intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bộ 6 đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2020-2021 có đáp án

Chia sẻ: Hoamaudon | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:25

54
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Mời các bạn học sinh cùng tham khảo và tải về Bộ 6 đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2020-2021 có đáp án được chia sẻ sau đây để luyện tập nâng cao khả năng đọc hiểu đoạn văn, viết bài tập làm văn để tự tin đạt kết quả cao trong kì thi sắp diễn ra. Chúc các em ôn tập và đạt kết quả cao trong kì thi.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bộ 6 đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2020-2021 có đáp án

Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2020-2021

1. Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 – Trường THPT Ngô Gia Tự 

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)

Tôi luôn ngưỡng mộ những học sinh không chỉ học xuất sắc mà còn dành được nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Họ thường nắm những vị trí quan trọng ở các câu lạc bộ trong trường và ngoài xã hội. Họ đạt điểm cao trong học tập, đi thi đấu thể thao cho trường, giữ chức chủ nhiệm trong các câu lạc bộ, và trên hết, họ là những thành viên tích cực trong Đoàn, Đội. Tôi luôn tự hỏi “Làm thế nào mà họ có nhiều thời gian đến thế?”. Mặt khác, những học sinh kém đưa ra lí do họ nhận kết quả thi không tốt là do họ không có thời gian để ôn bài. Tuy nhiên, thực tế, những học sinh này lại thường không tích cực trong các hoạt động tập thể và ngoại khóa như những học sinh giỏi. Tại sao lại như vậy? Tất cả mọi người đều có 24 giờ một ngày. Thời gian là thứ tài sản mà ai cũng được chia đều. Cho dù bạn là một học sinh giỏi, một học sinh kém, tổng thống hay một người gác cổng, bạn cũng chỉ có cùng một lượng thời gian như nhau. Thời gian là thứ duy nhất mà chúng ta không thể mua được. Tuy nhiên, tại sao một người như Tổng thống Mỹ lại có thời gian quản lí cả một quốc gia rộng lớn trong khi đó người gác cổng lại than phiền rằng ông ta không có thời gian để học? Sự khác biệt là do người thành công trong cuộc sống biết cách quản lí thời gian. Chúng ta không thể thay đổi được thời gian nhưng có thể kiểm soát được cách chúng ta sử dụng nó. Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống. 

Thực hiện những yêu cầu sau:  
Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.  
Câu 2 (0,5 điểm): Nêu câu chủ đề của văn bản.   
Câu 3 (1,0 điểm): Vì sao tác giả cho rằng: Thời gian là thứ duy nhất không thể mua được?  
Câu 4 (1,0 điểm): Anh/chị có đồng ý với ý kiến: Sự khác biệt là do những người thành công trong cuộc sống biết cách quản lí thời gian không? Vì sao?  

II. LÀM VĂN
Câu 1(2,0 điểm) 
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về giá trị của thời gian.  
Câu 2 (5.0 điểm)  

Phân tích cảm nhận đoạn thơ sau:  
                                                                                    Tôi muốn tắt nắng đi 
                                                                                    Cho màu đừng nhạt mất;  
                                                                                    Tôi muốn buộc gió lại 
                                                                                    Cho hương đừng bay đi.  
                                                                                          
                                                                                    Của ong bướm này đây tuần tháng mật;  
                                                                                    Này đây hoa của đồng nội xanh rì;  
                                                                                    Này đây lá của cành tơ phơ phất;  
                                                                                    Của yến anh này đây khúc tình si;  
                                                                                    Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,  
                                                                                    Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;  
                                                                                    Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;  
                                                                                    Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:  
                                                                                    Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.  

(Trích“Vội vàng”- Xuân Diệu, Ngữ Văn 11, tập 2, tr.22, NXB Giáo dục) 

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính là: Nghị luận 
Câu 2: Câu chủ đề của văn bản là: Nếu bạn làm chủ được thời gian, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống.
Câu 3:
Thời gian là thứ duy nhất không thể mua được vì: 
- Thời gian là thứ tài sản mà tạo hóa đã chia đều cho mỗi người. 
- Không có điều gì có thể khiến thời gian thay đổi. 
⇒ Lời  nhận định còn là lời nhắn, lời  khuyên chúng  ta cần quý trọng thời gian và trân quý những gì mình đang có để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Câu 4: 
- Trích ý kiến câu hỏi  
- Nêu rõ quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình, hoặc đồng tình một nửa.  
- Lí giải hợp lí. Có thể lí giải như sau:  
+ Đồng tình vì nếu biết quản lí thời gian thì học tập và làm việc hiệu quả sẽ tốt hơn, sẽ có nhiều cơ hội để thành công.  
+ Không đồng tình vì không chỉ biết sử dụng hợp lí thời gian mà thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác (năng lực, tố chất, hoàn cảnh tác động,..) 
+ Kết hợp hai ý trên


2. Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 – Trường THPT Liễn Sơn 

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản dưới đây:

        (1) Một khi đã phân biệt chuyện nào đúng, chuyện nào sai, người nào đúng, người nào sai, khi đó bạn đã tự mặc định việc lựa chọn phe cho mình. Khi phân định rạch ròi đúng – sai, chúng ta có xu hướng tốn công thuyết phục những người xung quanh để họ có cùng niềm tin như mình, thậm chí còn ghét bỏ, không thể đứng cùng một chỗ với người có tư tưởng đối lập. Bạn đã bao giờ tự hỏi, điều gì khiến bạn cảm thấy khó chịu, ghét bỏ đối phương vào lúc đó chưa? Vì họ có quan điểm trái ngược? Hay vì họ không chịu lắng nghe bạn, không tin bạn, không tuân theo bạn, không thừa nhận rằng bạn đúng? (…)

        (2) Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng, để được thừa nhận? Đến cuối cùng, chiến thắng đó liệu sẽ đem lại cho bạn điều gì? Bạn có thực sự chiến thắng không hay đó đơn thuần là chiến thắng của “cái Tôi” bên trong bạn?

        (3) Một “cái Tôi” luôn kêu gào muốn người khác phải nghe mình, phải tôn trọng mình, phải để mình làm chỉ huy. Một “cái Tôi” khắc khoải mong được thừa nhận. Một “cái Tôi” thích chiến đấu hơn là nhún nhường. Một “cái Tôi” nói lý lẽ rất giỏi, nhưng lại chỉ thích bịt tai, vì không chịu lắng nghe nên chưa thể hiểu, chưa thể thương một người có lựa chọn khác biệt. Một “cái Tôi” vẫn còn cầm tù mình trong những vai trò, ranh giới, ẩn giấu bên trong là những lo toan, sợ hãi nên khi đứng trước sự đối lập mới vội vàng nóng giận, vội vàng tức tối, cảm thấy bị đe doạ và lo lắng về tương lai. Khi “cái Tôi” tù túng thì sẽ rất khó để nó thực sự tôn trọng sự tự do của kẻ khác. 

(Trích Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình – Dương Thùy, Nxb. Hà Nội, 2016, tr.118 – 119)

Thực hiện các yêu cầu: 
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên. 
Câu 2. Theo tác giả, một “cái Tôi” tù túng thường có những biểu hiện như thế nào?  
Câu 3. Có những biện pháp tu từ nào được sử dụng trong đoạn văn (3). Phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ đó?  
Câu 4. Theo anh/chị, việc đề cao “cái Tôi” cá nhân sẽ tác động như thế nào đến lối sống của thế hệ trẻ hiện nay? Vì sao? 
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)  
Cảm nhận của anh/chị về niềm vui lớn và lẽ sống lớn của Tố Hữu trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cộng sản trong đoạn thơ dưới đây:

                                                                                    Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ 
                                                                                    Mặt trời chân lí chói qua tim 
                                                                                    Hồn tôi là một vườn hoa lá 
                                                                                    Rất đậm hương và rộn tiếng chim… 
 
                                                                                    Tôi buộc lòng tôi với mọi người 
                                                                                    Để tình trang trải với trăm nơi 
                                                                                    Để hồn tôi với bao hồn khổ 
                                                                                    Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời 

(Trích Từ ấy, Tố Hữu, SGK Ngữ văn 11, tập 2, NXB GD 2011, trang 44)

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU  

Câu 1: Phương thức biểu đạt: Nghị luận/ phương thức nghị luận 
Câu 2: 
Một "cái Tôi" tù túng có biểu hiện: 
- Luôn kêu gào muốn người khác phải nghe mình, phải tôn trọng mình, phải để mình làm chỉ huy.  
- Khắc khoải mong được thừa nhận; 
- Thích chiến đấu hơn là nhún nhường; 
- Nói lý lẽ rất giỏi, nhưng lại chỉ thích bịt tai; 
- Cầm tù mình, ẩn giấu những lo toan, sợ hãi, ... 
Câu 3:
- Biện pháp tu từ: liệt kê; điệp từ, điệp ngữ. 
- Tác dụng: 
+ Diễn tả đầy đủ những biểu hiện của cái tôi tù túng để mọi người biết rõ hơn sự phong phú phức tạp của nó. 
+ Nhấn mạnh, phê phán cái tôi tù túng, định hướng cách sống đúng đắn tích cực.
Câu 4:
- Việc đề cao cái tôi cá nhân có sự tác động đến nhiều chiều, đến lối sống của thế hệ trẻ hôm nay. 
+ Chiều tích cực: là nhu cầu chính đáng giúp mỗi người, khẳng định được giá trị và năng lực của bản thân, dám làm những điều mình muốn, tự tin, năng động trong cuộc sống, độc lập hơn trong suy nghĩ. 
+ Chiếu hướng tiêu cực: sự thái quá, tôn sùng đến mức cực đoan, dẫn đến hàng loạt hệ lụy: nảy sinh bệnh ích kỉ, vô cảm, vô trách nhiệm
- Cần đặt cái tôi trong mối quan hệ với cái ta, với cộng đồng; Cái tôi cần tuân theo những chuẩn mực đạo lí, văn hóa, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.   


3. Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 – Trường THPT Lương Ngọc Quyến 

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU(4,0 điểm) 

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi (từ câu 1 đến câu 4)

        “Những kẻ thất bại không bao giờ chịu nhận trách nhiệm cho những gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Thay vào đó, họ luôn tự biện hộ, đổ lỗi cho người khác hoặc tự lừa dối mình. Nếu họ đang “tuột dốc” một cách thảm hại trong trường học, họ sẽ biện hộ là “Mình vô nhầm một lớp tệ hại”, “Mình không có đủ thời gian”, “Mình sinh ra vốn đã lười biếng rồi”, “Mình bẩm sinh có trí nhớ kém”, “Môn học này không hấp dẫn”, “Ba mẹ mình cũng đâu có học giỏi”… Những kẻ thất bại lúc nào cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người trừ bản thân họ. Họ đổ thừa cho thầy cô giáo giảng bài nhàm chán, đổ thừa kỳ thi quá khó, đổ thừa bạn bè làm họ xao nhãng việc học, đổ thừa cha mẹ suốt ngày cằn nhằn họ… Tệ hại hơn cả, một số học sinh còn tự lừa dối bản thân rằng mọi việc cũng không đến nỗi quá tệ, rằng môn toán của họ cũng không tệ đến thế, rằng thực chất họ học hành rất chăm chỉ - trong khi tự đáy lòng, họ biết rõ những điều đó không phải là sự thật.”

(Tôi tài giỏi, bạn cũng thế! - Adam Khoo) 

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.  
Câu 2: Chỉ ra những thái độ không bao giờ chịu nhận trách nhiệm của những kẻ thất bại được tác giả nêu trong đoạn trích.  
Câu 3: “Những kẻ thất bại lúc nào cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người trừ bản thân họ”. Anh/Chị hiểu điều đó như thế nào? 
Câu 4: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về thông điệp mà tác giả gửi gắm trong đoạn trích bằng một đoạn văn ngắn từ 5 đến 7 câu. 
PHẦN II: LÀM VĂN (6,0 điểm) 
                                                                                    Cảm nhận của anh/chị về hai khổ thơ sau: 
                                                                                    Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp, 
                                                                                    Con thuyền xuôi mái nước song song, 
                                                                                    Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả; 
                                                                                    Củi một cành khô lạc mấy dòng. 
 
                                                                                    Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu, 
                                                                                    Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều. 
                                                                                    Nắng xuống, trời lên sâu chót vót; 
                                                                                    Sông dài, trời rộng, bến cô liêu. 
 

(Trích Tràng giang - Huy Cận, Sgk Ngữ văn 11, tập II, NXB Giáo dục 2020, trang 29)

Đáp án

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận 
Câu 2: Thái độ không bao giờ chịu nhận trách nhiệm của những kẻ thất bại được tác giả nêu trong đoạn trích: họ luôn tự biện hộ, đổ lỗi cho người khác hoặc tự lừa dối mình.
Câu 3: Những người thất bại không chịu thừa nhận những khiếm khuyết, sai lầm, điểm yếu của bản thân hay nói cách khác họ là những người sống hèn nhát và giả dối. Họ không dám nhận trách nhiệm về mình mà luôn luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh. 
Câu 4: Học sinh có thể trình bày đoạn văn bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần thấy được thông điệp mà tác giả gửi gắm qua đoạn trích: Cần dũng cảm nhận trách về mình trước mỗi việc làm và hành động của bản thân. 

PHẦN II: LÀM VĂN

Cảm nhận hai khổ thơ trong bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/đoạn văn; Kết bài liên hệ được vấn đề.
2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Hai khổ thơ đầu của bài thơ Tràng giang
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: học sinh sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ một số ý như sau:  
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
- Giới thiệu tác giả Huy Cận.
- Giới thiệu bài thơ Tràng giang và vị trí của đoạn trích.


4. Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 – Sở GD&ĐT Bắc Ninh 

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:
Trong Lời bạt dành cho cuốn Thiện, Ác và Smartphone (tác giả Đặng Hoàng Giang), nhà báo Thu Hà chia sẻ:
          Bố tôi là giáo viên, nhưng cũng là nông dân khai hoang. Có lần bố tôi nhìn tôi đánh vật với đám cỏ dại nhổ rồi lại mọc, bố bảo: “Nếu con tập trung hết thời gian của con chỉ để nhổ cỏ, thì hoặc là cỏ sẽ lại mọc lại, hoặc là con có đám đất hoang, cũng chả có ích gì. Con phải vừa nhổ cỏ, vừa trồng rau vào đó”. Rồi bố chỉ cho tôi, cứ mỗi khi nhổ đi một đám cỏ dại, thì ngay lập tức trồng vào đó cụm rau khoai. Cứ thế, cứ thế. Và đúng là có rau khoai thì cỏ không thể lên bừng bừng như trước nữa.

          Trong cuộc sống tôi đã may mắn gặp những người rất chăm Gieo Trồng. Ngồi với họ được hít bầu không khí sạch và giàu oxy. Họ tràn đầy niềm vui sống và ánh sáng, từ trường của sự bình an tỏa ra từ mọi tế bào. Tôi cảm thấy mình tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn khi ngồi cạnh họ. 

(Trích Thiện, Ác và Smartphone - Đặng Hoàng Giang) 

Thực hiện các yêu cầu sau: 
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.  
Câu 2. Anh/Chị hiểu như thế nào về hình ảnh “cỏ dại” được nhắc đến nhiều lần trong đoạn trích? 
Câu 3. Người cha muốn khuyên con điều gì qua câu nói “Nếu con tập trung hết thời gian của con chỉ để nhổ cỏ, thì hoặc là cỏ sẽ lại  mọc lại, hoặc là con có đám đất hoang, cũng chả có ích gì”? 
Câu 4. Theo anh/chị, trong cuộc sống, chúng ta cần gieo trồng điều gì để bản thân tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn? Vì sao? 

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Cảm nhận nét đẹp phong cảnh và tâm trạng của Hàn Mặc Tử trong khổ thơ: 

                                                                                    Sao anh không về chơi thôn Vĩ? 
                                                                                    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên 
                                                                                    Vười ai mướt quá xanh như ngọc 
                                                                                    Lá trúc che ngang mặt chữ điền. 

(Trích Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11, Tập hai,  
NXB Giáo dục Việt Nam, 2006, tr.39)

Đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản: tự sự/ phương thức tự sự. 
Câu 2: Hình ảnh cỏ dại được nhắc đến nhiều lần trong đoạn trích mang ý nghĩa chỉ những điều xấu, điều tiêu cực trong cuộc đời.
Câu 3: Qua câu nói: “Nếu con tập trung hết thời gian của con chỉ để nhổ cỏ, thì hoặc là cỏ sẽ lại mọc lại, hoặc là con có đám đất hoang, cũng chả có ích gì”, người cha muốn khuyên con nếu dành tất cả quỹ thời gian của mình nhìn và diệt trừ cái xấu mà không tìm cách gieo mầm cho những điều tốt đẹp, thiện lương trong cuộc đời thì cũng không có ích lợi.
Hướng dẫn chấm:  
- Học  sinh  trả lời như đáp án hoặc  có  cách  diễn đạt tương đương vẫn  cho điểm tối đa 
- Học sinh chỉ trả lời một trong hai ý: diệt trừ cái xấu hoặc gieo mầm điều tốt đạt 0.5 điểm
Câu 4: 
Học sinh có thể có những suy nghĩ riêng song cần kiến giải hợp lý. Có thể tham khảo các ý sau: 
Trong cuộc sống để bản thân tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn,chúng ta cần gieo trồng: 
+ Sự học hỏi, bồi đắp, phát triển bản thân với hành động hướng thiện. 
+ Ý chí vươn lên. 
+ Tấm lòng yêu thương, vị tha. 
+ Lòng biết ơn và niềm tin cuộc sống… 
Hướng dẫn chấm:  
- Học sinh nêu một ý và lí giải hợp lí vẫn cho điểm tối đa. 
- Học sinh chỉ đưa quan điểm mà không lí giải hoặc lí giải sơ sài, không hợp lí đạt 0.5 điểm. 

Trên đây là một phần trích nội dung Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2020-2021. Để tham khảo đầy đủ, mời các bạn đăng nhập và tải về tài liệu.

⇒Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm Đề thi giữa học kì 2 môn Tiếng Anh lớp 11 năm 2020-2021 (Có đáp án)

ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2