQVĐXH và TTXH với hệ số tương quan là r = .844. Kết quả này dự báo khi tác động cải thiện, nâng cao năng lực GQVĐXH thì sẽ cải thiện, nâng cao được TTXH của HS THPT nhiều nhất. Mô hình hồi quy cho thấy ảnh hưởng lớn nhất (qua điểm số) của một biến độc lập - năng lực GQVĐXH giải thích cho 71,2% biến thiên (điểm) của biến thang đo tổng TTXH. Còn, hai biến độc lập: năng lực NTXH và năng lực GQVĐXH trong môi trường học tập ở trường THPT cho phép giải thích tới 86,4% biến thiên điểm của biến thang đo tổng TTXH của HS THPT. 4.2. Kết quả đánh giá thực trạng trí tuệ xã hội qua trắc nghiệm 4.2.1. Kết quả đánh giá thực trạng các năng lực thành phần thuộc TTXH của HS THPT qua số liệu khảo sát bằng trắc nghiệm 4.2.1.1. Kết quả tính điểm cho các năng lực thành phần của trí tuệ xã hội qua trắc nghiệm Kết quả phân tích điểm trung bình (điểm thô) trên các năng lực thành phần và trắc nghiệm tổng (điểm thô) đo TTXH của HS THPT tại Hà Nội được trình bày trong Bảng 4.12. Bảng 4.12. Điểm trung bình (điểm thô) của một tình huống thuộc các năng lực thành phần và trắc nghiệm tổng trí tuệ xã hội của học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội Các năng lực thành phần Mẫu Điểm thô 1 item Thứ và trắc nghiệm tổng trí tuệ xã hội (N) Trung bình Độ lệch chuẩn bậc Năng lực nhận thức xã hội (12 tình huống - item) 816 0,72 0,43 1 Năng lực quan hệ xã hội (10 tình huống - item) 816 0,60 0,46 3 Năng lực lực thích ứng xã hội (13 tình huống - item) 816 0,64 0,46 2 Năng lực giải quyết vấn đề xã hội (15 tình huống - item) 816 0,59 0,47 4 Trắc nghiệm tổng trí tuệ xã hội 816 0,64 0,46 Kết quả ở Bảng 4.12 cho thấy HS THPT được trắc nghiệm (năng lực thực hiện) TTXH có điểm trung bình (trên 1 tình huống – item) cao nhất ở năng lực NTXH (0,72 điểm) và có điểm trung bình (trên 1 tình huống – item) thấp nhất ở năng lực GQVĐXH (0,59 điểm). Điểm trung bình trả lời thành công trên 1 tình huống (item) của trắc nghiệm là 0,64/ 1 điểm (đạt 64%). Vậy điểm bài trắc nghiệm của học sinh phản ánh năng lực TTXH của các em HS THPT chỉ ở mức trung bình. Kết quả này khá tương thích với kết quả khảo sát học sinh tự đánh giá bằng thang đo tự đánh giá TTXH.
  17. 15 Các kết quả nghiên cứu của Nguyễn Công Khanh và Nguyễn Thị Liên ( 2012) đã chỉ ra rằng “Nhiều giáo viên chỉ quan tâm đến việc truyền dạy kiến thức môn học, ít để ý hoặc chưa thực sự quan tâm đến những suy nghĩ, mong muốn, cảm nhận của học sinh. Mỗi khi các em mắc lỗi, thay vì tìm hiểu nguyên nhân, đồng cảm chia sẻ nhờ đó có những giải pháp giúp đỡ phù hợp, thì giáo viên lại thường trách mắng, trừng phạt học sinh,…điều này có thể làm thương tổn các em, dẫn đến những phản ứng thái quá gây ra hậu quả khó lường”. Kết quả phỏng vấn một số giáo viên chủ nhiệm lớp, khi đánh giá về các năng lực liên quan đến TTXH ở học sinh cho thấy mặc dù họ cho rằng “các năng lực này là rất quan trọng, rất cần thiết để phát triển toàn diện nhân cách HS THPT ”, nhưng thực tế còn khá hạn chế (do hầu hết thời gian dành cho việc học các môn học cho mục tiêu vượt qua các kì thi với điểm cao)”. Giáo viên cho biết: “các hoạt động trải nghiệm thực tế còn ít, các hoạt động câu lạc bộ có nhưng chưa thường xuyên”. Khi yêu cầu giáo viên đánh giá sâu một vài học sinh trong lớp họ chủ nhiệm về từng năng lực liên quan đến TTXH, dường như họ gặp khó khăn (có thể do họ không có nhiều những thông tin liên quan). Giáo viên nhận thấy các năng lực NTXH, năng lực xây dựng QHXH của các học sinh này khá tốt, còn các năng lực TƯHNXH và năng lực GQVĐXH bị đánh giá thấp hơn. Kết quả đánh giá của các giáo viên chủ nhiệm lớp với nhóm nhỏ học sinh, có một số điểm tương đồng, một số điểm không tương đồng, thậm chí có nhiều điểm mâu thuẫn, ngược với các học sinh này tự đánh giá. Kết quả phỏng vấn học sinh: “Nhiều lúc trong giờ học em khó tập trung, em thấy đầu óc mình mông lung trống trải nhưng hình như không có ai để thổ lộ tâm tình.Trong lớp em có ít bạn, và không thân lắm, khó chia sẻ” (L.P.A lớp 11, THPT N.T.T); “Em quan tâm nhất về việc học tập, nỗ lực học tập mỗi ngày. Em chỉ thực sự vui vẻ nếu việc học tập của em đạt kết quả tốt. Em luôn luôn mong có nhiều hiểu biết xã hội, có quan hệ tốt với nhiều bạn bè, được thầy cô yêu quí. Em quyết tâm đạt được mục đích phấn đấu trong cuộc đời, vào đại học, làm được nhiều điều tốt cho người thân...” (N.T.T lớp 10 D1, THPT N.T.T); “Điều làm em suy nghĩ nhiều nhất hiện nay là tại sao trong xã hội có nhiều người sống lệ thuộc vào đồng tiền, nghĩ mọi cách để có tiền, đến mức họ quên cả đạo đức, sẵn sàng dẫm lên những giá trị tốt đẹp để kiếm được nhiều tiền để thỏa mãn thú tiêu sài,nghiện ngập. Đồng tiền đã làm con người trở nên mù quáng: ăn cướp, giết người... Em thầm mong sao xã hội bớt đi những tệ nạn và những điều tốt đẹp ngày càng nhiều hơn...” (P.T.H lớp 11H, THPT P.Đ.P). 4.2.1.3. Kết quả đánh giá thực trạng trí tuệ xã hội của học sinh trung học phổ thông qua số liệu khảo sát bằng trắc nghiệm chuyển đổi sang điểm chuẩn SQ Điểm của trắc nghiệm tổng đo TTXH của từng HS THPT được chúng tôi chuyển đổi thành điểm chuẩn SQ – gọi là chỉ số SQ (theo công thức của Weshler). Xi: là điểm trắc nghiệm của cá thể thứ i; Xi - X ̅ ̅ X: là điểm số trắc nghiệm trung bình trong mẫu khảo SQ = ------------  15 + 100 sát học sinh; SD SD: là độ lệch chuẩn. Kết quả phân loại HS THPT thành 5 nhóm theo bảng phân loại điểm chuẩn SQ của trắc nghiệm, được trình bày trong Bảng 4.14: Nhóm điểm rất thấp (< 70); Nhóm điểm thấp (70 - 90); Nhóm điểm trung bình (90 - 109); Nhóm điểm cao (110 - 129); Nhóm điểm rất cao (≥ 130). Bảng 4.14. Phân loại điểm chuẩn SQ trên mẫu HS THPT tại thành phố Hà Nội Điểm chuẩn SQ (%) Chỉ số trí tuệ xã hội(SQ) Rất Mẫu Thấp Trung bình Cao Rất cao Ghi HS THPT thấp (N) (70 – 89) (90 – 109) (110–129) ≥ 130 chú < 70 Học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành 171 5,3% 25,1% 42,1% 27,5% 0% Học sinh trường THPT Lý Thường Kiệt 133 0,8% 26,3% 41,3% 31,6% 0% Học sinh trường THPT Mê Linh 125 0,8% 10,4% 41,6% 47,2% 0% Học sinh trường THPT Hoài Đức A 128 1,6% 25,0% 42,9% 30,5% 0% Học sinh trường THPT Yên Hoà 121 5,0% 20,6% 53,7% 20,7% 0% Học sinh trường THPT Phan Đình Phùng 130 1,5% 23,1% 38,5% 36,9% 0% Mẫu tổng 808 2,6% 22,0% 43,2% 32,2% 0%
  18. 16 Kết quả phân tích điểm chuẩn SQ trong Bảng 4.14 cho thấy, số học sinh có điểm chuẩn SQ rất thấp dưới 70 chiếm 2,6% (biên độ dao động giữa các trường THPT từ 0,8% - 5,3%). Số học sinh có điểm chuẩn SQ thấp dưới 90 chiếm 22,0% (biên độ dao động lớn từ 10,4% - 26,3%). Số học sinh có điểm chuẩn SQ trung bình (90- 109) chiếm 43,2% (biên độ dao động đáng kể từ 38,5% - 53,7%). Số học sinh có điểm chuẩn SQ cao (110- 129) chiếm 32,2% (biên độ dao động lớn từ 20,7% - 47,2%). Số học sinh có điểm chuẩn SQ rất cao (≥ 130) không có. Như vậy số HS THPT có điểm chuẩn SQ từ trung bình trở lên (≥ 90) chiếm 75,4%. Số học sinh còn lại chiếm gần ¼ mẫu khảo sát nếu không phải là những học sinh có thái độ làm test ẩu, không cố gắng, thì họ chính là những học sinh có TTXH được đo bằng chỉ số SQ ở mức thấp hơn mức tối thiểu được mong muốn đối với một học sinh đang học tập rèn luyện ở bậc học THPT. Nhóm học sinh này cần được các thầy/cô giáo, nhà giáo dục, cha mẹ, các tổ chức như đoàn thành niên... đặc biệt quan tâm vì các em có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ học tập, rèn luyện để phát triển cái tôi xã hội và tương lai có thể gặp nhiều khó khăn trên con đường phấn đấu trở thành một nhân cách biết sống có ích... vì mọi người. Kết quả phân loại chỉ số SQ của HS THPT thành 5 nhóm trên đây được biểu đạt ở Biểu đồ 4.2: 60 53.7 50 47.2 42.1 41.6 42.9 43.2 41.3 38.5 40 36.9 31.6 32.2 30.5 30 25.1 26.3 25 27.5 23.1 20.6 22 20.7 20 10.4 10 5.3 5 1.6 1.5 2.6 0% 0.8 0% 0.8 0% 0% 0% 0% 0% 0 Rất Thấp Thấp T.Bình Cao Rất Cao N.T.T L.T.K M.L H.Đ-A Y.H P.Đ.P TỔNG SQ Biều đồ 4.2. Phân loại điểm chuẩn SQ của học sinh trung học phổ thông 4.2.2. Kết quả kiểm định mô hình cấu trúc các năng lực thành phần thuộc trí tuệ xã hội qua số liệu khảo sát bằng trắc nghiệm trên mẫu học sinh trung học phổ thông Kết quả phân tích cho thấy cả 4 năng lực: NTXH, QHXH, TƯHNXH, GQVĐXH đều có mối tương quan chặt với TTXH, mức độ tương quan lần lượt là r = 0,690; 0,748; 0,849; 0,839. Trong các cặp tương quan, cặp tương quan mạnh nhất là cặp năng lực TƯHNXH và TTXH với hệ số tương quan là r = .849. Kết quả này dự báo khi tác động cải thiện, nâng cao năng lực TƯHNXH thì sẽ cải thiện, nâng cao được TTXH của HS THPT nhiều nhất. Mô hình hồi quy cho thấy ảnh hưởng lớn nhất (qua điểm số) của một biến độc lập - năng lực TƯHNXH giải thích cho 72% biến thiên (điểm) của biến trắc nghiệm tổng TTXH. Còn, hai biến độc lập: năng lực TƯHNXH và năng lực GQVĐXH trong môi trường học tập ở trường THPT cho phép giải thích tới 86,6% biến thiên điểm của biến trắc nghiệm tổng TTXH của HS THPT . 4.3. Phân tích một số chân dung trí tuệ xã hội điển hình của học sinh THPT 4.3.1. Chân dung học sinh có mức độ trí tuệ xã hội ở mức cao a. Thông tin học sinh: Nguyễn Thu T (ID 170), sinh ngày: 28/05/2005, lớp 10 D1, trường N.T.T Hoàn cảnh gia đình: Bố là giảng viên (tiến sĩ), mẹ là cán bộ viên chức (trình độ thạc sĩ), điều kiện kinh tế gia đình tương đối khá giả, cha mẹ quan tâm đến chuyện học tập của T và thường xuyên chia sẻ, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về kết quả học tập, rèn luyện, trải nghiệm của T. b. Biểu hiện trí tuệ xã hội - Về năng lực nhận thức xã hội: Nguyễn Thu T là một trong những học sinh nữ đạt điểm cao nhất (81/85) trên thang đo (tự đánh giá) về NTXH. Kết quả đánh giá (năng lực thực hiện) trên trắc nghiệm năng lực NTXH
  19. 17 đạt điểm tối đa (12/12). Các biểu hiện nhận thức xã hội điển hình của T được thu thập qua khảo sát, phỏng vấn như: học giỏi và tích cực rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội là mục tiêu phấn đấu của T; Theo T, cách tốt nhất để HS THPT phát triển nhận thức xã hội là chịu khó học hỏi, tích tham gia nhiều loại hình hoạt động xã hội và trải nghiệm giáo dục; T tin rằng để thành công học đường, vấn đề quan trọng nhất là học cách học, thiết lập quan hệ bạn bè hòa thuận và từng bước xác định rõ kế hoạch nghề nghiệp… Những biểu hiện này về năng lực NTXH của T thực sự tích cực, được bạn bè, thầy cô giáo dạy em thừa nhận. Cô giáo chủ nhiệm lớp cho biết: “T chăm học, có thành tích học tập giỏi, thuộc tốp đầu của lớp, có suy nghĩ, NTXH tốt, trưởng thành trước tuổi, vượt trội so với các bạn đồng lứa”. - Về năng lực thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội: kết quả khảo sát về năng lực này cho thấy T đạt điểm cao (55/60 điểm). Kết quả đánh giá (năng lực thực hiện) trên trắc nghiệm năng lực QHXH đạt điểm tối đa (10/10). Kết quả quan sát, phỏng vấn cho thấy, T thường chủ động làm quen, kết thân với các bạn trong lớp, lớp khác; dễ dàng thiết lập được các quan hệ hòa thuận với các bạn đồng lứa; T lắng nghe và dễ dàng thỏa thuận với các bạn trong nhóm; thăm hỏi, động viên khi bạn bè, người thân gặp chuyện buồn; quan tâm, chia sẻ và thông cảm với người khác khi họ gặp điều không may mắn... T tích cực tham gia các hoat động từ thiện vì cộng đồng do lớp, trường tổ chức. Các bạn trong lớp có chung nhận xét T là người dễ gần, tạo được ấn tượng tốt, thiện cảm trong các giao tiếp xã hội, được bạn bè yêu mến. Trong gia đình, T có quan hệ hòa thuận, được cha mẹ yêu quí, tin tưởng. T luôn tự tin và dễ dàng nói ra những suy nghĩ cá nhân khi giao tiếp với giáo viên. T được cô giáo chủ nhiệm “tin tưởng và đánh giá em là học sinh trung thực, tốt bụng, hoà đồng, tinh tế”. - Về năng lực thích ứng hòa nhập môi trường học tập, giáo dục trong trường THPT: ở năng lực thành phần này em đạt cao (92/105 điểm), nhưng chưa phải là cao nhất. Kết quả đánh giá (năng lực thực hiện) trên trắc nghiệm năng lực TƯHNXH đạt điểm gần tối đa (11/13). Các biểu hiện hành vi T tự đánh giá và trao đổi qua trò chuyện, phỏng vấn cho thấy T có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện với bạn mới (gặp lần đầu) một cách tự nhiên; em có thể trò chuyện với những người bạn khác giới chưa quen biết mà không thấy bối rối; T có thể điều chỉnh bản thân để thích ứng với hoàn cảnh, môi trường học tập mới; khi gặp khó khăn, trắc trở, T nghĩ cách thay đổi chính mình; T tin rằng mình có thể thích ứng tốt với những biến đổi nhanh chóng của xã hội... T cho biết em thường chủ động tìm hiểu và tham gia, đóng góp vào các hoạt động tập thể của lớp, các hoạt động của trường (quyên góp, từ thiện, ủng hộ học sinh vùng khó khăn…), các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm giáo dục. Giáo viên chủ nhiệm cho biết: “trong giờ học T chăm chú nghe giảng, tích cực phát biểu trong các thảo luận nhóm… được các bạn trong lớp yêu mến, đánh giá cao về sự tự tin, hoạt bát và hoà đồng với tập thể”; “T luôn hoàn thành tốt các yêu cầu, nhiệm vụ mới, khó do giáo viên phân công, hoạt động tập thể lớp giao”; “E thường được khen vì các sáng kiến đã đóng góp cho tập thể lớp và vì những thành tích học tập tốt”. - Về năng lực giải quyết vấn đề qua các tình huống tương tác xã hội trong môi trường học đường ở cấp THPT: kết quả đánh giá trên thang đo (tự đánh giá) năng lực GQVĐXH, T đạt điểm cao nhất (99/100). Kết quả đánh giá (năng lực thực hiện) trên trắc nghiệm năng lực GQVĐXH đạt điểm gần tối đa (13/15). Phỏng vấn cho thấy T có thể giải quyết ổn thỏa các vấn đề xảy ra trong quan hệ bạn bè; gặp vấn đề với bạn bè, T tìm cách đặt mình vào hoàn cảnh của bạn để hiểu tại sao bạn tức giận và cân nhắc chọn giải pháp thích hợp; khi bất đồng/mâu thuẫn với bạn bè, T chọn cách chủ động đối thoại, giải thích, thuyết phục; gặp vấn đề với cha mẹ, T đã sử dụng những cách khác nhau để giải thích, thuyết phục; gặp vấn đề với người lớn, Tkhông cố tranh cãi hoặc phản ứng tiêu cực có thể gây tức giận ở họ; khi gặp vấn đề với giáo viên, không thể tự giải quyết, thì T nhờ bạn bè giúp đỡ; T cho rằng mình có thể đối thoại, giải thích, thuyết phục người khác khi có sự hiểu lầm hoặc bất đồng; khi giải quyết một vấn đề, T luôn xem xét nó từ những góc nhìn khác nhau/ tổng thể, trước khi đưa ra giải pháp cụ thể; để giải quyết vấn đề, T cố gắng nghĩ ra những giải pháp khác nhau, đánh giá từng giải pháp, rồi chọn một giải pháp phù hợp nhất. Những biểu trên đây là những minh chứng xác thực T có năng lực cao khi giải quyết vấn đề trong các tương tác xã hội. c. Nhận xét chung Điểm số trên thang đo tổng TTXH của T ở mức cao. Các năng lực thành phần như năng NTXH, QHXH đều cao, năng lực GQVĐXH có điểm số cao nhất, đạt mức gần tối đa (99/100 điểm). Điểm trên trắc nghiệm tổng TTXH của T cũng rất cao (46/50), quy đổi sang điểm chuẩn (SQ = 124), thuộc nhóm cao nhất. Khi được phỏng vấn, T cho biết: “Em cảm thấy lớp em là một tập thể tuyệt vời, em yêu quí các bạn, đặc biệt thích tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, các hoạt động ngoại khoá”; T cho biết: “… Môi trường học tập THPT có nhiều khác lạ so với THCS… các hoạt động học tập vất vả hơn…có lúc bị quá tải, may có bạn bè, gia đình
  20. 18 động viên, giúp đỡ”. Tuy nhiên qua phỏng vấn, năng lực thích ứng của T dù em cũng đạt điểm cao trên thang đo và cả trên trắc nghiệm, nhưng dường như vẫn còn một số hạn chế như: T cho rằng đôi lúc mình bị giáo viên trách phạt thái quá và đã có phản ứng tiêu cực; đôi lúc e ngại khi trò chuyện với người chưa quen; một chút lo sợ, chưa sẵn sàng ứng phó với tình huống khó khăn học đường hoặc khi được giao nhiệm vụ mới; đôi lúc khó bỏ qua khi bịngười khác chọc tức, chế nhạo mình… Đây là hạn chế mà em cần chú ý để rèn luyện nhiều hơn nữa nhằm cải thiện thêm năng lực TƯHNXH để ứng phó tốt hơn trong tương tác xã hội ở bậc THPT. 4.3.2. Chân dung học sinh có mức độ trí tuệ xã hội ở mức thấp a. Thông tin học sinh: Nguyễn Khánh L (ID 153), ngày sinh: 19/6/2005, học sinh lớp 10 D1, trường N.T.T Hoàn cảnh gia đình: Bố là bác sĩ, mẹ là kế toán, điều kiện kinh tế gia đình bình thường, cha mẹ luôn bận rộn, chưa dành nhiều thời gian quan tâm đến chuyện học tập của L và cũng ít chia sẻ, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về kết quả học tập, rèn luyện, trải nghiệm của con. b. Biểu hiện trí tuệ xã hội - Về năng lực nhận thức xã hội: L là một trong số học sinh nữ đạt điểm thấp, thuộc nhóm học sinh có điểm thấp nhất về NTXH (48/85). Kết quả đánh giá (năng lực thực hiện) trên trắc nghiệm năng lực NTXH đạt điểm thấp (5/12). Các biểu hiện NTXH điển hình của T thu thập qua khảo sát, phỏng vấn đa phần là những NTXH tiêu cực như: L hoàn toàn đồng ý với ý kiến rằng “Tôi không cảm thấy áy náy nếu vi phạm pháp luật hoặc một qui định chung nào đó mà không ai biết”. L hoàn toàn phản đối/ không đồng ý với các ý kiến cho rằng: “Sống chủ động, tự tin và có trách nhiệm với xã hội là cách tốt nhất sẽ giúp tôi thành công học đường”; “Chủ động đối thoại, giải thích, thuyết phục là cách ứng xử tốt nhất giúp tôi hóa giải những bất đồng hoặc xung đột với bạn bè”; “Tôi có những dự định và có kế hoạch nghề nghiệp khá rõ ràng và đang nỗ lực biến chúng thành hiện thực”; “Để thành công học đường ở bậc THPT, vấn đề quan trọng nhất là học cách học, thiết lập quan hệ bạn bè hòa thuận và từng bước xác định rõ kế hoạch nghề nghiệp”… Những biểu hiện NTXH trên đây của L có sự lệch lạc so với các chuẩn mực được xã hội thừa nhận, thường không được bạn bè, thầy cô giáo ủng hộ. Cô giáo chủ nhiệm lớp cho biết: “L học theo kiểu đối phó, không chăm học, có thành tích học tập gần sát cuối của lớp”; “L chỉ quan tâm đến vấn đề của mình”; “ L hay có suy nghĩ, NTXH khá cực đoan như cho rằng trong xã hội hiện nay, giầu có về tri thức không bằng giầu có về tiền bạc”; “L chưa thể hiện qua lời nói cũng như hành động biểu thị sự khát khao trăn trở, muốn đóng góp sức mình vào xây dựng quê hương giầu đẹp.... Hiểu biết về truyền thống văn hóa địa phương – Hà nội của L cũng rất hạn chế”. - Về năng lực thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội: kết quả đánh giá năng lực này cho thấy L có điểm thuộc nhóm thấp nhất (21/60 điểm). Kết quả đánh giá (năng lực thực hiện) trên trắc nghiệm năng lực QHXH đạt điểm (4/10). Khi tiếp xúc, phỏng vấn cho thấy: “L không có bạn thân trong lớp, có rất ít bạn trong trường”; “thích dành nhiều thời gian rỗi chơi game hơn là tham gia các hoạt động trải nghiệm xã hội cùng với nhóm bạn”. Nhiều lúc L cảm thấy: “thụ động thiếu tự tin trong các giao lưu bạn bè, giao tiếp xã hội”; L không quan tâm, hoăc: “ít lắng nghe bạn tâm sự khi bạn có chuyện rắc rối”; “luôn có cảm giác mình khó chia sẻ những tình cảm với nhóm bạn”; “hay có khó khăn khi trò chuyện với bạn khác giới”. Giáo viên chủ nhiệm cho biết: “L ít để ý đến việc giữ quan hệ xã hội hòa thuận với các bạn trong lớp hoặc ít quan tâm đến những gì xảy ra với họ”; “L luôn thiếu tự tin khi tương tác trước đám đông”… Em chia sẻ: “luôn cảm thấy e ngại khi tham gia các hoạt động tập thể, phong trào thi đua của trường”. L có học lực khá, nhưng thành tích thuộc nhóm 10 học sinh tốp dưới của lớp. - Về năng lực hòa nhập thích ứng hoạt động giáo dục trong trường THPT: Kết quả khảo sát đánh giá ở năng lực thành phần TƯHNXH này L đạt điểm thấp (62/105 điểm). Kết quả đánh giá (năng lực thực hiện) trên trắc nghiệm năng lực TƯHNXH đạt điểm rất thấp (6/13). Khi phỏng vấn cho thấy, mặc dù L còn nhiều kiến thức và kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu của môi trường học tập nhưng em: “không thể hiện mong muốn cải thiện, không thấy cần thiết phải cố gắng học hỏi, rèn luyện thêm”. Giáo viên chủ nhiệm cho biết: “Các hoạt động trải nghiệm, L không chủ động, dường như em chỉ tham gia đáp ứng yêu cầu của giáo viên, của nhà trường mà ít hứng thú”. L quan niệm: “chỉ cần có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông mức trung bình”. Trong các tình xuống giao tiếp L cho biết: mình ứng xử chưa có sự linh hoạt, khá cứng nhắc, chưa biết thích ứng mềm dẻo, những biện pháp xử lý nhiều khi khá cực đoan, chưa hiệu quả… - Về năng lực giải quyết vấn đề qua các tình huống tương tác xã hội trong môi trường học đường ở cấp THPT: Kết quả đánh giá năng lực thành phần này L có điểm rất thấp (50/100 điểm), dù chưa phải là thấp nhất trong nhóm HS THPT được khảo sát. Kết quả đánh giá (năng lực thực hiện) trên trắc nghiệm năng lực
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2