intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Chia sẻ: Tô Nhiễm | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế" sẽ nêu ra một số khía cạnh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng dẫn viên, hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội nói chung và sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế

  1. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC ... HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ ThS. Nguyễn Văn Hợp1 Tóm tắt: Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Du lịch, với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và có giá trị, nếu có các chiến lược khai thác phù hợp thì ngành Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng hàng đầu tại nước ta. Để phát triển ngành Du lịch phải thực hiện nhiều công việc khác nhau từ việc xây dựng chính sách, hoạch định chiến lược phát triển, khai thác, quản lý, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch,… Bên cạnh đó, yếu tố có tác động rất lớn đến sự phát triển du lịch Việt Nam liên quan mật thiết đến chất lượng nguồn nhân lực. Trong hệ thống nhân sự của ngành Du lịch, hướng dẫn viên có tác động lớn đến chất lượng chuyến du lịch và sự thỏa mãn của du khách. Do đó, yêu cầu có một nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch có năng lực đáp ứng được trình độ quốc tế đang là yêu cầu cấp thiết ở nước ta hiện nay. Bài viết sẽ nêu ra một số khía cạnh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng dẫn viên, hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội nói chung và sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Từ khóa: hướng dẫn viên du lịch, nhân lực du lịch trình độ quốc tế, đào tạo hướng dẫn viên du lịch. IMPROVE THE QUALITY OF HUMAN RESOURCES FOR TOUR GUIDES IN THE CONTEXT OF INTERNATIONAL INTEGRATION Abstract: Viet Nam possesses favorable conditions for the development of the tourism industry, with a rich and valuable tourism resource system if appropriate exploitation strategies are implemented, the tourism sector has the potential to become a leading and crucial economic contributor in our country. To foster the development of the tourism industry, various tasks must be undertaken, ranging from formulating policies, setting development directions, exploiting resources, managing operations, to creating valuable tourism products. Additionally, a critical factor influencing the quality of Viet Nam’s tourism is closely tied to the quality of its human resources. In the human resources system of the tourism industry, tour guides significantly impact the quality of tours and the satisfaction of travelers. Therefore, the requirement for a competent pool of tour guides capable of meeting international standards is always essential. This article will outline some aspects to enhance the quality of tour guide human resources, aiming to meeting the Khoa Văn hóa và Du lịch, Trường Đại học Sài Gòn, Email: nvhop@sgu.edu.vn. 1
  2. 582 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... developmental needs of society in general and the specific development of the Vietnamese tourism industry amidst the current international integration. Keywords: tour guide, international tourism workforce, tour guide training. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Hướng dẫn viên du lịch là lực lượng tuyến đầu có vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện chương trình du lịch và có ảnh hưởng lớn đến chất lượng một chương trình du lịch của một công ty lữ hành. Hướng dẫn viên du lịch là người đại diện cho các hãng lữ hành để thực hiện các dịch vụ đã thỏa thuận với du khách và giải quyết các vấn đề phát sinh trong chuyến đi. Trong một chuyến du lịch, du khách được chăm sóc chu đáo hơn, chuyến đi vui vẻ hơn đồng thời cũng giúp cho họ yên tâm hơn nhờ có sự đồng hành của hướng dẫn viên. Qua chuyến đi, du khách cũng nâng cao được sự hiểu biết nhờ việc cung cấp thông tin trong suốt hành trình của hướng dẫn viên. Vai trò của hướng dẫn viên trong kinh doanh lữ hành là rất quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tồn đọng đối với lực lượng nhân sự này, trong đó chất lượng nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch ở nước ta hiện nay là vấn đề cần phải được quan tâm hơn. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi nguồn nhân lực hướng dẫn viên phải đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của thị trường du lịch. Vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam hiện nay là vấn đề sẽ được trình bày trong bài viết này. 2. NHỮNG YÊU CẦU VỚI NGUỒN NHÂN LỰC HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ Ngày nay có rất nhiều tổ chức và nhà nghiên cứu đưa ra các cách giải thích khác nhau về hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, một cách hiểu chung thì hội nhập quốc tế là quá trình các nước tiến hành các hoạt động gắn kết, hợp tác với nhau dựa trên sự chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, giá trị, nguồn lực, quyền lực (thẩm quyền định đoạt chính sách) và tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế hoặc tổ chức quốc tế. Hội nhập quốc tế hiện nay chủ yếu trên ba lĩnh vực chính đó là: Hội nhập kinh tế quốc tế; hội nhập quốc tế về chính trị,
  3. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC... 583 quốc phòng, an ninh; hội nhập quốc tế về văn hóa – xã hội, giáo dục, khoa học – công nghệ và các lĩnh vực khác. Trong đó hội nhập về kinh tế là quan trọng nhất. Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, các quốc gia luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngành kinh tế này. Ở Việt Nam theo Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, “Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại”. Sự nỗ lực của các quốc gia nhằm nâng tầm du lịch của mình cũng là lý do thúc đẩy sự cạnh tranh gay gắt của các điểm đến trên thế giới hiện nay. Một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng du lịch là việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực phải đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau. Cách riêng, để có đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chất lượng cao, cần đáp ứng được các yêu cầu sau: Một là yêu cầu về ngoại ngữ, đây được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc phục vụ du khách quốc tế. Sẽ rất khó khăn để phát triển ngành Du lịch nếu nguồn lao động trong ngành Du lịch nói chung và nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch nói riêng không sử dụng được ngoại ngữ. Theo số liệu thống kê tính đến ngày 11/3/2024, số lượng hướng dẫn viên được cấp thẻ tại Việt Nam là 37.627 người, trong đó có 13.912 hướng dẫn viên du lịch nội địa, 1.875 hướng dẫn viên du lịch tại điểm, 21.840 hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Trong số hướng dẫn viên du lịch quốc tế, phần lớn là hướng dẫn viên tiếng Anh với 12.153 người, chiếm hơn 50%; tiếng Trung Quốc là 5.561 người; tiếng Hàn Quốc là 1.009 người; tiếng Nhật 792 người, số còn lại là các nhóm ngoại ngữ khác. So sánh giữa số lượng hướng dẫn viên quốc tế và số lượt khách những năm gần đây thì có thể dễ dàng nhận thấy lực lượng hướng dẫn viên có thể sử dụng thành thạo các ngoại ngữ còn rất thiếu. Ví dụ như trường hợp của thị trường khách Hàn Quốc là điển hình, trong khi năm 2023 có 3.595.062 lượt khách Hàn Quốc tới Việt Nam nhưng số lượng hướng dẫn viên tiếng Hàn
  4. 584 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... chỉ có 1.009 người. Điều này đồng nghĩa là trung bình 01 hướng dẫn viên tiếng Hàn phải phục vụ 3.563 lượt khách trong năm 2023. Tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hướng dẫn viên cũng xảy ra với các nhóm thị trường ngôn ngữ khác. Bảng: Tổng hợp số lượt khách và số lượng hướng dẫn viên quốc tế tại Việt Nam Năm 2018 2019 2020 2022 2023 3 tháng HDV sử (Đv: lượt (Đv: lượt (Đv: lượt (Đv: lượt (Đv: lượt đầu năm dụng khách) khách) khách) khách) khách) 2024 ngoại Thị trường (Đv: lượt ngữ khách) (người) Hàn Quốc 3.485.406 4.290.802 819.089 965.366 3.595.062 844.082 1.009 Trung Quốc 4.966.468 5.806.425 871.819 124.896 1.743.204 537.661 5.561 Đài Loan 714.112 926.744 192.216 126.211 851.024 198.328 Hoa Kỳ 687.226 746.171 172.706 318.171 717.073 155.780 12.153 Các nước khác 5.644.579 6.238.449 1.630.949 2.126.578 5.692.782 1.307.873 3.117 Tổng cộng 15.497.791 18.008.591 3.686.779 3.661.222 12.599.145 3.043.724 21.840 Nguồn: Tổng cục Du lịch Việt Nam. Do đó, việc tăng cường khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là các ngôn ngữ ít phổ biến là đòi hỏi quan trọng cần phải giải quyết trong giai đoạn hiện nay. Chỉ khi nguồn nhân sự có khả năng giao tiếp tốt bằng ngoại ngữ mới có thể mở ra các cơ hội hợp tác và làm việc trong môi trường quốc tế. Hai là nguồn nhân lực hướng dẫn viên phải có kiến thức sâu rộng về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, luật pháp của các quốc gia trên thế giới. Một trong những công việc quan trọng nhất của hướng dẫn viên là giới thiệu về điểm đến cho du khách trong suốt hành trình. Khách du lịch đến từ nhiều quốc gia, có nhiều nền văn hóa khác nhau, trình độ dân trí cũng rất đa dạng, nhưng phần lớn khách quốc tế là những người có thu nhập và trình độ cao. Do đó, hướng dẫn viên không thể giới thiệu một cách hời hợt hoặc không chính xác về các nội dung liên quan đến hành trình. Công tác hướng dẫn du lịch vừa là công việc tay chân vừa là công việc trí óc, nhưng tỷ lệ lao động trí óc chiếm phần lớn trong công việc của họ. Tri thức làm nên giá trị và sự khác biệt cho từng hướng dẫn viên, chính sự hiểu biết của hướng
  5. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC... 585 dẫn viên được truyền tải qua các bài thuyết minh là phương tiện để chinh phục du khách. Ba là nguồn nhân lực hướng dẫn viên cần có nhiều kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, cách riêng là kỹ năng ứng dụng các thành tựu về công nghệ thông tin để phục vụ cho công việc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hướng dẫn viên phải làm việc không phải chỉ với du khách quốc tế mà còn phải làm việc với các đồng nghiệp, các cộng sự, các đối tác quốc tế. Do đó, họ phải có kỹ năng hợp tác, đàm phám, làm việc nhóm với các cộng sự và đối tác nước ngoài. Thời đại công nghệ thông tin phát triển như ngày nay đòi hỏi hướng dẫn viên phải có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ và ứng dụng công nghệ để trao đổi, làm việc. Đồng thời, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ cũng giúp cho công việc của hướng dẫn viên được thực hiện hiệu quả hơn. Bốn là nguồn nhân lực hướng dẫn viên cần có năng lực tự học, tự nghiên cứu. Kiến thức luôn là vô tận và sự hiểu biết của con người thì có giới hạn. Trên thực tế, lượng kiến thức được cung cấp từ phía các cơ sở đào tạo mới chỉ tạo dựng được nền tảng cho người lao động. Nhưng để phát triển sự nghiệp của mình họ cần phải tự đào sâu nghiên cứu và học hỏi. Công tác hướng dẫn đòi hỏi nhiều kiến thức liên quan đến nhiều lĩnh vực, vì vậy người hướng dẫn viên cần phải có năng lực tự học, tự nghiên cứu. Đây cũng là cách để họ nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của mình. Năm là nguồn nhân lực hướng dẫn viên cần có lòng yêu nước, yêu dân tộc, tinh thần trách nhiệm với công việc. Hội nhập quốc tế và hòa nhập với thế giới không có nghĩa là hòa tan mình vào trong một thế giới chung. Người làm công tác hướng dẫn cần luôn nêu cao ý thức trách nhiệm chính trị, tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Trong công việc, hướng dẫn viên cần phải biết tận tụy, sẵn sàng phục vụ du khách nhưng cũng phải có tinh thần bảo vệ cho lợi ích, uy tín và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; không vì lợi ích vật chất hay để làm hài lòng du khách mà làm phương hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích của quốc gia, dân tộc. Bên cạnh đó, khi hướng dẫn viên phục vụ du khách với lòng tự hào dân tộc, tình yêu đất nước và tinh
  6. 586 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... thần trách nhiệm thì đây cũng là cách để du khách quốc tế thêm phần tôn trọng, yêu mến và đánh giá cao về đất nước, con người Việt Nam. 3. CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC HƯỚNG DẪN VIÊN ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP QUỐC TẾ Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch thì trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ sở đào tạo mà còn cần có sự chung tay thực hiện một cách có trách nhiệm của các bên liên quan. Đầu tiên là các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, các tổ chức nghề nghiệp hướng dẫn viên và cả chính bản thân các hướng dẫn viên cũng phải có ý thức rèn luyện để nâng tầm chất lượng làm việc của mình. Đối với các cơ sở đào tạo: Để đào tạo nguồn nhân lực hướng dẫn viên có chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, các cơ sở đào tạo cần thường xuyên cập nhật xu hướng chung của thế giới. Chương trình đào tạo cần được đánh giá và cập nhật thường xuyên để phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội. Trong nội dung các môn học chuyên ngành, cần phân bổ thời gian thực hành hợp lý để người học có thể bắt đầu tập làm và rèn luyện kỹ năng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Yêu cầu về ngoại ngữ là hết sức cần thiết cho việc nâng cao chất lượng hướng dẫn viên du lịch. Do đó, cần tăng thời lượng học ngoại ngữ đồng thời áp dụng các mức chuẩn đầu ra ngoại ngữ cao hơn để người học có thể làm việc được trong môi trường quốc tế sau khi ra trường. Một bất cập hiện nay trong việc đào tạo là các cơ sở đào tạo chính quy ngành Du lịch hoặc chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch thì làm tốt ở việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, còn về ngoại ngữ, đặc biệt là các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh thì chưa hiệu quả. Do đó, hướng dẫn viên sử dụng ngoại ngữ ít phổ biến thì thường ít qua các trường lớp về du lịch chính quy mà thường từ các trường chuyên ngữ, sau đó thì học lớp nghiệp vụ hướng dẫn du lịch ngắn hạn. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng tới năng lực chuyên môn của hướng dẫn viên khi tác nghiệp. Vì vậy, các cơ sở đào tạo ngành Du lịch hoặc chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch nên chú trọng đào tạo cả chuyên môn lẫn ngoại ngữ. Ngoài việc đưa vào
  7. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC... 587 chương trình đào tạo ngoại ngữ chủ yếu là tiếng Anh, các cơ sở đào tạo cũng nên xem xét việc đa dạng hơn các ngoại ngữ vào chương trình giảng dạy. Đồng thời có thể để cho người học lựa chọn một ngôn ngữ mà họ mong muốn học. Điều này có thể giúp bổ sung lực lượng cho nhóm hướng dẫn viên ngôn ngữ hiếm, nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường ngày càng đa dạng. Nhà trường cũng cần có sự liên kết hợp tác với các doanh nghiệp du lịch quốc tế để tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường thực hành chuyên nghiệp. Việc hợp tác đào tạo có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Những kỹ năng làm việc chỉ có được khi có môi trường rèn luyện và thực hành thường xuyên; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong công tác đào tạo giúp người học có được môi trường tốt để thực hành. Đồng thời, các nội dung mang tính thực tế sẽ được đào tạo hiệu quả hơn khi có sự cộng tác của các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành: Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành là đơn vị sử dụng nguồn nhân lực hướng dẫn viên, họ thụ hưởng các giá trị về tri thức và sức lao động của hướng dẫn viên làm ra. Vì vậy, việc thoái thác hoàn toàn công tác đào tạo cho các cơ sở đào tạo là không thỏa đáng. Trong công tác quản trị nguồn nhân lực, một trong những công việc quan trọng cần thực hiện là đào tạo, huấn luyện người lao động. Vì vậy, để có nguồn nhân lực hướng dẫn viên tinh nhuệ, các công ty lữ hành cũng cần phải có các chương trình đào tạo nghiêm túc. Tuy nhiên đây là việc không dễ ở Việt Nam, vì để giảm chi phí tiền lương trong kinh doanh đa phần các doanh nghiệp lữ hành đều có xu hướng sử dụng hướng dẫn viên thời vụ. Vì vậy, việc yêu cầu hay huy động hướng dẫn viên thời vụ tham gia các chương trình đào tạo do doanh nghiệp tổ chức không thể thực hiện được bằng các quy định của doanh nghiệp, mà chỉ có thể nhờ vào tính tự giác của hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tại Việt Nam đa phần có quy mô vừa và nhỏ nên đội ngũ nhân sự, cách riêng là lực lượng hướng dẫn viên không nhiều. Đây cũng là một vấn đề khó trong công tác tổ chức huấn luyện, đào tạo.
  8. 588 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... Để nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, các công ty lữ hành lớn cần phải thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện; đồng thời có những chính sách để khuyến khích hướng dẫn viên tham gia các lớp đào tạo. Ví dụ như nâng lương hoặc bố trí công việc tốt hơn nếu hướng dẫn viên tham gia các lớp bồi dưỡng và có thành tích tốt trong học tập. Đối với các công ty vừa và nhỏ, việc tự tổ chức đào tạo cho hướng dẫn viên tương đối khó khăn vì lý do kinh phí và cả lý do số lượng nhân sự mỏng. Do đó, các công ty vừa và nhỏ có thể hợp tác với nhau để cùng đào tạo. Chương trình huấn luyện, đào tạo không phải thực hiện theo kiểu chiếu lệ cho có mà cần phải thực hiện nghiêm túc, bài bản và có tính thường xuyên. Các doanh nghiệp nên coi hoạt động này là một công việc mang tính định kỳ. Trong công tác huấn luyện đào tạo hướng dẫn viên, các doanh nghiệp có thể liên kết với các chuyên gia hoặc sử dụng các nhân sự có trình độ cao trong chính doanh nghiệp để tham gia đào tạo. Điều này vừa thuận tiện vừa giảm chi phí đào tạo cho doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng hướng dẫn viên du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cũng cần phải thường xuyên theo dõi, đánh giá hướng dẫn viên qua quá trình công tác. Việc theo dõi đánh giá vừa giúp hướng dẫn viên có ý thức, trách nhiệm hơn trong công việc, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp thấy được thế mạnh và điểm yếu của từng hướng dẫn viên để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với từng người. Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cũng nên chú ý đến việc tăng cường các chế độ phúc lợi nhằm thu hút và thúc đẩy tinh thần làm việc và học tập của hướng dẫn viên. Xây dựng lộ trình đào tạo và cơ hội thăng tiến rõ ràng cũng là cách hiệu quả để tạo động lực cho hướng dẫn viên ý thức hơn trong việc học tập nâng cao trình độ. Đối với các tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch: Theo Điều 3 của Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017 của Quốc hội, hướng dẫn viên phải đáp ứng các điều kiện sau mới được phép hành nghề: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch; Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp
  9. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC... 589 cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội − nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch, đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch. Như vậy, để đảm bảo đủ điều kiện hành nghề, ngoài việc phải có thẻ hướng dẫn du lịch, hướng dẫn viên phải là người có hợp đồng lao động với một doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoặc phải là hội viên của tổ chức xã hội − nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Mục đích hoạt động của hội là tạo môi trường để giao lưu, liên kết, hợp tác phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; bồi dưỡng cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề hướng dẫn cho các hội viên để nâng cao trình độ nghiệp vụ và chất lượng dịch vụ hướng dẫn du lịch; bảo vệ quyền, lợi ích, nghề nghiệp hợp pháp của hội viên. Do đó, có thể thấy rằng các tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch có vai trò rất lớn trong việc đào tạo, huấn luyện hướng dẫn viên. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động và hiệu quả hoạt động của các chi hội Hướng dẫn viên Du lịch các địa phương không đồng đều. Tại các Thành phố lớn, nơi tập trung đông đảo hướng dẫn viên như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh thì công tác tổ chức và triển khai hoạt động có sự đầu tư bài bản hơn, do đó cũng mang lại một số hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, tại các địa phương khác, do số lượng hướng dẫn viên không nhiều và tồn tại nhiều khó khăn nên hiệu quả hoạt động cũng chưa cao. Xác định rõ vai trò của mình, các tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch tại các địa phương cần phải thống nhất về quy chế hoạt động, điều lệ và cả nội dung hoạt động để đảm bảo có sự đồng bộ trong cả nước, để góp phần nâng cao nguồn nhân lực hướng dẫn viên. Để làm được điều này, các chi hội hướng dẫn viên du lịch cần phải xây dựng các chương trình huấn luyện, đào tạo định kỳ. Có sự đầu tư kỹ lưỡng về nội dung đào tạo và cần phải được đánh giá hiệu quả công tác đào tạo
  10. 590 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC... một cách nghiêm túc, từ đó có phương hướng để điều chỉnh cho phù hợp và hiệu quả hơn. Đối với cá nhân hướng dẫn viên: Công việc hướng dẫn du lịch đòi hỏi cần có nhiều kiến thức và kỹ năng khác nhau. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên khối lượng kiến thức được cung cấp bởi nhà trường cũng có giới hạn. Kiến thức được học ở nhà trường được xem là nền tảng, nhưng để hoàn thiện đòi hỏi hướng dẫn viên trong quá trình làm việc cần dành nhiều thời gian để tự học, tự nghiên cứu để bổ sung thêm các kiến thức chuyên môn phục vụ công việc của mình. Để có được kỹ năng làm việc tốt, hướng dẫn viên phải thường xuyên rèn luyện. Các kỹ năng luôn cần cho công việc hướng dẫn như là: kỹ năng thuyết minh, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng giao tiếp,… Do việc tự học phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của người học, ít bị quản lý hoặc đánh giá bởi người khác nên thường dẫn đến tâm lý chây lười hoặc thiếu nghiêm túc. Xác định được tầm quan trọng của việc tự học, hướng dẫn viên du lịch cần nêu cao tinh thần ý thức trách nhiệm với công việc, không ngừng nỗ lực học tập và rèn luyện về cả kiến thức chuyên môn và cả đạo đức, tác phong. Việc này không những mang lại lợi ích cho cá nhân hướng dẫn viên mà còn có ý nghĩa cho cả ngành Du lịch. Để việc tự học đạt hiệu quả cao, hướng dẫn viên cần phải đặt các mục tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện của cá nhân. Việc cần làm tiếp theo là lên kế hoạch thực hiện, sau đó tiến hành thực hiện một cách nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện, hướng dẫn viên cần thiết lập cơ chế tự giám sát, tự đánh, tự khen thưởng hay kỷ luật. Chỉ khi thực hiện được như vậy hiệu quả của việc tự học mới được nâng cao. Với đặc điểm công việc thường phải đi nhiều và thời gian làm việc không cố định, nên việc để có nhiều thời gian rảnh rỗi và ổn định gần như là điều không thể. Do đặc tính công việc, người làm công tác hướng dẫn phải biết sử dụng các thời gian trống của mình cho việc đọc các tài liệu chuyên môn và học tập nâng cao trình độ. Chỉ khi biết ý thức trong việc học tập, ý thức rèn luyện thì hướng dẫn viên mới nỗ lực sắp xếp thời gian và công sức để học tập.
  11. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC... 591 KẾT LUẬN Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao là nhu cầu cần thiết trong xã hội phát triển; đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt hơn. Ngành Du lịch nước ta đã có nhiều thành tựu trong những năm gần đây nhưng cũng gặp phải rất nhiều thách thức, trong đó sự thiếu thốn về nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực trình độ quốc tế đang là trở ngại để phát triển ngành. Hướng dẫn viên du lịch là bộ phận nhân sự quan trọng của ngành Du lịch, là đại diện của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành để phục vụ du khách. Họ có trách nhiệm phục vụ và quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng của đội ngũ nhân sự này vẫn chưa đảm bảo để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch là yêu cầu cần thiết. Công việc này không những chỉ là công việc của các cơ sở đào tạo mà cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn. Đây cũng là nhiệm vụ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch, đồng thời cũng là công việc cần phải làm của chính các hướng dẫn viên. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2024). “Cơ sở dữ liệu về khách du lịch”, Truy cập ngày 10/3/2024: https://thongke.tourism.vn/index. php/statistic/cat/15. 2. Thủ tướng chính phủ (2020). Quyết định 147/QĐ−TTg ngày 22 /01/2020 về Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Hà Nội. 3. Tổng cục Du lịch (2024). “Cơ sở dữ liệu trực tuyến hướng dẫn viên du lịch”, Truy cập ngày 11/3/2024. https://huongdanvien.vn/index. php/guide/cat/05. 4. Thư viện Pháp luật (2017). “Luật Du lịch.” Truy cập ngày 28/2/2024. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Luat-du- lich-2017-322936.aspx.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2