Xã hội và lịch sử - Phương pháp nghiên cứu: Phần 2
lượt xem 18
download
Tiếp nối phần 1, mời các bạn cùng tham khảo phần 2 Tài liệu Phương pháp nghiên cứu xã hội và lịch sử sau đây. Nội dung Tài liệu trình bày nhận thức về nghiên cứu khoa học; khái niệm - từ ý tưởng đến đo lường; lý thuyết trong nghiên cứu; phương pháp lịch sử; làm việc với dữ liệu và báo cáo.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Xã hội và lịch sử - Phương pháp nghiên cứu: Phần 2
- XÃ HỘI HỌC VỀ ĐẤNG TỐI CAO TRONG DIỄN GIẢI CỦA RANDALL COLLINS Bùi Thế Cường Tôn giáo là một hiện tượng xã hội đầy bí ẩn, đồng hành với các xã hội người suốt từ buổi ban đầu đến thời hiện đại hôm nay. Đã có vô số cách lý giải về tôn giáo, nhưng người ta vẫn không thôi đặt ra câu hỏi tôn giáo là gì. Trong cuốn sách Sociological Insight. An Introduction to Non-Obvious Sociology xuất bản năm 1992 (Nhà xuất bản Đại học Oxford), Randall Collins tóm tắt rất súc tích một cách hiểu xã hội học về tôn giáo. Bài viết này trình bày lại và phân tích một đoạn trong cuốn sách nói trên. Dĩ nhiên phải ghi nhận rằng đây chỉ là một trong nhiều cách cắt nghĩa về tôn giáo, dùng để tham khảo và đối chiếu với nhau. 1. CON ĐƯỜNG TÌM HIỂU TÔN GIÁO CỦA XÃ HỘI HỌC Vốn có hai quan điểm về tôn giáo, bất kể ta có tin vào tôn giáo hay không. Một, tôn giáo là hiện thực tối cao vượt lên mọi khách thể nghiên cứu của xã hội học. Hai, tôn giáo là một sự mê tín phi lý về những sự việc không tồn tại. Phần lớn các nhà tư tưởng xã hội có quan điểm thứ hai. Các nhà vị lợi và cải cách hợp lý có xu hướng xem tôn giáo là một động lực phi lý, lạc hậu. Nó là nguồn gốc của mê tín, niềm tin vào một thế giới vô hình của các hồn ma. Các nhà làm luật nói đến tôn giáo như là một thiết chế của tòa án tôn giáo và những kẻ săn tìm người dị giáo, thiêu người trên dàn lửa do niềm tin tôn giáo của họ hoặc do bị coi là phù thủy. Những người cấp tiến thì xem tôn giáo là kẻ duy trì hiện trạng, một loại môi giới của giai cấp thống trị có chức năng làm cho người dân chấp nhận tình trạng bất công về kinh tế và chính trị để đổi lấy một cuộc sống hứa hẹn trên thiên đường sau khi chết. Các nhà trí thức duy lý cho rằng chẳng có căn cứ gì, tôn giáo chỉ là một tàn tích của thời Trung cổ, rồi sẽ mất hẳn khi xã hội hiện đại hóa. Có một thời điều tin tưởng này có vẻ đúng, nhưng rồi người ta lại chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ của tôn giáo, ngay cả ở những xã hội công nghiệp phát triển cao. Nhà xã hội học không chấp nhận cả hai quan điểm trên về tôn giáo, mà đưa ra cách quan niệm và lý giải khác hẳn. Emile Durkheim xây dựng một lý thuyết về tôn giáo, theo đó điểm then chốt của tôn giáo không phải là niềm tin của nó mà là những nghi lễ xã hội (social ritual) mà các tín đồ thực hiện. Tôn giáo là chìa khóa của sự đoàn kết xã hội, các niềm tin tôn giáo là quan trọng nhưng không phải ở chính bản thân chúng mà ở chỗ chúng là biểu trưng của các nhóm xã hội. Về mặt xã hội học, tôn giáo có ý nghĩa ở chỗ nó là ví dụ tuyệt vời về việc một hiện tượng phi hợp lý nhưng lại đóng một vai trò căn bản trong đời sống xã hội. Lý thuyết xã hội học về tôn giáo cho phép ta hiểu nghi lễ xã hội và cái cách thức mà nghi lễ xã hội tạo ra tình cảm đạo đức cũng như các ý tưởng mang tính biểu trưng. Vượt ra khỏi phạm vi hiểu về tôn giáo, lý thuyết xã hội học về tôn giáo còn giúp ta hiểu về chính trị và hệ tư tưởng, về tiến trình đoàn kết mà lại tạo ra xung đột giữa các nhóm. Thậm chí nó còn giúp ta hiểu về những cơ sở của sự thế tục riêng tư trong đời sống hiện đại. Nghi lễ xã hội là cái gì đó phổ quát, thấm trong mọi ngóc ngách của đời sống hiện đại, hệt như nó đã từng là như vậy trong mọi thời, chỉ có các hình thái và sự sắp xếp của các nghi lễ là thay đổi mà thôi. 2. CƠ SỞ CHUNG CỦA CÁC TÔN GIÁO 134
- Giả thuyết cơ bản của Durkheim là tôn giáo biểu hiện cho một cái gì đó có thực. Không có lý gì để tin rằng có tồn tại một Đấng tối cao siêu tự nhiên, siêu việt. Thế nhưng làm sao mà con người trong suốt chiều dài lịch sử lại rơi vào một sai lầm như vậy? Một cái gì đó mà con người đã tin một cách mạnh mẽ như thế thì không thể nào lại dựa trên một lập luận sai lầm. Phải có một cái gì đó tương ứng với những niềm tin tôn giáo, một cái gì đó có thực mà con người tìm thấy một cách biểu trưng dưới cái vỏ của Đấng tối cao. Con người bao giờ cũng xem Đấng tối cao là đầy sức mạnh hơn mọi người bình thường. Vậy, cái mà tôn giáo phản ánh phải là một cái gì đó mạnh hơn các cá nhân. Để có thể hiểu được tôn giáo phản ánh cái gì, trước hết người ta có thể sử dụng phương pháp so sánh: cái gì là chung ở mọi tôn giáo? Các tôn giáo đều rất khác nhau về vấn đề Đấng tối cao: (những) người ấy là ai, tên là gì, như thế nào. Thế nhưng mọi tôn giáo có hai điểm chung. Một, những niềm tin chủ yếu mà mọi tín đồ cùng chia sẻ. Hai, những nghi lễ cơ bản mà các tín đồ cùng tiến hành một cách tập thể. Niềm tin tôn giáo cơ bản là ở chỗ cho rằng thế giới này chia thành hai mảng (phạm trù): cái thiêng và cái thông (trần) tục. Những sự vật thiêng thì có thể là bất kỳ cái gì, tùy thuộc vào mỗi tôn giáo cụ thể: linh hồn, đấng tối cao vô hình, những con thú hoặc cây cối, cây thập tự, cuốn sách thiêng,... Đặc trưng của những vật thể hiện cái thiêng là ở chỗ chúng là cực kỳ quan trọng, đáng sợ: người ta phải tiếp cận với chúng một cách đầy nghiêm cẩn, kính sợ, có sự chuẩn bị. Ngược lại, những vật trần tục tạo nên toàn bộ phần còn lại của thế giới. Như vậy, niềm tin tôn giáo cơ bản là ở tính nhị nguyên của cái thiêng và cái trần tục. Song song với niềm tin tôn giáo cơ bản là hành động tôn giáo cơ bản, đó là nghi lễ. Một nghi lễ là cái gì đó rất khác với hành vi thông thường. Một hành động thực tế thông thường có thể làm theo nhiều cách. Nhưng nghi lễ thì lại là hành vi được quy định rất chặt chẽ. Nghi lễ không phải là phương tiện để đạt được một mục tiêu trong tương lai, hình thức của nghi lễ là chính mục tiêu của nó. Nó sẽ là đầy ý nghĩa nếu được làm một cách đúng đắn, sẽ chẳng có nghĩa gì nếu bị làm sai. Như vậy, tôn giáo được tạo thành từ niềm tin và nghi lễ, cả hai liên quan với nhau. Các nghi lễ là những thủ tục mà con người phải tự thực hiện với sự có mặt của những vật mà họ tin là thiêng. Ngược lại, hành vi thông thường, không có tính nghi lễ được làm với sự có mặt của những cái được xem là trần tục. Xã hội học của Durkheim đặt ưu tiên chú ý vào nghi lễ chứ không phải vào niềm tin. Việc tiến hành đúng đắn nghi lễ là điều sẽ tạo ra niềm tin vào cái thiêng. 3. CÁI THIÊNG LÀ XÃ HỘI Một câu hỏi lý thú là làm thế nào mà con người lại phát hiện (hay phát minh) ra được sự khác biệt giữa cái thiêng và cái trần tục? Và vì sao mà lại có một xu hướng gần như là phổ quát ở mọi tộc người trong việc chia thế giới ra thành hai phần như thế? Không có một cơ sở nào trong thế giới tự nhiên tạo điều kiện cho việc đó, mọi vật trong thế giới vật lý đều cùng ở một cấp độ. Nhưng có một hiện thực mà nó có mọi đặc trưng mà con người gắn vào với cái thiêng liêng: đó không phải là tự nhiên, cũng chẳng phải là cái siêu hình (metaphysical), đó chính là bản thân xã hội. Xã hội là một động lực lớn hơn mọi cá thể. Nó ban cho ta sự sống, nhưng cũng chính nó có thể khiến ta chết. Nó có quyền lực vô biên trên chúng ta. Mọi người đều phụ thuộc vào nó theo vô số cách thức. Toàn bộ thế giới vật chất và biểu trưng là do xã hội đem lại cho ta. Mọi thiết chế mà ta sống trong đó là 135
- của xã hội. Đây chính là cái chân lý căn bản mà tôn giáo thể hiện. Đấng tối cao là biểu tượng về xã hội. 4. XÃ HỘI BÊN NGOÀI TA MÀ CŨNG Ở BÊN TRONG TA Như vậy, cảm nhận rằng có một cái gì đó tồn tại bên ngoài ta, đầy quyền năng, nhưng lại không phải là một phần của cái thế giới vật thể thông thường mà ta có thể thấy bằng mắt thường, cảm nhận ấy không phải là một ảo tưởng. Thêm nữa, cái gì đó như thế - cảm nhận về sự phụ thuộc của ta vào xã hội - tồn tại đồng thời cả bên ngoài và bên trong ta. Trong mọi tôn giáo bao giờ cũng có một sự kết nối giữa thế giới thiêng bên ngoài ta với cái gì đó thiêng bên trong ta. Đấng tối cao vừa ở bên ngoài đồng thời vừa ở bên trong. Những tôn giáo phát triển có khái niệm linh hồn của con người thuộc về Đấng tối cao. Trong totem giáo ở các bộ lạc nguyên thủy cũng có một sự kết nối tương tự: mọi thành viên bộ lạc đều được đồng nhất với totem. Nếu con vật thiêng của một thị tộc Úc là kangaroo, thì mọi thành viên của thị tộc đó, bằng cách này hay cách khác, đều cảm thấy họ cũng là những con kangaroo. Niềm tin ấy cũng tương thích với cái gì đó có thực: mọi chúng ta đều là một phần của xã hội, xã hội chỉ có thể tồn tại trong khối tập hợp bởi chúng ta. Hơn thế, cái bên trong của ta được kiến tạo nên từ những phần đến với ta từ bên ngoài. Tên của ta, bản sắc riêng của ta có được từ những cách mà ta liên hệ với những người khác, và từ những cách mà họ liên hệ với ta. Những khía cạnh sâu xa hơn trong hình ảnh mà ta tự hình dung về mình có được một cách đầy sức mạnh từ kinh nghiệm của ta với người khác. Những cảm nhận về bản thân phần lớn được hình thành trong cái cách mà những người khác đánh giá ta. Ta có xu hướng nhìn bản thân qua con mắt của những người khác. Điều sâu xa nhất: ý thức riêng của ta là mang tính xã hội. Ta suy nghĩ bằng những từ ngữ mà ta không tự phát minh ra. Ta không thể suy nghĩ nếu không có ý tưởng, và ta hướng dẫn hành vi của mình bằng những lý tưởng. Nhưng cả ý tưởng lẫn lý tưởng đều không thể do ta tự tạo ra một mình. Các ý tưởng và lý tưởng phải có cái gì đó mang tính chung trong mình. Chúng là những khái niệm vượt lên cái cụ thể. Nhưng tự nhiên bao giờ cũng thể hiện nó với chúng ta như là những cái cụ thể, không bao giờ là những cái khái quát hóa. Mỗi cái cây là một vật độc nhất, chỉ bởi vì ta có ý tưởng chung về cây mà ta có thể nhìn thấy sự tương đồng giữa mọi cái cây và do đó xử lý chúng như là những cá thể của một tập hợp các vật cùng loại. Cách thức duy nhất mà ta có thể vượt trên được cái ở đây-và-bây giờ của cái vật cụ thể này ở cái chỗ cụ thể này là đặt bản thân ta lên cái điểm ưu thế khác, nó cho phép cắt xuyên thời gian và không gian. Đó chính là cái mà xã hội đã làm. Hễ khi ta suy nghĩ, ta đều suy nghĩ bằng cách sử dụng những khái niệm nảy sinh trong giao tiếp xã hội. Giao tiếp bao giờ cũng phải vượt trên điểm nhìn cụ thể của mỗi người, bắc cầu đến những cái chung liên kết thực tế của người này với thực tế của người khác. Giao tiếp xã hội là cái tạo ra kho ý tưởng cơ bản của ta trong chừng mực ý tưởng là những khái niệm trừu tượng. Vì ta sử dụng các ý tưởng để suy nghĩ, nên tâm trí ta tràn ngập cái xã hội. Ta không thể chạy khỏi xã hội ngay cả khi ta chỉ có một mình. Chừng nào ta còn có ý thức, chừng đó xã hội còn ẩn chứa trong đó. Như vậy, xã hội vừa ở bên ngoài ta vừa ở bên trong cái cốt lõi của ý thức của ta. Đây chính là cái làm cho tính biểu trưng của tôn giáo trở nên có sức mạnh đến như vậy: nó thể hiện những sự kiện bản chất của sự tồn tại con người của chúng ta. Nó lý giải vì sao biểu trưng tôn giáo đã gộp nhập cả ý tưởng về bản sắc con người lẫn ý tưởng về bổn phận xã hội, vì 136
- sao có cả ý tưởng về linh hồn lẫn ý tưởng về Đấng tối cao cai quản cái toàn thể. Và bởi vì tôn giáo biểu trưng hóa các sự kiện căn bản của xã hội, nên nó bao giờ cũng phải dành không gian cho xung đột xã hội trong hệ thống các biểu trưng của nó. Bởi vì các xã hội chẳng bao giờ hoàn toàn thống hợp, nên tôn giáo bao giờ cũng nói đến sự tồn tại của những thánh thần kình chống nhau, những người dị giáo, tệ nạn, ma quỷ. Tính biểu trưng của tôn giáo là tấm gương phản ánh thế giới xã hội. 137
- NGHIÊN CỨU VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VÀ LÝ THUYẾT “TRƯỜNG LỰC” CỦA PIERRE BOURDIEU Nguyễn Phương Ngọc 1. PIERRE BOURDIEU (1930-2002) - NGHIÊN CỨU XÃ HỘI HỌC VÀ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI Nói đến Pierre Bourdieu trước hết phải nói đến vai trò của nhà xã hội học người Pháp này đối với khoa học xã hội Pháp nói riêng, đời sống văn hóa nói chung và rộng hơn là xã hội Pháp. Với tư cách là cựu sinh viên Trường Sư phạm phố d'Ulm ở Paris (một trong những trường lớn nổi tiếng nhất ở Pháp), từ 1982 đến 2001 là Giáo sư xã hội học ở viện Collège de France (nơi tập trung những tài năng lớn nhất của Pháp), từ 1985 đến 1998 là Giám đốc Trung tâm Xã hội học châu Âu thuộc Collège de France và Trường Cao học Khoa học xã hội, từ 1975 đến 2002 là người sáng lập và chủ biên tạp chí Kỷ yếu nghiên cứu khoa học xã hội (Actes de la Recherches en Sciences Sociales), Pierre Bourdieu tập trung một loạt các điều kiện để có thể được coi là một trong những trí thức hàng đầu của Pháp vào nửa cuối thế kỷ XX. Sự nghiệp nghiên cứu của ông đồ sộ với hơn 30 tác phẩm và hàng trăm bài tạp chí với các đối tượng nghiên cứu phong phú từ xã hội truyền thống Kabylie cho đến nhà trường và hệ thống đại học, nghệ thuật và khoa học xã hội, cũng như kinh tế và phương tiện truyền thông đại chúng. Số lượng các nghiên cứu liên quan đến Pierre Bourdieu cũng vô cùng phong phú - từ các bài điểm sách và tranh luận về các luận điểm lý thuyết cũng như hoạt động khoa học và xã hội của ông (trong đó có Từ điển Pierre Bourdieu xuất bản tháng 2/2007) (Jean-Philippe Cazier, 2007), cho đến các luận án tiến sĩ do ông hướng dẫn, các nghiên cứu sử dụng các khái niệm do ông đưa ra, các tọa đàm, xeminar, hội thảo (trong đó có hội thảo Biểu tượng và xã hội. Tiếp nhận nghiên cứu của Bourdieu trên thế giới, năm 2001), v.v.1 Quỹ "Pierre Bourdieu - Vì khoa học xã hội châu Âu" (thành lập năm 2003 và có trụ sở tại Genève) có mục đích phổ biến tài sản tinh thần của nhà xã hội học này, cũng như tập hợp các nhà nghiên cứu trong một mạng khoa học (mang tên Liber) với nhiệm vụ phát triển khoa học xã hội và các nghiên cứu liên ngành ở châu Âu và trên thế giới. Các thư mục ở phụ lục phần nào cho thấy vai trò và ảnh hưởng của nhà xã hội học này ở Pháp và châu Âu cũng như trên thế giới. Sau khi thi lấy bằng thạc sĩ triết học, trong thời gian giảng dạy triết học (1958-1960) tại Khoa Văn Alger, Bourdieu bắt đầu nghiên cứu dân tộc học và xã hội học Algérie. Trên cơ sở các nghiên cứu thực địa, ông đi đến phê bình chủ nghĩa cấu trúc của Lévi-Strauss, đặc biệt thông qua vấn đề dòng họ ở Algérie ông thấy thực tế không phù hợp với mô hình do chủ nghĩa cấu trúc đưa ra. Trong lịch sử xã hội học phương Tây, Bourdieu có đóng góp quan trọng bằng việc tiếp thu và tổng hợp các lý thuyết của Marx, Durkheim và Weber. Ông đã kế thừa ở Marx cái nhìn toàn thể về xã hội dưới góc độ tương quan lực lượng và khái niệm "vốn" (capital, "tư bản" 1 Thư mục Bourdieu trên thế giới http://hyperbourdieu.jku.at/ 138
- trong công trình nghiên cứu của Marx), không chỉ trong kinh tế, mà còn trong các hoạt động xã hội khác. Ông đã tiếp thu ở Durkheim dự án đưa khoa học xã hội trở thành một khoa học thực sự, bằng những phương pháp thực chứng. Cuối cùng, trong tác phẩm của Weber ông kế thừa ý tưởng về tầm quan trọng của các biểu tượng trong đời sống xã hội và về quá trình chuyên môn hóa trong một số lĩnh vực xã hội. Ngoài ra, với hành trang tri thức được trang bị kỹ càng, Bourdieu cũng tiếp nhận ảnh hưởng của Marcel Mauss, Claude Lévi-Strauss, cũng như của các nhà triết học như Maurice Merleau-Ponty và hiện tượng học của Husserl. Có thể nói rằng nghiên cứu của Bourdieu được xây dựng trên cơ sở mong muốn vượt lên những cặp đối lập cổ điển trong khoa học xã hội, ví dụ như chủ quan/khách quan (subjectivisme/objectivisme), vi mô/vĩ mô (micro/macro), tự do/thuyết quyết định (liberté/déterminisme), v.v. (Pierre Ansart, 1990). Song song với nghiên cứu khoa học, Bourdieu cũng là một trí thức luôn quan tâm đến các vấn đề của thời đại mình, trong truyền thống "dấn thân" (engagement) của trí thức Pháp. Đặc biệt từ những năm 1990, ông đã phát biểu trước công luận về nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng. Cuốn sách Thế giới khốn khổ (Pierre Bourdieu, 1993) tố cáo mô hình tư bản chủ nghĩa đang ngự trị trên thế giới được đông đảo người đọc hưởng ứng. Nhưng chính các hoạt động xã hội này của Pierre Bourdieu lại cũng là cái cớ cho những tiếng nói phê bình tác phẩm của ông về cơ sở khoa học cũng như về mặt đạo đức nghề nghiệp. Tạp chí Đọc có hồ sơ về "Vụ Bourdieu chia rẽ giới trí thức" (1998)1, và thư mục Bourdieu (được thực hiện ngay sau khi ông mất năm 2002) trên trang web của Trường Khoa học Chính trị Paris có tựa đề Pierre Bourdieu: một Sartre mới hay là nhà xã hội học "khủng bố"?2. Ủng hộ hay bài bác Bourdieu, tác phẩm cũng như tác giả Bourdieu, đã và vẫn đang là đề tài tranh luận sôi nổi. Để tạm kết phần này, có lẽ cần nhấn mạnh rằng Bourdieu hoàn toàn không tự coi mình là một "chuyên gia" có thể trả lời mọi câu hỏi do xã hội đặt ra như một nhà tiên tri kiểu mới. Ngược lại, ông rất có ý thức về những giới hạn của nghiên cứu xã hội học nói riêng, và của khoa học xã hội nói chung, bởi lý do đầu tiên là chính nhà nghiên cứu cũng là một sản phẩm của xã hội và thời đại mình. Vì vậy ông ấp ủ một dự án lớn nghiên cứu về các khoa học xã hội (các kiến thức về xã hội và con người được hình thành trong những bối cảnh như thế nào? có cống hiến gì và có giới hạn gì?), đồng thời luôn động viên các nhà nghiên cứu phải có cái nhìn phê phán đối với chính mình và chính việc nghiên cứu của mình nhằm tiến tới độ khách quan cao nhất. Cuốn sách tập thể tưởng niệm Bourdieu mang tên Vì một lịch sử các khoa học xã hội (2004) (Johan Heilbron, Remi Lenoir, Gisèle Sapiro biên tập, 2004) và bản thảo chưa hoàn thành mang tên Tự phân tích (Auto-analyse) là những minh họa cụ thể cho ý tưởng đó. 2. NGHIÊN CỨU VĂN HÓA VÀ LÝ THUYẾT "TRƯỜNG LỰC" Một phần lớn tác phẩm của Bourdieu thuộc về xã hội học văn hóa, nói chính xác hơn là nghiên cứu các hành vi có tính biểu tượng (pratiques symboliques). Đối tượng nghiên cứu có thể là sinh viên, hoạt động nghệ thuật, hệ thống trường tổng hợp, hoặc công chúng đến thăm các bảo tàng, nhưng trong mọi trường hợp ông đều quan tâm tìm hiểu các hành vi văn hóa (pratiques culturelles) dưới các góc độ khác nhau. Sự quan tâm đặc biệt tới các hành vi có tính biểu tượng này bắt nguồn từ linh cảm ngay từ những nghiên cứu đầu tiên về tính 1 "L'Affaire Bourdieu divise les intellectuels", trong Lire, 10/1998. 2 "Pierre Bourdieu - un nouveau Sartre ou sociologue "terroriste"?". 139
- chất phức tạp và nhiều chiều của quan hệ xã hội. Trong các nghiên cứu về văn hóa truyền thống vùng Kabylie (Algerie) từ những năm 1960, ông đã chỉ ra rằng các hoạt động lễ nghi và tôn giáo của người Kabylie có hiệu quả xã hội thực sự và đóng vai trò quan trọng không kém các hoạt động kinh tế trong việc bảo tồn xã hội. Như vậy quan hệ giai cấp không chỉ đơn thuần là quan hệ kinh tế, mà đồng thời là tương quan lực lượng/quan hệ về lực (rapports de force) và quan hệ về nghĩa (rapport de sens). Trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật, các tác phẩm của Bourdieu đôi khi được so sánh một cách đối lập với các nghiên cứu của nhà xã hội học người Mỹ Howard S. Becker, đặc biệt là trong Các thế giới nghệ thuật (Howard S. Becker, 1982). Becker tiếp cận nghệ thuật như một công việc, một sản phẩm được thực hiện bởi nhiều người có cùng mục đích là xây dựng tác phẩm nghệ thuật (nghệ sĩ, người phát hành, người thưởng thức, người bán các nhạc cụ và vật phẩm cần thiết, v.v.). Ông không quan tâm đến bản thân tác phẩm, cũng như tác giả, và không đưa ra các nhận xét thẩm mỹ. Đối tượng của ông là "những hình thức hợp tác được thực hiện bằng những người tham gia xây dựng tác phẩm" (Howard S. Becker, 1982, tr. 21). Như vậy nếu Bourdieu tìm hiểu các quan hệ xã hội dưới góc độ "chế ngự" (domination) thì Becker quan niệm các quan hệ này từ góc độ "hợp tác" (coopération) với ý tưởng chủ đạo là để xã hội hoạt động được thì nhất thiết giữa các cá nhân phải có hợp tác và thương lượng. Nhưng theo tôi thì hai phương pháp này không đối lập, mà có sự khác biệt về góc độ tiếp cận và cấp độ phân tích: Becker muốn hiểu một tác phẩm nghệ thuật có thể được chào đời trong những điều kiện nào, còn Bourdieu đặt vấn đề là một khi đã có các tác phẩm nghệ thuật thì các tác giả đề ra chiến lược gì để có thể đạt tới vị thế cao và được công nhận. Với tư cách là một nhánh trong nghiên cứu văn hóa, xã hội học văn học theo phương pháp của Bourdieu lấy tác phẩm và tác giả văn học làm đối tượng nghiên cứu của nhà xã hội học, không chỉ như một hiện tượng độc đáo và cá biệt, mà như một thành quả của một xã hội. Tác phẩm văn học là một "sản phẩm văn hóa" được hình thành trong một tổng thể các điều kiện rất khác nhau nhưng đều có liên quan đến nhau, và ngay cả những yếu tố tưởng như chỉ đơn thuần nghệ thuật (như một số cách tân về hình thức) thật ra cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố xã hội và kinh tế. Như vậy tác phẩm văn học dưới góc nhìn của Bourdieu không được coi là phương tiện để nghiên cứu xã hội (mặc dù trong Quy tắc của nghệ thuật Bourdieu dành 70 trang cho việc phân tích tiểu thuyết Giáo dục tình cảm như một tài liệu về thời đại của tác giả Flaubert), mà chính bản thân nó là một sản phẩm xã hội cần được nghiên cứu. Trong hệ thống lý thuyết của Bourdieu, "trường lực" (champ) là khái niệm được phổ cập nhất. Với khái niệm này, thực tế xã hội có thể được hình dung dưới dạng những "trường lực" vừa có quy luật hoạt động riêng, vừa chịu ảnh hưởng qua lại với nhau. Không gian xã hội (espace social) có thể được hình dung như tổng thể các trường lực xã hội (champs sociaux) rất khác nhau như trường lực quyền lực, trường lực kinh tế, trường lực văn hóa, trường lực trí thức, trường lực nghệ thuật, v.v. Sau đây xin giới thiệu khái niệm "trường lực" và một số khái niệm liên quan.1 1 Văn phong của Bourdieu không phải dễ dịch (mà cũng không phải dễ hiểu đối với độc giả người Pháp không phải là chuyên gia). Theo ông, ngôn ngữ xã hội học cần phải tách rời khỏi ngôn ngữ thông thường bằng cách sử dụng những từ và cách diễn đạt phức tạp và bác học, đó là điều kiện để nhà xã hội học có thể thoát ra khỏi những ý kiến thông thường để tiếp cận đối tượng nghiên cứu một cách khoa học và có phương pháp. 140
- Trước hết trường lực (champ) có nghĩa gì? Khái niệm "trường lực" (tiếng Anh: field) không bắt nguồn từ nông nghiệp (như "lĩnh vực", hay "phạm vi", "địa phận", v.v. theo đó khoa học được hình dung như một "mảnh ruộng" còn hoang dại hay cần được cày xới, v.v.), mà từ vật lý (trường nam châm, trường hấp dẫn hay trường điện từ là một không gian mà trong đó một nam châm, một vật thể có trọng lượng, một vật thể mang điện nhất định phải chịu tác dụng của các lực trái chiều từ hai cực âm và dương). Chính vì vậy nên dịch khái niệm này bằng từ "trường lực" để tránh hiểu lầm và biểu hiện rõ nét ý về lực hấp dẫn. Khi nào có thể nói rằng có trường lực? Nếu lấy ví dụ "trường lực sản xuất biểu tượng" (champ de production symbolique) thì theo Bourdieu trường lực này bao gồm toàn bộ các tác nhân sản xuất (agent producteurs), ví dụ như nghệ sĩ và nhà văn trong "trường lực các sản phẩm nghệ thuật", khi họ được xếp ở các vị trí khác nhau trong một hệ thống khá tự lập bao gồm các vị trí đó và các quan hệ giữa chúng, và khi họ cùng tham gia thi đua và cạnh tranh nhằm đạt tới vinh quang và quyền lực. Một ví dụ khác về trường lực nghệ thuật ở châu Âu: từ giai đoạn Phục Hưng trường lực này được hình thành và trở nên tự lập khi nó dần dần được giải phóng khỏi các mối liên hệ có tính chất tôn giáo hoặc chính trị, nghĩa là ngoài lĩnh vực nghệ thuật. Lý thuyết lãng mạn "nghệ thuật vì nghệ thuật" là một minh chứng cho tính chất tự lập này, khi nó tuyên bố sự độc lập về bản chất của người nghệ sĩ đối với những người sản xuất các vật dụng bình thường, cũng như đối với những người có tiền của (Mạnh thường quân) hoặc đối với giới tư sản được coi như "giới phàm tục" (P. Bourdieu, 1971). Các "trường lực xã hội” có thể rất khác nhau, nhưng đều có các đặc tính chung như sau. Thứ nhất, nhìn từ góc độ nghiên cứu đồng đại, trường lực có thể được hình dung như một không gian được tổ chức bởi các vị trí (positions). Đặc tính của các vị trí này phụ thuộc vào tọa độ của chúng trong không gian đó và có thể được phân tích một cách độc lập đối với các tính chất của những người ở vị trí đó (nhưng các đặc tính này phần nào được xác định bởi các tính chất đó). Các trường lực có các quy luật tổng quát: các trường lực rất khác nhau như trường lực chính trị, trường lực triết học, trường lực tôn giáo, v.v. có những quy luật hoạt động không đổi (...). Một trường lực, ví dụ như trường lực khoa học, tự xác định bởi việc xác định một số yếu tố, đặc biệt là các mục đích (enjeux) và các lợi ích (interets) riêng, không thể được quy ra những mục đích và lợi ích của các trường lực khác (ví dụ ta không thể làm một nhà triết học phải động não với những vấn đề của nhà địa lý học) và một người không được đào tạo để tham gia vào trường lực này thì không thể nhận thức được các mục đích và lợi ích đó (mỗi một loại lợi ích cũng có nghĩa là không quan tâm đến những lợi ích khác và những đầu tư khác, chính vì vậy được coi là vô nghĩa, hoặc ngược lại là vô tư, tuyệt vời). Để một trường lực có thể hoạt động, cần phải có những mục đích và đồng thời những người sẵn sàng tham gia cuộc chơi, và những người này cần phải là "con nhà nòi" (có "habitus" với nghĩa là "lịch sử thấm vào con người" theo cách nói của Bourdieu, chú thích của dịch giả), có nghĩa là có thể hiểu biết và công nhận những quy luật riêng của cuộc chơi và của các đích của cuộc chơi, v.v. (...). Cấu trúc của trường lực là một trạng thái của quan hệ lực (rapport de force) giữa các tác nhân hoặc các thể chế tham gia vào cuộc chơi, hoặc cuộc tranh đấu, hoặc nói khác đi là trạng thái của sự phân bổ "vốn" đặc trưng (capital spécifique) cho trường lực đó; "vốn" này được dồn lại trong các cuộc tranh đấu trước đó và ảnh hưởng đến các chiến lược về sau. Bản thân cấu trúc này, là đích của những chiến lược nhằm tới việc mục đích biến đổi nó, luôn luôn cũng tham gia vào cuộc chơi: các cuộc tranh đấu trong trường lực luôn có đích là 141
- đạt tới sự độc quyền về bạo lực hợp pháp (violence légitime), có nghĩa là thẩm quyền đặc trưng (autorité spécifique) của trường, mà đó là đặc tính của trường lực này, nói cho cùng điều đó có nghĩa là các cuộc tranh đấu nhằm tới sự bảo tồn hoặc sự lật đổ cấu trúc phân bổ vốn đặc trưng (...). Trong một trạng thái quan hệ lực cho trước, những người có độc quyền (nhiều hay ít) về vốn đặc trưng, có nghĩa là cơ sở của quyền lực (pouvoir) hoặc của thẩm quyền đặc trưng cho trường lực đó, có xu hướng đưa ra các chiến lược bảo tồn - trong các trường lực sản xuất sản phẩm văn hóa thì họ có xu hướng bảo vệ tư tưởng chính thống (orthodoxie); trong khi đó thì những người có ít vốn (thường cũng là những người mới đến, có nghĩa thường là những người trẻ hơn) có xu hướng đi theo dị thuyết (heresie) (...). Thứ hai, một đặc tính nữa khó được nhận thấy của trường lực: tất cả những ai tham gia vào trường lực đều có chung một số những lợi ích cơ bản (interets fondamentaux), nghĩa là tất cả những gì có quan hệ với chính sự tồn tại của trường lực; chính vì vậy mà giữa những đối lập bao giờ cũng có một sự hiểu biết chung khách quan (complicite objective). Người ta thường quên rằng tranh đấu (lutte) có nghĩa là trước đó đã có sự đồng tình về điều đáng để tranh đấu, điều này bị đẩy vào bóng tối, là cái đương nhiên, có nghĩa là tất cả những gì làm nên trường lực như cuộc chơi, mục đích cuộc chơi, tất cả những giả thuyết được chấp nhận một cách ngầm ẩn, thậm chí không ý thức, bằng việc chơi và chấp nhận tham gia cuộc chơi. Những người tham gia tranh đấu là người góp phần vào việc tái sinh cuộc chơi bằng cách hình thành niềm tin (croyance) vào giá trị của cuộc chơi (với mức độ khác nhau tùy thuộc vào tính chất của từng trường lực). Những người mới vào cuộc cần phải trả lệ phí vào cửa (droit d’entree), có nghĩa là công nhận giá trị của cuộc chơi (trong việc tuyển chọn và giới thiệu bao giờ người say mê và bỏ công sức đầu tư cũng được quan tâm hơn) và hiểu biết (về mặt thực hành) các nguyên tắc hoạt động của cuộc chơi. Họ buộc phải có những chiến lược tiến tới lật đổ cấu trúc đang có của trường lực, nhưng bởi có nguy cơ bị trục xuất ra khỏi cuộc chơi, các chiến lược này bao giờ cũng chỉ có mức độ. Trong thực tế, những cuộc cách mạng không toàn phần (revolutions partielles) liên tục diễn ra trong trường lực không phủ nhận cơ sở của cuộc chơi, có nghĩa là toàn bộ những niềm tin cơ bản của cuộc chơi. Ngược lại trong các trường lực sản xuất các sản phẩm văn hóa, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, dị thuyết lại có nghĩa là trở về nguồn, cội rễ, tinh thần, sự thật của cuộc chơi, nhằm chống lại sự tầm thường hóa và sự hư hỏng. Một trong những yếu tố giúp cho các cuộc chơi không bị xóa bỏ hoàn toàn, có nghĩa là sự hủy bỏ không chỉ những vị trí thống trị và sự thống trị, mà cả bản thân cuộc chơi, chính là sự đầu tư, về thời gian cũng như công sức, v.v. rất lớn phải trả để có thể bước vào cuộc chơi, và cũng như những thử thách trong các tục lệ (rites de passage); sự đầu tư này góp phần làm cho sự hủy bỏ hoàn toàn một cách đơn giản cuộc chơi là điều không thể tưởng tượng nổi (...). Thông qua sự hiểu biết thực tế về những nguyên tắc của cuộc chơi (mà những người mới đến bắt buộc phải biết, nhưng đó là một điều kiện ngầm), cả lịch sử của cuộc chơi và cả quá khứ của cuộc chơi được tái hiện lại trong mỗi hành động của cuộc chơi (Questions sociologiques, 1980, tr. 113-116). Như vậy có thể hình dung một cách đơn giản trường lực như một không gian có các lực hấp dẫn, giữa cực âm và cực dương, trong đó mỗi tác nhân di chuyển từ vị trí thấp đến vị trí cao hơn nhờ có các khuynh hướng (dispositions) và các loại vốn (capital). Bourdieu đã áp dụng lý thuyết trường lực vào phân tích tác phẩm Giáo dục tình cảm của Flaubert một cách độc đáo. Tiểu thuyết này có thể được coi là một nghiên cứu xã hội học thử nghiệm, các nhân vật văn học do Flaubert xây dựng nên có thể được coi là những thành tố trong 142
- một thí nghiệm khoa học, không khác gì một thí nghiệm vật lý. Trường lực do Flaubert xây dựng ở đây là "trường quyền lực" (champ du pouvoir): "Như vậy Flaubert xây dựng hai cực của "trường quyền lực" như một môi trường thực thụ hiểu theo nghĩa của Newton, trong đó các "lực xã hội” được thể hiện dưới dạng các động cơ tâm lý như tình yêu hoặc tham vọng. Như vậy ông đã thiết lập điều kiện cho thử nghiệm xã hội học: năm chàng thanh niên, trong đó có nhân vật chính Frédéric, tạm thời được tập hợp thành một nhóm bởi họ cùng là sinh viên, sẽ được đẩy vào không gian quyền lực đó. Nếu mượn hình ảnh vật lý thì ta có thể tưởng tượng họ như các hạt được phóng vào trong một trường lực, và quĩ đạo của các hạt này sẽ được xác định bởi quan hệ giữa các lực hiện diện trong trường và bản thân lực quán tính của mỗi hạt. Lực quán tính, hoặc sức ỳ, một mặt được ghi vào các khuynh hướng do mỗi cá nhân nhận được từ nguồn gốc xã hội của họ và từ quỹ đạo của họ, điều đó có nghĩa là các hành động xử thế thể hiện chiều hướng được các khuynh hướng này xác định, có nghĩa là mỗi một hạt trong trường lực, cũng như mỗi cá nhân trong xã hội, được lập trình để thực hiện một quỹ đạo có thể. Mặt khác, lực quán tính này được ghi vào trong các loại "vốn" mà họ nhận được, các loại vốn này tham gia xác định những khả năng có thể và những khả năng không thể xảy ra trong các khả năng do trường lực đưa ra" (Les regles de l’art, tr. 31). "Dường như Flaubert muốn thí nghiệm các lực của "trường quyền lực" trên một nhóm người có các năng khiếu (được kết hợp dưới nhiều dạng khác nhau) là điều kiện để có thể thành đạt trong xã hội. Ông "xây dựng" một nhóm các chàng trai trẻ, trong đó mỗi thành viên đều có quan hệ với các thành viên khác, nhưng đồng thời đều khác tất cả các thành viên khác nhờ vào một loạt những tính chất giống và khác nhau được sắp xếp một cách khá hệ thống: Cisy xuất thân từ gia đình rất giàu, quý tộc, có nhiều quan hệ và điển trai, nhưng lại không mấy thông minh và không có tham vọng; trong khi đó Deslauriers thông minh và có tham vọng thành đạt, nhưng lại nghèo và không có quan hệ cũng như sắc đẹp; Martinon khá giàu, khá đẹp trai (ít ra là anh ta tự đánh giá về mình như thế), khá thông minh và cũng có ý chí thành đạt; còn Frédéric là người đủ mọi điều kiện - tài sản vừa phải, đẹp trai, thông minh, chỉ thiếu tham vọng thành đạt" (Sđd, tr. 31-32). Giữa các tác nhân có cùng mục đích đạt tới vị trí cao trong trường như vậy có cạnh tranh, như trong trường lực của Flaubert: "Trường quyền lực cũng là một "trường lực tranh đấu", và có lẽ là như vậy có thể được so sánh với một trò chơi (jeu): các khuynh hướng, có nghĩa là toàn bộ các tính chất được ghi vào trong cơ thể, thậm chí vẻ duyên dáng hoặc sắc đẹp, cũng như các loại "vốn" khác nhau (vốn kinh tế, vốn văn hóa, vốn xã hội ) là những quân chủ bài cho phép điều khiển luật chơi và cả phần thắng, có nghĩa là toàn bộ quá trình trưởng thành xã hội (vieillessement social) mà Flaubert gọi là "giáo dục tình cảm" (Sđd, tr. 31). Trong lý thuyết trường lực, khái niệm quan hệ (relations) có tầm quan trọng đặc biệt. Sự việc, hiện tượng bản thân nó không quan trọng, mà chính quan hệ giữa chúng mới có nghĩa. Khái niệm "trường lực" bao hàm nguyên tắc cơ bản theo đó thực tế xã hội là hệ thống các quan hệ, không phải các quan hệ xã hội theo nghĩa thông thường, mà với nghĩa như các cấu trúc vô hình: "(...) để tìm hiểu khoảng không xã hội của những người sản xuất văn hóa, cần phải tư duy theo mô hình quan hệ: trong tiểu thế giới xã hội của các tác phẩm văn hóa, như trường lực văn học, trường lực nghệ thuật, trường lực khoa học, v.v. là một khoảng không các quan hệ khách quan giữa các vị trí - vị trí của nghệ sĩ được công nhận và nghệ sĩ không được công nhận (artiste maudit) chẳng hạn - và ta chỉ có thể hiểu được các sự kiện nếu ta đặt mỗi cá 143
- nhân, hoặc mỗi nhóm, mỗi cơ quan, trong mối quan hệ khách quan với tất cả các thành viên khác. Chính trong mối tương quan của những quan hệ lực đó, và thông qua những cuộc tranh đấu nhằm bảo tồn hoặc thay đổi các quan hệ đó, mà các nhà sản xuất văn hóa đặt ra các chiến lược, bảo vệ các hình thức nghệ thuật, thiết lập các liên minh, thành lập các trường phái, nhằm đạt tới những lợi ích đặc biệt trong mỗi trường lực" (Raison pratique, tr. 68). Thứ ba, một khái niệm nữa cũng cần đề cập đến: không gian các khả năng có thể (espace des possibles). Trong một xã hội và vào một thời điểm nhất định, các khả năng mà các tác nhân có thể nắm bắt không phải là vô hạn, mà chúng được xác định bởi một loạt điều kiện. Sáng tác nghệ thuật vì vậy cần phải được xem xét trong mối quan hệ với nhiều yếu tố khác nhau: "Trong các trường lực sản xuất văn hóa, các nhà sản xuất văn hóa có một không gian các khả năng có thể; không gian này định hướng cho các nghiên cứu và sáng tác của họ bằng việc định nghĩa một thế giới các vấn đề, các kinh điển, các điểm mốc tinh thần (thường thể hiện bằng tên của các nhân vật văn hóa nổi tiếng), các khái niệm bắt đầu bằng "chủ nghĩa", nói tóm lại thế giới này là cả một bản đồ hệ thống tọa độ mà mỗi người cần phải luôn có trước mắt (nhưng không có nghĩa là hệ thống này được sử dụng một cách có ý thức) thì mới có thể tham gia vào việc sản xuất văn hóa. Sự khác biệt giữa các nhà sản xuất chuyên nghiệp và không chuyên là ở đây, vì người sản xuất tác phẩm văn hóa không chuyên (như "ông nhà thuế Rousseau" đại diện cho các họa sĩ trường phái "ngây thơ" chẳng hạn) không biết đến hệ thống tọa độ đặc biệt của trường lực. Không gian các khả năng có thể chính là điều làm cho các nhà sản xuất văn hóa vừa tham gia vào một thời điểm nhất định nào đó, vừa tồn tại một cách tương đối độc lập đối với ảnh hưởng trực tiếp của môi trường kinh tế và xã hội. Ví dụ, để hiểu các lựa chọn của các đạo diễn sân khấu đương đại thì ta không thể chỉ nghiên cứu các điều kiện kinh tế (như kinh phí nhà nước rót về, thu nhập của nhà hát, hoặc thậm chí yêu cầu của khán giả), mà còn cần tìm hiểu cả lịch sử nghệ thuật sân khấu từ những năm 1880 cho tới nay, bởi chính giai đoạn này là giai đoạn hình thành những vấn đề đặc biệt của nghệ thuật sân khấu, hiểu như toàn bộ các điểm cần được bàn bạc và các yếu tố cấu thành của một vở kịch (...)". Không gian các khả năng có thể - có tính chất siêu nghiệm đối với mỗi người hành động cụ thể, hoạt động như một hệ thống tọa độ chung cho tất cả mọi người trong trường lực. Chính vì vậy mà các nghệ sĩ cùng thời luôn ở trong một mối tương quan khách quan giữa người nọ với người kia, ngay cả khi họ không bàn về nhau một cách có ý thức" (Raison pratique, tr. 59). Theo Bourdieu, mỗi trường lực đều có tính tự lập (autonomie) như vậy có nghĩa là nó có những quy luật hoạt động riêng; nhưng đồng thời tự lập có nghĩa là có quan hệ, hoặc chịu sự chi phối, của các trường lực xã hội khác. Có thể đo độ tự lập (degré d'autonomie) của trường lực đối với các trường lực khác. Đối với Bourdieu, các quan hệ giữa các trường lực không hoạt động theo mô hình nhân quả trực tiếp một cách máy móc, mà một hiện tượng hoặc hành động trong một trường lực có thể có ảnh hưởng đến cấu trúc của một trường lực khác, nhưng nhất thiết phải qua một quá trình khúc xạ, và có thể đo độ tự lập của một trường lực bằng cách đo sự khúc xạ đó: "Độ tự lập của trường có thể được đo bằng độ khúc xạ (refraction) hoặc sự "chuyển ngữ" (retraduction) mà logic nội tại của trường buộc mọi ảnh hưởng hoặc chỉ đạo từ ngoài đưa 144
- vào phải noi theo (...); ở đây rõ ràng là hình ảnh tia "khúc xạ" chỉ được sử dụng bởi nó góp phần làm cho chúng ta quên đi hình ảnh còn ít thích hợp hơn của sự "phản chiếu" (reflet)" (Les regles de l’art, tr. 360). Nói tóm lại, nghiên cứu một "trường lực" có nghĩa là cần phân tích từ nhiều góc nhìn đồng đại/lịch đại; vĩ mô/vi mô; bên trong/bên ngoài để tìm hiểu quan hệ và cấu trúc của "trường lực" (các cực, các vị trí, quan hệ giữa các vị trí và các tác nhân); quan hệ qua lại với các trường lực khác, và rộng hơn là quan hệ với không gian xã hội tổng thể; tìm hiểu quy luật và hướng vận động của "trường lực"; tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của "trường lực"; tìm hiểu các tác nhân và với các đặc điểm của họ. 3. TRƯỜNG LỰC VĂN HỌC Ở PHÁP THẾ KỶ XIX VÀ XX Nghiên cứu của Bourdieu về "trường lực văn học" trong Quy tắc của nghệ thuật. Sự hình thành và cấu trúc của trường lực văn học (P. Bourdieu, 1992) có thể minh họa cho lý thuyết này. Sau phần mở đầu phân tích Flaubert như tiền thân của một nhà xã hội học nghiên cứu xã hội đương thời của ông trong tác phẩm Giáo dục tình cảm (Education sentimentale), phần I (tr. 85-290) trình bày về ba trạng thái của trường lực văn học Pháp từ giữa thế kỷ XIX cho đến cuối thế kỷ XX, phần II (tr. 291-464) có nhan đề "Cơ sở của khoa học tác phẩm nghệ thuật" trình bày các vấn đề phương pháp và một số quy luật hoạt động của trường lực văn học cũng như trường lực nghệ thuật, và cuối cùng phần III (tr. 465-567) đặt vấn đề nghiên cứu chính khoa học về tác phẩm nghệ thuật như yếu tố cần thiết để tìm hiểu một cách khách quan văn hóa và tác phẩm nghệ thuật. Ở đây xin chỉ đề cập tới vấn đề trường lực văn học Pháp dưới góc nhìn của Bourdieu. Trường lực này xuất hiện, có nghĩa là trở nên tự lập đối với các trường lực khác, đặc biệt là trường lực chính trị và tiền bạc, cùng với sự khai sinh của chủ nghĩa lãng mạn, và đặc biệt là tiểu thuyết Bà Bôvary. Các tác phẩm kiểu mới này (như cách nói của Flaubert là "viết cái tầm thường") gắn liền với sự hình thành một nghệ thuật sống mới mà Baudelaire cũng như Flaubert là đại diện tiêu biểu. Đồng thời các nhà văn tự coi mình (và đấu tranh để được coi như) những nghệ sĩ chuyên nghiệp khác hẳn về bản chất so với những người viết văn vào những lúc nhàn rỗi. Vào khoảng 1880, trường lực văn học Pháp đã có các nguyên tắc hoạt động tự lập nội tại (chứ không phụ thuộc vào một số tác nhân đặc biệt). Cấu trúc hai cực của trường lực văn học được thể hiện qua hai cách xếp loại thứ bậc hoàn toàn khác nhau: "Có thể thấy tiến bộ trong quá trình tự lập hóa của trường lực văn học vào cuối thế kỷ XIX qua điều này: thứ bậc giữa các thể loại văn học (và các tác giả) theo các tiêu chí đặc trưng do các đồng nghiệp đưa ra gần như hoàn toàn đối lập với thứ bậc theo tiêu chí thành công kinh tế. Điều này hoàn toàn khác đối với thế kỷ XVII khi mà hai thứ bậc kể trên gần như hoàn toàn đồng nhất, nghĩa là những tác giả được công nhận ở bậc cao nhất, nhất là các nhà thơ và các học giả, cũng là những người được hưởng nhiều bổng lộc nhất".1 Trong giai đoạn sau đó, thị trường các sản phẩm biểu tượng (trạng thái cuối thế kỷ XX), chủ yếu là văn học và mỹ thuật, có thể được hình dung như: "Một thế giới tương đối tự lập (cũng có nghĩa là tương đối phụ thuộc, đặc biệt là vào trường lực kinh tế và trường lực 1 Ở đây Bourdieu dẫn nghiên cứu của A. Viala, Naissance de l'écrivain (Sự khai sinh của nhà văn. Paris: Minuit, 1984, tr. 193. 145
- chính trị) nhường chỗ cho một nền kinh tế ngược, được hình thành với một logic riêng trên cơ sở chính bản chất của các sản phẩm biểu tượng; các sản phẩm này là những hiện thực có hai mặt, vừa là hàng hóa vừa mang nghĩa, mà giá trị biểu tượng và giá trị tiền tệ là những giá trị tương đối độc lập. Vào điểm cuối của quá trình chuyên môn hóa đưa đến sự hình thành khu vực sản xuất văn hóa đáp ứng cho nhu cầu của thị trường, và đồng thời (phần nào cũng là phản ứng chống lại hiện tượng này) sự hình thành của khu vực sản xuất các tác phẩm "trong sáng" đáp ứng cho nhu cầu biểu tượng, nói chung là các trường lực sản xuất văn hóa được tổ chức hiện nay theo một nguyên tắc phân biệt hóa, mà đó chẳng phải gì khác là khoảng cách khách quan và chủ quan của những doanh nghiệp sản xuất văn hóa đối với thị trường tiêu thụ và nhu cầu được thể hiện một cách rõ ràng hoặc ngầm ẩn, bởi chiến lược của những nhà sản xuất nằm ở giữa hai biên giới không bao giờ đạt tới trong thực tế, một bên là sự lệ thuộc hoàn toàn một cách lạnh lùng vào nhu cầu thị trường và một bên là sự độc lập hoàn toàn đối với thị trường và yêu cầu của thị trường" (tr. 234- 235). Như vậy, một tác phẩm văn học, cũng như một bức tranh, cũng đều chịu ảnh hưởng của nhiều lực khác nhau. Bourdieu miêu tả cấu trúc của trường lực các nhà xuất bản tại Pháp vào khoảng những thập kỷ cuối thế kỷ XX như sau: "Như vậy, vào năm 1975, các nhà xuất bản bé và chuyên xuất bản văn học tiền phong (avant-garde), như Minuit (...) ở vào vị trí đối lập với các "đại gia" (grande maison) như Laffont, Groupe de la Cite, Hachette; còn các vị trí ở giữa là các nhà xuất bản như Flammarion, Albin Michel, Calmann-Levy, là những nhà xuất bản có "truyền thống" do thế hệ con cháu quản lý, những nhà xuất bản này có di sản (patrimoine) đó vừa là tiềm lực cũng vừa là phanh cản. Trong số các nhà xuất bản ở trung gian này, cần phải nhắc tới Grasset, trước đây là một "đại gia" nhưng nay đã bị "đế quốc" Hachette chinh phục, và Gallimard, trước đây là một nhà xuất bản tiền phong, nhưng từ lâu đã lên đến đỉnh cao danh vọng; Gallimard có hai chiến lược: một mặt quản lý tài sản (tái bản, xuất bản sách bỏ túi, v.v.) và một mặt có tầm nhìn xa với các tủ sách "Con đường, Le Chemin", "Tủ sách khoa học nhân văn, Bibliotheque des sciences humaines", mà trong đó các tác giả cũng có mặt trong các danh sách best-sellers văn học và trí thức. Cũng cần phải nói thêm đến tiểu- trường lực (sous-champ) các nhà xuất bản có logic sản xuất quay vòng dài, có nghĩa là có độc giả "trí thức", trong đó Minuit (đại diện cho giới tiền phong đang tiến tới đỉnh cao danh vọng) đối lập với Gallimard ở vị trí cao (dominante), còn Le Seuil là vị trí ở giữa. Hai nhà xuất bản Robert Laffont và Minuit mang những đặc tính tiêu biểu cho hai cực đối lập của trường lực xuất bản, chúng có thể cho thấy vô số những khía cạnh đối lập hai khu vực của trường lực. Một bên, Robert Laffont là một doanh nghiệp lớn (700 nhân viên) mỗi năm xuất bản một số lượng lớn các tác phẩm mới (khoảng 200) và theo đuổi một cách rõ ràng thành công trên thị trường (nhà xuất bản này thông báo năm 1976 dự kiến xuất bản 7 tác phẩm với số lượng trên 100.000 bản in, 14 tác phẩm với 50.000 bản in, và 50 tác phẩm với 20.000 bản in), có nghĩa là nhà xuất bản này cần phải có một bộ phận phụ trách quảng cáo rất quan trọng, chi phí lớn cho việc quảng cáo và quan hệ xã hội (đặc biệt là đối với các hiệu sách) và đồng thời chính sách xuất bản như một sự đầu tư có lãi chắc chắn (cho đến 1975, khoảng một nửa tác phẩm xuất bản là các bản dịch tác phẩm đã có thành công ở nước ngoài) và sự tìm kiếm những best-seller (...). Ở cực đối lập, nhà xuất bản Minuit là một doanh nghiệp nhỏ theo kiểu thủ công với khoảng hơn 10 nhân viên, xuất bản chưa đến 20 tác phẩm hàng năm (có nghĩa là khoảng 40 tác giả tiểu thuyết và kịch trong khoảng 25 năm). Minuit dành một phần rất nhỏ kinh 146
- phí cho quảng cáo (và thậm chí còn sử dụng sự không đầu hàng trước những hình thức marketing thô thiển như một vũ khí chiến lược) và cũng như ban đầu khi mới thành lập, tác phẩm thường xuyên bán chưa đến 500 bản (ví dụ như "Cuốn sách đầu tiên của nhà văn P. vượt quá con số 500 là tác phẩm thứ 9") và số bản in ra thường chưa tới 3.000 bản (theo một con số năm 1975, trong số 17 tác phẩm mới được xuất bản từ năm 1971, có nghĩa là trong 3 năm, thì 14 không đạt tới số 3.000 bản, và 3 không vượt quá 5.000). Trong tình trạng thiếu hụt ngân quỹ năm 1975 (nếu chỉ tính các tác phẩm mới), nhà xuất bản này tồn tại được là nhờ có vốn, có nghĩa là lợi tức do một số tác phẩm đã trở nên nổi tiếng thường xuyên đem lại, ví dụ như Godot" (tr. 239-241). Tương tự như trường hợp nêu trên, đời sống văn học nghệ thuật ở Việt Nam thế kỷ XX và giai đoạn đương đại là một đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu. Lý thuyết "trường lực" (champ) của Bourdieu có thể đem lại những gợi ý mới cho việc nghiên cứu đề tài lý thú và phức tạp này. Lý thuyết "trường lực" một mặt cho phép nghiên cứu tác phẩm văn học nghệ thuật, cũng như nhà văn và nghệ sĩ trong một môi trường đặc biệt (đời sống văn học nghệ thuật) có cấu trúc, quy luật hoạt động và phát triển riêng biệt (quy tắc "tự lập", autonomie, của một "trường lực" cụ thể), nhưng đồng thời cũng cho phép nghiên cứu mối quan hệ giữa "trường lực văn học nghệ thuật" với các "trường lực" khác trong xã hội Việt Nam và trên thế giới, đặc biệt là quan hệ giữa văn học nghệ thuật và chính trị, cũng như quan hệ giữa nền văn học nghệ thuật Việt Nam với nền văn học nghệ thuật châu Âu, Pháp và Nga Xô Viết. Công nhận sự tồn tại độc lập của tác phẩm văn học nghệ thuật, đồng thời đặt nó vào bối cảnh sáng tác (cá nhân tác giả cũng như bối cảnh lịch sử, xã hội, kinh tế) - đó là điểm mới mà lý thuyết "trường lực" có thể đem lại cho việc nghiên cứu văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện đại và đương đại. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ansart, Pierre. 1990. Les sociologies contemporaines. Paris: Seuil. 2. Becker, Howard S. 1988. Les mondes de l'art. Paris: Flammarion. Nguyên bản tiếng Anh: Art Words. 1982. The University of California Press. 3. Bourdieu, Pierre. 1971. "Le marché des biens symboliques". L'Année socilogique. 1971. n0 22. 4. Bourdieu, Pierre. 1992. Les règles de l'art. Genèse et structure du champ littéraire. Paris: Seuil. Văn bản do chúng tôi sử dụng ở đây là văn bản có bổ sung và sửa chữa, được tái bản năm 1998. 5. Bourdieu, Pierre. 1993. La misère du monde. Paris: Seuil. 6. Jean-Philippe, Cazier. 2007. Abécédaire de Pierre Bourdieu. Paris: Sils Maria; Vrin. 7. Heilbron, Johan, Remi Lenoir, Gisèle Sapiro (dir.). 2004. Pour une histoire des sciences sociales. Hommage à Pierre Bourdieu. Paris: Fayard. 147
- PHẦN 4. PHƯƠNG PHÁP LỊCH SỬ 148
- LỊCH SỬ VÀ PHƯƠNG PHÁP LỊCH SỬ Trần Thị Bích Ngọc Tìm hiểu về quá khứ dường như là một nhu cầu của toàn thể loài người và kể chuyện lịch sử xuất hiện một cách độc lập trong nhiều nền văn minh trên khắp thế giới. Lịch sử thành văn được ghi lại dưới dạng chuyện kể từ thời cổ đại nhằm giúp các thế hệ nối tiếp hiểu biết về các sự kiện lịch sử đã qua. Như thế, sử học đã xuất hiện rất sớm trên con đường khai trí của loài người. Người xưa sở dĩ dùng các hình thức văn chương như ca dao, vè, văn bia… chính là để ghi lại những sự việc đã xảy ra và phần lớn đã được quan niệm và kết cấu để phục vụ lịch sử. Ngày nay, với sự phát triển đa dạng về mặt phương pháp và giải thích, sử học, hơn bất cứ một ngành khoa học xã hội nào khác, là môn khoa học quan trọng hàng đầu trong việc giải phóng tâm thức con người ra khỏi những thành kiến chật hẹp mang tính chất bảo thủ, bè phái, quốc gia, làng xã…Và một tri thức sử học căn bản sẽ giúp cho tư duy về chính trị và xã hội của nhà nghiên cứu thêm sắc sảo, tránh không rơi vào những đám mây mù trừu tượng phi thực tế. Bài viết này đề cập những kiến thức nền tảng và cập nhật trong lĩnh vực sử học của các nước phương Tây, hiểu được nhiều dạng thức lịch sử khác nhau và nhiều cách tiếp cận khác nhau cho một chủ đề lịch sử. Nó cũng giúp cho những nhà nghiên cứu trẻ, dù đã chọn cho mình một lối đi riêng trên đại lộ tri thức, có thêm một số hiểu biết khi tham dự những hội thảo khoa học quốc tế, bắt kịp, hiểu được và trong một chừng mực nào đó, có thể tham gia thảo luận được những vấn đề sử học đang gây tranh luận hiện nay. 1. LỊCH SỬ LÀ GÌ? Hiện nay đa số sử gia trên thế giới đều nhất trí cho rằng lịch sử là một ngành phức tạp, đa diện và bao trùm nhất trong tất cả các ngành khoa học xã hội. Lịch sử khó định nghĩa bởi vì con người, cả hiện tại và quá khứ, có những định kiến và quan điểm khác nhau về lịch sử là gì một cách thật chính xác. Hầu hết các định nghĩa thường cũng chỉ đúng một phần, nhưng thuật ngữ “Lịch sử” là gì, nói chung, nên theo những định nghĩa đã được hầu hết các nhà nghiên cứu sử gần đây đồng ý như sau: - Việc diễn ra trong quá khứ: Tất cả những sự việc xảy ra cho đến thời điểm hiện nay. Một cách cụ thể, đó là những biến cố đã qua của nhân loại, không thể thay đổi được, cố định trong thời gian và không gian. Chúng được coi như tuyệt đối và khách quan - đó là điều đã xảy ra. - Ghi lại việc diễn ra trong quá khứ: Đó là nỗ lực của con người để nắm bắt quá khứ, gắn nó vào từ ngữ và cho nó một ý nghĩa. Điều này là tương đối và chủ quan và chỉ là câu chuyện kể những gì đã diễn ra theo quan điểm của người ghi lại. - Làm thành tài liệu của việc diễn ra trong quá khứ. Tiến trình hay kỹ thuật-phương pháp - được dùng để làm thành một tài liệu của những việc diễn ra trong quá khứ cũng còn được coi là “Lịch sử”. Phương pháp đã làm lịch sử trở thành một khoa học.1 1 Donna T. McCaffrey. 2004. Historical Methodology. Giáo trình cho sinh viên cao học Sử, Đại Học Providence, Rhode Island. Hoa Kỳ. 149
- Theo định nghĩa của Wikipedia, lịch sử là sự nghiên cứu hành động hay cách sinh hoạt của con người (human behavior) qua thời gian. Khi được dùng như tên của một ngành nghiên cứu thì lịch sử liên hệ tới việc nghiên cứu và giải thích các tài liệu của con người, gia đình và xã hội như chúng được gìn giữ một cách nguyên vẹn thông qua những nguồn tài liệu viết…. Do đó kiến thức về lịch sử thường được xem là bao gồm cả hai, kiến thức về những biến cố của quá khứ và những kỹ năng suy nghĩ và giải thích quá khứ.1 Như vậy, nói một cách ngắn gọn, lịch sử là những gì đã xảy ra liên quan đến con người sống trong xã hội và được ghi chép lại theo một phương pháp, hay vắn tắt hơn lịch sử là con người hiểu biết về quá khứ của mình.2 Theo trên thì phương pháp lịch sử không cần phải tìm kiếm đâu xa vì nó nằm ngay trong bản thân của từ “Lịch sử”. 2. PHƯƠNG PHÁP LỊCH SỬ Phương pháp lịch sử là hệ thống các nguyên tắc được đặt ra để đem lại hiệu quả trong việc tập hợp nguồn tài liệu lịch sử, đánh giá chúng một cách có phê phán và đưa ra một tổng hợp của những kết quả có được và giải thích kết quả làm sao để đạt được chân dung của quá khứ.3 Đây là định nghĩa đã được đa số sử gia hiện nay đồng ý. Theo định nghĩa của Wikipedia, phương pháp lịch sử bao gồm những kỹ thuật và những chỉ nam dựa vào đó sử gia sử dụng tài liệu gốc và những tài liệu khác để nghiên cứu và viết thành lịch sử.4 Trong phần này chúng tôi sẽ trình bày từng bước một để phân biệt giữa phương pháp (kỹ thuật) viết một tác phẩm sử học (historical method) và phương pháp giải thích lịch sử (historical interpretation). 2.1. Phương pháp căn bản để viết một tác phẩm sử học 2.1.1. Phương pháp viết sử dựa trên các tài liệu viết - Xác định một vấn đề lịch sử hay việc nhận định một nhu cầu hiểu biết về một vấn đề lịch sử nào đó. - Tập hợp thông tin có liên hệ cho vấn đề lịch sử được xác định càng nhiều càng tốt. Nghiên cứu thông tin trong những nguồn tài liệu đó và đánh giá có phê phán nguồn thông tin để hiểu những động cơ đằng sau đó, nếu có. - Thành lập giả thuyết thử giải thích các mối quan hệ giữa các yếu tố lịch sử trong các tài liệu vừa thu thập. 1 Wikipedia, the free encyclopedia. 2 Sue Peabody. 2006. Đại Học Washington State, Vancouver, Hoa Kỳ: “History is a story we tell ourselves who we are”. 3 Donna T. McCaffrey. Như trên. Gilbert J.Garraghan, tr. 11-17. 4 Wikipedia, the free encyclopedia. 150
- - Tập hợp và sắp xếp các chứng cớ, xác minh tính chân thật và đáng tin cậy của thông tin và nguồn tài liệu của thông tin đó. - Tuyển chọn, sắp xếp và phân tích những chứng cớ được sưu tập có quan hệ trực tiếp nhất với vấn đề đặt ra, và rút ra kết luận. - Viết lại những kết luận trong một dạng tường thuật có ý nghĩa hay sự tổng hợp cuối cùng tài liệu và trình bày chúng theo những quan điểm cá nhân hay theo phương pháp riêng của từng sử gia.1 2.1.2. Phương pháp viết sử qua sự tường thuật lại của các nhân chứng 2.1.2.1. Thế nào là lịch sử qua sự tường thuật lại của các nhân chứng (Oral History)? Lịch sử qua sự tường thuật lại của các nhân chứng là một tập hợp có hệ thống sự tường thuật lại của những con người còn sống về kinh nghiệm riêng của họ đối với một sự kiện lịch sử nào đó đã qua. Lịch sử qua sự tường thuật lại không phải là những câu chuyện dân gian, những chuyện tán gẫu hay những lời đồn. Những sử gia viết sử qua sự tường thuật của các nhân chứng phải xác minh những kết quả có được qua phỏng vấn, phân tích chúng, và đặt chúng trong một bối cảnh lịch sử chính xác. Thao tác phỏng vấn cũng nhằm bổ sung các dữ kiện lịch sử bằng cái nhìn của người trong cuộc. Trong những dự án đi phỏng vấn, một người được phỏng vấn nhớ lại một biến cố để kể lại cho người đi phỏng vấn ghi chép lại những hồi tưởng đó và tạo ra một tài liệu lịch sử: Biến cố (Event) à Người được phỏng vấn (Interviewee) à Người phỏng vấn (Interviewer) à Tài liệu lịch sử (Historical Record).2 2.1.2.2. Các bước phải thực hiện khi viết một tác phẩm sử học dựa trên sự tường thuật của các nhân chứng - Xác định một vấn đề lịch sử. Xác định mục đích nghiên cứu và nhận định thử phương pháp này sẽ giúp bạn đạt được những mục đích đó hay không. - Tiến hành nghiên cứu trước những nguồn tài liệu không phải từ phỏng vấn. Đặt những câu hỏi cho những vấn đề bạn muốn biết. - Xác định những mẫu người để phỏng vấn. Bạn sẽ tuyển chọn những người mà bạn sẽ phỏng vấn như thế nào? Tiếp xúc trước với những người có khả năng bạn sẽ phỏng vấn, giải thích chương trình của bạn và yêu cầu họ giúp đỡ. 1 Historical Methodology II. 1999. Hist. 224: Seminar cho sinh viên cao học Sử, Department of Comparative History, Brandeis University. Hoa Kỳ. Charles Busha and Stephen Harter. 1980. Research Methods in Librarianship: techniques and Interpretation. New York: Academic Press. The Historical Approach to Research. Địa chỉ trên Internet: http://www.ischool.utexas.edu/~palmquis/courses/historical.htm. p.f 2 Judith Moyer (Professor of History- University of New Hampshire). 1999 (revised Essay). Step-by-Step Guide to Oral History. Địa chỉ trên Internet: http:// dohistory.org/ on_your_own/ toolkit/ oralHistory.html, p.2 151
- - Tập hợp những trang thiết bị thích hợp với mục đích của bạn, như máy thâu thanh, thâu hình… - Phỏng vấn. - Sắp xếp và trình bày kết quả phỏng vấn theo những quan điểm cá nhân hay theo phương pháp riêng của từng sử gia.1 Tiến trình làm thành tác phẩm sử học ở khâu cuối cùng (cho cả 2 phương pháp) nêu trên cũng còn được gọi là phương pháp giải thích lịch sử. 2.2. Phương pháp giải thích lịch sử hay yếu tố giải thích trong sử học - Vai trò của sử gia Giải thích lịch sử (historical interpretation) về bản chất là những nỗ lực suy tư sâu sắc để mô tả hay làm rõ những việc xảy ra trong quá khứ. Giải thích lịch sử là suy tư của những người nghiên cứu quá khứ, không phải là những người tham gia trong những biến cố của quá khứ. Do đó người sáng tạo ra quan điểm không tránh khỏi chịu ảnh hưởng thiên vị bởi sự tác động của con người hay biến cố đó trên họ.2 Sự giải thích lịch sử hầu như là then chốt của một tác phẩm sử học: Sử gia chỉ có trong tay những văn bản lịch sử (texts) hiểu theo nghĩa rộng và sử gia phải giải thích chúng căn cứ trên hiểu biết của họ về toàn thể bối cảnh (context) trong đó các văn bản đó bộc lộ ra ý nghĩa của chúng. Do đó sử gia bắt buộc phải là người uyên bác về rất nhiều lĩnh vực: họ phải am hiểu các cổ ngữ liên hệ (chẳng hạn khi khảo sát các văn bia Hán-Nôm), phải am hiểu nền văn hóa cổ đại (trong đó tấm văn bia được viết ra) trong toàn thể tính của nền văn hóa này, mà muốn am hiểu được toàn thể tính của một nền văn hóa, sử gia lại phải biết đến xã hội học, nhân chủng học, khảo cổ học, văn bản học, ngôn ngữ học, văn hóa học, v.v. Nói một cách khác, sử học chỉ có giá trị hấp dẫn, sống động khi có giải thích. Do đó một vấn đề lịch sử xưa cũ đến đâu vẫn cứ được nghiên cứu đi, nghiên cứu lại mãi. Chẳng hạn, khi nghiên cứu về Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), Trần Quốc Vượng giải thích “Phù Đổng vốn là ‘Xung Thiên Thần Vương’ của thời Lý” (Trần Quốc Vượng, 2006, tr. 235). Thế nhưng, theo giải thích của Nguyễn Tự Cường (Đại học George Mason, Hoa Kỳ) khi ông nghiên cứu tôn giáo Việt Nam thời Trung đại qua ba tác phẩm Thiền uyển tập anh, Việt điện u linh tập và Lĩnh Nam chích quái thì Tỳ sa môn Thiên Vương (hay Sóc Thiên Vương)3, một thần linh Ấn giáo, đã chuyển biến thành Phù Đổng Thiên Vương Việt Nam.4 Nguyễn Tự Cường đọc các tư liệu lịch sử trong một viễn cảnh khác với Trần Quốc Vượng và đã có những giải thích về Thánh Gióng khác với Trần Quốc Vượng, nhưng ông cũng không tuyên bố là giải thích của mình “đúng” hơn nghiên cứu của Trần Quốc Vượng. Sử gia và sự kiện lịch sử có một mối quan hệ biện chứng. Sử gia bị hạn chế bởi sự kiện lịch sử: sử gia không thể nói một vấn đề lịch sử khi không dựa trên sự kiện lịch sử và sự 1 Judith Moyer, tr.3. 2 Richad Drew. 2003. Histoty Teachers’ Discussion Forum. United Kingdom: School History, tr. 2. 3 Tỳ Sa môn nguyên thủy là một vị thần Ấn Độ nhưng sau đó tục thờ cúng vị thần này được lan truyền sang Trung Hoa, Nhật Bản và cả Việt Nam (Nguyễn Tự Cường). 4 Như Hạnh (Nguyễn Tự Cường). 1995. Tỳ Sa môn Thiên Vương (Vaisravana), Sóc Thiên Vương và Phù Đổng Thiên Vương. Trong: Tôn giáo Việt Nam thời Trung Cổ. Bài viết do tác giả tặng, trang 6 (Bài này đã đăng trong Tạp chí Triết, xuất bản ở Mỹ). 152
- kiện lịch sử chỉ có giá trị với sự giải thích của sử gia. Sự kiện lịch sử không bao giờ tồn tại một cách độc lập với sự giải thích và nhận thức của sử gia. Chẳng hạn, lịch sử Việt Nam là sự giải thích lịch sử của các sử gia từ Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, đến Hoàng Xuân Hãn, Trần Trọng Kim, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Philippe Devillers, Jean Chesneaux, John Whitmore, Keith Taylor, Alexander Woodside, David Marr… và nhiều sử gia khác, nhiều học giả liên ngành khác. Sử gia là trí nhớ của một dân tộc vì chính họ là người đọc và giải thích quá khứ. Sử học là một sự giải thích liên tục các biến cố lịch sử (continual hermeneutics of historical events): Chính trong sự giải thích này mà một biến cố mới thực sự trở thành một biến cố lịch sử hay một nhân vật nào đó mới thực sự trở thành nhân vật lịch sử. Sử học là một ngành khoa học mang nhiều tính chủ quan. Sử học hiện đại nhấn mạnh sự giải thích lịch sử chính là để nhấn mạnh vai trò của sử gia, vì vậy sử học là một ngành khoa học không tránh khỏi sự chủ quan. Thật vậy, đọc lịch sử cách mạng Pháp tức là đọc Jules Michelet hay François Crouzet, v.v. Đọc lịch sử La Mã tức là đọc Theodor Mommsen, v.v. Đọc lịch sử đời Tần-Hán của Trung Quốc tức là đọc lời kể của Tư Mã Thiên, v.v. Các sử gia trên đã xử lý, thuật sự hóa và tiến hành giải thích các biến cố lịch sử, truyền cho chúng một ý nghĩa để phục sinh quá khứ trong cái nhìn của hiện tại. Các học giả Mỹ gần đây có khuynh hướng sang Việt Nam để phỏng vấn các nhân vật liên quan trực tiếp đến lịch sử Việt Nam hiện đại. Bằng cách trình bày song song những cái nhìn khác nhau của những người trong cuộc, thậm chí tương phản nhau về cùng một biến cố lịch sử, các sử gia cho thấy tính chất phức tạp, đa diện của chính biến cố và nhấn mạnh yếu tố giải thích trong phương pháp sử học. Từ sự giải thích lịch sử này, nhiều quan điểm khác nhau đã xuất hiện và nhiều trường phái giải thích lịch sử đã ra đời từ thời cổ đại cho đến ngày nay. 3. LỊCH SỬ CỦA CÁC PHƯƠNG PHÁP GIẢI THÍCH LỊCH SỬ - CÁC TRƯỜNG PHÁI CHÍNH CỦA PHƯƠNG TÂY 3.1. Phương pháp kể lại một câu chuyện thật (narrative): 4.000-500 trước Công nguyên Herodotus of Halicarnassus (484-425 trước Công nguyên): Sử gia Hy Lạp, được xem là sử gia đầu tiên của thế giới phương Tây và được coi là cha đẻ của ngành sử học. Ông là người sáng tạo ra phương pháp kể một câu chuyện thật, có đầu đuôi theo một trình tự thời gian (chronological order), không bình luận gì. The Histories (Những câu chuyện lịch sử) của Herodotus là tác phẩm lịch sử sơ khai nhất. Trong tác phẩm này, Herodotus đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của phương pháp nghiên cứu lịch sử khi ông cố gắng nhận ra những lời kể nào hay câu chuyện nào là đáng tin cậy hay kém tin cậy và đích thân đi nhiều nơi để nghiên cứu và xác minh. Kết quả là ông có được một câu chuyện trung thực (không định kiến) đáng chú ý về nhiều nền văn hóa vùng Địa Trung Hải.1 1 Herodotus of Halicarnassus. The Histories. Bản dich sang tiếng Anh của Robin Waterfield 1998. Oxford: Oxford University Press. 153
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Huyền thoại và lịch sử các khoa học nhân văn - Laurent Mucchielli
595 p | 170 | 75
-
Giáo trình Đại cương về xã hội học: Phần 1 - TS. Nguyễn Văn Sanh (chủ biên)
152 p | 328 | 65
-
Xã hội và lịch sử - Phương pháp nghiên cứu: Phần 1
134 p | 123 | 20
-
Tính lịch sử của phạm trù công bằng xã hội và một số nguyên tắc cơ bản của việc thực hiện công bằng xã hội ở nước ta hiện nay
7 p | 248 | 16
-
Xã hội học và lịch sử: Hôn nhân và gia đình trong lịch sử - GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn
6 p | 98 | 9
-
Phật giáo Việt Nam với vai trò dẫn dắt tinh thần xã hội trong lịch sử và hiện tại
6 p | 57 | 9
-
Bài giảng Lịch sử sách và Lịch sử thư viện (Ngành: Thư viện) - Trường CĐ Cộng đồng Lào Cai
32 p | 51 | 7
-
Tìm hiểu chức năng và gia đình người Việt, dưới giác độ xã hội học lịch sử - Phan Đại Doãn
0 p | 168 | 7
-
Văn hoá chính trị và lịch sử dưới góc nhìn văn hoá chính trị
6 p | 55 | 7
-
Truyền thuyết quả dưa hấu – Mai An Tiêm từ góc nhìn xã hội học lịch sử
8 p | 82 | 6
-
Xã hội học và lịch sử: Hiểu và ngăn chặn di hại của Nho giáo trong công cuộc xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa - Trần Đình Hượu
5 p | 105 | 5
-
Tìm hiểu phân tầng xã hội trong lịch sử và áp dụng vào nghiên cứu phân hóa giàu nghèo ở nước ta hiện nay - Đỗ Thiên Kính
0 p | 114 | 5
-
Nâng cao vai trò khoa học xã hội và nhân văn phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa
7 p | 54 | 4
-
Nghiên cứu lịch sử Văn minh: Phần 2
109 p | 12 | 3
-
Xã Tượng Sơn - Lịch sử Đảng bộ và nhân dân (1930 - 2016): Phần 1
109 p | 42 | 2
-
Đảng bộ xã Trà Nam - Lịch sử (1945 - 2015): Phần 2
141 p | 48 | 1
-
Tạp chí Khoa học: Số 33 - Khoa học xã hội và giáo dục
197 p | 38 | 1
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn