Một số vấn đề chủ yếu về pháp luật thi hành án<br />
hình sự Việt Nam trong việc bảo vệ các quyền<br />
con người<br />
Hứa Thị Thơ<br />
Khoa Luật<br />
Luận văn Thạc sĩ ngành: Luật hình sự; Mã số: 60 38 40<br />
Người hướng dẫn: GS.TSKH. Lê Văn Cảm<br />
Năm bảo vệ: 2013<br />
Abstract: Trình bày những vấn đề lý luận về quyền con người và bảo vệ các quyền con<br />
người trong pháp luật thi hành án hình sự. Nghiên cứu các quy định của pháp luật thi<br />
hành án hình sự Việt Nam trong việc bảo vệ các quyền con người. Từ đó chỉ ra những<br />
điểm thiếu sót trong các quy định của pháp luật về bảo vệ các quyền con người. Đưa ra<br />
một số đề xuất nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam trong<br />
việc bảo vệ các quyền con người.<br />
Keywords: Luật hình sự; Thi hành án; Quyền con người; Pháp luật Việt Nam<br />
Content<br />
MỞ ĐẦU<br />
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài.<br />
"Quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân<br />
lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là cuộc đấu tranh của loài người làm<br />
chủ thiên nhiên, qua đó, quyền con người trở thành giá trị chung của nhân loại" [45, tr 124]. Vì<br />
vậy, sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ quyền con người<br />
bằng pháp luật, đặc biệt là lĩnh vực tư pháp hình sự (trong đó có hoạt động thi hành án hình sự).<br />
Bởi lẽ, trong lĩnh vực tư pháp hình sự quyền con người dễ bị xâm phạm, bị tổn thương và để lại<br />
hậu quả nghiêm trọng do liên quan đến quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân.<br />
Trong hoạt động thi hành án hình sự, vấn đề quyền con người càng được quan tâm bởi<br />
chủ thể quyền con người trong quan hệ đó là những người đã bị kết tội bằng một bản án có hiệu<br />
lực pháp luật, là những người phải chấp hành bản án, quyết định của Tòa án. Quyền con người<br />
của những người trong địa vị pháp lý của một kẻ có tội và đang chịu sự trừng phạt thích đáng từ<br />
pháp luật càng dễ bị xâm phạm hơn bao giờ hết.<br />
<br />
Ở Việt Nam, trước khi có Luật thi hành án hình sự 2010, hoạt động thi hành án hình sự ở<br />
nước ta được thực hiện theo hàng loạt các văn bản pháp luật đơn hành. Thực tiễn thi hành án<br />
hình sự trong những năm qua, đặc biệt là quyền con người trong thực tế thi hành án và pháp luật<br />
thực định chưa được đảm bảo đã đặt ra yêu cầu phải có sự ra đời của một văn bản thống nhất<br />
điều chỉnh hoạt động này. Luật thi hành án hình sự được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 6<br />
năm 2010, có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 7 năm 2011. Đây là văn bản pháp luật mang tính<br />
pháp điển hóa đầu tiên trong lịch sử pháp luật thi hành án hình sự. Nó tạo cơ sở pháp lý vững<br />
chắc và đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động thi hành án.<br />
Xuất phát từ những lý do trên đây, tôi đã lựa chọn đề tài “Một số vấn đề chủ yếu về pháp<br />
luật thi hành án hình sự Việt Nam trong việc bảo vệ các quyền con người” làm luận văn cao<br />
học luật của mình.<br />
2. Tình hình nghiên cứu đề tài.<br />
Vấn đề bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật nói chung và pháp luật về tư pháp hình<br />
sự nói riêng rất được quan tâm nghiên cứu. Ví dụ như công trình nghiên cứu của GS.TS Lê Văn<br />
Cảm, Hệ thống tư pháp hình sự trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học<br />
quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2009; cuốn Bảo đảm quyền con người trong Tư pháp hình sự Việt Nam,<br />
Nxb. Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2010…<br />
Đề tài nghiên cứu cấp Bộ: "Mô hình quản lý thống nhất công tác thi hành án", mã số 96-98027/ĐT do Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện; Đề tài cấp Nhà nước đang thực<br />
hiện: "Luận cứ khoa học của việc đổi mới tổ chức và hoạt động thi hành án ở Việt Nam trong giai<br />
đoạn mới" do Bộ Tư pháp chủ trì; Bên cạnh đó là Giáo trình môn Luật tố tụng hình sự của trường<br />
Đại học luật Hà Nội và các trường Đại học có chuyên ngành luật; một số bài viết đăng trên các tạp<br />
chí Dân chủ và pháp luật, Tạp chí Luật học, Tạp chí Nhà nước và pháp luật…<br />
Thi hành án phạt tù là một vấn đề đã được nhiều nhà luật học trên thế giới và trong nước<br />
quan tâm nghiên cứu. Tác giả Hoàng Ngọc Nhất có công trình "Một số vấn đề cấp bách về thi hành<br />
án hình sự", trong đó có đề cập đến thi hành án tù (Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 1 năm<br />
2001); tác giả Nguyễn Văn Đông có công trình "Việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù<br />
đối với người bị án tù chung thân mà hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ ngày 1 tháng 7 năm<br />
2000" (Tạp chí Kiểm sát, số 11 năm 2001), tác giả Hoàng Mạnh Thường có công trình "Về hoãn<br />
thi hành án phạt tù" (Tạp chí Kiểm sát, số 5 năm 2000)...<br />
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật tư pháp hình sự bao gồm trong đó lĩnh vực pháp luật hình<br />
sự, pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật thi hành án hình sự. Vì vậy, các công trình nghiên cứu<br />
trên chỉ đề cập đến vấn đề bảo vệ các quyền con người trong pháp luật thi hành án hình sự ở một<br />
mức độ nhất định với tư cách là một bộ phận của pháp luật tư pháp hình sự nói chung.<br />
<br />
Riêng vấn đề bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật thi hành án hình sự cũng được đề<br />
cập đến trong một số công trình, bài viết như: Bảo đảm quyền con người trong thi hành án phạt tù,<br />
Luận văn thạc sỹ luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Phúc, "Bảo đảm quyền<br />
con người trong thi hành án phạt tù", Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 4/2007; TS.Đỗ Đức Hồng<br />
Hà, "Mối quan hệ giữa quyền con người và luật thi hành án hình sự" trong cuốn Quyền con người<br />
tiếp cận đa ngành và liên ngành luật học, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.<br />
Những công trình, bài viết này mới chỉ đề cập tới vấn đề bảo vệ các quyền con người trong<br />
thi hành án phạt tù-một trong những hình phạt chính trong hệ thống hình phạt. Hoặc là đã xem xét<br />
nghiên cứu vấn đề bảo vệ quyền con người trong pháp luật thi hành án hình sự (bài viết của TS.Đỗ<br />
Đức Hồng Hà) nhưng theo các văn bản đơn hành mà chưa có sự ra đời của Luật thi hành án hình<br />
sự 2010.<br />
Như vậy, cho đến nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách tổng thể, toàn<br />
diện về đảm bảo quyền con người bằng pháp luật thi hành hành án hình sự hiện hành. Với tình<br />
hình trên, đề tài "Một số vấn đề chủ yếu về pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam trong việc<br />
bảo vệ các quyền con người", lần đầu tiên được nghiên cứu ở cấp độ luận văn thạc sỹ một cách<br />
chuyên sâu, toàn diện, đầy đủ và đảm bảo được tính logíc, hệ thống, không có sự trùng lặp với<br />
các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố.<br />
3. Mục tiêu, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu đề tài.<br />
* Mục tiêu nghiên cứu.<br />
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là làm rõ được những vấn đề lý luận cũng như nội dung các<br />
quy định của pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam hiện hành trong việc bảo vệ các quyền con<br />
người, chỉ ra những điểm còn thiếu sót hoặc chưa hợp lý trong các quy định của pháp luật về vấn<br />
đề này. Đồng thời nêu lên thực tế về đảm bảo quyền con người trong công tác thi hành án hình<br />
sự ở nước ta. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu tổng hợp, luận văn sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm<br />
góp phần hoàn thiện pháp luật thi hành án hình sự trong việc bảo vệ các quyền con người và<br />
nâng cao hiệu quả thực thi trên thực tế<br />
* Nhiệm vụ nghiên cứu.<br />
Để thực hiện được mục tiêu này, luận văn phải hoàn thành một số nhiệm vụ nghiên cứu cụ<br />
thể sau:<br />
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận về quyền con người và bảo vệ các quyền con người<br />
trong pháp luật thi hành án hình sự.<br />
- Nghiên cứu các quy định của pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam trong việc bảo vệ<br />
các quyền con người. Từ đó chỉ ra những điểm thiếu sót trong các quy định của pháp luật về bảo<br />
vệ các quyền con người.<br />
<br />
- Đưa ra một số đề xuất nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam<br />
trong việc bảo vệ các quyền con người.<br />
* Phạm vi nghiên cứu của đề tài.<br />
Với nhiệm vụ nghiên cứu trên, luận văn tập trung nghiên cứu việc bảo vệ các quyền con<br />
người dưới góc độ thi hành án hình sự bao gồm thi hành những bán án và quyết định có hiệu lực<br />
pháp luật của Tòa án. Nội dung cốt lõi của luận văn là xoay quanh quyền con người dưới góc<br />
nhìn lý luận, luật thực định và thực tiễn. Do vậy, việc nghiên cứu đề tài sẽ được giới hạn trong<br />
phạm vi sau đây:<br />
- Lịch sử hình thành và phát triển các quy đinh pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam<br />
trong việc bảo vệ các quyền con người;<br />
- Các quy định của pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam hiện hành trong việc bảo vệ các<br />
quyền con người;<br />
- Tìm hiểu thực tiễn thi hành án hình sự với việc bảo vệ các quyền con người.<br />
4. Phương pháp nghiên cứu.<br />
Để thực hiện được mục tiêu nghiên cứu nói trên, việc nghiên cứu được tiến hành dựa<br />
trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp<br />
luật, các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quản lý Nhà nước, quản lý xã hội cũng như chủ<br />
trương, quan điểm về việc xây dựng Luật Thi hành án hình sự.<br />
Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng<br />
và chủ nghĩa duy vật lịch sử, sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu như: Phân tích, tổng<br />
hợp, lôgíc, lịch sử, qui nạp, đối chiếu, so sánh, khảo sát thăm dò lấy ý kiến trong phạm vi những<br />
người làm công tác thực tiễn, sử dụng kết quả thống kê... nhằm làm sáng tỏ các vấn đề trong nội<br />
dung luận văn.<br />
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận văn<br />
Những đóng góp của luận văn thể hiện trên một số phương diện sau đây:<br />
Thứ nhất: Lần đầu tiên vấn đề bảo vệ các quyền con người trong pháp luật thi hành án<br />
hình sự Việt Nam được nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện cả về lý luận, luật thực<br />
định và thực tiễn thi hành.<br />
Thứ hai: Sau khi Luật thi hành án hình sự 2010 có hiệu lực, chưa có công trình nào nghiên<br />
cứu, khảo sát chuyên sâu về vấn đề bảo vệ các quyền con người trong thi hành án hình sự<br />
Thứ ba: Trên cơ sở tổng hợp kết quả nghiên cứu, luận văn đề xuất những giải pháp cụ thể<br />
nhằm hoàn thiện pháp luật về bảo vệ các quyền con người trong thi hành án hình sự, nâng cao<br />
hiệu quả của việc bảo vệ các quyền con người trong pháp luật thi hành án hình sự trên thực tế.<br />
Thứ tư: Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu giảng dạy ở bậc<br />
Đại học, Trường Đào tạo nghề trong lĩnh vực tư pháp và là tư liệu tốt để các nhà khoa học tham<br />
<br />
khảo trong nghiên cứu khoa học thi hành án hình sự. Luận văn là một công trình nghiên cứu<br />
khoa học nghiêm túc, trong một chừng mực nhất định cũng có thể giúp ích phần nào cho các cán<br />
bộ làm công tác thực tiễn trong việc hiểu biết một cách sâu sắc, đầy đủ và vận dụng đúng đắn các<br />
quy định của pháp luật để từ đó bảo vệ các quyền con người trong thi hành án hình sự.<br />
6. Kết cấu của luận văn<br />
Ngoài phần Lời mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cầu bởi 3<br />
chương:<br />
Chương 1: Một số vấn đề lý luận chung về bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật<br />
thi hành án hình sự.<br />
Chương 2: Các quy phạm pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam hiện hành về bảo vệ<br />
các quyền con người và thực tiễn áp dụng.<br />
Chương 3: Thực trạng, nguyên nhân và những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động bảo<br />
vệ các quyền con người trong pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam.<br />
- Kết luận.<br />
- Danh mục tài liệu tham khảo.<br />
Chuơng 1<br />
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ BẢO VỆ CÁC QUYỀN<br />
CON NGƯỜI BẰNG PHÁP LUẬT THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ<br />
1.1. Khái quát chung về quyền con người.<br />
1.1.1. Khái niệm quyền con người.<br />
Quyền con người là một phạm trù rộng, đa dạng. Tùy từng mục đích và phạm vi nghiên<br />
cứu mà hình thành nên những đĩnh nghĩa khác nhau về quyền con người.<br />
Dựa trên cơ sở các quan niệm về quyền con người đã nêu trong Luận văn, tác giả định<br />
nghĩa khái niệm khoa học về quyền con người như sau: Quyền con người là một phạm trù lịch<br />
sử-cụ thể, là giá trị xã hội cao quý nhất được thừa nhận chung của nền văn minh nhân loại và là<br />
đặc trưng tự nhiên vốn có cần được tôn trọng và không thể bị tước đoạt của bất kỳ cá nhân con<br />
người nào sinh ra trên trái đất, đồng thời phải được bảo vệ bằng pháp luật bởi các thành viên<br />
Liên hợp quốc cũng như bởi cộng đồng quốc tế.<br />
1.1.2. Khái niệm thi hành án hình sự và pháp luật thi hành án hình sự.<br />
Thi hành án hình sự là giai đoạn của tố tụng hình sự nhằm thực hiện bản án và quyết định<br />
đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.<br />
Thi hành án hình sự là một hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước nhằm thực hiện bản<br />
án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án trong thực tiễn. Bản án, quyết định của Tòa án được thi<br />
<br />