intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Xu hướng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế tại Việt Nam

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nghiên cứu "Xu hướng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế tại Việt Nam" nhằm mục đích đánh giá thực trạng đào tạo, đưa ra những xu hướng đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế, góp phần gợi mở những vấn đề cốt lõi để các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng nghiên cứu, áp dụng, giúp nguồn nhân lực du lịch Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và được thị trường đánh giá cao. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Xu hướng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế tại Việt Nam

  1. XU HƯỚNG ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH ... CHUẨN QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM PGS.TS. Nguyễn Đức Thắng1 Tóm tắt: Bối cảnh thế giới mới với nhiều xu hướng và sự dịch chuyển dòng khách trong du lịch, khiến cho du lịch Việt Nam phải nắm bắt và đón đầu xu hướng, dự báo các vấn đề liên quan đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch (NNLDL) chất lượng cao, chuẩn quốc tế. Các trường đại học, cao đẳng là hạt nhân trong xu thế tất yếu này. Nếu một số cơ sở đào tạo cứ đào tạo theo các cách thức thông thường thời gian qua thì khó có thể có được nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe. Do đó, nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá thực trạng đào tạo, đưa ra những xu hướng đào tạo phát triển NNLDL chuẩn quốc tế, góp phần gợi mở những vấn đề cốt lõi để các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng nghiên cứu, áp dụng, giúp NNLDL Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và được thị trường đánh giá cao. Từ khóa: nguồn nhân lực, xu hướng, chất lượng, chuẩn quốc tế, đào tạo. TRAINING AND DEVELOPMENT TRENDS OF TOURISM HUMAN RESOURCES INTERNATIONAL STANDARDS IN VIETNAM Abstract: The new world context with many trends and shifts in tourist flows requires Vietnamese tourism to grasp and anticipate trends, forecasting issues related to training and human resource development hiquality, international standard tourism. Universities and colleges are the nucleus in this inevitable trend. If some training facilities continue to train in the usual ways over time, it will be difficult to have quality human resources to meet the increasingly demanding market requirements. Therefore, this study aims to evaluate the current state of training, provide training trends for developing tourism human resources with international standards, and contribute to suggesting cỏe issues for university and college training institutions. Research, apply, and help Vietnam’s tourism resources become increasingly stronger and highly appreciated by the market. Keywords: human resource, trend, quality, international standard, training. 1 Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Công nghệ Đông Á; Tổng Thư ký Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam.
  2. XU HƯỚNG ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH... 53 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Những tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đang đón chào lượng khách quốc tế tăng cao so với năm 2023. Tín hiệu tích cực này là động lực cho ngành, đồng thời là cơ hội và thách thức cho nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là khách quốc tế. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Du lịch Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong đó có yếu tố nhân lực. Nhiều năm qua, ngành du lịch đã có những nỗ lực trong việc phát triển nhân lực và bước đầu đạt được các hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch dù nhiều về số lượng nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn ngày càng cao, đặc biệt là tiêu chuẩn quốc tế của ngành, tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường đáp ứng được chuẩn quốc tế tương đối thấp. Thực tế đó đòi hỏi toàn ngành Du lịch của chúng ta phải rất nỗ lực, cùng chung tay bàn thảo để có hướng đi đúng đắn cho việc tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường. Về ưu điểm, số lượng nhân lực trong ngành du lịch của nước ta đang có xu hướng tăng. Điều này phản ánh rõ nét vai trò đặc biệt quan trọng của ngành cũng như tính hiệu quả của công tác xã hội hóa hoạt động du lịch. Đội ngũ nhân lực của ngành được đánh giá là một trong các nhân tố quan trọng đóng góp tích cực vào thành tựu xây dựng, phát triển ngành trong nhiều năm qua. Trình độ, kỹ năng chuyên môn, năng lực quản lý,… ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hàng năm ngành du lịch cần tới 40.000 lao động. Tuy nhiên, thực tế nguồn cung chỉ đảm bảo được khoảng 20.000 nhân lực. Trong đó, chủ yếu là lao động trình độ trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn. Ngoài ra, nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế lại chiếm tỷ lệ rất thấp trong số các sinh viên ra trường hàng năm. Với thực trạng nguồn nhân lực du lịch hiện nay, Nhà nước cũng như các doanh nghiệp du lịch cần có nhiều biện pháp đặt ra nhằm
  3. 54 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, qua đó, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch một cách nhanh chóng. Xu hướng du lịch trên thế giới và tại Việt Nam ngày càng có những biến đổi, khó lường cả về cầu du lịch, cung du lịch trong thị trường du lịch. Mức độ cạnh tranh ngày càng gắt gao. Do đó, du lịch Việt Nam cần nắm bắt xu hướng, dự báo và đánh giá nội lực để phát triển nguồn nhân lực du lịch phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế. 2. NỘI DUNG 2.1. Xu hướng, bối cảnh thị trường du lịch thế giới và tại Việt Nam Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) nhận định, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích thăm quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%. Một trong những xu hướng quan trọng nhất là sự quan tâm mới đến du lịch bền vững, khi mọi người nhận thức rõ hơn về tác động của du lịch đối với môi trường và cộng đồng địa phương. Tính bền vững đã trở thành một vấn đề ngày càng quan trọng trong những năm gần đây và khách du lịch giờ đây nhận thức rõ hơn bao giờ hết về tác động của các chuyến đi của họ đối với môi trường. Điều này có thể bao gồm các hoạt động như tình nguyện trong các dự án bảo tồn, ở trong những nơi ở thân thiện với môi trường và hỗ trợ các doanh nghiệp bền vững tại địa phương. Tuy mục đích của đa số thị trường khách vẫn là tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, song nhiều nhu cầu mới sẽ hình thành. Du khách ngày càng quan tâm tới nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Du lịch trải nghiệm là tất cả về việc hòa mình vào văn hóa, lịch sử và phong tục địa phương của một điểm đến. Điều này có thể bao gồm tham gia lớp học nấu ăn với đầu bếp địa phương,
  4. XU HƯỚNG ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH... 55 học nghề thủ công truyền thống từ các nghệ nhân hoặc tham gia lễ hội văn hóa. Việt Nam, với chi phí của dịch vụ chữa bệnh, làm đẹp tương đối thấp so với nhiều quốc gia nên giai đoạn gần đây, đã bắt đầu xuất hiện các dòng khách quốc tế và bà con Việt kiều về Việt Nam chữa bệnh, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe. Nhiều dịch vụ du lịch chữa bệnh, chữa lành được du khách rất thích như thiền với du lịch; Yoga với du lịch; du lịch tâm linh; làm đẹp thẩm mĩ kết hợp du lịch; nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh; làm răng kết hợp du lịch;… Ngành Du lịch đang trải qua một số xu hướng mới thú vị vào năm 2023 – 2024. Từ du lịch sinh thái đến du lịch chăm sóc sức khỏe đến du lịch đa thế hệ, sẽ có điều gì đó phù hợp với mọi đối tượng khách du lịch. Bằng cách đi đầu trong các xu hướng này, các doanh nghiệp du lịch có thể định vị mình để thu hút và phục vụ cho các phân khúc du lịch mới và đang nổi này. Trước làn sóng này, các công ty du lịch cũng phải đầu tư chất xám nhiều hơn trong việc xây dựng đội ngũ nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường. Không chỉ thế giới mà ở Việt Nam, những chuyến đi nghỉ dưỡng đơn thuần không còn được lựa chọn nhiều. Du khách đang quan tâm hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Khách sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị. Nếu trước đây, du lịch biển theo trào lưu là phổ biến thì những năm gần đây đã chuyển hướng sang nghỉ dưỡng núi, trải nghiệm văn hóa địa phương. Khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang trở nên thịnh hành. Du lịch công nghệ cao như du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo, du lịch điện tử,… thông qua các khu vui chơi giải trí hiện đại, các công viên, tổ hợp giải trí cũng ngày càng thu hút số lượng lớn khách du lịch. Không nằm ngoài dòng chảy đó, diện mạo du lịch Việt Nam cũng đang có những chuyển biến tích cực theo xu thế toàn cầu. 2.2. Yêu cầu cho thị trường du lịch và nguồn nhân lực du lịch tại Việt Nam Bối cảnh mới, du lịch Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Đó là cuộc chiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia để tạo lợi thế cạnh
  5. 56 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... tranh, tạo sức hấp dẫn. Đó là cuộc chiến định vị sản phẩm để tạo lợi thế so sánh và cuộc chiến giành thị phần từ các thị trường trọng điểm và mới nổi. Thời gian qua, khách du lịch tàu biển đến Việt Nam ngày càng tăng; khách cao cấp, người nổi tiếng bắt đầu đến du lịch tại đất nước ta mật độ ngày càng lớn; khách du lịch đám cưới của các tỷ phú Ấn Độ bắt đầu khiến chúng ta phải quan tâm vì đó là thị trường màu mỡ, lợi nhuận cao,… Khách phổ thông thì ngày càng có nhiều lựa chọn ở mọi phân khúc. Các quốc gia quanh ta như Thái Lan, Singapore, Malaysia bắt nhịp hậu COVID-19 nhanh hơn ta, hiệu quả hơn ta nên khiến cho cạnh tranh thị trường ngày càng lớn và yêu cầu cấp thiết đòi hỏi cần có nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, chuẩn quốc tế cho các vấn đề sau: Yêu cầu chung đối với nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế: Muốn có được một nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế, các cơ sở đào tạo cần đào tạo, bồi dưỡng học sinh, sinh viên các cấp độ trình độ đạt chuẩn quốc tế. Nhìn chung, đã là chuẩn quốc tế thì tức là nguồn nhân lực du lịch đó phải đáp ứng được, thích nghi được khi có những xu hướng, biến động của du lịch thế giới, đồng thời có thể làm việc được ở các môi trường doanh nghiệp du lịch, khách sạn tiêu chuẩn quốc tế trong và ngoài nước. + Với cấp độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề: Cần đạt được chuẩn VTOS trong các nghiệp vụ khách sạn và đạt chuẩn hướng dẫn viên du lịch quốc tế; điều hành du lịch quốc tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng Ngoại ngữ; Thái độ; Tính chuyên nghiệp; Kỹ năng; Kiến thức. Đồng thời Chương trình đào tạo phải có một tỷ lệ tương đồng với chương trình đào tạo của quốc tế. Đề cương chi tiết các học phần cũng cần đáp ứng, phù hợp với chương trình khung, có mục tiêu và chuẩn đầu ra tiệm cận với nhu cầu doanh nghiệp du lịch quốc tế. + Với cấp độ đại học: Bên cạnh việc sinh viên tốt nghiệp đại học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn cần phải đáp ứng được các yêu cầu về Ngoại ngữ; Thái độ; Tính chuyên nghiệp; Kỹ năng; Kiến thức thì sinh viên khi ra trường cần phải có hành trang được đào tạo về thiết kế xây dựng sản phẩm du lịch cao cấp, chuyên
  6. XU HƯỚNG ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH... 57 biệt, về áp dụng công nghệ trong sáng tạo sản phẩm, dịch vụ du lịch và về kỹ năng sales & marketing trực tuyến. Chương trình đào tạo và đội ngũ giảng viên phải đạt/ tiệm cận trình độ quốc tế. Yêu cầu về nguồn nhân lực du lịch phải có ngoại ngữ: Tiếng Anh là chủ đạo trong công cuộc đào tạo NNLDL chất lượng cao. Hiện nay, đại đa số sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường có trình độ tiếng Anh không tốt. Chỉ một tỷ lệ thấp sinh viên có khả năng giao tiếp trôi chảy tiếng Anh khi ra trường. Trong khi đó, nhu cầu của ngành Quản trị Khách sạn ngày càng cao về nguồn nhân lực du lịch có khả năng sử dụng tiếng Anh. Khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng đông nên nhu cầu hướng dẫn viên du lịch Inbound có khả năng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác cũng rất lớn. Do đó, các cơ sở đào tạo cần xem xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ, mức độ đáp ứng và cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực du lịch chất lượng, chuẩn quốc tế. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đành phải chấp nhận tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học ngoại ngữ vì điều kiện cần nhất với họ là ngoại ngữ, những nghiệp vụ, kỹ năng khác họ sẽ đào tạo ngắn hạn để nhân viên nhanh chóng bắt nhịp, còn hơn là nhân viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị khách sạn, Quản trị lữ hành nhưng không có hoặc yếu ngoại ngữ, dẫn đến chỉ có thể bố trí làm việc ở những bộ phận không tiếp xúc nhiều với khách nước ngoài. Đó là bất cập rất lớn và là nghịch lý đang tồn tại nhiều năm nay. Nếu không có sự thay đổi thì trong thời gian tới, nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế sẽ vẫn rất thiếu. Yêu cầu về nguồn nhân lực du lịch đáp ứng được tiêu chuẩn số hóa, công nghệ và phát triển bền vững: Với xu hướng phát triển du lịch bền vững gắn với áp dụng công nghệ, chúng ta đang chứng kiến nhiều cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành, điểm đến, địa phương áp dụng công nghệ kỹ thuật số, chẳng hạn như nền tảng trải nghiệm của khách, để giảm sự phụ thuộc vào giấy tờ. Hà Nội đang là địa phương đi đầu trong xu thế này. Rất nhiều công nghệ như Imuseum; AR; 3D mapping,… đã được áp dụng tại nhiều điểm đến. Du lịch đêm cũng đã phát triển mạnh mẽ tại Thủ đô với 16 sản phẩm hấp dẫn. Với
  7. 58 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... một khách sạn, số hóa từ phần mềm đến những thứ như thủ tục nhận phòng và trả phòng, danh bạ khách và hệ thống thanh toán. Bằng cách triển khai các hệ thống kỹ thuật số này, các khách sạn có thể giảm mức tiêu thụ giấy, tiết kiệm chi phí và nâng cao trải nghiệm của khách với các quy trình hiệu quả và hợp lý hơn. Yêu cầu về nguồn nhân lực du lịch sáng tạo, xây dựng được các sản phẩm du lịch chuyên biệt, tạo lợi thế so sánh: Ví dụ: Du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa bệnh cũng là bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp du lịch. Các công ty lữ hành cần có các nhân viên giỏi marketing, thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên biệt; Các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng cũng như các địa điểm du lịch cần thiết kế không gian riêng để thúc đẩy sự thư giãn và tĩnh lặng, với các tính năng như khu vườn tươi tốt, không gian thiền định và phòng cách âm. Các dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh thời đại như các bệnh gout, tiểu đường, tim mạch,... Ngoài ra, khách quốc tế có xu hướng kết hợp du lịch cùng các chuyến đi công tác. Ví dụ: nghỉ biển  kết hợp với hội nghị, du lịch khen thưởng kết hợp thăm dò thị trường, du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày kết hợp với casino..v.v. đòi hỏi các cơ sở đa dạng hoá các sản phẩm như tạo chương trình nghỉ ngơi tham quan di tích lịch sử kết hợp thăm trang trại trồng rau, chè và cây ăn quả, tổ chức các hoạt động giải trí trên biển. Yêu cầu về nguồn nhân lực du lịch giỏi về sales, marketing gắn với áp dụng công nghệ: Xu hướng chọn tour du lịch tự thiết kế, đặt chỗ qua mạng; tự lựa chọn dịch vụ, không đi theo tour trọn gói đang ngày càng rõ nét. Việc đặt dịch vụ trực tuyến đang chiếm đa số. Do đó, sau vụ việc phá sản của ông lớn ngành du lịch Cooks & Son năm 2019 và sau khi các OTA (Online Travel Agent như Booking; Agoda; Airbnb;…) ngày càng chiếm thị phần cao nhất trong các phân khúc bán sản phẩm du lịch, thì việc đào tạo được một đội ngũ NNLDL chuẩn quốc tế có khả năng áp dụng công nghệ, giỏi kỹ năng sales & marketing là rất cần thiết. Các cơ sở đào tạo hoàn toàn có thể mở thêm các chuyên ngành đào tạo chuyên về lĩnh vực này. 2.3. Một số giải pháp Với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
  8. XU HƯỚNG ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH... 59 Các cơ sở đào tạo cần nhanh chóng xem xét điều chỉnh, xây dựng mới chương trình đào tạo hai ngành chính là Quản trị Khách sạn và Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành. Về bản chất, do là khối ngành Quản trị nên cách tiếp cận đào tạo vẫn là đào tạo ra trường một sinh viên có tư duy quản trị, có tố chất quản lý, nhưng lại phải có chuyên môn nghiệp vụ tốt, kiến thức tốt và ngoại ngữ tốt. Rõ ràng, thật khó để tốt tất cả các yếu tố trên nhưng không thể không làm. Bên cạnh các chương trình đào tạo thông thường hiện nay, nên chăng, các cơ sở đào tạo đại học cần quan tâm đào tạo theo Chương trình đào tạo hướng dẫn viên du lịch quốc tế, quản trị khách sạn quốc tế. Hầu hết các học phần sẽ được đào tạo bằng tiếng Anh. Do đó, đầu vào của sinh viên cần phải thay đổi cách tiếp cận, đó là bên cạnh tổng điểm xét tuyển theo mức sàn của trường thì riêng tiếng Anh cần mạnh dạn chỉ tuyển các em có điểm tốt nghiệp THPT hoặc trung bình chung cao, ít nhất 8 điểm, sau đó sàng lọc để có một lớp quốc tế. Số còn lại thì dành cho các học phần quản trị, kinh tế, kỹ năng, thực tế, thực hành, thực tập. Chỉ có cách làm như vậy thì mới giúp cho các nhà tuyển dụng không phải đau đầu cho bài toán nghịch lý: sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành du lịch, khách sạn tuyển được ít, trong khi sinh viên tốt nghiệp ngoại ngữ lại tuyển được nhiều. Ngoài ra, cần có chuẩn đầu ra ngoại ngữ, chủ yếu là ưu tiên chuẩn đầu ra kỹ năng giao tiếp nghe, nói. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề thì bên cạnh đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ, cũng cần quan tâm chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tăng thời lượng ngoại ngữ trong việc đào tạo nghiệp vụ, trong thực hành nghiệp vụ. Các chuyên gia chỉ ra rằng nhu cầu tuyển dụng nhân lực cho các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú và ăn uống trong khu vực đang tăng cao. Việt Nam và các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký kết thỏa thuận cho phép trao đổi lao động, bao gồm cả lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP) trong ASEAN yêu cầu các cơ sở giáo dục trong nước phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, và các nhà quản lý và giảng viên phải trang bị kiến thức công nghệ, theo tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch.
  9. 60 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Bên cạnh các thị trường truyền thống như Đông Bắc Á, Tây Âu, du lịch Việt Nam đã thấy tín hiệu vui từ các thị trường Mỹ, Ấn Độ, Úc, Đông Nam Á. Khách Tây Âu (Pháp, Anh, Đức, Ý,…) có xu hướng giảm chính là vấn đề khiến du lịch Việt Nam phải làm mới mình, tạo những giá trị và lợi thế so sánh, trong đó có vấn đề nguồn nhân lực du lịch phục vụ thị trường này cần được quan tâm. Ví dụ, hướng dẫn viên tiếng Tây Ban Nha tại Việt Nam chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nói ngôn ngữ này, tiếng Ý, Đức cũng tương tự, đó đó cần tập trung phát triển đội ngũ nhân lực có khả năng đón khách. Ngoài ra, việc xúc tiến đường bay thẳng tới các thị trường này cũng cần quan tâm. Thị trường khách du lịch Trung Quốc cũng khiến chúng ta phải xem lại cách thức triển khai, bán và đón tiếp các nhóm khách thuộc thị trường tỷ dân này. Ngoài ra, nhân sự chất lượng cao, có ngoại ngữ, có khả năng áp dụng công nghệ vào triển khai xúc tiến bán các thị trường cũng là một yếu tố cần quan tâm. Việc các OTA (các đại lý du lịch trực tuyến) trên thế giới đã dần thống trị, chiếm lĩnh thị phần du lịch của các kênh bán truyền thống đã khiến du lịch thế giới phải tư duy lại. Du lịch Việt Nam nên quan tâm đào tạo đội ngũ nhân lực có khả năng bán sản phẩm du lịch toàn cầu, sử dụng công nghệ và ngoại ngữ thành thạo, có kiến thức kỹ năng về quản trị, marketing,… Vai trò của sales & marketing ngày càng quan trọng trong bối cảnh mới. Liên kết giữa trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân sự du lịch “Đào tạo lại” là cụm từ mà hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đều đề cập tới khi nói về vấn đề tuyển dụng nhân sự hiện nay. Theo các chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng này là do nguồn nhân lực mà các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, các trường đào tạo “mỗi nơi mỗi kiểu” (vì sự không đồng bộ trong chương trình đào tạo). Để chủ động các đơn vị sử dụng nhân lực luôn phải có những chính sách đào tạo, chiến lược đào tạo riêng, để bảo đảm các nhân sự mới khi vào nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu về nghiệp vụ.
  10. XU HƯỚNG ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH... 61 Để làm được điều này, trước hết bản thân phía cơ sở đào tạo lĩnh vực du lịch cần xây dựng các chính sách, cơ chế và các quy định về hình thức, nội dung, cơ chế hợp tác và đãi ngộ, đồng thời khuyến khích nhà khoa học và cá nhân tham gia và tích cực khai thác các hợp tác với doanh nghiệp song song với việc đăng ký, xác lập và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp để có nguồn thu tái đầu tư cho nghiên cứu, phát triển. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần chủ động mời các nhà quản lý, nhà khoa học giỏi từ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu của nhà trường, đồng thời quan tâm lựa chọn và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có tinh thần doanh thương, có khát vọng kinh doanh để tham gia các chương trình, dự án khởi nghiệp và phát triển ý tưởng thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ. Để việc hợp tác đạt được hiệu quả, đáp ứng được nguồn nhân sự du lịch đáp ứng với cầu thị trường hiện nay, doanh nghiệp cần nhìn nhận việc hợp tác, liên kết với đại học mang tính chiến lược: tìm cơ hội kinh doanh và đổi mới, sáng tạo, phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài của chính doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tạo lập các chính sách nội bộ doanh nghiệp để thúc đẩy và xây dựng nền văn hóa sáng tạo trong doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động R&D tại doanh nghiệp song song với đó cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích đội ngũ nhà khoa học ở các trường đại học tham gia vào các dự án và chia sẻ học thuật với doanh nghiệp. Các ứng viên tiềm năng mới thường đến từ các trường Đại học, Cao đẳng và các nguồn lực địa phương. Các công ty có thể nhanh chóng tăng cường kết nối với Trung tâm việc làm để tiếp cận nhóm nhân tài này. Sau khi được họ quan tâm, doanh nghiệp cần có chương trình đào tạo bài bản thông qua các khóa đào tạo thực tế và chuyên sâu để nhân viên đáp ứng yêu cầu công việc nhanh nhất có thể. Quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực du lịch có khả năng áp dụng công nghệ, số hóa vào hoạt động du lịch
  11. 62 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Cuộc cách mạng công nghệ số đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đối với lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, ví dụ như phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh cách mạng công nghệ số. Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghệ số đòi hỏi phải am hiểu và sử dụng thành thạo một số công nghệ cơ bản, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông; am hiểu các công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghệ số và những ứng dụng của nó cho ngành Du lịch; có khả năng tiếp cận và thích ứng nhanh với những biến đổi mà cách mạng công nghệ số tác động đến ngành Du lịch; sẵn sàng nắm bắt, tiếp nhận và sử dụng các công nghệ mới được ứng dụng hỗ trợ cho từng vị trí công việc. Cách mạng công nghệ có thể đe dọa đến một số vị trí lao động phổ thông như: nhân viên an ninh, nhân viên vệ sinh môi trường, nhân viên soát vé, trông xe,... nếu các cơ quan quản lý du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch áp dụng các hệ thống cảnh báo, kiểm soát an ninh tự động; các thiết bị tự động, robot dọn vệ sinh, hút bụi, tưới cây; hệ thống vé điện tử, thẻ tham quan điện tử tích hợp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, cuộc cách mạng công nghệ đem lại một số công việc mới cho nhân sự du lịch, cụ thể như hướng dẫn viên du lịch công nghệ, kỹ thuật viên du lịch công nghệ, nhân viên marketing du lịch trực tuyến, nhân viên bán hàng và hỗ trợ chăm sóc khách hàng trực tuyến và các vị trí việc làm khác tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phầm mềm du lịch, doanh nghiệp sản xuất thiết bị công nghệ phụ trợ cho ngành Du lịch nhờ xu hướng du lịch mới như du lịch công nghệ cao (high-technical tourism), du lịch thông minh (smart tourism), du lịch ảo (virtual reality tourism). Quan trọng hơn cả, cuộc cách mạng công nghệ có thể làm thay đổi tiêu chuẩn nghề du lịch, đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong việc đổi mới hệ thống đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch. Nội dung chương trình đào tạo có thể sẽ phải tăng thêm số tín chỉ cho các học phần về công nghệ thông tin hoặc phải bổ sung thêm một số học phần liên quan đến ứng dụng công nghệ
  12. XU HƯỚNG ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH... 63 với ngành Du lịch cũng như những nghề du lịch mới xuất hiện do tác động của cách mạng công nghệ số. Sự thay đổi chương trình đào tạo sẽ kéo theo sự thay đổi đối với cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ dạy và học (phòng học, thư viện, phòng thực hành), thay đổi phương pháp dạy học, công cụ, phương tiện dạy học và thậm chí, phải thay đổi cả nguồn nhân lực tại các cơ sở đào tạo về du lịch. 3. KẾT LUẬN Để phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ số, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, cần bắt đầu từ cơ sở đào tạo, phải đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đặc biệt quan tâm đến ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thực tế, thực hành, thực tập. Ngoài ra, từ vấn đề nội tại, mỗi người lao động trong ngành cần tích cực học hỏi, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ – đặc biệt là kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc, sẵn sàng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới phục vụ công việc của bản thân. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý du lịch các cấp, cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của đội ngũ người lao động, khách du lịch và cộng đồng về cách mạng công nghệ số với ngành du lịch; tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo về cách mạng công nghệ số với ngành du lịch cũng là những biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho lực lượng lao động toàn ngành. Để việc đào tạo, tập huấn được tốt đẹp, góp phần gia tang số lượng nhân sự du lịch chất lượng cao, Tổng cục Du lịch nên phối hợp cùng các doanh nghiệp du lịch trong việc tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cho nguồn nhân lực du lịch nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về cách mạng công nghệ số với ngành Du lịch. Để phát triển du lịch bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, rất cần có sự rà soát, đánh giá lại, đầu tư, đào tạo lại lao động nghề phục vụ hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Bên cạnh đó, cũng có thể kỳ vọng khi du lịch từng bước phục hồi, các
  13. 64 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... địa phương và doanh nghiệp cũng sẽ có các biện pháp thích hợp để dần dần khôi phục lại và phát triển nhân sự cho mình. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (2022).  “Hoạt động du lịch tại nhiều địa phương khởi sắc trong quý I năm 2022”. 2. Richards, G. (2008). Youth travel matters: Understanding the global phenomenon of youth travel. World Tourism Organization (WTO). 3. Yunusovich, S. (2018). “Youth tourism as a scientific research object”. Journal of Tourism & Hospitality, 1 – 3. 4. Thủ tướng Chính phủ (2020), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030. 5. Tài liệu Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” năm 2019 của Sở Du lịch Hà Nội;
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2