Du lịch trong bối cảnh hiện tại và vấn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực
lượt xem 1
download
Bài viết "Du lịch trong bối cảnh hiện tại và vấn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực" xem xét tầm quan trọng, sự tương thích của việc xây dựng đội ngũ nhân lực du lịch đối với giai đoạn hiện nay để thiết lập nên một nền cảnh cho sự thảo luận sâu hơn về vấn đề này cho mỗi giai đoạn phát triển của ngành du lịch. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Du lịch trong bối cảnh hiện tại và vấn đề đặt ra đối với nguồn nhân lực
- DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HIỆN TẠI VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC PGS.TS. Bùi Thanh Thủy1 Tóm tắt: Du lịch có thể định nghĩa bằng nhiều cách khác nhau và nhìn nhận từ nhiều góc độ, nhưng về cơ bản nó là một lĩnh vực tổng hợp bao gồm hai khái niệm căn gốc du lịch và phát triển mà yếu tố cơ sở để thực hiện vấn đề này là yếu tố con người. Hơn nữa Du lịch - một ngành luôn ở trạng thái động, luôn thay đổi và luôn phát triển, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập mang tính khu vực/ quốc tế thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cần phải được chú trọng do tính gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động du lịch, sự phát triển của đời sống xã hội, nhu cầu của con người và sự chuyển đổi của ngành nghề. Trên phương diện đó, bài viết xem xét tầm quan trọng, sự tương thích của việc xây dựng đội ngũ nhân lực du lịch đối với giai đoạn hiện nay để thiết lập nên một nền cảnh cho sự thảo luận sâu hơn về vấn đề này cho mỗi giai đoạn phát triển của ngành du lịch. Từ khóa: nhân lực du lịch, bối cảnh, yêu cầu. TOURISM IN THE CURRENT CONTEXT AND PROBLEMS FACING HUMAN RESOURCES Tiếng Anh: Tourism can be defined in many different ways and viewed from many angles, but it is basically a comprehensive field that includes two fundamental concepts: tourism and development, which are the basis for implementation. This problem is the human factor. Furthermore, Tourism - an industry that is always in a dynamic state, always changing and always developing, especially when placed in the context of digital transformation and regional/international integration, the training of quality human resources is essential. needs to be emphasized due to its close connection with the tourism labor market, the development of social life, human needs and the transformation of the profession. In that regard, the article examines the importance and compatibility of building tourism human resources for the current period to establish a context for further discussion on this issue for the future. each stage of development of the tourism industry. 1 Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hoá Hà Nôi, Email: thuybt@huc.edu.vn
- 66 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Nhân lực là nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển của mỗi ngành, mỗi quốc gia. Trình độ phát triển của nguồn nhân lực là một thước đo chủ yếu sự phát triển của các quốc gia, các lĩnh vực ngành nghề trong quốc gia đó. Vì vậy, mọi quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực. Đối với nguồn nhân lực du lịch, nhiều cuộc hội thảo mang tầm quốc gia bàn về vấn đề này liên tục được tổ chức. Trong giai đoạn với bối cảnh trong nước và trên toàn thế giới có nhiều biến động, nhiều thách thức, tác động đến lĩnh vực du lịch đòi hỏi cần phải có những định hướng, điều chỉnh mới đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Việc nâng cao, phát triển nguồn nhân lực du lịch là một yêu cầu thường xuyên và tất yếu, một mặt, cần phải có tầm nhìn chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn, nhưng đồng thời, trong mỗi thời kỳ nhất định, cần xây dựng những định hướng cụ thể để từ đó đánh giá thời cơ, thách thức, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân… giúp đề ra mục tiêu và cách thức, giải pháp phát triển thích hợp cho từng giai đoạn, phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội hiện tại trong nước và quốc tế. Hơn hết để đảm bảo nguồn nhân lực du lịch đạt chất lượng, thích ứng với từng giai đoạn phát triển, thay đổi của xã hội, ngành nghề, đáp ứng yêu cầu về chất, về cơ cấu ngành và trình độ đào tạo giúp đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh, quản trị rủi ro và hội nhập khu vực, đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động trong và ngoài nước cũng như những biến động ngành nghề ở mỗi giai đoạn khác nhau là một yếu tố quan trọng cần phải được nghiên cứu, thảo luận một cách nghiêm túc nhất là trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, nhận diện bối cảnh thực tại của ngành du lịch, những yêu cầu đặt ra đối với nguồn nhân lực du lịch và những vấn đề cần giải quyết, để đề xuất một số giải pháp đáp ứng với tình hình mới là những vấn đề cơ bản mà nội dung của bài viết đề cập.
- DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HIỆN TẠI VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC 67 2. BỐI CẢNH DU LỊCH HIỆN NAY VÀ NHỮNG YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC 2.1. Những thay đổi cơ bản trong du lịch Thế giới đang phải đối mặt với nền kinh tế toàn cầu hoá, viễn thông hoá, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, giao thông hiện đại, dịch bệnh, những hoàn cảnh và những nhu cầu mới… Du lịch do đó cùng phát sinh những biến đổi. Đó là sự xuất hiện những xu hướng mới trong du lịch như xu hướng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, xu hướng số hoá trong du lịch, xu hướng du lịch theo sở thích/ cá tính hoá, xu hướng đa dạng hoá sản phẩm du lịch, xu hướng chất lượng hoá sự phục vụ du lịch, xu hướng cạnh tranh hoá toàn diện của ngành du lịch… Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã trở thành một xu thế tất yếu và mang tính cách mạng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch. Chúng đem đến sự thay đổi trong phương thức quản lý, trong chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm, nâng cao hiệu suất kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn diện. Với tính chất đặc trưng, hoạt động du lịch là một hoạt động diễn ra trên nhiều mặt, bao gồm hoạt động xã hội, kinh tế, văn hoá, chính trị, giao lưu văn hoá và giao lưu quốc tế. Mặt khác, nhu cầu của du khách trong hoạt động du lịch rất đa dạng, phong phú vừa bao gồm nhu cầu đời sống vật chất cơ bản, vừa bao gồm đời sống tinh thần vì vậy sản phẩm du lịch là kết hợp của rất nhiều loại dịch vụ của các ngành liên quan. Chính vì thế chuyển đổi số đã làm thay đổi mô hình và cách thức hoạt động của các lĩnh vực trong nganh, các doanh nghiệp, các tổ chức và doanh nghiệp du lịch. Việc chuyển từ giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử, số hoá đã ảnh hưởng đến vị trí, vai trò và nhu cầu của các bên hữu quan (khách hàng, nhà cung cấp, đối tác…) trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động; hỗ trợ hoạt động tác nghiệp, công tác quản lý, xác định chiến lược, cách thức nhằm đạt lợi thế cạnh tranh, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu và hiệu quả công việc. Đây là một yêu cầu mới, khó đối với nguồn nhân lực du lịch giai đoạn hiện nay.
- 68 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Theo sự thay đổi của quan điểm giá trị, sự tăng trưởng dân số toàn cầu, sự phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, sự tác động của những biến cố lớn và chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao dẫn đến nhu cầu du lịch của con người ngày càng đa dạng: Một là, những nhu cầu truyền thống chủ yếu như du lịch tập thể (theo đoàn), du lịch văn hoá, du lịch nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục phát triển nhưng nội dung và phạm vi không ngừng thay đổi và mở rộng. Hai là, nhu cầu du lịch mới nổi lên, chủ yếu như du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch cộng đồng, du lịch triển lãm thương mại, du lịch xanh, du lịch thông minh…, nhu cầu này đang phát triển nhanh và ngày càng mở rộng. Ba là, nhu cầu du lịch theo chuyên đề như du lịch nông nghiệp, du lịch thám hiểm, du lịch khoa học, du lịch gia đình, du lịch chữa lành…, các nhu cầu này sẽ nổi lên trở thành một bộ phận quan trọng của nhu cầu du lịch giai đoạn hiện nay. Như vậy, để làm hài lòng nhu cầu đa dạng của du khách, sản phẩm du lịch ngày càng sẽ mang những màu sắc và nội dung phong phú. Song song với đó, sự phát triển của nền kinh tế số, khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ cao đã tạo cho không gian hoạt động kinh tế của xã hội loài người vươn rộng ra thêm lục địa, đại dương, bầu trời và điều đó đã làm cho hoạt động du lịch xuất hiện xu thế phát triển mang tính chuyên sâu, chuyên nghiệp. Đồng thời, làm cho xã hội không ngừng tiến vào thời đại tiêu dùng, tiến thêm một bước của sự phát triển cá tính trong tiêu dùng, du lịch theo đó sẽ phát triển rất nhanh sự cá tính hoá. Thể hiện trên thực tế hiện nay khách đi du lịch tản mạn, đi lẻ hoặc theo tập thể nhỏ tăng nhiều hơn so với khách du lịch đi theo đoàn. Các đoàn du lịch ngày càng phát triển theo mô hình các đoàn du lịch nhỏ, lấy gia đình làm hạt nhân. Bên cạnh đó là sự phát triển nhanh chóng của loại hình du lịch tự phục vụ, đặc biệt sau khi dịch bệnh covid trải qua, ngày càng nhiều du khách thích đi du lịch theo sở thích và cảm hứng của bản thên. Họ tự chọn địa điểm du lịch, sắp xếp lộ trình du lịch và thời gian du lịch. Mặt khác, du lịch với một thập kỷ phát triển đã bồi dưỡng các du khách ngày càng thành thục và kinh nghiệm du lịch tích luỹ
- DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HIỆN TẠI VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC 69 được ngày càng phong phú. Họ được nâng cao về trình độ giáo dục, những phương tiện truyền thông hiện đại, cách tiếp cận, xử lý các vấn đề nhu cầu nhanh chóng và sự hoàn thiện của các quy định pháp luật có liên quan, ngôn ngữ quốc tế ngày càng phổ cập khiến cho cấp độ hiểu biết của du khách tăng nhanh. Du lịch theo đó sẽ phát triển mạnh cá tính trong tiêu dùng của du khách, đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng phục vụ. Trước sự toàn cầu hoá nền kinh tế và sự phát triển thống nhất của lĩnh vực du lịch thương mại, để phục vụ lưu lượng khách ngày càng tăng và yêu cầu ngày càng cao, sự phục vụ du lịch quốc tế sẽ ngày càng phải đạt tiêu chuẩn và quy phạm hoá mang tính toàn cầu cho khách hàng, đồng thời làm hài lòng yêu cầu cá tính hoá của du khách. Muốn cung cấp sự phục vụ du lịch quốc tế đạt tiêu chuẩn hoá, quy phạm hoá và cá tính hoá, kiến thức, kỹ năng và tố chất của nhân viên phục vụ du lịch không ngừng nâng cao và cần phải được chuẩn hoá một cách chính quy mang tầm khu vực và quốc tế. Hơn nữa, mặt tốt của du lịch mang đến cho đời sống kinh tế - xã hội và viễn cảnh sự phát triển của nó khiến cho chính phủ các nước và các nhà kinh doanh du lịch ngày càng chú trọng đến sự phát triển của ngành du lịch. Ngành du lịch từ việc thiết kế sản phẩm đến phương thức phục vụ, từ chính sách giá cả đến khai thác thị trường, từ vấn đề khai thác tài nguyên đến chiến lược về nguồn nhân lực, sự cạnh tranh của nó sẽ ngày càng khốc liệt, mang tính toàn diện. Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTTO), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC),... có nghĩa là ngành du lịch Việt Nam và những dịch vụ của nó đang cùng đứng trên một đường đua với quỹ đạo tiêu chuẩn quốc tế, sẽ tạo thêm nhiều việc làm và nhu cầu nhân lực ngày càng tăng, nhất là nhân lực có trình độ kiến thức, kỹ năng cao. Sự liên kết diễn ra trong du lịch đi liền với sự đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực trách nhiệm cao: kỹ năng, trình độ chuyên nghiệp, giỏi tay nghề, được thừa nhận rộng rãi trong khu vực; có thể di chuyển và tìm được việc làm ở các quốc gia trong khối; vươn tới chủ động tham gia vào quá
- 70 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... trình phân công lao động quốc tế, đảm bảo du lịch Việt Nam có vị trí xứng đáng trong chuỗi cung cấp dịch vụ chất lượng của khu vực và thế giới. Thực tế ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có du lịch; đồng thời cũng có việc triển khai mạnh mẽ việc đầu tư du lịch ra nước ngoài. Nhu cầu nhân lực du lịch vì thế trở nên rất lớn, sự di duyển lao động từ nước ngoài vào nước ta và từ nước ta ra nước ngoài ngày một tăng, cạnh tranh thị trường lao động du lịch diễn ra ngày càng gay gắt. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ đã thay đổi mô hình kinh doanh, cách thức vận hành, quản lý, tăng cường liên kết, xây dựng cơ sở dữ liệu, tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu...; cùng việc mở cửa thị trường lao động tạo sự dịch chuyển nhân lực du lịch giữa các nước đòi hỏi mỗi nước trong khu vực phải nâng cao chất lượng nhân lực du lịch của mình, vì chất lượng nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành và của chính quốc gia đó. Đặc biệt, Việt Nam cũng như thế giới sau đại dịch Covid-19 ngành kinh tế du lịch bị tác động mạnh đến sự tăng trưởng với những khủng hoảng về nguồn khách, nhân lực, chi phí vận hành... Để hồi phục rất cần có sự cải tổ trên nhiều phương diện, trong đó có việc phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. 2.2. Yêu cầu đối với nguồn nhân lực du lịch hiện nay và những vấn đề cần giải quyết Đối với ngành du lịch, nguồn nhân lực được xem là tài sản quý giá, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững của ngành. Theo báo cáo thống kê hiện nay, mỗi năm ngành du lịch cần hơn 40.000 lao động nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch ra trường hàng năm khoảng 15.000 người, trong đó hơn 15% có trình độ cao đẳng, đại học... Nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu về mặt số lượng, và chưa đảm bảo về chuyên môn. Chất lượng nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường lao động du
- DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HIỆN TẠI VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC 71 lịch được đánh giá chung là chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp. Lao động có trình độ đại học và trên đại học mới chiếm 9,7%, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm trên 50%, dưới sơ cấp là 39,3%... Trong đó chỉ có 43% được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về các ngành nghề du lịch. Sự chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực của ngành du lịch cũng chưa đảm bảo tính bền vững, quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Nhiều lĩnh vực nhân lực còn thiếu lao động có tay nghề cao và thông thạo ngoại ngữ như dịch vụ lưu trú, hướng dẫn viên…; lực lượng cán bộ chuyên môn, chuyên gia giỏi về quản lý nhà nước, doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, hoạch định chính sách, nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược, quy hoạch…cũng rất thiếu. Bảo đảm nguồn nhân lực là một trong những khâu đột phá cho ngành du lịch, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2030 tầm nhìn 2045: chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế; tăng nhanh hàm lượng nội địa hóa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế; tăng năng suất lao động, tiết kiệm trong sử dụng mọi nguồn lực;… Du lịch Việt Nam luôn cần có lực lượng lao động lớn tạo cơ hội cho kinh tế du lịch có bước phát triển mạnh mẽ, mặt khác, giải quyết sức ép lớn về việc làm và đào tạo nghề nghiệp. Đảm bảo ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu phải hợp lý hơn theo yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển du lịch và xu thế phát triển khoa học, công nghệ khi nước ta hội nhập quốc tế sâu, toàn diện trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên thực tế, từ bối cảnh thực tại phát triển nguồn nhân lực du lịch đang đứng trước những yêu cầu: 1/ Phải có đủ nguồn nhân lực để có khả năng tham gia vào quá trình vận hành của các chuỗi giá trị mang tính khu vực và thế giới; 2/ Phải có năng lực thích ứng với nền kinh tế số, với tình trạng bảo vệ các nguồn tài nguyên khai
- 72 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... thác và sự sụt giảm các nguồn đầu tư tài chính (do tác động và hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới do dịch bệnh); có khả năng đề ra các giải pháp gia tăng cơ hội phát triển trong điều kiện thay đổi nhanh chóng của các thế hệ công nghệ, tương quan sức mạnh kinh tế giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. 3/ Nhân lực du lịch phải được đào tạo để có khả năng đáp ứng những biến đổi mang tính toàn diện của ngành; 4/ Nhân lực du lịch phải có khả năng tham gia lao động ở nước ngoài do tình trạng thiếu lao động ở nhiều quốc gia, đồng thời có đủ năng lực để tham gia giải quyết những vấn đề trong môi trường làm việc quốc tế. Đặc biệt với công nghệ trong giáo dục đào tạo của các nước phát triển trên thế giới, nguồn nhân lực, nguồn vốn và động lực vận động của nền kinh tế toàn cầu đã mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới sự vận hành trong quản lý, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới cạnh tranh quốc tế… và tạo ra những lợi thế so sánh về chương trình, nội dung, giáo trình, tư liệu, thông tin, dữ liệu, phương pháp giảng dạy buộc vấn đề đào tạo đảm bảo nguồn nhân lực nói chung và của du lịch nói riêng đạt chất lượng cao, chuẩn quốc tế phải được đặt ra. Trong nền cảnh công nghệ và sự cạnh tranh, đội ngũ nhân lực du lịch phải đạt chỉ số “thông minh”, phải có khả năng thích ứng công nghệ, năng lực đổi mới, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thăng cấp của thị trường. Cung cấp nguồn nhân lực thông minh để quản trị du lịch theo cách thông minh. Lãnh đạo quản lý, nhân viên trong các đơn vị, doanh nghiệp ngành du lịch cần được trang bị hiểu biết về công nghệ, tư duy phản biện, quản trị và phân tích, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề, để đưa ra những giải pháp tích cực cho các vấn đề phát triển bền vững. Việc thành công của một quốc gia hay doanh nghiệp du lịch trong phát triển du lịch phụ thuộc nhiều vào nhân tố con người. Bởi nhân tố này là cầu nối giữa doanh nghiệp và du khách đồng thời là nhân tố quan trọng để du khách quay trở lại. Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn, trình độ phục vụ luôn đòi hỏi sự
- DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HIỆN TẠI VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC 73 quan tâm và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO ĐẢM BẢO SỰ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY VÀ TIẾP THEO 3.1. Giải pháp chung đối với đào tạo nguồn nhân lực du lịch - Công tác đào tạo nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn, trình độ phục vụ luôn đòi hỏi sự quan tâm và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Nhà nước cần coi công tác đào tạo nói chung và đào tạo các ngành đặc thù nói riêng là vấn đề then chốt và phải được thực hiện một cách nghiêm túc, căn cơ hơn bằng những chính sách ưu tiên phát triển; Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế phải trở thành một chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Coi đây là khâu đột phá trong quá trình hội nhập và phát triển. - Ngành Du lịch cần quan tâm đến việc thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu nhân lực du lịch trên địa bàn cả nước nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu nhân lực. Đổi mới các chính sách, cơ chế, công cụ phát triển nhân lực (bao gồm các nội dung về môi trường làm việc, chính sách việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội, chú ý các chính sách đối với bộ phận nhân lực chất lượng cao, nhân tài). - Cải tiến và tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch đảm bảo phù hợp với sự phát triển của từng vùng, miền. Đầu tư cho những trường trực thuộc Bộ VHTTDL làm hạt nhân đào tạo nhân lực ngành du lịch ở tất cả các cấp đào tạo tại nhiều trung tâm du lịch trọng điểm Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh… Đồng thời hình thành các trường đào tạo chuyên nghề của địa phương. Khuyến khích mở rộng những cơ sở đào tạo du lịch ở các doanh nghiệp, ngoài công lập và có vốn đầu tư của nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, trung tâm và cơ sở đào
- 74 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... tạo, bồi dưỡng du lịch. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định chuẩn trường đào tạo về du lịch. - Thúc đẩy hội nhập giáo dục Việt Nam với hệ thống giáo dục đào tạo khu vực và thế giới: tích cực trong giao lưu giáo dục (trao đổi giáo viên, học sinh/ sinh viên, giáo trình, tài liệu, sử dụng đội ngũ chuyên gia quốc tế, đưa sinh viên sang thực tập tại các nước trong khu vực…), thực hiện tốt tiêu chuẩn giáo dục trong lĩnh vực du lịch của khu vực ASEAN. Tất nhiên những lao động được đào tạo trong hệ thống giáo dục đào tạo chung của khu vực sẽ đáp ứng được tất cả các yêu cầu của thị trường lao động tại các quốc gia; - Huy động các nguồn lực và điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch. Sửa đổi và bổ sung chính sách, cơ chế xã hội hóa phát triển nhân lực ngành du lịch. Tổ chức thực hiện các văn bản đã ban hành và tiến hành rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách xã hội hóa công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội. Để đáp ứng yêu cầu tăng quy mô và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành du lịch cần phải tập trung huy động các nguồn lực cho đào tạo. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xây dựng chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch. - Hệ thống đào tạo du lịch cần nhanh chóng đạt chuẩn quốc tế để giúp các cơ sở đào tạo đào tạo theo đúng chương trình chuẩn thống nhất và phù hợp với trình độ chung trong khu vực, công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng giữa các nước; Thiết lập khung trình độ quốc gia phù hợp với khu vực và thế giới. Xây dựng nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục và đào tạo theo định hướng phù hợp chuẩn quốc tế và đặc thù Việt Nam; tăng cường quan hệ liên thông chương trình đào tạo giữa các cơ sở giáo dục của Việt Nam và quốc tế; thực hiện công nhận lẫn nhau chương trình đào tạo; thỏa thuận về việc công nhận văn bằng, chứng chỉ đào tạo
- DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HIỆN TẠI VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC 75 giữa với các nước. Đồng thời, tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chương trình, phương pháp giảng dạy, giáo trình môn học. Đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo du lịch các cấp đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, quốc tế hoá; Tham gia kiểm định quốc tế chương trình đào tạo. Thực hiện đánh giá và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, liên kết, trao đổi về giáo dục và đào tạo đại học, sau đại học và các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, công nghệ. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn giỏi và kinh nghiệm của nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục; - Nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái trong hệ thống các trường đào tạo du lịch theo quy định của Bộ Giáo dục &Đào tạo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương cần thực hiện thường xuyên việc cung cấp thông tin chính thống dự báo nhu cầu lao động, các chuẩn ngành, nghề đến các cơ sở đào tạo; - Xây dựng quy định, cơ chế liên kết quốc tế trong đào tạo phát triển nhân lực ngành; liên kết giữa các cơ quan quản lý với các cơ sở đào tạo, cơ sở sử dụng nhân lực; liên kết giữa các cơ sở trong mạng lưới đào tạo; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài phát triển cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, hợp tác đào tạo tại Việt Nam; - Bên cạnh Hiệp hội mạng lưới các cơ sở đào tạo trong cả nước, cần thiết lập mạng hỗ trợ thư viện và tư liệu du lịch, mạng cung cấp và trao đổi thông tin giữa các cơ sở đào tạo; - Do đặc tính lao động của ngành du lịch ở nhiều trình độ khác nhau từ đơn giản (lao động nghiệp vụ) đến phức tạp (giám sát, quản lý). Vì vậy, hệ thống đào tạo du lịch nhất thiết phải đảm bảo thực hiện đào tạo liên thông từ thấp đến cao. - Hoàn thiện và triển khai đồng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo và đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
- 76 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Thực hiện nghiêm túc hoạt động kiểm định cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình đào tạo; phát triển các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động gắn với đầu tư xây dựng ở các cơ sở đào tạo nghề ở một số doanh nghiệp và một số cơ sở đào tạo; - Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị đào tạo nghề cho từng loại nghề nghiệp theo tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị đào tạo nghề của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế. Phối hợp với các Bộ ngành đưa vào tiêu chí cấp phép mở ngành, đánh giá chất lượng và xếp hạng chương trình, cơ sở đào tạo. 3.2. Giải pháp đối với các cơ sở đào tạo du lịch Trước hết các cơ sở đào tạo cần nâng cao năng lực của tổ chức. Khi cơ chế quản trị ở các trường chưa đổi mới thì khó có thể triển khai mạnh mẽ tự chủ để cạnh tranh lành mạnh nâng cao chất lượng; đủ điều kiện cung cấp nguồn nhân lực chất lượng. Bởi quyền tự chủ một mặt đảm bảo cho các cơ sở đào tạo được tự quyết định các vấn đề của mình, nhưng mặt khác lại đề cao trách nhiệm của cơ sở trước xã hội – từ những đối tượng liên quan trực tiếp như Nhà nước, nhà đầu tư, người học và gia đình họ đến những người đóng thuế để cung cấp ngân sách hoặc để kiến tạo môi trường hoạt động cho đơn vị. Nâng cao năng lực quản lý, áp dụng công nghệ quản trị nhân sự hiện đại, thực hiện quy trình quản lý đơn vị, hoạt động đào tạo theo tiêu chuẩn ISO, mở rộng và tăng cường các hoạt động từ giảng dạy đến nghiên cứu. Đưa nhanh và vận hành thành thục công nghệ thông tin, công nghệ số vào nội dung đào tạo và quản lý quá trình đào tạo. + Xây dựng đội ngũ và bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng dạy đối với giảng viên. Quy hoạch, lựa chọn, đào tạo giảng viên giỏi về lý thuyết, kỹ năng thực hành và phương pháp giảng dạy. Giảng viên là người quyết định chất lượng đào tạo, vì vậy cần phải tập trung nỗ lực vào việc đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng để “chuẩn hóa” đội ngũ giảng viên. Người giảng viên phải có năng lực về kiến thức chyên môn, kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghề, kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp. Họ
- DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HIỆN TẠI VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC 77 phải được trang bị ngoại ngữ, tin học, các phương pháp giảng dạy tiên tiến để tiếp cận với thông tin mới nhất có liên quan đến quá trình dạy học, phương pháp giảng dạy mới, có khả năng tự nghiên cứu để phát triển năng lực trong môi trường liên kết. + Tăng cường cơ sở vật chất đào tạo: Đầu tư tốt cơ sở vật chất để nâng cao đào tạo. Tăng đầu tư nguồn ngân sách cho việc nâng cấp và mở rộng cơ sở đào tạo, đặc biệt là phát triển các cơ sở thực hành đạt chuẩn khu vực cho các trường đại học, cao đẳng, trung học, nghề. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ thực hành cho sinh viên; bổ sung, thay đổi kịp thời để đáp ứng với sự phát triển. Các cơ sở đào tạo cần tạo lợi thế bằng việc thực hiện đầu tư cơ sở vật chất theo hướng áp dụng công nghệ mới, tiêu chuẩn hóa và hiện đại hóa các điều kiện dạy và học, do vậy cần ưu tiên xây dựng hệ sinh thái số, các trang thiết bị phục vụ giảng dạy học tập, quan tâm xây dựng các phòng đạt trình độ hiện đại phục vụ đào tạo và có đủ cơ sở thực hành đáp ứng nhu cầu đào tạo. Đầu tư thỏa đáng cho biên soạn giáo trình, tài liệu học tập, đảm bảo tất cả các môn học đủ sách/giáo trình, tài liệu cho sinh viên học tập. Xây dựng một môi trường xanh, đầy tính văn hóa trong các cơ sở đào tạo. Đảm bảo thư viện điện tử để chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo trong nước và thế giới, cung cấp cho người học; phòng đọc thư viện đạt chuẩn và có đủ đầu sách phục vụ, bổ sung thường xuyên sách và tạp chí chuyên ngành để có điều kiện tiếp cận, cập nhật với thông tin mới diễn ra trong đời sống xã hội nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng. Mặt khác, xây dựng các trung tâm dịch vụ trong nhà trường vừa để phục vụ đào tạo, vừa làm kinh tế cho đơn vị; + Thực hiện xã hội hóa để tăng cường trách nhiệm và nguồn lực: Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho đào tạo; Sử dụng chi phí đầu tư cơ sở vật chất hàng năm một cách hiệu quả; Khai thác nguồn lực của doanh nghiệp, của các cơ quan tuyển dụng nhân lực (đây là khu vực đầy tiềm năng có thể huy động vốn, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm thực tiễn tham gia quá
- 78 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... trình đào tạo…); Tận dụng nguồn lực của cơ sở đào tạo; Nguồn lực của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước; Nguồn vốn nước ngoài: nguồn vốn ODA, FDI và các dự án hợp tác quốc tế khác… + Nhanh chóng hoàn tất việc kiểm định chất lượng, đánh giá ngoài cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo tiến tới phân tầng xếp hạng các cơ sở đào tạo du lịch để đưa hệ thống các cơ sở đào tạo nước ta vào nền nếp và hội nhập khu vực, thế giới. Thứ hai là hoạt động trọng yếu nhất của các cơ sở đào tạo, đó là phát triển các lĩnh vực giảng dạy thông qua đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học phải gắn với thực hành. Hình thành mối liên kết giữa cấp giáo dục, với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước nhằm đào tạo đội ngũ có kỹ năng chuyên môn cao cho ngành. Cụ thể được thể hiện: + Đa dạng hoá và đổi mới chương trình đào tạo để theo kịp sự phát triển, đáp ứng tiêu chuẩn chung của các nước trong khu vực. Đào tạo theo hướng “đào tạo chuyên gia” bằng việc phân các chuyên ngành sâu giúp người học lựa chọn đúng theo sở thích, vị trí việc làm và đảm bảo yếu tố thích ứng với môi trường và công việc sau khi ra trường, thành nhân viên có chuyên môn giỏi, tay nghề cao, giúp nhà tuyển dụng dễ dàng thu nhận, phát huy tốt thế mạnh của nguồn nhân lực, giảm đi sự chồng chéo trong công tác chuyên môn. Một chương trình đào tạo thành công phải có sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động một cách kịp thời. Những thông tin từ thị trường lao động là quan trọng nhất đối với việc xây dựng chương trình đào tạo, nhất là ở bậc đào tạo nghề. Trong đó, dữ liệu đáng tin cậy là thông qua việc lấy ý kiến, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các đơn vị tuyển dụng để đánh giá độ tương thích chương trình đào tạo với nhu cầu thực tiễn và khả năng đáp ứng của sinh viên. Các cơ sở đào tạo phải điều chỉnh chương trình đào tạo thường xuyên, nhất là khi có những biến đổi lớn của ngành. Dựa vào khung
- DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HIỆN TẠI VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC 79 chương trình quốc gia, khung chương trình của ngành, tham khảo chương trình giảng dạy của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới để cập nhật chương trình đào tạo; thiết kế chương trình cô đọng, logic, tăng cường kiến thức thực tiễn, kỹ năng thực hành, năng lực tự tạo việc làm, năng lực thích ứng với những biến đổi của thực tế ngành nghề; nâng cao năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin của sinh viên. Xây dựng các chương trình bồi dưỡng, chương trình ngắn hạn cấp độ cao để nâng cao trình độ. Nội dung, chương trình phải được xây dựng theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Huy động các chuyên gia làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo khác, các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý tham gia xây dựng nội dung chương trình và đánh giá kết quả đào tạo. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với nhu cầu hội nhập, ưu tiên phát triển các kỹ năng mới trong lao động du lịch nhằm đáp ứng đòi hỏi của phát triển bao gồm kỹ năng lao động xanh, làm việc bền vững, có trách nhiệm, truyền thông đa phương tiện, nghiệp vụ thương mại điện tử… để bắt nhịp được sự phát triển; phải gắn với các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, kỹ năng giao dịch, kỹ năng marketing, kỹ năng giao tiếp trong môi trường đa văn hoá, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý hiệu quả công việc, tác phong lao động công nghiệp, kỷ luật lao động giúp sinh viên, người lao động có thể làm việc ở môi trường đa quốc gia. Bên cạnh đó trong chương trình đào tạo cần phải lồng ghép giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật của các quốc gia trong khu vực, các cam kết pháp lý trong cộng đồng ASEAN cũng như các thị trường lao động khác. + Đa dạng hoá phương thức đào tạo: đào tạo tại chỗ, đào tạo từ xa, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng trường học thực hành, học, thi tại cơ sở; đào tạo theo chương trình liên kết; đào tạo theo chương trình nhượng quyền (franchise), và đào tạo trực tuyến… để kết nối mạng lưới người dạy, người học và doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho người học và môi trường giám sát, đánh giá nhân lực cho các nhà tuyển dụng lao động.
- 80 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... + Áp dụng đúng chuẩn đầu ra tương ứng với chuẩn khu vực theo các thông tư do Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu của các trình độ giáo dục theo hướng tương thích với khung trình độ tham chiếu của ASEAN. Thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá trên cơ sở đánh giá “năng lực”, bao gồm cả 3 yêu cầu: kỹ năng, kiến thức, thái độ. Cuối kỳ, thay vì thi viết, học viên được thi thực hành để kiểm tra các đơn vị “năng lực” đã được học. Tập trung chủ yếu vào việc đánh giá “năng lực” chuyên môn nghiệp vụ và giao tiếp ngoại ngữ, tin học. + Phương pháp dạy học chính là phương pháp hỗ trợ cho sự khám phá, vì vậy cần tích cực hóa người học để khơi dậy năng lực sáng tạo và thích ứng với những biến động của thị trường. Đổi mới về phương pháp dạy học là con đường ít tốn kém nhất để mang lại hiệu quả cao trong điều kiện nguồn nhân lực còn hạn chế. Nên tăng cường giờ thực hành, thực tế; khuyến khích, kiên trì vận dụng giảng dạy lý thuyết kết hợp với thực hành phù hợp với từng hoạt động nghề nghiệp, tăng cường quan hệ giữa nhà trường với các cơ quan, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, thực tập. Vận dụng các phương pháp dạy học tiên tiến để phát huy tính chủ động, tích cực của sinh viên, phát huy được năng lực của giảng viên. Đẩy mạnh áp dụng chương trình học điện tử (E – learning), các học liệu như phim, multimedia…; ứng dụng công nghệ thực tế ảo, mô phỏng 3D, 4D, công nghệ VR… để tăng việc tiếp cận thực tế, thao tác nghiệp vụ giúp sinh viên dễ hiểu, lôi cuốn kích thích việc tìm hiểu, học tập. Khuyến khích và đẩy mạnh các hình thức liên kết giữa các cơ sở đào tạo và cơ sở tuyển dụng; kết hợp đào tạo kiến thức và kỹ năng cơ bản tại cơ sở đào tạo với đào tạo kỹ năng nghề nghiệp tại cơ quan, doanh nghiệp. + Đối với vấn đề tổ chức quá trình đào tạo. Ổn định quy mô để nâng cao chất lượng đào tạo. Các cơ sở cần tính toán lại chỉ tiêu tuyển sinh theo các tiêu chí mới để phù hợp với tiêu chuẩn chung trong khu vực và trên thế giới. Cần giám sát chặt chẽ việc điều hành chương trình để đảm bảo hợp lý về khối lượng, nhịp độ giảng dạy các môn cơ sở ngành, lý thuyết
- DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HIỆN TẠI VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI NGUỒN NHÂN LỰC 81 chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, làm cho các mảng kiến thức hỗ trợ lẫn nhau, không chồng chéo, tiết kiệm thời gian giảng dạy và phát huy khả năng tư duy sáng tạo của sinh viên. Theo yêu cầu giáo dục mới, cần tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học để phát triển năng lực tư duy sáng tạo, xử lý tình huống, thích nghi với môi trường công tác. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo cần mở các trung tâm dịch vụ; phát triển các dịch vụ có thu gắn với nghề nghiệp để nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên/học sinh, giúp các em có điều kiện cọ xát với thực tế, tạo tính thích ứng và hình thành, phát triển các kỹ năng nghề nghiệp khác. Thứ ba là chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch thông qua các dự án và các chương trình hợp tác. Xây dựng các dự án với một số nước phát triển và với các tổ chức quốc tế nhằm huy động nguồn lực nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học. Cần thực hiện đào tạo thông qua hợp tác quốc tế theo các hiệp định đưa đi đào tạo ở nước ngoài, liên doanh trong đào tạo, hoặc mở rộng cơ hội để người học tự đi học tham dự các khóa đào tạo ở nước ngoài. Cần có chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo nước ngoài tham gia đầu tư theo hình thức liên doanh để đào tạo các ngành nghề mang tính quốc tế cao… và bồi dưỡng, nâng cao trình độ tiếp cận với trình độ khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, thực hiện công nhận tín chỉ, đồng cấp bằng với các trường đại học có uy tín trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt cần nhanh chóng xây dựng hệ sinh thái công nghệ trong các cơ sở đào tạo; cập nhật, áp dụng hiệu quả những thành tựu của công nghệ thông tin, số hoá trong công tác đào tạo. Tất cả những giải pháp trên khi triển khai rất cần sự học hỏi kỹ lưỡng và sàng lọc kinh nghiệm quốc tế về chương trình, nội dung, giáo trình, tư liệu, dữ liệu, phương pháp giáo dục và phương pháp tổ chức hệ thống giáo dục. Tóm lại, để có được nguồn nhân lực du lịch đáp ứng đủ và chất lượng trong tình hình mới hiện nay các cơ sở đào tạo cần kết hợp sử dụng các chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến. Coi trọng hơn
- 82 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... nữa công tác xã hội hoá giáo dục và đề cao tính tự chủ với cơ chế huy động nguồn lực và sàng lọc nghiêm ngặt, chặt chẽ chất lượng giáo dục để tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng. Đảm bảo đội ngũ giáo viên đạt trình độ cao theo tiêu chuẩn quốc tế, chuyển đổi triệt để chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập… theo hướng hiện đại, quốc tế. Các chiến lược, chính sách và quy định đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần được bổ sung, hoàn thiện theo những tiêu chuẩn mới hướng đến đẳng cấp quốc tế, đáp ứng những yêu cầu mới. Lấy mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển đổi mô hình tăng trưởng làm ưu tiên hàng đầu đối với sự phát triển của các cơ sở đào tạo, giúp cung cấp nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng, cao về chất lượng, thúc đẩy sự phát triển của ngành trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bùi Thanh Thủy (2013), “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của trường đại học Văn hóa Hà Nội giai đoạn 2014 – 2020”, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, số 6, tr.37. 2. Phát triển thị trường lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN” – Báo điện tử, Đảng Cộng sản Việt Nam, www.tapchicongsan.org.vn (ngày 29/08/2014). 3. Bùi Thanh Thủy (2012), Những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực du lịch trong thế kỷ 21, bài viết đăng trên trang web: www.huc.edu.vn. 4. Bùi Thanh Thủy (2015), Giải pháp tăng sự chủ động hội nhập quốc tế và hội nhập có hiệu quả đối với các cơ sở đào tạo du lịch, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao – thực trạng và giải pháp” do Bộ VHTT&DL tổ chức 11/10/2016. 5. Bùi Thanh Thủy (2012), Những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực du lịch trong thế kỷ 21, bài viết đăng trên trang web: www.huc.edu.vn. 6. Bùi Thanh Thủy (2014), Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trước bối cảnh hội nhập lao động trong cộng đồng kinh tế Asean, Kỷ yếu hội thảo “ Liên kết phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ”, Thanh Hóa. 7. Bùi Thanh Thủy (2016), “Lợi ích của việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo du lịch và doanh nghiệp”, Tạp chí Du lịch (7).
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa - thực trạng và giải pháp
8 p | 201 | 8
-
Các nhân tố ảnh hưởng và giải pháp đẩy mạnh liên kết phát triển vùng du lịch trong bối cảnh hiện nay
8 p | 59 | 7
-
Mô hình trách nhiệm xã hội (CSR) dựa trên nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế
8 p | 49 | 4
-
Chính sách và hành lang pháp lý đối với đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hiện nay
7 p | 9 | 4
-
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao quản trị khách sạn trong bối cảnh hiện nay
4 p | 7 | 3
-
Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến sự biến động nhân lực du lịch trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
5 p | 8 | 3
-
Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam
11 p | 19 | 3
-
Đào tạo nhân lực ngành du lịch trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa
8 p | 14 | 3
-
Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
9 p | 7 | 2
-
Ảnh hưởng của công nghệ đến nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hiện nay
10 p | 6 | 2
-
Nguồn nhân lực du lịch ở Việt Nam - thực trạng và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay
6 p | 3 | 2
-
Hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ năng nghề trong hoạt động du lịch ở Việt Nam
8 p | 5 | 1
-
Nâng cao chất lượng đào tạo thực tế hướng dẫn viên du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
8 p | 8 | 1
-
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ buồng đối với các loại hình cơ sở lưu trú du lịch trong bối cảnh hiện nay
14 p | 7 | 0
-
Cơ hội và thách thức đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại tỉnh Đắk Nông trong bối cảnh hội nhập quốc tế
14 p | 11 | 0
-
Đào tạo hướng dẫn viên du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
18 p | 5 | 0
-
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế
11 p | 3 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn