Quyền công tố trong các vụ án hình sự về ma tuý quan<br />
thực tiễn tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá<br />
Prosecutors in criminal cases on drug-related practices in the People's Procuracy of Thanh<br />
Hoa province<br />
NXB H. : Khoa Luật, 2012 Số trang 89 tr. +<br />
<br />
Lữ Thị Phương Quý<br />
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Luật<br />
Chuyên ngành: Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; Mã số: 60 38 01<br />
Người hướng dẫn: GS. TS Nguyễn Đăng Dung<br />
Năm bảo vệ: 2012<br />
<br />
Abstract. Nghiên cứu lịch sử hình thành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân theo các bản<br />
Hiến pháp. Nghiên cứu việc tổ chức thực hành quyền công tố ở một số nước trên thế giới.<br />
Nghiên cứu thực trạng tổ chức thực hành quyền công tố ở Việt Nam. Khảo sát thực tiễn việc<br />
thực hành quyền công tố trong việc giải quyết các vụ án hình sự về ma túy từ năm 2005 đến nay<br />
ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện<br />
pháp luật về nội dung và hình thức để qua đó nâng cao chức năng thực hành quyền công tố trong<br />
việc giải quyết các vụ án hình sự về ma tuý ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Thanh Hóa nói<br />
riêng.<br />
Keywords: Viện kiểm sát nhân dân; Quyền công tố; Pháp luật Việt Nam; Luật hình sự; Thanh<br />
Hóa<br />
Content.<br />
PHẦN MỞ ĐẦU<br />
1. Tính cấp thiết của đề tài<br />
Đề tài luận văn thạc sĩ Luật học: "Quyền công tố trong các vụ án hình sự về ma túy (qua thực tiễn<br />
Viện kiểm sát tỉnh Thanh Hóa)" được nghiên cứu bởi những lý do cấp thiết sau:<br />
Thứ nhất: Yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay đòi hỏi phải nâng cao<br />
chất lượng hoạt động của các cơ quan bảo về pháp luật trong đó có việc tăng cường chất lượng thực hành<br />
quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân nhằm chống bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội và<br />
bảo về pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đây là một trong những nội dung quan trọng được thể hiện trong nhiều<br />
nghị quyết của Đảng như Nghị quyết số 08/NQ/2002 ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một<br />
số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới.<br />
<br />
Việc thực hành quyền công tố ở Việt Nam do Viện kiểm sát nhân dân thực hiện trong thời gian qua đã đạt<br />
được nhiều thành tích trong việc trừng trị tội phạm và bảo vệ quyền tự do dân chủ của nhân dân. Tuy nhiên so<br />
với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm còn nhiều hạn chế về cả nhận thức và thực tiễn.<br />
Thứ hai, vấn nạn về ma túy đang là một vấn đề nhức nhối ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt<br />
của toàn nhân loại. Ma túy đã gây tác hại xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến sự<br />
trường tồn của toàn dân tộc. Toàn thế giới hiện nay có khoảng 100 triệu người nghiện ma túy, ở Việt Nam<br />
trong 5 năm qua có 783.339 người nghiện ma túy. Đáng lo ngại là ma túy đã tràn lan vào cả các trường<br />
học từ cấp tiểu học trở lên. Theo thống kê 63/63 tỉnh thành đều có học sinh, sinh viên sử dụng ma túy.<br />
Đối với tỉnh Thanh Hóa là một tỉnh rộng, địa hình phức tạp, đường biên giới với nước bạn Lào dài. Dân số đông<br />
dẫn đến số người nghiện ma túy cũng nhiều. Do vậy tình hình tội phạm về ma túy đang là một trong những vấn đề<br />
nhức nhối. Hàng năm cơ quan chức năng đã phát hiện bắt giữ, xử lý hàng chục nghìn vụ vi phạm và tội phạm về ma<br />
túy, triệt phá nhiều đường dây ma túy lớn hoạt động nhiều năm, xóa nhiều tụ điểm ma túy phức tạp làm thay đổi tình<br />
hình ở một số địa bàn; các cơ quan tiến hành tố tụng đã đưa ra xét xử nghiêm minh một số lượng rất lớn các vụ án ma<br />
túy, đưa một số lượng lớn các đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện. Thông qua đó góp phần nâng cao nhận<br />
thức của nhân dân đối với cuộc đấu tranh về tội phạm này.<br />
Trước sự gia tăng đến mức lo ngại của tội phạm ma túy, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm chỉ đạo<br />
kiên quyết đấu tranh nhằm từng bước ngăn chặn và đẩy lùi, tiến tới loại trừ loại tội phạm nguy hiểm này<br />
ra khỏi đời sống xã hội, tuy nhiên việc giải quyết các vụ án ma túy đang còn gặp nhiều khó khăn cả về lý<br />
luận và thực tiễn bởi tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp, quá trình giải quyết án chia thành nhiều giai<br />
đoạn khác nhau do vậy việc điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn. Việc quản lý chỉ đạo điều hành<br />
đối với công tác này còn có những thiếu sót nhất định.<br />
Vì những lý do trên, tôi chọn đề tài nghiên cứu này. Trên cơ sở đó làm sáng tỏ thêm cơ sở lý luận<br />
và thực tiễn, đề ra những giải pháp cơ bản giúp cho việc thực hành quyền công tố trong việc giải quyết<br />
các vụ án hình sự về ma túy ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa có chất lượng, đáp ứng yêu cầu về<br />
cải cách tư pháp và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ở tỉnh Thanh Hóa.<br />
2. Mục đích, nhiệm vụ của luận văn<br />
Mục đích:<br />
- Làm rõ cơ sở lý luận về chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân trong chính<br />
thể nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.<br />
- Trên cơ sở lý luận về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân liên hệ việc thực<br />
hành quyền công tố trong việc giải quyết các vụ án hình sự về ma túy ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh<br />
Thanh Hóa. Qua đó đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố dưới góc độ<br />
hoàn thiện pháp luật và thực tiễn áp dụng.<br />
Nhiệm vụ:<br />
- Nghiên cứu lịch sử hình thành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân theo các bản Hiến pháp<br />
- Việc tổ chức thực hành quyền công tố ở một số nước trên thế giới.<br />
<br />
- Nghiên cứu thực trạng tổ chức thực hành quyền công tố ở Việt Nam.<br />
- Khảo sát thực tiễn việc thực hành quyền công tố trong việc giải quyết các vụ án hình sự về ma<br />
túy từ năm 2005 đến nay ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa.<br />
- Đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về nội dung và hình thức để qua đó<br />
nâng cao chức năng thực hành quyền công tố trong việc giải quyết các vụ án hình sự về ma tuý ở Việt<br />
Nam nói chung và ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng.<br />
3. Phương pháp tiếp cận vấn đề<br />
Cơ sở lý luận của luận văn dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,<br />
quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước nói chung, tổ chức<br />
và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói riêng; quan điểm về đấu tranh phòng chống tội phạm của Đảng<br />
và Nhà nước ta. Các học thuyết chính trị, pháp lý về tổ chức hoạt động của cơ quan tư pháp trong nhà<br />
nước xã hội chủ nghĩa. Lý luận chung về nhà nước pháp luật, chủ nghĩa Hiến pháp và các khoa học pháp<br />
lý liên quan. Bên cạnh đó luận văn còn nghiên cứu dựa trên những quy định của pháp luật hình sự và luật<br />
tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ở nước ta từ khi thành lập đến nay.<br />
Từ những cơ sở lý luận trên, luận văn tiếp cận vấn đề trên cơ sở phương pháp luận của duy vật lịch<br />
sử và các phương pháp khác so sánh, phân tích, tổng hợp và khảo sát thực tiễn nhằm làm rõ các nội dung<br />
cần nghiên cứu.<br />
4. Ý nghĩa của luận văn<br />
Những nội dung nghiên cứu của luận văn là một đóng góp nhỏ trong việc nhìn nhận và đánh giá<br />
hoạt động của cơ quan Viện kiểm sát trong đó có chức năng thực hành quyền công tố. Qua đó có cái<br />
nhìn đúng đắn về hoạt động này trong thực tiễn để thấy rõ được vai trò của Viện kiểm sát trong công<br />
tác đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự nói chung và tội phạm về ma túy nói riêng.<br />
Ngoài ra luận văn còn đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong<br />
việc giải quyết các vụ án hình sự về ma túy trong tiến trình cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết<br />
số 08-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị.<br />
Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể dùng làm tư liệu tham khảo trong việc nghiên cứu lý luận<br />
cũng như áp dụng vào thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về ma túy.<br />
5. Kết cấu của luận văn<br />
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 2 chương:<br />
Chương 1: Cơ sở lý luận về quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân.<br />
Chương 2: Tình hình tội phạm và thực trạng quyền công tố trong các vụ án hình sự về ma túy qua<br />
thực tiễn ở Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa hiện nay.<br />
<br />
Chương 1<br />
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN CÔNG TỐ<br />
CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN<br />
1.1. Những vấn đề lý luận chung cơ quan tư pháp và quyền công tố<br />
1.1.1. Cơ quan tư pháp trong chính thể nhà nước<br />
Ở nước ta, quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ<br />
quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Do đó, quyền tư pháp<br />
được hiểu là hoạt động xét xử của tòa án và những hoạt động của các cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức<br />
khác trực tiếp liên quan đến hoạt động xét xử của tòa án, nhằm bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, pháp chế,<br />
trật tự pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước và xã hội. Vì vậy, cơ quan<br />
tư pháp bao gồm: Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan điều tra và các cơ quan, tổ chức<br />
tư pháp bổ trợ như: Luật sư, Công chứng, Giám định, Tư vấn pháp luật...<br />
Thực tiễn xây dựng bộ máy nhà nước cho thấy, hệ thống tư pháp hiện nay ở nước ta chưa đảm đương<br />
được đầy đủ vị trí, vai trò nói trên. Trong nhiều trường hợp, quyền lực nhà nước bị biến dạng qua hoạt động<br />
cụ thể của Tòa án và Viện kiểm sát. Uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật giảm sút trong dư luận của quần<br />
chúng. Vì vậy, tiếp tục đổi mới, cải cách hệ thống các cơ quan tư pháp theo định hướng xây dựng Nhà nước<br />
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, đòi hỏi phải nâng cao năng lực áp dụng pháp luật và<br />
năng lực đề xuất, kiến nghị sáng kiến đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật vì con người, cho con<br />
người đối với đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán.<br />
1.1.2. Sự ra đời và phát triển của quyền công tố<br />
Quyền công tố là một khái niệm pháp lý gắn liền với bản chất của Nhà nước, là một bộ phận cấu<br />
thành và không thể tách rời khỏi công quyền. Quyền công tố có trong tất cả các kiểu Nhà nước; nó ra đời,<br />
tồn tại và mất đi cùng với Nhà nước và pháp luật.<br />
Tại Việt Nam, khoa học Luật tố tụng hình sự nói riêng cũng như khoa học pháp lý nói chung, chế<br />
định "quyền công tố" chưa được nghiên cứu một cách toàn diện; chính vì vậy, chưa có khái niệm chính<br />
thống về quyền công tố. Mặc dù vậy, quyền công tố là một quyền năng quan trọng đã được Viện công<br />
tố thực hiện ở nước ta từ năm 1945; từ 1960 đến nay do Viện kiểm sát nhân dân thực hiện. Tuy nhiên,<br />
hiểu thế nào là "công tố", "quyền công tố", bản chất và nội dung của nó là gì, thì hiện nay vẫn chưa có<br />
nhận thức, quan điểm thống nhất chung.<br />
Thuật ngữ "quyền công tố" lần đầu tiên được ghi nhận tại Hiến pháp năm 1980; sau đó tại Hiến pháp<br />
năm 1992, Bộ luật tố tụng hình sự năm 1998, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Luật tổ chức Viện kiểm<br />
sát nhân dân năm 1981, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân<br />
dân năm 2002, Pháp lệnh kiểm sát viên năm 2002...<br />
Quan điểm thứ nhất đồng nhất khái niệm quyền công tố với hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp<br />
luật của Viện kiểm sát nhân dân. Quan điểm này cho rằng công tố không phải là một chức năng độc lập<br />
<br />
của Viện kiểm sát, mà chỉ là một quyền năng, một hình thức hoạt động chức năng kiểm sát việc tuân theo<br />
pháp luật. Đây là quan điểm khá phổ biến, đặc biệt là trong ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 1960<br />
Quan điểm thứ hai cho rằng quyền công tố là quyền của Nhà nước giao cho Viện kiểm sát truy tố kẻ<br />
phạm tội ra Tòa án, thực hiện sự buộc tội tại phiên tòa (thực hành quyền công tố). Quan điểm này cho<br />
rằng việc thực hiện quyền công tố chỉ diễn ra trong giai đoạn xét xử sơ thẩm hình sự.<br />
Quan điểm thứ ba cho rằng quyền công tố là quyền đại diện cho Nhà nước để đưa các vụ việc vi phạm<br />
trật tự pháp luật ra cơ quan xét xử để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ trật tự pháp luật, được thể hiện<br />
đầu tiên trong tố tụng hình sự; cùng với sự phát triển của xã hội và của các ngành luật, quyền công tố<br />
được mở rộng sang các lĩnh vực dân sự, kinh tế, lao động. Theo đó quyền công tố là tổng hợp các biện<br />
pháp pháp lý đặc trưng theo luật định mà Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hiện trong hoạt động tố tụng<br />
tư pháp<br />
Cùng với thời gian, quyền công tố đã dần dần được hình thành một cách riêng biệt và đến hôm nay<br />
nó là một chế định pháp lý độc lập được thừa nhận chung trong luật tố tụng hình sự của các Nhà nước<br />
pháp quyền.<br />
Tuy vậy, đứng dưới góc độ của pháp luật nói chung và pháp luật về hình sự nói riêng có thể khái quát<br />
được định nghĩa của khái niệm quyền công tố như sau: Quyền công tố là quyền nhân danh Nhà nước thực<br />
hiện các chức năng do luật tố tụng hình sự quy định để kiểm sát tính hợp pháp của việc điều tra tội phạm, truy<br />
tố và buộc tội người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm trước Tòa án nhằm góp<br />
phần ra được các bản án có căn cứ, công minh và đúng pháp luật, đồng thời bảo vệ các quyền tự do của công<br />
dân, cũng như các lợi ích hợp pháp của xã hội và của Nhà nước trong hoạt động tư pháp hình sự.<br />
1.2. Lịch sử hình thành và mô hình hoạt động của Viện kiểm sát ở thế giới và Việt Nam<br />
1.2.1. Mô hình hoạt động của cơ quan công tố trên thế giới<br />
1.2.1.1. Một số mô hình hoạt động của cơ quan công tố (Viện kiểm sát) theo hệ thống luật pháp Châu<br />
Âu - lục địa và Luật Anh - Mỹ<br />
Mô hình Nhà nước quân chủ Anh quốc, được coi là xuất phát điểm của mọi mô hình tổ chức nhà nước<br />
hiện nay. Hệ thống công tố hoàng gia Anh là cơ quan truy tố được phân chia theo khu vực địa lý. Mỗi khu<br />
vực do một Công tố viên trưởng Hoàng gia đứng đầu và ông này có quyền bổ nhiệm Công tố viên qua thi<br />
cử. Các Công tố viên thực thi nhiệm vụ công tố dưới sự chỉ đạo của Viện trưởng.<br />
Hoa Kỳ, là đất nước mà tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện theo thuyết tam quyền phân lập một<br />
cách triệt để bao gồm ba hệ thống cơ quan là Lập pháp - Hành pháp - Tư pháp, hoạt động theo cơ chế kìm<br />
chế và đối trọng. Viện công tố được tổ chức làm hai cấp là liên bang và bang và trực thuộc sự quản lý<br />
điều hành của Bộ tư pháp. Đứng đầu Viện công tố liên bang là Tổng công tố do Tổng thống Mỹ bổ nhiệm<br />
theo nhiệm kỳ của Tổng thống. dưới viện công tố liên bang là Viện công tố bang. Tùy thuộc vào pháp<br />
luật của từng bang quy định mà Tổng công tố bang có thể do Thống đốc bang bổ nhiệm hoặc do cử tri<br />
bang bầu ra theo nhiệm kỳ vài năm một. Trong hoạt động tố tụng hình sự, Công tố viên của Mỹ có vị trí<br />
vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ công lý<br />
<br />